Thứ Bảy, 4 tháng 4, 2015

sáu truyện cực ngắn














ĐỖ NGỌC THẠCH

1. ĐI TÌM PHẬT


Văn Lễ vốn là người rất hiếu thảo, nhưng từ khi bước vào chốn Quan trường thì việc phụng dưỡng cha mẹ có phần sao nhãng, thậm chí không vừa lòng khi cha, mẹ khuyên can chuyện “hưởng lạc” quá chớn, Lễ thường lấy cớ “bận việc quan” mà ít về nhà…Cha mẹ Lễ buồn phiền lắm. Một người bạn già của cha Lễ nói:”Tôi sẽ có cách làm cho anh ta hồi tâm, quay đầu hướng thiện!”…
Sắp có đợt “thăng quan tiến chức”, mấy chiến hữu của Lễ nói:”Huynh nên đến mấy cái chùa lớn, cầu xin rước một ông Phật về nhà, ngày ngày hương hoa cúng bái, thế nào cũng được Phật phò trợ, chẳng mấy chốc mà đứng dưới một người, đúng trên muôn người!” Lễ cho là phải, hỏi dò ở vùng núi Vạn Thiên Sơn có ngôi chùa rất thiêng, ai đến xin rước tượng Phật về nhà đều phát tài, phát lộc, liền đi ngay. Đi cả ngày gần tối mới thấy một căn nhà tranh vách nứa đơn sơ, có một ông già râu tóc bạc như Tiên ông thì vào hỏi thăm đường tới chùa. Ông lão nói:”Ngôi chùa lớn vậy mà đã bị một đại gia mua lại làm nhà nghỉ Năm Sao rồi! Hiện Phật tứ tán 4 phương 8 hướng, phải thành tâm mới mong tìm được”. Lại nói:”Thấy anh công phu đi tìm Phật, tôi lén Ngài chỉ giúp cho: Nửa đêm nay, Phật sẽ xuất hiện ở thôn X, xã Y, huyện Z, anh cứ đến đó, giờ đó tất sẽ gặp Phật!” Văn Lễ tức tốc đi một mạch đến chỗ ông già nói: đó là một ngôi làng dân cư thưa thớt, mỗi ngôi nhà tọa lạc trên một quả đồi, dưới ánh trăng mờ ảo, nhìn quả giống như đất Phật – chốn Bồng Lai tiên cảnh! Thấy một căn nhà có ánh đèn, Văn Lễ liền tới gõ cửa thì một bà già ra mở cửa, trên vai quàng tấm mền nhìn như áo cà sa của nhà Phật! Văn Lễ sững sờ kinh ngạc khi nhận ra đó chính là người mẹ già của mình!... Thì ra cha, mẹ Văn Lễ đã về quê sinh sống nửa năm nay mà Lễ không biết! Sau giây phút bàng hoàng, Văn Lễ dần tỉnh ngộ, sụp lạy và nói:”Con thật là bất hiếu! Cha mẹ hãy trị tội con đi!” Người Mẹ nâng Lễ lên mà không nói được gì, nhưng nước mắt rơi lã chã trên đầu Văn Lễ!...
Sau đó, Văn Lễ thuê thợ đá làm hai bức tượng hình Cha và Mẹ , lập bàn thờ sống, một lòng hiếu thảo, nổi tiếng cả một vùng. Cũng từ đó, Văn Lễ thăng quan tiến chức vùn vụt, trở thành vị quan chức hàng đầu của tỉnh…

2. GHEN HƠN HOẠN THƯ


Ông Binh khi đương chức là quan chức thuộc hàng “Nhị phẩm” cấp tỉnh, tức cũng thuộc loại VIP, đi đâu cũng lên xe xuống ngựa, tiền hô hậu ủng rất náo nhiệt. Vợ con ông dùng mẹo “Cáo mượn oai gùm” trong kinh doanh nên kiếm tiền dễ hơn “lấy đồ trong túi”! ông Binh có thể nói là niềm ao ước của nhiều người. Tuy nhiên, có câu thành ngữ “Đỏ tình thì đen bạc”, hoặc “Đỏ bạc thì đen tình”. Ông Binh ứng với câu thứ hai. Vợ chồng ông không những không yêu nhau (ông lấy vợ theo “mô-đen” của học trò nghèo ngày xưa: đỗ đạt rồi, muốn tiến thân thì phải làm “Phò mã” – tức lấy vợ phải là con quan chức hàng đầu) mà còn “khắc khẩu”dữ dội. Vì thế, khi bốn đưa con đã lớn, có gia đình riêng thì ông, bà cũng ở riêng, như người độc thân. Mấy đứa con cũng chẳng đứa nào hợp với ông hoặc bà, hàng tuần, có khi là hàng tháng, cha mẹ con cái mới gặp nhau nhân một dịp gì đó!...Khi ông còn đương chức thì chuyện “sống độc thân” như thế lại thích hợp với cái “máu dê” của ông: mỗi ngày ông phải có một cuộc hẹn hò tình cảm với một “bồ bịch” nào đó! Nhưng đến khi ông nghỉ hưu thì nảy sinh biết bao vấn đề phiền toái, trong đó vấn đề uống thuốc của ông là trầm trọng hơn cả! Chuyện uống thuốc của ông nói thì rất dài dòng, song cũng có thể vắn tắt như sau: Ông thường dùng hai loại thuốc chính: loại có nước là rượu thuốc“Nhất dạ ngũ giao”, nghe nói đó là rượu ngâm thang thuốc đặc biệt của vua Minh Mạng, phải có sự “chăm sóc” thường xuyên và kỹ lưỡng; loại thuốc thứ hai không có nước, gọi là đan, tức là được bào chế thành viên, loại viên ông thường dùng có tên gọi là “Thập hoàn đại bổ”…Hai năm về hưu đầu tiên, thuốc của ông vẫn phát huy tác dụng. Nhưng đến năm thứ ba thì có vấn đề: thuốc của ông không những không có tác dụng mà ông thì lại bị bệnh táo bón rất nặng, thi thoảng lại tiêu chảy hàng tuần mới khỏi. Thay đổi người phục vụ gần chục lần rồi và có vẻ như sẽ không thuê được người nữa! Và cuối cùng thì chính bà vợ phải làm Osin! Thực ra bà chẳng thương gì ông nhưng mà bà lo ngại các Osin sẽ lấy hết đồ đạc trong nhà và có khi bán cả cái biệt thư mênh mông này đi chưa biết chừng, bởi ông đã có biểu hiện lú lẫn, ngu ngơ, ngớ ngẩn!...
Một hôm, bốn người con hẹn nhau về họp gia đình để phân công các con thay nhau chăm sóc ông Binh thì cả bốn người con đều lặng người, mồm há hốc, mắt lồi như ốc bươu khi nhìn thấy cái cảnh này: ông Binh đang xếp nhưng viên “linh đan” lên một cái khay nhựa lớn vừa hát những câu ca không rõ lời vừa múa như là khiêu vũ thì bà vợ tới, lấy những viênlinh đan nhét vào mồm ông kèm theo những lời đay nghiến:”Ăn nữa đi, ăn nhiều vào để lấy sức mà ân ái với mỹ nhân!” Ông Binh không nuốt kịp, như muốn nghẹn thì bà vợ múc một cốc nước trong cái bình rượu thuốc “Nhất dạ ngũ giao” đổ vào mồm ông, khiến ông sặc sụa! Lập tưc bà vợ cầm lấy cái roi mây có sẵn bên cạnh, quất vào đít ông đen đét! Bốn người con ào vào, lôi hai ông bà ra hai nơi thì cùng kinh hoàng khi nhận ra những viên “linh đan” ấy chính là những viên phân táo bón như cứt dê của ông, và bình rượu thuốc “Nhất dạ ngũ giao” chỉ là một bình nước tiểu khai nồng nặc!...

3. VẼ MA


Có một họa sĩ trẻ hì hục vẽ suốt hai chục năm trời mà vẫn không ai biết đến, tức vẫn không thể nổi tiếng như bạn bè cùng trang lứa…Một ngày kia, họa sĩ này bỗng nổi như cồn với phòng tranh toàn vẽ ma quỷ.
Các nhà báo xúm vào phỏng vấn với câu hỏi muôn thuở:”Bí quyết thành công là gì?”. Họa sĩ làm bộ không biết nói gì với câu trả lời:”Các bức tranh đã nói thay tôi cả rồi đó!” Khi các nhà báo lui hết, có một họa sĩ lão thành tới và hỏi:”Có phải cậu nhớ đến câu chuyện “vẽ ma dễ, vẽ người khó” mà ta đã nói với cậu hai mươi năm trước?” Họa sĩ trẻ tức thì sụp lạy và chỉ nói được hai tiếng :”Sư phụ!...”

4. CON KHÔNG GIỐNG CHA


Ông Lê Quan, từ ngày bước vào chốn quan trường, thường không mấy khi về nhà chứ đừng nói đến chuyện tâm tình với vợ con! Được khoảng mười năm, khi đã leo lên tới Top 10 hàng đầu cấp tỉnh, vừa lúc thằng con trai lớn thi đỗ vào đại học, ông mới ngồi nói chuyện với vợ con nhân ngày tiễn con đi học đại học ở thủ đô. Càng nói chuyện với con, ông càng thấy những suy nghĩ của con chẳng giống mình chút nào! Càng nhìn ngắm con, ông càng thấy cả khuôn mặt và dáng người thằng con chẳng giống mình chút nào! Ông sinh nghi ngờ vợ đã có bầu với người yêu cũ rồi mới cưới ông! Khi ông đem những nghi ngờ ấy căn vặn người vợ thì vợ nói:”Thằng con cả nó không giống ông là ông của hiện nay: ăn chơi và suy nghĩ như bọn “xã hội đen”! Còn nó giống ông y chang cái thời ông mới vào đại học!” Nói rồi, bà vợ lấy ra cuốn Album có những bức ảnh của ông thời sinh viên, cả những bức ảnh lúc hai người mới yêu nhau!...Ông Lê Quan xem xong cuốn Album thì sững sờ hồi lâu, đoạn sụp lạy dưới chân vợ mà rằng:”Ôi, em chính là Bồ Tát cứu mạng!...Nếu không có buổi nói chuyện với con và em hôm nay, chắc chắn bọn ma tà quỷ sứ kia sẽ lôi anh xuống mồ!...” Thì ra một “đường dây tham nhũng” cỡ bự đã khởi động mà ông Lê Quan là một “mắt xích” quan trọng!...

5. CÁ CHUỐI ĐẮM ĐUỐI VÌ CON


Hai vợ chồng ông Chín sống ở một vùng quê nghèo, vùng sâu vùng xa, chỉ có một cậu con trai nên vợ chồng tằn tiện chắt bóp, làm thuê làm mướn đủ kiểu quyết nuôi con thi vào đại học, giống như câu thành ngữ “Cá chuối đắm đuối vì con” vậy... Ngày cậu con trai “lều chõng đi thi”, bà mẹ khóc hết nước mắt, ông Chín thì như là hóa thành tượng đá!...
Năm năm sau, vợ chồng ông Chín nhẩm tính thằng con đã sắp ra trường, bèn nhờ một người bà con lên thành phố, nhân tiện tìm gặp thằng con giùm!...Người bà con tìm mãi mới gặp cậu con trai ông bà Chín, thở dài nói:”Sao cậu giấu mãi thế, thi trượt thì đi làm việc khác, có sao đâu! Năm năm nay, cha mẹ cậu cứ nghĩ rằng cậu học hành rất vất vả, đói khổ, ai ngờ!...” Người con trai ông Chín nói:”Em tính chỉ cần giấu một, hai năm nhưng không ngờ thi hoài không đậu, vút cái đã năm năm, làm cho cha mẹ thất vọng lại phải lao động cực nhọc vì em…chắc em chỉ còn cách chết cho hết chuyện!” Người bà con suy nghĩ hồi lâu rồi nói:”Cha mẹ cậu giờ đã già yếu rồi, chỉ sống với hi vọng ở chuyện cậu vào đại học! Cậu mà làm tắt hi vọng đó tức cậu đã giết cha mẹ mình!... Chỉ có một cách như thế này: Tôi sẽ dắt cậu đến một ông thầy dạy đại học, bái lạy ổng làm sư phụ, ổng sẽ luyện thi cho cậu và khi vào học rồi, ổng sẽ kèm cậu học “nhảy cóc”, tức chương trình 4 năm chỉ cần học trong 2 năm! Khi nào lấy được bằng Tốt nghiệp, cậu mới được về nhà!...Còn bây giờ, tôi sẽ về nói dối tiếp dùm cậu là cậu được chọn làm tiếp luận văn Thạc sĩ!...”
Quả nhiên, vợ chồng ông Chín rất sung sướng, tự hào vì chuyện con mình được chọn làm tiếp luận văn Thạc sĩ, chờ ngày “vinh quy bái tổ” thì mười năm vợ chồng ông cũng chờ được!...Còn kết cục của câu chuyện này như thế nào, phải sang năm 2010 mới có !...

6. TAM CỐ THẢO LƯ


Ông Trần Đại Cán khi đã leo lên tới hàng “Tứ trụ triều đình” của tỉnh H thì nói với thư ký lên lịch để ông đến huyện N gặp giáo sư – tiến sĩ Lê Canh Nông, đã nghỉ hưu được dăm năm, mời giáo sư vào Ban cố vấn đặc biệt của tỉnh. Người thư ký – “quân sư quạt mo” nói:”Vị giáo sư này chỉ có tiếng mà không có miếng, tức chỉ giỏi lý thuyết thôi! Mà nghe nói giờ giáo sư về tuốt mảnh đất quê cha đất tổ ở tận cái xã gì đó trên rừng thiêng nước độc, không tìm thấy đâu!” Ông Đại Cán nói:”Xa như nơi mấy ông đạo sĩ thời xưa sống ẩn dật chứ gì! Càng xa lại càng phải đi! Cậu đã biết chuyện Lưu Bị nhờ ba lần lặn lội tới lều tranh của Gia Cát Khổng Minh mà trở thành vua nước Thục thời Tam quốc bên Tàu chưa?” Người thư ký nhanh nhảu:” Có! Thưa Sếp, từ ngày nhận nhiệm vụ Thư ký tức cũng giống như quân sư thời xưa, em đã nghiên cứu kỹ chuyện của giới quân sư, mưu sỹ thời xưa, nhất là bên Tàu!...A, em nhớ ra rồi, chuyện đó gọi là “Tam cố thảo lư”!...Vậy Sếp tính mời ông giáo sư già ấy ra làm việc thật a?”. Ông Đại Cán nhếch mép cười mà rằng:”Cậu nói vậy là chưa hiểu hết Sếp của mình rồi! Tớ chỉ cần cả tỉnh này truyền nhau câu chuyện tớ đã “Tam cố thảo lư”, tức là người biết trọng dụng nhân tài! Còn ông giáo sư tiến sĩ già kia có ra làm việc hay không là “Tập hai”, hạ hồi phân giải!” Người thư ký nghe nói vậy thì bừng tỉnh và nhanh chóng đi lên lịch công tác, anh ta c̣n gọi điện cho mấy chiến hữu bên báo, đài truyền hình và cả ông “Vua phóng sự” của Hội Văn nghệ tỉnh, đủ cả Xe, pháo, mã!...
Sài Gòn, đầu tháng 7-2009









© tác giả giữ bản quyền.
. Đăng tải theo nguyên bản của tác giả gởi từ Sài Gòn ngày 05.07.2009.
. Tải đăng lại vui lòng ghi rõ nguồn newvietart.com.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét