Thứ Năm, 13 tháng 10, 2011

Bão giập mưa vùi (chương 4, 5, 6) - Đ.N.Thạch

BÃO GIẬP MƯA VÙI

Tiểu thuyết ĐỖ NGỌC THẠCH 



Trải bao bão giập mưa vùi
Trái tim vẫn hát vang lời yêu thương!
 
chương 4
Sau khi bị đưa xuống ga Đà Nẵng, Trần Duy Nhất được nhốt chung với một bọn toàn dân trộm cắp, trấn lột, gái điếm trên tuyến đường sắt Bắc – Nam. Thương thay cho anh chàng thư sinh chân yếu tay mềm, chỉ biết có sách vở, giờ đây mới biết đến một thế giới hoàn toàn xa lạ : thế giới của dân “giang hồ”. Duy Nhất trở thành cái “bao cát” cho bọn đàn em thỏa sức đấm đá rồi trở thành trò chơi cho bọn “đại ca” : anh phải nhảy múa, hát hò cho chúng nó nghe rồi phá ra cười khoái trá. Chỉ khi đã kiệt sức thiếp đi, Duy Nhất mới trôi vào những giấc ngủ đầy ác mộng . Và rồi chưa đẫy giấc, anh lại bị bọn chúng dựng dậy, hành hạ tra tấn đủ kiểu, kể cả những kiểu man rợ tục tằn nhất như “mút cu” cho mấy thằng đại ca, ngửa mặt cho chúng nó thay nhau ỉa, đái !...Có lúc, Duy Nhất thoáng có ý nghĩ tự đập đầu chết đi nhưng chúng nó luôn bám lấy anh như ruồi nhặng, không để cho anh được một phút yên thân !...
Duy Nhất bị giam như thế mới có hai ngày mà con người anh như bị biến dạng đi một cách khủng khiếp : anh chỉ còn như là một cái thây ma ! Chính vì vậy mà sau khi chạy vạy ngược xuôi suốt ba ngày trời, cô gái mới tốt nghiệp Đại học Sư phạm có tên là Cúc ấy đã không nhận ra anh khi người ta cho cô đi vào các phòng giam để tìm Trần Duy Nhất. Cúc đau khổ, thất vọng nhìn từng khuôn mặt (mà bộ mặt nào cũng quái đản dễ sợ) của tất cả các phòng giam của khu ga nhưng cô không thể tìm thấy Duy Nhất theo như cái hình ảnh của anh mà cô đã ghi nhận được trên tàu. Một người công an đã nói với cô :
- Thôi, cô từng tìm kiếm nữa, chỉ mất công thôi ! Cô thấy đấy, chúng nó là một mớ hỗn độn bẩn thỉu như những đống rác ! Tôi không hiểu nổi một cô gái duyên dáng, có học thức như cô lại có quan hệ với chúng !
Cúc vụt nhìn người công an, cô cắn môi rồi bật khóc :
- Anh không hiểu gì cả ! Vì thế các anh đã bắt cả những người tốt ! Người mà tôi tìm không phải là dân trộm cướp ! Các anh phải trả lại anh ta cho tôi ! Phải trả lại cho tôi !...
Cúc la hoảng lên ầm ĩ khiến người công an tròn mắt ngạc nhiên. Rồi đột nhiên , nét mặt anh ta trở lại bình thản, nhìn Cúc lừ lừ rồi giằn giọng :
- Cô không được nói lung tung! Cô điên rồi hả? Cô đi đi không tôi lại bắt nhốt vào đó bây giờ!
Và cảm thấy như quá nặng lời vô lý với người con gái, anh chàng công an ngập ngừng giây lát rồi bỏ đi, để Cúc đứng ngơ ngác giữa những bộ mặt cô hồn quái đản đang rú lên những tiếng cười ghê rợn. Một thằng hét lên:”Bồ ơi! Anh đây nè! Vào đây ân ái với anh đi em!”… Từng tràng cười, la hét lại rộ lên. Cúc như muốn vỡ màng nhĩ. Cô vùng chạy ra sân ga. Cô cứ chạy như người mất hồn một lúc thì vấp phải một thanh tà-vẹt và té xấp xuống bãi đá…
- Ngày 12-3-19..: Về đến Sở rồi, gặp lại cái Lan rồi mà mình vẫn chưa hết kinh hoàng. Ôi ! Tại sao con người ta lại ác với nhau đến như vậy ? Tại sao anh ta lại bị bắt nhốt chung với một bọn trộm cướp ? Tại sao số phận mình lại liên quan đến anh ta ? Cho đến bây giờ, mình vẫn chưa biết anh ta tên là gì, gốc tích như thế nào, vậy mà mình có linh cảm thật kỳ lạ : số phận mình như đã gắn chặt vào anh ta ! Số phận ? Thật là khó hiểu ? Đó là trò chơi của vị thần nào vậy ? Nếu không gặp may, thì sau khi ngã dụi ở sân ga hôm ấy, mình đã bị bọn mất dạy làm hại đời con gái rồi ! Một người vô danh đã cứu mình thoát khỏi tay bọn đểu và lại còn mua vé cho mình về Sở nữa ! Anh ta là ai nhỉ ? Liệu số phận anh ta có liên quan gì tới mình hay không ? Còn anh chàng trí thức bất hạnh kia, bây giờ anh ta ở đâu rồi ? Anh ta đã trốn khỏi phòng giam hay là bị bọn lưu manh đánh chết rồi ? Ôi ! Đau đầu quá ! Mới bước vào đời đã gặp bao nhiêu chuyện kinh hoàng ! Thế mà trước đây, mình vẫn nghĩ là “Bài ca sư phạm” đẹp lắm !...

- Ngày 14-3-19…Ngày hôm qua mình không ghi được nhật ký vì gặp chuyện điên đầu nữa. Lão trưởng phòng tổ chức mới gặp mình đã nhìn chòng chọc làm mình phát tởm ! Mồm lão ta thì hôi mà lão cứ ghé sát vào mặt mình mà nói ! Nếu không vì cái nghề sư phạm này thì mình đã bỏ ra khỏi phòng rồi. Lão cứ thuyết phục mình về làm nhân viên phòng tổ chức cho lão. Lão nói : “Giờ có chủ trương mới là lấy một số sinh viên mới ra trường để đào tạo cán bộ tổ chức chứ không nhận mấy cha sĩ quan quân đội chỉ có “đỏ” mà không có “chuyên” nữa. Nhìn cô, tôi biết cô rất có khả năng làm cán bộ tổ chức !” . Mình nói : “Nhưng nguyện vọng duy nhất của em là đi dạy học. Cho em dạy ở đâu cũng được, bản làng xa xôi em cũng không ngại”. Lão ta cười mỉm, lại nhìn mình chòng chọc rồi nói : “Em có tinh thần như thế là rất tốt. Nhưng, để em đến tận bản làng thì thật là phí, lãng phí nhân tài ! Thôi, không nói nhiều, đây là sự phân công của tổ chức, em phải có nhiệm vụ chấp hành !”…Mình tức giận ra về mà linh cảm thấy có chuyện không hay. Quả nhiên, sáng nay, khi đến phòng Tổ chức thì một cô nhân viên nói rằng ông Trưởng phòng hẹn mình làm việc ở nhà (Hồi còn đi học, nghe người ta nói có nhiều người hay làm việc ở nhà hoặc quán nhậu, mình không tin !). Mình vừa bước vào phòng thì đã thấy ông ta nhìn mình bằng ánh mắt khác thường, mình hoảng sợ, tính bước ra ngay. Nhưng ông ta đã bước nhanh ra cài cửa lại rồi ôm chầm lấy mình !...Ôi ! Thật là xấu hổ và nhục nhã ! Tại sao mình không đủ sức để đập vỡ mặt lão ta ra khi lão cứ cố rúc mặt vào ngực mình !... Thật là đểu giả ! Mình không ngờ những người ở cương vị lãnh đạo quan trọng lại có thể hành động đểu cáng như thế ? Mình đang luống cuống cự lại lão thì vợ lão đột nhiên trở về, đập cửa rầm rầm !...Ôi, thật là xấu hổ khi phải ghi cái chuyện này ra đây ! Thôi, mình không thể viết được nữa, đau đầu quá ! Cái số mình nó làm sao thế này ? Mẹ ơi, mẹ thường nói là con có quí nhân phò trợ cơ mà ? Sao lại gặp lắm thằng đểu thế ?

- 15-3-19…Mình cứ tưởng sau cái sự việc ấy, lão trưởng phòng Tổ chức sẽ bị cách chức, bị kỷ luật hay tương tự như thế. Nhưng mình bàng hoàng cả người khi nghe nói lão ta sẽ chuyển sang Tỉnh ủy làm phó Ban Tuyên huấn hoặc Tuyên giáo gì đó ! Trời đất ơi ! Tại sao lại như thế nhỉ ? Những điều mình được học ở nhà trường về luân lý, đạo đức là sai hết sao ? Mình càng ngạc nhiên hơn khi vợ ông ta lại đến động viên, an ủi mình và nói : “Cháu quên chuyện đó đi, nghĩ làm gì cho mệt ! Loại cán bộ ngũ tuần như các lão ấy ai cũng có “máu dê” như thế cả ! Cứ cả nghĩ, dằn vặt như cháu sao sống nổi ở đời đầy dê cụ này ! Cháu biết không , cái ông phó giám đốc của cháu, thủ trưởng cấp trên của lão chồng cô ấy, ông ta còn cưỡng hiếp nhân viên ngay trên xe TOYOTA như Nghị Hách trong Giông tố của Vũ Trọng Phụng ấy ! …Ối giời ơi ! Cháu đừng có tròn xoe mắt ra như thế ! Làm thân con gái thì phải biết mà “tương kế tựu kế” thì mới sống nổi chứ ! Cháu biết không ? Ngày xưa cô chỉ là lao công quét dọn thôi, ở nhà quê ra mà, văn hóa mới có lớp hai ! Nhưng, cháu biết không , cô đã “nắm huyệt” được các lão dê ấy và bắt các lão ấy cho cô làm cán bộ công đoàn . Bây giờ cô có chân trong công đoàn Tỉnh đấy ! Hí… Hí !...Hí !...”. Mình nghe bà vợ ông trưởng phòng tổ chức nói một hồi mà như ù hết cả tai !...
- l6-3-19..: Cuối cùng , bà Giám đốc Sở Giáo dục đã thuyết phục được mình làm việc ở phòng Tổng hợp của Sở, nôm na là làm thư ký cho bà Giám đốc. Suốt ngày mình phải bù đầu đọc các bản báo cáo của các phòng giáo dục huyện. Ôi, cái công việc này mới buồn tẻ làm sao! Những lúc thấy mình có vẻ mệt mỏi, bà giám đốc lại nói:”Thôi, xếp những bức “tình thư” ấy lại, đi với cô xuống cơ sở!”. Tưởng rằng đi xuống cơ sở sẽ có nhiều chuyện vui nhưng lại thật lắm chuyện buồn! Các trường cấp huyện phần lớn tiêu điều, xơ xác! Trường cấp xã thảm hại gấp đôi! Học sinh gần như không muốn đi học nữa. Thầy cô giáo thì sống buồn tẻ và kham khổ như dòng tu khổ hạnh! Gặp cái Lan ở trường huyện Krông Pat. Nó gày và đen đến nỗi suýt thì không nhận ra! Hai đứa ôm nhau khóc như mưa rào. Ôi, chẳng lẽ cái mộng “lập nghiệp ở chân trời xa” lại tan vỡ hay sao? Cái Lan khóc đã rồi mới lau nước mắt, nói giọng khô lạnh, như là không phải nó nói:”Tao thành người Tây Nguyên rồi! Tao đã có bầu với thằng Kso Phú, ba tháng rồi”. Mình giật thót, nhìn nó chằm chằm mà không tin ở tai mình, ở mắt mình nữa! “Có bầu? Tại sao lại thế?”- mình hỏi. Cái Lan nói khẽ, giọng chua sót:”Tại sao ư? Tao cũng không biết nữa! Chỉ nhớ là cái hôm ấy, tao đến nhà thằng Kso Phú để xem tại sao nó bỏ học thì không biết từ lúc nào, nó đã đè tao xuống nền nhà…Ôi, nó khỏe như một con gấu!...Tao sợ quá, muốn chết quách đi nhưng không được.Ngày ngày, thằng Kso gấu ấy cũng bám tao như đỉa! Đấy, nó đang đứng ở gốc cây thông kia kìa!”. Mình nhìn theo ánh mắt của cái Lan, thấy một thanh niên người Gia Rai khỏe mạnh, đen bóng, đúng là như gấu, đang đứng bất động, nhìn chăm chú về phía cái Lan! “Sao mày không nói cho tao biết? Sao mày không bỏ về Sở với tao? – mình hỏi dồn. Cái Lan khẽ nhếch mép cười, nụ cười méo mó:”Mày giúp gì được tao? Cái số tao nó thế, biết làm sao được!”. Nói rồi cái Lan lẳng lặng đi về phía thằng Kso Phú. Mình nhìn theo mà nước mắt lại trào ra! Lan ơi, mình muốn gọi nó thật to mà lưỡi như cứng lại! Trời ơi! Chẳng lẽ số phận con người ta lại kỳ quặc như vậy sao?

- l7-3-19..: Sau khi gặp cái Lan về, mình buồn quá. Mình nói chuyện cái Lan với bà Giám đốc Sở. Bà ta mỉm cười nói:”Như thế cũng tốt chứ sao! Biết đâu nó cũng yêu thằng Kso Phú?” Mình kinh ngạc nhìn bà giám đốc và nói như cãi nhau:”Yêu?! Yêu cái gì? Sao cô mà cũng nói như vậy? Cô không hiểu gì về tình yêu ! Nó có người yêu đang chiến đấu ở biên giới ấy! Nó bị thằng Kso Phú cưỡng hiếp mà cũng yêu được à?”. Bà giám đốc thấy mình nói thế thì muốn lảng đi:”Thôi, không nói chuyện riêng tư của người khác! Quan niệm tình yêu của các cô bây giờ phức tạp lắm!”. Từ đó, mình chán ghét bà giám đốc, không muốn làm việc với bà ta nữa. Mình muốn viết thư cho mẹ nói với bố chuyển mình về Hà Nội, nhưng lại sợ bị bố mắng vì chính bố đã lo cho mình ở Hà Nội ngay từ khi mới tốt nghiệp mà mình không nghe, thật mắc cỡ!... Nghĩ mãi, mình nảy ra một kế: mình sẽ viết thư cho mẹ nói đã xảy ra chuyện như của cái Lan, nhưng không phải với thanh niên như thằng Kso Phú mà với một già làng!... Mình suýt phá ra cười và cắm cúi viết!...Mai sẽ ra sân bay gửi cho mẹ!
- 18-3-19..: Không ngờ ở sân bay có người là “đệ tử” của bố. Ông ta mở thư ra xem và gọi điện thoại cho bố. Chuyến chuyên cơ hôm ấy cả bố và mẹ cùng bay vào. Từ sân bay, bố đã gọi điện cho bà giám đốc Sở, bà gọi mình lên. Mình sợ quá. Không biết sẽ thế nào thì đúng lúc bố mẹ mình tới Sở, cái Lan cũng đột ngột xuất hiện! Trời ơi, cái Lan! Đầu tóc nó rũ rượi, mặt đẫm nước mắt và bụi đỏ! Nó ôm chầm lấy mình, vừa khóc vừa nói:”Cúc ơi, mày cứu tao với! Thằng Kso Phú nó đánh tao chết mất! Mày đưa tao ra Hà Nội ngay đi!” Mình chưa kịp nói gì thì thằng Kso Phú chạy xộc vào, định kéo cái Lan đi. Bố mình ra hiệu cho người bảo vệ, người bảo vệ nhanh như chớp lôi thằng Kso Phú ra ngoài! Thằng Kso Phú gào lên vang như sấm:”Trả cô giáo Lan cho tao!...”

- 20-3-19… Ngày hôm qua lại không viết được. Suýt nữa thì mình bị đưa ra Hà Nội cùng với cái Lan, nếu như mình không bỗng chợt nhớ đến anh ta – cái anh chàng trí thức bất hạnh bị bắt oan ở ga Đà Nẵng ấy. Mình kể trường hợp của anh ta và nói dối đó là bạn rất thân, cho nên mình phải có nhiệm vụ tìm bằng được anh ta và cứu anh ta ra khỏi cảnh ngộ oan nghiệt đó. Nghe nói vậy, bố đã dẫn mình sang gặp ông giám đốc Sở Công an, dặn dò ông ta giúp mình bằng mọi cách nếu mình yêu cầu. Khi ông giám đốc công an nhận lời rồi, bố, mẹ và cái Lan mới ra sân bay về Hà Nội …
- 21-3-19…Sáng nay, bà Giám đốc Sở nói : “Từ nay, cháu không phải làm việc gì cho Sở nữa mà chỉ làm nhiệm vụ đi tìm anh bạn của cháu thôi ! Khi nào cháu tìm thấy, cô sẽ làm quyết định cho cháu về Hà Nội. Bố cháu đã dặn cô như vậy. Cô không ngờ rằng bố cháu lại là nhân vật lớn như thế. Toàn bộ lực lượng công an của tỉnh sẽ được huy động giúp cháu tìm bạn ! Thì ra cháu là tiểu thơ công chúa thích phiêu lưu !”. Mình suýt thì quát ầm lên, nhưng vội ghìm lại ngay. Thôi, mặc cho bà giám đốc muốn nghĩ sao thì nghĩ, miễn là mình không phải loại con gái sống dựa vào uy quyền của bố. Mình xung phong đi Tây Nguyên vì một mục đích hoàn toàn vô tư, trong sáng, không thể nói ra bằng lời được. Đã thế, mình sẽ xin sang Sở văn hóa làm cái việc sưu tầm văn học dân gian mà từ lâu mình vẫn thích thú. Nhân đó, mình có thể đi đây đó tự do, thoải mái mà lần tìm dấu vết anh ấy. Nghe nói, các trại cải tạo của khu vực miền Trung phần lớn đều ở Tây Nguyên. Nếu anh ta còn sống , nhất định sẽ phải đi lao động ở trên miền rừng núi này, và như thế nhất định mình sẽ tìm thấy !...

Mình vừa chợp mắt thì nằm mơ một giấc mơ kỳ lạ. Vừa bừng tỉnh, mình liền thức dậy viết ngay ra đây, để đến mai khéo lại quên mất . Giấc mơ như thế này mới lạ chứ…Mình cùng đoàn sưu tầm văn học dân gian đang đi trong một vùng núi rừng xanh tốt, phong cảnh thật là ngoạn mục thì trời bỗng tối sầm, bão lốc nổi lên dữ dội, đất đá bay rào rào, cây cối đổ ngổn ngang…Một lát sau, đất trời bỗng lặng yên đột ngột, cái tĩnh lặng báo trước một điều kinh hoàng ! Quả nhiên, một đám mây đen từ đâu lao vút tới, phút chốc hóa thành ba người mặt mũi kỳ quái, hoa chân múa tay tít mù rồi lần lượt nói như diễn viên tuồng :
- Như ta đây, chính danh là Đại Trí, giám đốc Sở Lâm nghiệp, còn gọi là chúa sơn lâm !
- Như ta đây, chính danh là Đại Đức, hoàng tử của chúa sơn lâm ! Giám đốc Công ty khai thác rừng chính là ta a…a…á !
- Như ta đây, bí danh là Tào Thứ ! Ta chỉ là phó giám đốc Công ty khai thác rừng, nhưng cái ngai chúa sơn lâm sẽ về tay ta ! Ta sẽ dùng mẹo Tào Tháo mà giết chết bố con thằng Trí Trá như giết hai con chó ghẻ ! Rừng sẽ về tay ta ! Rừng ơi ! Tiền ơi ! Tiền !...Đô la ! A…a…a ! Nói rồi cả ba người quái dị đó vơ quáng quàng cả cành cây, cả những cây gỗ đại thụ cho vào mồm nhai ngấu ngiến !

Chúng nhai gỗ mà như thổ phỉ nhai thịt !...Phút chốc, cả khu rừng bỗng trở thành như sa mạc hoang vu ! Ba cái người quái đản bỗng hóa thành ba con quỷ rồi xông vào cấu xé nhau dữ dội. Chừng như đã thấm mệt mà không phân thắng bại, ba con quỷ ấy cuốn lấy nhau, hóa thành một đám mây đen, bay vút đi nhanh như lúc nó xuất hiện !...Cái sa mạc hoang vu ấy như là sắp tan biến thì bỗng xuất hiện một người : anh ta đi lững thững , vẻ suy nghĩ lao lung…Kìa, sao anh ta giống như anh chàng trí thức bị bắt oan trên tàu Thống Nhất ở ga Đà Nẵng ? Đúng rồi, đúng là anh ta ! Anh ta thò tay vào túi lấy ra những hạt cây nhỏ xíu rồi gieo xuống bãi đất hoang vu ! Bóng anh ta nhỏ dần , mờ dần trên sa mạc hoang vu thì những mầm lá xanh nhú lên trên những vết chân của anh ta ! Mình giật mình , sợ anh ta đi mất liền cất tiếng gọi rối rít ! Nhưng, anh ta như là không nghe thấy, vẫn cắm cúi đi về phía cuối chân trời mờ ảo ! Mình hoảng hốt chạy theo thì những mầm xanh đã vụt lớn thành những cây gỗ to lớn, cản mất lối đi ! Mình như mất hút bóng anh ta, luống cuống không biết chạy theo hướng nào thì va đầu vào một cây gỗ , ngã vật xuống !...

22-3-19..:Ở Sở Văn hóa, người ta vui vẻ tiếp nhận mình vào tổ sưu tầm văn học dân gian. Công việc này lâu nay chẳng có ai chuyên tâm cả, người ta cũng lờ nó đi vì những việc thông tin, cổ động thu hút gần hết cả nhân lực và kinh phí của Sở. Việc sưu tầm văn hóa dân gian tuy được nói là quan trọng đấy, nhưng chưa làm cũng chẳng chết ai! Nhưng dạo này, công việc sưu tầm được chú ý đặc biệt vì có nhiều vị giáo sư, cán bộ lãnh đạo của Bộ Văn hóa đến Sở thúc giục. Câu nói “Báo động đỏ về sự mai một vốn văn hóa dân gian” được nói đến rất nhiều, không chỉ ở tỉnh này mà trên cả toàn quốc!...Thế là từ ngày mai, mình sẽ là người sưu tầm văn hóa dân gian, mình sẽ đi đến các bản làng xa xôi để ghi lại những bài ca, những câu chuyện cổ thần kỳ…Và mình tin là trong những đợt đi điền dã ấy, mình sẽ tìm thấy anh ta! Sẽ có phép lạ nào đó giúp mình chăng?
Lâm trường Sơn Thủy Tận, đúng như cái tên gọi của nó, đóng đại bản doanh tại một thung lũng nhỏ, cách nơi có người ở phải đên mươi ngày đường. Nghe nói nơi đây chưa hề có dấu chân người, đúng là chốn sơn cùng thủy tận! Ở đây, tuy không có dấu vết của con người nhưng đúng là mỏ vàng lộ thiên: gỗ cẩm lai bạt ngàn! Đường vào khai thác tuy đầy gian lao, trắc trở nhưng trữ lượng gỗ ở đây lớn lắm, không thể tính nổi, đúng là của kho rừng núi là vô tận ! Ngoài gỗ ra, ở đây còn có khả năng rất nhiều trầm hương. Mấy người thợ sơn tràng nói rằng, từ rất xa xưa, người ta đã xác định đây là rừng của trầm hương, nhưng không hiểu sao, những người thợ trầm vừa mon men đến cửa rừng đã mất tích một cách bí ẩn ! Ngay cả những ai muốn tới chặt gỗ, cũng không thấy trở về, hoặc nếu có trở về thì cũng mang theo bệnh tật kỳ lạ, cứ ngơ ngẩn ngơ ngác như người ăn phải cà độc dược !...Chính vì thế, cho đến cái ngày Công ty khai thác rừng của Đại Đức (tức Trần Nhân Đức) được thành lập, khu rừng này coi như vẫn còn “trinh nguyên”, chưa có bàn tay nào đụng vào ! Chính vì thế, sau khi nghe được những câu chuyện đầy huyền thoại về khu rừng đó, ông Tào Thứ (ít người biết tên thật của ông mà chỉ nghe ông tự giới thiệu cái tên đó, ông còn nói dòng họ ông là một nhánh của Tào Tháo, khi nhánh này lưu lạc xuống phương Nam) đã quyết định thành lập lâm trường Sơn Thủy Tận với ý định hốt bạc mỏi tay ! Khi trình bày ý định của mình với Đại Đức, ông Tào Thứ nói :
- Anh phải để cho tôi toàn quyền điều hành đối với cái Lâm trường này. Và tôi nghĩ rằng, Ban giám đốc chúng ta cần phải khoán trách nhiệm, mỗi người theo dõi chỉ đạo và chịu trách nhiệm hoàn toàn một số đơn vị. Có như thế mới làm ăn khá được. Chứ cứ theo như lối cũ, cha chung không ai khóc, lắm thầy thối ma, lắm cha con khó lấy chồng !...
Đại Đức ngắt lời :
- Không được ! Giám đốc là tôi vẫn phải bao quát toàn bộ hoạt động của Công ty chứ ! Giám đốc vẫn làm tổng chỉ huy, các phó chỉ là người giúp việc, tham mưu thôi ! Mà này, ông định dùng mẹo chia ba thiên hạ, tìm đất hùng cứ một phương để lập nghiệp vương bá đấy hử ?
- Anh đừng có nghĩ cạn như vậy ! Anh là lực lượng trẻ mà sao tôi thấy anh suy nghĩ cũ quá đấy !...
Hai người tranh luận một hồi chưa ngã ngũ thì giám đốc Sở Lâm nghiệp Đại Trí (tức Trí Trá – Trí Trắc) tới. Thấy vậy, Đại Trí nói :
- Sao lại có sự thiếu thống nhất trong lãnh đạo như thế được ? Các anh không thấy bài học đau xót ở rất nhiều cơ quan ban ngành ư ? Nội bộ lục đục là chỉ có mà sập tiệm !
Ông Tào Thứ nói :
- Báo cáo anh, chúng tôi đâu có lục đục. Chẳng qua đó là quá trình mâu thuẫn để tiến tới thống nhất cao hơn ! Và tôi nghĩ là chúng ta sẽ gặp nhau ở cái đích cuối cùng : Tiền ! Làm sao thì làm kiếm được nhiều tiền !

Đại Trí nói :
- Đúng! Cái đích cuối cùng là tiền! Khái niệm làm giàu bây giờ không chỉ là của Tư bản, những người cộng sản cũng phải biết làm giàu. Cái thời thắt lưng buộc bụng, sống kham khổ đã qua rồi! - …Đại Trí quay qua Đại Đức – Ba nói với con vừa với tư cách là Sếp cấp trên, vừa với tư cách là người bố: con là giám đốc nhưng phải coi chú Thứ như cha chú! Chú Thứ đã tới thượng thặng, mưu kế không thua gì Khổng Minh thời Tam quốc bên Tàu! Chúng ta phải dựa vào nhau mà sống, phải đoàn kết mới thành sức mạnh! – Đại Trí lại quay qua ông Thứ - Thôi được, bây giờ anh trình bày cái vụ lâm trường Sơn Thủy Tận xem sao?
Tào Thứ e hèm lấy giọng rồi từ tốn nói:
- Tôi cho rằng cái lâm trường Sơn Thủy Tận này sẽ nuôi sống cái công ty của chúng ta vì trữ lượng của nó là vô tận. Vùng rừng núi này vốn nổi tiếng từ xa xưa là ma thiêng nước độc, nhiều thần linh ma quái, chưa ai dám sờ tới ! Vì thế, chúng ta sẽ được độc quyền khai thác !
- Nhưng việc tuyển người vào đội khai thác sẽ khó khăn ? Ai dám chui vào chốn tử địa ấy ? – Đại Đức hỏi .
- Khỏi lo ! Tôi sẽ dùng mẹo của người xưa : lùa tù binh ra trước trận để hứng hết mũi tên hòn đạn ! – Ông Thứ nhếch mép.
- Ai là tù binh ? – Cả Đại Đức và Đại trí cùng hỏi .
- Còn ai nữa ngoài những tội phạm đang cần phải lao động cải tạo ! – ông Thứ cười mỉm – Tôi có ông bạn thân bên công an, ông ta sẽ cung cấp cho tôi một đội quân đông đảo, bao nhiêu cũng có ! Chúng ta sẽ không phải lo lắng về lương bổng cho đội quân này. Họ sẽ là những người mở đường, tai họa họ sẽ lãnh hết, và khi đó chúng ta đã có những con đường thênh thang vào tận kho gỗ khổng lồ kia !

Đại Trí thở ra, nói nhỏ :
- Ông thật là một con quỷ ! Coi mạng người như cỏ rác ! Thôi được, tôi nhất trí ! Nhưng ông phải nhớ làm công tác chính sách cho tốt : mỗi người mở đường chết đi, đều phải được chôn cất tử tế và hương khói chu đáo ! Nếu không, oan hồn của họ sẽ hóa thành ma rừng mà lật đổ xe chở gỗ của chúng ta sau này đấy !
- Yên trí, yên trí ! Gì chứ đối với hồn ma bóng quỷ tôi có nhiều phép yểm trị tài tình lắm ! Ông nội tôi vốn hành nghề phù thủy đấy chứ ! – Nói rồi ông Thứ xách cặp ra xe, mồm lẩm nhẩm câu thần chú : “Tu lị tu lị, ma ha tu lị, tu tu lị, ta bà ha”.

Ba ngày sau, một đội quân gần một trăm người đã hành quân đến cái vùng rừng núi sơn cùng thủy tận kia. Dẫn đầu đoàn quân đó là ông Tào Thứ. Sau khi được người dẫn đường đưa đi vòng vo Tam quốc một hồi, đoàn người dừng lại ở một thung lũng nhỏ, bốn bề yên tĩnh, tịch mịch, một con suối nhỏ lặng lờ chảy qua, phong cảnh cũng có thể gọi là ngoạn mục. Ông Thứ hỏi người thổ dân dẫn đường :
- Còn chỗ nào đẹp hơn cái thung lũng này không ?
Người dẫn đường đáp :
- Đây là chỗ cuối cùng mà người xưa thường dừng nghỉ ngơi. Còn nếu đi tiếp thì không thể trở về !
- Thôi được, hạ trại ! – ông Thứ ra lệnh – Thung lũng này sẽ là đại bản doanh của Lâm trường Sơn Thủy Tận. Từ đây, chúng ta sẽ tiến quân vào đại ngàn, khai thác tài nguyên của rừng để làm giàu cho Tổ quốc !...

Sau khi hạ trại nghỉ ngơi, một nghi lễ khá quan trọng được tổ chức để thành lập Lâm trường Sơn Thủy Tận. Bài diễn văn của ông Thứ khá dài, có cả bài thơ lục bát về rừng mà ông đã đọc trong ngày thành lập Công ty mẹ. Ông nhấn mạnh nhiệm vụ trước mắt của Lâm trường là mở đường vào tận ngóc ngách của rừng sâu và chiến lược lâu dài là phải xây dựng lâm trường thành một khu kinh tế lớn Lâm – Nông – Công nghiệp cỡ quốc gia, quốc tế, phải biến nơi núi rừng hoang vắng thành đô thị phồn hoa đô hội, có thể đón khách nước ngoài tới tham quan, thu ngoại tệ cho ngân quỹ Nhà nước, vân vân và vân vân ! Vì thế, nhiệm vụ của đội quân mở đường rất nặng nề và ý nghĩa thì rất vinh quang, không khác gì những bậc anh hùng vĩ nhân trong lịch sử đã mang gươm đi mở nước !... Trong số gần một trăm phạm nhân mà ông xin được bên công an, ông Thứ đã tỏ ra là người có con mắt tinh đời khi chọn ra được một anh chàng có dáng vẻ trí thức (mặc dù khuôn mặt thì sầu não, ủ ê) để giao cho anh ta cái chức phó giám đốc Lâm trường kiêm đội trưởng đội mở đường (còn chức giám đốc Lâm trường thì ông kiêm nhiệm luôn, tạm thời như vậy). Anh chàng có tên cũng rất hợp với nơi rừng xanh ngút ngàn này : Trần Thanh Lâm !...

Sau khi ông Thứ và đoàn tùy tòng đã trở về công ty, với lời hứa hàng tuần sẽ xuống Lâm trường cùng với việc tiếp tế lương thực, thực phẩm, cả đoàn quân mệt mỏi lăn ra ngủ. Riêng Trần Thanh Lâm không ngủ được, anh bật đèn pin và lấy cuốn sổ tay ra viết : “Ngày…tháng …năm… : Cuối cùng, mình cũng đến được với rừng , nhưng không phải với tư cách anh kỹ sư trồng trọt mà với tư cách một phạm nhân ! Vì sao định mệnh lại đùa cợt với mình một cách tàn ác như vậy ? Nếu không vì ý định tìm người chị bặt tin từ ngày bố mẹ chết, có lẽ mình đã không còn tồn tại, trên đời này nữa ! Chị Hiền Lương ơi ! Hơn hai chục năm rồi, không biết bây giờ chị thế nào ? Liệu chị em mình có nhận ra nhau không ? Mà không hiểu sao, mình luôn có linh cảm là chị Hiền Lương ở gần mình lắm ? Linh cảm có đánh lừa ta chăng ?...Đêm nay, rừng thật là đẹp ! Và thật trớ trêu thay, mình đi học nghề trồng rừng , số phận lại ném mình vào đội quân phá rừng ! Mình có linh cảm người ta đang tàn phá rừng dữ dội và cái Công ty này, cái Lâm trường này được lập ra là để phá rừng !... Trời ơi, thật là loạn ! Thần rừng ơi, ta cầu xin người hãy quật chết những kẻ phá rừng đi !...”
Đến đây, chắc bạn đọc đã biết Trần Thanh Lâm chính là Trần Duy Nhất, anh chàng kỹ sư trồng trọt bị gặp tai bay vạ gió ở ga Đà Nẵng ! Anh ta đã trải qua những tháng ngày khổ ải trong các trại giam như thế nào, thật khó mà kể hết ra được !


chương 5

Đội văn nghệ - thông tin tuyên truyền dừng chân bên bờ suối Đăk Linh: Đội gồm bốn người: 1) Võ Hoàng: đội trưởng, soạn các bản tin, giải thích, vận động bà con thực hiện các chính sách, chủ trương của Đảng, đồng thời cũng là cây ghi-ta, sáo; 2) Kso Rin: người Gia Rai, chuyên đánh trống, chiêng và hát bằng tiếng dân tộc; 3) H’Lan: người Ba Na, đánh đàn t’rưng, Klông pút, hát tiếng dân tộc và 4) Trần Thị Hiền Lương: hát bằng tiếng Kinh, ngâm thơ… Cứ đến mùa khô, đội văn nghệ - thông tin tuyên truyền lại “khăn gói quả mướp” lặn lội đến tận các buôn làng xa xôi hẻo lánh để phục vụ văn nghệ và thông tin tuyên truyền. Lần này, đội văn nghệ - thông tin tuyên truyền sẽ đến Plây Đăk Côi, một bản làng rất xa xôi, hầu như không bao giờ được xem biểu diễn văn nghệ, xem phim…

Khi đã mắc võng bạt xong xuôi, Võ Hoàng nói:
- Bây giờ gần tối rồi, chúng ta nghỉ đêm tại đây, sáng mai sẽ hành quân sớm!
Kso Rin nói:
- Tôi nghe già làng bảo Plây Đăk Côi ở gần một khu rừng linh thiêng lắm. Không ai dám vào rừng cả. Những người đi tìm trầm có vào vài lần nhưng không thấy ai trở về!
H’ Lan nói:
- Em lại nghe già làng nói đó là một khu rừng rất đẹp, rất nhiều gỗ quí. Có một câu chuyện cổ nói rằng đó là nơi các nàng Tiên thường đến dạo chơi đấy!
Võ Hoàng ngẫm nghĩ một lát rồi nói:
- Tôi cũng nghe nhiều chuyện về khu rừng ấy lắm! Ở đó có suối Đăk Lây Linh rất đẹp phải không?
H’ Lan cười:
- Suối Đăk Lây Linh là suối trong truyện cổ thôi! Đó là chỗ tắm của các nàng Tiên đấy!
Kso Rin cãi:
- Suối Đăk Lây Linh là suối thật chứ đâu phải chỉ có trong truyện cổ. Suối Đăk Lây Linh là suối mẹ của suối Đăk Linh! Suối Đăk Linh đã đẹp như thế này thì suối Đăk Lây Linh còn đẹp hơn nhiều!
Võ Hoàng tán đồng:
- Kso Rin nói đúng đấy! Tôi cũng nghe có người nói vậy. Thế Kso Rin và H’Lan có biết đường tới khu rừng ấy không?
Kso Rin nói ngay:
- Già làng bảo từ Plây Đăk Côi đến khu rừng ấy chỉ có mấy ngày đường thôi!
H’Lan cười:
- Mấy ngày đường thôi! Đi như bay cũng phải mười ngày! Mà không có sẵn đường đâu, phải tự tìm đường mà đi!
Võ Hoàng, Kso Rin và H’Lan đột nhiên im lặng. Hiền Lương từ nãy đến giờ vẫn ngồi nghe, bỗng nói:
- Hay là chúng mình đến khu rừng ấy đi! Cứ đi ngược dòng suối Đăk Linh này là đến suối Đăk Lây Linh của khu rừng ấy!
H’Lan tức thì reo lên:
- Đúng đấy! Chị Hiền Lương nói hay quá! Chúng ta sẽ đi ngược dòng suối Đăk Linh này là đến suối Đăk Lây Linh! Nếu như dòng suối Đăk Lây Linh mà có thật thì kỳ lạ lắm!
- Kỳ lạ làm sao? – Cả Võ Hoàng và Hiền Lương cùng hỏi.
- Bà nội H’Lan bảo, con gái mà được tắm nước suối Đăk Lây Linh thì sẽ đẹp như Tiên ấy, tóc sẽ dài như dòng suối, da sẽ trắng như nước suối! H’Lan xấu quá, H’Lan muốn được tắm nước suối Đăk Lây Linh!
- H’Lan đẹp chứ! – Hiền Lương cười, nói – H’Lan mà xấu thì như thế nào mới gọi là đẹp?
- Như chị Hiền Lương mới gọi là đẹp! – Nói rồi H’Lan nắm tay Hiền Lương – Em với chị đi ngược suối Đăk Linh một đoạn xem sao! Hôm nay anh Hoàng và Kso Rin lo cơm nhé!
Thoáng cái, bóng H’Lan và Hiền Lương đã mất hút!
Vừa nhóm bếp nấu cơm, Hoàng vừa nói chuyện với Kso Rin:
- Kso Rin có thích đến khu rừng ấy không?
- Thích chứ! Hay là ta đừng đến Plây Đăk Côi nữa. Tôi chán đi hát rong mãi thế này rồi! Tôi chợt nghĩ rằng chúng ta sẽ đến cái khu rừng có suối Đăk Lây Linh ấy, nếu ở đấy đất tốt, tôi sẽ ở lại luôn, lập làng mới!
- Lập làng mới ở một mình à?
- Sao lại ở một mình? Tôi sẽ cưới H’Lan! Anh Hoàng cũng ở lại làng mới với tôi đi, anh sẽ cưới chị Hiền Lương!
- Chị Hiền Lương đâu có thích mình. Với lại mình không thể bỏ đội văn nghệ mà đi như Kso Rin được!
- Anh còn tiếc gì cái đội văn nghệ với cái Sở Văn hóa thông tin ấy nữa? Anh làm việc tích cực như thế hơn năm năm rồi mà người ta vẫn “đì” anh, vẫn moi chuyện vài tháng đi lính Ngụy của anh ra! Vậy mà anh vẫn chịu được à?
- Phải chịu thôi chứ biết làm thế nào! Ông giám đốc Sở hứa là sang năm sẽ cho mình đi học Đại học Văn hóa ở Hà Nội!
- Trời ơi! Em nghe cái chuyện ấy từ lâu rồi! Anh đừng có tin lời hứa! Người dân tộc chúng em nói là làm chứ không có hứa không như thế!
- Thế Kso Rin tính bỏ Đội Văn nghệ thật đấy à?
- Thật chứ giỡn à? Em thích trở về với núi rừng. Núi rừng đã sinh ra Kso Rin này thì núi rừng sẽ nuôi Kso Rin. Chứ lương của Sở Văn hóa không nuôi nổi Kso Rin đâu! Các anh cũng có sống nổi bằng lương đâu!

Võ Hoàng im lặng, trầm ngâm. Anh không ngờ chàng thanh niên Kso Rin này đã nói ra đúng ý nghĩ của mình. Là sinh viên Luật mới được một năm, anh bị bắt lính. Vào lính được ba tháng thì giải phóng miền Nam. Sau sáu tháng cải tạo, học tập, anh tình nguyện xung phong đi xây dựng kinh tế mới trên đất Tây Nguyên này, sau đó, vì cái tài đánh đàn ghi-ta, Sở Văn hóa thông tin tỉnh đã xin anh về với cái đội “hát rong” này từ ấy đến nay! Hoàng làm việc say mê và muốn gắn bó với cái Sở Văn hóa này, nhưng nhiều lúc anh thấy buồn và thất vọng quá!
Trời đã sập tối tự bao giờ. Trăng mọc sớm đã treo lơ lửng ở cuối rừng, tỏa ánh sáng xanh dịu, thanh tĩnh, thỉnh thoảng mới vang lên những tiếng gọi đồng loại của các loài muông thú…
Đêm hôm ấy, cả bốn người đều không ngủ được. Kso Rin đang theo đuổi với những dự tính về làng mới ở khu rừng huyền bí có con suối Đăk Lây Linh thơ mộng. Anh chàng say sưa, thỏa mãn với cái ý nghĩ rằng mình sẽ là người lập ra làng mới, uy quyền sẽ lớn hơn cả các già làng, công lao sẽ được truyền tụng tới mãi mãi các đời sau! Còn H’Lan thì đang suy nghĩ xem có nên nhận lời đi lập làng mới với cái anh chàng Kso Rin kia không? H’ Lan từ lâu đã thầm yêu Võ Hoàng, nhưng anh ấy như là không thiết gì đến yêu đương, lúc nào cũng trầm ngâm như ông già! Từ khi Kso Rin được biên chế vào đội văn nghệ này, anh chàng đã mê H’Lan ngay, nhưng H’Lan không nhận lời, H’Lan còn chờ anh Hoàng! Rồi, chờ mãi không được H’Lan đành để cho Kso Rin dẫn đi chơi đêm, nhưng cô chưa chịu để cho Kso Rin chiếm đoạt thân thể mình. Trái tim cô đã dành cho anh Hoàng, bây giờ muốn trao cho Kso Rin thật là khó làm sao!

Đúng lúc ấy, đúng lúc H’Lan không biết làm thế nào thì chị Hiền Lương xuất hiện! H’Lan nghĩ rằng, chị Hiền Lương mặc dù đã có con là thằng Lượng, nhưng chị vẫn còn đẹp quá, chị lại hát hay nữa, chị thật xứng đáng để anh Hoàng yêu hơn là mình. Và thế là H’Lan dứt khoát không mơ tưởng gì đến anh Hoàng nữa! Ban tối nghe Kso Rin nói ý định đi lập làng mới, bỏ Đội văn nghệ, bỏ Sở Văn hóa, H’Lan cũng thấy thích, cũng muốn rủ anh Hoàng và chị Hiền Lương đi nữa. H’Lan nghĩ: ở cái khu rừng thần tiên ấy, chỉ có những người thương yêu, thân thiết sống với nhau thì thật là sung sướng! Nhưng, chị Hiền Lương như là không muốn đi, hay là chị không yêu anh Hoàng? Theo như nhận xét của H’Lan thì anh Hoàng có ý yêu thương chị Hiền Lương lắm, nhưng tính tình anh thận trọng, rụt rè quá, chẳng dám tỏ tình gì cả, không như những đàn ông khác, thích ai là tìm mọi cách để lăn xả vào như hổ đói! H’Lan tính sẽ hỏi thẳng chị Hiền Lương, nhưng không hiểu sao H’Lan lại không nói được! Trong khi H’Lan đang nghĩ về Hiền Lương thì Hiền Lương cũng đang nghĩ về Võ Hoàng. Nhìn Võ Hoàng, Hiền Lương thấy hao hao như anh chàng sĩ quan cảnh sát Nguyễn Gia Cát của cô năm xưa! Tại sao lại có chuyện trùng lặp như vậy? Hay là hồn của chồng cô hiện về nhập vào hình hài cái anh chàng Võ Hoàng luôn u buồn này? Khi nghe Kso Rin nói chuyện đi lập làng mới, Hiền Lương giật mình và có cảm giác như là bàn tay bí ẩn của định mệnh đang vươn ra nắm gáy mình và cả ba người kia xếp vào những chỗ mà không ai có thể nhìn thấy trước được! Nghĩ đến đó, Hiền Lương thấy ớn lạnh, rùng mình sợ hãi! Cô bật ngồi dậy, nói to:

- Anh Hoàng! Anh hát bài gì đi! Tôi sợ quá! Sao mà buồn thế? Không thể nào ngủ được!
Võ Hoàng đang thả ý nghĩ về nơi vô định, như đoán được phần nào tâm trạng của mọi người lúc này, nhất là Hiền Lương, anh liền ngồi ngay dậy, với tay lấy cây đàn ghi-ta, nói nhỏ:
- Tôi sẽ hát thử một đoạn trong ca khúc mới viết. Hiền Lương nghe xem có được không nhé!
Hoàng dạo một đoạn nhạc rồi cất tiếng hát trầm, buồn:
“Đêm trăng sáng!
Ánh sáng lung linh
Dãy núi lắng sâu trong suy tư
Rừng cây thao thức
Đất ba dan đỏ thắm như tình yêu!
Chàng trai Tây Nguyên, ngực trần căng như trái núi
Con gái Tây Nguyên, tiếng hát như dòng suối trong!
Nghe trong mênh mang như tiếng chiêng ngân
Không gian bao la như ánh trăng soi
Núi rừng ơi! Thức dậy!
Ánh trăng soi khắp núi rừng Tây Nguyên!
(Lời bài hát của Phạm Cao Đạt)

Từ bao giờ, Kso Rin và H’ Lan đã bật dậy, nhảy múa theo từng nhịp của bản nhạc và khi Tiếng hát của Hoàng vừa ngừng thì cả hai người cùng hét lên với những động tác vũ điệu mạnh: Hây! Hây! Hây! Hây!
Cả khu rừng tĩnh lặng phút chốc như rùng mình chuyển động, ánh trăng như tan ra, vỡ vụn ra rồi cuồn cuộn và tuôn chảy như thác!
Cái làng Đăk Côi xa xôi hẻo lánh kia sẽ chẳng bao giờ được đón tiếp đội văn nghệ-thông tin tuyên truyền của Võ Hoàng vì họ đã quyết định đi ngược con suối Đăk Linh để tới khu rừng có con suối Đăk Lây Linh, để lập làng mới!
Riêng Hiền Lương, cô vẫn không khỏi dằn vặt, day dứt khi nghĩ về thằng Lượng, đứa con rất mực yêu thương của cô đang phải gởi ở thị xã và nó thì ngày đêm mong mẹ về! Mặc dù Võ Hoàng đã nói sẽ trở lại thị xã đón thằng Lượng bằng mọi cách nhưng Hiền Lương vẫn chưa yên tâm. Khi nghĩ đến tuổi thơ của mình, cô lại trào nước mắt: chẳng lẽ con mình cũng phải chịu cảnh lênh đênh phiêu bạt ngay từ bé như mình hay sao? Chẳng lẽ nỗi khổ đau của người mẹ còn truyền lại cho cả đời con hay sao?
Sau một tuần luồn rừng lội suối, bốn người đi lập làng mới đã tới cái thung lũng nhỏ nơi lâm trường Sơn Thủy Tận đã đóng đại bản doanh. Gọi là lâm trường, nhưng lúc này chỉ còn có năm người, đang sống lay lắt trong cái cảnh gần cạn lương thực và bị sốt rét hành hạ, trong số đó có Trần Thanh Lâm. Khi gặp nhau, cả hai bên đều giật mình kinh ngạc, ngỡ ngàng! Tốp của Võ Hoàng thì cứ ngỡ đó là ma quỷ hiện về, còn tốp của Trần Thanh Lâm thì lại tưởng rằng đó là các vị thần tiên từ trên trời hạ giới!
Sau khi nghe Trần Thanh Lâm nói về tinh cảnh thê thảm của lâm trường Sơn Thủy Tận, người thì chết vì bệnh tật, người thì bỏ trốn, công ty mẹ không tiếp tế lương thực, Võ Hoàng đã đem một phần lương thực ít ỏi của mình ra “chiêu đãi” những người đang nằm chờ chết đói này. Bữa ăn tuy không linh đình nhưng ngoài sức tưởng tượng của năm con người bất hạnh kia, khiến họ tỉnh lại và hồi phục nhanh chóng như được uống thuốc tiên! Song, với Trần Thanh Lâm, điều hấp dẫn đối với anh không chỉ là bữa ăn mà là những câu trò chuyện với bốn người kia. Anh cảm thấy bên trong họ là những điều kỳ lạ như những câu chuyện cổ. Anh chàng Võ Hoàng trầm mặc như nhà hiền triết thời xưa. Chàng thanh niên Kso Rin như là trang dũng sĩ trong những bản trường ca cổ hiện về. Còn H’Lan, đúng là người con gái kỳ diệu của núi rừng, cô như là làn suối, thoắt cái đã như thác đổ! Riêng Hiền Lương, anh như thấy trong từng dáng nét, cử chỉ đều chứa đựng những điều bí ẩn! Nghe họ nói về dự định đi lập làng mới, Thanh Lâm thầm thán phục ý nghĩ táo bạo nhưng rất đẹp của họ. Anh cũng muốn nhập vào cuộc hành trình rất lãng mạn nhưng đầy gian lao của họ, nhưng khi nhìn bốn “lâm trường viên” còn sót lại kia đang ăn ngốn ngấu, anh không biết nên làm thế nào bây giờ? Chừng như đoán được ý nghĩ của anh, một người ngừng ăn, nói:

- Nếu anh Lâm thích, anh cứ đi với những người lập làng mới đi! Chúng tôi sẽ trở về thành phố. Cuộc sống giang hồ của dân bụi đời chúng tôi không thể xa chốn thành thị được! Ở nơi rừng núi, chúng tôi sẽ chết đói! Chúng tôi sinh ra trên hè phố thì phải bám lấy hè phố mà sống chứ!
- Đúng đấy! Chúng ta giải tán cái lâm trường này đi! Mà nó cũng đã tan thành cát bụi từ mấy tháng nay rồi! Chúng tôi thấy chân tay cứng cáp lên rồi, có thể đủ sức dông được rồi! Anh cứ đi theo họ, chúng tôi cho cái đại bản doanh lâm trường này một mồi lửa là xong!
Tốp Võ Hoàng lại tiếp tục đi ngược con suối Đăk Linh. Ai cũng có cảm giác như là nhặt được báu vật khi Trần Thanh Lâm đã quyết định đi theo. Kso Rin và H’Lan vô cùng ngạc nhiên khi thấy cái anh chàng người Kinh ốm yếu và rụt rè này lại đi bộ rất khỏe và am hiểu tường tận từng loài cây cỏ của rừng núi quê hương mình. Vừa đi đường, Lâm vừa nói cho Kso Rin và H’Lan nghe về giá trị của từng loại lá rừng, cây rừng. Càng nghe, Kso Rin và H’Lan càng thấy núi rừng thật là kỳ lạ. Thì ra còn bao nhiêu điều bí ẩn của núi rừng mà con người chưa thể khám phá hết. H’Lan xúc động quá, cô cất tiếng hát một bài dân ca mà cô thuộc từ nhỏ nhưng không hiểu tại sao lời ca của nó lại như thế:

“Ơ! Rừng ơi!
Sao mà rừng lắm phép lạ?
Rừng nuôi sống muôn loài
Chiếc lá rừng chữa lành vết thương tráng sĩ
Con suối rừng hát mãi những bài ca
Con gái lội xuống suối
Bắp chân sáng lòe như ánh chớp
Con gái bơi theo dòng suối
Bộ ngực trắng ngần vang tiếng chiêng ngân!

Dòng suối Đăk Linh như nghe được tiếng hát trong trẻo của H’Lan, nó như ngừng chảy để thu vào lòng nó tiếng hát ấy rồi đem đi khắp cao nguyên bao la.
Bốn lâm trường viên cuối cùng còn lại vốn là những tay anh chị nổi tiếng từ thời Mỹ ngụy. Đó là: Hội cụt, Hà sẹo, Cao mặt rỗ và Cam cà lăm. Sau khi những người đi lập làng mới đi rồi, cả bọn no nê đánh một giấc ngủ như chết, đến nửa đêm mới tỉnh lại. Hội cụt tỉnh dậy trước tiên. Vốn là một thằng đàn ông dâm đãng, Hội cụt sờ đũng quần nhớp nháp mà tiếc ngẩn ngơ cuộc giao hoan trong mộng với cô gái Tây Nguyên hiện ra bên dòng suối lúc trưa. Khi ngồi ăn cơm, nhìn bộ ngực căng phồng cửa H’Lan, hắn đã muốn nhào tới mà cắn cấu! Nhưng cái đói đã lôi cuốn hắn trước… Bây giờ đây, nghĩ lại càng thấy tiếc và tự rủa mình tại sao lại để lỡ một cơ hội như thế! Hội cụt bật dậy, hắn vung chân múa tay chửi thề một hồi rồi phóng lửa đốt liền cả mấy căn lều của lâm trường Sơn Thủy Tận. Lửa bùng lên, phút chốc ngọn lửa đã chùm kín mấy căn liều ọp ẹp khiến cho ba thằng kia bật dậy, hoảng hốt, ngơ ngác. Hội cụt phá lên cười:
- Hỏa công! Muốn đánh Tào công, phải dùng hỏa công! Đù má thằng Tào Thứ, nó đẩy anh em mình vào chỗ chết để nó làm giàu! Thế nào rồi tao cũng phải cắt dái lão già dê cụ ấy!
Cả ba thằng kia đã hoàn hồn, nhăn nhở cười, bu quanh Hội cụt:
- Giờ sao anh Hai? No rồi, sống rồi, đủ sức chiến đấu rồi, anh hai ra lệnh đi để đàn em hành sự!
Hội cụt múa một đường quyền, hét “hây a…” một tiếng rồi xoạc chân đứng tấn, mắt trợn lên hét to:
- Đuổi theo! Thịt ngay ba thằng đực ấy và ăn gỏi hai con bé!

Lập tức, cả bốn thằng tay dao, tay gậy lao theo hướng đi của tốp Võ Hoàng…
Phải đến trưa hôm sau, bọn Hội cụt mới đuổi kịp tốp Võ Hoàng. Lúc đó, tốp của Hoàng đang dừng lại nghỉ chân bên bờ suối. Hoàng và Lâm ngồi nhóm lửa nấu cơm, Kso Rin vác ná đi kiếm thịt rừng, còn H’Lan và Hiền Lương đang tắm giặt ở một khúc suối phía dưới. Lúc H’Lan và Hiền Lương giặt rũ xong, phơi quần áo trên bụi cây và đang nô giỡn với nhau trong dòng suối thì cũng là lúc từ khúc suối phía dưới, bọn Hội cụt đang lần mò đi lên. Chỉ còn cách chưa đầy trăm mét, bọn Hội cụt đã nghe thấy tiếng cười rúc rích của H’Lan và Hiền Lương. Bước thêm vài bước, cả bốn thằng bàng hoàng, sững sờ khi nhìn thấy rõ mồn một hai tấm thân mịn màng, trắng muốt của H’Lan và Hiền Lương đang lượn lờ trên dòng nước trong vắt. Cả bốn thằng cùng trố mắt ra nhìn như muốn lòi con ngươi, mồm nuốt nước miếng ừng ực, mặt như ngây, như dại! Được một lúc, dường như đã no con mắt, chúng rón rén bò đến chỗ hai người con gái đang tắm, mắt vẫn căng ra, hau háu…

Kso Rin, sau khi bắn được một con gà rừng, đang tìm đường trở về. Do nhắm chệch hướng, Kso Rin đã trở lại hướng con suối vào đúng chỗ bọn Hội cụt nhìn thấy H’Lan và Hiền Lương đang tắm! Kso Rin giật thót người, suýt kêu lên khi nhìn thấy bọn Hội cụt đang dao, gậy lăm lăm trong tay, bò ngày càng nhanh ngược lên dòng suối. Nhìn lên phía trên, Kso Rin thấy H’Lan và Hiền Lương vẫn đang mải nô giỡn, bơi lội, không hề hay biết gì cả! Như có lửa bốc lên mặt, như có thác đổ trong ngực, Kso Rin dương ná, lắp tên nhằm mặt một thằng gần nhất lẩy cò! Mũi tên lao vút đi, cắm phập vào mắt phải của Hội cụt! Hội cụt ôm mặt rú lên, ngã đổ vật ra phía sau. Ba thằng kia bật dậy, đang còn bàng hoàng, ngơ ngác đảo mắt nhìn quanh thì một mũi tên nữa lao vút tới, cắm phập vào cổ Hà sẹo! Hà sẹo bật đổ xuống, tiếng kêu bị tắc ở cổ, theo dòng máu phun ra ằng ặc! Cao mặt rỗ và Cam cà lăm khiếp đảm quay đầu chạy thục mạng, nhưng một mũi tên nữa bay vút theo cắm phập vào lưng Cao mặt rỗ khiến hắn ngã dập mặt xuống đất! Kso Rin còn chạy đuổi theo một đoạn nhưng Cam cà lăm vốn nhanh chân đã mất hút sau rừng cây um tùm!
Cam cà lăm chạy mãi, chạy mãi… Hắn chạy đến chỗ đại bản doanh của lâm trường Sơn Thủy Tận thì cũng là lúc hắn kiệt sức, ngã đổ vật xuống bãi tro tàn ngổn ngang… Hắn nằm chết lịm hồi lâu thì ông Thứ cùng đoàn tùy tùng xuất hiện. Nhìn quang cảnh ấy, ông Thứ rụng rời chân tay, mặt nghệt ra hồi lâu. Khi thấy Cam cà lăm cựa mình ú ớ, ông Thứ mới chạy lại dựng Cam cà lăm lên, hỏi dồn:
- Tại sao? Tại sao lại như thế này? Đi đâu hết cả rồi?
Cam cà lăm mở mắt, ánh mắt đờ đẫn, như không nhận ra ông Thứ, như tưởng là Thần Chết đến bắt mình, hắn hốt hoảng giằng ra và ú ớ:
- Phu…un..rô…ô…ô…
- Phun rô làm sao? – Ông Thứ hét vào tai hắn.
- Phun …rô…bắn…chết…ết…hết rồi!
Một người lấy nước đổ vào mặt Cam cà lăm. Hồi lâu, hắn mới hoàn hồn và nhận ra ông Thứ - phó giám đốc Công ty khai thác rừng kiêm giám đốc Lâm trường Sơn Thủy Tận! Nhưng, quá mệt mỏi và sợ hãi, hắn lại thiếp đi, mồm lẩm bẩm “Phun-rô! Chết… hết rồi!”. Ngần ngừ giây lát, ông Thứ ra lệnh:
- Rút về ngay Công ty! Tập hợp lực lượng tự vệ, súng ống sẵn sàng! Điện ngay cho ban chỉ huy quân sự tỉnh, xin lực lượng truy quét Phun-rô hỗ trợ!

Khi ông Thứ và đoàn tùy tòng về đến trụ sở Công ty khai thác rừng, lập tức Đại Đức triệu tập cuộc họp ban lãnh đạo công ty mở rộng. Cuộc họp đã nhanh chóng nhất trí nhận định tình hình với những sự biến lớn ở lâm trường Sơn Thủy Tận và đã thảo ra bức công văn gửi Sở Lâm nghiệp đồng kính gửi Ban chỉ huy quân sự tỉnh như sau:
“… Lâm trường Sơn Thủy Tận thuộc Công ty khai thác rừng sau một thời gian làm ăn đầy hứa hẹn đã bất ngờ bị một toán Phun-rô (ước chừng khoảng gần đại đội) tấn công dữ dội. Do lực lượng Phun-rô quá lớn, do anh em lâm trường viên lao động quá mệt mỏi, do bị đánh bất ngờ, lâm trường đã bị tổn thất lớn: gần một trăm người đã thiệt mạng, toàn bộ tài sản trang thiết bị trị giá một tỉ đồng đã bị bọn Phun-rô cướp sạch, toàn bộ nhà cửa lâm trường trị giá năm triệu đồng bị bọn Phun-rô đốt sạch! Khi rút quân, bọn Phun-rô còn bắt theo một số người (cũng có khả năng những người này đầu hàng và theo Phun-rô) trong đó có phó giám đốc lâm trường Trần Thanh Lâm. Hiện nay, theo phán đoán của chúng tôi, bọn Phun-rô đang đóng quân ở dòng suối phía trên lâm trường bộ Sơn Thủy Tận khoảng từ 3 đến 5 kilômét! Vì vậy chúng tôi kính đề nghị các đồng chí kịp thời giúp chúng tôi tiêu diệt bọn Phun-rô để lâm trường Sơn Thủy Tận tiếp tục hoạt động, hoàn thành chỉ tiêu khai thác gỗ mà cấp trên đã giao cho!
Ký tên: Giám đốc Lâm trường Sơn Thủy Tận, kiêm phó giám đốc Công ty khai thác rừng: Tào Văn Thứ. Giám đốc Công ty khai thác rừng: Đại Đức.”

Hai ngày sau khi công văn hỏa tốc trên được gửi đi, Ban chỉ huy quân sự tỉnh đã cử một đội truy quét Phun-rô tới Công ty khai thác rừng. Ông Đại Trí, giám đốc Sở Lâm nghiệp bỏ cuộc họp quan trọng về bảo vệ rừng toàn quốc đã đi cùng với lực lượng truy quét Phun-rô xuống công ty vì đây là “công ty chủ bài” của Sở trong kế hoạch xuất khẩu gỗ những năm tới. Sau ba ngày hành quân, đội truy quét Phun-rô vẫn không tìm thấy dấu vết của lực lượng Phun-rô lớn. Trong khi đó, Ban chỉ huy truy quét Phun-rô lại nhận được điện của huyện biên giới xin chi viện gấp vì hai đồn biên phòng thuộc huyện đang bị Phun-rô liên kết với bọn phản cách mạng tấn công! Đội truy quyét Phun-rô được rút về, trao lại nhiệm vụ cho lực lượng tự vệ của công ty. Lực lượng tự vệ của Công ty có tiếp tục tìm đánh bọn Phun-rô hay không, Ban chỉ huy quân sự tỉnh không thấy ông Tào Văn Thứ và ông Đại Đức gửi công văn báo cáo gì cả!
Võ Hoàng, Trần Thanh Lâm, Kso Rin, Hiền Lương và H’Lan sau khi chôn cất Hội cụt, Hà sẹo và Cao mặt rỗ, lại tiếp tục đi ngược con suối Đăk Linh. Không ai bảo ai, nhưng tất cả đều nghĩ, phải đi thật nhanh, đi thật nhanh cho tới con suối Đăk Lây Linh có phép màu nhiệm!
Họ đi được năm ngày nữa thì gặp ngã ba suối: phía trước mắt, con suối vẫn như từ trong xanh thẳm chảy ra không hề ngưng nghỉ, một nhánh chảy về hướng họ đi lên, một nhánh chảy về hướng tây, lòng suối nhỏ hơn đôi chút. Vừa nhìn thấy ngã ba suối, H’Lan đã kêu lên:
- Tới suối Đăk Lây Linh rồi! Trong truyện cổ nói là suối Đăk Lây Linh chảy đến chỗ có cây hoa Pơ lang già thì rẽ làm hai, một nhánh chảy về hướng tây gọi là suối Đăk H’Lây, nhánh chảy về hướng đông mà chúng ta đã đi theo gọi là Đăk Linh! Tại sao không nhìn thấy cây hoa Pơ lang già nhỉ?
Kso Rin nói :
- Chắc là cây hoa Pơ lang già đã chết rồi còn gì?
Nếu thế thì phải có vài cây hoa Pơ lang khác mọc lên thay thế nó chứ? Loài hoa Pơ lang cũng như người Tây Nguyên ấy, già chết đi là phải có con cháu chứ?
Võ Hoàng nói:
- Ta cứ dừng chân nghỉ tại đây đã, rồi sẽ đi tìm cây hoa Pơ lang!
- Đúng đấy! Chúng ta sẽ cử hai người đi về hai hướng suối xem thế nào?

Sau khi hạ trại, Trần Lâm đi ngược theo suối Đăk Lây Linh, Võ Hoàng đi theo hướng con suối Đăk H’Lây, H’Lan và Hiền Lương nấu cơm, còn Kso Rin lại trổ tài đi kiếm thịt rừng! Trần Lâm đi được khoảng một giờ đồng hồ thì anh đã nhìn thấy thấp thoáng từ xa một cây hoa Pơ lang đỏ ối. Đến bên cây hoa Pơ lang, Lâm mới giật mình khi thấy cây Pơ lang đã là một cây cổ thụ khác thường: thân nó phải mười người ôm không hết! Lâm nhìn kỹ xung quanh, về hướng tây, hiện lên dấu vết một dòng suối đã khô cạn từ lâu! Có lẽ đây mới là cái ngã ba suối mà H’Lan nói chăng? Đi ngược suối một đoạn nữa, Lâm thấy lòng suối mở rộng ra hơn, cây cối cũng có vẻ thưa ra, và trong làn gió thoang thoảng có nhiều mùi hương lạ. Lâm thấy rộn lên trong người một cảm giác bồn chồn. Linh tính như mách bảo với anh rằng anh đang đi đến một vùng rừng có sự sống của con người! Vừa mới thoáng nghĩ như vậy, Lâm đã thấy hiện ra ở một khúc suối trước mặt một người con gái đang thả mình trôi theo dòng trong veo! Thân hình người con gái như hòa vào dòng nước, lấp lánh, lấp lánh ánh bạc! Người con gái vụt đứng dậy, ngấn nước chỉ tới bắp đùi, lộ rõ cả thân hình cân đối, mịn màng. Cô gái vòng tay ra sau gáy cuốn lại mớ tóc đen nhánh để lộ rõ một khuôn mặt thanh tú, xinh đẹp vừa có nét người Kinh vừa có nét người Thượng. Dường như định tiếp tục nhoài người ra để bơi theo dòng nước, cô gái bỗng sững lại, hai tay ôm lấy bộ ngực tròn, thở gấp, hoảng sợ nhìn quanh quất. Thấy vậy, Lâm ngồi thụp xuống sau bụi cây, hoảng sợ như người có tội. Anh úp hai tay vào khuôn mặt nóng bừng và nghĩ: Ta đâu có chủ ý nhìn trộm em tắm! Cầu trời cho em đừng nhìn thấy ta! Và Lâm ngồi bất động như vậy sau lùm cây với những ý nghĩ kỳ lạ bay lượn trong đầu!

Lâm ngồi như vậy khá lâu và có cảm giác như vừa qua một giấc mộng kỳ lạ, không đầu không cuối! Bằng một động tác vô thức, Lâm đứng dậy, vươn vai căng lồng ngực hít một hơi dài cái không khí trong lành, mát dịu… Nhưng khi anh vừa định thần lại, mở mắt ra thì thấy người con gái ấy đã đứng ngay trước mặt anh, nhìn anh bằng ánh mắt trìu mến, khóe miệng khẽ mỉm cười! Lâm nói mà không ý thức được là mình nói gì:
- Em là ai vậy? Ta lạc vào động tiên chăng?
- Em không phải là Tiên đâu!
- Vậy thì em là Hồ ly tinh hóa thành con gái trêu chọc ta ư?
- Hồ tinh là gì? Em đâu trêu chọc anh!
- Vậy em để cho ta đi! Đừng nhìn ta như thế!
- Không được! Em đã có lời nguyền rằng người đàn ông nào nhìn thấy thân thể em lúc tắm, em sẽ là vợ người ấy!
Khi Lâm ý thức được rõ ràng sự tồn tại của mình, anh mới nhận ra rằng, từ nãy đến giờ, cô gái vẫn để nguyên thân hình trinh trắng mà đứng trước anh! Và, anh thấy mình như bay lên đám mây vàng khi cô gái tiến lại bên anh!

Võ Hoàng, Kso Rin, Hiền Lương và H’Lan đều vô cùng kinh ngạc khi thấy Lâm đi cùng người con gái xinh đẹp trở về ngã ba suối. Phải một lúc lâu, sau khi đã ngắm kỹ người con gái kỳ lạ ấy, H’Lan mới reo lên:
- Ôi! Giàng ơi! Thế là chúng ta đã đến Play Đăm Khinh! Play Đăm Khinh do chàng Đăm Khinh lập ra! Còn người con gái xinh đẹp này là con cháu của chàng Đăm Khinh và nàng H’Bia?
- Chàng Đăm Khinh và nàng H’Bia là người trong truyện cổ. Còn tôi là H’Linh, bố tôi là người Kinh, mẹ tôi là H’Bnhi! Làng của chúng tôi là Đăk Linh Giang!- người con gái từ tốn nói…


chương 6

Đã sang mùa mưa được hơn một tuần. Bầu trời cao nguyên vốn cao xanh lồng lộng mà lúc này ướt sũng . Từng đám mây nặng trĩu thay nhau trút nước. Nước dâng đầy các thung lũng vốn khô cạn, nước ngập tràn các con suối, dòng sông . Những vạt đồi, mảnh vườn hoang vu xơ xác trong mùa khô giờ đã xanh um, các loại cây cỏ đua chen nhau thành một màu xanh chằng chịt, rối mù che kín mặt đất ẩm ướt…Mùa mưa tới, tổ sưu tầm văn học dân gian của Cúc không thể đi điền dã được. Các thành viên trong tổ phần lớn là người dân tộc, cho nên họ được “chế độ” làm việc tự do, mỗi tuần chỉ tạt qua cơ quan một lần, có khi chỉ đến kỳ lương mới thấy ló mặt ! Công việc sưu tầm văn học dân gian tuy có được đốc thúc, nhắc nhở những vẫn ì ạch lắm !...

Trong phòng làm việc của tổ sưu tầm văn học dân gian, Cúc đang ngồi một mình đọc lại và sửa sang các bản chép tay trong các đợt điền dã trước đây. Đã có thể tập hợp lại để đem in thành sách một tập truyện cổ, một tập dân ca và một trường ca của người Ba Na. Vừa nhìn mưa rơi như giăng lưới, Cúc vừa lật đi lật lại bản thảo tập truyện cổ. Có đến năm cái truyện đều nói về khu rừng thiêng có con suối mang tên Đăk Lây Linh, có nhiều chi tiết giống nhau mà lại do nhiều người ở những buôn làng khác nhau, dân tộc khác nhau kể lại. Hiện tượng này cũng thường xảy ra trong văn học dân gian ở các nơi khác, nhưng điều khiến cho Cúc ngạc nhiên là đằng sau cái màu sắc huyền thoại của câu chuyện có những tình tiết miêu tả hiện thực rất chính xác, nhất là vị trí địa lý của khu rừng, vị trí và hướng chảy của con suối Đăk Lây Linh. Cúc đọc đi đọc lại lời bài ca của chàng Đăm Khinh hát khi mùa mưa tới, con suối cạn có con đường dẫn tới nhà nàng H’Kim đã bị dòng nước lũ ngăn cản :

“Khi mùa mưa tới, mùa mưa tới
Đường sang nhà em nước ngập tràn
Suối khô thoắt đã ầm thác dội
Suối chảy về đâu ? Mặc suối về đâu !


Cúc đọc tiếp : “Đã mấy lần, chàng Đăm Khinh cố bơi qua dòng suối nhưng nước cuộn chảy băng băng cuốn phăng chàng đi, hất tung chàng trở lại. Mỗi lần như vậy, chàng Đăm Khinh lại ngồi hát bài ca của mình ! Thấy vậy, nàng H’Kim đã ném những hòn đá vàng rực xuống dòng nước. Chẳng mấy chốc, những hòn đá có phép lạ ấy đã xếp cao thành đống cao ngất, chặn đứng dòng nước hung dữ và bắt nó phải chảy theo hướng khác. Nhờ đó, chàng Đăm Khinh mới tới được nhà nàng H’Kim…”.

Tại sao những hòn đá ở nhà nàng H’Kim lại có màu vàng ? Cúc vẩn vơ suy nghĩ một hồi rồi lấy sổ nhật ký ra. Ghi nhật ký hàng ngày và thỉnh thoảng ngồi đọc lại những trang nhật ký là một thói quen của Cúc từ ngày còn là học sinh phổ thông . Cúc gọi đó là cuốn “Biên niên sử cuộc đời”, trong đó, Cúc không chỉ ghi những chuyện của mình… Trời vẫn mưa tầm tã, Cúc lần giở từng trang nhật ký ra đọc…

Ngày…tháng…năm : Hôm nay, có ông tên là Đại Trí, Giám đốc Sở Lâm nghiệp sang tìm gặp mình. Ông ta nói có thời đã từng là lính của bố mình. Nhân vừa rồi có người của Sở Công an sang nhờ ông lưu ý tìm xem trong các lâm trường, các đội khai thác rừng có anh chàng nào tên là Trần Duy Nhất, quê ở làng Dạ Huyết hay không ? Ông ta bảo, làng Dạ Huyết cũng là nơi ông ta đã sống một thời. Vì thế, ông ta đã cho người đi hỏi tìm, nhưng không có ai là Trần Duy Nhất cả. Chỉ có cái thông báo của Trường Đại học Lâm nghiệp sẽ điều động một số sinh viên mới ra trường vào Sở công tác, trong đó có tên cái anh chàng Trần Duy Nhất đó. Nhưng phòng tổ chức nói là không thấy anh ta đến trình diện. Ông ta hỏi tại sao mình lại cất công đi tìm cái anh chàng vô danh tiểu tốt ấy làm gì ? Mình suýt cáu lên với ông ta. Nhưng thôi, ông ta làm sao mà hiểu được tại sao ?

Ngày …tháng …năm : Hôm nay ông Đại Trí lại đến. Ông ta bảo ông nghe được rất nhiều chuyện cổ tích, lúc nào sang nhà ông ta, ông sẽ kể cho mà nghe, chẳng phải mất công đi sưu tầm ở tận đâu đâu. Mình tưởng thật, ngay chiều, sang chỗ ông ta. Thì ra ông ta nói láo, đấy chỉ là cái cớ để ông ta rủ mình đến chơi. Cuối cùng, ông ta mới thò cái ý định ra là muốn giới thiệu mình làm quen với con trai ông ta , cũng là người quê ở làng Dạ Huyết, tên là Đại Đức, hiện là giám công Công ty khai thác rừng. Mình chúa ghét cái trò mối lái vớ vẩn này, nhưng nghe thấy anh ta cũng là người làng Dạ Huyết, đồng hương với cái anh chàng mà mình đang tìm kiếm, nên mình tính cũng thử gặp anh ta xem sao ? Khi gặp cái anh chàng Đại Đức, mình mới biết anh ta chính là con nuôi của bố anh chàng Trần Duy Nhất. Dù sao thì hai người cũng là anh em với nhau. Mình cứ suy nghĩ mãi về cái sự lạ lùng này :không tìm thấy Trần Duy Nhất mà lại gặp người anh em của anh ta? Điều này nói lên cái gì? Hay là số phận không cho mình tìm thấy Trần Duy Nhất mà lại đẩy cái anh chàng Đại Đức này đến với mình? Nhưng, không hiểu sao, mình không thấy có thiện cảm với cái anh chàng Đại Đức này. Anh ta được du học nước ngoài, có chức vị ngon lành, cư xử có vẻ lịch sự (theo lối sang trọng, trưởng giả) nhưng bên trong ánh mắt anh ta, mình lờ mờ đọc thấy được những điều không trong sạch, có vẻ mờ ám. Nhìn anh ta, mình lại nghĩ: có phải chức tước cao sang, cuộc sống quá đầy đủ về vật chất đã khiến cho tâm hồn người ta u tối đi? Tại sao tạo hóa lại đánh đố thế nhỉ, tại sao ở những người lam lũ vất vả mình lại nhìn thấy ánh mắt sáng trong, cao thượng còn ở những người được tín nhiệm, đề cao một cách hợp pháp thì lại ẩn chứa sự đê tiện?

Chính vì có ác cảm với Đại Đức nên mình đã luôn đề phòng hắn và mình đã thoát được một âm mưu rất đen tối của hắn . Tối nay, hắn tổ chức sinh nhật và khẩn khoản mời mình tới dự. Hắn sợ mình không đến nên đã cho người đem xe đến và cứ như lôi mình ra xe vậy ! Buổi tiệc thật là đông đúc, có mặt gần hết các vị có trọng trách ở các Ban, ngành trong tỉnh. Mình bị nài ép uống bia nhiều quá đến mức mình sinh nghi sự nhiệt tình của những người cứ bám lấy mình mà mời mọc, chúc tụng . Bia lon ngoại ê hề, ngổn ngang, đổ lênh láng ra sàn nhà…Thì ra Đại Đức đã bố trí ba bốn cô gái ra bộ thân thiết, chị chị em em để đổ cho mình xỉn. May mà mình chỉ giả bộ nhấp môi rồi lén đổ đi nên vẫn tỉnh táo, vẫn có thể quan sát toàn bộ căn phòng nhốn nháo đang ngập trong bia rượu…Khi chiếc cát-xét hai loa ré lên những điệu nhạc dậm giật và đã có vài đôi nhảy múa cuồng loạn thì mình nghe Đại Đức nói nhỏ với mấy cô gái đang đổ bia cho mình : “Chắc là cô nàng xỉu rồi, kéo vào phòng cho anh, xịt chút ê – te rồi khóa cửa buồng lại nhé ! Các em sẽ có thưởng !...” Lúc đó mình đâu có xỉn, chỉ hơi khó chịu vì tiếng nhạc chói tai, vì mùi bia nồng nặc nên mình nằm gục xuống để từ chối không uống nữa. Vừa nghe Đại Đức nói vậy, máu nóng bốc lên mặt như lửa đốt, mình cầm ngay cái đĩa to trên bàn, ném vút vào bộ mặt đỏ rần của hắn và la lên:”Quân đểu giả! Đồ mất dạy!”. Hắn sững người, ôm mặt thì máu đã túa ra đỏ lòm cả khuôn mặt to bự!...Mình chạy vút ra ngoài, hắn đuổi theo nhưng bị vấp ở cửa, ngã nhào xuống sân. Mình chạy ra khỏi cổng và bỗng nghe thấy tiếng gầm rít như tiếng của quỷ sứ từ dưới âm phủ vọng lên:”Đù má con ranh!...Tao quyết lột truồng được mày!...”…

-Ngày…tháng…năm… : Không hiểu sao, sáng nay mình bị lên cơn sốt dữ dội, phải vào bệnh viện tỉnh, đến quá trưa mới thấy thanh thản đôi chút. Mình cứ bị ám ảnh hoài bởi câu nói đe dọa kia. Bây giờ đây, mình mới hiểu phần nào sự khổ hạnh của những con người luôn luôn bị tai họa rập rình, đe dọa ! Có phải chăng ai cũng bị tai ương đe dọa, rập rình ? Làm sao để xua đuổi tai họa rập rình đó ? Làm sao để thoát khỏi nó ?

Tối nay, mình được nghe chị Hoa, y tá trực phòng mình kể bao nhiêu là chuyện bê bối của các vị quan chức trong tỉnh, nghe mà cứ ngỡ là chuyện của thời phong kiến thối nát ngày xưa ! Càng nghe, càng thấy buồn, chán ! Thế là những quan niệm của mình về xã hội, về cuộc đời bị đảo lộn hết cả !...Khi mình nói cho chị Hoa biết buổi lễ sinh nhật và câu nói đe dọa ấy, chị giật mình thảng thốt, ôm chặt lấy mình, ràn rụa nước mắt hồi lâu rồi mới nói : “Chị chính là nạn nhân của cả hai bố con hắn đó ! Trước đây, chị là công nhân lâm trường . Chị hát hay nên được chọn vào đội văn nghệ của ngành lâm nghiệp. Khi chị tập trung tham gia hội diễn ở Sở, chị bị cả hai bố con nó lừa gạt chiếm đoạt đời con gái chị !...” Mình hét lên : “Sao chị không lôi chúng nó ra tòa ! Không đập vào mặt chúng nó ?”. Chị Hoa lau khô nước mắt nói bình thản : “Đâu có dễ như em nói. Chị là dân đen thấp cổ bé họng nói ai nghe ? Số phận mình trong tay họ cả ! Chị đành âm thầm chịu đựng để xin họ cho đi học y tá. Làm y tá cũng cực nhưng công nhân lâm trường còn cực gấp trăm ngàn lần ! Phải đánh đổi như vậy thôi em ạ !...Con nhỏ em chị cũng vậy . Nó muốn thoát khỏi cảnh làm ruộng chân lấm tay bùn nên đành phải giao thân cho một ông ở Ban tổ chức tỉnh. Giờ nó được làm văn thư đánh máy ở Văn phòng ủy ban ấy !...” Mình lại hét lên : “Trời đất ! Còn những người không chịu đánh đổi thì sao ?”. Chị Hoa không nói gì, chỉ nhìn mình ngập ngừng rồi bỏ đi !...

Ngày …tháng…năm : Tối nay, ngập ngừng mãi chị Hoa mới nói với mình : “Cúc ơi ! Chị quí em, với lại chị cũng biết em là con ông lớn ở ngoài Hà Nội, chị mới nói với em điều này : Thằng Đại Đức ấy, nó đưa chị một chỉ và bảo chị bỏ thuốc mê cho em uống rồi khóa cửa buồng ngoài ngồi canh cho nó làm nhục em !”

“Trời ! Vậy chị nói sao ? – mình hốt hoảng hỏi”. Chị Hoa nói : “Chị chưa nói gì, nhưng chị sợ nó lắm ! Nó thân với Bác sĩ trưởng khoa, nếu trái ý nó, nó nói với Bệnh viện đuổi việc chị !” Mình hét lên : “Không được ! Không thể như thế được ! Em sẽ lôi cổ nó ra tòa !” Chị Hoa nói : “Em không lôi được đâu ! Em phải viết thư cho bố em, kêu bố em vào mới trị nổi hắn ! Ở tỉnh này, thế lực hắn mạnh lắm !”. Mình đã định đi đánh điện ngay cho bố nhưng khi nghĩ lại rằng, mình đã thề không bao giờ dựa vào thế lực của bố trong cuộc sống, nên lại thôi ! Có lẽ sáng mai mình xin ra viện ! Mình sẽ đi đến các bản làng để sưu tầm văn học dân gian ! A ! Đúng rồi, mình sẽ đi tìm con suối Đăk Lây Linh để làm rõ những câu chuyện cổ về con suối này, và cả khu rừng huyền bí kia nữa!
Có thể cái chuyện “Sự tích suối Đăk Lây Linh” sẽ là một đề tài nghiên cứu thú vị về truyện cổ dân gian, giống như truyện Tấm Cám của người Kinh vậy !...Phải đi ngay, phải tránh xa bọn mặt người dạ thú này !...
Khi Cúc đề nghị đi điền giã vùng rừng có con suối Đăk Lây Linh để tìm hiểu thêm những dị bản về chuyện “Sự tích suối Đăk Lây Linh” thì không ai hưởng ứng cả ! Những thành viên của tổ sưu tầm đều tỏ ra không sốt sắng lắm với cái công việc khó khăn và đơn điệu, tẻ nhạt này. Họ chỉ tranh thủ đi hỏi chuyện những người ở quanh thị xã và các thị trấn nếu tiện dịp. Cúc đề nghị ông Giám đốc dùng quyền ra lệnh, nhưng ông giám đốc nói : “Công việc này mà không tự nguyện thì khó ép lắm, giống như tình yêu ấy ! Vả lại, bây giờ Sở đang phải chuẩn bị nhiều việc khác cấp bách hơn !...” Cúc suýt nổi khùng lên với ông giám đốc nhưng cô lại cắn môi bật khóc ! Ông giám đốc chỉ cười và nói : “Bây giờ em hãy tranh thủ biên soạn lại, cho đánh máy rồi đem in lấy một tập đã. Làm thế cũng đủ mệt rồi đấy !”. Nói xong, ông giám đốc lại tất tả ra xe để lên họp với Ban tuyên huấn tỉnh …

Đúng lúc Cúc thất vọng, buồn chán muốn xin nghỉ phép về Hà Nội chơi thì Thầy Phát, dạy văn học dân gian Cúc trước đây dẫn một nhóm sinh viên điền dã sưu tầm văn học dân gian các dân tộc vùng Tây Nguyên, đã ập đến như một cơn gió lốc. Tóc thầy đã bạc trắng như cước nhưng gương mặt thầy vẫn trẻ trung, tươi cười. Vừa gặp Cúc, thầy Phát đã nói :

- Thầy vẫn còn đủ “bộ đồ nghề” để theo đuổi cái nghiệp chướng này : một đôi tai thính, một bộ óc biết suy luận, một trái tim bốc lửa và một cặp giò rắn chắc !

Cả tốp sinh viên quây lấy Cúc tíu tít hỏi chuyện về những bản làng xa xôi với những câu chuyện cổ thần kỳ. Họ nhìn Cúc như là bậc anh chị trong nghề và ủng hộ ngay ý định đến vùng con suối Đăk Lây Linh của Cúc. Thế là ngay ngày hôm sau, Cúc đã nhập vào đoàn sưu tầm văn học dân gian của thầy Phát, nhằm hướng khu rừng bí ẩn có con suối Đăk Lây Linh hành quân…
Đại Đức không chịu từ bỏ ý định chiếm đoạt thân thể Cúc. Không thuyết phục được Hoa “nội ứng” cho mình, hắn lồng lộn trừng phạt cô y tá Hoa bất hạnh. Lần đầu tiên hắn thấy đồng tiền và thế lực của hắn không có tác dụng, hắn không thể chịu nổi. Hắn đưa số tiền lớn cho tay bác sĩ chiến hữu và cô y tá bị cho nghỉ việc với lý do: chuyên môn kém ! Hoa sẵn sàng nghỉ việc ngồi bán cam, chuối ở cổng bệnh viện khiến hắn càng tức tối. Ý định chiếm đoạt Cúc đang đốt lửa trong lòng hắn…

Đại Đức thuê người theo dõi Cúc thật chặt và khi biết Cúc sẽ đi cùng đoàn sưu tầm đến vùng rừng có con suối Đăk Lây Linh , hắn đã thành lập một đoàn khảo sát và chắc mẩm sẽ ăn tươi nuốt sống Cúc ở khu rừng đó.

Đoàn khảo sát do đích thân Đại Đức chỉ huy, gồm năm người mà hắn tự đặt tên là “Ngũ hổ bình Liêu” ! Trong danh sách gửi báo cáo lên cấp trên, người ta thấy toàn là kỹ sư về rừng, nhưng thật ra Đại Đức đã tuyển bốn tên đao búa có hạng để phò trợ hắn trong cuộc “săn bắt người đẹp” này. Tốp “Ngũ hổ” tức tốc luồn rừng đón lõng tại chỗ đại bản doanh của lâm trường Sơn Thủy Tận khi xưa. Khi đến nơi, đại bản doanh đã trở lại hoang vu, nền nhà cũ lau cỏ đã mọc um tùm, nếu không có dấu vết của những cây gỗ bị chặt còn nằm ngổn ngang quanh một bãi rộng , hẳn là Đại Đức không thể nhớ nổi đây đã từng là lâm trường bộ thuộc quyền vì hắn chỉ mới đến “thăm” lâm trường có một lần.

Vì đoàn sưu tầm văn học dân gian còn dừng lại ở hai bản làng để làm việc nên tốp phục kích của Đại Đức nằm chờ đã năm ngày mà vẫn không thấy tăm hơi gì. Hắn đang băn khoăn suy nghĩ hay là đoàn sưu tầm đã đi chệch hướng thì từ trên thượng nguồn suối Đăk Linh, có tiếng người thoang thoảng vọng về. Bọn Đại Đức tản ra phục trong những bụi cây kín đáo…

Trên thượng nguồn con suối Đăk Linh lúc đó có hai người đang đi xuống, đó là Võ Hoàng và Hiền Lương. Tại sao Võ Hoàng và Hiền Lương lại xuất hiện ở đây ? Số là sau khi có cuộc gặp gỡ kỳ lạ giữa Trần Thanh Lâm và Hơ Linh trên con suối Đăk Lây Linh, tốp người đi lập làng mới của Võ Hoàng đã được Hơ Linh đưa về nhà mình ở gần đó . Thì ra họ đã đến địa phận của làng Đăk Linh Giang. Làng Đăk Linh Giang là một làng nhỏ của người Giẻ Triêng, ở tận nơi sâu thẳm của đại ngàn, vậy mà vẫn không tránh khỏi tai họa của chiến tranh. Trong một lần “khảo sát” rừng của một đội thám báo trực thăng, bọn chúng đã đổ quân xuống làng Đăk Linh Giang và giết sạch, đốt sạch cả buôn làng. Cuộc tàn sát đẫm máu đó đã làm cho anh lính Lê Duy Ái kinh hoàng…Trong khói lửa mịt mùng hỗn độn, anh lính Duy Ái đã bồng một bé trai suýt bị cháy chạy trốn vào rừng. Hôm đó, hai vợ chồng ông A Li và bà Hơ Bnhia cùng hai đứa con gái là Hơ Bnhi và Hơ Bnhin ngủ lại trong rừng để tìm gỗ làm nhà nên đã thoát khỏi cuộc tàn sát đẫm máu đó. Khi vợ chồng ông A Li và các con trở về làng thì chỉ còn những đống tro tàn. Hồi lâu, họ mới thấy anh lính Duy Ái cõng thằng bé A Nhú trở về…


Từ đó, năm người sống với nhau. Anh lính Duy Ái trở thành chồng của Hơ Bnhi. Chục năm sau, cậu bé A Nhú và Hơ Bnhin cũng thành vợ chồng…Cho đến khi tốp người Võ Hoàng đến thì Đăk Linh Giang đã trở thành một buôn làng nho nhỏ, có cả người Gia Rai, người Xơ Đăng từ những nơi khác trôi dạt đến xin nhập làng…Làng Đăk Linh Giang đã vui vẻ mời tốp người Võ Hoàng ở lại với họ. Ông Lê Duy Ái và bà Hơ Bnhi đã đồng ý cho cô con gái Hơ Linh cưới Trần Thanh Lâm. Đám cưới của họ được tổ chức cùng với các đôi Kso Rin và H’Lan, Võ Hoàng và Hiền Lương. Trong cuộc vui bất ngờ và có phần kỳ lạ đó, Thanh Lâm mới biết Hiền Lương không chỉ là cô ca sĩ phòng trà Sài Gòn năm xưa mà còn là cô bé Trần Thị Hiền Lương, con nuôi vợ chồng ông Trần Đức Hiền và bà Lê Thị Lương ở làng Dạ Huyết. Đến lúc ấy, Thanh Lâm mới nói tên thật của mình chính là Trần Duy Nhất. Hai chị em bồi hồi xúc động, sung sướng ngỡ ngàng nhận ra nhau sau hơn hai mươi năm xa cách, kể từ sau cái trận đấu tố hãi hùng ấy!...

Cuộc sống của những thành viên mới ở làng Đăk Linh Giang nhanh chóng ổn định. Trần Thanh Lâm say sưa lao vào nghề trồng rừng của mình. Anh đến những khu rừng bị cháy để trồng lại những loại gỗ quí. Anh nghĩ rằng niềm vui của công việc sẽ giữ anh ở lại vùng rừng này suốt đời !...Riêng Hiền Lương, cô luôn nghĩ về đứa con trai là thằng Lượng còn gửi ở thị xã mỗi khi cô theo đội văn nghệ - thông tin tuyên truyền của Võ Hoàng đến các bản làng xa xôi. Hết một mùa mưa, Hiền Lương cùng Võ Hoàng trở lại thị xã để đón thằng bé Lượng…Họ không thể biết rằng tai họa đang rình chờ họ ở khúc suối Đăk Linh nơi lâm trường Sơn Thủy Tận đóng đại bản doanh ngày trước !...

Khi đã nhìn rõ Võ Hoàng và Hiền Lương, Đại Đức lẩm bẩm:”Đi săn hươu lại gặp nai! Thôi được, chưa gặp em Cúc thì dùng tạm cô nàng từ trên trời rơi xuống này đã. Mà nhìn kỹ cũng xinh đẹp ngon lành đấy chứ! Đúng là số đào hoa, đi đâu cũng gặp gái đẹp!”. Nói rồi Đại Đức ra hiệu cho bốn thằng kia chuẩn bị tung dây bắt sống!

Khi Võ Hoàng và Hiền Lương đi vừa tới tầm tay của bọn Đại Đức, nhanh như chớp, hai thằng tung dây giật ngã Võ Hoàng và Hiền Lương, một thằng tung chăn chiên chụp vào đầu Võ Hoàng, một thằng cầm cuôn dây nhào tới trói nghiến hai người lại. Bị bất ngờ, Võ Hoàng và Hiền Lương không kịp phản ứng gì. Đại Đức tức thì ra lệnh:”Trói thằng đực vào gốc cây kia, cho nó xem “phim con heo”! Lột quần áo nàng Tiên ra để tao làm việc!”. Hai thằng lực lưỡng kéo Võ Hoàng lại một gốc cây. Chúng đang định trói Võ Hoàng vào thân cây thì một thằng trố mắt nhìn Võ Hoàng, đoạn giật tung sợi dây, nắm chặt lấy hai vai Võ Hoàng mà lắc mạnh, miệng rối rít:”Ối!..Á…Võ Hoàng! Võ Hoàng ghi-ta hả? Mày có nhận ra Hùng Điển Vi đây không? Tao là Hùng Điển Vi của mày đây! Hoàng Ghi-ta!...”. Hoàng định thần giây lát. Trong đầu anh thoáng vụt hiện về những năm đầu đời sinh viên trường Luật… Chẳng lẽ đây chính là thằng Hùng có sức khỏe như Điển Vi – một tướng cận vệ của Tào Tháo trong Tam quốc? Võ Hoàng chớp chớp mắt, nước mắt anh chảy ràn rụa, anh liền ôm chặt lấy thằng vừa định trói mình , nghẹn ngào:”Trời…đất ơi!...Hùng…Hùng Điển Vi đây thật rồi!...”…

Trong khi Võ Hoàng và Hùng Điển Vi đang bồi hồi xúc động nhận ra nhau thì Đại Đức tái mặt hoảng sợ khi sự việc lại diễn ra trái ngược bất ngờ như vậy. Hắn thấy hai thằng kia đã lột xong quần áo của Hiền Lương thì quát to:”Bay đâu! Giết chết hai thằng đang ôm nhau ngay, tao thưởng cho mười cây vàng!”

Ba thằng kia tức thì cầm gậy, cầm dao nhào tới Võ Hoàng và Hùng Điển Vi. Chưa hết xúc động vì gặp lại bạn cũ, nhưng bằng sự nhạy cảm bản năng, Hùng gạt Hoàng ra, né người xoay lại, nhanh tay bắt được một cây gậy đang bổ xuống đầu mình, đoạn ngồi thụp xuống, tóm chân một thằng, quay một vòng rồi ném vút vào rừng xanh! Hùng lại gầm lên một tiếng, trờ tới vươn cánh tay vượn định thụp gáy một thằng thì cả hai thằng đã quỳ mọp xuống, van lạy líu cả lưỡi! Hùng liếc qua phía Đại Đức, hắn khiếp đảm toan bỏ chạy nhưng Hùng đã nhảy một bước tới sát Đại Đức, tóm gáy ấn mặt hắn xuống đất khiến hắn giãy rụa ằng ặc!...Thấy vậy, Võ Hoàng vội la to:”Điển Vi ngừng tay! Chúng ta phải hỏi tội nó! Chưa cho nó chết ngay được!”. Hùng thả tay đứng dậy mà Đại Đức vẫn nằm úp mặt xuống đất như đã chết! Trong khi Võ Hoàng lại giúp Hiền Lương mặc lại quần áo thì Hùng nhìn hai thằng vẫn quỳ mọp quát to:”Hai thằng mắc dịch kia! Tao tha cho lần này !...Cút !”

…Hùng Điển Vi lục trong túi đựng lương thực thực phẩm của “Đoàn khảo sát tài nguyên rừng” đủ thứ : nào bia lon, thịt hộp, nai khô bày ngổn ngang rồi nói :

- Trời đất run rủi thế nào mà chúng ta lại gặp nhau ở đây, cứ như là anh hùng nghĩa sĩ gặp nhau trong chuyện kiếm hiệp ấy ! Chị Hiền Lương à ! Tôi với Võ Hoàng là đôi bạn chí cốt đấy ! Cùng học một lớp trường Luật, cùng bị bắt lính, cùng bị đi học tập cải tạo, nhưng tôi rủ hắn bỏ trốn hắn không chịu, để đến bây giờ mới gặp lại nhau !...Nào, ta cụng lon mừng ngày tái ngộ !

Hiền Lương đã trở lại bình thường, mỉm cười cầm lon bia Carlsberg giơ lên. Hùng cụng một cái rồi xà lại gần Hoàng, vòng tay quàng lấy vai Hoàng, nói :

- Tao với mày uống chung như xưa nha ! – nói rồi đưa lon bia lên mồm Hoàng. Hoàng uống ừng ực, bia trào ra chảy cả xuống cổ. Hùng uống ực cái đã hết phần bia còn lại, đoạn ném vứt cái lon vào đầu Đại Đức lúc đó vẫn nằm bất tỉnh dưới đất . Hùng vừa mồi xong điếu thuốc, thả khói khoan khoái rồi nói :

- Mày biết tại sao nhận lời con heo kia mà đi chuyến này không ? Mấy hôm trước đó, tao đang ngồi uống cà phê ở quán bà Còng xế cổng Sở Lâm nghiệp ấy, thì bà lão nhìn tao chằm chằm mà nói rằng : “Chú hãy đi đến suối Đăk Linh, sẽ gặp bạn cũ và có lộc. Nhưng nhớ là phải đi với bọn cướp !”. Tao nghe mà giật mình, nhưng ngờ ngợ không tin, mới hỏi thử bà già : “Tôi là dân đâm thuê chém mướn, chuyên đi đòi nợ thuê sống qua ngày, làm gì có bạn mà gặp ?”. Bà lão nói : “Chú tin hay không tùy chú . Còn gặp bạn là tôi nói gặp bạn cũ chứ có phải bạn ăn cướp trấn lột bây giờ đâu ! Tôi nói thêm nhé : bạn học của chú ngày xưa ấy ! Thời trẻ chú học khá lắm phải không ?”. Mày bảo bà già nói có dễ sợ không ? Tao thấy bà lão nói trúng phóc, muốn hỏi nữa nhưng bà lão không nói mà bảo : “Nói đâu biết đến đó ! Lão không được phép tiết lộ nhiều thiên cơ !” Nói xong bà lão nghiền cối trầu và khe khẽ ngâm :

Ngẫm hay muôn sự tại trời
Trời kia đã bắt làm người có thân
Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao !...


Nghe đến đấy, Hiền Lương giật mình kêu lên:
- Bà Còng nào? Anh vừa nói bà Còng bán nước à? Anh tả lại hình dạng xem nào?
- Bà lão khoảng bảy, tám mươi tuổi rồi, lưng hơi còng nhưng thần sắc còn mạnh lắm. Nghe nói bà lão ở ngoài Bắc mới vào được một năm. Bà lão sống một mình. Chắc bà lão cũng có máu giang hồ phiêu bạt!
Hiền Lương reo lên:
-Vậy thì đúng là bà Còng bán nước ở bến đò làng Dạ Huyết quê em rồi! Em nhìn thấy là nhận ra ngay dù đã hơn hai mươi năm!...
Mọi người đang nói chuyện vui vẻ thì hai thằng vừa bị đuổi đi ban nãy quay lại, lúng búng nói:
-Đại ca!...Cho…chúng em lon bia…chúng em khát quá, đói quá!
Hùng Điển Vi quẳng cho hai thằng hai lon bia, chúng bật nắp uống ừng ực…Lúc đó, Đại Đức đã cựa quậy. Võ Hoàng nói với hai thằng kia:”Dựng nó dậy!”. Hai thằng chạy lại, xốc nách Đức dậy. Hắn như không đứng vững, mắt lấm lét hết nhìn Hùng Điển Vi, nhìn Võ Hoàng rồi Hiền Lương. Hắn nói lí nhí:
-Cho tôi xin lon bia!
Hùng Điển Vi nhếch mép cười:
-Bây giờ không phải là lúc uống bia, thưa ngài giám đốc! Ngài đang đứng trước Tòa án, ngài sẽ bị xử tội thích đáng!
Đại Đức giật thót người:
-Tòa án? Tòa án gì? Tại sao tôi lại bị ra Tòa?
-Tòa án của dân nghèo chứ tòa án gì nữa! – Hùng Điển Vi cười gằn – Tôi biết ngài giám đốc sống rất phè phỡn. Tôi lại cũng biết ngài ăn chơi khét tiếng, biết bao người con gái tội nghiệp đã bị ngài làm hại! Ngài đang thuê chúng tôi đi bắt gái cho ngài xài đó thôi! Ngài lấy tiền ở đâu? Tại sao ngài có quyền làm bậy như vậy?
Một thằng đang xốc nách Đại Đức nói xen vào:
-Thưa anh Hai! Em còn được biết bí mật tội lỗi của hắn: Hắn vốn là một đứa bé bị vứt trôi sông, người ta đã vớt lên cứu sống hắn, nuôi hắn…vậy mà hắn vô ơn bạc nghĩa, táng tận lương tâm, hắn đã đấu tố bố nuôi khiến ông già uất quá mà chết đấy ạ!
-Có đúng vậy không ngài giám đốc? – Hùng Điển Vi hỏi, giọng nói có gì ghê rợn.
-Không phải! Tôi không có tội gì cả!...Quân trộm cắp, chúng mày phải đưa tao về Công ty!-…Đại Đức bỗng gào lên!
Điển Vi bỗng nổi cáu:
-Đù má!...Mày ngoan cố hả? Nhét đất vào mồm hắn! Hắn ăn quá nhiều thịt cá nên không hiểu đất đai đã nuôi sống hắn như thế nào đâu!
Tức thì hai thằng kia bốc nắm đất ấn vào mồm Đại Đức, hắn ú ớ giãy rụa. Hùng Điển Vi lại quát to:
-Cắt dái hắn! Hắn là một con dê cụ, hắn đã hại biết bao con gái! Cắt!...
Tức thì hai thằng kia thao tác nhanh như chớp, chỉ nghe Đại Đức rú lên một tiếng khiếp đảm rồi toàn thân mềm nhũn!...Hùng Điển Vi nói tỉnh khô:
-Được lắm, chúng mày đã biết lập công chuộc tội. Giờ hai đứa chúng mày có nhiệm vụ khiêng nó về giao cho thằng bố Đại Trí! Hắn phải tiếp tục sống để làm bài học nhỡn tiền cho những kẻ đồng lõa!
Võ Hoàng từ nãy đên giờ cứ ngớ ra, không biết nói gì! Nhưng Hiền Lương thì lặng người đi hồi lâu rồi khóc nấc:”Trời ơi!...Trần Nhân Đức!...Đó là Trần Nhân Đức, người anh em song sinh với tôi đó ư?”!...

... CÒN TIẾP ...

Đỗ Ngọc Thạch

© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ Sài Gòn ngày 14.10.2011.
. Trích đăng lại vui lòng ghi rõ nguồn Newvietart.com.
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgIdQRI-1ZjTpeTMhvwM8PxvfArG8BQL1RHC-tyg4znwSW7dvUfy3Oar_6_3QellZAZvp6CxLmdygRvJhQ-1UFa-Cq9pPPbPZHu2cutOTekf986avHxEEa87O9WOyNZAxchhOlHK0sVN2FH/s400/Forest-Storm-wptw.png

Nguồn: 
BÃO GIẬP MƯA VÙI - Chương 1 & 2 & 3 BÃO GIẬP MƯA VÙI - Chương 4 & 5 & 6
Nguồn trích dẫn: vietvanmoi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét