Thứ Tư, 13 tháng 11, 2013

Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch - Trích: Tôi Làm Gia Sư




Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch trên vannghechunhat.net - Trích: Tôi Làm Gia Sư


  1. Trang Văn Nghệ Chủ Nhật - Đỗ Ngọc Thạch

    vannghechunhat.net/truyen/do-ngoc-thach.html

    Chuyên mục: Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch Lượt xem: 280. In bài này · Gửi Email bài này. Hóa Thạch 1. Hóa thạch. Có nhà khảo cổ học nọ sau khi làm xong ...






    Tôi làm gia sư




    Tôi làm gia sưGia sư là một trong những nghề có từ rất lâu đời trên phạm vi toàn thế giới. Các vua chúa và tầng lớp quý tộc thượng lưu thời phong kiến rất coi trọng việc học của con cái và rất kén gia sư, dạy học cho các Hoàng tử, Công chúa phải là những bậc Đại Nho… Sang thời tư bản, nghề gia sư lại càng được coi trọng cho đến lúc nào người ta không có nhu cầu học nữa thì thôi !...
    Sở dĩ phải tìm hiểu sơ qua “xuất sứ” của nghề gia sư để đi đến một nhận xét “khái quát” rằng : “Nghề gia sư nảy sinh từ nhu cầu của phú gia (nhà giàu), và tầng lớp quý tộc thượng lưu, sau đó là đẳng cấp tư bản chính là người khai sinh ra nghề gia sư, bởi đó là giới phú gia, đương nhiên. Từ nhận xét đó, ta lại đi đến nhận xét tiếp : Việt Nam là một nước nghèo (đã từng nghèo “vô địch thế giới”), vậy nghề gia sư khó mà phát triển. Chỉ từ khi có công cuộc đổi mới, có sự khuyến khích làm giàu và dân Việt Nam, sau một thập kỷ đổi mới, đã giàu lên trông thấy, thì nghề gia sư đã có thời cơ phát triển, và phát triển bất ngờ. Trên các báo chí hiện nay, quảng cáo tìm gia sư và quảng cáo gia sư tìm việc nhiều vô kể. Các “Câu lạc bộ gia sư” được thành lập khắp nơi…
    Truyện ký này không có tham vọng nhìn nghề gia sư hiện nay ở nước ta bằng cái nhìn “vĩ mô” mà chỉ xin nhìn “vi mô”…

    “CHÁO PHỔI” ĐẮT GIÁ

    Thời “bao cấp” (đã thành thông lệ, bây giờ khi nói chuyện gì, cứ phải “đá” qua thời “bao cấp” một tí), gia sư không những không phát triển mà giống như nghề nấu rượu “quốc lủi”, bởi đó là sự hành nghề mang tính cá thể, tư nhân…Với lại, phong trào “Dạy tốt, học tốt” ở hệ thống giáo dục Nhà nước rất mạnh, rất nghiêm, không cho phép cả người đi học và người dạy học được có những hành động “xa lạ” với nền giáo dục chính thống . Sang thời “mở cửa”, chính là những nhà giáo chuyên nghiệp ở hệ thống giáo dục Nhà nước là những người tiên phong “mở cửa” cho nghề gia sư phát triển. Tức thầy cô giáo kiêm luôn gia sư.
    Ở một khía cạnh nào đó, có thể nói, bước sang thời mở cửa, “lao động tư nhân” có giá hơn “lao động tập thể”, cũng giống như hát đơn ca được chuộng hơn là hát đồng ca !
    TNC là một thầy giáo dạy toán giỏi có thâm niên, vậy mà cuộc sống gia đình vẫn không vượt lên được cái cảnh nhà tập thể chật chội, bữa ăn chỉ là “trường ca rau muống”, vợ con nheo nhóc…TNC phải làm thêm đủ thứ : Đi bỏ mối bánh rán, đạp xích lô, thậm chí cả phu hồ trong những kỳ nghỉ hè. Mở mồm là anh than thở đến não ruột : “Ôi, cái nghề bán cháo phổi …” . Mà cảnh ngộ của anh bi đát thật : Cô vợ đi xuất khẩu lao động, chẳng những không gửi tiền về cho bố con anh, mà lại còn hùn vốn làm ăn với nhân tình ở bên trời Tây, đã gửi đơn ly hôn về cho anh !...Đúng lúc cảnh nghèo lên tới đỉnh điểm, rau muống cũng không có mà ăn, thì anh được một ông chủ thầu xây dựng mời về nhà dạy kèm cho hai thằng con học dốt như bò ! Ông chủ gia giá :
    - Sau vài năm làm ăn, tôi đã có thể sánh ngang với các tỷ phú thời nay, không thiếu thứ gì…Nhưng tôi thiếu một cái, đó là họ nhà tôi ba đời nay chưa có ai được vào đại học. Nay tôi quyết cho hai thằng con lớn nó vào đại học. Vậy nếu thầy dạy dỗ kèm cặp để chúng nó vào được đại học, tôi sẽ trả ơn thầy bằng cả cái nhà ba tầng với năm mươi mét đất này !...Thầy cố giúp tôi …
    TNC nghe mà không tin ở tai mình, hay là ông ta hứa hão ? Ông chủ thầu dường như đoán được ý, nói như đinh đóng cột :
    - Thầy cứ tin ở tôi. Tôi còn có năm cái nhà rộng hơn thế này, trả công thầy một cái ăn nhằm gì. Nếu thầy hoàn thành được nhiệm vụ, tôi còn tạ ơn thầy dài dài …
    Nói rồi ông chủ thầu viết luôn tờ hợp đồng, phô-tô làm hai bản, mỗi người giữ một bản. Quả là TNC có năng khiếu sư phạm tuyệt vời, chỉ sau một năm dạy dỗ, hai thằng con ông chủ thầu vốn học rất kém, thi đại học hai lần đều trượt, vậy mà kỳ thi đó, cả hai anh em đều đỗ thủ khoa ! Ngày công bố kết quả thi của hai đứa con ông chủ thầu cũng là ngày tân gia của thầy TNC. Ông chủ thầu chơi rất đẹp, tặng cho thầy toàn bộ trang bị nội thất (theo tiêu chuẩn Hotel 3 sao) và một chiếc “Đờ-rim”. Có người bảo sao ông vung tiền dữ thế thì ông nói :
    - Chất xám là vô giá, trả công như thế đã ăn nhằm gì ? Vả lại, con mình những hai đứa, còn theo đòi đèn sách những năm năm nữa, nhờ cái “vía “của thầy phù hộ tiếp!
    Quả là nhà kinh doanh có khác, biết trả công và biết tính chiến lược. Quả nhiên, hai đứa vào đại học được thầy TNC giới thiệu với bạn bè kèm cặp giúp đỡ tiếp, chúng nó học rất giỏi, sau này có cơ lấy bằng tiến sĩ ! Còn thầy TNC, sau cái sự đổi đời ấy, thầy trở thành thủ lĩnh của một “băng gia sư” , người đến mời dạy tiếp không kịp, tất nhiên là tiền vào như nước ! Nhớ lại cảnh khổ ngày xưa, thầy thường nói với đàn em đệ tử :
    - Cái câu “nhà văn, nhà báo, nhà giáo-nhà nghèo” không còn nghiệm đúng nữa rồi ! “Cháo phổi” bây giờ có giá lắm, nhưng vấn đề là ở chỗ phải biết cách bán – tức biết nghệ thuật kinh doanh…
    Một thầy giáo đàn em chen ngang :
    - Chúng em hiểu ý thầy rồi, chúng ta phải “kinh doanh cháo phổi”, phải “hiện đại hóa nghề bán cháo phổi” !
    - Đúng lắm ! – Thầy TNC nói giọng quả quyết – Thời buổi bây giờ thiên hạ ganh đua nhau đi học, một học sinh ra trường phải có vài ba bằng mới hòng xin được việc. Chúng ta sẽ lập trường tư thục như cái thời “Đông kinh nghĩa thục” ấy !...
    Cho đến bây giờ, cái ý tưởng của thầy TNC đã trở thành hiện thực. Bây giờ, thầy không phải trực tiếp “bán cháo phổi” mà điều hành, chỉ đạo như một nhà kinh doanh thực sự. Sau này, nếu như Hội gia sư được thành lập thì thầy tất sẽ có mặt trong Ban chấp hành Trung ương Hội, lúc đó, bạn đọc sẽ được biết tên thật và địa chỉ của thầy !
    “CHÁO PHỔI BÌNH DÂN”
    Những người bán “cháo phổi bình dân” chính là đội ngũ sinh viên đông đảo, đang học cũng có, ra trường rồi nhưng thất nghiệp cũng có. Thời nào cũng vậy, có lẽ đây là điều bất biến, tầng lớp sinh viên phần lớn là nghèo, cho nên vừa đi học vừa đi dạy để sống mà học tiếp. Đội ngũ này học được chữ nào, đem dạy ngay chữ ấy, kinh nghiệm sư phạm chưa có, lại trẻ người non dạ…cho nên giá rất bình dân. Ta thường thấy trên các báo có đăng quảng cáo miễn phí : “Nhóm sinh viên trường Đại học X, nhận dạy kèm tại nhà từ lớp 1 đến lớp 12, đủ các môn toán, lý, hóa, văn, sử, địa, ngoại ngữ…”, đó chính là những gia sư – học trò.
    Những gia sư –học trò như thế coi gia sư chỉ là cái nghề tạm thời để kiếm sống, cải thiện, tăng thu nhập trong lúc theo đòi đèn sách. Nói như thế tức đội ngũ gia sư này chỉ là “quân du kích” chứ không phải quân chính quy, nhà nghề. Mặc dù họ không “tử vì đạo”, không sống chết với nghiệp gia sư, nhưng đồng nghiệp của họ, tức những khóa sinh viên tiếp theo dài vô tận vẫn tạo thành một “khu vực hành nghề gia sư” đáng kể, một loại hình lao động không thể xếp vào nghề nào khác ngoài hai chữ “gia sư”.
    Huỳnh Thị N.C là sinh viên ngoại ngữ trường Đại học tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, quê ở miền tây Nam Bộ. Theo xu thế chung , gia đình NC quyết cho cô học tiếng Anh để ra làm việc với các đơn vị kinh tế nước ngoài, hoặc liên doanh với nước ngoài. Đó là cái mộng đi kiếm đô-la khá phổ biến ở miền Nam. Nhà NC là nhà nông, anh em nhiều nên cho NC ra thành phố học là phải cố gắng lắm. Tất nhiên chi tiêu hàng ngày có khó khăn, hạn hẹp. Và NC đã phải đi làm gia sư để kiếm thêm tiền mà sống, tất nhiên.
    Năm đầu tiên, NC theo một nhóm gia sư đàn chị, đi dạy “âybixi” cho bọn con nít, tức học được chữ nào đem dạy ngay chữ đó. Năm thứ hai, bố mẹ của một học trò đã làm xong thủ tục đi Mỹ theo diện H. O, yêu cầu NC dạy cho họ với số tiền thù lao đặc biệt . Đang dạy cho con, nay chuyển sang dạy cho bố mẹ, quả lả khó khăn. Nhưng vốn thông minh, NC đã khiến cho hai học trò lớn phải khen hết lời và khẳng định NC là một gia sư tuyệt vời. Và, ông chủ nhà, sau khi học được phần giao tiếp thông thường đã ngỏ ý muốn NC làm gia sư suốt đời của ổng !...Diễn biến thì thật là phức tạp, ly kỳ như một cuốn tiểu thuyết ái tình dài ba trăm trang nên chỉ xin nói cái kết cục của nó : bà chủ nhà đã đánh ghen NC thật tàn nhẫn và đuổi cô ra khỏi nghề gia sư với vết dao rạch trên mặt và cái bầu có giọt máu của ông chủ ! NC không thể tiếp tục đi học và hành nghề gia sư (tất nhiên) và cũng không muốn về quê, cô đã nhập giới giang hồ “bán hoa” , đứng ở đường Lê Quý Đôn!...

    TÔI ĐI LÀM GIA SƯ

    Loại gia sư nghiệp dư cũng là một đội ngũ đáng kể trong khu vực lao động hành nghề gia sư. Đó là những người có văn hóa cao, làm đủ thứ nghề nghiệp, có chút năng khiếu sư phạm và hành nghề gia sư thật ngẫu nhiên, thường là chỗ quen biết chủ nhà và dạy cho họ theo lời mời của chủ nhà (tất nhiên những gia sư này cũng là người nghèo, cần kiếm thêm tiền cho cuộc sống khó khăn).
    Khi mới vào Sài Gòn, tôi phải đi linh tinh để kiếm sống . Lần ấy, tôi đang là “cửu vạn” cho một ông chủ vựa sắt thép ở quận 11 thì bất ngờ gặp lại người bạn cũ cùng học ở đại học. Người bạn này là em họ ông chủ vựa, hiện là giáo sư ở một trường đại học. Người bạn hàn huyên xong, kéo tôi lên lầu gặp ông chủ và nói :
    - Trời đất ơi !...Ông anh của tôi có mắt không nhìn thấy Thái Sơn ! Anh đang đi kiếm gia sư thì gia sư đây chứ đâu ! Anh Thạch đây cùng học đại học với em ở Hà Nội, đã từng làm thầy giáo luyện thi đại học, từng làm nhà nghiên cứu, nhà báo và cả nhà nghèo nữa ! Hai đứa con của anh có được ông thầy loại xịn đấy !...
    Thế là từ đấy, tôi trở thành gia sư của ông chủ vựa sắt thép. Tôi được ở một cái buồng tuy nhỏ nhưng không kém khách sạn hai sao, ngày nào cũng được nhậu lai rai với ông chủ . Nhưng nhiệm vụ thì nặng nề : dạy hai thằng con trai của ông chủ đã tới lớp ba nhưng đọc vẫn chưa thông , viết chưa thạo. Học văn hóa đã chưa xong, hàng ngày tôi lại phải đưa chúng đi học võ vào các buổi chiều và chúng luôn đòi đưa đi bơi thuyền con vịt ở Đầm Sen. Được một tháng, thấy sự học hành của chúng chẳng tiến thêm chút nào, tôi nói với ông chủ xin thôi để trở lại công việc “cửu vạn” thì ông chủ bảo :
    - Anh cứ tiếp tục làm gia sư, tôi sẽ tăng lương cho anh lên gấp đôi. Chúng nó đều thích anh lắm. Nói thiệt tình, tôi cũng không hy vọng chúng nó học văn hóa giỏi. Anh dạy được chữ nào thì dạy còn chủ yếu là chơi với chúng nó cho có bạn, chúng đỡ quậy phá linh tinh ! Trước mắt tôi chỉ cần như vậy…
    “Vậy thì quá dễ” – tôi nghĩ thầm và lại tiếp tục hành nghề gia sư. Được sáu tháng, ông chủ làm chuyến xuất ngoại sang Nhật để liên doanh liên kết làm ăn gì đó với người Nhật. Bà chủ trở thành tư lệnh của cái đại gia này. Bà chủ gọi tôi lên hỏi :
    - Anh làm gia sư cho nhà tôi được sáu tháng rồi. Vậy anh hãy báo cáo kết quả học hành của con tôi cho tôi nghe ?
    - Dạ…Chúng nó đã thuộc lòng bài hát “Em đi chơi thuyền”…
    Tôi chưa kịp nói hết câu, hai thằng nhỏ không biết từ đâu đều chạy ào vào, vừa múa vừa hát : “Em đi chơi thuyền, trong Thảo cầm viên, chim ca hót mừng, chào đón xuân về…Thuyền em là thuyền con vịt, nó bơi bơi bơi, thuyền em là thuyền con rồng , nó bay bay bay !...”. Phải thừa nhận rằng hai đứa múa và hát rất khéo, rất đáng yêu. Bà chủ cười như…trẻ nhỏ và ôm chầm lấy hai đứa con, hôn hít chúng nó một hồi rồi nói :
    - Ôi, các con của tôi ngoan quá. Tôi mải lo buôn bán làm ăn có bao giờ nhìn đến chúng nó đâu ! Tôi cứ nghĩ là chúng nó suốt ngày đánh lộn và quậy phá linh tinh !... Thôi, các con đi chơi để má nói chuyện với thầy giáo !
    Hai đứa trẻ đi rồi, bà chủ lấy bia ướp lạnh mời tôi uống và nói, sau khi đã cạn trăm phần trăm lon Tiger với tôi :
    - Từ hôm ông ấy đi Nhật, tôi thấy buồn quá… Tôi muốn mời anh đi chơi Đà Lạt một tuần, nhân tiện thăm một người bà con trên đó, chắc anh không từ chối chứ?
    - Tôi sẽ cùng đi với hai đứa học trò của tôi chứ?
    - Khỏi!...Lên đó, anh sẽ có học trò mới, rất đáng yêu…Là tôi đây nè!...
    Nói rồi bà chủ lướt tới bên tôi như một làn gió với mùi hương thật kỳ lạ, quyến rũ khiến tôi như bị nhấc bổng lên tới chín tầng mây!...
    Ngay sáng hôm sau, tôi dậy sớm và đi khỏi cái nơi tôi đã hành nghề gia sư hơn sáu tháng trời ấy, cũng nhanh như làn gió!...
    LỜI CUỐI
    Còn cái sự học thì còn nghề gia sư. Tuy Nhà nước chưa hợp thức hóa nghề gia sư, chưa đưa vào Bộ Luật Lao động thành một mục riêng, nhưng với cái đà giàu lên nhanh chóng của dân ta thì nghề gia sư còn tồn tại và phát triển. Nhưng với riêng tôi, tôi không muốn làm gia sư!...
    TP.HCM, 1993 - 2009
    Đỗ Ngọc Thạch.
     nguồn: vannghechunhat.net












    Lời thề thứ hai

    Duyet_binhTrong mười lời thề danh dự của người chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam thì “Lời thề thứ hai” là ngắn nhất, chỉ có 27 chữ nhưng được vận dụng thực hiện thường xuyên nhất và nhiều khi quyết định đến sinh mạng của người chiến sĩ. Vì thế tôi xin được dẫn nguyên văn lại đây:















    Chuyện học hành

    Chuyện học hành1. Khoảng giữa năm 1969, tôi từ đơn vị Ra-đa chiến đấu về Trung đoàn bộ. Tưởng rằng sẽ được đi học lớp sĩ quan Ra-đa ở nước ngoài, nhưng chờ đến chục ngày thì Trợ lý Quân lực Trung đoàn nói: “Quân lực Binh chủng mới điện vào nói đợt này lại hoãn, không biết đến bao giờ.




    Tôi làm gia sư

    Tôi làm gia sưGia sư là một trong những nghề có từ rất lâu đời trên phạm vi toàn thế giới. Các vua chúa và tầng lớp quý tộc thượng lưu thời phong kiến rất coi trọng việc học của con cái và rất kén gia sư, dạy học cho các Hoàng tử, Công chúa phải là những bậc Đại Nho… Sang thời tư bản, nghề gia sư lại càng được coi trọng cho đến lúc nào người ta không có nhu cầu học nữa thì thôi !...

    Các bài khác...





    Page 33 of 39

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét