Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2011

Năm Truyện ngắn Đ.N.T: Bà Nội, Cánh đồng mùa đông; Ký ức Hà Nội...

Năm truyện ngắn Đ.N.T (không nằm trong "Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch"):
Từ Văn Miếu...; Ký ức Hà Nội; Núi Lở; Bà Nội; Cánh đồng mùa đông

  1. Từ văn miếu đến hồ Hoàn Kiếm - Trang chủ - Văn Nghệ Chủ Nhật

    www.vannghechunhat.net/tan-van/tu-van-mieu-den-ho-hoan-kiem
  2. Ký ức Hà Nội - Trang chủ - Văn Nghệ Chủ Nhật

    www.vannghechunhat.net/truyen/ky-uc-ha-noi
  3. BẠN ĐỌC GỬI - Trang chủ - Văn Nghệ Chủ Nhật

    www.vannghechunhat.net/ban-doc-gui/trang-4
    Từ văn miếu đến hồ Hoàn Kiếm. vanmieu 1. Ở Hà Nội có nhiều di tích văn hóa - lịch sử lớn, song có hai nơi gắn bó với tôi rất bền chặt và tôi đã gửi vào đó ...

Núi lở - Trang chủ - Văn Nghệ Chủ Nhật

www.vannghechunhat.net/cua-so-blog/nui-lo

Truyện Đỗ Ngọc Thạch · ... Đoàn khảo sát, nghiên cứu văn hóa dân gian của chúng tôi đã tiến sâu vào một vùng rừng núi ngút ngàn. ...

Từ văn miếu đến hồ Hoàn Kiếm

vanmieu1. Ở Hà Nội có nhiều di tích văn hóa - lịch sử lớn, song có hai nơi gắn bó với tôi rất bền chặt và tôi đã gửi vào đó rất nhiều kỷ niệm không thể phai mờ, đó là Văn Miếu Quốc Tử Giám và Hồ Hoàn Kiếm. Có rất nhiều lý do để người ta gắn bó với một vùng đất, một địa danh nào đó và sự gắn bó của tôi với Văn Miếu Quốc Tử Giám và Hồ Hoàn Kiếm cũng có rất nhiều lý do, trong đó có ba lý do quan trọng nhất là:

1/ Nhà bố mẹ tôi ở đường Giảng Võ, mà tôi thì làm việc ở Viện Văn học (Từ năm 1978 đến năm l980), nên ngày ngày tôi phải đi làm (đi bộ) trên tuyến đường Giảng Võ – Cát Linh – Văn Miếu – Nguyễn Thái Học – Tràng Thi – Hồ Hoàn Kiếm – Lý Thái Tổ (Viện Văn học);

2/ Lý do thứ hai là cả hai địa danh này đều có Rùa. Tôi đã đứng ngắm hàng giờ Rùa Văn Miếu cũng như Rùa Hồ Hoàn Kiếm, bởi từ nhỏ tôi đã thích loài linh vật này, lớn lên càng thích hơn bởi nó hợp với tính cách tôi “Chậm mà chắc!”, tôi thích luôn cả những người có tướng cách “Quy bối” – Tướng Rùa, đây là quý tướng, những người có tướng Rùa làm quan ở đâu thì con dân được nhờ!

3/ Lý do thứ ba để tôi gắn bó với Văn Miếu và Hồ Hoàn Kiếm là bởi có một người con gái Hà Thành rất đặc biệt…Truyện ngắn này viết về người con gái Hà Thành đó.

2.

Như vừa nói trên, “Tuyến đường Đau khổ” của tôi có đi qua phố Tràng Thi, ở đó có Thư viện Quốc gia là nơi tôi thường vào đọc sách từ thời còn là sinh viên. Thư viện của Viện Văn học cũng khá đủ sách phục vụ công tác nghiên cứu, song đến Thư Viện Quốc gia vẫn là cái thú riêng của không ít người làm công tác nghiên cứu văn học nói riêng và văn hóa - khoa học nói chung. Tôi thuộc diện của những người “Coi thư viện là nhà”, không những ban ngày mà cả ban đêm cũng chui vào Thư viện, ăn trưa, thường là cả ăn chiều ở Thư viện thì không gọi là nhà thì gọi là gì?

Đến Thư viện Quốc gia còn có một đối tượng, tuy không nhiều nhưng bao giờ cũng có, đó là những học sinh phổ thông Hà Nội (nhà ở gần Thư viện) sắp thi vào Đại học và những người Hà Nội đi “chinh chiến” đó đây giờ được trở về muốn thi vào Đại học. Người con gái mà tôi nói rất đặc biệt tên gọi Tiểu Hà, là học sinh phổ thông nhưng kỳ thi trước vì lý do đặc biệt phải bỏ thi, nên năm sau thi lại, gọi là “Thí sinh tự do”, cũng thường vào đọc sách, ôn thi ở Thư viện. Và chính tại đây – Thư viện Quốc gia – tôi đã gặp Tiểu Hà.

3.

Bữa ăn trưa của tôi (và phần lớn những người khác thời đó – mà người ta gọi là “thời Bao cấp”) tại Thư viện thường là một cái bánh mỳ (không nhân hoặc có nhân – tùy người) hoặc cơm nắm cơm đùm đạm bạc, có vài người còn huy động cả binh chủng “ngô khoai sắn”,(và nếu ở tại Cơ quan cũng thế). Chúng tôi ăn trưa ở những băng ghế đá ngoài sân Thư viện, khá rộng và cũng đẹp như Công viên. Không biết mọi người thế nào, chứ tôi thì ăn xong chỉ thấy đói hơn lúc chưa ăn! Để giải quyết vấn đề này, tôi thường tới thùng nước công cộng của Thư viện uống cho tới lúc bụng căng như bụng cóc!

Hình như có người “theo dõi” việc sài nước của công quá trớn đó của tôi, và một lần tôi vừa uống xong gần chục ca nước thì có tiếng nói sau lưng: “Thái quá bất cập! Anh mà uống nước nhiều như thế rất có hại!”. Tôi giật mình quay lại và càng kinh ngạc hơn khi trước mặt tôi là một cô gái có khuôn mặt rất giống với nhân vật Ac-si-nha trong phim “Sông Đông êm đềm” (dựng theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Sô-lô-khôp) mà tôi rất có ấn tượng khi xem bộ phim này. Tôi chưa kịp hết ngạc nhiên thì cô gái biến mất, trước khi biến mất còn để lại cho tôi một  “nụ cười sáng lóa sau vành môi ẩm ướt”! Không biết cô gái cười vì cái gì, chắc là bộ dạng của tôi lúc đó tức cười lắm?

Cô gái có khuôn mặt rất giống nhân vật Ac-si-nha đó chính là Tiểu Hà, cô gái Hà thành rất đặc biệt mà tôi đã nói ở trên!

Tiểu Hà đặc biệt vì ba lý do: 1/ cái tên Tiểu Hà gợi cho ta một cô bé xinh xắn, nho nhỏ nhưng cô lại già trước tuổi có đến gần chục tuổi, vì thế tôi hơn Tiểu Hà gần chục tuổi nhưng tôi có cảm giác như ngang tuổi nhau! 2/ Tiểu Hà đã cùng mẹ chăm sóc người bố nằm một chỗ suốt 5 năm trời rồi lại một mình chăm sóc song thân năm năm nữa khi mẹ cô cũng không thể đi lại được! 3/ Nhà nghèo, lại phải chăm sóc bố, mẹ bệnh tật nhưng Tiểu Hà rất chăm học và có một sự hiểu biết rất sâu rộng, mặc dù cô mới tốt nghiệp Trung học, chưa thi vào đại học, nhưng thực ra cô đã tự học xong chương trình bộ môn Lịch sử của Đại học Sư phạm.

4.

Theo thói quen, trưa hôm sau, tôi lại uống căng một bụng nước! Lần này thì cô gái tới nhẹ nhàng cầm lấy cái ca khỏi tay tôi và nói: “Anh không được uống nước nhiều như thế, máu anh sẽ bị loãng và tai biến sẽ ập đến bất cứ lúc nào!”. Trời đất! Đây là lần đầu tiên tôi nghe nói như vậy! Tôi thoáng hoảng sợ và chắc điều đó thể hiện rõ trên nét mặt tôi và khiến cô gái mỉm cười – lại là nụ cười sáng lóa sau vành môi ẩm ướt!...Tôi đang lúng túng không biết nói gì thì một ông thầy học của tôi ở Khoa Văn ĐHTH tới uống nước, thấy tôi đứng trước cô gái thì nói: “Cậu quen Tiểu Hà đấy à?”. Tôi ngập ngừng chưa biết trả lời ra sao thì cô gái – Tiểu Hà nói: “Dạ! Ngày nào em tới Thư viện cũng gặp anh ấy đang uống nước!”. Ông  thầy cười, nói: “Thì ra là người quen cả! Cô Hà đánh máy xong tập bản thảo ấy chưa? Có bản thảo mới , mai tới nhà tôi lấy nhé!”. Khi ông thầy đi rồi, Tiểu Hà nói: “Em vẫn thường đánh máy thuê kiếm tiền. Ông thầy của anh nhiệt tình kiếm bản thảo cho em lắm, anh có ông thầy thật là tốt bụng, tính giá cao hơn những người khác!”. Tôi lại thêm ngạc nhiên về Tiểu Hà!

Có nhiều người tới thùng nước công cộng uống nước, chúng tôi đi ra khoảng sân rộng, tiếp tục nói chuyện về đề tài đánh máy. Tôi nói với Tiểu Hà: “Kiếm tiền bằng đánh máy chữ phải siêu lắm vì tiền công rất rẻ mạt. Bà Chung đánh máy ở cơ quan tôi đánh máy cả mười ngón tay, nghe cứ như mưa rào, mà mỗi ngày cũng chưa tới ba chục trang! Tiểu Hà đánh máy kiếm tiền đã lâu chưa, mỗi ngày được bao nhiêu?”. Hà cười nhỏ nhẹ, nói: “Em đã phải đánh máy kiếm tiền năm năm rồi, từ khi mẹ em nằm liệt giường. Cả bố và mẹ em đều làm nghề dạy học, đều đánh máy thuê kiếm tiền như một nghề thứ hai!... Giờ đối với em là nghề chính!”. Lần này thì tôi ngạc nhiên hết sức bởi với tôi, tự nuôi mình mình mà cũng thấy khó khăn, trong khi Tiểu Hà lại phải gánh một gánh nặng ngoài sức tưởng tượng!

Thế là từ đó, tôi gặp những bạn học cũ đang làm việc ở các nhà xuất nhận bản thảo về đưa cho Hà đánh máy. Đánh máy cho nhà xuất bản thì tiền công rẻ hơn đánh máy cho cá nhân nhưng có đều và được đọc sách trước thiên hạ! Chính điều thú vị có màu sắc lãng mạn đó đã giúp cô gái có thêm sức mạnh và lòng kiên nhẫn để ngày ngày đêm đêm ngồi bên máy chữ ghép những con chữ vô hồn thành cuộc đời với biết bao sắc màu, âm thanh kỳ ảo!... Lúc đó, tôi cũng thường đánh máy chữ nhưng chỉ ở trình độ “mổ cò” và đánh máy bài viết của mình mà thôi. Vì thế, khi nhìn Tiểu Hà đánh máy, tôi thấy không khác gì nghệ sĩ đàn piano! Chính cái cảm giác đó đã giúp tôi “tiến bộ” rất nhanh về tốc độ đánh máy và chỉ sau một tháng “học mót” cách đánh máy của Hà, tốc độ đánh máy của tôi không thua các tay thợ chuyên nghiệp,  nghe tiếng máy chữ cũng như …mưa rào mùa hạ!

5.

Nhà Tiểu Hà ở ngay trên đường Quốc Tử Giám, phía bên phải nếu tính cho người đang đi vào Văn Miếu. Dãy phố này trước đây yên tĩnh dưới những tán cây bàng mát vào mùa hè, buồn về mùa đông, sau này người ta mới mở hàng quán buôn bán ì xèo và nhiều nhất là những đại lý vé số. Con đường qua nhà Tiểu Hà nằm trên tuyến đường tôi vẫn ngày ngày đi qua, như đã nói trên. Song, từ khi quen biết Tiểu Hà, con đường này là điểm dừng thứ hai của tôi sau Thư viện Quốc gia, và cũng là điểm dừng khá lâu. Bởi những lúc rảnh rỗi, thường là viết xong một bài nghiên cứu gì đó, tôi lại tự thưởng cho mình được đến …ngắm Tiểu Hà! Gọi là ngắm nhưng thực ra tôi thường làm một việc gì đó phụ giúp công việc đánh máy của Tiểu Hà, chẳng hạn như đọc cho Tiểu Hà đánh máy, sửa lỗi bản đã đánh máy, hoặc những lúc Tiểu Hà phải chăm sóc bố, mẹ thì ngồi vào bàn gõ máy chữ như …điên!

Tôi đến nhà Tiểu Hà càng thường xuyên hơn khi nói chuyện với ông bố của Tiểu Hà (sức khỏe ông rất kém nên rất ít nói chuyện với khách đến nhà), tôi mới được biết ông đã từng là giáo viên của trường Phổ thông cấp 2 – 3 Lương Ngọc Quyến khi còn dạy học ở Thái Nguyên. Năm 1961, gia đình tôi ở Thị xã Thái Nguyên, tôi học lớp Năm ở trường này, còn ông chỉ dạy ở khối cấp Ba. Tuy thế, từ đó tôi vẫn gọi ông là thầy và phụ với Tiểu Hà trong việc chăm sóc ông. Ông bố Tiểu Hà là một thanh niên Hà Nội gốc, học giỏi và đầy nhiệt huyết. Tốt nghiệp Khoa Sử Đại học Sư phạm, ông đã tình nguyện đi dạy ở miền Núi, một phong trào rất sôi động của Thanh niên Thủ đô lúc đó đã để lại dấu ấn trong bài thơ “Lên miền Tây” của nhà thơ Bùi Minh Quốc: Tuổi hai mươi khi hướng đời đã thấy / Thì xa xôi gấp mấy cũng lên đường!…Ông đã đi hầu hết những huyện miền núi đầy gian khổ của tỉnh Thái Nguyên như Phú Lương, Đại Từ, Võ Nhai…Ai đã ở Thái Nguyên đều biết câu ca buồn: Những người lử khử, lừ khừ / Chẳng ở Đại Từ thì ở Võ Nhai – đó là nói về những người bị bệnh sốt rét! Và chàng thanh niên Hà Nội bố của Tiểu Hà bây giờ đã không thoát được căn bệnh “lưu truyền” đó, chuyển về thị xã Thái Nguyên được vài năm thì bệnh tái phát, trầm trọng hơn, suýt lấy mạng ông! Vợ ông, cũng là con gái Hà Nội, cũng là giáo viên đã đồng hành với ông “trên từng cây số”, tuy không dính bệnh sốt rét như chồng nhưng do cuộc sống kham khổ và khóc thương chồng nhiều mà sức khỏe suy kiệt dần!

Những lúc đầu óc minh mẫn, tỉnh táo, ông bố của Tiểu Hà rất thích bàn luận về các nhân vật lịch sử nổi tiếng cổ kim Đông Tây…

Nghe ông nói chuyện, lịch sử như sống lại rất sinh động, với đủ sắc màu vừa rất thực lại cũng rất kỳ ảo! Chẳng hạn như ông bảo, tại sao La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp không chịu ra giúp Tây Sơn Nguyễn Huệ? Tại vì ông đã biết Tử Vi của Nguyễn Huệ, Huệ đoản mệnh. Còn việc Huệ ra Bắc “phò Lê diệt Trịnh” thì không đánh cũng thắng bởi đối thủ đã tự hủy diệt!...Hoặc có một nhân vật lịch sử “công nhiều mà tội cũng không đáng chết” nhưng lại nhận cái chết bi thảm là Nguyễn Hữu Chỉnh! Chỉnh phò giúp Nguyễn Huệ khi mới ra Bắc, lại “mai mối mát tay” cho Huệ với công chúa Ngọc Hân, đó là một kỳ nữ của Bắc Hà, đáng lẽ phải được ghi công đầu, vậy mà…bị “thay ngựa giữa đường”!...Không chỉ hiểu sâu sắc về lịch sử, ông giáo còn là một nhà thơ chưa xuất đầu lộ diện. Ông gần như thuộc hết các nhà thơ lớn của Việt Nam và thế giới, ông đã làm rất nhiều thơ nhưng hầu như không còn giữ bản viết tay nào, bởi ông nói, những cái gì đáng nhớ thì nó sẽ ở mãi trong đầu ông! Song, những lúc ông muốn đọc thơ của ông cho tôi nghe thì sức khỏe ông lại có vấn đề! Thật đáng tiếc!

6.

Việc tôi đến nhà Tiểu Hà dày hơn đã gặp phải một “lực cản” hoàn toàn bất ngờ đối với tôi. Kề sát nhà của Tiểu Hà là một nhà Đại lý vé số. Đứng tên chủ đại lý vé số và cũng thường ngồi bán vé số là một người khó đoán tuổi, có cái lưng nổi một cục to tướng, mà người ta gọi là “Lưng gù”. Tôi thường không nhìn qua nhà Lưng gù vì chỉ muốn mau chóng vào gặp Tiểu Hà. Một hôm, tôi nhận được tờ giấy học trò, có viết mấy dòng như sau: “Kính gửi Thạch Tiên sinh! Tôi đã điều tra kỹ lý lịch Tiên sinh, biết Tiên sinh đang làm việc ở Viện Văn học, một cơ quan Nhà nước danh giá. Tiên sinh là người đọc sách Thánh hiền, vậy mong Tiên sinh xử sự như một người có văn hóa: Bông hoa Tiểu Hà đã “có chủ”, chính là Tôi - Lưng gù tật nguyền đáng thương! Xin Tiên sinh đừng lui tới nhà Tiểu Hà nữa! Chúc Tiên sinh mọi sự tốt lành! Ký tên: Lưng gù Quadimodo!”. Đọc đến chữ cuối cùng, tôi như chân tay rụng rời! Hắn tự nhận là Quadimodo có nghĩa là hắn đã yêu Tiểu Hà từ lâu, đơn phương nhưng quyết liệt! Rõ ràng là tôi không thể “đấu súng” với hắn,  “sự nghiệp” của tôi mới bắt đầu, chẳng lẽ chỉ “Bùm” một cái là tan thành mây khói!

Tôi đưa ngay lá  thư của Lưng gù cho Tiểu Hà, Tiểu Hà nhìn tôi dở khóc, dở cười, lúng túng một hồi rồi mới nói được: “Xem chừng Lưng gù này còn dữ dội, mãnh liệt hơn cả Quadimodo trong tiểu thuyết “Nhà Thờ Đức Bà Paris”! Có chuyện này là em chưa kể cho anh nghe, nhân đây em xin nói luôn: Ngay từ khi mẹ em bị bệnh nặng, Lưng gù đã cho bà Mối mai sang xin cưới em và nói sẽ phụng dưỡng bố mẹ em thật tốt cho đến ngày cuối cùng của cuộc đời! Em thật bất ngờ và rất sợ, nhưng không biết làm thế nào? Bố, mẹ đều bảo khất đến khi nào em thi đỗ vào Đại học sẽ bàn tới chuyện đó. Đây chỉ là kế hoãn binh tạm thời chứ chưa có cách nào dứt khoát. Lưng gù vui vẻ nhận lời và ngày ngày “canh chừng” em như Cai ngục! Hễ ai tới nhà em nhiều và có ý tán tỉnh yêu đương là hắn gửi giấy dọa giết. Hắn cũng định dọa giết anh nhưng bố em bảo anh là học trò cũ của ông hồi ở Thái Nguyên nên hắn mới viết thư giọng điệu nhẹ nhàng, lịch sự như vậy đấy!” May mà tôi đã biết kỹ Quadimodo trong tiểu thuyết nên bình tĩnh suy nghĩ về Quadimodo có thực ở cuộc đời này. Nghĩ đến nát óc không tìm ra được một kế sách nào khả thi, trừ kế cuối cùng trong cái “cẩm nang” Tam thập lục kế: Tẩu vi thượng sách! Nhưng Tẩu như thế nào thật không đơn giản bởi tình cảm của tôi với Tiểu Hải mới ở giai đoạn “Tình trong như đã mặt ngoài còn e !” mà thôi!

Tôi buồn quá, và bỗng phát hiện ra rằng có quá nhiều chuyện thường chỉ có ở trong tiểu thuyết lại cứ đeo bám tôi hoài! …Tôi đem chuyện Quadimodo hỏi ông Đỗ Văn Hỷ, chuyên gia về văn học  Trung Quốc của Viện, cũng rất giỏi Tử vi tướng số, thì ông Hỷ nói: “Anh hùng không qua được ải Mỹ nhân! Nếu cậu tự cho mình là anh hùng thì sẽ chết vì người đẹp, còn nếu cậu là tiểu nhân thì cậu sẽ thắng cái anh chàng Quadimodo Lưng gù đó!” Tôi nói: “Anh nói thế cũng như chưa nói gì? Vấn đề là em có nên tiếp tục đeo bám cô nàng hay “nhường” cho thằng Lưng gù?” Ông Hỷ cười: “Tớ làm sao mà trả lời thay cho cậu được? Thần Tử Vi đứng trước Thần Ái tình cũng bó tay chào thua khi bị Mũi tên vàng của Thần Ái tình bắn trúng!”. Nghe ông Hỷ nói vậy, tôi chán nản hết sức, đi bách bộ từ Văn Miếu tới Hồ Hoàn Kiếm đến chục lần mà vẫn chưa nghĩ ra một ý hay nào! Khi tới trước cổng  Thư viện Quốc gia, nhìn vào trong sân, thấy Tiểu Hà đang ngồi trên một băng ghế đá như chờ đợi ai, tôi vội đi vào. Lúc tôi vừa ngồi xuống bên cạnh Tiểu Hà như mọi lần thì người nổi da gà khi thấy ở trên một băng ghế đá khác khuất sau một lùm cây, Quadimodo Lưng gù đang ngồi thu lu bất động, mắt nhìn về phía chúng tôi lạnh băng!

7.

Trưởng Ban Lý luận của tôi có người bạn làm cấp Trưởng phòng ở Sở Văn hóa – TT tỉnh Phú Khánh, bạn học của tôi cũng làm ở đó, vì thế ông muốn tổ chức cho cả Ban đi Nha Trang, theo “chính danh” là đi thực tế cơ sở. Những năm đầu giải phóng mà tổ chức được một chuyến đi dài ngày vào Miền Nam nói chung (Nha Trang nói riêng) là rất kỳ công. Lúc đó, các thành phố ở miền Nam nói chung và thành phố biển Nha Trang nói riêng vẫn là “vùng đất lạ” đối với người miền Bắc, vì thế việc đi Nha Trang một tháng trời đã giúp tôi “lùi xa mà nhìn rõ hình thế núi non”, tức nhìn lại “vấn ðề Lýng gù” một cách tỉnh táo và sáng suốt. Cuối cùng, sau ðúng một tháng ở Nha Trang, tôi ðã rút ra được cách đối nhân xử thế trong trường hợp phải đối mặt với “vấn đề Lưng gù”: cứ để sự việc phát triển, vận động một cách tự nhiên, không can thiệp thô bạo! Cụ thể hơn là chờ thời gian trả lời! Câu này cũng là một luận điểm quan trọng trong Lý luận văn học nói riêng và văn hóa – nghệ thuật nói chung: Thời gian là vị quan Tòa công minh nhất!

Và quả nhiên, Thời gian đã đưa cho tôi một đáp án thật…phũ phàng: Khi chuyến tàu Thống Nhất từ Nha Trang vừa về tới Hà Nội, tôi chưa về nhà ngay mà tới nhà Tiểu Hà (Từ Ga Hà Nội về nhà tôi ở Giảng Võ thì đi qua đường phố có nhà của Tiểu Hà) thì chỉ thấy hai người y tá mặc áo Blu trắng toát đang canh chừng bố và mẹ của Tiểu Hà! Những hình ảnh như thế quá quen thuộc đối với tôi (bố mẹ tôi đều làm nghề Y và thường là gia đình tôi ở luôn trong khu tập thể của Bệnh viện) và như báo tin cho tôi biết rằng: bệnh tình của song thân Tiểu Hà có vấn đề! Tôi chưa kịp hỏi gì thì một cô Y tá đưa cho tôi một mảnh giấy. Tôi mở ra và đọc ngay: “Gửi anh Th.!...Em không thể cưỡng lại định mệnh, tức phải cưới Lưng gù để anh ta lo hậu sự cho song thân! Chúng ta không nên gặp nhau nữa! Em: Tiểu Hà!”.  Khi thấy tôi đã đọc xong thì cô Y tá nói: “Thực ra bố mẹ của Tiểu Hà đã chết, nhưng chưa phát tang để tiến hành “Cưới chạy tang”, mọi người đang làm đám cưới ở nhà hàng Phú Gia!... Anh có vào chào hai ông bà thì vào đi rồi về ngay! Tiểu Hà có nhờ tôi nói thêm với anh như vậy!”.

Tôi không còn nhớ cảm giác của mình lúc đó như thế nào, nhưng chắc là bộ mặt vốn đã khá nhàu nát của tôi lúc đó kỳ dị lắm, khiến cho cô Y tá nói xong thì bật khóc! Không biết cô Y tá khóc vì thương cảm cho tôi hay cho Tiểu Hà?

8. 

Ngay ngày hôm sau, tôi cho tất cả quần áo, đồ dùng cá nhân của tôi vào cái ba-lô Con Cóc từ thời đi lính còn giữ lại và đến thẳng phòng làm việc của tôi ở Viện Văn học, tức đêm đêm tôi sẽ ngủ ngay trên bàn làm việc. Và thế là từ đó, tôi không còn ngày ngày đi trên tuyến đường từ đường Giảng Võ qua Văn Miếu Quốc Tử Giám đến Hồ Hoàn Kiếm để tới cơ quan ở đường Lý Thái Tổ nữa! Tuyến đường vừa mới như là mạch máu trong cơ thể bỗng chốc trở thành “Con đường đau khổ”!

Thời gian lại đem đến cho tôi một đáp án mới của cuộc đời: Tôi không làm việc ở Viện Văn học nữa mà chuyển về Tạp chí Nghiên cứu Nghệ thuật ở đường Đê La Thành (đối diện với Nhạc viện Hà Nội). Như thế tuyến đường Từ Văn Miếu đến Hồ Hoàn Kiếm có thể được xóa đi vĩnh viễn, tôi sẽ thoát khỏi sự ám ảnh vì cứ phải cố tránh “Con đường đau khổ” mỗi khi đi từ cơ quan ở Lý Thái Tổ về nhà ở Giảng Võ! Nhưng thực ra, sự ám ảnh này không hề buông tha tôi và cứ như là “ngựa quen đường cũ”, thỉnh thoảng đôi chân vạn dặm của tôi lại vô tình (hay cố ý) đưa tôi đi qua nhà Tiểu Hà. Và sự đời trớ trêu ở chỗ, lần nào tôi đi ngang qua nhà Tiểu Hà cũng đều nhìn thấy Nàng, nhưng trong những cảnh huống khiến trái tim tôi thêm tan nát, chẳng hạn như cảnh tượng sau: Tiểu Hà vừa đi làm về , còn đứng ngoài hiên, thì người chồng Lưng gù đã từ bàn vé số bật dậy, nhanh như vượn, nhào tới ôm chặt lấy Tiểu Hà rồi hôn hít lên khắp người Tiểu Hà, không chừa chỗ nào!...

Sài Gòn, 2008-2009

Đỗ Ngọc Thạch


Ký ức Hà Nội

(Tuổi thơ đi rồi mãi mãi lìa xa

Chẳng còn bao giờ mong trở lại

Tim vẫn hát điệu vần  khôn cưỡng lại

Tình yêu như sao trời mọc trên đầu ta!...- Đ.V.C.T.)
Ngay sau ngày giải phóng Thủ đô,  gia đình tôi chuyển về Hà Nội, từ chiến khu. Bố tôi  làm việc ở Bệnh viện quân đội  108 (còn gọi là bệnh viện Đồn Thủy) nuôi cả nhà, gồm mẹ tôi  và năm chị em. Lúc đó, tôi chưa tới mười tuổi nên không thể nhớ lại  được  bố mẹ tôi đã xoay trở ra sao để nuôi  một đàn con chúng tôi ăn học giữa chốn thị thành này. Tôi  cũng không có ý thức gì về sự giàu nghèo vì cho tới lúc này, tôi vẫn chưa biết mặt mũi đồng tiền nó như thế nào!

Gia đình tôi ở nhờ trong nhà một người bạn học cũ của bố tôi, ở phố Nguyễn Lai Thạch. Chủ nhà nhường toàn bộ phần lầu một , thoáng mát , rộng rãi. Tuy nhiên, chính vì ở trên lầu mà cái cầu thang  đã trở thành mối nguy hiểm thường trực đối với  tôi: vì không quen đi cầu thang mà mỗi ngày phải lên xuống cái cầu thang ấy hàng chục lần, nên tôi thường bị té ngã đủ kiểu!  Ấy là chưa kể tôi còn thường bị bố tôi đánh lăn từ đầu cầu thang xuống tới chân cầu thang ! (Sau này, tôi không còn oán bố tôi về chuyện này nữa vì tôi  biết rằng bố tôi  là người  tính nóng, mà tôi thì hay làm hỏng việc và thường là không thực hiện đúng những quy định do bố tôi  đặt ra, chẳng hạn như làm vỡ phích nước, khi bố tôi đi làm về mà vẫn chưa nấu cơm xong…).  Nhưng tôi lại phải cảm ơn cái chuyện ngã cầu thang này vì nhờ tôi bị ngã gãy tay mà tôi  đã có một người bạn đặc biệt.

Năm đó (1955), tôi đang học lớp Một. Vào năm học được một tháng thì tôi bị ngã cầu thang và phải nghỉ học gần mười ngày. Tới ngày nghỉ thứ ba thì Nhung – lớp trưởng, được cô giáo giao nhiệm vụ đến giúp tôi chép bài và hướng dẫn tôi học, để khỏi bị đứt đoạn. Nhưng cả Nhung và cô giáo đều không biết rằng hồi còn ở chiến khu, tôi đã học xong toàn bộ chương trình lớp Một, vì khi đó, mẹ tôi là cô giáo tiểu học và đã cho tôi học  “dự thính” !  Khi về Hà Nội tôi mới đủ tuổi vào lớp Một nên phải xin vào học lại từ lớp Một. Thật là sự trùng hợp ngẫu nhiên, Nhung cũng đã tự học xong chương trình lớp Một, nhưng là do chị Nhung dạy tại nhà. Thế là việc học bài chuyển thành những buổi đọc truyện thật là thú vị đối với tôi. Nhung nói nhà Nhung có một tủ sách rất lớn được truyền lại từ ông nội Nhung (đã đỗ tiến sĩ dưới triều Nguyễn), đến bố Nhung, một bác sĩ đã tốt nghiệp khóa đầu của trường đại học Y – Dược Hà Nội. Chính là nhờ Nhung tôi đã biết thế giới kỳ ảo của truyện Cổ tích, Thần thoại từ Việt Nam, Trung Quốc cho đến An-đec-xen, Grim…

Việc Nhung dắt tôi vào thế giới kỳ ảo của Cổ tích, Thần thoại thật là thú vị đối với tôi, nhưng còn thú vị, tuyệt vời hơn là việc Nhung đã tình nguyện là hướng đạo dẫn tôi đi khắp Hà Nội 36 phố phường !

Lần đầu tiên, Nhung dẫn tôi đến hồ Hoàn Kiếm và kể cho tôi  nghe chuyện vua Lê Thái Tổ trả gươm cho Thần Rùa. Trong khi tôi đang mải suy nghĩ xem Thần Rùa đã để thanh gươm ấy ở đâu thì Nhung nói :

- Giá như khi giặc Pháp sang xâm lược nước ta, Thần Rùa  cũng cho mượn Gươm ấy thì nước ta đã không bị chúng đô hộ gần  một thế kỷ !...

Tôi nói ngay :

- Giặc Pháp có nhiều súng đạn, gươm thì làm sao đánh lại ?

- Ừ nhỉ !... – Nhung nói khẽ và buông một hơi thở nhẹ.    

Tôi thấy mình như bị một lực vô hình nhấc bổng lên cao rồi ném mạnh xuống hồ. Tôi lặn hụp một hồi thì cảm thấy như là bị chuột rút. Tôi  vẫn còn tỉnh táo để nhận ra một bàn tay nhỏ đã túm tóc tôi kéo vào bờ !

Nhung hỏi, sau khi tôi đã trở lại bình thường :

- Sao bạn lại nhảy xuống hồ ?

- Tôi định lặn xuống tìm thanh gươm của Thần Rùa ! – Đúng là trong đầu tôi có ý nghĩ như vậy !

- Trời ơi ! – Nhung tròn mắt nhìn tôi – bạn không biết bơi mà sao lại liều như vậy?

- Tôi bơi giỏi ấy chứ! – Tôi cười to và nói liền một mạch - Ở quê tôi có sông Thao, tôi đã bơi qua sông rồi bơi trở lại. Đó là chuyện bình thường. Bạn có biết câu “Sông Thao nước đục người đen – Ai lên Vũ Ẻn thì quên đường về” không? Quê tôi đẹp và nên thơ lắm. Nhưng khi được biết câu “Mịt mù khói tỏa ngàn sương – Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ” tôi lại thấy Hà Nội của bạn chắc là đẹp hơn ?   

Không phải đợi lâu, Nhung dẫn tôi đến Hồ Tây. Đứng trước mặt hồ, một cảm giác kỳ lạ dâng trào trong tôi và tôi đã nhảy ào xuống hồ từ lúc nào. Sau khi lặn một hơi, tôi nổi lên và sải tay bơi ra giữa hồ. Được một lát, tôi ngoảnh lại thì thấy Nhung đang đứng yên lặng bên bờ hồ, mắt dõi theo tôi. Bơi được khoảng gần một trăm mét, tôi dừng lại và chợt nghĩ:  “Thử lặn  xuống xem có báu vật gì không?”. Thế là tôi lặn một hơi dài. Quả nhiên, không lâu la gì, tôi đã tìm thấy một cái đồng hồ bỏ túi và một miếng ngọc bội. Tôi tặng Nhung  miếng  ngọc bội và giữ lại cái đồng hồ (Nhưng ngay ngày hôm sau, cái đồng hồ đã bị bố tôi tịch thu !). Chúng tôi còn trở lại hồ Tây hai lần nữa, cũng có nhiều chuyện đáng nhớ mãi nhưng chưa thể kể hết ra đây được!

Tôi ở Hà Nội chưa được một năm, chưa kịp đi xem hết những kỳ quan của Hà Nội thì gia đình tôi chuyển về  Hà Đông (bố tôi được điều động về làm việc ở quân y viện 103). Ở Hà Đông được một năm thì bố tôi lại được điều động  về quân y viện 109 ở Vĩnh Yên. Ở Vĩnh Yên cũng chưa được một năm thì gia đình tôi lại chuyển về Hà Nội (bố tôi đã  chuyển ngành và đang chờ Bộ y tế sắp xếp công tác). Lần này , gia đình tôi ở nhờ một trại chăn nuôi bò sữa vùng ngoại ô, có cái tên rất hay : Lương Yên. Đây là khu lao động, hầu hết là dân nghèo. Vì thế, phòng mạch của bố tuy đông bệnh nhân nhưng thu nhập chỉ vừa đủ sống (đa phần chữa bệnh không lấy tiền). Công việc ở phòng mạch rất nhiều (có đủ các loại bệnh, riêng công việc giải phẫu – chỉ có tiểu phẫu – thì nhiều không ngờ : ngày nào cũng ngót nghét chục ca)  nhưng người làm chỉ có ba : bố tôi, mẹ tôi (đã là y tá) và tôi. Vì tôi bận làm việc như thế cho nên thời gian để gặp Nhung thật là hiếm hoi. Chỉ đến khi Nhung xin chuyển về trường Lương Yên học cùng lớp với tôi (lớp 4), thì chúng tôi mới được gặp nhau thường xuyên – dĩ nhiên ! Những giờ kiểm tra một tiết hoặc cả buổi, chúng tôi chỉ làm bài trong mười phút là xong và nộp bài cho thầy giáo rồi dắt nhau tung tăng khắp phố phường ! Những ngày tháng đó thật là đẹp và có thật nhiều kỷ niệm nhớ đời. Tôi chỉ xin kể ra đây một kỷ niệm “đòn đau nhớ đời” ! 

Lần ấy, khi tôi và Nhung đang đứng xem giới thiệu chương trình kịch mục trước cửa Nhà hát Lớn thì thật bất ngờ, chiếc mô-bi-lét của bố tôi đỗ xịch ngay sát người tôi mới biết! Kết  quả là tôi bi một trận đòn “thập tử nhất sinh” cùng với bao lời kết tội của bố tôi, trong những tội đó có một từ mà lần đầu tiên tôi được nghe: luyến ái bất chính ! Khi nghe bố tôi nói như thế, tôi nghĩ : đúng là tôi và Nhung rất thân nhau, rất thích gần nhau, nhưng yêu thì chắc là từ đây tôi sẽ yêu Nhung !

Tôi chưa kịp nói với Nhung về những suy nghĩ của mình thì gia đình tôi chuyển lên Thái Nguyên – bố tôi được giao nhiệm vụ làm giám đốc bệnh viện Khu Gang thép Thái Nguyên. Tính lại, chúng tôi chỉ cùng được học bên nhau học kỳ 1 của lớp 4, nhưng bù vào đó, Nhung đã dẫn tôi đi khắp lượt Hà Nội 36 phố phường . Sau này, khi trở lại sống ở Hà Nội lần thứ ba, tôi đã bắt tay vào viết cuốn Hà Nội ký sự, nhưng rồi bỏ dở vì nghĩ có lẽ mình không qua nổi những văn tài đã viết rất hay về Hà Nội như Vũ Bằng, Thạch Lam, Tô Hoài…Lần ra đi này của gia đình tôi cũng thật là cập rập, dĩ nhiên là tôi không thể chia tay với Nhung.  Tới Thái Nguyên, tôi đã viết thư ngay cho Nhung, gửi cả về nhà và địa chỉ lớp học, nhưng dù tôi có gửi thêm gần chục lần nữa, cũng không hề có thư hồi âm của Nhung ! 

Ở Thái Nguyên được một năm rưỡi, gia đình tôi lại chuyển chỗ ở : đi một mạch từ Thái Nguyên về thành phố biển Hải Phòng ! Bố tôi lại chuyển đổi công tác (chưa phải là lần cuối) : về làm giám đốc Viện điều dưỡng A ở Hải Phòng ! Lúc chiếc xe tải chở gia đình tôi từ Thái Nguyên về qua Hà Nội, chỉ nghỉ có một đêm, tôi muốn đi tìm gặp Nhung nhưng tôi không có một kẽ hở thời gian nào: mẹ tôi đã đẻ thêm ba cậu con trai, từ năm 1955 đến năm 1960, (lúc đó là đầu năm 1961) và việc trông coi ba đứa em nhỏ tôi phải làm gần hết, không khác gì một nhũ mẫu thực thụ ! Không thể diễn tả hết cảm giác của tôi lúc đó: thấy như là Nhung ở rất gần đâu đây mà không gọi được, không tới được!

Thế là lại phải qua đi năm năm nữa tôi mới được gặp lại Nhung. Ấy là lúc tôi học xong lớp mười Trung học Phổ thông và có giấy gọi vào khoa Toán trường Đại học Tổng hợp. Nhận được  giấy gọi, tôi đi Hà Nội ngay. Đoạn đường “tăng-bo” khá dài (thời gian này – 1966, máy bay Mỹ đã tăng cường đánh phá miền Bắc, cầu Phú Lương trên đường số 5 bị hỏng nên tàu hỏa không thể đi qua) nhưng tôi đi như bay, như là có cánh mọc dưới chân như nhân vật Hecmet trong thần thoại Hy Lạp!  Gặp lại Nhung sau sáu năm xa cách, tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác: Nhung đã là một thiếu nữ 18 tuổi cực kỳ xinh đẹp, không thua kém các hoa hậu thời nay bất kỳ điểm nào; Nhung cũng tốt nghiệp phổ thông trung học như tôi nhưng với điểm cao tuyệt đối mà bây giờ gọi là Thủ khoa, đặc biệt với môn Toán, suốt 10 năm học phổ thông, Nhung luôn đạt điểm cao nhất ; điều bất ngờ thứ ba gây sốc rất mạnh đối với tôi là Nhung không được gọi vào đại học vì lí lịch : Ông nội là quan lại thời phong kiến, bố là tư sản, có một ông chú đang làm việc trong chính quyền Sài Gòn và một ông chú đang sống ở Pháp!  Tôi không nói được lời nào để an ủi Nhung hay đại loại như vậy, chỉ vò đầu bứt tai và cảm thấy như mình có lỗi ! Nhưng Nhung lại an ủi tôi và tỏ ra rất bình thản (hay đúng là Nhung chỉ tỏ ra bình thản ở bề ngoài ?). Nhung nói nhỏ nhẹ :

- Bạn nên tới trường ngay đi. Đường xa và bom đạn không biết đâu mà lường ! Tôi sẽ đưa bạn tới tận nơi học!  

Trời ơi ! Nghe Nhung nói mà tôi như sắp òa khóc ! Tôi muốn thời gian ngừng lại, trái đất ngừng quay và tốt nhất là quay ngược lại cái thời Nhung dắt tôi đi lang thang khắp 36 phố phường Hà Nội ! Trong đầu tôi vụt hiện lên nào là Hồ Gươm cổ tích, Hồ Tây bâng khuâng, hồ Thuyền Quang mơ mộng, Ô Quan Chưởng trầm mặc, Ô Đông Mác lầm bụi, Ô Chợ Dừa nhộn nhịp…, nào là những con đường ào ào lá đổ, những hàng cây đào Nhật Tân kiên nhẫn đứng đợi xuân về, nào là cây cầu Long Biên già nua nhưng vẫn cố gồng mình cho đoàn người, đoàn xe qua lại không ngớt…

Cuối cùng thì tôi cũng không thể không đối diện với thực tại : tôi đi học, còn Nhung, Nhung sẽ đi đâu ? làm gì ? Nhung không trả lời tôi mà giục tôi lên đường . Quả là con đường sẽ đi rất xa : Khoa Toán của trường ĐHTH  sơ tán ở tận huyện Đại Từ tỉnh Thái Nguyên (tôi có duyên nợ gì với Thái Nguyên đây ?). Đi tàu từ thị xã Thái Nguyên đến ga Quán Triều là hết đường sắt, phải đi bộ tiếp đến Đại Từ, và điểm cuối cùng là thôn Đầm Mây – chắc là chỗ chúng tôi học ở tít trên chín tầng mây !   

Suốt quãng đường đi bộ, con đường đồi núi dài hun hút và vắng teo, Nhung hết đọc thơ, bình thơ rồi lại kể chuyện cổ kim đông tây  cho tôi nghe. Tôi không ngờ Nhung đọc thơ và bình thơ thật tuyệt vời, nhất là những bài thơ tình của  Aragon viết tặng Ensa  do  Nhung tự dịch từ nguyên bản tiếng Pháp . Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn còn thuộc những câu thơ ấy và nó hiện ra trong đầu tôi cùng với hình ảnh Nhung đang đọc lên lúc ấy : “Tất cả những gì về anh nhờ em anh mới biết – Trời đã đứng trưa, ngày cũng sắp qua rồi – hạnh phúc không phải ngọn đèn nơi quán nhỏ - anh cầm tay  em  trong cuộc đời đau khổ - mà con người chưa hiểu nghĩa chung đôi…”

Con đường dài hun hút và vắng teo ấy cuối cùng cũng ở sau lưng chúng tôi ! Tôi sợ phải chia tay với Nhung. Một nỗi sợ không có hình hài nhưng nó làm tim tôi như ngừng đập ! Và có lẽ Nhung biết rất rõ điều ấy nên Nhung đã đồng ý để tôi đưa Nhung trở lại thị xã Thái Nguyên. Và rồi cuối cùng, tôi đã đưa Nhung trở lại Hà Nội. Chúng tôi quyết định sẽ đi lang thang khắp Hà Nội một lần nữa, một ngày một đêm, rồi tôi sẽ đi Thái Nguyên, tới huyện Đại Từ và cuối cùng là cái làng Đầm Mây heo hút kia !  

Khắp Hà Nội là một không khí sẵn sàng chiến đấu đánh trả bọn “Thần Sấm”, “Con Ma” của  “Không lực Hoa Kỳ”. Trên đường Thanh Niên bên Hồ Tây, nơi có hàng ghế đá và những cây liễu rủ tóc thướt tha – nơi hẹn hò yêu đương của những đôi lứa – sừng sững những khẩu pháo phòng không  đang sẵn sàng nhả đạn bất cứ lúc nào. Trên sân thượng ở các nhà cao tầng, những khẩu súng máy 14,5 li và 12,7 li và cả súng trường CKC cũng đang vươn nòng sẵn sàng chiến đấu !... Một ý nghĩ thoáng vụt đến: tôi muốn đi chiến đấu, tôi sẽ xông pha nơi bom lửa bão đạn, chứ không thể tìm đến một nơi an toàn tít tận cái làng Đầm Mây hẻo lánh trên miền núi rừng kia để mà ngồi học, nhất là Nhung lại không được đi học nữa ! (Ý nghĩ bất chợt ấy chỉ ba tháng sau đã trở thành sự thật !). 

Bấy giờ là tháng Chín – Mùa Thu. Tôi và Nhung cứ đi lòng vòng mà không định rõ rằng sẽ đi đến đâu ? Khi tôi thấy đôi chân mỏi rời thì cũng là lúc chúng tôi đang đứng trước Văn Miếu. Chúng tôi đã đến Văn Miếu nhiều lần vì ông nội Nhung có tên trong tấm bia đá tiến sĩ, mỗi khi nhớ ông nội Nhung lại đến đây…Tôi nói với Nhung :

- Giá như bây giờ là Mùa Xuân thì hay quá, mình muốn đến nhìn hoa đào đón Mùa Xuân như thế nào ?

- Mùa Thu Hà Nội có nhiều điều kỳ diệu lắm. Mình có cảm giác rằng chính Mùa Thu đã làm cho Hà Nội đẹp một cách huyền ảo. Vả lại riêng mình, trong bốn mùa ở Hà Nội, mình thích Mùa Thu nhất, bởi Mùa Thu dài nhất, bí ẩn nhất…-  Nhung nói nhỏ.

- Và buồn nhất – Tôi nói chen ngang – Tiếng Thu là âm thanh buồn vô hạn : “Con nai vàng ngơ ngác – đạp trên lá vàng khô”…   

Nhung  xác nhận :

- Đó cũng là một biểu hiện lãng mạn của Mùa Thu, nhưng người ta chìm đắm vào đó nhiều quá, thái quá bất cập. Mình thích Mùa Thu nhất không phải vì Mùa Thu buồn mà vì lẽ khác. Bạn cứ thử nghĩ xem, tại sao chỉ có Thiên Thu mà không có thiên Xuân, thiên hạ, thiên đông ? Thiên Thu (ngàn năm) là một khái niệm thời gian không có giới hạn…Mình cứ bị ám ảnh bởi một câu thơ nói về cái chết của một chú bé lính kèn : “Hỡi người lính kèn nhỏ tuổi – Hãy nằm đây yên giấc ngàn Thu…”  Đó là cái vĩ đại, cái kỳ diệu trong cái bé nhỏ. Loài người tồn tại được là nhờ điều đó!    

Tôi lờ mờ nhận ra điều gì đó trong suy nghĩ của Nhung, nó như đôi cánh của Thiên Thần đang bay trên thinh không kỳ ảo. Vì cứ mải đuổi theo đôi cánh Thiên Thần ấy mà tôi quên hết những gì định nói với Nhung trong ngày hôm nay. Cuối cùng, tôi lại nói một câu rất vu vơ :

- Thiên Thu?  Đúng rồi ! “Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại”, hồi ở Hải Phòng, vì đánh nhau mà mình bị giam ở đồn công an một ngày, đúng là dài bằng cả ngàn năm !  

Nhung mỉm cười rồi chợt buông một hơi thở nhẹ và nói :

- Mình rất muốn được học ở Khoa Toán như bạn, nhưng cái số mình là nó vậy, biết làm sao. Điều mong ước duy nhất của mình lúc này là bạn sẽ học thật tốt, sẽ trở thành một nhà toán học như trước đây chúng mình đã hằng mơ ước. Bạn thắp hương cầu khấn ông nội mình đi, ông sẽ phù hộ độ trì cho bạn…

Chúng tôi cùng cầu khấn ông nội của Nhung. Tôi nhìn tấm bia  Tiến sĩ mà như thấy cảnh tôi vinh quy bái tổ, Nhung e lệ đón tôi  trong tiếng pháo nổ vạn sắc hồng ! Nhưng, kỳ lạ thay, con Rùa dưới tấm bia như là đang bò đi, mới có vài bước chân mà đã mất hút ! Tôi giật mình nhìn sang Nhung, Nhung vẫn đang lầm rầm khấn điều gì đó ! Tôi không nghe rõ tiếng Nhung vì không hiểu sao tôi nghe thấy tiếng lá rơi rất kỳ lạ, rất to như là tiếng bom nổ ! Và điều đó không sai, máy bay Mỹ đang ném bom ở đâu đó, không xa lắm, tiếng còi báo động của Thành phố vang lên!

Đoạn kết :

Đoạn kết thật bi thương, nhưng không thể khác đi được ! Tháng Mười năm 1970 tôi được trở về tiếp tục học tại khoa Toán sau bốn năm là lính Ra-đa thuộc lực lượng Phòng không – Không quân. Lúc này, trường Đại học không phải đi sơ tán như hồi tôi mới nhập học nữa. Khoa Toán của tôi học ở khu Thượng Đình. Nói chung là tốt, không có gì phải phàn nàn!

Gặp lại Nhung, chúng tôi đều rất mừng . Tôi thầm cảm phục Nhung đã có bản lĩnh vững vàng để đi qua biến cố lớn của cuộc đời. Nếu là tôi, tôi đã gào thét, đã buông thả và có lẽ sẽ trở thành một kẻ chán đời, bất lực. Trong suốt bốn năm qua, Nhung đã tham gia rất tích cực trong đội cấp cứu cơ động của Thành phố. Với tư chất thông minh bẩm sinh, với sự say mê học hỏi qua tủ sách Y học và sự hướng dẫn nhiệt tình, chu đáo của người bố, kiến thức cũng như thực hành về Y học của Nhung không thua kém bất kỳ một bác sĩ chuyên khoa giỏi nào. Nhung đã cùng đội cấp cứu cơ động cứu sống rất nhiều người trong những đợt oanh tạc liên tục từ ngày này qua ngày khác của máy bay Mỹ  trong cuộc chiến tranh phá hoại mang tính hủy diệt này…Với việc trở lại Khoa Toán của tôi, Nhung đã khiến tôi bất ngờ vô cùng : Nhung tặng tôi toàn bộ số sách giáo trình của bốn năm học của một sinh viên khoa Toán mà tôi sẽ phải dùng đến . Ngày tháng mua sách được ghi ở trang đầu từ năm 1967 đến 1970. Thì ra trong khi tôi đang mất hút ở chiến trường, Nhung đã mua sách theo chương trình và tự học xong toàn bộ. Lúc đưa sách cho tôi, Nhung chỉ nói ngắn gọn :  “Trong thời gian bạn ở chiến trường , mình đã học thay bạn. Giờ bạn đã trở về, trả lại cho bạn đó !” . Tôi không biết nói sao, chỉ biết lao vào những Ma trận kỳ ảo, những Chuỗi số dài vô tận của toán học… Song, một điều bất ngờ đến kinh hoàng , đến nỗi cho đến tận bây giờ tôi vẫn chưa tin là nó đã xảy ra là : trong một lần cứu hai em bé bị nước cuốn trôi ngay sát cầu Long Biên, Nhung đã bị cuốn vào một cái hút nước. Phải mất nửa ngày, hai người thợ lặn mới tìm thấy Nhung !... Đó là ngày 10-10-1971!...

…Nhung nằm đó, bất động…Tay Nhung đang cầm miếng ngọc bội mà tôi đã tặng Nhung ở Hồ Tây năm xưa…Tôi vụt nhớ đến  câu thơ có hai chữ “Thiên Thu” mà Nhung đã đọc cho tôi nghe rất nhiều lần: “ Hỡi người lính kèn nhỏ tuổi – Hãy nằm đây an giấc ngàn Thu “…Và tôi đã đọc lên cho Nhung nghe, một lần, hai lần, ba lần, đọc hoài !...
Đỗ Ngọc Thạch.

Núi lở

Thứ hai, 03 Tháng 10 2011 14:14 0 Comments BLOG - Cửa sổ Blog
dongocthach2Đoàn khảo sát, nghiên cứu văn hóa dân gian của chúng tôi đã tiến sâu vào một vùng rừng núi ngút ngàn. Chúng tôi đi ngược theo một con suối có cái tên rất nên thơ : K’tung ! Phong cảnh trên đường đi thật ngoạn mục khiến bao mệt mỏi tan biến hết. Cô gái H’Thi, con gái một nghệ nhân kể Hơ Amon, (Hơ Amon : Một thể loại phôn-cơ-lo tồn tại và lưu truyền bằng phương thức hát kể. Trước đây thường dịch là Trường ca) là người hiểu biết  khá sâu về vốn văn hóa dân gian của dân tộc mình, tự nguyện làm người hướng đạo cho chúng tôi, vừa bước đi thoăn thoắt vừa khẽ hát những bài ca trữ tình mà tôi ngỡ như tiếng suối reo, thác đổ, gió  ngàn xôn xao !... Đến bài “Đăm ơi  đăm” (Anh ơi anh), thì tiếng hát sao mà  tha  thiết, như tiếng gọi nao lòng :

Ê ! Đăm ơi đăm !...
Ơ ! Anh ơi anh !
Cha đã già rồi !
Ơ ! Anh ơi anh !
Mẹ đã yếu rồi !
Ơ ! Anh ơi anh !
Em mong anh về !
Về đi anh !
Ơ ! Anh ơi anh !...


Tiếng gọi bay theo gió, tan vào ngàn xanh ! Người con trai đi đâu vậy, lầm đường lạc lối chăng ?

Ngừng hát một lúc, H’Thi nói :

- Em có người yêu tên là Đinh Kông . Anh ấy đi học đại học ở xa lắm ! Một lần, nói chuyện với thầy giáo về thơ ca dân gian của người  Ba-na, thầy giáo nói trật cả ! Thế rồi thầy trò cãi nhau. Thầy nổi khùng mắng anh ấy : “Mày là thằng mọi, biết gì mà cãi lại tao !”. Thế là anh ấy đánh cái ông thầy ấy, rồi bỏ trốn đi đâu không biết !...

Thì ra vậy ! Trong bài hát của người xưa vẫn có tâm trạng của  người hôm nay !...H’Thi lại hát:

Ơ ! Suối ơi !  K’Tung  ơi !
Sao suối chảy hoài không hết nước ?
Anh ơi ! Anh yêu ơi !
Sao lòng em không hết buồn !...


Vì sao cô gái Ba-na này lại có nỗi buồn da diết như thế ? Tôi định hỏi thì H’Thi lại nhẹ nhàng nói :

- Em cũng muốn đi học đại học lắm chứ ! Nhưng khi em đang học lớp mười, có một thầy giáo cứ đòi yêu em ! Thầy giáo nói : “ H’ Thi yêu thầy thì thầy sẽ giúp em vào đại học !”. Muốn vào đại học phải yêu thầy giáo à ? Em không đồng ý, thế là thầy giáo cưỡng em, không được, rồi thầy cho em toàn điểm kém ! Em  buồn quá, không đi học nữa !...

Mải nói chuyện với H’Thi, chúng tôi đã đi vào một khu nhà mồ từ lúc nào không hay. Những tượng nhà mồ đứng ẩn khuất sau những lùm cây, nhìn từ xa không khác người  thật là mấy : trầm mặc, khổ đau ! Các bạn đồng hành của tôi tản ra các nhóm tượng, chụp ảnh, đo đạc, ghi chép rất say mê . Tôi hỏi H’Thi :

- H’Thi có biết những câu chuyện, những bài hát nói về tượng nhà mồ không ?

H’Thi cười, nét mặt thoáng vẻ tư lự rồi nói :

- Có chứ ! Em sẽ kể và hát cho anh nghe. Nhưng anh phải học tiếng Ba-na đi đã. Nghe hát bằng tiếng Ba-na mới hay ! Nhưng,  những bài hát về tượng mồ buồn  lắm . Để lúc khác. Bây giờ em hát bài vui. Chẳng hạn như bài  Hơri  ca ngợi  buôn  làng tươi đẹp. Em hát nhé !

Và  H’Thi hát  bằng tiếng dân tộc  Ba-na của cô. Tôi không biết tiếng Bana, nhưng nghe tiếng hát nhịp  nhàng, tình cảm tha thiết ánh lên nhưng nét nhạc vui, và  nhìn nét mặt rạng ngời, ánh mắt lung linh của  H’Thi tôi đoán đây là một bài Hơri ngợi ca trong sáng…H’Thi ngưng hát, nói nhỏ:

- Lời bài hát có nghĩa là: Quê hương tôi có dòng suối trong xanh, có buôn làng ẩn hiện trong màu xanh của rừng, có sắn, lúa ngô mọc khắp đồi nương!...- H’Thi bỗng đăm chiêu, một nét  u buồn như đang lướt trên mặt cô gái. H’Thi khẽ buông tiếng thở dài, nói tiếp – Nhưng bây giờ buôn làng xác xơ lắm anh ạ. Nạn đói đang đe dọa từng ngày!...

Tôi thoáng rùng mình, ngực như bị nén chặt. Tôi chợt nhớ lại một chuyến đi bám càng bà phó chủ tịch tỉnh tuần trước : bà chở đầy xe gạo về tiếp viện cho gia đình ! Nhưng còn những nhà không có người làm trên huyện, trên tỉnh thì sao ? Tôi cũng không hiểu sao những người dân ở mảnh đất  sơn thủy hữu tình thế này mà bị nạn đói ? Tôi bỗng  nhớ đến những lễ  hội được mô tả trong các Hơ Amon : rượu cần ngập cả sông Ba, thịt chất đống cao như núi, dân làng vui chơi nhảy múa thâu đêm !... Tôi đang miên man trong suy tưởng thì H’Thi nói :

- Em sẽ dẫn anh lên đỉnh thác Đrang Đrung. Ở đó có một tượng đá giống hệt hình người, giống như núi Vọng phu của người Kinh ấy !

Bỏ mặc cho các nhà nghệ thuật học đang mải mê quan sát khu tượng nhà mồ, tôi theo H’Thi luồn rừng leo lên đỉnh thác Đrang Đrung. Trong những tài liệu nói về danh lam thắng cảnh của tỉnh, tôi không thấy nói đến cái thác này. Bởi vậy, khi tới đỉnh thác, tôi giật mình kinh ngạc : thác cao gần năm trăm mét, nước đổ trắng xóa nhưng không ầm ào dữ dội mà  như dải lụa mềm nhẹ bay. Trên đỉnh thác, bên cạnh một tảng đá lớn bằng cái nhà Rông, có một hòn đá cao hai mét, rất  giống như một người ngồi tay chống cằm đau khổ, mặt nhìn vào dòng thác. Ai  ngồi đây ? Từ bao giờ vậy ? Đau khổ vì lẽ gì ? Tiếng H’Thi vang bên tai tôi như tiếng thác chảy  rào rào :

- Hồi em còn nhỏ, lên đây chơi thì thấy nó chỉ là một tảng đá bình thường. Nhưng khoảng mười năm trở lại đây, càng ngày nó càng giống hình người . Già làng Đinh K’pa nói rằng có một người đã ngồi bên tảng đá cho đến chết, cho nên hồn của người đó đã nhập vào hòn đá, khiến hòn đá dần dần biến thành hình người…

- Ai ngồi chết ở đây vậy ? – Tôi hỏi .

- Em sẽ dẫn anh tới gặp già làng Đinh K’pa, ông lão  biết rõ hơn em !...

Tôi đăm đăm nhìn, càng nhìn càng thấy hòn đá giống như người vậy. Rồi, như là hòn đá  biến thành người thật, khẽ động đậy rồi vụt đứng dậy ! Tôi giật mình kinh hãi. H’Thi thấy vậy đưa tôi cái bầu rượu đen nhánh, nói :

-  Anh uống một hớp đi ! Anh như là bị ma lai nhập ấy !

Tôi cầm bầu rượu, tu một hơi . Men rượu như lửa đốt ! Một cảm giác lạ kỳ lan tỏa khắp người . Nhìn cái  tượng đá, nó vẫn ngồi bất động. Nó đang nghĩ gì vậy ? Tôi tiến lại gần , nó đang cúi đầu nhìn xuống thác nước. Có lẽ thác nước biết tượng đá nghĩ gì chăng ?

Mải quan sát tượng đá , giờ tôi mới chú ý đến tảng đá lớn như cái nhà Rông  bên cạnh : Nó đứng chênh vênh trên đỉnh thác, như là sắp lăn xuống thác nước . Tôi hỏi  H’Thi :

- Tảng đá này đứng chênh vênh như thế bao lâu rồi ? Sao nó chưa lăn xuống thác nước ?

- Già làng Đinh K’pa nói, không biết từ bao giờ. Nhưng có lẽ năm nay nó sẽ lăn xuống để vỡ thành  muôn ngàn mảnh !

- Năm nay à ? Làm sao mà tính được ?

- Anh về hỏi già làng ấy. Cái gì ông lão cũng biết !...

H’Thi chưa nói dứt lời thì như là có một tiếng động lớn từ lòng đất vọng lên. Tôi có cảm giác như đất dưới chân mình rung động, tảng đá như khẽ cựa mình ! H’Thi lặng người một lát rồi nói :

- Già làng Đinh K’pa nói, khi nào có tiếng cồng từ lòng đất vọng về thì tảng đá lăn xuống thác !

Đúng rồi, em nghe như là có tiếng cồng  ! Có đúng không anh ?

Tôi lắng nghe nhưng lại không thấy gì. Nhìn tảng đá như treo đầu đẳng  rồi nhìn xuống chân thác, tôi bỗng giật mình khi thấy một tốp khoảng năm người đang nhởn nhơ ngắm cảnh dưới chân thác. Tôi tập trung nhãn lực  nhìn kỹ thì nhận ra đó là đoàn công tác của  Sở giáo dục đi cơ sở triển khai nhiệm vụ xóa nạn mù chữ mà tôi gặp ở huyện lỵ mấy hôm trước. Tôi ngạc nhiên lắm khi nhận ra ông trưởng đoàn là thủ trưởng cũ của tôi khi tôi mặc áo lính. Ông ta lúc đi bộ đội mới đang tập viết và không hiểu sao, ông ta không thể viết được vì cứ cầm bút là bút chực rơi ra và khi viết thì ngòi bút đâm thủng cả giấy ! Và tôi càng ngạc nhiên hơn khi H’Thi nói rằng ông ta chính là cái ông thầy đã đòi yêu H’Thi !  Có trời mới hiểu nổi sự xoay vần của tạo hóa sao lại kỳ quặc như vậy ?

H’Thi như là cũng có tâm trạng như tôi : Hết nhìn tảng đá rồi lại  nhìn xuống tốp người  đang  ngắm cảnh dưới chân thác . Tôi nói :

- Liệu tảng đá có thể rơi ngay sau khi có tiếng cồng không ?

H’Thi dáng vẻ bồn chồn, nói :

- Em linh cảm thấy như vậy ! Không biết có kịp báo cho những người ở dưới chân thác biết không ?

- Anh đã nói với họ là ở xã K’Tang của em không có người mù chữ. Vậy sao họ vẫn tới đó ?

- Em cũng không hiểu nữa. Bất cứ có đoàn công tác nào của tỉnh hoặc trung ương về, huyện cũng chỉ xuống xã em !

-  Thôi ! Chúng ta chạy xuống báo cho họ lánh đi chỗ khác ngay !  Nghe chừng họ định cắm trại ở đây. Tảng đá mà lăn xuống thì họ bị đè  bẹp mất !

H’Thi như sực tỉnh, cô không nói gì, lao vút đi, thoắt cái đã biến vào màu xanh ngút mắt ! Tôi lao theo H’Thi, nhưng chạy được vài bước thì vướng phải sợi dây rừng ngã bật trở lại, khắp người đau ê ẩm. Tôi gượng đau, đứng dậy tính đuổi theo H’Thi nhưng cô đã mất hút sau màu xanh của rừng . Mất người dẫn đường, tôi chẳng khác người mù. Vì vậy, tôi đành tập tễnh quay trở lại đỉnh thác, ngồi xuống bên tượng đá, nhìn xuống chân thác như tượng đá, chốc chốc lại nhìn sang tảng đá chênh vênh, đang như sắp lăn xuống !

Tôi có cảm giác thời gian như ngưng lại, núi rừng như không một tiếng động. Rồi bất chợt, gió ào ào, mưa như thác đổ, cả khu rừng  như đang vặn mình, quằn quại ! Trơ vơ trên đỉnh thác, không biết chạy đâu tôi liền  ôm chặt lấy tượng đá, mắt nhìn như dán vào tảng đá chênh vênh   kia !...

Cái gì phải  xảy ra thì đã xảy ra ! Tảng đá đã tách ra khỏi đỉnh thác ! Tôi bàng hoàng nhắm mắt lại và  chờ cái tiếng động đáng sợ kia vọng lại ! Nhưng tôi không  nghe thấy gì nữa khi chợt vụt lên ý nghĩ :  H’Thi có kịp cứu tốp người đi xóa nạn mù chữ kia thoát khỏi nạn núi lở hay không ?  Và bản thân H’Thi thì sao  ?

* * *

Một tháng sau cái ngày xảy ra vụ núi lở ấy, đoàn khảo sát văn hóa dân gian của chúng tôi trở lại xã  K’Tang. Chúng tôi rất buồn vì cô H’Thi, người hướng đạo tuyệt vời của chúng tôi bị bệnh, suốt tháng nay vẫn chưa khỏi, suốt ngày nằm liệt gường, không ăn uống gì được mấy. Già làng Đinh K’pa nói rằng , H’Thi bị Zàng phạt. Hỏi tại sao, nhất định già làng không nói. Song , tôi năn nỉ mãi và nằng nặc đòi đưa H’Thi đi bệnh viện, lúc ấy già làng Đinh K’pa mới nói :

- Hôm ấy, Zàng nổi giận, muốn trừng trị tốp người ở dưới chân thác ấy. Nhưng con H’Thi đã làm trái ý Zàng !...

Nghe già làng Đinh K’pa nói vậy tôi giật  mình kinh ngạc : Chẳng lẽ vì cứu tốp người đi xóa nạn mù chữ kia mà H’Thi bị bệnh sao ? Bây giờ mà cũng có chuyện thần linh ứng nghiệm vậy sao ? Già làng Đinh K’pa nói tiếp :

- Anh có biết cái ông thủ trưởng của nhóm người ấy giờ ở đâu không ? Phải tìm ông ta về đây mới có cách chữa bệnh cho con H’Thi  !...

Biết ông trưởng đoàn công tác xóa nạn mù chữ ở đâu bây giờ ? Tuy thế, tôi định bụng sẽ dò tìm bằng được ông ta. Song, thật là bất ngờ, ngay ngày hôm sau, khi tôi đến khu vực thác Đrang Đrung thì gặp ông trưởng đoàn ấy. Nhìn thấy tôi, ông ta vui vẻ nói :

- Tớ đang hướng dẫn một nhà báo và các nhà địa chất nghiên cứu hiện tượng núi lở đấy !  Cậu đã đọc báo chưa ? Có bài  tường  thuật  của tớ về vụ núi lở vì tớ là người chứng kiến từ đầu đến cuối mà !...Mà này, có lẽ tớ bỏ nghề xóa nạn mù chữ mà chuyển sang  nghiên cứu về núi lở và động đất !  Thú vị lắm !...

Nghe  ông ta nói đến đấy, tôi ù cả tai ! Không kịp suy nghĩ gì cả, tôi chạy về tìm già làng Đinh K’pa !.../.

Viết tại 43- Đồng Khởi, TP.HCM, 1989
Đỗ Ngọc Thạch.

Bà nội

Chúng ta không được lựa chọn quê hương;

Nhưng ngay từ khi sinh ra, quê hương đã lựa chọn chúng ta” (R.G)


1. Tôi sinh ra ở  “Miền Trung  du xa tắp / Có sông Thao bồi đắp phù sa / Có đồi chè bốn mùa xanh ngắt / Cứ xuân về lại nở thêm hoa” – đó là những câu thơ của Mẹ tôi. Những năm kháng chiến chống Pháp, mẹ là giáo viên tiểu học. Tôi được học để biết đọc, biết viết là do mẹ dạy và những dòng chữ đầu tiên tôi tập viết là những câu ca về quê hương như Sông Thao nước đục người đen / Ai lên Vũ Ẻn thì quên đường về!...Tôi chỉ được sống ở quê 6 năm (từ lúc tôi sinh ra cho đến hết năm 1953), nhưng những gì còn lưu giữ trong ký ức của tôi thì không ít và không bao giờ phai mờ, bởi nó rất đẹp và ấn tượng!...

Nhà ông Nội tôi ở xã Bà Triệu, huyện Thanh Ba. Còn nhà ông Ngoại ở xã Tân Phong, huyện Hạ Hòa. Mẹ tôi sinh ra tôi ở quê Ngoại, nhưng mới được chục ngày, Bà Nội tôi sang bế tôi lên mà nói: “Ôi, thằng cháu đích tôn của Bà phải về với Bà chứ!” Thế rồi Bà Nội bế tôi đi nhanh như gió, làm cho mẹ tôi phải chạy theo, về tới nhà mới kịp! Ở nhà Bà Nội được một tuần thì Bà phải đi Hà Nội và một vài nơi khác để liên hệ mối bán hàng (Lúc đó, Bà Nội sản xuất chè và giấy bản) thế là Bà Ngoại lại cho người sang đón tôi về bên Ngoại! Cứ như thế, từ lúc tôi mới sinh ra cho tới lúc một tuổi, tôi cứ bị Bà Nội và Bà Ngoại  giằng co qua lại không ngừng (Có lẽ vì thế mà kể từ lúc rời quê về Hà Nội học lớp Một, năm 1954, cho tới lúc 60 tuổi, tôi bị Con Tạo quăng quật đủ kiểu đủ cách, khắp nơi khắp chốn: 10 năm học Phổ thông thì chuyển trường, chuyển lớp 12 lần, đang học đại học thì nhập ngũ là bộ đội Ra-đa, lăn lộn khắp đồng bằng Bắc Bộ lại vào chiến trường Khu Bốn ác liệt, khi đi làm thì chuyển tới chuyển lui những Bảy cơ quan!). Việc giằng co giữa Bà Nội và Bà Ngoại chỉ lắng dịu khi mẹ tôi sinh thêm người em trai lúc  tôi mới được hơn một tuổi, như thế gọi là “đẻ năm một”! Dĩ nhiên là tôi ở với Bà Nội, em trai tôi ở với Bà Ngoại, hai người chị gái tôi cũng được “đẻ năm một”, ở với Bà Ngoại từ trước!...

Phải nói rằng Bà Nội tôi có sức khỏe rất tốt, là người nhanh nhẹn, làm việc gì cũng như gió cuốn, lúc mới ở xưởng giấy đã thấy ở xưởng chè, cứ như con thoi! Bà chỉ đạo sản xuất cũng rất nhịp nhàng, linh hoạt, hàng sản xuất ra tới đâu tiêu thụ hết tới đó!... Khi tôi mới Ba tuổi, bà luôn dắt tôi đi theo, thực ra là tôi phải chạy theo mà không bao giờ kịp, lúc thì ở đồi chè, lúc thì qua đồi gió (trồng cây gió để làm giấy bản, còn gọi là giấy gió)! Có lẽ vì suốt ngày “chạy” theo Bà Nội trong “khu công nghiệp” sản xuất giấy và chè (trà) và những quả đồi mênh mông nên thể lực của tôi cũng rất tốt: năm tuổi tôi đã bơi vượt sông Thao và điều cơ bản là tôi không bao giờ ốm đau, bệnh tật này nọ, mặc dù Ông Nội tôi là “Đại phu” Đông Y, bố tôi là Bác sĩ nhưng hầu như tôi không mấy khi phải dùng tới thuốc men gì, cho đến tận bây giờ, khi tôi đã ngoài 60 tuổi!

2. Quãng  thời gian tôi sống với Bà Nội ở quê (từ 1948 đến 1953) là lúc Bà Nội tôi trên dưới 40 tuổi, độ tuổi sung mãn của đời người. Nếu nói theo ngôn ngữ bây giờ, bà Nội tôi là nhà Doanh nghiệp thuộc nhóm “Vừa và nhỏ” và “mô hình kinh tế” mà bà thực hiện lúc đó khá phổ biến ở xã hội hiện đại khoảng chục năm trở lại đây: vừa là chủ trang trại, vừa là nhà sản xuất, tận dụng và phát huy thế mạnh của đất đai và cây trồng bản địa…làm giàu trên chính quê hương! …

Ông Nội tôi lúc đó hành nghề Đông Y, tên hiệu là Đại Đạo. Song, việc bốc thuốc chữa bệnh của ông Nội không phải là nguồn thu nhập chính, thậm chí có tháng còn lỗ vốn vì con bệnh mà nghèo khó thì ông không bao giờ lấy tiền! Thỉnh thoảng, tôi có vào “Y Viện” của ông và hỏi xin tiền ông mua quà thì ông bảo mở hộc bàn ra mà lấy, nhưng khi tôi kéo hộc bàn ra thì chỉ có mấy đồng chinh, giống như tiền kẽm bây giờ có mệnh giá thấp nhất! Tôi đem chuyện đó nói với Bà thì bà cười nói: “Nếu lúc nào cháu cần mua quà, cứ nói với bà, bà cho! Ông cháu còn phải xin tiền bà đó!” Sau này tôi mới biết, toàn bộ chi tiêu của “Y Viện” từ A đến Z đều do bà lo hết!...Cũng có khi ông gặp con bệnh giàu, họ trả công hậu hĩnh, ông lại về Hà Nội đến phố Thuốc Bắc lấy thuốc và đi phố K.T hát Cô Đầu! Bà biết nhưng không nói gì! Đối với việc học hành của bố và chú tôi ở Hà Nội, bà cũng “khoán trắng” cho bố tôi quản lý, chăm sóc ông em và tự “chăm sóc” mình, hàng tháng, hai kỳ bà đem tiền và “quà quê” về  Hà Nội cho hai anh em mà không kiểm tra xét nét xem hai người ăn ở, học hành ra sao, bởi bà rất tin tưởng những người con trai của mình! Và bố tôi đã không phụ lòng tin của bà, ông học rất tốt…

*

Trong những năm kháng chiến chống Pháp, quê tôi thuộc vùng “quân ta” kiểm soát. Chính vì thế thỉnh thoảng lại phải đối mặt với những trận Càn của quân Pháp. Nói đến chữ Càn thì tất cả những người dân Việt Nam đã từng sống qua “chín năm kháng chiến trường kỳ gian khổ” đều không thể quên bởi tính chất tàn bạo của nó: lính Pháp (thường gọi là lính Âu-Phi, do có cả người châu Âu và người châu Phi da đen) được tùy nghi “giết sạch, đốt sạch”! Vì thế, mỗi khi có tin “Giặc Pháp đi Càn” là Bà Nội lại dắt tôi chạy vào rừng cọ hoặc lên Trại ở đồi chè, đồi gió!

Khi đi Càn, lính Pháp thường thao tác bốn hành động cơ bản: bắn giết đàn ông, hãm hiếp đàn bà, vơ vét của cải (kể cả gà vịt, dê lợn, trâu bò) và cuối cùng là đốt nhà! (Ở những nơi có lực lượng du kích vũ trang mạnh (như du kích Đường số 5 – tuyến đường Hà Nội đi Hải Phòng) thì còn có chuyện chống càn, nhưng không hiểu sao quê tôi hơi ít chuyện chống càn!?) Vì thế, mỗi khi chúng tôi chạy càn trở về thì nhà cửa chỉ còn là đống tro tàn trên cái nền nhà trơ trụi! Những lúc ấy, tôi thấy Bà không nói gì, cùng những người làm “thu dọn bãi chiến trường”, và chỉ hai ngày sau, tôi lại được ở “Nhà mới”! Tuy lúc đó, tôi mới bốn, năm tuổi nhưng những hình ảnh tàn bạo về việc “càn quét” của quân Pháp vẫn còn in đậm trong ký ức…Việc viết về giai đoạn kháng chiến này, đã có các nhà văn lứa Nguyễn Khải viết rất hay, tôi chỉ viết về vài chuyện của Bà Nội…

Hôm ấy, ánh nắng bình minh rực rỡ đang tràn ngập khắp rừng cọ, đồi chè, nương ngô, nương sắn…thì bỗng nghe tiếng súng rộ lên từng tràng ở làng bên. Làng tôi đang yên bình bỗng như ong vỡ tổ! Mọi khi, việc quân Pháp đi càn thường được báo trước một hoặc hai giờ. Nhưng hôm ấy hình như làng không được thông báo gì, cho nên hoàn toàn bất ngờ! Mọi người nhốn nháo dắt díu nhau, bồng bế trẻ con, cõng khiêng người già… chạy về phía rừng cọ. Rừng cọ khá rộng và nhiều gai góc cản đường nên thường quân Pháp không vào, vì vậy rừng cọ trở thành nơi lánh nạn của làng mỗi khi quân Pháp đi càn. Muốn tới rừng cọ, phải qua một cánh đồng vừa trồng lúa vừa trồng rau mầu khá rộng…Khi dân làng chạy tới quãng giữa cánh đồng thì có bốn thằng lính Âu-Phi, hai da trắng, hai da đen, đứng ở rìa làng, đã nhìn thấy đám người đang chạy về phía rừng cọ và hô nhau đuổi theo. Vừa chạy đuổi theo, bốn thằng lính vừa bắn từng tràng khiến có vài người hoảng sợ nằm rạp xuống đất, rồi lại vọt lên chạy tiếp. Cứ vài ba lần như thế, khi đám dân làng chạy hết cánh đồng, tới bìa rừng thì bốn thằng lính đuổi kịp. Cả bốn thằng đều đeo súng Tom-son (loại súng tiểu liên quân Pháp thường dùng lúc đó) và đồng loạt xả súng vào đám người đang chạy vào bìa rừng. Lập tức, có tám người ngã xấp xuống đất, trong đó có bốn cô gái, hình như bị bắn vào chân, đang ôm chân rên la. Bốn người đàn ông nằm bất động, không biết đã chết hay chỉ giả chết?

Trừ tám người bị trúng đạn nằm ở bìa rừng cọ, tất cả số dân làng còn lại đã tản vào trong rừng cọ mênh mông và bí hiểm. Cũng giống như mọi khi, tôi và Bà Nội dừng lại ở sát mép rừng, sau một bụi cây tổng hợp cả sim, mua, mâm xôi, v.v… Từ bụi cây này, tôi có thể quan sát rõ vạt bìa rừng có tám người bị trúng đạn vừa rồi! Bốn người đàn ông vẫn nằm bất động. Bốn người đàn bà , hai người đã ngoài năm mươi tuổi, còn hai người chỉ là hai cô bé khoảng trên mười tuổi. Hai thằng lính da trắng đến bên hai cô gái, còn hai thằng lính da đen đến bên hai bà già, nhanh như hổ đói vồ mồi, nhào tới để thỏa mãn thú tính! Theo phản xạ tự nhiên, tôi trố mắt kinh ngạc và la lên một tiếng thất thanh! Và, tôi thật khó mà tin nổi, bà tôi, tay cầm cây gậy tre vẫn dùng làm đòn gánh khi chạy càn hoặc đi xa, lướt đi như gió thổi và tôi chỉ kịp nghe bốn tiếng rắc kỳ lạ - loại âm thanh không có tiếng ngân, thì đã thấy bốn thằng lính Âu-Phi đổ vật xuống thành bốn cái xác chết!...

Bà Nội biết đánh Côn từ bao giờ? Tôi chưa kịp hỏi thì Bà Nội đã nhanh chóng sơ cứu cho bốn người đàn bà suýt bị làm nhục và cùng với họ đào một cái hố lớn bên cạnh bụi cây mà chúng tôi vừa đứng, quăng xác 4 thằng lính Âu – Phi vào. Sau khi vùi kín bốn cái xác, tôi còn thấy bà trồng lên trên “nấm mồ 4 tên” một bụi sim nhỏ. Tôi nghĩ, chỉ sau hai, ba tháng là bụi sim này sẽ thành một bụi sim khổng lồ!...

*

Chuyện Bà Nội dùng tuyệt kỹ của Côn thuật đánh trúng huyệt Bách hội của bốn thằng lính Âu-Phi  chưa làm tôi hết thán phục Bà thì lại xảy ra một chuyện cũng ly kỳ không kém.  Hôm đó, Bà Nội đang dắt tôi đi thăm đồi chè thì có người đến báo tin: Ông Nội qua huyện Đoan Hùng chữa bệnh cho một người quen thì lại bị “bệnh lạ” tấn công, đang nằm bẹp gí ở nhà người quen. Nghe nói vậy, Bà Nội liền vào “Y Viện” của ông, lấy một số loại thuốc, một bộ kim châm rồi bảo tôi đi cùng, đeo cái túi thuốc cho bà. Đến nơi, Bà thấy ông Nội nằm rên hừ hừ thì bắt mạch và bảo tôi đi sắc thuốc. Trong khi chờ sắc thuốc, có gần chục người cả bệnh cũ và mới, biết tin ông tôi tới đây thì đến xin khám bệnh. Tôi không ngờ bà Nội đã giải quyết hết! Chủ nhà thấy vậy thì rất mực cung kính và lại còn đi thông báo cho người lân cận đến xin khám bệnh nữa! Qua hai ngày, sức khỏe ông Nội đã trở lại bình thường, bà trả cho ông gần chục con bệnh mới tới và bảo tôi cùng đi về, ở nhà còn rất nhiều việc!

Hai bà cháu đi tới khu rừng trám thì bất ngờ có hai thằng ăn mặc kiểu lục lâm chặn đường, đòi tiền mãi lộ. Bà Nội nói mới đi thăm bệnh về, không có tiền, thì một thằng nhăn nhở cười, nói: “Không có tiền thì có tình! Bà chịu làm vợ chúng ta một canh giờ thì ta tha mạng cho cả hai bà cháu!”. Thằng kia vừa dứt lời thì cái gậy đòn gánh trên vai bà vụt biến thành cây Côn lợi hại: Chỉ thấy nó ngã lăn kềnh ra đất, hai tay ôm hạ bộ quằn quại! Thằng đồng bọn thấy vậy thì bỏ chạy không dám  ngoái đầu nhìn lại!...

Chúng tôi tiếp tục đi. Tôi lại hỏi bà biết đánh Côn từ bao giờ, Bà nói: “Lúc nhỏ, bà theo Mẹ đi buôn muối, từ vùng biển Đồ Sơn, Thái Bình đi tuốt lên tận mạn ngược Lào Kai, Hà Giang… Những người buôn muối thường bị bọn cướp chặn đường nên ai cũng có vài miếng võ phòng thân!” Tôi lại hỏi: “Sao bà không tiếp tục đi buôn muối?” Bà nói: “Lần ấy, mẹ của bà bị sốt ngã nước, tưởng chết, may mà gặp ông Nội cháu, lúc đó còn trẻ tuổi mà y thuật đã rất giỏi, đã cứu được. Thế là bà lấy ông cháu để trả cái ơn cứu mạng! Lấy ông cháu rồi thì ở nhà phụ giúp ông chữa bệnh, người bệnh nhiều lắm!” Tôi lại hỏi mấy câu liền mà tôi đã định hỏi từ rất lâu: “Thế bà và ông có yêu nhau không? Sao ông cứ ở “Y viện” không mấy khi về nhà bà là làm sao? Cái bà ăn ở luôn trong “Y viện” của ông có phải là “Vợ lẽ” của ông không?” Bà Nội liền ngắt lời tôi: “Có những câu hỏi cháu phải tự tìm lấy câu trả lời! Cháu cứ lớn nhanh lên, khi nào cháu có vợ, có con thì cháu sẽ không phải hỏi bà nhiều như thế!”. Tôi im lặng không hỏi nữa và chợt nghĩ, sao mẹ tôi cũng có nhiều điểm giống bà là chẳng bao giờ kêu ca, phàn nàn hay nói gì về chồng mình, và điều kỳ lạ là chẳng hề bộc lộ tình cảm với chồng, và tôi chưa bao giờ thấy mẹ và bố, cũng như ông và bà nói chuyện với nhau?

3. Sau giải phóng Thủ đô 1954, gia đình tôi và cả chú tôi đều về Hà Nội, Bà Nội lúc thì ở nhà Bố tôi, lúc thì ở nhà ông chú. Hình như hai anh em bố tôi và ông chú luân phiên nhau chăm sóc bà Nội và ông Nội. Lúc đó, Bà Nội còn người con gái Út , tôi gọi là cô, lấy chồng là Chủ tịch một Xã ở huyện Phù Ninh, là còn ở quê, cho nên thỉnh thoảng bà lại về quê ở với cô con gái út. Mỗi lần bà ở quê ra, lại thấy bà khỏe mạnh ra nhiều, chắc là do bà lao động ruộng đồng nhiều. Nhưng Bố tôi và ông chú không cho như thế là tốt, tức không nên để bà lao động vất vả nữa, nên lại đón bà về Hà Nội ở với ông chú, hoặc gia đình tôi đang ở đâu thì đón bà về đó. Xét về đạo hiếu là phải chăm sóc mẹ lúc tuổi già, thì bố tôi và ông chú làm như vậy là đúng. Nhưng bà Nội là con người của Lao động, cụ thể hơn là Lao động nông thôn, nên việc tách bà ra khỏi môi trường nhà quê quen thuộc của bà là biến bà thành một người khác. Thỉnh thoảng bà lại nói: “Ngồi không nó ngứa chân, ngứa tay lắm! Bà thấy nhớ đồi chè, đồi gió… nhớ tất cả! Cái xóm Trại thật đẹp, không biết bây giờ thế nào?” Và rồi, nỗi nhớ ấy nó gậm nhấm, hành hạ bà, biến bà thành một người khác, đến nỗi khi tôi lớn lên, đi bộ đội về mà bà không nhận ra thằng cháu Đích tôn luôn được Bà cưng chiều nhất ngày xưa!...

Những ngày tháng cuối đời, bà Nội và ông Nội mới sống gần nhau, nhưng ông Nội đã lẫn chín phần, còn Bà Nội thì cũng lẫn tới năm, sáu phần. Ông không tự chủ khi đại, tiểu tiện, vì thế thường bị bà đánh thẳng tay! Những lúc bắt gặp cái cảnh bi hài kịch ấy, tôi thường nghĩ: cuộc đời con người ta bị bàn tay Con Tạo chia cắt ra thành nhiều khúc và giữa các khúc chẳng hề có mối liên hệ nào cả!...Và cho đến hôm nay, nhìn lại cuộc đời mình, tôi thấy suy nghĩ ấy rất đúng!.../.

Sài Gòn, tháng 10-2009
Đỗ Ngọc Thạch.

Cánh đồng mùa đông

10_tuyetroi04Chử Đồng Tử và người cha nghèo đến nỗi hai cha con chỉ có một cái “quần đùi”, ai có việc đi ra ngoài thì mới mặc, còn người ở nhà thì “khỏa thân”. Khi người cha sắp chết, người cha đã đã dặn giữ lấy cái “quần đùi” đó mà mặc, nhưng Hiếu Tử Chử Đồng Tử đã mặc “quần đùi” cho cha rồi mới chôn, nên không còn gì mà mặc nữa! Nếu không có chuyện gặp Công chúa Tiên Dung trong cảnh ngộ “trần như nhộng” thì có lẽ Chử Đồng Tử sẽ “khỏa thân” suốt đời!...

Khi còn nhỏ, đọc cái chuyện về Chử Đồng Tử, tôi không tin lại có người nghèo đến như thế. Nhưng sau này, có nhiều dịp sống ở những vùng nông thôn, tôi đã gặp không ít những “Cha con Chử Đồng Tử” như thế. Chỉ có điều khác là không có cái đoạn gặp Công chúa Tiên Dung đi tắm!

Tôi nhập ngũ vào Mùa Đông, tháng 12 năm 1966, được biên chế vào một Đại đội Ra-đa độc lập. Trung đội chúng tôi đặt máy Ra-đa trên một con đê của một con sông đào, vốn là thuộc hệ thống của công trình Đại Thủy Nông Bắc Hưng Hải nổi tiếng một thời. Con đê lúc này đã cây cối xanh tốt, trên mặt đê từng thảm cỏ xanh rờn. Nếu không giới thiệu thì không thể hình dung ra chỉ mấy năm trước đây còn là Đại Công trường đào sông đắp đê nhộn nhịp chấn động cả vùng đồng bằng Bắc Bộ. Phải nói sơ qua về cái Đại Công trường Thủy Nông này bởi nhân vật của truyện ngắn “Cánh đồng Mùa Đông” này chính là người đã từng được phong danh hiệu “Kiện tướng” của công trường Đại Thủy Nông này: ông Trần Phu. Song, không biết có phải cái danh hiệu “Kiện tướng” kia đã hại ông hay không mà vừa được phong danh hiệu “Kiện tướng” hôm trước thì hôm sau ông bị tai nạn: Khi đang gánh đất từ dưới hố sâu lên bờ đê thì Trần Phu bị trượt chân, lăn ngược trở lại dưới đáy hố và thật rợn người khi người xắn đất ở dưới hố vừa phóng lưỡi mai xuống đất thì bàn chân của Trần Phu lao tới, lãnh trọn nhát mai sắc lẹm và sức phóng rất mạnh của người thủ mai! Trần Phu đã bị mất gọn cả bàn chân!...

*

Những người lính Ra-đa chúng tôi dựng nhà bạt trên mặt đê, chỉ cách ụ máy phát sóng khoảng 50 mét. Ăn uống thì cử người đi vào nhà bếp của Đại đội ở đầu làng, cách bờ đê khoảng nửa cây số, gánh cơm nước về (những người tân binh chúng tôi thường được vinh dự làm việc này!). Tắm rửa, giặt rũ thì ra bờ con sông đào, nước thì thoải mái dùng không hết nhưng “phù sa” đỏ ngầu, cái khăn mặt chỉ dùng tới ngày thứ ba là đỏ màu phù sa! Điều kiện sinh hoạt ăn ở tuy có khó khăn nhưng hình như đối với những người lính trẻ, chuyện đó không quan trọng. Quan trọng nhất là mùa Đông gió lạnh, sống trên bờ đê cao là lãnh đủ mọi đợt gió mùa Đông Bắc! Song, cái lạnh của Mùa Đông sẽ tan biến hết nếu như trái tim được sưởi ấm!

Vì thế việc quan trọng nhất là lúc nào được vào Làng để gặp gỡ, tâm tình với các thôn nữ mười phần thùy mị, nết na và xinh đẹp!...

Việc vào Làng lúc đó được gọi là “Dân vận”. Mục đích của công tác Dân vận là làm sao để “Đi dân nhớ, ở dân thương”. Song, khẩu hiệu đó không cần phải hô lên vì lúc đó, người dân, mà chủ yếu là các cô gái quê, biết thương ai ngoài mấy anh lính trẻ, biết nhớ ai ngoài mấy anh lính đáng yêu! Mà thực ra, quân đội ta đã có truyền thống “Quân với dân như cá với nước” từ khi mới ra đời! …

Mỗi lần đi Dân vận là chúng tôi phải đi thành từng tổ Ba người, đây có lẽ là tổ chức nhỏ nhất trong quân đội, có từ thời kháng chiến chống Pháp, lúc đó gọi là “Tổ Tam tam”. Có lẽ việc hình thành hình thức tổ chức Tổ Ba người xuất phát từ câu ca dao cổ “Một cây làm chẳng nên non / Ba cây chụm lại nên hòn núi cao!” Nếu đúng là như thế thì công tác chính trị tư tưởng trong quân đội đã làm được một điều kỳ diệu: Tổ Ba người - Đó chính là hạt nhân tạo nên sức mạnh bách chiến bách thắng của quân đội ta! Tổ Ba người của chúng tôi gồm có ba người, gọi theo tên Khoa mà lúc người đó nhập ngũ thì là: Toán, Lý và Hóa, trong đó Lý là Tổ trưởng, Hóa Tổ phó và Tôi – Toán, tổ viên. Khi đi dân vận, Lý thường ngồi trò chuyện tâm tình với gia chủ, Hóa chăm lo việc thăm hỏi người già, Toán lo chuyện trẻ em!

Lần đi Dân vận đầu tiên, chúng tôi được giao nhiệm vụ giúp nhân dân làm vệ sinh nhà cửa, có nghĩa là nếu thấy nhà nào sống không hợp vệ sinh thì vận động sống cho hợp vệ sinh. Thời gian là cả buổi sáng ngày Chủ nhật, từ bảy giờ sáng đến 12 giờ trưa! Xin nói thêm là cho đến lúc chúng tôi đi làm công tác Dân vận vận động nhân dân sống hợp vệ sinh (những năm cuối thập niên 1960) thì về cơ bản mà nói, ở nông thôn vẫn còn nhiều nơi sống chưa hợp vệ sinh như dùng nước tắm rửa nơi Cầu ao (đó chính là nguyên nhân làm cho cả làng mắt toét), chuồng trâu, chuồng lợn liền kề với nhà ở, có nhiều nơi nhà bếp chung một chỗ với chuồng lợn (đó chính là nguyên nhân ruồi muỗi đầy nhà, cộng với việc ngủ không có màn mùng khiến các cô gái và trẻ em trên mặt luôn có vết muỗi đốt lấm tấm đỏ), đại tiểu tiện lung tung, ỉa cầu ao (gọi là “Cầu Tõm”), ỉa ngoài đồng (sướng nhất Quận Công, sướng nhì ỉa đồng), vẫn là phổ biến,v.v…

Nhà đầu tiên mà Tổ ba người chúng tôi vào là nhà ông Trần Gian, nguyên Chủ tịch Xã, Thương binh Chống Pháp. Hai vợ chồng ông Trần Gian đều đã ngoài sáu mươi tuổi, ông đi lại phải dùng nạng vì đã mất một chân, bà đi lại phải chống gậy vì lưng đã còng! Nhìn hai ông bà không còn mấy sức sống này, không ai dám nghĩ là ông bà lại có hai cô con gái xinh đẹp như Tiên nữ giáng trần! Ông Trần Gian nói ngay với Tổ Trưởng Lý: “Nhà tôi có cái việc rời chuồng Lợn ra góc vườn mà lần khân mãi vẫn chưa làm được, chỉ tại vợ chồng tôi đều già yếu, mà có hai đứa con gái lớn thì hai năm nay lại đi trực chiến bắn máy bay Mỹ hoài, không có lúc nào rảnh!...Các chú làm giúp nhà tôi được việc này thì tôi gả ngay hai cô con gái mà không thách cưới gì cả!” Tổ trưởng Lý nói ngay: “Bác nhớ giữ lời nhé!” và ra hiệu cho chúng tôi làm việc ngay! ...Chỉ hơn một giờ đồng hồ, cái chuồng lợn nằm sát góc vườn đã hoàn thành giống như trong chuyện Thần Tiên! Khi chúng tôi làm xong cái chuồng Lợn thì đúng lúc hai cô con gái ông Trần Gian đi chợ đã trở về! Ông Trần Gian nói ngay: “Đó, hai đứa con gái tôi đã hứa gả cho các chú đó! Các chú hỏi em nào ưng ai thì ta làm đám cưới ngay!”. Tổ Trưởng Lý hội ý chớp nhoáng và đi đến quyết định: “Tổ trưởng Lý cô chị, Hóa cô em, còn Toán dự bị!”. Khi hai cô gái biết được quyết định đó thì cô chị nói: “Để em dẫn anh Toán sang nhà ông chú Trần Phu, cô con gái ông Trần Phu còn đẹp hơn chúng em nhiều!”. Nói rồi cô chị, tên Nụ dẫn chúng tôi sang nhà ông Trần Phu.

Nhà ông Trần Phu ở sát hàng rào nhà ông Trần Gian. Ông Trần Phu chính là người được phong danh hiệu kiện tướng rồi bị tai nạn cụt mất bàn chân đã nói ở trên. Sau khi ông Trần Phu bị tai nạn, vợ  ông cũng đột ngột qua đời, khiến cho gia cảnh trở nên vô cùng túng quẫn. Để có tiền làm đám ma cho vợ, ông Trần Phu phải cho hai thằng con trai mới hơn mười tuổi đi ở đợ cho hai nhà giàu trong vùng. Nhà chỉ còn hai cha con – ông Trần Phu và cô con gái Trần Thị Lụa đã 17 tuổi. Ông Trần Phu sau tai nạn, sức khỏe chỉ còn non nửa trước đây, giờ ông chỉ quanh quẩn ở cánh đồng gần nhà, hôm thì mò cua, hôm thì bắt ốc. Lụa có cố gắng hết sức thì cũng không thể làm thay đổi được gia cảnh nhà cô!

Khi chúng tôi sang nhà ông Trần Phu thì chỉ có ông ta đang ngồi uống rượu với …mấy quả ổi xanh lăn lóc trên hè! Cô Nụ nói: “Có mấy anh bộ đội sang thăm chú đây! Cái Lụa nhà chú nó đâu rồi?” Ông Trần Phu như không hề say rượu (thực ra mỗi lần gọi là uống rượu, ông chỉ có thể mua được một chén sành nhỏ, có khi phải mua chịu, thì làm sao mà say!), ngồi nói chuyện với chúng tôi rất cởi mở. Ông nói, khi ông chưa bị tai nạn, ông là lực điền khỏe nhất làng, vợ ông là gái đẹp nhất Huyện, anh trai ông là chủ tịch Xã, nhà ông tuy không giàu nhưng kinh tế rất vững! Giờ ông chỉ ao ước tìm chỗ tốt lành cho con gái lấy chồng rồi ông đi gặp bà vợ xinh đẹp của mình nơi Chín Suối, chứ sống mà lắt lay thế này thì chết cho nhẹ gánh! Chúng tôi xúm vào động viên ông, thấy ông ngồi co ro, khoác tấm chiếu rách như người ăn mày, tôi cởi ngay cái áo Đông Xuân cho ông mặc (Mùa đông, mỗi người lính chúng tôi được phát thêm một áo dệt kim Đông Xuân và một áo trấn thủ. Có lẽ tôi còn trẻ khỏe nên thường không thấy lạnh, chưa bao giờ phải mặc cả áo Đông Xuân và áo Trấn thủ. Chỉ mặc một áo lót cổ vuông cũng bằng vải, một áo Đông Xuân và một áo quân phục hai túi ngực là thấy đủ ấm). Ông Trần Phu nhận áo mặc ngay và cám ơn rối rít.

Đang nói chuyện vệ sinh nhà cửa, ( Thực ra nhà ông Trần Phu chẳng có gì để mà mất vệ sinh cả, chuồng lợn, chuồng gà đều không có. Nhà có ba gian thì bố ở một đầu, con gái ở một đầu, gian giữa chỉ chỏng trơ cái phản gỗ lim là có giá. Bàn không, ghế không!) thì cô Lụa, con gái ông Trần Phu đi chợ về. Theo như cô Nụ nói thì sáng sáng, cô Lụa tranh thủ ra chợ bán mớ ốc mà ông bố Trần Phu mò bắt suốt đêm ngoài đồng lấy tiền đong gạo, mua mắm muối là vừa đủ “lương thực” một ngày cho hai bố con! Nhìn thấy cô Lụa đi từ ngoài cổng vào, thật là cảm động: đầu cô đội cái nón đã bong cái vành ngoài cùng, lớp lá mất vành bờm xơm như cỏ mới mọc, như muốn che đi một khuôn mặt xinh đẹp đến ngỡ ngàng! Chiếc áo tơi ngắn có lẽ là vật gia truyền của người mẹ đã chết sớm, choàng lên con trẻ nỗi bất hạnh truyền đời! Thấy tôi nhìn Lụa với vẻ xúc động, cô Nụ nói thật: “Ai cũng bảo hai bố con nhà này như ăn mày! Mà quả là thế, con Lụa nó chưa từng bao giờ mặc áo mới! Nó bây giờ chỉ có ba cái áo vải là mặc được mà đã vá trước vá sau! Đi đâu nó cũng phải khoác cái áo tơi ra ngoài! Thật tội nghiệp!...” Nghe cô Nụ nói đến đấy, mắt tôi thấy cay xè, miệng thấy đắng ngắt! Tôi cởi ngay cái áo sơ-mi quân phục đang mặc, đưa cho Nụ và nói: “Nụ đưa cái áo này cho cô Lụa, tôi mới nhận quân trang hôm qua đấy!”. Tổ Trưởng Lý thấy tôi cởi gần hết áo (chỉ còn cái áo lót cổ vuông – khi phát quân trang, ai cũng chê và chỉ thích áo lót ba lỗ, nhưng tôi lại thích vì có thể mặc thay áo sơ-mi quân phục khi đi ra ngoài vì nó không hở nách, có tay ngắn), Tổ Trưởng Lý cởi chiếc áo Đông Xuân đang mặc đưa tôi mà nói: “Mặc ngay vào kẻo lạnh lại sưng phổi bây giờ!” Cả Lý và Hóa cùng cười (vì tôi thường nói câu “sưng phổi”) nhưng không hiểu sao tôi lại bật khóc!...

*
Lần thứ hai đi Dân vận, chúng tôi được giao nhiệm vụ làm Tổng vệ sinh những nơi công cộng: đường đi lối lại trong Làng, Bệnh xá của Xã, Trường Tiểu học của Xã và cuối cùng là Ủy ban Nhân dân Xã. Cùng làm có cả một số thanh niên của địa phương, chuyện trò râm ran như pháo cho nên trời có gió mùa Đông Bắc mà không thấy giá lạnh, rét mướt gì cả… Gần trưa thì chúng tôi làm xong, mọi con đường đi lại trong Làng như mang một bộ mặt mới, quang đãng, sạch sẽ. Chúng tôi vào chơi nhà ông Trần Gian thì thật bất ngờ khi thấy cả ông bố của Tổ Trưởng Lý và bà mẹ của Tổ phó Hóa đang ngồi nói chuyện với nhau rất vui vẻ. Thì ra họ đã bàn bạc và thống nhất với nhau là vào dịp Tết Âm lịch sắp tới sẽ tổ chức đám cưới cho hai cô con gái ông Trần Gian với Lý và Hóa!...

Một lúc sau, Nụ mới “nháy” tôi ra nói nhỏ: “Mấy ngày nay, hai cha con ông Trần Phu đi mò cua bắt ốc ở tận cánh đồng làng bên, ngày nào cũng tối mịt mới về mà cũng không được là bao! Xem chừng  mấy ngày không có gạo mà  ăn rồi!...”. Nghe Nụ nói vậy, tôi chạy ngay về đơn vị, tới nhà bếp nói với Bếp Trưởng Tỷ: “Anh Tỷ ơi, cho tôi xin suất gạo của Tổ ba người Toán Lý Hóa đến nhà ông Trần Gian nấu món cháo Lươn đãi người nhà của Lý Hóa đến hỏi cưới con gái ông Trần Gian cho Lý và Hóa!”. Bếp Trưởng Tỷ nghe nói vậy thì nói : “Chúc mừng các cậu. Con gái ở đây đẹp nổi tiếng, lấy được vợ ở đây là tốt rồi!” Bếp Trưởng Tỷ xúc cho tôi một Ký gạo, rồi lại hỏi: “Cần nữa không?”. Tôi gật đầu thì lại xúc thêm một Ký nữa. Sở dĩ Bếp Trưởng Tỷ dễ dãi với tôi như vậy vì tôi thường được cử xuống phụ giúp nhà bếp những lúc nhà bếp có người ốm đau hoặc đi lấy gạo ở kho…Xách hai Ký gạo, tôi chạy một mạch đến nhà ông Trần Phu. Vẫn chưa thấy hai bố con ông Trần Phu về! Tôi để hai Ký gạo vào trong bếp rồi chạy tới cánh đồng Tam Thiên Mẫu, nơi tôi đoán là cha con ông Trần Phu sẽ tới đó mò cua bắt ốc vì nghe nói cánh đồng này rất nhiều loài vật sống dưới nước sinh sống!...

Đáng lẽ gần trưa thì trời phải hửng nắng và ấm lên một chút nhưng vì có đợt gió mùa Đông Bắc tăng cường cho nên trời lại lất phất mưa mà gió lạnh như quất vào mặt. Cũng vậy, như mọi khi, tôi chỉ chạy bộ khoảng năm phút là người nóng dần lên, có thể cởi dần cho tới hết quần áo rồi nhảy ùm xuống con sông đào, bơi qua bơi lại hai lần, nhưng hôm nay không hiểu sao càng chạy càng thấy lạnh!...

Khi chạy tới gần khu vực cánh đồng Tam Thiên Mẫu, tôi bỗng thấy một đám hơn chục người đang xúm xít xung quanh cái gì đó. Tôi chạy lại đám đông hỏi thì có người nói: “Có hai người đi mò cua bắt ốc bị cảm lạnh đột ngột, đã tắt thở!”. Tôi giật mình, vội lách đám đông vào thì bàng hoàng khi nhìn thấy cả hai người đều mặc áo tơi, người đàn ông thì bên trong mặc chiếc áo Đông Xuân màu xanh của bộ đội, còn cô gái thì mặc chiếc áo quân phục của bộ đội bằng vải Tô Châu vẫn còn mới!...

Sài Gòn, ngày 21,22 -11-2009
Đỗ Ngọc Thạch

nguồn: vannghechunhat.net


3 Bà nội 81
4 Cánh đồng mùa đông 139
6 Ký ức Hà Nội 97


Tìm tag: truyện ngắn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét