Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2013

Lưu Quang Vũ...; Nguyễn Duy...- Đỗ Ngọc Thạch


Hai bài Phê Bình về Lưu Quang Vũ và  Nguyễn Duy - Đỗ Ngọc Thạch
 
Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2010 đã trao giải “Thành tựu trọn đời về Thơ” cho Tuyển thơ Gió và Tình yêu thổi trên đất nước tôi (NXB Hội Nhà văn và Nhã Nam hợp tác xuất bản, H.2010) của cố thi sĩ Lưu Quang Vũ (1948-1988). Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi (2010) với hơn 100 thi phẩm có thể xem như tuyển tập thơ Lưu Quang Vũ đầy đủ, công phu và kỹ lưỡng nhất cho đến thời điểm này. Tuyển tập thơ sẽ đem lại cho độc giả hình dung khá toàn diện về hành trình thơ Lưu Quang Vũ, nơi mỗi chặng đường đều in dấu những suy nghĩ, xúc cảm sâu đậm của tác giả và ghi dấu nhiều biến động của lịch sử, xã hội trong những thập niên cuối của thế kỷ 20. 
Xem chi tiết
nguồn: nguoibanduong.net
Chuyển đến trang  [trước]   1,  2,  3   [sau]
 
Lưu Quang Vũ “Sống mãi tuổi 17” - Đỗ NgọcThạch
[29.10.2010 22:13]
Xem hình
 
Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2010 đã trao giải “Thành tựu trọn đời về Thơ” cho Tuyển thơ Gió và Tình yêu thổi trên đất nước tôi (NXB Hội Nhà văn và Nhã Nam hợp tác xuất bản, H.2010) của cố thi sĩ Lưu Quang Vũ (1948-1988). Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi (2010) với hơn 100 thi phẩm có thể xem như tuyển tập thơ Lưu Quang Vũ đầy đủ, công phu và kỹ lưỡng nhất cho đến thời điểm này. Tuyển tập thơ sẽ đem lại cho độc giả hình dung khá toàn diện về hành trình thơ Lưu Quang Vũ, nơi mỗi chặng đường đều in dấu những suy nghĩ, xúc cảm sâu đậm của tác giả và ghi dấu nhiều biến động của lịch sử, xã hội trong những thập niên cuối của thế kỷ 20.

Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi  được chia làm năm phần, theo thứ tự thời gian: Phần 1: Hương cây;  Phần 2: Viết cho em từ cửa biển;  Phần 3:  Đất nước đàn bầu;  Phần 4: Mắt của trời xanh ;  Phần 5: Những đám mây ban sớm.
Hình ảnh “Mây trắng” là một hình ảnh đẹp trong thơ Lưu Quang Vũ từ những vần thơ đầu tiên. Đó là những bài thơ Tình Lưu Quang Vũ viết cho Tố Uyên, chẳng hạn như trong bài Vườn trong phố:
 “Nơi ban đầu lòng ta ươm tổ mật 
 Nơi ta hái những chùm thơ thứ nhất 
 Nơi thu sang mây trắng vẫn bay về”.
Và đó chính là lý do để Vũ gọi “Mây trắng” là Nàng Thơ của mình, tỏa bóng suốt cuộc đời mình:
“Trên mái nhà, cao vút rừng cây
Trên rừng cây những đám mây xô dạt
Trên ngày tháng, trên cả niềm cay đắng
Thơ tôi là mây trắng của đời tôi”
(Mây trắng của đời tôi)
Lưu Quang Vũ coi Thơ là niềm đam mê lớn nhất trong cuộc đời cầm bút của mình, anh thường nói với bạn bè: “Kịch là công việc, thơ là hồn phách”. Anh làm thơ như một thôi thúc nội tại mãnh liệt, làm thơ như ghi nhật ký, làm thơ ngay cả khi không thể đăng báo hay chia sẻ cùng ai. Để lại một di sản thơ không nhỏ, nhưng sinh thời, Lưu Quang Vũ mới in được nửa tập thơ trong Hương cây - Bếp lửa (in chung cùng Bằng Việt - 1968), hai tập Mây trắng đời tôi (1989) và Bầy ong trong đêm sâu (1993) ra mắt bạn đọc sau khi anh mất. Chính vì vậy, Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi (2010) với hơn 100 thi phẩm có thể xem như tuyển tập thơ Lưu Quang Vũ đầy đủ, công phu và kỹ lưỡng nhất cho đến thời điểm này. Tuyển tập thơ sẽ đem lại cho độc giả hình dung khá toàn diện về hành trình thơ Lưu Quang Vũ, nơi mỗi chặng đường đều in dấu những suy nghĩ, xúc cảm sâu đậm của tác giả và ghi dấu nhiều biến động của lịch sử, xã hội trong những thập niên cuối của thế kỷ 20.
Đọc Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi ta hình dung được không chỉ số phận của chính nhà thơ mà là số phận của cả dân tộc, đất nước qua trường kỳ lịch sử, có những lúc rực rỡ hào hùng, cũng có cả những năm tháng vật vã khổ đau. Và riêng cuộc đời nhà thơ, dù có không ít tháng ngày u ám, cô đơn, đổ vỡ, có lúc tuyệt vọng... song  “Khổ đau dẫu nhiều tôi chọn niềm vui”, “Để luôn luôn được trở lại với đời” :
                                 
Ước chi được hóa thành ngọn gió
Để được ôm trọn vẹn nước non này
Để thổi ấm những đỉnh đèo buốt giá
Để mát rượi những mái nhà nắng lửa
Để luôn luôn được trở lại với đời…
Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi…
(Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi)
Bên cạnh hơn một trăm bài thơ được chia làm năm phần, sắp xếp theo trình tự thời gian, tuyển tập còn bao gồm phần thủ bút của Lưu Quang Vũ trích trong tập Cuốn sách xếp lầm trang. Việc ra mắt một tuyển tập dày dặn, công phu về thơ Lưu Quang Vũ không chỉ là cơ hội để người đọc tìm lại những vần thơ từng một thời được say đắm, đến với những bài thơ còn ít được biết đến, mà hơn thế, đây thực sự còn là dịp để Lưu Quang Vũ được nhìn nhận, và ghi nhận ở một tầm vóc mới, xứng đáng hơn trong nền thơ ca VN hiện đại, bởi cho đến nay mà nói, thơ ca VN hiện đại thời kỳ chống Mỹ - thời kỳ thơ LQV xuất hiện, - không có tên LQV trong đội ngũ các nhà thơ tiêu biểu vốn cùng xuất hiện và cùng lứa tuổi với Lưu Quang Vũ như Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy, Nguyễn Đức Mậu, Thanh Thảo, v.v… 
*
Lưu Quang Vũ sinh tại tại Phú Thọ, là con trai nhà viết kịch Lưu Quang Thuận (quê Đà Nẵng) và bà Vũ Thị Khánh, và tuổi thơ sống tại Phú thọ cùng cha mẹ. Khi hòa bình lập lại (1954) gia đình ông chuyển về sống tại Hà Nội. Từ 1965 đến 1970, Vũ nhập ngũ, phục vụ trong quân chủng Phòng không - Không quân. Đây là thời kỳ thơ Lưu Quang Vũ bắt đầu nở rộ. Từ 1970 đến 1978: xuất ngũ và làm đủ mọi nghề để mưu sinh, làm ở Xưởng Cao su Đường sắt do Tạ Đình Đề làm Giám đốc, làm hợp đồng cho NXB Giải phóng, chấm công trong một đội cầu đường, vẽ pa-nô, áp-phích,...Từ 1978 đến 1988: Lưu Quang Vũ làm biên tập viên Tạp chí Sân khấu, bắt đầu sáng tác kịch nói với vở kịch đầu tay Sống mãi tuổi 17, viết lại theo kịch bản của Vũ Duy Kỳ.
Chỉ trong khoảng 10 năm, Vũ đã là tác giả của gần 50 vở kịch và hầu hết các vở kịch của Vũ đều được các đoàn kịch, chèo dựng thành công dưới sự chỉ đạo của nhiều đạo diễn nổi tiếng, đã làm sôi động sân khấu Việt Nam một thời như: Hồn Trương Ba da hàng thịt, Lời thề thứ 9, Bệnh sĩ, Khoảnh khắc và vô tận, Ông không phải bố tôi, Tôi và chúng ta, Tin ở hoa hồng, Nàng Sita, v.v… Vở kịch đầu tay "Sống mãi tuổi 17" được trao tặng Huy chương Vàng Hội diễn sân khấu năm 1980. Lưu Quang Vũ được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 2 (năm 2000) về nghệ thuật sân khấu. Tuy được giải thưởng lớn về sân khấu như vậy, nhưng theo như nhiều nhà nghiên cứu văn học, nhiều nhà thơ thì Lưu Quang Vũ là một Thi sĩ đích thực, thơ mới là cái làm nên Lưu Quang Vũ, như nhận định sau của nhà thơ Vũ Quần Phương: “Nhưng đọc hết các bản thảo anh để lại, tôi thấy thơ mới là nơi anh ký thác nhiều nhất và tôi tin nhiều bài thơ của anh sẽ thắng được thời gian. Hình như Lưu Quang Vũ cũng nhận ra điều đó. Anh nói với nhiều bạn bè rằng anh thích được làm thơ hơn cả viết kịch lẫn viết truyện, rằng thành công của thơ thường mang cho anh niềm vui lâu hơn dù nhuận bút tiêu có chóng hết hơn. Cố nhiên với Lưu Quang Vũ hay với chúng ta, không có sự khinh trọng giữa các loại hình nghệ thuật. Ở đây chỉ muốn nói tới cái tạng của anh. Tôi thấy trước sau cốt cách thi sĩ vẫn là nét trội nhất trong tâm hồn anh. Tôi cũng trộm nghĩ, về lâu dài, sự đóng góp của Lưu Quang Vũ về thơ còn lớn hơn về kịch” (Vũ Quần Phương: Đọc thơ Lưu Quang Vũ)
Nhận xét trên của Vũ Quần Phương là đúng và nói “Ðắm đuối đó là một đặc điểm của suốt đời Lưu Quang Vũ” cũng rất đúng và tôi muốn nói thêm cái sự “đắm đuối” ấy không chỉ là “đặc sản” của riêng Lưu Quang Vũ mà là của cả một thế hệ cùng trang lứa khi đó, mà dễ thấy ngay ở Bằng Việt, người “bạn đường” với Lưu Quang Vũ trong tập thơ in chung “Hương cây - Bếp lửa”:
"Lẵng quả thông" trong suối nhạc nhiệm màu 
Hay "Chuyến xe đêm" thẫn thờ, mê đắm 
Mùi cỏ dại trên cánh đồng xa thẳm 
Một bầu trời vĩnh viễn ướp hương hoa…
(Bằng Việt: Nghĩ lại về Pauxtopxki)
Song, khi Vũ Quần Phương nói tiếp : “Gần như cả tập Cuốn sách xếp lầm trang, hai mươi hai bài, đều chưa đăng cả. Mà đây là một tập hay, có lẽ hay nhất trong các tập của Lưu Quang Vũ. Tôi đọc và sửng sốt, đây là một Lưu Quang Vũ khác, một Lưu Quang Vũ mà bạn bè còn ít biết tới. Ở đây anh cô đơn hơn, cay đắng hơn và nhiều ý nghĩ của anh bế tắc quá. Nhưng cũng chính ở đây anh viết thực chân thành, trái tim trần trụi nhoi nhóp đập sau nét chữ mảnh mai như chữ con gái - chưa bao giờ tôi thấy thơ Lưu Quang Vũ chân thành đến tàn nhẫn với chính mình như ở tập này. Anh ghi lên giấy tất cả những gì đã có ở lòng anh, không cần biết những ý tình ấy có phù hợp hay không với thời cuộc. Lưu Quang Vũ không gửi đăng ở đâu. Anh viết cho anh thôi, cho nhu cầu của riêng anh, trước hết. Nhưng chắc chắn anh tin rằng tập thơ sẽ có lúc được xuất bản vì một lý do đơn giản: nó hay, hay vì nó đã diễn đạt tinh vi được một tâm trạng mà tâm trạng đang cảm xúc cao độ những gì mà nó đang sống” - thì tôi thấy không còn đúng nữa. Thứ nhất, cả tập Cuốn sách xếp lầm trang…không thể “là một tập hay, có lẽ hay nhất trong các tập của Lưu Quang Vũ”. Thứ hai, nếu nói nó hay “vì nó đã diễn đạt tinh vi được một tâm trạng mà tâm trạng đang cảm xúc cao độ những gì nó đang sống” , song tâm trạng đó lại “có nhiều ý nghĩ bế tắc”, thì quả là không ổn. Diễn tả tâm trạng cô đơn, bế tắc không phải là sở trường, không phải là cảm hứng chủ đạo trong thơ Lưu Quang Vũ, mà chỉ là một “thời kỳ đen tối” đã trở thành “kỷ niệm buồn” mà chính bản thân Vũ cũng muốn xóa bỏ trong bộ nhớ, đã được Lưu Quang Vũ bộc bạch thành cả một bài thơ:
Tôi chẳng muốn kỷ niệm về tôi là một điệu hát buồn
Bao bài ca xáo trộn trong tôi
Có tiếng khóc của con chim gẫy cánh
Tiếng đau rên của ngôi nhà đổ sập
Tiếng con thuyền không về được bờ quen
Tiếng mưa rơi trên ngọn cỏ yếu mềm…
Như đêm hội này chỉ một lần tôi được hát
Chỉ sống một cuộc đời giữa vô cùng năm tháng
Chỉ một lần gặp bạn, bạn yêu thương
Chẳng muốn kỷ niệm về tôi là một điệu hát buồn
Tôi chọn bài ca của mùa hạ nắng
Tôi chọn bài ca của người gieo hạt
Hôm nay là mầm, mai sẽ thành cây
Khổ đau dẫu nhiều tôi chọn niềm vui
Là suối mát lòng tôi gửi bạn
Một cuộc đời - một bài ca duy nhất
Tôi chẳng muốn điệu hát buồn là kỷ niệm về tôi.
 (Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi)
Về vấn đề “cô đơn, bế tắc” trong thơ Lưu Quang Vũ, về những “bài thơ xé lòng” của Lưu Quang Vũ đã được nhà Phê bình văn học Vương Trí Nhàn đề cập và lý giải khá thấu tình đạt lý trong bài viết “Lưu Quang Vũ và một mảng đời mảng thơ thường bị quên lãng” in trong cuốn “Cây bút, đời người” (NXB Hội Nhà văn, 2007):
“Những phiền toái đã đến với Vũ khá nhanh chóng, những phiền toái do lỡ lầm hư hỏng của chính anh gây ra cũng có, mà do cái ngặt nghèo của hoàn cảnh cũng có. Tôi không nhớ thật rõ, nhưng hình như ngay vào khoảng đầu những năm 70, khi Vũ mới 22-23, trong đầu óc một số chúng tôi, cái hình ảnh mơ mộng của một nhà thơ được ái mộ nơi anh đã nhòa đi gần hết. Thay vào đấy là hình ảnh một kẻ long đong giữa cuộc đời vô định. Những hoang tưởng ngớ ngẩn đã đẩy Vũ đến chỗ vượt ra khỏi những quy định thông thường mà một người làm thơ trẻ phải tuân thủ. Và Vũ bị trả giá đích đáng. Báo chí không in thơ Vũ nữa. Vũ rơi vào tình thế cô độc, hầu như lạc lõng giữa dòng người sôi nổi. Một điều khốn khổ nữa là chính lúc ấy, cái gia đình riêng của Vũ cũng rạn vỡ” ... “Tôi còn nhớ rất rõ cái cảm tưởng nước đôi giày vò bản thân mình khi nghe những bài thơ đó của Vũ: một mặt e ngại, cảm thấy nó đi ngược với tâm trạng chung, cái lạc quan chung nên không cần ai bảo, đã thấy là không phải. Nhưng mặt khác lại thích thú, cảm thấy ở đó có một phần vui buồn của mình nên tìm kiếm vụng trộm, tán thành vụng trộm, thèm muốn trở lại với những dòng thơ đó, như thèm muốn nhìn thấy chính hình ảnh của mình.
…Từ đầu 1970, cuộc sống Hà Nội đã bắt đầu phô ra tất cả cái khó khăn phiền phức mà thời chiến phải có. Thành phố như một người ngấm bệnh…Từ đủ mọi phía, hoài nghi len lỏi tới, những hoài nghi đủ sức làm bủn rủn con người và không cho người ta vững tâm làm việc gì cả. Thơ Vũ bắt lấy những cái đó rất nhanh. Từ hoàn cảnh riêng, Vũ suy ra cả cuộc đời chung và diễn tả những tan nát đổ vỡ với tất cả cái đắm đuối của tuổi trẻ. Chúng tôi đã thử tìm cách chống lại thứ thơ ấy. Chẳng phải là đôi lúc, Vũ đã không khỏi có chút huênh hoang? Đã vay mượn chắp vá? Đã tố cái khốn khó của mình lên? Đã rên rỉ nhiều hơn là kiên nhẫn chịu đựng và dìm nỗi đau của mình trong nước lạnh? Chúng tôi biết cả. Nhưng tận trong thâm tâm, mỗi người vẫn biết là có lòng mình, tâm trạng của mình ở trong những dòng thơ rách xé đó. Vốn xa lạ với mọi thứ giáo huấn, dạy bảo, Vũ không hẳn cố ý làm lây truyền cái nôn nao buồn bã của mình. Nhưng có lẽ chính vì thế mà tiếng kêu của anh càng tội nghiệp. Nó giống như một tiếng nức nở…”.
Và con người bằng xương thịt của Lưu Quang Vũ thì được Vương Trí Nhàn phác họa thật thảm hại: “Nay bước sang tuổi 20 - tuổi hai mươi khốn khổ của tôi ơi / Tuổi tai ương dằng dặc trận mưa dài; trong một bài thơ nào đó, hình như nay đã thất lạc, Vũ viết vậy - bước sang tuổi 20, giờ đây người anh đanh lại, xạm đi, trên nét mặt nhiều khoảng tối u uất. Lúc nào Vũ cũng như đăm chiêu không bằng lòng một điều gì, để rồi khi chịu không được, lại buột ra một câu thật suồng sã, láo lếu...”. Nhưng, cuộc đời không ruồng bỏ mà rất bao dung, bởi Vũ đã có tình bạn và tình yêu - hai thứ tình cảm rất cần đối với Thi sĩ cô đơn: “Còn ở Hà Nội, người bao dung hơn cả, là Nguyễn Lâm. Căn phòng nhỏ của Lâm ở Triệu Việt Vương là nơi Vũ thường xuyên lui tới. Những lúc vui, Vũ đi những đâu đâu, khi buồn quá, lại trở về với Lâm. Lâm có thể nghe Vũ kể đủ chuyện, có thể nghe Vũ chửi bới kêu than, lại có thể lặng đi chờ đợi khi Vũ đờ đẫn không nói gì. Lần ra ga Hàng Cỏ cùng Vũ trong một đêm trời lạnh, đó là Lâm. Ngồi xe xích lô cùng Vũ đi rong, để rồi lại trở về trầm ngâm bên chiếc điếu cày hay chén rượu nhạt, lại cũng là Lâm, ”Lâm rùa” như chúng tôi đã đặt tên. Bao nhiêu ngang ngược của Vũ, Lâm chịu được hết. Trong những năm tháng tơi tả của Vũ, Lâm là hiện thân của sự chứa chấp thông cảm mà Vũ khao khát, nhưng lại thường tự đánh mất. Cố nhiên, nói về thơ Vũ lúc này, còn phải nói về gia đình và những người đàn bà, nơi nương tựa về tâm lý của Vũ, những khi đặc biệt cơ cực. Đó là những chuyện mà ở ta ít có thói quen nói ra công khai, song thật ra, lại liên quan trực tiếp đến nhiều sáng tác cụ thể của các nghệ sĩ nói chung và Lưu Quang Vũ nói riêng. Đọc những bài thơ tình hay nhất của Vũ viết khoảng sau 1970, tôi nhớ tới lời tự thú của Picasso: “Cũng như tất cả các họa sĩ khác, tôi trước tiên là họa sĩ của phụ nữ, và với tôi, phụ nữ trước tiên là một cơ chế của sự đau khổ”.
*
Ở trên, tôi đã nói diễn tả tâm trạng cô đơn, bế tắc không phải là sở trường và cảm hứng chủ đạo của thơ Lưu Quang Vũ mà đó chính là tình yêu và cảm hứng dân tộc, lịch sử. Những bài thơ mà “Con mắt xanh” của nhà phê bình trứ danh Hoài Thanh chọn để giới thiệu Lưu Quang Vũ với Thi đàn lúc đó là những bài Thơ tình, - không phải tình trong mộng mà tình có thực - mối tình của Thi sĩ họ Lưu và “Con chim Vành khuyên” Tố Uyên: Vườn trong phố, Hơi ấm bàn tay…Ta như ngất ngây, say đắm với những vần thơ tuôn trào cuồn cuộn mà đầy nhạc tính và người ta yêu dấu hiện ra rất giản dị mà cũng rất rực rỡ:
Trong thành phố có một vườn cây mát
Trong triệu người có em của ta
Buổi trưa nắng bầy ong đi kiếm mật
Vào vườn rồi ong chẳng nhớ lối ra
Vườn em là nơi đọng gió trời xa
Hoa tím chim kêu bàng thưa lá nắng
Con nhện đi về giăng tơ trắng
Trái tròn căng mập nhựa sinh sôi…
 …………
Dưa hấu bổ ra thơm suốt ngày dài
Em cũng mát lành như trái cây mùa hạ
Nước da nâu và nụ cười bỡ ngỡ
Em như cầu vồng bảy sắc hiện sau mưa
 (Vườn trong phố)
Phút đưa nhau ta chỉ nắm tay mình 
Điều chưa nói thì bàn tay đã nói 
Mình đi rồi hơi ấm còn ở lại 
Còn bồi hồi trong những ngón tay ta.
Như hai dòng sông gặp gỡ đổi phù sa 
Nhập luồng nước, hòa nhau màu sắc 
Trao cảm thương, hai bàn tay nắm chặt 
Nghe máu mẹ cha chuyển giữa mỗi tay mình.
(Hơi ấm bàn tay)
Tình yêu thời đó thật lãng mạn. Những bài thơ tình đó thật là đẹp. Đó cũng là thời của những bài thơ tình nổi tiếng như Hương thầm của Phan Thị Thanh Nhàn, Cuộc chia li màu đỏ của Nguyễn Mỹ…mà các bạn trẻ 8X, 9X bây giờ không thể nào có được!
Song, hầu như Thi sĩ lớn nào cũng gặp khổ đau trong Tình yêu. Mối tình Lưu Quang Vũ và Tố Uyên đã tan vỡ. Bài thơ Từ biệt viết cho Tố Uyên, đó là cả tâm hồn tan nát của Lưu Quang Vũ:
Thôi nhé, em đi
Như một cánh chim bay mất
Phòng anh chẳng có gì ăn được
Chim bay về những mái nhà vui.
Nghĩa gì đâu kỷ niệm tháng năm dài
Lời thương mến nhớ lại thành chua chát
Lòng ta cạn hay đời quá hẹp
Nghĩ cho cùng, nào dám trách chi em.
(Từ biệt)
Dù sao đi nữa, những bài thơ tình viết cho Tố Uyên trong phần Hương cây vẫn là những bài thơ tình hay nhất của Lưu Quang Vũ, đó là những vần thơ có tính chất khai mở của thơ Lưu Quang Vũ. Không hiểu sao, khi in trong Tập Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi này, những lời đề tặng Tố Uyên lại bị xóa đi?
*
Trong cuộc Tọa đàm về Thơ Lưu Quang Vũ vừa rồi, nhà thơ Anh Ngọc có nhận xét :Chất thơ của Lưu Quang Vũ có nhiều tự sự, lời thơ, câu chữ rất mềm và trong sáng. Thứ hấp dẫn dài lâu với độc giả chính là chiều sâu suy tư và nhạc tính của những câu thơ. "Thơ nằm giữa văn học và âm nhạc, nên thơ cần được đọc lên. Thơ Vũ là loại thơ như thế". Cũng theo Anh Ngọc, "Lưu Quang Vũ là nhà thơ cổ điển ngay ở lứa tuổi 20" với những vần thơ giàu tính chiêm nghiệm và một cách vô tình, giàu chất triết lý. “Cổ điển ngay ở lứa tuổi hai mươi” mà Anh Ngọc nhận xét về thơ Lưu Quang Vũ chính là cảm hứng dân tộc, lịch sử, đất nước trong thơ Lưu Quang Vũ. Cái cảm hứng thi ca “già trước tuổi” này ta đã thấy trong Thơ Mới với Huy Thông, Chế Lan Viên, Huy Cận…khi cũng đang ở “Tuổi đôi mươi” như Lưu Quang Vũ. Có thể nói cảm hứng dân tộc, lịch sử, đất nước là cảm hứng chủ đạo trong thơ Lưu Quang Vũ, là thiên phú bẩm sinh của Lưu Quang Vũ. Những bài thơ Lưu Quang Vũ viết từ “cảm hứng lịch sử, dân tộc, đất nước” cứ như những dòng sông cuộn chảy với những thác ghềnh ở thượng nguồn, những cánh đồng lúc thì mát xanh lúc thì vàng rực nơi bình nguyên, và trong những âm thanh réo sôi, cuồn cuộn đó, ta nghe thấy bước chân của con người, ra đi từ thuở hồng hoang cho tới hôm nay:
Đi dọc một triền sông
Những chiếc trống đồng vùi trong cát
Những mảnh bình vỡ nát
Những mũi tên lăn lóc
Khắp đồi núi hoang vu
Những rìu đá cổ sơ những hang động khổng lồ
Những đống lửa còn tro tàn sót lại. 
Đi tìm lại thời gian đã mất
Thuở biển cả điên cuồng gầm thét
Những con chim lạc mỏ dài
Bay qua vầng trăng lớn
Cánh sừng sững tắm hoàng hôn đỏ rực
Cất tiếng kêu hoang dại dưới đêm nồng. 
Đi tìm lại những bông hoa xanh biếc
Những rễ cây quằn quại
Những ngà voi nhọn hoắt
Những tiếng hú dài ào ạt mưa rơi
Tôi đi tìm dòng máu của tôi
Hơi thở đầu sôi sục của tôi
Trong cuồn cuộn những ngực trần đen bóng
Những bộ lạc mình vẽ đầy rồng rắn
Quần hôn trên bờ bãi sông Hồng
Những mái tóc dài bay gió biển Đông
Những mái lá có bùi nhùi giữ lửa
Những người đàn bà tết cỏ cây che vú
Đã ngọt ngào dòng sữa
Điệu ru con đầu tiên
Bức tranh đầu tiên khắc mặt người lên đá
Điệu múa đầu tiên theo nhịp thuyền.
(Đất nước đàn bầu)
Nếu có câu “Thi trung hữu họa” thì chính là cảm hứng dân tộc, lịch sử, đất nước trong thơ Lưu Quang Vũ. Nếu nói “Thi trung hữu nhạc” thì chính là cảm xúc Tình Yêu trong thơ Lưu Quang Vũ…(*). Chính những bài Thơ Tình của Lưu Quang Vũ khiến thơ Vũ trẻ mãi không già và “Sống mãi tuổi 17”! Chính vì thế, tôi vẫn thấy những những câu thơ ở thời “Mối tình đầu” của Lưu Quang Vũ mới thật là ấn tượng:
Nơi lá chuối che nghiêng như một cánh buồm
Cánh buồm xanh đi về trong hạnh phúc
Se sẽ chứ không cánh buồm bay mất
Qua dịu dàng ẩm ướt của làn môi…
 (Vườn trong phố)
Sài Gòn, tháng 9-2010
Đỗ Ngọc Thạch
Đón đọc chùm thơ Lưu Quang Vũ do nhà văn Đỗ Ngọc Thạch chọn (Mục Trang thơ trong nước của NBĐ)
(Theo  Bản tác giả gửi NBĐ)

Nguyễn Duy – Hành Trình Từ Truyền Thống Đến Hiện Đại
 
Khi đang theo học năm thứ nhất tại Khoa Ngữ Văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1971-1972), Nguyễn Duy đã lọt vào “Con Mắt Xanh” của nhà Phê bình Hoài Thanh và được ông chọn một chùm thơ giới thiệu trên Tuần báo Văn Nghệ. Đó chính là chùm thơ sau đó đã đoạt giải nhất cuộc thi thơ 1972-1973 của Tuần báo Văn nghệ: Hơi ấm ổ rơmBầu trời vuôngTre Việt nam (sau đó in trong tập Cát trắng). Và Hoài Thanh đã nhận xét về thơ Nguyễn Duy: “…Thơ Nguyễn Duy đưa ta về một thế giới quen thuộc. Nguyễn Duy đặc biệt thấm thía cái cao đẹp của những con người, những cuộc đời cần cù gian khổ, không tuổi không tên. Đọc thơ Nguyễn Duy thấy anh hay cảm xúc, suy nghĩ trước những chuyện lớn, chuyện nhỏ quanh mình. Cái điều ở người khác thì có thể chỉ là chuyện thoáng qua thì ở anh, nó lắng sâu và dường như đọng lại…” (Báo Văn nghệ, ngày 14-4-1972). Lời nhận xét đó của Hoài Thanh vừa như là nói ra cái đặc điểm của thơ Nguyễn Duy vừa như là một định hướng nghệ thuật cho thơ Nguyễn Duy…
Sau vài lần làm những tuyển thơ theo từng chủ đề do yêu cầu của nhiều Nhà xuất bản (Sáu & Tám - tuyển thơ Lục bát, NXB Văn học, 1994, Vợ ơi- tuyển thơ tặng vợ, NXB Phụ Nữ, 1995, Tình Tang - tuyển thơ, NXB Văn học, 1995, Thơ với tuổi thơ - tuyển thơ, NXB Kim Đồng, 2002, Thơ trữ tình- Tuyển thơ, NXB Hội Nhà văn, 2004, 36 bài thơ - Tuyển thơ, NXB Lao động, 2007), lần này là một Tuyển thơ có tính chất tổng kết đời thơ, cho nên cuốn sách có nhan đề là chính tên nhà thơ Nguyễn Duy (1). Cuốn sách được in rất trang trọng và cố nhiên trình bày đẹp: 420 trang in trên giấy tốt, khổ 15x23cm. Phần cuối sách, Nguyễn Duy cho in bài “Nguyễn Duy thi sĩ thảo dân” của Chu Văn Sơn (2), bài viết tới 26 trang in. Qua bài viết này, bạn đọc có thể thấy được những nét chính của cuộc đời cũng như thành tựu của thơ Nguyễn Duy. Tác giả bài viết tỏ ra là một nhà phê bình thơ khá tinh tế và “có duyên”. Cũng có một số bài viết khác về thơ Nguyễn Duy từ trước và nhân tập Tuyển thơ này ra mắt (3). Mỗi người, ở một giác độ của mình, cũng mới chỉ đưa ra được những nhận định, bình giá về mặt nào đó của thơ Nguyễn Duy. Thơ Nguyễn Duy rất phong phú về nội dung, rất đa dạng về bút pháp. Song, chưa có một sự nghiên cứu toàn diện, đầy đủ nào về thơ Nguyễn Duy. Hi vọng sẽ có thêm những sự nghiên cứu Thơ Nguyễn Duy công phu và kỹ lưỡng hơn tại cuộc Tọa đàm thơ Nguyễn Duy vào buổi tối ngày 11-10-2010 tại Hội trường Trung tâm Văn hóa Pháp, 24 Tràng Tiền, Hà Nội.Trong bài viết này, tôi sẽ cố gắng đưa ra một sự nhìn nhận bao quát về thơ Nguyễn Duy, cho đến tập Tuyển thơ này.
*
Chúng ta đang có một tập thơ Tuyển của cả một đời thơ Nguyễn Duy  - “tập thơ của cuộc đời” - rất nặng tay, in rất đẹp. Song, sự ra đời của nó không phải dễ dàng. Trong buổi gặp gỡ giữa những người bạn thơ, người hâm mộ với Nguyễn Duy nhân tập thơ ra mắt tại báo Sài Gòn Tiếp Thịngày 08/07/2010, Nguyễn Duy cho biết: “Bản thảo Thơ Nguyễn Duy tôi hoàn thành năm 1997, nhân kỷ niệm 30 năm làm thơ, 50 tuổi đời. Đây là tuyển tập những bài tôi đã in rải rác trong suốt cuộc đời thơ của mình, nhưng chẳng hiểu sao các NXB đều rất ngần ngại. Đầu tiên tôi đưa cho NXB Hội Nhà Văn, NXB đề nghị bỏ… mười bài, toàn những bài tôi viết về hồn dân, tình dân, lòng dân và lời dân, như Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ, Nhìn từ xa… Tổ quốc, Đánh thức tiềm lực… trong đó có bài Đá ơi: “Nghĩ cho cùng mọi cuộc chiến tranh/ Phe nào thắng thì nhân dân đều bại…”. Tôi buồn quá, bèn đưa sang NXB Văn Học, các anh đề nghị bỏ… bảy bài, thế là tôi đành rút lại. Năm 2002, tôi đưa cho NXB Hải Phòng, các anh ấy chỉ đề nghị bỏ bốn câu trong Nhìn từ xa… Tổ quốc, tôi đành đồng ý, nhưng đến lúc vào nhà in rồi lại bị thu hồi. Từ 2002, tập thơ bị “om” đến bây giờ, và số phận run rủi thế nào nó lại được ra đời từ NXB Hội Nhà Văn. Đời thơ của tôi, “chữ tài liền với chữ tai một vần”.
Gặp gỡ với bạn đọc báo Sài Gòn Tiếp Thị, nhà thơ Nguyễn Duy rất xúc động khi biết nhiều trí thức trẻ thuộc thơ mình. Tiến sĩ Trần Nam Dũng, khoa toán - tin đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM thổ lộ: “Từ hồi học sinh tôi đã mê và thuộc Sông Thao. Có hai câu tôi thích nhất là “Xin chớ hỏi tại làm sao như vậy/Tôi vốn không rành mạch bao giờ”. Sau này lớn lên, tôi thích những bài thơ mang tâm sự thời cuộc như Đánh thức tiềm lực. Xin hỏi nhà thơ: bây giờ ông đã rành mạch chưa? Ông nghĩ gì về vai trò của trí thức Việt Nam trong xây dựng và cải tạo xã hội?” Nhà thơ bật cười thú vị: “Hai câu hỏi của bạn thật khó trả lời… Ngày xưa không rành mạch, bây giờ càng không rành mạch! Đánh thức tiềm lực tôi viết trong hai năm 1980 - 1982, chứa đựng bức xúc của mình và của người dân. Trong lòng mình dằn vặt cái gì thì viết ra như thế, nên có lẽ được bạn đọc cảm thông. Thực ra mình thích viết những gì lãng mạn, còn chuyện thế sự, lý sự thì đâu có thích, nhưng có những lúc đau quá thì phải kêu lên!”. 
Tiếp sau là một Đêm thơ Nguyễn Duy ở Hà Nội tại “Không gian sáng tạo Trung Nguyên” - Café vườn 36B Điện Biên Phủ, Hà Nội. Hãy nghe vài lời tâm sự của Họa sĩ Ba Tỉnh (Đinh Quang Tỉnh), một người bạn của Nguyễn Duy ở Hà Nội: “Đận ấy, vào trung tuần tháng 10 năm 2004, nhà thơ Nguyễn Duy ra Hà Nội rồi vù đi Hải Phòng mất tăm mấy ngày liền. Khi trở lại thủ đô với bộ mặt tuyệt vọng, nhợt nhạt như màu tấm vé máy bay của Vietnam Airlines mà anh mệt mỏi cầm trên tay để chuẩn bị trở vào Sài Gòn như chạy trốn hơn là từ bỏ niềm hy vọng mà anh ấp ủ cả một đời thơ.
Phút chia tay, Nguyễn Duy tặng tôi bản thảo tập thơ này (bị ách lại tại NXB Hải Phòng - Đ.N.T) như là sẻ chia một nỗi buồn - một nỗi đau nhân thế và cũng là một nỗi đau không phải của riêng ai…“Giấc mơ không đến hai lần” nên từ đấy Nguyễn Duy dường như không làm thơ nữa mà chuyên tâm vào một thú chơi mới, lại kiếm được đồng tiền nuôi con: “Lịch thơ Nguyễn Duy” như một đóa hoa Xuân mới lạ làm đẹp cho đời mỗi thi Tết đến, Xuân về.
Thoắt đã 7 năm, tập bản thảo Nguyễn Duy tặng tôi vẫn nằm im trong tủ sách như một số phận đã an bài. Nhưng, “Thiên hữu mục” - Ông trời có mắt. Số phận run rủi thế nào mà tập thơ bị “om” suốt ngần ấy năm bỗng lại được ra đời ở ngay NXB Hội Nhà văn Việt Nam vào đúng năm 2010 - Năm có nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước. Tôi cầm đầm tay tập thơ rất trang nhã, rất là thơ và cũng rất Nguyễn Duy. Cũng ngần ấy con chữ đề tặng với chữ ký điệu đàng của Nguyễn Duy, mà sao lần này đối với tôi nó lại tưng bừng và ngọt ngào đến thế.
NXB Hội Nhà văn, Công ty Văn hóa truyền thông Nhã Nam và tác giả cho ra mắt tập thơ “Nguyễn Duy - Thơ”, đây là tập thơ dầy dặn nhất của đời thơ Nguyễn Duy từ trước đến nay, được xem như tuyển tập thơ Nguyễn Duy cũng gần như chính xác. Một hành trình thơ của hơn 40 năm vất vả, trong đó có nhiều năm thấp thỏm mong chờ đứa con tinh thần ra đời nguyên vẹn hình hài, chứa đựng tâm tình với những lời thơ chất ngất niềm đau thế sự nhân tình…”.
 *
Tập thơ Tuyển này của Nguyễn Duy được cấu tứ  từ bốn phần:
1.       Đường làng (từ trang 9 đén 56)
2.       Đường nước (từ trang 59 đến 236)
3.       Đường xa (từ trang 239 đến 308)
4.       Đường về (từ trang 311 đến 393)
Nhìn vào tên gọi của từng phần, kết hợp với cách ghi tên sách ta có thể hình dung ra tác giả của cuốn sách muốn thể hiện cuộc hành trình vào địa hạt Thi ca của Nguyễn Duy. Đó là cuộc hành trình từ truyền thống đến hiện đại của một nhà thơ đương đại là Nguyễn Duy: từ con Đường Làng bé nhỏ, anh đã tới con Đường lớn của đất nước để làm việc nước khi vận nước kêu gọi; và trên con đường Thiên lý của Lịch sử, của Thời đại anh phải làm những cuộc chinh phục Đường xa để minh định chân lý, kiếm tìm những giá trị mới mang tầm nhân loại; đoạn cuối của cuộc hành trình vạn dặm đó là anh tìm Đường về cội nguồn, hoàn thiện nhận thức về cuộc đời…
Vì thế, tôi dùng từ “Cấu tứ” (mà không phải là “Cấu tạo”) là muốn nói tới ý tưởng này của tác giả: Toàn bộ tập thơ là một Bài Thơ Lớn - Bài thơ cuộc đời - mà trong Bài Thơ Lớn đó, Nguyễn Duy đã hóa thân trọn vẹn vào Thơ - tức Nguyễn Duy là Nhân vật Trữ tình của Bài Thơ Lớn này. (Nguyễn Duy có điểm rất gần với nhà thơ người xứ Daghestan Rasun Gamzatop là rất chú trọng đặt tên cho những “đứa con tinh thần” của mình, tức tên các bài thơ. Rasun Gamzatop có nói đại ý rằng, tên gọi một tác phẩm giống như cái mũ người ta thường đội đầu. Nhìn vào cái mũ đội đầu, ta có thể biết tính cách người đội mũ!). 
1.Ra đi từ làng quê nghèo
Tôi trót sinh ra nơi làng quê nghèo
quen cái thói hay nói về gian khổ
dễ chạnh lòng trước cảnh thương tâm
Làng tôi xưa toàn nhà tranh vách đất
bãi tha ma không một cái mả xây
mùa gặt hái rơm nhiều, thóc ít
lũ trẻ chúng tôi vầy đất tối ngày
thuở tới trường cũng đầu trần chân đất
chữ viết loằng ngoằng củ sắn ngọn khoai
Lại cũng là nhà thơ Rasun Gamzatop đã nói một câu rất hay: “Chúng ta không thể lựa chọn Quê hương, nhưng Quê hương thì ngay từ đầu đã lựa chọn chúng ta!”. Dường như Nguyễn Duy chấp nhận rất thành tâm sự lựa chọn của Quê hương, dù đó là một Làng quê nghèo. Những bài thơ làm lay động lòng người mạnh nhất là những bài thơ Nguyễn Duy viết về Quê hương với người bà, người cha, người mẹ…Thật khó mà nói những bài thơ ấy như Đò Lèn, Cầu Bố, Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa…thì bài thơ nào hay nhất? Tốt nhất là hãy đọc lại một bài về cha, một bài về mẹ - đấng sinh thành của ta:
Cầu Bố
1. Ai qua Thanh Hóa về Quảng Xá
men rượu là hương vị của làng tôi
nhắc cầu Bố chắc nhiều người còn nhớ
đình nhà Lê rêu phủ đã bao đời
2. Nhà tôi đó không cổng và không cửa
ai ghé qua cứ việc hút thuốc lào
cha tôi chạm rất nhiều cửa sổ
gió nồm nam cứ thoải mái ra vào
3. Đường làng tôi tiếng xe thồ lọc xọc
chiếc xe thồ từng đẩy tới Điện Biên
ngược dòng sông Mạ lên Tây Bắc
ai xuôi về cũng sốt kinh niên
4. Những năm bom đạn như gieo mạ
lại chiếc xe thồ đi về nam
cha tôi qua cầu Bùng cầu Ghép
tôi nhìn theo chớp lửa nhập nhoằng
5. Cỏ đã mọc ai còn thấy nữa
vết xe thồ vẹt đỉnh Trường Sơn
ai thấy nữa ông già đầu bạc xóa
đẩy xe thồ ngang dọc lũng Tà Cơn
6. Cha tôi đó, dân làng tôi vậy đó
xả hết mình khi nước gặp tai ương
rồi thanh thản trở về với ruộng
sống lặng yên như cây cỏ trong vườn
7. Ngày họp mặt cha già như trẻ lại
bếp rượu giữa nhà và bè bạn vây quanh
con đường chiến tranh còn ngoằn ngoèo trong ruột
càng thêm say hương rượu nếp thanh bình.
(Cầu Bố - Quê Nội, mùa Thu, 1983)
Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa
1. Bần thần hương huệ thơm đêm
khói nhang vẽ nẻo đường lên niết bàn
chân nhang lấm láp tro tàn 
xăm xăm bóng mẹ trần gian thuở nào
2. Mẹ ta không có yếm đào 
nón mê thay nón quai thao đội đầu
rối ren tay bí tay bầu
váy nhuộm bùn áo nhuộm nâu bốn mùa
3. Cái cò... sung chát đào chua ... 
câu ca mẹ hát gió đưa về trời
ta đi trọn kiếp con người
cũng không đi hết mấy lời mẹ ru.
4. Bao giờ cho tới mùa thu
trái hồng trái bưởi đánh đu giữa rằm
bao giờ cho tới tháng năm
mẹ ra trải chiếu ta nằm đếm sao
5. Ngân hà chảy ngược lên cao
quạt mo vỗ khúc nghêu ngao thằng Bờm... 
bờ ao đom đóm chập chờn 
trong leo lẻo những vui buồn xa xôi
6. Mẹ ru cái lẽ ở đời 
sữa nuôi phần xác hát nuôi phần hồn
bà ru mẹ... mẹ ru con 
liệu mai sau các con còn nhớ chăng
7. Nhìn về quê mẹ xa xăm
lòng ta - chỗ ướt mẹ nằm đêm mưa 
ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa 
miệng nhai cơm búm lưỡi lừa cá xương
(Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa - Sài Gòn, 1986)
2. Vận nước hưng vong thất phu hữu trách
Phàm đã là “Sĩ phu Bắc Hà” không thể không biết tới câu “Vận nước hưng vong thất phu hữu trách”Song thực hiện câu nói đó như thế nào thì không phải ai cũng làm tốt. Phải nói ngay rằng Nguyễn Duy đã làm rất tốt: Khi có chiến sự, anh đã có mặt ở những nơi “sục sôi bom lửa chiến trường” (như  Quảng Trị mùa hè đỏ lửa 1972, chiến tranh biên giới phía Bắc thì anh tới tận những điểm chốt ác liệt). Phần thơ chiến trận này của Nguyễn Duy cũng khá đặc sắc và có phong cách riêng: không ùng oàng bom đạn hoặc xếp câu chữ thành những Sư đoàn quân mà chỉ vài câu thơ thánh thót như giọt nước nhểu trong hang động nhưng lắng đọng vào tận tầng sâu của tâm tư người lính nơi cái chết luôn rình rập:
"Thắng rồi - trận đánh thọc sâu
lại về với mái tăng - bầu trời vuông
...
Vuông vuông chỉ một chút này
mà che tròn vẹn ngàn ngày quân đi"
(Bầu trời vuông - Quảng Trị 1971)
Những vấn đề sau chiến tranh (còn gọi là “hậu chiến”) bao giờ cũng rất gay cấn và đòi hỏi bản lĩnh Thi nhân còn gắt gao hơn cả vấn đề bom đạn trong chiến tranh. Nguyễn Duy đã không “thoái ẩn” hoặc “ngậm miệng ăn tiền” như không ít những kẻ cơ hội mà anh đã dũng cảm nhập cuộc. Chùm ba bài "Nhìn từ xa... Tổ quốc", "Đánh thức tiềm lực", "Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ"  đã khiến tầm cỡ Thi nhân của Nguyễn Duy lớn vụt lên và cũng khiến anh gặp “rắc rối” không ít! Vấn đề này thực ra chưa có sự phán định trên diễn đàn văn học công khai mà chỉ là “chuyện nội bộ”, “chuyện tế nhị”. Chúng ta phải chờ hậu thế phán xét vậy! Nhưng dù sao, tôi thấy cũng cần phải nói thêm rằng, với chùm ba bài "Nhìn từ xa... Tổ quốc", "Đánh thức tiềm lực", "Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ" Nguyễn Duy đã trở thành người ca sĩ quả cảm của thời đại mình! (M. Gorki có nói một câu nói nổi tiếng: Nhà thơ không thể chỉ là vú em của tâm hồn mình mà phải là ca sĩ của thời đại mình!). Hình ảnh này chính là chân dung rất cao đẹp của Thi sĩ thời đại ngày nay:
Tôi muốn được làm tiếng hát của em
tiếng trong sáng của nắng và gió
tiếng chát chúa của máy và búa
tiếng dẻo dai đòn gánh nghiến trên vai
tiếng trần trụi của lưỡi cuốc
lang thang
khắp đất nước
hát bài hát
Đánh thức tiềm lực(4)
3. Dù ở đâu vẫn Tổ Quốc trong lòng
cột biên giới đóng từ thương đến nhớ 
Nếu như ở trên đã nói chùm ba bài "Nhìn từ xa... Tổ quốc", "Đánh thức tiềm lực", "Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ" đã khiến tầm cỡ Thi nhân của Nguyễn Duy vụt lớn lên thì với Phần thứ ba “Đường xa” đã nâng Nguyễn Duy lên tầm nhân loại. Hai bài mở đầu (Đá ơi) và kết thúc Phần Đường xa (Nhìn từ xa…Tổ quốc) đều “gặp rắc rối” khi đem in chứ nếu không thì tập thơ này đã có năm sinh là 2004  chứ không phải là 2010 như đã nói trên! Nhà thơ gặp rắc rối vì đã “nói chuyện chính trị”! Vì thế, tôi chỉ xin dẫn lại vài câu “lý sự” của hai bài thơ trên mà chưa bình luận gì:
“…Nghĩ cho cùng mọi cuộc chiến tranh
Phe nào thắng thì nhân dân đều bại…”
(Đá ơi…- Campuchia, 29-8-1989)
“…Dù có sao
vẫn Tổ quốc trong lòng
mạch tâm linh trong sạch vô ngần
còn thơ còn dân
ta là dân – vậy thì ta tồn tại”
(Nhìn từ xa…Tổ quốc – Matxcơva, 5-1988 - TP.Hồ Chí Minh, 19-8-1988)
4. Đường về của thơ Nguyễn Duy
Trong suốt hành trình thơ của mình, cho dù Nguyễn Duy đã tìm tòi, sáng tạo đủ kiểu theo những xu hướng “mô- đec”, tân kỳ nhất thì những câu thơ đạt hiệu quả thẩm mỹ mạnh nhất, “Nguyễn Duy nhất” vẫn lại chính là những câu thơ dân dã nhất, có nhiều hương đồng gió nội nhất…nhưng với một tầm vóc cao rộng hơn :

“…MAI RỒI LẠI HÁT À Ơ 
CON CÒ LẶN LỘI BÊN BỜ ĐẠI DƯƠNG…” 

 (LỜI RU CON CÒ BIỂN – MŨI CÀ MAU, 1977)

Tháng 8 - 1994, Nguyễn Duy cho in tập thơ chỉ có một chữ VỀ và đến tháng 10 -1994 lại in tiếp tập SÁU VÀ TÁM (tuyển 99 bài thơ viết theo thể lục bát từ trước đến 1994) . Tập thơ VỀ (tập hợp những bài viết từ 1990 đến 1994) , nhà thơ Nguyễn Duy đã thể hiện rất rõ quan điểm mỹ học “Về với cội nguồn “ của thơ Nguyễn Duy và đó cũng là sự khẳng định rõ phong cách thơ Nguyễn Duy :

RƠM RẠ ƠI TA TRỞ VỀ ĐÂY 
XIN CÚI LẠY VONG LINH LÀNG MẠC
BÀ VÀ MẸ HÓA CÁNH CÒ CÁNH VẠC
ÔNG VÀ CHA MAN MÁC KIẾP TRÂU CÀY

RƠM RẠ ƠI TA TRỞ VỀ ĐÂY
NGÔI CHÙA CŨ MÁI ĐÌNH XƯA KHUẤT BÓNG
CỎ ÁY VÀNG BÃI THA MA VẮNG
LÒNG NGỔN NGANG GÒ ĐỐNG TỔ TIÊN NHÀ 

VỀ ĐỒNG – QUÊ NHÀ MÙA HẠ, 1992 )

Những câu thơ nặng trĩu hồn quê, lay động tận trong sâu thẳm tâm linh và như từ lúc nào đưa người đọc trở về với bản ngã, với những gì con người nhất. Còn tập SÁU VÀ TÁM, theo như Nguyễn Duy cho biết thì đó là sự liều lĩnh vì đây là thể thơ người ta xếp xó từ lâu ! Nhưng, sự tập hợp 99 bài thơ như là sự nhìn lại mình đó của Nguyễn Duy đã khiến cho người đọc ngạc nhiên về sự tài hoa của anh với những câu thơ lục bát biến hóa khôn lường. Không ít người đã phải thốt lên : “ Thật dân gian mà cũng thật hiện đại !” …Có thể nói, Nguyễn Duy đã khai thác được rất nhiều điều bí ẩn của thơ lục bát dân gian và đã một lần nữa khẳng định sức sống muôn đời của thể thơ lục bát !
Tôi nhớ mãi ngày 4 -11 -1994, nhà Văn hóa Thanh Niên TP.HCM đã tổ chức đêm “Thơ Nguyễn Duy” . Công chúng văn học đã đến với thơ Nguyễn Duy thật nhiệt thành. Những bó hoa, những tràng pháo tay không ngớt trong đêm thơ chính là những nhà phê bình công minh nhất. Lúc đó tôi đang làm cho báo Lao Động-Xã Hội và đã làm một cuộc phỏng vấn chớp nhoáng Nguyễn Duy. Cuộc phỏng vấn đó như sau :
- Hỏi : Tại sao một con người có máu lang bạt kỳ hồ rất mạnh như anh lại ra hẳn một tập thơ VỀ ?
- Trả lời : Đường “về” trên đồ thị thời gian của thơ tôi như một vòng luân hồi . Tôi đã thử theo nhiều nẻo đường thơ mong đi tìm cho mình một giọng điệu lạ, lòng vòng mãi, lại lần mò về chính cái điểm khởi đầu cuộc hành trình của mình, đó là thơ sáu tám. Kế đó là đường về trên đồ thị không gian thơ tôi, lang bạt hết miền đất này sang vùng trời nọ, rồi lại trở về với vũ trụ chính mình nơi có tất cả những gì gần gũi, thân thuộc, máu thịt nhất của mình. Thêm nữa là sự trở về trong tâm linh, làm thức dậy ký ức cùng những giá trị tinh thần đang rũ rượi ngủ mê hoặc đang chết dần trong lòng mình. Thêm nữa là… về già, về vườn, về nhà với vợ…Nhiều thứ về lắm !
- Hỏi : Còn tập thơ SÁU VÀ TÁM, sao lại chọn 99 bài? Có thể hơn nhiều chứ?
- Trả lời: Tất nhiên là có thể tuyển chọn nhiều hơn nữa. Nhưng, tôi tự thấy, một tập thơ toàn thơ sáu tám, đọc dễ chán, không nên tham. Một trăm bài đã là nhiều rồi. Bớt một bài cho nó ít đi tí tẹo. Bớt nữa thì tiếc.
- Hỏi: Sau hai tập thơ cùng phát hành này, anh sắp cho in gì nữa không?
- Trả lời: Chưa có thơ để in thêm. Thơ khó lắm, không biết tôi còn làm thơ nổi không. Có chăng, sẽ là tập bút ký, chọn lại các bài báo từ thời “Đông Âu du ký” tới nay.
- Hỏi: Nghe nói, anh định làm triển lãm “Thơ Nguyễn Duy”?
- Trả lời: Tôi đang làm. Chép lại một số bài thơ ngắn, chủ yếu vẫn là thơ sáu tám, lên giấy dó, giấy xuyến chỉ, giấy thường, lụa tơ tằm và bao tải, chiếu cói. Phóng lớn một số bức ảnh nghệ thuật của tôi. Một số tranh của các họa sĩ bạn bè minh họa thơ tôi hoặc gần gũi thi tứ các bài thơ của tôi. Sẽ trưng bày vào cuối năm nay tại Thành phố Hồ Chí Minh và đầu năm sau tại Hà Nội, Thanh Hóa, Huế.
- Hỏi: Đang có cuộc tranh luận về thơ khá sôi nổi. Anh có thể cho biết một số ý kiến về thơ hiện nay và về cuộc tranh luận?
-Trả lời: Không dám đâu. Tôi có biết làm thơ, nhưng tự biết không dám bàn về thơ. Có những câu thơ, tôi làm ra mà còn chưa hiểu hết những ý nghĩa khách quan của nó. Huống chi, thơ của người khác. Xin nhường việc tranh luận thơ cho những người am hiểu thơ hơn tôi.
Như trên ta đã thấy, cái sự VỀ của Nguyễn Duy có cái đích rất cụ thể là về với vợ! Vì thế, liền sau hai tập VỀ và SÁU VÀ TÁM là tập thơ VỢ ƠI… Tập thơ VỢ ƠI…(tập hợp 18 bài viết từ 1971 đến 1994 do NXB Phụ nữ xuất bản cuối năm 1995) là sự về với vợ trăm phần trăm của thơ Nguyễn Duy. Những bài thơ này đã in rải rác trong các tập thơ trước đó của Nguyễn Duy, lúc đó, đặt bên cạnh những bài thơ có tính thời cuộc bức xúc, nóng bỏng khác, những bài thơ về với vợ có vị trí khiêm nhường, tĩnh lặng, giản dị… Nhưng khi được tập hợp lại thành một chủ đề về với vợthì tập thơ “VỢ ƠI…” khiến người đọc giật mình về độ lớn cũng như chiều sâu của hình tượng văn học NGƯỜI VỢ trong thơ Nguyễn Duy. Xin dẫn lại nguyên văn bài thơ “Vợ ơi…” và tôi tin rằng bất kỳ bậc mày râu nào cũng sẽ thấy mình bé nhỏ trước người vợ bình dị mà vô cùng lớn lao khi trở về với vợ :

KHI TRONG TÚI CÓ MẤY ĐỒNG NGỌ NGUẬY
TA CHẠY RÔNG NHƯ GÌ NHỈ - QUÊN ĐỜI
LÚC XƠ XÁC BỜM XƠM TỪNG SỢI TÓC
ĐÓI LẢ MÒ VỀ
               CƠM  ĐÂU
                                VỢ ƠI!...

*

VÀ TAO TÁC BẠN BÈ CƠN HOẠN NẠN
ĐÒN DU CÔN TÓE MÁU TÂM HỒN 

VÀ TUNG TÓE CẢ BƯỚM VÀNG BƯỚM TRẮNG
NÀY GIỌT CAY GIỌT ĐẮNG GIỌT BUỒN NÔN

MÓC HỌNG MỬA RA CẦU VỒNG BẢY SẮC
VỢ DÌU TA
                TỪNG BẬC 
                                THANG MÒN…

*

ĐÊM HUYỀN ẢO MỘT KINH KỲ SE LẠNH
MỘT MÌNH TA CÔ QUẠNH GIỮA MUÔN NGƯỜI
MẶT SÔNG LẠ GỢN NẾP NHĂN ĐUÔI MẮT
BỦN RỦN BUỒN
                TA THẦM KÊU
                                VỢ ƠI… 

(PRAHA,7-1990 – HÀ NỘI,12-1990)

“Về với vợ” là một nẻo về có vị trí đặc biệt quan trọng trong tâm linh thơ Nguyễn Duy được viết bằng những câu thơ ấn tượng mạnh. Nếu như ở tập thơ VỀ vừa nói ở trên con có gì đó trừu tượng, mông lung, huyền ảo thì ở đây vợ là Cõi về cụ thể:

MẢI NƯNG NỨNG MỘNG SIÊU NHÂN
LÊN CƠN GIÁ VŨ ĐẰNG VÂN GIANG HỒ

CUỘC CHƠI HÀNH HIỆP LƠ NGƠ
VẮT MÌNH RA MẤY GIỌT THƠ NHẠT NHÈO

DẦN MÒN CON CHỮ TONG TEO
LIÊU XIÊU LỀU QUÁN LÈO TÈO VEN ĐÊ

CÁNH BUỒM MÂY TƯỚP CHIỀU QUÊ
RUỖNG TÊNH HÊNH BỊCH RƠI VỀ CÕI EM
( CÕI VỀ - ĐẦU NĂM CON GÀ, 1993)

TA MƠ MÀNG TA UỐN ÉO TA LẢ LƠI
ĐỂ MẶC KỆ MÁI NHÀ XƯA DỘT NÁT
MẶC KỆ ÁO QUẦN THẰNG CU NHẾCH NHÁC
MẶC KỆ BÀN TAY MẸ NÓ XANH XAO

TA RẤT GẦN BỂ RỘNG VỚI TRỜI CAO
ĐỂ XA CÁCH NHỮNG GÌ THÂN THUỘC NHẤT
NỒI GẠO HẾT LÚC NÀO TA CHẢ BIẾT
THĂM THẲM NỖI LO TRONG MẮT VỢ U SẦU

VIÊN THUỐC NÀO DÀNH ĐỂ LÚC CON ĐAU
VỢ NẰM ĐÓ XOAY XỞ MẦN RĂNG NHỈ
CƠN HOẠN NẠN BỖNG LÀM TA TĨNH TRÍ
NGỌN GIÓ THA HƯƠNG LẠNH TOÁT GIA GÀ…
( BÁN VÀNG - THÁNG TÁM NĂM CANH THÂN, 1980)

Trong cuộc đời Nguyễn Duy, cái nạn lớn nhất là vợ ốm và có lẽ qua cái đại hạn này, nhà thơ mới hiểu hết vị trí cũng như giá trị của người vợ trong cuộc đời thi nhân:

VỪA MỘT XUÂN LẠI MỘT XUÂN
VỢ ƠI ĐẠI HẠN ĐÃ GẦN MỘT NĂM
MỘT NHÀ LÀ SÁU MỒM ĂN
MỘT THI NHÂN HÓA PHĂM PHĂM NGỰA THỒ

CÁI LƯNG EM SỤM BẤT NGỜ
TỨ CHI ANH LÕNG THÕNG QUƠ RỤNG RỜI
THÔNG THƯỜNG THƯỢNG GIỚI RONG CHƠI
TRẦN GIAN CHOANG CHOÁC SỰ ĐỜI TÙY EM

NGHÌN TAY NGHÌN VIỆC KHÔNG TÊN
MÌNH EM LÀM CÕI BÌNH YÊN NHẸ NHÀNG
THÌNH LÌNH EM NGÃ BỆNH NGANG
PHANG ANH XÁT BÁT XANG BANG SAO ĐÀNH

CHA CON CHÚA CHỔM LOANH QUANH
ANH NHƯ NGUYÊN THỦ TANH BÀNH QUỐC GIA
VIỆC THIÊN VIỆC ĐỊA VIỆC NHÀ
MỘT MÌNH ANH VÃI CẢ BA LINH HỒN…
( VỢ ỐM - TẾT CON TUẤT, 1994)

Nguyễn Duy thường có những câu thơ mạnh cả về ngữ nghĩa và âm thanh và thường là thiên về cách nói cay độc, nhiều khi thái quá. Nhưng khi về với vợ, nhũng câu thơ của anh như được chuốt ra từ bàn tay diệu kỳ của người vợ thành những vần thơ lung linh - đó là những vần thơ “thi trung hữu họa” về chân dung người vợ :

MÙA XUÂN TRỞ DẠ DỊU DÀNG
HOA KHE KHẼ HÉ NHẸ NHÀNG HƯƠNG BAY

NHẸ NHÀNG LỘC CỰA NÁCH CÂY
DỊU DÀNG VƯƠNG DẢI TÍM MÂY NGANG CHIỀU

NHẸ NHÀNG TIẾNG BÓNG XIÊU XIÊU
EM NGỒI CHẢI TÓC MUỐI TIÊU DỊU DÀNG

MÁ HỒNG VỀ XỨ HỒNG HOANG
TÓC RƠI MỖI SỢI NGHE NGÀN LAU RƠI

DỊU DÀNG VANG TIẾNG MẮT CƯỜI
BỎ QUA SẤM CHỚP MỘT THỜI XA XĂM

BỎ QUA TỘI THÁNG NỢ NĂM
TỰ NHIÊN GIỌT NƯỚC MẮT LĂN NHẸ NHÀNG…
( DỊU VÀ NHẸ - CUỐI NĂM CON NGỰA, 1990)

Mỗi độ xuân về Tết đến Nguyễn Duy đều có thơ cho vợ và phải nói đó là nhũng cảm hứng thi ca đẹp nhất của hồn thơ Nguyễn Duy và cũng là những bài thơ được đông đảo bạn đọc đồng cảm nhất, bởi khi nhà thơ về với vợ là về với tình yêu vợ chồng bình dị mà vô hạn - đó mới chính là THƠ TÌNH trọn vẹn nhất, cao đẹp nhất:

ỨA NƯỚC MẮT MÀ YÊU NHAU TRỌN VẸN 
KHẤP KHỂNH ĐƯỜNG DÀI THẬP THỄNH BON CHEN
LẮM LÚC CHỮ NGHĨA VÔ NGHĨA TUỐT
BÀN TAY BÉ CON PHỦI BỤI ƯU PHIỀN 

TRỜI CHO SỐNG TA CŨNG GIÀ EM Ạ
CON THƯƠNG CHA KHÔNG BẰNG BÀ THƯƠNG ÔNG
TÌNH NHƯ RƯỢU CHÔN LÂU ĐẰM LỊM LẠI
CUỐI ĐỜI ĐEM RA NHẤM MỚI MỀM LÒNG…

*
Trong bài của Chu Văn Sơn có viết rằng: Thơ yêu của Nguyễn Duy thuộc tạng nào đây? Thì còn tạng nào ngoài tạng... tình tang. "Ai sinh ra thói tình tang / để ai hóa gió lang bang quê nhà. Ai làm ra lúng liếng sông / để đưa tu hú sổ chồng sang ngang". Theo tôi ở đây cần trao đổi hai ý: 1/ Thơ Yêu (Thơ Tình) của Nguyễn Duy chính là thơ tặng vợ - Thơ tặng vợ của Nguyễn Duy có thể nói là “Siêu thơ tình”, độc nhất vô nhị! Điều đáng chú ý ở đây là: Nguyễn Duy là một trong số không nhiều lắm nhà thơ rất chung tình với vợ, không có chuyện “đa tình” như phần lớn các nhà thơ khác! 2/ Phần thơ gọi là “Tình tang” của Nguyễn Duy thực ra chỉ là sự “thư giãn”, “sả sú-pap” mà thôi. Những câu thơ của Nguyễn Duy mà Chu Tiến sĩ gọi là “Yêu bằng mắt” như:
1. "Người con gái chợt qua đường
2. áo em mong mỏng màn sương núi đồi
3. Chợt rơi lại một nụ cười
4. và... sương rười rượi một trời phía sau
5. Đem nhan sắc tặng cho nhau
6. em giăng cái đẹp ngang cầu ban mai
7. chả riêng ta... chả riêng ai
8. để heo hút gió thở dài trên cây".
Gợi cho tôi nhớ đến Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến: ông rất chuẩn mực mà cũng cân có lúc “thư giãn” bằng cách nhìn ngắm, thưởng thức vẻ đẹp nữ tính như hai bài thơ sau:
Gái rửa bờ sông
Thu vén giang sơn một cặp tròn,
Nghìn thu sương tuyết vẫn không mòn.
Biết chăng chỉ có ông Hà bá,
Mỉm mép cười thầm với nước non. 
Đề Tranh Tố Nữ
Bao tuổi xuân xanh hỡi chị mình?
Xinh sao xinh khéo thực là xinh!
Hoa thơm chẳng muộn hương mà ngát,
Tuyết sạch không nề nước mới thanh.
Ngoài mặt đã đành son với phấn,
Trong lòng nào biết đỏ hay xanh?
Người xinh, cái bóng tình tinh cũng...
Mỗi bút một thêm một điểm tình!

Sài Gòn, tháng 10-2010
----
Chú thích:
(1)Nguyễn Duy tên thật là Nguyễn Duy Nhuệ, sinh năm 1947, tại xã Đông Vệ, huyện Đông Sơn (nay là phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa), tỉnh Thanh Hóa. Năm 1965, từng làm tiểu đội trưởng tiểu đội dân quân trực chiến tại khu vực cầu Hàm Rồng, một trọng điểm đánh phá ác liệt của không quân Mỹ trong những năm chiến tranh Việt Nam. Năm 1966 ông nhập ngũ, trở thành lính đường dây của bộ đội thông tin, tham gia chiến đấu nhiều năm trên các chiến trường đường 9 - Khe Sanh, Đường 9 - Nam Lào, Nam Lào, chiến trường miền Nam, biên giới phía Bắc (năm 1979). Sau đó ông giải ngũ, làm việc tại Tuần báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam và là Trưởng Đại diện của báo này tại phía Nam.
Năm 1973, Nguyễn Duy đoạt giải nhất cuộc thi thơ tuần báo Văn nghệ với chùm thơ: Hơi ấm ổ rơmBầu trời vuôngTre Việt nam (trong tập Cát trắng). Năm 1997 ông tuyên bố "gác bút" để chiêm nghiệm lại bản thân rồi tập trung vào làm lịch thơ, in thơ lên các chất liệu tranh, tre, nứa, lá, thậm chí bao tải. Từ năm 2001, ông in nhiều thơ trên giấy dó. Năm 2005 cho ra mắt tập thơ thiền in trên giấy dó (gồm 30 bài thơ thiền thời Lý, Trần do ông chọn lọc) khổ 81cm x 111 cm có nguyên bản tiếng Hán, phiên âm, dịch nghĩa và dịch thơ tiếng Việt, dịch nghĩa và dịch thơ tiếng Anh với ảnh nền và ảnh minh họa của ông.
Nguyễn Duy được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007.

Tác phẩm: Thơ: Cát trắng (1973); Ánh trăng (1978); Đãi cát tìm vàng (1987); Mẹ và em (1987); Đường xa (1989); Quà tặng (1990); Về (1994); Bụi (1997);Thơ Nguyễn Duy (2010, tuyển tập); Thể loại khác: Em Sóng (kịch thơ - (1983); Khoảng cách (tiểu thuyết - 1986); Nhìn ra bể rộng trời cao (bút ký - 1986)

(2) Chu Văn Sơn: sinh năm 1962, Quê Thanh Hóa, Tiến sĩ Ngữ Văn, Đại Học Sư Phạm Hà Nội.
Bài đã đăng trên Tạp chí Nhà văn, số 2-2003, nhân Ngày Thơ Việt Nam lần thứ nhất. Bài viết này cũng đã đăng tải hai kỳ trên  eVan - Nguyen Duy thi si thao dan [1/2].
 (3) Xin xem thêm một số bài viết sau:
Nguyễn Duy thi chỉ  - Mai Linh (Vanvn.net, 24-7-2010)

Trần Anh Phương: Nguyen Duy - chu nghia hon rom ra

-Ba Tỉnh: ĐÊM THƠ NGUYỄN DUY Ở HÀ NỘI 

(4) Xin xem nguyên văn bài ĐÁNH THỨC TIỀM LỰC tại đây: Nguyễn Duy – Hành Trình Từ Truyền Thống Đến Hiện Đại (Vanchuongviet.org)
Đỗ Ngọc Thạch
Ngày đăng: 15.10.2010
nguồn: vanchuongviet.org
 
 Ngỡ ngàng với đường cong của “công chúa quần vợt” Maria Sharapova

Ngỡ ngàng với đường cong của “công chúa quần vợt” Maria Sharapova 

(Dân trí) - Maria Sharapova không phải là ngôi sao của làng giải trí nhưng nhờ nhan sắc nổi trội, nữ vận động viên quần vợt thường xuyên được mời chụp hình cho các tạp chí danh tiếng.
Xem tiếp
 
Sành điệu Emilio Pucci

Sành điệu Emilio Pucci 

(Dân trí) - BST hè 2013 của Emilio Pucci gồm những mẫu váy áo kiểu dáng cầu kỳ, thêu ren tinh xảo tạo vẻ kiêu sa và sang trọng cho các quý bà, quý cô khi họ đi dự tiệc.
 
nguồn: dantri.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét