Thứ Sáu, 3 tháng 2, 2012

Truyện ngắn Đ.N.T: - trích: Đám mây...; Điều kỳ diệu...

Ảnh riêng

Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch

 trích: Đám mây hình Trái tim; Điều kỳ diệu; CLB VIP; Cái hút nước.



Đám mây hình trái tim

Thứ năm, 02 Tháng 2 2012 18:51 TRUYỆN - Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch
Như Mây là một cô gái được thừa hưởng những nét đẹp “chân quê” của người mẹ và sự khôn ngoan, sắc sảo “thị thành” của người cha. Nếu như theo lẽ thường, hai tính cách “chân quê” ở người mẹ và “thị thành” ở người cha sau khi “giao hợp” với nhau, sẽ sinh ra một người con có tính cách “dung hòa” giữa cha và mẹ, tức sẽ là một người “con lai”.
Nhưng ở Như Mây, hai tính cách “chân quê” của người mẹ và “thị thành” của người cha cùng tồn tại trong người con nhưng hoàn toàn độc lập, tách bạch. Tức ở Như Mây, không có sự pha trộn, dung hòa của hai tính cách. Có thể nói một cách nôm na rằng: lúc thì Như Mây “chân quê” giống hệt như mẹ, lúc thì “thị thành” y chang như cha! Người phát hiện ra sự “phân thân” đó của Như Mây chính là mẹ cô, bởi có một lần, vào ngày nghỉ Lễ, được hai ngày, ngày đầu cô đã cùng mẹ về quê ngoại, lội ruộng, tắm sông say sưa, mê mải…Nhưng ngay ngày hôm sau, cô đã đòi về Thành phố và suốt ngày rong chơi phố phường cùng đám bạn, đến nửa đêm còn chưa về nhà!...Những lúc thấy con gái thay đổi sở thích rõ ràng như thế, mẹ cô thường hỏi: “Nếu bây giờ con chỉ được chọn một, nông thôn hay thành thị, thì con sẽ chọn gì?”. Khi đó, Như Mây không nói chọn gì mà cứ ôm chặt lấy mẹ rồi đọc câu thơ: Bâng khuâng đứng giữa hai dòng nước / Chọn một dòng để nước trôi?
Người mẹ của Như Mây là một Gái quê trăm phần trăm. Tuy quanh năm suốt tháng phải dầm mưa dãi nắng ngoài đồng nhưng bà có một thân hình tuyệt đẹp, nói theo “ngôn ngữ Thời trang” là chiều cao khiến người ta phải ngước nhìn (1,78 mét) và số đo ba vòng huyền thoại khiến ai cũng phải ham muốn (89, 61, 91), đặc biệt là làn da trắng hồng như bông sen thơm ngát, cho nên cha mẹ đã đặt tên cho bà là Như Hoa! Tuổi trẻ của bà là “Giấc mơ gặp Tiên” của biết bao chàng trai si tình!... Chính vì thế, khi đoàn cán bộ của Thành phố về thăm quê hương bà, một vùng quê - vùng sâu, vùng xa - căn cứ địa thời kỳ kháng chiến, có chàng thanh niên tuổi trẻ tài cao, đang là một nhà Khoa học danh tiếng của Thành phố, đã “trồng cây si” trước nhà người đẹp rồi hái đi mất bông hoa của nơi thôn dã! Vì thế, có thể nói, Như Mây có rất nhiều “danh hiệu”: là kết quả của một mối tình Trai tài, Gái sắc đỉnh cao, là sự gặp gỡ, giao thoa giữa “hai nền văn hóa” đồng quê mơ mộng, trữ tình và thị thành văn minh, hiện đại, là sự hội tụ tinh hoa của đất trời và tư tưởng của thời đại, … là bản Tình ca tha thiết, đắm say!...Chính vì thế, khi Như Mây ra đời, người ta hỏi người cha của Như Mây đặt tên con gái là gì, người cha đã lúng túng không biết lựa chọn thế nào để có thể vừa hay, vừa hợp với tên con gái? Người mẹ trẻ bỗng nhớ lại tuổi trẻ của mình thường thích ngắm mây trên trời: Trên trời có đám mây xanh / Ở giữa mây trắng, xung quanh mây vàng…Và rồi câu thơ nói về trời mây và đồng quê mà cô gái quê rất thích vụt hiện: Trên trời mây trắng như bông / ở giữa cánh đồng bông trắng như mây…Thế là tên của cô bé mới ra đời được đặt là Như Mây! Cô bé Như Mây lớn lên từng ngày, và thật lạ kỳ, nhan sắc của cô giống như Mẹ - như hai giọt sương mai đang đọng trên cánh hoa!...
Tuổi thơ, rồi tuổi trẻ của Như Mây cứ như những câu chuyện cổ tích nối tiếp nhau hết trang này đến trang khác, và khi mười bảy tuổi, cô gái Như Mây đã cất pho truyện cổ tích của tuổi thơ mình vào “Kho tàng Truyện Cổ Tích” để viết những “Bài ca Tình yêu”…                                                                                             
*

Năm nào cũng vậy, đến kỳ nghỉ hè là Như Mây lại về quê Ngoại đúng một tháng. Vừa về tới nhà Bà Ngoại là Như Mây đã chạy ra ngoài cánh đồng làm việc với Bà Ngoại. Khi Bà cấy lúa thì Như Mây cấy thi với bà, khi bà làm cỏ lúa thì cô cũng làm cỏ lúa. Như Mây rất thích len lỏi giữa những cây lúa xanh mướt đang thì con gái để cho những lá lúa mơn man khắp người. Khi lúa đang lên đòng, ngậm sữa thì không cần tới những dịp nghỉ dài ngày, Như Mây cũng về quê chạy ra cánh đồng để hít thật sâu cái mùi hương thoang thoảng mà thật kỳ lạ, thật quyến rũ của hương đồng gió nội! Và nhất là khi tới mùa gặt, bằng mọi giá, dù phải nghỉ một, hai ngày học, Như Mây cũng về quê để được gặt những bông lúa vàng nặng trĩu, để được ăn cơm gạo mới thơm phức rồi nằm bên bà Ngoại nghe kể chuyện làng quê thanh bình mà ẩn chứa biết bao điều kỳ lạ!...Và như là có bàn tay tai quái của Tạo hóa sắp đặt, có không ít chuyện kỳ lạ đã giăng mắc vào Như Mây…
Một lần, Như Mây và bà Ngoại chuẩn bị ngủ thì cô bỗng nghe có tiếng động lạ ngoài vườn. Là người “thính tai” và khá “nhạy cảm” với những điều bất thường, Như Mây nằm yên, tập trung thính lực lắng nghe. Đã quá nửa đêm. Không gian dường như rất tĩnh mịch, tiếng côn trùng rời rạc như tan đi ngay trong màn đêm bí ẩn. Rồi có tiếng người rì rầm, rì rầm nhưng cô nghe khá rõ:

- Sáng mai “Cô Nàng Thành Phố” đã đi rồi! Vì thế chúng ta phải hành động thật mau lẹ và chính xác! Tao nhắc lại, phải bắt sống, phải còn nguyên vẹn!

- Sau khi tao xịt thuốc mê vào buồng thì mày bò vào, úp thêm lên mặt cô Nàng cái khăn ướt có thuốc mê cho chắc ăn!
- Nhưng tao sợ cho cô Nàng vào bao tải, người đẹp sẽ chết ngạt mất!
- Cho vào bao tải mới chắc chắn!...Thôi, không nói nhiều nữa! Bắt đầu đi!...

Hết tiếng nói, Như Mây nghe rõ tiếng sột soạt khi hai thằng bò tới căn nhà. Trong nhà của bà ngoại Như Mây lúc đó, chỉ có ông ngoại, bà ngoại, vợ chồng cậu Út, chưa có con, và Như Mây, tất cả chỉ có năm người! Như Mây phán đoán, vợ chồng cậu Út chắc là đã ngủ, ông ngoại có thể còn thức nhưng ông đã yếu sức, không thể “chiến đấu”, bà ngoại chắc cũng mới chợp mắt, có thể đánh thức bà dậy, nhưng bà cũng không thể “chiến đấu”. Vậy rút cục chỉ có một mình Như Mây, là có thể “chiến đấu”, cô cũng đã học Karatedo, nhưng chưa phải là “cao thủ”. Như thế cuộc chiến sẽ không cân sức. Và nếu bọn chúng xịt nhiều thuốc mê, thì bị bắt là khó tránh khỏi! Như Mây đang tính phác nhanh một kế hoạch hành động đối phó thì cô bỗng nghe có tiếng động như là đánh nhau rất mạnh ngoài đầu hồi căn nhà bà ngoại. Như Mây bật dậy, vọt ra ngoài. Trong ánh sáng mờ ảo của bầu trời chỉ lác đác vài ngôi sao, Như Mây thấy có một người dáng cao lớn, khỏe mạnh cầm một cây côn ngắn, đang quần thảo với hai thằng trộm cướp. Như Mây lao vút ra trợ giúp người thanh niên cầm côn, nhưng vừa thấy bóng cô lao ra, hai thằng kia đã bỏ chạy nhanh như… cướp! Màn đêm đã nuốt chửng chúng!
*

…Thì ra người thanh niên đó là Võ Thần Nông, người họ hàng bên nhà Ngoại, gọi bà ngoại Như Mây bằng … cụ ngoại! Có nghĩa là xét về “vai vế” họ hàng, Thần Nông phải gọi Như Mây là Dì! Thần Nông là tên gọi do chính bà ngoại của Như Mây đặt cho bởi bà ngoại muốn đứa cháu của mình đừng có bỏ quê mà lên thành phố tha hương kiếm sống như rất nhiều trai làng khác! Quả nhiên, Thần Nông càng lớn càng trở nên một chàng trai quê - lực điền, - hoàn chỉnh từ chân đến đầu, từ trong ra ngoài! Ai cũng đua nhau đi học Công nghệ Thông tin, Ngoại ngữ tiếng Anh, rồi kinh tế ngoại thương, v.v… nhưng chàng trai quê Thần Nông thi vào Đại học Nông Nghiệp rồi về quê làm việc như một nông dân thực thụ!

Khi biết chuyện Thần Nông đã giải cứu Như Mây thoát khỏi bọn chuyên đi bắt cóc phụ nữ để bán qua biên giới Campuchia, bà ngoại Như Mây thoáng nghĩ: “Sao ta không làm Ông Tơ Bà Nguyệt” tác thành cho con Như Mây và thằng Thần Nông nhỉ? Chúng nó mà thành vợ chồng thì còn gì đẹp đôi hơn? Đều là hàng con cháu bên họ Ngoại nhà ta cả, không thể để “của quý hiếm” ấy cho người ngoài hưởng mất!”. Bà Ngoại đem ý định ấy nói với mẹ Như Mây, người mẹ nói: “Sao Ngoại không nói thẳng với Như Mây? Thanh niên bây giờ chúng nó thích “Là chính mình”, thích được tự quyết định tương lai của mình!”. Bà ngoại cười nói: “Câu nói đó đâu phải chỉ thời nay bọn trẻ mới nói? Hồi xưa, chị lấy chồng cũng theo ý thích của mình đấy thôi? Nếu là tôi quyết thì chị đã là vợ ông Tư Điền đang là chủ tịch Xã chứ không phải cái ông Tiến sĩ, Viện Trưởng gì đó bây giờ ở trên Thành phố!... Tôi chỉ là muốn chỉ điểm cho cháu mình mà thôi!”.

Thực ra, vai trò của người “Chỉ điểm” rất quan trọng! Nó có thể ví ngang bằng với sự vạch đường, chỉ lối cho sự hoạch định các nhiệm vụ chiến lược, có tầm vĩ mô của một quốc gia! Bởi trong cái chuyện “phức tạp và tế nhị” này, chỉ sai một ly là đi một dặm!

Khi bà ngoại nói chuyện với cô cháu gái có tính chất “chỉ điểm” về “cái vụ Thần Nông”, Như Mây cười khanh khách rồi nói: “Bà hồi trẻ hát bài Em đi Chùa Hương hay lắm cơ mà, sao bà đã quên câu:…Em bây giờ mới tuổi mười lăm…Em còn bé lắm …anh ơi!...”. Bà Ngoại vội nói: “Đây là bà nói cho ba năm, năm năm nữa! Có như vậy ta mới làm chủ được tương lai chứ!”. Như Mây nói: “Bà lúc nào cũng đúng!”.                                                                                               
*

Trong khi bà ngoại, mẹ Như Mây và Như Mây đang “nghiên cứu về đề tài sao Thần Nông” thì người cha của Như Mây lại đang nghiên cứu về đề tài “Top 10 nhà doanh nghiệp của Thế kỷ”.

Sau khi nghiên cứu kỹ gia thế cũng như quá trình từ bước đầu khởi nghiệp cho đến sự nghiệp thành đạt hiện tại của 10 Nhà Doanh nghiệp, ông bố Như Mây quyết định sẽ “Kết thông gia” với một Đại gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Đại gia này có tên gọi là Tin Tin. Đó là tên một nhân vật phim hoạt hình nổi tiếng từ thế kỷ trước. Quả là Đại gia Tin Tin rất “Láu cá, Láu tôm” khi “ăn theo” nhân vật phim hoạt hình nổi tiếng Tin Tin: có chữ Tin trùng với ngành nghề kinh doanh, không ai bắt bẻ gì được mà coi đó như một sự ràng buộc của số phận từ “kiếp trước”; mặt khác khi lấy “nghệ danh” như thế là muốn nói với “bá tánh thiên hạ” rằng, tôi đây là con người rất vui tính, hài hước và đầy nghĩa hiệp, có thể “chơi được”! Xin mời!... Quả là một cách “siêu tiếp thị”!

Lại cứ như là có “bàn tay sắp đặt” tai quái của Tạo hóa, Đại gia Tin Tin có một cậu con trai tên gọi Thiếu Gia, có đầy đủ tiêu chuẩn của một “Thiếu gia” hàng đầu: đẹp trai, con nhà giàu, và tài hoa! Chính vì thế, khi ngay từ lần tiếp xúc đầu tiên, ông bố của Như Mây đã bị chàng Thiếu Gia - con rể tương lai chinh phục hoàn toàn! Nhìn vào chàng trai trẻ Thiếu Gia, ông bố Như Mây như nhìn thấy phảng phất đâu đó hình bóng thời trai trẻ đầy mơ mộng của mình! Chính vì thế, ông bố Như Mây quyết tâm tác thành bằng được đôi uyên ương trai tài, gái sắc này! Song, người mẹ của Như Mây thì bằng sự nhạy cảm rất nữ tính của mình, bà đã nhận thấy dù chưa rõ nét, rằng ẩn chứa bên trong cái vẻ đẹp hào hoa, công tử của chàng trai trẻ Thiếu Gia là một hình hài của loài dã thú! Song, người mẹ chỉ biết cầu xin Bố Tát phù hộ chứ không thể nói gì với người chồng về những cảm nhận bất an của mình!

Lại cứ như là có bàn tay Tạo hóa “can thiệp”, ngày khai giảng năm lớp 12, Như Mây thấy lớp mình xuất hiện người mới từ trường khác chuyển đến: đó chính là Thiếu Gia, công tử của Đại gia Tin Tin. Sở dĩ Như Mây thấy sự xuất hiện của Thiếu Gia đầu tiên vì vừa bước vào lớp, sau khi cô giáo Chủ nhiệm giới thiệu bạn học mới với lớp, Thiếu Gia đến ngồi ngay bên cạnh Như Mây!...Thực ra, đây là sự sắp đặt, tính toán rất chi li của ông bố Như Mây và Đại gia Tin Tin, muốn cho sự tiếp xúc đầu tiên của Như Mây và Thiếu Gia hoàn toàn tự nhiên và ấn tượng mạnh. Thực ra, cậu Thiếu Gia đã học lớp 12 từ hai năm trước, sau khi thi trượt Đại học thì “hối lộ” để vào một trường Đại học Dân lập, nhưng thực ra cậu cả vẫn lêu lổng “là chính”!

“Kế hoạch” đưa Thiếu Gia trở lại trường Trung học Phổ thông để “làm quen” với Như Mây của hai người bố được bí mật tuyệt đối, chỉ có ba người biết (hai người bố và Thiếu Gia) và sẽ kéo dài từ ngày khai giảng cho đến Tết Âm Lịch, ngày mồng 2 Tết sẽ bái đường thành thân! Nhưng chàng Công tử Thiếu Gia đã không đủ kiên nhẫn để làm đúng kế hoạch, mà chỉ được một tuần thì Thiếu Gia mời “bạn học mới” Như Mây đến nhà mình dự tiệc mừng sinh nhật (thực ra Thiếu Gia đã bịa ra tiệc sinh nhật để lấy cớ mời bằng được Như Mây tới nhà mình, tất nhiên là cả nhà Thiếu Gia đồng tình làm bữa tiệc “sinh nhật giả”). Chỉ sau một nửa ly rượu có thuốc mê, Như Mây đã bị mê man và Thiếu Gia liền dìu vào buồng. Song, do vội vàng nên Thiếu Gia đã vào nhầm buồng ngủ của ông bố, tức Đại Gia Tin Tin. Chính sự nhầm buồng này đã xảy ra cuộc cãi lộn giữa hai bố con Đại gia Tin Tin. Và chính cuộc cãi lộn của hai bố con Đại gia Tin Tin đã từ từ khiến Như Mây tỉnh lại. Và Như Mây đã nghe được một phần của cuộc đấu khẩu đó:

- Bố nhắc lại: con phải dừng ngay cái trò “gạo nấu thành cơm” đó và đưa cô bé trở lại bàn tiệc, coi như chưa có chuyện gì xảy ra!

- Không thể “coi như” được! Mỡ đã đến miệng mèo không thể không ăn!...

- Tao bảo mày đi ra ngay!

- Người phải đi ra ngay là bố! Bố đi ra ngay, con không thể chờ được nữa rồi! Nếu bố thích xem thì cứ tự nhiên!

- Mày dám láo với cả bố mày thế hả? Tao sẽ đánh chết mày!...

- Bố không đánh nổi con đâu! Con sẽ “điểm huyệt” bố cho bố giữ trật tự nha!

- Mày dám!...

Khi thằng con Thiếu Gia vừa điểm huyệt Đại gia Tin Tin xong thì Như Mây bật dậy, bằng một cú đá vừa phải nhưng chính xác vào cần cổ thằng con Thiếu Gia, khiến nó đổ vật xuống sàn. Như Mây đã lao vút ra ngoài và phóng một mạch về nhà!...

Vừa về tới cổng, Như Mây chưa kịp bước vào thì đã thấy bố và mẹ đang cãi lộn và đã đến đỉnh điểm. Như Mây nghe tiếng mẹ nói: “Vì hám danh, hám tiền mà ông đã giao trứng cho ác! Ông không xứng làm bố!...Tôi sẽ không tha cho ông!... Ông mau đến nhà Đại gia Tin Tin gì đó đem con bé về đây cho tôi!”, cô liền chạy vào ôm chầm lấy mẹ mà nói: “Con gái của mẹ đây!” , rồi khóc như mưa rào!...
                                                                                             
*

Sáng hôm sau, ông bố của Như Mây ngủ dậy thì không thấy hai mẹ con Như Mây mà chỉ thấy mảnh giấy có những chữ sau: “Hai mẹ con tôi đã về nhà Ngoại. Tôi chỉ có thể tha thứ cho ông bằng cách coi như chưa hề quen biết ông. Nếu ông muốn Như Mây gọi là Bố, thì hãy dùng Tình yêu mà chinh phục tôi từ đầu!”… Ông bố Như Mây có làm được điều đó hay không? Thật khó có câu trả lời ngay!

Bấy giờ đang là mùa Đông của Miền Bắc, mùa khô của Miền Nam, song khắp nơi đang chuẩn bị thu hoạch vụ lúa Đông - Xuân. Cánh đồng lúc này thật là đẹp. Bông lúa đã uốn cần câu, những hạt lúa như nép vào nhau lại như muốn xô đẩy nhau mỗi khi gió nhẹ thổi…Hương lúa lan tỏa khắp nơi, bay lên trời khiến cho những đám mây thêm trắng, thêm lung linh và biến thành những hình thù thật kỳ ảo!...Như Mây và Thần Nông đang đi thăm lúa, đó là công việc Như Mây thích nhất ở cánh đồng, đó cũng là hành động đẹp nhất, lãng mạn nhất của người nông dân!... Như Mây bỗng nói với Thần Nông: “Đố anh đọc ngay một bài thơ, câu thơ gì cũng được, nói về mây…”. Như Mây chưa nói xong thì Thần Nông đã nói: “Quá dễ…Trên trời có đám mây xanh / ở giữa mây trắng xung quanh mây vàng / ước gì anh lấy được Nàng…Bây giờ tôi đố lại: đố Như Mây đọc một câu thơ có chữ Thần Nông?”. Như Mây cũng nói ngay: “Quá dễ…Tìm mãi Thần Nông mà chẳng thấy / Thấy con vịt lội giữa dòng sâu / Sao Hôm như mắt em ngày ấy…”. Hai người cùng nhìn lên bầu trời bao la, những đám mây tạo thành những hình thù kỳ lạ, chuyển động lúc thì nhanh, lúc thì chậm và thay hình đổi dạng liên tục! Như Mây bỗng nói:”Anh có thấy những đám mây có hình Trái Tim bao giờ chưa?”. Thần Nông nói: “Chưa… Bà Ngoại của Như Mây nói với tôi rằng khi nào ai nhìn thấy đám mây có hình Trái Tim thì Tình Yêu sẽ đến với người đó!”. Như Mây bỗng có một cảm giác như bay lên khi cô thoáng nghĩ: “Ước gì mình hóa thành đám mây hình Trái tim ngay bây giờ!”. Song, thật bất ngờ, Như Mây không cần biến thành mây mà trên nền trời xanh thẳm lúc đó, một đám mây hình Trái Tim xuất hiện! Cả Như Mây và Thần Nông cùng ngỡ ngàng, rồi như là có sự xui khiến của Đất Trời, cả hai cùng nói: “Tình Yêu đã đến với tôi phải không?”. Nếu có ai nhìn xuống cánh đồng lúc đó, hẳn sẽ thấy hai người đang đứng bên nhau, đang hôn nhau đắm đuối, tạo thành hình Trái Tim trên đồng lúa vàng óng ả, giống như đám mây hình Trái Tim trên nền trời xanh lúc đó!...
Sài Gòn, 2011
Đỗ Ngọc Thạch

< LùiTiếp theo >
Điều kỳ diệu - Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch

Điều kỳ diệu

Thứ năm, 02 Tháng 2 2012 18:50 TRUYỆN - Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch
Điều kỳ diệuChiếc thuyền giấy chở tuổi thơ đi rồi
 Ta còn đứng nhìn theo con sóng nhỏ
Năm nay, Thi đang học lớp 12, vừa 17 tuổi. Người ta hay nói  “con gái mười bảy bẻ gãy  sừng trâu”, với Thi rất đúng . Thi có dáng con nhà võ hơn là một cô bé nông thôn e dè, nhút nhát.  Chính vì vậy, mặc dù Thi rất xinh gái, nhưng cứ nhìn cái dáng cao lớn, có chút ngang tàng của Thi, chẳng chàng trai nào dám tới gần chứ đừng nói tới chuyện  “tán tỉnh”  này nọ.
     Tuy còn đi học, nhưng là con gái nông thôn, nhất là “truyền thống” ở làng Thi, thì cái tuổi Thi là cái tuổi  “gả chồng” !  Chính mẹ Thi đã nhiều lần mắng Thi :  “Con gái lớn tướng mà cứ như trẻ con, lại còn nghịch ngợm như quỷ sứ ! Tao tính gả  mày cho thằng Cả Tèo con bác Phó Lại đấy  !”.  Những lúc ấy Thi chỉ cười như nắc nẻ và ôm chặt lấy mẹ mà nói  : “Con mà đi lấy chồng thì cái nhà này sẽ buồn như cái bãi tha ma !  Và lấy ai đi đưa thư cho bố mỗi khi bố bị trái gió trở trời ?  Mà cái thằng Cả Tèo  con bác Phó Lại ấy  thì làm sao mà xứng đôi với con ? Nó vắt mũi chưa sạch, con mà vắt mũi cho nó thì cứ đứt bay cả mũi !”. Như thế, mẹ Thi chỉ còn biết ngồi im. Nhưng trong bụng bà thầm tính : chờ cho nó học hết phổ thông vừa đủ cái chữ trong đầu, bà sẽ tính chuyện chồng con cho Thi. Chỉ có lấy chồng , tính nết nó mới thay đổi, mới tu chí làm ăn !...
 Còn Thi đúng là một cô gái vô tư, chẳng bao giờ lo nghĩ đến chuyện gì, ngoài chuyện học hành và cách một hai ngày, cô lại thay bố làm nhiệm vụ đưa thư. Chả là bố Thi làm việc ở Bưu chính xã, chuyên làm nhiệm vụ người đưa thư. Ông là thương binh phục viên, mỗi khi trái gió trở trời thì lại đau ê ẩm khắp người. Những lúc ấy, Thi ngồi lên “con ngựa sắt” của bố (Thi gọi cái xe Phượng Hoàng chở thư của bố như vậy), phóng vun vút đi khắp các thôn xóm…Nếu như không có chuyện này xảy ra thì cuộc đời Thi sẽ chẳng bao giờ thay đổi. Rất có thể Thi sẽ được gả cho anh chàng Cả Tèo con bác Phó Lại  ! 
     Cả tuần nay bố Thi lại bị bệnh, không thể ra khỏi nhà. Thế là Thi thay bố điều khiển “con ngựa sắt” đem những lá  thư đến khắp mọi nơi …
      Nói chung, những người được nhận thư ở trong xã này, Thi đều thuộc cả. Chẳng hạn bà Hậu còng, mỗi tuần lại nhận  được thư của cậu con trai út đang đóng quân ở tận biên giới Lào- Việt. Hoặc như ông giáo Từ, tháng nào cũng nhận được hai  ba  cái thư chuyển tiền do mấy   tờ  báo trả nhuận bút. Hoặc nữa, cô Như Lan, cán bộ văn phòng Ủy ban  xã, hai tuần lại nhận được thư tình của  một  “ông bồ” ở tận Sài Gòn  !...
      Ba hôm nay, Thi thấy xuất hiện thêm một người nhận thư nữa, anh Thanh ở xóm 3, cách nhà Thi  khoảng 15 phút đạp xe. Thì ra anh Thanh vừa mới tốt nghiệp đại học Kiến Trúc, đang chờ nhận công tác thì bị tai nạn trong một chuyến đi làm thuê cho một công trình xây dựng. Anh bị ngã từ trên giàn cao xuống , đã nằm bệnh viện hơn tháng , vết thương đã lành nhưng riêng đôi mắt thì chưa hồi phục. Các bác sĩ nói phải tĩnh dưỡng và điều trị bằng thuốc Đông y khoảng nửa năm mới có hy vọng trở lại bình thường  !  Vì thế, anh về nhà ở với mẹ và các em. Khung cảnh nông thôn yên tĩnh, trong lành rất phù hợp với người dưỡng bệnh. Vả lại xã này có mấy ông thầy thuốc Đông y rất giỏi.
     Ba ngày liền, anh Thanh nhận được hơn chục lá thư, chắc của bạn bè trong lớp học cũ. Từ ngày thứ 5 trở đi, thư ít dần và cuối cùng  thì chỉ còn lại một lá thư của cô gái có tên là Ánh Nguyệt, sinh viên năm thứ hai của trường đại học ngoại ngữ. Cứ hai ngày,thư Ánh Nguyệt lại đến với Thanh. Thi nghĩ, chắc cô này là người yêu  của anh Thanh, chỉ có là người yêu nơi phương xa thì mới có thể chăm viết thư như thế được. Có hôm, Thi mang thư đến nhà anh Thanh, mà chẳng có ai, anh Thanh nhờ Thi đọc cho anh nghe. Cô nàng khoe với anh Thanh là đã nói tiếng Anh rất thông thạo và đã được một  Công ty liên doanh mời đi làm thêm, ngoài những lúc tiếp tục lên lớp ! Nhưng, những lá thư của Ánh Nguyệt cứ thưa dần, thưa dần cho đến lúc ngừng hẳn !...
     Đã  3 tuần, không nhận thư Ánh Nguyệt, anh Thanh nhờ Thi đánh điện cho nàng, nhưng rồi cũng chẳng thấy hồi âm ! Rồi một tháng trôi qua, vẫn không có lá thư nào của Ánh Nguyệt ! Anh trở nên buồn rầu, sinh ốm, có lúc lên cơn sốt, dường như những vết thương trong người anh lại tái phát ! Ông thầy thuốc theo dõi chữa bệnh cho anh Thanh rất lo ngại, ông nói : “Nếu anh Thanh quá “tương tư”,  “thất tình” đôi mắt sẽ bị ảnh hưởng xấu, có thể sẽ chẳng bao giờ nhìn thấy gì nữa !”.   Nghe ông thầy thuốc nói vậy, Thi rất lo lắng và tự nhiên, Thi cảm thương anh vô cùng ! Cái cô gái Ánh Nguyệt kia sao mà chóng đổi  dạ thế ?  Chắc là cô nàng bỏ rơi anh Thanh rồi ! Nhưng, điều quan trọng nhất là phải ngăn chặn ngay tình trạng “thất tình” đau khổ của anh Thanh !  Những lời nói động viên suông sẽ chẳng có tác dụng, vì anh có muốn nghe đâu, anh chỉ mong nhận được thư mà thôi !...
     Một hôm, đang trên đường đưa thư, Thi bỗng nảy ra ý nghĩ : Mình sẽ gởi đến anh Thanh những lá thư của Ánh Nguyệt !  Thế là từ hôm đó, cứ ba, bốn ngày, Thi lại “sáng tác” một bức tình thư với “bút danh” Ánh Nguyệt ! Công việc “sáng tác” đã thu hút gần hết thời gian còn lại, khiến cho mẹ Thi sinh nghi, cứ “theo dõi” sự biến đổi đột ngột này của con gái !...
     Những lá thư của “Ánh Nguyệt” tiếp tục đều đặn đến với anh Thanh đã làm cho anh vui vẻ, hoạt bát hẳn lên và dường như “sức mạnh tình yêu” đã xua đi mọi bệnh tật, đau đớn trong anh. Mỗi khi nhận được thư, anh Thanh lại cảm ơn Thi rối rít mà năn nỉ Thi mở thư đọc cho anh nghe ngay tức thì ! Nhìn khuôn mặt cứ rạng rỡ lên mỗi khi nghe Thi đọc thư, Thi vừa vui, vừa buồn. Vui vì anh đã  khỏe mạnh trở lại, buồn vì chính Thi là thủ phạm của những bức thư giả mạo này !  Có nhiều đêm, Thi cứ trằn trọc suy nghĩ mãi về kết thúc của cái  “trò chơi” này : Sẽ như thế nào nếu anh Thanh biết được đó là những bức thư giả ?
      Thời gian cứ trôi đi nhanh hơn sự dự tính của con người ! Mới đó mà đã  nửa năm trôi qua ! Ông thầy thuốc nói đôi mắt của anh, khả năng phục hồi rất tốt ! Gần đến ngày “hẹn” đôi mắt anh Thanh, tự nhiên  Thi thấy hồi hộp lạ ! Thi bỗng nảy ra quyết định phải đi tìm gặp bằng được cái cô Ánh Nguyệt mà Thi chưa hề gặp mặt .
      Thi nói dối mẹ để đến thành phố tìm cô nàng Ánh Nguyệt, nhưng khi đến trường Đại Học Ngoại Ngữ, thì ở đây người ta nói Ánh Nguyệt đã bỏ học gần nửa năm nay rồi, không biết đi đâu, nhưng chắc chắn là đã đi “du lịch” cùng với mấy ông Việt Kiều ra nước ngoài rồi !...Thi cứ đi lang thang mãi trong thành phố mà không biết mình đi đâu !  Rồi Thi bỗng nhận ra mình đang đứng trước Bưu điện Trung Tâm của Thành Phố. Thi vội chạy vào đánh ngay bức điện cho anh Thanh  : “Anh Thanh ơi !  Thật bất ngờ, ở nước ngoài người ta mời em sang làm việc !  Anh có biết không, đây là một vinh dự lớn mà không một sinh viên nào dám mơ tới ! Vậy nên, em đành phải chia tay anh mà không kịp gặp mặt  !  Em rất tiếc, rất buồn, rất đau khổ !  Thôi, anh ráng chờ nhé !  Nếu có điều kiện, em sẽ đón anh  sang chữa bệnh !...thôi nhé ! Tạm biệt anh !...”
* * *
     Thi về đến nhà trời sẩm tối, Thi bước vào nhà và vô cùng ngạc nhiên khi thấy anh Thanh đang ngồi nói chuyện với mẹ Thi . Và điều kỳ lạ là mắt anh đã nhìn được bình thường  !  Vừa nhìn thấy Thi, anh Thanh đã reo lên một tiếng mà Thi không thể phân biệt được đó là loại âm thanh gì, nghe như tiếng suối reo, lại như tiếng thác dội !  Thi chỉ nhận biết được rằng anh Thanh rất xúc động !... Vậy  mà anh chỉ hỏi chuyện vài câu rồi cáo từ về ! 
   Ngày hôm sau, Thi nhận được lá thư của anh Thanh. Đây là lần đầu tiên Thi nhận được thư gửi cho mình – người đưa thư – nên Thi đã đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần và Thi đã thuộc lòng, lá thư như sau:
     “Thi ơi,  em đừng tưởng rằng trong thời gian anh bị mù mà anh không thấy em đâu. Anh đã biết ngay từ đầu rằng những lá thư đó là do em viết chứ chẳng có cô nàng Ánh Nguyệt nào cả ! Nhưng điều đó không quan trọng vì mỗi khi nhận được thư, anh đều nghĩ rằng anh đã nhận được thư của em – chính em !...Và em biết không, từ giờ  anh  muốn nhận được thư của em nhưng không phải ký “bút danh”  Ánh Nguyệt nữa mà em hãy ký tên thật của em ! Anh rất mong thư em…Trong khi chờ thư em, anh thường ngâm nga bài thơ này, viết tặng em nha :
     “Mùa Hè nồng cháy
       Ở trên má em
       Mùa Đông lạnh lẽo
       Ở trong tim em !...


       Nhưng sẽ có một ngày
        Hỡi em,
       Mùa Đông ở trên má
        Mùa Hè ở trong tim !” 
Đọc thư của anh Thanh xong, Thi thấy trong người dâng lên một cảm giác lạ kỳ không thể giải thích nổi! Thi muốn viết thư ngay cho anh, nhưng  vừa cầm bút, Thi bỗng thấy khó viết vô cùng, biết viết như thế nào cho anh bây giờ ? A, - Thi bỗng reo lên – đây rồi ! Mình sẽ “tranh luận” với anh về bài thơ này ! Và thế là Thi  viết ngay:
     “Anh Thanh à,  bài thơ anh gửi cho em rất hay, nhưng nghĩ kỹ, em thấy  có gì đó chưa ổn, bởi trong em không hề có “Mùa Đông lạnh lẽo”, trong em chỉ có Mùa Xuân và Mùa Hạ thôi. Vậy cho em sửa bài thơ lại là :
     “Mùa Hè nồng cháy
      Ở trên má em
      Mùa Xuân  rực rỡ
      Ở trong tim em … 
      Rồi sẽ có một ngày,
      Hỡi em,
      Mùa Xuân ở trên má
      Mùa Hè ở trong tim !...”
   Thi muốn viết thêm vài câu gì đó nữa mà nghĩ mãi không ra ! Viết thư thật là khó !... 
    TP.HCM, 1994-2009
    Đỗ  Ngọc  Thạch
< LùiTiếp theo >
Câu Lạc bộ VIP - Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch

Câu lạc bộ VIP

Thứ năm, 02 Tháng 2 2012 18:45 TRUYỆN - Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch
Câu lạc bộ VIPKhi tôi về nhận công tác ở Sở văn hóa tỉnh X thì bất ngờ gặp lại Tháo, đương chức giám đốc sở Lâm nghiệp.
Tháo vốn học với tôi từ thời phổ thông, nổi tiếng lắm mưu nhiều kế trong những trò nghịch ngợm của bọn học trò mà người đời đã có câu “nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò”. Tháo là tên khai sinh, nên chúng tôi gọi luôn là Tào Tháo. Tháo thích lắm. (Nhưng thực ra, cái tên Tháo do ông bố đặt lại có ý nghĩa khác : Tháo là con trai thứ hai, người anh tên là Tiết. Ông bố muốn hai đứa con thể hiện được tính khí của ông : Tiết tháo). Tháo còn nổi tiếng vì có sức khỏe vô địch, đánh nhau luôn hạ “nốc-ao” đối thủ và thời kỳ sơ tán, một đêm Tháo “rủ rê” được hai, ba cô “gái quê” đi chơi “từ A đến Z”.. . Tháo thân với tôi nhất vì trong tất cả các kỳ thi cuối năm và chuyển cấp, tôi đều làm bài hộ và do đó Tháo đều đỗ đạt điểm cao (do khi thi cử, người ta đều xếp theo vần chữ cái nên tôi và Tháo bao giờ cũng ngồi cạnh nhau). Tôi lại có biệt tài là làm bài nhanh, viết xong bài cho cả hai mà vẫn còn dư thời gian, có thể chi viện cho bất cứ ai nếu cần. Học hết phổ thông, tôi vào đại học rồi nhập ngũ, rồi lại về đi học tiếp, tôi không biết tin tức Tháo. Bây giờ gặp lại gần hai mươi năm trôi qua…

Lúc gặp lại tôi, Tháo bảo : “Mày đi theo đường đèn sách là đúng với số trời, có nghèo khổ cũng không nên kêu ca gì. Giờ gặp tao, tao sẽ giúp, coi như trả mày cái món nợ cho chép bài và làm bài hộ thuở xưa. Còn tao, cái số làm quan cũng sướng, nhưng nếu không có chân tay trợ thủ đắc lực thì kẹt lắm, nhiều lúc chết dở sống dở với cấp trên ! Tao muốn mày làm thư ký riêng cho tao, tao sẽ trả lương đặc biệt, được nhé ?”. Tôi nói : “Nhưng tao không thể bỏ cái sở văn hóa mà sang bên mày được !”. Tháo bảo : “Không sao ! Mày cứ ở với cái sở của mày, khi nào có việc thì tao “phôn” gọi. Nếu mày có đi với tao dăm bữa nửa tháng cũng có sao đâu. Tao còn lạ gì cái sở của mày, toàn ngồi tán phét và đánh bài “tiến lên”, có đúng không ? Thôi, đừng có nghĩ ngợi như ông cụ thế, phải hành động và chỉ suy nghĩ khi gối đầu lên cặp đùi non tơ của các mỹ nhân. Lúc ấy sẽ nghĩ ra được nhiều mẹo hay lắm ! Hãy đi theo tao và mày sẽ thấy tao nói đúng như thế nào !”.

Tháo đưa tôi đến một cái “động” rất đẹp và kín đáo (sau này tôi mới biết là Tháo có rất nhiều “động” riêng như thế, chỉ có khách đặc biệt mới được mời đến). Khi đã “no xôi chán chè” rồi, Tháo mới kêu hai “chiếc gối” mới, tươi trẻ, thơm phức, gối đầu lên cái đùi thon dài trắng nõn của một “cái gối” (Tháo thường gọi con gái đàn bà là cái “gối” và khi ngủ bao giờ cũng có cái gối mới), vừa lim dim vừa nói : “Tao chỉ viết và ký trên bụng mỹ nhân, hiệu quả cao lắm ! Mày hãy học tập tao chuyện đó và sẽ thấy nghiện ngay ! Bây giờ tao ngủ đây, còn mày hãy viết cho tao hai cái đề án về việc thành lập “Hội những người bảo vệ rừng” và “Câu lạc bộ những người quan trọng”. Nếu còn thời gian thì viết tiếp cái “Ủy ban đặc nhiệm nuôi dưỡng và bảo vệ tài năng trẻ”. Ôi giời, nhiều lắm ! Mày tha hồ mà viết vì tao là sáng lập viên của hàng chục cái vụ như thế ! Mày biết không, hội “đàn bà” cũng sẽ mời tao làm giám đốc danh dự cái thẩm mỹ viện “Tây Thi tái thế” vì tao giàu nhất tỉnh và khỏe nhất, ác chiến nhất trong giới nam nhi. Hì…hì…”, vừa tắt tiếng cười, tôi nhìn sang đã thấy Tháo ngủ khò khò.

Cái “Câu lạc bộ” được đặt tên là “vui sống” mà Tháo làm chủ nhiệm chính là “Câu lạc bộ VIP”. Nếu kể chi tiết những “thú ăn chơi” độc chiêu của Tháo ra đây, thì sẽ tới vài ngàn trang giấy, chỉ phù hợp với thể loại “tiểu thuyết thương mại”. Vì thế, tác giả chỉ xin đi theo một “đường dây” ngắn, rất phù hợp với thể loại truyện ngắn nhưng lại rất nguy hiểm vì đó là “đường dây mafia”. Tuy thế, cũng không thể dừng bỏ, vì thanh gươm đã rút ra khỏi vỏ, viên đạn đã lên nòng ! Mặc dù Tháo khét tiếng cả trong và ngoài tỉnh, nhưng Tháo vẫn quý trọng tôi như thuở học trò, tức là không thể thiếu tôi những lúc hệ trọng. Bổng lộc mà Tháo dành cho tôi không thiếu thứ gì, kể cả trò chơi tốn kém là “nhất dạ đế vương” . Tuy thế, trong thâm tâm, tôi vẫn thấy ghét Tháo và các “chiến hữu” của Tháo trong cái “cờ-lớp” này. Không hiểu sao, mỗi lần nhìn Tháo và các “chiến hữu” đang say sưa trong cảnh ăn chơi trụy lạc, tôi chỉ muốn có được cái gậy “Như Ý” của Tôn Ngộ Không để đập tan tành tất cả bọn yêu ma này! Không biết từ bao giờ, tôi thầm nuôi ý định sẽ triệt phá cái “ Băng nhóm Mafia” này! Quả là mạo hiểm nhưng tôi bị hút vào cái cuộc chiến “Một mình chống Mafia” ấy bằng một ma lực kỳ lạ, không thể cưỡng lai! Ngày ngày, đêm đêm, tôi đọc ngốn ngấu các loại sách trinh thám, hình sự với hi vọng nâng cao nghiệp vụ “phá án” và một sự “mách bảo” nào đó trong sách. Tôi tự vạch ra trong đầu hàng chục kế hoạch, nhưng chưa thấy cái nào “khả thi”! Tôi lại lục tìm trong các loại sách Tàu từ Binh pháp Tôn Tử, Hàn Phi Tử cho đến Sử ký Tư Mã Thiên, Đông Chu liệt quốc, Tam quốc diễn nghĩa, Thủy Hử… và cả cuốn Tam thập lục kế (mà tôi luôn mang theo người) để tham khảo mẹo lược. Nhưng rút cuộc, chưa tìm ra được một kế sách nào vẹn toàn! Đến lúc tôi như là bị mụ đầu, quẫn trí vì thấy “lực bất tòng tâm” thì đã xảy ra một việc khiến tôi hành động rất ngớ ngẩn để đến nỗi rơi vào “bàn tay sắt” của Tháo! Sự việc như sau.

Khi làm biên tập cho cái Tạp chí Văn nghệ của Sở Văn hóa, tôi có đem lòng “thầm yêu trộm nhớ” một cô nữ sinh tên gọi Vân Thi. Em có vẻ đẹp cao sang và thánh thiện. Em thường gửi đến Tạp chí của tôi những truyện ngắn viết theo “phong cách Pauxtopxki”, những truyện ngắn của em như những bài thơ bằng văn xuôi. Sở dĩ tôi còn giữ khoảng cách xa với em vì tôi tự thấy mình không xứng với em, “tay tôi nhỏ mà tình em quá lớn”!...

Bẵng đi một thời gian, có đến hai tháng, không thấy em đến gửi truyện nữa, tôi thấy cơ quan như cái nhà hoang, trong tôi như thiếu vắng, trống trơn. Tôi đến trường tìm em thì được biết em đột ngột nghỉ học, không ai biết lý do. Đến nhà em thì chỉ thấy bà chị già lỡ thì đang ngồi âu sầu khổ não. Bà chị cho biết cả ông bà già đều bị bệnh nặng, đi điều trị tận Sài Gòn. Tiền thuốc men không có, Vân Thi phải đi “làm việc” cho ông Tào Tháo! Nghe đến đấy, tôi bàng hoàng cả người! Trời đất ơi! Tại sao lại đến cơ sự ấy? Vân Thi mà “làm việc” trong cái “Tổ quỷ” ấy thì sao chịu nổi? Em mới mười sáu tuổi đầu, nụ hoa đang hé, em sẽ bị thằng cha Tào Tháo này dày vò tan nát mất!...Tôi như người mất hồn, phóng xe đi khắp thị xã mong tìm thấy em để cứu em ra khỏi cái “Tổ quỷ” ấy, nhưng nào có thấy tăm hơi! Chỉ có gió cao nguyên thổi ràn rạt và lá đổ ào ào!...Khi đã gần như kiệt sức, tôi bỗng gặp Tào Tháo. Tháo lôi tuột tôi vào xe của Tháo, nói :

-Mày lại lao tâm khổ tứ với Nàng Thơ hả? Như người mất hồn, như thằng dở người! Đúng là thơ thẩn chỉ làm cho người ta điên khùng mà thôi! Tao đã bảo vứt mẹ nó cái Tạp chí văn nghệ văn nghẽo tào lao của mày đi, mặc cho mấy thằng đàn em nó làm, đi với tao!...Hôm nay, “mat-xa” xong, tao sẽ đãi mày món “Thịt Mỹ nhân” mới toanh!...
Phải nói qua vài dòng về món “Thịt mỹ nhân”, một trong những “đặc sản” quái dị của Tháo tại các cuộc nhậu do Tháo làm chủ xị. Tháo chọn những cô gái trẻ, đẹp và cái chính là phải “thơm thịt” theo đúng nghĩa đen. Thay vì đựng các món thức ăn chế biến cầu kỳ (không thua gì các món ăn của Từ Hy Thái Hậu đời nhà Thanh bên Tàu) bằng tô, đĩa chén, Tháo dùng toàn bộ tấm thân ngọc ngà của các cô gái làm cái đựng thức ăn! Đồ ăn được bày trên ngực, bụng và cả “chỗ kín”, sau đó bọn Tháo ngồi vây quanh ăn nhậu rào rào!...

Khi Tháo dẫn tôi vào căn phòng có món “Thịt Mỹ nhân” thì tôi như chết lặng vì người con gái đang nằm trần truồng, thức ăn bày la liệt trên người chính là Vân Thi! Em nằm “chịu trận”, mắt nhắm nghiền, môi cắn chặt. Khi thấy toán người bước vào, em khẽ hé mắt nhìn và không biết em có nhận ra tôi không mà sao em bỗng khóc nấc lên! Không nói nhiều, bọn Tháo ào vào, mở lon bia tanh tách, ăn uống rào rào!... Khi Tháo sục mồm vào “chỗ kín” của cô gái để húp nước sốt từ trên bụng tràn xuống, tôi thấy xây xẩm mặt mũi, và nôn thốc nôn tháo! Tháo thấy vậy thì thoáng cau mày rồi ra lệnh: "Chúng mày đưa nhà văn của tao sang phòng mát-xa, gọi hai em chăm sóc đặc biệt!...Chưa ăn uống gì mà đã say, lạ thật!”…

Phải mười phút sau đó, tôi mới hoàn toàn tỉnh táo. Nhìn hai em mát-xa đang nằm hút thuốc mơ màng hai bên, tôi thoáng nghĩ ra một kế hoạch hành động: phải đi báo ngay cho công an đến bắt sống toàn bộ nhóm đầu nậu của cái “cờ-lớp” VIP này! Tôi liền nói với hai cô gái mát-xa:"Hai em gái chờ anh chút xíu nghe. Anh đi cầu xong là vào “chiến đấu” với cả hai em đó!”. Nói xong, tôi rút êm khỏi “động” và chạy bộ một mạch đến đồn công an gần nhất. Khi đến đồn, nghe yêu cầu của tôi, người sĩ quan trực tỏ vẻ bối rối và nói:

- Địa điểm ấy tôi có nghe nói là cơ sở của Ba Tháo, khét tiếng ! Mà tôi, cũng biết anh là bạn của ông ta, làm thế sao được ? Anh để cho tôi yên, tôi còn năm đứa con nhỏ !...

Tôi lại chạy một mạch đến phòng chống tệ nạn xã hội. Cậu Nha, phó phòng đang ngồi trực với mấy chai bia ! Sau khi nghe tôi yêu cầu, Nha tròn xoe mắt nói :

- Này, ông anh bị ma nhập hay sao ấy ? Sếp của tôi đang có mặt tại cuộc nhậu ấy đấy ! Mà hình như ông anh là chiến hữu của ngài “Tào Tháo” phải không ? Vì cớ gì mà ông anh lại phản thùng như vậy ? Hai người giận nhau à ? Thôi, uống li bia cho tỉnh táo lại đi ! Tôi sẽ coi như không có cuộc nói chuyện vừa rồi !

- Không có chiến hữu gì cả ! – Tôi nói như gào – Đó là bọn yêu ma, chúng đang ăn thịt người ! Phải đến bắt chúng ngay !...
Tôi còn định gào lên nữa thì có một người từ phòng trong bước ra, nhìn tôi lừ lừ. Tôi nhớ mang máng như là đã gặp người này ở “cờ lớp” vui sống. Người này gọi điện thoại đi đâu đó, nói bằng tiếng lóng, rồi đặt máy xuống, nói với cậu Nha : “Sếp bảo cho cậu văn sĩ này đi nghỉ ở “trại sáng tác” trên sông Đăk Bla !”. Vừa dứt lời, Nha đã như bay tới bên tôi, tung chân đá vào cổ tôi. Tôi né người tránh cú đá, xuống tấn, thoi vào cái mạng sườn đang hở ra của Nha, nhưng chỉ kịp nghĩ như vậy thì đã bị đánh trúng đỉnh đầu, tôi té xỉu đi không biết trời đất gì nữa !...

Khi tôi tỉnh lại thì thấy mình bị nhốt trong một cái bao đựng gạo, và như là đang trôi bập bềnh trên dòng nước ! Tôi vụt nghĩ “Trời ơi, mình bị trôi sông rồi ! “Đá”, bị ném xuống nước thì chỉ có chết” ! Tuy vậy, tôi vẫn bình tĩnh suy nghĩ tìm cách thoát khỏi cái chết trông thấy này. Đúng lúc tôi đang vận công lực, căng người tính đạp thủng cái bao để chui ra thì tôi có cảm giác như bị nhấc bổng lên khỏi dòng nước và ngay sau đó được đặt lên cái sàn gỗ. Như là có người đang mở nút dây buộc ở miệng bao gạo và vang lên tiếng nói : “Hình như là nó còn sống !”. Tiếng khác tiếp theo : “Còn sống đấy ! Em nghe thấy cả hơi thở mạnh từ trong bao !” . Khi miệng bao được mở ra, cả hai người cùng reo lên rồi một người ôm chầm lấy tôi ! Đó chính là Ksor Thủy, vốn là đội viên của đội văn hóa thông tin – tuyên truyền cũng thuộc sở của tôi. Ksor Thủy là người Gia Rai, có tài đàn hát, không hiểu sao lại bỏ sở về làm nghề đánh cá trên sông này . Ksor Thủy nói : “Em mới cưới vợ được một tháng. Vợ em đây, bơi lội rất giỏi, câu cá rất tài ! Vợ chồng em sống cũng tạm đủ ! Còn anh, sao lại đến nỗi này ? Đêm nay không hiểu sao vợ em lại nổi hứng đi câu, nếu không thì làm sao mà cứu được anh ?”. Tôi nói : “Cám ơn vợ chồng em ! Chuyện của anh dài lắm, lúc khác anh sẽ kể. Nhưng trước mắt cho anh ở lại trên thuyền được không ? Anh không thể về sở được nữa !”. Vợ chồng Thủy tranh nhau nói sẵn sàng nuôi tôi, sẽ sắm cho tôi một cái thuyền câu và cưới cho tôi một cô vợ ! Nghe đến đó, tôi vụt nhớ đến Vân Thi đương phải làm món “thịt mỹ nhân” của bọn thú đội lốt người. Tôi run lên, muốn bay đến cứu Vân Thi. Nhưng nghĩ đến vụ chết hụt vừa rồi, tôi đành nuốt hận và ngồi kể lại đầu đuôi câu chuyện cho vợ chồng Ksor nghe. Nghe xong, cả hai vợ chồng đều xúc động lắm, hứa quyết cứu bằng được Vân Thi cho tôi.

Ngày ngày, tôi ngồi trên thuyền câu cá. Câu mãi chẳng được con nào lại nằm đọc sách. Đọc được vài trang lại chán, ngồi dậy viết nhưng nghĩ mãi chẳng ra chữ nào! Tôi cứ sống như thế được một tháng rồi, vậy mà không sao quên đi được cái hình ảnh của Vân Thi hôm ấy. Giờ đây, em đang ở đâu? Bọn chúng đang “ăn thịt” em hay em đang khóc một mình? Tôi đang nghĩ vẩn vơ như vậy thì Ksor Thủy ào tới nói nhanh: "Em đã bám sát thằng cha Tháo gần một tháng nay mới tìm ra cơ hội. Ngày mai, Tháo cùng một thằng nữa trong Câu lạc bộ VIP sẽ tiếp khách trên du thuyền trên sông này. Khách là một chủ thầu gỗ cỡ bự ở Sài Gòn và một nhà buôn Việt kiều đại diện cho một công ty lớn ở Hồng Kông. Tháo muốn có hai tiếp viên người dân tộc chính gốc. Vợ em đã chọn dược hai người của mình, bơi lội rất giỏi, sẽ làm nội ứng. Tháo sẽ đem theo hai mỹ nhân người Kinh, chắc chắn là có cô Vân Thi của anh. Em đã nhận được việc lái thuyền.Vợ em sẽ làm nhiệm vụ đục thủng đáy thuyền và cứu Vân Thi. Em sẽ cùng hai cô gái nội ứng bắt giao cả bốn thằng cho Long Vương!... Chúng tôi bàn với nhau rất kỹ từng chi tiết trận “thủy chiến” ngày mai. Ksor Thủy rất tự tin và tôi cũng dự cảm thấy thắng lợi. Quá phấn chấn, tôi đọc vang câu thơ “Đoạt sáo Chương Dương độ/ Cầm hồ Hàm Tử quan…” rồi tung người nhảy ùm xuống sông bơi đi bơi lại suốt một giờ liền, phải ôn luyện môn bơi lặn để ngày mai tiếp ứng cho vợ chồng Ksor Thủy !...

*

Trận “thủy chiến”diễn ra ngoạn mục không ngờ, còn thú vị hơn cả trận Xích Bích trong Tam quốc chí bên Tàu, nhưng không thể kể lại đây vì nó thuộc diện “tài liệu tối mật”. Sau đó, vợ chồng Ksor Thủy chuyển sang sinh sống trên sông Pôcô. Còn tôi thì đưa Vân Thi về Sài Gòn chăm sóc bố mẹ còn đang nằm điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Nhờ số “chiến lợi phẩm” của trận “thủy chiến”, có tiền mua thuốc men, bệnh tình của bố mẹ Vân Thi đỡ dần và có chiều hướng tốt.

Tự thấy tính chất lôi thôi của sự việc, tôi đành lẳng lặng chia tay Vân Thi, bước tiếp trên con đường lưu lạc. Sau đó ít lâu, tôi đọc thấy trên một tờ báo tường thuật lại về một vụ tấn công táo bạo của bọn Fun-rô trên sông ĐăcBla làm thiệt mạng bốn nhân vật của Câu lạc bộ VIP. Tình tiết được kể lại hoàn toàn hư cấu, chỉ có tên hai cô gái người Kinh là đúng, trong đó có Vân Thi; nhưng lại nói Vân Thi và cô gái kia bị Fun-rô bắt mang lên núi tận biên giới Việt-Lào!?
TP.HCM,1993-2005
Đỗ Ngọc Thạch

< LùiTiếp theo >
Cái hút nước - Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch

Cái hút nước

Thứ năm, 02 Tháng 2 2012 18:43 TRUYỆN - Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch
Cái hút nướcKhông hiểu sao buổi chiều hôm ấy tôi lại quá buồn, bèn thơ thẩn đi ra bờ sông . Gió nhẹ thổi mà sao tôi thấy lành lạnh, một cảm giác hồi hộp lo âu cứ lớn lên trong tâm trí …
Tôi đi lững thững quanh những bụi cây lúp xúp ven sông . Thỉnh thoảng một con chim cút lại vút lao ra, khiến tôi giật thót, và lúc này thì tôi giật mình kinh ngạc thật sự : Bên cạnh một bụi cây cách tôi khoảng 50 mét là một đôi nam nữ đang nằm ân ái với nhau. Họ trần truồng như nhộng, quấn quít lấy nhau một cách cuồng nhiệt…Chỉ thoáng nhìn, tôi đã nhận ra người phụ nữ là chị M, vợ anh H., ở ngay cạnh nhà tôi, anh là bạn cờ tướng của tôi từ lâu. Còn người đàn ông thì tôi không biết là ai ? Tôi quay lại lối cũ và nghĩ : lúc tôi đi ra khỏi khu chung cư, tôi thấy chị M chở thằng con trai bốn tuổi trên chiếc hon đa nữ, nói là đưa con đi chơi công viên, sao giờ này chị ta lại ở đây với tình nhân ? Còn thằng bé con đâu ? Cái cảm giác hồi hộp lo âu ban nãy lớn lên đột ngột, tôi nhớn nhác chạy cuống cuồng, tôi chợt nghĩ rằng : có thể thằng bé con chị M đang chơi ở đâu bên bờ sông ?
Tôi đứng sững lại bên một cái hút nước và trước mặt tôi là một người lạ mặt, nhìn dáng có vẻ dân thuyền chài. Ông ta ngồi im như pho tượng, nhìn chăm chăm vào cái hút nước, trên tay cầm một cái ôtô điện tử bé xíu. Thấy tôi, ông ta hỏi :
- Anh đi tìm một đứa bé phải không ?
Tôi ngạc nhiên đáp :
- Đúng thế ! Tại sao ông lại biết tôi đi tìm một đứa bé ?
- Tôi biết, vậy thôi !
- Thế đứa bé đâu ?
- Nó được Long vương gọi xuống Thủy cung gả công chúa cho rồi.
- Ông nói chuyện gì thế ? Tôi không muốn nghe chuyện cổ tích ! Tôi hỏi đứa bé đâu rồi ?
- Tại sao anh lại ăn nói thô lỗ với tôi như thế ? Tôi là bạn của Long vương đấy ! Tất cả những người thợ câu, thợ đánh bắt cá trên sông này đều là bạn của Long Vương cả !
- Thôi, cho tôi xin…Tôi muốn ông nói thẳng ra : đứa bé đâu rồi ?
- Nó ở dưới hút nước này…Đó là lối vào Thủy cung của Long Vương !
- Sao ông không lặn xuống cứu nó ? Ông cứ lảm nhảm nói Long vương với Thủy cung là cớ làm sao ?
- Thôi, anh đi về đi, đến tối, tôi sẽ câu xác nó lên rồi mai táng ở khu mộ những người thợ câu !
- Tôi phải lặn xuống cứu đứa bé !...
Nói rồi tôi chạy ào xuống hút nước, tính nhảy đại xuống . Nhưng vừa tới mép nước, tôi đã bị người thợ câu giữ lại chặt cứng trong bàn tay như hai gọng kìm. Người thợ câu lôi tôi lên một mô đất, ấn tôi ngồi xuống và chậm rãi nói :
- Tôi biết anh không phải là bố đứa trẻ, có đúng không ?
- Đúng !...Nhưng…
- Không nhưng gì hết ! Tôi nói cho anh biết, ai đã rơi xuống cái hút nước này thì không bao giờ nổi lên được mà chỉ có một mình tôi là có thể câu lên được thôi !
- Vì sao lại như thế ?
- Anh không hiểu gì về sông nước thì nói với anh cũng bằng thừa ! Lúc nào rảnh rỗi, anh hãy đến nhà tôi, tôi sẽ nói cho anh nghe, cả đời người cũng không hết !
- Thế nhà ông ở đâu ?
- Đấy, con sông này !...
- Nếu thế tức là đứa bé đang ở trong nhà ông ? Ông hãy cho tôi xin lại đứa bé tội nghiệp ấy !
- Tôi đã nói chưa được là chưa được ! Phải đến giờ Thìn, Long vương mới chịu trả lại đứa bé ! À, anh có biết bố mẹ đứa bé ở đâu không ?
- Có ! Vợ chồng anh ta ở ngay cạnh nhà tôi, trong một khu chung cư !
- Tôi đề nghị anh không cần phải nói cho bố mẹ đứa bé biết chuyện này. Tôi sẽ mai táng nó ở khu nghĩa địa của làng chài. Làm bố mẹ không biết con mình ra sao thì…
Có tiếng hú gọi bên kia sông. Người thợ câu hú đáp lại và nói :
- Thôi, anh đi về đi ! Ngày mai tôi sẽ làm lễ mai táng đứa bé. Anh cứ qua bên kia sông hỏi ông Chi Câu, ai cũng biết !
Người thợ câu nói rồi nhảy vút lên con thuyền nhỏ, thoáng cái đã thấy con thuyền lao ra dòng sông như một mũi tên rồi mất hút trong sóng nước mông mênh !...Một làn gió lạnh ào đến khiến tôi run lên…Sau vài phút định thần, tôi vẫn như người mộng du, không biết đã có chuyện gì vừa xảy ra với mình…
Trời đã chạng vạng tối, tôi chạy vội vàng như bị ma đuổi. Chạy mãi, chạy mãi, tôi bỗng vấp phải một vật gì đó mềm mềm, nhũn nhũn ? Nhìn kỹ thì ra là hai người đang nằm ôm nhau ngủ như chết, một đàn ông, một đàn bà. Không biết họ nằm đây từ bao giờ ? Vì sao họ lại ngủ say như thế ?
Tôi bị sốt li bì suốt một tuần liền. Đó là hậu quả của những cơn sốt rét rừng từ thời chiến tranh để lại, thỉnh thoảng nó lại hành hạ tôi như thế mỗi khi cơ thể tôi suy nhược vì một lý do nào đó. Lần này thì vì lý do gì vậy ? Phải đến ngày thứ tám, tôi mới hoàn toàn tỉnh táo và nhớ lại một cách rành rẽ những gì đã xảy ra cách đây tám ngày. Tôi hỏi mẹ tôi :
- Mẹ ơi, chị M hàng xóm của chúng ta có nhà không ?
- Con hỏi làm gì ?
- Con muốn gặp chị ta nói một chuyện này !
- Thôi con ơi, chị ta là người phức tạp lắm. Vừa rồi vợ chồng cãi nhau tan cửa nát nhà. Chị ta bỏ đi với tình nhân rồi, hình như đi ra nước ngoài thì phải !
- Đi ra nước ngoài ? Thế còn anh chồng ? Còn thằng con trai bốn tuổi đâu ?
- Anh chồng bây giờ như người bị bệnh tâm thần. Mới có mấy ngày gia đình tan vỡ mà người gầy xọp đi, tóc bạc trắng như ông lão bảy mươi. Suốt ngày cứ đi lang thang ngoài đường như đi tìm ai ?
- Đi tìm thằng con trai đấy ? Thế thằng bé đâu ?
- Nghe chị M nói đem gửi thằng bé về quê sống với ông bà ngoại rồi. Không biết có đúng không ? Mẹ có linh cảm như có điều gì bí ẩn đằng sau câu chuyện này ?
- Linh cảm gì nữa ! Thằng bé bị chết đuối rồi, sao lại nói là đem về quê với ông bà ngoại ?
- Chết đuối ở đâu ? Có thật không ? Tại sao con lại biết ?
- À, không phải chết đuối đâu, Long vương gọi xuống Thủy cung gả công chúa cho nó đấy !
- Mày lại lảm nhảm rồi, lại lên cơn sốt rồi đây này. Nằm xuống đi mẹ lấy khăn chườm cho !
Tôi mơ màng đi vào giấc ngủ từ lúc nào không hay. Bên tai tôi văng vẳng lời ru thật buồn của mẹ :
“ Con ơi tha lỗi mẹ cha
Có sinh không dưỡng thì thà đừng sinh…”
Rồi tôi được hai vị sứ giả trông như hai con cá dắt xuống cái hút nước, thoáng một cái đã thấy một tòa cung điện nguy nga lộng lẫy. Từ xa, tôi đã nhìn thấy một đứa bé đang ngồi cạnh vua Thủy Tề. Tôi chạy ào tới, vừa nhìn thấy tôi, nó òa khóc và nhào tới ôm chặt lấy tôi !...

*

Câu chuyện tôi vừa kể trên cách nay đã vừa một giáp, tức mười hai năm. Tôi tưởng như đã quên khuấy đi bởi tối ngày tất bật làm đủ mọi công việc vì miếng cơm manh áo. Nhưng hôm ấy, cái buổi chiều ảm đạm kia bỗng hiện về đột ngột, rõ ràng từng chi tiết khi tôi bất ngờ gặp lại chị M hàng xóm năm xưa trong một đoàn cứu trợ nhân đạo nước ngoài đi làm từ thiện ở một trung tâm bảo trợ xã hội. Mặc dù đứng tuổi và ăn mặc khác hẳn xưa, nhưng tôi vẫn nhận ra đúng rõ mồn một cái bà Pi-tơ phu nhân kia chính là chị M hàng xóm ngày nào. Bà ta đang say sưa trả lời hai nhà báo đang phỏng vấn những câu hỏi rất ấm ớ, chẳng ăn nhập gì với nội dung của buổi làm việc từ thiện này cả. Hình như hai nhà báo kia rất sùng bái những bà chủ Việt kiều nên cứ thay nhau ghi âm chụp ảnh quanh bà Pi-tơ phu nhân, khiến tôi không thể xen vào một câu nào. Tôi nhìn bà ta một hồi như thôi miên rồi viết vào một tờ giấy mấy chữ sau : “Tôi muốn hỏi bà hai câu thôi : 1 – Bà có phải là M, vợ ông H, mẹ thằng cu H. M không ? 2 – Nếu phải thì tại sao bà không ra cái hút nước bên bờ sông ấy mà tìm con ?”.
    Khi hai nhà báo ham phỏng vấn và chụp ảnh kia đang loay hoay sửa máy ghi âm và máy ảnh (bị hỏng hóc đột xuất), tôi liền đưa cho bà Pi-tơ phu nhân mảnh giấy. Bà ta đọc xong thì mặt biến sắc, hốt hoảng nhìn tôi. Nhưng chỉ sau một phút, bà Pi-tơ phu nhân bỗng la toáng lên :
- Hãy bắt ngay cái thằng lưu manh này ! Nó vừa bóp vú tôi !
Tức thì, tôi tối tăm mặt mũi và không biết gì nữa. Khi tỉnh lại, tôi thấy mình ở trong trại giam, xung quanh là những khuôn mặt gớm ghiếc xa lạ. Thì ra đó toàn là những tay anh chị đầu gấu. Thấy tôi tỉnh lại, một thằng dựng cổ tôi lên hỏi :
- Anh già này tại sao lại bị tống vào đây ?
- Đại náo Thủy cung ! - Tôi buột miệng nói.
- Á…thì ra cũng là một anh hùng hảo hớn ! Xin tôn làm đại ca ! Đại ca hãy kể cho bọn đàn em này nghe câu chuyện đại náo Thủy cung đi ?
- Hãy đưa cho ta một lít rượu ! -Tôi lại buột miệng nói.
Cả bọn thoáng nhốn nháo rồi nhoáng một cái đã thấy một chai rượu đặt trước mặt tôi và tất cả bọn đã ngồi im lặng xung quanh tôi như một đám lâu la ngồi xung quanh chủ tướng lục lâm thảo khấu ngày xưa ! Tôi làm một hơi hết gần nửa chai rượu. Đầu óc như là có lửa đốt. Tôi nhắm mắt lại và chợt nhìn thấy cái hút nước mười hai năm trước bên sông vắng . Và ông thợ câu đột ngột hiện ra, từ dưới nước bước lên. Ông thợ câu đang bế một đứa bé người đẫm nước !...Và tôi đã kể câu chuyện về cuộc đời của Pi-tơ phu nhân cho lũ chúng nghe, có thằng trợn mắt nghiến răng kèn kẹt…
TP.HCM, 1993-2009

Đỗ Ngọc Thạch

< LùiTiếp theo >
nguồn: vannghechunhat.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét