Thứ Bảy, 28 tháng 4, 2012

Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch

(trên vannghechunhat.net)

Lệnh phải thi đỗ

Ông Lý Trần Vương Gia chưa tới 50 tuổi nhưng đã là một đại gia thuộc Top 10 của Tỉnh H. Nhìn tên ông cũng có thể đoán ra ông là hậu duệ của hai dòng họ đã làm sáng chói những trang sử của người dân nước Việt: đó là hai họ Lý và họ Trần.

Con Tạo xoay vần

Không hiểu sao hai chữ “thất nghiệp” nó cứ bám lấy tôi dai như đỉa đói ? Lần này chắc là tuyệt lộ vì sức đã yếu, tuổi đã đến gần “ngũ thập”, cũng có thể gọi là tuổi cao được rồi?

Lá thư tuyệt mệnh

Ông Trần Phú Quý là một Kỹ sư Nông nghiệp, sau khi có cái bằng Thạc sĩ thì lên Trưởng Phòng Nông nghiệp Huyện và hiện là Phó Chủ tịch một Huyện.

Giết chết người tình

Một buổi sáng, vào khoảng Năm giờ, đường phố còn vắng tanh, người lượm ve chai, như thường lệ, đi khắp các hang cùng ngõ hẻm để “móc bọc”. Trước cửa các căn nhà, những bịch rác to nhỏ đủ các cỡ, nằm ngổn ngang, bốc mùi hôi thối.

Mẹ tôi ngày nào cũng hiện về

Mẹ tôi ngày nào cũng hiện về1. Mẹ tôi ra đi hồi đầu năm 1984, đến nay đã được 26 năm, nhưng những ký ức về Mẹ thì như là đi ngược thời gian trở về với tôi, mỗi ngày một nhiều thêm và như đang tồn tại…

Trăm thi điệu - Đỗ Quyên


 Mỗi chúng ta / nên là thời đại của chính mình/ hơn là thi sĩ về cuộc đời bản thân/ Cỏ thu vàng ngọn khắp vườn/ Gió đang lạnh đầu mỗi người - Ngày đăng: 26/04/2012. Lần đọc: 67 . Cập nhật bởi: DiepAnh

Trăm thi điệu (3) - Đỗ Quyên

Đỗ Quyên

Trăm thi điệu (3)

Trích trường ca

“Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay”

Nguyễn Du

“Cần phải bắt những trật tự đã cứng đờ nhảy múa lên,

bằng cách hát cho chúng nghe những âm điệu của bản thân chúng.”

K. Marx 

27.

*

Có trang mạng đang chuyên đề Thơ và Thời đại

Nào

      chúng mình nhập vai

Anh nhường em chọn trước – tất nhiên

Em nhường anh

Vậy ta phân định:

Ai nằm dưới

        sẽ là Thơ

 

Hai vần thơ

Một giữ nhịp chung

Một muốn tự lạc

                           tạo nhịp mới

Cả bài thơ không cho là chuyện riêng của nhịp vần

Cả bài thơ

   tự sát hàng loạt

Còn lại hai vần sống mãi

 với mâu thuẫn riêng

Sống mãi

Trên

       bài thơ chết.

 

28.

 

*

 Đêm qua em là bài thơ của anh.

 

Bài thơ là giai điệu

hay

Giai điệu là bài thơ

Vấn nạn kỳ bí

Ôi

Con gà (luộc)

Quả trứng (chiên)

 

29.

*

Mỗi chúng ta

nên là thời đại của chính mình

hơn là thi sĩ về cuộc đời bản thân

Cỏ thu vàng ngọn khắp vườn

Gió đang lạnh đầu mỗi người

Em ạ

 

Bằng một nửa giải Nobel văn học 2011

Tomas Tranströmer hòa đồng

Con người với Thiên nhiên:

 

“Bình mình đặt ánh sáng vào ổ khoá”
“Chìm sâu dòng nước chảy
    mấy cái đầu nổi loạn”          

“Ánh sáng mọc lên dần như tóc của chúng tôi”

 “Pha lê qua năm tháng”

 “Người lữ hành tiến vào vùng xanh của buổi sáng”

 “Lao động của bàn tay trái đến từng mảnh

    chiếu như cầu vồng”

“Mặt trăng của sự nghỉ ngơi lượn quanh hành tinh”

“Khi chúng tôi trên đường về

        mảnh đất đã béo tai”

“Dây cáp điện

          căng trong tổ quốc lạnh giá

          phía bắc của tất cả âm nhạc”

“Tôi có những bờ cát thấp

                nếu cái chết dâng cao sáu insơ tôi sẽ lụt”

“Mỗi chúng ta là một cánh cửa lấp lửng mở

dẫn tới căn phòng của tất cả mọi con người”.[1]

 

Vâng

Một nửa giải Nobel văn học

Cái giá của Nhịp nhàng

Nửa còn lại cho mọi điều còn lại

 

(“Ẩn dụ, súc tích trong sự giản dị”; ”Hình tượng sống động và siêu thực”; “Dòng chảy của thời gian”; “Tứ thơ đột biến”; “Nỗi buồn và quá khứ”; “Cách tiếp cận hiện thực mới mẻ"; “Mở ra những giới hạn về con người và cuộc đời”; “Khiêm ái, trung thực qua từng câu chữ”; “Ngọt ngào, tế nhị, không làm dáng”; “Dễ hiểu mà khó thẩm thấu”; “Tính nhất thể cá nhân”; “Nhân văn không to tát và bảo thủ”; “Vững chắc trong thể loại”; “Những bài thơ bí ẩn, uyên bác và buồn bã”; “Cân bằng một cách quá hoàn hảo, thẳng tắp”; “Đi thẳng vào lõi nhân sinh”; “Huyền nhiệm chủ nghĩa”; “Minh triết và ám ảnh”; “Tìm được lối ra trong thơ”; “Con mắt của trí tưởng tượng”; “Chỗ đậu cao cho tư tưởng; “Tính triết lý, biểu tượng và sự du dương âm nhạc”; “Các hình ảnh chính trong mỗi bài thơ đến từ nhiều nguồn khác nhau về tâm lý”; “Vẻ đẹp trong thơ là khoảng không gian cảm nhận được trong các bài thơ”; “Vẻ ngoài bình thường, đọc kỹ mới thấy ý tứ của tâm sinh lý hiện đại”; “Những ẩn dụ tạo cấu trúc chính xác và gợi cảm, dẫn đến nhịp thở lớn”; “Thơ ông, mà lừng danh nhất là tập ‘Những biển Baltic trên đời’, là Kinh thánh thế tục của người dân Thụy Điển"; v.v…)[2].

 

30.

*

Hôm nay rằm

Trăng lên

    quá Cột điện đầu phố

Nếu nhìn lâu sẽ thấy em

                                    ở trên đó

và lâu nữa

    mặt trời

Cơn gió gọi anh trở lại

Hơi rượu nóng cũng không đủ chờ

Những ánh trăng

Những ánh mặt trời

Muôn đời

  những lệch lạc chủ quan

 

Lá rụng sắp vàng sân

Chú chim sẻ già thêm sau vài điệu hót

Bài thơ vẫn mở

Thi nhân không hiểu tiếng chim

sẽ hiểu tiếng của lá

Khi bài thơ còn mở

là muốn ba đồng tác giả.

 

31.

*

Nếu không có tình yêu

những khung nhạc em để lại

thay lời em được chăng

Nếu không có tình yêu

tiếng lách tách trong ly rượu

thay được hình hài em không

Nếu không có tình yêu

đêm đen ngoài kia

sẽ thay em

 

Thường là có đối thoại

thơ hiện đại

                   vì thế khó hiểu khó nhớ

nhịp của

một trái tim và của

một cái lưỡi

 

Thơ hậu hiện đại càng khó

rằng thì mà là

          nhịp hai cái lưỡi

 

Nhưng vẫn hơn

một trái tim độc thoại

nếu xét thuần về

                         hòa điệu.

 

32.

 

Người cắt cỏ làm thành những vệt đậm trên vườn

Các tiếng động đang bay

 

Thi-sĩ-sẻ-non không biết khi nào trở lại

Nó sợ tiếng ồn

và cả những thay đổi màu sắc

 

Thi-sĩ-người

đến bên những chiếc lá im lặng

góc vườn

 

*

Nghe lần thứ năm

   anh bật dậy

Bản nhạc đã chạm điểm G của bài thơ

 

Xa em

Anh làm thơ

Không ngờ thơ cần kích thích dường vậy

 

Anh đang làm

          thơ xa em.

 

33.

“Thơ là vô ngôn” -
Thi sĩ kiểm chứng qua các sách sẵn tay:
“Thi ca tư tưởng”; “Đi vào cõi thơ”; “Mưa nguồn”; “Bài ca quần đảo”;“Sa mạc phát tiết”;
“Rong rêu”; “Đêm ngắm trăng”; “Thơ Bùi Giáng”; “Mười hai con mắt”[3]
thấy đúng

Thơ là vô tình -
Thi sĩ kiểm chứng bản trường ca này
cũng thấy đúng

Thơ là vô thanh -
Thi sĩ kiểm chứng
và thấy
           vô thanh chỉ là những gì không-thơ

*
Bài thơ qua nhanh điểm G
   gục ngã
Em chưa hiện về
Những băng nhạc buồn
                                   đã ngủ trong đêm
Em chưa hiện về
Lần đầu tiên anh bắt đầu thấy
                                                nghệ thuật vô dụng
Em chưa hiện về.

34.



Thi sĩ không thấy trong ngón tay nào của mình các hình tượng siêu thực Bắc Âu
Tomas từng đầy hai bàn tay trước khi đột quỵ
Ông - chắc chắn - cũng không có ở lóng tay nào bản sắc dân tộc Việt
Thi sĩ chất vòng theo các vân tay
Chỉ có thể đọ nhau bằng Thi điệu
Xem chừng ai vừa thắng Nobel
                                                (ai hẹn những mùa sau) 

*
Em về qua âm thanh
Anh đón bằng ngôn tự
Thơ trường ca trải tràn cung mây
Xum xuê bảy môn nghệ thuật
Lần lượt lần lượt
Vườn tình muộn
Có một đóa hồng vàng cười nụ
Hết mùa thu.

(Trích trường ca TRĂM THI ĐIỆU)

Vancouver, Thu - Đông 2011 & Xuân 2012

ĐỖ QUYÊN


[1] Các câu chữ trong thơ Tomas Tranströmer (của nhiều dịch giả)
[2] Các câu chữ nhận định về thơ Tomas Tranströmer (của nhiều tác giả)
[3] Các tác phẩm của Bùi Giáng
Gửi email trang này cho bạn bè Mở cửa sổ in bài viết này



Trăm thi điệu (3) - Đỗ Quyên

Chủ Nhật, 15 tháng 4, 2012

Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch (128 + 5)- trích: Mẹ tôi...

Ảnh riêngẢnh riêng


Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch (128 + 5)

Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch

8 Bà nội 240
9 Cánh đồng mùa đông 294



11 Ký ức Hà Nội 204

4 Từ văn miếu đến hồ Hoàn Kiếm 261

Núi Lở : BLOG - Cửa sổ Blog

 
Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch

Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch


Tiêu đề của danh mụcSố truy cập
1 Chuyện hai người trên chuyến tàu tốc hành 149
2 Con Tạo xoay vần 124
3 Vòng nguyệt quế 114
4 Đấu trường 100 115
5 Giết chết người tình 258
6 Lá thư tuyệt mệnh 235
7 Sinh ngày 30/4 185
8 Mẹ tôi ngày nào cũng hiện về 184
9 Mẹ tôi là y tá 185
10 Kỳ nhân dị tướng 468
11 Sự lựa chọn nghiệt ngã 385
12 Người mẹ và những đứa con 374
13 Báo hiếu 318
14 Bà ngoại 256
15 Bạn học đại học 254
16 Tứ đại đồng đường 253
17 Người hành nghề đao phủ 228
18 Lấy vợ xấu 189
19 Bạn vong niên 224
20 Quân sư Quạt Mo 226
21 Vụ án chiếc nút áo Casmia 234
22 Địa sứ 238
23 Có một hậu duệ của nhà Hậu Lê 234
24 Nghêu, Sò, Ốc, Hến 245
25 Chuyện tình của Thị Mầu 256
26 Tuồng và chèo 232
27 Chuyện người hỏng thi 208
28 Giai điệu mùa hè 219
29 Ký ức mùa thi 216
30 Bố và con và.... 224
Trang 1 trong tổng số 5
Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch

Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch


Tiêu đề của danh mụcSố truy cập
31 Tiểu đội trưởng của tôi 204
32 Người được chọn đâm trâu 129
33 Ma Lai 129
34 Ký ức làm báo 3 383
35 ký ức làm báo 2 385
36 Ký ức làm báo 386
37 Hai lần bác sĩ 167
38 Bảo vệ danh tiết (chùm truyện mini) 247
39 Đề tài nghiên cứu khoa học (chùm truyện ngắn mini) 256
40 Tên tướng cướp hoàn lương 203
41 Ba lần thoát hiểm 200
42 Tứ đại mỹ nhân chân dài (Chùm truyện mini) 229
43 Cô giáo vùng cao (chùm truyện mini) 192
44 Lên rừng xuống biển 162
45 Những con tàu ra Bắc vào Nam 130
46 Cá chuối đắm đuối vì con 147
47 Chuyện tình ngày Valentine 162
48 Đám mây hình trái tim 377
49 Điều kỳ diệu 133
50 Câu lạc bộ VIP 186
51 Cái hút nước 142
52 Quanh hồ Gươm 333
53 Ngày thứ ba mươi mốt 337
54 Chuyện người bán thuốc 265
55 Vụ án đêm giao thừa 327
56 Làng tôi xanh bóng tre 197
57 Làng nói trạng 219
58 Ở trọ 188
59 Chờ 142
60 Mối tình đầu 226
Trang 2 trong tổng số 5
Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch
Ảnh riêngẢnh riêng

Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch


Tiêu đề của danh mụcSố truy cập
121 Bác sĩ thú y 172
122 Bác sĩ đồng quê 155
123 Nhật ký của một cô giáo trường huyện 184
124 Nhật ký của một cô giáo trường làng 180
125 Sự tích chim đa đa 380
126 Lời thề thứ hai 212
127 Đứa bé tật nguyền và nàng tiên áo trắng 379
128 Mẹ Đốp 475
Trang 5 trong tổng số 5
Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch
Ảnh riêngẢnh riêng

Mẹ tôi ngày nào cũng hiện về

Thứ sáu, 06 Tháng 4 2012 15:07 TRUYỆN - Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch
Mẹ tôi ngày nào cũng hiện về1. Mẹ tôi ra đi hồi đầu năm 1984, đến nay đã được 26 năm, nhưng những ký ức về Mẹ thì như là đi ngược thời gian trở về với tôi, mỗi ngày một nhiều thêm và như đang tồn tại…
…Mẹ tôi chưa bao giờ nói với tôi về tình cảm giữa Bố và Mẹ nhưng tôi hầu như không bao giờ thấy hai người to tiếng với nhau (hoặc có những biểu hiện của sự bất hòa), trước mặt con cái cũng như trước bất kỳ ai. Mẹ nói bố và Mẹ lấy nhau là do Ông Tơ, Bà Nguyệt xe duyên, là do bàn tay Tạo hóa sắp đặt. Điều đó tôi thấy rất đúng. Hẳn là cả hai người đều đã tuân thủ nghiêm ngặt những điều lệ mặc định của cuộc hôn nhân “số trời” này cho nên có thể nói song thân tôi đã tạo nên được một gia đình hạnh phúc, vẹn toàn.
Giỏ nhà ai quai nhà ấy, Mẹ nào con nấy, Hổ phụ sinh hổ tử…là những câu nói về con cái, sẽ phải giống cha mẹ. Điều đó hoàn toàn đúng đối với những người con chúng tôi. Nhà tôi có tới bảy anh chị em, cũng có thể nói là đông đúc. Song, không hề có chuyện “nội bộ lục đục” mà rất hòa thuận, vui vẻ, ai cũng kính trên nhường dưới, thương yêu nhau rất mực. Đó cũng là một trong những lý do để anh chị em chúng tôi rất chăm học và đều học giỏi (sau này cả bảy người đều tốt nghiệp Đại học). Tối tối, đến giờ học bài là nhà tôi như một lớp học, người học lớp trên chỉ bảo người lớp dưới, người lớp dưới quyết học giỏi để đuổi kịp người lớp trên! Một không khí thi đua quyết liệt luôn thôi thúc chúng tôi học tập. Đó là điều rất khó thực hiện ở hầu hết các gia đình. Vì thế, gia đình tôi được xem như một mẫu mực của kiểu gia đình hòa thuận, nền nếp. Gia đình tôi thường sống trong những khu tập thể của nơi bố tôi làm việc. Mỗi khi gặp những người hàng xóm, họ đều nhìn anh chị em chúng tôi bằng ánh mắt thiện cảm và thường lấy chúng tôi làm gương cho con cái noi theo. Những ký ức bình thường ấy chỉ sau này, khi anh chị em chúng tôi đã bước sang tuổi già, tôi mới thấy hết giá trị của nó và càng thấy bố và mẹ của mình mới kỳ diệu làm sao!
Bây giờ, mỗi khi thấy các gia đình xung quanh có những chuyện như vợ chồng cãi lộn ầm ỹ, đánh nhau máu mê đầm đìa, anh em nhào vào nhau “ăn thua đủ”… là tôi lại nhớ tới song thân. Nhiều lúc, tôi cứ lẩn thẩn nghĩ: không biết bố mẹ mình có bí quyết gì mà giữ được một gia đình ấm êm, hòa thuận như vậy? Và những ký ức về song thân cứ hiện về lung linh kỳ ảo như những vì sao trong bầu trời đêm mênh mông vô tận…
2.
Những năm hòa bình đầu tiên ở Hà Nội (1954-1956), gia đình tôi có 9 người ( ông nội, bà nội, bố, mẹ và năm anh chị em – sinh từ 1945 đến 1955) đều chỉ sống bằng lương Bác sĩ quân y của bố tôi, phải đến năm 1957, khi bố tôi chuyển ngành sang dân Y, về phụ trách Bệnh Khu Gang Thép Thái Nguyên thì mẹ tôi mới đi học lớp Y Tá rồi đi làm ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Nguyên. Nói vậy để thấy rằng cuộc sống của một gia đình như thế là quá nghèo. Cảnh nghèo như thế còn kéo dài hơn chục năm nữa khi bốn người lớn chúng tôi lần lượt vào đại học và chủ yếu sống bằng học bổng!
Đối với người lương thiện thì cách kiếm tiền duy nhất là đi làm thuê, làm mướn. Nhưng bố tôi quyết nuôi con học hành tới nơi tới chốn nên không thể cho chúng tôi nghỉ học để đi làm mà chọn cách “vừa làm vừa học”: nhận đồ gia công về nhà làm là cách kiếm tiền khá phổ biến của công nhân viên chức Nhà nước lúc đó, mặc dù giá làm hàng gia công rất rẻ mạt! Mỗi khi có hàng, cả nhà tôi lại như là một phân xưởng, tất cả hì hụi làm đến tận một, hai giờ sáng! Bọn trẻ chúng tôi vì đang tuổi ăn tuổi ngủ nên nhiều lúc đang làm mà ngủ gục, bừng tỉnh dậy thấy mẹ tôi vẫn cặm cụi làm, tôi liền vụt đứng dậy đi lau mặt nước lạnh rồi vào làm tiếp!
Giống như ở chiến khu thời kháng chiến, tăng gia sản xuất là một trong những giải pháp hữu hiệu để sống. Gia đình chúng tôi luôn ở trong những khuôn viên của cơ quan bố tôi công tác, thường là Bệnh viện, nên có rất nhiều những chỗ đất trống chỉ có cỏ dại, bụi gai. Và anh em chúng tôi luôn là những người đầu tiên “khai hoang, vỡ đất” và trồng đủ các loại rau màu, cả ngô khoai sắn, tức lương thực! Mùa hè chúng tôi trồng rau muống, rau cần, rau mồng tơi, rau ngót, Mùa Đông chúng tôi trồng su hào, cải xanh, cải bắp, cà chua! Đó là dưới đất, còn trên cao thì bắc giàn bầu, giàn bí, mướp, su su, đậu ván…đủ loại! Tôi còn nhớ là hầu như mẹ tôi không phải đi chợ mua rau mà chúng tôi còn bán cho những người hàng xóm, hoặc có hôm mẹ tôi cho tất cả rau dưa vào một cái rổ lớn rồi ngồi bán ở cổng Bệnh viện, chỉ khoảng nửa giờ là bán hết!
Trồng trọt thường đi đôi với chăn nuôi, đó là cách tồn tại phổ biến của cư dân Việt từ ngàn xưa. Gia đình chúng tôi cũng không ngoại lệ. Chúng tôi vừa có chuồng gà vừa có chuồng lợn, thỉnh thoảng lại nuôi thỏ, gà tây, ngan ngỗng…không khác gì một cái “Trang trại”. Còn đồ ăn cho gà lợn …thì từ vườn rau và đến lấy đồ ăn thừa ở thùng rác thải của nhà bếp Bệnh viện. Hàng ngày chúng tôi đều có thu hoạch trứng gà, ngày Tết, ngày lễ đều có thể mổ gà , thi thoảng thì mổ lợn…Những khi ăn uống kham khổ, là tôi luôn nhớ lại những lần thu hoạch từ cái “trang trại mi-ni” ngày ấy!
Làm đồ gia công, trồng trọt và chăn nuôi là những cách kiếm sống chủ yếu của những gia đình công nhân viên chức Nhà nước nghèo thời đó, mà gia đình chúng tôi đã thực hiện khá tốt, rất hiệu quả. Ngoài những công việc thường xuyên đó, vào những dịp nghỉ hè (từ lớp một đến lớp mười có tới chín kỳ nghỉ hè, mỗi kỳ ba tháng), tôi còn đi làm kiếm tiền ở các xí nghiệp, công trường xây dựng… như một lao động thực thụ! Cho đến tận bây giờ, nghĩ lại tôi mới thấy lúc đó sức khỏe của mình thật là tốt!
Thông thường, trong những lúc làm việc mệt nhọc, vất vả, tôi thường nhìn mẹ tôi và thấy Người không bao giờ kêu la, rên rỉ hay đại loại như vậy. Chính điều đó đã khiến cho tôi cũng giống như Người trong suốt cuộc đời: không bao giờ kêu mệt mỏi trong khi đang làm việc! Đó cũng chính là điều cắt nghĩa rõ nhất tại sao mẹ tôi vẫn giữ được đầy đủ đàn con của mình mà không phải đem cho, đem bán như bao nhiêu gia đình nghèo đông con khác. Khi mới về Hà Nội , năm 1955, mẹ tôi sinh con thứ 6, đặt tên là Thủy – lấy theo tên Bệnh viện Đồn Thủy, nơi mẹ tôi sinh con và cũng là  nơi bố tôi làm việc (sau đổi tên là Bệnh viện Quân Y 108). Lúc bé Thủy được gần một tuổi, rất bụ bẫm, dễ thương, ai nhìn thấy cũng muốn bế bồng. Có một chuyên gia nước ngoài đã xin làm con nuôi, mọi thủ tục đã hoàn tất. Nhưng khi người chuyên gia nước ngoài này đang ngồi chờ ở sân bay thì mẹ tôi đến, đòi bế bé Thủy về. Người chuyên gia nước ngoài thấy mẹ tôi thương yêu con như vậy thì không nỡ đưa bé Thủy đi mà đồng ý trả lại, còn tặng luôn cả một thùng đường sữa, bột dinh dưỡng… đã chuẩn bị cho bé Thủy ăn trên đường đi. Hiện giờ, bé Thủy ngày ấy đang sống ở Canada, đã 55 tuổi. Quả nhiên là có số sống ở nước ngoài!...Khi tôi đang học lớp hai, lúc đó đang ở Quân Y viện 9, thị xã Vĩnh Yên. Có hai vợ chồng đều là Bác sĩ quân Y, lấy nhau đã lâu nhưng không có con. Hai vợ chồng người Bác sĩ này đã thuyết phục được bố tôi cho một đứa con làm con nuôi và hai người Bác sĩ này đã chọn tôi. Nhưng ngay ngày hôm sau, tôi thấy mẹ tôi sang nhà hai người Bác sĩ “bố mẹ nuôi” của tôi và dắt tôi về! Sau này, tôi được biết rằng hai vợ chồng đó không có con là do người chồng (súng đạn có vấn đề), sau đó người vợ đẻ hai lần bốn đứa con, đều sinh đôi, -  nhờ phương pháp thụ tinh nhân tạo!
3.
Mẹ tôi làm việc ở Bệnh viện về là lại luôn chân luôn tay với 1001 công việc “kiếm sống” ở nhà như vừa nói trên, cho nên có thể nói, hầu như Mẹ không có thời gian để “giải trí” hoặc đi du lịch đó đây như những gia đình sung túc, giàu có khác. Thi thoảng mới có những giây phút rảnh rỗi trong ngày thì mẹ tôi lại đọc báo (thời bao cấp, cán bộ như bố tôi là đã có tiêu chuẩn báo chí riêng) và đọc báo đã trở thành một nhu cầu thường nhật ở nhà tôi. Duy trì được một nền nếp sinh hoạt văn hóa bổ ích trong gia đình là một việc không hề dễ dàng. Và càng khó khăn hơn là việc xác định một định hướng đúng và thực hiện bằng được định hướng đó cho những người con.
Việc xác định mục tiêu tất cả các con phải tốt nghiệp Đại học, nói thì dễ nhưng để làm được không hề đơn giản. Nếu như không kiên định như Mẹ thì hẳn là sẽ có những người con rẽ ngang. Và chính tôi là một người đã định rẽ ngang tới ba lần, nhưng mẹ tôi đều kéo tôi trở lại con đường đã chọn! Lần thứ nhất là hồi tôi đang học lớp 6, ở Hải Phòng. Lúc đó, phong trào bóng bàn ở Hải Phòng rất mạnh, vô địch Toàn quốc đơn Nam (Trần Vũ Phấy) và cả vô địch đơn Nữ (Ngọc Anh) đều ở Hải Phòng và đều không phải VĐV chuyên nghiệp. Tôi tuy chưa tham gia thi đấu nhưng chơi khá tốt và chủ yếu rất mê môn thể thao này, lúc nào ở lưng cũng gài cái vợt mút Đường sắt! Bố tôi có người bạn làm việc ở Sở TDTT Hải Phòng, thấy tôi mê bóng bàn thì nói với bố tôi: “Cho nó vào đội tuyển thiếu niên, không chừng thành Nhà vô địch! Song vấn đề nhất cử lưỡng tiện là nếu được vào đội tuyển thì ông không phải lo nuôi nó ăn học nữa mà có khi nó còn kiếm được tiền đưa cho ông!”. Bố tôi nghe nói vậy thì đồng ý ngay, cho tôi đi thi dự tuyển. Tôi trúng tuyển không khó khăn gì. Đang tập ở phòng tập được ba ngày thì mẹ tôi tới, đưa cho tôi một hộp bóng bàn của nhà máy Nhựa Thiếu niên Tiền phong và nói: “Mẹ vừa vào Nhà máy nhựa để nhận đồ về làm gia công hộp đựng bóng bàn, người ta cho hộp bóng này, cho con!”. Tôi cầm hộp bóng bàn mà run cả tay vì từ hồi biết chơi bóng bàn, tôi chỉ có thể mua hai, ba quả một lúc chứ không thể mua cả hộp như thế này! Tôi chưa kịp hết ngạc nhiên thì mẹ tôi lại nói: “Lần này nhận nhiều hộp bóng bàn gia công lắm, không có con làm thì bao giờ xong mà trả hàng cho người ta!”. Mẹ tôi nói rồi lẳng lặng đi ra phía cổng sân vận động Lạch Tray, tôi chạy theo ra thì thấy một cái xe ba gác loại nhỏ chất đầy bìa giấy (để làm hộp đựng bóng bàn) và người chị sát trên tôi đang ngồi trên càng xe! Không kịp nói gì, như là một phản xạ tự nhiên, tôi chạy lại cầm lấy càng xe và kéo đi như một người thợ kéo xe chuyên nghiệp!
Lần thứ hai tôi định rẽ ngang, bỏ chuyện học hành là khi tôi vừa đi lính trở về, đang học năm thứ nhất ở Khoa Toán trường ĐH Tổng hợp. Có một đợt tuyển đi học Công nhân Kỹ thuật công nghệ cao ở Đức mà đối tượng là bộ đội xuất ngũ, là thương binh càng được ưu tiên. Người phụ trách tuyển sinh vốn là bạn chiến đấu với bố tôi thời kháng chiến 9 năm, tới nhà chơi thì nói: “Đợt tuyển sinh này là cơ hội để cho nhà cậu đổi đời, thoát nghèo. Làm công nhân kỹ thuật cao cũng rất oai mà đi học về còn có thể có tiền xây nhà! Còn nếu muốn học đại học thì sau này học tại chức cũng chưa muộn!”. Bố tôi đồng ý ngay. Tôi khẩn trương làm các thủ tục giấy tờ, gần xong thì người bạn Tuyển sinh kia tới nói với bố tôi: “Chưa kịp bổ sung tên con ông vào danh sách thì không biết từ đâu, các Sếp cấp trên gửi gắm cả đống hồ sơ với đủ thứ dấu má quan trọng, không thể từ chối! Ta rút lui vậy nhé, vừa vặn sáng nay bà vợ ông tới nói phải bỏ ngay ý định đưa con bà đi học công nhân kỹ thuật!”.
4.
Khi đã nghỉ hưu, năm 1980, mẹ tôi vẫn ngày ngày ngồi bán thuốc lá ở cổng cơ quan Bộ Y tế trên đường Giảng Võ (nhà tôi ở trong khu Tập thể của Bộ Y tế, nằm ở phía sau cơ quan Bộ). Bán thuốc lá, bán vé số là công việc mà phần lớn những người về hưu lựa chọn vì lúc đó đời sống của người dân, - nhất là khu vực công nhân viên chức chỉ sống bằng đồng lương ít ỏi, - rất khó khăn: gạo đong theo sổ, mỗi lần đi mua gạo phải chen chúc, xếp hàng cả ngày và chỉ được mua tối đa 5 kg có độn ngô, khoai, mà gạo chỉ là gạo lưu kho đã lâu, đã chớm mốc, mục mà rất nhiều sạn! Thực phẩm thì theo chế độ tem phiếu gồm có thịt, cá , đậu phụ, nước mắm…nhưng không phải lúc nào cũng có bán mà mua, và khi có hàng thì cũng phải chen chúc xếp hàng như đi mua gạo, như đi … đánh trận! Lúc này, sức khỏe mẹ tôi đã rất kém nhưng người vẫn phải chầu chực, chen chúc ở cửa hàng gạo, ở chợ để mua theo tem phiếu vì không thể mua ở ngoài “Chợ đen” được!
Thời gian này, anh chị em chúng tôi đều đã đi làm và đều làm ở cơ quan Nhà nước với đồng lương chỉ đủ sống 15 ngày, nên đành bất lực nhìn mẹ ngồi dầm mưa, dãi nắng bên hè đường lầm bụi mà không biết làm sao! Thế đấy, mẹ đã nuôi một đàn con trưởng thành mà cho đến lúc qua đời, không có đứa con nào nuôi được mẹ để cho mẹ thảnh thơi an hưởng tuổi già! Chỉ nghĩ như vậy, tôi thấy mình thật là vô dụng! Khi tôi nghĩ được như vậy thì mẹ tôi lâm trọng bệnh: Ung thư tuyến tụy, đã ở giai đoạn cuối! Có câu “Sinh nghề, tử nghiệp”, quả không sai! Chồng con, anh em, bạn bè cả một đống Bác sĩ cũng đành ngồi nhìn Tử Thần đến bắt mẹ đi mà không biết làm gì!
Những ngày cuối cùng, tôi ngày nào cũng vào chăm sóc mẹ. Mẹ thường nằm bất động, hai tay đặt lên bụng, mắt khép hờ như ngủ nhưng thực ra mẹ đang nằm đợi hai người con còn ở Sài Gòn chưa ra gặp mẹ lần cuối, đó là người chị cả và người em áp út. Bao giờ cũng vậy, biết tôi tới là mẹ hỏi ngay: “Chị Thanh có ra chưa? Vừa mới sinh con, đi lại đường dài sẽ vất vả lắm!”. Tôi nói: “Máy bay chỉ bay có 4 giờ là tới ngay mà! Chắc là tại mua vé đi ngay rất khó!”. Mẹ khẽ thở dài rồi nói nhỏ: “Chỉ tiếc là mẹ không vào tắm cho cháu ngoại được!... Còn hai thằng em con chưa chịu lấy vợ, mẹ làm sao mà yên tâm được?”. Đó là mẹ tôi nói về hai người em trai út và áp út, mẹ đã trông mong từng ngày để cưới vợ cho hai chú ấy mà không được, biết làm sao?
Tôi mở hai ngăn cái “cạp-lồng” nhỏ, lấy cháo ra định múc cho mẹ ăn nhưng mẹ nói: “Mẹ chưa muốn ăn cháo! Hôm nay có nướng cá rô cho mẹ không?”. Tôi nói “Có” rồi gỡ con cá rô nướng đút cho mẹ. Mẹ ăn ngon lành hết một con rồi nói: “Thôi, được rồi!...Giờ đọc Truyện Kiều cho mẹ nghe đi!”. Từ hôm mẹ tôi nằm liệt giường, ngày nào tôi đến mẹ cũng bảo tôi đọc Truyện Kiều cho bà nghe. Lúc đầu, tôi chỉ nghĩ đó là những ý thích bất chợt của người lâm trọng bệnh biết mình sẽ ra đi, nhưng đến ngày thứ ba thì mẹ nói: “Mẹ muốn con từ giờ cần bình tâm, tĩnh trí trước mọi thử thách của cuộc đời. Có một cách rèn luyện rất tốt là đọc lại Truyện Kiều một cách khoan thai, từ từ. Con sẽ ngộ ra được nhiều điều bổ ích!”. Tôi cầm cuốn Truyện Kiều lên và đọc “Trăm năm trong cõi người ta…” thì mẹ nói: “Hôm nay đọc từ chỗ gia đình Kiều gặp tai biến, Kiều phải bán mình chuộc cha…”. Tôi liền đọc: “Một ngày lạ thói sai nha / Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền…”.
*
Sau khi mẹ tôi qua đời, anh chị em chúng tôi đều ngơ ngẩn cả tháng trời mới quen dần với nỗi đau MẤT MẸ! Chỉ đến lúc đó, tôi mới thấy hết được ý tứ của câu hát “cho những ai đang còn có Mẹ”: chúng ta đừng để phải hối tiếc vì khi Mẹ còn sống đã làm cho Mẹ buồn lòng!
Anh chị em quyết định giao cho tôi giữ toàn bộ quần áo của Mẹ đã dùng lúc còn sống. Tôi nghĩ chắc mọi người muốn để cho vợ tôi sử dụng tiếp số quần áo đó của Mẹ. Nhưng, vợ tôi không thích dùng nên tôi cho tất cả quần áo vải mỏng vào một cái bọc ni-lon, cất kỹ. Còn những áo mặc mùa Đông (như áo bông, áo len, áo sợi, khăn len…) tôi cho vào cái ba-lô con cóc thời còn đi lính, để trên nóc tủ, mỗi ngày, thường là vào đêm đêm, khi ngồi làm việc, lại lấy một cái ra khoác cho đỡ nhớ Mẹ và quả là rất ấm, - lúc đó đang là Mùa Đông. Một lần, trời khá lạnh, tôi lấy cái áo bông, đã sờn cũ của mẹ ra khoác. Chuẩn bị ngồi xuống bàn làm việc thì khi vô tình thọc tay vào túi được khâu bên trong cái áo bông, tôi thấy một gói giấy bằng bàn tay. Mở gói giấy ra thì thấy một gói tiền, rất mới, tổng cộng là ba trăm ngàn đồng cùng với một mảnh giấy nhỏ có viết vài dòng như sau: “Con chỉ dùng số tiền này khi thật túng thiếu!”. Quả là tôi đang rất túng thiếu, vợ chưa có việc làm, con thì mới hai, ba tuổi, tôi phải thức thâu đêm để đánh máy bản thảo thuê cho mấy nhà xuất bản, mà như muối bỏ bể!
Từ đó, tối tối, khi ngồi bên máy chữ, tôi lại khoác cái áo bông cũ của Mẹ tôi, và thật kỳ lạ, không hề thấy rét buốt gì nữa, cũng không hề buồn ngủ mà ngược lại, tôi đánh máy rất nhanh, gần gấp đôi mọi khi! Dường như là ngày nào Mẹ tôi cũng hiện về bên tôi!./.
Sài Gòn, tháng 3 năm 2010
Đỗ Ngọc Thạch
Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch
Ảnh riêngẢnh riêng

nguồn: vannghechunhat.net

Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2012

Con Tạo xoay vần; Chuyện hai người... - Đỗ Ngọc Thạch

Trang chủ - Văn Nghệ Chủ Nhật

Thứ năm, 12 Tháng 4 2012 18:43 TRUYỆN - Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch

Chuyện hai người trên chuyến tàu tốc hành

bacsiTàu liên vận Hà Nội – Plêi Ku…
    Đã qua giờ Tý, hành khách trong toa tàu đều đã ngủ. Chỉ còn lác đác vài ba người rì rầm trò chuyện. Trong khoang ghế phía cuối tàu, có hai người đối diện với nhau, một nam, một  nữ.

Thứ năm, 12 Tháng 4 2012 16:28 TRUYỆN - Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch

Con Tạo xoay vần

Không hiểu sao hai chữ “thất nghiệp” nó cứ bám lấy tôi dai như đỉa đói ? Lần này chắc là tuyệt lộ vì sức đã yếu, tuổi đã đến gần “ngũ thập”, cũng có thể gọi là tuổi cao được rồi?

Vòng nguyệt quế

nguyet_queTrọng  Nghĩa  sinh năm 1988, đến năm nay  2005  là mười bảy tuổi. Nghĩa đang học lớp mười một tại Plêi Ku. Bố Nghĩa là bộ đội  ở Ban chỉ huy quân sự tỉnh Gia Lai, mẹ là nhân viên văn thư ở Sở Văn hóa – thông tin .
Thứ năm, 12 Tháng 4 2012 15:21 TRUYỆN - Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch
Email In PDF.

Đấu trường 100

dautruong1. Lần đầu tiên tham gia trò chơi truyền hình “Đấu trường 100”, Thảo có hai cảm giác thật là phấn khích: 1/ Lần lượt hạ gục hết 100 đối thủ để giành chiến thắng; 2/ Được một món tiền thưởng gần 30 triệu đồng mà từ khi sinh ra đến giờ, có nằm mơ Thảo cũng không bao giờ dám nghĩ tới!
Đọc thêm...


Con Tạo xoay vần

Thứ năm, 12 Tháng 4 2012 16:28 TRUYỆN - Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch
Không hiểu sao hai chữ “thất nghiệp” nó cứ bám lấy tôi dai như đỉa đói ? Lần này chắc là tuyệt lộ vì sức đã yếu, tuổi đã đến gần “ngũ thập”, cũng có thể gọi là tuổi cao được rồi?
Thực ra, cũng có mấy thằng anh em đồng hao đang làm ông chủ nhỏ kêu đến làm thợ, nhưng tôi không đến bởi sau hàng loạt đại gia tỉ phú rớt đài, lộ mặt làm ăn bất chính, tôi có ác cảm với giới kinh doanh. Tôi cũng đã thử đi bán vé số được mấy ngày, nhưng quả là dây vào cái anh “cờ bạc” này không được: bán cho thiên hạ thì ít mà tôi “ôm” – tức tự mua của mình – thì nhiều, cho nên lỗ vỡ mặt. Bà vợ đành chấp nhận cho tôi ở nhà nội trợ, nấu nướng, giặt rũ cho hai mẹ con. Con bé con của tôi mới có sáu tuổi nhưng đã biết khen bố nội trợ giỏi. Và có ai hỏi bố ở nhà làm gì, nó hãnh diện trả lời : “Bố ở nhà làm cô giáo” và nó hát : “Lúc ở nhà bố cũng là cô giáo – Khi đến trường cô giáo như bố già !” Ai mới nghe cũng cười bò, nhưng với tôi, câu nói ấy là tiếng của định mệnh.

Hôm ấy là thứ năm, con bé nhà tôi nghỉ học (nó đang học lớp Lá, trường Mầm Non) ở nhà. Tôi bày đủ các thứ đồ chơi, sách tập viết, tô màu ra để làm nhiệm vụ cô giáo. Hết chơi đồ chơi rồi tập vẽ, tập viết, tô màu rồi múa hát tưng bừng theo cát-sét có đủ các bài hát mẫu giáo. Được một lúc lâu, có một cô gái khoảng ngoài hai mươi tuổi đến, ngập ngừng một lát rồi nói :

- Em cứ ngỡ đây là lớp mẫu giáo, tính gửi hai đứa nhỏ.

- Đúng là mẫu giáo đó. Nhưng chỉ có một em bé này thôi…

- Anh là đàn ông mà trông trẻ giỏi như cô giáo trường Mầm Non…

- Chắc kiếp trước tôi làm cái nghề này. Mà tôi cũng thích chơi với con nít lắm, được vô tư quên hết sự đời !...

- Nhà em ở ngay sát sau nhà anh, gần nhà xa ngõ nên anh không biết. Những khi bố con anh múa hát, hai đứa bé nhà em nó thích lắm, cứ đòi dắt sang chơi.

- Thì cô cứ đưa chúng nó qua chơi. Trẻ con mấy nhà kế bên thường vô nhà tôi chơi cứ như nhà trẻ. Trẻ con bây giờ nó thích có bạn. Hôm nào con bé nhà tôi ở nhà là nó gọi các bạn vào chơi đầy nhà, múa hát, la hét om xòm…

- Em đã hỏi mấy người hàng xóm của anh, biết anh trông trẻ rất khéo nên muốn anh làm gia sư cho hai đứa bé nhà em…

- Cô mướn tôi làm gia sư ?

- Vâng. Nếu anh nhận lời, em sẽ trả công xứng đáng…

Sau đó, cô gái đưa tôi sang nhà cô để gặp hai đứa nhỏ. Nhà cô gái đấu lưng vào nhà tôi nhưng thuộc con hẻm khác, cho nên gọi là cận kề mà chẳng bao giờ biết nhau nếu không có buổi này. Hai đứa bé mới hơn bốn tuổi, sinh đôi, khá xinh xắn, bụ bẫm. Bố nó trước là giám đốc một bệnh viện ở ngoài miền Trung, sau khi các tỉnh đồng loạt được tách đôi, ông giám đốc được điều vào Nam làm chủ tịch một thị xã, hiện mới lên chức phó chủ tịch tỉnh.Tuy là tỉnh lẻ nhưng cũng thuộc ngạch chúa tể một vùng, ông phó chủ tịch đã tìm mua nhà ở Sài Gòn cho vợ con về ở riêng, khỏi vướng víu nơi “công trường” mà ông đương nhiệm. Cô gái, mẹ của hai đứa trẻ, tức vợ của ông phó chủ tịch tỉnh năm nay mới hai mươi ba tuổi, có vẻ đẹp thôn nữ và vốn là gái quê trăm phần trăm, mười bảy tuổi đã lấy chồng, thoát khỏi cảnh chân lấm tay bùn nơi đồng ruộng, bây giờ chỉ có mỗi nhiệm vụ làm mẹ hai đứa trẻ và làm vợ ông phó chủ tịch tỉnh, nhưng việc làm vợ rất nhẹ nhàng vì mỗi tháng ông chồng chỉ tạt về hai ba ngày, có tháng chỉ “phôn” về mà thôi! Người mẹ trẻ muốn thuê gia sư là do sự mách bảo của một bà hàng xóm, cũng là vợ quan tỉnh lẻ: muốn trở thành tầng lớp “quý tộc” đích thực thì phải có người hầu, có gia sư để rảnh rang mà đi học Aerobic (thể dục thẩm mỹ), đi học ngoại ngữ, tin học…

Thế là chỉ ngay ngày hôm sau, tôi đã chính thức trở thành gia sư của bà phó chủ tịch tỉnh. Tôi không ngờ là buổi nhận việc của mình vui vẻ đến thế vì bà chủ làm lễ khai trương cho hai cậu ấm rất linh đình . Khách khứa có khá đông và toàn là vợ con của các VIP. Điểm đặc biệt là những đứa bé là khách ấy đều có gia sư của nó đi cùng. Các gia sư đó, toàn là sinh viên trẻ măng, đeo mắt kiếng cận loang loáng. Khi nhìn thấy các gia sư “đồng nghiệp”, tôi thoáng giật mình vì lo sợ cho sự già nua đơn độc của mình, mình làm gia sư sẽ không hợp, không đúng mốt thời đại chăng? Nhưng sau khi nghe bà chủ nhà giới thiệu gia sư của hai cậu ấm, các bà khách và các gia sư đồng nghiệp đều trầm trồ khâm phục thì tôi mới thở phào. Một bà khách son phấn rất khéo nhưng vẫn không dấu được những nét “xế chiều”, cứ nói đi nói lại hoài câu này :

- Hai cậu quý tử thật là tốt phúc, có gia sư trình độ đại học, lại đã kinh qua nhà giáo, nhà báo, nhà thơ như thế thì học chẳng mấy chốc mà thành tiến sĩ !

Và đến khi một trong các gia sư – sinh viên kia nhận ra tôi và chào thầy thì bà chủ nhà hãnh diện vô cùng (chả là cậu sinh viên kia là học trò cưng một anh bạn tôi đang dạy ở trường đại học). Còn bà khách kia thì reo lên:

- Trời đất ơi, thế thì phải gọi là thầy gia sư, đại gia sư ! Ước gì tôi trở lại tuổi bé con để được ngày ngày học hành !...

Và trong suốt buổi tiệc, bà khách này cứ cụng li với tôi hoài và cứ “kèm sát” tôi khiến tôi chút xíu nữa thì quên béng cả nhiệm vụ gia sư mới mẻ của mình !...

Nếu cứ đi theo mấy bà khách VIP này có thể triển khai thành tiểu thuyết bộ ba, cho nên tôi xin dừng mọi chuyện ở đây để hướng tới nhân vật chính của tôi trong cái truyện ngắn này là ông chủ nhà hiện vắng mặt, tức ông phó chủ tịch tỉnh…
*
Nghe bà chủ nhà nói ông chủ đã kinh qua hai cuộc kháng chiến, huân chương đầy ngực thì tôi rất kính nể và ngày ngày chỉ mong ông tạt về nhà để được diện kiến. Vì thế, tôi rất chăm chút cho cái công việc gia sư của mình, nhiệt tình, cẩn thận tới mức có lần bà chủ phải nói :

- Trời ơi ! Nhìn anh dạy hai đứa trẻ cứ như là luyện thi đại học ấy ! Chủ yếu là anh chơi với nó, làm bạn với nó, còn nó học được chữ nào thì học, không học được thì thôi…

- Nhưng hai đứa trẻ này rất ham học, mới có một tuần mà nó đã thuộc hết chữ cái và: đếm được từ một đến hai mươi rồi đấy. Ngoài ra còn thuộc ba bài hát, bảy câu ca dao…

- Thôi, thôi…Tôi không cần nó học giỏi mà cần nó nhanh nhẹn, hoạt bát để sau này nó khôn ngoan trong cái nghề làm quan như bố nó…Đó, anh cứ lấy cái đời anh ra mà xem, học nhiều mà có được cái gì ?

- Tức là bà chủ muốn tôi dạy nó làm quan chứ gì ?

- Đúng ! Không cần học chữ nhiều, chỉ cần biết ký là đủ. Anh chịu khó đóng vai lính hầu, thư ký hay nhân viên gì đó để cho chúng nó đóng vai sếp. Tôi nghĩ là phải học làm quan từ bé thì sau này mới làm giỏi được !

- Ôi, vậy thì quá dễ! Giống như đóng kịch trên sân khấu ấy mà. Cái này thì tôi quá rành vì đã có nhiều năm nghiên cứu về sân khấu !

Thế là từ đó, tôi dạy cho hai thằng bé những điệu bộ của các vua chúa trong các vở tuồng cổ. Không ngờ hai đứa bé này lại có năng khiếu sân khấu đặc biệt và sân khấu đã nhiễm vào máu nó tới mức, lúc gọi mẹ, nó không nói “Mẹ ơi” mà “Ái khanh ơi !...”, còn khi gọi tôi thì nó hét lên “Bớ lão sư !...”. Nhìn cung cách của hai đứa trẻ, tôi nghĩ dứt khoát nó phải là con của dân hát tuồng và điều phán đoán của tôi đã được giải đáp khi gặp ông chủ nhà, tức ông phó chủ tịch tỉnh.

Phải sau gần một tháng tôi làm gia sư cho hai đứa trẻ, ông chủ nhà mới về với vợ con. Vừa nhìn thấy tôi, ông phó chủ tịch tỉnh đứng sững, trố mắt nhìn tôi rồi nói được đúng hai tiếng :

- Cậu Tiến !...

Sau hai tiếng ấy, những hình ảnh tuổi ấu thơ của tôi hơn bốn mươi trước bỗng ào ào chảy về như thác lũ !...Khi tôi còn nhỏ, khoảng bốn, năm tuổi, tôi ở với ông bà nội và tên gọi của tôi lúc ấy là Tiến. Ông nội tôi lúc đó là ông lang Đại Đạo nổi tiếng, còn bà nội thì có xưởng chế biến trà và sản xuất giấy gió, qui mô làm ăn như thế nào, mãi sau này tôi cũng không để ý, mà chỉ nhớ rằng , ở với ông bà rất sướng, có vú em riêng và “vệ sĩ” riêng . “Vệ sĩ” của tôi lúc đó là “Lư ghẻ”- một thằng bé ghẻ lở đầy người, chỉ còn da bọc xương bị bố mẹ nó quẳng ngoài chợ rồi được bà tôi thương tình nhặt về, sẵn thuốc của ông tôi, chẳng bao lâu nó lành lặn, khỏe mạnh khác thường, ông tôi thấy vậy thì đặt tên nó là Lư và giao cho nó một nhiệm vụ duy nhất là ngày ngày dẫn tôi đi chơi quanh làng – và điều làm cho tôi nhớ mãi “Lư ghẻ” là nó chỉ lớn hơn tôi hai tuổi nhưng rất khôn ngoan trong quan hệ xóm làng và chăm nom tôi rất tận tình, chu đáo. Chúng tôi ở với nhau cho tới ngày giải phóng Thủ đô Hà Nội, tôi theo bố mẹ về Hà Nội và xa Lư từ đó. Trước khi ông tôi mất, tôi có gặp lại Lư khi Lư đến thăm ông tôi. Lư kể, sau khi cả ông bà tôi cũng bỏ quê về Hà Nội với bố mẹ tôi thì Lư nhập ngũ.

Một thời gian, Lư đi học một lớp y tá ngắn hạn. Khi có phong trào tình nguyện đi chiến trường B, Lư xin đi chỉ vì lý do làm y tá cho một đơn vị bộ đội làm kinh tế buồn quá, và cũng có người thật tình khuyên Lư là muốn tiến thủ thì phải đi đây đi đó, còn chuyện sống chết nó có “số”, nếu tới “số” thì không ở chiến trường cũng chết ! Thế là Lư đi B, vào thời điểm còn bí mật nên “có giá lắm. Đúng là cái “số” của Lư gặp may, Lư được giao nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho cơ quan chỉ huy. Sẵn có sức khỏe hơn người, mỗi khi hành quân, chuyển địa điểm, Lư mang vác hết đồ cho các thủ trưởng mà vẫn đi như bay, khi qua suối lội ruộng , Lư lại còn cõng các thủ trưởng trên lưng mà như cõng trẻ con , cứ đi băng băng chẳng hề thở giốc! Vì thế, Lư được các thủ trưởng yêu mến lắm, tới mức khi biết Lư đọc tên thuốc chưa thạo, các thủ trưởng chỉ cười xòa và bảo sẽ cho Lư đi học lại và học hẳn Bác sĩ. Thế rồi cái dịp đi học ấy cũng đến: Lư áp tải một đoàn cán bộ ra Bắc an dưỡng và được gửi đi học luôn. Những năm ấy, vào đại học chẳng phải thi cử gì ráo, Lư lại thuộc diện ưu tiên nên vào học là được chỉ định làm lớp trưởng (thời đó, những người đã kinh qua vài năm công tác thường làm lớp trưởng và nói chung là được các thầy giáo ưu ái hơn cánh học sinh ở trường phổ thông vào thẳng đại học). Công việc của lớp trưởng thời chiến tranh khá nhiều và rất được coi trọng và nó đã chiếm hết thời gian. Vì thế, Lư chỉ chăm chú vào công tác quản lý, lãnh đạo và được nhìn nhận là một người có năng lực quản lý, lãnh đạo. Vì thế , khi mãn khóa, Lư được trường giữ lại làm công tác Đảng, đặc trách công tác thanh niên. Không hiểu sao lúc ấy lại thiếu cán bộ lãnh đạo các bệnh viện, thế là Lư được điều về làm giám đốc một bệnh viện ở một tỉnh miền Trung, nơi rất cần những cán bộ “vừa hồng vừa chuyên”…

Lư thường ra Hà Nội họp và có đến thăm ông tôi, có hỏi về tôi nhưng chỉ gặp một lần. Gặp tôi, Lư mừng lắm, nói :

- Như thế là cậu đã thành đạt rồi đấy : tốt nghiệp đại học, lại được làm việc ở một viện nghiên cứu lớn nhất nước. Cậu phải khao đi chứ ?

- Khao? Lấy gì mà khao? Tiền lương chỉ đủ ăn mười ngày, còn hai mươi ngày ăn không khí. Cứ đà này không biết sống đến bao giờ

- Cái đói nghèo, rồi cũng qua thôi. Rồi cậu sẽ được đi nghiên cứu sinh nước ngoài, đời cậu sẽ lên tiên !

- Đi ngoài ra nước thì có !...

- Ôi, không bù cho ngày xưa, ông bà cậu giàu thế, có thể nuôi cả một trung đoàn…Cậu Tiến ơi, tôi thật tình muốn giúp cậu món tiền để cậu cầm cự với cuộc sống cho khỏi cái đận này, nhưng chỉ sợ cậu hiểu sai tôi ?

- Nếu anh giúp được tôi thì quý quá, có gì mà hiểu sai? Với tôi bây giờ, càng nhiều càng ít !

- Chả là thế này : Đợt này, tôi ra Hà Nội học một lớp quản lý cao cấp …

- Ồ, anh được đi học làm quan, được thăng chức đó. Chúc mừng anh !

- Chỉ có cậu tôi mới nói thực tình. Tôi tuy có cái bằng bác sĩ thật đấy, nhưng không hiểu sao, cả cái nghề y mà tôi học hành, theo đuổi bao nhiêu năm nay, tôi chỉ nhớ có thuốc tím, thuốc đỏ và bông băng mà thôi !...

- Ôi dào! Anh chỉ nghĩ vớ vẩn. Một người biết lo bằng kho người biết làm, anh là cán bộ lãnh đạo, quản lý chứ có phải mó tay trực tiếp vào bệnh nhân đâu? Người có chuyên môn đâu có thiếu, bác sĩ bây giờ như lợn con, thất nghiệp hàng đống, nhưng người có tài lãnh đạo hiếm lắm. Anh cứ yên tâm đi.

- Nhưng tôi không yên được…Ông của cậu cũng khuyên tôi là không nên làm bác sĩ nữa, thế nào cũng có lúc làm chết người !

- Thì tôi đã nói rằng anh làm giám đốc chứ có làm bác sĩ đâu ?

- Thôi, cậu đừng tranh luận với tôi, cậu là nhà lý luận, tôi đọ sao nổi. Tôi là người hành động. Bây giờ tôi nói thế này, cậu phải giúp tôi, đó là tôi đòi nợ cậu những ngày tôi đã cõng cậu còng cả lưng !

- A!...Thôi được rồi, nói đi, tôi sẽ thanh toán sòng phẳng !

- Cậu hiện đại thật, tôi quý cậu là ở chỗ đó. Bây giờ thế này nhé. Tôi sẽ “làm chính trị”, và tôi đã làm được một nửa rồi đó. Cái bằng đại học Tổng hợp văn khoa của cậu sẽ rất có ích cho tôi, trong khi đó, nó lại nằm mốc meo trong đáy tủ sách của cậu !

- Trời ơi, sao anh nói đúng thế. Hôm nọ dọn nhà, tôi dở ra thì cái bằng của tôi đã bị mọt đục ba lỗ, may mà chỉ vào những chỗ trống !

- Đó, cậu thấy chưa! Bây giờ cậu đưa nó cho tôi, tôi sẽ biếu cậu mười hai tháng lương, đủ để cậu sống đến lúc được đi nghiên cứu sinh ! Và không chỉ có vậy, nếu cậu gặp khó khăn gì, tôi sẽ cố gắng giúp cậu !

- Tôi hiểu rồi ! Nhưng người ta truy ra anh giả mạo giấy tờ, tôi cũng bị liên can thì sao ?

- Trời ơi, cậu có lớn mà không có khôn. Cứ coi như cậu đánh mất. Còn tôi, tôi vẫn ghi danh dự một khóa học, và tất nhiên thi thoảng cũng đến lớp cho thiên hạ biết. Việc đổi tên cho cái bằng không khó khăn gì, chẳng ai biết đâu, trừ tôi và cậu. Bây giờ, còn nhiều việc tày đình ấy chứ !

- Thôi được rồi, ô kê ! Nhưng để tôi sao ra mấy cái đã !

- Tôi sẽ sao cho cậu mấy chục cái luôn !...

Sau lần ấy, tôi tưởng rằng chẳng bao giờ gặp lại Lư nữa. Số tiền bằng mười hai tháng lương tôi tiêu vào trong có một tháng ! Rồi máu giang hồ không cho tôi lòng kiên nhẫn để ngồi đợi đến lượt nhận một “xuất” nghiên cứu sinh , tôi đã đi theo mây gió…Khi tôi bất ngờ gặp lại Lư ở vị trí gia sư như đã kể trên là sau gần hai mươi năm, kể từ lúc tôi đổi cái bằng lấy mười hai tháng lương !...


*
Lư bây giờ vẫn còn dáng võ sĩ nhưng có vẻ chậm chạp và bệ vệ, cái bụng tròn lung lủng, phải mặc quần đeo dây. Phải mất gần hết một ngày một đêm Lư mới kể hết những chuyện của Lư gần hai mươi năm qua. Lư bảo, nếu vận Lư phát mạnh , lên tới chức Bộ trưởng hoặc Thủ tướng, Lư sẽ cho tôi độc quyền được phỏng vấn báo chí và viết về tiểu sử cuộc đời của Lư ! Tôi giật mình bảo Lư sao lại ôm tham vọng lớn thế, Lư cười rung cả cái bụng bự mà nói rằng : “Cậu vẫn có những nét ngây thơ đáng yêu như xưa ! Sự đời nó xoay vần bất ngờ cứ như là bóng đá ấy. Tăng Minh Phụng vốn chỉ là thằng chạy hàng lông nhông ngoài đường như chó dái mà trở thành đại tỉ phú. Tôi chỉ là thằng đầy tớ cho ông bà cậu, cõng cậu còng cả lưng mà bây giờ đứng hàng đầu tỉnh , khác nào vương hầu ngày xưa ? Còn cậu thì ...” Tự nhiên máu tự ái sĩ diện trong người tôi nổi lên, chút xíu nữa thì tôi tung chân đá vào cái bụng bự của Lư nếu lúc đó không có tiếng khóc thét của con bé con nhà tôi vọng sang . Tôi nốc cạn một lon bia cuối cùng của thùng bia và toan đứng dậy nhưng thấy mọi vật quay tròn như chong chóng . Lư lấy khăn lạnh lau mặt cho tôi và nói :

- Tửu lượng của cậu yếu quá đó, mà thể lực cậu cũng không được tốt lắm !

- Tôi muốn chết quách, năm nay tới bốn chín rồi mà chờ mãi vẫn chưa thấy chết !

Lư lại cười rung cả cái bụng bự :

- Ấy, ghét của nào trời trao của ấy ! Cậu chán sống thì ông trời lại bắt cậu phải sống. Tôi sẽ giúp cậu có việc làm đàng hoàng, ngon lành …

Theo phản xạ của người thất nghiệp dài dài, tôi tỉnh như sáo:

- Làm gì ? Ở đâu ?

- Đó, nhìn cung cách cậu, biết cậu còn nhiều sức sống, chưa chết được đâu. Tỉnh tôi đang khuyết một chân phó giám đốc và một giám đốc Sở Văn hóa thông tin. Nói chung các sở điều thiếu cán bộ, riêng sở văn hóa thiếu trầm trọng, tôi hiện làm phó chủ tịch phụ trách văn hóa – giáo dục mà phải kiêm nhiệm Giám đốc sở văn hóa thông tin. Trước mắt, cậu hãy nhận cái chức Phó Giám đốc, khi nào tôi lên chủ tịch tỉnh thì nhận chức Giám đốc cũng được. Cậu hãy làm lại hồ sơ, tuần sau là đi làm luôn !

Tôi giật mình kinh ngạc, suýt reo lên vì sung sướng nhưng kịp kìm lại được vì trên màn hình cái tivi trong phòng lúc đó đang có quay một trận bóng đá và câu nói “sự đời đầy bất ngờ như bóng đá” không hiểu sao lại đang nằm ở đầu lưỡi tôi ? Nhưng tôi không nói mà lại hỏi :

- Vậy bà chủ đâu để tôi thanh lý cái hợp đồng gia sư ?

Lần này thì Lư cười sặc sụa, cười lăn lộn trên cái ghế salon và lăn ra ngủ từ lúc nào!

Bà chủ - vợ Lư – đi tập thể dục thẩm mỹ vẫn chưa về, hai đứa nhỏ vẫn ôm nhau ngủ trên giường, tôi ra về, tất nhiên ! Vừa ra khỏi cửa, không hiểu sao tôi lại đọc vang lên mấy câu thơ trong bài thơ Đời lang bạt của Rimbaud :

“Bàn tay trong túi áo tả tơi
Tôi đi dưới trời, Nàng Thơ ơi
Chư hầu của Nàng là tôi đấy
Ôi ! Những tình mơ mê mải
Quần thủng lỗ, tôi đi
Làm cậu Tí hon mơ mộng…”


TP.HCM, Tháng 5-1997/ tháng 5 -2009
Đỗ Ngọc Thạch

Chuyện hai người trên chuyến tàu tốc hành

Thứ năm, 12 Tháng 4 2012 18:43 TRUYỆN - Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch
bacsiTàu liên vận Hà Nội – Plêi Ku…
    Đã qua giờ Tý, hành khách trong toa tàu đều đã ngủ. Chỉ còn lác đác vài ba người rì rầm trò chuyện. Trong khoang ghế phía cuối tàu, có hai người đối diện với nhau, một nam, một  nữ.

Người con trai có khuôn mặt khắc khổ, mặc bộ đồ quân phục đã cũ. Người con gái có khuôn mặt hiền dịu, đôi mắt to, cặp môi đầy đặn và hàm răng đều trắng muốt. Cả hai người cùng khoảng ngoài ba mươi tuổi. Người con trai đã từng qua chiến trận, hòa bình trở về học trường Đại học Sư phạm. Người  con gái đã tốt nghiệp Đại học Y  khoa và cùng đến Plêi-Ku nhận công tác. Họ ngẫu  nhiên ngồi cùng khoang ghế, đối diện nhau, qua một cái mặt bàn  nhỏ xíu gắn liền vào thành toa tàu…
 Người  con trai :
-   Chúng ta đã qua một ngày trên tàu. Và bây giờ là thêm một nửa đêm!
 Người  con gái :
-   Vâng …Sao nhìn anh có vẻ khắc khổ thế? Chẳng thấy anh nói chuyện với ai cả? Đi tàu, người ta thường hay nói chuyện lắm !
-   Tôi  khắc khổ ư? Tôi cũng thích nói chuyện lắm chứ!  Nhưng biết  nói chuyện với ai? Chuyện gì ?Chị cũng có vẻ ít nói…
-   Anh nói chuyện về anh đi ! Tôi sẽ nói chuyện về tôi. Thế là chúng ta đã có hai thế giới !
-   Chị là nhà văn à ?
 Người  con  gái bật cười :
-   Tôi mà là nhà văn thì cả đất nước này thành nhà văn hết ! Tôi là bác sĩ, tôi chỉ biết khám bệnh, chữa bệnh mà thôi.
-   Còn tôi là nhà giáo!  Đôi  lúc tôi cũng muốn viết cái gì đó. Vì thế mới  hỏi  chị câu ấy !
-   Anh lên  Tây Nguyên lần nào chưa ?
-   Tôi đã từng là lính ở chiến trường Tây Nguyên !
-    Vậy  anh  kể về cuộc đời làm lính của anh đi ! Tôi thích nghe chuyện chiến đấu lắm !
-    Chị  thật  là vô tư !
-    Anh nhầm rồi ! Thích nghe chuyện chiến đấu lại là người vô tư à?
-   Đấy là tôi nói ngược lại đó! Chị là người đàn bà đầy bí ẩn !
    Người  con gái lại bật cười :
-   Anh nói chuyện hay nhỉ!  Nào, bây giờ anh kể đi !
-    Vâng, tôi sẽ kể chuyện về những ngày chiến tranh ác liệt ấy…Nhưng biết kể chuyện gì trước ?
-    Chuyện gì à? Chẳng hạn như anh có quen biết một cô gái nào không?
-    Ở chiến trường làm gì có con gái…À, có! Tôi có biết một người con gái, và tôi đã thầm yêu trộm nhớ, đã chờ đợi và đi tìm nàng từ ngày ấy đến giờ …
-    Người con gái ấy như thế nào ?
-   Tôi không nhớ rõ, chỉ biết rằng đó là một người rất đẹp, có mái tóc dài như dòng suối !
     Người con gái lại cười :
-   Thiếu gì người con gái đẹp có mái tóc như dòng suối ! Thế tên cô ấy là gì ? Tại sao anh lại không nhớ rõ ?
-  Chính vì thế mới thành chuyện, điều ấy khiến tôi ân hận mãi đến giờ ! Ngay cả tên tuổi, quê quán của nàng, tôi cũng chưa kịp hỏi !
-   ?! 
   -   Tôi gặp nàng trong trường hợp bị thương nặng, phải cấp cứu ở bệnh viện dã chiến. Trong những lúc hồi tỉnh, tôi thường nhìn thấy nàng ở bên cạnh tôi, đặt bàn tay mát rượi lên trán tôi, hát cho tôi nghe những bài hát ru quê hương, cả những bài tình ca rất mê ly nữa!
-    Chính  vì thế mà anh yêu nàng?
-     Vâng!...
     Người  con gái mỉm cười :
-   Nếu thế thì có biết bao nhiêu người lính khi bị thương nằm bệnh viện đã yêu nàng! Vấn đề là ở chỗ, nàng có yêu anh hay không ?
-    Ừ nhỉ! Tôi không dám hỏi nàng điều đó! Nhưng tôi tin rằng nàng sẽ yêu tôi! Vì  nếu nàng không yêu tôi thì làm sao nàng lại chăm sóc tôi tận tình như thế? Đó chính là nhờ tình yêu !
-    Thế thì anh lầm to rồi! Tình yêu không thể suy diễn đơn giản như thế được! Nàng có thể cũng như thế với bất kỳ người  thương binh nào. Và tôi đoan chắc rằng có đến mấy trăm chàng trai si tình như anh và đã nghĩ như anh!
-   Có lẽ chị nói đúng! Nếu quả như vậy thì tôi thật là bất hạnh! Vì tôi tin rằng nàng yêu tôi! Từ đó đến nay, tôi vẫn dành tình yêu cho nàng, vẫn chờ đợi và đi tìm nàng .
-   Anh bị nhiễm các nhân vật trong tiểu thuyết rồi. Thế anh định tìm nàng bằng cách nào? Đi khắp nơi à ?
-   Tôi cũng đã tranh thủ đi khắp nơi, nhờ đăng báo, đài phát thanh nhắn tin…Và nhờ mấy người bạn ở cảnh sát điều tra tìm hộ nữa !
     Người con gái bật cười :
-   Anh làm như cô nàng bị lệnh truy nã ấy! Tình yêu có con đường riêng của nó, phải đi bằng con đường tình yêu mới có thể tìm thấy .
-   Chị nói cứ như là nhà văn ấy !
-   Tôi đã nói tôi là bác sĩ cơ mà ! Nhưng tôi có thể giúp anh tìm thấy cô nàng y tá xinh đẹp đó .
-   Thật  không?  Chị có thể giúp tôi?
-   Có thể …
     Hai người im lặng… Tiếng xình xịch đều đều lại  vang lên trong đêm tối tĩnh mịch .
-   Chị biết con tàu của chúng ta đang ở đâu không ?
-   Làm sao biết được? Khi tôi kịp nhận ra nó ở đâu thì nó đã lao đến chỗ khác rồi !
-   Hình như trời gần sáng?
-   Bình minh thường đến sớm với những ai thức đêm . Hình như anh và tôi chưa ngủ? Thôi, anh ngủ đi kẻo mệt !
     Im lặng … Nửa giờ đồng hồ trôi qua …
-   Hình như chị chưa ngủ ?
 - ? !
-   Tôi không thể ngủ được khi chợt phát hiện ra một điều hệ trọng…
-   Điều gì vậy ?
-   Thật  là khó nói !...
-  Nếu anh khó nói tôi có thể giúp được không?
   Người con gái nhẹ nhàng đặt bàn tay mình lên tay người con trai đang tỳ trên cái bàn nhỏ xíu của toa tàu…
-  Chị đúng là nàng y tá xinh đẹp mà tôi đã…
-   Đúng rồi đấy !...Tại sao anh không nhận ra ngay từ đầu ?
-   Ngay từ đầu tôi đã nhận ra . Nhưng …
Người con trai chuyển chỗ sang ngồi bên cạnh người con gái, họ nhẹ nhàng hôn nhau . Người con trai thỉnh thoảng lại nói : “Thế mà anh cứ nghĩ là không bao giờ còn tìm được em !”. Còn người con gái thì nghĩ :  “Đây là lần đầu tiên mình đến với núi rừng Tây Nguyên xa lạ. Mình có bao giờ làm y tá đâu?  Mình ước mơ thành cô giáo đấy chứ? Không hiểu sao mình lại học trường y để phải bổ sung  vào lí lịch  cái đoạn  đã có một thời gian làm y tá ở chiến trường? Nhưng điều đó đâu có hệ trọng? Điều hệ trọng là anh ấy đã tìm thấy người yêu sau bao năm chờ đợi, tìm kiếm…”
TP.HCM, 1994-2009
Đỗ Ngọc Thạch
Nguồn: vannghechunhat.net