Truyện ngắn củaĐỗ Ngọc Thạch
1.
Bảo Bối (B.B), tên khai sinh đầy đủ là Trần Bảo Bối, Tiểu đội trưởng (TĐT) của tôi nhập ngũ năm 1964, trước tôi hai năm. Lính 64 còn là lính thời bình, tiêu chuẩn thể lực rất tốt và được huấn luyện kỹ hơn lính thời chiến chúng tôi (Khái niệm “Thời bình” ở miền Bắc được tính từ năm 1954 – năm ký hiệp định Giơ-ne-vơ – đến năm 1964 là chẵn 10 năm). Sau “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, năm 1965 Mỹ đưa quân vào Miền Nam trực tiếp tham chiến (chứ không chỉ là “Cố vấn” như trước nữa) và tăng cường bắn phá Miền Bắc cho nên Miền Bắc đã trở thành chiến trường. Nếu đúng như Luật Nghĩa vụ quân sự (NVQS) thì hết năm l966 là TĐT hết hạn NVQS, có thể phục viên về nhà…với vợ!
Nói đến người lính, nhất là người lính ra đi từ nông thôn, thì vấn đề Lấy vợ là số Một! Đối với thanh niên nông thôn, đến tuổi lấy vợ lại trùng với tuổi NVQS! Vì thế sẽ có hai cách: 1/ Đã có nhắm nhe từ trước rồi,nếu trúng tuyển quân NVQS thì cưới ngay trước khi đi lính; 2/ Chưa đủ điều kiện để cưới thì cứ lên đường, ở nhà sẽ lo giải quyết cho xong, nhắn về thì cưới cũng chưa muộn! Tất nhiên có những trường hợp khác và cũng có không ít người chưa thấy cần thiết phải lấy vợ, chờ ra quân về nhà hẳn thì cưới vợ mới chắc ăn, chứ cưới vợ xong lại đi biền biệt thì khổ vì nhớ vợ và lo sợ ở nhà xảy ra chuyện “ngoại xâm” thì làm sao mà bảo vệ!...
Bảo Bối thuộc trường hợp chờ ra quân rồi mới cưới vợ! Nhưng đến ngày B.B hết hạn NVQS (cuối năm 1966) thì cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ ở Miền Bắc ngày càng ác liệt, Bộ đội Phòng Không – Không quân phát triển thêm nhiều Binh chủng phối thuộc, lực lượng Ra-đa của chúng tôi lúc đầu chỉ biên chế cấp Sư đoàn giờ phát triển thành cấp Binh chủng (tương đương Quân đoàn, Quân khu). Vì thế, nhiều đơn vị mới được thành lập và lẽ đương nhiên là cần nhiều quân số! Bảo Bối tình nguyện ở lại vô thời hạn và nhận nhiệm vụ Tiểu đội trưởng. Cũng phải nói qua về cách tổ chức của Bộ đội Ra-đa để bạn đọc hình dung được vị trí của TĐT Bảo Bối ở chỗ nào trong đội hình khổng lồ của Binh chủng Ra-đa. Bộ đội Ra-đa là lực lượng máy móc, khí tài… nên hệ thống tổ chức có khác với Bộ đội các Binh chủng khác. Đại đội là một đơn vị chiến đấu độc lập, cấp trên trực tiếp là Trung đoàn, trên nữa là Binh chủng. MỗiĐại đội thường có 3 loại máy Ra-đa, biên chế thành 3 Trung đội. Mỗi trung đội có 2 hoặc 3 Tiểu đội, mỗi Tiểu đội có trên dưới mười người. Mỗi Tiểu đội có hai kíp (tổ) chiến đấu, mỗi kíp có năm người. Ngoài ba trung đội có máy Ra-đa, Đại đội còn có một Trung đội Thông tin (Tiêu đồ, Báo vụ, Đường dây - đặt trong Chỉ huy sở Đại đội), một Trung đội xe – máy, một Trung đội Nuôi quân, một Trung đội pháo (chủ yếu là súng 14,5 ly hai nòng, mỗi Trung đội này thường có ba cỗ súng 14,5 – đi kèm để bảo vệ trận địa Ra-đa), v.v…
Khi tôi nhập ngũ (tháng 12-1966), được điều động về Trung đội Ra-đa, cùng hai người nữa, thì Bảo Bối cũng mới nhận chức Tiểu đội trưởng tiểu đội 2. Tiểu đội 1 là tiểu đội lính cũ, đang trực ban chiến đấu. Còn Tiểu đội 2 là tiểu đội lính mới – tiểu đội huấn luyện. Chúng tôi là lính mới, biên chế vào Tiểu đội huấn luyện, tất nhiên. Nhưng sau một thời gian, tôi phát hiện ra rằng , ngoài nhiệm vụ huấn luyện để trở thành người trắc thủ Ra-đa, chúng tôi còn phải làm rất nhiều việc khác, đại loại như lao công, tạp vụ. Như là đoán được tâm trạng của chúng tôi, Bảo Bối thường nói: “Là người lính, ai chẳng muốn được được đứng ở vị trí chiến đấu chính thức, đối với người trắc thủ Ra-đa là được ngồi trước màn hiện sóng!...Nhưng, theo yêu cầu nhiệm vụ thì ở vị trí nào cũng là cần thiết, cũng là quan trọng!” Giọng nói của B.B đều đều và ấm, nhưng tôi cảm nhận được phần sau của câu nói không phải là giọng nói của B.B, mà như là của Chính trị viên Đại đội!...
Giàn lưới phản xạ của máy Ra-đa trung đội chúng tôi là loại to nhất lúc đó, 2 tấm lưới phản xạ to như 2 cái thuyền (loại vừa, giống như đò ngang), mỗi lần cơ động thay đổi địa điểm đóng quân là phải tháo ra lắp vào cả ngày mới xong! Và có một công việc phải làm thường xuyên là ngụy trang lưới phản xạ, tức phải biến chúng thành như một lùm cây! Công việc này nói thì ngắn gọn như thế nhưng làm thì không hề đơn giản chút nào! Và B.B , tôi và hai, ba người nữa , thường xuyên phải đi làm công việc này: vác con dao thật sắc bén, đi chặt về loại cây lá dầy (lâu héo) để cài phủ lên hai cái lưới phản xạ, khi nào lá héo khô (khoảng hai, ba ngày) thì lại thay lá khác! Công việc này có ba công đoạn: 1/ đi tìm xem ở đâu có loại lá dày lâu héo; 2/ chặt lấy và mang về trận địa; và 3/ cài buộc lên hai cái lưới phản xạ. Ba công đoạn này thường chiếm hết trọn một ngày!
Những ngày không làm việc ngụy trang lưới phản xạ thì ở nhà huấn luyện và chờ “đầu sai”, thậm chí có cả việc kỳ lưng cho Chính trị viên Đại đội lúc ông tắm (ông này trong “Tam sung tứ khoái” có tiết mục gãi lưng và kỳ lưng, còn nghiện hơn cả dân nghiện ma túy). Tôi thừa biết là lính mới chúng tôi bị lính cũ bắt nạt, hành hạ nhưng không chấp!...
2.
Trong gian nan, tình cảm con người ta đối với nhau càng sâu nặng nghĩa tình. Có lẽ trong cả Đại đội, chỉ có Tiểu đội 2 của chúng tôi là không có chuyện “mất đoàn kết”, nội bộ lục đục! Một phần , có lẽ vì chúng tôi “không có gì để mất”, còn mỗi hai chữ “Đoàn kết” chẳng lẽ lại để mất nốt! Nhưng cơ bản là do Tiểu đội trưởng thực sự thương yêu những người lính binh nhất binh nhì chúng tôi: đối xử bình đẳng và quan tâm đến chiến sĩ từng chi tiết. Tôi chỉ lấy ví dụ ở hai cách hành xử như sau của TĐT B.B.
Khi ăn cơm tập thể, hầu như ai cũng nhằm vào đĩa thức ăn mặn và nhanh tay gắp cho mình miếng ngon nhất và to nhất, ai chậm chạp thì suốt đời ăn cơm nhạt! Nhưng B.B không để cho tình trạng đó xảy ra bằng cách: Mở đầu bữa ăn, B.B bưng đĩa thức ăn mặn lên (thường là thịt, cá, Đậu hũ, v.v…) chia đều cho tất cả mọi người! Có lần, chia xong cho tất cả thì vừa hết, B.B vui vẻ chan nốt ít nước thịt kho còn sót lại! Ai cũng phải thừa nhận hành động ấy khiến B.B như một người Mẹ, người chị Cả trong gia đình.
Khi làm những công việc nặng nhọc, khó khăn, thường là ai cũng muốn giành cho mình phần việc nhẹ nhàng, dễ dàng. Nhưng B.B lại luôn luôn giành về mình phần việc khó khăn, nặng nhọc.
Chẳng hạn như khi chúng tôi đi chặt những cây dứa dại về ngụy trang giàn Ăng-ten. Loài cây này gần giống như cây dứa, không có quả, thường mọc ở ven những ao đìa, muốn chặt phải lội xuống nước. B.B Ra lệnh cho chúng tôi đứng ở trên bờ chờ kéo cây lên rồi một mình lội xuống chặt. Hoặc khi buộc những cây dứa dại thành từng bó để vác về, B.B bao giờ cũng giành cho mình bó to nhất… Khi kết thúc ngày “Tiều phu”, chúng tôi ai cũng bị gai đâm tay chân rớm máu nhưng không ai kêu ca gì vì nhìn TĐT B.B thì thấy anh chỉ lau chùi sơ sơ rồi thay quần áo ngay vì không muốn ai nhìn thấy đầy người rớm máu của mình. Có lần tôi bảo B.B: “Để em đi kiếm cồn hoặc thuốc đỏ bôi cho anh, không cẩn thận nó nhiễm trùng thì nguy hiểm đấy!” B.B cười nói: “Cậu đúng là con bác sĩ, nhìn đâu cũng thấy vi trùng! Tớ cầm tinh con Chó, mà “Chó liềnda, gà liền xương”, chỉ ngày mai là lại nhẵn bóng ngay thôi mà!” Quả là như thế thật, những “va quệt” của người Lính chúng tôi với cuộc sống, lại là cuộc sống thời chiến thì “trầy da sứt vẩy” lẻ tẻ không thể tính là thương tích! Tuy vậy, theo thói quen từ bé, tôi vẫn ngồi bôi cồn và thuốc đỏ lên những chỗ gai đâm xây xát, và kết quả là tôi thành…Thổ dân da đỏ!
Tiểu đội 2 chúng tôi (chỉ có 7 người), mặc nhiên trở thành “Tiểu đội Cửu vạn” (khi nhà bếp hết gạo, Bếp trưởng cũng đề nghị Tiểu đội 2 cho người đi lấy gạo giúp, mỗi lần di chuyển trận địa – trận địa Ra-đa phải thường xuyên thay đổi để giữ bí mật – chúng tôi lại được Đại đội cho vào làng xin tre nứa về làm lán trại,v.v…) vì ai cũng nghĩ ít được lên xe hiện sóng thì làm sao mà thao tác tốt mọi nhiệm vụ của người trắc thủ trên xe hiện sóng. Nên hầu như nhiệm vụ chính của người trắc thủ Ra-đa đều do Tiểu đội 1 làm hết. Lúc đầu, tôi coi việc này là bình thường, nhưng sau mỗi lần tập trung Đại đội, tôi chỉ thấy Tiểu đội 1 được biểu dương, khen thưởng chứ không hề nhắc đến Tiểu đội 2 của chúng tôi. Những lúc ấy nhìn sang Tiểu đội 1, thấy người nào mặt cũng kên kên tự đắc, nhất là TĐT Phú. Còn nhìn về TĐT B.B thì thấy anh đang như nhìn về nơi xa xôi nào đó, vẻ mặt không ra buồn cũng không ra vui! Sau khi “điều tra”, thì ra B.B và Phú và Trung đội trưởng Lợi vốn là người cùng làng, cùng một lớp hồi phổ thông Trung học, cùng nhập ngũ một ngày, cùng được đào tạo một lớp Hạ sĩ quan và một khóa huấn luyện ngắn hạn về Ra-đa, cùng được điều về một Đại đội, cùng làm Tiểu đội trưởng của 3 tiểu đội trắc thủ Ra-đa…Có khá nhiều cái cùng, nhưng lại có nhiều cái khác: B.B là thành phần “Trung nông lớp trên”, còn Phú và Lợi là Bần cố nông, khi đi học B.B thuộc nhóm học sinh khá giỏi, còn Phú và Lợi thuộc nhóm yếu kém, khi học trường Hạ sĩ quan cũng vậy, B.B luôn đạt điểm tối đa, còn P. và L. trầy trật mới đạt điểm tối thiểu. Nhưng kết thúc huấn luyện, P. và L. đều được kết nạp Đảng và phong Trung sĩ , còn B.B chỉ được phong Hạ sĩ. Về đơn vị được ba tháng, Phú được phong lên Thượng sĩ, Lợi được phong vượt cấp lên Chuẩn úy, thăng chức lên Trung đội phó, hai tháng sau đó thì thăng chức lên Trung đội trưởng, quân hàm lên Thiếu úy! Trong khi đó, B.B vẫn là Trung sĩ và cứ cái “đà” này thì sẽ là “Trung sĩ i-nốc”! Việc L. và P. liên kết với nhau để “đì” B.B là quá rõ, việc hạn chế B.B lên làm nhiệm vụ trên máy là “Triệt” khả năng lập thành tích, lập công của B.B và nếu B.B có phản ứng thì sẽ bị buộc tội bất mãn, “nằm ì cải tiến”, “đào ngũ cải tiến”,v.v… và lúc đó có thể công khai trị tội: cho làm lính “Cửu vạn” suốt đời!...
Đối với tôi, việc kèn cựa, trù ém của P. và L như thế là không thể chấp nhận, và dứt khoát tôi sẽ công khai phản công. Tôi nói ý đó với B.B thì anh nói: “Tránh voi chẳng xấu mặt nào! Người ta thích thăng cấp lên chức nhanh không phải là có tội, là con người bình thường ai chẳng thích lên tướng lên tá!... Còn tớ, tớ chỉ ở trong quân đội vài năm nữa thì xin phục viên về nhà chăm sóc mẹ già, lấy vợ rồi nuôi con, sống cảnh điền viên nơi thôn dã, suốt đời là anh nông phu là hạnh phúc rồi!...Tớ chỉ lo cho mấy người lính sinh viên các cậu, nếu không được gọi đi học kỹ thuật quân sự sớm thì vừa lãng phí vừa gây nản lòng, thối chí tuổi trẻ! Cho nên cậu phải cẩn thận, đừng để họ đánh mình vì cái tội “không an tâm tư tưởng, dao động, bất mãn…”. Tôi đã hiểu ra thái độ “nhẫn nhịn” của B.B và từ đó cũng học theo cách “Lạnh lùng” trước mọi cách hành xử của cuộc đời đối với người lính!...
3.Khi người trắc thủ Ra-đa thông báo tọa độ mục tiêu: 000.000
Xin nói sơ qua về đội hình chiến đấu của trắc thủ Ra-đa gồm có Đài trưởng (do Trung đội trưởng hoặc Phó hoặc Tiểu đội trưởng đảm nhiệm), Trắc thủ có ba vị trí: Số l thông báo phương vị cự ly, Số 2 thông báo số lượng, kiểu máy bay địch, ta, Số 3 thông báo độ cao từng tốp, từng chiếc…Khi trắc thủ Số 1 thông báo phương vị, cự ly của mục tiêu ở Tọa độ 000. 000 thì có nghĩa là máy bay đang bay ở trên đầu trận địa Ra-đa. Nếu mục tiêu là máy bay do thám không người lái (thường có rất nhiều trước mỗi trận đánh lớn của máy bay Mỹ) thì không có vấn đề gì, nếu là máy bay Tiêm kích thì có khả năng trận địa bị phóng tên lửaKhông đối đất , còn nếu là máy bay Cường kích (máy bay ném bom) thì trận địa Ra-đa sẽ bị ném bom. Lần ấy, trận địa Ra-đa của chúng tôi vừa bị bọn Tiêm kích phóng tên lửa vừa bị bọn Cường kích ném bom, đúng là “Mưa bom, bão đạn”!...
Đó là một ngày không thể nào quên. Hôm ấy, là ngày tiểu đội chúng tôi đi chặt lá cây ngụy trang cho giàn Ăng-ten. Tiểu đội trưởng dậy rất sớm, mới hơn bốn giờ sáng. Tôi là người thính ngủ nên thấy B.B lục đục thì tỉnh dậy ngay. Tôi hỏi: “Anh dậy làm gì sớm thế?”. B.B ngập ngừng rồi nói: “Tớ muốn viết thư về nhà cho mẹ … Bà cụ mới viết thư nói cuối tháng về cưới vợ, đã chuẩn bị xong hết rồi! Nhưng tớ có cảm giác không về được!”. Tôi nói: “Làm gì mà không về được? Nếu không được một tuần thì anh chỉ cần xin “tranh thủ” ba ngày là đủ! Bà mẹ anh giục hoài mà anh không sốt ruột à?” B.B thở dài, nói: “Sao không sốt ruột! Nhưng trong lúc mọi người bận rộn với bao công việc mà mình lại về nhà cưới vợ, tớ thấy không được thoải mái đầu óc!”. Tôi nói như cãi lộn: “Nếu cứ nghĩ tới nghĩ lui như anh thì chẳng bao giờ đi được! Anh cứ thử đi chục ngày xem có ảnh hưởng gì đến cả cuộc chiến tranh này không! Anh bị cái bệnh mà Y học gọi là “Bao biện”, còn dân gian thì gọi là “cả nghĩ”!”. B.B lại thở dài, nói chậm rãi: “Cậu còn trẻ tuổi mà nói đúng lắm, quả là tớ hay nghĩ ngợi lung tung, gọi là lo con bò trắng răng, đúng không? Thôi, được rồi, để tớ báo cáo với Trung đội trưởng xem sao!” Tôi nói ngay: “Anh phải nói với Đại đội trưởng, chứ nếu nói với Trung đội trưởng thì thà đừng nói!”.
“Cậu cứ làm “vượt cấp” như thế thì mang họa vào thân đấy!...Hôm nay chúng ta nên đi sớm về sớm vì tớ linh cảm thấy trưa nay sẽ có đánh lớn! Hôm qua có hai thằng Không người lái bay qua khu vực này!” B.B định gọi cả Tiểu đội dậy thì tất cả đã đồng loạt chui ra khỏi màn, nhanh chóng thu dọn chăn màn rồi ra sân xếp thành một hàng ngang!...
Tiểu đội 2 chúng tôi chuẩn bị “Hành quân xa” thì có tiếng kẻng báo động. Tôi nhìn về hướng chính Đông: trên nền trời phớt hồng, không một gợn mây, có 4 chấm đen bằng đầu que tăm xuất hiện. Theo phản xạ, tôi – trắc thủ số 1 - nói ngay: “001, 090, 100” (có nghĩa là: tốp thứ nhất, hướng chính Đông - vuông góc 90 độ với điểm tôi đứng -, cự ly 100 ki-lô-mét). Tức thì Thành – trắc thủ số 2 - nói ngay: “Một tốp, bốn chiếc, F4H” (F4H là máy bay Tiêm kích, có biệt danh “Con Ma”, được trang bị tên lửa “Rắn đuôi kêu” rất lợi hại). Tâm – trắc thủ số 3 - định đọc tiếp thông báo về độ cao của tốp máy bay thì TĐT B.B nói như quát: “Không đùa rỡn! Tất cả lấy vũ khí ra trận địa 14 ly 5!” (Khi có báo động máy bay địch, ai không làm nhiệm vụ trực ban trên máy thì dùng súng bộ binh CKC, AK ra trận địa của Trung đội 14,5 mm cùng chiến đấu trực tiếp!) Tôi chạy vọt vào nhà, tới giá súng lấy ngay khẩu AK mới lau chùi ngày hôm qua còn bóng nhoáng, không quên lấy thêm cái bao đựng băng đạn!
Thực ra, tôi được giao bảo quản khẩu CKC nhưng tôi nghĩ bắn bọn “Con Ma” Mỹ phải dùng AK mới đã! B.B thấy tôi lấy khẩu AK thì không nói gì, cầm khẩu CKC chạy ra trận địa 14 ly 5. Trận địa 14 ly 5 chỉ cách nhà ở của chúng tôi chưa tới 50 mét, cách bệ máy Ra-đa hơn 100 mét. Khi chúng tôi triển khai ra hai ụ súng thành hai tổ chiến đấu thì tốp máy bay Mỹ đã hiện ra khá rõ. Tôi lấy đường ngắm, bốn chiếc “Con Ma” đã nằm gọn trên đầu ruồi , chỉ chờ lệnh của TĐT B.B là kéo cò súng! Đến khi tôi nhìn rõ đầu thằng phi công Mỹ lúc lắc trong buồng lái máy bay thì B.B mới phát lệnh “Bắn”! Tôi kéo cò và để yên ngón tay trỏ cho đi hết băng đạn! Khi cả 7 khẩu súng của 7 người Tiểu đội 2 chúng tôi cùng nhả đạn thì gần như tức thời, chỉ sau đó 20 giây, hai chiếc F4H bổ nhào xuống trận địa còn hai chiếc bay lướt qua trận địa, tiếng rít xé tai và kèm theo là hai tiếng nổ rầm rầm, đất đá khói bụi mù mịt rồi rớt xuống ụ súng của chúng tôi rào rào! Khi khói bụi tan, tiếng động cơ máy bay chỉ còn nghe rất nhỏ thì tôi mới nhìn rõ quang cảnh trận địa lúc đó: bọn “Con Ma” đã phóng hai quả tên lửa xuống chỉ cách ụ súng của chúng tôi hơn 10 mét, đó là một ruộng ngô khoai trồng xen lẫn, khói còn ngoằn nghoèo bay lên, bốc mùi khét lẹt. Nhìn qua ba khẩu 14,5 ly của “Trung đội 14 ly 5”, tôi vô cùng kinh ngạc khi không còn thấy một ai ở bên súng! Và tôi thoáng nghĩ, lúc bọn “Con Ma” bổ nhào ban nãy, không biết họ có kịp bắn hay không? Và không biết bây giờ họ đang nấp ở đâu mà biến nhanh như Tề Thiên Đại Thánh!...
TĐT B.B như là cũng đã nhìn rõ cảnh tượng bên “Trung đội 14 ly 5” và anh nhanh chóng ra lệnh: “Triển khai ra ba khẩu 14 ly 5! Kiểm tra ngay tình trạng của súng!” Cũng may là tiểu đội 2 chúng tôi luyện tập với súng bộ binh khá nhiều thời gian nên sờ vào là có thể sử dụng được ngay! Chúng tôi vừa kiểm tra nhanh tình trạng của súng xong thì phát hiện ra rằng chưa có khẩu súng nào nhả đạn! Tôi vừa ngồi vào vị trí xạ thủ số 1 thì TĐT B.B giơ cao cờ lệnh, nói to:”Bốn chiếc F4H đã vòng lại, đang bay thẳng tới trận địa từ hướng Đông! Tất cả sẵn sàng chiến đấu!”. Tôi hướng nòng súng về phía mục tiêu, Thành ngồi ở vị trí xạ thủ số 2 quay kính ngắm bắt mục tiêu. Hai khẩu 14,5 ly kia cũng hướng nòng súng về phía mục tiêu. Chúng tôi hồi hộp chờ khẩu lệnh của TĐT. Chỉ hai phút sau, khi tôi nghe đến tiếng …”Bắn!” thì lập tức kéo cò! Khẩu 14,5 ly của tôi rung lên, tiếng đạn nổ ran như pháo Giao thừa! Cả ba khẩu 14,5 ly cùng nhả đạn! Như là cùng một lúc, tôi nghe thấy tiếng rít của 4 chiếc F4H xé không khí bổ nhào và phụt 4 quả tên lửa! Lại là tiếng nổ như sấm rền và đất đá bay rào rào, khói bụi mù mịt, trời đất tối sầm!...
Khi khói đạn đã tan, tiếng rít của máy bay cũng không còn, chúng tôi ôm chầm lấy nhau sung sướng vì tất cả Bảy người còn nguyên vẹn. Tôi bỗng thấy ở lưng của TĐT có một vết thương nhỏ, máu đang rịn ra đã đỏ một mảng lưng. Chúng tôi xúm vào sơ cứu và băng vết thương cho TĐT. Như là có một mảnh kim loại đã chui vào trong lưng TĐT. Tôi nói: “Chúng ta phải đưa ngay TĐT đến Bệnh viện!” Tôi vừa dứt lời thì cậu Khả ở Trung đội Thông tin chạy đến nói: “Có lệnh của Trung đoàn tiếp tục mở máy! Tại sao trên xe hiện sóng không có ai trực?” Tôi nói ngay: “Tiểu đội 1 của Phú đang trực ban cơ mà!” Cậu Khả la to: “Đã nói là không có ai còn Phú Quý cái gì!”. TĐT B.B nghe Khả nói vậy thì bật đứng dậy, nói to: “Tất cả Tiểu đội 2 theo tôi tới xe hiện sóng!” Khi chúng tôi chạy tới xe hiện sóng thì đúng là không có ai! Phía ngoài ụ đất để xe hiện sóng, một quả tên lửa đã chui xuống chân ụ đất, để lại một cái hố nham nhở! TĐT nói nhanh: “Hai người vào một vị trí trắc thủ! Tất cả lên xe!” TĐT B.B ngồi vào vị trí Đài trưởng, gọi điện thoại về Ban chỉ huy Đại đội hỏi lại lệnh mở máy. Tiếng Đại đội trưởng vang lên trong tổ hợp: “Bối hả! Mở máy ngay! Chú ý mục tiêu ở phương vị 090, cự ly 50 đến 100 ki-lô-mét!”
TĐT B.B gọi điện thoại cho Tiểu đội Điện công phát lệnh mở máy. Chỉ sau 20 giây, chiếc máy nổ của TĐTĐiện công Sự đã nổ rền, nguồn điện lập tức được nối với xe hiện sóng và hệ thống máy phát sóng ở giàn lưới phản xạ. Rất may là hệ thống dây dẫn từ máy phát điện tới xe hiện sóng và lên máy phát trên giàn lưới phản xạ vẫn nguyên vẹn. TĐT B.B hoàn tất các thao tác khởi động thì ngay sau vòng quay đầu tiên của giàn lưới phản xạ, mục tiêu đã xuất hiện, tất cả chúng tôi cùng một lúc đều nhìn thấy mục tiêu. TĐT B.B ra lệnh: “Thông báo mục tiêu, hướng chính Đông, cự ly 80 ki-lô-mét!” Tôi lập tức đọc: “001, 090, 080” (Tốp thứ nhất, phương vị chính Đông, cự ly 80 Km). Thành đọc tiếp liền: “Một tốp, 4 chiếc F4H”. Thành vừa đọc xong thì tôi nhìn thấy tốp thứ hai xuất hiện chỉ cách tốp trước 5 Km, liền đọc ngay: “002, 090, 085”.
Thành đọc tiếp ngay: “Một tốp, 4 chiếc AD4” (AD4 là máy bay Cường kích của Hải quân Mỹ). Tôi thoáng nghĩ: “Bọn này cũng bay theo đường bay ban sáng, số lượng tăng gấp đôi, muốn đánh cấp tập trận địa Ra-đa của chúng tôi hay sao? Không biết ban nãy chúng tôi có bắn trúng 4 thằng F4H hay không? Nếu 4 thằng ban nãy không trở về đầy đủ, tất chúng sẽ kéo đến để “Báo thù” và tìm Phi công bị bắn rơi! Quả nhiên, tốp thứ ba xuất hiện, tôi đọc một lèo 3 thông báo về 3 tốp: “001, 090, 070; 002, 090, 075; 003, 090, 090” Sau khi Thành thông báo về số lượng kiểu của tốp thứ ba (4 chiếc AD6 – AD6 cũng là Cường kích Hải quân Mỹ) thì Tâm – trắc thủ số ba chuyên đo độ cao nói líu ríu như nói chuyện ở ngoài đời: “Quá nhiều, quá rõ! Bọn này bay thấp quá: Ba tầng, tầng thấp 100 mét, tầng giữa 200 mét, tầng cao 300 mét, mỗi tầng 4 chiếc!” Tâm còn định nói gì nữa thì TĐT B.B nghiêm giọng: “Trắc thủ Số 3 thông báo đúng qui định!”Chờ cho Tâm nói xong phần của mình, tôi định thông báo tiếp thì tiếng Đại đội trưởng vang lên trong tổ hợp: “Các đồng chí làm rất tốt, bám sát mục tiêu, máy bay ta chuẩn bị xuất kích.
Đài trưởng Bối làm nhiệm vụ dẫn đường!” TĐT B.B liền nhấn COT liên lạc với phi công của ta…Khi tôi đọc thông báo: “001, 000, 000; 002, 000, 000; 003, 000, 000” thì có nghĩa là cả ba tốp máy bay đang quần thảo trên không phận của trận địa Ra-đa. Đối với máy Ra-đa, trong phạm vi bán kính 10 km của vị trí đặt máy phát, mục tiêu không thể hiện lên trên màn hiện sóng, gọi là “Góc che khuất” hay là “Tọa độ mù”, con số trong thông báo là phán đoán của trắc thủ! Khi thông báo “Sáu số 0” của tôi phát ra lần thứ nhất thì có tiếng của Đại đội trưởng: “Hiệp đồng tác chiến rất tốt! Hai MiG 17 của ta đã bắn hạ hai AD6!” Tôi liếc nhìn TĐT B.B, anh đang cười mếu máo! Tôi chưa kịp reo lên thì bỗng có hai tiếng “Bụp! Bụp!” ù tai! Chiếc xe hiện sóng nảy lên hai cái và điện phụt tắt! TĐT B.B nói: “Bọn AD4 bắn đạn 20 ly trúng đầu xe hiện sóng rồi! Tất cả rời khỏi xe hiện sóng!” Khi cả 6 người chúng tôi xuống đất hết, TĐT B.B đang đứng ở cửa thùng xe thì “Bụp!” một tiếng nữa rất mạnh, một viên đạn 20 ly trúng giữa nóc thùng xe, có tiếng rơi vỡ loảng xoảng trong thùng xe hiện sóng! Đồng thời, đúng lúc đó, TĐT B.B ngã quỵ từ cửa thùng xe xuống đất! Chúng tôi nhìn nhau thất kinh, lấy cái võng bạt buộc vào một cây tre thành cái cáng, thay nhau khiêng TĐT B.B chạy như điên tới Bệnh viện, cách trận địa Ra-đa những hai Ki-lô-mét!...
4. Đoạn kết: Cái chết của một người lính chân chính
Viết đến đây, tôi đọc lại và chợt nhận thấy cái Truyện ngắn của mình không có một chút “yêu đương” gì cả! Viết truyện về người lính mà thiếu cái chất “Men say” này thì quả là thiếu sót lớn, người đọc sẽ chê là “Truyện khô như ngói”! Ngồi ngẫm nghĩ một lúc thì quả là nhân vật Tiểu đội trưởng B.B của tôi đúng là người bị các cô thôn nữ hơn một lần chê là “Khô như ngói”! Không chê là “khô như ngói” sao được khi thời gian tiếp xúc với các cô thôn nữ khá nhiều, (kể cả sáng, trưa, chiều, tối) mà anh ta luôn giữ chặt nguyên tắc “Nam nữ thụ thụ bất thân”! Có lần, tôi thấy có hai cô thôn nữ đứng hai bên B.B, một cô chốc chốc lại tì cả đôi gò Bồng đảo lên vai, lên mặt B.B, một cô lại còn dạn dĩ hơn, cầm lấy tay B.B đặt lên đùi mình, quyệt qua cả chỗ kín, vậy mà B.B đã không biết chớp thời cơ “xốc tới” lại “đi nước cờ lùi”, “khua chiêng thu quân” trước sự lườm nguýt trách cứ của các cô thôn nữ! Phải các anh lính khác thì “cuộc thám hiểm Bắc Cực sẽ chuyển về cả Nam Cực từ lâu! Đối với tôi cũng vậy, có thời cơ là “thử cho biết” chứ ai lại để “Mỡ treo trước miệng mèo” mà mèo lại không ăn! Đối với người lính thời chiến, nếu nói chưa từng “ân ái” hoặc chưa từng “thám hiểm Gò Bồng Đảo” các cô thôn nữ thì không thể tin, bởi thời chiến, “Tình cá nước” giữa quân với dân càng phong phú, đa dạng hơn bao giờ hết!...
Vì sao Tiểu đội trưởng B.B lại “Khô như ngói” như thế? Lúc đầu, tôi cũng cho là B.B bị bệnh “tê liệt sức chiến đấu”, nhưng theo dõi kỹ thì không phải. “Vũ khí, đạn dược” của B.B rất tốt, thậm chí cực tốt, có thể gọi là “ngoại cỡ”! Nhưng “tinh lực” B.B bị dồn hết cả về quê nhà, nơi đó có người mẹ già và một cô thôn nữ cực kỳ xinh đẹp, đã chạm ngõ, ngày đêm trông ngóng! Nếu như không có chuyện động viên ở lại quân ngũ thì đúng thời gian hết hạn NVQS, tức cuối năm 1966, B.B đã về nhà cưới vợ, và chắc chắn là mẹ anh đã có cháu bồng, anh đã có con bế! Nhưng…
*
…Khi chúng tôi đến Bệnh viện thăm B.B thì Bác sĩ trực la luôn: “Sao các cậu chậm chạp thế! Tối qua tôi mà không cấp cứu kịp thời thì Tiểu đội trưởng của các cậu đã đi rồi! Anh ta gọi tên các cậu hoài mà không nghe thấy à?”. Chúng tôi ào đến bên giường bệnh của B.B. Anh đang như mơ màng bỗng trở nên rất tỉnh táo khi nhìn thấy chúng tôi. Anh kêu tên, cầm tay từng người rồi nói: “Quân số Tiểu đội ta vẫn còn đầy đủ, thế là mừng rồi!...” Tất cả chúng tôi cùng bật khóc! Song B.B nói nhanh, rõ từng tiếng một: “Tôi, Trung sĩ Tiểu đội trưởng Tiểu đội 2 Trần Bảo Bối ra lệnh không ai được khóc!...” Nhưng B.B vừa dứt lời thì nước mắt anh trào ra, nhưng miệng anh lại nhoẻn cười! Tôi chưa từng thấy anh khóc bao giờ nên không biết đó có phải là anh khóc hay không? B.B lại từ tốn nói tiếp: “Mọi việc tôi đã ghi cả ra quyển sổ nhỏ trong túi áo! Giao cho Cậu Thạch đưa cuốn sổ này cho người vợ chưa cưới của tớ, nếu cô ấy có nhờ làm việc gì thì phải làm cho tốt!...Tớ phải đi trước đây!”. B.B đột ngột ngừng lời và cũng ngừng thở luôn! Cô Y tá trực bật khóc hu hu khiến cho chúng tôi òa khóc theo, vang động cả Bệnh viện!...
Trong cuốn sổ của B.B, đoạn viết cho người vợ chưa cưới có câu: “Anh bạn Th. đây sẽ thay anh thực hiện hôn ước với em!” Trời đất ơi, tôi làm sao mà thay thế anh được vào vị trí ấy!...Tôi không biết làm sao thì ngay ngày hôm sau, có lệnh giải thể đơn vị cũ, sáu người lính Tiểu đội 2 chúng tôi được điều về ba đơn vị: tôi và một người về một đơn vị chuẩn bị vào chiến trường Khu Bốn, hai người về một đơn vị mới đóng quân ở tận Tây Bắc, còn Thành và Tam về một đơn vị đang đóng quân ở Hà Tây, gần nhà của Tiểu đội trưởng B.B. Tôi nói ngay với Thành: “Đây rõ ràng là có sự sắp xếp của Ông Trời! Cậu thêm chữ “ành” vào sau chữ “Th” rồi về nhà Tiểu đội trưởng, cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Tiểu đội trưởng đã giao cho chúng ta lần cuối cùng!”. Thành nghe tôi nói vậy thì lúng búng định từ chối, nhưng tiếng còi chiếc ô-tô mà tôi sẽ đi nhờ về đơn vị mới đang kêu inh ỏi, tôi ấn cuốn sổ nhỏ của Tiểu đội trưởng vào tay Thành rồi chạy ra chiếc ô-tô, trèo lên thùng xe nhìn lại thì thấy Thành đứng như tượng nhưng nước mắt thì ràn rụa!...
Sài Gòn, 16-17/10/2009
Đỗ Ngọc Thạch
Nguồn: phongdiep.net
Cánh đồng mùa đông Đỗ Ngọc Thạch |
|
Chử Đồng Tử và người cha nghèo đến nỗi hai cha con chỉ có một cái “quần đùi”, ai có việc đi ra ngoài thì mới mặc, còn người ở nhà thì “khỏa thân”. Khi người cha sắp chết, người cha đã đã dặn giữ lấy cái “quần đùi” đó mà mặc, nhưng Hiếu Tử Chử Đồng Tử đã mặc “quần đùi” cho cha rồi mới chôn, nên không còn gì mà mặc nữa! Nếu không có chuyện gặp Công chúa Tiên Dung trong cảnh ngộ “trần như nhộng” thì có lẽ Chử Đồng Tử sẽ “khỏa thân” suốt đời!...
Khi còn nhỏ, đọc cái chuyện về Chử Đồng Tử, tôi không tin lại có người nghèo đến như thế. Nhưng sau này, có nhiều dịp sống ở những vùng nông thôn, tôi đã gặp không ít những “Cha con Chử Đồng Tử” như thế. Chỉ có điều khác là không có cái đoạn gặp Công chúa Tiên Dung đi tắm!
Tôi nhập ngũ vào Mùa Đông, tháng 12 năm 1966, được biên chế vào một Đại đội Ra-đa độc lập. Trung đội chúng tôi đặt máy Ra-đa trên một con đê của một con sông đào, vốn là thuộc hệ thống của công trình Đại Thủy Nông Bắc Hưng Hải nổi tiếng một thời. Con đê lúc này đã cây cối xanh tốt, trên mặt đê từng thảm cỏ xanh rờn. Nếu không giới thiệu thì không thể hình dung ra chỉ mấy năm trước đây còn là Đại Công trường đào sông đắp đê nhộn nhịp chấn động cả vùng đồng bằng Bắc Bộ. Phải nói sơ qua về cái Đại Công trường Thủy Nông này bởi nhân vật của truyện ngắn “Cánh đồng Mùa Đông” này chính là người đã từng được phong danh hiệu “Kiện tướng” của công trường Đại Thủy Nông này: ông Trần Phu. Song, không biết có phải cái danh hiệu “Kiện tướng” kia đã hại ông hay không mà vừa được phong danh hiệu “Kiện tướng” hôm trước thì hôm sau ông bị tai nạn: Khi đang gánh đất từ dưới hố sâu lên bờ đê thì Trần Phu bị trượt chân, lăn ngược trở lại dưới đáy hố và thật rợn người khi người xắn đất ở dưới hố vừa phóng lưỡi mai xuống đất thì bàn chân của Trần Phu lao tới, lãnh trọn nhát mai sắc lẹm và sức phóng rất mạnh của người thủ mai! Trần Phu đã bị mất gọn cả bàn chân!...
*
Những người lính Ra-đa chúng tôi dựng nhà bạt trên mặt đê, chỉ cách ụ máy phát sóng khoảng 50 mét. Ăn uống thì cử người đi vào nhà bếp của Đại đội ở đầu làng, cách bờ đê khoảng nửa cây số, gánh cơm nước về (những người tân binh chúng tôi thường được vinh dự làm việc này!). Tắm rửa, giặt rũ thì ra bờ con sông đào, nước thì thoải mái dùng không hết nhưng “phù sa” đỏ ngầu, cái khăn mặt chỉ dùng tới ngày thứ ba là đỏ màu phù sa! Điều kiện sinh hoạt ăn ở tuy có khó khăn nhưng hình như đối với những người lính trẻ, chuyện đó không quan trọng. Quan trọng nhất là mùa Đông gió lạnh, sống trên bờ đê cao là lãnh đủ mọi đợt gió mùa Đông Bắc! Song, cái lạnh của Mùa Đông sẽ tan biến hết nếu như trái tim được sưởi ấm!
Vì thế việc quan trọng nhất là lúc nào được vào Làng để gặp gỡ, tâm tình với các thôn nữ mười phần thùy mị, nết na và xinh đẹp!...
Việc vào Làng lúc đó được gọi là “Dân vận”. Mục đích của công tác Dân vận là làm sao để “Đi dân nhớ, ở dân thương”. Song, khẩu hiệu đó không cần phải hô lên vì lúc đó, người dân, mà chủ yếu là các cô gái quê, biết thương ai ngoài mấy anh lính trẻ, biết nhớ ai ngoài mấy anh lính đáng yêu! Mà thực ra, quân đội ta đã có truyền thống “Quân với dân như cá với nước” từ khi mới ra đời! …
Mỗi lần đi Dân vận là chúng tôi phải đi thành từng tổ Ba người, đây có lẽ là tổ chức nhỏ nhất trong quân đội, có từ thời kháng chiến chống Pháp, lúc đó gọi là “Tổ Tam tam”. Có lẽ việc hình thành hình thức tổ chức Tổ Ba người xuất phát từ câu ca dao cổ “Một cây làm chẳng nên non / Ba cây chụmlại nên hòn núi cao!” Nếu đúng là như thế thì công tác chính trị tư tưởng trong quân đội đã làm được một điều kỳ diệu: Tổ Ba người - Đó chính là hạt nhân tạo nên sức mạnh bách chiến bách thắng của quân đội ta! Tổ Ba người của chúng tôi gồm có ba người, gọi theo tên Khoa mà lúc người đó nhập ngũ thì là: Toán, Lý và Hóa, trong đó Lý là Tổ trưởng, Hóa Tổ phó và Tôi – Toán, tổ viên. Khi đi dân vận, Lý thường ngồi trò chuyện tâm tình với gia chủ, Hóa chăm lo việc thăm hỏi người già, Toán lo chuyện trẻ em!
Lần đi Dân vận đầu tiên, chúng tôi được giao nhiệm vụ giúp nhân dân làm vệ sinh nhà cửa, có nghĩa là nếu thấy nhà nào sống không hợp vệ sinh thì vận động sống cho hợp vệ sinh. Thời gian là cả buổi sáng ngày Chủ nhật, từ bảy giờ sáng đến 12 giờ trưa! Xin nói thêm là cho đến lúc chúng tôi đi làm công tác Dân vận vận động nhân dân sống hợp vệ sinh (những năm cuối thập niên 1960) thì về cơ bản mà nói, ở nông thôn vẫn còn nhiều nơi sống chưa hợp vệ sinh như dùng nước tắm rửa nơi Cầu ao (đó chính là nguyên nhân làm cho cả làng mắt toét), chuồng trâu, chuồng lợn liền kề với nhà ở, có nhiều nơi nhà bếp chung một chỗ với chuồng lợn (đó chính là nguyên nhân ruồi muỗi đầy nhà, cộng với việc ngủ không có màn mùng khiến các cô gái và trẻ em trên mặt luôn có vết muỗi đốt lấm tấm đỏ), đại tiểu tiện lung tung, ỉa cầu ao (gọi là “Cầu Tõm”), ỉa ngoài đồng (sướng nhất Quận Công, sướng nhì ỉa đồng), vẫn là phổ biến,v.v…
Nhà đầu tiên mà Tổ ba người chúng tôi vào là nhà ông Trần Gian, nguyên Chủ tịch Xã, Thương binh Chống Pháp. Hai vợ chồng ông Trần Gian đều đã ngoài sáu mươi tuổi, ông đi lại phải dùng nạng vì đã mất một chân, bà đi lại phải chống gậy vì lưng đã còng! Nhìn hai ông bà không còn mấy sức sống này, không ai dám nghĩ là ông bà lại có hai cô con gái xinh đẹp như Tiên nữ giáng trần! Ông Trần Gian nói ngay với Tổ Trưởng Lý: “Nhà tôi có cái việc rời chuồng Lợn ra góc vườn mà lần khân mãi vẫn chưa làm được, chỉ tại vợ chồng tôi đều già yếu, mà có hai đứa con gái lớn thì hai năm nay lại đi trực chiến bắn máy bay Mỹ hoài, không có lúc nào rảnh!...Các chú làm giúp nhà tôi được việc này thì tôi gả ngay hai cô con gái mà không thách cưới gì cả!” Tổ trưởng Lý nói ngay: “Bác nhớ giữ lời nhé!” và ra hiệu cho chúng tôi làm việc ngay!...Chỉ hơn một giờ đồng hồ, cái chuồng lợn nằm sát góc vườn đã hoàn thành giống như trong chuyện Thần Tiên! Khi chúng tôi làm xong cái chuồng Lợn thì đúng lúc hai cô con gái ông Trần Gian đi chợ đã trở về! Ông Trần Gian nói ngay: “Đó, hai đứa con gái tôi đã hứa gả cho các chú đó! Các chú hỏi em nào ưng ai thì ta làm đám cưới ngay!”. Tổ Trưởng Lý hội ý chớp nhoáng và đi đến quyết định: “Tổ trưởng Lý cô chị, Hóa cô em, còn Toán dự bị!”. Khi hai cô gái biết được quyết định đó thì cô chị nói: “Để em dẫn anh Toán sang nhà ông chú Trần Phu, cô con gái ông Trần Phu còn đẹp hơn chúng em nhiều!”. Nói rồi cô chị, tên Nụ dẫn chúng tôi sang nhà ông Trần Phu.
Nhà ông Trần Phu ở sát hàng rào nhà ông Trần Gian. Ông Trần Phu chính là người được phong danh hiệu kiện tướng rồi bị tai nạn cụt mất bàn chân đã nói ở trên. Sau khi ông Trần Phu bị tai nạn, vợ ông cũng đột ngột qua đời, khiến cho gia cảnh trở nên vô cùng túng quẫn. Để có tiền làm đám ma cho vợ, ông Trần Phu phải cho hai thằng con trai mới hơn mười tuổi đi ở đợ cho hai nhà giàu trong vùng. Nhà chỉ còn hai cha con – ông Trần Phu và cô con gái Trần Thị Lụa đã 17 tuổi. Ông Trần Phu sau tai nạn, sức khỏe chỉ còn non nửa trước đây, giờ ông chỉ quanh quẩn ở cánh đồng gần nhà, hôm thì mò cua, hôm thì bắt ốc. Lụa có cố gắng hết sức thì cũng không thể làm thay đổi được gia cảnh nhà cô!
Khi chúng tôi sang nhà ông Trần Phu thì chỉ có ông ta đang ngồi uống rượu với …mấy quả ổi xanh lăn lóc trên hè! Cô Nụ nói: “Có mấy anh bộ đội sang thăm chú đây! Cái Lụa nhà chú nó đâu rồi?” Ông Trần Phu như không hề say rượu (thực ra mỗi lần gọi là uống rượu, ông chỉ có thể mua được một chén sành nhỏ, có khi phải mua chịu, thì làm sao mà say!), ngồi nói chuyện với chúng tôi rất cởi mở. Ông nói, khi ông chưa bị tai nạn, ông là lực điền khỏe nhất làng, vợ ông là gái đẹp nhất Huyện, anh trai ông là chủ tịch Xã, nhà ông tuy không giàu nhưng kinh tế rất vững! Giờ ông chỉ ao ước tìm chỗ tốt lành cho con gái lấy chồng rồi ông đi gặp bà vợ xinh đẹp của mình nơi Chín Suối, chứ sống mà lắt lay thế này thì chết cho nhẹ gánh! Chúng tôi xúm vào động viên ông, thấy ông ngồi co ro, khoác tấm chiếu rách như người ăn mày, tôi cởi ngay cái áo Đông Xuân cho ông mặc (Mùa đông, mỗi người lính chúng tôi được phát thêm một áo dệt kim Đông Xuân và một áo trấn thủ. Có lẽ tôi còn trẻ khỏe nên thường không thấy lạnh, chưa bao giờ phải mặc cả áo Đông Xuân và áo Trấn thủ. Chỉ mặc một áo lót cổ vuông cũng bằng vải, một áo Đông Xuân và một áo quân phục hai túi ngực là thấy đủ ấm). Ông Trần Phu nhận áo mặc ngay và cám ơn rối rít.
Đang nói chuyện vệ sinh nhà cửa, ( Thực ra nhà ông Trần Phu chẳng có gì để mà mất vệ sinh cả, chuồng lợn, chuồng gà đều không có. Nhà có ba gian thì bố ở một đầu, con gái ở một đầu, gian giữa chỉ chỏng trơ cái phản gỗ lim là có giá. Bàn không, ghế không!) thì cô Lụa, con gái ông Trần Phu đi chợ về. Theo như cô Nụ nói thì sáng sáng, cô Lụa tranh thủ ra chợ bán mớ ốc mà ông bố Trần Phu mò bắt suốt đêm ngoài đồng lấy tiền đong gạo, mua mắm muối là vừa đủ “lương thực” một ngày cho hai bố con! Nhìn thấy cô Lụa đi từ ngoài cổng vào, thật là cảm động: đầu cô đội cái nón đã bong cái vành ngoài cùng, lớp lá mất vành bờm xơm như cỏ mới mọc, như muốn che đi một khuôn mặt xinh đẹp đến ngỡ ngàng! Chiếc áo tơi ngắn có lẽ là vật gia truyền của người mẹ đã chết sớm, choàng lên con trẻ nỗi bất hạnh truyền đời! Thấy tôi nhìn Lụa với vẻ xúc động, cô Nụ nói thật: “Ai cũng bảo hai bố con nhà này như ăn mày! Mà quả là thế, con Lụa nó chưa từng bao giờ mặc áo mới! Nó bây giờ chỉ có ba cái áo vải là mặc được mà đã vá trước vá sau! Đi đâu nó cũng phải khoác cái áo tơi ra ngoài! Thật tội nghiệp!...” Nghe cô Nụ nói đến đấy, mắt tôi thấy cay xè, miệng thấy đắng ngắt! Tôi cởi ngay cái áo sơ-mi quân phục đang mặc, đưa cho Nụ và nói: “Nụ đưa cái áo này cho cô Lụa, tôi mới nhận quân trang hôm qua đấy!”. Tổ Trưởng Lý thấy tôi cởi gần hết áo (chỉ còn cái áo lót cổ vuông – khi phát quân trang, ai cũng chê và chỉ thích áo lót ba lỗ, nhưng tôi lại thích vì có thể mặc thay áo sơ-mi quân phục khi đi ra ngoài vì nó không hở nách, có tay ngắn), Tổ Trưởng Lý cởi chiếc áo Đông Xuân đang mặc đưa tôi mà nói: “Mặc ngay vào kẻo lạnh lại sưng phổi bây giờ!” Cả Lý và Hóa cùng cười (vì tôi thường nói câu “sưng phổi”) nhưng không hiểu sao tôi lại bật khóc!...
*
Lần thứ hai đi Dân vận, chúng tôi được giao nhiệm vụ làm Tổng vệ sinh những nơi công cộng: đường đi lối lại trong Làng, Bệnh xá của Xã, Trường Tiểu học của Xã và cuối cùng là Ủy ban Nhân dân Xã. Cùng làm có cả một số thanh niên của địa phương, chuyện trò râm ran như pháo cho nên trời có gió mùa Đông Bắc mà không thấy giá lạnh, rét mướt gì cả… Gần trưa thì chúng tôi làm xong, mọi con đường đi lại trong Làng như mang một bộ mặt mới, quang đãng, sạch sẽ. Chúng tôi vào chơi nhà ông Trần Gian thì thật bất ngờ khi thấy cả ông bố của Tổ Trưởng Lý và bà mẹ của Tổ phó Hóa đang ngồi nói chuyện với nhau rất vui vẻ. Thì ra họ đã bàn bạc và thống nhất với nhau là vào dịp Tết Âm lịch sắp tới sẽ tổ chức đám cưới cho hai cô con gái ông Trần Gian với Lý và Hóa!...
Một lúc sau, Nụ mới “nháy” tôi ra nói nhỏ: “Mấy ngày nay, hai cha con ông Trần Phu đi mò cua bắt ốc ở tận cánh đồng làng bên, ngày nào cũng tối mịt mới về mà cũng không được là bao! Xem chừng mấy ngày không có gạo mà ăn rồi!...”. Nghe Nụ nói vậy, tôi chạy ngay về đơn vị, tới nhà bếp nói với Bếp Trưởng Tỷ: “Anh Tỷ ơi, cho tôi xin suất gạo của Tổ ba người Toán Lý Hóa đến nhà ông Trần Gian nấu món cháo Lươn đãi người nhà của Lý Hóa đến hỏi cưới con gái ông Trần Gian cho Lý và Hóa!”. Bếp Trưởng Tỷ nghe nói vậy thì nói : “Chúc mừng các cậu. Con gái ở đây đẹp nổi tiếng, lấy được vợ ở đây là tốt rồi!” Bếp Trưởng Tỷ xúc cho tôi một Ký gạo, rồi lại hỏi: “Cần nữa không?”. Tôi gật đầu thì lại xúc thêm một Ký nữa. Sở dĩ Bếp Trưởng Tỷ dễ dãi với tôi như vậy vì tôi thường được cử xuống phụ giúp nhà bếp những lúc nhà bếp có người ốm đau hoặc đi lấy gạo ở kho…Xách hai Ký gạo, tôi chạy một mạch đến nhà ông Trần Phu. Vẫn chưa thấy hai bố con ông Trần Phu về! Tôi để hai Ký gạo vào trong bếp rồi chạy tới cánh đồng Tam Thiên Mẫu, nơi tôi đoán là cha con ông Trần Phu sẽ tới đó mò cua bắt ốc vì nghe nói cánh đồng này rất nhiều loài vật sống dưới nước sinh sống!...
Đáng lẽ gần trưa thì trời phải hửng nắng và ấm lên một chút nhưng vì có đợt gió mùa Đông Bắc tăng cường cho nên trời lại lất phất mưa mà gió lạnh như quất vào mặt. Cũng vậy, như mọi khi, tôi chỉ chạy bộ khoảng năm phút là người nóng dần lên, có thể cởi dần cho tới hết quần áo rồi nhảy ùm xuống con sông đào, bơi qua bơi lại hai lần, nhưng hôm nay không hiểu sao càng chạy càng thấy lạnh!...
Khi chạy tới gần khu vực cánh đồng Tam Thiên Mẫu, tôi bỗng thấy một đám hơn chục người đang xúm xít xung quanh cái gì đó. Tôi chạy lại đám đông hỏi thì có người nói: “Có hai người đi mò cua bắt ốc bị cảm lạnh đột ngột, đã tắt thở!”. Tôi giật mình, vội lách đám đông vào thì bàng hoàng khi nhìn thấy cả hai người đều mặc áo tơi, người đàn ông thì bên trong mặc chiếc áo Đông Xuân màu xanh của bộ đội, còn cô gái thì mặc chiếc áo quân phục của bộ đội bằng vải Tô Châu vẫn còn mới!...
Sài Gòn, ngày 21,22 -11-2009
|
Đỗ Ngọc Thạch |
Nguồn: vanchuongviet.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét