Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2013

Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch trên phongdiep.net - trích: Về quê; Người mẹ và...



Thứ ba, ngày 12 tháng hai năm 2013


Về quê - Đỗ Ngọc Thạch (phongdiep.net)




57 truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch trên phongdiep.net- Trích: Về quê; Người Mẹ và...

26. VỀ QUÊ - Đỗ Ngọc Thạch


VỀ QUÊ - Đỗ Ngọc Thạch
VỀ QUÊ  
 

Truyện ngắn của Đỗ Ngọc Thạch 

Ngày đầu năm mới 2010, gia đình ông Qua thuê một chiếc xe du lịch hạng trung M. Benz 15 chỗ ngồi để cả gia đình đi chơi Vũng Tàu. Vợ chồng ông Qua có năm người con, hai trai ba gái, bốn người anh chị đều “có đôi’, tức số người đi sẽ là chín. Hai vợ chồng ông Qua và một nữ Osin, cộng vào sẽ là mười hai người. Nhưng gần đến giờ khởi hành thì hai đứa con người em ông Qua , tất nhiên là có đôi, xin đi ké. Tổng số người đi lên con số mười sáu! Là một quan chức cấp Quận, sống và làm việc rất “nguyên tắc”, ông Qua quyết định bớt lại một người cho đúng với “trọng tải” của xe là 15 người. Người đầu tiên được bà vợ ông Qua nói cần ở lại là cô Osin! Bà chủ nhà không cần nói ra lý do thì ai cũng biết, dạo này cô Osin bỗng “đỏ da thắm thịt” khác thường, các số đo đều rất quyến rũ và tất nhiên là ông Qua thường say sưa thưởng thức (dù chỉ bằng mắt) khiến bà Qua không thể “yên tâm”! Khi bà Qua đưa ra ý đó, ông Qua lập tức phản đối và nói nên xử theo “Luật công bằng”, tức bốc thăm hoặc tung đồng tiền như trong bóng đá!



Lúc ông Qua chuẩn bị cho mọi người bốc thăm thì cô con gái út tên Út Em, mới mười sáu tuổi, đang học lớp 12 Trung học Phổ thông, nói: “Mọi người khỏi phải bốc thăm nữa! Con xin tình nguyện ở lại, không đi Vũng Tàu!”. Mọi người cùng tròn mắt ngạc nhiên vì lâu nay, trong các cuộc “Tranh chấp quyền lợi”, cô con gái Út Em này bao giờ cũng muốn giành phần thắng, phần nhiều chứ không chịu thua, chịu nhường ai dù chỉ một ly! Vì thế, ông Qua phải hỏi lại: “Con có chắc không? Đừng hối hận nha!”. Út Em trả lời ngay, rõ ràng: “Con chắc chắn với quyết định của mình! Con sẽ ở nhà coi nhà và đọc cuốn sách mới mua hôm qua: Đại Việt Sử Ký toàn thư!”. Lần này thì mấy người anh, chị của Út Em kinh ngạc vô cùng, đến mức nhìn cô em Út trân trân mà không nói nên lời, song thực ra họ muốn nói: Em gái tôi nó khùng rồi bà con ơi!”…

* 
Khi chiếc xe chở những người đi Vũng Tàu đã không còn làm ồn con hẻm rộng rãi và yên tĩnh này nữa thì tiếng chuông điện thoại từ trong nhà réo vang, khiến Út Em đang tập thể dục ở ngoài sân cũng phải giật mình!... 

Thì ra người gọi điện thoại là người chị con người anh của ông Qua, tên là Thùy Trang, mới tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp nhưng chưa nhận công tác. Người chị con ông bác này của Út Em không hiểu sao rất giống Út Em cả về diện mạo và tính cách: xinh đẹp như Người mẫu thời trang như dữ dằn như bà Chằn! Thực ra Thùy Trang gọi điện thoại tới nhưng không hi vọng gặp Út Em vì cô nghĩ có thể cô em họ đã đi Vũng Tàu rồi. Cho nên khi nghe Út Em nói máy, Thùy Trang mừng quýnh và nói chờ ở nhà, chỉ năm phút sau sẽ tới có chuyện gấp!
Út Em đứng đợi ở ngoài cổng, chưa kịp đoán xem người chi họ có chuyện gì mà gấp gáp vậy thì chiếc xe du lịch bốn chỗ ngồi đã đỗ xịch trước cổng. Thùy Trang mở cửa chui ra khỏi xe, nhoáng cái đã thấy nắm chặt cánh tay Út Em mà nói: “Đi về quê chơi với chị! Chị “cá độ” với bố mẹ bao trọn gói một chuyến về thăm quê, tưởng giỡn chơi mà thành thiệt, nhưng cả nhà chị, chẳng ai chịu về quê chơi cả! Chị liền nghĩ ngay tới em!”. Út Em nói ngay: “Chị tìm đúng người rồi! Lúc nãy, em vừa tập thể dục ở sân vừa nghĩ: Phải chi lúc này mình đang ở quê để được chạy thả sức bên bờ sông rồi nhảy ùm xuống sông bơi như cá! Thật không ngờ, vừa nghĩ như vậy thì chị gọi điện thoại tới!”. Hai chị em làm động tác vỗ hai tay hai người vào nhau rồi chạy đi chuẩn bị đồ đạc cho chuyến đi!... 
* 
Quê của hai chị em Thùy Trang và Út Em là xã Tân Lân, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Có con sông Cái Lớn chảy qua, rồi chảy ra cửa biển Vàm Láng. Sông Cái Lớn tuy không nổi tiếng như sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây trở thành bài ca rung động lòng người, hoặc như sông Tiền, sông Hậu cả nước biết tên, nhưng mỗi khi về quê, Thùy Trang lại không thể quên được câu chuyện bi tráng: thời kháng chiến chống Pháp, giặc Pháp đã đem gần năm mươi người dân, chủ yếu là đàn ông vì bị nghi là Việt Minh hoặc có liên hệ với Việt Minh, ra bờ sông, thuộc địa phận ấp Bà Thoại, chặt đầu rồi ném xác xuống sông! Máu của họ đã nhuộm đỏ một khúc sông suốt hai ngày!... Cho đến bây giờ, hàng năm, cứ vào khoảng trước Tết Nguyên Đán, từ ngày 20 đến 25 Tháng Chạp, dân làng vẫn làm giỗ cúng hồn những người đã chết vì dân làng! Trong số những người dân bị giết thảm khốc đó, có tới ba người là họ hàng với chị em Thùy Trang!... 

Lần nào về quê, Thùy Trang cũng đến bên bờ sông ở ấp Bà Thoại để thắp nhang tưởng nhớ đến những người đã khuất. Lần này cũng vậy, Thùy Trang và Út Em cho xe chạy thẳng ra bờ sông. Vừa thắp nhang xong thì hai chị em giật mình khi thấy ông Tư Đảm đứng sau lưng từ bao giờ! Ông Tư Đảm với bố của Thùy Trang là cháu chú cháu bác, những lần về quê, Thùy Trang bao giờ cũng đến ở nhà ông Tư Đảm vì ông có cô con gái cùng tuổi với Thùy Trang. Sau khi hỏi han sơ qua, ông Tư Đảm buồn buồn nói: “Con Như Thủy nhà chú nó bị người ta dụ dỗ đi lấy chồng ở Hàn Quốc đã nửa năm rồi! Tháng trước mới viết thư về nói cuộc sống cũng tạm ổn, không biết có đúng không?”. Thùy Trang nghe nói mà thấy tim đau nhói!... Thùy Trang chưa kịp hỏi gì thì ông Tư Đảm lại nói: “Thanh niên trai tráng quê mình giờ đua nhau bỏ quê lên thành phố kiếm sống, con gái thì rủ nhau đi lấy chồng Hàn Quốc, Đài Loan… Tình hình này có lẽ chỉ dăm năm nữa thì làng quê chỉ còn toàn người già và trẻ con!”…Thùy Trang muốn nói gì đó mà không nói được, cô cầm chặt tay Út Em và một ý nghĩ vụt lóe lên: Mình sẽ cùng với Út Em làm một cuộc vận động những người quê ở Tân Lân trở về xây dựng lại quê hương!  

Trên đường về nhà ông Tư Đảm, Thùy Trang đã nói với Út Em cái ý nghĩ vừa lóe lên đó, tưởng nó sẽ cười nhạo cho là bà chị khùng điên nhưng Thùy Trang thực sự bất ngờ khi Út Em rất nhiệt tình ủng hộ ý tưởng đó của người chị họ! Hai chị em liền nói ngay ý nghĩ đó với ông Tư Đảm, ông thoáng mừng rỡ, niềm vui  hiện rõ trên khuôn mặt đã nhăn nheo, nhưng rồi cũng nhanh chóng vụt tắt, khi những giọt nước mắt nhẹ nhàng lăn ra từ hố mắt lõm sâu!... Tuy nhiên, ông Tư Đảm lại cười cười rồi nói: “Phải chi có được chục người như hai cháu thì quê mình hay rồi!”. Thùy Trang muốn nói, “Chú cứ tin cháu, thế nào cũng sẽ có nhiều người ủng hộ chúng cháu, không chỉ chục người mà sẽ là trăm, ngàn người!”, song cô lại sợ “Nói trước bước không qua”, nên lại thôi!...
*
Ông Tư Đảm có ba người con, Như Thủy là con gái đầu, tiếp theo là hai anh em sinh đôi Như Lai và Như Lợi. Như Lai và Như Lợi đã học hết Trung học Phổ thông nhưng thi Đại học hai lần đều trượt. Hai anh em cũng muốn theo bạn bè lên thành phố làm ăn nhưng từ khi biết chị Như Thủy có ý định “xuất ngoại” bằng con đường hôn nhân, thì cùng bảo nhau phải bám trụ ở quê nhà để phụng dưỡng cha mẹ, vì hai ông bà đã gần sáu mươi tuổi mà sức khỏe cũng không được tốt. Khi về nhà ông Tư Đảm lần này, Thùy Trang ngạc nhiên thực sự khi thấy hai chú em sinh đôi ngày nào còn bé loắt choắt mà nay đã là hai chàng lực điền tráng kiện, không thua gì mấy vận động viên thể hình ở Câu lạc bộ Thể hình của Thành phố! Cả Như Lai và Như Lợi thực ra không phải là “học sinh dốt” nên thi trượt Đại học hoài, mà chỉ thiếu hụt ba bốn điểm so với điểm được chọn vào Đại học. Bù vào đó, hai anh em đều rất “mát tay” trong việc trồng trọt và đặc biệt “sát cá” mỗi khi mang lưới, câu đi bắt cá! Vì thế, cuộc sống của gia đình ông Tư Đảm cũng vào loại vững chắc, không bao giờ lo đói! 

Khi về tới nhà ông Tư Đảm, Thùy Trang nói với ông Tư: “Chú gọi tất cả bọn trẻ ở ấp mình tới đây, cháu sẽ chia quà cho chúng nó!”. Ông Tư Đảm lo ngại, hỏi lại: “Liệu có đủ cho tất cả gần tám chục đứa trẻ từ mười tuổi trở xuống không?”. Út Em nói ngay: “Vậy thì khỏi lo thiếu vì chúng cháu dự tính có quà cho một trăm đứa! Mà nếu có thiếu thì lì xì bằng tiền!”. Ông Tư Đảm nói hai anh em Như Lai đi ngay, chỉ mười phút sau sân nhà ông đã đầy nhóc trẻ con! Hai chị em Thùy Trang, Út Em và ba bố con ông Tư Đảm phát quà mỏi tay! Thực ra, số quà này là Thùy Trang đã chuẩn bị để về quê trong vai Ông Già Noel, vào dịp Noel, nhưng vì vào dịp đó, ở Thành phố nhiều nơi muốn Thùy Trang vào vai Ông Già Noel quá nên cô không thể về quê được! Còn bây giờ thì không phải mặc y phục Ông già Noel nữa, vì thực ra trẻ con quê cô chưa quen với Ông già Noel như ở thành phố! 
Phát hết quà cho bọn trẻ con rồi, Như Lai và Như Lợi thì thầm, đùn đẩy nhau một hồi, rồi Như Lai đứng trước Thùy Trang, nói: “Vậy quà của chúng em đâu?”. Thùy Trang thoáng giật mình vì cứ nghĩ sẽ còn dư nhiều quà, sẽ là của hai anh em nhà này! Vậy mà…Thùy Trang đang lúng túng không biết nói sao thì Út Em nói: “Vậy hai anh thích quà gì để Út Em đi mua cho?”. Như Lai nói ngay: “Út Em khỏi phải đi đâu cả, quà ở ngay trên người hai chị em đó?”. Út Em tròn mắt hỏi lại: “Quà ở ngay trên người là cái gì?”. Như Lợi nói nhanh như sợ bị nói tranh: “Là vẻ đẹp tuyệt vời của hai người đó! Nàng là tuyết hay da Nàng tuyết điểm / Nàng là hương hay nhan sắc lên hương?”. Cả hai chị em Thùy Trang, Út Em cùng thoáng ngỡ ngàng rồi cười khanh khách! Thùy Trang nói: “Lại còn đọc thơ Bích Khê nữa chứ! Hai chú nông dân thích thơ từ hồi nào vậy?”. Như Lợi nói ngay, cứ như là chuẩn bị từ trước: “Từ khi nhìn thấy hai người đẹp như Tiên Nữ giáng trần! Chúng em đã bị “Tiếng sét ái tình” đánh trúng tim!”. Thùy Trang thôi cười, nghiêm giọng nói: “Thôi không giỡn nữa! Vậy bây giờ hai chú muốn gì?”. Thật bất ngờ, cả Như Lai và Như Lợi cùng nói: “Muốn một cái hôn!”. Cả Thùy Trang và Út Em lại một phen bất ngờ, song lần này Thủy Trang đã “làm chủ được tình hình” và bình tĩnh nói: “Thôi được, hai chú sẽ được tặng thưởng món quà xứng đáng với năng lực của mình! Có nghĩa là phải vượt qua cửa ải là ba câu hỏi và phải trả lời ngay sau khi câu hỏi được nêu ra! Đã sẵn sàng chưa?”. Thật nhanh, cả hai anh em cùng nói: “Đã sẵn sàng!”. Hỏi: “Hôn là gì?”. Trả lời: “Hôn là bày tỏ Tình yêu!”. Hỏi: “Tình yêu là gì?”. Trả lời: “Yêu là chết ở trong lòng một ít!...”. Hỏi: “Muốn bảo vệ được Tình yêu thì người con trai phải làm gì?”. Trả lời: “Sẵn sàng hy sinh tất cả vì người yêu!”. Vừa dứt lời, cả hai anh em Như Lai và Như Lợi cùng nhảy vọt ra chỗ sân rộng, cởi phăng áo rồi cùng đi bài quyền Song Long quá hải trước sự ngỡ ngàng tột độ của Thùy Trang và Út Em!...

*
Sau khi Thùy Trang “hội ý chớp nhoáng Ban Giám khảo” với Út Em thì cả hai người đều phải thừa nhận rằng hai anh em Như Lai và Như Lợi đã “Vượt Vũ Môn” xuất sắc và Thùy Trang đành phải tuyên bố Như Lai, Như Hải đã “Thắng cuộc!” và hai cô gái đứng bất động, mắt nhắm nghiền để chờ hai anh em thực hiện “Một cái hôn”! Vì không nói trước là chỉ được hôn vào đâu và thời gian là bao nhiêu phút nên khi hai anh em Như Lai, Như Lợi thực hiện “Một cái hôn” thì chỉ sau hai phút, cả Thùy Trang và Út Em đều ngất xỉu!... 

Khi đã hoàn toàn tỉnh táo, cả Thùy Trang và Út Em đều ngỡ ngàng không hiểu chuyện gì đã xảy ra? Không thấy cả Như Lai và Như Lợi đâu, Thùy Trang và Út Em hết nhìn nhau lại thấy mình như đang lạc vào khu vườn Cổ tích với rất nhiều loài hoa và cây trái. Một hương vị vừa mơ hồ vừa rất thực cứ như đang bao phủ lấy hai cô gái! Mùi hương quê? Đúng rồi, đó là hương vị quê hương đã thấm đẫm vào từng mao mạch các cô gái từ thuở ấu thơ, tưởng chừng đã ngủ yên bỗng thức dậy dâng trào, cất cánh bay lượn như cánh có trên đồng xanh!...Thùy Trang nắm chặt tay Út Em hồi lâu mới nói được thành lời những cảm xúc đang bay lượn trong đầu: “Chị thấy mình đã về tới quê hương, chị đã chạy thật nhanh trên cánh đồng xanh mướt rồi nhảy ùm xuống dòng sông Cái Lớn. Chị đã vẫy vùng bơi lặn như một con cá!...”. Còn Út Em thì như đang trôi theo lớp lớp con sóng nhạc của bài ca Quê hương tha thiết: Quê hương mỗi người chỉ một / Như là chỉ  một mẹ thôi / Quê hương nếu ai không có / Sẽ không lớn nổi thành người!...  
*
Mặc dù có tới ba ông thầy đều là giáo sư Tiến sĩ sẵn sàng nhận hướng dẫn Thùy Trang làm tiếp Luận án Thạc sĩ và hứa sẽ chuyển tiếp nghiên cứu sinh lấy bằng Tiến sĩ, nhưng cô đều từ chối và quyết định xin về Phòng Nông nghiệp huyện Cần Đước, quê hương cô. Bạn bè cùng lớp với Thùy Trang đều cho là cô bị khùng điên, hoặc nếu không thì cũng là “Thất tình” hay đại loại như vậy! Thùy Trang không cần giải thích, không cần “Thanh Minh, Thanh Nga” gì cả bởi cô hoàn toàn tin rằng quyết định của mình là rất đúng bởi càng ngày “Tiếng gọi quê hương” trong cảm xúc của cô càng hiện rõ hình hài! Khi Út Em đến thông báo cho Thùy Trang biết Út Em đã ghi nguyện vọng Một “Và chỉ Một mà thôi” là Trường Đại học Nông Nghiệp thì hai chị em ôm chầm lấy nhau mà khóc vì …sung sướng!...Út Em bỗng hỏi: “Mình có cần về quê báo cho chú Tư Đảm và hai anh em Như Lai, Như Lợi biết là chị đã xin về Phòng Nông nghiệp huyện Cần Đước không?”. Thùy Trang cười nói: “Tất nhiên là phải về báo cả tin em đã thi vào Đại học Nông nghiệp!”. Út Em nói: “Em đã thi đâu mà báo vội?”. Thùy Trang cầm tay Út Em: “Em không đỗ thì ai đỗ! Chị tin là em sẽ đỗ Thủ khoa!”. “Chúng tôi cũng tin là Út Em sẽ đỗ Thủ khoa!” -  ngay sau tiếng nói đó là sự xuất hiện của hai anh em Như Lai và Như Lợi! Hai chị em Thùy Trang và Út Em chưa kịp ngạc nhiên thì vợ chồng ông Tư Đảm xuất hiện trong bộ y phục chỉnh tề như đi …hỏi vợ cho con trai! Và đúng là như vậy, vợ chồng ông Tư Đảm đã quyết định đến dạm hỏi hai cô gái Thùy Trang và Út Em cho hai người con trai của mình là Như Lai và Như Lợi! Chỉ nhìn cung cách của vợ chồng ông Tư Đảm, Thùy Trang đã biết ngay ý định của họ, cô nhìn Út Em như có ý hỏi: “Em có đồng ý không?”, nhưng Út Em vờ như không “nhìn” thấy câu hỏi đó, cô nói tỉnh bơ: “Chị Thùy Trang tiếp khách dùm em nha, em còn phải đi mua tài liệu ôn thi!”. Nói rồi Út Em chạy vút đi, khiến tất cả ngơ ngác nhìn nhau, không hiểu chyện gì đã xảy ra với Út Em? 

Sài Gòn, 2-1-2010
Đỗ Ngọc Thạch 

Nguồn: phongdiep.net





51.NGƯỜI MẸ VÀ NHỮNG ĐỨA CON

NGƯỜI MẸ VÀ NHỮNG ĐỨA CON- Đỗ Ngọc Thạch

NGƯỜI   MẸ   VÀ   NHỮNG   ĐỨA   CON    

Truyện  ngắn  của  Đỗ  Ngọc  Thạch   
 

1.Cô gái có biệt danh Thị Mầu   

Bà Thiện làm việc ở nhà bếp của Bệnh viện Đa khoa tỉnh X từ sau ngày Hòa bình ở Miền Bắc, đến năm 1965 là tròn 10 năm. Tính đến lúc đó, bà có một căn hộ ở trong khu tập thể của Bệnh viện, một người chồng là thương binh chống Mỹ và 9 đứa con, 4 trai và 5 gái . Nếu chỉ nhìn “Khái quát” từ xa như thế thì người ta sẽ nói bà mắn đẻ và nuôi 9 đứa con trong gia cảnh như thế thì thật là gian nan, cực khổ. Nhưng nếu ta “nhìn sâu, thấu hiểu” thì sẽ không phải như vậy. Nhìn khái quát chỉ đúng một nửa, tức nuôi 9 đứa con trong gia cảnh như thế thì cực kỳ gian truân, khổ ải nhưng “mắn đẻ” thì không phải, bởi chỉ có một đứa con là do bà sinh ra, còn 8 đứa kia là con thiên hạ - những đứa trẻ bị cha mẹ ruồng bỏ từ lúc mới sinh ra! Thế thì quả là có nhiều chuyện, ta hãy “điểm qua” từng chuyện một… 
Cha mẹ bà Thiện vốn là dân miền biển tỉnh Thái Bình, hành nghề “tay bị tay gậy khắp nơi tung hoành”, cuối cùng lại dừng chân ở miền sơn cước phủ Điện Biên, khi sinh ra bà Thiện vào năm 1943. Mấy ông thầy tướng khi xem cho bà vào ngày đầy tuổi tôi đã nói: “Canh cô, Mậu quả, cô bé này dù không dính vào hai chữ này cũng sẽ cô độc suốt đời, có chồng, có con, thậm chí rất đông con mà cũng như không!”. Hỏi như thế nghĩa là sao thì thầy tướng trả lời: “Có chồng mà chồng không “làm ăn” gì được thì cũng như không, có một đàn con mà không phải do mình đẻ ra thì là “Tò vò mà nuôi con nhện / Ngày sau nó lớn nó quện nhau đi…” Nghe ông thầy tướng nói thế, chẳng ai muốn tin, nhưng lời tiên đoán cứ đúng từng chữ một theo năm tháng!... 

Đứa con đầu do bà Thiện sinh ra là kết quả của một sự “đầu thai” chớp nhoáng của một chiến binh: đó là vào một ngày Giải phóng Điện Biên năm 1953, quê hương thứ hai của bà Thiện, cũng là nơi bà sinh ra, tràn ngập cờ hoa và tràn ngập bộ đội! Không ngờ quân ta đông như thế? Có đông như thế mới đánh thắng đội quân viễn chinh nhà nghề Đế quốc Pháp chứ! Đêm liên hoan mừng chiến thắng thật là vui chưa từng thấy! Lúc đó, bà Thiện mới có mười một tuổi, nhưng bà to xác không khác một thiếu nữ đôi mươi, đã cao tới l,60 mét! Chính vì thế, có một chàng chiến sĩ Điện Biên bị “tiếng sét ái tình” đánh trúng, đã kéo cô bé Thiện vào một gốc cây mờ tối… 

Từ khi cái thai được hai, ba tháng, bố mẹ cô bé Thiện đều bắt phải bỏ cái thai đi, mọi người ai cũng đòi “xử phạt” người mang hoang thai, giống như người ta đã “phạt vạ” cái cô Thị Mầu trong vở chèo “Quan Âm Thị Kính”! Và như là hẹn nhau, ai cũng gọi cô bé Thiện là “Ả Thị Mầu”! Những ai chưa xem vở chèo Quan Âm Thị Kính thì nói thẳng thừng : “Đồ chửa hoang!” và nhổ nước bọt phì phì!...  
Như một bản năng tự nhiên, “Ả Thị Mầu” - “người mẹ thiếu niên”, quyết không chịu để người ta giết chết đứa con còn trong bụng của mình! Và không còn cách nào khác, vả lại vốn đã mang trong người dòng máu giang hồ của Cái Bang, người mẹ thiếu niên quyết định hành khất để tìm…chồng! Khi chợt phát hiện ra rằng, đứa bé trong bụng là con của một Chiến sĩ Điện Biên – Chiến sĩ anh hùng -, thì người mẹ thiếu niên mới thấy thật là tự hào vì con mình là con của một chiến sĩ Điện Biên! Và, sẽ thật là hạnh phúc nếu như mình được là vợ người chiến sĩ Điện Biên, chỉ mới nghĩ như vậy, người mẹ thiếu niên ( tương lai) càng quyết tâm đi tìm người bố của cái thai đang lớn nhanh từng ngày! Mà từ nay không gọi nó là cái thai nữa, phải đặt tên cho nó và gọi nó hàng ngày, nó sẽ mau ra! Chỉ sau hai phút suy nghĩ, cái thai đã có tên: Điện Biên! Thế là ngày ngày, hai mẹ con Thiện và Điện Biên lại xuất hành với một niềm tin mạnh đến kỳ lạ!... 

Khả năng hành khất vốn là bẩm sinh của con người, vì thế hai mẹ con Thiện và Điện Biên đã đi tới một tỉnh giáp Hà Nội mà không có vấn đề gì trở ngại. Và dường như đi bộ hàng ngày là biện pháp tốt nhất giúp con người ta gia tăng thể lực, chính vì thế Thiện không ngờ mình lại có sức khỏe kỳ lạ như thế. Đó là vào một hôm, trời mưa tầm tã, cô bé Thiện đang đứng trú mưa dưới một mái hiên thì thấy trên quãng đường loang lổ ổ gà ổ voi trước mặt, một chiếc xe có dấu Hồng thập tự đang bị sa lầy trong một vũng bùn sâu, càng rú ga, chiếc xe như càng lún sâu xuống vũng bùn! Tất cả bốn người làm nhiệm vụ cấp cứu đã xuống đẩy xe, nhưng chiếc xe vẫn không hề nhúc nhích mà cả bốn bộ áo blu trắng của họ đã sũng bùn! Dường như họ đã kiệt sức, chỉ biết đứng thở! Thấy vậy, Thiện đội mưa chạy ra, cô bé dùng hết sức đẩy mạnh và điều kỳ lạ đã xảy ra: chiếc xe vọt khỏi vũng bùn đã bị khoét sâu tới nửa mét!... 

Sau sự kiện “chấn động địa cầu” đó, cô bé Thiện được Ban giám đốc Bệnh viện nhận vào làm việc với sự ưu ái đặc biệt: cho tự chọn những công việc lao động chân tay như văn thư chạy công văn, lao công quét dọn Bệnh Viện, Hộ lý ở các phòng bệnh, nhân viên nấu ăn ở nhà bếp…Và khi vừa nghe thấy mấy chữ “Nấu ăn nhà bếp”, Thiện quyết định chọn công việc này ngay vì từ lâu cô đã biết có câu thành ngữ “Giàu nhà kho, no nhà bếp”, mà cô bé chỉ cần ăn no chứ không cần giàu, vì cô ăn rất khỏe, bằng ba bốn người thường!... 

2. Những đứa bé nằm ngoài bậu cửa 

Không cần đủ chín tháng mười ngày, mới có tám tháng tám ngày, đứa con của người chiến sĩ Điện Biên đã đòi chui ra khỏi bụng mẹ! Và điều khiến người mẹ trẻ bất ngờ là khi con bé Điện Biên được sinh ra, hầu như tất cả nhân viên Bệnh viện đều đến chúc mừng! Quá nhiều là quà mừng, nhiều nhất là tã lót, quần áo rồi đến thau chậu, nồi niêu soong chảo, v.v…Điều đó cô bé Thiện không giải thích được nhưng hầu như tất cả nhân viên của Bệnh viện đều biết vì sao? Đó là vì tuy chỉ mới làm việc ở nhà bếp của Bệnh viện được gần năm tháng nhưng ai cũng biết cô bé Thiện có sức làm việc bằng ba, bốn người cộng lại. Chẳng hạn như một mình cô bé có thể “cai quản” bốn chảo cơm, một chảo canh và một chảo món ăn mặn…- những cái chảo khổng lồ; hoặc khi đi đến cửa hàng lương thực lấy gạo, cô bé có thể vác hai bao hai vai đi băng băng; hoặc như khi đến các khu dân cư, làng xóm mua heo lợn về thịt, mọi khi phải ba, bốn người “quần thảo” một hồi lâu mới kéo được con lợn ra xe thì chỉ mình cô bé, bước vào chuồng lợn một bước là tóm cổ con lợn nặng 40-50 ki-lô-gam ra xe như bắt con thỏ!...Với lại, ở môi trường Bệnh viện là nơi con người ta thể hiện tính nhân bản cao nhất, ai lại đi hạch tội một cô bé bị xâm hại tình dục bao giờ? Phải cưu mang, giúp đỡ cô bé để cô vượt qua tấn bi kịch “Vào đời sớm” này! Ban Giám đốc Bệnh viện luôn nhắc nhở mọi người như vậy mỗi khi có cuộc họp của Công đoàn, Nữ công hoặc Thanh niên…

Vậy là mẹ con cô bé Thiện có thể yên tâm dừng bước chân giang hồ ở Bệnh viện, còn việc đi tìm người bố của cô bé Điện Biên thì cứ từ từ rồi tính!... 

Cô bé Thiện,  (thực ra sau khi sinh, Thiện đã cao lên tới 1,68 mét và thoạt nhìn dáng dấp bên ngoài thì không ai nghĩ đó là cô bé 12 tuổi! Vì thế, từ đây, tác giả  cũng không dùng từ “cô bé” nữa), sau khi nghỉ đẻ đúng chế độ lại đi làm chị Nuôi bình thường, con bé Điện Biên thì đã có Nhà trẻ trông nom rất tốt, đúng giờ thì nhớ tới Nhà trẻ cho con bú là không có vấn đề gì! … Con bé Điện Biên quả là “con nhà nòi”: bố là chiến sĩ  Điện Biên anh hùng, mẹ là Đại lực sĩ nên ai tinh mắt có thể thấy nó lớn từng ngày: Nó không theo cái quy luật thông thường là “Ba tháng biết lẫy, sáu tháng biết bò, chín tháng lò dò biết đi” mà nó lớn theo quy luật riêng là “Một tháng biết lẫy, ba tháng biết bò, sáu tháng lò cò, nhảy dây…”! 

Khi cô bé Điện Biên được mọi người đến mừng sinh nhật Một tuổi thì cô bé đã có thể đi lại bình thường như một đứa bé bốn, năm tuổi. Và có điều đặc biệt là Điện Biên cũng cao lớn như mẹ, nó cao đúng Một mét! Không biết nó sẽ cao tới đâu, không ai dám tính cả!...Sáng hôm sau ngày sinh nhật bé Điện Biên, mới có hơn bốn giờ sáng mà Thiện đã tỉnh giấc – mọi ngày phải Năm giờ! Nó vừa có một giấc mơ rất lạ: Quan âm Bồ Tát ngồi trên một Đài sen rất đẹp, đứng sau lưng Bồ Tát là Kim Đồng và Ngọc Nữ trẻ mãi không già, ba người cưỡi mây nhẹ nhàng hạ xuống sân nhà nó, Bồ Tát thong thả nói: “Ta cho Kim Đồng và Ngọc Nữ xuống ở với hai mẹ con cho vui! Có Kim Đồng và Ngọc Nữ cùng ở sẽ không có kẻ ác nào dám hại hai mẹ con cả!” Bồ Tát nói rồi cùng Đài sen bay vút lên, còn Kim Đồng và Ngọc Nữ ngã lăn kềnh ra sân, chớp mắt đã hóa thành hai đứa bé mới đẻ đang khóc oe oe!... Khi Thiện thấy mình đã tỉnh táo hoàn toàn thì có tiếng trẻ con khóc oe oe ngoài cửa vọng vào! Ra mở cửa, quả nhiên có hai đứa bé nằm trong hai cái rổ đang khóc oe oe như là trong giấc mơ!... 

Hai đứa bé, một nam một nữ, mới được chừng một tháng tuổi, được đặt trong hai cái rổ nhưng nhìn tã lót, vải bọc cuốn bên ngoài thì như là do một người làm. Lúc bế hai đứa lên, Thiện thấy dưới lưng chúng đều có một mảnh giấy nhỏ với mấy dòng chữ xiêu vẹo: “Xin làm ơn làm phúc nuôi hai đứa bé này, chúng là anh em sinh đôi! Nếu người mẹ khốn khổ này còn sống đến ngày chúng khôn lớn thế nào cũng tìm đến tạ tội! Xin đa tạ! Ký tên: Bánh Tôm”…Hai đứa bé sinh đôi, con của người mẹ bất hạnh phải lìa bỏ con đã được hai mẹ con Thiện và Điện Biên đưa vào nhà, lau chùi sạch sẽ và cho bú sữa, chúng nhanh chóng ngủ ngon, cái mồm cứ mút không hoài! Nhớ lại giấc mơ lúc gần sáng, Thiện đặt tên cho đứa con trai là Kim Đồng, trùng tên với người anh hùng thiếu niên mà bọn trẻ con thường hát: “Anh Kim Đồng ơi, anh Kim Đồng ơi / Tuy anh qua đời / Gương anh sáng ngời / Đoàn tôi cố noi…” Còn Ngọc Nữ thì trùng tên với nhân vật Bạch Mao Nữ trong một bộ phim của Trung Quốc đã chiếu khắp nơi, ai cũng thích! Lớn lên, chúng sẽ được tất cả mọi người quý mến, đó là điều đầu tiên người mẹ trẻ Thiện nghĩ tới khi đặt tên cho hai đứa con nuôi mới! 

Cô bé Điện Biên sinh năm 1955, hai anh em sinh đôi Kim Đồng, Ngọc Nữ sinh năm 1956. Sang năm Con Gà, tức 1957, đúng ngày sinh nhật Điện Biên, lại có hai đứa bé được ai đó đặt ngoài bậu cửa nhà người mẹ trẻ Thiện. Lần này là hai đứa con trai, chỉ mới được chừng mười ngày tuổi, đặt trong một cái túi du lịch lớn. Khi đem hai đứa bé tới nhà Thiện, ai đó còn gõ cửa rầm rầm, rồi bỏ chạy, lúc đó cũng vào khoảng hơn bốn giờ sáng! Người mẹ trẻ Thiện và “chị Hai” Điện Biên đón hai đứa bé vào nhà ngay, là con trai, rất bụ bẫm, rất giống nhau, cứ như những đứa trẻ trong tranh Tết. Nghĩ đến chữ Tết, Thiện nói với “chị Hai” Điện Biên: “Năm nay là tết Con Gà, vậy đặt tên cho một đứa là Đinh, một đứa là Dậu, Đinh là anh, Dậu là em! Chúng cầm tinh con Gà nên sẽ rất dễ nuôi, cứ có thóc cho nó ăn căng diều là nó lớn nhanh, không phải nấu thành cơm, mẹ con ta đỡ vất vả!” Quả nhiên, hai anh em Đinh và Dậu rất hay ăn, (ăn suốt ngày chẳng cần tới bữa) mau lớn!... 

Tới ngày sinh nhật “Chị Hai” bốn tuổi (năm 1958), sự việc lại xảy ra y như hai lần trước: hai đứa bé, một nam, một nữ, như là vừa mới đẻ được hai, ba ngày, lại được ai đó đặt ngoài bậu cửa nhà người mẹ trẻ Thiện! Có lẽ là hai đứa bé của hai người mẹ khác nhau: một đứa , con trai, được đặt trong một cái hộp Các-tông lớn, chuyên dùng để đựng táo của Trung Quốc, loại táo to  bằng nắm tay người lớn, ăn rất thơm ngon; đứa thứ hai được đặt trong một cái lẵng hoa lớn mà người ta thường dùng để tặng hoa ở các hội nghị lớn, chẳng hạn như Đại hội Công Đoàn, Kỷ niệm ngày Phụ Nữ Quốc tế, Lao động Quốc tế,v.v…Người mẹ trẻ Thiện lại nói với “Chị Hai” Điện Biên: “Thế là con gái của mẹ lại có thêm hai đứa em nữa, tổng cộng là sáu đứa, với con là Bảy, sắp đủ quân số một Tiểu đội như ở trong bộ đội của bố con rồi nhé! Hai đứa này cứ đặt tên theo “đồ vật” đã mang chúng tới: Thằng bé nằm trong hộp đựng táo thì đặt tên là Táo, con bé nằm trong lẵng hoa thì đặt tên là Hoa, được chưa?”. “Chị Hai” Điện Biên nói: “Được rồi! Mẹ đặt tên, còn con sẽ quyết định xem đứa nào được làm anh, làm chị! Tất nhiên là con sẽ thiên vị con bé, vì thế con bé Hoa sẽ là chị, thằng bé Táo là em! Tên là Hoa thì khỏi phải nói, rất hay rồi. Còn tên là Táo con lại sợ nó bị bệnh Táo bón, như thế cho nó đi ỉa sẽ rất lâu!” Người mẹ trẻ bật cười nhưng thoáng một nét lo âu bởi bệnh táo bón tưởng là thường nhưng thật ra rất nguy hiểm: mỗi lần đi ị chảy máu đầy đít, sau này còn chuyển qua bệnh Lòi rom nữa chứ! Đành chỉ biết cầu Bồ Tát thôi, Ngài hãy cho nó là Táo Quân chứ đừng là Táo bón!... 

Ông Bác sĩ Lê Văn Y, Giám đốc Bệnh viện, người đã nhiệt tình nhất khi quyết định nhận Thiện vào làm ở Bệnh viện, luôn luôn quan tâm đến người mẹ trẻ Thiện và những đứa bé mỗi năm lại nhiều thêm ở nhà Thiện. Lúc đầu, ông chỉ nghĩ chuyện cô bé Thiện bị xâm hại tình dục và phải vào đời sớm là chuyện bình thường của đời sống. Nhưng với việc Thiện có sức mạnh của một Đại lực sĩ thì ông nghĩ cô bé này không phải người thường mà là kỳ nhân, dị tướng,nếu không phải “Người Nhà Trời” phái xuống Trần gian thì không thể làm được những việc phi thường như thế: mới bước vào tuổi 16 mà đã nuôi năm đứa con ngon lành, giờ lại thêm hai đứa nữa, vẫn thản nhiên như không! Người trần gian bình thường làm sao nổi? Vốn là con một thầy lang Đông y, rất giỏi cả Nho, Y, Lý, Số, ông Bác sĩ Văn Y bắt đầu đặc biệt chú ý đến việc nghiên cứu Tử vi, tướng số của cô gái – người mẹ trẻ Thiện, mà ông thích đặt thêm một chữ vào tên của cô gái là Lương Thiện. Nhà riêng của ông Văn Y ở ngay sát cạnh Bệnh viện, chỉ cách một bức tường, ấy là do ông là người sáng lập Bệnh viện, khi xây dựng Bệnh viện xong, hai bãi đất trống hai bên cổng Bệnh viện được qui hoạch thành hai khu nhà ở cho nhân viên Bệnh viện: Bên phải là khu A, dành cho Y sĩ, Bác sĩ, các chức vụ trưởng Phòng, trưởng Ban trở lên; Bên trái là khu B, dành cho nhân viên từ Y tá trở xuống… 

Đêm đêm, những hôm trăng thanh gió mát, ông thường có thú đứng ngắm sao trời...Bầu trời bao la, thăm thẳm có biết bao điều bí ẩn! Mỗi con người ứng với một vì sao, có phải chăng vì thế mà không bao giờ khám phá hết những điều bí ẩn của số phận một con người, cho dù đó là một sinh linh bé nhỏ!...Ông Văn Y đang miên man với những suy nghĩ mông lung thì bỗng ông thấy khoảng không trên khu nhà B có vầng hào quang lung linh! Và ông không tin ở mắt mình nữa khi nhìn thấy Bồ Tát ngồi trên Đài sen huyền ảo đang nói chuyện với cô gái Lương Thiện! Ông kinh ngạc, dụi mắt để nhìn lại cho rõ thì không thấy gì nữa! Ông đứng đợi một lúc nhưng không thấy gì cả, chỉ là màn đêm bí ẩn! 
Trưa hôm sau, ông Văn Y vào thăm mấy mẹ con Lương Thiện và nói chuyện “Bồ Tát hiển linh” với Lương Thiện thì cô gái cười cười, nói: “Cháu vẫn thường mơ thấy Bồ Tát hiện ra, còn nói chuyện với cháu nữa! Nhưng cháu nghĩ đó chỉ là trong những giấc mơ mà thôi!”. Tuy thế, ông Văn Y vẫn tin là cô gái Lương Thiện đã được gặp Bồ Tát, giấc mơ là một phần của thế giới tâm linh, gặp trong giấc mơ thì cũng là gặp! Còn ông, ông đã nhìn thấy không phải trong giấc mơ!... 

3.Những đứa bé đã lớn lên như thế nào? 

Đó là câu hỏi mà tất cả nhân viên của Bệnh viện đều quan tâm. Mỗi người tự trả lời theo cách nghĩ của mình, song cuối cùng tất cả đều có kết luận giống nhau: với tiền lương cấp dưỡng ở nhà bếp của Lương Thiện (từ khi Bác sĩ giám đốc Bệnh viện gọi Thiện là Lương Thiện thì tất cả đều gọi theo) thì người mẹ và bảy đứa con (1: Điện Biên, 2: Kim Đồng, 3: Ngọc Nữ, 4: Đinh, 5: Dậu, 6: Hoa, 7: Táo) không thể đủ sống! Chính vì thế, không ai bảo ai, không hẹn mà gặp, ai có dư mảnh vải, tấm áo, hay một món đồ chơi,  ai có món ăn gì ngon, và cả những món ăn bình thường, cũng đem tới cho chị em Điện Biên! Có người còn cứ đến bữa ăn là sang đón một đứa về nhà mình cùng ăn! Tình con người trong lúc khó khăn, gian nan thật là vô hạn!... 

Tuy thế, sự “chi viện” của mọi người cũng chỉ như muối bỏ biển! Lương thực chính để nuôi quân phải được lấy ra từ “Kho lương” chứ không thể chỉ là sự gom nhặt, cho dù có câu “Năng nhặt chặt bị”! “Kho lương” để nuôi tiểu đội chị em Điện Biên là ở đâu? Chính là cái nhà bếp mà Lương Thiện đang đảm nhận nhiệm vụ “Tư lệnh chảo”! Chăm sóc sáu cái chảo khổng lồ, là công việc vừa nặng nhọc lại nóng nực, mọi khi là phải có tới ba, bốn người, nhưng giờ thì Lương Thiện có thể làm ngon lành mà có vẻ như chưa ăn nhằm gì! Chính vì thế, bà Bếp trưởng quyết định chọn một hình thức khen thưởng thích đáng. Bàn đi tính lại, cách tốt nhất vẫn là: mỗi bữa cơm Bếp trưởng lại cho người đem sang cho đám chị em Điện Biên một chậu cơm, tương đương với 8 suất ăn, tất nhiên là có kèm theo thức ăn! “Chị Hai” Điện Biên khi nhận nguồn thức ăn này, đã cho các em ăn no, còn để phần cho mẹ. Nhưng khi người mẹ về, bọn trẻ lại còn được thưởng thức món cơm cháy thơm phức, do mẹ nó đem về hai tảng cháy khổng lồ! Có lẽ món cơm cháy đã làm cho sức khỏe cô gái Lương Thiện không hề suy giảm mà có chiều hướng tăng lên! Thỉnh thoảng đi lấy gạo cho nhà bếp, cô thấy vác hai bao gạo như là hai bao bông gòn! Bọn trẻ ban đầu chưa quen với món cơm cháy (bởi rất cứng), nhưng sau khi đã quen thì nghiện như mẹ bởi chỉ có món cơm cháy mới có thể giải quyết dứt điểm cái cảm giác “Đói”: khi ăn vài miếng cơm cháy rồi là chốc chốc lại khát nước, uống nước vào, hạt cơm cháy gặp nước cứ trương nở ra mãi không thôi, thế là “No căng”! 

Bà Hảo-Bếp trưởng, nhân chuyện nuôi cơm tiểu đội chị em Điện Biên đã nghĩ ra hình thức “Bữa cơm miễn phí” cho người nhà bệnh nhân nghèo. Ban đầu chỉ là sự đóng góp của một số gia đình bệnh nhân khá giả, gọi là “Lá lành đùm lá rách”. Nhưng sau đó bà Bếp trưởng đã vận động được cả những nguồn đóng góp từ bên ngoài xã hội, rồi thành lập được “Qũy tương trợ bệnh nhân nghèo” mà ngày nay đã trở thành một phong trào rộng khắp trên toàn quốc. Vì thế, có thể nói bà Bếp trưởng chính là “Nhà phát minh” ra hình thức từ thiện cao đẹp này! 

Chuyện ăn của lũ trẻ như thế là tạm ổn, còn chuyện mặc thì sao?  

Trong đời sống xã hội, nhu cầu “Ăn no, mặc ấm” là nhu cầu hàng đầu của con người. Tuy nhu cầu “Ăn” xếp lên trước nhưng không vì thế mà coi nhu cầu “Mặc” là thứ hai, mà phải coi đây là nhu cầu “Kép”! Lại nói tới bà Hảo - Bếp trưởng, “Sếp trực tiếp” của người mẹ trẻ Lương Thiện. Bà có hai cô con gái ngang tuổi Lương Thiện nên bà coi Thiện như con, thường bảo các con sang chơi và giúp đỡ Thiện chăm sóc lũ trẻ.  Bà là con người hành động, giàu tình nghĩa. Lúc bà còn là thiếu nữ, bà đi dân công hỏa tuyến phục vụ chiến dịch Điện Biên rồi gặp và làm vợ anh chàng lái xe kéo pháo vui tính. Hết chiến tranh, chồng bà chuyển về lái xe cho Bệnh viện, bà theo chồng về đây làm “Đầu bếp”. Nhiều người nói bà nên xin đi học một lớp Y tá, làm việc có chuyên môn thì giá trị con người sẽ cao hơn! Nhưng bà nghĩ, con người ta có giá trị hay không, giá trị cao hay thấp là tùy thuộc vào hiệu quả công việc người đó làm. Nếu chữa bệnh mà toàn gây tử vong thì có làm tới Bác sĩ cũng không bằng người đầu bếp luôn đem tới cho mọi người cơm dẻo, canh ngọt! Chính vì thế, bà vui vẻ rồi say sưa với công việc đầu bếp của mình! Càng làm, bà càng thấy nấu ăn là nghệ thuật nhiều bí ẩn mà không phải ai cũng khám phá hết! Vì thế, khi nghe nói có trường Đại học về nghề đầu bếp, bà đã bảo cô con gái lớn thi vào (Lúc đó mới chỉ là một khoa Công nghệ thực phẩm thuộc trường Đại học Bách khoa Hà Nội). Còn cô con gái thứ hai, bà muốn hướng nó vào ngành may mặc. Vì thế, ngay từ khi mới học lớp 7, lớp 8, bà đã mua cho cô con gái cái máy khâu cũ nhưng còn rất tốt, để cô con gái làm quen với nghề may mặc. Vì thế, khi Lương Thiện và lũ trẻ xuất hiện ở khu tập thể của bệnh viện, chúng lập tức trở thành “Phòng thí nghiệm” cho cô gái con bà Hảo thử tay nghề các loại hình quần áo trẻ con! Lũ trẻ mặc không kịp sản phẩm của nhà thiết kế thời trang tương lai!... Đúng là “Trời sinh voi Trời sinh cỏ”, có lẽ vì thế mà người mẹ trẻ Lương Thiện chưa bao giờ phải suy nghĩ nhiều về câu hỏi cho tất cả những bà mẹ: Lấy gì cho đàn con ăn no, mặc ấm? 

Thời gian cứ đều đặn trôi qua, đừng nói lúc thì nó đi nhanh, lúc thì nó đi chậm, mà phải nói: Thời gian trôi đi với một vận tốc không đổi! Theo lệ thường hàng năm, lại tới ngày sinh nhật cô bé Điện Biên, đó là vào năm 1959, cô bé Điện Biên tròn 5 tuổi, Kim Đồng và Ngọc Nữ 4 tuổi, Đinh và Dậu 3 tuổi, Hoa và Táo 2 tuổi!...Tiệc sinh nhật của Điện Biên năm nào cũng vui, gần như nhân viên cả Bệnh viện tới chúc mừng!...Điện Biên bây giờ đã ra dáng một Chị Hai đầy bản lĩnh, chẳng gì đã qua 4 năm rèn luyện rồi còn gì! Không những cô bé thành thạo các công việc trong nhà, chăm sóc sáu đứa em đâu ra đó mà còn “tranh thủ” tập đọc, tập viết theo mấy cuốn “Học Vần Vỡ lòng” và “Tập viết Lớp 1” do con Bà Hảo đem cho. Cho đến lúc này, cơ bản cô bé Điện Biên đã đọc thông viết thạo và đã trở thành cô giáo của mấy đứa em!...Tiệc đã gần tàn, Điện Biên bỗng nói với mẹ: “Hôm nay không biết có đứa trẻ nào ở ngoài bậu cửa không?” Lương Thiện cười bảo: “Con có tới sáu đứa em, chưa đủ mệt hay sao mà còn muốn thêm nữa à?” Điện Biên vội nói ngay: “Không phải thế! Con không muốn có thêm nữa, nhưng lại nghĩ năm nào người ta cũng đem con tới bỏ ở cửa nhà mình, nên mới nghĩ năm nay thế nào mà thôi!” Nói như vậy nhưng thực ra Điện Biên rất thích có thêm em bé! Nếu như ta được làm Tư lệnh trưởng một  đội quân trăm ngàn người như trong phim thì sẽ như thế nào nhỉ? Khi cô bé đã ngủ rồi, quả nhiên giấc mơ “Tư lệnh trưởng” đã đến !...

Đêm hôm ấy, đúng như suy nghĩ của “Chị Hai” Điện Biên, lại có hai đứa bé gái khoảng một tháng tuổi được đặt ngoài bậu cửa, trong một cái thùng “Các-tông” lớn, kèm theo là một lá thư ngắn: “Kính gửi chị Lương Thiện! Em cũng là một cô bé bị người ta cưỡng bức mà đẻ con, lại sinh đôi nữa chứ! Em mới 14, lại mồ côi cả cha lẫn mẹ, đang phải đi làm đứa ở cho người ta, làm sao mà biết nuôi con! Em được biết chuyện của chị đã lâu, thật khâm phục chị! Vì thế, em quyết định gửi cho chị hai đứa con này! Mong chị đừng trách mắng em!... Cầu Bồ Tát phù hộ cho chị!... T.B: Nếu em kiếm được tiền, em sẽ gửi phụ giúp chị nuôi con…” Hai đứa bé gái này được đặt tên theo số thứ tự: Tám là chị, Chín là em, tất nhiên! 

4. Tình yêu của người mẹ 

Năm năm sau, năm 1964, cô  bé Điện Biên tròn 10 tuổi, người mẹ trẻ Lương Thiện 21 tuổi. Ngày sinh nhật năm nay của Điện Biên thật đặc biệt, khác hẳn mọi năm. Tám đứa em của Điện Biên mặc những bộ quần áo thật đẹp,  hai mẹ con Lương Thiện và Điện Biên là đẹp nhất, cứ như các Nàng Tiên của Nhà Trời! Đến phút chót, Điện Biên mới được biết hôm nay là ngày tổ chức Lễ cưới của Mẹ Lương Thiện và Bố của Điện Biên! Sao lại có chuyện kỳ lạ như vậy? Thì ra chú rể chính là bố đẻ của Điện Biên, anh ta chính là người chiến sĩ Điện Biên năm xưa đã làm cho cô bé Thiện có Bầu rồi biến mất tăm!... Sau đó, anh ta được điều về một đơn vị pháo bảo vệ bờ biển ở Hải Phòng. Rồi trong trận đánh đầu tiên của cuộc chiến tranh phá hoại bằng máy bay của Mỹ ở miền Bắc ngày 5-8-1964, anh ta đã bị thương nặng. Anh ta lại chính là em của Bác sĩ giám đốc Bệnh viện, nên ông đã xin đón em mình về để chăm sóc! Khi lành vết thương, trong một lần tâm sự với ông anh Bác sĩ, ông em thương binh đã kể lại cái lần “gặp gỡ” chớp nhoáng với một cô bé ở Điện Biên Phủ sau chiến thắng Điện Biên, và muốn đến Điện Biên Phủ để tìm cô bé đó, vì linh cảm rằng lần “gặp gỡ” chớp nhoáng đó có “kết quả”. Nghe chuyện, ông anh Bác sĩ biết ngay cô bé ở  Điện Biên Phủ mà em trai mình đã “gặp gỡ” chớp nhoáng chính là Lương Thiện và cô bé Điện Biên do Lương Thiện sinh ra chính là con của em trai mình! Ông thầm cảm ơn Bồ Tát đã đưa Lương Thiện đến làm ở Bệnh viện để bây giờ chúng nó có thể xum họp!... 

Khi nghe ông anh Bác sĩ nói chuyện về người mẹ trẻ Lương Thiện, Lê Văn Đức - người em của Bác sĩ giám đốc Bệnh viện – vừa ân hận, vừa sung sướng. Ân hận vì chỉ một phút nông nổi mà làm khổ cả đời người con gái, sung sướng vì được gặp lại cả người tình (dù chỉ chớp nhoáng nhưng luôn ám ảnh anh ta từ đó đến nay) và cả đứa con gái chưa biết mặt!...Khỏi phải nói Lương Thiện đã vui mừng, sung sướng như thế nào khi gặp lại Văn Đức sau mười năm đằng đẵng. Cái khuôn mặt hình chữ Điền ấy làm sao cô quên được dù lúc đó chỉ mới nói chuyện với nhau được mười phút, rồi anh ta lôi cô vào cái gốc cây mờ ảo ấy, rồi ép chặt cô vào thân cây khiến cô không biết trời đất là gì nữa!... 

Đám cưới của Lương Thiện và Văn Đức là đám cưới lớn nhất của nhân viên Bệnh viện cho đến lúc đó bởi có rất nhiều cái lạ và cái lạ nhất mà chưa đám cưới nào có là: cô dâu mới 21 tuổi, mà đã có con đẻ 10 tuổi và tám đứa con nuôi! Và một cái lạ nữa mà chỉ có ai nhìn trộm cô dâu, chú rể lúc động phòng mới biết được: đó là “người lính” của chú rể đã “mất khả năng chiến đấu” do vết thương của chú rể phạm vào “chỗ hiểm”! 

5.Những đứa con đi đâu? 

Tôi - Tác giả truyện ngắn này chỉ được biết người mẹ và những đứa con đặc biệt này vào năm 1965, khi cùng với Ông Trẻ (em trai của ông Nội, cũng là một thầy thuốc Đông Y) đến nhà ông Bác sĩ  Lê Văn Y để bàn về việc thành lập một khoa Đông Y trong Bệnh viện, tôi đi với ông Trẻ là chỉ để cho vui vì lúc đó tôi đang nghỉ hè. Công việc đang tiến triển thì phải đình lại vì ở trên có lệnh tập trung vào nhiệm vụ chi viện nhân tài, vật lực cho Miền Nam, ông Văn Y được điều vào Miền Nam. Khi ông Bác sĩ Y đi miền Nam rồi thì em ông Y tức Văn Đức – chồng của Lương Thiện -,  lại trở nên thân thiết với ông Trẻ của tôi, vì Văn Đức muốn theo học nghề Đông Y! Ông Trẻ tôi nhận lời thu nhận Văn Đức làm đệ tử, vì thế tôi cũng trở nên thân thiết với gia đình Văn Đức…

Sang năm 1966, cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc ngày càng trở nên ác liệt, tất cả các trường học, bệnh viện đều phải đi sơ tán, nhân lực ở mọi cơ quan nhà nước đều có sự xáo trộn lớn…Chính vì thế, tôi mất liên lạc với Văn Đức và Lương Thiện. Rồi cuộc chiến tranh đã cuốn tôi vào “Mắt bão” của nó! 20 sau, năm 1986, tôi mới bất ngờ gặp lại vợ chồng Văn Đức. Sau khi hàn huyên, tôi tỏ ý muốn viết chuyện của Lương Thiện thành bài báo hay cái gì đó thì Văn Đức gạt đi và nói: “Bây giờ hai mẹ con Lương Thiện và Điện Biên rất buồn vì cả tám đứa em của Điện Biên đều bị bố mẹ đẻ của chúng đến đòi về hết  cả rồi! Lương Thiện không muốn kiện cáo lôi thôi nên để cho họ đem con của họ đi!” Tôi không biết nói với Văn Đức thế nào thì câu ca dao xưa chợt ngân lên sao mà sầu não, nỉ non: Tò vò mà nuôi con nhện / Ngày sau nó lớn nó quện nhau đi /  Tò vò ngồi khóc tỉ ti / Nhện ơi, nhện hỡi nhện đi đằng nào!...
Sài Gòn, 15 -10- 2009
Đỗ  Ngọc  Thạch   


Gửi email trang này cho bạn bè Mở cửa sổ in bài viết này

Nguốn: Phongdiep.net

profile picture

Đỗ Ngọc Thạch 

2. ĐỊA LINH NHÂN KIỆT

9.TƯỢNG NHÀ MỒ      10.CHUYỆN MỘT NHÀ BÁO
nguồn: phongdiep.net; YuMe.vn



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét