Thượng Kinh ký sự (Hay là Ba lần tới Thủ đô) - Truyện ngắn của Đỗ Ngọc Thạch
[21.05.2012 20:02]
1. Giáo đầu
Cứ tưởng cái đầu mình là “Của kho vô tận”, tôi thả phanh viết búa xua đủ
các kiểu, bỗng một hôm ghé mắt nhìn vào cái “Kho” thấy trống trơn! Hốt
hoảng, tôi thu dọn tất cả tài liệu, sách vở vào trong cái thùng giấy
cứng (vốn là cái hộp giấy đựng tivi to tướng) rồi định đi “bụi đời” tìm
cảm hứng! Ai dè vừa bước ra cửa, đụng ngay mấy người hàng xóm đang cãi
lộn dữ dội, xem chừng muốn chuyển qua đánh lộn! Nhớ lời mẹ dặn lúc còn
nhỏ rằng, thấy đám cãi lộn, đánh lộn là phải tránh xa, tôi vội quay trở
lại, trèo lên gác… ngồi Thiền!
Ngồi
được ba phút thì Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác bất ngờ xuất hiện ngay
trước mặt, râu tóc trắng như mây trắng, không khác gì Đại Tiên Thái
Thượng Lão Quân. Tôi chưa kịp hỏi thì Hải Thượng Lãn Ông nhẹ nhàng nói:
“Con mở thùng sách của con ra, trong đó có cuốn “Thượng Kinh Ký sự” của
ta, con hãy đọc kỹ lại thì sẽ tỉnh ngộ!” Đoạn Hải Thượng Lãn Ông ghé tai
tôi nói nhỏ một câu, dặn phải giữ bí mật, nên tôi không thể ghi ra đây
được!
Tôi ngồi đọc lại cuốn Thượng Kinh ký sự một ngày… Những gì tôi viết dưới đây là do cuốn Thượng Kinh Ký sự gợi ý!
2. Về Thủ đô lần thứ nhất
Đó
là những ngày đầu giải phóng Thủ đô… Bố tôi hồi đó ở Quân Y của Sư đoàn
308, đã về Hà Nội trước cùng với đơn vị, mấy chị em chúng tôi (lúc đó
chúng tôi đã có 5 chị em, 2 chị đầu) và mẹ đi sau. Tuy bố tôi đi trước
nhưng mọi việc của cuộc di chuyển “bầu đoàn thê tử” bố tôi đã xếp đặt ổn
thỏa: chuyến ô tô cuối cùng của Quân Y sẽ đón 6 mẹ con chúng tôi từ Phú
Thọ về Hà Nội.
Lúc đó, tôi mới có hơn sáu tuổi, chưa biết Thủ
đô Hà Nội như thế nào nên rất háo hức, muốn chiếc ô tô có cái dấu “Hồng
Thập Tự” chở chúng tôi phóng thật nhanh! Và quả là xe chạy rất nhanh,
tôi chưa kịp nhận biết là đã tới Hà Nội chưa thì xe dừng, mấy chú Quân Y
đi cùng xe nói “Tới Thủ đô rồi!”, rồi nhấc bổng mấy chị em chúng tôi
xuống đường! Tôi cũng chưa kịp quan sát kỹ con phố mà chúng tôi đứng
chân lần đầu tiên nó như thế nào (sau này tôi mới biết đó là đoạn đầu
Phố Tràng Thi, phía gần Cửa Nam, còn đi ngược lên là tới Hồ Hoàn Kiếm),
thì mẹ tôi đã dắt tay hai chị tôi và bảo tôi dắt tay hai đứa em trai đi
theo (Năm chị em chúng tôi sàn sàn tuổi nhau, sinh từ 1945 đến
1951)...Đi được khoảng chục bước thì cậu em sát tuổi tôi giằng tay ra
khỏi tay tôi, có lẽ do tôi nắm tay em tôi quá chặt? Thấy người em giằng
tay ra, tôi cũng thả luôn bàn tay của người em kế sau ra và đứng lại…sửa
sang lại y phục! Cúi xuống chân, thấy dây giày bị tuột (tôi đang đi
loại giày Ba-ta của Pháp, khá phổ biến lúc đó), tôi liền ngồi xuống buộc
lại dây giày. Buộc xong, tôi đứng lên nhìn quanh thì không thấy hai cậu
em trai của tôi đâu! Nhìn ra phía mẹ tôi vừa dắt hai người chị cũng
không thấy ai!
Lúc đó là thời khắc chuyển giao giữa ban ngày và
ban đêm, vào khoảng gần sáu giờ chiều. Người đi lại trên phố đang nhiều
dần lên, chắc dân thành phố thích đi chơi ban đêm? Nếu như ở quê thì giờ
này chúng tôi đang ăn cơm tối. Nghĩ tới hai từ “ăn cơm”, lập tức tôi
thấy đói bụng, cái bụng như đang réo sôi! Tôi liền mở cái túi vải đeo
bên sườn, có dòng chữ thêu trên nắp túi “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”,
thò tay vào đụng phải cái nắm cơm to bằng quả bưởi. Tôi tính lấy nắm cơm
nắm ra ăn thì chợt nghĩ, ai lại ăn giữa đường thế này? Vả lại, phải đi
tìm Mẹ và các chị, các em chứ đứng mãi ở đây không phải là cách tốt
nhất! Đi vài bước tôi lại nghĩ, nếu lát nữa mẹ quay lại tìm thì sao, với
lại tôi đã biết đường phố Hà Nội như thế nào? Nghĩ vậy, tôi quyết định
đứng đợi…
Khoảng một khắc, tức mười lăm phút trôi qua, đường phố
đã sáng đèn, tôi đang đứng nhìn về phía Cửa Nam có ánh đèn điện nhấp
nháy rất vui mắt thì bỗng có một thằng bé trạc tuổi tôi, không biết từ
đâu tới và đứng sát trước mặt tôi từ bao giờ, dùng một bàn tay xoa đầu
tôi và nói một câu gì đó bằng tiếng Pháp rồi co chân phải định đá đít
tôi. Không ngờ tôi lại phản ứng rất nhanh, dùng một tay hất bàn chân của
thằng bé lên và tay kia đấm thẳng vào mặt, tức thì nó ngã té ngửa trên
hè phố! Thằng bé kêu ối một tiếng và lập tức ngồi bật dậy, tính lao vào
tấn công tôi! Nhưng nó chưa kịp hành động gì thì thì bị một cô bé cũng
trạc tuổi cản lại với giọng nói rõ ràng, dứt khoát: “Bạn không được đánh
nhau! Đó là bài học cho bạn đừng có thấy ai cũng bắt nạt!” Dường như
tiếng nói của cô bé có uy lực đặc biệt nên cậu bé kia không nói gì mà
chuồn mất tăm!
Nhìn thằng bé đi như chạy về phía Cửa Nam, tôi
giật mình khi nghe tiếng cô bé nói: “Hình như bạn lần đầu tới Hà Nội?”.
Tôi gật đầu tỏ vẻ đồng ý. Cô bé lại nói: “Hành động vừa rồi của đứa bạn
tôi thật là mất lịch sự, tôi thay mặt Người Hà Nội xin lỗi bạn!”. Tôi
nói lí nhí: “Không sao!... Không dám!...”. Cô bé lại nói: “Bạn đứng chờ
người nhà hay là bị lạc đường?”. Tôi ngạc nhiên trước cách nói năng rất
nhẹ nhàng, dịu dàng của cô bé và nói: “Tôi đứng chờ mẹ tôi! Vì tôi chưa
đi khỏi chỗ này nên không thể gọi là bị lạc đường được!”. Cô bé bỗng bật
cười, tiếng cười như tiếng chuông ngân! Vừa nghĩ như vậy, tôi liền nói
với cô bé: “Bạn có tiếng cười rất hay! Tiếng cười như tiếng chuông
ngân!...”. Cô bé nhìn tôi bằng ánh mắt lấp lánh như hai hòn bi ve…Tôi
lại nói ra ý nghĩ ấy thì cô bé lại cười và nói: “Bạn nói năng như người
lớn!... Nếu bạn đồng ý thì tôi sẽ là Người Hà Nội đầu tiên để lại trong
bạn ký ức đẹp về Hà Nội: Tôi sẽ dẫn bạn đi dạo vòng quanh Hồ Gươm, ăn
Kem ở Nhà Thủy Tạ và tới Nhà Kèn nghe hòa nhạc!...”. Câu nói ấy cứ trở
đi trở lại bên tai tôi và quay như đèn kéo quân trước mắt tôi khi chúng
tôi đã nghe xong buổi hòa nhạc đặc biệt ở Nhà Kèn!... Đến khi Cô bạn gái
dẫn tôi tới địa chỉ mà tôi đoán rằng bố tôi sẽ ở đó là Bệnh viện Đồn
Thủy (sau là Bệnh viện Quân đội 108), tôi vẫn chưa kịp hỏi tên và bất cứ
một thông tin gì về cô bé!
3.Về Thủ đô lần thứ hai
Tôi
đã đi khỏi Hà Nội rồi lại trở về Hà Nội có đến gần trăm lần. Chẳng hạn
như thời kỳ tại ngũ đóng quân ở mấy tỉnh xung quanh Hà Nội, thi thoảng
lại được các thủ trưởng cho “tranh thủ” về Hà Nội thăm gia đình, họ hàng
hoặc “công cán” gì đó cho đơn vị. Hoặc khi học Đại Học phải đi sơ tán ở
Hà Bắc, Hà Nam tôi thường xuyên đạp xe đi đi về về mỗi tuần một lần,
nhân lên với bốn năm thì không biết là bao nhiêu lần? Khi đi tới các
tỉnh phía Bắc tôi đi qua Cửa Bắc, khi đi về phía Nam tôi đi qua Cửa Nam,
qua ga Hàng Cỏ rồi xuôi xuống ga Giáp Bát, khi đi về phía Đông, tôi qua
cầu Long Biên, khi đi về phía Tây, tôi đi qua Cầu Giấy…Lối đi nào cũng
có nhiều điều thú vị, những kỷ niệm khó quên, nhưng vui ít buồn nhiều,
không hiểu tại sao?
Lần ấy, tôi đi cùng Trung đội trưởng, làm
một cuộc hành trình dài từ Nghệ An ra Hà Nội. Đó là vào thời kỳ cuộc
chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ đối với miền Bắc rất ác liệt. Đơn
vị Ra-đa của tôi lúc đó đang hoạt động ở chiến trường Khu Bốn. Việc tôi
được đi cùng Trung đội trưởng về Hà Nội, lúc đó tôi chỉ được biết là:
do tôi thông thuộc Hà Nội nên có nhiệm vụ làm người dẫn đường cho Trung
đội trưởng, còn Trung đội trưởng ra Hà Nội làm gì thì tôi không được
biết vì đó là “Bí mật quân sự”!
Thực ra, tuyến đường mà chúng
tôi đi thẳng một mạch từ ga Vinh tới ga Hàng Cỏ là xuống tàu, vào ngay
phố phường Hà Nội. Nhưng tôi thích được đi tàu qua cầu Long Biên nên khi
tàu tới ga Hàng Cỏ, tôi lôi Trung đội trưởng qua tàu đi Hải Phòng. Lúc
đó, Trung đội trưởng đang ngủ gà ngủ gật, không biết mô tê gì, thấy tôi
nói phải chuyển tàu thì đi theo mà không hỏi han gì!... Khi con tàu đưa
chúng tôi qua cầu Long Biên thì cũng là lúc bình minh hé rạng. Đằng
đông, những ngón tay hồng của Nàng Bình Minh đang như mơn trớn trần
gian, vạn vật! Nhìn xa xa, dòng sông Hồng uốn lượn như một dải lụa lớn,
màu hồng ấm áp, còn hai bên bờ là những vạt ngô đang trổ bắp xanh rờn,
như đang nhẹ trôi theo dòng sông!...Một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp
mà không một họa sĩ tài ba nào có thể vẽ nổi!
Song, khoảng thời
gian tuyệt vời đó đã qua mau khi tàu đỗ ở ga Gia Lâm. Lúc đó, nắng vàng
đã rực rỡ mà chưa có tàu Hải Phòng – Hà Nội. Chúng tôi đành ngồi đợi
trên sân ga. Trung đội trưởng dường như đã tỉnh táo, vươn vai ngáp dài
một cái rồi hỏi: “Đang ở ga nào vậy? Sắp tới Hà Nội chưa?” Tôi nói:
“Chúng ta đang ở ga Gia Lâm! Gia Lâm là huyện ngoại thành của Hà Nội,
chỉ qua cầu Long Biên là vào ngay trong ḷòng Thủ đô!” Trung đội trưởng
gắt: “Thôi, đừng dài dòng nữa! Bao giờ mới có tàu vào Thủ đô!” Tôi nói:
“Anh hỏi em, em biết hỏi ai? Hình như đầu máy bị hỏng, họ đang sửa,
không biết đến bao giờ!” Tôi vừa dứt lời thì tiếng còi báo động vang
lên, kèm theo là tiếng nói rất to từ hai cái loa trên sân ga đồng thanh
phát ra: “Đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý! Máy bay địch cách Hà Nội một
trăm cây số về hướng Đông! Các lực lượng phòng không sẵn sàng chiến đấu!
Người không có nhiệm vụ xuống ngay hầm trú ẩn!...” Tôi vừa nghe xong
câu nói, ngoảnh lại không thấy Trung đội trưởng đâu cả! Tôi ngồi ôm hai
cái ba lô con cóc, nhìn lên sân thượng của mấy cái nhà lầu cạnh ga, đã
thấy những khẩu súng 12,7 ly và cả súng trường của dân quân hướng nòng
về phía Đông, sẵn sàng nhả đạn!... Tôi rất thích cái hình ảnh đặc trưng
này của Thủ đô Hà Nội, và cũng có ở các thành phố khác trên Miền Bắc
những năm chiến tranh chống Mỹ, bởi mỗi khi có còi báo động máy bay địch
như thế, là chúng tôi – những trắc thủ Ra-đa đang phải ngồi trong xe
hiện sóng kín mít, và cái tin có máy bay địch kia chính là do những trắc
thủ Ra-đa sinh ra!...Tôi đang mơ màng suy nghĩ về một trận bắn máy bay
địch ác liệt, nòng súng 12,7 ly của tôi đã đỏ rực thì có ai đó đá vào
chân tôi, hỏi: “Tại sao đồng chí không vào hầm trú ẩn?” Tôi ngẩng nhìn,
thì ra là một cô nàng nhân viên nhà ga. Tôi nói ngay: “Tôi mới bị thương
ở chân, không đi được! Trung đội trưởng của tôi đã đi thay xuất của tôi
rồi!” Cô gái bật cười khanh khách rồi nói: “Cái anh lính binh nhất này
coi thường mạng sống lại còn hài hước nữa chứ, định rỡn mặt Tử Thần hả?
Tôi sẽ dìu anh vào hầm trú ẩn!” Cô gái cầm cánh tay tôi định kéo lên thì
tôi nắm lấy cánh tay cô gái, thay vì đứng lên, tôi kéo mạnh, khiến cô
gái bị bất ngờ, ngã đè xấp lên người tôi!...
Chúng tôi đang lúng túng
trong tình huống bất ngờ thì tiếng còi “Báo an” vang lên, cùng với tiếng
nói đều đều, chứ không gấp gáp như lúc báo động, của hai cái loa phóng
thanh:” Đồng bào chú ý! Máy bay địch đã đi xa!...Mọi sinh hoạt trở lại
bình thường!” Cô gái nhân viên nhà ga đứng được lên thì xấu hổ chạy vút
đi!...
Khoảng năm phút sau, trung đội trưởng mới quay lại, lấy
ba-lô đeo lên vai rồi nói: “Chúng ta đi ra cầu phao! Chưa có tàu thì đi
cầu phao! Ngồi chờ ở đây rất nguy hiểm vì nhà ga là mục tiêu ném bom của
máy bay Mỹ!” Tôi nghĩ, không hiểu sao Trung đội trưởng lại “Nhát chết”
như thế? Lại còn là người rất thích chải chuốt nữa chứ! Là nông dân vùng
chiêm trũng Hà Nam đã năm đời, nhưng trong hai cái túi ngực áo lính của
anh ta lúc nào cũng có tới hai cái gương và hai cái lược! Hai cái gương
để có thể nhìn được phía sau gáy, còn hai cái lược là để “sơ-cua”, lỡ
quên ở đâu mà mất thì có cái dùng thay thế ngay, bởi cứ khoảng mười phút
là anh ta phải chải đầu một lần, mỗi lần phải hơn chục nhát lược!...
Chúng
tôi đi dọc theo bờ sông Hồng… Những vạt ngô đang kỳ trổ bắp thật là
ngoạn mục! Ra tới cầu phao mới biết là ban ngày thì tháo ra năm phao cho
thuyền bè đi lại, đến tối mới nối cho xe pháo và người bộ hành qua lại.
Chúng tôi chui vào một vạt ngô, trải tấm ni-lông dã chiến ra và ngồi ăn
lương khô! Trung đội trưởng ăn xong thì lăn ra ngủ ngon lành, lại còn
ngáy nữa chứ! Tôi vốn không thích nằm cạnh người ngủ ngáy nên đứng dậy,
tính đi dạo một lúc trên bờ bãi Sông Hồng đẹp như mơ này thì một cô gái
bất ngờ xuất hiện ngay trước mặt! Tôi vừa kịp định thần nhận ra chính là
cô gái nhân viên nhà ga ban nãy thì cô gái lừ lừ nhìn tôi nói: “Thì ra
là anh lính ở trên sân ga!...” Tôi làm điệu bộ chào lễ phép rồi nói:
“Thì làm sao ạ? Có phải chúng ta có duyên nợ hay không mà lại gặp nhau
nơi phong cảnh hữu tình này?” Cô gái trợn mắt la to: “Duyên nợ cái con
khỉ! Anh đừng hòng dở trò ra với tôi lần nữa! Cuốn gói đi ngay chỗ khác
để tôi chăm sóc bãi ngô của tôi!” Tôi cũng lấy giọng nghiêm nghị đáp
lại: “Chúng tôi, chiến sỹ lực lượng Phòng không – Không quân đang trên
đường làm nhiệm vụ, không ai được gây trở ngại! Tôi đề nghị được người
dân hỗ trợ, giúp đỡ, cho chúng tôi nằm ngủ trên vạt ngô chờ nối cầu
phao!” Cô gái khẽ nhếch mép cười, liếc nhìn Trung đội trưởng đang ngủ
ngon lành, rồi hạ giọng: “Thôi được, cho các nghỉ nhưng phải chuyển cho
tôi thư và quà tới bố của tôi đang chiến đấu ở chiến trường Khu 4 ác
liệt, tên là Trần Đình Hợi, hòm thư X”. Nghe xong tên và hòm thư của bố
cô gái, tôi reo lên: “Trời!...Đó là Thủ trưởng Trung đoàn của tôi! Ông
thường xuống đơn vị tôi mỗi khi đơn vị có nhiệm vụ đặc biệt!” Cô gái còn
tỏ vẻ bất ngờ hơn tôi và thế là chúng tôi trở nên thân mật như…cá với
nước! Cô gái nói đã ba năm bố cô chưa về thăm nhà, cô rất muốn gặp bố mà
không biết làm sao! Tôi nhận lời chuyển thư và quà cho bố cô, cô liền
chạy về nhà, chỉ mười phút sau đã quay lại, thì ra nhà cô gần đó và cô
đã chuẩn bị từ trước! Nhìn tên cô gái trên phong thư “Trần Thị Ga” tôi
thoáng nghĩ, chắc là cô gái đẻ rơi trên sân ga! Khi hỏi chuyện thì quả
nhiên là như vậy! Thấy tôi giỏi “đoán mò”, Ga nói: “Anh có biết xem
tướng không? Em sẽ lấy chồng làm gì và bao giờ thì cưới?” Tôi làm bộ lẩm
nhẩm bẩm đốt ngón tay rồi nói: “Cô có tướng vượng phu ích tử, chồng cô
sẽ là người tài và thành đạt. Có lẽ chỉ hai năm nữa là cô sẽ lên kiệu
hoa lấy được chồng như ý!”…Tôi vừa ngừng lời thì Trung đội trưởng ngồi
bật dậy, nói: “Ai đã phá giấc ngủ của ta, sẽ bị phạt!...À, thì ra là anh
chàng Binh nhất láu tôm láu cá! Đi mua ngay cho ta một chai rượu!” Tôi
đã quen với “cái vụ sai vặt” nên chạy đi ngay!
Tôi đi dạo một
vòng phố xá thị trấn Gia Lâm, ăn một bát phở gà thơm phức rồi mới xách
chai rượu trở về ruộng ngô cho Trung đội trưởng, nếu tính thời gian thì
phải gần một giờ đồng hồ. Về tới nơi, tưởng rằng sẽ được nghe Trung đội
trưởng kể lại “chiến tích chinh phục người đẹp” ai ngờ thấy Trung đội
trưởng hai tay ôm “hạ bộ” đang rên i ỉ!...
Đến tối, cầu phao vẫn
chưa được nối, hỏi ra mới biết có hai cái phao cầu do không neo buộc kỹ
đã bị nước cuốn trôi mất tiêu! Người ta đang khắc phục sự cố! Trung đội
trưởng sốt ruột nói: “Chờ cả ngày, giờ lại chờ cả đêm thì biết đến bao
giờ? Cậu đi hỏi xem có thuyền nào nhận chở ta qua sông không?” Tôi liền
đi hỏi những người dân xung quanh thì họ đều nói, hôm nay có lũ ở thượng
nguồn, nước sông dâng cao và chảy xiết, không ai muốn mạo hiểm cả. Tôi
bèn nghĩ bụng, mình chưa bao giờ đứng trước sự nguy hiểm thực sự, vậy
lần này thử xem sao? Không đả động gì đến chuyện nước lũ kéo về, nước
sông chảy siết và dâng cao, tôi nói với Trung đội trưởng: “Không có
thuyền nào nhận chở người ban đêm. Tôi thấy chúng ta có thể bơi qua
sông!” Trung đội trưởng tròn mắt, nói: “Bơi qua sông? Cậu có điên không
đấy?” Tôi bình thản nói: “Lúc nước cạn, cát nổi lên giữa dòng sông,
chúng tôi còn ra đá bóng vui lắm! Chúng ta sẽ bơi qua sông ở chỗ có cát
nổi lên đó!...Chúng ta đã cùng bơi vượt sông La ở Đức Thọ (Hà Tĩnh), rồi
sông Lam ở Nam Đàn (Nghệ An), rồi sông Gianh ở Quảng Bình, chẳng lẽ lại
sợ Sông Hồng của Hà Nội, như thế thì làm sao mà dám ngẩng mặt nói
chuyện với Người Hà Nội? Anh có biết hồi tôi mới học lớp Một, nhà ở Quân
Y viện 103, chỉ vì tôi bơi vượt qua sông Nhuệ mà đám trẻ con trong vùng
gặp tôi là cúi rạp chào Đại ca đấy!” Hình như lời “khích tướng” của tôi
có tác dụng tức thì, Trung đội trưởng và tôi đi ra ngay bờ sông, cởi
quần áo cho vào ba-lô rồi lấy tấm vải ni-lông buộc túm lại thành một bọc
lớn, đó sẽ là cái phao cho chúng tôi vượt sông. Khi chúng tôi, chỉ mặc
cái quần đùi, vác bọc đồ ni-lông trên vai, bước xuống sông, trông không
khác gì đặc công thủy xuất quân! Khi nước tới rốn, tôi quay lại thì thấy
Trung đội trưởng vẫn đang ở chỗ nước tới đầu gối! Thấy tôi nhìn lại,
Trung đội trưởng xốc lại bọc đồ trên vai rồi bước tới! Nghĩ tới câu
thành ngữ “Khi nước đã tới rốn thì cho ngập luôn”, tôi nhào ra giữa dòng
nước…
4.Về Thủ đô lần thứ ba
Sau lần
tôi và trung đội trưởng bơi vượt sông Hồng thành công, mọi việc dường
như xảy ra rất tốt đẹp khiến Trung đội trưởng lại đề nghị cho tôi được
đi cùng ra Hà Nội lần nữa, chỉ cách lần trước ba tháng. Lúc tàu dừng ở
ga Hàng Cỏ (Ga Hà Nội), Trung đội trưởng mới nói với tôi: “Tớ cho cậu đi
“Tranh thủ” lần này là để thưởng công cho cậu đã góp phần vào kết quả
rất tốt đẹp của chuyến đi lần trước: Bộ Tư Lệnh Binh chủng đã quyết định
điều tớ ra Phòng Tham mưu, từ Thiếu úy phong vượt cấp lên Thượng úy. Cứ
cái đà này, chẳng mấy chốc mà lên tá, rồi lên tướng là cái chắc! Vì
thế, tớ sẽ vào thẳng Bộ Tư Lệnh. Còn cậu, có thể tới nhà người quen hoặc
về gia đình ở Hải Phòng tùy ý! Chủ nhật tới, nếu rảnh thì vào BTL kêu
tớ, chúng ta lại đi dạo Hồ Gươm rồi ăn kem Nhà Thủy Tạ, sau đó đi bơi
thuyền Hồ Tây!... Nhưng đừng dắt tớ vào mấy chỗ Thư viện Quốc Gia, Bảo
Tàng Mỹ thuật hay Văn Miếu gì đó nữa nhé!...Mấy chỗ đó chẳng có gì thú
vị cả!...”
Không biết Trung đội trưởng còn nói gì nữa hay không
mà tôi thì bàng hoàng, sửng sốt và “Chết đứng như Từ Hải” bởi, thì ra
Trung đội trưởng đang thực hiện một âm mưu “chạy chọt” để được ra Hà
Nội, như ngoài đời dân sự thường xảy ra! Tôi ngạc nhiên bởi không nghĩ
một người lính thời chiến, một sĩ quan – đảng viên – tấm gương cho bọn
lính tráng chúng tôi noi theo hàng ngày, lại có hành động “đào ngũ” một
cách tinh vi đến như thế! Tôi chỉ ước mình có được đôi cánh để bay trở
vào đơn vị, lúc này đơn vị đang ở Nghi Lộc, Đô Lương (Nghệ An) hay Can
Lộc, Đức Thọ (Hà Tĩnh)? Khi tôi kịp định thần thì không thấy Trung đội
trưởng đâu nữa mà mấy người xích lô xúm vào lôi lôi, kéo kéo! Đúng lúc
tâm trạng hỗn độn như vậy, tôi vụt nhớ đến cái lần về Hà Nội đầu tiên,
gặp em ở đầu phố Tràng Thi!... Tôi liền nói với người xích lô chở tôi
tới đầu phố Tràng Thi. Khi tôi và người xích lô đang cò cưa về tiền công
chở tôi từ Ga về thì một cô gái xuất hiện, như một Nàng Tiên, chợt hóa
thành cái cô gái bé nhỏ mà tôi đã gặp 14 năm trước!...Thật khó mà tin
được đó lại là sự thật: đó chính là cô bé đã gặp tôi ở chính chỗ này khi
tôi tới Hà Nội lần đầu 14 năm trước! Chỉ nhìn tôi khoảng một hay hai
phút, cô gái nói: “Anh chính là cậu bé tôi đã gặp 14 năm trước ở
đây!...”.
Giải quyết xong “vụ xích lô”, cô gái mời tôi vào nhà,
chỉ cách “điểm dừng lịch sử” vài bước chân. “Em đã nằm mơ thấy người bạn
bé nhỏ là anh của 14 năm trước hoài! Đêm qua cũng vậy, còn thấy rất rõ
ràng là sẽ gặp lại ở chính chỗ này! Vì thế, suốt ngày hôm nay, em cứ
ngóng nhìn ra đây và quả nhiên đã “tóm” được anh!...Em đã là cô giáo,
còn anh chỉ là một anh lính Binh Nhất, vì thế anh phải nghe theo sự sắp
đặt của em!...” – cô gái nói một tràng mà tôi nghe như là cô đang hát
những liên khúc dài bất tận, bởi khi cô ngừng nói – thì tôi đã thấy mình
đã tắm rửa sạch sẽ, ngồi bên một mâm cơm hương thơm ngào ngạt!...
Hương, tên cô gái, ngồi tiếp tôi ăn cơm và kể cho tôi nghe biết bao
nhiêu chuyện. Thì ra, Hương cùng tuổi với tôi, là người Hà Nội đã ba
đời, cha mẹ đều là nhà giáo từ thời Pháp thuộc, hiện vẫn còn dạy ở
trường Chu Văn An. Hết lớp 10, Hương học ở Trường Sư Phạm 10+3 rồi dạy
cấp 2 ở ngoại thành…
Hôm sau, Hương dẫn tôi tới những chỗ lần
đầu tiên tôi đến Hà Nội, Hương đã dẫn tôi tới: Hồ Hoàn Kiếm, rồi vào nhà
Hàng Thủy Tạ, rồi Nhà Kèn, v.v.…
Ở nhà Hương một ngày, tôi qua
cầu Long Biên tới Ga Gia Lâm tìm cô gái có tên Ga để báo tin rằng bố cô
đã hy sinh. Nhưng khi tới Ga thì chỉ gặp mẹ cô, cũng làm việc ở Ga. Bà
nói cô đã tình nguyện vào chiến trường chiến đấu, sau khi gia đình nhận
được giấy báo tử!
Khi người ta không giải thích được nhiều nỗi
buồn cùng đến một lúc thì người ta thường trở về với cái nơi người ta
đang sống. Vì thế, tôi chỉ ở lại Hà Nội thêm một ngày, đi lang thang
khắp nơi, rồi trở về đơn vị…Hương tiễn tôi ra ga, khi gần chia tay,
Hương nói: “Nếu chúng ta có duyên thì chỉ một, hai năm nữa là sẽ gặp
lại. Ông bố mình rất giỏi xem tướng, nhìn tướng bạn, ông bảo chỉ hai năm
nữa là bạn sẽ trở lại con đường học hành mà thôi!” Nghe Hương nói vậy,
tôi nghĩ là cô nói đùa cho vui, ai ngờ đúng hai năm sau, tôi trở lại
trường cũ thật. Nghĩ tới lời nói của Hương khi chia tay, tôi tới phố
Tràng Thi tìm Hương, nhưng thấy cửa nhà đóng khóa im ỉm. Người hàng xóm
cho biết Hương đã đi lấy chồng được một tháng!...
* Được trở
lại học, đó là điều không phải dễ dàng, vì thế tôi lấy đó làm vui và
quyết “Làm lại từ đầu”. Tuy nhiên, cũng có lúc buồn chán, tôi thường thả
bộ dọc con đường Nguyễn Trãi trước cổng trường (là Khu Thượng Đình –
đối diện nhà máy Cao-Xà-Lá Hà Nội)… Một hôm, đi mãi, qua Ngã Tư Sở thì
tôi rẽ vào đường Sân Bay từ lúc nào không hay! Đây là con đường dẫn vào
Bộ Tư Lệnh Binh chủng Ra-đa, có những ngôi nhà mới xây rất đẹp, hình như
đang cùng nhau “ăn tân gia”. Và thật bất ngờ, đứng ở trước cổng một
ngôi nhà hoành tráng đó là cô gái Hương Tràng Thi và bên cạnh là một
viên sĩ quan đeo lon Thiếu Tá, và tôi không thể gọi một cái tên khác mà
phải thốt lên: “Trung đội Trưởng của tôi!”.
Sài Gòn, 2008-2009
Đỗ Ngọc Thạch
|