Thứ Hai, 19 tháng 12, 2011

Trộm Long Tráo Phụng; Ca Trực đêm giao thừa - Đ.N.Thạch


 

TRỘM LONG TRÁO PHỤNG

Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch

Trong con hẻm dài, khá yên tĩnh và tương đối rộng rãi (bề rộng hơn bốn mét), có hai người mẹ cùng sinh con trai, một ngày, chỉ khác là người thì buổi sáng, người buổi tối.
Người mẹ thứ nhất ở trong căn nhà mà ngoài cổng có lùm hoa giấy, đặt tên con là Tôn Sách, vừa có ý là Sách được làm thành từ giấy và Tôn Sách là tên một nhân vật làm quân sư cho Bao Công, tên đầy đủ là Công Tôn Sách, đã phò giúp cho Bao Công rất đắc lực trong các vụ kỳ án tưởng chừng như không thể phá nổi! Đặt tên con là Sách ấy là người cha và người mẹ trẻ tuổi đều vừa tốt nghiệp trường Đại học Luật, đều mới vào làm việc ở một tổ Trọng án thuộc Phòng cảnh sát điều tra…
Người mẹ thứ hai ở trong căn nhà đối diện với căn nhà có lùm hoa giấy, là căn nhà có cây bằng lăng, đặt tên con là Bằng Lăng, chỉ với một lý do là cả hai vợ chồng đều thích hoa bằng lăng. Hai vợ chồng ở trong căn nhà có cây bằng lăng này sống bằng lợi nhuận của một tài khoản khá lớn ở một ngân hàng nước ngoài…
Có điều khá đặc biệt là, tuy chỉ cách nhau một khoảng cách hơn bốn mét nhưng những người ở hai căn nhà đối diện nhau nhưng chưa bao giờ tiếp xúc với nhau, cũng giống như rất nhiều người ở trong các căn nhà khác, họ hầu như không hề biết đến những người “Hàng xóm” – đó là điểm khác biệt khá phổ biến giữa nông thôn và thị thành. Song, tuy họ không quan hệ với nhau, nhưng có một sợi dây vô hình của định mệnh lại cứ muốn ràng buộc họ với nhau, mà số phận của hai cậu bé Tôn Sách và Bằng Lăng là một ví dụ.
*
Hai mươi năm sau, khi cả hai cậu bé Tôn Sách và Bằng Lăng sắp tròn hai mươi tuổi…
Bên căn nhà có lùm hoa giấy, cả bố và mẹ của Tôn Sách đều đã trở thành những nhà điều tra tài ba và có chức vụ cao. Cậu bé Tôn Sách, vì là con một, cho nên phải gánh trọng trách rất lớn và nặng nề của song thân: nối nghiệp danh gia! Vì thế, ngay từ khi còn nhỏ, câu bé Tôn Sách đã được “Cài đặt” trong một chế độ giáo dục đặc biệt và rất nghiêm khắc: đó là cậu phải tiếp thu ở mức cao tất cả các tri thức cũng như khả năng của con người! Bởi cả bố và mẹ cậu đều cho rằng, muốn trở thành một nhà điều tra giỏi, có thể tóm cổ bất cứ loại tội phạm nào thì phải hơn hẳn người bình thường, là Siêu nhân thì càng tốt! Song, dường như mọi cố gắng của bố và mẹ Tôn Sách đều thu được những kết quả chệch hướng, thậm chí ngược lại với mong muốn ban đầu. Chẳng hạn như cho Tôn Sách học võ thuật từ lúc năm sáu tuổi là để cho cậu bé có sức khỏe tốt và một bản lĩnh cao cường thì cậu lại không chuyên tâm rèn luyện theo những bài bản chuẩn mẫu mà chỉ thích học theo những chiêu thức có tính chất bạo lực và sớm có tính cách ngông cuồng, thích gây gổ đánh lộn! Hoặc cho cậu tiền để mua sách, báo thì chỉ thấy cậu tha về những
cuốn sách bạo lực hoặc truyện ái tình nhảm nhí, có cả những tập tranh, ảnh khiêu dâm! Trang bị máy vi tính từ rất sớm (từ khi mới học lớp ba) để cậu nhanh chóng hội nhập thế giới @ thì cậu chỉ mải mê với những trò chơi bạo lực và những trang Web bẩn!…
Việc vào đại học của Tôn Sách, chính vì thế mà không thể thuận buồm xuôi gió như bố mẹ cậu. Vì cả bố và mẹ Tôn Sách đều có bằng Tiến sĩ Luật và đều tham gia giảng dạy ở trường Đại học Luật cho nên người ta hy vọng sau này, lớn lên chút nữa, cậu sẽ thay da đổi thịt mà trở lại là “Con nhà tông, không giống lông cũng giống cánh”, có được chút di truyền của cha và mẹ là những Luật gia giỏi, cho nên đã cho cậu được “đỗ vớt” đặc cách vào trường Đại học Luật, cùng với sự “Bảo lãnh” của cả bố và mẹ. Song, gần hết năm thứ nhất thì Tôn Sách lại gây ra một “cú đúp” về tội lỗi: đánh trọng thương một bạn trai và cưỡng bức một bạn gái! Song thân cậu lại phải một phen “gỡ rối” và “bảo lãnh” cho cậu, nếu không cậu đã bị đuổi học! Gần đến ngày sinh nhật tròn 20 tuổi, Tôn Sách đã được lên năm thứ ba, trong sự lo lắng từng ngày của cả bố và mẹ. Song sự lo lắng của song thân Tôn Sách đã chuyển sang một chút hồi hộp, hy vọng khi có ông thầy Tướng số nói rằng, khi tròn 20 tuổi, số phận Tôn Sách sẽ có sự đột biến rất lớn!
Khi tròn 20 tuổi, số phận sẽ có đột biến lớn, cũng là câu thầy Tướng nói với bố mẹ Bằng Lăng khi nói về số phận của Bằng Lăng, ở căn nhà có cây bằng lăng, đối diện với căn nhà có lùm hoa giấy là nhà Tôn Sách. Song, những diễn biến khác của cậu bé Bằng Lăng từ khi sinh ra cho đến gần ngày sinh thứ hai mươi thì lại khác hẳn cậu bé Tôn Sách. Ngay từ khi cắp sách tới trường, cậu bé Bằng Lăng đã là một học trò giỏi đặc biệt và suốt trong thời gian học ở bậc Trung học phổ thông, cậu bé Bằng Lăng luôn luôn là một học trò giỏi toàn diện. Bố và mẹ Bằng Lăng đều quá “say sưa” với những “phi vụ” làm ăn lớn nhỏ khác nhau, liên tục không ngưng nghỉ như những “canh bạc khát nước”, cho nên thường là không để ý tới chuyện học hành của con cái. Cho nên Bằng Lăng và hai người em gái đều “tự thân vận động”, Bằng Lăng thi đỗ vào trường Đại học Y Dược, còn hai cô em gái xinh đẹp và nổi tiếng ăn chơi sành điệu thì đều “thi đỗ” vào “Trường Đời”: cô chị đã là một người mẫu thời trang đắt giá còn cô em đang là một diễn viên điện ảnh nổi danh như cồn cát!
*
Cận kề ngày sinh thứ hai mươi của Tôn Sách và Bằng Lăng, ở cả hai căn nhà có lùm hoa giấy và cây bằng lăng đều có những sự biến động lớn…
Ở căn nhà có lùm hoa giấy, ông bố và bà mẹ Tôn Sách bồn chồn không yên, “Như đứng đống lửa như ngồi đống than”! Ông chồng nói với vợ: “Không biết sự đột biến này theo hướng nào, tốt hay xấu đây?”. Bà vợ cố kìm nén, che giấu đi nỗi lo bời bời của người mẹ, nói giọng đầy lạc quan mà vẫn còn run rẩy: “Tất nhiên là hướng tốt rồi! Người ta nói quá tam ba bận, nó đã làm cho chúng ta hơn ba lần thất điên bát đảo rồi, chẳng lẽ lại còn nữa, lấy đâu ra mà nhiều xui xẻo thế?”. Ông chồng cười méo mó: “Thế bà không nhớ câu “Họa vô đơn chí” à? Tai họa chẳng bao giờ đến đơn lẻ mà luôn có bè đảng, băng nhóm như bọn tội phạm mafia!…Tôi luôn có cảm giác bất an!”. Bà vợ nói ngay: “Vậy sao ông không đi lễ chùa xin bùa cầu an? Ông phải thành tâm cầu cúng thì Bồ Tát mới phù hộ độ trì!”. Ông chồng thở dài: “Bà là nhà khoa học mà mở mồm là nói chuyện cúng vái! Tôi đã nói với bà là không có Bồ Tát gì hết mà lúc nào cũng…”. Ông chồng định nói gì nữa thì như là có cái gì chẹn ngang cổ họng, ú ớ không nói được nữa! Bà vợ thấy vậy thì hốt hoảng, đỡ ông chồng ngồi xuống chiếc sa-lon rồi vừa day huyệt cho ông vừa nói: “Đã bảo là ông đừng có cậy học cao, nhiều bằng cấp mà báng bổ thần linh! Ông mà nói lung tung lần nữa
là Ngài làm cho ông méo mồm, cụt lưỡi đó nghe không?”. Rồi bà lại bên cái bàn thờ có tượng Quan Âm Bồ Tát bằng ngọc, lầm rầm khấn vái rất lâu!… Tuy nhiên, lời khấn của bà mẹ Tôn Sách dường như không đến được tai Bồ Tát, cho nên đúng ngày sinh thứ 20 của Tôn Sách, lúc cả nhà đang chờ Tôn Sách thổi tắt 20 ngọn nến cắm quanh cái bánh Ga-tô ba tầng rất hoành tráng tỏa mùi thơm phức, thì có hai cảnh sát mặc đồng phục tới đưa lệnh bắt người cho bố Tôn Sách. Ông bố nhìn nhanh lệnh bắt, định đọc lên nhưng cái miệng bỗng bị méo xẹo, lưỡi cứng đơ! Bà vợ giật lấy tờ giấy lệnh bắt, đọc nhanh: “…ra lệnh bắt tội phạm Tôn Sách với tội danh vừa hành hung vừa cưỡng bức bé gái mười tuổi là…”, rồi ngất xỉu!
Trong khi ở căn nhà có lùm hoa giấy, Tôn Sách đã bị bắt tạm giam và cả bố và mẹ Tôn Sách đều phải đưa đi cấp cứu ở bệnh viện thì bên căn nhà có cây bằng lăng, bàn tiệc cho lễ mừng sinh nhật Bằng Lăng tròn hai mươi tuổi đã được bày biện không thiếu thứ gì, nhưng nhân vật chính của buổi lễ vẫn chưa thấy đâu?
Chàng trai trẻ Bằng Lăng – nhân vật chính của buổi tiệc mừng sinh nhật 20 tuổi – , lúc này đang trong vai trò Bác sĩ Watson bên cạnh Thám tử Sherlock Holmes trẻ tuổi là cô bạn Như Luật, sinh viên năm thứ ba của trường Đại học Luật. Cô bạn gái Như Luật của Bằng Lăng là bạn học với Bằng Lăng suốt 12 năm học ở Trung học Phổ thông. Những tưởng hai người sẽ cùng vào Đại học Y Dược nhưng bố mẹ Như Luật nói: “Bố đặt tên con là Như Luật có nghĩa là muốn con trở thành nhà thám tử lừng danh như Sherlock Holmes. Con không nên phụ lòng mong mỏi của cha mẹ và đó cũng là số phận của con đã được bàn tay Tạo hóa sắp đặt, không thể cưỡng lại được. Còn việc con và người bạn Bằng Lăng muốn cặp kè bên nhau suốt đời thì bố cũng không phản đối vì cậu ta là người tốt và thông minh. Hai đứa thiếu gì cơ hội bên nhau “trên từng cây số”? Con không thấy là Thám tử Sherlock Holmes phá án thành công còn do có sự đóng góp không nhỏ của người bạn là Bác sĩ Watson sao? Anh ta ở bên cạnh con trong vai trò Bác sĩ Watson là rất…đẹp đôi!”. Nghe bố nói vậy, cô gái Như Luật vui như mở cờ trong bụng và quả nhiên, ba năm nay, họ đã bên nhau như là Thám tử Sherlock Holmes và Bác sĩ Watson! Cô sinh viên Trường Luật Như Luật đang phải làm nhiệm vụ “Tập sự” trong một vụ án kinh tế lớn mà tổ Trọng án đã tiến hành hơn hai năm nay. Các nhân viên của tổ Trọng án dường như đã thu thập được gần đủ chứng cớ phạm tội của một đường dây buôn lậu lớn, có liên quan đến nhiều quan chức cỡ bự và một trong những “mắt xích” quan trọng lại là vợ chồng nhà doanh nghiệp ở trong căn nhà có cây bằng lăng, tức bố và mẹ của “Bác sĩ Watson” Bằng Lăng! Ngày hôm nay, là ngày sinh thứ hai mươi của Bằng Lăng, “Thám tử Sherlock Holmes” Như Luật chưa muốn cho người bạn của mình xem cặp hồ sơ tài liệu điều tra về “Vụ án buôn lậu xuyên quốc gia” mà cả bố và mẹ của Bằng Lăng đều là những đối tượng “cộm cán”, bởi cô bạn gái lo sẽ làm ngày sinh nhật mất vui! Nhưng chính “Bác sĩ Watson” Bằng Lăng lại chủ động hẹn gặp Như Luật để nói cho cô bạn biết những phán đoán của mình về hai nhân vật của vụ án là bố và mẹ cậu.
Lúc gặp nhau, Như Luật kinh ngạc vô cùng khi thấy những phán đoán của Bằng Lăng gần như trùng khớp với những gì mà tổ trọng án đã thu thập được mà cô đang có trong tay! Sau khi trình bày xong những suy nghĩ của mình, Bằng Lăng hỏi Như Luật: “Nếu như những gì mình vừa nói đúng như tổ trọng án đã thu thập được thì có thể khởi tố vụ án được không?”. Như Luật ngập ngừng, nói: “Tổ trưởng tổ trọng án có vẻ như còn băn khoăn và nói cho mình thời gian mười ngày để kiểm tra lại tất cả các chúng cứ phạm tội của các đối tượng!”. Bằng Lăng nói: “Có phải ông ta thấy khó xử khi có hai đối tượng là người thân của cậu? Nếu thế thì cho cậu câu “Vì nghĩa diệt thân”!”. Như Luật nói ngay: “Dù sao thì đó cũng là bố và mẹ của cậu! Cậu có thể vì nghĩa
diệt thân nhưng tớ lại không đành lòng! Hãy cho tớ thêm thời gian mười ngày xác minh lại, tránh oan sai, mà sự oan sai này lại nhằm vào người thân thì không thể tha thứ được!”. Bằng Lăng suy nghĩ hai phút rồi nói: “Nhưng tớ muốn mọi việc rõ ràng trước sinh nhật, tớ muốn trong buổi tiệc sinh nhật không phải vướng bận điều gì! Chẳng lẽ cậu lại không nghĩ tới cảm nhận đó của tớ?”. Như Luật như muốn bật khóc, cô nói mà như muốn trào lệ: “Sao lại không cảm nhận được? Tớ và cậu đã là “Hai trong một” từ ngày vào đại học rồi cơ mà! Nhưng cậu phải tuân theo thứ tự các bước điều tra. Tổ trưởng tổ trọng án đã nói là cho thêm mười ngày xác minh lại thì cứ tuân lệnh đã!”.
Bằng Lăng muốn nói gì mà lại không thể nói thành lời? Như Luật lấy một cái khăn lạnh lau mặt. Khi bàn tay cô lướt qua mắt, cô thoáng nhìn thấy khuôn mặt của Bằng Lăng qua kẽ các ngón tay và cô giật mình khi thấy khuôn mặt Bằng Lăng rất giống với một người mà cô đã gặp nhiều lần hồi còn học năm thứ nhất? Phải lục tìm trong trí nhớ? Như Luật thấy đầu óc quay như chong chóng và cô thấy cần phải nhờ Bằng Lăng trợ giúp, cô nói với Bằng Lăng: “Cậu hãy nhắc lại cho tớ một vài người mà chúng ta đã gặp nhiều vào năm học thứ nhất?”. Bằng Lăng ngạc nhiên thấy Như Luật hỏi như vậy, song cũng trả lời ngay: “Năm thứ nhất đời sinh viên khiến ta quan tâm nhiều nhất và mở ra cho ta nhiều bến bờ mơ ước nhất có lẽ là các thầy cô giáo, đó là những người “Khai trí” cho tuổi trẻ của chúng ta!…”. Bằng Lăng chưa kịp ngừng hẳn thì Như Luật đã cướp lời: “Thôi…thôi! Được rồi! Cậu đã giúp tớ nhớ ra một người mà tớ đã gặp rất nhiều vào năm học thứ nhất, đó là thầy giáo dạy tớ giáo trình Lịch sử và đặc trưng của bộ môn Luật hình sự. Tớ bỗng phát hiện ra cậu rất giống ông thầy này. Và có điều lạ là trước đây không hiểu vì sao tớ lại không để ý đến cái chuyện giống nhau này? Tớ cần nói thêm với cậu rằng cậu và ông thầy này rất giống nhau, cứ như là hai bố con!”. Bằng Lăng ngớ người một lúc rồi nói: “Hai bố con? Nếu thế thì trùng khớp với giấc mơ của tớ đêm hôm qua: tớ đã thấy rất rõ một người rất giống tớ, hiện ra trước mắt, nhưng cứ mỗi lần tớ định chạy lại nắm lấy tay ông ta hoặc ôm chặt lấy ông ấy thì ông ấy lại biến mất? Vậy cậu hãy dẫn tớ đến gặp ông ấy ngay!”. Như Luật thoáng ngạc nhiên, nói: “Nhà ông thầy đó ở đối diện với nhà cậu trong con hẻm đó? Chẳng lẽ cậu chưa bao giờ nhìn thấy những người ở trong căn nhà đối diện?”. Lần này thì Bằng Lăng ngạc nhiên thật sự khi nghe Như Luật nói vậy! Đúng là không hiểu vì sao cậu chưa bao giờ để ý đến những người ở căn nhà đối diện và có thể nói hầu hết những cư dân ở trong con hẻm này, cậu không hề biết ai là ai?!
*
Khi Như Luật và Bằng Lăng về tới con hẻm, Bằng Lăng quan sát hai dãy nhà đối diện nhau trong con hẻm và cậu có cảm giác như đây là lần đầu tiên cậu bước vào con hẻm này! Khi đã đứng trước hai căn nhà có lùm hoa giấy và cây bằng lăng, Bằng Lăng còn đang lưỡng lự không biết bước vào căn nhà nào trước thì có một bà lão tóc đã bạc trắng, tay chống cây gậy trúc bóng láng, từ từ đi đến bên cậu và nói: “Ta chính là người bà mụ đã đón con chào đời hai mươi năm trước! Hãy đi theo ta gặp bố đẻ của con!”. Nói rồi bà lão đi về phía căn nhà có lùm hoa giấy. Bằng Lăng nhìn bà lão, sững sờ giây lát rồi chạy vút vào trong căn nhà có lùm hoa giấy. Như Luật nhẹ nhàng cầm lấy cánh tay bà lão, định nói câu gì đó thì bà lão đã nói trước: “Con định hỏi ta tại sao lại như thế phải không? Vì hai mươi năm trước, có nhà doanh nghiệp trẻ đến van xin ta rằng, khi vợ tôi đẻ, bà hãy đổi thằng con tôi cho một người mẹ khác, bởi thầy tướng nói rằng khi lớn lên, con tôi nó sẽ phá tôi đến thân bại danh liệt! Ta đã làm theo lời van xin ấy vì thấy tội cho nhà doanh nghiệp, chứ không phải vì mớ tiền mà ông ta trả ơn cho ta! Song, sau này ta thấy hối hận và lần lữa mãi, hôm nay mới đến để nói rõ sự thật!”. Khi hai người vào tới căn phòng khách
bên trong căn nhà có lùm hoa giấy thì thấy hai vợ chồng Luật gia đang nắn bóp tay chân anh chàng Bằng Lăng mãi không thôi! Và bà vợ thì cứ luôn mồm nói: “Đó! Ông thấy chưa, nhờ tôi cầu Bồ Tát đêm ngày mà điều tốt lành đã đến với chúng ta!… Bây giờ ta làm tiệc thật lớn để mừng sinh nhật cho thằng Bằng Lăng và đón tiếp Bà Mụ!”…
Sài Gòn, tháng 5 – 2010
Đỗ Ngọc Thạch

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEg2VaNZhLur-MPepiUK4BeSZ4ZxOGIFxWlTw_n5cnYQU4FjsJ0IajKxfkQynTx1CrliYuDl_ak7maEg2FxDqomAYQ6713hBWatFg5VA3fuGB067pErwGQSfK4Mv_b22RpxkYW0JJpapCQc/s220/vancouver-fireworks.jpg

Ca trực đêm giao thừa

Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch

Trong ngành Y, trực đêm là việc không ai muốn và trực đêm vào đúng đêm Giao thừa thì càng là một cực hình! Chỉ làm một động tác so sánh là thấy ngay tại sao lại nói là cực hình: trong khi tất cả mọi người đang ngồi quây quần bên mâm cỗ cúng Giao thừa trong gia đình ấm cúng, cùng nhau nâng ly rượu thơm chúc mừng Năm mới, hoặc cùng nhau đi hái lộc, đi xem bắn pháo hoa…thì người trực đêm trong Bệnh viện, nhất là Khoa cấp cứu, lại phải đang đối mặt với những con bệnh, đối mặt với Tử Thần!…
*
Với cô Y tá Lam, tuy mới hành nghề có ba năm, nhưng cả ba cái Tết, cô đều có ca trực đêm Giao thừa! Ca trực đêm Giao thừa đầu tiên, không phải chị Điều dưỡng Trưởng ghi tên Lam vào danh sách trực (chẳng ai nỡ bắt cô gái mới vào nghề như Lam phải trực đêm ngay cái Tết đầu tiên) mà do chị Lai, người “dắt” Lam vào làm việc ở Bệnh viện, năn nỉ nhờ Lam trực giùm. Lý do rất “chính đáng”: người yêu sắp cưới mời Lam đến nhà anh ta dự tiệc đón Giao thừa rồi đi hái lộc, vì người bố của anh ta mới được lên chức! Lam cũng chưa có “kế hoạch” gì trong đêm Giao thừa nên cô nhận lời trực giùm ngay!
Ca trực của Lam thật vất vả: trước Giao thừa chỉ mười phút, có hai ca cấp cứu vì ngộ độc thực phẩm, sau Giao thừa, cũng chỉ mười lăm phút, có hai ca cấp cứu vì tai nạn giao thông. Lu bu với bốn ca cấp cứu đó, kíp trực của Lam không ai được biết cái thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới ấy nó diễn ra như thế nào? Mọi người trong Kíp trực vừa thở phào, chuẩn bị bóc bánh chưng, mở chai sâm banh để Phó Giám đốc Bệnh viện tới chúc mừng Năm mới thì có hai người bị tai nạn giao thông, một nam một nữ, được đưa vào phòng cấp cứu. Lam giật mình kinh ngạc khi nhận ra người nữ chính là chị Lai! Chị Lai đã ngất xỉu, chân tay vẫn còn nguyên lành nhưng mặt thì xây xát nặng, bê bết máu. Người nam chính là anh chàng người yêu sắp cưới của chị Lai, người không bê bết máu như chị Lai nhưng cũng đã ngất xỉu, chắc là bị nội thương. Thì ra anh chàng người yêu sắp cưới của chị Lai chở chị Lai bằng xe máy phân khối lớn, đã tông phải một xe máy khác, làm chị Lai bị văng xa đến chục mét và dập mặt xuống đường!…
Phải hơn một tuần sau, chị Lai mới hoàn hồn sau vụ tai nạn bất ngờ đó. Tuy chị không bị Tử Thần lấy mạng hoặc lấy đi cái tay, cái chân nhưng chị đã bị tai nạn đó “hủy dung nhan”: khuôn mặt trái xoan với làn da mịn màng, cái mũi dọc dừa, cái má lúm đồng tiền… đã không còn nữa, thay vào đó là khuôn mặt … “mới” với những vết sẹo dị kỳ không thể tả được! Anh chàng người yêu sắp cưới của chị Lai sau khi hồi tỉnh, chưa kịp đi chụp X-quang để kiểm tra xương cốt và lục phủ ngũ tạng xem có bị tổn thương gì không, khi vừa nhìn thấy người yêu băng kín mặt thì đã “quất ngựa truy phong” không một lời từ biệt!…Còn chị Lai, vừa nhìn thấy Lam, chị Lai đã giàn rụa nước mắt, hồi lâu mới nói được: “Thế là hết!…Không còn người yêu, không còn đám cưới, không còn gì cả! Sao ông Trời lại tàn nhẫn với chị như thế? Sao lại nhằm mặt chị mà cào cấu chứ? Bao nhiêu đứa mặt thớt, mặt mo, mặt dầy sao cứ để chúng nó sống nhơn nhơn?…Biết thế này thì chị cứ trực ở Bệnh viện có phải hơn không? Mà tại sao em lại nhận lời trực giùm chị? Ông Trời ơi, hãy trả lại tôi khuôn mặt trước đây, trả lại khuôn mặt cũ cho tôi, bắt tôi cụt tay, cụt chân cũng được, lấy mạng của tôi đi cũng được!…”.
Lam không biết làm sao để an ủi chị Lai và cô bỗng cảm thấy như là mình có lỗi, như là mình cũng góp phần làm cho khuôn mặt xinh đẹp của chị Lai bị biến dạng?!
*
Ca trực đêm Giao thừa năm thứ hai, chị Điều dưỡng trưởng cũng không ghi tên Lam vào danh sách trực, vì Lam và một Bác sĩ được một Đại gia thuê đi áp tải đưa người mẹ của Đại gia này từ thành phố về quê ăn Tết. Người mẹ của Đại gia này không có bệnh tật gì nhưng tuổi đã cao, hơn bảy mươi tuổi, nên Đại gia e sợ đi đường xa có gì bất trắc chăng?
Quả nhiên, dự liệu của vị Đại gia thật chính xác. Chiếc xe du lịch hạng trung Cá Mập chở Mẫu thân của Đại gia có Bác sĩ Tam và cô y tá Lam đi hộ tống mới đi được một phần ba quãng đường (trưa ngày ba mươi Tết) thì bà cụ có dấu hiệu tăng huyết áp. Bác sĩ Tam sau khi gọi điện thoại về báo tin cho vị Đại gia thì nhận được lệnh quay đầu xe trở về! Về gần đến nhà thì quả nhiên huyết áp lên đến 180, Bác sĩ Tam quyết định đưa ngay bà cụ đến ngay phòng cấp cứu. Bác sĩ Tam và Lam giải quyết cấp cứu cho bà cụ mẹ của Đại gia xong thì cũng vừa tới bốn giờ chiều, tức tới giờ giao ca cho kíp trực đêm Ba mươi Tết. Song, vẫn chưa thấy Bác sĩ Tân và Y tá Lành, là hai người sẽ phải nhận bàn giao ca trực đêm Ba mươi Tết, – tới Bệnh viện. Bác sĩ Tam thấy vậy thì nói với ca trực ban ngày: “Đằng nào thì vị Đại gia kia cũng nhờ chúng tôi ở lại bên người mẹ của ông ta, vậy nhân tiện tôi và Y tá Lam sẽ nhận ca trực đêm Giao thừa này!”. Thế là cô Y tá Lam lại chính thức nhận ca trực đêm Ba mươi Tết lần thứ hai! Sau khi nhận bàn giao ca trực đêm Ba mươi Tết của ca trực ban ngày, Lam gọi điện về nhà báo tin thì cả bố, mẹ và hai đứa em trai của Lam đều không có nhà, họ đang dự tiệc ở nhà người anh em họ hàng!
Ca trực đêm lần thứ hai này của Lam có số lượng công việc gấp đôi ca trực đêm Giao thừa năm ngoái! Ngoài tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm, còn có ba ca bị thương rất nặng do đâm chém theo “Luật Giang hồ”! Rất may là sức khỏe của bà cụ mẹ Đại gia đã ổn định rất nhanh nên Bác sĩ Tam và Lam có thể làm tốt nhiệm vụ của ca trực đêm mà lẽ ra là của Bác sĩ Tân và Y tá Lành. Còn Bác sĩ Tân và Y tá Lành, hôm ấy cả hai người đang trên đường đến Bệnh viện để nhận ca trực đêm Ba mươi Tết thì bị chặn đứng ở gần một dãy “Lô cốt”, con đường mà họ sẽ phải vượt qua bỗng nhiên kẹt cứng, không ai có thể nhúc nhích! Và tình trạng tắc đường đó sau ba tiếng đồng hồ mới được giải quyết!…Sau đó, Bác sĩ Tân và Y tá Lành cũng đến Bệnh viện và ở lại luôn cùng trực với Bác sĩ Tam và Lam cho…vui!
*
Ca trực đêm Giao thừa lần thứ ba của Lam là nhiệm vụ “chính thức”, tức tên của Lam đã có trong danh sách trực đêm Ba mươi Tết trước đó năm ngày! Lam nghĩ, lần này thì chắc chắn là không thể có những rủi do (mặc dù là của người khác) của ca trực đêm “bất đắc dĩ” như hai cái ca trực đêm Ba mươi Tết hai năm trước nữa! Mẹ Lam thấy Lam phải trực đêm nhiều, đến cả đêm
Giao thừa cũng phải đi làm thì nói: “Con đi làm Y tá đã được gần ba năm, lương bổng chưa bằng cái tủ xe trái cây của mẹ. Hay là ở nhà với mẹ, hai mẹ con ta mở tiệm bán bánh ướt, bánh cuốn gì đó. Công việc cũng không nặng nhọc và thu nhập chắc chắn là hơn cả cái xe tủ trái cây của mẹ và cái nghề Y tá của con cộng lại!”. Lam không muốn nói với mẹ rằng cô rất “yêu nghề” Y tá vì cô sẽ lại phải “tranh luận” với hai đứa em trai còn đang học Trung học Phổ thông về vấn đề nghề nghiệp của mỗi người ta, mà cô đổ hết cho “số phận”: “Mẹ tính như thế là rất đúng! Nhưng quả là có câu này “Người tính không bằng Trời tính”! Chúng ta không thể lựa chọn cho mình làm nghề gì, mà nghề nghiệp nó chọn chúng ta như thời chiến đi bắt lính, rất nghiệt ngã, rất phũ phàng, không hề có sự “nhón tay làm phúc”!”. Bố Lam như là muốn “hùa theo” con gái: “Con Lam nó nói đúng đấy! Chúng ta thuộc loại người “Thân bất do kỷ”, mình không thể tự quyết định được, ngay cả chuyện lấy vợ, lấy chồng cũng vậy! Nếu tôi không làm cái nghề đạp xích lô này thì làm sao có cuốn tiểu thuyết “Anh chàng xích lô và cô bán trái đây” thật là lâm ly bi đát và rất hào hùng! Nó đã làm Y tá rồi thì cứ để yên, nếu bàn tay Tạo hóa thấy chưa được thì nó sẽ sắp xếp lại và ta có cưỡng lại cũng không được! Với lại, tôi thấy đó là cái nghề nhân đạo, sẽ tạo được đức cho đời sau!”…Bà mẹ thở dài rồi nói nhỏ: “Nhưng, tôi thấy con bé vất vả quá!… Không chừng lại bị “tai nạn nghề nghiệp” như mấy người điều trị cho bệnh nhân AIDS đó, đúng là “Làm phúc phải tội”!”. Ông bố Lam nghe nói vậy thì cũng thấy “Ớn lạnh” nhưng ông vẫn nói cứng: “Nếu nói như bà thì ai dám làm cái nghề trị bệnh cứu người này?”. Nói là nói thế, chứ ông là người lo cho con gái bị “tai nạn nghề nghiệp” nhiều nhất, như chính bản thân ông, làm cái nghề “lái đò trên cạn” này lúc mào cũng lo nơm nớp: gặp phải bọn người “bất hảo”, nhẹ thì bị xù tiền nặng thì bị lừa chở tới chỗ vắng, trấn lột không còn mảnh giáp, chẳng khác gì những người đồng nghiệp bên “binh chủng” xe ôm hoặc taxi! Nhưng nếu cứ suy đi tính lại thì làm gì cũng bất ổn, cũng đều nguy hiểm!…
“Rút kinh nghiệm” hai cái ca trực đêm Giao thừa trước, lần thứ ba này Lam quyết định đi trước một giờ. Vừa đi, Lam vừa nghĩ rất nhiều về những điều mẹ nói. Thực ra, Lam cũng thấy làm cái công việc Y tá này thật vất vả. Song, công việc cứ cuốn hút Lam như cái chong chóng, khiến cô chẳng có thời gian đâu mà suy nghĩ nhiều. Vả lại, bản tính của Lam là con người hành động chứ không phải típ người làm cái gì cũng phải đắn đo cân nhắc. Khi Lam đi học lớp Y tá, là cũng do người chị bên họ ngoại rủ rê lôi kéo, chứ trước khi vào học Y tá, Lam đã có bao giờ nghĩ tới hai chữ “Y tá” đâu? Vì thế, Lam tin là nghề nghiệp nó chọn mình hoặc nói cách khác là do bàn tay của Tạo hoa sắp xếp! So với thiên nhiên, vũ trụ bao la, mênh mông, thì thân phận con Người thật là bé nhỏ, làm gì được chứ?
Mải suy nghĩ, và đây cũng là lần đầu Lam “nghĩ ngợi” kiểu như vậy, Lam đã tới cổng Bệnh viện lúc nào không hay. Như là thành quy luật, cứ ngày Tết là Bệnh viện nào cũng quá tải! Nhìn vào cổng Bệnh viện, Lam thấy người đi lại đông như kiến! Ai cũng vội vã, tất bật!…Thấy có một anh chàng thanh niên đang giơ máy ảnh lên chụp đám đông ba cái liền, Lam lấy làm lạ liền tiến lại gần người thanh niên. Nhưng khi Lam chỉ cách ba mét thì người thanh niên hướng máy ảnh vào Lam mà chụp hai cái liền, ánh đèn lóe lên khiến Lam chói cả mắt! Người thanh niên chụp xong thì thu máy ảnh, tiến lại gần Lam tươi cười: “Chào cô Y tá Lam!”. Lam nhìn người thanh niên ngạc nhiên, hỏi: “Anh quen tôi?”. Người thanh niên lại ngạc nhiên như Lam, nói nhanh: “Tôi không những biết cô mà hai đêm Giao thừa của hai năm trước, tôi đã có bài viết về ca trực đêm Ba mươi Tết của cô, đăng cả ảnh có cô đang cấp cứu bệnh nhân trên báo nữa! Chẳng lẽ cô không đọc báo sao?”. Lam lờ mờ hiểu ra “vấn đề”: thì ra đây là một anh nhà báo đã đến Bệnh viện viết bài về ca trực đêm Giao thừa cả hai năm trước! Vậy mà Lam không “để ý”. Thực ra, thỉnh thoảng có vài nhà báo đến Bệnh viện viết bài, thường chụp hình Lam đang làm việc rồi hỏi mấy câu “vu vơ” trên trời dưới biển nên Lam cũng chẳng “để bụng”. Vả lại, từ nhỏ, Lam không có thói quen đọc báo, cũng rất tự nhiên như một thói quen ngược lại mà thôi! Lam vừa định nói câu gì đó với anh nhà báo thì anh ta đã “nhanh mồm” hỏi tiếp: “Đêm Giao thừa năm nay cô cũng trực hay sao mà đã tới Bệnh viện?”. Nhìn vào khuôn mặt sáng sủa, cũng khá đẹp trai và nhất là nụ cười thân thiện của anh chàng nhà báo, Lam thấy có “cảm tình” với anh ta và hỏi lại thay cho câu trả lời: “Chắc là đêm Giao thừa năm nay, anh lại đi viết bài ở Bệnh viện? Anh có đến phòng cấp cứu của tôi chứ?”. Anh chàng nhà báo vui như Tết, nói liến thoắng một mạch, như sợ bị ai tranh cướp: “Đúng rồi! Cô nói rất trúng! Giao thừa năm nay, tôi lại đến Bệnh viện này viết bài, lại đến phòng cấp cứu của cô Y tá Lam viết bài, và năm nay tôi phải làm cái “Phỏng vấn Mi-ni” cô Y tá Lam – một Nàng Tiên Áo trắng đẹp nhất trần gian!…”. Thấy anh chàng nhà báo bắt đầu có “màu sắc” tán tỉnh, Lam giơ tay ra hiệu cho anh ta “tắt máy” và nói: “Nói chuyện với tôi, anh đừng có “nổ quá”, tôi không ưa những người bốc trời! Nếu anh muốn chụp hình, phỏng vấn tôi thì anh phải làm “Y lệnh” tôi!” . Anh chàng nhà báo O.K ngay và không hiểu sao, Lam lại “vui chân” đi cùng với anh ta vào Căng-tin của Bệnh viện!…
*
Ca trực đêm Giao thừa lần thứ ba của Lam tuy không có gì “trục trặc” nhưng cường độ làm việc thì tăng gấp đôi năm ngoái! Từ trước và sau thời khắc Giao thừa khoảng ba mươi phút, bệnh nhân đưa vào phòng cấp cứu nhanh và nhiều cứ như băng truyền di chuyển hàng hóa ở các nhà máy hoặc như phòng kiểm tra hành lý ở sân bay! Lam và cả kíp trực bị quay tít mù như chong chóng theo đúng nghĩa đen chứ không phải là ví von so sánh nữa!
Mải làm việc, Lam quên béng đi cái anh chàng nhà báo hẹn đúng thời khắc chuyển giao từ Năm Cũ sang Năm Mới sẽ tới Phỏng vấn. Mãi tới khi Giao thừa đã đi được nửa giờ đồng hồ, công việc mới tạm thời ổn định, không khí phòng cấp cứu mới hết căng thẳng!…
Khi tất cả kíp trực đã ngồi quây quần quanh mâm cỗ cúng Thần y Hypocrate, Bác sĩ Trưởng kíp trực Đêm Giao thừa trịnh trọng tuyên bố: “Kíp trực của chúng ta hôm nay rất vui vì có thêm một thành viên “từ trên trời rơi xuống”! Tôi xin giới thiệu Bác sĩ Lê Văn Giao Thừa!…”. Mọi người vỗ tay rào rào! Còn Lam thì tròn mắt kinh ngạc: Thì ra cái anh Bác sĩ Lê Văn Giao Thừa này chính là cái anh nhà báo mình đã gặp lúc chiều? Tại sao vừa là nhà báo đã thành Bác sĩ? Lam nhớ lại trong lúc làm việc, cô bỗng thấy có thêm một Bác sĩ lạ làm việc trong kíp trực, nghĩ là Bệnh viện thấy nhiều bệnh nhân nên cho người tăng cường, ai ngờ…Tuy nhiên, Lam nghĩ phải “hỏi cho ra lẽ” cái anh chàng nhà báo bỗng trở thành Bác sĩ này?
Khi nghe anh L.V. Giao Thừa giải thích vì sao lại có tên là Giao Thừa, Lam nghĩ quả là “Định mệnh” rất huyền bí: anh ta sinh ra vào đúng thời điểm Giao thừa và sẽ lấy vợ là người gặp tới ba lần trong Đêm Giao thừa! Điều đó đã và đang xảy ra! Còn chuyện anh ta bỏ nghề Bác sĩ mà đi làm báo rồi kết cục vẫn không thoát khỏi vòng cương tỏa của nghề Y thì quả là đang và sẽ diễn ra? Về chuyện này, Lam thấy không thể giải thích hoặc tiên đoán điều gì cả nên hỏi thẳng anh chàng Nhà báo – Bác sĩ Giao Thừa: “Vậy bây giờ anh đã quyết định dứt khoát chọn nghề Bác sĩ hay Nhà báo chưa?”. Anh chàng Giao Thừa không trả lời dứt khoát mà lại nhờ Lam quyết định là cớ làm sao? Lam thôi không nghĩ nữa vì sực nhớ đến một câu nói của ai đó, rất hay: Hãy để sự việc tự nó vận động, và phải biết đón bắt lấy nó ở nơi đích đến!…/.
Đỗ Ngọc Thạch


Long Phượng
(Nguồn Ảnh trong bài: Internet)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét