Thứ Ba, 17 tháng 9, 2013

PB&TL của Đỗ Ngọc Thạch - Trích: Đọc Tiểu Luận của Lê Đạt


Thứ ba, ngày 17 tháng chín năm 2013

PB&TL của Đỗ Ngọc Thạch 

- trích: Đọc Tiểu Luận của Lê Đạt

 Viên kim cương Sun Drop

Phê bình và Tiểu luận của Đỗ Ngọc Thạch trên vanchuongviet.org-
 Trích: Đọc Tiểu Luận của Lê Đạt



  1. Đỗ Ngọc Thạch - văn học & nghệ thuật

    www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacgia&action=detail...

    Sinh ngày l9-5-1948, tại Phú Thọ. Tốt nghiệp ĐH Tổng hợp (Khoa Ngữ Văn) năm l976;. Làm việc tại các cơ quan:Trường Dự bị ĐH DTTƯ, Viện Văn học, Tạp ...




    Đổi Mới Quyết Liệt Nguyễn Minh Châu (tiểu luận)





    Nguyễn Vỹ (chân dung)

    Nhà Nho - Nhà Báo (tiểu luận)


    Sử Thánh Tư Mã Thiên Và Sử Ký 2 (tiểu luận)



    Tương tác trên net (tiểu luận)









    Viên kim cương trái tim màu xanh “Blue Heart” 
    Đọc “Tiểu Luận” Của Lê Đạt- 1
    Đỗ Ngọc Thạch
    Lê Đạt (1) có hai tập tiểu luận, đoản ngôn (Theo Lê Đạt, “Đoản ngôn” là một hình thức suy nghĩ ngắn gọn về nghệ thuật và cách ứng xử trong cuộc đời. Thể thơ đoản ngôn này thoải mái hơn thể thơ hai-kâu vì nó viết theo kiểu thơ văn xuôi) được xuất bản liên tục trong hai năm liền là Đối thoại với đời và thơ (NXB Trẻ, 2008) và Đường Chữ (NXB Hội Nhà Văn, 2009; 644 trang).

    Hơn hai tháng sau khi qua đời, bạn bè Lê Đạt đã tập hợp những bài viết, phát biểu của ông về thơ và về chuyện đời, chuyện người trên các tờ báo lớn trong nước, in trong tập sách Đối thoại với đời và thơCuốn sách gồm 5 chương: Dân chủ và vốn xã hội; Về văn hóa và tính cách Việt; Khoa học và nghệ thuật, Nghĩ về thơ và cuối cùng là Đoản ngôn. Trong phần phụ lục của sách, độc giả có thể tiếp cận những bài viết xúc động của bạn văn, thơ dành cho ông, trong đó có cả bức thư cảm động cô con gái Đào Phương Liên gửi cho bố mình trước khi tiễn ông đến nơi an nghỉ cuối cùng. Phần phụ lục còn cung cấp nhiều hình ảnh của Lê Đạt và bạn bè.

    Sau “Đối thoại với đời và thơ”, “Đường chữ” (một sự “tập hợp chữ” khá đồ sộ: 650 trang in) là cuốn sách thứ hai của Lê Đạt được xuất bản kể từ khi nhà thơ “phu chữ” qua đời. Đường Chữ của Lê Đạt gồm có 4 phần:Thơ, Di cảo, Đoản ngôn và Tiểu luận. Đọc Đường chữ, ta thấy lịch sử một đời người giữa thăng trầm của dân tộc, và cuộc kiếm tìm không mỏi của một “phu chữ”  trong rừng chữ nghĩa.

    Trong số những nhà thơ cùng thời, cùng nhóm “Nhân văn-Giai phẩm”, Lê Đạt là một phong cách độc đáo, một “nhân - cách - thơ” rất…Lê Đạt, Một-Người-Thơ “ngây ngô không biết lối về già”:    


    “Đời tốc hành
    một ga xanh sót lại
    Một góc tuổi mải tàu
    thơ dại mãi
    Tìm nhà quên mất số lớn khôn”.

    Chính vì thế, Di sản văn chương của Lê Đạt để lại không nhiều về số lượng nhưng có độ phong phú và sức nặng của trọng lượng nghệ thuật bởi mỗi câu chữ của Lê Đạt, theo cách nói của Maia “được luyện từ ngàn tấn quặng chữ”. Qua toàn bộ di sản của Lê Đạt, người ta có thể hình dung được chân dung của một người lao động nghệ thuật đích thực: người “Phu chữ” không quản ngại gian lao, vất vả trong việc luyện chữ, tìm chữ. Và đến những trang viết cuối cùng của cuộc đời Lê Đạt, một phương diện khác, dẫu đã từng ẩn hiện trong những sáng tạo nghệ thuật của ông, mới thực sự hiện hình rõ nét: chân dung Lê Đạt. Đó là các bài tiểu luận như:Vân chữ, Thư Ép-phen, Lang thang trang lần quê chữ tìm mình, Vốn chữ, Cầm tên em đi tìm …và đặc biệt là bài Đường chữ - bài tiểu luận được lấy tên chung cho tập sách

    Đường chữ.
    *
    Trước hết, xin nói về những bài viết của bạn bè về Lê Đạt. Phải nói ngay rằng, với những người “ngây ngô” như Lê Đạt, nếu không có sự nhiệt tình của bạn bè, Lê Đạt không thể đến được với bạn đọc như hôm nay: trước hết là những bài giới thiệu Lê Đạt trên các báo chí (thường là Phỏng vấn, trò chuyện…) và sau là thu gom bản thảo, bút tích của Lê Đạt để in thành sách…

    Nhìn chung, những bài viết của bạn bè về Lê Đạt đều gặp nhau ở nhận định: Lê Đạt đã vượt qua “đại nạn” NV-GP theo cách của riêng anh, để trở nên một Lê Đạt như chúng ta biết, rất ít nói và rất khiêm nhường, rất súc tích cả trong lối sống lẫn trong phát ngôn. Có được như vậy bởi Lê Đạt rất từng trải, và theo Nguyên Ngọc (2) thì chỉ những người thật từng trải qua trầm luân đắng cay lắm mới có được, thâm trầm và nhân hậu trong cuộc sống, sâu sắc và uyên thâm trong tri thức, chín chắn mà mới mẻ, luôn mới mẻ và dồi dào đến lạ trong sáng tạo. Như một Người Hiền. Nói Lê Đạt là Người Hiền thật chính xác bởi Lê Đạt là người có ý thức sâu sắc, rõ rệt hơn cả về con đường đi của mình, cũng là con đường đi của người trí thức, người nghệ sĩ chân chính trong những điều kiện khắc nghiệt của chuyển động lịch sử và xã hội đầy éo le của đất nước thời  mình sống. Và Lê Đạt hiểu điều đó vừa bằng một tâm hồn và một tài năng nghệ sĩ lớn, vừa bằng một tri thức lớn về văn hóa văn minh dân tộc và nhân loại mà anh kiên trì chiếm lĩnh suốt đời. Ở xứ ta, việc vinh danh ai đó là văn nghệ sĩ lớn thường là dành cho những văn nghệ sĩ đồng thời là quan chức lớn cho nên Lê Đạt được đánh giá như vừa nói trên cũng không hề đơn giản, cũng như tại sao chỉ sau khi chết thì những suy nghĩ, phát biểu của Lê Đạt về cuộc đời nói chung và văn thơ nói riêng - gọi là “Tiểu luận”, “Đoản ngôn” - mới được xuất bản đàng hoàng!...Dù sao thì bây giờ bạn đọc đã có trước mặt hai tập Tiểu luận, Đoản ngôn của Lê Đạt làĐối thoại với đời và thơ và Đường Chữ, chúng ta sẽ biết được nhà thơ đã nghĩ gì về cuộc đời, về văn thơ và sẽ phần nào “Giải mã” tập thơ Bóng chữ (1994)…

    Thông thường, nói đến sách “Tiểu luận” là phần đông ngần ngại. Song, với Tiểu luận và Đoản ngôn của Lê Đạt, tôi nghĩ rằng người đọc sẽ nhanh chóng bị cuốn hút bởi đó là những suy nghĩ, chiêm nghiệm qua hơn nửa thế kỷ của cả một đời người, đời thơ của một con người đặc biệt Lê Đạt. Đặc biệt vì Lê Đạt là một trong những nhân vật trung tâm của vụ án Nhân văn-Giai phẩm - vụ kỳ án lớn nhất trong lịch sử văn học Việt Nam. Đặc biệt vì Lê Đạt đã “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”, đã vượt qua đủ “99 kiếp nạn” để thành đắc đạo!

    Những người bạn gần gũi Lê Đạt đều thấy ông luôn sống với cái tâm đắc đạo: nhà thơ Lê Đạt luôn giữ một tâm thế rất hồ hởi, dễ gần. Người ta cứ nghĩ, sau khi bị đày ải trong “bể khổ” của cuộc đời, Lê Đạt sẽ “thân tàn ma dại”, sẽ sống u uất…nhưng ông thường nói với người tới thăm ông: “Có người cứ bịa ra tâm trạng của tôi, chứ bản thân tôi không có thời gian ngoái nhìn quá khứ. Không nên quá quan trọng cuộc đời, vì khi ta quan trọng cuộc đời tức là ta tự đánh giá mình cao quá đó thôi! Bình thường tâm là đắc đạo!”.Với cái tâm đắc đạo ấy, ông trút lòng mình vào “kỳ trận chữ”. Suốt mấy mươi năm qua, Lê Đạt chưa bao giờ ngừng sáng tác, ngừng suy nghĩ. Lê Đạt thường nói với bạn bè, khi viết, ông luôn tràn đầy hy vọng và độ lượng, bao dung. Mỗi ngày ông say sưa viết 2-3 tiếng, kể cả khi đã qua tuổi “xưa nay hiếm” 70 rồi tới tuổi 80. Chính vì thế màHoàng Hưng gọi Lê Đạt là “Người lạc quan ngoan cố”(3). Từ “ngoan cố” ở Lê Đạt là do những người “chống NV-GP” đặt cho (“tên Nhân văn ngoan cố”), nay đặt cạnh từ “Lạc quan” thì quả là “rất Lê Đạt” bởi dường như chỉ có Lê Đạt mới luôn Lạc quan, Lạc quan dài dài như thế! Chính sự Lạc quan đã tạo nên phong cách hóm hỉnh mà sâu sắc ở những suy nghĩ của Lê Đạt. Chẳng hạn như khi ông nói “Văn hóa là bình tĩnh”, và khi ông lại nói “trong mọi thứ phải vội thì không nên vội khi làm chữ và khi tự tử” thì ý tưởng trở nên thú vị rất nhiều. Mặc dù Lê Đạt đã  có một chiếc máy vi tính rất high-tech, nhưng trên bàn phím vẫn có những tờ giấy viết tay, ông đã giải thích: “à, đấy là những tờ nháp Đoản khúc. Đoản khúc là những suy nghĩ về nghệ thuật, về sự đời. Suy nghĩ thì phải từ tốn chứ, vội gì đâu mà phải gõ tanh tách. Đấy, người ta cứ nhầm hiện đại với vội vàng, chụp giật. Phải có thì giờ để suy nghĩ, trừ khi không chịu nghĩ. Sợ nhất là chủ trương chạy đua theo các dịp kỷ niệm. Ngay kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long cũng thế. Tại sao ta cứ bịa ra các thứ nhân dịp ấy để tự trói buộc mình? Đã từng có vụ một nhà hát đổ sập ngay trong ngày khai mạc nhân dịp… rồi mà không sợ hay sao?”.

    Chính vì có sự “bình tĩnh” đó mà những nhận định của Lê Đạt về Thơ không hề cực đoan hoặc cảm tính như bao nhiêu người khác và có phong cách “rất Lê Đạt”: “ Theo tôi, Trần Dần là trưởng môn phái của thơ cách tân thế hệ chúng tôi, nên anh ấy rất quyết liệt, bận tâm với việc đổi mới thơ. Nhưng cái nhược điểm của anh là hơi cứng nhắc, hơi ý chí chủ nghĩa. Tôi vẫn coi thơ Trần Dần là một bản giao hưởng của lý trí. Còn Hoàng Cầm thì anh ấy không bận tâm về đổi mới, cách tân thi ca nhưng giời cho anh ấy thơ và tập Kinh Bắc là một tập thơ rất hay và có nhiều cái mới…Thế hệ trẻ rất được nhưng chưa nên nói nhiều về nó, họ là tương lai của thi ca Việt Nam nhưng họ cần phải thấy được trách nhiệm lớn lao và phải lao động thật sự nghiêm túc hơn nữa, học nhiều hơn nữa. Cái quan trọng là họ khác Thơ mới tiền chiến. Phần sôi nổi của thơ trẻ cũng quan trọng, nhưng phần lắng sâu mới là điều cốt lõi và phần lắng sâu trong thơ trẻ hơi ít trong khi phần sôi nổi thì hơi nhiều. Với các nhà thơ trẻ, cái khẳng định mình là quan trọng, nhưng cái suy nghĩ về bản thân mình cũng rất quan trọng. Các nhà thơ trẻ để tránh khỏi nhạt nhẽo, sáo mòn thì không nên đến cửa hàng đặc sản gọi cho mình một món bi kịch và không nên tự bịa ra bi kịch để tập dượt vì bi kịch chẳng phải ở đâu xa mà ở ngay trước mặt khi bạn chọn nghiệp làm thơ, thơ là một lạng cảm hứng cộng với một tạ mồ hôi”(4).

    Trong bài viết Chất vàng mười Lê Đạt của nhà Phê bình văn học Chu Văn Sơn ngay sau khi cuốn Đối thoại với đời và thơ của Lê Đạt ra mắt, nhà PBVH đã nhiệt tình khẳng định: “Là một cuốn tiểu luận, nhưng lối tiểu luận khá đặc biệt. Ta hoàn toàn có thể nói đến một phong cách tiểu luận Lê Đạt. Từ chối lối tiểu luận hàn lâm với những logic hình thức nặng nề, những trích dẫn rườm rà, cũng không giống những lối tiểu luận nghệ sĩ thường gặp, vốn ưa phóng túng đến độ la đà thừa thãi. Tiểu luận của ông là triết luận đầy chất thơ. Mỗi câu đều có được sự cô đúc, súc tích của một đoản ngôn. Thậm chí, có thể nói không ngoa rằng: tiểu luận Lê Đạt được dệt từ những đoản ngôn thông minh, mà mỗi ý tứ đều muốn trở thành một châm ngôn, dù không định áp đặt cho người đọc bất cứ lẽ gì gọi là tất định. Đây cũng là nét độc đáo của một phong cách viết coi trọng nguyên lí đối thoại” (5).

    Trong cuộc đời, ngoài cặm cụi, hì hục viết như một “Phu chữ”, người bạn trung thành nhất của nhà thơ Lê Đạt là sách. Lê Đạt nói: “Lúc khó khăn nhất, tôi đọc sách, tránh “nhàn cư vi bất thiện”. Khi đọc sách, tôi được giao lưu với những bậc đại gia của văn hóa nhân loại, làm cho mình sang trọng lên. Điều quan trọng là luôn sống bao dung và giữ gìn sự hài hước”. Có thể nói, chính là Sách - Tri thức nhân loại đã luôn tiếp cho Lê Đạt năng lượng sống. Chính vì thế, Lê Đạt luôn “Trẻ” và không ngưng nghỉ trong suy tư. Khi đã vào tuổi 80, nhưng gặp ông lúc nào cũng rất trẻ trung. Cái bắt tay rất chặt. Tiếng cười luôn nổ ran. Ông nói mọi chuyện, từ nghiêm túc đến đùa cợt đều “nhẹ như không”. Chính vì thế mà Lê Đạt, con người rất thường lẩn khuất và hết sức giản dị ấy lại là một cuốn tự điển sống hầu như bất tận. Cả về tri thức đông tây kim cổ, lẫn trải nghiệm muôn mặt cuộc đời. “Có lẽ rồi chúng ta sẽ dần dần nhận ra khoảng trống anh vừa để lại cho chúng ta hôm nay là một khoảng trống chẳng biết bao giờ mới lấp được của một nhà hiền triết, người đã gian nan mà nhẹ nhàng đi qua những tình thế chẳng hề đơn giản và dễ dàng của đất nước gần ngót một thế kỷ qua” - cảm nghĩ đó của Nguyên Ngọc khi Lê Đạt “cưỡi hạc về Trời” cũng là suy nghĩ của những người hâm mộ Lê Đạt. Nhìn chung, sau vụ “Nhân văn - giai phẩm”, các “anh hùng, hảo hán” một thời đều gặp nhiều khó khăn về sinh sống. Hoàng Cầm phải đi tô màu ảnh để sống, Trần Dần, Lê Đạt cặm cụi dịch sách kiếm tiền. Nhưng Lê Đạt dễ thở hơn nhờ bà mẹ buôn bán nhỏ thỉnh thoảng cho tiền. Chính vì thế, Lê Ðạt “trở lại tuổi ấu thơ” rất tự nhiên:

    Tuổi lú lẫn ngược nhầm ga trẻ dại
    Hay ngây ngô không biết lối về già
    Thơ thẩn chữ ngã ba…

    *
    Có thể có người nghĩ rằng Lê Đạt giả ngây giả ngô để “qua mắt” “Nhà chức trách”, riết như thế thành ra người ngây ngô thật? Cũng có thể là như vậy phần nào, nhưng nghe cái cách xưng danh “kiêu hãnh ngầm” rất Lê Đạt thì ta sẽ nghĩ khác:

    Phó thường dân / phố nhỏ vô danh  / vô giai thoại / Thành tích / mấy trang giấy sờn / mấy câu thơ bụi /
    núi Vô Sơn.

    Hoặc: “Nhà thơ là người thiểu số vùng sâu
    vùng xa của ngôn ngữ, suốt đời
    chưa sõi tiếng phổ thông”.

    Ta hãy đặt  câu hỏi tại sao Lê Đạt lại “đầu tư” nhiều cho “Đoản ngôn” trong khi người ta đa phần đều thích “ăn to, nói lớn” và viết lách thì phải “ra tấm ra món”, thậm chí nhiều chương hồi, nhiều tập rất hoành tráng? Câu trả lời có ngay sau khi cuốn “U75 Từ tình”, một tập thơ và đoản ngôn rất ấn tượng của Lê Đạt vừa ra mắt: “Tôi tiếp tục làm một tập đoản ngôn. Độ hai ba trăm trang gì đó. Già rồi nên có lẽ nên viết ngắn. Vả lại từ trẻ tôi vốn là một nhà thơ nghèo nên hết sức tiết kiệm…Khẩu hiệu của tôi là: “Chữ ngắn, tình dài, nghĩa nặng”thơ không nên nói nhiều quá!”. Trong bài tiểu luận Đường chữ, Lê Đạt lại nói về cái sự “tiết kiệm chữ” này: “Lạm dụng những từ khoa trương rất không tốt cho sức khỏe ngôn ngữ quốc gia và có nguy cơ cao dẫn đến nạn lạm phát. Trong quốc sách tiết kiệm không nên quên tiết kiệm ngôn ngữ. Đừng sài ngôn ngữ như sài tiền chùa”.

    “Đoản ngôn” là một hình thức suy nghĩ ngắn gọn về nghệ thuật và cách ứng xử trong cuộc đời của Lê Đạt. Và người đọc như được tiếp cận với một nhà hiền triết sâu sắc mà hóm hỉnh bởi những đoản ngôn của Lê Đạt thường bất ngờ, nhiều dư âm và đa nghĩa. Người đọc có thể tìm thấy những đồng cảm riêng, thú vị:

    Người quân tử dùng mắt để nhìn
    Kẻ tiểu nhân dùng mắt để nhòm
    +
     Kẻ thù của bình đẳng là chủ nghĩa bình quân
    +
    Điểm tham quan nóng nhất của lịch sử là Suối Giải Oan
    +
    Chữ không cấp sổ đỏ cho bất cứ nhà văn nào
    +
    Nhiệm vụ của thơ không phải sản xuất ra chân lý, mà những chất cường cảm, những viagra phục tráng khả năng chân lý
    +
    Các triết gia cảnh báo nhiều
    về nguy cơ tha hóa mà hơi ít
    về nguy cơ đồng hóa, nó cũng là
    một hình thức tha hóa 

    +
                           
    Người ta có một cái đầu để làm khác
    chứ không phải làm theo. Bất hạnh là
    người có cái đầu máy photocopy.

     +                    
    Trong một bài thơ cổ điển, nghĩa thường 
    đến đúng hẹn. Trong một bài thơ hiện đại
    nghĩa thường đến trễ giờ.

      +                  
    Cho rằng ngôn ngữ có thể hoàn toàn
    giải mã được là loại trừ nghĩa
     (sens) hoặc rút gọn nó thành những
    định nghĩa (signification).
    Định nghĩa minh bạch và hữu hạn
    Nghĩa mơ hồ và bất tận.
    Nghĩa có những khoảng trắng không thể
    lấp đầy dành cho cơ may.
    +
    Tôi trọng những nhà thơ sinh sự với
    văn phạm để tạo ra sự sinh của ngôn ngữ.
      +                    
    Viết là phép đối xử với văn phạm
    như một bạn chơi, chứ không phải như
    một nhân viên trật tự thô lỗ.
    +
     Trăng Ba Vì sao đổi chữ thiên di
    +
    Người đẹp lẩn khe hai dòng chữ tối
    Thủ thư mù
    lần lẻ một lối mê
    +
    Người ta thường đánh giá cái mới, cái chưa biết
    bằng những cái đã biết rồi. Đó là nguyên nhân
    sinh ra tình trạng oái oăm: thằng chết cãi thằng
    khiêng.
    +
    Người ta thường hiểu lầm rằng nghệ sĩ cách tân
    chủ trương xóa bỏ mọi gò bó. Không. Anh ta chỉ
    đòi xóa bỏ những gò bó lỗi thời và phi nhân tính
    để tự giác đề ra cho mình những gò bó tự do hơn.
    Không có gò bó thì cũng không có nghệ thuật.

    (9) Xin xem thêm một số đoản ngôn của Lê Đạt ở cuối bài. 


    Chập mạch chấn động tình quên tiểu sử
    Lang thang trang lần quê chữ tìm mình 

    Lê Đạt cho rằng, “Mỗi công dân có một dạng vân tay. Mỗi nhà thơ thứ thiệt cũng có một dạng vân chữ. Không trộn lẫn” (Vân chữ). “Đã là một nghề thì phải có kỷ luật lao động. Không nên thụ động thắp hương chờ mà phải chủ động gọi hứng đến. Công việc này đòi hỏi một kỷ luật nghiệt ngã và gian khổ” (Nghiệp thơ)… Đọc tiểu luận Đường chữ, có thể nhận ra, cuộc tìm “đường chữ”, “vân chữ” của ông là cuộc tự nhận thức “trường kỳ và gian khổ” sau “đại nạn” Nhân văn giai phẩm.

    Những vấn đề thời cuộc được ông đề cập, nhiều suy tư trong các bối cảnh sáng tạo như bản sắc dân tộc (không phải là tiền có sẵn trong kho lấy ra xài, mà càng hiện đại thì càng nhận ra sự phong phú, đủ đầy), trí thức (là thái độ sống chứ không phải học vị), hay bình luận về khung cảnh tự do sáng tạo (một nền văn hóa dân chủ lành mạnh không nên gồm quá nhiều đường một chiều), tinh thần cách tân thơ (không nên kỳ thị bất kỳ thể thơ nào), chế độ tự kiểm duyệt (lập ra hàng rào “thuế quan” nghiêm ngặt của cái siêu ngã) và có thú vị khi ông “trả lời” cho việc vì sao đến hơi thở cuối cùng vẫn không viết nổi hồi ký Nhân văn giai phẩm…

     Cách nói của Lê Đạt, dù ở bất kỳ vấn đề nào, ta cũng thấy như một nghịch lý: “Tuổi Cao Biền tim vị thành niên”. Đó không phải “cưa sừng làm nghé”. Đó là sự nuôi dưỡng tâm hồn luôn tươi trẻ. Người trẻ, theo ông, là người có ngôn ngữ mới, tức tư duy mới. Và, với nhà thơ, thì “cái trẻ, cái già của nhà thơ quyết định không phải đo ở tuổi trời, mà ở nội lực chữ”. Tuy nhiên, ta không khỏi ngậm ngùi cùng nhà thơ trước một quy luật tất yếu:

    Hoa đào mải giục môi em thắm
    Mặc hoa mơ xui trắng tóc anh già .

    Đọc tiểu luận, đoản ngôn của Lê Đạt ta thấy cháy bỏng khát vọng đổi mới thi ca, chứa chan một tình yêu với cuộc đời - mà người ta thường gọi là tính nhân văn cao cả. Chính điều đó tạo nên độ lớn, tầm cao của Thi nhân. Có thể bây giờ, cái chức danh “Phó thường dân”, cái vẻ ngoài “ngây ngô không biết lối về già” đã khiến chúng ta chưa nhìn rõ tầm vóc thực sự của ông. Không biết ông có phải chờ đợi “tam bách dư niên hậu”?

    Từ lâu, người ta đã muốn tìm mối liên hệ tương đồng giữa Khoa học xã hội và Khoa học tự nhiên. Sự xích lại gần nhau của các ngành khoa học trên nhiều lĩnh vực đã hình thành một khoa học mới - khoa học liên ngành. Ở Việt Nam, xu hướng này cũng được đặc biệt chú ý, song kết quả thì còn rất khiêm tốn … Nay đọc bài những tiểu luận của Lê Đạt như Thơ và Vật lý hiện đại, Lý tính phê bình, Văn hóa đối thoại, Lời quê  Cái khác… thì tôi thấy thật thích thú. Chùm bài tiểu luận này của Lê Đạt là sự tìm đến với những công trình khoa học cơ bản thuộc những lĩnh vực “siêu khó” như vật lý lý thuyết và các ngành khoa học hiện đại khác - mới thấy tính chất quảng bác của trí tuệ Lê Đạt. Sự tiếp cận mới này của Lê Đạt, trước hết, như ông nói: “Cuốn sách (về Enstein - Đ.N.T) đã dậy tôi rất nhiều về lý thuyết tương đối nhưng hơn thế nó còn dậy tôi một bài học lớn lao vế cách sống và cách nghĩ của một người tìm tòi” trong thời đại mới khi mà “… những câu nói "hội nhập", "toàn cầu hóa" gần như đã trở thành lời nói cửa miệng của thế kỷ XXI”. Song, khi Lê Đạt đi sâu vào những “Lý thuyết về những phôtông”, “Lý thuyết xác suất”, rồi “Nguyên lý bất định”, “Vật lý lượng tử”,v.v…và rồi tìm “chứng cớ” giống nhau với Thơ ca để đưa ra những kết luận như sau thì quả là vội vã:

    “Lý thuyết về những phôtông đã khẳng định tầm quan trọng hàng đầu của những cấu trúc gián đoạn thay thế những cấu trúc liên tục tăng chế ngự khoa học cũng như thơ ca trong nhiều thế kỷ. Đã hết rồi thời đại của những chân lý tuyệt đối. Ngay từ cuối thế kỷ XIX, một nhà triết học Đức với trực giác nhạy bén của một nghệ sĩ thiên tài đã bận tâm đến nguy cơ con người có thể bị ngạt thở vì chân lý. Ai cũng biết xác suất là trung tâm của vật lý lượng tử mà đã nói đến xác suất không thể không đề cập đến ngẫu nhiên, đến may rủi nó cũng là cơ sở của thơ hiện đại. Những nguyên lý bất định, nguyên lý bổ sung của vật lý lượng tử đã giải phóng nhân loại khỏi lý thuyết nhân quả tất định từng nhắc cũng như những quy luật nghiệt ngã nhiều khi bảo thủ của ngữ pháp”.

    Sự nghiên cứu khoa học tự nhiên của Lê Đạt, như ông nói: “Tôi cũng xin phép được cộng hưởng lời kêu gọi thiết tha của nhà bác học người Bỉ, Prigogine cho một cuộc liên minh mới (nouvene alhance) giữa khoa học tự nhiên, khoa học nhân văn, triết học, văn học nghệ thuật nhằm tạo nên "một cái nghe mới thú vị" đối với cuộc sống muôn màu muôn vẻ” - là một thái độ văn hóa đúng, một hành động khoa học đúng. Song, để có được “một cái nghe mới thú vị” trong cuộc liên minh mới này thì không hề đơn giản. Có lẽ những ý tưởng của Lê Đạt trong chuyện liên minh mới này có xu hướng “vĩ mô” như Lê Đạt đã khẳng định một chân lý: “Nhà khoa học không có tưởng tượng chỉ là một công chức khoa học thồ một khối kiến thức nặng nề trên lưng như “cái bướu của anh gù” (chữ của Nietzsche). Nhà nghệ thuật thiếu lý tính chỉ là một nghệ sĩ thứ phẩm mắc bệnh vĩ đại cũng cần chữa trị hoặc nên đổi nghề”. Nhìn chung, những bài tiểu luận của Lê Đạt ở khu vực này đã giúp người đọc tiếp cận cái không khí của thời đại với những “tiến bộ như vũ bão của khoa học tự nhiên” và ông muốn nhắn nhủ những người làm ở khoa học nhân văn không thể cứ bảo thủ và giậm chân tại chỗ. Cách viết tiểu luận của Lê Đạt khá uyển chuyển và cũng cô đọng, ngắn gọn gần như nguyên tắc viết đoản ngôn, bất ngờ và lôi cuốn. Song, khi đi sâu tìm hiểu những vấn đề của khoa học tự nhiên mà Lê Đạt đề cập thì có nhiều vấn đề dường như chưa ổn và tôi đã gặp sự “trao đổi” của tác giả Đông La về bài viết Thơ và Vật lý hiện đại của Lê Đạt. Vì thế, để hiểu đúng vấn đề, cách tốt nhất là ta hãy đọc lại bài Thơ và Vật lý hiện đại của Lê Đạt và bài trao đổi của Đông La (6).

    Thơ và Vật lý hiện đại - Lê Đạt

    Vào những năm 60 của thế kỷ trước, một sự kiện văn học đã đẩy tôi vào một tình trạng hết sức trầm luân về vật chất cũng như tinh thần.

    Như thói quen mỗi khi gặp vận hạn tôi thường tìm đến sách như tìm đến những người bạn tử tế và trường kỳ tận tuỵ. Tôi nói khó với Hội Nhà văn giới thiệu xin một thẻ đọc thư viện Khoa học tại phố Lý Thường Kiệt.

    Đây là việc tối cần thiết trên hai phương diện: một là kiếm sống, thư viện có nhiều tài liệu có thể dịch sinh nhai, hai là bổ sung vốn kiến thức mà tôi cảm thấy còn nhẹ ký cũng như thiếu cập nhật vì đã gần hai chục năm do bận kháng chiến và hoạn nạn tôi không có điều kiện trau dồi.

    Từ khi cầm bút tôi đã quan niệm việc cách tân thơ Việt là mục đích quan trọng nhất của đời mình lẽ dĩ nhiên có làm được hay không lại là một chuyện khác). Một hôm một anh bạn trẻ (anh bạn trẻ thời đó hôm nay đã tóc bạc: đó là nhà vật lý lý thuyết Đặng Mộng Lân) giới thiệu với tôi cuốn “Emstein: cuộc đời, tư tưởng và lý thuyết” của Kouznetsov.

    Lâu lắm tôi mới được đọc một cuốn sách khoa học viết hấp dẫn đến thế. Tôi đọc đi đọc lại nhiều lần. Cuốn sách đã dậy tôi rất nhiều về lý thuyết tương đối nhưng hơn thế nó còn dậy tôi một bài học lớn lao về cách sống và cách nghĩ của một người tìm tòi.

    Khoa học thực nghiệm cổ điển đã đem lại cho nhân loại những bước tiến lớn thoát khỏi những vũng lầy mê tín nhưng nó cũng có nhược điểm là dễ khiến người ta quá chú trọng đến những hiện tượng tai nghe mắt thấy mà lơ là những khía cạnh sâu xa và bí ẩn của tự nhiên mà chỉ tư duy mới nhìn thấy.

    Vật lý hiện đại (và thơ hiện đại) khuyến khích những giả thuyết thoạt nhìn như rồ dại nhưng có khả năng mở ra những khía cạnh kỳ bí của ngoại giới (cũng như thiết kế những tập họp chữ mới vượt qua biên giới cảm nhận sang những vùng tri nhận phức hợp và quyến rũ, chuyển sự chú tâm của người làm thơ vào những tác hiệu (siguthants) đa nghĩa sống động hơn là vào những thụ hiệu (siguihés) minh bạch nhưng cằn cỗi).

    Lý thuyết về những phôtông đã khẳng định tầm quan trọng hàng đầu của những cấu trúc gián đoạn thay thế những cấu trúc liên tục tăng chế ngự khoa học cũng như thơ ca trong nhiều thế kỷ.

    Đã hết rồi thời đại của những chân lý tuyệt đối. Ngay từ cuối thế kỷ XIX, một nhà triết học Đức với trực giác nhạy bén của một nghệ sĩ thiên tài đã bận tâm đến nguy cơ con người có thể bị ngạt thở vì chân lý.
    Ai cũng biết xác suất là trung tâm của vật lý lượng tử mà đã nói đến xác suất không thể không đề cập đến ngẫu nhiên, đến may rủi nó cũng là cơ sở của thơ hiện đại.

    Những nguyên lý bất định, nguyên lý bổ sung của vật lý lượng tử đã giải phóng nhân loại khỏi lý thuyết nhân quả tất định từng nhắc cũng như những quy luật nghiệt ngã nhiều khi bảo thủ của ngữ pháp.

    Chúng đã đánh một đòn chí mạng vào lý thuyết chết người "loại trừ vế thứ ba" của logic cổ điển từng gây thảm họa cho loài người (mà không phải chỉ trong phạm vi tư tưởng). Không nên quên hệ quả cao điểm của nó là định thức “Kẻ nào không đi với ta là chống lại ta". Các nhà vật lý lượng tử đã góp phần thiết kế cho nhân loại một phạm trù mở, cái khác. Từ trước đến nay tư duy cổ điển chỉ vận hành trên hai trục đúng sai giờ đây cái vạc hai chân kia đã thêm một trụ mới, trụ thứ ba về cái khai thác góp phần tạo nên một cách ứng xử mới, mở ra kỷ nguyên đối thoại thay thế cho thói quen độc thoại chuyên chế và bạo lực.
    Hesenberg và Bohr được nhân loại tôn vinh không phải đơn thuần như những nhà vật lý kiệt xuất mà còn như những nhà tư tường dân chủ quan trọng trong lịch sử.

    Không nên quên rằng khái niệm “những trạng thái chung sống" (états coexistants), hệ quả của nguyên lý bổ sung đã xuất hiện trên diễn đàn vật lý rất lâu trước khi khái niệm "chung sống hòa bình" xuất hiện trên diễn đàn chính trị thế giới.

    Bài viết này của tôi không phải để nói về những vấn đề thuần túy vật lý mà chủ yếu là để nói lên lòng biết ơn của một nhà thơ già với vật lý hiện đại.

    Tôi cũng xin phép được cộng hưởng lời kêu gọi thiết tha của nhà bác học người Bỉ, Prigogine cho một cuộc liên minh mới (nouvene alhance) giữa khoa học tự nhiên, khoa học nhân văn, triết học, văn học nghệ thuật nhằm tạo nên "một cái nghe mới thú vị" đối với cuộc sống muôn màu muôn vẻ. [Xin xem thêm bốn tiểu luận khác có liên quan của Lê Đạt (7)].

    Còn đối với những người theo trường phái “Nghệ thuật thuần túy”, “Nghệ thuật Tháp Ngà”…không liên can đến bất cứ cái gì thì hãy đọc bài tiểu luận nói về mối quan hệ giữa các loại hình nghệ thuật Người hàng xóm thân thiết  (8) của Lê Đạt.

    *
     Bài tiểu luận Đường chữ của Lê Đạt là “bài đinh”, là “Át chủ bài” (Át cơ) trong tập Đường chữ của Lê Đạt. Trong bài viết này, vừa có tính chất “tiểu sử” vừa có tính chất “tiểu luận”, lại có đôi chút “Hồi ký” về cuộc đời “oan nghiệt”, cay đắng của Lê Đạt. Vì thế, bài tiểu luận này vừa như là sự “Giải mã” tập thơ Bóng chữ (1994) xôn xao thi đàn một dạo của Lê Đạt vừa cho ta thấy quá trình hình thành “quan điểm thẩm mỹ” của nhà thơ. Vì thế, có thể nói, nếu không đọc Đường chữ thì không thể hiểu Lê Đạt. Phần trích dẫn dưới  đây chỉ giữ lại “tính tiểu luận” tức những ý nói về quá trình hình thành “quan điểm thẩm mỹ” của Lê Đạt:

    “…Ngay từ nhỏ tôi đã ôm ấp mộng cách tân thơ Việt - lẽ dĩ nhiên lúc đó tôi không ý thức được rõ rệt nên cách tân như thế nào. Sau Cách mạng tháng Tám, nhà thơ ảnh hưởng đến tôi nhiều nhất là nhà thơ Xô-viếtMayakovsky (*). Tôi thích những hình ảnh quả đấm hết sức táo bạo cũng như những bài thơ quảng trường mạnh mẽ tham gia trực tiếp vào quá trình thay đổi xã hội của ông. Ảnh hưởng của Maya rất đậm nét trong những bài thơ tôi cho in trên Giai phẩm mùa Xuân và báo Nhân Văn số một. Những hình ảnh sinh sự đã khiến tôi ít nhiều được công nhận như một nhà thơ cách tân…
    …Trong suốt hơn 30 năm đại hạn này, tôi có nhiều thời gian suy nghĩ về thơ mình cũng như về thơ nói chung.

    Tôi buồn rầu nhận ra rằng thơ tôi chưa có cách tân triệt để. Về cấu trúc mà nói, nó vẫn chưa thoát khỏi thơ “Mới” những năm 1930. Tính cách tân của nó chủ yếu chỉ là thay đổi dấu. Thiên hạ chủ yếu làm thơ ca ngợi (dấu cộng). Tôi chủ yếu làm thơ phê phán (dấu trừ).

    Thơ ca ngợi hay phê phán cũng đều trực tiếp bị thúc đẩy bởi thời sự. Việc tôi bị án treo bút (không biết đến bao giờ, có thể đến suốt đời) đã tách tôi ra khỏi sức ép của xuất bản. Tôi bắt đầu nghĩ đến những thay đổi triệt để hơn. Nhưng triệt để là thế nào tôi vẫn chưa hình dung được!
    Thời kỳ này tôi vẫn tiếp tục làm thơ nhưng bắt đầu chán thơ mình. Tôi viết và xé bỏ rất nhiều. Bế tắc. Tôi quyết định nghỉ làm thơ một thời gian dài để có điều kiện suy nghĩ.
    Rất nhiều đêm mất ngủ. Có lẽ bệnh mất ngủ của tôi bắt đầu từ thời kỳ này.

    Tôi luôn luôn tự hỏi: Chẳng lẽ mình thiếu nghị lức đến mức không tận dụng được những bất hạnh gây ra cho gia đình, bạn bè, người quen, người không quen cũng như cho chính bản thân mình để có đủ hơi sức tiến hành những cách tân thơ từng ôm ấp từ hồi nhỏ? Chẳng lẽ mình đành phí bỏ nghiệm sinh một cách vô ích và oan uổng? Làm thế nào để rũ bỏ được mặc cảm tội lỗi? Làm thế nào để không bị rớt lại như một rơ-moóc già tại một ga xép rêu mốc?

    Trần Dần (I) hình như ngay từ đầu đã tìm ra con đường của mình và anh tiếp tục đi một mạch. Tôi không có cái may mắn ấy.

    Tôi phục xuống đọc sách. Trong cuộc đời chìm nổi của mình, những lúc nản lòng tôi đều trở về với sách, hy vọng tìm ra một lời giải, một lý do để tin trong việc giao lưu với những con người “tử tế” của chữ.
    Rất may thời gian này Hội Việt kiều yêu nước tại Pháp gửi về tặng Thư viện Khoa học Xã hội rất nhiều sách, đặc biệt những sách về chủ nghĩa cấu trúc, về phong trào Thơ mới, Văn học mới, Phê bình mới… Những năm 50 là giai đoạn hoạt động tư tưởng sôi nổi của giới trí thức Pháp, có ảnh hưởng lớn đến diện mạo văn hóa nhân loại.

    Tôi mê mải đọc sách 4 năm liền, ngày 8 giờ vàng ngọc thứ thiệt. Nhiều hôm tôi đọc thông tầm từ 2 giờ chiều đến 9 giờ tối, giờ thư viện tắt đèn. Thấy tôi về muộn phải vét cơm nguội ăn, con gái lớn tôi đã nói đùa: “Bố phải lòng cô nào mà mê mệt thế!”

    …Tôi vẫn mê mải đọc sách. Cùng vào thời điểm này, Trần Dần ra thư viện để dịch thuê Althusser và Trần Đức Thảo (II) cũng “hội ngộ” để tìm tài liệu bổ sung cho những nghiên cứu của anh về giai đoạn sơ khai của ý thức.

    …Trong cuộc đời trầm luân một con người, đôi khi ta hạnh ngộ một vài câu nói nó cưu mang mình như một chiếc phao cứu sinh. Suốt đời tôi hàm ơn ba câu nói. Một của Trang Tử (**): “Mọi người đều biết lợi ích của cái hữu dụng, ít người biết lợi ích của cái vô dụng”. Hai của Lacan (***): “Vô thức được cấu trúc như một ngôn ngữ”. Ba của Mallarmé (****): “Hãy trả tính chủ động cho chữ”.

    Tôi bắt đầu cuộc hành trình vô dụng lần tìm vô thức thông qua việc giải phóng ngôn ngữ.
    Tôi xin phép được nhắc lại đây một đoạn viết khá dài trong tập Đời tôi và tâm phân học của Freud (*****), cũng sâu sắc như Lacan nhưng lại dễ hiểu hơn: “Người ta thấy miền tưởng tượng là một kho chứa được hình thành khi có sự chuyển đổi đau đớn từ nguyên lý khoái lạc sang nguyên lý thực tế nhằm tạo ra một thế vật cho việc thỏa mãn xung năng mà cuộc sống buộc con người phải từ bỏ. Người nghệ sĩ giống như một người loạn thần kinh, anh ta tự rút lui vào thế giới tưởng tượng ấy, tách khỏi hiện thực không làm anh ta thỏa mãn. Nhưng khác với người loạn thần kinh, nghệ sĩ biết cách làm thế nào tìm lại được con đường hiện thực vững chắc. Các tác phẩm của anh ta là sự thực hiện tưởng tượng những khát vọng vô ích giống hệt những giấc mơ… Nhưng trái lại với những giấc mơ phi-xã hội và nặng tính tự si, sáng tác của nghệ sĩ bộc lộ khả nãng gợi mối đồng cảm ở người khác, đánh thức và thỏa mãn chính những khát vọng vô thức ấy ở nơi họ.”

    Freud còn viết:“Mọi đứa trẻ khi chơi ứng xử như một nhà thơ với ý nghĩa nó tự tạo ra cho mình một thế giới hay nói chính xác hơn, nó chuyển dịch những đồ  vật của thế giới nó đang sống sang một trật tự mới phù hợp. Nó coi trò chơi của mình là rất nghiêm túc.” (L.Đ. nhấn mạnh.)

    Nói một cách nôm na, người làm thơ thực hiện một trò chơi chữ nghiêm túc, sử dụng những phép tu từ học (ám dụ, hoán dụ, lược tỉnh, ghép âm, nói lái nói lối…) như một đứa trẻ chơi với những đồ vật chung quanh.

    Thế nào là chơi nghiêm túc? Chơi nghiêm túc là chơi thật, chơi hết mình, sống trò chơi như một nghiệm sinh thực thụ. Nghiêm túc không mâu thuẫn với trò chơi mà mâu thuẫn với chơi đùa hay tài tử. Từ một ngườichơi tài tử tôi đã nỗ lực nghiêm túc để trở thành một người chơi chuyên nghiệp.

    Người làm thơ chơi những phép tu từ như một thứ bẫy vô thức. Anh ta sinh sự với ngữ nghĩa và ngữ pháp để tạo ra một sự sinh mới cho thơ. Người làm thơ rắp tâm biến ngôn ngữ tiêu dùng thành một thứ ngôn ngữ trò chơi (hiểu theo nghĩa mạnh) trong một trạng thái nửa tỉnh nửa mơ mà Roland Barthes gọi là một sự chú ý bồng bềnh (attention flottante). Chính cái trò chơi hết mình này khiến Freud coi các nghệ sĩ như một thứ trẻ con lớn tuổi có khả năng đánh thức bản năng trò chơi của độc giả. “Mỗi người tự nhớ lại thời anh ta sống thực với những ham muốn trẻ thơ trong đó ngôn ngữ làm ra thế giới, thời gian là chiếc gậy của nàng tiên và tấm thảm bay, tóm lại thời của ma thuật”. (J. Bellemin-Noel)

    Tôi xin phép được mở ngoặc để nói thêm về từ chơi chữ vì từ này do bị sử dụng quá nhiều đã xuống cấp nghiêm trọng và thường bị nhiều người coi như một trò kỹ xảo đơn thuần có tính lý trí. Người chơi chữ dễ dàng được coi là một người thông minh. Như tôi đã trình bầy ở trên, chơi như vậy là chơi đùa. Nhà nghệ sĩ cũng như đứa trẻ không chơi đùa mà chơi thật khiến trò chơi chữ không còn là một trò chơi đơn thuần dựa trên óc thông minh của một người tỉnh táo mà dựa trên toàn bộ trí năng cũng như cảm năng của một kẻ đam mê bị thánh ốp trong một cơn thượng đồng của chữ.

    …Trong trò chơi phi ngựa của trẻ nhỏ, vật chơi chỉ là một chiếc gậy gỗ, chính tưởng tượng, chính sự đam mê của đứa trẻ đã biến chiếc gậy gỗ thành con ngựa. Cái thích thú nằm ở chỗ chiếc gậy gỗ không phải là con ngựa mà vẫn là ngựa hay nói một cách dân dã hơn “nói dzậy mà không phải dzậy”. Cái ấy bao giờ cũng có mặt và bao giờ cũng vắng mặt trong một trò ú tim vô tận.
    …Không nên quên ham muốn về cơ bản khác với nhu cầu. Nhu cầu thì hữu hạn và có thể thỏa mãn được, còn ham muốn thì vô hạn và luôn luôn “bất mãn”.

    Tôi bắt đầu tự làm khó dễ mình bằng những bài tập chơi chữ sử dụng tất cả những phép tu từ học có thể theo tiếng gọi của những âm tiết. Viết xong đến đâu lại xé lại đốt đến đó như một anh chàng lẩn thẩn. Tôi không muốn và cũng không dám cho ai xem. Sự tự cô lập này thật hết sức nặng nề.

    Trần Dần thỉnh thoảng có hỏi tôi: “Sao lâu nay không thấy cậu làm thơ?” Tôi chỉ cười xòa trả lời: “Vẫn làm nhưng không ra gì.” Đặng Đình Hưng(III) nửa nạc nửa mỡ: “Ông anh “xêriơ” quá… Phải côn huyền cồn như thằng em này thì thơ mới bốc được.” Không, tôi nhất quyết không sử dụng bất cứ một thứ “đôpinh” nào.

    Người ta có thể đạt tới sự xuất thần bằng nhiều cách, không nhất thiết phải cậy nhờ những chất ảo sinh (hallucinogène) và kích hoạt. Một nhà thơ mà phải nhờ đến chất “viagra” để thượng đồng thì yếu quá. Tôi đã nỗ lực rất nhiều để trở thành một kẻ rồ chữ. Tôi xin được phép nhắc lại một lần nữa. Người làm thơ hoạt động ở những vùng biên ngôn ngữ rất giống một người điên. Cái khác biệt giữa họ nằm ở chỗ người điên thì vượt biên đi thẳng tới cõi vô thức hoàn toàn của đêm tối mù mịt và ở lại đó, còn người làm thơ thì loạng choạng bước một vài bước sang cõi vô thức thì ngừng lại và biết đằng sau quay, trở về với cõi ngày của ý thức sau khi đã lượm dăm mảng đêm của vô thức để mở rộng địa giới của cõi chữ. Làm thơ không chỉ đòi hỏi sự buông lỏng mà còn một cảnh giới thượng thừa.

    Không một nhà thơ nào lại không muốn có người đọc mình bây giờ và ở đây. Lời tuyên bố hoàn toàn sáng tác cho tương lai chỉ biểu hiện của một thái độ hờn dỗi vạn bất đắc dĩ.

    Tháp ngà là một hình ảnh không lấy gì làm sáng giá của trường phái thơ lãng mạn. Nhà thơ không mong muốn sự cô đơn, nhà thơ chỉ chấp nhận nó. Không tháp ngà nào ngăn cản được những tiếng vang vọng của sự sống cũng như của những bận tâm nhân loại của người nghệ sĩ.

    Nhà thơ càng cô đơn càng cần san sẻ. Cần nhưng sợ. Đem những câu thơ đến bản thân mình cũng phải cố gắng mới làm quen được tung ra đời liệu có được thiên hạ thông cảm không? Cái tình trạng bồn chồn ấy thật đáng sợ. Và nó kéo dài trong nhiều năm.

    Thương anh nỗi trường kỳ nợ sợ Một mình huýt gió nghĩa trang đêm
    Những năm đó tôi rất thân với hai câu thơ cực hoang vắng của Mạnh Hạo Nhiên (******):
    Bất tài minh chủ khí Đa bệnh cố nhân sơ

    Vì bất tài nên minh chủ (chứ không phải vua ngu) không dùng, nhiều bệnh nên cố nhân (chứ không phải kẻ sơ giao) ít lui tới. Thái độ tri thiên mệnh và bình thản của họ Mạnh đã nâng đỡ tôi không ít trong dằng dặc trường kỳ bất hạnh.

    Sau khi làm những bài tập tự do ghép chữ một thời gian, tôi bắt đầu tập “chơi chữ” theo những đề tài nhất định hay nói một cách giản dị hơn, tôi bắt đầu tập sáng tác.

    Tôi đã mất ba tháng để viết xong bài “Ông phó cả ngựa” lần thứ nhất và ba tháng nữa để sửa đi sửa lại không biết bao nhiêu lần, nhiều câu chữa mãi có khi lại trở về câu lần đầu, đi chông chênh trong một vùng bất định đầy sương mù, luôn đối diện với một câu hỏi da diết… đâu là điểm tự do xa nhất chữ có thể đạt tới, đâu là cực hạn nhất thiết không được bước qua.

    Tôi vốn không phải là một nhà thơ sướt mướt. Trong những năm tháng bất hạnh của nghiệm sinh tôi đã tu dưỡng một nụ cười bất chấp, một “chủ nghĩa makênô” chính hiệu. Người yêu thì gọi tôi là “ông Di Lặc”, kẻ ghét thì là “tên Nhân Văn ngoan cố”.

    Không hiểu sao khi đọc lại bài thơ “Ông phó cả ngựa” còn nóng hổi những chữ mới ra lò, nước mắt tôi cứ ứa ra không cầm lại được. Tôi hiểu rằng mình đã được cứu rỗi.

    …(Khi tập Bóng chữ ra mắt). Phần lớn những người bạn “chính trị” của tôi cũng quở trách. Đ.P., một cựu tù Sơn La tỏ ra khá quyết liệt: "Ông im tiếng bao nhiêu lâu, giờ tái xuất giang hồ, anh em chờ đợi một tuyên ngôn của ông về dân chủ, tự do, ông lại cho in mấy bài thơ tình vớ vẩn”. Tôi cười trả lời: "Có tuyên ngôn đấy chứ, tuyên ngôn về quyền dân chủ của chữ”.  Đ.P. cau mặt: “Ông thì lúc nào cũng đùa được”.
    Tôi trộm nghĩ rằng hành động yêu nước nghiêm túc nhất của một công dân với tư cách một người làm thơ là cúc cung tận tuỵ bảo vệ và mở mang bờ cõi chữ của dân tộc mình.
    Chỉ có một người (lẽ dĩ nhiên là theo chỗ tôi biết) tin là tôi nói thật: Trần Đĩnh (IV).
    …Thế là ít nhất đã có hai người tương đối hiểu thơ tôi, bản thân tôi và Trần Đĩnh. Tôi xin nhấn mạnh:

    thêm một người không đơn thuần là một thay đổi về số lượng, mà quan trọng hơn hết, đó là một thay đổi về chất lượng. Tôi đã thoát khỏi vòng cô đơn. Một người là số ít nhưng hai người là khởi điểm của số nhiều. Trần Đĩnh đã giúp đỡ tôi không ít trong quá trình Bóng chữ qua những nhận xét vừa tinh tế vừa bốc đồng của anh.

    Năm 1993, Hội Nhà văn chủ trương xuất bản cho những anh em vừa được “phục hồi” mỗi người một tập thơ.  Hoàng Cầm (V) cho in tập Về Kinh Bắc, tập thơ đã đưa anh vào vòng lao lý. Phùng Quán (VI) cho in Thơ Phùng QuánTrần Dần, tập Cổng tỉnh, một tiểu thuyết thơ và tôi cho in tập Bóng chữ. Trong mấy tập thơ trên, số phận tập Bóng chữ có phần long đong hơn cả.

    …Không biết xuất phát từ đâu dư luận dứt khoát rằng thơ tôi khó hiểu. Có người vừa mở tập Bóng chữ lướt qua đã gập sách lại và kêu ca rằng thơ tôi “hũ nút”. Trong thơ, nạn đọc bằng tai chứ không bằng mắt cũng khá phổ biến.

    Khi ta “mê” một người con gái nhiều khi ta cũng không hiểu tại sao. Các nhà thơ lãng mạn gọi đó là “tiếng sét ái tình”. Chỉ sau khi hết choáng váng ta mới có điều kiện sử dụng lý tính để “hiểu” và hiểu mãi vẫn chưa hiểuhết.  Không phải bao giờ cũng hiểu mới cảm được”.

    ---
    Chú thích cho bài tiểu luận Đường chữ:
    (*) Mayakovsky (1893-1930): nhà thơ, nhà viết kịch Nga. Những sáng tác đầu tiên mang tính chất dân chủ. Các tác phẩm của ông gắn liền với con đường Cách mạng vô sản. Với nước Nga Xô-viết.. Đó là "Hành khúc", "Những cửa sổ Rôxta", thơ "Tôi yêu", "Về điều này", trường ca "Lê nin", trường ca "Tốt lắm"; tập văn xuôi "Tôi khám phá ra nước Mỹ", kịch "Con rệp", và tập luận văn "Làm thơ như thế nào" v.v... Thơ của Maia nổi tiếng thế giới và có ảnh hưởng đến văn học thế giới xã hội chủ nghĩa; nhiều đề tài và hình thức mới; một sự tổng hợp thiên tài của nghệ thuật và nhu cầu phục vụ xã hội.

    (**) Trang Tử (365-290 trước CN) là một triết gia và tác gia Đạo giáo. Tên thật của ông là Trang Chu và tác phẩm của ông sau đều được gọi là Trang Tử. Ông còn có tên là Mông Lại , Mông Trang hay Mông Tẩu . Ông sống vào thời Chiến Quốc, thời kỳ đỉnh cao của các tư tưởng triết học Trung Hoa với Bách Gia Chư Tử. Chí khí của bậc hiền triết Trang Tử cũng giống như căn bản nền tảng tư tưởng Đạo gia: ẩn dật mà khoáng đạt, quay trở về cuộc sống hòa hợp với tự nhiên, không muốn tham dự vào tranh quyền đoạt lợi, xa lánh những hệ lụy cuộc đời. Gần như đối lập với đạo Khổng mang bản thể trần tục, ưa thực tế, trọng thực nghiệm và đặc biệt tôn trọng chủ nghĩa nhân văn, Trang Tử kế tiếp truyền thống tư tưởng của Lão Tử, phát triển thành một hệ phái mà sau này người ta thường gọi một cách vắn tắt là Lão-Trang. Khác với Lão Tử cuối cùng vì chán ngán xã hội Trung Hoa đương thời đã vượt cửa ải Hàm Cốc, mất tích về phương Tây; với Trang Tử, người đời thường nhắc đến "Trang Chu mộng hồ điệp" như một huyền thoại. Trang Tử nổi tiếng với bộ sách NamHoa chân kinh.

    Theo Từ điển Thành ngữ Trung Quốc thì Nam Hoa là tên một hòn núi ở Tào Châu thuộc nước Tống thời xưa. Tương truyền rằng, khi Trang Tử đến ở ẩn nơi chân núi Nam Hoa, ông đem hết tinh hoa của Đạo giáo của Lão Tử viết thành bộ sách, lấy tên núi Nam Hoa mà đặt, gọi là Nam Hoa kinh, đời sau người ta gọi là "sách Trang Tử". Văn chương trong Nam Hoa kinh rất có tiết tấu, nhiều câu dùng phép biền ngẫu, lời văn luôn luôn bóng bẩy, trôi chảy, ảnh hưởng rất lớn đến các thi nhân đời sau như Kê Khang, Nguyễn Tịch, Sơn Đào,... và ngay cả đời nhà Đường như Lý Bạch, đời nhà Tống như Tô Đông Pha. Nam Hoa kinh, theo sách Hán thư Nghệ văn chí, gồm 55 thiên, nhưng ngày nay còn được 33 thiên. Cũng theo truyền thuyết là do Quách Tượng san định và sau này sắp xếp đặt tên Thiên Chương. Không ai biết được rằng quá trình sắp xếp, san định ấy đã làm tổn thất 19 chương hay do đã thất lạc từ trước. Câu hỏi này thật khó giải đáp vì bản hiện nay được hoàn chỉnh vào đời nhà Tấn (thế kỷ thứ 3), cách xa Trang đà hơn 500 năm. Các bản dịch Nam Hoa kinh tương đối phổ biến ở Việt Nam hiện nay là của Nhượng Tống, Nguyễn Duy Cần, Nguyễn Hiến Lê và Nguyễn Tôn Nhan.
    Đỗ Ngọc Thạch

    Xem tiếp: 

    Đọc “Tiểu Luận” Của Lê Đạt- 2(tiểu luận)

    nguồn trích đăng: vanchuongviet.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét