Thứ Năm, 18 tháng 7, 2013

chùm thơ về Hà Nội - Đỗ Ngọc Thạch


Thứ năm, ngày 18 tháng bảy năm 2013

chùm thơ về Hà Nội - Đỗ Ngọc Thạch



 


Chùm thơ về Hà Nội - Đỗ Ngọc Thạch


  1. Chùm thơ về Hà Nội của Đỗ Ngọc Thạch. Viết tiểu luận phê bình, sáng tác truyện ngắn, hôm nay, tôi lại gặp một Đỗ Ngọc ...
    bichkhe.org/home.php?cat_id=147&id=2015 - Bộ nhớ cache





              DIỄN ĐÀN VĂN NGHỆ
    CHÙM THƠ VỀ HÀ NỘI CỦA ĐỖ NGỌC THẠCH
                                                         Chùm thơ về Hà Nội của Đỗ Ngọc Thạch

    Viết tiểu luận phê bình, sáng tác truyện ngắn, hôm nay, tôi lại gặp một Đỗ Ngọc Thạch thơ. Thơ anh chứa triết lý bề sâu, đậm chất nhân sinh nhưng vẫn dồi dào cảm xúc "giữa Sài Gòn ồn ào cuồng nhiệt/ vài bức tranh Phái Phố nhỏ nhoi/ cũng đủ để những người tha hương ôm nhau thân thiết/ khi cùng nhận ra nhau: Người Hà Nội đây rồi!". Bichkhe.org xin giới thiệu 1 chùm thơ về Hà Nội của Đỗ Ngọc Thạch cùng bạn đọc trong và ngoài nước (TS Mai Bá Ấn).


    TRƯỚC VĂN BIA
                        
                  Trăm năm bia đá thì mòn
                  Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ
                                                              (ca dao)
    Nhà tôi ở gần khu Văn Miếu 
    Tôi ngắm Văn bia không biết bao lần
    Ấp ủ trong lòng khát vọng âm thầm
    Mộng khoa bảng cháy rực thời trai trẻ
    Mơ thành ông Trạng vinh quy bái tổ
    Áo mũ xênh xang tán lọng rợp đường
    Xướng họa thơ ngâm vang suốt đêm trường!...
    Nhìn văn bia như nhìn vào ngày hội!

    Rồi tôi xuống làng quê sống trong đồng nội
    Nghe chuyện dân  gian bên bếp lửa hồng
    Chuyện ông Tam Tỉnh quê ở ven sông (*)
    Triều đình không phong, dân làng phong Trạng Ngọt
    Còn ông trạng được phong chỉ là "trạng mặt"
    Mạo trạng nguyên thì mũ áo xênh xang
    Bao ông trạng của dân vẫn ẩn dật trong làng!...

    Trở lại  Văn Miếu, lòng tôi bàng hoàng
    Nhìn văn bia thấy như đang bốc cháy
    Lửa vẫn cháy mà bao ông Tiến sĩ giấy
    Vẫn xênh xang áo mũ chật đường quan!

    Tôi bước đi dưới lá đổ ngập vàng
    Bỗng nghe tiếng người bán rắn ngồi hát:
    "Nói xạo đấy, Trời làm gì có mắt!
    Ai mua mật rắn thì còn!
    Trăm năm bia đá thì mòn
    Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ
    Ai mua mật rắn thì mua!..."
    ---
     (*)  Xin xem tích truyện "Trạng Me đè Trạng Ngọt”


    Ở  SÀI  GÒN  XEM  TRANH  BÙI  XUÂN  PHÁI


    Xa Hà Nội hàng ngàn cây số
    Mà như đứng giữa năm cửa ô
    Giữa góc phố, con đường bóng đổ
    Những mái nhà ngói nhỏ lô xô

    màu sắc không còn là màu sắc
    với thời gian màu sắc mãi còn không?
    gam màu hư ảo hồn thanh khiết
    ánh sáng dọi vào hiện cầu vồng

    anh không vẽ lâu đài cao rộng
    những  tiểu thư lộng lẫy yêu kiều
    phố thì nhỏ, con đường thầm lặng
    và ai kia lam lũ bóng xiêu...

    như đá tảng thu vào trong hạt ngọc
    ba sáu phố phường anh thu vào bàn tay
    anh cũng đi như nghệ thuật anh hóa thạch
    để năm cửa ô người Hà Nội ngất ngây...

    giữa Sài Gòn ồn ào cuồng nhiệt
    vài bức tranh Phái Phố nhỏ nhoi
    cũng đủ để những người tha hương ôm nhau thân thiết
    khi cùng nhận ra nhau: Người Hà Nội đây rồi!



    NGƯỜI HÀ NỘI


    Tìm Người Hà Nội ở Hà Nội rất khó
    Vào Thư viện Quốc Gia tìm sách Danh Nhân
    Chỉ gặp người xưa được phong Thánh, phong Thần
    Đi ra các cửa ô, vào sâu ngõ nhỏ
    Sẽ có nhiều Người Hà Nội chính tông ở đó…

    Một ông già Ngũ đại đồng đường đều là Người Hà Nội
    Trút tiếng thở dài rồi nói như gió thổi:
    “Người Hà Nội bây giờ toàn con cháu Vua Lê
    Và vô vàn “Kiêu binh” xứ Nghệ!...”
    Mắt ông già rưng rưng ngấn lệ:
    “Thăng Long ở trong tay các người
    Muốn làm sao thì làm, miễn sao phải đạo!”
    Chữ “Đạo” có nghĩa gì, tôi nghĩ mãi chưa ra!...





    HÀ NỘI, EM VÀ TÔI

    Hà Nội và Em và Tôi
    Như hình với bóng, suốt đời bên nhau
    Nhờ Em tôi biết qua cầu
    Đánh rơi chiếc áo nhịp cầu chênh vênh

    Nhờ Em tôi biết cổng Thành
    Từ trăm năm trước chỉ dành cho Em
    Cửa Nam, cửa Bắc đi tìm
    Cửa Đông Em đứng tôi tìm làm sao

    Năm cửa Ô - năm cánh sao
    Ai mà biết được sao nào là Em?
    Hồ Gươm phẳng lặng dịu êm
    Phố phường cuộn sóng tôi quên lối về

    Lối nào rộn rã tiếng ve  
    Có tập vở giấu Mùa Hè bên trong
    Lối nào hương cốm lòng vòng
    Có mùa sen nở trong vòng tay Em

    Lối nào người chật như nêm
    Tôi như nằm gọn tay mềm của Em
    Thôi mà đừng hát nữa Em
    Lời ca trói chặt trái tim tôi rồi!...

    Hà Nội và Em và Tôi
    Nhờ Em tôi biết có người Tràng An
    Bút nghiên đó, đã sẵn sàng
    Viết lên trời để tặng Nàng chữ YÊU!


    CẦU LONG BIÊN
               (Tặng Người thợ cầu)

    Tôi - người thợ cầu Long Biên
    Quanh năm ngày tháng đứng trên sông Hồng
    Ngó lên trời - trời mênh mông
    Ngó đôi bờ - ánh sắc hồng phù sa…

    Em là lữ khách đi qua
    Cớ sao ánh mắt như là sương mai
    Cầu Long Biên thật là dài
    Mà sao tôi thấy em hai, ba lần

    Lúc em xa, lúc rất gần
    Để tôi cứ ngỡ người thân đến tìm
    Việc tôi làm có gì xem
    Cạo đi gỉ sắt, sơn lên sắc màu

    Như người yêu đợi chờ nhau
    Tôi sơn màu tím là màu thủy chung
    Môi em đỏ má em hồng
    Tôi sơn màu nắng vừa lòng em không?

    Dù cho mưa nắng, bão giông
    Cầu tôi vẫn đẹp như hồng má em!
    Bao giờ em chịu làm quen
    Tôi mời em đứng hát trên nhịp cầu
    Hát bài “Cởi áo trao nhau
    Về nhà dối mẹ qua cầu gió bay!”


    NHỚ HÀ NỘI XƯA

    Người ta đi tới Ngày Mai
    Còn tôi sao cứ nhớ hoài Ngày Xưa…
    Nhớ Văn Miếu tiếng bình thơ
    Như chuông ngân mãi bây giờ chưa tan

    Nhớ phố phường lắm chữ HÀNG
    Hàng nào thức đó, chẳng màng đâu đâu
    Cô Hàng Nón mắt bồ câu
    Cô Hàng Bạc có mái đầu cài trâm
    Cô Hàng Đào mắt lá dăm
    Cô Hàng Trống đánh cả năm canh liền
    Tây Hồ gái đẹp như Tiên
    Em đi bán chiếu để tiền ai tiêu?
    Mùa Thu tôi nhớ thật nhiều
    Tay em hương cốm đi theo, theo hoài
    Chim sâm cầm bay đi rồi
    Để tôi ngơ ngẩn nói lời gió mây
    Leng keng tàu điện đâu đây
    Để tôi đi hết ga này bến kia
    Để tôi đi ngược mãi về
    Cái ngày Quan Trạng vinh quy về làng
    Để tôi tìm thấy cô nàng
    Đứng sau rèm cửa chờ chàng rước đi!...

    Năm qua đi, tháng qua đi
    Tôi thành thiên cổ, em thì nhận ra?
    TP.HCM, tháng 4-2009

    Đỗ Ngọc Thạch

    Những cành lộc vừng nghiêng mình soi bóng bên Hồ Gươm làm nao lòng bao du khách trong và ngoài nước.

    Các bài khác:
    ·HAI TRUYỆN NGẮN VỀ HÀ NỘI - Đỗ Ngọc Thạch 


    nguồn: bichkhe.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét