Chủ Nhật, 3 tháng 1, 2016


Ô Chợ Dừa
Đỗ Ngọc Thạch
Phải đến năm 1980 tôi mới chính thức trở thành cư dân của Ô Chợ Dừa, tức là lúc tôi từ Viện Văn học ở phố Lê Thái Tổ (gần Hồ Hoàn Kiếm – tức Trung tâm Thủ đô) chuyển về cơ quan Tạp chí Nghiên cứu Nghệ thuật, nằm bên đường Đê La Thành thuộc địa phận phường Ô Chợ Dừa. Nói đến các cửa ô ở Hà Nội là nói đến vùng ngoại vi của Thành Thăng Long xưa, chứ bây giờ tất cả các cửa ô của Hà Nội đều đã trở thành Trung tâm sầm uất, đô hội của Thủ đô chứ không còn một chút gì gợi nhớ vùng ngoại vi, vùng ven đô nữa! Tuy nhiên, sự chuyển chỗ làm (và cũng có nghĩa là chỗ ở vì tôi làm ở đâu là ở luôn đó, nằm lên bàn làm việc luôn), của tôi từ khu Trung tâm Bờ Hồ ra vùng cửa Ô Chợ Dừa vẫn bị gia đình, bạn bè cho là dại dột, giống như bỏ chỗ sáng ra chỗ tối! Song, tôi lại nghĩ đó là duyên phận, tức số phận tôi đã gắn bó với Ô Chợ Dừa lầm bụi từ kiếp trước!

Thực ra từ năm 1970, lúc tôi ra quân, trở về tiếp tục học lại tại Khoa Toán Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, thì gia đình tôi đã chuyển từ Hải Phòng về Hà Nội được hai năm và ở trong khu tập thể Bộ Y tế trên đường Giảng Võ. Thời gian đầu, tôi ở ngoại trú, hàng ngày đạp xe từ Giảng Võ tới Khoa Toán ở Khu Thượng Đình (đối diện khu Nhà máy Cao – Xà – Lá) cho nên ít nhất là mỗi ngày tôi đã đi qua Ngã năm Ô Chợ Dừa hai lần! Con đường từ Giảng Võ – đê La Thành – Ngã năm Ô Chợ Dừa – Hàng Bột – Ngã Tư Sở - Bến xe điện Cao-Xà-Lá – Khu Thượng Đình đã trở thành quen thuộc đối với tôi, như mạch máu trong cơ thể. Thêm nữa, tôi có người bạn học cùng lớp Khoa Toán lúc ấy, tên là Vũ, có nhà ở ngay chỗ chuyển tiếp từ đường Đê La Thành qua Hàng Bột nên tôi thường vào đây chơi và vì thế, có thể nói cửa ô Ô Chợ Dừa đã rất thân thuộc đối với tôi từ năm 1970. Ở ngay cạnh nhà bạn Vũ, có Bưu Điện Ô Chợ Dừa, là nơi tôi thường xuyên tới mua báo, gửi thư và nhận Bưu kiện, thư bảo đảm…Chợ của Ô Chợ Dừa khá đặc biệt: toàn bộ khu chợ thấp hơn mặt đường đê La Thành khoảng năm mét, cho nên muốn xuống chợ phải tụt dốc khá nguy hiểm, ai đi không quen có thể sẽ té ngã vài lần! Có lẽ vì khu chợ khá đặc biệt như vậy cho nên tên của chợ được lấy làm tên cửa ô?

*
Nếu lần giở các tài liệu thư tịch cũ, ta sẽ thấy Ô Chợ Dừa thường được nhắc tới trong “Top 5 cửa ô” còn sót lại của 16 cửa ô (có nơi nói 21?) của thành Thăng Long xưa: Ô Quan Chưởng, Ô Cầu Giấy, Ô Chợ Dừa, Ô Đông Mác, Ô Cầu Dền. Và trong 5 cửa ô còn sót lại trong ký ức của người dân Hà Nội thì chỉ có Ô Quan Chưởng là còn gần như nguyên vẹn kiến trúc cửa ô ban đầu, trong khi bốn cửa ô kia chỉ còn cái tên mà thôi! Song, việc chỉ còn lại cái tên mới gợi nhiều suy nghĩ, nhất là đối với những người có nhiều trí tưởng tượng. Chẳng hạn như có một nhà thơ người Hà Nội, tên là Thi Hào Nam, có một dạo, cứ vào khoảng nửa đêm giờ Tý lại đến nhà tôi (lúc đó tôi đang ở trong cơ quan Tạp chí Nghiên cứu Nghệ thuật), rủ tôi ra ngã Năm Ô Chợ Dừa uống rượu rồi cứ đi tìm vị trí đích thực của cửa ô ngày xưa ở đâu? Mỗi lần đứng ở một vị trí mà ông cho rằng đó chính là vị trí của cửa ô ngày xưa, ông lại đọc câu thơ như là bùa chú: “Nếu đây là nơi cửa ô ngàn xưa / Thì ta xin hóa thành con ngựa đá / Nếu đây là nơi em đứng mộng mơ / Thì ta xin hóa thành xanh thảm cỏ!”. Tôi thường nói: “Những cái gì nó đã qua đi, không thích ở lại, thì cho nó qua! Chẳng nên gượng ép làm gì uổng công!”. Nhà thơ như là nổi giận, nói: “Không được! Nó trôi qua không có nghĩa là nó không thích ở lại! Nhiệm vụ của những thế hệ sau là phục dựng lại những cái đã trôi qua và muốn biến mất của quá khứ!”. Lúc đó, tôi cho rằng nhà thơ này gàn dở nên chẳng bao giờ tranh luận dài dòng. Mặc cho ông ta đi xác định vị trí đích thực của cửa ô ngày xưa, tôi ngồi uống hết chai rượu! Và thật kỳ lạ, lần nào cũng vậy, cứ gần hết ly rượu cuối cùng là tôi lại mơ màng ngủ gà ngủ gật và thấy ngay chỗ tôi ngồi hiện lên một cái cửa ô rất cao lớn, uy nghi đường bệ và thấy rất đông văn nhân sĩ tử nối nhau đi qua cửa ô, đi thẳng đến Văn Miếu – Quốc Tử Giám!

Nhà thơ người Hà Nội có tên là chính Làng quê mình mà tôi vừa nói tới ở ngay trong Làng Hào Nam, tức từ trên đê La Thành, đổ dốc qua khu vực cơ quan Tạp chí của tôi (cùng một vị trí này là bốn viện nghiên cứu thuộc Bộ Văn hóa : Viện Văn hóa, Viện Mỹ Thuật, Viện Sân khấu, Viện Âm nhạc) là địa phận làng Hào Nam. Nhà thơ của tôi có thể là một “Nhà Hà Nội học” ngang ngửa với không ít những “Nhà Hà Nội học” nhưng có vẻ như là một “Nhà Hào Nam học” số một. Ông có thể nói vanh vách về Làng Hào Nam của mình từ thuở sơ khai đến nay và có thể nói trúng không sai một chữ rằng đã có những tài liệu nào, cuốn sách nào nói về làng Hào Nam của ông. Khi có ai muốn hỏi ông điều gì đó về Làng Hào Nam thì trước tiên là nghe ông nói chậm rãi, thong thả như cha cố giảng đạo, như sư thầy đọc kinh những nội dung sau:

Đình và đền ở Làng Hào Nam (Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội) là một trong những cụm di tích lịch sử văn hóa rất độc đáo và có nhiều giá trị văn hóa hiếm có hiện còn trên địa bàn Hà Nội.

Đình là một trong 13 nơi thờ Thánh Linh lang Đại vương, còn đền là nơi thờ Vạn ngọc Thuỷ tinh công chúa. Đã thành thông lệ, từ ngày mùng 10 đến 13 tháng Hai Âm lịch hàng năm, người dân nơi đây lại tổ chức lễ hội nhằm tưởng nhớ công lao của các đấng linh thiêng.

Theo sử sách đã ghi, Linh Lang Đại vương sinh năm 1030, là con của vua Lý Thái Tông, năm 1077 ông hy sinh khi cùng Lý Thường Kiệt sau khi đánh tan quân Tống trên sông Như Nguyệt. Trước khi mất, ông nói với vua cha: “Ta là con thần Rồng nước lên giúp vua đánh giặc giữ nước, xong công việc rồi phải trở về cùng Rồng nước”. Sau đó, ông được phong là Linh Lang Đại vương thượng đẳng tối linh thần.Vua Lý Thái Tông sai lập đền, miếu thờ ông ở các nơi như: Trại Thủ Lệ ngay chỗ cung bà mẹ ở; Làng Bồng Lai quê hương bà mẹ và các làng Đại Quan, Hào Nam là những nơi ông đã trú quân. Đền Hào Nam thờ bà Thủy Tinh công chúa, tức công chúa phù Thái úy Lý Thường Kiệt đánh giặc Tống trên sông Như Nguyệt.

Đình – đền Hào Nam là một trong những cụm di tích cổ ở Hà Nội thuộc diện “Tối Linh Từ”. Bao năm nay người dân nơi đây ý thức rất rõ về công lao của các anh hùng có công với đất nước nên không ngừng giữ gìn, tôn tạo, tu bổ công trình. Theo lưu truyền trong dân gian, năm nào cũng vậy, mỗi khi Hào Nam tổ chức lễ hội, rước kiệu lên Thủ Lệ (nơi chính thờ Linh Lang) thì đều có hiện tượng “kiệu bay”, người dân thường nhắc nhau câu thơ: “Dân Hào Nam niềm vui khôn xiết / Khách thập phương dâng lễ rất đông / Dân ta con cháu Lạc Hồng / Hào Nam - Thủ Lệ lạ lùng kiệu bay”.

Đình - đền Hào Nam có kiến trúc độc đáo với kiểu dáng và họa tiết cũng như bài trí theo cách truyền thống xưa. Đình được thiết kế theo hình chữ Đinh, đền thì hình chữ Tam. Toàn bộ đều được chạm bọng, chạm lộng, tinh tế. Hai đầu của đình có rồng vờn mây. Nhất là trên hai cột đồng trụ nghi môn có thượng cầm hạ thú, dưới cột thay hình Long, Lân, Quy, Phượng của ngôi đình khác, ở đây chỉ có duy nhất chữ “Linh”. Điều này phần nào đã nói rõ tất cả sự linh thiêng cũng như khác biệt của đình HàoNam. Ngoài ra, ở hai bên đầu hồi đình, cạnh cột đồng trụ có gắn bức phù điêu cá chép hóa rồng. Bởi Hào Nam là vùng trũng, nhiều tôm cá, đây cũng là một nét văn hóa vật thể làm nên cái riêng, cái đặc sắc của HàoNam. Nằm ngay bên cạnh là năm gian tiền bái và hai bên tả vu, hữu vu của ngôi đền, bên trong mọi họa tiết vẫn được giữ nguyên như thuở ban đầu. Đặc biệt là hình của hai ông Nghê, toát ra vẻ mặt thiêng liêng và đầy nghiêm khắc của người kiểm soát linh hồn kẻ hành hương. Nơi đây vẫn giữ được một không gian văn hóa cổ kính và linh thiêng với hàng chục cây cổ thụ trăm năm tuổi, những văn chỉ thờ đức Khổng Tử cũng như nơi thờ thầy đồ Vũ Thạch đã có công mở trường dạy học cho người Hào Nam…

Tự hào về truyền thống lâu đời của mình, cứ vào ngày 10 tháng 2 âm lịch hàng năm, chính quyền và nhân dân Hào Nam làm lễ rước kiệu Đức thánh Linh Lang Đại vương về miếu thờ mẹ ông ở Thủ Lệ và đến ngày 13 tháng 2 âm lịch lại võng lọng rước về đình - đền Hào Nam, tưởng nhớ truyền thống anh hùng dựng nước và giữ nước của cha ông ta và lịch sử hiển hách, ngàn năm văn hiến”.

*
Nếu tính từ năm 1970, tức là thời gian tôi mới “làm quen” với Ô Chợ Dừa, đến năm 1980, là năm tôi đã trở thành cư dân chính thức của Ô Chợ Dừa, nhập hộ khẩu vào Ô Chợ Dừa, thì là cả một thời gian dài 10 năm. Vậy mà lạ lùng thay, ngày đầu tiên “dọn nhà” về Ô Chợ Dừa, tôi vẫn có cảm giác như đến một vùng đất hoàn toàn mới. Bằng chứng là buổi tối đầu tiên về ở Ô Chợ Dừa, tôi thả bộ đi ra ngã Năm Ô Chợ Dừa, tính ngồi uống vài ly để ngắm nhìn cho thỏa cái nơi sẽ là chỗ mình đi lại hàng ngày, thì có hai thanh niên đang ngồi trước cửa một căn nhà, hướng mặt ra đường, thấy tôi đi gần tới thì đẩy cả hai đôi dép ra trước mặt, trên lề đường (hè đường), chỗ mà tôi sẽ đi qua! Tôi đã quá rành với những trò “khiêu khích”, “gây sự” kiểu này (chỉ cần tôi đi tới, dẫm lên đôi dép đó là chúng sẽ hành hung, hoặc nếu bị vấp ngã thì sẽ thành trò cười cho chúng…), cho nên tôi thực hiện sách lược “tránh voi chẳng xấu mặt nào”, thay vì đi qua chỗ hai thanh niên muốn gây sự, tôi quay lại ba bước, ngồi xuống trước một gánh cháo gà. Khu vực hè đường này từ chập tối cho đến nửa đêm là chỗ bán hàng rong (với nhiều chủng loại như cháo gà, cháo vịt, phở, hột vịt lộn, bánh mỳ, bắp ngô nướng…) khá đông vui và tôi đã tới đây nhiều lần vào nhiều dịp trong suốt 10 năm qua, hàng cháo gà mà tôi vừa ngồi xuống cũng là chỗ quen, do hai mẹ con bán, người mẹ khoảng năm mươi, người con gái khoảng gần hai mươi tuổi. Khi cô gái đưa tôi chén rượu và tôi chưa kịp uống thì hai thanh niên kia bất ngờ ào tới ngồi sát tôi rồi kêu rượu như hảo hán Lương Sơn Bạc! Hai mẹ con người bán hàng nhìn nhau như ngầm trao đổi cách xử lý thì một thanh niên thò tay vào gánh hàng, cầm lấy hai chân con gà luộc định lấy ra thì người con gái nhanh như trong phim võ thuật, dùng đôi đũa điểm huyệt vào cánh tay người thanh niên đang định lấy con gà luộc ra khiến người này tê dại cả cánh tay và van xin rối rít: “Xin tha mạng! Xin tha mạng!”. Người thanh niên còn lại nhanh chóng nhận ra tình thế thì cũng nói líu ríu “Xin lỗi! Xin lỗi!” rồi đứng lên kéo người thanh niên bị điểm huyệt đi về căn nhà ban nãy!

Khi đã uống cạn chén rượu, tôi mới hỏi cô gái vừa điểm huyệt thằng thanh niên kia: “Lâu mới gặp lại cô hàng cháo, dạo này có gì mới không?”. Cô gái, tên Hà Thi, mỉm cười rồi nói nhỏ: “Đợi anh hỏi thăm thì em đã sắp đi lấy chồng rồi! Em sắp tốt nghiệp hệ Trung cấp đàn dân tộc của Nhạc viện Hà Nội!”. Tôi ngạc nhiên thật sự vì ngày mới gặp hai mẹ con bán cháo gà ở đây, cô gái còn khoe là vừa thi đỗ vào Khoa nhạc cụ dân tộc của Nhạc viện Hà Nội! Thực ra thì do tôi thỉnh thoảng mới tới ăn cháo gà ở đây và không chú ý tới cô gái đánh đàn tam thập lục này! Có lẽ từ giờ tôi sẽ chú ý tới cô gái bởi Nhạc viện và cơ quan Tạp chí của tôi chỉ cách nhau một con sông nhỏ (là sông Tô Lịch, nhưng nước đã rất đen và hôi thối!) và tôi sẽ ra đây ăn cháo gà thường xuyên hơn! Vì thế, tôi hỏi cô gái: “Vậy em sẽ học tiếp đại học hay đi làm?”. Cô gái ngập ngừng: “Nếu có ai nuôi em thì em sẽ tiếp tục đi học!”. Chút xíu nữa thì tôi đã nói: “Tôi sẽ nuôi em được không?”, song tôi đã kịp thời kìm lại được. Tuy nhiên, không biết cô gái có đoán ra ý nghĩ đó của tôi hay không mà khi múc cháo cho tôi, tôi thấy có vẻ như đó là một tô cháo đặc biệt!

Ngày hôm sau, thật là trùng hợp kỳ lạ: khi tôi đang nghĩ cách để qua Nhạc viện chơi (chủ yếu là tìm cô gái bán cháo gà đang học ở lớp Tam thập lục) thì chị Loan, cán bộ biên tập phần Âm nhạc của Tạp chí nói với tôi: “Hôm nay tôi có giờ lên lớp về lịch sử âm nhạc Việt Nam ở Khoa nhạc cụ dân tộc bên Nhạc viện, cậu có thích thì qua nghe?”. Thế là chỉ mười phút sau, tôi đã có mặt bên Nhạc viện và khi vào lớp, vừa nhìn thấy Thi, tôi đã lặng lẽ đi tới và ngồi ngay xuống bên cạnh!

*
Khi tôi về ở hẳn Ô Chợ Dừa, có tới ba sự trùng hợp: nhà thơ người Hà Nội Thi Hào Nam (mà tôi quen ở Thư Viện Quốc Gia, từ khi còn là sinh viên Khoa Văn) lại là cậu ruột của cô gái bán cháo gà. Thì ra trước đây, nhà thơ Thi Hào Nam thường dẫn tôi ra uống rượu và ăn cháo gà ở hàng của bà chị ruột mà tôi không để ý và cứ thầm thán phục nhà thơ có “duyên ngầm” là được mẹ con bà cháo gà cho “ký sổ” thoải mái! Sự trùng hợp thứ hai là một ông chiêm tinh gia có hạng ở Hà Nội đã nói với tôi là khi tôi về Ô Chợ Dừa thì sẽ có vợ, có con rồi sẽ có nhà và vợ tôi sẽ là người trong khu vực “xướng ca vô loài”! Cho nên đã không dưới một lần, nhà thơ Thi Hào Nam cứ giục tôi phải cưới cô cháu gái của ông ngay kẻo để lâu ngày lại có kẻ dèm pha! Thực ra thì tôi và cả hai mẹ con Hà Thi đều muốn tiến hành lễ cưới ngay nhưng bạn bè ai cũng ngăn cản và nói: “Chờ thi Nghiên cứu sinh xong mới nên tính chuyện vợ con!”, vì đối với dạng cán bộ nghiên cứu “nghèo hèn” như tôi thì chỉ có đi nghiên cứu sinh nước ngoài mới có thể “đổi đời” – tức sẽ cải thiện cơ bản cuộc sống gia đình về sau! Mà việc thi nghiên cứu sinh thời kỳ này không khác gì xếp hàng mua gạo, mua thịt cá: chưa chắc đến lượt và đến lượt chưa chắc còn hàng!

Khi phải chờ thời gian phán xét cho một quyết định lớn của cuộc đời thì thời gian đó thật là nặng nề, có thể nhìn thấy, cảm nhận được bánh xe thời gian đang lăn qua từng giây, từng phút và hiểm họa thì luôn rình rập! Và quả nhiên, trong khi tôi phải ngày ngày ngồi nhìn bánh xe Thời gian nó lạnh lùng, tàn nhẫn lăn qua số phận của mình mà không thấy hé mở một tia hy vọng gì thì hiểm họa ập đến thật bất ngờ và nhanh như tia chớp!

 Tối hôm đó, như lệ thường, tôi lại ra chỗ “Cửa hàng ăn uống di động” ở ngã năm Ô Chợ Dừa để phụ bán cháo gà cho mẹ con Hà Thi (từ khi quyết tâm cưới Hà Thi thì tôi không còn là khách hàng ăn cháo nữa mà trở thành người phụ bán cháo, bởi tôi nhẩm tính, chỉ cần nhịn uống rượu, ăn cháo gà nửa năm là có thể may được bộ đồ cưới cho cả cô dâu và chú rể!). Vào khoảng gần 23 giờ đêm, đường phố đã thưa thớt người xe thì bỗng có tiếng rú ga mạnh của một chiếc Honda 67 và khi tôi chợt nhận ra chiếc Honda đang lao thẳng vào gánh hàng cháo của mẹ con Hà Thi thì theo phản xạ tự nhiên, tôi đứng dậy tính đẩy “cái vật thể bay” ra khỏi gánh hàng cháo thì tôi thấy có
tiếng gió vút qua tai và chỉ kịp nhìn thấy Hà Thi lao vút cả người như một mũi lao, lao vào chiếc Honda! Kết quả là Hà Thi đã đạp văng cả chiếc Honda và người lái nó ra khỏi gánh hàng tới năm mét nhưng sự va chạm giữa Hà Thi và “vật thể bay” kia quá mạnh khiến Hà Thi bị chấn thương rất nặng!

*
Cái chết của Hà Thi khiến cho tôi quá thất vọng về tương lai. Tôi quyết định cạo trọc đầu để quên chuyện lấy vợ đi và tập trung vào việc viết bài vì muốn được thi nghiên cứu sinh, phải có ít nhất ba bài nghiên cứu đăng trên các Tạp chí Chuyên ngành của Trung ương. Tôi viết một lèo đến năm bài nhưng lúc Bộ báo chỉ tiêu về thì chỉ có một, mà lúc đó trong cơ quan Tạp chí của tôi lại có những hai người muốn được chọn. Vậy là tôi nhận được phán quyết của Tổng Biên tập: năm nay nhường cho bạn, để sang năm thì tới lượt! Nhưng người bạn kia thi trượt, sang năm lại đòi đi thi nữa! Không hiểu sao, lúc ấy tôi lại không biết đấu tranh cho quyền lợi của mình mà lại lao vào chuyện…lấy vợ! Thực ra là tôi bị cả người nhà và bạn bè “lôi đi xềnh xệch” hết cuộc coi mặt này đến cuộc coi mặt khác!

Sau khi rất nhiều người xúm vào làm mai mối cho tôi mà không thành, tôi những tưởng định mệnh đã đóng cửa đối với tôi cả đường công danh và đường thê tử thì một đêm trăng thanh gió mát, tôi nghe tiếng đàn tam thập lục khi lên bổng khi xuống trầm rồi  Hà Thi xuất hiện trong một tiết mục hòa tấu nhạc cụ dân tộc của Nhạc Viện. Rõ ràng là tôi đang ở trong phòng làm việc của Tạp Chí mà thoắt cái đã như là đang ở trong phòng hòa nhạc của Nhạc Viện và người con gái đang chơi đàn Tam thập lục cùng dàn nhạc dân tộc của Nhạc Viện kia chính là Hà Thi! … Tôi vùng chạy ra khỏi phòng và như người mộng du, đi qua Nhạc viện. Nhưng cánh cổng Nhạc viện đã đóng im ỉm. Theo như sự biết của tôi thì sau 23 giờ, người thường trực khóa cửa và chui vào màn…ngủ, dứt khoát không mở cửa cho bất kỳ ai! Tôi đang loay hoay ở cổng Nhạc viện thì một người bạn, nhà ở trong khu Tập thể của Ủy ban Thống nhất Trung ương, cách Nhạc viện vài chục mét, đi đâu về, thấy tôi thì lôi về nhà! Người bạn này đang dạy tiếng Nga ở trường Đại học Ngoại Ngữ, cùng tuổi với tôi, đã có vợ. Sau khi biết hoàn cảnh của tôi, vợ của người bạn nói: “Đây chính là người chồng của bạn tôi rồi!”.

Và quả nhiên việc lấy vợ của tôi đúng như ông chiêm tinh gia báo từ trước, chỉ có điều sau khi Hà Thi chết tới sáu tháng: Đám cưới ở Ô Chợ Dừa và ngay trong phòng làm việc của Tổng Biên tập Tạp chí; có vợ, có con rồi có nhà (khi con tôi được đầy tháng thì cơ quan cho dùng phòng kho làm phòng ở); vợ tôi cũng vẫn là người của khu vực “xướng ca” (là diễn viên của đoàn Văn công Quân Khu 5 thời chống Mỹ, hết chiến tranh thì vào học lớp Kịch nói của Trường Nghệ thuật sân khấu Mai Dịch Hà Nội, học xong thì thất nghiệp cho tới lúc làm mẹ được hai, ba năm!)…

Ô Chợ Dừa không phải của riêng ai, nhưng tôi có cảm giác như nó là của mình! Sau này, khi phải đi khỏi Ô Chợ Dừa (vào Tây Nguyên, xuống Sài Gòn), mỗi khi xem báo, tivi… thấy có nói về Ô Chợ Dừa, tôi lại chăm chú lắng nghe, nhìn cho rõ và có cảm giác như mình được trở lại quê hương! Tôi coi Ô Chợ Dừa là quê thứ hai, bởi tôi đã sống tới năm năm (từ 1980 đến 1985) ở đó và đã làm những việc quan trọng như lấy vợ, đẻ con…Con trai tôi được sinh ra tại Ô Chợ Dừa, vậy Ô Chợ Dừa sẽ là quê của nó, đương nhiên. Mặc dù phải nuôi vợ, con trong suốt năm năm của “thời bao cấp” cực kỳ khó khăn, song tôi vẫn không bao giờ tuyệt vọng và thấy cuộc sống của tôi trong cái “Tiểu gia đình” ở Ô Chợ Dừa thật là …nên thơ! Chính vì thế mà đứa con trai được sinh ra ở Ô Chợ Dừa này được đặt tên khai sinh là Đỗ Ngọc Thi Ca!...

Các nhạc sĩ không thể quên Ô Chợ Dừa vì ở đó Nhạc viện Quốc gia! Các Họa sĩ không thể quên Ô Chợ Dừa vì ở đó có Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp, các nhà văn không thể quên Ô Chợ Dừa vì ở đó có trường Viết Văn Nguyễn Du (dù bây giờ chỉ là một Khoa trong trường Đại học Văn hóa)! Quả là Ô Chợ Dừa rất xứng đáng để được gọi là mảnh đất Địa Linh Nhân Kiệt, điều này không cần bàn cãi! Riêng tôi, tôi không thể không thường xuyên nhớ về Ô Chợ Dừa vì đã đi khỏi từ năm 1985, nhưng tôi chưa cắt hộ khẩu bởi biết chuyển hộ khẩu về đâu ngoài Ô Chợ Dừa lầm bụi của tôi?./.


Sài Gòn, tháng 4-2010
Đỗ Ngọc Thạch
Số lần đọc: 1600
Ngày đăng: 23.04.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩmGóp ýGửi cho bạn
Cùng thể loại

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét