ĐÔI NÉT VỀ CHỦ NGHĨA HIỆN SINH
GORDON E. BIGELOW
Vài năm qua, tôi chống lại từ “chủ nghĩa hiện sinh” này bằng cách cáu kỉnh ngoảnh mặt đi chỗ khác bất cứ lúc nào bất chợt gặp nó, hy vọng rằng, cũng giống chủ nghĩa Dada và một số trong các “chủ nghĩa” khác của nhữngavant garde Pháp quốc, nó sẽ biến mất nếu như tôi không thèm để ý đến nó. Nhưng hiện sinh giống như một bức tranh, cứ gợi lên hình ảnh của những khuôn mặt râu ria xồm xoàm, những quán café ngập ngụa khói thuốc dưới tầng hầm, những gã hippi mua vui với nhau, giữa cơn say, bằng đủ mọi đề tài về tuyệt vọng. Hoá ra, hiện sinh lại đóng một vai trò rất mực quan trọng đối với văn chương và nghệ thuật, đối với triết học và thần học, và ngày càng quan trọng hơn đối với các lãnh vực khoa học xã hội. Để biết thêm, tôi đọc một số tác phẩm tự xưng là nhập môn về đề tài này, với một cảm giác ngán ngại của một người đọc bài giới thiệu bình phẩm về một cuốn tiểu thuyết, để rồi phát giác rằng lý ra anh ta phải đọc cuốn tiểu thuyết trước khi đọc bài giới thiệu. Thế nên, nơi đây, tôi muốn cung cấp một điều gì đó được coi là hiển nhiên trong hầu hết các cuộc luận bàn về chủ nghĩa hiện sinh, một sự trình bày giản lược về các đặc điểm căn bản của chủ thuyết này. Đây quả thực là một hành động khinh suất, bởi vì có nhiều loại hiện sinh, và những gì người ta nói về loại này lại có thể không đúng với loại kia; tuy nhiên, vẫn có một lãnh vực đạt được sự đồng thuận, và đây chính là điểm chung mà tôi muốn trình bày. Chúng ta sẽ không gặp khó khăn, chừng nào chúng ta hiểu ngay từ đầu rằng sáu nội dung chính được phác hoạ dưới đây chỉ đúng trong một mức độ nào đó đối với từng nhà hiện sinh riêng biệt. Đôc giả có thể khởi đầu từ đây để tiếp cận trực tiếp với tác phẩm của các nhà hiện sinh ấy, hoặc với những bài phê bình sâu sắc hơn về họ, hoặc có thể nhận ra một đề tài hay màu sắc hiện sinh nào đó hiện diện trong một tác phẩm văn học.
Trước tiên, xin được bàn luận đôi lời về các loại chủ nghĩa hiện sinh. Giống như thuyết tiên nghiệm của thế kỷ trước, có bao nhiêu nhà văn dùng từ hiện sinh, thì hầu như có bấy nhiêu loại chủ nghĩa hiện sinh. Tuy nhiên, chúng ta có thể chia chúng thành hai loại vô thần và hữu thần. Chúng ta đề cập đến loại hiện sinh vô thần trước, và liệt Jean-Paul Sartre, Albert Camus và Simone de Beauvoir vào danh sách các tác giả chính yếu trong số nhiều tác giả thuộc trường phái hiện sinh. Một số trong nhóm các tác giả người Pháp này đã có những kinh nghiệm khắc nghiệt và đáng kể trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm khi phát-xít Đức chiếm đóng Pháp quốc vào thời gian đệ nhị Thế chiến bùng nổ. Từ nỗi tuyệt vọng xảy đến cùng lúc với sự sụp đổ của đất nước trong những năm này, họ đã tìm thấy một sức mạnh đáng kinh ngạc trong tinh thần bất khuất của con người, một tinh thần mà ngay cả khi bị hành hạ dã man, vẫn có thể duy trì lòng phản kháng, một khả năng không thể bị triệt hạ để có thể thốt lên tiếng “Không”. Từ điểm cốt lõi này, sau chiến tranh, họ đã dựng nên một triết thuyết được xem là sự thay đổi của triết học Descartes trong thế kỷ hai mươi. Thay vì nói “Tôi suy tư, nên tôi tồn tại”, họ nói “Tôi nói Không, nên tôi tồn tại.” Chẳng mấy chốc, chúng ta sẽ thấy rằng cách dùng của từ “tồn tại” này mang một ý nghĩa rất quan trọng. Nhóm tác giả nói trên chính là những người đã đem lại cho chủ nghĩa hiện sinh một tình trạng giống như sự sùng bái có tính cách triết lý văn chương.
Đối với các nhà hiện sinh hữu thần, chúng ta có thể nhắc ngay đến Kierkegaard, một nhà trước tác người Đan-mạch giữa thế kỷ mười chín; hai tác giả hiện đại người Pháp theo Thiên chúa giáo La-mã, Gabriel Marcel và Jacques Maritain; hai nhà thần học Tin lành Paul Tillich và Nicholas Berdyaev; và Martin Buber, nhà thần học người Do-thái. Các tác phẩm của những tác giả này đã tạo nên một trong những bước phát triển đầy ý nghĩa cho thần học hiện đại. Đằng sau hai nhóm tác giả hiện sinh kể trên, còn có những khuôn mặt triết gia nổi bật khác, những kẻ đã tác động mạnh mẽ đến trào lưu hiện sinh; đó là những Blaise Pascal, Friederich Nietzsche, Henri Bergson, Martin Heidegger, Karl Jaspers và nhiều người khác nữa. Một số nhà văn, đặc biệt là Tolstoy và Dostoievski, thường xuyên được trích dẫn vì các quan điểm và đề tài hiện sinh nổi bật trong các sáng tác của họ. Sau đây, tôi xin mạo muội mô tả một số nét đặc trưng tổng quát của trào lưu này:
1. Hiện sinh có trước bản chất
Sở dĩ được gọi là chủ nghĩa hiện sinh là vì chủ nghĩa này nhấn mạnh rằng đời sống nhân loại chỉ có thể hiểu được thông qua sự hiện sinh của cá nhân, tức là thông qua kinh nghiệm riêng biệt của anh ta về cuộc đời. Người ta sống, chứ không phải tồn tại, trong mỗi phút giây, và kinh nghiệm về cuộc sống của mỗi người luôn có tính chất độc đáo, khác biệt hoàn toàn với kinh nghiệm của mọi người, và chỉ có thể được hiểu đúng thông qua sự dấn thân của anh ta vào cuộc sống. Chủ nghĩa hiện sinh chối bỏ quan điểm về khuôn mẫu lý tưởng của Con Người viết hoa, hoặc của nhân loại, trong đó mỗi người chỉ là một hình ảnh của con người phổ quát. Nó cũng khước từ câu hỏi của triết học Hy-lạp “Nhân loại là gì?”, một câu hỏi hàm ý rằng con người có thể được định nghĩa, nếu như anh ta được đặt vào một vị trí thích hợp trong trật tự vạn vật; thay vào đó, nó hỏi cái câu hỏi của Job và thánh Augustine “Tôi là ai?” với sự gợi ý về tính độc đáo và kỳ bí của mỗi thân phận và sự nhấn mạnh đến chủ thể tính, tức nhân vị, hơn là đến khách thể tính, tức sự vật. Nhìn bên ngoài, con người chỉ là một sinh linh như mọi sinh linh khác; nhưng nhìn từ bên trong, anh ta là cả một vũ trụ, là trung tâm của cái vô cùng. Các nhà hiện sinh đề cao quan điểm chủ thể tính, và tất cả những đặc tính còn lại của chủ nghĩa hiện sinh đều phát triển từ quan điểm này.
2. Lý trí luôn bất lực khi đề cập đến chiều sâu của đời sống con người
Có hai khía cạnh liên quan đến nhận định này – một là, lý trí của con người thường mềm yếu và bất toàn; hai là, có những khoảng tối trong đời sống con người mang đặc tính “phi lý trí”, và vì thế là nơi lý trí không thể nào thâm nhập. Kể từ Plato, nền văn minh phương Tây luôn luôn thừa nhận sự tách biệt lý trí ra khỏi phần còn lại của tinh thần con người, và ca ngợi lý trí như là một công cụ thích hợp dùng để chi phối các yếu tố phi lý trí. Tuyên bố mang tính cổ điển về sự tách biệt này xuất hiện nơi tác phẩm Phaedrus, trong đó Plato mô tả tinh thần qua câu chuyện về cỗ xe được kéo bời các con ngựa bạch cảm xúc và những con ngựa ô bất kham tượng trưng cho lòng ham muốn. Người đánh xe chính là Lý trí, kẻ cầm cương chế ngự các con ngựa và vung roi để khuất phục lũ ngựa ô. Chỉ có người đánh xe, một thực thể lý trí, mới có thể dạng con người; phần còn lại của tinh thần, phần phi lý trí, nằm dưới một thể dạng thấp kém hơn, thể dạng súc vật. Sự tách biệt và đề cao lý trí này được đưa đi xa hơn nữa trong câu chuyện ngụ ngôn về cái hang trong tác phẩm Republic. Hãy nhớ lại bức tranh ảm đạm về đời sống con người mà từ đó câu chuyện được bắt đầu: trong hang tối, người ta bị xích lại, lưng quay về một ngọn lửa bập bùng, không nhìn thấy gì khác ngoài những chiếc bóng đang chuyển động trên vách đá, không thể nghe thấy gì khác ngoài những âm vọng hỗn loạn. Một người, bằng cách phá vỡ gông cùm, tức thì có thể quay lại nhìn sự vật và ánh sáng mà trước đó đã tạo nên những chiếc bóng trên vách hang; thậm chí anh ta còn có thể thoát ra khỏi hang để đi về phía ánh dương tỏ rạng ngoài xa. Thông qua lý trí, anh ta có thể làm được tất cả những điều này; anh ta sẽ thoát khỏi tình trạng nô lệ của sự ngu muội, thoát khỏi thời gian và sự đổi thay, thoát khỏi chính cái chết, để bước vào vương quốc của những ý niệm hằng hữu, tức Chân lý; và thế là cái bản chất thấp kém đã trói buộc anh ta trước đây sẽ mãi mãi bị rơi lại phía sau.
Chủ nghĩa hiện sinh trong thời đại chúng ta, đây là một trong những đặc điểm quan trọng nhất của nó, nhất mực thống nhất phần “thấp kém”, phần phi lý trí của tinh thần, với phần “cao cả”. Nó khẳng định rằng con người phải được thừa nhận trong thực thể trọn vẹn của anh ta, chứ không phải trong một tình trạng phân chia nào đó, đồng thời nó cũng đòi hỏi rằng con người trọn vẹn không chỉ hàm chứa tri thức, mà còn cả những âu lo, tội lỗi và ước vọng quyền lực – những thứ làm biến đổi, và đôi khi, lấn át chính lý trí. Con người được nhìn thấy dưới quan niệm này là một con người, về cơ bản, hết sức mơ hồ, nếu không nói là huyền bí, đầy rẫy những vấn đề mâu thuẫn và căng thẳng tiềm ẩn, những vấn đề không thể giải quyết một cách đơn giản bằng tư duy. “Đời sống con người,” Beryaev nói, “được hình thành từ muôn vạn mạch suối ngầm.” D. H. Lawrence giận dữ chống lại Franklin và nỗ lực duy lý nhằm đạt tới sự hoàn hảo về tinh thần của Franklin: “Ôi, tính có thể hoàn thiện của con người!... Tính có thể hoàn thiện của con người nào? Tôi là nhiều người. Anh dự tính hoàn thiện con người nào trong số ấy? Tôi đâu phải là một sản phẩm máy móc... Tâm hồn con người kỳ lạ lắm. Nó là cái toàn vẹn của anh ta. Điều đó có nghĩa là nó vừa là cái có thể hiểu được và vừa là cái không thể hiểu được... Tâm hồn con người là một khu rừng thẳm tăm tối, bao giờ cũng có một đời sống hoang dại trong ấy.” Trong chủ nghĩa hiện sinh, trọng tâm không được đặt vào ý tưởng, mà vào kẻ tư duy, tức người mang ý tưởng ấy. Nó thừa nhận không chỉ sức mạnh tư tưởng của kẻ tư duy, mà còn thừa nhận cả cuộc ngẫu sinh (contingency), sự lầm lạc, tính nhu nhược, thân xác, máu xương và sự chết của anh ta. Kierkegaard nhấn mạnh sự khác biệt giữa sự thật chủ quan (điều mà một người nghiệm sinh) và sự thật khách quan (điều mà con người biết về), và nói rằng chúng ta chạm trán với chính sự thật không phải trong sự phân chia của lý trí, mà trong sự dấn thân trọn vẹn và nỗi đớn đau của sự lựa chọn, trong niềm bi tráng khi sống tận tuỵ cho điều chọn lựa của mình. Quan điểm ngờ vực hệ thống duy lý này giúp ta giải thích tại sao cách diễn tả của nhiều nhà văn hiện sinh thường tỏ ra nghịch lý, bí ẩn và có tính chất tiên tri, và tại sao tác phẩm của họ thường nằm trong địa hạt văn chương hơn là triết lý.
3. Sự xung khắc
Kết quả quan trọng của sự tách rời lý trí ra khỏi phần còn lại của tinh thần chính là sự phát triển của khoa học, điều đã trở thành một trong những dấu hiệu đặc trưng của nền văn minh phương Tây, và hành động xếp đặt trật tự xã hội càng lúc càng mang tính duy lý của con người. Theo các nhà hiện sinh, các thế lực chính của lịch sử, kể từ thời kỳ Phục hưng, đã không ngừng tách con người ra khỏi cuộc sống trần thế, buộc anh ta phải sống theo những tiêu chuẩn trừu tượng cao cả, tập thể hoá con người cá nhân, đưa Thượng đế ra khỏi thiên đàng và trái tim của con người. Con người hiện đại đang sống trong tình trạng xung khắc: với Thượng đế, với thiên nhiên, với người khác và với chính mình.
Sự xung khắc với Thượng đế được thể hiện qua tiếng kêu thống thiết của Nietzsche: “Thượng đế đã chết,” một tiếng kêu âm vọng mãi trong những tác phẩm của các nhà hiện sinh, đặc biệt là các tác giả Pháp quốc. Đề tài về sự trống vắng tâm linh là một đề tài thường gặp trong văn chương của thế kỷ này, từ “The Hollow Men” của Eliot cho đến tiểu thuyết của Dos Passos, Hemingway và Faulkner. Trong A Story-Teller’s Story, Sherwood Anderson mô tả hành vi thức ngộ của chính ông trước sự thiếu vắng tâm linh. Ông kể, khi một mình lang thang giữa đêm khuya trên con đường ngập ánh trăng, thì:
Bất giác trong đầu tôi có một điều kỳ quặc, một ước muốn tự làm nhục mình trước một cái gì đó không phải con người, và khi đang bước trên con đường ngập ánh trăng, tôi liền quỳ xuống. Không có Thượng đế, mọi thần linh đã bị xua đuổi khỏi tâm hồn tôi bởi chính cuộc sống quanh tôi, vì Thượng đế đã bị tước đoạt khỏi con người hiện đại bởi một thế lực tiềm ẩn bên trong, mà chính con người cũng không tài nào mường tượng được, ngoài việc biết rằng nó được gọi là tri thức. Tôi cứ mỉm cười với hình ảnh đã chết dưới mắt mình, khi tôi quỳ xuống bên đường...
Không có Thượng đế trên bầu trời, không có Thượng đế trong tôi, không có lý lẽ nào giúp tôi có đủ sức mạnh để tin vào một Thượng đế, thế là tôi chỉ biết thinh lặng quỳ trên đất đen và đôi môi không thốt được lời nào.”
Trong một đoạn khác, Anderson tự hỏi phải chăng tước bỏ điều linh thiêng ấy có thực sự làm cho con người không còn bất lực, phải chăng khao khát một quân lực hùng cường hơn, một toà cao ốc cao hơn không là dấu hiệu của sự bất lực. Ông nghĩ rằng Thanh giáo và con đẻ của nó – hệ thống đại kỹ nghệ – đã làm cho đời sống hiện đại trở nên cỗi cằn, đồng thời đề nghị con người nên quay về sự mạnh mẽ của một con thú bằng sự gắn bó trở lại với những điều giản đơn của trần thế, một trong số ấy, là sự bộc lộ tình dục không bị cấm đoán.
Sự xung khắc của con người với thiên nhiên là đề tài chính trong văn chương, ít nhất là kể từ Rousseau và trào lưu lãng mạn, và hầu như không được xem là tài sản của các nhà hiện sinh. Tuy nhiên, các tác giả hiện sinh cứ cho rằng một trong những mối nguy khốn đáng chú ý nhất của con người hiện đại là anh ta đang xây dựng các bức tường kỹ nghệ ngày càng cao và chính điều này đang ngăn chặn anh ta đến với một cuộc sống tràn đầy sinh lực phù hợp với “thiên nhiên.” Việc xử lý đề tài này của họ thường được thể hiện như là lời kêu gọi con người hiện đại cần phải xa lánh cái trừu tượng để quay về với “cái cụ thể” và “sự trọn vẹn”.
Xung đột thứ ba xuất hiện ở mức độ xã hội và biểu hiện của nó là cảm giác tuyệt vọng về tình trạng bất khả tự lực của con người khi đứng trước cỗ máy khổng lồ của xã hội kỹ nghệ. Đây là một đề tài quan trọng khác của văn chương phương Tây, và một lần nữa, mặc dầu hầu như không khám phá được sự nguy hiểm hay tiến hành một sự phản đối nào, nhưng các nhà hiện sinh thời đại chúng ta vẫn khôi phục sự phản kháng trước bất cứ khuôn mẫu hoặc thế lực nào manh nha dập tắt tính độc đáo và sự tự tại trong đời sống cá nhân. Sự đông đúc nơi đô thị, sự chia nhỏ lao động nhận chìm con người trong chức năng kinh tế của anh ta, sự phát sinh chính quyền trung ương tập quyền, sự phát triển của quảng cáo, tuyên truyền và truyền thông đại chúng trong các hoạt động giải trí và thông tin – tất cả những điều đẩy con người vào “Đám đông cô độc” của Riesman – đã xé nát con người bằng cách huỷ diệt cá tính và khiến họ phải sống trên bề mặt của cuộc đời, sẵn lòng giao du với “vật” hơn là với người. “Sự bộc lộ xung khắc ra bên ngoài,” Berdyaev nói, “là gốc rễ của tình trạng nô lệ, trong khi tự do là suy tư về mối xung khắc ấy. Nô lệ luôn luôn biểu thị qua sự xung khắc, tức hành vi tống đẩy bản chất con người ra thế giới bên ngoài.” Loại xung khắc này được minh hoạ bằng nhân vật Zero trong vở kịch “The Adding Machine” của Elmer Rice. Hai mươi lăm năm làm nhân viên ghi chép sổ sách trong một cửa hàng bách hoá của Zero đã vắt kiệt nhân tính của ông ta, khiến ông không còn khả năng cảm nhận tình yêu, tình bằng hữu hay bất cứ tình cảm sâu thẳm nào khác. Sự xung khắc như thế thường được đưa ra như là một nguyên nhân lý giải cho hành động tàn bạo của người với người, hoặc như là lời giải thích cho nỗi bất công trong xã hội hiện đại. Trong cuốn tiểu thuyết của Camus, The Stranger (Kẻ xa lạ), một chàng thanh niên bị toà buộc tội sát nhân. Đây là vụ giết người mà anh ta thực sự đã thực hiện trong một tình huống, nếu xét ra, có thể được giảm khinh. Nhưng toà không bao giờ để ý đến bất cứ chứng cứ liên quan đến yếu tố giảm khinh ấy, và dường như cũng không thèm nghe bất cứ điều gì liên quan đến chính tội ác đang xét xử; họ buộc tội chàng thanh niên dựa trên những lý lẽ hoàn toàn phi lý, bởi vì anh đã có những hành xử lạ thường tại tang lễ mẹ anh một ngày trước khi xảy ra vụ sát nhân. Nơi cuốn tiểu thuyết này, người ta cảm thấy một thực tại bị bóp méo một cách huyễn hoặc giống như cảnh phiên toà trong Alice in Wonderland, một cảm giác ngột ngạt vì bị vây bọc bởi các sự kiện chẳng những phi lý, xuẩn động, mà còn không làm cho người ta động tâm. Điều gây phiền não nhất nằm ở sự cô độc của chàng thanh niên, vách tường thù hận bủa vây lấy anh và cản ngăn bất cứ kẻ nào muốn bước vào đời sống anh hoặc muốn chia sẻ sự đồng cảm với nó.
Loại xung khắc thứ tư, xung khắc với chính mình, đặc biệt khi bản chất bị bóp méo bằng sự đề cao lý trí, là một đề tài có thời gian dài đóng vai trò quan trọng trong sự nổi loại của chủ nghĩa lãng mạn. Trong số nhiều nhà văn viết về đề tài này, Hawthorne là kẻ đến gần với khuynh hướng của các nhà hiện sinh đương thời nhất. Ethan Brand, Rappaccini và Roger Chillingworth của ông đều là những nhân vật đại diện cho sự đổ vỡ về phương diện bản chất con người, điều luôn xảy ra khi tri thức phát triển thiếu cân đối, bị áp dụng sai và trở thành “một thứ xiềng xích hấp dẫn trói buộc sự đồng cảm của con người.” Hawthrone hoàn toàn hiện sinh trong mối ưu tư về tính thiêng liêng của linh hồn cá nhân, cũng như trong sự bận tâm trước tội lỗi và phần tối của bản chất con người, cái mà phần nào được trông thấy thông qua nỗ lực của ông trong việc xây dựng lại sự đầy đặn nào đó cho hình ảnh thiếu chiều sâu của con người, một hình ảnh mà thời đại Khai sáng đã truyền lại cho ông. Whitman cũng cố gắng thực hiện điều này, khi ông thêm da thịt và một bản năng tình dục cho hình ảnh tinh thần của con người mà ông đã thừa hưởng từ Emerson, dẫu cho hình ảnh của ông vẫn còn ít nhiều tản mác. Phần nhiều các hình ảnh con người của thế kỷ mười chín đều được miêu tả dưới dạng người hùng, nhưng sau đệ nhất Thế chiến, người hùng biến mất; con người không còn bị bóp méo hay cắt xén; anh ta trở nên trống rỗng, bất lực và vô danh. Vào thời điểm mà quyền năng chế ngự thiên nhiên của anh ta có vẻ như vô hạn, thì anh ta được khắc hoạ như là một kẻ yếu đuối, luôn bị đè nặng bởi nỗi sợ hãi khôn tả. Và chính điều này đưa chúng ta đến với một đề tài quan trọng khác của chủ nghĩa hiện sinh.
4. “Run sợ” – Âu lo
Tại Stockhom, khi nhận giải Nobel, William Faulkner đã nói rằng: “Bi kịch của chúng ta ngày nay chính là nỗi sợ hãi mang tính phổ biến và bao trùm liên quan đến thể xác, nỗi sợ hãi mà chúng ta đã phải chịu đựng quá lâu. Không còn vấn đề tâm linh gì nữa cả. Câu hỏi duy nhất còn lại là: Khi nào tôi bị nổ tung đây?” Hình ảnh lạc quan của thời đại Khai sáng, một thời đại nhìn thấy con người, thông qua lý trí và khoa học, chế ngự thiên nhiên và giải quyết các vấn nạn chính trị và xã hội theo đường trôn ốc của sự phát triển, đã bị vỡ tan sau Đệ nhất Thế chiến, giống như quả dưa va vào phiến đá. Những học thuyết ôm giữ nhiều cao vọng như thế đã gục ngã trong cuộc giết chóc kinh hoàng và khó hình dung ấy. Đây chính là yếu tố cụ thể trong bản chất con người và xã hội mà các học thuyết đó không dung nạp được. Giai đoạn Đại Khủng hoảng kinh tế những năm 1929 – 1930 và cuộc Đệ nhị Thế chiến đã khoét sâu thêm tình trạng mất tinh thần do sự cáo chung của các lý tưởng cũ gây ra; tuy nhiên, chỉ bằng một quả bom nguyên tử, điều này đã biến thành nỗi kinh hãi bất kham, một mối đe doạ huỷ diệt nhân loại tức thời mà con người phải đối mặt với, ngay cả đối với những ai được bảo vệ nghiêm ngặt nhất bởi bức tường dày hàng hoá và dịch vụ. Giờ đây, kẻ thiếu suy nghĩ nhất cũng có thể cảm nhận được rằng mỗi bước tiến trong kỹ nghệ cơ khí không chỉ mang đến những triển vọng nhung lụa, mà còn cả mối đe doạ tiềm tàng.
Sartre, người kế tục Kierkegaard, nói về một nỗi âu lo khác đang đè nén con người hiện đại – “nỗi thống khổ của Abraham” [1] – đó là anh ta nhất thiết phải thực hiện một sự chọn lựa luân lý dựa trên trách nhiệm của chính anh ta. Vào thời chiến, một sĩ quan quân đội thừa biết nỗi đớn đau của sự lựa chọn, điều thúc buộc anh ta phải hy sinh một phần binh sĩ để bảo vệ tính mạng của những người còn lại; vị lãnh đạo chính trị cũng thế, ông ta phải đưa ra những quyết định ảnh hưởng đến sinh mạng của hàng triệu người. Các nhà hiện sinh khẳng định rằng mỗi chúng ta phải thực hiện những quyết định luân lý trong cuộc đời mình và chúng ta cũng sẽ phải gánh chịu nỗi thống khổ tương tự do sự lựa chọn mang tới. Kierkegaard phát hiện ra rằng đây là điều thiết yếu khiến cho mỗi cuộc đời đều mang một dáng vẻ độc đáo; do đó, không ai có thể tư biện hay khát quát hoá đời sống con người, bởi vì mỗi phận người là một điều gì đó mang những tính chất riêng biệt và duy nhất, và chỉ thuộc về chính người ấy; một điều mà trong đó, anh ta được can dự một cách cuồng nhiệt với tư cách hoàn toàn cá nhân. Tác phẩm Fear and Trembling của Kierkegaard là lời phê bình tường tận và lôi cuốn về câu chuyện Abraham trong kinh Cựu ước, người mà được Thượng đế ra lệnh phải hy sinh đứa con trai Isaac yêu quý. Vì thế, Abraham trở thành biểu tượng của những người buộc phải thực hiện sự chọn lựa bi thống, trong trường hợp này, giữa tình phụ tử và tình yêu Thượng đế, giữa luân lý phổ quát được thể hiện một cách dứt khoát rằng “Ngươi không được sát nhân” và sự đòi hỏi nội tâm tư biệt của đức tin tôn giáo. Quyết định của Abraham, một quyết định vi phạm luân lý phổ quát và trừu tượng, phải được thực hiện không phải trong vẻ kiêu mạn, mà trong nỗi run sợ; do đó, ta phải rút ra được một kết luận như vầy: đôi khi có người buộc phải thực hiện một hành vi có tính chất ngoại lệ đối với lề luật chung, bởi vì, xét về khía cạnh hiện sinh, anh ta là một biệt lệ, một sinh linh cụ thể, mà sự tồn tại của anh ta không thể hoàn toàn bị áp đặt dưới bất cứ lề luật phổ quát nào.
5. Chạm trán với Hư vô
Đối với người xung khắc với Thượng đế, với thiên nhiên, với đồng loại và với chính mình, thì cuối cùng còn lại gì, ngoài Hư vô? Các nhà hiện sinh xác nhận rằng đó chính là nơi mà giờ đây con người hiện đại tìm thấy mình, không phải trên con đường thẳng tắp hướng về một xã hội sáng lạn không tưởng, nhưng tại bờ vực của một vách đá thê lương, mà phía dưới lồ lộ một hố thẳm tuyệt đối, một khoảng Hư vô đen ngòm. Trong một ý nghĩa nào đó, đây chính là Đất Hoang (Wasteland) của Eliot, nơi cư ngụ của Kẻ Vô Hồn (The Hollow Man), một con người:
Chỉ có hình mà không hề có dáng,
Là bóng đen không một chút hương màu
Mọi sinh lực hãm giam trong tù đọng
Bước âm thầm tựa như bóng ma trơi [2]
Đó là điều đã khích động Richard Cory của E. A. Robinson, người mà khiến chúng ta phải nghĩ rằng nếu như rơi vào trường hợp của anh ta, chúng ta cũng sẽ làm như anh ta, tức là đi về nhà vào một đêm hè êm ả, và kê súng bắn một phát vào đầu.
Leo Tolstoy đã viết một trong những lời lẽ thuyết phục nhất về sự chạm trán với hư vô trong “My Confession.” Ông nói về thời kỳ tươi đẹp và sung mãn nhất của cuộc đời, khi ông có được mọi thứ mà mọi người đều ao ước – tiền tài, danh vọng, địa vị cao trọng trong xã hội, vợ đẹp con ngoan, đầu óc minh mẫn và tài năng nghệ thuật; tuy nhiên, đó lại là lúc ông bị trói buộc bởi một trạng thái âu lo ngày càng tăng dần, một sự bất mãn mơ hồ không thể nào giũ sạch hoặc khuây khoả. Kinh nghiệm của ông giống với kinh nghiệm của một người vừa lâm bệnh, với những triệu chứng mà thoạt đầu anh ta không cho là tầm thường; nhưng lần hồi, các triệu chứng ấy cứ tái đi tái lại cho đến khi chúng trở thành sự đau đớn khôn nguôi. Bất giác, người bệnh phải đối diện với một sự thật lớn lao rằng cái có thể đánh đổi được với sự đớn đau thể xác này, đối với anh ta, sẽ có ý nghĩa quan trọng hơn bất cứ điều gì trên đời, và đó chính là cái chết! “Tôi cảm thấy mặt đất dưới chân tôi đang sụp đổ, thế là không còn gì để tôi phải đứng nữa cả; tôi cảm thấy những gì mà bấy lâu nay tôi sống cho đều biến mất, thế là tôi không còn lý do gì để tôi tồn tại nữa cả... Ngăn chặn là điều không thể làm được, quay lui cũng thế; tôi không thể nhắm chặt đôi mắt mình để nhận ra rằng phía trước tôi không còn gì, mà chỉ toàn những khổ đau và chết chóc, một sự huỷ diệt hoàn toàn.” Đây là đoạn văn trong “Sickness Unto Death” của Kierkegaard, nói về nỗi tuyệt vọng khi người ta muốn chết nhưng không thể chết được. Một truyện ngắn của Hemingway, “A Clean, Well-Lighted Palace”, đã mang đến lối diễn tả không thể nào quên được về đề tài này. Vào đoạn kết, lão hầu bàn trèo lên giường giữa khuya và nói với chính mình, “Mày sợ cái gì? Đó không phải là sự sợ hãi. Không có điều gì mà mày biết rõ cả. Mọi thứ không là gì hết và con người cũng không là gì hết... không là gì hết và rồi không là gì hết, và không là gì hết và rồi không là gì hết. [3] ” Và sau đó, vì cảm nghiệm được cái chết của Thượng đế, lão tiếp tục lẩm nhẩm bài “kinh lạy Cha” bằng lời tuyệt vọng báng bổ: “Lạy ngài Không Là Gì của chúng con, ngự ở cõi Không Hề Có... [4] ” và “Kính mừng Đức Không Là Gì, không có ân phúc gì [5] ...” Điều này thật cay nghiệt, ngay cả đối với Hemingway, nhưng lão hầu bàn không làm gì hơn là gọi tên sự trống rỗng được cảm nhận bởi hầu hết các nhân vật trong những cuốn tiểu thuyết đầu tay của Hemingway; sự trống rỗng ấy giống như một nỗi khát khao nào đó mà họ tìm cách khuây khoả bằng rượu, bằng tình dục, bằng bạo lực trong cuộc hành trình không mục đích từ quán rượu đến giường ngủ và trường đấu bò tót. Đến đây, chắc hẳn không cần thiết phải nói rõ rằng đa phần nỗi tuyệt vọng và bi quan nơi các tác giả đương đại khác đều có nguồn gốc từ cảm giác trống rỗng trong đời sống hiện đại.
6. Tự do
Không sớm thì muộn, các tác phẩm hiện sinh sẽ đi đến đề tài về tự do. Các đề tài mà chúng ta vừa phác hoạ bên trên đã mô tả phần nào sự mất tự do của con người, hoặc mối đe doạ đối với tự do, và tất cả các nhà hiện sinh, dù thuộc trường phái nào, cũng đều ưu tư đến hành động mở rộng phạm vi tư do của nhân loại.
Đối với những tác giả công khai thừa nhận mình là kẻ vô thần như Sartre, thì tự do có nghĩa là tự do lựa chọn. Trong một vũ trụ không có mục đích, con người buộc phải có tự do, bởi vì anh ta là sinh linh duy nhất có thể tự vượt qua chính mình, có thể trở thành một cái gì đó khác với cái anh ta hiện là. Chính vì không có Thượng đế mang lại cứu cánh cho vũ trụ, cho nên mỗi người phải nhìn nhận trách nhiệm cá nhân đối với tiến trình đang trở thành của chính mình; đây là một gánh nặng sẽ trở nên nặng nề hơn, vì khi chọn lựa cho chính mình, anh ta cũng đồng thời chọn lựa cho tất cả những người khác “một hình ảnh con người mà anh ta phải là”. Con người là toàn bộ các hành vi làm nên đời sống anh ta – không hơn, không kém – và dẫu cho một kẻ đớn hèn đã tạo nên mình một cách hèn mạt, thì lúc nào cũng có thể tự mình thay đổi để biến thành kẻ anh hùng. Trong cuốn tiểu thuyết The Age of Reason của Sartre, một trong các nhân vật ít đáng yêu nhất, kẻ hầu như bị chôn vùi trong sự tuyệt vọng và cảm giác tự ghê tởm mình vì khuynh hướng tình dục đồng tính, sắp sửa giải quyết vấn đề của mình bằng cách dùng lưỡi dao cạo để tự sát; nhưng với sự nỗ lực của ý chí, anh ta ném lưỡi dao xuống, và chúng ta phải hiểu rằng kể từ giây phút đó, anh ta sẽ chế ngự được bản năng dị thường của mình. Vì lẽ đó, trong thế giới của Sartre, con người phải định hướng cho tiến trình trở thành của mình trên lối đi hàng ngày của đời sống thường nhật.
Các nhà hiện sinh hữu thần thì giải thích sự tự do của con người theo cách khác. Họ cũng dùng một ngôn ngữ giống như Sartre, cũng phát triển các đề tài liên quan đến tình trạng khốn khó của con người, nhưng luôn luôn coi sự hiện diện của Thượng đế như một yếu tố căn bản. Họ nhấn mạnh đến đức tin hơn là ý chí, đồng thời giải thích tình trạng tồn tại của con người như là một tình trạng xung khắc với bản chất căn bản của anh ta, cái có đặc tính tựa như thần thánh; vấn đề của đời sống anh ta là phải hàn gắn vực thẳm giữa anh ta và bản chất, ngõ hầu tìm được sự cứu rỗi. Họ cho rằng điều bí ẩn và nỗi mơ hồ trong sự tồn tại của con người nằm ở chỗ anh ta là sự dung hợp của hai lãnh vực. “Con người dung chứa trong chính bản thân mình,” Berdyaev viết, “một hình ảnh bao gồm hình ảnh của anh ta và hình ảnh của Thượng đế, và hình ảnh con người cùng với hình ảnh Thượng đế đều có thật.” Tillich mô tả sự cứu rỗi là “một hành động, trong đó, sự ngăn cách giữa bản chất căn bản và tình trạng hiện sinh bị vượt qua.” Tự do, theo Sartre, là chấp thuận lựa chọn và phải gánh vác trách nhiệm đối với sự lựa chọn đó. Đây là ý nghĩa của đức tin, một đức tin giống như đức tin của Abraham, sự hy sinh đớn đau ước mơ và báu vật yêu thương nhất của chính mình theo ý Thượng đế.
Cuối cùng, khi nào một người không mong tìm thấy tất cả những đặc điểm của chủ nghĩa hiện sinh như vừa được mô tả trong một nhà văn riêng biệt nào đó, thì khi ấy, anh ta sẽ biết rằng một số trong các lối thể hiện nổi bật nhất của chủ nghĩa hiện sinh trong văn chương và nghệ thuật thường đến với chúng ta một cách gián tiếp, thông qua các biểu tượng, hoặc thông qua những sự cách tân hình thức thể hiện truyền thống. Trong The Sound and the Fury, vừa đánh đổ vừa nới rộng thời gian; hoặc khi đặt dĩ vãng và hiện tại liền kề nhau, Faulkner đã xoá nhoà ranh giới giữa chúng. Ông thực hiện điều này bằng cách dùng nhiều hình thức “dòng ý thức” khác nhau, hoặc bằng nhiều thủ pháp, mà với chúng, ông nhìn cuộc đời dưới hình thức kinh nghiệm chủ quan và độc nhất, hay nói cách khác, nhìn cuộc đời một cách hiện sinh. Ông phản đối cách nhìn cuộc đời như là cái gì đó nằm bên ngoài con người – một trình tự phát triển duy lý bị cắt khúc thành những phân đoạn giống nhau bởi chiếc kim đồng hồ – để cổ xuý cho một cách nhìn mà qua đó, cuộc đời mang những đặc tính mờ đục, mơ hồ và phi lý, đúng theo cách các nhà hiện sinh thường nhìn. Graham Green cũng làm điều tương tự trong The Power and the Glory. Ông dựng nên một khung cảnh tách biệt về mặt thời gian và không gian, một khung cảnh dồn nén và ngột ngạt như thể chiếc ống nghiệm đầy khí bị đóng chặt nắp lại. Trong khung cảnh tù đọng với sự chết chóc và khổ đau lởn vởn, một vị tu sĩ say rượu bước đi trong nỗi cô độc và hoang mang, bị truy đuổi bởi một viên đại uý cảnh sát, người đã cảm nghiệm được sự trống rỗng của cuộc đời và cái chết của Thượng đế.
Lối thể hiện như thế trong văn chương không nhất thiết có nghĩa rằng những tác giả ấy là lý thuyết gia của chủ nghĩa hiện sinh, hoặc họ đã biết nhiều đến các tác phẩm của những lý thuyết gia loại ấy. Faulkner có thể chưa bao giờ đọc Heidegger, người từng tìm cách chứng tỏ thời gian tồn tại bên trong con người và lệ thuộc vào kinh nghiệm độc nhất của anh ta về nó, hơn là nằm bên ngoài anh ta. Nhưng vẫn hoàn toàn hợp lý khi gọi các quan điểm về thời gian và cuộc đời của Faulkner mang tính chất hiện sinh trong cuốn tiểu thuyết này của ông, bởi vì trong những năm gần đây, các lý thuyết gia hiện sinh đã mang đến cho các quan điểm ấy một cái tên và một nơi cư trú. Một trong những điểm lôi cuốn, và cũng là một trong những điều nguy hiểm, của các đề tài hiện sinh là: mỗi khi người ta bắt đầu tìm kiếm chúng, thì chúng có mặt khắp mọi nơi. Nhưng nếu anh ta áp dụng chúng một cách dè dặt và hạn chế, thì lại phát giác ra rằng chúng soi sáng phần lớn nền văn chương đương đại, và đôi khi nền văn chương của quá khứ nữa.
CAO HÙNG LYNH dịch
Nguồn: “A Primer of Existentialism”, Gordon E. Bigelow, đăng trên College English, số tháng Mười Hai, 1961.
Bản điện tử: talawas.org
Bản điện tử: talawas.org
[1]Abraham: theo kinh thánh, người bị Thượng đế yêu cầu phải hy sinh đứa con trai Isaac. Trong Fear and Trembling của Kierkegaard có đoạn như sau: “Hắn [Abraham – ND] ném Isaac xuống đất và nói: ‘Thằng ngu, mày tin tao là cha của mày ư? Tao là người sùng bái thần tượng. Mày tin đây là lệnh của Thượng đế ư? Không, đây là ước nguyện của tao.’ Isaac run rẩy và đau đớn kêu lên: ‘Xin Thượng đế trên trời cao hãy thương xót lấy con, xin Thượng đế của Abraham hãy thương xót lấy con; nếu trên đời này, con không có cha, xin Ngài hãy là cha của con!’ Nhưng khi đó Abraham chợt thì thầm với chính hắn: ‘Lạy Thượng đế, con cảm ơn Ngài; cuối cùng, thà là con của con tin rằng con là quái vật, còn hơn là nó mất niềm tin vào Ngài’ (ND)
[2]“The Hollow Men”, Collected Poems, T. S. Eliot.
[3]Nguyên văn tiếng Tây-ban-nha: Nada y pues nada, y nada y pues nada. (ND)
[4]Bài “kinh lạy Cha” bắt đầu như sau: “Our Father, who art in heaven...” (“Lạy Cha chúng con ở trên trời...”) và lão hầu bàn sửa lại thành: “Our Nothing, who art in Nothing...” (ND)
[5]Bài “kinh kính mừng” mở đầu bằng: “Hail, Mary, full of grace,...” (“Kính mừng Maria đầy ân phúc...”) và lão hầu bàn sửa lại thành: “Hail nothing, full of nothing...” (ND)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét