Chỉnh và Vua Lê - Đỗ Ngọc Thạch
CHỈNH VÀ VUA LÊ
Truyện ngắn của Đỗ Ngọc Thạch
Sau khi Nguyễn Hữu Chỉnh(1) “dẫn đường” cho quân Tây Sơn ra Bắc “Phò Lê, diệt Trịnh”, rồi mai mối cho Nguyễn Huệ cưới công chúa Ngọc Hân
(*)…,người Bắc Hà cho là Chỉnh “cõng rắn cắn gà nhà”, oán Chỉnh thấu
đến xương tuỷ. Đến lúc anh em Tây Sơn bỏ rơi Chỉnh, Chỉnh lật đật chạy
theo vào đến Nghệ An, người cả một xứ ai cũng muốn giết Chỉnh cho hả dạ.
Song lại có chuyện chúa Trịnh là Trịnh Bồng muốn lật vua Lê Chiêu
Thống, đem quân bao vây cung vua! Vua Lê không biết nhờ cậy ai “cứu giá”
ngoài Chỉnh. Được vua Lê có chỉ vời, Chỉnh bèn lấy việc dấy quân ra bảo
vệ nhà vua mà thoát khỏi tai nạn. Rồi Chỉnh lại được nhà vua mở lòng
tin dùng, phong tước Quận công – gọi là Bằng Quận công, cho nên mọi
người trong ngoài chỉ dám oán mà không dám nói gì Chỉnh. Chỉnh mượn
“Chiếu chỉ” nhà vua để sai khiến cả nước, tự tiện làm oai làm phúc, luôn
luôn đem quân đi trừ khử những người muốn làm hại mình: bắt Trọng Tế,
giết Phùng Cơ, đem quân đuổi đánh Án đô vương Trịnh Bồng, làm cho vương
phải chạy trốn khắp nơi, không dám về kinh.Việc Chỉnh làm phần nhiều là càn bậy, nhưng đụng đâu là thắng đấy, nên chẳng ai biết làm thế nào. Vì thế, Chỉnh càng ngày càng làm lắm điều bạo ngược, Chỉnh tự cho rằng người đời chẳng ai bằng mình. Thậm chí Chỉnh coi nhà vua như đứa trẻ con, khi bảo làm thế này, khi bảo làm thế kia, không còn kiêng sợ gì cả. Bụng Chỉnh còn e dè, chỉ một Bắc bình vương Nguyễn Huệ mà thôi. Chỉnh thường nói riêng với người thân tín rằng:
-Bắc bình vương là người anh hùng hào kiệt ở miền Nam ta cũng không thua. Hắn quỷ quyệt hơn ta, nhưng ta khôn ngoan hơn hắn. Năm trước ta từng cộng sự với hắn, nên ngày nay hãy nhường hắn một nước cờ, đợi khi trong nước tạm yên, ta sẽ chuyên tâm lo việc phương Nam. Lúc đó ta có thể tập hợp binh mã, cùng hắn giao phong trong một trận lớn lao. Đã trừ khử được vật ngăn trở rồi, thì từ dải đèo Ngang trở về Nam, lại là bờ cõi của nước nhà. Nay Trần bình chương(**) vào Nam bàn việc bờ cõi, dù bất đắc dĩ mà phải nhường đất Nghệ An cho họ, thì cũng như cái mưu khôn xưa nước Tấn đem ngọc bích và ngựa tốt dâng biếu cho nước Ngu, Hán Cao tổ đem đất Quan Trung nhường cho Hạng Vũ đấy thôi!(***). Điều đó người thường không thể biết được!
Vì thế, đối với việc Nghệ An, Chỉnh mới dùng lễ vật nhiều, lời nói ngọt, mong sao cho được vô sự; lại đem hết những điều giấu kín trong lòng mà dặn dò Trần Công Xán. Chỉnh cho rằng chuyến đi ấy thế nào cũng dẹp yên được việc binh đao, nên không còn để ý đến việc quân và việc bờ cõi nữa. Không ngờ rằng Bắc bình vương có ý định bắt Chỉnh đã lâu, nhưng cơ mưu giấu kín quá nên Chỉnh không biết. Hoặc có người nhắc đến việc biên cương thì Chỉnh cũng xem thường, cho là kẻ hiếu sự đoán mò hay cho là tin đồn nhảm ngoài đường sá mà thôi. Tới lúc sứ bộ Trần Công Xán chết đắm ở biển, nhiều người trong triều bảo đó là do Bắc bình vương sợ lộ việc tranh chấp ở miền Nam mà giết ngầm đi, khi nội biến đã yên, thế nào họ cũng sẽ mưu đồ đánh ta; Chỉnh cũng vẫn không cho là phải...
Sau khi Bắc bình vương đã hoà với vua Tây Sơn Nguyễn Nhạc, liền trở về Phú Xuân mở đại hội các tướng mà bảo họ rằng: "Nguyễn Hữu Chỉnh là người đã chết, ta lại vẽ mặt vẽ mày cho. Nay hắn bay nhảy ở Bắc Hà, phò vua Lê để sai khiến cả nước. Đã không lo đền đáp ơn ta mà còn định cắn lại, mưu đồ giành đất Nghệ An, đặt làm một trấn quan trọng, để bắt chước việc chúa Trịnh xâm lấn phương Nam ngày xưa. Thằng giặc ấy thật đáng giết. Không biết hắn đã sắp sẵn được bao nhiêu binh mã, có thể đánh nhau với ta được một trận hay không?".
Tức thì, Bắc bình vương choVõ Văn Nhậm(2) lĩnh ấn tiết chế, bọn Ngô Văn Sở(3), Phan Văn Lân và các tướng đều phải ở dưới quyền. Khi sắp đặt đã xong, Bắc bình vương hạ lệnh giục họ tiến quân ra Bắc. Bấy giờ đúng vào tháng mười một mùa đông năm Đinh Tị (1787).
*
Khi Văn Nhậm kéo quân qua Thổ Sơn, trấn thủ Thanh Hoa là Lê Duật không dám chống cự, rút quân lui giữ Trinh Giang (sông Trinh Giang thuộc xã Trinh Sơn, huyện Hoằng Hoá, Thanh Hoá), rồi cho người phi ngựa về kinh cáo cấp. Tin cáo cấp một ngày đến chín lần, làm cho kinh thành nhao lên, nhân tình tan rã, vội vàng mang xách, bồng bế nhau ra ngoài thành để trốn tránh: phố phường đều đóng cửa thôi buôn bán đường sá cũng ít người đi lại, trong chốn đài sảnh chỉ còn người có chức vụ ở lại mà thôi.
Vua Lê sai các quan cùng họp ở dinh của Chỉnh để bàn cách đánh giữ. Chỉnh nói:
- Đời nhà Tấn, khi quân nhà Tần ập đến bờ cõi, Tạ An vẫn cười nói như thường; đời Tống, khi quân Khiết Đan vào sâu trong nước, Khấu Chuẩn (4) vẫn điềm nhiên như không. Các vị đại thần, cần phải trấn tĩnh, không nên tự mình bối rối trước, chỉ tổ làm cho lung lay lòng người. Chức trách của Lê Duật là giữ đất đai, thấy giặc đến không thể không báo cáo, nhưng y cũng là một tay tướng giỏi. Võ Văn Nhậm vị tất đã dễ dàng nuốt sống được y. Vả chăng, sông Trinh Giang, sông Thanh Quyết (sông Thanh Quyết tức khúc sông Đáy thuộc huyện Gia Viễn, Ninh Bình) sông sâu nước lạnh, dù có thiên binh vạn mã chưa dễ đã vượt qua được một cách yên ổn. Công việc đánh hay giữ, đã có định cục, làm gì mà phải luống cuống.
Quan phó đô ngự sử là Nguyễn Đình Giản nói:
- Thanh Hoa là đất "thang mộc", lăng tẩm mấy triều đều ở đấy. Nay người Tây Sơn tới đánh, cả vùng Tĩnh Gia đã bị chiếm mất, còn các vùng Thiệu Thiên, Hà Trung đều thành chiến trường, xã tắc nguy như treo trên sợi tóc. Ông làm vị quan đầu triều, binh quyền ở trong tay, định cục thế nào, thử nói ra cho rõ ràng, để chúng tôi đều đem hết ý kiến nông cạn, cùng ông lo liệu. Việc thiên hạ không phải là chuyện riêng một nhà, sao không nói cho mọi người đều biết? Ngày xưa người Nguyên cười người Tống rằng: "Đợi khi chúng bay bàn bạc ổn thoả thì ta đã qua sông rồi". Nay không lo liệu cho sớm, chờ khi quân giặc đã đến ô Cầu Dền thì giả sử Tạ An, Khấu Chuẩn có sống lại, họ cũng không thể trấn tĩnh được!
Ninh Tốn và Nguyễn Bá Lan cũng đều nói:
- Quan ngự sử nói rất đúng.
Ngày thường Chỉnh quen dùng miệng lưỡi để lấn át người ta, người ta cũng sợ khí thế của y, nên không dám tranh cãi lại. Nhưng lúc ấy, tin tức về quân địch gấp rút đưa đến, trong bụng rối beng, lại bị Giản bẻ, nên Chỉnh chưa biết trả lời ra sao. Quan bình chương Phan Lê Phiên nói:
- Không cần nói nhiều, quân giặc đến chỉ có đánh mà thôi. Bộ hạ của ông, người nào có thể làm tướng, xin tâu với hoàng thượng cho làm tướng; toà Xu mật sẽ cấp binh bài, toà Độ chi sẽ cấp lương thực, ngày nay vào bái mạng, rồi tức tốc lên đường, không thể chậm trễ!
Chỉnh nói:
- Ý tôi cũng vậy, nói trấn tĩnh là nghĩa như thế!
Chỉnh liền tâu vua cho Nguyễn Như Thái làm thống lĩnh, Ninh Tốn làm tham tán quân vụ, đem quân cùng họp với Duật, chống địch ở trấn Thanh Hoa.
Lại nói, Duật đóng quân ở Trinh Giang, Nhậm bèn sai người đến báo rằng:
- Ngày mai đại quân qua sông, ngươi dám đánh nhau thì bày trận chờ đợi. Nếu không có thể đánh nhau thì mau mau tới đầu hàng.
Lúc đó Nhậm đóng quân ở phía nam Trinh Giang, trước tiên sai Ngô Văn Sở đem quân men theo chân núi đi về phía tây, cất lẻn qua sông Tất Mã, đánh úp phía sau quân Duật. Duật không hề biết, tối hôm ấy rút quân chạy cả đêm; hôm sau tới Cao Lũng, đã thấy quân Sở ở đấy, quân Duật sợ hãi, chạy tan tác ra tứ phía. Duật bị quân Sở giết chết. Khí giới, lương thực, hết thảy đều bị địch thu lượm.
Quân Nguyễn Như Thái đi đến Châu Cầu (nay là thị xă Phủ Lý, Hà Nam), nghe tin Duật đã thua và chết, vội gọi Ninh Tốn cùng bàn. Tốn nói:
- Binh pháp dạy rằng: "Tranh được núi thì thắng, giữ chỗ hiểm thì vững". Giữa Thanh Hoa nội và Thanh Hoa ngoại có dãy núi Tam Điệp ngăn cách, ấy là chỗ trời đất gặp nhau, rất là hiểm yếu. Ta nên tiến quân gấp để giữ lấy, chớ để quân giặc chiếm trước. Được như vậy thì từ Trường Yên về bắc còn là của mình. Nếu núi Tam Điệp mà mất, thì lộ Nam Sơn thênh thang với những cánh đồng bằng phẳng rộng rãi, e khó tranh nhau với giặc, việc nước sẽ nguy khốn!
Thái cho là phải, lập tức chỉnh đốn quân ngũ, đang đêm gấp rút tiến quân. Mờ sáng, quân Thái qua sông Giản Khẩu thì nghe tin quân Tây Sơn của Nhậm đã vượt qua núi Tam Điệp, Phan Văn Lân đã đem quân đóng ở Hàm Mai, cách đấy chỉ có vài dặm. Thái vỗ ngực kêu to mấy tiếng, rồi đem quân bày trận trên bờ sông Giản để chờ địch.
Quân Tây Sơn đến, chia hai ngả đánh kẹp vào. Quân Thái lẻ loi không có quân cứu viện, cố sức đánh nhau từ sáng đến trưa, tên đạn đều hết sạch. Bọn lính ở đằng trước trở giáo hàng địch. Thái biết thế không thể chống nổi, bèn cùng vài chục người bộ thuộc, phi ngựa chạy về phía bắc. Quân địch đuổi theo, bắn chết hết. Ninh Tốn chạy trốn vào nhà dân, được thoát nạn.
Văn Nhậm toàn thắng, tức thì dẫn quân tiến lên.
Chỉnh đang ăn thì tin báo đến nơi, luống cuống vứt đũa, chạy vội vào nhà, gọi Hữu Du và bảo:
- Chiến tướng của ta chỉ có bốn người. Thái và Duật chẳng may chết rồi. Tuyển ở Sơn Nam,
Thước ở Kinh Bắc, gọi về không kịp. Tình thế gấp rút ta phải tự ra cầm quân. Con nên sắp đủ binh lính, lương thực, cùng đi với ta. Cha, con cùng dốc sức mới có thể nên việc được.
Du nói:
- Sách có câu "Thờ cha phải hết sức, thờ vua phải liều mình". Con xin đi trước, đánh với giặc một trận lớn, không dám để cho vua và cha phải lo. Cha cứ đi thong thả mà đốc thúc việc chiến trận, con sẽ lấy đầu thằng Võ Văn Nhậm đem về cho cha xem.
Chỉnh nghe Du nói vậy thì vững tâm đôi chút, rồi Chỉnh tự mình vào cung điện tâu xin xuất quân.
Vua bèn ngự ra điện Cần Chánh, truyền chỉ ban tiết việt (5) cho Chỉnh và dụ rằng:
- Trẫm dựa vào ông như dựa bức trường thành. Chuyến đi này quan hệ đến sự an nguy của nhà nước. Nhất thiết chớ có khinh giặc đánh tràn, phải tuỳ cơ mà làm, mau đưa tin thắng trận về để yên lòng trẫm!
Chỉnh tâu:
- Thần đã biết rõ tình hình của giặc. Võ Văn Nhậm mạnh mà không có mưu khôn, làm tỳ tướng thì dư sức, mà làm chủ tướng thì không đủ tài. Ngày thường hắn vẫn sợ thần, nay thấy thần đến, chắc là không dám chống chọi. Thần chỉ lấy khí thế mà đè nén, không cần phải đánh cũng thắng. Chuyến đi này, không quá năm ngày, sẽ có thư trạm tâu tin thắng trận, xin bệ hạ chớ lo!
Tâu xong, Chỉnh bái từ mà ra. Vua Lê thân hành tiễn đến ngoài cửa Đoan môn, rồi sai các hoàng thân và trăm quan tiễn đưa ra ngoài kinh thành.
Chỉnh đem quân đến trạm Hoàng Mai, sai Hữu Du lĩnh các đội quân của cơ Ngũ nhuệ đi trước.
Du đi đến sông Thanh Quyết, liền đắp luỹ đất chạy theo bờ sông, chia đồn mà cố thủ.
Lúc bấy giờ, khí trời rét buốt, quân lính của Du đêm ngủ giữa trời, túm năm tụm ba đốt củi để sưởi. Quân đi tuần của địch trông vào ánh lửa, thấy rõ tất cả, bèn về báo với Văn Nhậm.
Nhậm cho quân cưỡi bè, sang thẳng bãi sông, ngầm bắn xuyên qua các khe hở trên bờ luỹ, nhắm chỗ có lửa làm đích, bắn phát nào trúng phát ấy. Quân ở trong luỹ hoảng sợ, bối rối, tự nhiên tan vỡ, Du rút quân về giữ Châu Cầu. Quân sĩ mười phần chỉ còn hai ba, không dám đón đánh, cũng không dám chạy về, phải vừa lui vừa dừng để đợi hậu quân .
Lại nói, Chỉnh đem quân đến trạm Bình Vọng , thì dừng lại nghỉ. Chợt gió nam thổi vù vù, có đám mây đen bay từ hướng tây nam đến. Chỉnh ngồi trong kiệu, giở sách bói ra xem, vừa gặp một quẻ, có lời đoán rằng: "Nước có giặc lớn, nguyên nhung thua trận". Chỉnh tỏ ý buồn rầu, đang lúc trầm ngâm nghĩ ngợi, thình lình lại có đàn ong rừng vo vo bay đến, đua nhau đốt vào cổ Chỉnh. Chỉnh giật mình ngã xuống, sực nghĩ toàn là điềm gở, chần chừ không muốn tiến quân.
Chốc lát, thấy quân bại trận của Du tan tác chạy về nói:
- Quân ta đã vỡ, quân giặc đuổi theo sắp sửa đến nơi!
Chỉnh nghe nói, cả sợ, tiến thoái lưỡng nan. Tướng sĩ, bộ hạ cũng đều hoảng sợ, đua nhau nói: "Thế giặc rất mạnh, chưa thể giao tranh với chúng được. Kinh thành ít quân, khó mà giữ nổi. Chi bằng rút quân về, lui giữ đất Kinh Bắc, chặn ngang sông Nhĩ Hà cho vững; rồi sau sẽ từ từ tính chước công thủ ". Chỉnh nghe theo.
Lát sau, Hữu Du đến, Chỉnh kéo quân tức tốc về kinh. Xẩm tối, vừa về tới thành, Chỉnh liền bảo quan tham tri chính sự là Nguyễn Khuê vào tâu với vua, xin đến ngày mai, xa giá đi sang Kinh Bắc. Rồi Chỉnh vào thẳng lượng phủ là chỗ mình ở, sắp xếp hành trang, sai người hộ vệ vợ con gia thuộc sang sông trước.
Lính Kim ngô biết chuyện, vội vàng vào điện tâu với vua rằng: "Gia quyến ông Bằng đi rồi!"
Vua Lê lật đật chạy đến dinh của Chỉnh. Lúc bấy giờ Chỉnh đang ở trước sân, dặn dò những người ra đi. Vua cầm lấy tay Chỉnh mà hỏi:
- Sự thể đã đến thế này thì làm thế nào?
Chỉnh thấy vua, thẹn thùng, run sợ, bèn lạy mà thưa rằng:
- Bệ hạ giao nước cho thần, thần không xứng đáng với chức vị, làm lầm lỡ việc nước, tội ấy không dám chối cãi: hai mặt tây nam kinh sư, không còn có gì để nương tựa, thành trì cũng chưa đào đắp, chỉ có cửa ô mà thôi. Quân giặc thừa thắng tiến mãi, không có thành luỹ nào ngăn cản; đánh thì không được, giữ cũng không xong, lấy gì để bảo đảm cho được toàn vẹn? Nay bệ hạ hãy nên đi lên mạn bắc, để lo tính công việc sau này. Quân giặc từ xa đến đã mệt nhọc, lại bị sông lớn ngăn trở, thế nào cũng không dám đuổi theo. Trong khoảng mười ngày, ta được thư thả, rồi sẽ lo tính khôi phục, há lại không có cơ hội tốt? Bệ hạ hãy về cung, tâu với hoàng thái hậu, xin đưa từ giá (6) đi trước, thần sẽ thân đem lính và voi đợi ở bến sông.
Vua lập tức đi bộ về cung. Trên đường, đã thấy dân chúng dắt díu nhau cùng chạy. Bọn trộm cướp thừa cơ lộng hành, tiếng kêu khóc râm ran. Có kẻ giữ lấy vua, sờ nắn trong lưng không có gì, mới tha cho đi. Vua vội vàng đi về phía cửa Chu Tước, rồi vào cửa Tả Khúc. Vừa tới nơi đã nghe thái hậu và các phi tần tìm nhà vua không thấy, đang gọi luôn miệng: "Thừa dư (7) ở đâu?". Vua vội trả lời: "ở đây! ở đây!". Rồi nhà vua lập tức gọi lính thị vệ, nhưng chỉ được mười bảy, mười tám người, còn thì đều lẩn trốn không đến. Vua vội vàng sai lấy võng đòn tre cáng thái hậu và nguyên tử (8) đi. Các tôn thất và phi tần đều phải đi bộ. Những đồ ngự dụng chỉ khênh đi được bốn hòm, còn bao nhiêu đều bỏ lại trong điện. Những đồ riêng tây cùng quần áo quý báu của bọn thị vệ, cũng đều bỏ rơi dần ở dọc đường.
Đến bến sông, phải giành giật lấy đò mà qua, bất cứ kẻ sang người hèn, ai mạnh thì được qua sông trước. Ở bãi cát bến sông, mọi người giẫm đạp lẫn nhau, có nhiều người bị ngã rồi bị dẫm đạp đến chết. Các tay lái đò chèo không kịp, hoặc có thuyền vì chở nặng quá mà bị đắm. Tiếng kêu khóc vang trời động đất. Kinh thành rối loạn lung tung. Bọn trộm cướp ùa vào trong cung, phủ, thả sức cướp bóc. Nhưng những vật lấy được, chúng cũng không dám chuyên chở ra ngoài thành, mà phải giấu ở các phố.
Gần tối, Võ Văn Nhậm đến nơi đem quân vào thành thì thấy cung điện tan hoang, kho tàng chỉ còn trơ lại xác nhà không mà thôi. Nhậm nói:
- Vào chợ còn được cái kim, huống chi là vào một nước. Ta nghe đất Bắc Hà giàu có, sao lại trống không thế này? Ta ở xa đến mà lại không kiếm được một đồng tiền nào đưa về thì nói ra con nít cũng không nghe được.
Ngày hôm sau Nhậm bèn thả lính lùng khắp các nhà dân ở phường phố, lấy được của báu rất nhiều, đến cả đồ đạc, của cải của gia đình người ta cũng đều lấy hết.
Có người dân đến cửa quân kêu rằng:
- Đời xưa hành quân, không hề chạm đến một mảy may của dân. Có người lấy cái nón của dân để che áo giáp của quan, cũng không dung tha. Sao nay dân gian lại bị hại đến như thế?
Nhậm quát to:
- Những vật quân ta lùng được đều là tài sản trong cung phủ nhà Lê, phải đâu là của nhà dân? Chẳng qua chúng bay nhân lúc rối loạn, tranh nhau ăn trộm, đại quân ập đến, không kịp cất giấu đấy thôi. Thằng này chính là bè đảng của bọn côn đồ, không thể tha thứ được!
Lập tức, Nhậm sai điệu người ấy ra chém. Do đó, dân chúng rất sợ, không còn ai dám kêu ca gì nữa.
*
Lại nói, cha con Chỉnh cùng các quan theo vua chạy lên phía Bắc. Vì sợ quân địch đuổi kịp, ai nấy chạy sấp chạy ngửa, người nọ níu áo người kia, chẳng còn ra thể thống gì cả. Chập tối thì vua tôi nhà Lê đến trấn Kinh Bắc. Trấn thủ Kinh Bắc là Nguyễn Cảnh Thước đã muốn làm phản từ trước, mượn cớ ốm không chầu vua. Chỉnh tới, quở trách gắt gao, Thước mới miễn cưỡng ra yết kiến.
Lúc ấy, dọc đường quân lính đã bỏ trốn quá nửa. Chỉnh rất lo, liền kiểm điểm số lính còn lại, ưu binh và nhất binh chỉ còn hơn bốn trăm người, ngựa hơn sáu chục con, Chỉnh đem quân đi trước, qua sông Như Nguyệt, đóng đồn ở núi Tam Tằng , tự mình đốc suất quân lính đắp luỹ, cắm rào, rồi sai Thước hộ vệ nhà vua đến sau.
Chỉnh đi rồi, vua và thái hậu chờ đợi bên sông, lâu mãi chẳng thấy thuyền, liền cho gọi Thước đến hỏi. Thước tâu:
- Các thuyền đều không ở đây, bệ hạ muốn sang sông gấp thì xin cho thần ít nhiều vàng lụa, mới có thể thuê ðýợc. Nếu không, dẫu ðến sáng mai cũng vẫn ở ðây. Giả sử quân giặc ðuổi ðến, thần xin dùng thùng gỗ ðể ðýa bệ hạ qua sông. Nhýng chỉ e những ðồ ngự dụng không thể giữ ðýợc mà thôi.
Vua nói:
- Trẫm có cả thiên hạ còn không giữ được, bây giờ lại còn tiếc cái gì nữa.
Tức thì nhà vua sai mở hòm cho Thước xem. Trong hòm chỉ có con dấu truyền quốc và bốn mươi lạng vàng mà thôi.
Vua nói: “ Tuỳ nhà ngươi muốn lấy gì thì lấy!”.
Thước nói: “ Đội ơn bệ hạ ban cho, thần xin chia một nửa!”.
Vua cho Thước tất cả. Thước liền gọi lái đò đưa thuyền đến bến, chở nhà vua và đám người cùng đi qua sông. Khi vua đã lên bờ, Thước lại cho người đuổi theo, lột chiếc ngự bào vua đang mặc. Vua ứa nước mắt, cởi ngự bào trao cho chúng, rồi chạy về núi Như Thiết.
Vua xin với thái hậu rằng:
- Con tài đức kém cỏi, không đủ làm chủ thần khí (9), lại không sành sỏi trong việc xét người, bị Nguyễn Hữu Chỉnh làm lầm lỡ, đến nỗi kinh thành thất thủ, phiêu bạt ra ngoài, gây mối lo cho thánh mẫu. Bây giờ trèo leo ở chốn núi rừng, nay đây mai đó, tình thế này không chắc đã sum họp một nhà được. Đã thế lại còn dắt díu nhiều người đi theo, sợ giặc dò biết, sẽ sinh ra tai biến bất ngờ. Con đã nghĩ kỹ, chỉ có viên đốc đồng trấn Cao Bằng Nguyễn Huy Túc là người trung hậu có thể nương nhờ được. Vậy xin thánh mẫu hãy tạm lên đó, nơi đó đường đất xa xôi, quân giặc không thể phút chốc đi tới được. Ở đó, công việc nên chăng thế nào, con xin viết bức thủ thư giao cho Túc. Đến như việc sớm khuya hầu hạ, em con có thể thay con. Xin thánh mẫu tạm yên lòng, để con ở đây ngầm lo việc khôi phục, ngõ hầu có thể chuộc được tội lỗi.
Thái hậu nói:
- Trời đã không giúp xã tắc, già này sống chẳng bằng chết, nguyện lấy mảnh đất ở núi này làm nơi chôn cất hài cốt, chớ còn phải trèo non vượt suối làm chi nữa cho khổ?
Vua rập đầu chảy máu, mãi không dậy. Các quan cũng có nhiều người khuyên giải. Thái hậu mới ưng thuận.
Sau đó, em vua là Quang, thị thần là Quýnh cùng bọn tôn thất hơn ba chục người đều theo thái hậu đi lên Cao Bằng.
Hôm sau, vua sang huyện Yên Dũng , văn thần đi theo chỉ có năm sáu người là bọn Nguyễn Đình Giản, Phạm Đình Dư, Chu Doãn Lệ, Vũ Trinh, Trương Đăng Quỹ mà thôi.
*
Vừa lúc ấy, Võ Văn Nhậm sai bộ tướng là Nguyễn Văn Hoà đuổi kịp Nguyễn Hữu Chỉnh. Hai bên đánh nhau ở núi Tam Tằng. Hữu Du múa đao liều chết, giết vài chục quân địch. Hoà chia một đội kỳ binh vòng ra sau núi , hai mặt giáp công, kẹp quân Chỉnh ở giữa. Quân Chỉnh rối loạn, phút chốc tan vỡ. Hữu Du chết ở trước trận. Tham tri chính sự là Nguyễn Khuê cũng bị giết. Chỉnh lên ngựa nhằm hướng bắc mà chạy, ngựa ngã, bị quân của Hòa đuổi kịp, chúng tranh nhau chĩa giáo chực đâm. Chỉnh vội kêu to:
- Xin cứ bắt sống mà đem dâng!
Quân lính của Hòa bèn trói Chỉnh lại, bỏ cũi giải về kinh.
Chỉnh xin gặp Văn Nhậm để nói một lời. Nhậm không cho, sai người kể tội Chỉnh rằng:
Mày vốn là tôi chúa Trịnh, phản chủ mà về với chúng tao để mưu đồ diệt họ Trịnh; rồi lại phản chúng tao về Bắc, lừa dối vua Lê, chiếm lấy ngôi cả, tự tiện làm oai làm phúc, ngầm ngầm lo mưu lấn cướp để tranh giành với chủ tao. Xét cuộc đời của mày, toàn học thói cũ của quân giặc loạn, phải phanh gan ruột mày ra, bỏ hết những cái dơ bẩn, để người Bắc lấy mày làm răn!
Rồi Nhậm sai lính phanh thây Chỉnh, thả cho chó ăn thịt.
Nhớ lại chuyện khi vua Lê sai Trần Công Xán đi sứ vào Phú Xuân để thương lượng với Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ về việc tranh chấp vùng đất Nghệ An, Nguyễn Huệ đã kể công “phò Lê diệt Trịnh” và trách cứ Vua Lê rằng: …”Nay không cảm ơn những việc của ta làm, lại chứa chấp kẻ phản ta, chống cự với ta, mưu đồ giành lại đất Nghệ An. Xử sự như thế, nhân tình có ai nín nhịn được không? Ta đã phái ra hai vạn binh mã, sai Tả quân Võ Văn Nhậm thống lĩnh, thẳng tới Thăng Long, chặt đầu cha con giặc Chỉnh về dâng!”. Như thế thì việc Hữu Chỉnh bị giết đã được Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ dự liệu từ trước, làm sao tránh được!
Sài Gòn, tháng 7-2010
Đỗ Ngọc Thạch
----
(*) Công chúa Ngọc Hân: Lê Ngọc Hân là con gái thứ 9 vua Lê Hiển Tông. Mẹ là Chiêu Nghi Nguyễn Thị Huyền, người xã Phù Ninh, tổng Hạ Dương, phủ Từ Sơn, là con gái trưởng của ông Nguyễn Đình Giai.
Năm 1786, Nguyễn Huệ ra Bắc "phù Lê diệt Trịnh". Diệt xong họ Trịnh, Nguyễn Huệ tới yết kiến vua Hiển Tông. Do sự mai mối của Nguyễn Hữu Chỉnh, Ngọc Hân vâng mệnh vua cha kết duyên cùng Nguyễn Huệ. Khi đó Ngọc Hân mới 16 tuổi, còn Nguyễn Huệ 34 tuổi.
Vài ngày sau vua cha Lê Hiển Tông qua đời, thọ 70 tuổi . Lê Duy Kỳ được lập, tức là vua Lê Chiêu Thống. Ít lâu sau bà theo Nguyễn Huệ về Thuận Hóa.
Năm 1788, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế trước khi ra Bắc lần thứ ba để diệt quân Thanh, lấy niên hiệu Quang Trung, phong Ngọc Hân làm Hữu Cung Hoàng hậu.
Năm 1789, sau khi đại thắng quân Thanh, Nguyễn Huệ lại phong Ngọc Hân làm Bắc Cung Hoàng Hậu. Ngọc Hân có 2 con với Nguyễn Huệ là công chúa Nguyễn Ngọc Bảo và hoàng tử Nguyễn Quang Đức.
Năm 1792, Quang Trung hoàng đế đột ngột băng hà. Ngọc Hân viết bài Tế vua Quang Trung và Ai Tư Vãn để bày tỏ nỗi đau khổ cũng như nỗi tiếc thương vô hạn cho người chồng- người anh hùng dân tộc...Đây là hai tác phẩm văn học đặc sắc của văn học thời Tây Sơn.
(**) Trần Bình chương: tức Trần Công Xán (còn gọi là Trần Công Thước) là Tiến sĩ triều Lê Cảnh Hưng, quê Kim Động, Hưng Yên, làm quan đến Thương thư Bộ Công, sau thăng Đồng Bình Chương sự. Tính tình cương trực, can đảm, thẳng thắn, dám nói thẳng những điều mà người khác không dám nói. Đặc biệt, Xán có tài hùng biện, ngay cả khi vào Phú Xuân để đòi lại đất Nghệ An, Nguyễn Huệ cũng phải khen là giỏi, muốn Xán quy hàng nhưng không được. Do sợ lộ tin tức về tình hình của hai anh em Nguyễn Nhạc- Nguyễn Huệ đang xích mích nên Nguyễn Huệ đã lập mưu giết Xán. Sau một thời gian giam giữ mà vẫn không chiêu hàng được, Nguyễn Huệ vờ choTrần Công Xán về Bắc, khi thuyền ra đến ngoài khơi, lợi dụng đêm tối, thuỷ thủ đã đục thuyền, dìm chết cả đoàn sứ thần của vua Lê Chiêu Thống, đồng thời phao tin là thuyền bị bão biển đánh chìm.
(***)
Thời Xuân thu, Tấn Hiến công nước Tấn lấy ngựa hay và ngọc quý đút lót
cho nước Ngu để mượn đường sang đánh nước Quắc; đến khi diệt được nước
Quắc rồi, Tấn Hiến công liền quay lại diệt luôn cả nước Ngu, thu lại
ngựa và ngọc đã biếu. Việc Hán Cao tổ cũng tương tự, tạm nhường đất Quan
Trung cho Hạng Vũ rồi sau lại lấy lại. Đúng như lời sách xưa đã nói:
"Định lấy của nó hãy tạm cho nó" (câu này nguyên văn chữ Hán là "Tương
dục thủ chi tất cô dữ chi" Trong Đạo đức kinh của Lão Tử cũng có câu
tương tự là: "Tương dục đoạt chi, tất cô dữ chi" (muốn chiếm đoạt của
nó, hãy tạm cho nó).
(1) Nguyễn Hữu Chỉnh :Tháng 12 năm Bính Ngọ, Chiêu Thống thứ nhất (1786), sau khi Nguyễn Hữu Chỉnh đánh tan quân họ Trịnh, vào Thăng Long, Chiêu Thống bèn bổ dụng Chỉnh là Đại tư đồ, phong tước Bằng trung công. Chiêu Thống từ đấy dựa cả vào Hữu Chỉnh. Chỉnh nắm binh quyền, dần dần ép Chiêu Thống cả trong việc bổ nhiệm quan chức, sắp đặt chính sự.
"Từ đây, uy quyền quá lừng lẫy, Chỉnh kéo bà con bè đảng, cắt đặt chia giữ các chức ở trong kinh đô và ngoài các trấn, việc gì cũng tự Chỉnh chuyên quyền quyết định cả. Chỉnh lại mở phủ cho co là Hữu Du ở tại phía đông dinh mình, bắt chước như lối chúa Trịnh xưa cho thế tử ra ở phủ riêng. Chỉnh kiêu ngạo lấn lướt, làm cho nhà vua dần dần phát chán"(Cương mục).Chiêu Thống lại tìm cách giết Chỉnh, nhưng Vũ Trinh can ngăn, mới thôi. Chỉnh phong thanh biết chuyện, từ đó bỏ luôn cả lễ triều yết. Tuy nhiên, Chỉnh vẫn giữ danh nghĩa tôn phù vua Lê. Sau đó, cùng bộ hạ là Hoàng Viết Tuyển, Chỉnh lần lượt diệt các thế lực chống đối nhà Lê ở Bắc Hà: Dương Trọng Khiêm, Hoàng Phùng Cơ, Trịnh Bồng và Đinh Tích Nhưỡng.
Tháng 11 năm Đinh Mùi, Chiêu Thống thứ nhất (1787). Quân Tây Sơn do Vũ Văn Nhậm chỉ huy tấn công Bắc Hà. Chiêu Thống sai Nguyễn Hữu Chỉnh đem quân chống cự, nhưng trong trận
đánh lớn trên sông Thanh Quyết, bị Văn Nhậm đánh tan. Hữu Chỉnh và em là Hữu Du chỉ kịp đem vài trăm quân chạy về Thăng Long.
Tháng 12 năm đó, Văn Nhậm kéo quân tới Thăng Long, Chiêu Thống nghe lời Hữu Chỉnh, bỏ Thăng Long chạy đi Kinh Bắc. Lúc đi, thị vệ và các bầy tôi tản mát bỏ trốn hết. Vua lại phải cho người sang nhờ Hữu Chỉnh đi hộ giá. Khi vua đến Kinh Bắc, trấn thủ là Nguyễn Cảnh Thước, vốn đã bí mật ðầu hàng Tây Sõn, ðóng cửa thành cáo bệnh không ðón. Vua cùng Hữu Chỉnh qua ðò sông Nguyệt Đức, đi theo chỉ còn sáu, bảy người, lại bị bọn vô lại cướp mất áo bào. Tình cảnh hết sức thê thảm. Khi Chiêu Thống tới huyện Yên Dũng mới được tri huyện huyện ấy giúp đỡ, xin hộ giá, rồi dần dần khôi phục lại được lực lượng ở mạn Cao Bằng, Thái Nguyên.
Sau đó, Nguyễn Văn Hòa, bộ tướng của Văn Nhậm, đuổi kịp quân nhà Lê. Chiêu Thống thân chinh cầm quân ngự chiến, nhưng thua trận, Nguyễn Hữu Du chết tại trận, Nguyễn Hữu Chỉnh bị bắt giải về kinh, rồi bị Văn Nhậm xử tử, quân nhà vua tan vỡ, Dương Đình Tuấn hộ vệ vua chạy sang trại Sơn Lộc. Các bầy tôi khác đều tan tác hết.
(2) Vũ Văn Nhậm (? - 1788): là một danh tướng nhà Tây Sơn. Nhậm quê ở Quảng Nam, là người giỏi võ nghệ. Nhậm vốn là tướng của Trấn thủ Quảng Nam, thuộc chính quyền Chúa Nguyễn, nhưng vì không chịu tuân phục theo quân pháp, nên bị kết tội, phải trốn vào Quy Nhơn.
Đến Phù Ly (thuộc phủ Hoài Nhơn), nghe đồn có viên thổ hào dùng quyền thế cưỡng đoạt một thiếu nữ; Nhậm tìm giết chết người ấy. Định đến cửa quan thú tội, thì Nhậm gặp Trần Quang Diệu. Nghe lời khuyên và nhờ sự tiến cử của vị tướng này, Vũ Văn Nhậm được nhận làm thuộc tướng của Tây Sơn Vương Nguyễn Nhạc.Sau khi Nguyễn Nhạc đã xưng đế (1778), nhà vua xét trong các tướng tài, biết Vũ Văn Nhậm là người chưa vợ, bèn gả con gái cho.
Tháng 6 năm 1786, nghe lời Nguyễn Hữu Chỉnh, Nguyễn Huệ tự ý dẫn quân ra Bắc. Lo lắng, Nguyễn Nhạc vội vã dẫn quân đuổi theo.
Tháng 8, sau khi gầy dựng lại triều Lê, Nguyễn Huệ âm thầm về Quy Nhơn cùng với Nguyễn Nhạc. Chỉnh biết tin, chạy theo tới Nghệ An. Nguyễn Huệ cho Chỉnh cùng Nguyễn Duệ (hay Nguyễn Văn Duệ) ở lại trấn giữ Nghệ An; lại sai Vũ Văn Nhậm đóng ở Động Hải (tức Quảng Bình) để trông chừng mặt Bắc và Hữu Chỉnh.Sau đó, nghe Chỉnh ở Nghệ An tụ tập dũng sĩ, thông đồng với Nguyễn Duệ, mưu đồ chiếm cứ Nghệ An, sửa lũy Hoành Sơn, lấy Linh Giang (sông Gianh) làm giới hạn với Thuận Hóa; Vũ Văn Nhậm liền gửi mật thư báo với Nguyễn Huệ. Tức thì Nguyễn Huệ sai Vũ Văn Nhậm dẫn quân đến bắt, nhưng viên tướng này cùng Nguyễn Huỳnh Đức, biết tin trước nên trốn thoát được.
Tháng 11, chúa Trịnh Bồng đem quân vây chặt cung vua, định phế bỏ Lê Chiêu Thống. Nhờ có Hoàng Phùng Cơ bảo vệ, vua Lê mới chặn đứng được âm mưu của Trịnh Bồng. Nhân đó, nhà
vua cho người triệu Hữu Chỉnh từ Nghệ An ra phò giúp. Cuối tháng trên, Nguyễn Hữu Chỉnh đem quân đuổi được Trịnh Bồng ra khỏi Thăng Long. Kể từ đó, "Chỉnh càng ngày càng làm lắm điều bạo ngược, thậm chí Chỉnh coi nhà vua như đứa trẻ con, không còn kiêng sợ gì cả".
Tháng 4 năm 1787, nghe Nguyễn Hữu Chỉnh ngày một chuyên quyền, có ý chống đối lại Tây Sơn, Nguyễn Huệ sai Vũ Văn Nhậm cầm quân ra Bắc để hỏi tội Chỉnh.
Ngày 25 tháng 11 năm 1787, trận giao tranh đầu tiên diễn ra tại khu vực sông Thanh Quyết. Quân của Chỉnh bị quân Văn Nhậm nhanh chóng đẩy lùi...Cuối cùng Chỉnh bị bắt ở Mục Sơn thuộc Yên Thế, rồi bị Vũ Văn Nhậm ra lệnh phanh thây, xé xác.
(3) Ngô Văn Sở: Ngô Văn Sở (? – 1795) là một danh tướng của nhà Tây Sơn.
Ngô Văn Sở, sinh trưởng tại Bình Khê, Quy Nhơn .Thuở trai trẻ học võ với Đô thống Ngô Mạnh, tức bạn đồng môn với Bùi Thị Xuân.
Năm 1771, ba anh em Tây Sơn là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ cùng khởi binh, Ngô Văn Sở đến đầu quân ngay từ buổi đầu.
Năm 1775, Sở theo Nguyễn Huệ đánh tan hơn hai vạn quân Nguyễn do tướng Tống Phúc Hiệp ở Phú Yên. Kể từ lúc ấy, Ngô Văn Sở trở thành một trong những tướng lĩnh cao cấp của Bộ chỉ huy quân Tây Sơn. Và Sở đã có mặt trong trận tấn công vào Phú Xuân (1786), vượt sông Gianh đánh ra Bắc Hà (1786), diệt Nguyễn Hữu Chỉnh (1787), diệt Vũ Văn Nhậm (1788). Sau đó, Sở được Nguyễn Huệ phong làm Đại tư mã thống lĩnh quân đội, tổng quản công việc ở Bắc Hà.
Ngô Văn Sở cùng với Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng và Bùi Thị Xuân đều là danh tướng, được người đương thời gọi là Tây Sơn Tứ kiệt.
(4) Tạ An, người đời Tấn, làm Đại đô đốc, có tài chỉ huy, đã cứu nguy cho kinh đô trong lúc đang bị hàng trăm vạn quân Bồ Kiên uy hiếp. Khấu Chuẩn, người đời Tống, khi quân Khiết Đan xâm phạm bờ cõi, được vua Chân Tông giao cho chỉ huy quân sự, ông đã dùng kế buộc địch phải rút về nước.
(5) Tiết việt: tức "phù tiết" và "phủ việt". Phù tiết: vật làm tin, thường làm bằng thanh tre viết chữ vào đó, rồi chẻ đôi mỗi người giữ một nửa, sau kháp lại để làm tin. Cũng có khi làm bằng vàng, ngọc hoặc gỗ... Phủ việt: lưỡi búa. Đời xưa khi đại tướng ra trận được vua ban tiết việt để trao quyền hạn và làm tin.
(6) Từ giá: Xe của mẹ Vua.
(7) Thừa dư: Chỉ nhà Vua.
(8) Nguyên tử: Con đầu của vua mà chưa lập làm thái tử thì gọi là nguyên tử.
(9) Thần khí: Chỉ ngôi Vua.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét