Thứ Bảy, 28 tháng 4, 2012

Trăm thi điệu - Đỗ Quyên


 Mỗi chúng ta / nên là thời đại của chính mình/ hơn là thi sĩ về cuộc đời bản thân/ Cỏ thu vàng ngọn khắp vườn/ Gió đang lạnh đầu mỗi người - Ngày đăng: 26/04/2012. Lần đọc: 67 . Cập nhật bởi: DiepAnh

Trăm thi điệu (3) - Đỗ Quyên

Đỗ Quyên

Trăm thi điệu (3)

Trích trường ca

“Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay”

Nguyễn Du

“Cần phải bắt những trật tự đã cứng đờ nhảy múa lên,

bằng cách hát cho chúng nghe những âm điệu của bản thân chúng.”

K. Marx 

27.

*

Có trang mạng đang chuyên đề Thơ và Thời đại

Nào

      chúng mình nhập vai

Anh nhường em chọn trước – tất nhiên

Em nhường anh

Vậy ta phân định:

Ai nằm dưới

        sẽ là Thơ

 

Hai vần thơ

Một giữ nhịp chung

Một muốn tự lạc

                           tạo nhịp mới

Cả bài thơ không cho là chuyện riêng của nhịp vần

Cả bài thơ

   tự sát hàng loạt

Còn lại hai vần sống mãi

 với mâu thuẫn riêng

Sống mãi

Trên

       bài thơ chết.

 

28.

 

*

 Đêm qua em là bài thơ của anh.

 

Bài thơ là giai điệu

hay

Giai điệu là bài thơ

Vấn nạn kỳ bí

Ôi

Con gà (luộc)

Quả trứng (chiên)

 

29.

*

Mỗi chúng ta

nên là thời đại của chính mình

hơn là thi sĩ về cuộc đời bản thân

Cỏ thu vàng ngọn khắp vườn

Gió đang lạnh đầu mỗi người

Em ạ

 

Bằng một nửa giải Nobel văn học 2011

Tomas Tranströmer hòa đồng

Con người với Thiên nhiên:

 

“Bình mình đặt ánh sáng vào ổ khoá”
“Chìm sâu dòng nước chảy
    mấy cái đầu nổi loạn”          

“Ánh sáng mọc lên dần như tóc của chúng tôi”

 “Pha lê qua năm tháng”

 “Người lữ hành tiến vào vùng xanh của buổi sáng”

 “Lao động của bàn tay trái đến từng mảnh

    chiếu như cầu vồng”

“Mặt trăng của sự nghỉ ngơi lượn quanh hành tinh”

“Khi chúng tôi trên đường về

        mảnh đất đã béo tai”

“Dây cáp điện

          căng trong tổ quốc lạnh giá

          phía bắc của tất cả âm nhạc”

“Tôi có những bờ cát thấp

                nếu cái chết dâng cao sáu insơ tôi sẽ lụt”

“Mỗi chúng ta là một cánh cửa lấp lửng mở

dẫn tới căn phòng của tất cả mọi con người”.[1]

 

Vâng

Một nửa giải Nobel văn học

Cái giá của Nhịp nhàng

Nửa còn lại cho mọi điều còn lại

 

(“Ẩn dụ, súc tích trong sự giản dị”; ”Hình tượng sống động và siêu thực”; “Dòng chảy của thời gian”; “Tứ thơ đột biến”; “Nỗi buồn và quá khứ”; “Cách tiếp cận hiện thực mới mẻ"; “Mở ra những giới hạn về con người và cuộc đời”; “Khiêm ái, trung thực qua từng câu chữ”; “Ngọt ngào, tế nhị, không làm dáng”; “Dễ hiểu mà khó thẩm thấu”; “Tính nhất thể cá nhân”; “Nhân văn không to tát và bảo thủ”; “Vững chắc trong thể loại”; “Những bài thơ bí ẩn, uyên bác và buồn bã”; “Cân bằng một cách quá hoàn hảo, thẳng tắp”; “Đi thẳng vào lõi nhân sinh”; “Huyền nhiệm chủ nghĩa”; “Minh triết và ám ảnh”; “Tìm được lối ra trong thơ”; “Con mắt của trí tưởng tượng”; “Chỗ đậu cao cho tư tưởng; “Tính triết lý, biểu tượng và sự du dương âm nhạc”; “Các hình ảnh chính trong mỗi bài thơ đến từ nhiều nguồn khác nhau về tâm lý”; “Vẻ đẹp trong thơ là khoảng không gian cảm nhận được trong các bài thơ”; “Vẻ ngoài bình thường, đọc kỹ mới thấy ý tứ của tâm sinh lý hiện đại”; “Những ẩn dụ tạo cấu trúc chính xác và gợi cảm, dẫn đến nhịp thở lớn”; “Thơ ông, mà lừng danh nhất là tập ‘Những biển Baltic trên đời’, là Kinh thánh thế tục của người dân Thụy Điển"; v.v…)[2].

 

30.

*

Hôm nay rằm

Trăng lên

    quá Cột điện đầu phố

Nếu nhìn lâu sẽ thấy em

                                    ở trên đó

và lâu nữa

    mặt trời

Cơn gió gọi anh trở lại

Hơi rượu nóng cũng không đủ chờ

Những ánh trăng

Những ánh mặt trời

Muôn đời

  những lệch lạc chủ quan

 

Lá rụng sắp vàng sân

Chú chim sẻ già thêm sau vài điệu hót

Bài thơ vẫn mở

Thi nhân không hiểu tiếng chim

sẽ hiểu tiếng của lá

Khi bài thơ còn mở

là muốn ba đồng tác giả.

 

31.

*

Nếu không có tình yêu

những khung nhạc em để lại

thay lời em được chăng

Nếu không có tình yêu

tiếng lách tách trong ly rượu

thay được hình hài em không

Nếu không có tình yêu

đêm đen ngoài kia

sẽ thay em

 

Thường là có đối thoại

thơ hiện đại

                   vì thế khó hiểu khó nhớ

nhịp của

một trái tim và của

một cái lưỡi

 

Thơ hậu hiện đại càng khó

rằng thì mà là

          nhịp hai cái lưỡi

 

Nhưng vẫn hơn

một trái tim độc thoại

nếu xét thuần về

                         hòa điệu.

 

32.

 

Người cắt cỏ làm thành những vệt đậm trên vườn

Các tiếng động đang bay

 

Thi-sĩ-sẻ-non không biết khi nào trở lại

Nó sợ tiếng ồn

và cả những thay đổi màu sắc

 

Thi-sĩ-người

đến bên những chiếc lá im lặng

góc vườn

 

*

Nghe lần thứ năm

   anh bật dậy

Bản nhạc đã chạm điểm G của bài thơ

 

Xa em

Anh làm thơ

Không ngờ thơ cần kích thích dường vậy

 

Anh đang làm

          thơ xa em.

 

33.

“Thơ là vô ngôn” -
Thi sĩ kiểm chứng qua các sách sẵn tay:
“Thi ca tư tưởng”; “Đi vào cõi thơ”; “Mưa nguồn”; “Bài ca quần đảo”;“Sa mạc phát tiết”;
“Rong rêu”; “Đêm ngắm trăng”; “Thơ Bùi Giáng”; “Mười hai con mắt”[3]
thấy đúng

Thơ là vô tình -
Thi sĩ kiểm chứng bản trường ca này
cũng thấy đúng

Thơ là vô thanh -
Thi sĩ kiểm chứng
và thấy
           vô thanh chỉ là những gì không-thơ

*
Bài thơ qua nhanh điểm G
   gục ngã
Em chưa hiện về
Những băng nhạc buồn
                                   đã ngủ trong đêm
Em chưa hiện về
Lần đầu tiên anh bắt đầu thấy
                                                nghệ thuật vô dụng
Em chưa hiện về.

34.



Thi sĩ không thấy trong ngón tay nào của mình các hình tượng siêu thực Bắc Âu
Tomas từng đầy hai bàn tay trước khi đột quỵ
Ông - chắc chắn - cũng không có ở lóng tay nào bản sắc dân tộc Việt
Thi sĩ chất vòng theo các vân tay
Chỉ có thể đọ nhau bằng Thi điệu
Xem chừng ai vừa thắng Nobel
                                                (ai hẹn những mùa sau) 

*
Em về qua âm thanh
Anh đón bằng ngôn tự
Thơ trường ca trải tràn cung mây
Xum xuê bảy môn nghệ thuật
Lần lượt lần lượt
Vườn tình muộn
Có một đóa hồng vàng cười nụ
Hết mùa thu.

(Trích trường ca TRĂM THI ĐIỆU)

Vancouver, Thu - Đông 2011 & Xuân 2012

ĐỖ QUYÊN


[1] Các câu chữ trong thơ Tomas Tranströmer (của nhiều dịch giả)
[2] Các câu chữ nhận định về thơ Tomas Tranströmer (của nhiều tác giả)
[3] Các tác phẩm của Bùi Giáng
Gửi email trang này cho bạn bè Mở cửa sổ in bài viết này



Trăm thi điệu (3) - Đỗ Quyên

1 nhận xét: