Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2011

Top 10 truyện ngắn Đ.N.Thạch - Trích: Lời thề thứ 2; Con gái viên đại úy


Top 10 truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch - Trích: Lời thề thứ 2; Con gái viên đại úy


Thư mục: Truyện ngắn
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEh1Xew6MO038Q6VvJZ-EME4mdARQz73-yaIENSW-XE-Tev8EiZu9TpRxndBlgcViwoLj732GGr8mDWm-BZSWuqKBiSP-3XCmJwhl8BTGsLetdBpmzXrOTV7It2T4zt4bYW9u9ek4cOXgmw/s320/aothai.jpg

Top 10 truyện ngắn Đ.N.T: Trích:
Lời thề thứ 2; Con gái viên đại úy.

Bài viết được quan tâm

Lời thề thứ hai

Chủ nhật, 16 Tháng 10 2011 15:11 TRUYỆN - Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch
Duyet_binhTrong mười lời thề danh dự của người chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam thì “Lời thề thứ hai” là ngắn nhất, chỉ có 27 chữ nhưng được vận dụng thực hiện thường xuyên nhất và nhiều khi quyết định đến sinh mạng của người chiến sĩ. Vì thế tôi xin được dẫn nguyên văn lại đây:

“Tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh cấp trên; khi nhận bất cứ nhiệm vụ gì đều tận tâm, tận lực thi hành nhanh chóng và chính xác”.
Với Lời thề thứ hai này, chúng ta thường nghe nói đến câu “Quân lệnh như sơn”, ý muốn nói mệnh lệnh trong Quân đội nặng và lớn như Núi, vì thế không thể xem nhẹ, xem thường. Hoặc khi nói về người lính, ta thường nghe câu “Chỉ đâu đánh đấy”, ý muốn nói, người lính nhất cử nhất động đều phải làm theo mệnh lệnh cấp trên! Và sáng nào cũng như sáng nào, khi tập hợp điểm danh Trung đội, chúng tôi phải thay nhau đọc lại 10 lời thề, và riêng Lời thề thứ hai thì phải đọc lại tới lần thứ hai, mặc dù không hề đọc sai. Về cái chuyện đọc thuộc lòng 10 Lời thề trước hàng quân này, tôi và mấy người lính tân binh cùng nhập ngũ luôn bị gọi đứng ra đọc. Lúc đầu thì thấy bình thường nhưng tới lần thứ một trăm, rồi một ngàn thì thấy đầu óc mình có “vấn đề”, tức khi đọc thì không còn thấy “xúc động” như vài lần đầu mà cứ đọc như một cái máy, và rồi cũng làm theo những mệnh lệnh như máy!...
Như vậy, người lính khi ở trong quân ngũ không thể “Hãy là chính mình”! Nhưng là một cá thể, anh ta luôn có nhu cầu “Hãy là chính mình”! Vì thế ở đây đã xảy ra “ngàn lẻ một” bi hài kịch của mối quan hệ giữa “Cái Tôi” và “Cái Ta” của Người lính!...
*
Khi mới nhập ngũ, trừ những người học ở Học viện Quân sự, thì ai cũng đều đeo quân hàm Binh Nhì, đó là một miếng tiết màu đỏ, ở giữa có gắn một ngôi sao (ở một số Binh chủng thì miếng tiết có màu khác, chẳng hạn như Không quân màu xanh da trời, Biên phòng màu xanh lá, Hải quân màu đen). Đó là cái quân hàm thấp nhất của quân đội và với người lính thì nó là thời kỳ đẹp nhất bởi nó là tuổi trẻ hồn nhiên, trong sáng, vô tư nhất! Nếu muốn so sánh thì có thể so sánh với học sinh Mầm Non - như trang giấy trắng!... Vì người lính Binh Nhì như trang giấy trắng nên rất nhiều người cấp trên muốn “viết” lên trang giấy trắng đó, và họ đã viết những gì, viết như thế nào?
Khi mới nhập ngũ, tôi đeo lon Binh Nhì, tất nhiên! Và, như là một “Lẽ tự nhiên”, tôi rất vô tư, hồn nhiên đối với chuyện cấp bậc, quân hàm. Và cả đám lính Binh Nhì chúng tôi - những sinh viên Năm thứ nhất của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, đều không hề cảm thấy bé nhỏ, thấp hèn khi đeo cái quân hàm Binh Nhì, mà sau này tôi mới biết, ở trong quân đội, không ai muốn đeo cái quân hàm Binh Nhì, khi đi ra khỏi đơn vị, thường là tháo quân hàm Binh Nhì ra đút vào túi áo! Thực ra, chúng tôi không hề “xấu hổ” khi đeo quân hàm Binh Nhì vì được biết rằng, việc chúng tôi đeo quân hàm Binh Nhì chỉ là tạm thời, sau đó sẽ gọi đi học Kỹ thuật Quân sự ở nước ngoài, chính vì thế mới tới trường Đại học để tuyển quân, và chúng tôi là đợt tuyển quân đầu tiên của chủ trương này. Vì thế khi nghe các cô gái đọc câu ca rất phổ biến lúc đó “Ai ơi, chớ lấy Binh Nhì / Năm đồng một tháng lấy gì nuôi con?”, chúng tôi không thấy “Tự ái” mà lại thấy thích vì đã được đi vào ca dao của dân gian, do tính chất truyền khẩu của thể loại văn học dân gian này mà muôn đời sau ai cũng phải nhớ đến những người lính Binh Nhì chúng tôi!
Sau một tháng huấn luyện tân binh, đám lính sinh viên - Binh Nhì chúng được được chia ra thành từng tốp năm, ba người rồi điều tới tất cả các Đại đội Ra-đa của Binh chủng Ra-đa trên phạm vi toàn quốc! Nghĩ đến câu “Chia để trị” trong một bài học lịch sử, tôi cứ nghĩ không biết người ta có áp dụng “chính sách” đó với chúng tôi không? Tôi được điều về Đại đội 41, thuộc Trung đoàn 291. Đó là những con số đầu tiên ràng buộc lên “Định mệnh” của tôi!...
Đối với người lính Binh Nhì, Tiểu đội Trưởng là “Thủ trưởng trực tiếp”, tức người ra lệnh trực tiếp hàng ngày, trên là Trung đội Trưởng, trên nữa là Đại đội Trưởng v.v… nếu cần cũng có thể ra lệnh trực tiếp. Nhưng theo như qui định phổ biến thì lệnh thường được phát ra từ người trên một cấp, tức Trung đoàn ra lệnh cho Đại đội, Đại đội ra lênh cho Trung đội, Trung đội ra lệnh cho Tiểu đội và cuối cùng là Tiểu đội ra lệnh cho… đội viên - tức người lính Binh Nhì. Nhân đây cũng nói thêm về một cấp bậc quân hàm cũng được gọi là lính nữa là quân hàm Binh Nhất. Sau 6 tháng, Binh Nhì sẽ được lên Binh Nhất, tức Năm đồng lên thành sáu đồng, một sao thành hai sao. Trên Binh Nhất gọi là Hạ sĩ quan, tức quan cấp dưới, quan nhỏ nhất trong hàng quan, gồm có ba cấp bậc quân hàm là Hạ sĩ, Trung sĩ và Thượng sĩ. Chức vụ Tiểu Đội trưởng của chúng tôi thường là Trung sĩ hoặc Thượng sĩ, còn Hạ Sĩ thường là Tiểu đội phó!
*
Tiểu đội Trưởng đầu tiên của tôi là Trung sĩ Mai, nhập ngũ năm 1965, tức trước tôi một năm. Trung sĩ Mai có tướng mạo nông dân một cục: khuôn mặt to, mũi cung to, còn gọi là mũi sư tử, mắt hơi híp và luôn cười tít mắt. Trung sĩ Mai đang học dở lớp 9 thì nhập ngũ, dân “Cầu Tõm” chính hiệu (tức quê ở Hà Nam - đồng hương với nhà thơ trào phúng họ Tú). Vì không phải là người “thân cận” với Trung đội trưởng nên Trung sĩ Mai sống khá thoải mái tới mức phóng túng. Và đặc biệt rất thích “Bay thấp” - từ để chỉ chuyện đi “tán gái” ở nơi đóng quân! Mỗi khi Tiểu đội khác trực ban chiến đấu (tức mở máy phát sóng Ra-đa…), thì Trung sĩ Mai lại đi vòng quanh “doanh trại” (thực ra chỉ là một cái lều bạt, dựng lên trên mặt đê bốn bề lộng gió) một hồi rồi đứng giữa sân hô to: “Tiểu đội một hàng ngang tập hợp!”. Sau đó, Trung sĩ Mai ra lệnh cho Tiểu đội phó phụ trách Tiểu đội huấn luyện chuyên môn tại trại và riêng tôi thì đi theo làm nhiệm vụ “đặc biệt”! Lần đầu tiên, tôi tưởng là “Nhiệm vụ đặc biệt” thật nên thích lắm, đi được vài bước đã hỏi: “Nhiệm vụ đặc biệt gì vậy?” Trung sĩ Mai cười tít mắt: “Nói thế để “ngụy trang” mà thôi! Thực ra là chúng ta được đi chơi!”. Tôi ngạc nhiên hết sức: “Sao lại đi chơi trong lúc…” - tôi chưa kịp nói hết câu thì biết mình “nói hớ” và chỉ còn thắc mắc là tại sao Trung sĩ Mai lại chọn tôi? Như là “đi guốc trong bụng” tôi, Trung sĩ Mai nói: “Lệnh mật của Trung đội và Đại đội là phải “cải tạo” đám “Lính sinh viên” các cậu thật mạnh tay, tức bắt lao động chân tay thật nhiều và quản thúc thật chặt! Nhưng tớ lại nghĩ khác, các cậu là “nhân tài đất nước” nên cần phải biết cách “chăm sóc tài năng” chứ không nên đì, hành hạ cho bõ ghét như thế!...”. Nghe Trung sĩ Mai nói, tôi mới dần vỡ lẽ ra tại sao những nhiệm vụ quan trọng chúng tôi không được “chạm tay” vào, tại sao việc “phát triển Đảng” lại không nhắm vào chúng tôi và tại sao lại gọi đám “lính Sinh viên” chúng tôi là “học sinh tiểu tư sản” để phân biệt với những người lính Nông dân ra đi từ đồng ruộng và trình độ văn hóa thường rất thấp, phổ biến là cấp hai Trung học Phổ thông… Lúc đó, một phần do tôi còn quá ấu trĩ chính trị, phần khác bản tính lại rất vô tư, rất ham vui nên không suy nghĩ nhiều về chuyện “phân biệt giai cấp” này! Vì thế, tôi chỉ hỏi Trung sĩ Mai câu cuối cùng: “Nhưng tại sao Tiểu Đội trưởng lại chọn tôi?”. Trung sĩ Mai nói ngay: “Vì tớ cảm thấy thích cậu, thế thôi! Đi với tớ, cậu sẽ khôn lên rất nhiều và chủ yếu là được ăn “bánh bao”, ăn “đào Tiên” thoải mái! Tớ tài cán thì không có gì đặc biệt, trình độ văn hóa lại mới lớp 8 trường Huyện, nhưng có “năng khiếu” tán gái nhất làng, nhất Huyện luôn! Cậu chỉ việc quan sát cho thật kỹ rồi linh hoạt làm theo, không chừng còn vượt xa sư phụ!”…
Phần “Lý thuyết” của Trung sĩ Mai vừa kết thúc thì chúng tôi đã tới xóm làng, cách con đê nơi chúng tôi đóng “Đại bản doanh” hơn nửa cây số, lúc đó mới hơn ba gờ chiều, lối ngõ vắng teo, gió hiu hiu thổi... Trung sĩ Mai đang lẩm nhẩm “Rẽ phải, rẽ trái hay đi thẳng” thì có hai thôn nữ đột ngột xuất hiện như Tiên nữ giáng trần, chỉ cách chúng tôi khoảng năm mét! Mai như là không có cảm giác “bất ngờ” giống tôi mà như viên đạn đã lên nòng chỉ việc phóng đi tới sát hai cô gái, sát tới mức mà đã đụng vào hai cô gái! Tôi không kịp nhìn hai bàn tay của Mai đã “thao tác” như thế nào mà đã thấy hai người líu ríu rồi cười rúc rích, rồi cùng biến mất sau hàng cây dâm bụt chỉ có hai bông màu đỏ đang đung đưa!... Tôi chưa hiểu chuyện gì xảy ra thì cô thôn nữ thứ hai tiến sát lại tôi, vừa cười vừa nói: “Anh là Tân binh à? Số lính sinh viên tháng trước còn tập đi một, hai ở đây rất đông, đúng không?”. Tôi gật đầu mà không biết nói gì vì đang mải nhìn cái mồm cô ta thật là có duyên, cặp môi mọng đỏ tự nhiên, ươn ướt và lấp lánh khi ánh mặt trời chiếu vào! Tôi vừa chuyển cái nhìn xuống bộ ngực căng tròn, cái nút áo ngực bằng khuy bấm đã bị bật ra, khiến cho hai quả đào tiên lấp ló thật kỳ ảo!... Cô gái lại vừa cười vừa nói: “Anh là đệ tử của Trung sĩ Mai sao mà nhát thế? Hai quả đào tiên này em mời anh đó, không nhanh tay là hỏng ăn đó!”. Nghe đến đó thì tôi mới giật mình và hình dung ra phần nào bộ dạng “Thắng Ngố” của mình lúc đó, và lập tức, cô gái đứng thẳng người, hô lên bằng một giọng mạnh mẽ, có sức thôi thúc, cuốn hút kỳ lạ: “Nghiêm!... Binh Nhì Thạch nghe lệnh: tiến thẳng tới mục tiêu là hai quả đào tiên mà tây Vương Mẫu đã ban tặng!”. Như là quán tính của người lính sau khi nghe lệnh là thực hiện lệnh ngay, tôi tiến lại cầm lấy tay cô gái mà nói: “Đào Tiên đã bén tay phàm / Thì ăn cho biết Thiên đàng ở đâu!”. Cô gái thấy vậy thì cười khanh khách rồi kéo đầu tôi một cái khiến cả khuôn mặt của tôi bị ép chặt bởi hai quả “đào Tiên”!...
Hai ngày liền sau đó, Trung sĩ Mai lại dẫn tôi đi “dự tiệc Bàn đào” và tôi không còn phải ngỡ ngàng như lạc vào động Tiên nữa bởi “Con ong đã tỏ đường đi lối về”!... Nhưng đến ngày thú tư thì trung sĩ Mai nói: “Hôm nay không đi tiệc Bàn đào mà đi “ăn bánh bao”! Nhưng phải chú ý kẻo nghẹn!...”.
*
Kế hoạch “ăn bánh bao” chuẩn bị đến giờ G thì Trung sĩ Mai tìm tôi nói: “Cuộc vui nào cũng có lúc tàn, nhưng không ngờ cuộc vui này lại tàn sớm thế!”. Tôi ngạc nhiên hỏi: “Thế là sao?”. Trung sĩ Mai nói giọng nửa buồn nửa vui: “Cái duyên hội ngộ của anh em ta đã hết! Tớ vừa được Đại đội báo là ngày mai phải lên Trung đoàn bộ nhận lệnh ngay! Có lẽ là đi thành lập thêm một Đại đội mới, như thế tất được thăng chức, Trung đội trưởng chẳng hạn!”. “Chúc mừng anh!... - tôi nói thành tâm - Nếu tốt số, anh có thể lên tới Đại đội trưởng!”. Mai cười lớn: “Đại đội trưởng thôi sao? Rồi cậu xem, tớ sẽ lên tới Đại tá! Thiếu tướng thì tớ không thích vì ít sao quá, Đại tá có những bốn sao, hai gạch, chật cứng cả cổ, ấm cổ suốt đời!” (Quả nhiên, hai mươi năm sau, ngẫu nhiên gặp lại Tiểu đội Trưởng Mai ngày nào ở Sài Gòn, Mai đang đeo quân hàm Đại tá, nhưng không ở Bộ đội Ra-đa mà ở một Tỉnh đội). Sau đó tôi có nghe nói Trung sĩ Mai được điều về một đơn vị mới đang đóng quân ở tuốt “trên miền Tây Bắc”, làm Trung đội Trưởng chỉ ba tháng thì đã lên chức Đại đội phó, rồi Đại đội trưởng!...
Khi Trung sĩ Mai đi khỏi, Tiểu đội Phó lúc đó cũng tên là Phó, cho nên như là số mệnh, không được lên thay chức Tiểu đội Trưởng vừa khuyết mà người Tiểu đội Trưởng từ nơi khác điều về, là Trung sĩ Khang. Trung sĩ Khang nhập ngũ còn trước Trung sĩ Mai một năm, đã thành “Trung sĩ i-nốc”. Trung sĩ Khang người xứ Nghệ, ở huyện Thanh Chương, là con một ông Tướng nào đó, nhưng lười chuyện học hành mà lại chăm chuyện “chơi bời” cho nên đang học ở trường sĩ quan thì bỏ dở, chuyển qua lại rất nhiều đơn vị và làm “Tiểu đội Trưởng chuyên nghiệp”! Tôi thấy lạ bèn hỏi: “Tại sao anh không lên Trung đội, Đại đội, rồi Trung đoàn mà cứ giữ mãi cái chức Tiểu đội trưởng như vậy?”. Trung sĩ Khang cười nói: “Làm cho đến Tướng thì cũng làm gì có quân, tức tướng “Không quân”! Người nắm quân lính trong bàn tay chính là Tiểu đội đội trưởng chứ không phải ai khác! Vì thế, tớ chỉ thích làm Tiểu đội trưởng để có chục anh lính tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh cấp trên mà sai khiến, thế là đủ! Đừng có tham chỉ huy cả Trung đoàn, Sư đoàn rồi Binh đoàn gì đó, thực ra đó không phải là lính của anh!”.
Tiểu đội tôi lúc đó có mười người, cộng với Tiểu đội Trưởng Khang và Tiểu đội Phó là đúng mười hai con giáp. Buổi nhận chức đầu tiên, Khang kéo tất cả tiểu đội ra tận Như Quỳnh, vào một cái quán phở gọi chủ quán ra nói nhỏ gì đó rồi tuyên bố: “Từ hôm nay, chúng ta, 12 con Giáp nguyện sống với nhau như huynh đệ nhưng là một người lính trung thành! Bắt đầu từ Sửu (tức Tiểu đội Phó cho đến Hợi (tức tôi, mỗi người sẽ mang tên một con Giáp), mỗi người hãy đọc một lượt Lời thề thứ hai rồi uống cạn ly rượu thề này!”. Xong, nhà quán bưng ra đầy nhóc bàn ăn được ghép lại từ hai bàn, có cả gà luộc, gà rán, thịt bò xào v.v… có nằm mơ những anh lính binh nhì chúng tôi cũng không dám nghĩ tới! Mọi người ăn uống rào rào, riêng tôi vẫn theo thói quen là trong tất cả các bữa tiệc, phải ăn rất chậm để quan sát mọi người, bởi lúc được ăn uống no say, con người ta bộc lộ rõ nhất bản tính của mình! Tôi nghĩ chắc là Khang muốn nhân bữa ăn này để thu phục nhân tâm và nắm vững binh tình? Quả nhiên, Khang đang nói to, nói nhiều nhưng thực ra là đang “nghiên cứu” đám lính binh nhì của mình! Khi ánh mắt Khang đụng cái nhìn “a-ma-tơ” của tôi, Khang dơ ngón tay làm bộ chỉ trỏ vào tôi rồi cụng ly cạn chén với tôi! Uống xong, Khang mới vỗ vai tôi, nói: “Tớ thích cậu nhất đấy, tớ sẽ chọn cậu làm đệ tử chân truyền!”. Khang nói vậy có nghĩa là từ sau hôm đó, Khang đi đâu, làm gì cũng có tôi bên cạnh! Tôi thầm nghĩ, đúng là cái số mình có sao Tả Phù, Hữu Bật luôn chiếu sáng!...
*
Nếu như Tiểu đội Trưởng Mai thể hiện rất rõ phong cách Thuần Nông thì Tiểu đội Trưởng Khang là rất rõ phong cách Đế Vương! Thực ra cả hai phong cách này chỉ khác nhau ở “cái vỏ ngôn ngữ” tức khẩu khí lúc ăn nói, còn cái đích mà nó muốn hướng tới và cung cách thực hiện thì không khác gì nhau. Tức lúc ăn nhậu và lúc “hưởng lạc thú” thì cả hai đều giống nhau. Tuy nhiên, “Phong cách Đế Vương” của Tiểu đội Trưởng Khang có vẻ hoa mỹ và được mọi người “nể mặt” hơn!
Các “thủ pháp” tán gái của Trung sĩ Khang cũng không khác gì của Trung sĩ Mai, tuy có khác đôi chút về “phong cách”. Nếu như Trung sĩ Mai chủ yếu là làm cho đối phương “tâm phục khẩu phục” rồi khiến đối phương “đồng thuận, tình nguyện” vào cuộc truy hoan, thì Trung sĩ Khang như là ép buộc đối phương phải tuân theo! Mỗi lần nhớ đến Trung sĩ Mai, tôi lại nói với Trung sĩ Khang: “Đôi bên phải cùng chí hướng thì mới cộng hưởng được chứ. Khoái cảm là kết quả của sự cộng hưởng!”. Trung sĩ Khang cười nói: “Không sai, nhưng đó chỉ là một cách chứ không phải tất cả! Rồi cậu sẽ được biết có tới ngàn lẻ một cách sướng, chẳng cách nào giống cách nào!”. Và quả nhiên sau đó, Trung sĩ Khang đã cho tôi được “mục sở thị” những quái chiêu của mình. Lúc này, Khang mới giải thích rõ ràng: “Cậu có biết tại sao cậu lại được chọn đi với tớ không phải với tư cách thằng hầu, thằng lính sai vặt mà là với tư cách bạn chơi, với tư cách khán giả. Cậu thử nghĩ xem ai lại chơi cờ một mình, hoặc người nghệ sĩ khi trình diễn thì phải có khán giả chứ!”. Tôi lại hỏi lại câu hỏi đã hỏi nhiều lần: “Nhưng tại sao anh lại chọn tôi? Tôi không khỏe mạnh, nhanh nhẹn để có thể làm vệ sĩ cho anh, lại cũng không đa mưu túc kế để có thể làm quân sư cho anh?”. Trung sĩ Khang cười như vớ được vàng: “Chính câu hỏi đó khiến tôi nghĩ đã không lầm khi chọn cậu. Cái típ người khiêm tốn, giản dị như cậu khi gặp tình huống nguy cấp mới phát lộ năng lực mạnh mẽ, sẽ rất được việc chứ không bỏ chạy trước tiên như những kẻ thường ba hoa, khoác lác quen đánh võ mồm!”. Ba ngày sau thì lời nhận xét đó của Trung sĩ Khang đã được thể hiện khá rõ.
Hôm đó, đúng vào ngày 22-12, tức ngày đại lễ của quân đội nói chung. Cả đại đội được lệnh vui chơi cả ngày, bữa ăn trưa sẽ là đại tiệc, các Trung đội sẽ đến nhà bếp Đại đội nhận đồ ăn về liên hoan. Buổi sáng, tại sân Chỉ huy sở Đại đội, có tổ chức đấu cờ Tướng và vài trò chơi lặt vặt như ném vòng vào cổ chai, thả bóng bàn vào chậu v.v… Mọi người đều tham gia vui vẻ. Trung sĩ Khang kéo tôi vào làng, nói: “Đó là những trò giải trí tầm thường, tớ sẽ dẫn cậu đến một chỗ rất vui!”. Tôi băn khoăn nói: “Chúng ta đi “đánh lẻ” thế này lỡ bị phát hiện thì sao?”. Khang cười nói: “Sao hôm nay cậu nhát thế? Đã bảo là cả Trung đội và Đại đội đều không dám làm gì tớ đâu! Hôm nay tớ tiết lộ cho cậu biết bí mật này nhé: Đại đội trưởng vốn là lính cũ của ông bố tớ từ thời chống Pháp, gửi tớ xuống đây nhờ chăm sóc đấy!”. Thì ra điều tôi phỏng đoán là đúng!...
Chúng tôi vào một căn nhà ở cuối làng. Căn nhà nhỏ nhưng khá sạch đẹp, xung quanh là vườn cam quýt trĩu quả. Cái cổng bằng tre chỉ khép hờ, Trung sĩ Khang mở cổng bước vào như đã quen thuộc nơi này. Chúng tôi vừa đi được bốn năm bước thì có một cô gái quần áo xộc xệch từ trong nhà lao vút ra, vừa nhìn thấy chúng tôi thì nói nhanh, giọng hổn hển: “Cứu em với! Có hai thằng mất dạy nó định cưỡng hiếp mẹ con em!”. Trung sĩ Khang đỡ cô gái, còn tôi thì không hiểu sao lại thản nhiên đi tới trước cửa và nói lớn: “Toàn tiểu đội bao vây căn nhà chờ lệnh!... Hai thằng kia, từng thằng bước ra, hai tay vòng sau gáy! Tao đếm đến ba! Một…” Tôi chưa kịp đếm đến hai thì hai thằng thanh niên vọt ra cửa, chạy về phía vườn cam bên trái rồi chui qua hàng rào biến mất. Tôi đuổi theo như quán tính thì thấy có quả lựu đạn rơi ra từ túi quần một thằng. Tôi lại gần nhìn kỹ thì thấy giống y như đồ chơi bằng nhựa của trẻ con. Tôi nhặt lên quay lại nhà thì thấy Trung sĩ Khang đang động viên vỗ về cô gái, còn ở trong buồng vẳng ra tiếng khóc tấm tức của người mẹ! Thì ra nhà này chỉ có hai mẹ con, người mẹ hơn ba mươi tuổi, cô con gái mới mười sáu tuổi… Theo như Khang nói lại sau đó thì hai thằng kia mang lựu đạn vào uy hiếp hai mẹ con, tuy sợ nhưng khi sắp bị làm nhục thì cả hai mẹ con cùng chống cự quyết liệt, cô gái khỏe mạnh nên vọt thoát ra ngoài, người mẹ bị hai thằng  giữ chặt, sắp “Hành động” thì chúng tôi tới!...
*
Chúng tôi trở về Trung đội thì vừa tới bữa ăn, mọi người đã ngồi quây quần ở gian đầu, được trải một tấm vải bạt lớn, thức ăn ngổn ngang ở giữa, có tới bốn năm món. Đây là chỗ Trung đội trưởng thường ngồi làm việc, có hai cửa thông ra ngoài, một để đi ra, một để đi vào, ở đầu hồi. Ngồi ở đây, Trung đội trưởng có thể nhìn bao quát cả trung đội của mình trong cái nhà bạt dài thòng này, và ai đi ra, đi vào đều qua sự giám sát của Trung đội trưởng.
Trung sĩ Khang nói: “No say đi cho quên chuyện buồn!” rồi nhào vào “chiến đấu” ngay!... Bữa tiệc được nửa “chặng đường”, tất cả đã “ngà ngà” thì có bốn thằng thanh niên bịt mặt như trong phim, bước vào nhà bạt của Trung đội. Hai thằng chặn ở hai cửa, hai thằng bước vào, đứng hai bên những người ngồi ăn trên tấm vải bạt trải dưới đất! Một thằng nói, giọng như quỷ sứ: “Tất cả ngồi im không nhúc nhích thì sẽ sống! Nếu chống cự, tao chỉ thả tay ra là quả lựu đạn sẽ nổ tan xác tất cả!”. Trung đội trưởng nói ngay, bình tĩnh như đóng phim: “Vậy chúng mày muốn gì? Muốn ăn thịt gà thì lấy đi!”. Thằng kia nói ngay: “Chúng tao muốn lấy bốn khẩu súng AK trên giá súng kia kìa!”. Trung đội trưởng lại nói: “Không được! Đó là vũ khí quân dụng, không thể đưa cho người thường sử dụng!”. Thằng kia lập tức quát to: “Không nhiều lời! Đưa bốn khẩu súng AK kia ra đây ngay (giá súng có hơn chục khẩu vừa CKC, vừa AK đặt ở quãng giữa nhà bạt, sát vách), hay là muốn tan xác!”. Vừa nói, thằng kia vừa tiến lại phía Trung đội trưởng, đặt tay có cầm quả lựu đạn lên đầu Trung đội trưởng. Mặt Trung đội trưởng thoáng biến sắc. Hầu như tất cả đều ngồi bất động nhìn Trung đội chờ lệnh phát ra từ Trung đội trưởng - người có chức vụ và quân hàm cao nhất ở đây lúc đó.
Và không phải đợi lâu, chỉ sau một phút, Trung đội trưởng nói: “Binh Nhì Thạch!... Tới giá súng lấy bốn khẩu AK giao cho họ!”. Tôi nhìn Trung đội trưởng lưỡng lự và nhìn Tiểu đội trưởng của mình là Trung sĩ Khang như muốn hỏi: “Có nghe theo lệnh này không?”, bởi theo nguyên tắc thì khi có mặt Tiểu đội trưởng, tất cả mọi mệnh lệnh từ trên truyền xuống người lính thì đều phải qua Tiểu đội trưởng! Trung sĩ Khang nhìn tôi rồi nhắm mắt lại, đó là ám hiệu bảo tôi tùy cơ ứng biến, tức tự mình ra lệnh cho mình! Thấy tôi lưỡng lự, chưa chấp hành ngay mệnh lệnh, thằng bịt mặt đang uy hiếp Trung đội trưởng nói: “Thằng kia, làm theo lệnh của trung đội trưởng của mày đi chứ!”. Lúc đó, tôi đang ngồi gần như đối diện với Trung đội trưởng, tức ngay sát thằng bịt mặt thứ hai. Lúc tôi nói “Rõ! Xin tuân lệnh” và vụt đứng lên, ngay sát thằng bịt mặt thứ hai thì bỗng ngửi thấy mùi gì quen quen? Khi tôi sắp tới giá súng thì chợt nhớ lại lúc nãy, khi ở nhà hai mẹ con người con gái bị cưỡng  bức, lúc đuổi theo một thằng làm rơi quả lựu đạn đồ chơi, tôi cũng thấy có mùi như vậy! Tôi khẳng định ngay cái mùi tôi vừa nhận ra chính là mùi của thẳng bịt mặt thứ hai và điều quan trọng hơn là: bọn này dùng lựu đạn giả! Tôi phác nhanh hành động: lại giá súng lấy khẩu AK rồi lên đạn dọa bắn, đuổi chúng ra ngoài! Nói là làm, khi tôi kéo “quy-lát” lên đạn “soạch, soạch” và nói ngắn gọn: “Cút ngay không tao bắn vỡ sọ!” thì cả bốn thằng cùng quẳng bốn quả lựu đạn xuống đất rồi ù té chạy! Tôi đuổi theo ra ngoài, bốn thằng đang chạy ríu vào nhau, chỉ cách tôi hai chục mét! Không cần nghĩ lâu, tôi nhằm vào tám cái chân và kéo cò, một tràng âm thanh ù tai vang lên, lập tức cả bốn thằng đổ rạp xuống đất!...
Tôi quay vào nhà bạt, thấy trung đội trưởng đang cầm hai quả lựu đạn giả xoay đi xoay lại, ngắm nghía rất kỹ! Còn Trung sỹ Khang thì cầm ly rượu tới đưa tôi và nói: “Khá lắm! Thế mới gọi là đệ tử thân tín của Trung sĩ Khang! Cậu mà nghe lệnh Trung đội có mà hố to! Nhớ nhé!...”. Tôi không nói gì, đầu óc như mây bay lãng đãng… Bỗng Trung sĩ Khang nói quát: “Binh Nhì Thạch! Đọc lại Lời thề thứ hai rồi uống cạn ly rượu!”. Tôi đứng nghiêm và đọc ngay Lời thề thứ hai rồi uống cạn ly rượu. Thực hiện hai mệnh lệnh một lúc quả là khó nhưng đó là mệnh lệnh dễ chịu nhất của đời lính Binh Nhì của tôi!...
Và đó cũng là mệnh lệnh cuối cùng của Tiểu đội Trưởng - Trung sĩ Khang ra lệnh cho tôi, bởi ngay ngày hôm sau tôi được điều đi đơn vị khác!...

Sài Gòn, 10-12-2009
Đỗ Ngọc Thạch
< Lùi Tiếp theo >
 

Con gái viên đại úy

Thứ năm, 27 Tháng 10 2011 15:31 TRUYỆN - Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch
hoasim1.“Tên khai sinh của tôi là Cầm Tịnh . Họ Cầm là một họ lớn của người Thái Tây Bắc, bỏ chữ Cầm tôi cũng tiếc lắm, nhưng tôi vẫn thích được gọi là Thanh Tịnh hơn, bởi vì được mang tên nhà thơ là một vinh dự lớn không dễ gì có được !” – đó là câu tự giới thiệu khi có ai đó hỏi : “ Nhà thơ Thanh Tịnh là người xứ Huế sao ông lại nói giọng Bắc ?”

Trước hết phải xin lỗi nhà thơ Thanh Tịnh để xin được gọi nhân vật của truyện ngắn này là Thanh Tịnh vì anh ta không chịu gọi là Cầm Tịnh . Đi tới đâu , anh ta cũng thích được giới thiệu rằng “ Đây là nhà thơ Thanh Tịnh !”. Chắc rằng nhà thơ Thanh Tịnh cũng đồng ý vì anh ta thuộc hết những bài tấu của nhà thơ và có thể nói đó là một trong số không nhiều lắm  những người truyền bá không mệt mỏi, không ngưng nghỉ cho thể tài này của nhà thơ  !

Xin được nói sơ lược vài nét Lý lịch trích ngang của “nhà thơ Thanh Tịnh”. Là con của một gia đình người dân tộc (Thái) có công với cách mạng , Thanh Tịnh được vào học trường Thiếu sinh quân rồi tiếp theo là trường sĩ quan. Ra trường , với quân hàm Thiếu úy , lại có tài ăn nói (Thanh Tịnh không chỉ có tài thuộc hết thể độc tấu của nhà thơ xứ Huế Thanh Tịnh  mà còn thuộc gần hết “Thơ Bút Tre” và những truyện cười dân gian, truyện “ Tiếu Lâm”…)  nên Thanh Tịnh được quân lực xếp vào loại hạt giống của công tác tuyên truyền – văn nghệ. Từ trợ lý Trung đoàn , lên trợ lý Sư đoàn , rồi trợ lý Bộ Tư lệnh Binh Chủng, Quân Chủng… Không biết Thanh Tịnh sẽ lên cao tới đâu trên con đường “Binh nghiệp”  nếu như đồ thị trường đời không bị trồi lên sụt xuống như là đồ thị hình Sin trong toán học : từ thiếu úy lên đại úy một mạch, rất nhanh, nhưng lên thiếu tá được một hồi lại tụt xuống đại úy , rồi lại lên thiếu tá, rồi lại tụt xuống đại úy, rồi lên thiếu tá lần thứ ba, lần này lên tiếp trung tá, nhưng được vài tháng lại xuống thiếu tá, rồi xuống  nữa , tức đại úy ! Nói tóm lại Thanh Tịnh cứ lên , xuống trong khoảng từ đại úy đến trung tá như vậy không biết bao nhiêu lần trong suốt gần bốn chục năm của con đường “Binh nghiệp”.  Tôi, người viết cái truyện này , gặp Thanh Tịnh khi anh ta đang là  Trợ lý văn nghệ Trung đoàn, còn tôi là giáo viên văn hóa (dạy văn hóa hết trình độ phổ thông cho sĩ quan cấp úy).

Tôi là giáo viên văn hóa nên ngoài những đợt có lớp học, tôi không có việc gì phải làm thường xuyên, thường theo Thanh Tịnh cho vui và cố nhiên là cần “điếu đóm” là có tôi ngay. Tuy hơn tôi hai tuổi và quân hàm thì hơn hẳn mấy cấp  nhưng Thanh Tịnh mày tao chí tớ rất bình đẳng và có chuyện gì “bí mật”   cũng kể hết cho tôi, có “phi vụ” gì cũng rủ tôi đi cùng . Đó là vào cuối thập niên 1960 – khi mà cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước ở cả hai miền Nam , Bắc đều rất ác liệt !  Với khẩu hiệu “Tiếng hát át tiếng bom”, công tác văn hóa – văn nghệ càng được coi trọng hơn bao giờ hết  và vào những đợt Hội diễn văn nghệ từ cấp Trung đoàn trở lên vai trò, vị trí của Thanh Tịnh  thật là đặc biệt , ở đâu cũng thấy nhắc đến Thanh Tịnh , các thủ trưởng luôn gọi điện hỏi thăm, động viên Thanh Tịnh luôn lập công đầu và không khó khăn gì để các thủ trưởng thăng cấp, lên sao cho Thanh Tịnh . Nhưng ,chữ ký  còn chưa ráo  mực  thì Thanh Tịnh lại có “Phốt”, và thường là ký quyết định giáng cấp, hạ sao  nhanh hơn thăng cấp, lên sao vì những lúc ấy không có hội diễn văn nghệ , trời lại quá nóng bức hoặc quá giá rét !

Thực ra , tôi đã biết Thanh Tịnh từ ngày mới nhập ngũ. Chúng tôi được tập trung huấn  luyện tân binh ở một đại hội Ra-đa. Lúc đó Thanh Tịnh mới ra trường, là trợ lý văn hóa, văn nghệ, thông tin tuyên truyền của Bộ tư lệnh Binh chủng (Binh chủng Ra-đa là binh chủng mới được thành lập , có lẽ là binh chủng ra đời muộn nhất của quân đội NDVN). Thanh Tịnh (từ đây gọi tắt là TT ) đến nói chuyện thời sự và đọc thơ Bút Tre, diễn độc tấu rất có duyên, rất lành nghề. Người nghe hết vỗ  tay rào rào lại cười nghiêng ngả. Tan cuộc, có hơn mười cậu tân binh xúm quanh TT xin chép mấy bài thơ Bút Tre, vừa chép vừa cười  như phao nổ. Cách đám tân binh vây quanh TT khoảng chục bước chân  , có hai cô thôn nữ đang bá vai bá cổ nhau cười khúc khích, thi thoảng lại đùn đẩy nhau, đâm lưng nhau thùm thụp!...TT đã nhìn thấy hai cô thôn nũ , anh dơ tay ra hiệu “xì-tốp” và nói:

- Thôi đủ rồi! Của quý thì phải tiêu hóa từ từ kẻo bội thực thì khốn! Bây giờ tôi có một trò chơi rất hay. Các bạn nhìn thấy hai cô thôn nữ xinh đẹp kia không ?

Mọi người thoắt im lặng, ánh mắt đổ dồn vào hai cô gái. TT nháy mắt vẻ tinh quái, nói:

- Bây giờ chúng ta chơi trò đánh cá: trong năm phút, ai “cưa”  đổ hai cô gái kia, một  cũng được, thì mọi người phải nộp hết số tiền có trong túi !

Đám tân binh nhìn nhau rồi nhìn hai cô gái, ngần ngừ. TT chỉ chờ có vậy, nói:

- Tôi sẽ nhận nhiệm vụ “thợ cưa”, ai đánh cá xin dơ tay !

Tất cả đều dơ tay! TT nói cần một  đồng đội hợp đồng tác chiến rồi tiện tay kéo tôi đi theo. Được bốn năm bước, TT bỏ tôi lại mà vọt lên, thoắt cái đã tới bên hai cô thôn nữ. Không biết anh ta nói gì mà một cô đi lại phía tôi. Cũng không biết anh ta nói gì mà cô kia đi cùng anh ta một đoạn rồi cả hai người mất hút sau hàng dâm bụt um tùm !...Còn cô gái đi lại phía tôi, đúng cách tôi khoảng hai bước chân, tay cứ vân vê tà áo, mắt cứ cụp xuống  như là nhìn ngực mình!  Tôi chỉ nói được một câu chào rồi cứ vuốt tóc, sờ tai mà không biết nói gì! …Tôi đang định hỏi tên cô gái thì giật mình khi thấy TT đã đứng nhìn đồng hồ rồi nói:”Đúng năm phút!” và nói với cô gái đang vân vê tà áo :”Lại đây, các anh tân binh muốn làm bạn với em đó!    TT cầm tay cô gái kéo đi nhưng cô gái giật tay lại và vùng chạy, miệng gọi lớn “Na ơi!...”TT và tôi quay trở lại đám tân binh tuyên bố thắng cuộc. Mọi người hỏi bằng chứng thì TT lấy trong túi quần ra một cái “xi-líp” gí vào mũi từng người  mà nói:”Mùi gái trinh thơm tho chưa !...”.Tất cả đám tân binh kinh ngạc tột độ !...

2. Hồi kháng chiến chống Pháp, rồi chống Mỹ, chuyện “luyến ái bất chính” bị coi là “tội lỗi” và thường bị trừng phạt khá nặng. Như TT là nhẹ, các thủ trưởng cấp trên còn nương tay vì dù sao anh ta có tài văn nghệ, người có tài thường có tật, tài và tật có thể bù trừ cho nhau. Việc “trị tội” TT chỉ xảy ra khi có  cô gái nào đó kiện cáo, tố giác lại gặp đúng lúc vị thủ trưởng nào đó không ưa TT. Còn nếu xử tội “luyến ái bất chính” đối với TT một cách sòng phẳng theo số lần tái phạm thì có lẽ TT phải bị giáng xuống cấp bậc thấp nhất, tức binh nhì !...

Đến đây, chắc có bạn đọc sẽ cho là “nhiễu sự”, nhòm ngó vào  chuyện  “đời tư’ của người ta làm gì? Vâng, quả đúng là như vậy, tôi chẳng để ý đến những chuyện “chim  chuột” của TT làm gì nếu như tôi không gặp cô con gái của TT. Đó là vào năm 1994, tôi đang làm biên tập cho một tờ báo tuần của Bộ LĐ, TB-XH. Một hôm, tôi nhận được một bài viết về một vấn đề khá nhức nhối có nhan đề “Những đứa con không bố”. Mới đọc nhan đề, cứ nghĩ đó là những đứa trẻ mồ côi cha. Hai cuộc chiến tranh lâu dài và gian khổ, ác liệt chống Pháp rồi chống Mỹ đã cướp đi sinh mạng của rất nhiều người cha ở chiến trường.  Trở lại bài báo, đọc xong mới té ngửa vì không phải viết về những đứa con có bố hi sinh ở chiến trường  mà là những đứa con không biết bố mình là ai bởi vì  từ khi  đứa bé còn là thai nhi đến khi tồn tại trên cõi đời, người bố không hề xuất hiện ! Người mẹ của những đứa trẻ này có nhiều biểu hiện khác nhau : người thì giấu kín , tìm cho con một người bố hợp pháp bằng cách cưới chồng khi thai nhi mới một, hai tháng ,  người thì ở vậy nuôi con nhưng không hề nói bố đứa bé là ai, người thì tìm cho con một người bố dượng, vân vân ! Bài báo đặt vấn đề phải đi tìm người bố “mất tích” kia và phải trừng phạt bằng pháp luật ! Nhìn địa chỉ tác giả ở cuối bài viết tôi nghĩ đây là một cô bé sinh viên năm cuối khoa báo chí chắc chắn hiểu biết về sự đời chưa là bao, đây chắc là một bài tập về việc viết báo mà cô ta đã làm ở lớp học, thử gửi đến  tờ báo có nội về những vấn đề  xã  hội này xem có đăng  được không ? Nghĩ  vậy nên tôi xếp vào tập bài lưu, chỉ cho đăng tên cô ta ở  Hộp thư :  Cầm Thị Tĩnh .

Tôi  sẽ quên luôn chuyện bài báo  và cái tên Cầm Thị Tĩnh nếu như không có sự việc sau :  một tuần sau tôi lại nhận được bài báo “Những đứa con  không bố” nhưng lần này chỉ viết về một người bố mà có tới chín mươi chín đứa con ! Theo bài báo thì tác giả đã mất bốn năm để đi đến những địa chỉ mà người bố kia đã   “gây tội ác”  rồi   “quất ngựa truy phong”  để gặp những đứa con không bố đó ! Kèm theo bài báo là danh sách và địa chỉ chín mươi chín đứa con chưa biết mặt bố!  Còn người bố kia là ai thì bài báo nói rằng  nếu sau khi bài báo được đăng, công luận lên tiếng và pháp luật ra tay thì tác giả mới cho biết tên và địa chỉ của ông ta ! Nhìn vào danh sách địa chỉ của chín mươi chín đứa con tôi giật mình khi chợt nhớ lại có một lần, TT đã cho tôi xem mấy trang trong cuốn nhật ký của anh ta có danh mục “ Những nơi đã đi qua”, theo trí nhớ không tồi của tôi thì những địa danh của danh sách chín mươi chín đứa con này chính là những địa danh đã được ghi trong sổ nhật ký của TT  ! Chẳng lẽ …

Tôi tìm đến nhà của Cầm Thị Tĩnh không khó khăn gì, một căn hộ vừa phải trong khu phố “Nhà binh”.  Tĩnh là một cô gái xinh đẹp, hài hòa và cân đối. Cô càng đẹp một cách rực rỡ trong y phục người Thái: đầu đội khăn Piêu, áo chẽn trắng bó sát khuôn ngực nở nang làm cho hàng cúc bạc lấp lánh kỳ ảo. Tôi xin cam đoan rằng tấm ảnh cô chụp cùng với người mẹ trong y phục người Thái năm cô 20 tuổi là tấm ảnh đẹp nhất về người phụ nữ Thái mà tôi từng được biết !...

Tĩnh ở nhà một mình . Mẹ cô đang nằm viện vì bệnh ung thư tụy . Bà cũng trạc tuổi tôi, đã phục vụ hơn 30 năm trong quân y viện, quân hàm thượng tá. Chồng bà, tức bố của Tĩnh, đúng như  tôi dự đoán, chẳng phải  ai xa lạ  mà chính là nhân vật TT đã nói đến từ những dòng đầu tiên  của truyện ngắn này. Lúc có quyết định nghỉ hưu, TT đang mang quân hàm đại úy, đó là vào năm 1996. Lúc này, TT  còn đang tại ngũ và làm việc ở khu vực phía Nam.  Giá như tôi được gặp TT tại đây, tại nhà anh ta, bên cạnh vợ con thì hay quá, bởi muốn nhìn nhận một cách đầy đủ về một người cha thì phải nhìn thấy anh ta sống như thế nào trong ngôi nhà của mình, bên cạnh vợ và con !

Ngồi nói chuyện với Tĩnh hồi lâu, tôi đã quan sát  cô gái rất kỹ , bằng cả thuật tướng  số , bằng cả linh cảm, trực giác mà không hề thấy một chút, dù là mờ ảo bóng dáng, dấu ấn của người cha – tức TT, ở cô gái này ! Tôi phỏng đoán : TT mê mải với những cuộc tình gió trăng bên ngoài, tất “hệ thống phòng thủ” ở nhà – hậu phương, anh ta chẳng ngó ngàng gì – bị xâm lăng là tất yếu! Cô gái dường như đang sốt ruột chờ câu trả lời của tôi về bài báo “Những đứa con không bố’, có dùng hay không? Tôi thì đang phỏng đoán lung tung, cho nên cuộc nói chuyện kéo dài mà chẳng ăn nhập gì cả! Tôi không biết phải trả lời thế nào với Tĩnh về bài  báo? Báo đang tập trung vào những vấn đề thời sự của xã hội, trọng tâm của ngành như giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, xuất khẩu lao động, v.v…còn bài viết của Tĩnh, thực chất là vấn đề “con hoang” tức con ngoài giá thú, là vấn đề muôn thuở, lúc nào đề cập đến cũng được, lờ đi cũng không sao! Nhưng với Tĩnh lại rất bức xúc, biết nói thế nào bây giờ? Tiếng chuông điện thoại nhà Tĩnh réo liên hồi, cắt ngang sự suy nghĩ của tôi. Tĩnh nghe điện thoại, mặt cô lộ rõ vẻ hốt hoảng. Đặt ống nghe xuống, Tĩnh vừa nói vừa run:”Mẹ cháu không ổn rồi, mẹ cần gặp cháu ngay !”

Tôi đi cùng Tĩnh đến bệnh viện, bà mẹ Tĩnh đã rất yếu, hơi thở mong manh, tiếng nói nhẹ như gió thoảng. Bà mẹ hé mắt nhìn Tĩnh, nói nhỏ:

- Con tha lỗi cho mẹ, mẹ đã giấu con hai mươi năm nay. Bố đẻ của con là chú Tình chứ không phải ông Cầm Tịnh.! Chú ấy vẫn yêu mẹ, vẫn không lấy vợ để chờ ngày đón mẹ con mình về…Mẹ thật có lỗi với chú ấy… Con hãy về với bố đẻ của con…con sẽ hạnh phúc…

Tĩnh gục xuống mẹ, khóc ngất…Bà mẹ cũng trào nước mắt – những  giọt nước mắt  cuối cùng của người đàn bà bất hạnh…Môi bà mấp máy như muốn nói điều gì nhưng không nói được nữa…Đúng lúc đó, một người đàn ông mang quân hàm đại tá bước vào. Đó là nhà báo Văn Trọng Tình, học  trước tôi một năm ở trường Đại học. Ông  đến bên hai mẹ con Tĩnh. Bà mẹ cầm lấy  bàn tay run rẩy của ông Tình đặt lên bàn tay đẫm nước mắt của Tĩnh. Người mẹ âu yếm nhìn hai người, nở một nụ cười nhẹ nhàng rồi nhắm mắt lại vĩnh viễn !,,,

3,

Sau đám tang mẹ, Tĩnh chủ động đến Tòa báo gặp tôi, nói:

- Cháu xin lại bài báo bởi cháu không còn là Cầm Thị Tĩnh nữa mà là Văn Bình Tĩnh. Đời luôn nhiều bất trắc nên người ta phải bình tĩnh mọi  lúc, mọi nơi, có vậy mới có thể đối mặt với nó !

- Vậy cháu không định đưa những thằng bố không bao giờ biết đến mặt con ra trước vành móng ngựa nữa hay sao? – Tôi ngạc nhiên hỏi.

- Cháu cần thời gian để bình tĩnh suy nghĩ cho kỹ. Trước hết, cháu cần gặp ông Cầm Tịnh. Ông ta hiện đang ở Sài Gòn. Mai cháu sẽ đi Sài Gòn…- Tĩnh nói rồi chào tôi ra về.

Ngày hôm sau, tôi cũng có việc phải đi xa: đến  Sở  lao động, TB-XH Đắc Lắc. Đến Đắc Lắc, Sở cử người phụ trách chương trình nước sạch đưa tôi đi Bản Đôn. Đến Bản Đôn, thật bất ngờ, tôi đã gặp “nhà thơ Thanh Tịnh”. Thì ra TT đang khảo sát thực địa  để đầu tư vào Bản Đôn. Nhìn những con voi to lớn kềnh càng đang lững thững bước đi trên trảng cỏ, TT chậm rãi nói thủng thẳng:

- Khi tiếp xúc với những anh bạn to xác này tớ thấy mình như bước sang một thế giới khác, kỳ lạ lắm, cứ như là lạc vào vườn địa đàng… Khi nghe truyện Vua voi Khunsunôp, tớ bị cuốn hút mãnh liệt… Tớ đang chờ Quyết định nghỉ hưu, sau đó thành lập công ty TNHH Vua Voi, tớ sẽ làm du lịch, làm sống lại thời oanh liệt của vua voi Khunsunôp!...Tớ sẽ là Vua Voi Khunsunôp thời đại mới !...

- Vậy anh bỏ nghề nói chuyện  thời sự, đọc thơ Bút Tre  và diễn tấu Thanh Tịnh hay sao? – Tôi ngạc nhiên hỏi.

- Bỏ sao được ! Những cái đó đã trở thành máu thịt, giờ sẽ được đem ra phuc vụ khách du lịch!...Bây giờ  mời  cậu và cả anh bạn “Nước sạch” đến nhà mới của tớ ở Buônmê, cậu sẽ có thêm ngạc nhiên về cái ông “Đại úy i-nốc” này !

Quả là đáng ngạc nhiên khi tôi tới nhà của TT. Nhà xây theo kiểu “Gô-tích”, rất rộng, trước và sau đều có mảnh vườn trồng đủ các loại hoa – rất hợp với chủ nhà là người “chơi hoa” tham lam và dễ tính : “hoa “ gì cũng chơi, cốt ở số lượng – “càng nhiều càng ít” !... Ra mở cổng là người đàn bà trạc tứ tuần nhưng phong thái đi đứng, ăn mặc không khác gì hoa hậu. Chúng tôi ngồi chưa được năm phút thì các món ăn nghi ngút hương thơm đã được bày ra kín bàn. Tôi lại bị ngạc nhiên nữa khi người rót rượu là một cô gái hao hao giống  “hoa hậu Tứ tuần” nhưng trẻ hơn nhiều. Thấy tôi chăm chú nhìn cô gái, TT nheo mắt cười ranh mãnh rồi nói:

- Ông bà ta có câu “Mía ngọt đánh cả cụm”, tớ chỉ là cậu học trò nhỏ mà thôi!...

Bữa tiệc rượu được nửa giờ thì người phụ trách chương trình nước sạch nhận được điện thoại, về trước. Lúc đó, TT mới kể cho tôi nghe về hai phu nhân mới này. Bà chị tên Kháng, bà em tên Chiến. Gia đình hầu hết đều là quan chức, như bà Kháng đây đã làm tới chức phó chủ tịch huyện. Ông chồng làm tới phó chủ tịch tỉnh thì được ra Hà Nội học gì đó, mê mẩn mấy cô người mẫu, ở lại luôn thủ đô. Bị chồng ruồng bỏ, bà vợ uất quá, định nhảy xuống sông Sê-rê-pôc thì TT  bất ngờ xuất hiện!...Khi TT kể đến đây, bà cựu phó chủ tịch huyện che miệng cười rúc rích. TT bèn nói:

- Đoạn hay nhất tôi xin nhường lời cho phu nhân đệ nhất !

Cạn xong  li rượu nhỏ, đệ nhất phu nhân nói liền một mạch mà không e dè gì cả:

- Lúc đó, em đang  vịn vào thành cầu, nhìn xuống dòng sông cuộn chảy mà thấy sợ quá, run quá tưởng như sắp rơi xuống sông!...Em không muốn chết ! Em định la lên thì anh TT xuất hiện ngay sau lưng em, ôm lấy em mà nói:”Đừng dại dột”. Em thấy có vật gì cưng cứng  chọc vào mông, tưởng như nòng súng của bọn cướp, bèn thò tay ra sau nắm lấy, ai ngờ nó lại âm ấm, mềm mềm, cứng cứng…

- Thế là em nắm chặt lấy, đúng không ? – TT chen ngang.

- Anh thật là tinh quái !...- “hoa hậu bốn mươi” lườm TT cũng bằng ánh mắt tinh quái rồi nói tiếp – Chính ngay lúc đó em chợt nghĩ,  ông trời đã bù đắp cho em thật hậu hĩnh.  Ông chồng cũ của em, cái ấy chỉ như của trẻ con. Mấy bà bên Hội phụ nữ cứ găp em là trêu “đuôi chuột ngoáy lọ mỡ”!...

Bà em – đệ nhị phu nhân – giờ mới góp lời:

-Từ ngày em bị cái “dùi cui cảnh sát” của anh ấy đánh gục, em bị mất biệt danh “Người đàn bà thép”, giờ cả văn phòng huyện Đoàn  gọi em là bà “Cảnh sát trưởng”!

TT đã say mèm, cầm muỗng gõ xuống tô lè nhè  hát :” Chú voi con ở Bản Đôn, chưa có "ngà" nên gọi trẻ con…”. Điện thoại của tôi reo, thì ra cô con gái viên đại úy (giờ là con gái ngài đại tá) gọi cho tôi từ Sài gòn. TT say thế nhưng vẫn biết tôi đang nghe điện thoại, nói:

- Ai gọi thì bảo tới đây chơi luôn, không  say không về !

Tôi nói thật đó là  cô bé Tĩnh gọi thì TT giật nảy người :

- Không được !...Cậu nói là tớ đang làm việc ở ngã ba biên giới, rồi sẽ đi  Natarakiri.! Bảo nó lấy chồng đẻ con đi, đừng có nghĩ vớ vẩn !...- Rồi TT lại lè nhè hát – Chú voi con…

Như là vô thức, tôi nói lại cho cô bé Tĩnh những gì TT vừa nói, lập tức tôi nghe Tĩnh nói:

- Chú nói với ông ta rằng nếu trốn cháu, cháu sẽ thuê bọn xã hội đen tới  cắt dái !

Tôi nói lại với TT, ông ta líu ríu:

- Thôi được, thôi… nói với nó là mai tôi sẽ xuống Sài Gòn trình diện, được chưa?

Tôi lại nhận được điện thoại nói lên Pleicu rồi Kon Tum gấp, thế là tôi bỏ đi luôn, tiếng hát lè nhè của  TT cứ như là đuổi theo thành cái đuôi:”Chú voi con ở Bản Đôn…Chưa có buôi... nên gọi trẻ con …”…

Tới Plêi Cu rồi đi Kon Tum tiếp, ba ngày liền mệt nhoài, vậy mà vẫn phải đi tiếp tới huyện Đăc Glêi. Trời tối mịt mới tới  Ủy ban huyện. Trong lúc ngồi uống bia 333 không đá với UB huyện, khi tôi lơ mơ ngủ gà ngủ gật thì nghe cậu chánh văn phòng Ủy ban nói:

- Ở bên Buôn Mê có ông sĩ quan quân đội bị cắt “của quý” ngay tại nhà !...

Tôi định gọi cho cô bé Tĩnh hỏi xem thế nào nhưng lại nghĩ,  chuyện ông TT bị trừng phạt là tất nhiên, sớm hay muộn, nặng hay nhẹ mà thôi !...

Đỗ Ngọc Thạch

nguồn: vannghechunhat.net
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEh1Xew6MO038Q6VvJZ-EME4mdARQz73-yaIENSW-XE-Tev8EiZu9TpRxndBlgcViwoLj732GGr8mDWm-BZSWuqKBiSP-3XCmJwhl8BTGsLetdBpmzXrOTV7It2T4zt4bYW9u9ek4cOXgmw/s320/aothai.jpg

http://cema.gov.vn/images/cms/cms_9737.jpg Cô gái Thái & khăn Piêu
nguồn ảnh : Internet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét