Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2011

Vẻ đẹp của Ca từ trong Ca khúc Trịnh Công Sơn - Đỗ Ngọc Thạch

Tin tức > Âm nhạc > Xem nội dung bản tin
Vẻ đẹp của ca từ trong ca khúc Trịnh Công Sơn - Đỗ Ngọc Thạch
[28.03.2011 22:04]
Xem hình

Ông đã sớm nhận ra sự hữu hạn của kiếp người, “trần gian là cõi tạm” và ông đã ra đi một cách thản nhiên: Cái chết chẳng qua cũng chỉ là một sự đùa cợt sau cùng của cuộc sống. Song, ông đã “để lại trong cõi thiên thu một nụ cười”. Chính điều đó làm cho âm nhạc Trịnh Công Sơn bất tử. Ngày nay, ai muốn tìm gặp ông, hãy đến với những ca khúc có thể nói đó là những chân dung tự họa của Trịnh Công Sơn
Trịnh Công Sơn (1939-2001) là một trong những nhạc sĩ lớn nhất của nền âm nhạc Việt Nam hiện đại. Trong sự nghiệp âm nhạc, ông đã sáng tác trên 500 ca khúc, phần lớn là tình ca (1). Ngoài ra, ông còn được xem là một nhà thơ, một họa sĩ tài hoa.
Trong cuộc họp chiều 17 tháng 3 năm 2011, Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chính thức thông qua việc đặt tên của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho con đường mới mở ven sông Hương thuộc phường Phú Cát, thành phố Huế.
*
Sự nghiệp sáng tác của Trịnh Công Sơn trải qua nhiều sóng gió của những thời kỳ lịch sử đầy biến động. Những tác phẩm của Trịnh Công Sơn đều mang đậm một phong cách độc đáo: tha thiết, đắm say và chứa đựng một triết lý nhân sinh sâu sắc.
Tình yêu là đề tài lớn nhất trong các tác phẩm của Trịnh Công Sơn. Chủ đề tình yêu của nhạc Trịnh Công Sơn luôn nổi bật và trải dài từ 1958 với Ướt mi tha thiết yêu thương cho đến hai, ba chục năm về sau vẫn có những bản tình ca đắm say lòng người: Biển nhớ, Vẫn có em bên đời, Như một lời chia tay, Xin trả nợ người...
Ướt mi (1958)
1. Ngoài hiên mưa rơi rơi
Lòng ai như chơi vơi
Người ơi nước mắt hoen mi rồi

Đừng khóc trong đêm mưa
Đừng than trong câu ca
Buồn ơi trong đêm thâu
Ôm ấp giùm ta nhé

Người em thương mưa ngâu
Hay khóc sầu nhân thế
Tình ta đêm về có ấm
Từng cơn mơ em chưa

Mưa lạnh lùng rơi rớt giữa đêm về nghe não nề
Mưa kéo dài lê thê những đêm khuya lạnh ướt mi
Ai còn nhìn mưa mãi rớt bên sông thêm lạnh lùng
Ai còn buồn khi lá rớt rơi trong một cuối đông

2. Ngoài hiên mưa rơi rơi
Buồn dâng lên đôi môi
Buồn đau hoen ướt mi ai rồi

Buồn đi trong đêm khuya
Buồn rơi theo đêm mưa
Còn mưa trong đêm nay
Lòng em buồn biết mấy

Trời sao chưa thôi mưa
Để mắt người em ấy
Từ đây thôi mờ nước mắt
Buồn mi em ngây thơ.

Biển nhớ (1962)
Ngày mai em đi
Biển nhớ tên em gọi về
Gọi hồn liễu rũ lê thê
Gọi bờ cát trắng đêm khuya

Ngày mai em đi
Đồi núi nghiêng nghiêng đợi chờ
Sỏi đá trông em từng giờ
Nghe buồn nhịp chân bơ vơ

Ngày mai em đi
Biển nhớ em quay về nguồn
Gọi trùng dương gió ngập hồn
Bàn tay chắn gió mưa sang
Ngày mai em đi
Thành phố mắt đêm đèn vàng
Hồn lẻ nghiêng vai gọi buồn
Nghe ngoài biển động buồn hơn

Hôm nào em về
Bàn tay buông lối ngỏ
Đàn lên cung phím chờ
Sầu lên đây hoang vu

Ngày mai em đi
Biển nhớ tên em gọi về
Triều sương ướt đẫm cơn mê
Trời cao níu bước sơn khê

Ngày mai em đi
Cồn đá rêu phong rủ buồn
Đèn phố nghe mưa tủi hờn
Nghe ngoài trời giăng mây luôn

Ngày mai em đi
Biển có bâng khuâng gọi thầm
Ngày mưa tháng nắng còn buồn
Bàn tay nghe ngóng tin sang

Ngày mai em đi
Thành phố mắt đêm đèn vàng
Nửa bóng xuân qua ngập ngừng
Nghe trời gió lộng mà thương.

Vẫn có em bên đời (1986)
Vẫn thấy bên đời còn có em
Tấm lòng em như lá kia còn xanh
Rừng ơi hãy giữ cho bền nhé
Những cành hoa phai quá không đành

Em đã đến nơi này tựa như cánh én
Dịu dàng trao chút hương hoa mùa xuân
Nhớ gì mà nắng vàng cánh rừng
Thương ai mà sương khuya vội vàng buông
Chiều nay bên trời xao xuyến
Còn em trong từng nhớ thương

Vẫn thấy em cười đùa đó đây
Mái nhà năm xưa tóc em còn bay
Gặp nhau giây phút trong đời ấy
Nỗi gì bâng khuâng vướng chân hoài

Mỗi vết thương lành một nỗi vui
Mắt cười mênh mông giữa đôi bàn tay
Dù em khẽ bước không thành tiếng
Cõi đời bao la vẫn ngân dài.
Nhạc tình của Trịnh Công Sơn hầu như là nhạc buồn, thường là tâm trạng buồn chán, cô đơn (Sương đêm, Ướt mi), những khúc tình sâu lắng chất chứa sầu ly biệt (Diễm xưa, Biển nhớ), hay tiếc nuối một cái gì đã qua (Tình xa, Tình sầu, Tình nhớ, Em còn nhớ hay em đã quên, Hoa vàng mấy độ)... Những lời ca triết lý về tình yêu thì mang một giọng điệu ngậm ngùi, lặng lẽ của người lữ hành cô độc trong tình trường (Cỏ xót xa đưa, Gọi tên bốn mùa, Mưa hồng)...
Nhạc tình của Trịnh Công Sơn có đặc điểm là  giai điệu nhẹ nhàng, dễ hát, thường được viết với tiết tấu chậm, thích hợp với điệu Slow, Blues hay Boston. Phần lời tức ca từ đậm chất thơ, thoạt nhìn có vẻ như đơn sơ, mộc mạc nhưng rất thâm trầm sâu sắc, đôi khi mang những yếu tố tượng trưng, siêu thực. Chính vì thế, nhạc tình của Trịnh Công Sơn không hề có gợn một chút gì là nhục cảm mà nó trong trẻo, tinh khôi, bay bổng, thiết tha…cũng bởi “Vì Em như hoa lá giữa thiên nhiên hiền hòa”. Cũng chính vì thế mà nhạc tình của Trịnh Công Sơn luôn có những ca từ tuyệt hay: “Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ” (Diễm xưa), “Lá hát như mưa suốt con đường đi” (Em còn nhớ hay em đã quên) v.v...  
Nhạc tình của Trịnh Công Sơn rất phổ biến tại Việt Nam, có khá đông fan cuồng nhiệt. Nhạc sĩ Thanh Tùng nhận xét: Trịnh Công Sơn là “người Việt viết tình ca hay nhất thế kỷ”. Còn nhà thơ Mai Linh thì nói về nhạc tình của Trịnh Công Sơn: “Bài hát nào của Trịnh cũng là diễm tình cả. Sơn là một cuốn bách khoa thư về tình yêu, là cuốn từ điển nhấp nháy những ký tự về tình yêu. Cố nhiên, khái niệm tình yêu trong nhạc Trịnh Công Sơn tồn tại ở một nghĩa lớn hơn, rộng hơn, triết học hơn khái niệm tình yêu thông thường mà ta hiểu. Sơn là người bắt được “kinh mạch” của ái tình và mỗi bài hát của Sơn giống như một cơn mưa của tâm hồn. Nó an ủi, sẻ chia mà không bi lụy. Bằng âm nhạc, Trịnh Công Sơn có khả năng mã hóa được thân phận của con người, của dân tộc, của quê hương đất nước, qua thân phận của tình yêu. Vì sao Sơn viết về tình yêu? Vì tình yêu chính là liều thuốc an thần của nhân loại. Và những vui buồn, thân phận thì con người ở nơi nào cũng giống nhau. Sơn đã nói những tiếng thì thầm ấy với khả năng biến cảm mãnh liệt của mình. Và Sơn đã gặp được người nghe nhiều thế hệ”.
*
Tên tuổi của Trịnh Công Sơn còn gắn liền với một loại nhạc có tính chất chống chiến tranh, ca ngợi hòa bình mà người ta thường gọi là nhạc phản chiến (vào những năm 1965-1966), sau gọi là Ca khúc da vàng. Năm 1967, nhạc Trịnh lên đến đỉnh cao của sự phản chiến bằng tập Ca khúc da vàng. Năm sau, ông cho ra tiếp tập Kinh Việt Nam. Từ năm 1970 tới 1972 ông tự ấn hành được hai tập nhạc phản chiến là Ta phải thấy mặt trời và Phụ khúc da vàng.

Nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn phần lớn viết bằng điệu Blues, cộng với lời ca chân tình thống thiết, trở nên những bài hát rất cảm động nhưng không hề yếu đuối, ủy mị. Những bản nhạc này được ông cùng Khánh Ly đem đi hát ở nhiều nơi tại miền Nam, được nhiều người nhất là giới sinh viên nhiệt tình ủng hộ. Đây cũng là loại nhạc làm cho danh tiếng của Trịnh Công Sơn lan ra thế giới: Một số bài hát của Trịnh Công Sơn đã đến với công chúng Nhật Bản từ năm1970 như Diễm Xưa (do Khánh Ly biểu diễn bằng cả tiếng Nhật và tiếng Việt), Ca dao Mẹ, Ngủ đi con. Năm 1972, ca khúc “Ngủ đi con” (trong Ca khúc da vàng) qua tiếng hát của ca sĩ Khánh Ly được tặng giải thưởng âm nhạc Đĩa Vàng tại Nhật. Năm 1979, hãng đĩa Nippon Columbia mời Khánh Ly thu băng lần thứ hai các nhạc phẩm của ông, và ca khúc “Ngủ đi con” trở thành một hit ở Nhật Bản.
Trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam, nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn đã chịu sự cấm đoán, hạn chế của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Cũng vì loại nhạc này mà ông đã bị tẩy chay nhiều lần từ cả hai phe đối địch. Nhưng không thể phủ nhận rằng Trịnh Công Sơn đã trở thành một tên tuổi đặc biệt nhờ vào dòng nhạc phản chiến này. Và phải nói rằng Nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn có vai trò không nhỏ trong giai đoạn cuối của chiến tranh Việt Nam.
Bên cạnh các bản nhạc tình và nhạc phản chiến, Trịnh Công Sơn còn có những tác phẩm viết về quê hương: đó là “quê hương thần thoại”: “Sau chinh chiến ôi quê hương thần thoại, thuở hồng hoang đã thấy đã xanh ngời liêu trai” (Xin mặt trời ngủ yên); đó là quê hương linh thiêng: “Thuở đó yên vui, mẹ Việt Nam ngồi, ngày đêm tiếng cười, rộn ràng khắp nơi, một nước linh thiêng, một màu da vàng, người dân no lành, hội hè suốt năm” (Nhưng hôm nay); đó là quê hương của nòi giống Tiên Rồng: “Nhớ về nghìn trùng, nòi giống của chim... Nhớ rừng mịt mùng, nòi giống của Tiên” (Ngụ ngôn của mùa Đông)… Có thể nói, quê hương trong nhạc Trịnh là biểu tượng của hồn thiêng sông núi trong mỗi tâm thức Việt, và chính vì vậy những bài ca phản chiến không chỉ là tình yêu quê hương, giống nòi mà còn là lời kêu gọi chấn hưng đất nước, đấu tranh cho hòa bình và độc lập, tự do: “Lửa thiêng nơi quê hương không biết mỏi, đấu tranh dựng nước từng ngày” (Ngọn lửa), “Dân ta thề quyết lòng giữ nước” (Đừng mong ai, đừng nghi ngại), “Bao giờ đập tan gông cùm xiềng xích vô hình trói buộc dân ta, bao giờ đập tan gông cùm xiềng xích vô hình trói buộc tự do” (Đi tìm quê hương), “Mỗi người là một ngọn giáo đâm vào mặt chiến tranh, mỗi người là một ngọn đuốc đốt cho tan những nhà tù” (Hòa bình là cơm áo), “Mẹ hát lớn cho tan hoang những lao tù” (Hãy cố như), “Em đã thấy các anh lên đường, những tay trần làm cơn bão lớn, cùng đứng bên nhau, triệu bước nôn nao, biểu ngữ giăng cao” (Chính chúng ta phải nói). Có gìn giữ, bảo vệ được hòa bình cho “quê hương thần thoại”, những con dân của “quê hương thần thoại” này mới có tự do: “Ta cùng lên đường, đi xây lại tự do” (Dựng lại người dựng lại nhà), “Mầm hòa bình nở trên đời dân khốn khó, cùng đứng lên ta đi dựng lại căn nhà tự do” (Dân ta vẫn sống), “Dựng người Việt Nam đứng lên trên đất này tự do” (Ta quyết phải sống).
Nhạc sĩ Văn Cao và Trịnh Công Sơn
Có được sức mạnh để tranh đấu vì quê hương, đất nước, có được niềm tin vào tương lai của giống nòi bởi nhạc sĩ được sinh ra từ thiên nhiên và được thiên nhiên nuôi dưỡng từng ngày, được thiên nhiên ban cho năng lực nghe thấu được những âm thanh vi diệu của muôn trùng: “Đêm nghe gió tự tình/ Đêm nghe đất trở mình vì mưa/ Đêm nghe gió thở dài/ Đêm nghe tiếng khóc cười của bào thai... Đêm nghe gió than hoài/ Đêm nghe lá đưa lời hàm oan/ Đêm nghe thân xác mịt mùng/ Đêm nghe tiếng muôn trùng đẩy đưa” (Nghe tiếng muôn trùng); nghe được tiếng của thời gian: “Từng lời tà dương là lời mộ địa” (Một cõi đi về) - đó là tiếng hấp hối của một ngày; “Người chia tay nhau cuối đường/ Ngày đi đêm tới/ Nghe tiếng hư không” (Nghe những tàn phai) ; nghe được “những mùa thu đi”: “Nhìn những mùa thu đi/ Em nghe sầu lên trong nắng/ Và lá rụng ngoài song/ Nghe tên mình vào quên lãng/ Nghe tháng ngày chết trong thu vàng” (Nhìn những mùa thu đi). Chính vì vậy, người ta thấy thiên nhiên tràn ngập trong ca khúc Trịnh Công Sơn và những điều triết lý tưởng như hư vô, trừu tượng bỗng trở nên gần gũi, thân thuộc và giản dị vô cùng. Đó là sự giản dị của thiên tài.
Nhạc sĩ Văn Cao đã nói về điều này rằng: “Tôi gọi Trịnh Công Sơn là người của thơ ca (Chantre) bởi ở Sơn, nhạc và thơ quyện vào nhau đến độ khó phân định cái nào là chính, cái nào là phụ ... Trong âm nhạc của Sơn, ta không thấy dấu vết của âm nhạc theo cấu trúc bác học phương Tây. Sơn viết hồn nhiên như thể cảm xúc nhạc như nó tự nhiên trào ra”.
Và nhà thơ-nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo thì khẳng định: “Bởi anh là Trịnh Công Sơn, một tài năng giản dị giữa mọi người, chia sẻ với mọi người, quyến rũ mọi người bằng tấm lòng nhẹ nhàng ngỡ gió có thể cuốn đi, mà chẳng bao giờ mất. Và những người đi sau anh vẫn thấy bên đời còn có Sơn”!
Còn Trịnh Công Sơn thì viết:“Với ca khúc tôi là người tình của thiên nhiên, là người bạn của những em bé. Qua ca khúc, tôi đã đến gần và đã đi xa những chuyện tình, đã tham dự những nỗi hân hoan của đời người và cũng đã gánh nhẹ giùm những nỗi phiền muộn”. Ông gọi ca khúc của mình “là một cuộc hôn phối kỳ diệu giữa thi ca và âm nhạc”.
*
Những sáng tạo về ngôn từ của Trịnh Công Sơn táo bạo, nhiều bất ngờ: “Em hồn nhiên, rồi em sẽ bình minh” (Tôi ơi đừng tuyệt vọng). Ca từ Trịnh Công Sơn còn mang nhiều tính ẩn dụ đôi khi làm người nghe khó hiểu, mà chính tác giả cũng không thể nào giải thích một cách rạch ròi những suy nghĩ của mình đã chuyển tải sang ngôn ngữ âm nhạc. Nó giống như một sự xuất thần vụt hiện, người ta chỉ có thể cảm chứ không thể giải thích. Tuy nhiên, nhìn chung ca từ của ca khúc Trịnh Công Sơn độc đáo mà không bí hiểm, sáng tạo mà không cầu kỳ, ngẫu nhiên mà không tùy tiện, giàu chất suy tưởng mà không duy lý, bởi chúng thấm nhuần cái tinh thần sống động tươi xanh mềm mại của thiên nhiên: “Quê hương trẻ mãi như tâm hồn thiên nhiên/ Em đi qua đó không bao giờ muộn phiền / Xanh xanh cây lá biển hát chiều mưa” (Về trong suối nguồn).
Nhà thơ Mai Linh đã rất đúng khi viết: “Âm nhạc của Sơn không mang cấu trúc của âm nhạc phương Tây. Sơn cũng không chịu ảnh hưởng của bất cứ dòng nhạc nào. Sơn đã khấn vái thần linh một cách hồn nhiên nhất. Những triết lý của nhà Phật đã được Sơn hát lên một cách giản đơn, nguyên khiết, khiến cho mỗi người nghe đều có thể cảm nhận được và “ngộ” ra mình trong đó. Điều này giải thích vì sao Trịnh Công Sơn lại có nhiều công chúng đến vậy. Cứ để ý mà xem, phàm âm nhạc được đưa vào danh mục hát karaoke không dễ. Vì nó phải là phổ cập. Trong khi đó, list những bài hát của Trịnh là rất dài. Công chúng nhiều thế hệ thuộc nhiều tầng lớp khác nhau đều có thể tìm thấy sự vỗ về, yên ủi trong nhạc Trịnh. Sinh thời, Trịnh Công Sơn là người lúc nào cũng ung dung, an nhiên, tự tại. Nhưng tôi chắc rằng trong đời sống nội tâm của Sơn phải là nhiều vật vã lắm, phải “li-mi-ti” lắm, trắc ẩn lắm thì mới có được những ca khúc như vậy. Mỗi bài hát của Sơn là một ngọn lửa nhỏ, nó âm ỉ cháy, nhưng cháy chân thành và mãnh liệt, đến mức cay đắng nên mới có được một đời sống lâu bền”.
Những năm cuối đời, Trịnh Công Sơn thường chỉ tự đàn và hát hai ca khúc Mưa hồng và Một cõi đi về. Có thể nói đó là những ca khúc tâm huyết của ông, cũng có thể nói dường như mọi triết lý về cõi nhân sinh của nhạc sĩ đã ngưng tụ trong những lời ca:
Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ (Mưa hồng);
Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt
Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt
Rọi suốt trong ta một cõi đi về (Một cõi đi về).

Tính triết học trong âm nhạc Trịnh Công Sơn là một thứ triết học nhẹ nhàng mà ai ai cũng có thể hiểu được như ca dao hoặc những lời ru con của người mẹ. Đó chỉ có thể là thứ triết học từ thiên nhiên và của thiên nhiên. Là tiếng hát của dòng sông, là lời ru từ cát đá, một cội nguồn của những cội nguồn mà Trịnh Công Sơn, người đi qua cõi đời này, biết giữ mãi trái tim trẻ thơ để có thể tìm thấy đường về:
 Về trong suối nguồn (1986)
Quê hương trẻ mãi như tâm hồn thiên nhiên
Em đi qua đó không bao giờ muộn phiền
Xanh xanh cây lá biển hát chiều mưa

Quê hương nằm thức bên bờ biển bao la
Sau cơn chinh chiến núi non vẫn mượt mà
Bay đi trong mưa nắng những câu chuyện thần tiên

Điệp khúc:

Từ nghìn xưa lúa reo trên đồng
Lời ca dao hát trong nhân gian
Tình nhẹ như cánh chim cò trắng
Chở chiều vàng đi đã bao nghìn năm
Tìm về trong suối nguồn
Trái tim bốn mùa vẫn dịu dàng ngân

Bao nhiêu mùa gió bay trong lòng quê hương
Mang qua thôn xóm những câu chuyện ngày thường
Cho em yêu mãi nhé những tâm hồn cỏ non.
*
Cũng chính vì thiên nhiên đã trở thành lời ca, giai điệu của nhạc Trịnh Công Sơn mà khi trái tim của nhạc sĩ hòa nhịp cùng với hơi thở của cuộc sống thì nó chuyển hóa thành một dòng nhạc cách mạng thực thụ, mà người ta gọi đó là những bài nhạc đỏ: Huyền thoại mẹ, Em ở nông trường - em ra biên giới, Nối vòng tay lớn, Ánh sáng Mạc Tư Khoa, Nhớ mùa thu Hà Nội, Huế - Sài Gòn - Hà Nội... Đặc biệt, Huyền thoại mẹ có thể xếp vào hàng kiệt tác của âm nhạc cách mạng Việt Nam hiện đại:
Huyền thoại mẹ (1985)
Đêm chong đèn ngồi nhớ lại
Từng câu chuyện ngày xưa
Mẹ về đứng dưới mưa
Che đàn con nằm ngủ
Canh từng bước chân thù
Mẹ ngồi dưới cơn mưa

Mẹ lội qua con suối
Dưới mưa bom không ngại
Mẹ nhẹ nhàng đưa lối
Tiễn con qua núi đồi
Mẹ chìm trong đêm tối
Gió mưa tóc che lối con đi

Đêm chong đèn ngồi nhớ lại
Từng câu chuyện ngày xưa
Mẹ về đứng dưới mưa
Che từng căn nhà nhỏ
Xóa sạch vết con về
Mẹ ngồi dưới cơn mưa

Mẹ là gió uốn quanh
Trên đời con thầm lặng
Trong câu hát thanh bình
Mẹ làm gió mong manh

Mẹ là nước chứa chan
Trôi dùm con phiền muộn
Cho đời mãi trong lành
Mẹ chìm dưới gian nan.
Trịnh Công Sơn và các ca khúc của ông đã tạo nên một dòng chảy độc đáo, đem đến những sắc thái mới trong nền âm nhạc nói chung và ca khúc trữ tình Việt Nam nói riêng ở nửa cuối thế kỷ 20. Trịnh Công Sơn không chỉ xứng đáng là người ca sĩ của thời đại mình mà còn là của muôn đời.
*
Chân dung tự họa của Trịnh Công Sơn
Có lúc tôi thấy Trịnh Công Sơn hiện lên với hình ảnh của một lữ khách: “mây che trên đầu và nắng trên vai” . Có lúc tôi thấy nhạc sĩ họ Trịnh hiện lên như một nhà hiền triết đang trầm tư và lắng nghe:  “Tôi đã lắng nghe trái tim lạc loài/ Bao đêm đã qua/ Im lặng của người tôi đã lắng nghe/ Im lặng của tôi... Tôi đã lắng nghe im lặng thở dài/ Sau cơn bão qua/ Im lặng mặt người/ Nghe bao nỗi đau trên một bàn tay” (Tôi đang lắng nghe); “Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ” (Diễm xưa), “Lá hát như mưa suốt con đường đi” (Em còn nhớ hay em đã quên) v.v...  Có lúc ông lại hiện lên như một thi nhân tuyệt đối cô đơn nơi trần thế: “Đôi khi ta lắng nghe ta/ Nghe sóng âm u/ Dội vào đời buốt giá/ Hồn ta gió cát phù du bay về/ Đôi khi trên mái tình ta/ Nghe những giọt mưa/ Tình réo tình âm thầm/ Sầu réo sầu bên bờ vực sâu” (Tình xa); “Đêm ta nằm bóng tối che ngang/ Đêm ta nằm nghe tiếng trăm năm/ Gọi thì thầm, gọi thì thầm, gọi thì thầm/ Đêm nghe trời như hú như than/ Ta nghe đời như có như không/ Còn lại mình, đời bồng bềnh, đời buồn tênh” (Còn có bao ngày). Và nghe tiếng Thi nhân như gần như xa: “Im lặng của đêm tôi đã lắng nghe, Im lặng của ngày tôi đã lắng nghe...”; “Nếu thật hôm nào tôi phải đi / tôi phải đi / ôi bao nhiêu điều chưa nói cùng với bình minh hay đêm khuya”…
Ông đã sớm nhận ra sự hữu hạn của kiếp người, “trần gian là cõi tạm”  và ông đã ra đi một cách thản nhiên: Cái chết chẳng qua cũng chỉ là một sự đùa cợt sau cùng của cuộc sống. Song, ông đã “để lại trong cõi thiên thu một nụ cười”. Chính điều đó làm cho âm nhạc Trịnh Công Sơn bất tử. Ngày nay, ai muốn tìm gặp ông, hãy đến với những ca khúc có thể nói đó là những chân dung tự họa của Trịnh Công Sơn:
Cát bụi (1965)
Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi
Để một mai vươn hình hài lớn dậy
Ôi cát bụi tuyệt vời
Mặt trời soi một kiếp rong chơi

Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi
Để một mai tôi về làm cát bụi
Ôi cát bụi mệt nhoài
Tiếng động nào gõ nhịp khôn nguôi

Bao nhiêu năm làm kiếp con người
Chợt một chiều tóc trắng như vôi
Lá úa trên cao rụng đầy
Cho trăm năm vào chết một ngày

Mặt trời nào soi sáng tim tôi
Để tình yêu xay mòn thành đá cuội
Xin úp mặt bùi ngùi
Từng ngày qua mỏi ngóng tin vui

Cụm rừng nào lá xác xơ cây
Từ vực sâu nghe lời mời đã dậy
Ôi cát bụi phận này
Vết mực nào xóa bỏ không hay.
Xin cho tôi (1965)
Xin cho mây che đủ phận người
Xin cho tôi một sáng trời vui
Xin cho tôi đến tận nụ cười
Cho tôi quên một nấm mồ tươi
Xin cho tôi xin vạn lần rồi
Một góc này chỉ biết rong chơi
Xin cho tôi yên phận này thôi

Xin cho tôi yên ngủ một ngày
Xin cho đêm không có đạn bay
Xin cho chim góp nhạc về trời
Xin cho tôi là kiếp của mây
Xin cho tôi ra khỏi cuộc đời
Để bao giờ trời đất yên vui
Xin cho tôi xin lại cuộc đời
Cho tôi đi xây lại chuyện tình
Cho tôi đi nâng dậy hòa bình
Cho tôi đi qua tận gập ghềnh
Nhìn dòng máu trong tim anh
Cho tôi xin tay mẹ nồng nàn
Cho tôi nghe chân trẻ rộn ràng
Cho quê hương giấc ngủ thật hiền
Rồi từ đó tôi yêu em

Xin cho tôi nguyên vẹn hình hài
Cho tôi nghe lời hát cỏ cây
Xin cho tôi quên phận tù đày
Xin cho tôi là thoáng rượu cay
Xin cho tôi xin cả cuộc đời
Một hôm nào trẻ hát trong nôi
Xin cho tôi xin chỉ một ngày

Chỉ có ta trong một đời (1970)

1 - Đời vẽ tôi tên mục đồng
Rồi vẽ thêm con ngựa hồng
Từ đó lên đường phiêu linh
Đời vẽ trong tôi một ngày
Rồi vẽ thêm đêm thật dài
Từ đó tôi thề sẽ rong chơi

Điệp khúc:
Chỉ có ta trong một đời
Chỉ có ta trong một thời
Một thời với yêu người mà thôi
Chào những cây xanh nụ hồng
Chào những con sông thị thành
Một ngày sẽ không còn thấy lại
Từng ngày đi dần tới
Hẹn hò với trời mây

Đời vẽ tóc em thật dài
Rồi vẽ môi thơm nụ cười
Từ đó thiên hạ vui tươi
Đời vẽ tim em lạ kỳ
Tình có trong em nhiều mùa
Từ đó thiên hạ quá ưu tư

2 - Đời vẽ tôi trong cuộc tình
Đầy những yêu thương giận hờn
Từ đó sớm chiều bâng khuâng
Đời vẽ tôi tên tuyệt vọng
Vì lỡ nơi đây nặng tình
Từ đó tôi chìm dưới mênh mông
Điệp khúc:
Đời đã cho tôi ngậm ngùi
Đời sẽ cho thêm ngọt bùi
Đời sống chan hòa trong tôi
Đời đã cho tôi một ngày
Nhìn thấy gian manh loài người
Từ đó tôi hằng biếng vui chơi.

Một cõi đi về (1974)
1. Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi
Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt
Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt
Rọi suốt trăm năm một cõi đi về

Lời nào của cây lời nào cỏ lạ
Một chiều ngồi say một đời thật nhẹ ngày qua
Vừa tàn mùa xuân rồi tàn mùa hạ
Một ngày đầu thu nghe chân ngựa về chốn xa

Mây che trên đầu và nắng trên vai
Đôi chân ta đi sông còn ở lại
Con tinh yêu thương vô tình chợt gọi
Lại thấy trong ta hiện bóng con người

2. Nghe mưa nơi này lại nhớ mưa xa
Mưa bay trong ta bay từng hạt nhỏ
Trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ
Chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà

Đường chạy vòng quanh một vòng tiều tụy
Một bờ cỏ non một bờ mộng mị ngày xưa
Từng lời tà dương là lời mộ địa
Từng lời bể sông nghe ra từ độ suối khe

Trong khi ta về lại nhớ ta đi
Đi lên non cao đi về biển rộng
Đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng
Ngọn gió hoang vu thổi suốt xuân thì
Hôm nay ta say ôm đời ngủ muộn
Để sớm mai đây lại tiếc xuân thì.
*
Sài Gòn, tháng 3-2011
Đỗ Ngọc Thạch
----
Chú thích:
(1) Trịnh Công Sơn sinh ngày 28 tháng 2 năm 1939  tại cao nguyên Lạc Giao (xã Lạc Giao - hiện nay là phường Thống Nhất, Ban Mê Thuột), tỉnh Đắk Lắk nhưng lúc nhỏ sống ở làng Minh Hương, tổng Vĩnh Tri, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông lớn lên tại Huế. Lúc nhỏ ông học theo học các trường Lyceè Francais và Provindence ở Huế, sau vào Sài Gòn theo học triết học trường Tây Lyceé J.J Rousseau Sài Gòn và tốt nghiệp tú tài tại đây.
Ông sáng tác bài Sương đêm và Sao chiều vào năm 17 tuổi. Tác phẩm Ướt mi, được xuất bản An Phú in năm 1959. Trong những năm sau đó, nhạc của ông được phổ biến và được nhiều ca sĩ trình diễn, đặc biệt là Khánh Ly… Năm 1961 vì bắt buộc phải trốn lính nên Trịnh Công Sơn thi và theo học ngành Tâm lý giáo dục trẻ em tại trường Sư phạm Qui Nhơn. Sau khi tốt nghiệp ông dạy tại một trường tiểu học ở Bảo Lộc, Lâm Đồng. Trước ngày 30 tháng 4 năm 1975, ông lên đài truyền thanh Sài Gòn hát bài Nối vòng tay lớn, bài hát nói về ước mơ hòa hợp dân tộc hai miền Nam Bắc mà ông viết từ năm 1968.
Theo BBC, sau khi chiến tranh kết thúc, gia đình ông di tản sang Mỹ và ông đã phải sống 4 năm trong trại cải tạo. Nhưng theo tác giả Bùi Đức Lạc thì Trịnh Công Sơn chỉ đi kinh tế mới vài năm chứ không hề có cải tạo hay ông đi học tập 2 năm ở Cồn Tiên. Một thời gian dài sau 1975, nhạc của ông bị cấm đoán ở tại Việt Nam hay bị một ít người ngấm ngầm tẩy chay ở hải ngoại.
Những năm sau 1975, sau thời gian tập trung lao động ở khu kinh tế mới, Trịnh Công Sơn làm việc tại tạp chí Sóng nhạc Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh. Từ thập niên 1980, Trịnh Công Sơn bắt đầu sáng tác lại, và có viết một số bài có nội dung ca ngợi chế độ mới như Thành phố Mùa Xuân, Em ở nông trường em ra biên giới, Huyền thoại Mẹ... Trịnh Công Sơn là thành viên trong nhóm “Những người bạn” (gồm các nhạc sĩ Thanh Tùng, Từ Huy, Trần Long Ẩn, Nguyễn Văn Hiên, Nguyễn Ngọc Thiện...).
Trịnh Công Sơn bị bệnh gan, thận và tiểu đường. Ông mất tại Thành phố Hồ Chí Minh vì bệnh tiểu đường lúc 12h45 ngày 1 tháng 4 năm 2001 (tức ngày 8 tháng 3 năm Tân Tỵ). Từ đó hàng năm giới hâm mộ đều lấy ngày này làm ngày tưởng niệm.
Viết nhạc và bài hát cho phim:
Cánh đồng hoang (1979): Đạo diễn Hồng Sến.
 Mùa hè chiều thẳng đứng (2001): “Cuối cùng cho một tình yêu”, “Nắng thủy tinh”, “Rừng xưa đã khép”
Công chúa teen và ngũ hổ tướng (bài “Để gió cuốn đi”).
Tội lỗi cuối cùng: (1980), đạo diễn Trần Phương, cố nghệ sỹ Phương Thanh đóng vai Hiền cá sấu: bài “Đời gọi em biết bao lần”.
Cho cả ngày mai: (1981) đạo diễn Long Vân: bài “Em là bông hồng nhỏ”
Bãi biển đời người (1983): đạo diễn Hải Ninh: bài “Quê hương”.
Cho đến bao giờ (1985): đạo diễn Huy Thành.
Cầu Rạch Chiếc (1986): đạo diễn Hoàng Lê.
Cô gái trên sông (1987): đạo diễn Đặng Nhật Minh.
Áo lụa Hà Đông của hàng phim Phước Sang: “Bài ca về những xác người”.
Phim về Trịnh Công Sơn: Trịnh Công Sơn - sống và yêu của đạo diễn Lê Dân (Lê Hữu Phước).
(2) Những sách đã xuất bản về Trịnh Công Sơn:
Em còn nhớ hay em đã quên: NXB Trẻ, TP. HCM, 1991.
“Trịnh Công Sơn Tuyển tập những bài ca không năm tháng”, NXB Âm nhạc, 1998.
Trịnh Công Sơn - một người thơ ca, một cõi đi về (đã Tái bản 2 lần có sửa chữa và bổ sung, đổi tên là Một cõi Trịnh Công Sơn): NXB Âm nhạc, 2001.
Trịnh Công Sơn - Người hát rong qua nhiều thế hệ: NXB Trẻ, 2001.
Trịnh Công Sơn - cuộc đời. âm nhạc. thơ. hội họa & suy tưởng - NXB Văn nghệ, TP.HCM.
Trịnh Công Sơn - Rơi lệ ru người - NXB Phụ nữ.
Trịnh Công Sơn cát bụi lộng lẫy - NXB Thuận hóa - Tạp chí Sông Hương.
Trịnh Công Sơn và cây đàn Lya của Hoàng tử bé: Hoàng Phủ Ngọc Tường, NXB Trẻ, 2002.
Trịnh Công Sơn, một nhạc sĩ thiên tài Bửu Ý, NXB Trẻ, 2003.
Tâm tình với Trịnh Công Sơn: Bửu Ý, NXB Văn học, 2011.
Bùi Vĩnh Phúc: “Trịnh Công Sơn - ngôn ngữ và những ám ảnh nghệ thuật”: NXB Văn hóa Sài Gòn, 2008, tái bản tháng 3-2011.
Bích Hạnh: “Thế giới hình tượng trong ca từ Trịnh Công Sơn” dự kiến phát hành đầu tiên vào ngày 23-3 tại Hà Nội;
“Trịnh Công Sơn. Tôi là ai? Là ai?”, dự kiến phát hành vào cuối tháng 3-2011;
Trịnh Công Sơn: “Thư tình gửi một người” (lần đầu tiên công bố hàng trăm bức thư tình của Trịnh Công Sơn gửi người con gái Ngô Vũ Dao Ánh do gia đình nhạc sĩ tổng hợp): NXB Trẻ, TP.HCM, phát hành cuối tháng 3-2011 (2*).
Trịnh Công Sơn được tôn vinh qua nhiều Giải thưởng:
Giải thưởng cho Bài hát hay nhất trong phim “Tội lỗi cuối cùng”.
Giải Nhất của cuộc thi “Những bài hát hay nhất sau 10 năm chiến tranh” với bài “Em ở nông trường, em ra biên giới”.
Giải Nhất cuộc thi “Hai mươi năm sau” với bài “Hai mươi mùa nắng lạ”.
Năm 1997, Trịnh Công Sơn đoạt giải thưởng lớn của Hội Nhạc Sĩ cho một chùm bài hát: “Xin trả nợ người”, “Sóng về đâu”, “Em đi bỏ lại con đường”, “Ta đã thấy gì hôm nay”.
Trịnh Công Sơn có tên trong tự điển bách khoa Pháp Encyclopédie de tous les pays du monde.
(2*) Đời sống tình cảm:
Trịnh Công Sơn không có vợ, nhưng ông có những mối tình đẹp và lãng mạn với những phụ nữ nổi tiếng không những ở Việt Nam mà ở cả ngoại quốc. Mối tình đầu, thực chất chỉ là một tình bạn đẹp của ông là với ca sĩ Khánh Ly, rồi sau đó với một cô gái Nhật Bản làm luận án tiến sĩ về âm nhạc Trịnh Công Sơn. Dao Ánh, mối tình thứ tư của ông là với ca sĩ Hồng Nhung, và mối tình thứ năm của ông là với VA, khi ông mất VA là một trong số các người thân ở bên cạnh ông.
Sau 1975, đã có hai lần ông định lập gia đình. Lần đầu vào năm 1983, với một thiếu phụ tên là C.N.N., sinh năm 1944. Từ quận 18, Paris, bà C.N.N.
Những năm cuối cùng của cuộc đời, niềm say mê lớn nhất, Trịnh Công Sơn gần như dành hết cho ca sĩ Hồng Nhung mà theo ông là “Một người quá gần gũi không biết phải gọi là ai!”... Với Hồng Nhung, tâm hồn Trịnh gần như trẻ lại, khiến bước chân ông trở nên bối rối, ngập ngừng với buổi hẹn ban đầu. Ca sĩ Hồng Nhung kể lại tình cảm của cô dành cho Trịnh Công Sơn và của Trịnh dành cho cô lần đầu gặp mặt: “Lần đầu tiên đứng trước nhau, cả tôi và anh Sơn đều run. Tôi run vì quá trẻ và Sơn run vì anh quá... già!”.
Hoàng Anh, một người được cho là người yêu của Trịnh nói về tình yêu đối với ông: “Hiện tôi vẫn để ảnh tưởng nhớ Trịnh Công Sơn trong phòng ngủ, nhưng chồng tôi không bao giờ thắc mắc, mà luôn tôn trọng thế giới riêng của tôi”.
(Theo Bản tác giả gửi NBĐ)
Nguồn trích dẫn : nguoibanduong.net
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét