Thứ Sáu, 13 tháng 3, 2015

về một câu thơ của Hàn Mặc Tử


          DIỄN ĐÀN VĂN NGHỆ
 
LÁ TRÚC CHE NGANG MẶT CHỮ ĐIỀN:NHỮNG ĐIỀU CHƯA MẤY AI CHÚ Ý KĨ
                                                                                                            Nguyễn Hùng Vĩ                   

1. Cái điều cần chú ý đầu tiên phải là: Câu thơ này có thể đọc theo hai loại nhịp:
                                a- Lá trúc che ngang | mặt chữ điền.
                                b- Lá trúc che ngang mặt chữ điền.

    Điều giản dị này là không thể phản bác nhưng rõ là cũng ít người để ý đến, ít ra là với những ý kiến mà chúng ta đã được đọc. Vậy, đọc theo nhịp khác nhau thì ý nghĩa có khác nhau lắm không? Đặc biệt, liệu nó có ảnh hưởng đến cách hiểu ba chữ thường gây tranh luận là “mặt chữ điền” không? Theo tôi là có.

    Nhịp là một yếu tố quan trọng của ngôn ngữ thơ. Vần cũng là một loại nhịp, là một tiêu điểm của nhịp. Thơ có thể không vần nhưng nhất thiết phải có nhịp, phải tạo nhịp. Loạn nhịp thực chất cũng là một cách biểu hiện nhịp cũng như không gian zero cũng là một loại không gian trong nghệ thuật tạo hình. Nhịp của một câu thơ có thể rất hiển minh, mạch lạc (như các thể thơ có niêm luật bắt buộc, chặt chẽ) mà cũng có thể linh hoạt, phong phú (như trong thơ lục bát, thơ tự do). Và không loại trừ ở một liên kết lời, câu thơ có thể đa nhịp. Sáng tác thơ là cấu trúc nên một tổ hợp nhịp. Tiếp nhận thơ là tái cấu trúc tổ hợp đó. Tái cấu trúc không loại trừ khả năng đồng sáng tạo của người đọc. Tính chất đa nhịp của câu thơ đang bàn là có thật trước mắt chúng ta.

    Để ngắt nhịp được một câu thơ, người ta sử dụng phối hợp hai yếu tố ngữ âm và ngữ nghĩa. Yếu tố ngữ âm thường thể hiện phổ biến ở những thể thơ có niêm luật chặt chẽ, quen thuộc cho cả người sáng tạo và người tiếp nhận. Yếu tố ngữ nghĩa thể hiện ở những liên kết cục bộ tạo nghĩa trong dẫy lời. Kinh nghiệm khi phiên thơ Nôm ra chữ quốc ngữ, khi dịch thơ, khi phân tích thơ nếu không phát hiện được nhịp (hoặc đa nhịp) của câu sẽ dẫn đến cách hiểu thiên kiến, có khi lệch lạc ý thơ.

    Với cách ngắt nhịp theo a ở trên, ta thấy phần có lí của nó nằm ở sự tương đồng nhịp với hai câu kế ngay phía trước:
                                 Nhìn nắng hàng caunắng mới lên
                                 Vườn ai mướt quáxanh như ngọc
                                 Lá trúc che ngangmặt chữ điền.

    Chữ ngang ở đây ắt hẳn thuộc về tổ hợp trước và là trạng thái bổ nghĩa cho động từ che, đến lượt hai chữ che ngang sẽ là trạng thái bổ nghĩa trực tiếp cho lá trúc. Cả cụm lá trúc che ngang bởi vậy mang tính cụ thể, chi tiết, sinh động, rõ ràng như những nét vẽ mực tàu minh bạch. Sự nhận thức minh bạch này tạo quán tính tâm lí cho việc nhận thức ba chữ tiếp theo mặt chữ điền cũng trong tâm thế minh bạch: mặt ai? mặt cái gì? cụ thể nó ra thế nào? Ý thơ nghiêng về phía miêu tả, tự sự, tả cảnh, tả thực. Điều này phù hợp với tinh thần lớn lao của thời đại đào tạo nên tất cả chúng ta: Văn học phải phản ánh hiện thực, phải là tấm gương của thời đại. Điều này cũng dễ phù hợp với cách thức phân tích thơ đơn giản: Kể lại hình ảnh tác phẩm kèm theo những tán thán đẹp lắm, đẹp thật, tuyệt làm sao, hay quá ta…Ai cũng vậy thôi, chúng ta từng trải qua tập làm văn trên ghế nhà trường, từng toát mồ hôi trong buổi dạy đầu tiên, từng viết những trang nghiên cứu sơ giản mà giờ đây đọc lại phát ngượng cả lên.

    Cách ngắt nhịp và cách hiểu này mang sức nặng của số đông, có tính phổ biến, và ngay cả những nhà nghiên cứu, phê bình mà tôi rất trân trọng cũng nghiêng một cách tự nhiên về nó. Hệ quả rút ra là nếu dịch câu thơ này ra một ngôn ngữ biến hình thì từ lá trúc chắc chắn sẽ thuộc phạm trù số ít.

    Với cách ngắt nhịp b ta thấy tình hình có khác. Đây là một biến nhịp so với hai câu liền trên nhưng không là lạ so với câu đầu tiên trong bài: Sao anh khôngvề chơi thôn Vĩ. Câu đầu tiên là một liên kết không mạch lạc về nhịp (dù nghĩa rất mạch lạc). Tốt nhất ta coi cả câu là liền một nhịp thể hiện như một đồng vọng nguyên khối lời nhắn nhe mời gọi hoặc sự thầm nhắc không nhất thiết được trang sức bằng nhịp. Cũng có thể có một cách ngắt nhịp nhẹ nào đó theo thói quen ngữ âm nhưng ở đây tỏ ra không cần thiết. Cả câu thơ là một nhịp là điều vẫn thường thấy. Tôi rất thích thú khi đọc Tản Đà bình câu Kiều:

                             Dấu xe ngựa đã rêu lờ mờ xanh.

    Cụ viết: “Câu này có một thế văn đặc biệt. Văn lục bát thường hai chữ đi với nhau một chập; như câu đây thời chữ xe ở thứ hai đi luôn với chữ ngựa ở thứ ba, lại chữ lờ ở thứ sáu đi luôn ở chữ mờ ở thứ bảy; trong tám chữ không thể ngắt hơi vào chữ nào, mà tiếng trong tiếng đục xứng hợp, khéo ngâm tự thấy có hưởng điệu khác hẳn các câu thường”. Đọc kĩ thấy Tản Đà thật tinh tường, câu thơ chữ níu nhau y hệt một sân rêu bò lan che cả vết xe vì lâu ngày xa mã bất đáo, khách chơi không vãng lai.

    Theo cách này, cả khổ thơ sẽ có nhịp như sau:
                                 |Sao anh không về chơi thôn Vĩ|
                                 Nhìn nắng hàng caunắng mới lên
                                 Vườn ai mướt quáxanh như ngọc
                                 Lá trúc chengang mặt chữ điền.

    Sự biến nhịp cũng là việc thường thấy. Tôi kể câu chuyện về nhịp câu thơ của Nguyễn Đình Thi:
                                 Sau lưng thềm nắng lá rơi  đầy.

    Trong đáp án được GS Mã Giang Lân đưa ra để chấm thi đại học, câu thơ trên được phân nhịp Sau lưng|| thềmnắngrơi đầy và giải thích rằng thềm, nắng, lá là ba thực thể sau lưng người chiến sĩ ra đi khỏi Thủ đô. Tranh luận nổ ra ngay lập tức. Hội đồng  đề nghị có người đi hỏi nhà thơ. Nguyễn Đình Thi giải thích: “À, nhịp nó là thế này Sau lưngthềm nắng|| lá rơi đầy. Ở đây tôi thực hiện một cú đảo phách so với hai câu trước đó ( Những phố dàixao xác hơi may.||Người ra điđầu không ngoảnh lại). Không đảo phách thì nghe nó đều đặn tầm thường. Còn hình ảnh thì tự hiện ra thôi vì chữ nó mang nghĩa vựng, không như nốt nhạc”. Thế là xong chuyện. Nhưng Hàn Mặc Tử thì ta không thể đến mà hỏi ông được nữa. Chấp nhận vậy.

    Theo cách ngắt nhịp b này thì ngang sẽ thuộc về tổ hợp sau (…ngang mặt chữ điền) và nó có nghĩa như chừng, tầm, độ… Chữ ngang của cách hiểu trước và chữ ngang của cách hiểu sau mang sắc thái nghĩa khác nhau. Nếu dịch sang tiếng nước khác thì có thể phải khác đi. Ví như chữ Hán thì ngang trước có thể làhoành, ngang sau có thể là tề.

    Về mặt dùng từ, nếu cách hiểu a cho ta một chữ ngang tinh tế, cụ thể thì cách hiểu b cho ta một chữ ngang ước lượng, tương đối ở một tầm quan sát xa hơn, không đòi hỏi chi tiết, minh bạch. Chính yếu tố ảo này làm cho trong kết cấu lá trúc che, từ lá trúc không còn đơn chiếc nữa mà sẽ là nhiều lá, hay có thể là cả rặng trúc cảnh, người ta xén bằng bao quanh vườn. Nói cây chuối thì không phải là 1 cây chuối (vì vốn là ba tiêu), nói cây lúa thì không phải là 1 cây lúa trên tay, nói hoa ngô lút đầu thì quyết không phải là 1 chiếc hoa ngô. Nếu ở đây, dịch ra ngôn ngữ biến hình thì từ lá trúc chắc chắn sẽ nằm dưới dạng số nhiều. Cách nhìn nhận này sẽ kéo theo quán tính hiểu mặt chữ điền như một hình ảnh ước lệ (theo thói quen quá khứ). Câu thơ nghiêng về phía trữ tình, giàu tính biểu hiện, tả tâm trạng, tả tình. 

 

 2. Tiếng Việt là vậy, các phạm trù ngữ pháp hầu như không thể hiện qua cấu tạo âm tiết. Nó nằm ở nghĩa hoặc nằm ở liên kết, ở ngữ cảnh, ở cách dùng. Trên văn bản thơ ca, nó tạo ra tính đa nghĩa, lung linh như là một lợi thế, nó cũng tạo ra những cách hiểu khác nhau dẫn đến tranh luận như những hoạt động văn chương phong phú và lí thú.

     Câu thơ của Hàn Mặc Tử là một tích hợp lung linh, có mặt này và có mặt khác. Cuộc truy tìm để giải thích ba chữ mặt chữ điền sẽ mãi hấp dẫn bởi chính điều đó.

    Lối đi a rõ ràng nghiêng về phía tiếp nhận văn bản theo hướng tìm yếu tố tự sự góp phần sáng tạo nên một tác phẩm trữ tình. Trước hết, chỉ ra mặt chữ điềnlà mặt ai? mặt cái gì? Kết quả làm chúng ta thích thú và khâm phục. Tùy theo từng ý kiến, ta thấy: là gương mặt phụ nữ, là gương mặt Hoàng Cúc, là gương mặt cương nghị của đàn ông, là gương mặt của chính Hàn Mặc Tử, là gương mặt của ông chủ “vườn ai”, là khuôn mặt phúc hậu theo quan niệm tướng mạo thời xưa, là mặt bức bình phong trước sân, là mặt bức chấn phong, là hình ảnh “mắt vườn” trổ vuông chữ điền vẫn hiện hữu, là mảnh vườn cùng cành trúc, lối đi trong mắt nhìn tích hợp ảo và thực của thi sĩ…Tôi cũng xin lỗi các tác giả và người đọc khi không nêu xuất xứ từng ý kiến cụ thể bởi, thứ nhất, tôi tôn trọng và không có ý định tranh luận, thứ hai, bạn có thể mở máy tính bất cứ lúc nào cũng đọc được các ý kiến trên đầy đủ hơn.

     Đó là những ý kiến của những người đã cất công đi tìm. Tôi không có phát kiến gì hơn theo hướng này mà chỉ biết rằng, do cách ngắt nhịp câu thơ nên xu hướng là truy tìm hình ảnh cụ thể. Mà theo hướng này thì cũng có thể suy ra nhiều thứ như: mặt bể cạn có cành trúc là rà, cổng bình môn có lá trúc che ngang, nhìn xuyên lá trúc vào cửa sổ có xuyên hoa chữ điền, hình ảnh cành trúc vẽ ngang trên khuôn vuông tấm bưu ảnh…Có nghĩa là, bất cứ những gì có lá trúc ngang, có hình vuông, có chất Huế nữa càng tốt, mà chúng ta bắt gặp thì câu thơ của thi sĩ họ Hàn sẽ ngân vang trong tâm trí chúng ta. Ta đang là người đồng sáng tạo ra câu thơ đó. Còn lấy cái sản phẩm đồng sáng tạo đó để khăng khăng giải thích căn nguyên câu thơ và phủ định những ý kiến không giống mình lại là một chuyện khác. 

 

3.  Về lối đi b, nghiêng về phía phát hiện văn bản trong tính trữ tình của nó, tôi có suy nghĩ nhiều để giải thích vì sao lại có cái lí của lối đi a, có đọc sâu văn bản được hơn chăng? Khả năng kết hợp hai lối như thế nào?

    Trước hết phải thừa nhận kết cấu mặt chữ điền về ngôn ngữ là một cụm từ, về nghệ thuật ngôn từ dân gian nó là một thành ngữ. Thành ngữ là những cụm từ chứa đựng yếu tố mĩ cảm khi sử dụng, nó tồn tại lâu dài trong cuộc sống và được lặp lại trong nói năng, sinh hoạt văn nghệ dân gian. Thành ngữ này đã ổn định trước khi Hàn Mặc Tử làm bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ mà ta thấy còn ghi trong từ điển. Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của làm 1895 có ngữ liệuMặt chữ điền và chú thích gọn lỏn: Mặt vuông (Ở mục Điền). Từ điển Hán-Việtcủa Đào Duy Anh làm năm 1931 cho ta ngữ liệu thú vị hơn cũng ở mục Điền:Điền tự diện – Mặt vuông như hình chữ điền. Chúng ta hãy xem xét cách chú nghĩa của các tác giả từ điển này sau, nhưng rõ ràng là, khi sáng tác bài thơ, Hàn Mặc Tử đã sử dụng nguyên khối một thành ngữ có sẵn. Đây rõ ràng là cách dùng theo lối ước lệ với nghĩa chặt chẽ của từ này, ước là làm theo, lệ là cái cũ đã thành thói quen. (Không có khái niệm nghệ thuật ước lệ trong lí luận văn học thế giới, chỉ có ở Việt Nam mình). Nhà thơ là sáng tạo nhưng cách sử dụng trong ngữ cảnh là phong phú. Ví như Hàn Mặc Tử viết xanh như ngọc là sử dụng nguyên khối, còn khi ông viết thơm như ngọc là sáng tạo độc đáo vì truyền thống không chắc ai đã nói vậy. Từ điển cho ta ngữ liệu mặt chữ điền và điền tự diện nhưng khi chú giải cho rõ, cả hai tác giả đều thêm tính chất vuông. Thật thế chăng? Thêm vào một chữ thì, theo lô gic học, nội hàm sẽ lớn hơn nhưng ngoại diên sẽ hẹp đi. (Như cái áo cà sa, danh từ nhà Phật gọi là điền y hay thủy điền ymà chú là áo vuông thì quả không ổn, nó dùng để chỉ chiếc áo được chắp bằng các mảnh vuông và phô diễn các chữ điền liên tục kiểu hồi văn). Tốt nhất, chúng ta chấp nhận cả hai thành ngữ vốn đã tồn tại MẶT CHỮ ĐIỀN và MẶT VUÔNG CHỮ ĐIỀN. Hai thành ngữ này có nghĩa chồng lên nhau nhưng không hoàn toàn là trùng khít lên nhau.

    Chúng ta hãy biện luận. Nếu để chỉ gương mặt vuông mà thôi, hà cớ gì người ta không nói mặt chữ VI hay VI TỰ DIỆN. Chữ vi không có nét ngang và nét sổ ở trong nên vuông vức, sạch sẽ phẳng phiu hơn chữ điền. Gương mặt bị cắt ngang dọc như vậy thì là cái gì? Lại ruộng nữa chứ, nơi người ta người ta cày xới, dẫm lên, có lúc cũng chả sạch sẽ gì. Sao lại hình dung mặt người như vậy? Trong vấn đề này, chỉ còn hai nguyên do đáng để ý: Nhân tướng học và Nhân trắc học.

    Nhân tướng học là việc trực quan hình thức con người (đường nét, màu sắc, hình khối, sự vận động) để đưa ra xét đoán về tâm tính, năng lực, số mệnh đối tượng. Nhân trắc học là việc đo những yếu tố trên để thiết lập các đại lượng có thể dùng cho nhân tướng học nhưng cũng thường dùng cho y thuật, các ngành khoa học khác và trong truyền thống, hay dùng cho các nghệ thuật như hội họa, điêu khắc, kiến trúc, sân khấu v. v... Nhân tướng học và nhân trắc học có phần giao thoa cùng nhau.

    Nhân tướng học Trung Hoa phong phú các trường phái, các lĩnh vực, trong đó có tướng mặt là tiêu điểm. Xem tướng mặt cũng có nhiều trường phái trong đó có cách mô tả tướng mặt theo dáng chữ (tự dạng). Có 10 chữ thường dùng để hình dung diện mạo: Chữ Viên, chữ Điền, chữ Do, chữ Phong, chữ Dụng, chữ Mục, chữ Đồng, chữ Vương, chữ Giáp, chữ Thân. Trong đó mặt chữ điền được nhìn nhận: khuôn vuông, mặt rộng rãi, các nét ngang dọc ngay ngắn cân đối, đàn ông cương nghị, đàn bà đoan chính, hậu vận sáng tươi.

    Còn nhân trắc học khi dùng cho hội họa và tạc tượng người ta chia hình chữ nhật cạnh đáy 3 cạnh bên 4 thành bốn phần bởi một nét ngang và một nét sổ đi qua điểm giữa của 4 cạnh thành một chữ điền cân đối. Nét ngang sẽ đi qua hai nhãn cầu mà từ đó ngược lên chạm đỉnh đầu, phần dưới trở xuống chạm đáy cằm. Đó sẽ là trắc diện cơ bản. Đời cha cho chí đời conVẽ vuông rồi mới vẽ tròn thì nên. Thay vẽ bằng đẽo, nặn hay đục cũng vậy thôi. Như vậy, theo trình tự thể hiện thì tròn được xem như là một sự tiếp tục, một biến thái của vuông. Khi vẽ hoặc tạc tượng, người ta tùy theo nhân vật mà trình bày nhân tướng các bộ phận trán, lông mày, mắt, mũi, gò má, miệng, cằm, tai. Mỗi thứ có rất nhiều loại thể hiện tính cách cho nam hoặc cho nữ. Lông mày là một mục rất quan trọng vì nó lấy nét làm cơ sở và nằm hướng ngang giữa gương mặt. Một gương mặtngang bằng sổ thẳng là gương mặt tốt đẹp cho cả nam và nữ. Trong tính lí tưởng, chữ điền là đại diện cho cách viết chữ ngang bằng sổ thẳng, nó được thể hiện bằng các nét luân phiên các thao tác đều đặn: nét 1 sổ thẳng, nét 2 ngang bằng + sổ thẳng, nét 3 ngang bằng, nét 4 sổ thẳng, nét 5 ngang bằng để khóa chữ.
   
 Tóm lại là, trong nhân tướng học hay nhân trắc học, khi nói đến điền tự diệnhay mặt chữ điền thì về trực quan tối thiểu có hai yếu tố: thứ nhất, gương diện có hình vuông (không loại trừ biến thái gần gũi của nó, trên thực chất không có gương mặt tuyệt đối vuông): thứ hai, đường nét cơ bản nhất phải ngang bằng sổ thẳng chia hình đó làm 4 phần bằng nhau. Nếu chỉ nhận thức 1trong hai yếu tố đó sẽ là không đầy đủ. Ví dụ đẳng thức: mặt chữ điền = mặt vuông = mặt đàn ông là chỉ hiểu một nửa ý nghĩa. Cũng như việc coi gương mặt có nét ngang bằng sổ thẳng là mặt chữ điền cũng chỉ dùng một nửa ý nghĩa của thành ngữ này. 

 

 4. Đó là nguyên do. Còn từ nguyên do vào đời sống tinh thần, đời sống ngữ văn thì không phải bao giờ cũng mạch lạc như vậy. Chặt chẽ như các triết thuyết, nghi thức như các tôn giáo khi lan vào các không gian khác nhau, các hoàn cảnh khác nhau, khi trượt trong các thời kì lịch sử khác nhau còn lắm phân rã, tha hóa nữa là. Khi một khái niệm hay một thành ngữ đi vào cuộc sống, không phải bao giờ người dùng nó cũng hiểu hết ý nghĩa, người ta chỉ sử dụng nét nghĩa có ích cho giao tiếp, cho biểu đạt mà thôi.

    Trong truyện Nôm thế kỉ XIX trở về trước, không khó khăn lắm khi ta thấy cách tả gương mặt người đẹp theo thao tác hội họa kiểu mặt chữ điền (vẽ vuông rồi mới vẽ tròn) dưới hình thức giản ước.
    Thúy Vân trong truyện Kiều được mô tả:
                              Vân xem trang trọng khác vời
                          Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang.

    Tính cách Thúy Vân là trang trọng khác hẳn bạn đồng lứa (vời là , là vị, là đồng trang lứa). Nội tiếp hình vuông là một khuôn trăngNét ngài nở nang là nét lông mày kéo thẳng và rộng về hai bên trên khoảng đường ngang chính giữa chữđiền
    Nàng Kính Tâm giả trai không dấu nổi đoan trang trong văn Chèo:
Người đâu tu ở chùa này
Cổ  kiêu ba ngấn, lông mày nét ngang.
Ở đây chữ nét hiển hiện như dùng bút mà vẽ vậy. 
    Nàng Kiều Liên trong truyện Phan Trần được vẽ:
Một nàng trinh nữ xinh sao
Mày ngang bán nguyệt, miệng chào trăm hoa.

Bán nguyệt là dáng lông mày, ngang là hướng lông mày trên đường trung phân. 
    Truyện Phương Hoa, nhân vật này tô điểm hình dung:
Áo quần hây hẩy hơi sương
 rà tóc phượng, ngang ngang mày ngài
    Trong truyện thơ Chiêu Quân cống Hồ, khi vẽ người thay thế cho Chiêu Quân, cũng phải đẹp tương tự, Mao Diên Thọ phác bút truyền thần:
Chân dung đệ nhị mĩ nhân
Khuôn viên  đủ nhạc, cân phân rõ ràng.

Rõ là  vẽ chân dungNhạc ở đây là ngũ nhạc : Trán, mũi, gò má trái, gò má phải, cằm. Cân phân rõ ràng là chia đều theo phép chia mặt chữ điền

    Đến đây, trở lại với giải nghĩa của Huình Tịnh Paulus Của và của Đào Duy Anh thì rõ do là bởi mục đích phổ thông của từ điển mà họ chỉ giải nghĩa ngắn gọn nhất, thông dụng nhất. Cả hai từ điển trên không phải là từ điển mĩ học. Vậy,mặt vuông chữ điền là cách nói dân gian có tính thông dụng và không thể đại diện đầy đủ cho mặt chữ điền. Và như vậy, mặt chữ điền chắc chắn trong cảm thức nghệ thuật thời Hàn Mặc Tử sẽ là một gương mặt đoan chính, phúc hậu. Đọc theo cách ngắt nhịp b, ta có thể chuyển nghĩa gần gũi kiểu như : Lá trúc che|  ngang mặt người hiền... chẳng hạn. Còn họ là ai thì có thể là một người phiếm định trong niềm trân trọng, yêu thương, quí mến của nhà thơ, những người có thể không quen biết như vẫn thật nồng hậu với nhà thơ.

    Hàn Mặc Tử sinh 1912, sau Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Văn Huyên 4 năm, sau Quách Tấn 2 năm, trước Trần Huyền Trân 1 năm, trong một gia đình bố là một trí thức giỏi Hán học, thông thạo tiếng la tinh và Pháp văn. Thời trẻ, ông thành thục thơ luật Đường đến mức được ngợi ca là hiện tượng, ông chung thủy làm bạn cùng Quách Tấn, một thi bá luật Đường hiện đại. Những bài thơ luật ông để lại buồn du dương, mang tâm trạng cổ điển :

                          - Khóc dùm thân thế hoa rơi lệ
                           Buồn giúp công danh dế dạo  đàn....
                          - Vội vàng chiếc nhạn thu qua trớt
                           Buồn bả hơi may thoảng lại rơi
                           Nằm gắng mà không thành mộng được
                           Ngâm tràn cho đở chút buồn thôi

    Một người như thế chắc mấy chữ mặt chữ điền phải có cốt cách nghĩa lí lắm. Một người như chúng ta ngày nay, từ mặt chữ điền, khăng khăng bám lấy mặt vuông chữ điền mà giải rằng thi sĩ không tả phụ nữ thì liệu có đủ tri âm không.

    Nhưng thơ ca là thơ ca. Hàn Mặc Tử sáng tạo chứ không trích cú. Bởi vậy, khi bột phát lời thơ giữa cơn cảm hứng nồng nàn và day dứt, mọi điều có thể xảy đến, có thể đồng hiện: đó là người thương, người quen, người dưng đằm thắm, là khu vườn, là bình phong, mắt gạch. Ấn tượng bùng lên từ thăm thẳm tâm thức thì ai mà khảo đến tận cùng. Cũng như cầu thủ giỏi, đi một động tác không tưởng thì có ai biết được từ ông thầy nào dạy cho. Kĩ năng đã trở thành bản năng. Người làm thơ cũng xuất thần như vậy. Hàn Mặc Tử cũng như vậy, gương mặt người trong mộng hiện lên nhưng cùng với nó sẽ là bao tâm cảm chứa trong ba chữ MẶT CHỮ ĐIỀN.
                                            
                                                                                Hà Nội 18 / 5/ 2010.
Nguồn: Phongdiep.net

1 nhận xét:

  1. Mụn cóc là một dạng tổn thương da lành tính nhưng nếu không biết cách chữa trị mụn sẽ ngày càng lan rộng và khó chữa trị. ... là ở mu bàn tay và các ngón, ít gặp ở lòng bàn tay http://dakhoaaua.vn/hinh-anh-mun-coc-o-tay-1716.html/
    Dưới đây là những mẹo trị mụn cóc cứng đầu mà cách làm lại cực kỳ đơn giản. ... Dùng lá tía tô vò nát cho ra nước để bôi thường xuyên hoặc tốt hơn là đắp lên http://dakhoaaua.vn/noi-mun-coc-o-tay-co-nguy-hiem-khong-1719.html
    Mụn cóc sinh dục không được điều trị có thể lây qua người bạn tình. Siêu vi trùng lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp da với da ... Điều trị bệnh mụn cóc sinh dục http://dakhoaaua.vn/cach-chua-benh-mun-coc-sinh-duc-1718.html
    Những biểu hiện đó nếu không kịp thời khám xét và điều trị kịp thời thì có những biến chứng như ung thư dương vật (ở nam giới) hay ung thư cổ tử cung (ở nữ giới) http://dakhoaaua.vn/mun-coc-sinh-duc-va-nhung-dieu-can-biet-1722.html
    Khi có nghi ngờ về dấu hiệu của bệnh mụn cóc sinh dục cần có những điều trị kịp thời. Vậy những hình ảnh bệnh mụn cóc sinh dục như thế nào để bạn dễ nhận biết http://dakhoaaua.vn/nhan-biet-mun-coc-sinh-duc-o-nam-va-nu-kha-de-dang-1721.html

    Trả lờiXóa