2 Tháng Tám 2011 – YuMe.vn - 55 truyện ngắn trên phongdiep.net 1- ĐỖ NGỌC THẠCH: Quà tặng tuổi hai mươi. 2. ĐỊA LINH NHÂN KIỆT 3.QUA SÔNG BẰNG ĐÒ 4.
ĐỊA LINH NHÂN KIỆT - Đỗ Ngọc Thạch
Truyện ngắn của Đỗ Ngọc Thạch
ĐỊA LINH NHÂN KIỆT
“Chúng ta không lựa chọn cho mình quê hương nhưng quê hương thì
Ngay từ đầu đã lựa chọn chúng ta”.
(Raxun Gamzatov)
Một sự trùng hợp ngẫu nhiên, một kíp trực ban chiến đấu của máy Rađar P. 40 gồm có ba người thì ở vị trí máy số Một là Duy Nhất, ở máy số Hai là Song Nhị và ở máy số Ba là Thanh Ba. Ba người là thành một tổ chiến đấu – tổ ba người, đơn vị nhỏ nhất trong lực lượng vũ trang của chúng ta. Thường thì ba người là một khối thống nhất, như ba bộ phận của cơ thể : đầu, mình và tứ chi. Trong chiến đấu, yêu cầu hiệp đồng nhịp nhàng là yêu cầu bắt buộc : số Một thông báo phương vị , cự li mục tiêu xong thì số Hai phải thông báo ngay số lượng , kiểu (mấy tốp, mỗi tốp mấy chiếc, loại kiểu gì) và tiếp theo là số Ba phải thông báo ngay độ cao của của từng tốp, từng chiếc. Đó là nhiệm vụ chính yếu của các trắc thủ Rađar mà ba nhân vật Duy Nhất, Song Nhị và Thanh Ba phải đảm nhận trong những năm diễn ra cuộc chiến tranh phá hoại của “ không lực Huê kỳ” đối với miền Bắc Việt Nam. Binh chủng Rađar là một binh chủng kỹ thuật , mới được thành lập khi xảy ra cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của giặc Mỹ, lúc mới ra đời ít được tuyên truyền nên ít người biết đến . Ở đây tôi chỉ nói rõ thêm một chi tiết để bạn đọc hiểu rõ thêm hoàn cảnh chiến đấu của tổ ba người trắc thủ Rađar này càng làm cho họ gần gũi, gắn bó nhau hơn : khi làm nhiệm vụ, ba trắc thủ phải ngồi trong một buồng kín trên xe hiện sóng, được đặt trong một ụ đất hình chữ U để tránh mảnh bom nếu trận địa Rađar bị máy bay địch oanh tạc. Khi máy Rađar làm việc, cái buồng kín đó ngột ngạt và nhiệt độ lên tới 40 – 45 độ, dù đã có quạt thông gió…
Ba anh lính trắc thủ Rađar đó đến từ ba miền quê khác nhau : Làng quê của Duy Nhất ở một vùng đồng chiêm trũng của tỉnh Hà Nam, lúc đó còn ghép ba tỉnh gọi là Hà Nam Ninh (Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình). Tuy bị gọi là “Dân Cầu tõm” (vì đại tiện thẳng xuống ao hồ) nhưng Duy Nhất vẫn tự hào với làng quê mình vì đây là đất học – “địa linh nhân kiệt”. Còn với Song Nhị, làng quê của anh chính là nơi ngày xưa vua Lê Thái Tổ tức Lê Lợi đã nhận được gươm thần của Thần Rùa mà làm nên cuộc khởi nghĩa Lam Sơn sáng ngời lịch sử chống ngoại xâm . Song Nhị luôn kể chuyện về tổ tiên của mình đã từng theo vua Lê Thái Tổ đánh giặc Minh ra sao và có nhiều người đã lập công lớn , làm tới tướng soái, đại thần của Triều đình nhà Lê về sau. Cuối cùng sau mỗi lần kể chuyện như vậy, Song Nhị đều kết luận , quê anh ta, đất Thanh Hóa anh hùng mới thực sự là địa linh nhân kiệt. Ngay lập tức , Duy Nhất nói ngay : Nếu Lê Lợi không có Nguyễn Trãi từ đất Bắc vào đất Lam Sơn dâng Bình Ngô sách thì dù có Gươm Thần cũng không đánh thắng được giặc Minh ! Duy Nhất còn ví von giống như Lưu Bị , nếu không có Gia Cát Khổng Minh bày mưu tính kế thì dù có là tôn thất nhà Hán cũng chẳng làm nên chuyện ! Anh ta còn kể ra một danh sách dài dằng dặc những ông Nghè, ông Cống , rồi những Nhà nọ Nhà kia về sau này đều là người làng quê mình, nếu không cùng làng thì cũng là huyện mình, tỉnh mình ! Rồi anh ta kết luận : nước mình là nước nhỏ, muốn đánh thắng những lực lượng hùng mạnh của nước lớn phải dùng Trí, không thể hữu dũng vô mưu ! Tóm lại, Duy Nhất đề cao học vấn và không bao giờ anh ta quên việc nói rằng mình là học sinh giỏi cấp tỉnh , đã có giấy gọi vào đại học nhưng tình nguyện xếp bút nghiên theo việc binh đao ! Những khi Duy Nhất và Song Nhị đấu khẩu như vậy ( thường là vào những lúc cả ba người đang ngồi trong xe hiện sóng nhưng chưa có lệnh mở máy), Thanh Ba thường là ngồi yên, chỉ khi nào một trong hai người kia cần lôi kéo đồng minh thì anh mới ậm à nói vài câu, có khi chẳng ăn nhập gì với câu chuyện của hai người kia ! Vì đang mải mê với những hào quang trong câu chuyện của mình nên hai người chẳng để ý gì đến sự “ậm à” của Thanh Ba và thường là cuộc đấu khẩu bị ngừng lại ở cao trào nhưng không thể tiếp tục vì có lệnh mở máy chiến đấu . Nhiệm vụ phát hiện máy bay địch từ xa không cho phép họ chậm dù chỉ một giây !
Một cách ngẫu nhiên như vậy (hay có bàn tay sắp đặt thần bí) những cuộc nói chuyện về làng quê của ba người thường chỉ đủ thời gian cho hai người là Duy Nhất và Song Nhị , mà thực ra là chưa đủ vì cả hai người dường như cảm thấy mình nói chưa hết , nên khi tắt máy, trên đường về chỗ ở, rồi trong bữa ăn họ lại tiếp tục chứng minh làng quê của mình mới thực sự là địa linh nhân kiệt ! Ở trong môi trường quân đội, việc có được làng quê được mệnh danh là địa linh nhân kiệt là quê hương mình là niềm tự hào , là hạnh phúc lớn lao đối với người lính , bởi vì ngoài việc phải đối mặt với quân giặc, người lính chỉ còn một nơi duy nhất để dồn tâm trí về đó là quê hương !...
Thanh Ba quê quán ở đâu ? Anh suy nghĩ gì về quê hương mình ?
Cũng như mọi người lính khác , Thanh Ba cũng sinh ra từ một làng quê , ở tỉnh Thái Bình. Ngay từ những ngày đầu nhập ngũ, khi nghe mọi người chế nhạo dân Thái Bình “ tay bị tay gậy khắp nơi tung hoành” anh cảm thấy cực kỳ tủi hổ và có ai hỏi về quê quán anh đều lảng sang chuyện khác. Thực ra , anh chỉ sống ở làng quê đến năm sáu tuổi, sau đó anh theo bố lên chiến khu Việt Bắc. Những hình ảnh cụ thể về quê hương anh không nhớ rõ mà chỉ nhớ được những câu chuyện ông nội kể về cái làng quê anh. Làng anh không như những nơi khác có từ thời xa xưa mà chỉ có từ thời vua Minh Mạng nhà Nguyễn , có ông Nguyễn Công Trứ là quan Hình bộ Hữu Tham tri , giữ chức Dinh điền sứ coi việc khai khẩn đất hoang tại các miền duyên hải hai hạt Nam Định , Ninh Bình , đã lập ra được hai huyện mới là Tiền Hải và Kim Sơn và hai tổng Hoành Thu và Minh Nhất (đó là vào năm Minh Mạng thứ 10 tức năm 1829). Sau này , huyện Tiền Hải là một huyện của tỉnh Thái Bình, đó chính là huyện quê của Thanh Ba .
Dân của những huyện mới này là dân tứ xứ trôi dạt về vì đủ loại nguyên do khác nhau.Vị trưởng làng đầu tiên, theo như ông nội của Thanh Ba kể lại, vốn là sai nha ở Bắc Thành, vì tội ăn của đút mà bị đi đày, thế nào lại được quan Dinh điền sứ lấy vào đội quân khai khẩn và được cử làm xã trưởng. Khi ấy, có ông thày tướng đi qua làng, nhìn thế đất của làng và nhìn tướng của ông xã trưởng thì nói:”Ông xã trưởng này có tướng Lộ khổng tỵ tức tướng khất cái (ăn mày tứ phương). Có điều lạ là hầu hết dân ở cái làng này đều có tướng Lộ khổng tỵ. Đó, mọi người cứ nhìn mũi nhau thì thấy ai cũng thân mũi dài, nhỏ và cao, sơn căn hẹp, đầu mũi nhỏ nhọn và đặc biệt là lỗ mũi rất rộng và hướng lên phía trên. Về mạng vận, tướng lộ khổng tỵ dù có đi 4 phương 8 hướng và có Đông nhạc, Tây nhạc, Nam nhạc và Bắc nhạc đắc cách hỗ trợ cũng chỉ thành đạt phần nào về đường khoa hoạn nhưng phần nhiều hũu danh vô thực, hữu quý vô phú, luôn nghèo túng. Thảng hoặc có tiền thì cũng không giữ được…Nếu ngũ quan đều ở dưới mức trung bình thì với Lộ khổng tỵ, kẻ đó suốt đời túng thiếu, phải lưu lạc tha phương cầu thực, tức là số khất cái. Dân làng này sẽ thành Cái Bang!
Mọi người nhìn mũi nhau thì quả nhiên như lời ông thày tướng, chẳng sai câu nào. Chỉ ba bảy hai mốt ngay sau đó, dân làng đã “tay bị tay gậy khắp nơi tung hoành”! Chuyện đó tồn tại cho đến hôm nay, hành khất đã trở thành nghề chính của dân làng.
***
Trong những năm tháng diễn ra cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ở miền Bắc, lực lượng Phòng không - Không quân phải trực ban chiến đấu 24/24. Riêng đối với Binh chủng Rađar – được mệnh danh là Mắt Thần, thì vấn đề này đặc biệt quan trọng. Tuy thế, các thủ trưởng đơn vị rất rất linh hoạt giải quyết cho các anh lính trắc thủ Rađar của chúng ta được tranh thủ về thăm gia đình vào những ngày Tết hoặc khi có tang gia. Vào dịp Tết năm thứ ba của đời lính , Thanh Ba được tranh thủ về quê, trước khi đi thủ trưởng đơn vị đã nhắc đi nhắc lại : chỉ được đúng ba ngày , không được đến đơn vị trễ dù chỉ một giờ !
Lúc này , bố mẹ Thanh Ba đang sống và làm việc ở Hà Nội. Nếu thuận buồm xuôi gió, anh có thể xum họp gia đình trong đêm giao thừa ! Đó là điều mà bất kỳ anh lính trẻ nào cũng mong ước !
Sáng ngày Ba mươi Tết, Thanh Ba dậy thật sớm và lên đường khi những giọt sương đêm còn long lanh trên những ngọn cỏ ven đường. Từ chỗ đơn vị đóng quân ra tới đường quốc lộ chỉ có một giờ đi bộ. Anh thật may mắn , gặp ngay một xe chở thương binh từ chiến trường miền Nam ra Bắc. Đồng chí lái xe vui vẻ cho anh đi và còn tặng anh một gói thuốc lá Sa-mít hút Tết. Đúng là từ nơi bom đạn ra, ai cũng hào phóng và thân thiện !
Chiếc xe chở thương binh tới Thái Bình thì dừng lại , cho hai thương binh xuống xe . Một người bị cụt mất một chân, người kia còn băng kín cả hai mắt. Người bị băng kín hai mắt cho người bị cụt chân vịn vào vai và làm người chỉ đường, hai người dìu nhau bước đi trên con đường lầm bụi… Một ý nghĩ vụt lóe lên trong đầu Thanh Ba , anh hỏi đồng chí bác sĩ phụ trách đoàn :
- Hai đồng chí thương binh kia đi về huyện nào vậy ?
- Huyện Tiền Hải . Hình như họ đều là người làng Cái Bang !
Đồng chí Bác sĩ cười cười rồi nói tiếp :
- Dân ăn mày có ở khắp nơi, điều đó ai cũng rõ. Nhưng có cái làng mà cả làng đều hành nghề ăn mày thì giờ tôi mới biết !...
Đồng chí là lính phòng không à ? Người Hà Nội à ? Đồng chí thật là hạnh phúc : đi lính thì là “lính Cậu”, làm người thì là dân Thủ đô , không bù cho tôi , quê tôi ở tít ngoài đảo Bạch Long Vĩ bốn bề sóng vỗ !...
Ý nghĩ vừa lóe lên ban nãy trong đầu Thanh Ba đã hiện rõ hình hài : Mình phải về quê , về cái làng Cái Bang – nơi mình đã được sinh ra mà gần hai mươi năm qua mình tưởng như đã quên đi, đã biến mất trong tâm tưởng ! Thanh Ba vội vàng lấy ba-lô rồi xuống xe, chạy theo hai người thương binh đã mất hút trên con đường mờ bụi ! Người bác sĩ và lái xe trố mắt nhìn theo !...
Thanh Ba đi như chạy , mong đuổi kịp hai người thương binh nhưng càng đi anh càng không thấy tăm hơi họ đâu ! Ngồi nghỉ dưới một gốc cây đa bên đường , Thanh Ba mới kịp nhận thấy người mình đầm đìa mồ hôi, cổ thì khát cháy ! Thanh Ba bình tĩnh sắp xếp lại những ý nghĩ đang bay lượn như đàn én giữa trời xuân thì có một ông già đầu đội nón mê, vai đeo bị, một tay cầm gậy đi tới. Anh đứng dậy , định tiếp tục bước đi thì giật mình kinh ngạc khi nhận ra ông già đó chính là ông Nội !
Hình như ông nội đã nhận ra Thanh Ba từ xa, nên khi gặp Thanh Ba ông cười vui vẻ :
- Ông đoán biết thế nào Tết này cháu đích tôn của ông cũng về quê ăn Tết mà ! Nào , ta về nhà đi , ông có rất nhiều quà cho cháu đây ! Ông còn được báo mộng , năm nay cháu của ông sẽ được trở về tiếp tục học ở trường đại học Bách khoa của cháu !
Thanh Ba đi theo ông nội như một cái bóng câm lặng , biết bao nhiêu ý nghĩ cứ chuyển động hỗn loạn trong đầu anh , không có cái nào rõ ràng cả… Anh lại như nghe thấy ông nội nói :
- Bố cháu muốn ông bỏ cái làng này, lên Hà Nội ở với nhà cháu, nhưng ở được một năm thì hết chịu nổi : chật chội, tù tùng , bố cháu lại lắm khách khứa , toàn những người kiểu cách , không thực lòng , họ chỉ muốn nhờ vả bố cháu để lên lương lên chức, tức là họ chỉ đến với cái quan chức của bố cháu. Mà quan nhất thời, dân vạn đại, khi bố cháu thôi quan chức rồi thì sao ? Mà còn điều này nữa, tại sao bố cháu lại coi khinh cái nghiệp của cha ông , lại muốn quên đi cái làng quê nơi mình đã sinh ra ? Thôi được , cháu đích tôn của ông không như vậy là ông vui rồi !...
Hai ông cháu về tới nhà từ lúc nào không hay, Thanh Ba vô cùng ngạc nhiên khi thấy bà nội tóc bạc phơ mà vẫn còn rất khỏe !
Rồi cả các chú , bác, ai cũng rất khỏe mạnh , nhanh nhẹn, đặc biệt là ai cũng có đôi chân săn chắc như của vận động viên ma-ra-tông !...
Đêm giao thừa ở nhà ông nội thật vui vẻ , Thanh Ba có cảm giác như đây là nơi hội tụ của niềm vui ! Khách đến xông đất rất đông và ai cũng đem đến một niềm vui, một điều bất ngờ ! Và điều khiến Thanh Ba kinh ngạc hơn cả là sự góp mặt của đủ loại anh tài trong thiên hạ : đây là nhà khoa học đang làm việc tại viện vật lý địa cầu, một người khác đang làm việc tại viện hạt nhân nguyên tử nước ngoài, đây là vị giáo sư nổi danh của trường đại học Thủy sản , một vị khác đang giảng dạy tại trường đại học kinh tế , đây là vị bác sĩ nổi tiếng về châm cứu và day huyệt , một người khác là dược sĩ cao cấp của một công ty dược hàng đầu thế giới , đây là nhà thơ châm biếm , đây là nhà báo , đây là họa sĩ, còn đây là nhà ảo thuật, đây là nhà thiết kế thời trang , đây là diễn viên điện ảnh, đây là siêu người mẫu , siêu sao ca nhạc…Riêng trong lĩnh vực thể thao gần như có đủ các bộ môn và đều ở cấp kiện tướng, đặc biệt là môn điền kinh thì nhiều vô kể !... Đám thanh niên trẻ tuổi và Thanh Ba cứ tròn mắt, há mồm ra mà kinh ngạc, mà thán phục !
Ở cái làng quê được gọi là “Làng Cái Bang” này có tục lệ dù phiêu dạt ở tận chân trời góc biển nào , cứ đến cái thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới đều phải về làng để trình làng những thành công , kết quả mà mỗi thành viên đã đạt được và đóng góp vào quỹ Bảo trợ của làng . Quỹ này sẽ giúp đỡ, chi viện cho những thành viên chưa thành đạt hoặc bị sa cơ lỡ bước, gặp khó khăn,tai biến ! Chính vì vậy , đêm giao thừa trở thành đêm hội làng và kéo dài tới sáng, vì không phải những người ở xa về làng đều có thể đúng khớp một giờ nhất định !
Thanh Ba lại bị một bất ngờ nữa khiến anh bàng hoàng , đó là việc ông nội anh đang giữ trọng trách là vị Trưởng làng thứ 12 vị trưởng làng cuối cùng của một Giáp. Vị trưởng làng thứ 12 sẽ phải vất vả để hoàn thành việc tổng kết, hoàn tất cuốn lịch sử 140 năm của làng . Việc làm đó của ông nội , lẽ ra bố của Thanh Ba phải là người trợ giúp đắc lực , nhưng…
Tới ba, bốn giờ sáng mồng Một Tết, năm người làng cuối cùng đã về trình làng , đó là năm người được mệnh danh là Ngũ hổ khi còn ở làng và bây giờ thì được giới kinh doanh Việt kiều gọi là đại gia một cách kiềng nể ! Sau khi năm Việt kiều đại gia kể chuyện ở xứ người (có đủ cả năm châu bốn biển), vị phó trưởng làng , đang hành nghề Đông y ở Thủ đô , lên tiếng :
- Tôi đố ai nói được ba điểm khác người của làng ta , ai nói đúng sẽ được thưởng một ngàn đô-la !
Mọi người tranh nhau nói nhưng không ai nói trúng đáp án !
Bỗng có một vị đang hành nghề nhà báo reo lên :
- Tôi nghĩ ra rồi ! Ơ- rê-ka ! Tôi đã nghĩ ra : Thứ nhất, người làng ta không có ai bị dính vào cái họa tù ngục ,”nhất nhật tai tù thiên thu tại ngoại”. Vừa rồi , tôi có đi cùng với mấy đồng nghiệp bên công an đến tất cả các trại giam lớn nhỏ trên toàn quốc thì phát hiện ra rằng không có người làng ta . Điều này tưởng bình thường , nhưng hầu như không có làng nào như làng ta. Nếu làng nào cũng trong sạch như làng ta thì đỡ tốn kinh phí khổng lồ cho việc nuôi một đội quân khổng lồ gồm cảnh sát , viện kiểm sát, Tòa án, trại giam, v.v… Thứ hai , dù làm bất cứ ngành nghề gì , người làng ta vẫn giữ được truyền thống : đó là mỗi năm phải hành khất một tháng ! Thứ ba , người làng ta có mặt ở nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương, thậm chí nhiều quốc gia nhất !
Vị nhà báo định nói nữa nhưng phó trưởng làng ngăn lại :
- Hai điểm đầu là chính xác và giữ được mãi cũng không phải là đơn giản ! Còn điểm thứ ba thì vô bằng cớ, không thể chính xác được ! Khi nào làng ta có người làm ở Viện Xã hội học thì mới có thể có được con số thống kê chính xác !
Vị nhà báo ngớ người, mọi người xì xào, không ai dám quả quyết điểm thứ ba ấy là gì . Phó trưởng làng cười tủm tỉm rồi nói từ tốn :
- Nếu không ai nói được tôi xin công bố đáp án ! Điểm này chỉ những ai rành về tướng số mới có thể nói được ! Đó là trai tráng làng ta tuy có tướng Lộ khổng tỵ nhưng đều rất tốt về đường thê tử , tức là cũng lấy được vợ có tướng cáchVượng phu ích tử : người thì có Ô long quấn ngọc trụ , người thì có Song Long nhiễu nguyệt !...Hãy hỏi các đức ông chồng thì rõ !
Đám đông rộ lên, tiếng cười khậc khậc của các ông chồng, tiếng cười khúc khích của các bà vợ đan xen vào nhau tạo thành thứ âm thanh kỳ ảo , ma quái ! Đám thanh niên trẻ tuổi thì ngơ ngác ! Phó trưởng làng nói tiếp :
- Hẳn mọi người đã biết những câu đại loại như : Thuận vợ thuận chồng biểnĐông tát cạn, Của chồng công vợ , vân vân…
Trai làng ta tuy sống tha phương cầu thực nhưng cái tổ ấm ở nhà rất bền vững . Làng ta tuyệt nhiên không có chuyện gia đình tan vỡ, vợ chồng ly hôn giữa chừng mà năm nào cũng có những đám cưới vàng, đám cưới bạc ! Đấy là điểm thứ ba mà chỉ làng ta mới có !...
Thanh Ba càng nghe càng kinh ngạc bởi đó là những điều chưa bao giờ anh nghĩ tới về làng quê mình và cũng chưa thấy ai nói như thế về làng quê họ, Những câu chuyện anh nghe từ lúc giao thừa cho tới sáng cứ như là những câu chuyện cổ tích của An-đéc-xen - người biết nhặt ra những viên ngọc từ những vũng bùn lầy !...
Tới phút chót của đêm hội làng thì bố của Thanh Ba và cô con gái út xuất hiện . Mọi người cùng reo lên :
- Ông con trưởng của Trưởng làng đã về !...
Ông bố Thanh Ba bắt tay mọi người không kịp , mấy vị đại gia Việt kiều thì nói với nhau : “Chúng ta đã đi khắp năm châu bốn biển , gặp anh tài , vĩ nhân cũng không ít, nhưng người như Anh Cả Tam đây thì thật là của hiếm : đi chiến trường thì làm tới tướng soái , bị thương nặng , bom đạn găm đầy mình mà không chết, giờ lại làm kinh tế không thua ai , đúng là văn võ song toàn ! Thán phục, thán phục !... Còn ông phó trưởng làng thì uống cạn li rượu cuối cùng rồi gật gù : “Cổ nhân nói chẳng bao giờ sai, hổ phụ sinh hổtử !”. Lúc ấy , Thanh Ba thấy ông nội ngồi im như pho tượng nhưng từ hai hốc mắt nhăn nheo của ông từ từ lăn ra hai giọt nước mắt lung linh như hai viên ngọc…
Những ngày Tết bao giờ cũng qua đi rất nhanh , như có một lực vô hình vừa đẩy vừa kéo ! Sáng mồng Hai Tết, Thanh Ba phải chia tay với ông nội để trở về đơn vị, anh không muốn bị trễ giờ qui định vì đó là uy tín , là danh dự của người lính ! Ra tới cây đa bữa trước , Thanh Ba giật mình ngạc nhiên khi thấy hai người thương binh hôm Ba mươi Tết đang dắt díu nhau đi trên đường . Người bị băng kín hai mắt vẫn còn băng mắt , người chống nạng vẫn chống nạng , chỉ có điều khác là người băng mắt đang cao hứng đọc vang lên những câu thơ :
“…Bàn tay trong túi áo tả tơi
Tôi đi dưới trời , Nàng Thơ ơi
Chư hầu của Nàng là tôi đấy
Ôi ! Những tình mơ mê mải
Quần thủng lỗ tôi đi
Làm cậu Tí hon mơ mộng …”
Thanh Ba buột mồm nói to : “Trời đất ! Đó là bài Đời lang bạt của Rimbaud !” rồi vội vàng đuổi theo hai người thương binh ! Nhưng thật là kỳ lạ , càng đi, Thanh Ba càng bị hai người kia bỏ xa hơn và rồi họ như là biến mất trên con đường mờ bụi !...
Thanh Ba về tới đơn vị trước giờ qui định một giờ, và người anh gặp đầu tiên chính là Duy Nhất và Song Nhị ! Cuộc đấu khẩu muôn thuở giữa hai người dường như đang tới hồi cao trào, tức ai cũng muốn giành bốn chữ “ địa linh nhân kiệt” về làng quê của mình ! Nhìn thấy Thanh Ba , hai người cùng nói :
- Hôm nay không phải trực ban chiến đấu , nhất định cậu phải tỏ rõ thái độ của mình , cậu phải nói dứt khoát : làng quê của ai xứng đáng được nhận bốn chữ ĐỊA LINH NHÂN KIỆT ?
Thanh Ba nói ngay không chút ngần ngừ: “Làng quê tôi!”, hai người kia tròn mắt, há hốc mồm kinh ngạc và họ đều hiểu rằng : Từ hôm nay sẽ là “Tam quốc diễn nghĩa” chứ không chỉ là “Hán, Sở tranh hùng” nữa !...
Đ.N.T.
Phongdiep.net
máy Ra-đa P-45
Tác giả trước văn bia Văn Miếu Hà Nội, 1996.
TỪ VĂN MIẾU ĐẾN HỒ HOÀN KIẾM- Đỗ Ngọc Thạch
TỪ VĂN MIẾU ĐẾN HỒ HOÀN KIẾM
Truyện ngắn của Đỗ Ngọc Thạch
1.
Ở Hà Nội có nhiều di tích văn hóa - lịch sử lớn, song có hai nơi gắn bó với tôi rất bền chặt và tôi đã gửi vào đó rất nhiều kỷ niệm không thể phai mờ, đó là Văn Miếu Quốc Tử Giám và Hồ Hoàn Kiếm. Có rất nhiều lý do để người ta gắn bó với một vùng đất, một địa danh nào đó và sự gắn bó của tôi với Văn Miếu Quốc Tử Giám và Hồ Hoàn Kiếm cũng có rất nhiều lý do, trong đó có ba lý do quan trọng nhất là:
1/ Nhà bố mẹ tôi ở đường Giảng Võ, mà tôi thì làm việc ở Viện Văn học (Từ năm 1978 đến năm l980), nên ngày ngày tôi phải đi làm (đi bộ) trên tuyến đường Giảng Võ – Cát Linh – Văn Miếu – Nguyễn Thái Học – Tràng Thi – Hồ Hoàn Kiếm – Lý Thái Tổ (Viện Văn học);
2/ Lý do thứ hai là cả hai địa danh này đều có Rùa. Tôi đã đứng ngắm hàng giờ Rùa Văn Miếu cũng như Rùa Hồ Hoàn Kiếm, bởi từ nhỏ tôi đã thích loài linh vật này, lớn lên càng thích hơn bởi nó hợp với tính cách tôi “Chậm mà chắc!”, tôi thích luôn cả những người có tướng cách “Quy bối” – Tướng Rùa, đây là quý tướng, những người có tướng Rùa làm quan ở đâu thì con dân được nhờ!
3/ Lý do thứ ba để tôi gắn bó với Văn Miếu và Hồ Hoàn Kiếm là bởi có một người con gái Hà Thành rất đặc biệt…Truyện ngắn này viết về người con gái Hà Thành đó…
2.
Như vừa nói trên, “Tuyến đường Đau khổ” của tôi có đi qua phố Tràng Thi, ở đó có Thư viện Quốc gia là nơi tôi thường vào đọc sách từ thời còn là sinh viên. Thư viện của Viện Văn học cũng khá đủ sách phục vụ công tác nghiên cứu, song đến Thư Viện Quốc gia vẫn là cái thú riêng của không ít người làm công tác nghiên cứu văn học nói riêng và văn hóa - khoa học nói chung. Tôi thuộc diện của những người “Coi thư viện là nhà”, không những ban ngày mà cả ban đêm cũng chui vào Thư viện, ăn trưa, thường là cả ăn chiều ở Thư viện thì không gọi là nhà thì gọi là gì?
Đến Thư viện Quốc gia còn có một đối tượng, tuy không nhiều nhưng bao giờ cũng có, đó là những học sinh phổ thông Hà Nội (nhà ở gần Thư viện) sắp thi vào Đại học và những người Hà Nội đi “chinh chiến” đó đây giờ được trở về muốn thi vào Đại học. Người con gái mà tôi nói rất đặc biệt tên gọi Tiểu Hà, là học sinh phổ thông nhưng kỳ thi trước vì lý do đặc biệt phải bỏ thi, nên năm sau thi lại, gọi là “Thí sinh tự do”, cũng thường vào đọc sách, ôn thi ở Thư viện. Và chính tại đây – Thư viện Quốc gia – tôi đã gặp Tiểu Hà…
3.
Bữa ăn trưa của tôi (và phần lớn những người khác thời đó – mà người ta gọi là “thời Bao cấp”) tại Thư viện thường là một cái bánh mỳ (không nhân hoặc có nhân – tùy người) hoặc cơm nắm cơm đùm đạm bạc, có vài người còn huy động cả binh chủng “ngô khoai sắn”,(và nếu ở tại Cơ quan cũng thế). Chúng tôi ăn trưa ở những băng ghế đá ngoài sân Thư viện, khá rộng và cũng đẹp như Công viên. Không biết mọi người thế nào, chứ tôi thì ăn xong chỉ thấy đói hơn lúc chưa ăn! Để giải quyết vấn đề này, tôi thường tới thùng nước công cộng của Thư viện uống cho tới lúc bụng căng như bụng cóc!...
Hình như có người “theo dõi” việc sài nước của công quá trớn đó của tôi, và một lần tôi vừa uống xong gần chục ca nước thì có tiếng nói sau lưng: “Thái quá bất cập! Anh mà uống nước nhiều như thế rất có hại!” Tôi giật mình quay lại và càng kinh ngạc hơn khi trước mặt tôi là một cô gái có khuôn mặt rất giống với nhân vật Ac-si-nha trong phim “Sông Đông êm đềm” (dựng theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Sô-lô-khôp) mà tôi rất có ấn tượng khi xem bộ phim này…Tôi chưa kịp hết ngạc nhiên thì cô gái biến mất, trước khi biến mất còn để lại cho tôi một “nụ cười sáng lóa sau vành môi ẩm ướt”! Không biết cô gái cười vì cái gì, chắc là bộ dạng của tôi lúc đó tức cười lắm?
Cô gái có khuôn mặt rất giống nhân vật Ac-si-nha đó chính là Tiểu Hà, cô gái Hà thành rất đặc biệt mà tôi đã nói ở trên!
Tiểu Hà đặc biệt vì ba lý do: 1/ cái tên Tiểu Hà gợi cho ta một cô bé xinh xắn, nho nhỏ nhưng cô lại già trước tuổi có đến gần chục tuổi, vì thế tôi hơn Tiểu Hà gần chục tuổi nhưng tôi có cảm giác như ngang tuổi nhau! 2/ Tiểu Hà đã cùng mẹ chăm sóc người bố nằm một chỗ suốt 5 năm trời rồi lại một mình chăm sóc song thân năm năm nữa khi mẹ cô cũng không thể đi lại được! 3/ Nhà nghèo, lại phải chăm sóc bố, mẹ bệnh tật nhưng Tiểu Hà rất chăm học và có một sự hiểu biết rất sâu rộng, mặc dù cô mới tốt nghiệp Trung học, chưa thi vào đại học, nhưng thực ra cô đã tự học xong chương trình bộ môn Lịch sử của Đại học Sư phạm…
4.
Theo thói quen, trưa hôm sau, tôi lại uống căng một bụng nước! Lần này thì cô gái tới nhẹ nhàng cầm lấy cái ca khỏi tay tôi và nói: “Anh không được uống nước nhiều như thế, máu anh sẽ bị loãng và tai biến sẽ ập đến bất cứ lúc nào!” Trời đất! Đây là lần đầu tiên tôi nghe nói như vậy! Tôi thoáng hoảng sợ và chắc điều đó thể hiện rõ trên nét mặt tôi và khiến cô gái mỉm cười – lại là nụ cười sáng lóa sau vành môi ẩm ướt!...Tôi đang lúng túng không biết nói gì thì một ông thầy học của tôi ở Khoa Văn ĐHTH tới uống nước, thấy tôi đứng trước cô gái thì nói: “Cậu quen Tiểu Hà đấy à?” Tôi ngập ngừng chưa biết trả lời ra sao thì cô gái – Tiểu Hà nói: “Dạ! Ngày nào em tới Thư viện cũng gặp anh ấy đang uống nước!...” Ông thầy cười, nói: “Thì ra là người quen cả! Cô Hà đánh máy xong tập bản thảo ấy chưa? Có bản thảo mới , mai tới nhà tôi lấy nhé!...” Khi ông thầy đi rồi, Tiểu Hà nói: “Em vẫn thường đánh máy thuê kiếm tiền. Ông thầy của anh nhiệt tình kiếm bản thảo cho em lắm, anh có ông thầy thật là tốt bụng, tính giá cao hơn những người khác!” Tôi lại thêm ngạc nhiên về Tiểu Hà!...
Có nhiều người tới thùng nước công cộng uống nước, chúng tôi đi ra khoảng sân rộng, tiếp tục nói chuyện về đề tài đánh máy. Tôi nói với Tiểu Hà: “Kiếm tiền bằng đánh máy chữ phải siêu lắm vì tiền công rất rẻ mạt. Bà Chung đánh máy ở cơ quan tôi đánh máy cả mười ngón tay, nghe cứ như mưa rào, mà mỗi ngày cũng chưa tới ba chục trang! Tiểu Hà đánh máy kiếm tiền đã lâu chưa, mỗi ngày được bao nhiêu?” Hà cười nhỏ nhẹ, nói: “Em đã phải đánh máy kiếm tiền năm năm rồi, từ khi mẹ em nằm liệt giường. Cả bố và mẹ em đều làm nghề dạy học, đều đánh máy thuê kiếm tiền như một nghề thứ hai!... Giờ đối với em là nghề chính!” Lần này thì tôi ngạc nhiên hết sức bởi với tôi, tự nuôi mình mình mà cũng thấy khó khăn, trong khi Tiểu Hà lại phải gánh một gánh nặng ngoài sức tưởng tượng!...
Thế là từ đó, tôi gặp những bạn học cũ đang làm việc ở các nhà xuất nhận bản thảo về đưa cho Hà đánh máy. Đánh máy cho nhà xuất bản thì tiền công rẻ hơn đánh máy cho cá nhân nhưng có đều và được đọc sách trước thiên hạ! Chính điều thú vị có màu sắc lãng mạn đó đã giúp cô gái có thêm sức mạnh và lòng kiên nhẫn để ngày ngày đêm đêm ngồi bên máy chữ ghép những con chữ vô hồn thành cuộc đời với biết bao sắc màu, âm thanh kỳ ảo!... Lúc đó, tôi cũng thường đánh máy chữ nhưng chỉ ở trình độ “mổ cò” và đánh máy bài viết của mình mà thôi. Vì thế, khi nhìn Tiểu Hà đánh máy, tôi thấy không khác gì nghệ sĩ đàn piano! Chính cái cảm giác đó đã giúp tôi “tiến bộ” rất nhanh về tốc độ đánh máy và chỉ sau một tháng “học mót” cách đánh máy của Hà, tốc độ đánh máy của tôi không thua các tay thợ chuyên nghiệp, nghe tiếng máy chữ cũng như …mưa rào mùa hạ!
5.
Nhà Tiểu Hà ở ngay trên đường Quốc Tử Giám, phía bên phải nếu tính cho người đang đi vào Văn Miếu. Dãy phố này trước đây yên tĩnh dưới những tán cây bàng mát vào mùa hè, buồn về mùa đông, sau này người ta mới mở hàng quán buôn bán ì xèo và nhiều nhất là những đại lý vé số. Con đường qua nhà Tiểu Hà nằm trên tuyến đường tôi vẫn ngày ngày đi qua, như đã nói trên. Song, từ khi quen biết Tiểu Hà, con đường này là điểm dừng thứ hai của tôi sau Thư viện Quốc gia, và cũng là điểm dừng khá lâu. Bởi những lúc rảnh rỗi, thường là viết xong một bài nghiên cứu gì đó, tôi lại tự thưởng cho mình được đến …ngắm Tiểu Hà! Gọi làngắm nhưng thực ra tôi thường làm một việc gì đó phụ giúp công việc đánh máy của Tiểu Hà, chẳng hạn như đọc cho Tiểu Hà đánh máy, sửa lỗi bản đã đánh máy, hoặc những lúc Tiểu Hà phải chăm sóc bố, mẹ thì ngồi vào bàn gõ máy chữ như …điên!
Tôi đến nhà Tiểu Hà càng thường xuyên hơn khi nói chuyện với ông bố của Tiểu Hà (sức khỏe ông rất kém nên rất ít nói chuyện với khách đến nhà), tôi mới được biết ông đã từng là giáo viên của trường Phổ thông cấp 2 – 3 Lương Ngọc Quyến khi còn dạy học ở Thái Nguyên. Năm 1961, gia đình tôi ở Thị xã Thái Nguyên, tôi học lớp Năm ở trường này, còn ông chỉ dạy ở khối cấp Ba. Tuy thế, từ đó tôi vẫn gọi ông là thầy và phụ với Tiểu Hà trong việc chăm sóc ông. Ông bố Tiểu Hà là một thanh niên Hà Nội gốc, học giỏi và đầy nhiệt huyết. Tốt nghiệp Khoa Sử Đại học Sư phạm, ông đã tình nguyện đi dạy ở miền Núi, một phong trào rất sôi động của Thanh niên Thủ đô lúc đó đã để lại dấu ấn trong bài thơ “Lên miền Tây” của nhà thơ Bùi Minh Quốc:Tuổi hai mươi khihướng đời đã thấy / Thì xa xôi gấp mấy cũng lên đường!…Ông đã đi hầu hết những huyện miền núi đầy gian khổ của tỉnh Thái Nguyên như Phú Lương, Đại Từ, Võ Nhai…Ai đã ở Thái Nguyên đều biết câu ca buồn: Những người lử khử, lừ khừ / Chẳng ở Đại Từ thì ở Võ Nhai – đó là nói về những người bị bệnh sốt rét! Và chàng thanh niên Hà Nội bố của Tiểu Hà bây giờ đã không thoát được căn bệnh “lưu truyền” đó, chuyển về thị xã Thái Nguyên được vài năm thì bệnh tái phát, trầm trọng hơn, suýt lấy mạng ông! Vợ ông, cũng là con gái Hà Nội, cũng là giáo viên đã đồng hành với ông “trên từng cây số”, tuy không dính bệnh sốt rét như chồng nhưng do cuộc sống kham khổ và khóc thương chồng nhiều mà sức khỏe suy kiệt dần!...
Những lúc đầu óc minh mẫn, tỉnh táo, ông bố của Tiểu Hà rất thích bàn luận về các nhân vật lịch sử nổi tiếng cổ kim Đông Tây.
Nghe ông nói chuyện, lịch sử như sống lại rất sinh động, với đủ sắc màu vừa rất thực lại cũng rất kỳ ảo! Chẳng hạn như ông bảo, Tại sao La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp không chịu ra giúp Tây Sơn Nguyễn Huệ? Tại vì ông đã biết Tử Vi của Nguyễn Huệ, Huệ đoản mệnh. Còn việc Huệ ra Bắc “phò Lê diệt Trịnh” thì không đánh cũng thắng bởi đối thủ đã tự hủy diệt!...Hoặc có một nhân vật lịch sử “công nhiều mà tội cũng không đáng chết” nhưng lại nhận cái chết bi thảm là Nguyễn Hữu Chỉnh!...Chỉnh phò giúp Nguyễn Huệ khi mới ra Bắc, lại “mai mối mát tay” cho Huệ với công chúa Ngọc Hân, đó là một kỳ nữ của Bắc Hà, đáng lẽ phải được ghi công đầu, vậy mà…bị “thay ngựa giữa đường”!...Không chỉ hiểu sâu sắc về lịch sử, ông giáo còn là một nhà thơ chưa xuất đầu lộ diện. Ông gần như thuộc hết các nhà thơ lớn của Việt Nam và thế giới, ông đã làm rất nhiều thơ nhưng hầu như không còn giữ bản viết tay nào, bởi ông nói, những cái gì đáng nhớ thì nó sẽ ở mãi trong đầu ông! Song, những lúc ông muốn đọc thơ của ông cho tôi nghe thì sức khỏe ông lại có vấn đề! Thật đáng tiếc!...
6.
Việc tôi đến nhà Tiểu Hà dày hơn đã gặp phải một “lực cản” hoàn toàn bất ngờ đối với tôi. Kề sát nhà của Tiểu Hà là một nhà Đại lý vé số. Đứng tên chủ đại lý vé số và cũng thường ngồi bán vé số là một người khó đoán tuổi, có cái lưng nổi một cục to tướng, mà người ta gọi là “Lưng gù”. Tôi thường không nhìn qua nhà Lưng gù vì chỉ muốn mau chóng vào gặp Tiểu Hà. Một hôm, tôi nhận được tờ giấy học trò, có viết mấy dòng như sau: “Kính gửi Thạch Tiên sinh! Tôi đã điều tra kỹ lý lịch Tiên sinh, biết Tiên sinh đang làm việc ở Viện Văn học, một cơ quan Nhà nước danh giá. Tiên sinh là người đọc sách Thánh hiền, vậy mong Tiên sinh xử sự như một người có văn hóa: Bông hoa Tiểu Hà đã “có chủ”, chính là Tôi - Lưng gù tật nguyền đáng thương! Xin Tiên sinh đừng lui tới nhà Tiểu Hà nữa! Chúc Tiên sinh mọi sự tốt lành! Ký tên: Lưng gù Quadimodo!” Đọc đến chữ cuối cùng, tôi như chân tay rụng rời! Hắn tự nhận là Quadimodo có nghĩa là hắn đã yêu Tiểu Hà từ lâu, đơn phương nhưng quyết liệt! Rõ ràng là tôi không thể “đấu súng” với hắn, “sự nghiệp” của tôi mới bắt đầu, chẳng lẽ chỉ “Bùm” một cái là tan thành mây khói!
Tôi đưa ngay lá thư của Lưng gù cho Tiểu Hà, Tiểu Hà nhìn tôi dở khóc, dở cười, lúng túng một hồi rồi mới nói được: “Xem chừng Lưng gù này còn dữ dội, mãnh liệt hơn cả Quadimodo trong tiểu thuyết “Nhà Thờ Đức Bà Paris”! Có chuyện này là em chưa kể cho anh nghe, nhân đây em xin nói luôn: Ngay từ khi mẹ em bị bệnh nặng, Lưng gù đã cho bà Mối mai sang xin cưới em và nói sẽ phụng dưỡng bố mẹ em thật tốt cho đến ngày cuối cùng của cuộc đời! Em thật bất ngờ và rất sợ, nhưng không biết làm thế nào? Bố, mẹ đều bảo khất đến khi nào em thi đỗ vào Đại học sẽ bàn tới chuyện đó. Đây chỉ là kế hoãn binh tạm thời chứ chưa có cách nào dứt khoát. Lưng gù vui vẻ nhận lời và ngày ngày “canh chừng” em như Cai ngục! Hễ ai tới nhà em nhiều và có ý tán tỉnh yêu đương là hắn gửi giấy dọa giết. Hắn cũng định dọa giết anh nhưng bố em bảo anh là học trò cũ của ông hồi ở Thái Nguyên nên hắn mới viết thư giọng điệu nhẹ nhàng, lịch sự như vậy đấy!” May mà tôi đã biết kỹ Quadimodo trong tiểu thuyết nên bình tĩnh suy nghĩ về Quadimodo có thực ở cuộc đời này. Nghĩ đến nát óc không tìm ra được một kế sách nào khả thi, trừ kế cuối cùng trong cái “cẩm nang” Tam thập lục kế: Tẩu vi thượng sách! Nhưng Tẩu như thế nào thật không đơn giản bởi tình cảm của tôi với Tiểu Hải mới ở giai đoạn “Tình trong như đã mặt ngoài còn e !” mà thôi!...
Tôi buồn quá, và bỗng phát hiện ra rằng có quá nhiều chuyện thường chỉ có ở trong tiểu thuyết lại cứ đeo bám tôi hoài! …Tôi đem chuyện Quadimodo hỏi ông Đỗ Văn Hỷ, chuyên gia về văn học Trung Quốc của Viện, cũng rất giỏi Tử vi tướng số, thì ông Hỷ nói: “Anh hùng không qua được ải Mỹ nhân! Nếu cậu tự cho mình là anh hùng thì sẽ chết vì người đẹp, còn nếu cậu là tiểu nhân thì cậu sẽ thắng cái anh chàng Quadimodo Lưng gù đó!” Tôi nói: “Anh nói thế cũng như chưa nói gì? Vấn đề là em có nên tiếp tục đeo bám cô nàng hay “nhường” cho thằng Lưng gù?” Ông Hỷ cười: “Tớ làm sao mà trả lời thay cho cậu được? Thần Tử Vi đứng trước Thần Ái tình cũng bó tay chào thua khi bị Mũi tên vàng của Thần Ái tình bắn trúng!” Nghe ông Hỷ nói vậy, tôi chán nản hết sức, đi bách bộ từ Văn Miếu tới Hồ Hoàn Kiếm đến chục lần mà vẫn chưa nghĩ ra một ý hay nào! Khi tới trước cổng Thư viện Quốc gia, nhìn vào trong sân, thấy Tiểu Hà đang ngồi trên một băng ghế đá như chờ đợi ai, tôi vội đi vào. Lúc tôi vừa ngồi xuống bên cạnh Tiểu Hà như mọi lần thì người nổi da gà khi thấy ở trên một băng ghế đá khác khuất sau một lùm cây, Quadimodo Lưng gù đang ngồi thu lu bất động, mắt nhìn về phía chúng tôi lạnh băng!...
7.
Trưởng Ban Lý luận của tôi có người bạn làm cấp Trưởng phòng ở Sở Văn hóa – TT tỉnh Khánh Hòa, bạn học của tôi cũng làm ở đó, vì thế ông muốn tổ chức cho cả Ban đi Nha Trang, theo “chính danh” là đi thực tế cơ sở. Những năm đầu giải phóng mà tổ chức được một chuyến đi dài ngày vào Miền Nam nói chung (Nha Trang nói riêng) là rất kỳ công…Lúc đó, các thành phố ở miền Nam nói chung và thành phố biển Nha Trang nói riêng vẫn là “vùng đất lạ” đối với người miền Bắc, vì thế việc đi Nha Trang một tháng trời đã giúp tôi “lùi xa mà nhìn rõ hình thế núi non”, tức nhìn lại “vấn đề Lưng gù” một cách tỉnh táo và sáng suốt. Cuối cùng, sau đúng một tháng ở Nha Trang, tôi đã rút ra được cách đối nhân xử thế trong trường hợp phải đối mặt với “vấn đề Lưng gù”: cứ để sự việc phát triển, vận động một cách tự nhiên, không can thiệp thô bạo! Cụ thể hơn là chờ thời gian trả lời! Câu này cũng là một luận điểm quan trọng trong Lý luận văn học nói riêng và văn hóa – nghệ thuật nói chung: Thời gian là vị quan Tòa công minh nhất!...
Và quả nhiên, Thời gian đã đưa cho tôi một đáp án thật…phũ phàng: Khi chuyến tàu Thống Nhất từ Nha Trang vừa về tới Hà Nội, tôi chưa về nhà ngay mà tới nhà Tiểu Hà (Từ Ga Hà Nội về nhà tôi ở Giảng Võ thì đi qua đường phố có nhà của Tiểu Hà) thì chỉ thấy hai người y tá mặc áo Blu trắng toát đang canh chừng bố và mẹ của Tiểu Hà! Những hình ảnh như thế quá quen thuộc đối với tôi (bố mẹ tôi đều làm nghề Y và thường là gia đình tôi ở luôn trong khu tập thể của Bệnh viện) và như báo tin cho tôi biết rằng: bệnh tình của song thân Tiểu Hà có vấn đề! Tôi chưa kịp hỏi gì thì một cô Y tá đưa cho tôi một mảnh giấy. Tôi mở ra và đọc ngay: “Gửi anh Th.!...Em không thể cưỡng lại định mệnh, tức phải cưới Lưng gù để anh ta lo hậu sự cho song thân! Chúng ta không nên gặp nhau nữa! Em: Tiểu Hà!” Khi thấy tôi đã đọc xong thì cô Y tá nói: “Thực ra bố mẹ của Tiểu Hà đã chết, nhưng chưa phát tang để tiến hành “Cưới chạy tang”, mọi người đang làm đám cưới ở nhà hàng Phú Gia!... Anh có vào chào hai ông bà thì vào đi rồi về ngay! Tiểu Hà có nhờ tôi nói thêm với anh như vậy!...”
Tôi không còn nhớ cảm giác của mình lúc đó như thế nào, nhưng chắc là bộ mặt vốn đã khá nhàu nát của tôi lúc đó kỳ dị lắm, khiến cho cô Y tá nói xong thì bật khóc! Không biết cô Y tá khóc vì thương cảm cho tôi hay cho Tiểu Hà?
8.
Ngay ngày hôm sau, tôi cho tất cả quần áo, đồ dùng cá nhân của tôi vào cái ba-lô Con Cóc từ thời đi lính còn giữ lại và đến thẳng phòng làm việc của tôi ở Viện Văn học, tức đêm đêm tôi sẽ ngủ ngay trên bàn làm việc. Và thế là từ đó, tôi không còn ngày ngày đi trên tuyến đường từ đường Giảng Võ qua Văn Miếu Quốc Tử Giám đến Hồ Hoàn Kiếm để tới cơ quan ở đường Lý Thái Tổ nữa! Tuyến đường vừa mới như là mạch máu trong cơ thể bỗng chốc trở thành “Con đường đau khổ”!
Thời gian lại đem đến cho tôi một đáp án mới của cuộc đời: Tôi không làm việc ở Viện Văn học nữa mà chuyển về Tạp chí Nghiên cứu Nghệ thuật ở đường Đê La Thành (đối diện với Nhạc viện Hà Nội). Như thế tuyến đường Từ Văn Miếu đến Hồ Hoàn Kiếm có thể được xóa đi vĩnh viễn, tôi sẽ thoát khỏi sự ám ảnh vì cứ phải cố tránh “Con đường đau khổ” mỗi khi đi từ cơ quan ở Lý Thái Tổ về nhà ở Giảng Võ! Nhưng thực ra, sự ám ảnh này không hề buông tha tôi và cứ như là “ngựa quen đường cũ”, thỉnh thoảng đôi chân vạn dặm của tôi lại vô tình (hay cố ý) đưa tôi đi qua nhà Tiểu Hà. Và sự đời trớ trêu ở chỗ, lần nào tôi đi ngang qua nhà Tiểu Hà cũng đều nhìn thấy Nàng, nhưng trong những cảnh huống khiến trái tim tôi thêm tan nát, chẳng hạn như cảnh tượng sau: Tiểu Hà vừa đi làm về , còn đứng ngoài hiên, thì người chồng Lưng gù đã từ bàn vé số bật dậy, nhanh như vượn, nhào tới ôm chặt lấy Tiểu Hà rồi hôn hít lên khắp người Tiểu Hà, không chừa chỗ nào!...
Sài Gòn, 2008-2009
Đỗ Ngọc Thạch