Truyện Ngắn
Đỗ Ngọc Thạch - Kiếm sống 28.7.2011-10:01>> Nhật ký của một cô giáo trường làng
>> Thời gian
Kiếm sống
TRUYỆN NGẮN CỦA ĐỖ NGỌC THẠCH
NVTPHCM- Có ngàn lẻ một cách kiếm sống, từ nhọc nhằn cho đến nhàn hạ. Không ai có thể lựa chọn cho mình cách kiếm sống, tức sẽ làm cái gì, mà bàn tay của Tạo hóa sẽ chơi trò “Sắp đặt” đối với con người - loài động vật biết nói và biết lao động. Tôi xin chứng minh những nhận định có tính “tiên đề” nói trên bằng câu chuyện sau đây.
Khi tôi đến làm việc tức “kiếm sống” ở cái lò bánh ngọt “tiểu thủ công” này thì đội ngũ “thợ thuyền” ở đây đã có 11 người: 4 người đứng lò, 4 người làm thành cái bánh và đóng gói sản phẩm và một người làm nhiệm vụ “nuôi quân” tức nấu ăn. Những người thợ ở lò bánh này làm việc từ 6 giờ sáng cho đến 6 giờ tối, buổi trưa nghỉ ăn cơm tại chỗ khoảng nửa giờ. Trừ hao những lúc nghỉ giữa giờ vì nhiều lý do thì tổng số giờ lao động của thợ bánh là tròn Mười giờ, tức hơn giờ làm việc của Nhà nước hai giờ. Đó cũng là thời gian lao động nói chung của hầu hết những cơ sở sản xuất tư nhân và có thể nói cái thời gian lao động “dôi ra” này chính là một trong những “yếu tố” làm nên lợi nhuận của giới chủ.
Khi tôi đến lò bánh làm việc, ông chủ lò bánh nói: “Lò bánh của chúng ta đang phát triển và đã có “thương hiệu” trên thị trường, vì thế tất cả hãy cố gắng làm thật tốt phần việc được giao. Số người của chúng ta vừa đủ bộ 12 con giáp Tý Sửu Dần Mão Thìn Tỵ Ngọ Mùi Thân Dậu Tuất Hợi, vì thế mỗi người sẽ mang tên một con giáp, cứ thế mà gọi. Tại sao lại gọi như vậy? Đây là con số tuyệt đẹp, nó sẽ giúp chúng ta làm ăn phát tài, vì thế ta sẽ giữ con số màu nhiệm này, không thêm không bớt”. Nói rồi ông chủ đưa ra một cái rổ nhựa, trong có sẵn mười hai mảnh giấy viết sẵn từ Tý cho đến Hợi, ai bốc được chữ nào thì sẽ mang “thợ danh” chữ đó. Tôi chờ cho mọi người bốc hết, mở mẩu giấy cuối cùng ra có chữ “Tý”, đúng là số trời đã an bài!
Điều kỳ lạ là không chỉ riêng tôi mà năm người nữa là Sửu Dần Mão Thìn Tỵ cũng bốc được chữ trùng với năm sinh của mình. Năm người này, cùng với tôi là sáu, còn có đặc điểm giống nhau nữa là không phải thuộc nhóm “lao động phổ thông” tức lao động chân tay chuyên nghiệp mà tối thiểu là đã tốt nghiệp đại học nhưng đang thất nghiệp (do gặp “nạn” bi kịch gia đình và bè phái đấu đá ở công sở nên bỏ nhà, bỏ nhiệm sở đi hoang). Cái truyện ngắn này chủ yếu nói về năm người này: Sửu đã từng du học nước ngoài thời bao cấp, có bằng Tiến sĩ về Toán học, được rất nhiều trường đại học ở nước ngoài mời làm giáo sư nhưng vì nhớ quê hương, nhớ vợ mà trở về Việt Nam; Dần là cựu Sinh viên trường Đại học TDTT, chuyên về võ thuật (đã từng làm chân trụ cho đoàn xiếc của một tỉnh ở ĐBSCL, tức giữ thăng bằng cho một cái cột lớn đặt trên vai, trên có một, hai người làm những động tác uốn dẻo…); Mão là cựu học viên Học viện Kỹ thuật Quân sự, chuyên về vũ khí có sức công phá lớn; Thìn và Tỵ đều là “thầy giáo mất dạy” tức đã trải qua giáo viên Phổ thông Trung học, về môn văn và sử. Sáu người còn lại (từ Ngọ tới Hợi) tuy không qua đại học nhưng đều đã qua chốn quan trường, thấp nhất cũng là Trưởng phòng, cao nhất là Tổng giám đốc và đều giống nhau ở chỗ đã từng qua vòng lao lý vì nhiều tội danh khác nhau…
***
Công việc ở lò bánh thủ công tuy là lao động giản đơn (còn gọi là lao động phổ thông, lao động chân tay) nhưng cũng có những công đoạn rất khó, đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao, nếu không sản phẩm sẽ hỏng, tức quăng sọt rác, tức ông chủ lò bánh sẽ lỗ vốn! Đó là khâu đánh kem và nướng bìa bánh. Sản phẩm bánh ngọt ở đây gọi là bánh xốp, gồm có hai thành phần chính: lớp kem nằm giữa hai hoặc ba lớp bìa xốp. Kem là đường trắng xay thành bột, trộn với dầu mỡ và cho vào một ít tinh dầu, tạo mùi vị thơm ngon. Bìa xốp là bột năng được nướng cho giòn, khi nướng cho vào chút bột nở thì sẽ giòn và xốp. Nướng khéo thì sẽ giòn thơm, cộng với hương thơm của lớp kem tạo thành mùi thơm đặc trưng của bánh. Nói thì đơn giản thế, nhưng cái khó là để có được chậu kem sóng sánh, sủi bọt li ti và thơm lừng, mới nhìn đã muốn ăn thử…thì người đánh kem phải có sức mạnh cử đỉnh của Hạng Võ để dùng tay ngoáy nhào cho đám bột đường trộn với đầu mỡ kia biến thành kem (nếu làm bằng máy thì…tốn điện!). Còn cái khó của nướng bìa bánh là người làm phải đứng bên lò lửa, đổ bột đã trộn nước vào những cái kẹp đặc dụng bằng sắt, mỗi cái to bằng cái cặp sách học trò, lật qua lật lại trên ngọn lửa sao cho chín đều hai mặt. Non lửa thì bìa bánh sẽ sống, quá lửa thì tất nhiên là cháy khét, đều bỏ. Vì thế người nướng bìa bánh phải là loại “Người chịu lửa” và có sự nhạy cảm về thời gian (cũng có phần giống với tố chất của Nhà thơ).
Nhóm sáu người của nửa trên 12 con giáp phụ trách đánh kem và nướng bìa bánh, tức phần công việc nặng nhọc và đòi hỏi “tay nghề” cao (riêng tôi, người viết truyện ngắn này, “học nghề” chỉ nửa buổi là đã thành thạo mọi công đoạn nên được giao làm nhiệm vụ “đốc công”, tức khâu nào làm sai thì chỉnh sửa, hoặc thiếu người thì tạm lấp chỗ trống). Còn nhóm nửa dưới của 12 con giáp thì làm nhiệm vụ tiếp theo, tức trét kem vào bìa bánh rồi cưa cắt thành những cái bánh nhỏ, đoạn cho vào những bịch ni-lon to bằng nửa cuốn vở học trò, buộc kín miệng bịch là xong.
Nhóm sáu người của nửa trên 12 con giáp làm rất tốt công việc, chỉ sau hai ngày được ông chủ lò bánh “cầm tay chỉ việc”. Dần đặc trách việc đánh kem nặng nhọc, khi đánh kem xong, cả cái xưởng bánh ngào ngạt hương thơm. Xong việc đánh kem, Dần làm cái việc cắt bìa bánh, sau khi đã trét kem thành những cái bánh nhỏ. Việc này cũng đòi hỏi sức khỏe vì khi cắt thành những cái bánh nhỏ (những bìa bánh lớn sau khi đã trét kem thì xếp đầy một cái khuôn bằng gỗ, kích cỡ của bánh đã có trong khuôn), phải kéo lưỡi cưa thật nhanh như máy, nếu không bánh sẽ nát vụn hoặc không vuông thành sắc cạnh! Cắt xong sẽ chuyển cho nhóm đóng gói.
Công việc nướng bìa bánh chủ yếu do bốn người Sửu, Mão, Thìn và Tỵ đảm trách. Bốn người này đều đã kinh qua công tác nghiên cứu, giảng dạy nên sự nhạy cảm vế thời gian rất tốt, tức bìa bánh không bao giờ quá lửa đến nỗi cháy khét hoặc non lửa tức còn sống, bánh sẽ dai như cao su! Tuy nhiên, về khả năng chịu lửa thì cả bốn người đều không thể như Tôn Ngộ Không khi bị nhốt trong Lò bát quái của Thái Thượng Lão Quân. Vì thế, cứ hai người làm thì hai người ngồi nghỉ, cứ phải luân phiên từng 30 phút! Nhưng khi lò bánh đắt hàng, ông chủ tăng thêm hai lò nữa, tức tổng số là bốn lò, thì không có thể ngưng nghỉ luân phiên được nữa. Những lúc thấy các “giáo sư”, “viện sĩ” kiệt sức, tôi thường tới “chia lửa”!
Nhóm nửa dưới của 12 con giáp, tức từ Ngọ cho tới Hợi chủ yếu là làm công đoạn sau, đóng gói bao bì tức hoàn thành sản phẩm và lo chuyện cơm nước cho đám thợ. Trong nhóm sáu người này có ba người là nam, ba người là nữ. Từng đôi một, họ đều là “bạn tù” ở trên mức tình cảm bạn bè và sau khi mãn hạn tù, không trở về với gia đình cũ (vì vợ hoặc chồng của họ đã ly hôn ngay từ khi họ bị khởi tố) mà rủ nhau đi làm thuê kiếm sống, sống cuộc đời mới với “hai trái tim vàng” cho dù chưa có nổi một “túp lều tranh”! Công việc đóng gói bao bì không có gì khó khăn và cũng phù hợp với “xuất thân” (tầng lớp quan cách, chuyên “chỉ tay năm ngón” chứ không phải đụng tay đụng chân vào việc gì cụ thể) của họ nên họ rất hào hứng làm việc. Hơn nữa, trong những khoảng thời gian thọ án bị quản thúc ở trong các trại giam, họ cũng được “rèn luyện” qua những công việc tương tự, có khi còn nặng nhọc hơn nhiều ngồi gói bánh!
***
Tôi “Kiếm sống” ở lò bánh xốp được nửa năm thì một hôm, một người bạn đồng nghiệp của ông chủ lò bánh (hai vợ chồng ông chủ lò bánh đều là giáo viên một trường đại học) đứng ra thành lập một trường PTTH Dân lập, kết hợp ngày khai trương trường học với lễ cưới vợ lần thứ hai, đã đích thân tới tận lò bánh đưa giấy mời vợ chông ông chủ lò bánh. Khi nhìn thấy tôi đang ngồi uống trà với ông chủ lò bánh thì tân Hiệu trưởng kiêm tân chú rể nhào tới tôi, nắm chặt lấy tay tôi mà rối rít nói: “Người bạn Đầm Mây của tôi!...Thảo nào đêm qua tôi nằm mộng thấy Bồ Tát bảo sáng nay thế nào tôi cũng nhặt được Vàng! Thì ra là ông bạn Vàng của tôi ở Đầm Mây!”. Tôi nhận ra ngay đó là Lương, học cùng lớp Toán với tôi ở Khoa Toán trường ĐH Tổng hợp hồi năm 1966, khi Khoa Toán đang sơ tán ở Đầm Mây thuộc huyện Đại Từ, Thái Nguyên. Hồi đó, cuộc sống của sinh viên bị chữ “Đói” hành hạ tối ngày, tôi và Lương thường rủ nhau vào các thôn xóm ở sát chân núi mua các loại quả như chuối, bưởi, đào mận… ăn cho đỡ đói. Ăn hoa quả nhiều tới mức thành nghiện như đám con cháu của Tôn Ngộ Không ở Hoa Quả Sơn!
Gặp lại tôi, Lương nói ngay: “Cậu là một thầy giáo văn võ song toàn (ý nói tôi có thể lên lớp cả Toán và Văn) không thể cứ ngồi đây mà làm thợ bánh được!”. Sau đó, Lương thỏa thuận với ông chủ lò bánh rồi đưa tôi về ngay cái trường PTHT Dân lập mới thành lập của anh ta. Quả nhiên, giáo viên còn thiếu nhiều, tôi vừa phải dạy cả môn Toán và môn Văn. Được trở lại làm Thầy (sau khi tốt nghiệp Khoa Văn ĐH Tổng hợp Hà Nội, tôi có đi dạy học hai năm), tôi cũng thấy đỡ buồn tẻ hơn chuyện làm bánh, ngày nào cũng làm những công việc lặp đi lặp lại, không hề có tính cách tân, sáng tạo. Nhưng, niềm vui cũng chỉ lóe lên như ánh sáng đom đóm bởi một hôm, có hai học sinh, một nam, một nữ tìm gặp tôi tại phòng giáo viên mà nói: “Thầy không được cho em điểm kém, vì nếu em bị bố mẹ đánh đòn bao nhiêu thì em sẽ trả lại thầy đủ bấy nhiêu!” - đó là lời học sinh nam. Còn học sinh nữ thì nói: “Các nơi người ta “đổi tình lấy điểm” rầm rầm. Vậy em xin thông báo với thầy bảng giá trị đổi điểm của em: cầm tay tám điểm, hôn má chín điểm, hôn môi mười điểm. Còn nếu muốn “chuyện kia” thì “Mười điểm trọn đời”! Sau khi hai học sinh kia ra khỏi, tôi nghĩ cái môi trường “tiên học lễ hậu học văn” này thật bất an!
Được sáu tháng, một người bạn học cùng Khoa Văn trường Đại học Tổng hợp bất ngờ gặp tôi giữa đường thì chặn lại như cướp đường và nói: “Cái nghề “bán cháo phổi” này bây giờ tổn thọ lắm, học trò không chỉ dám đánh thầy mà còn có thể lấy mạng thầy như chơi! Mà học trò bây giờ vừa dốt vừa lười học, lời thầy giảng chỉ như “đàn gảy tai trâu” mà thôi!”. Nói rồi người bạn lôi tôi tới một tờ báo ngành, đang chuẩn bị cho ra rất nhiều ấn phẩm khác như Bán Nguyệt san, Nguyệt san, Tủ sách và Cẩm nang… đủ kiểu ngoài tờ báo chính ra hàng tuần.
Không hiểu sao, lần này cũng được sáu tháng thì lại có một người bạn học thời Lớp Một tới lôi tôi tới một nhà hàng máy lạnh loại sang và nói: “Từ ngày tớ bỏ kinh doanh địa ốc chuyển sang kinh doanh hôn nhân, tức mai mối tình yêu thì lên như diều gặp gió. Cậu không thể tồn tại trong cái đám suốt ngày cãi lộn như mổ bò như thế. Dù cậu có trung lập chủ nghĩa thì trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết, vì thế hãy nghe tớ, tẩu vi thượng sách. Hãy sang làm việc cho công ty Dây Tơ Hồng của vợ chồng tớ, nó sẽ là bến đậu cuối cùng của cậu!”. Quả là tôi có tính cả nể, hay bị bạn bè rủ rê lôi kéo. Khi tôi theo người bạn thời Lớp Một về tới trụ sở công ty Mai mối Dây Tơ Hồng thì gặp ngay một cặp vợ chồng mới đi hưởng tuần trăng mật ở Đà Lạt về đòi gặp và nói ngay: “Chúng tôi muốn thanh lý hợp đồng cũ và ký ngay hợp đồng mới. Nghĩa là chúng tôi sẽ ly hôn và nhờ Công ty Dây Tơ Hồng mai mối cho chúng tôi một người chồng khác và một người vợ khác!”. Người bạn Lớp Một hỏi: “Tôi muốn biết lý do vì sao hai người lại nhanh chóng ly dị như thế? Mới một tuần làm sao đã khám phá hết mọi vẻ quyến rũ, hấp dẫn của đối tượng?”. Người đàn bà định nói nhưng rồi nhìn người đàn ông như bảo “Ông nói đi!”. Người đàn ông liền nói: “Tưởng là vui duyên mới nhưng lại hóa ra là đồ cũ! Tức cách nay hơn mười năm, chúng tôi đã sống như vợ chồng với nhau tới hai tháng rồi còn gì!”. Người bạn Lớp Một của tôi cười sảng khoái rồi lấy ra hai bản hợp đồng mới, nội dung là trong vòng một tuần sẽ mai mối cho mỗi người một đối tượng vạn sự như ý! Khi hai người khách hàng đã ra về, người bạn Lớp Một nói với tôi: “Đó, câu thấy chưa, cứ gọi là làm không hết việc, mà loại công việc này chỉ là uốn ba tấc lưỡi, chẳng phải ăn no vác nặng như làm thợ bánh, cũng chẳng phải rát cổ bỏng họng như cái nghề “bán cháo phổi” và cũng chẳng phải tả xung hữu đột trong trường văn trận bút như nghề làm văn làm báo! Cậu còn muốn gì nữa?”.
***
Quả là người bạn Lớp Một không khác chi Bồ Tát hạ trần gian, tôi đến làm việc cho Công ty Mai Mối Dây Tơ Hồng được hai tháng thì bạn tôi đã cưới cho tôi một người vợ mười phân vẹn mười, chỉ sau khi “động phòng hoa chúc” hai tháng đã có “tin vui”! Tôi sực nhớ đến những người “bạn đồng nghiệp” một thời ở lò bánh xốp, muốn mai mối cho các “giáo sư, viện sĩ” đã “mồ côi vợ” ấy mỗi người một thục nữ đảm đang để nâng khăn sửa túi trong cuộc sống làm thợ bánh vất vả! Song, khi tôi đến lò bánh xốp ấy thì thật bất ngờ: tất cả nhóm năm con giáp trên tức Sửu, Dần, Mão, Thìn và Tỵ đều đã được vợ chồng chủ lò bánh cưới cho mỗi người một người vợ thôn nữ miệt vườn thứ thiệt, còn “Din” trăm phần trăm và mỗi người đã có một con. Còn nhóm sáu người phần dưới 12 con giáp tức Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất và Hợi thì cả ba cặp đã chính thức bái đường thành thân, mỗi cặp cũng đã có con cái xinh xắn, bụ bẫm! Lò bánh đã phát triển không ngờ, ông chủ đã mua lại căn hộ kế cạnh, xây bốn tầng lầu để phát triển cơ sở sản xuất và có chỗ ở cho cả năm cặp vợ chồng nhóm năm con giáp phía trên (sáu người nhóm con giáp phía dưới thì ở nhà thuê gần cơ sở lò bánh).
Khi nhìn những người thợ bánh đang làm việc, tôi thấy không khí của xưởng bánh thật chuyên nghiệp và trên từng gương mặt đều lộ rõ niềm vui lao động say mê, có người còn vừa làm vừa hát, thi thoảng lại có người kể chuyện tiếu lâm và mọi người cười hưởng ứng như pháo ran! Ông chủ lò bánh nói với tôi: “Bây giờ tất cả đều rất an tâm và say mê làm việc, coi lò bánh là nhà, không muốn chuyển đi đâu cả!”. Mặc dù đã “mục sở thị”, tôi vẫn chưa tin là những “giáo sư”, “viện sĩ” kia sẽ gắn bó hết đời với lò bánh, liền đến bên Sửu, người đã từng lấy bằng Tiến sĩ Toán ở MGU (Đại học Tổng hợp Quốc gia Matxcơva, mang tên nhà bác học Lômônôxốp nên còn gọi là trường Đại học Tổng hợp Lômônôxốp) để “phỏng vấn” xem sao thì Sửu nhìn tôi cười rạng rỡ rồi cất tiếng hát bài “Cuộc sống ơi, tôi mến yêu người” bằng tiếng Nga:
Я люблю тебя, жизнь
Что само по себе и не ново,
Я люблю тебя, жизнь
Я люблю тебя снова и снова…
Что само по себе и не ново,
Я люблю тебя, жизнь
Я люблю тебя снова и снова…
Rồi bằng tiếng Việt:
Cả tình yêu trao cuộc sống
Mãi mãi ta mến yêu người tình yêu thắm nồng.
Cả tình yêu trao cuộc sống
Mãi mãi ta hiến dâng người tình yêu thiết tha.
Mãi mãi ta mến yêu người tình yêu thắm nồng.
Cả tình yêu trao cuộc sống
Mãi mãi ta hiến dâng người tình yêu thiết tha.
Đèn rực sáng trên tầng cao
Là khi ta chân khẽ đưa thong thả bước về.
Ta càng thấy yêu con người
Mong cuộc sống ta mỗi ngày sẽ tươi thắm hơn…
Là khi ta chân khẽ đưa thong thả bước về.
Ta càng thấy yêu con người
Mong cuộc sống ta mỗi ngày sẽ tươi thắm hơn…
Kìa trời khuya chim rộn hót
Những bóng đêm đang tan dần bình minh thức dậy.
Từ lòng ta, ngon lửa cháy
Hỡi trái tim của con người thèm sống khác xưa.
Một ngày mới vẫy chào ta.
Bạn đời ơi ta muốn dâng ngọn lửa cháy này
Cho cuộc sống bao vui buồn.
Xin hạnh phúc, dẫu muộn màng sẽ đến với ta…
Những bóng đêm đang tan dần bình minh thức dậy.
Từ lòng ta, ngon lửa cháy
Hỡi trái tim của con người thèm sống khác xưa.
Một ngày mới vẫy chào ta.
Bạn đời ơi ta muốn dâng ngọn lửa cháy này
Cho cuộc sống bao vui buồn.
Xin hạnh phúc, dẫu muộn màng sẽ đến với ta…
Nghe Sửu hát say sưa, tôi lẩm nhẩm hát theo từ lúc nào (sở dĩ tôi thuộc bài này vì có anh bạn thời lính Ra-đa tên Võ Trí Tâm, sau có đi học ở Nga về, thường hay hát bài này lúc … chán đời). Sửu hát say sưa tới ba lần, tôi còn “phỏng vấn” gì nữa!
Khi tôi đi khỏi lò bánh xốp, ông chủ lò bánh tiễn tôi và nói: “Bất cứ lúc nào ông thích quay trở lại lò bánh, tôi và mọi người đều hoan nghênh!”. Tôi không nói gì vì còn phải chờ Bồ Tát hiển linh báo mộng!
Sài Gòn, 16.5.2011
Đỗ Ngọc ThạchTruyện Ngắn
Đỗ Ngọc Thạch - Thời gian 05.7.2011-23:05>> Nhật ký của một cô giáo trường làng
Thời gian
TRUYỆN NGẮN CỦA ĐỖ NGỌC THẠCH
1. Người mẹ tính thời gian bằng độ lớn của những đứa con, người cha tính thời gian bằng những đại sự mình đã làm được, những đứa con tính thời gian bằng những sợi tóc bạc trên đầu cha mẹ chúng! Đó là trong một gia đình. Còn trong cuộc sống xã hội, người nghèo tính thời gian bằng số gạo còn trong thùng, người giàu tính thời gian bằng số tiền lợi nhuận sẽ kiếm được, còn người say thì tính thời gian bằng số rượu còn trong chai!... Vì mỗi người tính thời gian theo cách riêng của mình cho nên Thời gian là một khái niệm không xác định, lúc dài đằng đẵng, lúc ngắn tấc gang!...
Anh bạn Thời của tôi không theo dõi thời gian bằng lịch. Nhà anh treo rất nhiều lịch, đủ các loại, nhưng anh không bao giờ xé lịch, nếu thỉnh thoảng có xé thì xé cả tệp! Những tờ lịch tháng, lịch năm cũng không thấy khớp với thời gian đang tồn tại! Không biết anh theo dõi thời gian bằng cái gì? Thì ra anh theo dõi thời gian bằng Triết học và Thi ca. Anh làm việc ở Viện Triết nhưng đêm đêm, anh ngồi trùm mền làm thơ. Đó là những ngày Đông tháng giá, còn mùa hè nóng nực thì anh đi xếp hàng hứng nước máy hì hục suốt đêm, vì mùa hè bao giờ cũng thiếu nước, cái vòi nước chảy nhỏ giọt mà luôn có tới dăm chục người xếp hàng chờ hứng nước!... Mỗi khi có thơ đăng báo, anh lại mời tôi đi uống rượu với lạc rang, đó là kiểu uống rượu của những bậc tao nhân. Mỗi lần đi uống rượu như thế anh lại nói (như là nói lần đầu): “Thơ ca là Triết học vận động, Triết học là Thơ ca bị tống giam! May mà tôi được phân về Viện Triết nên mới có thể tiếp tục làm thơ, còn nếu về Viện Văn như ông thì chết từ lâu!” Tôi hỏi: “Vì sao vậy?” Trả lời: “Lý luận luôn muốn hiếp dâm Thơ ca!”. Tôi nói: “Nhưng nếu Nàng Thơ thích thì sao?”. Trả lời ngay: “Thì đẻ ra quái thai!”. Tôi nói: “Ông không hợp với Triết học! Nên chuyển qua cái khác đi, Xã hội học chẳng hạn!” Anh bạn Thời cũng nói: “Ông cũng nên chuyển qua cái khác đi, làm báo chẳng hạn! Báo chí là Lý luận vận động, vừa đỡ tù túng vừa có tiền nhuận bút!”. Quả nhiên, một thời gian sau, anh bạn Thời chuyển qua Viện Xã hội học, còn tôi chuyển qua một tờ Tạp chí về văn hóa - nghệ thuật! Nhân bảo như Thần bảo!
2. Suốt từ lúc tuổi đôi mươi cho tới năm mươi tuổi, không hiểu tại sao tôi không bao giờ để ý xem mình già hay trẻ, nôm na là mình đang bao nhiêu tuổi? Lúc gần năm mươi tuổi, sau khi đã vào Nam ra Bắc, lên rừng xuống biển, tôi lại từ Sài Gòn ra Hà Nội làm cho một tờ báo tuần, đến chơi với anh bạn Thời thì thấy phòng làm việc vắng tanh, các phòng khác cũng chỉ lác đác một hai người đi ra, đi vào. Tôi đang định đi về thì Thời xuất hiện, tóc bạc gần trắng hết nhưng nụ cười thì vẫn vô tư như xưa! Thời nói: “Hay quá! Có chỗ ở rồi! Dọn dẹp cả buổi sáng mới xong... Vừa rồi vợ nó đưa nhân tình về nhà, bắt quả tang thì nó còn dọa giết như giết Võ Đại rồi đuổi đi, phải đến cơ quan nằm bàn. Nay thì có người cho mượn một căn nhà ở gần khu Giảng Võ nhà ông đó! Giờ ta về nhà nhâm nhi tâm sự!”. Thời đưa tôi về nhà, chính xác là căn lều tranh vách tooc-xi, nhỏ bé, đã cũ nằm giữa một khu dân cư lao động nghèo, đi mãi, rẽ phải rồi lại rẽ trái ba lần mới tới nhưng ở đây yên tĩnh, không còn nghe thấy tiếng ồn xe cộ của phố phường…
Chúng tôi uống tới ly thứ hai thì có một bà hàng xóm, đưa sang một đĩa đậu phụ rán vàng ươm, nói: “Thấy chú có khách, tôi góp vui một đĩa mồi!”. Khi bà hàng xóm về rồi, Thời nói: “Bà hàng xóm này rất nhiệt tình! Chủ nhà đã giới thiệu mình với bà ta, nhờ “chăm sóc”, vô tư!” Chúng tôi uống hết một chai thì ngưng, phải biết dừng đúng lúc, đó là qui tắc uống rượu của chúng tôi! Khi nằm xuống giường, Thời mới nói: “Việc quan trọng nhất bây giờ là phải đi kiếm vợ, không thể sống độc thân cơm niêu nước lọ! Nếu ông có mối nào hay thì ta tiến hành ngay!” Tôi đang lục tìm trong danh mục những chỗ thân quen ở Hà Nội xem có chỗ nào hay thì đã thấy Thời ngủ rất ngon lành, thỉnh thoảng còn cười tủm tỉm, chắc là ai đang dắt đi kiếm vợ trong mơ?
Một tháng sau, tôi chưa kịp hỏi lại hai chỗ tôi đã “mai mối” cho Thời thì Thời gọi điện cho tôi báo tin ba ngày nữa sẽ làm đám cưới, hỏi cưới ai thì nói: “Thì cái bà hàng xóm đã từng mời ông ăn đậu phụ rán đó!”. Đám cưới của Thời thật là vui. Thì ra bà vợ mới của Thời là chủ một gánh bún riêu cua, rất đắt hàng, đã tích lũy vốn đủ xây một căn nhà một tầng lầu tuy không hoành tráng nhưng rất đẹp, có một khoảng sân thượng nhỏ để lúc trăng thanh gió mát có thể lên đó uống rượu, làm thơ vịnh Nguyệt!...
Một lần tới ngồi nhâm nhi với Thời trên chỗ sân thượng, Thời nói: “Tuổi trẻ chúng ta ai cũng bị cái tật háo danh, háo sắc. Chỉ đến khi tóc bạc mới chữa được cái tật đó. Nếu như lúc trẻ mà đã được Thời gian cho xem trước “Thì Tương lai” một chút thì hay biết bao!” Tôi chưa kịp nói gì thì bà chủ nhà bước lên, đưa cho tôi một tập thơ in từ máy vi tính, đóng bìa giấy bóng kính láng coong, nhìn rất sáng sủa, gọn ghẽ, và nói: “Nhân tiện tặng anh một tập thơ tự xuất bản của tôi và xin cho ý kiến nhận xét thẳng thắn!”.Tôi cầm tập thơ lướt nhanh hai lượt thì thấy niêm luật khá chuẩn, nhan đề các bài thơ đều có ý tứ sâu xa…Thời nói: “Thơ của cái bà bún riêu cua này được lắm! Thì ra Nàng Thơ có ở khắp nơi, chẳng ai có thể tham lam chiếm đoạt Nàng làm của riêng! Thơ là cỏ, trâu ăn rồi lại mọc / Thơ là trâu ngồi nhai mãi Thời gian!”…
Một năm trôi qua rất nhanh, tôi lại phải trở vào Sài Gòn, hình như Hà Nội không muốn cho tôi ở lại? Tôi đến nhà Thời để chia tay, thấy Thời vừa ru đứa con gái chưa đầy tuổi ngủ vừa đọc một luận văn Thạc sĩ của một nghiên cứu sinh trong Viện Xã hội học. Thời đang hướng dẫn nghiên cứu sinh. Nhìn hai công việc có vẻ như không hợp nhau, tôi trêu Thời: “Ông già đầu tóc bạc phơ / Coi chừng luận án bị con thơ đái tè!” Thời nhìn tôi cười như thời trai trẻ, nói: “Thì cái luận án này bị nó đái vào hai lần rồi còn coi chừng gì nữa! Chờ chút xíu nữa là nó ngủ liền à!” Trong khi chờ con bé con ngủ, Thời còn đọc Kiều ru nó ngủ: “Trăm năm trong cõi người ta!...” Quả là người ta có thể bất chấp sự nghiệt ngã của Thời gian!...
3. Vào Sài Gòn được ba ngày, tôi lại nhận được thiêp cưới của ông Cậu (đã hơn sáu mươi tuổi), cưới vợ lần thứ hai. Tưởng là “Rổ rá cạp lại”, “già choang bạn già”, ai ngờ cô dâu mới hơn ba mươi tuổi, còn là trinh nữ, lại không hề xấu xí chút nào! Đám cưới thật là đông vui, chú rể tửu lượng còn rất sung, cười nói luôn mồm như trẻ nhỏ! Đúng là “So với ông Bành vẫn thiếu niên!”…
Thời gian là vị Quan Tòa công minh nhất! Tôi vẫn thường dùng câu nói ấy trong những bài phê bình văn học, nếu có dịp. Song, khi chứng kiến Thời “làm lại từ đầu” ở tuổi Ngũ thập và cho đến lúc dự đám cưới ông Cậu “làm lại từ đầu” ở tuổi Lục tuần thì tôi ngờ rằng Thời gian hình như không làm tốt nhiệm vụ Quan Tòa của mình và thường… ngủ quên! Bằng chứng của cái sự “ngủ quên” này còn thể hiện rõ ở chuyện tiếp dưới đây.
Năm rồi, anh bạn Thời của tôi tổ chức mừng sinh nhật đúp: bố sáu mươi tuổi, con mười tuổi. Thời điện thoại mời tôi ra Hà Nội và bao trọn gói từ vé máy bay cho tới ăn ở, đi lại trong một tuần. Quả là hậu hĩnh. Song, sức khỏe tôi “có vấn đề” nên đành dự tiệc qua điện thoại và vi tính!
Sau vài lời thông báo ngắn gọn, Thời gửi vào máy tính của tôi chục bức ảnh chụp toàn cảnh buổi mừng sinh nhật đúp: Thời tóc đã bạc hết trăm phần trăm nhưng gương mặt đầy đặn và nụ cười vẫn tươi rói như xưa, cô bé con mười tuổi thì quả là đẹp tuyệt trần, như là một Tiểu Tiên nữ! Cái câu “Cha già con cọc” là hoàn toàn sai đối với hai bố con Thời! Còn Thời Phu nhân thì quả là phát lộ Quý tướng “Vượng phu ích tử” hết chỗ nói! Tôi mải mê ngắm nhìn chục bức ảnh của gia đình Thời lâu đến nỗi cái cục “mô-đun” bị nóng bỏng và lập tức máy bị treo!...
Tôi gọi điện thoại cho Thời:
- A lô! Ảnh rất đẹp, nhưng máy bị treo rồi, còn nữa thì gửi tiếp nha!
- Còn nữa chứ! - Thời nói, giọng rất hào sảng - Có cả những bức ảnh rất nóng!
- Hồi xuân hả? Biết ngay thế nào ông cũng thành “Lão Ngoan đồng” mà!
- Có lẽ tại uống nhiều thuốc “Cải lão hoàn đồng” quá!
- Lấy ở đâu ra của quý hiếm ấy? Thái Thượng Lão Quân cho hả!
- Đâu có! Đó chính là bà xã Bún riêu cua cho chứ chẳng có Thần Tiên nào cả!
- Bà xã Bún riêu cua thì chính xác đó! Quý tướng Vượng phu ích tử ngàn người mới có một! Xin chúc mừng Sư huynh!...
- Này! Đừng bỏ máy vội, thông báo cho ông một tin quan trọng này nữa: cuối năm nay, tức năm Con Trâu Vàng, bà xã Bún riêu cua sẽ sinh thêm một A Tèo!
- Trời đất! Vậy là sinh Quý tử rồi!...
Tôi thật không tin ở tai mình, song càng không tin thì sự thật càng rõ mười mươi: khi tôi mở lại máy tính ra thì đã thấy Thời gửi tiếp cho tôi mười bức ảnh nữa, có tới một nửa là cảnh âu yếm rất lãng mạn, rất tình tứ giữa Thời và bà xã Bún riêu cua có Quý tướng! Quả là Thời gian đã “ngủ quên” suốt mười năm qua đối với vợ chồng Sư huynh Thời của tôi!...
Sài Gòn, 8-9.11.2009
Đỗ Ngọc Thạch
sông Hương thơ mộng Truyện Ngắn
Nhật ký cô giáo - ĐỖ NGỌC THẠCH 19.11.2010:18:19 Nhật ký của một cô giáo trường làng
Truyện ngắn của Đỗ Ngọc Thạch
1. Ngày… tháng… năm 19… Mình tốt nghiệp thì nhận được tin cô em út cũng trúng tuyển vào đại học sư phạm. Mình phải về nhà ăn mừng ngay. Thế là nhà có hai chị em cùng nghề Sư phạm, thật là vui. Nhưng buồn nhiều hơn vui vì người anh trai của hai cô em gái yếu ớt từ ngày vào chiến trường đến nay đã năm năm rồi mà không có thư từ gì, mấy người cùng nhập ngũ một đợt với anh đã hy sinh mất sáu người, giấy báo tử gửi về làng, cả làng khóc. Riêng mẹ mình lại khóc rất nhiều. Mẹ bảo: “Cái thằng Nâu hiền như đất, làm việc khỏe như trâu ấy là người tốt nhất, ngoan nhất trong đám thanh niên làng này thế mà lại chết đầu tiên. Cả năm thằng kia nữa, thằng nào cũng là lực điền, là lao động chính của gia đình, thế mới khổ chứ! Ông Trời thật không công bằng! Người tốt sao mà chết nhiều thế, còn người xấu thì cứ sống nhan nhản, suốt ngày nghênh ngang ngoài đường. Như mấy đứa con ông chủ tịch xã, công an xã đó, không chịu lao động, suốt ngày chỉ rượu chè, cờ bạc rồi gây gổ đánh nhau ầm ĩ xóm làng. Thấy chúng nó con phải tránh xa nghe không! Cái thằng Chánh con ông chủ tịch xã, còn đòi xin cưới con đó! Mẹ nó đã hai lần đến nhà mình xin cưới con và chưa chịu yên đâu!” Mình nói với mẹ: “Mặc xác nó, từ giờ còn đến thì đóng cửa không tiếp, chẳng lẽ mẹ con nó không biết xấu hổ!” Mẹ thở dài, nói nhỏ: “Nếu mẹ con nó biết xấu hổ thì đã không dám mò đến…Mẹ chỉ sợ…”Điều mẹ sợ đã thành sự thật, may mà cô em gái của mình rất thông minh, nhanh nhẹn, không thì đã bị chúng nó đón đường ở chỗ vắng làm nhục rồi! Cô em út vốn hiền lành thế mà đã thay đổi hẳn, nó nói: “Bây giờ loạn lắm chị ạ! Quân tử phòng thân, chị phải học lấy vài miếng võ tự vệ, kẻo gặp chuyện lại lúng túng! Em mới học được bài Hầu quyền lợi hại lắm, không thì đã tiêu đời rồi!”
2. Ngày… tháng… năm 19… Mình được điều về trường cấp 3 trên thị xã, nhưng phải xin về xã dạy cấp Một để còn chăm sóc mẹ. Từ ngày bố mình mất, rồi anh trai đi chiến trường bặt tin, sức khỏe mẹ giảm sút rất nhanh! Nay cô em út đi học xa, nhà chỉ có hai mẹ con, thật là buồn. Chỉ ở vào hoàn cảnh này, mình mới thấy cái ước mơ “con đàn cháu đống” từ bao đời của người Việt thật có lý! Có lẽ mẹ nói đúng, phải lấy chồng, đẻ con cho mẹ có cháu bế, vui cửa vui nhà sẽ bớt sầu não và biết đâu sức khỏe mẹ lại hồi phục!
Nhưng chuyện lấy chồng không hề đơn giản. Khi còn học ở trường Sư Phạm, mình không bao giờ nghĩ tới hai chữ lấy chồng, yêu đương cũng không hề dây vào vì mất thì giờ và lắm chuyện lôi thôi! Khẩu hiệu lúc ở trường là: Tất cả cho học tập! Có thế mình mới giành được cái danh hiệu Trạng nguyên chứ! Một kỷ niệm vui!...
3. Ngày…tháng…năm 19…: Mình cứ nghĩ dạy cấp Một sẽ dễ dàng hơn rất nhiều dạy cấp Ba, nhưng có lẽ không phải như vậy, mà là ngược lại. Dạy cấp Một như làm nền móng cho ngôi nhà, nền móng có vững chắc thì sau này mới có thể lên các tầng cấp Hai, cấp Ba, rồi Đại học! Thế mà trước đây, việc đào tạo giáo viên cấp Một, cấp Hai lại tuyển toàn những người thi trượt tốt nghiệp Trung học, trượt Đại học! Giáo viên của Trường Làng này quả là giống như cái hình ảnh mà lâu nay người ta vẫn thấy: Là những người Nông dân chính hiệu nhưng không cầm cày, cầm cuốc mà cầm bút, cầm phấn trắng mà thôi! Mà thực ra, trên danh nghĩa thì họ cầm bút nhưng họ vẫn cầm cày, cầm cuốc giỏi hơn cầm bút! Thời gian mà họ đầu tư vào không phải là đọc sách, nâng cao trình độ, nghiệp vụ dạy học mà trồng rau màu, nuôi lợn, nuôi gà…sắp tới còn hùn vốn nuôi một đàn bò nữa! Việc lên lớp, hình như đối với nhiều người không phải là việc chính, mà chỉ là làm qua loa, nhanh chóng cho xong, bởi đàn lợn, đàn gà và cả đàn con đang đợi họ về giải quyết, mới là việc chính!... Thấy mình không triển khai “việc nhà nông” mà chỉ ngồi đọc sách, soạn giáo án, mấy chị hiệu trưởng, hiệu phó đều nói: “Em mà không lo gầy dựng cái “trang trại” nhỏ cho mình thì có ngày chết đói đấy! Học sinh ở đây nó hiểu rất giỏi cái câu “Có thực mới vực được đạo”, chúng nó cũng phải lo kiếm cái ăn phụ giúp gia đình rồi mới tính đến chuyện học tập! Chúng ta là cô giáo của chúng nó, chẳng lẽ lại không hiểu sâu sắc hơn chúng nó điều đó! Vì thế, học sinh nó không thuộc bài, chưa làm bài tập, hay phải nghỉ học một vài buổi thì đừng có trách phạt nó. Bởi chúng nó phải đi mò cua, bắt ốc, tát cá, mót khoai, mót lúa!...Mà tôi nhớ không nhầm thì chỉ hơn mười năm trước, cô cũng có mặt trong những đội quân kiếm sống tí hon đó?!”. Cô Hiệu trưởng nói rất đúng, nhưng chẳng lẽ ta cứ sống như mười, hai mươi năm trước? Mình đem những suy nghĩ nói với mẹ, mẹ cười bảo: “Con sống xa quê có bốn năm mà đã thay đổi nhiều, vừa tốt, vừa không tốt. Tốt là đúng như quy luật của sự phát triển. Không tốt là con quên mất rằng sự thay đổi, phát triển ở nông thôn không giống như ở đô thị: đô thị phát triển theo đường thẳng, còn nông thôn phát triển theo hình xoáy trôn ốc!... Còn nữa, có nhiều cái, rất tiến bộ, rất khoa học nhưng đưa vào Nông thôn của chúng ta nó không “tiêu hóa” được!...”
Mẹ nhìn mình âu yếm, mình cảm nhận được tình cảm mẹ giành cho mình thật vô hạn!...Mẹ bỗng thở dài rồi nhẹ nhàng nói: “Con rất giống bố con lúc trẻ: suy nghĩ nhiều quá, vấn đề gì cũng muốn nghĩ tới cùng, mà không biết rằng, có rất nhiều chuyện càng nghĩ nhiều càng rối! Con nên nhớ rằng chính vì bố con mắc chứng bệnh “cả nghĩ” mà thành ra Tâm thần, rồi phải bỏ viện nghiên cứu mà về quê! Nhờ gặp mẹ, một cô giáo trường làng giản dị mà sống thêm được chục năm nữa! Nhưng cái bệnh của bố con lại “lây” sang mẹ và “di truyền” lại cho con!... Chỉ đến khi bố con mất đi, mẹ phải lo nuôi ba anh chị em con ăn học thì mẹ mất hẳn cái bệnh “nghĩ ngợi lung tung” ấy! Con người ta phải hành động nhiều hơn suy nghĩ! Đó là điều suy nghĩ cuối cùng của mẹ cho nên sẽ rất đúng! Bây giờ con phải lo lấy chồng đi! Lấy chồng, đẻ con rồi thì con sẽ thấy con người ta phải hành động như đèn kéo quân!”…
Mẹ lại nhắc đến chuyện lấy chồng, nhưng mình thấy quả là không hề đơn giản, bao giờ cũng là như vậy! Hay là làm theo lời mẹ, phải hành động nhiều hơn suy nghĩ! Vậy thì mình sẽ đi ra ngoài đường, người nào mình nhìn thấy đầu tiên, mà nói rằng thích cưới mình làm vợ thì sẽ đồng ý liền! Mình liền bước ra cổng, nhìn cả hai phía, con đường làng rợp bóng mát của đủ các loại cây, hoa được người ta trồng làm thành hàng rào, thật là yên tĩnh! Đúng là phong cảnh làng quê thanh bình! Mình bỗng nghe thấy tiếng gõ máy chữ lách tách đều đều từ bên nhà hàng xóm. Nhìn sang thấy anh Liêu, vừa là bạn học, vừa là bạn lính với anh trai mình, bị thương phải cưa một chân, mới về nhà được nửa năm, chính anh Liêu đang gõ máy chữ! Nhớ đến ý nghĩ khi bước ra khỏi cổng, mình thấy bối rối: chẳng lẽ là cái anh Liêu này? Nhưng anh ta đang gõ máy chữ ở trong hè nhà anh chứ có đang đi ngoài đường đâu? Đúng lúc đó thì anh Liêu ngừng gõ máy chữ, ngoái đầu nhìn sang thấy mình thì liền đứng dậy, cầm lấy cái nạng rồi đi ra cổng, tính muốn gặp mình chắc? Quả nhiên anh Liêu đi rất nhanh ra cổng nhà anh thì quay ngay sang cổng nhà mình, nói: “Chào cô giáo Hiền! Đang muốn tìm cô thì thấy ngay! Anh có cái truyện ngắn mới viết xong, “Bạn trường làng” - viết về tình bạn giữa anh và anh trai Hiền. Nhờ Hiền đọc rồi chấm điểm nhé!”. Mình nói: “Em không dám chấm điểm đâu. Nếu có thì chỉ nhận xét chút xíu thôi” và thoáng nghĩ: Chẳng lẽ đây là người mình gặp đầu tiên? Nhưng phải xem anh ta có thích cưới mình không đã? Mình liền hỏi: “Anh đang nghĩ gì đấy?” Anh Liêu nói: “À, anh đang viết truyện ngắn “Kén rể” - có một cô gái đến tuổi lấy chồng nhưng không biết lấy ai? Ai mới là người xứng đôi với cô gái ấy?”. Trời ơi, sao lại có sự trùng hợp như thế? Anh Liêu thấy điệu bộ lúng túng của mình thì liền chào và đi nhanh về nhà!...
4. Ngày… tháng… năm 19… Khi người ta giành nhiều tâm huyết cho một công việc nào đó mà kết quả lại không được như mong muốn thì thật là buồn. Mình chuẩn bị bài giảng rất kỹ, nhưng khi đến lớp thì mình như hóa thành Con Dã Tràng: Lớp học lúc nào cũng vắng non nửa, số còn lại thì đứa ngủ, đứa đang ăn khoai, ăn sắn, đứa thì đang sửa, buộc lại cái giỏ cua để tan học là đi móc cua ngoài ruộng về làm bữa ăn cho cả nhà, v.v.. Chỉ có một, hai đứa là há mồm ngồi nghe cô giáo nói, mà hình nhý nó không hiểu cô giáo nói gì! Phải chấn chỉnh lại nền nếp học tập! Không biết mình có làm được việc này không, hay là nói qua loa vài câu rồi cho bọn trẻ về sớm như các thầy cô giáo khác? Mình vừa nghĩ đến mấy chữ “cho về sớm” thì một bé gái đứng lên nói: “Thưa cô, cô cho em về sớm, hôm nay em phải đi mót lúa, nhà em hết gạo ăn rồi!” Mình chưa kịp nói gì thì hai đứa nữa cùng đứng lên tranh nhau nói: “Thưa cô, em cũng phải đi mót lúa!...” Và cuối cùng thì gần như cả lớp cùng tranh nhau nói!...
Mình vừa về đến cổng nhà thì thấy hai mẹ con thằng Chánh con ông chủ tịch xã đi từ nhà mình ra, mình vội lùi lại, chạy sang nhà anh Liêu. Anh lại đang ngồi gõ máy chữ ở ngoài hè. Nhìn thấy mình, anh vội ra mở cổng và hỏi ngay: “Em đọc xong cái truyện ngắn của anh rồi à?” Mình nói: “Vâng!... Nhưng bây giờ em muốn nói với anh chuyện khác. Sao anh không sang nhà em xin cưới em đi?” Anh Liêu trố mắt nhìn mình, hỏi lại: “Em nói gì? Xin cưới em? Tại sao em lại nghĩ thế?” Mình nói mà như là có ai chui vào mồm mình mà nói: “Hôm kia, em có quyết định là nếu bước ra cổng mà gặp ai đầu tiên thì sẽ cưới người đó! Lúc đó em đã gặp anh! Thế em chưa nói với anh chuyện này à? Nếu chưa nói thì bây giờ em nói rồi đó, anh sang nhà em xin cưới em đi, mẹ em sẽ đồng ý liền!” Anh Liêu như là chưa hiểu mình nói gì. Anh nhìn ra cổng, thấy hai mẹ con thằng Chánh đi qua thì như là đã hiểu phần nào! Anh ngập ngừng một lát rồi nói: “Để anh nói với mẹ anh đã!...”
Song, thật là ngoài dự đoán, từ sau khi Mẹ anh Liêu sang gặp mẹ mình (gọi là dạm hỏi) thì ngày nào cũng có người mai mối đến xin gặp mẹ mình và xin cưới mình chứ không chỉ là dạm hỏi, chạm ngõ nhiêu khê gì đó! Mình nói với anh Liêu: “Anh sang xin cưới đi rồi ta cưới liền!” Anh Liêu băn khoăn nhìn mình, muốn nói điều gì mà như là không tiện nói ra. Mình nói: “Anh em mình biết nhau từ ngày cởi truồng thì có gì mà e ngại. Anh và em sở dĩ chưa nói chuyện cưới xin với nhau chỉ vì chưa tới số thôi. Bây giờ là tới rồi đó! Chúng ta phải cưới ngay kẻo “Đêm dài lắm mộng”!
Thế là chỉ một tuần sau, mình đã là “Gái đã có chồng”! Rõ ràng là bọn “Ong bướm rập rờn” đã biến hết, cả thằng Chánh con ông chủ tịch xã cũng lặn luôn! Khi đã là cô dâu rồi, mình thấy cuộc sống quả là có khác chút ít với khi chưa là Cô dâu! Và tới khi cái thai trong bụng mình cứ lớn lên từng ngày thì sự khác biệt là rất lớn!...Lớn nhất có lẽ là cái thai, nó đã thu hút mọi suy nghĩ, hành động của ta, nhiều lúc khiến ta quên cả lũ trẻ ở trường học. Giờ mới thấy các cô giáo “Tiền bối” nói đúng: khi có nhiều việc khác phải nghĩ đến thì việc trường lớp, tức việc dạy học thật là nhẹ nhàng, coi như không có, không cần bận tâm, như trò chơi con nít vậy!
5. Ngày… tháng… năm 19… Khi mình đẻ đứa con trai đầu lòng thì Mẹ quả là hết cả ốm đau, bệnh tật. Suốt ngày hai bà cháu chơi với nhau thật là vui. Biết thế này thì mình lấy chồng, đẻ con thật sớm!
6. Ngày…tháng…năm 19…: Năm năm qua, không hiểu sao mình bỗng không muốn ghi Nhật Ký, có lẽ tại bởi khi sinh đứa con gái thứ hai thì mình quá bận rộn. Khi đứa con thứ hai được hai tuổi thì chồng mình - Anh Liêu, cùng mấy người bạn Cựu chiến binh vào thăm lại chiến trường xưa thì bị tai nạn giao thông ở Tây Nguyên, cả cái xe khách lao xuống vực, thật là kinh khủng! Vậy mà khi tin tai nạn báo về, chẳng nhà nào tin cả! Ai cũng nghĩ là người thân của họ sẽ về!...Trong Lễ truy điệu anh Liêu tử nạn, một người đồng đội cũ giờ làm ở Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh nói rằng trường hợp của anh trai mình vẫn ở diện mất tích vì chưa có thông tin gì mới!
7. Ngày… tháng...năm 19… Con trai đầu của mình, thằng Làng, đã hơn sáu tuổi, cho nó vào Lớp Một vì nó đã đọc thông viết thạo, làm toán cộng trừ nhân chia rất nhanh. Và thật kỳ lạ, từ khi cho con đi học, mình lại toàn nghĩ về chuyện dạy học, về lũ học sinh trẻ con của mình!...Có lẽ bây giờ toàn bộ sự chú ý của mình sẽ tập trung vào lớp học vì ở đó có cả thằng con trai và hai tháng sau thì có cả cô con gái em, con Nữ, vì thật bất ngờ, con em ở nhà chỉ “học mót” thằng anh và chỉ sau một tháng nó đã đuổi kịp thằng anh và xem chừng muốn giỏi hơn “ông anh” của mình. Nó gọi anh nó là “Ông Anh” nghe thật ngộ, không biết nó bắt chước ai?
8. Ngày…tháng…năm 19…: Ban Giám hiệu, rồi cả Phòng giáo dục Huyện đều đồng ý cho mình thực hiện Chương trình đặc biệt bậc Tiểu học (hệ 12 lớp), từ lớp Một cho đến lớp Sáu. Tuy nhiên, Trưởng phòng GD Huyện nói: “Làm thì cứ làm, miễn sao con em chúng ta nó học tốt, chứ báo cáo lên Sở rồi lên Bộ, đi lên, đi xuống vòng vo, đường xa diệu vợi!” Còn Hiệu Trưởng thì nói: “Em làm gì thì cứ làm cho vui, chứ trường mình là nơi đồng quê thôn dã thì có ai ngó tới mà báo cáo báo cầy mất thời gian! Nhưng dù sao cũng phải làm thế nào để trẻ em nó thích đến trường và có điều kiện đến trường. Nếu em có sáng kiến gì thì nghĩ giùm cho chị vấn đề ấy mới là thiết thực nhất!”. Chị Hiệu Trưởng đã nói đến vấn đề muôn thuở của “đẳng cấp Trường Làng”, thì ra từ xưa đến nay ai cũng nhìn thấy đó là vấn đế nan giải của “đẳng cấp Trường Làng” nhưng giải quyết nó thì..Hãy đợi đấy! Liệu mình có nghĩ ra được cách nào hay ho không?
9. Ngày…tháng…năm 19…: Thời gian cứ lặng lẽ, vô tư trôi đi. Thằng Làng đã tám tuổi, con Nữ đã Bảy tuổi, việc học hành của chúng nó tiến triển tốt. Mẹ thì vẫn khỏe nhưng dạo này cứ ngơ ngẩn như người mất hồn, có lẽ tại mẹ nhớ con trai. Còn tin tức về anh trai mình vẫn như cũ: mất tích! Mình chỉ còn biết ngày ngày cầu Bồ Tát phù hộ cho anh nguyên vẹn trở về!...
10. Ngày… tháng… năm 19… Cô em gái của mình tốt nghiệp thì được giữ lại trường, rồi học lên Cao học, rồi làm tiếp Luận văn Tiến sĩ, tính đến nay đã gần mười năm trời! Giờ thì nó lại xin về Sở Giáo dục của tỉnh theo “Tiếng gọi của Quê hương”. Nghe nó nói chuyện thì nó còn nhiều khát vọng hơn cả mình lúc mới ra trường! Tuy nhiên, gần một năm thì nó cưới chồng, chồng nó là một Nhà Doanh nghiệp ngoài Quốc doanh, chuyên kinh doanh Địa ốc, xây dựng nhà dân dụng! Nghe nó nói mà giật thót cả người: “Càng học lên cao, em càng thấy rõ rằng, cách làm tốt nhất là không làm gì cả, cứ ngồi vào đúng vị trí của mình để “Con tàu thời gian” nó đưa đi theo đúng lộ trình đã định sẵn!” Thì ra nó đã “nhập cuộc” trước mình, còn mình thì mang tiếng là con cái đùm đìa mà vẫn “mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây”! Khi nó nói chuyện về tình yêu, vợ chồng, gia đình… thì quả là “dễ sợ”! Cứ như nó nói thì mình mới chỉ “mon men ở ngoài rìa” của những mối quan hệ tưởng như là đã “từng trải” đó!...
11. Ngày… tháng… năm 19… Có một đoàn hơn chục sinh viên do một thầy giáo hướng dẫn về Làng mình sưu tầm văn học dân gian. Sao mình ở đây đã ba đời mà không để ý, còn họ ở tận đâu đâu lại về đây “đào bới, lục lọi” khắp xóm dưới làng trên, và thật kỳ lạ, họ đã moi ra được đủ thứ nào là ca dao, tục ngữ, truyền thuyết, rồi Thần phả, Thần tích gì nữa cứ gọi là om sòm cả làng! Không ngờ bà mẹ già ngớ ngẩn nhớ nhớ quên quên của mình lại biết và thuộc nhiều những bài ca cổ xưa, những truyền thuyết cổ xưa đủ loại của làng mình như thế? Đến nỗi ông Thầy giáo hướng dẫn đám sinh viên xin đóng “Đại bản doanh” ở nhà mình và ghi âm, chụp hình bà mẹ già của mình suốt ngày, suốt đêm!...Rồi một buổi tối kia, không hiểu bằng cách nào mà ông Thầy Sưu tầm dụ được mình hát lại những bài ca mà mẹ mình đã hát cho ông ta ghi âm. Hát đến đâu ông ta ghi âm đến đó, và luôn mồm nói: “Thật không ngờ cô giáo thời nay mà hát những bài ca cổ xưa lại giống như là người cổ xưa! Chúng ta như đang lạc vào vườn Cổ tích có rất nhiều phép nhiệm màu!”…Và không biết từ lúc nào, ông Thầy Sưu Tầm đã đưa mình trở về tận những thời kỳ xa xưa nhất của Loài người: thời kỳ Nguyên Thủy, con người còn ở trong những hang động lung linh thạch nhũ!... Ông Thầy Sưu tầm đã kéo mình vào cuộc tình “dân gian” từ lúc nào mình cũng không thể xác định được!
Đoàn sưu tầm kéo dài thời gian công tác thêm một tháng. Rồi một tháng cũng trôi qua cái vèo! Ông Thầy Sưu tầm như là không muốn chia tay, muốn cưới mình làm Thiếp như trong phim Tàu! Mình rối trí quá không biết làm sao thì cô em gái về, thấy thế thì kêu mấy đứa “Thợ xây” ở Công ty của ông chồng, nửa đêm gói ông Thầy Sưu tầm vào cái chăn chiên rồi ném xuống ao!
12. Ngày…tháng…năm 19…: Sau chuyện của ông Thầy Sưu tầm, lại đến chuyện thằng Chánh con ông Chủ tịch Xă. Có dạo nghe nói nó được chọn đi học công nhân kỹ thuật công nghệ cao ở tận quê hương của Gớt, ai ngờ vài năm nó lại lù lù trở về làng làm ở văn phòng Ủy Ban Xã. Bẵng đi vài năm không để ý, giờ nó đã giữ cái chức Chủ tịch Xã của bố nó ngày xưa! Một hôm, Chánh đến trường, gặp Hiệu trưởng rồi đòi dự khán giáo viên đứng lớp. Hiệu trưởng dẫn vào lớp mình. Suốt cả buổi, vị chủ tịch xã ngồi lim dim như ngủ! Không biết ngủ hay đang tính toán âm mưu gì?
Tan học, mình vừa đi về vừa nghĩ: Bỗng nhiên đến trường đòi dự giờ, không thể là chuyện bình thường! Mình liền gọi điện cho cô em, nói lại tình hình. Nửa giờ sau đã thấy hai “Thợ Xây” đến nói là Bà giám đốc điều tới làm vệ sĩ cho cô giáo!
Nửa đêm trôi qua, mình vừa thiếp ngủ thì thấy có tiếng lục đục ngoài cửa. Mình mở nhìn ra đã thấy hai “Thợ Xây” Vệ sĩ cầm hai đầu cái bao tải to tướng đã buộc chặt miệng bao, đi ra cổng!
Một tuần sau, nghe mấy cô giáo nói ông chủ tịch xã giờ như người tâm thần, cứ đi tới đi lui ở sân Ủy Ban, không thấy nói năng gì! Ủy ban đã họp ba ngày để bầu người thay thế mà bầu mãi không được, đang chờ Huyện xuống quyết!...
Ngày mai là ngày kỷ niệm 10 năm làm cô giáo trường làng, không biết nên vui hay buồn đây? Mẹ bỗng đến sát người lúc nào mà không biết, giật thót tim! Không hiểu sao, Mẹ lại nói như là mười năm trước đây: “Lo mà lấy chồng đi! Phải thường xuyên tới Tỉnh đội hỏi xem tin tức anh trai mày thế nào?”… Nghe mẹ nói mà mình bàng hoàng cả người, có hai việc ấy mà suốt mười năm qua mình chưa làm được sao?
sài gòn, 2009
Đỗ Ngọc Thạch
thôn nữ ngày mùa
mùa vàng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét