Thứ Bảy, 25 tháng 5, 2013

Bà Ngoại; Tướng sát phu - Đỗ Ngọc Thạch



http://profile.ak.fbcdn.net/hprofile-ak-snc4/49869_100000171053404_6024355_n.jpg
 
Điêu Thuyền
 
Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch - Trích : Bà Ngoại; Tướng sát phu
 
Có  thể của chính bạn sáng tác hoặc sưu tầm từ nhiều Tác giả khác nhau. ...  Đỗ  NgọcThạch ...  truyện  ngắn,  đỗ  ngọc  thạch:
www.chutluulai.net/forums/showthread.php?t=8250 - Bộ nhớ cache
 
Tướng Sát Phu - Chút lưu lại
chutluulai.net/forums/showthread.php%3Ft%3D4610
Tướng Sát Phu Đỗ Ngọc Thạch Một buổi sáng cuối Xuân đầu Hạ, hai chú tiểu của chùa Pháp Vân ra mở cổng chùa thì thấy một cái bọc nhỏ  ...
 
 
Đỗ Ngọc Thạch - văn học & nghệ thuật
www.vanchuongviet.org/index.php%3Fcomp%3Dtacgia%26actio...
Đỗ Ngọc Thạch  ... Đứa bé tật nguyền và nàng tiên áo trắng ( truyện ngắn). Đại gia và siêu mẫu chân dài (truyện  ...Bà Nội ( truyện ngắn).  Bà Ngoại ( truyện ngắn)  ...
 
Bà Nội (truyện ngắn)
Bà Ngoại (truyện ngắn)
 
 

Bird  Bà Ngoại
Bà Ngoại 
Đỗ Ngọc Thạch  

Bà Ngoại tôi sinh được bốn người con: mẹ tôi, cậu Thuần, dì Phượng và cậu Phúc.Sau giải phóng Thủ đô, gia đình mẹ tôi và cậu Thuần đều về Hà Nội. Dĩ nhiên là Bà Ngoại ở nhà con trai là cậu Thuần, ở phố Ngô Thì Nhậm. Còn Dì Phượng , cậu Phúc sau đều trở thành nhà giáo, dì Phượng dạy học ở Thị xã Bắc Ninh, cậu Phúc dạy học ở Thị xã Hà Đông. Nếu nhìn về đường con cái thì có thể nói, bà Ngoại tôi đã mãn nguyện, bởi trong thời buổi chiến tranh loạn lạc như thế mà con cái đều trưởng thành và bình an thì thật là quá nhiều may mắn!... 

Lúc đó, tôi đã bảy, tám tuổi, đã có thể một mình đi khắp 36 phố phường Hà Nội nên hầu như ngày nào tôi cũng tới thăm bà Ngoại. Lý do nữa để tôi luôn tới thăm bà ngoại là lúc đó, cậu Thuần tôi đã là Dược Sĩ, có xưởng bào chế thuốc mang tên Lê Văn Thuần, hoạt động rất náo nhiệt. Nếu so với những máy móc hiện đại bây giờ thì xưởng bào chế thuốc của cậu Thuần là đồ bỏ, nhưng vào thời điểm lúc đó, nó vào loại có tiếng ở Hà Nội. Xin nhắc lại là sau kháng chiến chống Pháp, dân ta có tới khoảng 80% là mù chữ thì việc cậu tôi đã là Dược sĩ và có xưởng bào chế thuốc riêng thì ở Hà Nội chỉ có vài người.  

Những người làm việc ở trong xưởng bào chế đó có rất nhiều các ông cậu của tôi, do ông Ngoại tôi có tới ba bà vợ, bà hai và bà ba thì nhiều con hơn bà cả, tức Bà Ngoại sinh ra mẹ tôi. Ở Xưởng bào chế chơi với các cậu một lúc thì về nhà cậu Thuần thăm bà Ngoại. Không hiểu sao nhu cầu gặp bà Ngoại của tôi nó lại luôn thường trực trong tôi và mặc dù, mỗi lần đến, bà Ngoại chỉ hỏi tôi dăm ba câu rồi lại phải tất bật với mấy đứa cháu con cậu Thuần (Cậu Thuần về Hà Nội mới lấy vợ, là người Hà Nội và sau đó có liên tục bốn người con). Vì vào thời điểm này, mẹ tôi cũng mới sinh thêm người con trai nên nhìn thấy bà Ngoại tất bật với mấy đứa cháu nội, tôi lại nhớ nhiệm vụ của mình là “Vú em” cho cậu em trai, nên chạy vội về nhà, không thì no đòn (Khi bố tôi đi làm về, thấy quần áo tã lót của em tôi chưa dọn sạch là “xuất chưởng” tới tấp, không cần hỏi tại sao?). 

Ông Ngoại tôi có tới ba vợ, có nghĩa là tôi có tới ba bà Ngoại. Ở quê tôi, các bà vợ sau của ông Ngoại (và cả ông Nội) đều gọi là bà Trẻ. Các người con của hai bà Trẻ đều từ lứa tuổi tôi và trở lên trên khoảng hơn chục tuổi nữa. Hai bà Trẻ đều có nhiều con hơn bà Ngoại vì thế có thể nói bên họ Ngoại của tôi rất đông, tôi thường bị nhầm lẫn hoài vì lâu lâu mới gặp nhau một đôi lần vào những dịp giỗ chạp hoặc Tết nhất. Song, tôi có một nhận xét chung là tất cả đều rất yêu kính bà Ngoại và những người con của hai bà Trẻ đều hao hao giống bà Ngoại. Khi ông Ngoại tôi “đi về với Tổ Tiên”, cả cái đại gia đình ấy như ong vỡ tổ, mọi người tứ tán, phiêu dạt bốn phương trời …Nhưng chỉ một thời gian sau, ba bà cùng với tiểu gia đình của mình đều dần ổn định theo cách riêng của mình. Những người con của Bà Trẻ Thùng (tức bà Hai) cũng về Hà Nội gần hết, chỉ có Bà Trẻ Hào và người con trai cả là “bám trụ” ở quê, làm nông dân trăm phần trăm! 

*

Bà Ngoại tôi có tên rất đặc biệt: Sái Thị Tích. Lúc đó, tôi đã nghiện Tam quốc diễn nghĩa của ông La Quán Trung (*) nên cứ nghĩ chắc họ Sái của bà có quan hệ với họ Sái trong Tam Quốc diễn nghĩa, một họ lớn ở Kinh Châu! Một lần, tôi hỏi bà Ngoại: “Họ Sái của bà có liên quan gì đến họ Sái ở Kinh Châu không?”. Bà Ngoại ngạc nhiên nhìn tôi rồi hỏi: “Tại sao cháu lại hỏi vậy?”. Tôi nói: “Tại cháu thấy ở Việt Nam chủ yếu là các họ Lê, Lý, Trần, Nguyễn…Cho nên những người họ Tào, họ Gia Cát, họ Uông, hoặc họ Sái như bà thì thế nào cũng là từ Trung Quốc di dân qua Việt Nam!”. Bà Ngoại cười rồi nói: “Cháu nghĩ đúng đấy! Họ Sái (**) của bà chính là xuất xứ từ họ Sái ở Kinh Châu (***), ở Việt Nam hiện nay, họ Sái có rất ít”. Tôi liền hỏi: “Vậy bà có biết nói tiếng Trung Hoa không?” – “Sao lại không? Cháu có thích nghe hát bằng tiếng Trung không? Lúc chưa lấy chồng bà rất hay hát”. Nói rồi bà Ngoại mắt ngước lên trời như nhìn về một nơi rất xa, quả là bà đang nghĩ về miền Thảo nguyên bát ngát mênh mông tận chân trời nơi quê hương tổ tiên bà và bà hát: “Kìa bầu trời xanh lớp lớp mây trôi về / In trên tầng mây trắng vó ngựa phi…”. Bà chỉ hát câu đầu bằng lời Việt và sau đó thì hát cả bài bằng tiếng Trung, một thứ tiếng Trung líu lo như chim họa mi, sơn ca cùng hòa điệu! Hát xong, bà nói nhỏ: “Đó là bài hát “Mặt trời không bao giờ lặn trên thảo nguyên”. Những người họ Sái xa xưa chủ yếu sống trên lưng ngựa, màu xanh thảo nguyên là màu họ yêu thích nhất!”. Nghe bà Ngoại nói vậy, tôi mới sực nhớ lại hồi còn ở quê, nhà bà cũng nuôi một đàn ngựa nhỏ và ông cậu Thuần đã được bà Ngoại cho tập phi ngựa từ nhỏ và cậu đã có thể trở thành một kỵ sĩ nếu không đi học Dược để thành Dược sĩ! 

Chính vì thường được nghe bà hát bằng tiếng Trung nên tôi cho rằng tiếng Trung có âm điệu rất hay, chỉ nói mà đã như hát và khi hát thì như là chim ca, như mây bay, như gió thổi! khi lên lớp Năm, tôi đã chọn học lớp có Trung Văn (lúc đó, từ lớp Năm, tức cấp Hai, học sinh đã được học ngoại ngữ gồm hai thứ tiếng: Nga văn và Trung văn). Đến khi học xong phần phát âm, tức là nhìn vào những từ mới, chúng tôi có thể tự đọc được nhờ phần phiên âm bằng tiếng La-tinh ở bên cạnh, thầy giáo Trung văn dạy chúng tôi hát bài “Mặt trời không bao giờ lặn trên thảo nguyên” thì tôi càng thấy rõ hơn bà Ngoại của mình chính là một ca sĩ của Thảo nguyên! 

*

Nhiều lúc tôi cứ nghĩ lẩn thẩn: tại sao không thấy bà Ngoại tới nhà tôi chơi, không thấy mẹ tôi và bà ngoại (tức hai mẹ con) ngồi nói chuyện với nhau, cũng không thấy bố tôi và bà ngoại (tức con rể và mẹ vợ) ngồi nói chuyện với nhau? Rồi bà Nội và bà Ngoại, hai người là thông gia mà tôi chưa thấy cùng ngồi nói chuyện với nhau bao giờ? Rồi tôi lại tự trả lời: có lẽ tôi đã không có mặt trong những cuộc gặp gỡ đó? 

Có một chuyện đau lòng mà cả hai bên nội, ngoại nhà tôi đều rất ít khi nói đến, đó là cái chết của ông Ngoại tôi trong Cải cách ruộng đất. Ông Ngoại bị qui là địa chủ và ông đã chết tại nơi giam giữ. Cái chết của ông Ngoại dường như là một bí ẩn mà không ai có thể “giải mã” được. Tôi đã hỏi mẹ tôi tới ba lần và hỏi bà Ngoại hai lần nhưng cả hai người đều không nói gì và điều thật kỳ lạ là cả mẹ tôi và bà Ngoại đều “ngâm Kiều” khi thấy tôi thất vọng bỏ đi: 

Trăm năm trong cõi người ta, 
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau 
Trải qua một cuộc bể dâu, 
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng. 
Lạ gì bỉ sắc tư phong 
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen. 

Chính vì thế mà cho đến tận bây giờ, tôi vẫn thuộc những câu mở đầu Truyện Kiều ấy. Nhưng về sau này, mỗi khi nhớ đến bà Ngoại, tôi lại “ngâm Kiều” như Người và chỉ dừng lại ở mấy câu sau: 

Phong lưu rất mực hồng quần 
Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê 
Êm đềm trướng rủ màn che, 
Tường đông ong bướm đi về mặc ai. 

*

Bà Ngoại “đi gặp ông Ngoại” vào một chiều Mùa Đông u ám… Trước khi “đi”, bà Ngoại không kịp nói gì với con cháu vì khi bà mở cửa ra ngoài ban-công để phơi đồ thì Tử Thần đã cưỡi một cơn gió mạnh ào tới và đem bà đi vĩnh viễn! Chắc là ông Ngoại tôi có chuyện gì đó rất hệ trọng cần gặp bà Ngoại gấp? 

Không hiểu sao, từ khi bà Ngoại “ra đi”, tôi mới phát hiện ra mẹ tôi, và cả cậu Thuần nữa, rất giống bà Ngoại. Giống đến nỗi mỗi khi nhìn vào mẹ tôi, tôi lại thấy bà Ngoại thấp thoáng khi ẩn khi hiện trên gương mặt mẹ: một khuôn mặt phúc hậu và đôi mắt hiền từ nhưng nhìn lâu thì thấy thăm thẳm u buồn!./. 

Sài Gòn, tháng 7-2010 

Đỗ Ngọc Thạch 
-------------------------------------------- 
(*) La Quán Trung: Tác giả Tam quốc diễn nghĩa, bản dịch của Phan Kế Bính qua hiệu đính của cụ Bùi Kỷ được phát hành năm 1959 (NXB Phổ thông, Hà Nội) là bản dịch tốt nhất, tính văn học thể hiện cao nhất. Bản dịch được NXB Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp Hà Nội tái bản năm 1987. 

(**) Họ Sái: 
Vị vua đầu tiên của nhà Chu, Chu Vũ Vương phong chức tước, địa vị và đất đai cho những người em trai của mình. Người em trai thứ năm là Cơ Độ được phân cho phần đất ngày nay thuộc huyện Thượng Thái , Trú Mã Điếm, Hà Nam, Trung Quốc và trở thành Thái Thúc Độ. Con trai của ông, Cơ Hồ (Thái Trọng Hồ), thiết lập kinh đô tại Thượng Thái. 
Thái Thúc Độ cùng hai người em khác của Chu Vũ Vương là Hoắc Thúc Xử và Quản Thúc Tiên được phong ở những vùng đất xung quanh Vũ Canh, con vua Trụ nhà Thương để làm "tam giám" coi chừng Vũ Canh. Nhưng cả 3 vị tam giám lại nghe theo Vũ Canh, nổi loạn chống lại nhà Chu. Cuối cùng họ đều bị Chu Công dẹp yên. Vũ Canh và Quản Thúc Tiên bị giết; Thái Thúc Độ và Hoắc Thúc Xử bị đi đày. Tuy nhiên, nước Thái của ông không bị xoá bỏ và phong cho người khác như nước Vệ của Quản Thúc. Con ông vẫn được tập tước. 

Thời kỳ đầu, Thái cùng các nước Lỗ, Tống từng xuất binh tấn công nước Trịnh. Năm 684 TCN, sau khi phát sinh mâu thẫn với nước Sở, vua Sở Văn Vương đã xuất quân bắt sống Thái Ai hầu và biến Thái trở thành một nước chư hầu của mình. Cho tới năm 531 TCN, Sở đã một lần tiêu diệt Thái, nhưng sau đó ba năm thì Thái Bình hầu lại giành được độc lập và di chuyển kinh đô tới Lữ Đình (nay là huyện Tân Thái ) vào năm 528 TCN. Năm 506 TCN, Thái cùng Ngô tấn công Sở, tiến tới tận Dĩnh Đô. Năm 493 TCN, do bị Sở bức bách, Thái Chiêu hầu phải di chuyển kinh đô tới Châu Lai , ngày nay là huyện Phượng Đài , địa cấp thị Hoài Nam, tỉnh An Huy, tại khu vực gọi là Hạ Thái . Năm 447 TCN, vua Sở Huệ Vương xâm chiếm nước Thái và lãnh thổ của nó trở thành một phần phía bắc của Sở. 
Những người cai trị nước Thái còn sót lại đã di cư xuống phía nam tới sông Dương Tử vào khu vực hiện nay gọi là Thường Đức (tỉnh Hồ Nam) và định cư tại khu vực gọi là Cao Thái , nhưng nhà nước suy tàn này đã bị tiêu diệt hoàn toàn sau đó khoảng 80 năm. 

Với sự phổ biến của họ đối với mọi giai cấp trong thời kỳ nhà Tần, được thành lập năm 221 TCN, nhiều người có tổ tiên trước đây là thần dân nước Thái đã lấy họ Thái hay Sái để nhớ về cố quốc của họ. 

Kể từ khi nước Thái biến mất, các hậu duệ của họ đã có 2 cuộc di cư lớn. Trong cuộc nổi dậy của Hoàng Sào năm 875 vào cuối thời kỳ nhà Đường (618-907), thị tộc họ Thái/Sái đã di cư tới các tỉnh Quảng Đông và Phúc Kiến. Cuộc di cư lớn thứ hai diễn ra khi người trung thành với nhà Minh là Quốc Tính gia (Trịnh Thành Công, 1624-1662) đưa các tướng họ Sái/Thái cùng gia đình họ sang đảo Đài Loan trong thế kỷ 17. Kết quả là hiện nay các họ Thái/Sái là phổ biến hơn cả tại những khu vực này. 

(***) Họ Sái ở Kinh Châu: Theo Tam Quốc Diễn Nghĩa thì Lưu Kỳ ban đầu được cha đẻ là Lưu Biểu rất yêu quý vì tướng mạo rất giống cha nhưng sau khi Lưu Biểu lấy lẽ là Sái thị thì lại quay ra thích con đẻ của Sái thị là Lưu Tông. Lưu Biểu nhất nhất nuông chiều Sái thị nên Kỳ ngày càng bị cha xa lánh. Ở Kinh Châu họ Sái nhân thế cũng nắm hết quyền hành (anh em Sái Mạo) thế nên Lưu Kỳ tính tình vốn đã bạc nhược nên phải dựa vào Lưu Bị. Lưu Bị bèn bày kế cho Lưu Kỳ hỏi Gia Cát Lượng kế sách yên thân. Ban đầu Gia Cát Lượng không chịu nhưng sau Kỳ dùng mẹo lừa Gia Cát lên lầu và rút thang không cho xuống khi ấy Gia Cát mới chịu bày kế cho Kỳ. Gia Cát khuyên Kỳ không nên ở lại Kinh Châu. Kỳ nghe theo, bèn nhân cơ hội Thái thú Giang Hạ là Hoàng Tổ bị Tôn Quyền mưu sát thì xin Lưu Biểu về coi Giang Hạ. Khi cha là Lưu Biểu hấp hối Kỳ có về Kinh Châu nhưng bị bọn Sái Mạo không cho gặp. Lưu Biểu mất bọn Sái Mạo đưa cháu của mình là Lưu Tông lên làm Kinh Châu mục. Khi Tào Tháo đánh đến Tân Dã bọn Lưu Tông Sái Mạo ra hàng Tào Tháo, Lưu Kỳ chạy về Giang Nam theo Lưu Bị. Sau khi Tào Tháo thua trận ở Xích Bích, Lưu Bị phong Lưu Kỳ làm Thứ sử Kinh Châu, qua năm thì mất. 

Đỗ Ngọc Thạch
__________________
 nguồn: chutluulai.net
   
Trần Hảo vào vai  Điêu Thuyền trên phim Tam Quốc...
 
  Tướng Sát Phu
Tướng Sát Phu  
Đỗ Ngọc Thạch 

Một buổi sáng cuối Xuân đầu Hạ, hai chú tiểu của chùa Pháp Vân ra mở cổng chùa thì thấy một cái bọc nhỏ đặt trong một cái hộp giấy cứng không có nắp đậy, trong cái bọc đó là một đứa bé gái khoảng một tháng tuổi, đang thiếp ngủ ! Mười ba năm sau, đứa bé gái bị cha mẹ bỏ vào nhà chùa đó đã trở thành một thiếu nữ mắt phượng mày ngài, mặt trái xoan, dáng dấp thanh tú. Hai chú tiểu ngày nào đã trở thành sư thầy, nói với nhau : “Chúng ta làm ơn cứu mạng như thế cũng được rồi, nay nên trả đứa bé lại cho cha mẹ nó, để nó ở lại đây tất sẽ gây họa lớn ! Cái trán cao rộng, hơi gồ và sáng bóng, mũi thì dài sống mũi lại quá mảnh khảnh, lưỡng quyền cao rộng nên có số sát phu, đàn ông mà dây dưa với nó tất chết bất đắc kỳ tử !” Rồi ngay sau đó, hai sư thầy gửi cô bé cho một vị giáo sư, nói là nó có tư chất thông minh, nhờ giáo sư kèm cặp, sau ắt sẽ trở thành nhân tài của đất nước ! Quả nhiên, chỉ sau ba năm, cô bé đã học xong tất cả chương trình phổ thông trung học. Các bài thi đại học những năm trước đó, cô bé đều làm dễ dàng như ăn kẹo ! Vị giáo sư đã hoàn tất mọi thủ tục để cô bé tham dự kỳ thi đại học tới, cô bé ắt sẽ đỗ thủ khoa, cả nước sẽ bị một phen bất ngờ !… 

Nhưng, người bị bất ngờ lại chỉ là hai ông sư thầy của chùa Pháp Vân : Trước ngày thi một ngày, bà vợ vị giáo sư dắt cô bé trả lại cho nhà chùa mà rằng : 

- Đứa bé này thông minh thật, đúng là Thần đồng, nhưng nó đã đem tai họa đến cho nhà tôi : ông chồng tôi gần hết đời mới đạt được công danh, vậy mà chỉ sau một đêm dan díu với nó đã chết thật thảm thương ! (Khóc) Sáng nay, ông ấy dậy sớm tập thể dục như mọi ngày, vậy mà không thể trở về nhà với tôi được nữa : một chiếc xe tải to đùng đã nghiến nát ông ấy rồi ! 

Hai vị sư thầy đành để cô bé ở lại chùa. Việc truy tìm tung tích cha mẹ đứa bé vẫn chưa có kết quả. Hai vị sư thầy bàn với nhau : “Nó đã đem tai họa đến cho người ta, vậy phải cho nó cơ hội chuộc lại tội lỗi : cho nó đi học nghề chữa bệnh cứu người . Công, tội có thể bù đắp, hóa giải cho nhau !” Cô bé liền được gửi đến ở phòng mạch Đông Y của một Lương Y danh tiếng, nghe nói đã bốn đời hành nghề chữa bệnh cứu người, cha ông đã từng thọ giáo bậc danh y Hải Thượng Lãn Ông ! 

Cô bé đến phòng mạch Đông Y chưa được ba bảy hai mươi mốt ngày thì bà vợ ông Lương Y đã dắt nó đến trả cho nhà chùa mà không nói một lời ! Hai sư thầy đi tìm hiểu sự việc thì được biết : một lần đang xem bệnh, kê đơn bốc thuốc cho con bệnh thì cô bé đi vào nói đau bụng không thể chịu nổi. Vị Lương y đành bỏ dở công việc mà tìm cách cắt cơn đau cho cô bé. Sau một hồi day huyệt, cô bé đã hết đau bụng nhưng vị Lương Y đã bị cơ thể cô bé làm cho mất hồn, không thể kiềm chế được cơn sóng tình dục cứ dâng lên cuồn cuộn. Sau cuộc giao hoan vội vàng với cô bé, vị Lương Y chẳng còn minh mẫn để kê đơn bốc thuốc cho con bệnh, kết quả là cái toa thuốc ấy đã giết chết con bệnh, người nhà con bệnh tức thì vác dao đến đòi mạng, chẳng kịp ngăn cản ! 

Hai vị sư thầy sau khi biết chuyện thì mười phần kinh hãi ! Mặc dù hai vị sư thầy nghiên cứu rất kỹ về thuật tử vi tướng số nhưng trong thâm tâm họ đều không mấy tin vào những chuyện tào lao đó, chẳng qua chỉ là trò chơi của tạo hóa ! Nhưng đến sự việc xảy ra ở phòng mạch Đông Y này thì cả hai vị sư thầy đều run sợ trước sự huyền bí của định mệnh mà thuật tướng số chỉ hé mở được phần nào sự huyền bí đó ! Suy nghĩ nát nước mà hai vị sư thầy vẫn chưa biết phải cho cô bé có tướng cách dị thường này đi đâu, chùa Pháp Vân này chưa có lệ thu nhận sư nữ mà tung tích cha mẹ cô bé vẫn chưa thấy tăm hơi gì ? Thời gian cứ đều đặn trôi đi từng ngày, từng ngày, nó không thể dừng lại để đợi hai vị sư thầy nghĩ xong kế vẹn toàn, một tuần lễ trôi qua như một cái chớp mắt. Sang ngày thứ tám, một vị sư thầy có việc phải đi Tây Nguyên. Ba ngày sau, vị sư thầy ở nhà được báo mộng, người báo mộng lại là đích thân Bồ Tát:”Đêm hôm trước khi đi Tây Nguyên, sư huynh con đã dại dột giao hoan với cô bé có tướng sát phu đó. Hôm qua, xe chở sư huynh con đã lăn xuống vực ở tỉnh Kon Tum, chiếc xe cháy rụi, sư huynh con đã bị cháy thành than rồi! Tiếc thay, trồng cây sắp đến ngày hái quả mà lại…Con ráng mà giữ thân đặng tu thành chính quả, đừng như sư huynh mà uổng công mấy chục năm tu hành!”. Vị sư thầy chỉ còn biết ôm bài vị của sư huynh mà khóc không thành tiếng!… 

* * *

Khi tôi đang lang thang kiếm sống ở Sài Gòn thì bất ngờ gặp một người bạn cũ là chuyên gia Hán-Nôm ở Hà Nội vào Sài Gòn làm việc. Khi biết được tình cảnh đang thất nghiệp của tôi, người bạn nói : 
- Giá như ông nghe tôi, hồi còn làm ở Viện Văn học mà tranh thủ theo học một khóa Hán-Nôm thì bây giờ tôi có thể nhận ông làm việc ở chỗ tôi. Bây giờ phong trào tìm về cội nguồn rất rầm rộ, rất nhiều văn bia, thần tích, gia phả…cần được biên dịch… 

- Tôi không thích nói “Giá như…”, ông không giúp được gì cho tôi cũng không sao ! – Tôi nói cứng – Mà ông cũng chẳng phải ái ngại cho tình cảm của tôi bây giờ. Cái số tôi nó “bèo dạt mây trôi” dài dài, tôi đã quen rồi ! 
Người bạn vụt nhớ ra điều gì, vội nói : 

- Ông nói tới chuyện tướng số làm tôi nhớ đến một vị sư thầy ở chùa Pháp Vân, vừa là bà con xa vừa là học trò Hán-Nôm của tôi. Vị sư thầy này rất giỏi tử vi tướng số, nếu ông có hứng thú, tôi sẽ dẫn ông tới chơi ! 
Dĩ nhiên là tôi rất hứng thú và người bạn chuyên gia Hán-Nôm liền dẫn tôi đến chùa Pháp Vân.

Khi chúng tôi đến chùa Pháp Vân, vị sư thầy vẫn chưa thôi ôm bài vị của sư huynh mà khóc thầm ! Gặp người bạn chuyên gia Hán-Nôm và tôi, vị sư thầy mới dứt được nỗi đau mất sư huynh đã kéo dài ba ngày ! Sau khi kể cho chúng tôi nghe đầu đuôi câu chuyện về cô bé có tướng sát phu, vị sư thầy nói : 
- Tôi đã được Bồ Tát báo mộng sắp thành chính quả, vì thế bằng mọi giá phải cho cô bé đi khỏi chùa này. Tôi rất mong sư phụ và thí chủ đây giúp tôi ! 

- Chúng tôi xin sẵn lòng, sư thầy cho biết giúp như thế nào ? – Tôi và người bạn Hán-Nôm cùng nói . 

Vị sư thầy im lặng giây lát như lấy hơi rồi nói : 

- Tôi không ngờ cái tướng sát phu của cô bé lại hiệu nghiệm kinh hoàng như vậy. Tôi đã đành phải lấy cái tướng cách đó ra mà đặt tên làm giấy khai sinh cho cô bé, gọi chệch đi một chút : Sa Phi ! Tôi chợt nghĩ, cái tên đó gần giống với tên một loại đá quí, vì thế tìm một người có tên là một loại đá quí mà gả cho cô ta thì tai họa sẽ giảm thiểu đi nhiều, nếu người đó có lá số tử vi gần giống với lá số tử vi của Hàn Tín thì không còn lo ngại gì nữa ! 

Nghe tới đó, tôi giật mình kinh ngạc vì thấy mình đáp ứng đủ cả hai điều kiện mà sư thầy vừa nói. Tôi càng kinh ngạc hơn khi vị sư thầy chăm chú nhìn tôi một lát rồi nói : 

- Thí chủ đây đã lập lá số tử vi chưa ? Nếu chưa tôi xin làm giúp ! 
Tôi lấy lá số tử vi của mình ra đưa cho vị sư thầy mà nói : 
- Tôi mới lập lá số này được một tháng, nhờ thầy xem lại ! 
Vị sư thầy đón lấy lá số tử vi của tôi, liếc nhanh qua rồi nắm chặt lấy hai tay tôi mà rằng : 

- Người cứu mạng tôi đây rồi ! Hẳn là Bồ Tát đã đưa tới ! 
Mọi việc đã được quyết định chóng vánh như là vị sư thầy đã chuẩn bị sẵn từ trước : vị sư thầy thuê cho tôi một căn nhà nhỏ ở vùng ven đô, tiền trả trước một năm, ba ngày nữa tôi sẽ đem xe hoa đến đón cô dâu Sa Phi về đó làm lễ động phòng ! Tất nhiên mọi chi phí cho tiệc cưới (gọn nhẹ), sư thầy lo hết !… 

Ngày thứ nhất, tôi làm xong cái việc khá quan trọng là tân trang căn nhà nhỏ, nơi sẽ trở thành tổ ấm gia đình của tôi sau nhiều năm phiêu bạt giang hồ, lăn lóc khắp rừng xanh núi đỏ cho đến biển bạc sóng cồn ! Có lẽ cái nhu cầu cần có điểm dừng đã quá mạnh khiến cho tôi không hề cảm thấy run sợ mảy may khi phải đối mặt với sứ giả của tử thần ! Có lúc tôi cũng tặc lưỡi mà cười thầm : “Có chết trong tay người đẹp cũng còn hơn là chết tan xác nơi sa trường mịt mù bom đạn ! Vả lại, vị sư thầy đã cam đoan với tôi rằng , cái tướng sát phu dù có dữ dội tới cỡ nào cũng không hại được tôi, vì tôi đã có quý nhân phù trợ, hơn chục lần tôi đã thoát hiểm trong đường tơ kẽ tóc đã khẳng định chắc chắn điều đó !”. Quả nhiên, trong giấc ngủ ở nhà mới đêm đầu tiên, tôi đã được Phật Tổ Như Lai hiện ra báo mộng : Ngài hiện ra trong ánh hào quang rực rỡ, nhìn tôi bằng ánh mắt nhân từ, tuy Ngài không nói gì nhưng đã mỉm cười với tôi ! Tôi hiểu ra ngay cái ẩn ý ở sau sự kiện này : tôi đã có công cứu nạn người nhà Phật (tức vị sư thầy chùa Pháp Vân) nên số phận đã mỉm cười với tôi, tôi cứ im lặng làm theo sự xếp đặt của số phận, không nói gì cả, vì im lặng là vàng mà ! 

Ngày thứ hai, tôi đi thuê xe ô-tô đón dâu và một bộ complê và mua một vài thứ lặt vặt cần dùng. Xong việc, cũng vừa tới bữa trưa, tôi vào một nhà hàng nơi con hẻm yên tĩnh để tự thưởng cho mình một chầu no say, đặng ngày mai bước vào cuộc chiến đấu mới đầy bí hiểm ! Vừa uống xong li bia đầu tiên thì thật bất ngờ, Siêu – người bạn học với tôi từ năm học lớp mười ở trường Hải An (Hải Phòng), đi vào, một mình ! Sau phút hàn huyên tôi mới được biết : Tốt nghiệp đại học Thủy sản, Siêu về làm việc ở Sở Thủy Sản Hải Phòng một thời gian rồi lên cơ quan Bộ, một thời gian sau nữa làm giám đốc một công ty xuất nhập khẩu thủy hải sản, hiện đang chuẩn bị nhận chức phó Tổng giám đốc của một Tổng công ty rất lớn. Hỏi đến chuyện vợ con, Siêu rầu rĩ nói : 

- Ngày mai là ngày tao cưới vợ lần thứ hai. Nếu như vợ trước của tao đẹp như hoa hậu thì vợ này không thua gì Thị Nở của anh Chí Phèo ! 
Tôi ngạc nhiên : 

- Thế thì thôi đi, như mày lấy vợ đẹp có khó gì ? 
- Không thể thôi dễ dàng như mày nói thế được ! – Siêu nói thong thả - Cô nàng tuy xấu mã nhưng lại tốt tướng, phải nói là quý tướng, đó là tướng “vượng phu ích tử” : nàng vừa có ngọc đới yêu vi vừa có song long nhiễu nguyệt, người như thế trong ngàn người mới có một ! Hơn nữa, cha và mẹ nàng đều có thế lực cực mạnh ở trong giới kinh doanh và quan trường ! 

- Thế thì còn rầu rĩ cái nỗi gì ! Cứ cưới cô vợ Thị Nở ấy đi, khi nào thích “ăn phở” thì một cú điện thoại là có liền, mà “phở” bây giờ được “nâng cấp” tới cỡ siêu người mẫu, hoa hậu, ngôi sao điện ảnh…thậm chí có cả “hàng ngoại” với đủ các màu da, các quốc tịch ! – Tôi nói như là rất sành sỏi trong đề tài này ! 

Siêu như là không hứng thú với cái đề tài “phở”, hỏi sang chuyện làm ăn của tôi và tỏ ra ái ngại cho cảnh ngộ hiện tại của tôi. Siêu nói : 
- Chịu khó chờ một thời gian nữa, khi nào tao nhận chức, tao sẽ lấy mày về làm việc ở Phòng thông tin – tuyên truyền, chắc là mày sẽ làm tốt ! Còn chuyện vợ con thì sao ? 

Khi tôi đưa tấm hình của Sa Phi cho Siêu xem và nói ngày mai sẽ là ngày đón dâu, Siêu kinh ngạc thốt lên : 
- Tiên nữ giáng trần ! Không thua gì tứ đại mỹ nhân bên Tàu ngày xưa ! Cô gái này có vẻ đẹp bế nguyệt của Điêu Thuyền ! 

- Chính xác! – Tôi thừa nhận – Dung nhan thì hao hao như Điêu Thuyền, nhưng tư chất thì đặc biệt thông minh, trí nhớ thật siêu phàm. Đọc sách chỉ một lần là hiểu ngay và nhớ hết, có thể đọc ngược Truyện Kiều không sai một chữ! Cô ta đã tự học ba ngoại ngữ Anh, Pháp và Trung Hoa! Tuy không học qua trường nào nhưng có thể giải nhanh chóng tất cả các đề thi đại học!… 
Những câu chuyện về cô gái Sa Phi đã thực sự cuốn hút anh bạn Siêu của tôi, nhất là chuyện sát phu kỳ lạ và kinh hoàng! Khi chúng tôi đã uống hết một thùng bia Heineken, Siêu nói “xì-tốp” và kêu một ấm trà Thái rồi châm rãi nói: 

- Mày phải hủy bỏ ngay đám cưới này! Để rồi tao sẽ làm mối cho mày một người vợ có tướng cách cực quý, vừa vượng phu ích tử vừa rất xinh đẹp, lại có chức danh Phó Giám đốc đàng hoàng ! 

- Dù có là Nữ hoàng bây giờ muốn cưới tao, tao cũng không ham. Đã nhận lời người ta rồi, mọi việc đã hoàn tất, không thể thất tín được, nhất là với người nhà Phật! Hình như trong chuyện này, cả Phật Tổ Như Lai và Quan Âm Bồ Tát đều nhúng tay vào! – Tôi nói to như quát. 

Hai người hai quan niệm khác nhau thật khó mà có thể đi đến một sự hòa hoãn. Những tưởng cuộc tranh luận của chúng tôi sẽ dẫn đến xung đột vì chúng tôi vốn cùng nóng tính và từ thời học trò vốn chẳng ai chịu thua ai. Song, anh bạn Siêu của tôi tỏ ra bình tĩnh và sành đời hơn. Không hiểu sao, Siêu bỗng đưa cho tôi cái điện thoại di động mới cứng và nói : 
- Cái điện thoại di động này tao mua cho mụ vợ, nhưng hôm nay gặp lại mày ở đây, tặng mày luôn. Mày hãy gọi cho một người thân nào đó bất kỳ mời mai đến dự lễ cưới của mày, nếu người đó nhận lời ngay thì mọi điều mày nói từ nãy đến giờ đều đúng ! Còn nếu mày gọi tiếp cho hai người nữa mà không ai nhận lời thì mày phải nghe tao, hủy đám cưới ! 
Tôi nhận cái điện thoại di động từ tay Siêu, ấn ngay số máy điện thoại của bà chị cả. Vừa nghe thấy giọng nói của tôi, bà chị đã nói ngay, giọng mếu máo : 

- Mẹ ốm nặng, tình hình rất nguy kịch, cậu ra Hà Nội ngay, chị sẽ ra sau vì cả ba đứa cháu của cậu đều đang sốt ói mửa lung tung !… 
Nhận được tin dữ, tôi bảo Siêu đưa tôi đến chùa Pháp Vân ngay. Vị sư thầy chấp nhận quyết định chớp nhoáng của tôi : tôi phải đi Hà Nội ngay, Siêu sẽ thay tôi giải quyết vụ cô gái tướng sát phu !… 

* * *

Ra Hà Nội, tôi chỉ được báo hiếu mẹ một tháng thì mẹ tôi qua đời. Trước khi nhắm mắt xuôi tay, mẹ tôi chỉ đọc cho tôi nghe một câu ca dao cổ : 
“Con ơi, nhớ lấy câu này 
Sông sâu chớ lội, đò đầy chớ đi !”  

Sau cái chết của mẹ, mọi suy nghĩ của tôi về sự đời như là có sự thay đổi rất lớn : Nếu như trước đây tôi “coi trời bằng vung”, sẵn sàng “bán trời không văn tự” thì bây giờ lúc nào tôi cũng cảm thấy sợ hãi, thấy mình yếu đuối, bé nhỏ vô cùng, cô đơn vô cùng ! Tệ hại hơn là trong giấc ngủ thường có ác mộng : cảnh bom đạn nơi chiến trường ngày xưa cứ hiện về không ngớt, và kết cục những cơn ác mộng ấy là một chùm bom cứ lao thẳng vào người tôi, có lần là cả một tốp hơn chục chiếc máy bay “Thần Sấm”, “Con Ma” cứ nhằm tôi mà lao tới cùng với những âm thanh gầm rú ghê rợn !…Và cuối cùng tôi đã rút ra phương châm xử thế : tránh mọi va chạm với người đời và tránh xa mọi tai ương có thể xảy ra ! Để làm được như thế, không có cách nào tốt hơn là làm theo các ẩn sĩ thời xưa ! 
Biết tôi có ý định tìm chỗ ở ẩn, Lò Giàng Páo – cậu học sinh cũ của tôi khi tôi dạy ở trường dự bị đại học Dân tộc Trung ương – nói sẽ dẫn tôi lên quê hương Hà Giang của cậu núi non trùng điệp, rất nhiều chỗ sơn thủy hữu tình có thể dựng Am cỏ như người xưa ! Páo là người Lô Lô, rất nhiệt tình nên chỉ sau một tuần, tôi đã làm xong thủ tục chuyển vùng . Chỉ chờ Páo xin nghỉ phép là thầy trò chúng tôi có thể lên đường … 

Sáng hôm ấy, tôi đang thơ thẩn ở Viện Bảo tàng dân tộc để chờ Páo thì bất ngờ gặp lại Giàng A Thạc – học cùng với tôi hồi lớp Năm ở trường Lương Ngọc Quyến – Thái Nguyên . Khi biết ý định muốn lên rừng của tôi, anh chàng họ Giàng người H’mông cười chảy nước mắt rồi kéo tôi đi, vừa đi vừa nói : 

- Tao có thằng bạn rất thân, hóa ra lại là bạn học với mày hồi lớp Mười ở Hải Phòng . Mày nhớ thằng Đông chứ, tốt nghiệp trường Đại học Mỏ - Địa chất, nó về làm ở một đoàn Địa chất ở Thái Nguyên, tao với nó chơi với nhau từ đó. Rồi nó được đi làm luận án tiến sĩ ở Nga, rồi về làm bên Dầu khí. Lần này nó rủ tao về Vũng Tàu. Chắc chắn là mày gặp nó là sẽ bỏ ngay ý định lên rừng mà sẽ đi xuống biển với chúng tao ! 

Quả nhiên khi gặp Đông, tôi bị Đông thuyết phục đi Vũng Tàu với Đông và anh bạn người H’Mông, và điều đặc biệt là Đông sẽ nhờ tôi làm quản lý trang trại của Đông ở Đồng Nai – như vậy là vẫn có chỗ cho tôi dựng Am cỏ làm Ẩn sĩ. Thì ra Đông làm công tác Thanh tra của ngành Dầu khí. Đông kể cho tôi nghe khá nhiều chuyện thuộc loại “thâm cung bí sử” của ngành Dầu khí và lấy làm tiếc rằng tôi không còn làm báo nữa vì nếu còn làm báo sẽ được có những tài liệu “độc nhất vô nhị” về những vụ tham nhũng động trời mà Đông đang thu thập chứng cớ. Nếu như trước đây, hẳn là tôi sẽ bám riết lấy Đông mà khai thác tài liệu, nhưng giờ thì tôi đã “tắt lửa lòng”, không muốn quan tâm đến thế sự nữa, điều mà tôi quan tâm ở Đông là cái trang trại của Đông ở Đồng Nai. Vì thế, sau ba ngày tắm biển sảng khoái ở Vũng Tàu, tôi thúc giục Đông đưa tôi đến trang trại… 

Trang trại của Đông thật là trên cả tuyệt vời, nếu tả cảnh thuần túy và thật cô đọng, ngắn gọn cũng phải hết năm chục trang sách khổ 13×19. Còn nói về tiềm năng phát triển kinh tế của trang trại thì cũng không dưới năm mươi trang! Tuy nhiên, điều thu hút sự chú ý của tôi ở cái trang trại này không phải là thiên nhiên kỳ thú mà là những người đang làm việc ở đây, mà đáng chú ý nhất là một người đàn bà trạc tứ tuần có tên gọi là Sái phu nhân. Tôi té ngửa khi chợt nhân ra khuôn mặt của Sái phu nhân rất giống cô gái Sa Phi ở chùa Pháp Vân! Chẳng lẽ đó chỉ là sự giống nhau ngẫu nhiên? Nhưng sau khi tìm hiểu thì sự ngờ vực của tôi đã có lời giải: bà Sái phu nhân chính là mẹ đẻ của cô gái Sa Phi! Và cái tên Sái phu nhân cũng do chữ “sát phu” mà ra: từ năm mười bảy tuổi đến năm bốn mươi tuổi, bà ta đã mười lần lên xe hoa và cả mười tân lang đều chết “bất đắc kỳ tử”, điều đáng ngạc nhiên là cả mười tân lang đều là quan chức cỡ giám đốc, Tổng giám đốc, trong đó có hai vị thuộc ngành du lịch, hai vị ở ngành Ngân hàng, hai vị ở ngành Dầu khí, hai vị ở ngành Thủy hải sản và hai vị ở ngành Thương mại! Với “chiến tích” đó, bà Sái phu nhân còn có tên gọi “Thập đạo Nữ tướng quân”, đó là giới sử học gọi còn cánh nhà báo thì gọi là “Dũng sĩ diệt giám đốc”!… 

Khi tôi nói rằng tôi đã gặp cô gái Sa Phi ở chùa Pháp Vân thì bà Sái phu nhân bỗng khóc rống lên một hồi rồi nói: 

- Tôi thật đáng chết khi bỏ con bé vào chùa Pháp Vân!… Con ơi, con hãy tha tội cho mẹ! Sau đó ba năm, tôi có nhờ người đến tìm nhưng không thấy, tính đến nay đã gần hai mươi năm trời, không biết con tôi thế nào? Nếu ông biết con tôi ở đâu dẫn nó về đây với tôi, tôi xin tình nguyện làm tôi tớ cho ông mãi mãi!… 

Vốn có tính dễ mủi lòng trước những lời cầu xin đẫm lệ, tôi nhận lời đi tìm Sa Phi, vả lại tôi cũng có chút “duyên nợ” với cô gái này! Tôi lập tức đi tìm Siêu. Có lẽ đến nhà cô gái xấu như Thị Nở nhưng có tướng “vượng phu ích tử” mà chắc là Siêu đã cưới làm vợ thì sẽ gặp Siêu. Nhưng khi tôi đến thì cô Thị Nở nói với tôi: 

- Anh Siêu chê em xấu xí quá nên đã hủy hôn mà cưới cô gái có cái tên “Sa Sát” gì đó rồi! Nghe nói họ đang hưởng tuần trăng mật ở Đà Lạt, anh lên đó sẽ gặp ngay! 

Tôi đến ngay Công ty của Siêu thì họ cũng nói vậy và cho tôi số máy di động của Siêu. Tôi gọi ngay cho Siêu thì người trả lời lại là tiếng Sa Phi:”Em là Sa Phi đây! Anh Siêu của em đang ở đâu hả ? Chúng em đang ở thác Đăm Bri, anh ấy vừa rơi xuống thác cách nay năm phút, đội cứu hộ đang tìm nhưng chưa thấy xác!…”. Không biết cô gái Sa Phi còn nói gì nữa không mà tôi chỉ nghe thấy tiếng thác dội ầm ào!… 

TP.HCM, 2005-2009
__________________
 nguồn: chutluulai.net
 
Quế Trân vào vai Điêu Thuyền trong vở Phụng Nghi Đình (nguồn Báo ảnh Đất Mũi)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét