Thứ Bảy, 4 tháng 4, 2015

chín truyện cực ngắn...

















ĐỖ NGỌC THẠCH

1. Mối tình đầu


Bà Hồng Nụ người ở làng Thượng xã X huyện Y tỉnh Z là một thôn nữ chính chuyên. Ngày tiễn người yêu lên đường ra trận, bà tặng anh chàng một cái khăn thêu có hai con chim đậu trên một cành đào …Thời gian thấm thoát thoi đưa, bà Hồng Nụ chờ người yêu chẵn bốn mươi năm trời, lúc tóc bà đã bạc thì anh chàng mới về. Lúc này anh chàng người yêu của bà không còn là anh lính binh nhì năm xưa, mà đã là một ông thiếu tướng ! Bà nhìn cái quân hàm cấp tướng trên ve cổ áo và nói : “Người yêu tôi là anh lính binh nhì, quân hàm cũng có một sao, nhưng cái “miếng tiết” không màu mè như cái “miếng tiết” của ông này ! Cái khăn thêu tôi tặng ông năm xưa đâu rồi ?” Ông thiếu tướng lúng túng nói : “Tôi làm mất rồi !...” Bà Hồng Nụ buông một tiếng thở dài , nhìn về nơi xa xăm và nói nhỏ : “Ông không phải là người tôi đã chờ đợi bốn mươi năm, ông không phải là mối tình đầu của tôi !”

2.Tà rích…Tà rích


Có một người chuyên đi bắt dế để bán cho những người chơi chọi dế. Kinh nghiệm mà anh ta đúc rút được qua thời gian dài đi bắt dế là: hễ thấy trong đám cỏ xanh mướt có tiếng dế gáy “Tà rích…Tà rích…Tà…rich”, tiếng gáy thứ ba nhỏ hơn và kéo dài, thì đích thị là có một, hoặc hai chú dế chọi vào loại cao thủ! Lần ấy, anh ta lùng sục đã lâu mà chưa gặp con dế nào. Quá chán nản, người bắt dế định bỏ về thì bỗng có tiếng dế phát ra từ một đám cỏ xanh mướt:”Tà rich…Tà rích”. Người bắt dế thoáng nghĩ:”Quái, sao hôm nay chỉ có hai tiếng gáy?” Tuy thế, anh ta vẫn tiến đến chỗ có tiếng dế phát ra… Một con rắn độc đang nuốt chú dế tội nghiệp, thấy người bắt dế tiến lại gần sát thì phóng tới, mổ một nhát trúng bắp đùi người bắt dế!...

3.Phỏng vấn các nhà thơ


Một nhà báo thường thích phỏng vấn kiểu đột kích, chớp nhoáng vì nhà báo cho rằng chỉ có những lúc ấy mới nhận được lời nói thực, còn nếu hẹn hò , chuẩn bị trước thì chỉ nhận được sự tô vẽ, làm dáng! Một lần, ngẫu nhiên nhà báo gặp Năm nhà thơ đang ngồi uống bia ở một quán bia có tiếng. Tức thì, nhà báo cầm vại bia tới, cụng li rồi hỏi nhà thơ thứ nhất:”Anh thường làm thơ khi nào?” Trả lời:”Tôi làm thơ khi thấy ngứa ngáy, cứ như là những câu thơ đang bò dưới da, như con dế trũi ủi đất thành những đường hào!” Nhà thơ thứ hai cũng được hỏi câu hỏi trên, và trả lời:”Những câu thơ như là đang chui vào trong tóc tôi làm tóc tôi lúc thì dựng ngược, lúc thì rối bời…và tôi chỉ việc nhặt chúng ra đặt lên trang giấy, như người đàn bà bắt chấy!”Cũng câu hỏi ấy, nhà thơ thứ ba uống cạn vại bia rồi mới nói:”Tôi làm thơ lúc tôi mất trí, lúc tôi phát điên!” Nhà thơ thứ tư nói tiếp:”Những câu thơ như một con ma vô hình cứ như là đang từ từ nuốt tôi, tôi đau đớn rên la, và tôi đã bảo vợ tôi – người thư ký đắc lực – ghi âm lại những âm thanh rên la đó, đó cũng chính là thơ!” Còn nhà thơ thứ năm thì nói ngập ngừng:”Tôi luôn cảm thấy bất lực trước ngôn từ, nhưng trái tim thì như bị búa máy đập vào!”…
Năm năm sau, nhà báo kia đã nổi danh thành nhà phê bình văn học độc đáo, muốn đi tìm gặp lại năm nhà thơ nọ. Đi hỏi thăm mãi mới gặp được nhà thơ thứ nhất: anh ta đang nằm điều trị ở Bệnh viện Da liễu, toàn thân lở loét! Còn nhà thơ thứ hai thì đã xuống tóc được bốn năm, sắp lên chức sư thầy! Nhà thơ thứ ba thì không thể nói chuyện được câu nào, anh ta đang bị nhốt trong buồng giam đặc biệt, cửa sắt, song sắt nặng chịch. Nhà thơ thứ tư không kém phần thê thảm: anh ta đang phải xạ trị ở Bệnh viện ung thư, bệnh đã ở vào giai đoạn cuối! Tìm mãi không thấy nhà thơ thứ năm đâu, nhà báo đang định viết bài tiểu luận “Gặp lại năm nhà thơ năm năm trước, nhưng nhà thơ thứ năm đang mất tích” thì nhận được cú điện thoại của chính nhà thơ thứ năm:”Tôi được người nhà, bạn bè báo tin anh đang tìm tôi. Vậy hãy đến ngay quán bia năm năm trước, tôi sẽ đọc anh nghe trường ca “Lên rừng, xuống biển”, mới viết xong tức thì, còn nóng hổi, vừa thổi vừa đọc!”. Nhà báo – tức nhà phê bình, nghe điện thoại xong thì đi ngay, vừa đi vừa lẩm bẩm:”Có thế chứ! Tất nhiên là thế chứ!”…

4. Cô giáo vùng cao


Thanh Lan là một cô gái thành phố trăm phần trăm và thuộc dạng gia đình “gia giáo”, cô là đời thứ tư làm nghề sư phạm. Vì thế, khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm, cô bị phân công về một trường huyện vùng cao, vùng sâu, vùng xa, cô vẫn lặng lẽ khăn gói lên đường, chẳng lẽ lại bỏ nghề sư phạm cao quý mà dòng họ cô đã đeo đuổi bổn thế hệ?
Ngày đầu tiên đến huyện có trường học mà Thanh Lan sẽ nhận nhiệm vụ, cô bị lạc vào một vùng đồi đúng như cái bài hát nào đó đã mô tả “bạt ngàn cao su, bạt ngàn cà phê”! Cô loay hoay tìm đường ra nhưng cứ như là đi trong mê cung, đi hoài, đi mãi lại trở về chỗ cũ! Cô tuyệt vọng ,trào nước mắt thì bàng hoàng cả người khi thấy một thanh niên người dân tộc, to khỏe như võ sĩ quyền anh da đen đứng sừng sững trước mặt! Cô đã kinh hoàng đến ngất xỉu!...Khi tỉnh lại, Thanh Lan thấy mình nằm trên một tấm vải nilon trải trên khoảng đất trống giữa các lô cà phê…Cô đang ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì đã xảy ra với mình thì có tiếng nói nghe quen quen:”Thanh Lan tỉnh rồi kìa!”… Hồi lâu, Thanh Lan mới trở lại bình thường. Cái giọng nói nghe quen quen đó chính là của chị Thanh Cúc, học trên Thanh Lan ba khóa và cũng là họ hàng xa với Thanh Lan. Thấy Thanh Lan cứ ngơ ngơ ngác ngác như người bị ma –lai nhập, chị Thanh Cúc đã cho cô uống một chén rượu mật ong để “tăng lực” và nói:”Chị về đây đã ba năm, đẻ được ba thằng “oẳn-tà-roằn” khỏe như gấu con và hiện làm bà chủ một trại cà phê, cao su bạt ngàn! Em định hỏi chị tại sao lại bỏ nghề sư phạm hả! Chúng ta không thể chọn nghề nghiệp mà nghề nghiệp nó chọn chúng ta. Ngay ngày đầu tiên lên lớp, chị đã bị thằng Kso Tạ nhìn chằm chặp như muốn nuốt sống, và ngay đêm hôm đó, nó đã lẻn vào phòng ngủ của chị… Nó khỏe lắm, chịu thua nó thôi!...Sau đó một tuần, nó bỏ học và bắt chị bỏ nghề cô giáo về làm vợ nó!...”
Chín tháng mười ngày sau cái buổi “lạc đường” đó, Thanh Lan đã sinh hạ một thằng bé “oẳn-tà-roằn” đầu tiên!...Người ta đến chúc mừng “Đệ nhị Phu nhân” Trại chủ bằng những lẵng hoa cà phê thật độc đáo!...

5. Vi hành


Ông Vi là chủ tịch huyện và bà vợ ông – bà Hành là cấp trên của ông : Bà là phó chủ tịch tỉnh ! Đó là gia cảnh của ông Vi … Theo chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, cán bộ phải sâu sát đời sống, vì thế cán bộ tỉnh này thường có nề nếp thường xuyên là Vi hành! Riêng ông Vi rất thích vi hành , ông đã xem đi xem lại bộ phim Khang Hy vi hành có đến hàng trăm lần và ông đã cố gắng học theo kiểu cách vi hành của ông vua nhà Thanh này!...Một lần, mải vui với một “quan bạn”, ông đã vào hưởng lạc tới bến trong một nhà hàng lớn ở huyện của ông “quan bạn” này. Nhà hàng này đã ở trong tầm ngắm của đội đặc nhiệm chống tệ nạn xã hội tỉnh, do bà Hành trực tiếp chỉ huy.Thật không may cho ông Vi, cuộc hưởng lạc đã bị phát hiện, ông Vi và toàn bộ các “chiến hữu” bị bắt tại trận

Khi biết có ông Vi trong số người bị bắt, bà Hành đã mật lệnh cho lính của mình phải thật “nặng tay” để ông phải khai ra cái “danh sách mật”, đó là những “bồ bịch non vợ chồng già nhân ngãi” của ông mà bà Hành đã nghi ngờ từ lâu…
Cuối cùng thì ông Vi bị mất tất cả, trở thành một “phó thường dân” thực thụ - là cái vai mà mỗi khi vi hành ông thường nhập vai!...

6.Vì nghĩa diệt thân


Ông Nguyễn Trung Trực (trùng tên với lãnh tụ chống Pháp thời kỳ đầu) là quan thanh liêm nổi tiếng của tỉnh Y, được điều về một cơ quan chống tham nhũng của Trung ương. Một thời gian sau, ông Trung Trực được cử về tỉnh Y để điều tra một vụ tham nhũng lớn do thư tố giác của quần chúng. Về tỉnh Y, chỉ sau ba ngày, ông Trung Trực đã xác định đường dây tham nhũng này quả là rất lớn và nghiệt ngã là trong đường dây đó, những “mắt xích” quan trọng đều là những người họ hàng nội ngoại khá gần với ông!...
Hai ngày sau, một đoàn Tuồng của Trung ương được mời về tỉnh Y diễn vở “Bao Thanh Thiên vì nghĩa diệt thân”. Lâu mới có diễn Tuồng nên vé không đủ cho người mua, phải bán cả “vé đứng”! Vở diễn mới được mười phút thì người diễn vai Bao Công bị đau bụng dữ dội, có người nói chắc đau ruột thừa nên đưa đi bệnh viện ngay! Người dự bị của vai Bao Công lại đang có tang ở nhà nên tinh hình thật nguy cấp, không thể đình vở diễn, khán giả bắt đầu la ó! …
Năm phút căng thẳng trôi qua, vở diễn lại tiếp tục! Khi vở diễn kết thúc, tiếng vỗ tay ran lên như từng đợt sấm rền!...Các nhà báo xúm lại phỏng vấn người vừa diễn vai Bao Công. Hỏi: Ông đã diễn vai Bao Công bao giờ chưa? Trả lời: Chưa, nhưng tôi xem diễn vở này nhiều lần, tôi rất thích nhân vật Bao Công! Hỏi: Vì sao mà ông nhập vai xuất thần như vậy? Trả lời: Vì tôi muốn làm như Bao Công, nhưng…
Cuộc phỏng vấn bị đứt đoạn vì có người tới, nói lớn: “Báo cáo đồng chí Trưởng đoàn Thanh tra của Chính phủ! Toàn bộ tội phạm của vụ án mang bí số TR.OO9.123 đã tự trói mình đứng chờ đồng chí ở cửa nhà hát!”…Ông Trung Trực chạy vội ra , cởi trói cho từng người anh em, họ hàng của mình rồi nói:” Bây giờ khuya rồi, về nhà ngủ đí, trưa mai đến văn phòng gặp tôi!”

7.Chuyện về ba nhà thơ …


Có ba nhà thơ cùng đi thực tế ở vùng nông thôn, cùng ở trọ trong một nhà. Ba nhà thơ này có ba sở trường khác nhau : Một nhà thơ chuyên viết Trường ca dài hàng ngàn câu, nhà thơ thứ hai chuyên viết thơ Trữ tình muôn vàn xúc động, đắm say lòng người, nhà thơ thứ ba chuyên viết thơ Tứ tuyệt ngắn gọn mà sâu sắc. Sau một tuần, cả ba nhà thơ đều phát hiện ra rằng : Cô chủ nhà cùng “Yêu” cả ba nhà thơ ! Ba nhà thơ cùng nghĩ : Thế mới hay không biết “mèo nào cắn mỉu nào”, Trường ca, thơ Trữ tình và thơ Tứ tuyệt không biết ai hơn ai? Và cùng nói : “Sau chín tháng nữa, đứa bé được sinh ra thì mới phân rõ ai thắng ai !” Ba nhà thơ trở về và cùng nôn nao ngóng đợi kết quả. Đúng sau chín tháng ba ngày, ba nhà thơ nhận được bức điện báo : “Em đã sinh con, đứa bé rất bụ bẫm, kháu khỉnh ! Nó được đặt tên là Hoàng Lê Nguyễn Tứ Tuyệt !”
Thế mới biết , ngắn gọn và sâu sắc mới có hiệu quả !...

8.Trung thành với lời hẹn ước


Có một anh chàng thầm yêu trộm nhớ một thiếu nữ xinh đẹp. Thiếu nữ biết chuyện, đưa cho anh chàng một cây Thiên tuế và nói : “Khi nào Thiên tuế nở hoa / Thì em sẽ sắm xe hoa cưới chàng” 
Anh chàng mừng lắm, ngày ngày chăm sóc cây Thiên tuế rất cẩn thận và cứ ngồi chờ nó nở hoa . Có người biết chuyện nói với anh chàng rằng : “Cây Thiên tuế này phải một, hai trăm năm mới nở hoa ! Cậu làm sao mà chờ được!” Nhưng anh chàng bỏ ngoài tai câu nói đó, vẫn chăm sóc cây Thiên tuế kỹ lưỡng, hy vọng nó mau chóng nở hoa !…
Rồi cũng tới ngày cây Thiên tuế nở hoa , nhưng là đúng một trăm năm sau, anh chàng đã trở thành một ông lão râu tóc bạc phơ ! Đúng ngày cây Thiên tuế nở hoa, có một bà lão tóc bạc như mây trắng , chống gậy đầu rồng đi tới và nói : “Cây Thiên tuế đã nở hoa, chàng đã được toại nguyện rồi đó !” Ông lão nhìn ra sân thấy một chiếc xe hoa rất lộng lẫy thì ngất xỉu ! Các lang y cao thủ tới cứu chữa nhưng vô hiệu !...

9.Luận bàn thế sự


Có bốn ông bạn già, sàn sàn tuổi nhau, cùng thích chơi cờ và luận bàn thế sự nên ngày nào cũng hết chơi cờ lại luận bàn thế sự không bao giờ dứt ra được!... Thấm thoát thoi đưa, cả bốn người vẫn không thay đổi việc làm hàng ngày là chơi cờ và luận bàn thế sự, mặc dù đã hơn trăm tuổi ! Mọi người xung quanh thấy lạ, bèn “Bắc thang lên hỏi Ông Trời” tại sao lại như vậy? Ông Trời nói:”Bốn ông già ấy chơi cờ không phân thắng bại, nên coi như chưa chơi! Khi luân bàn thế sự, họ chỉ nói chuyện phòng chống Tham nhũng, nên coi như chưa nói gì! Vậy thì họ đã sống hơn trăm tuổi mà cũng như chưa sống, làm sao bắt họ chết được!”
                                 
TP.HCM, Tháng 5 năm 2009 & 4 –6 -2009









© tác giả giữ bản quyền.
. Đăng tải theo nguyên bản của tác giả gởi từ Sài Gòn ngày 09.06.2009.
. Tải đăng lại 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét