Thứ Ba, 20 tháng 12, 2011

Anh hùng thọ nạn ; Người đưa thư - Đỗ Ngọc Thạch

http://www.vovinam-frankfurt.de/new/uploads/News/pic/small_atn_1318422700.jpg

Anh hùng thọ nạn

Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch  

Chiều chiều én lượn Truông  Mây
Cảm thương chú Lía bị vây trong rừng…
(Văn Doan diễn ca)
Lía là người Quảng Ngãi, nhà nghèo, bố mất sớm, mẹ Lía tần tảo nuôi con. Khi bố mất, Lía chưa tới mười tuổi nhưng đã có sức khỏe khác thường. Những khi nhà không còn cái gì ăn,  đêm tối, Lía đem theo một con dao thật bén, đột nhập vào chuồng bò của mấy nhà giàu, xẻo cả tảng thịt đem về. Mấy nhà giàu trong vùng đều thấy trâu bò của mình bị bóc từng mảng thịt như thế, tưởng là chó sói, phục bẫy bắt nhưng không được…
Ở vùng quê Lía có nhiều thầy dạy võ, Lía rất muốn học nhưng không có tiền nên chỉ lảng vảng nhìn trộm. Vài lần nhìn trộm như thế, Lía lại học được một vài miếng võ. Có ông thầy dạy võ nhìn tướng mạo Lía khác thường thì bảo:
- Thằng nhỏ kia, mày vào đây, chịu đòn nổi năm  môn sinh của ta thì ta sẽ thu nhận làm đệ tử…
Thực ra, ông thầy này muốn dùng Lía làm vật thí để cho môn sinh tập ra đòn. Lía ưng ngay, chạy vào đứng trơ trơ giữa sân. Lần lượt cả năm người vác roi nhảy tới đánh Lía đều bị Lía túm lấy roi và bẻ vụn !... Ông thầy thất kinh , nói:
-  Thằng bé này có sức mạnh cử đỉnh của Hạng Võ !
Vừa dứt lời, ông thấy nhấc cái cối đá để ở đầu nhà ,ném vút vào đầu Lía. Lía xoay người chờ cái cối bay ra sau lưng mới thò tay bắt như bắt một hòn sỏi. Ông thầy cả sợ, đứng ngó Lía trân trân rồi té xỉu ! Lía thấy vậy thì bỏ về, vừa đi vừa nghĩ: Mấy ông thầy dạy võ ở đây toàn loại tầm thường cả. Ta phải lên núi tìm Tiên ông mới mong có cái mà học…
Từ đó, trong bụng Lía đã có ý muốn ngao du, nhưng Mẹ Lía thấy Lía còn nhỏ nên không cho đi. Đến khi xảy ra truyện sau đây thì mẹ con Lía phải bỏ làng quê mà đi
Một hôm, Lía vừa  đi lấy củi về thì nghe trong nhà có tiếng kêu la hoảng hốt của mẹ. Lía đặt gánh củi chạy vào, giật mình kinh ngạc khi thấy mẹ đã bị lột hết quần áo và lão xã trưởng đang vật lộn cố đè bà nằm ngửa ra. Lía không kịp nghĩ ngợi gì, nhào tới, hai tay nắm chặt lấy đầu lão xã trưởng mà giật mạnh. Mẹ Lía chưa kịp hiểu chuyện gì thì đã thấy Lía mắt trợn trừng, hai tay nắm chặt cái đầu lão xã trưởng máu mê đầm đìa. Bà mẹ thất kinh nói:
-  Trời đất ơi!...Con tôi phạm tội giết người rồi !... Trời ơi là trời…
-  Lía nói   :
-  Con chỉ cầm đầu lão để kéo lão ra, ai ngờ cái cổ của lão đã đứt luôn ! Biết làm sao bây giờ !
-  Làm sao nữa, mẹ con ta phải trốn đi thật xa ngay!.
-  Mẹ con Lía vội vàng chôn xác lão xã trưởng  xuống  nền nhà rồi khăn gói gọn gàng, nhằm hướng Nam mà đi mải miết đêm ngày...
-  Một hôm, mẹ con Lía đang lần mò trong một khu rừng thì nhìn thấy từ đằng xa, có hai người lính công sai áp giải một người tù, cổ đeo gông, hai bên gông thấy treo lủng lẳng nào là bình nước, đồ ăn thức uống lỉnh kỉnh. Hai người lính áp giải chốc chốc lại lấy cán gươm thúc vào lưng người tù giục đi nhanh và lấy ra một thứ đồ ăn, vừa đi vừa nhai. Đang bị cơn đói hành hạ, Lía nói với mẹ :
-  Chúng ta có cái  ăn rồi mẹ ơi !
-  Đâu ? – Mẹ ngạc nhiên hỏi .
-  Mẹ có nhìn thấy  hai người lính đang áp giải một người tù ở đằng kia không ?
-  Người mẹ nhìn theo cánh tay  Lía chỉ rồi nói :
-  Làm sao mà họ  cho mẹ con mình đồ ăn được ?  Không khéo lại bị ăn roi :  Thôi, lánh mặt đi kẻo mang vạ !
-  Mẹ Lía chưa kịp kéo Lía đi  thì hai người lính kia đã nhìn thấy mẹ con Lía. Một người chạy lên vài bước, nói to :
-  Đứng lại !... Đứng lại không ta chém đầu !
-  Mẹ   Lía sợ hãi đứng lại còn Lía chạy vọt đi. Người lính kia tiến sát lại mẹ Lía thì giật mình la lên :
-  Trời đất ơi !... Tiên nữ giáng trần !...Giữa rừng hoang này tại sao lại có người đàn bà  đẹp như tiên !
-  Nói thì chậm, làm thì nhanh, tức thì người lính nhào tới mẹ Lía, giật phăng cái áo  ném  ra xa, tay kia vừa kéo quần người đàn bà tụt xuống…Bỗng nghe có tiếng roạt, một hòn đá to bằng hai nắm tay bay vút tới đập vào đầu người lính phát ra một tiếng rắc rất nhỏ. Tức thì người lính đổ vật  xuống. Mẹ Lía hoảng hồn chưa biết việc gì xảy ra thì người lính thứ hai đã nhào tới tóm chặt lấy cánh tay trần trắng bóc. Khi bàn tay người lính này vừa chạm vào cánh tay mẹ Lía, một hòn đá nữa đã bay vút tới, cũng trúng đầu. Người lính đổ vật xuống chết ngay.
Lía chạy tới người tù, bẻ cái gông như bẻ củi khiến người tù kinh ngạc tột độ. Sau khi đã ăn uống no nê rồi, người tù mới nói :
-  Ta vốn là tướng của chúa Trịnh ở ngoài Bắc, chúa Trịnh tàn bạo, triều chính thối nát ta mới bỏ vào nam theo chúa Nguyễn. Ai ngờ chúa Nguyễn cũng không khác gì…Vua chúa sống xa hoa, còn dân chúng thì quá cực khổ, lại chiến tranh nồi da nấu thịt…Ta tụ tập binh mã dựng cờ khởi nghĩa nhưng chưa kịp hành sự thì thằng phó tướng làm phản, ta bị  bắt giải về kinh để xử tội. Nay đã gặp được mẹ con nhà ngươi thật là trời giúp ta…
-  Sau đó, người tù kia nhận Lía làm con nuôi rồi tìm một miếng đất có địa thế tốt làm nhà, lập ấp tính chuyện lâu dài. Đất rừng này thuộc huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn, dân anh hùng hảo hán rất nhiều nên chẳng bao lâu, người cha nuôi của Lía đã liên kết được bè đảng khá đông. Khi Lía lớn lên, Lía ngầm trở về làng cũ liên kết, lôi kéo thêm người lên rừng tụ hội. Gần tới ngày khởi sự, người cha nuôi bỗng bị bệnh mà chết, Lía thay cha chỉ huy, mọi người đều ưng thuận và  bàn nhau kéo quân vào Truông Mây xây dựng căn cứ lâu dài…Nghe tin Lía dựng cờ khởi nghĩa, dân hai phủ Quảng Ngãi và Quy Nhơn theo về rất đông, không kể là dân anh hùng hảo hán, giang hồ tứ chiếng hay là  dân thường, bởi chế độ cai trị hà khắc của chúa  Nguyễn đã làm họ nghẹt  thở…
*
Quân của Lía đã nhiều lần đánh phá hai phủ Quy Nhơn và Quảng Ngãi, lấy thóc gạo chia  cho dân nghèo, thanh thế của Lía ngày càng lớn. Chúa Nguyễn mấy lần cử tướng đến đánh dẹp, nhưng Lía dựa vào địa thế hiểm trở của Truông Mây mà chống cự, quan quân đánh mãi không được.
Lần ấy, có một người cùng làng với Lía đến gặp quan quân hiến kế :
- Lía thuộc loại hữu dũng vô mưu. Nếu cứ dùng sức mà đánh e hao tổn binh mã bởi Lía có sức khỏe vô địch, bọn tay chân thủ hạ toàn loại anh hùng hảo hán võ nghệ cao cường đều sẵn lòng liều chết vì Lía. Phải dùng mưu độc mới đánh được Lía .
Hỏi mưu độc là gì, người ấy nói :
- Lía có  tính háo sắc. Ngoài những lúc cầm quân đi cướp phá, Lía lúc nào cũng cặp kè bên vợ. Mà vợ của Lía hiện nay chỉ là một người đàn bà tầm thường, chưa phải loại giai nhân tuyệt thế. Bây giờ, Lía đang đắc thắng, có ý làm nghiệp bá vương, đang cho người đi tuyển  người đẹp về  để làm phi tần như các bậc vua chúa. Vậy ta hãy kén lấy dăm ba thiếu nữ thật xinh đẹp, bày đặt mưu kế kỹ càng, cho người đem đến dâng cho Lía. Lía tất mê đắm tửu sắc, lúc đó ta đem quân đánh úp tất bắt được Lía dễ như lấy đồ trong túi.  Đó gọi là mỹ nhân kế.
Mỹ nhân kế ấy được tiến hành  không chậm trễ. Năm  người con gái đẹp được một người làng của Lía đưa đến Truông Mây, nói dối là xin gia nhập nghĩa quân để trả thù cho gia đình đã bị quan quân chúa Nguyễn giết hại. Lía tin ngay và lập tức bị sắc đẹp của năm người  con gái làm cho mê mẩn . Lía giữ lại cho mình người con gái khỏe mạnh nhất, còn bốn người kia thì cho thủ hạ thân tín lấy làm vợ. Hôm sau, một toán quân của Lía  đi đánh phá ở phủ Quy Nhơn thắng trận trở về căn cứ, nhân đó Lía hạ lệnh khao thưởng ba quân ba ngày liền. Đến đêm thứ ba, quân của Lía  hầu như bị say xỉn  gần hết. Bản thân  Lía cũng ngủ  vùi mê mệt trên tấm phản lớn bằng loại gỗ quý rất nặng và cứng như thép…
Lía đang như lạc vào một cảnh bồng lai  với bầy tiên nữ ríu rít quanh mình thì bỗng giật mình tỉnh dậy khi thấy tiếng pháo nổ rền, tiếng reo hò như thác dội, lửa cháy ngút trời…Lía bật đứng dậy theo bản năng thì lại lăn kềnh ra nền nhà. Lía thất kinh khi nhận ra cảnh ngộ của mình : Toàn thân Lía bị trói chặt vào tấm phản gỗ nặng chịch, xung quanh Lía là một đám quan quân gươm dáo tua tủa đang reo hò ầm ĩ, xô đẩy, tranh nhau xông vào bắt Lía. Lía trợn mắt gầm lên một tiếng cực lớn, vận công lực bật dây trói. Những sợi dây buộc ở chân Lía bung ra tơi tả, nhưng từ bụng trở lên đến cổ vẫn còn thít chặt Lía vào tấm phản. Lía bật dậy dùng tấm ván ở lưng để đỡ gạt gươm dáo và dùng đôi chân với miếng  “liên hoàn cước” đá bay đầu năm thằng đang nhằm Lía mà chém. Nhìn quanh mình không thấy bóng một tay chân thủ hạ nào, Lía lại gầm lên một tiếng cực lớn rồi phóng vào bóng đêm vô tận của đại ngàn…
*
Lía mang tấm phản trên lưng, băng rừng, lội suối, vượt đèo đi mãi, đi mãi… Tới một đỉnh đèo kia, Lía thấy một ông già
Râu tóc bạc trắng như Tiên ông đang tìm kiếm cây thuốc. Lía hỏi:
- Thưa trưởng lão, đây là đâu vậy?
Ông lão nói:
- Đây là đỉnh đèo Mang Yang, có nghĩa là Cổng Trời, hết lối đi rồi…Tráng sĩ sao lại đến nông nỗi này?
- Tôi là thủ lĩnh nghĩa quân ở Truông Mây, vì mắc phải “mỹ nhân kế”  mà quân sĩ tan tành, căn cứ bị đốt phá…Thất bại nhục nhã như thế này, tôi còn mặt mũi nào mà nhìn thấy mọi người nữa!...
Nói đoạn Lía định lao đầu vào tảng đá mà chết. Ông lão ngăn lại, cởi dây trói  trên lưng Lía rồi nói:
- Thắng bại là chuyện thường tình của người cầm quân. Bậc anh hùng hảo hán phải tìm cái chết nơi trận mạc. Tráng sĩ còn trẻ tuổi sao lại chết vô ích như vậy?
Lía thẫn thờ một lát rồi hỏi:
- Lão trượng có cao kiến gì chỉ bảo cho Lía này chăng?
Đáp :
- Những bậc đế vương ngày xưa nhiều phen trắng tay mà đâu có nản chí, xuôi tay. Thiên hạ nay đại loạn, đó là thời của kẻ anh hùng. Vùng đất này tụ khí đế vương, núi cao vực thẳm hiểm trở là thành trì có sẵn vậy. Điều cốt yếu còn lại là trau dồi bản lĩnh của mình nữa mà thôi. Có được ba điều ấy  tất làm nên nghiệp lớn!...
Lại hỏi trau dồi bản lĩnh như thế nào thì ông lão đáp:
- Thái quá thì bất cập. Thể lực mạnh quá ắt lấn át trí lực, mà muốn làm tướng cầm quân phải trí dũng song toàn, như hai cái cánh của đại bàng. Nay ta sẽ giúp tráng sĩ giảm bớt thể lực đặng gia tăng trí lực. Đây là bọc linh dược ta tặng tráng sĩ, mỗi ngày chỉ cần ngậm một viên, sẽ thấy đầu óc minh mẫn, sáng láng khác thường…
Lía nhận bọc thuốc, chưa kịp nói gì đã không thấy ông lão đâu nữa ! Lía mở bọc thuốc, thấy hương thơm kỳ lạ bay ra, cho vào mồm nếm thử thấy ngọt bùi thơm mát khác thường, phút chốc viên thuốc đã tan biến trong miệng! Chỉ giây lát Lía đã thấy cảm giác sảng khoái khó tả dâng lên, nhìn lên trời cao thấy rõ từng  giọt nước li ti trong những đám mây, nhìn xuống đại ngàn xanh thẳm thấy rõ từng cái gân lá ở xa tít tắp!...
Lía sung sướng cầm bọc linh dược rảo bước. Được một lúc, Lía thấy bụng đói cồn cào, bỗng quên khuấy lời dặn của ông lão, lấy bọc thuốc ra, ăn hết viên này tới viên khác. Khi Lía đã ăn hết bọc linh dược, một con suối tuyệt đẹp hiện ra trước mắt, nước trong vắt róc rách uốn lượn như một dải lụa trắng khổng lồ. Lía đi sát tới bờ suối thì giật mình kinh ngạc khi nhìn thấy một tốp thiếu nữ đang trần mình nô giỡn trong dòng nước. Lía đứng ngây ra như tượng. Nhìn thấy Lía, các cô gái ào tới té nước vào người Lía như mưa rào rồi người lôi người kéo Lía xuống nước.Lía bị các cô gái lột hết quần áo từ lúc nào không hay !?
Quá thẹn thùng lại cả kinh hãi, Lía lao đầu vào tảng đá lớn bên bờ suối mà chết. Dân trong vùng đã tới chôn cất Lía đàng hoàng bên bờ suối, đó là suối K’Tung. Về sau, người ta đồn rằng, trên mộ Lía mọc lên một loài cỏ có lá dài như ngón tay, có hình dáng như lưỡi gươm, màu xanh đậm như rêu, cực kỳ cứng. Lá cỏ này có tác dụng điều giảm sự kích dục rất nhạy. Nhiều nhà sư luyên võ thuật thường dùng lá cỏ này để điều hòa dục tính…

Đỗ Ngọc Thạch


Người đưa thư

Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch
Ngày ngày, trên những con đường nhấp nhô sóng đồi của thị xã Cao nguyên này, nếu ai tinh ý một chút, sẽ thấy có một chiếc xe đạp cũ đều đặn lăn bánh. Tiếng xe lăn trên đường cũng nhẹ thầm như tiếng lá rơi. Trên poócbaga, có cái túi vải bạt lúc thì căng  phồng, lúc thì lép kẹp. Đó là cái xe chở thư của người đưa thư. Sự hoạt động đều đặn, âm thầm như thế của người đưa thư hầu như không mấy ai biết đến. Chắc là những người nhận được thư chẳng cần phải biết điều này: ai đã chuyển những lá thư đến tay họ? Còn những người không bao giờ nhận thư (hoặc thỉnh thoảng mới có thư) thì có lẽ không bao giờ nghĩ rằng: trên đời này có một đội ngũ những người đưa thư, tháng năm cần mẫn, bền bỉ làm thành những nhịp cầu vô hình nối liền những con người ở mọi miền quê với nhau! 
      Trong cuộc sống hôm nay, người ta quan tâm quá nhiều đến những ai đụng chạm đến, liên quan tới nhu cầu cuộc sống thường ngày. Rảnh rang đôi chút, người ta theo dõi những đội đá banh nổi tiếng, bàn tán nhiều về những cầu thủ cự phách. Rảnh rang nữa, người ta mải mê những ngôi sao màn bạc, những tài tử cải lương… Các bà, các chị thì còn phải suy tính, cân nhắc nhiều đến đủ các khoản từ vải vóc, mắm muối cho đến cám heo, rau lang… Đúng  là cuộc sống bây giờ cứ bộn lên, ngổn ngang trăm mối tơ vò. Cứ nghe tiếng honđa rít rú, xé rách mặt đường, tiếng xe lam phành phạch lặc lè những người và hàng chất đống, cũng  đủ thấy trong cái sôi động của cuộc sống ấy. Tiếng xe lăn nhỏ thầm như tiếng lá rụng của người đưa thư vừa nói đến ấy, ai mà nghe thấy? Sở dĩ tôi phải vòng vèo đôi chút, vì câu chuyện tôi sẽ kể dưới đây về một người dường như xa lạ với cuộc sống thường nhật hôm nay: người đưa thư. Vì thế, tôi nghĩ rằng bạn đọc của tôi sẽ rất ít. Tôi muốn ai đọc truyện này, sẽ đi nói giùm tôi với mọi người rằng: trên đời này còn có những người đưa thư và cho dù cuộc sống đi đến đâu, cũng không thể thiếu những người đưa thư! Tôi viết truyện này chỉ mong bạn đọc hiểu như vậy thôi. 

       Chủ nhân của cái xe đạp chở thư cũ kỹ ấy là Hẹn. Tôi xin thề là chưa gặp, chưa nghe một cô gái nào có cái tên như thế. Tên cô không phải là các loài hoa như mấy bậc cha mẹ lãng mạn thường đặt. Tên cô cũng  không phải là các loài sinh vật hạ đẳng như mấy bậc cha mẹ tự ti thường gọi! Tên cô không giống bất cứ tên cô gái nào mà tôi đã biết: Uất Thị Hẹn!
       Bất cứ cái gì, sự vật nào cũng đều có xuất xứ, nguồn gốc của nó. Chắc bạn đọc sẽ đoán cái tên Hẹn là lấy từ chữ “hẹn hò” mà ra! Không phải. Đầu đuôi là như thế này:
       Cái đêm tân hôn của bố mẹ Hẹn ấy, hai người cứ nằm cạnh  nhau mãi mà chưa ngủ (tất nhiên là nằm cách nhau đến nửa cái gường!). Nhà nghèo, buồng cô dâu, chú rể chỉ được ngăn tạm bằng mấy tấm liếp thưa. Nằm trong “buồng” mà như cảm thấy họ hàng, khách khứa (còn lai rai trò chuyện) nhìn thấy mình rõ mồn một. Cô dâu cứ bám sát mép giường. Tình trạng ấy kéo dài mãi cho đến khi ngoài nhà, khách khứa đã vãn, người nhà đã lục tục đi ngủ. Nghĩ  vẩn vơ mãi, lúc nghe gà gáy sang canh, chú rể mới giật mình kéo tay cô dâu:
   -  Mình… Mình ngủ rồi à?
      Cô dâu đang mơ màng sắp ngủ thật, cũng giật mình đáp:
  - Cái gì  thế? 
  - Còn cái gì nữa! Nằm dịch vào đây! 
  -  Tôi sợ lắm! 
  -  Sợ gì?
  - Thẹn lắm!
  -  Thẹn?
      Nói rồi chú rể cứ kéo đại cô dâu về phía mình, mặc cho cô dâu vừa chống cự vừa rền rĩ: “Đừng! Đừng mình! Thẹn chết đi được!”- Chú  rể vừa cố dùng sức chinh phục cô dâu vừa giễu yêu: “Thẹn!... Thẹn!”.
    Gà lại gáy sang canh, cô dâu không  thể ngủ được nữa. Cô bâng khuâng nghĩ tới đứa con tương lai. Cô mỉm cười sung sướng, rồi quay sang hỏi chồng:
 -  Nhà tính đặt tên con  là gì? Con bé sẽ rất xinh gái cho mà xem! - Chú  rể đã ngáy như sấm rền từ lúc nào, thấy vợ động vào người thì bật ra tiếng ú ớ:
- Thẹn!  Thẹn! 
    Người mẹ tương lai đang mải mê  theo đuổi ý nghĩ mới mẻ, tưởng đó là lời nói tỉnh, liền nghĩ: “Ừ, đúng rồi! Là con gái thì phải thẹn thùng. Mình chẳng thế là gì! Mẹ nào thì ắt sẽ con nấy! Đặt tên nó là Thẹn là đúng với cái tính nết của nó!”. Nghĩ vậy, người mẹ tương lai sung sướng ôm chầm lấy anh chồng đang ngáy như sấm, rồi cũng ngủ thiếp đi. Trên cánh đồng làng, những ngón tay hồng của mặt trời đang động đậy.
     Chưa hết tuần trăng mật thì chú rể nhập ngũ. Đến ngày sinh con, người mẹ trẻ mong mãi không thấy chồng về, nhớ lại cái đêm tân hôn ấy, chị đặt tên con là Uất Thị Thẹn. Nhưng, cái máy chữ của ủy ban xã bị mờ mất chữ “T” hoa. Thế là trong giấy  khai  sinh, người ta chỉ còn đọc thấy: Uất Thị Hẹn! Lúc ấy, người mẹ trẻ đã biết chữ đâu, cứ thế cầm về. Sau này, biết thì chữa làm sao nữa! Vì thế, Thẹn là tên gọi ở nhà, Hẹn là tên gọi  khai sinh. Đến khi đi học, mới ở vào  cái  tuổi “gái thập tam”, Hẹn đã nổi tiếng đẹp nhất vùng. Vì thế, cô bé có hai tên ấy thường bị chúng bạn trêu  chọc: 
      “Có quả sim chín vàng bò
       Thẹn thì có thẹn, hẹn hò vẫn muốn đi”.
*  *  * 
    Năm  1965, Hẹn được tin bố đã vào tận chiến trường Tây Nguyên. Năm 1970, mặc dù chưa đủ mười tám tuổi, Hẹn nằng nặc xin đi B chiến đấu để được gặp bố. Cô tính thế này: sẽ đi làm chiến sĩ quân bưu. Và cô sẽ được gặp bố trong tình thế rất bất ngờ: cô – người chiến sĩ quân bưu – tận tay chuyển tới bố lá thư của mẹ! Nghĩ thế, Hẹn nhất quyết xin làm lính quân bưu bằng được, mặc dù mấy chú quân lực cương quyết không cho, với lý do: lính quân bưu vất vả, không hợp với con gái.  Song, cái lý do ấy bị đánh bạt bởi Hẹn được thừa hưởng quá mạnh cá tính của người bố: muốn là được!
    Được phân về binh trạm, điều làm cho Hẹn hết sức ngạc nhiên là có khá nhiều phong thư có nhiều cái đã nhòe mờ, có nhiều cái còn dính những vết máu đã khô, những vết đạn, những vết cháy… nhưng vẫn chưa được chuyển tới tay người nhận. Hỏi ra mới biết: số thì người nhận đã hy sinh, số thì địa chỉ người nhận đã  thay đổi hoặc ở những khu vực rất khó liên lạc, khó đến (có những địa chỉ, không ít chiến sĩ quân bưu đã hy sinh trên đường làm nhiệm vụ). Lục trong số thư ấy, Hẹn thấy có gần bốn chục lá thư của mẹ con cô gửi cho bố trong khoảng ba năm trở lại đây bị đọng lại. Cùng số hòm thư với bố, cô còn  thấy có vài chục người có tình trạng ấy. Đáng chú ý  là có một anh lính có cái tên rất dễ nhớ: Nguyễn Lực Điền, với số lượng thư đạt tới mức vô địch: một trăm lá mà lại chỉ do một người con gái gửi và có cái tên rất đẹp: Trần Thị Thắm Đào. Một trăm lá thư ấy đã được các chiến sĩ  binh trạm gói thành một bọc riêng, rất cẩn thận, nhưng chưa thể chuyển đi được. Tuyến đường đến địa chỉ ấy bị đứt đoạn đã ba năm nay! 
    Lại  phải mất khá nhiều  thời gian thử thách, Hẹn mới được toại nguyện: cô được trao nhiệm vụ chuyển tất cả số thư còn bị ứ đọng ấy đến tay người nhận. Khỏi phải kể lại đây những gian nan vất vả và đầy hy sinh của  tuyến đường máu lửa ấy. Hẹn đã không vĩnh viễn nằm lại  trên tuyến đường ấy như mười hai đồng đội của cô đã ra đi trước đây. Nhưng, bom đạn không “chừa” Hẹn ra: cô bị nhiều vết thương, trong đó có một vết thương khá hiểm hóc: một viên bi còn nằm lại trong ngực cô, ngay sát cạnh trái tim! Những vết thương đã làm cho Hẹn nhức nhối.  Nhưng, điều làm cô đau đớn hơn, đau đớn tới mức Hẹn tưởng mình không thể chịu đựng nổi, đó là cái quang cảnh của địa điểm hòm thư khi cô đến được tới nơi. Cô tới quá muộn, toàn bộ khu vực đóng quân của đơn vị chỉ còn là một bãi chiến địa hoang vắng! Không cần phải thật giàu óc tưởng tượng, chỉ cần nhìn cái  quanh cảnh ấy, Hẹn cũng có thể hình dung ra một cuộc chiến đấu ác liệt đã xảy ra nơi đây. Những người còn sống, trước khi rút đi đã chôn cất đồng đội mình cẩn thận trên một mảnh đất cao. Lần tìm những vết khắc trên những cành cây cắm ở mỗi ngôi mộ, Hẹn đã chôn theo những lá thư của những chiến sĩ đã hy sinh. Cô tin rằng, linh hồn người chết sẽ đọc được những lá thư của người thân. Nhưng khi đứng trước mộ của bố và anh chiến sĩ Điền, cô lại nghĩ: Bố mình đi chiến đấu gần hai chục năm trời, chưa biết mặt con, còn anh Điền, một trăm lá thư của người yêu sẽ có phép lạ làm anh ấy sống lại! Cô nhớ lại những truyện cổ tích mình đọc hồi nhỏ, người ta vẫn có thể sống lại là gì! 
* *  *
    Sau khi nằm ở trại an dưỡng một thời gian, Hẹn xin trở lại đơn vị cũ. Nhưng cô chưa kịp đến đơn vị thì đất nước giải phóng. Người ta chuyển cô ra bưu điện dân sự. Hẹn vẫn nằng nặc xin làm nhiệm vụ đưa thư.
    Hẹn về phép với chiếc ba lô nặng trĩu đựng một trăm lá thư của cô gái có cái tên Thắm Đào.  Họ gặp nhau, rồi cùng trở lại Gia Lai – Kon Tum, nơi có người thân của mình đang yên nghỉ, nhưng họ đều cùng tin rằng, nhất định người thân của họ sẽ sống lại! Có người biết chuyện này, đều cho rằng hai cô này có triệu chứng của bệnh tâm thần! Nhưng Hẹn và Đào không biết đến những lời xì xào đó, hai cô âm thầm chờ đợi và cùng làm nhiệm vụ người đưa thư.
    Đến đây, bạn đọc có thể nói rằng câu chuyện tôi kể là bịa đặt, là hư cấu! Tôi biết là chưa thể cãi lại được! Ai mà chứng minh nổi một sự thật mười mươi nhưng nó ở tận trong sâu thẳm tâm hồn con người, nơi mà chỉ có những rung động  thiêng liêng nhất của con tim biết yêu thương mới đồng vọng! Dùng máy X quang, có thể thấy viên bi còn nằm trong lá phổi của Hẹn, ngay sát nơi trái tim luôn đập mạnh của cô! Nhưng, ai  mà có thể cảm nhận  được nỗi đau dữ dội trong ngực Hẹn, ngoài chính cô ra? Vì thế, xin bạn đọc đừng bắt bẻ tôi và hãy đọc nốt những dòng dưới đây. 

* * *
    Chiếc xe chở thư cũ kỹ, khi thì bám đầy bụi đỏ, nóng bỏng, khi thì dính bết thứ bùn  đặc quánh. Hình hài cái xe cứ thay đổi như vậy theo hai mùa nắng, mưa ở Cao nguyên ngợp gió này. Điều đáng chú ý là, chiếc xe ấy không bao giờ vắng mặt vô cớ trên đường! Nếu như người ta lắp một cái đồng hồ đo số vào cái xe, chắc hẳn sẽ có một con số gần chính xác về độ dài đoạn đường nó đã đi qua (nói gần chính xác vì có lúc người đưa thư phải đi bộ, hoặc thậm chí vác cái xe trên những đoạn đường lầy lội). Thật là đáng tiếc, không có cái đồng hồ đo số ấy. Giá như có cái đồng hồ đo số ấy, con người sẽ được biết đến một loại con số kỳ lạ. Cho đến nay, người ta vẫn mù tịt về loại con số này!
    Cuộc sống của Hẹn và Đào cứ lặng lẽ trôi qua như vậy, thoắt cái đã gần mười năm trời! Cả  Hẹn và Đào đều đã sang cái tuổi “băm”.
     Những cái gì phải xảy ra ắt sẽ xảy ra! Sự cố tôi kể tiếp sau đây thể hiện rõ cái quy luật ấy, vậy mà người viết những dòng này, vốn cả tin mà cũng không thể hình dung nổi.
      Ấy là vào một lần, Hẹn đem thư đến số nhà X như thường lệ. Khi chuẩn bị đút những lá thư mang tên chủ nhà vào thùng thư, Hẹn bỗng giật mình rụt tay lại. Cô nhìn thấy ở ngay dưới thùng đựng thư, bừa bãi dưới đất là những lá thư cũng giống như lá thư cô đang cầm trên tay. Cô đã quá quen thuộc với những lá thư đều đặn này của một anh chiến sĩ đóng ở biên giới gửi cho một cô gái ở trong căn nhà uy nghiêm này. Chưa hiểu sao, Hẹn giật chuông liên hồi. Một lúc khá  lâu, cô mới thấy một bà trạc ngũ tuần, thân hình mập bự, lệt sệt đi ra. Sự việc đã xảy ra thật nhanh lẹ sau những câu đối thoại ngắn ngủi: 
  - Cô nào đấy? Lính đưa thư hả?
  - Chào bà!
  - Chào hỏi gì! Cô cố tình phá giấc ngủ của tôi! Thật là mất lịch sự!
  - Xin lỗi bà. 
- Xin xỏ gì! Bỏ thư vào thùng rồi biến lẹ đi! Còn đứng giương mắt ếch ra đấy làm gì?
- Vâng! Nhưng xin bà nhặt những lá thư bị rơi ở dưới đất, chắc thùng đựng thư bị thủng?
- Rơi gì! Tôi vứt ra đấy!
- Bà vứt ra?
- Phải! Đó là những lá thư của một chú tốt đen đang đóng đồn ở biên giới. Nó dám cả gan chim chuột con gái tôi! May mà tôi đã lo cho nó đi du học ở Tây rồi! Những lá thư ấy không xứng để con tôi nhận! 
- Bà không được nói như vậy! Bà phải gửi những lá thư này cho cô nhà!
- Hừ! Hứ! Cô nói gì đấy? Cô ra lệnh cho tôi đấy hả? Xấc láo! Chưa ai láo với tôi như cô! Cô cút đi cùng với những lá thư chết tiệt này!
   Vừa nói, bà chủ nhà vừa nhặt những lá thư chất đống dưới đất ném túi bụi vào mặt Hẹn. Hẹn bàng hoàng giây lát, ngực cô buốt nhói. Rồi như một cái máy, cô giật mạnh cái cổng sắt, lao cả người vào bộ ngực núc ních của bà chủ nhà như một mũi tên. Bà ta chỉ kịp “hự” một tiếng, ngã vật xuống đất, quằn quại. Còn Hẹn, cô như không biết đến bà chủ nhà, nhặt vội những lá thư vung vãi cho vào túi bạt rồi lên xe phóng như điên. Cô có cảm giác như viên bi trong ngực đang đập vào tim mình như cái búa máy! Bóng Hẹn lẫn vào, nhòa đi trên con đường ào ào lá đổ…
     * * * 
 Người kể cho tôi câu chuyện của Hẹn chính là Đào. Tôi biết Đào lúc cô đến viếng mộ Hẹn. Mộ của anh bạn tôi nằm cạnh Hẹn (ngẫu nhiên thế thôi) nên chúng tôi quen nhau và thân nhau. Có lần, Đào nói với tôi:
   - Em có linh cảm rồi em cũng gặp một người như bà chủ nhà nọ. Và em nghĩ rằng, không thể hành động khác!
    Nghĩa trang ở trên đồi cao, gió nhẹ thôi mà tôi lạnh run. Lời nói của Đào cứ trở đi trở lại bên tai tôi như gió thoảng. Không hiểu sao, tôi  lại nảy ra ý định rất vớ vẩn: phải thống kê xem có bao nhiêu lá thư đã được gửi đi trên trái đất này!  

 Pleiku,1985 – Tp Hồ Chí Minh, 2009
Đỗ Ngọc Thạch
Nghĩa trang Plei Ku (Thành phố Gia Lai)
Công việc của nhóm quản trang tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh.
Công việc của nhóm quản trang tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Gia Lai (ảnh: Báo Gia Lai)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét