Thứ Tư, 19 tháng 10, 2011

Hải Triều - nhà phê bình...- Đỗ Ngọc Thạch

 
HẢI TRIỀU – NHÀ PHÊ BÌNH VĂN HỌC TIÊN PHONG
  Đỗ Ngọc Thạch
Hải Triều (*) tên thật Nguyễn Khoa Văn (1908 - 1954):  là một nhà báo, nhà lí luận Marxist, nhà phê bình văn học tiên phong trong nền văn học hiện đại VN từ đầu thế kỷ 20, đặc biệt qua hai cuộc tranh luận gây được tiếng vang lớn vào thập niên 1930: Duy vật hay duy tâmNghệ thuật vị nghệ thuật hay Nghệ thuật vị nhân sinh. Những bài viết của ông đả kích mạnh mẽ chủ nghĩa duy tâm và lối văn học lãng mạn, xa rời thực tế, "nghệ thuật vị nghệ thuật", đề cao những sáng tác theo chủ nghĩa hiện thực hay "tả thực xã hội" đồng thời cũng góp phần phổ biến chủ nghĩa Marx đến công chúng. Ông là cây bút xuất sắc, nhạy bén không chỉ trong văn học mà còn trong các vấn đề triết học và kinh tế, chính trị quốc tế.Hải Triều sinh ở làng An Cựu ở ngoại thành Huế, quê ở xã Lê Lợi, huyện An Dương, Hải Phòng, là dòng dõi quan Nội tán Nguyễn Khoa Đăng. Cha ông là nhà nho Nguyễn Khoa Tùng, từng làm nghị viên Viện dân biểu Trung Kỳ. Mẹ ông là nữ sĩ Đạm Phương, người hoạt động bênh vực quyền lợi phụ nữ và nhi đồng. Lớn lên, ông học ở trường Quốc Học Huế, sau đó bị đuổi khỏi trường do tham gia các phong trào thanh niên yêu nước. Năm 1927, ông tham gia đảng Tân Việt sau đó vào hoạt động ở Sài Gòn. Ông bắt đầu tham gia viết báo với bút danh Nam Xích Tử (chàng trai Nam đỏ). Ông gây ấn tượng qua những bài báo phê phán chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn (**) và dịch Tư bản của Karl Marx (***). Năm 1930, ông ra Hà Tĩnh họp hội nghị toàn quốc Đông Dương cộng sản liên đoàn, sau đó ông bị Pháp bắt rồi được thả ra. Tháng 6 năm 1930, ông được kết nạp và Đảng Cộng Sản Đông Dương và được cử vào Tỉnh ủy Thừa Thiên. Tháng 8, ông vào công tác ở Sài Gòn và tham gia thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, viết bài cho báo Cờ đỏ. Năm 1931, ông bị bắt ở Sài Gòn và bị kết án 9 năm khổ sai, 8 năm quản thúc. Nhưng đến tháng 7 năm 1932, ông được thả tự do.  Sau khi ra tù, Nguyễn Khoa Văn mở hiệu sách báo Hương Giang ở Huế và đồng thời bắt đầu viết cho báo Đông Phương dưới bút danh mới Hải Triều. Ông bắt đầu gây tiếng vang qua những cuộc tranh luận với Phan Khôi (1) trên các báo Đông Phương, Phụ nữ tân tiến... : "Duy vật hay duy tâm", "Nước ta có chế độ phong kiến hay không". Ông hoạt động sôi nổi trong thời kì Mặt Trận Dân Chủ (1936-1939), viết bài cho các báo Nhành lúa, Dân, Đời mới, Kiến văn, Tiếng vang, Hồn trẻ, Tin tức, Tin mới... đặc biệt qua cuộc bút chiến về "Nghệ thuật vị nghệ thuật hay Nghệ thuật vị nhân sinh" (kéo dài từ 1935 - 1939) với Thiếu Sơn (2), Hoài Thanh (3), Lưu Trọng Lư (4)...
 Tháng 8 năm 1940, ông bị chính quyền Pháp bắt đi an trí tại Phong Điền đến tháng 3 năm 1945. Tháng 8 năm 1945, ông tham gia cướp chính quyền ở Huế. Sau Cách mạng tháng 8, ông làm Giám đốc Sở Tuyên truyền Trung bộ sau đó rồi làm Giám đốc Sở Tuyên truyền Liên khu IV trong kháng chiến chống Pháp. Thời gian này ông hoạt động chủ yếu là tuyên truyền, phổ biến chủ nghĩa Marx. Ông làm chi hội trưởng Chi hội nghiên cứu chủ nghĩa Karl Marx, chủ nhiệm tạp chí Tìm hiểu.

*

Hải Triều có một kiến thức khá phong phú do tìm hiểu và đọc nhiều sách, báo, tiểu thuyết, lí luận của K.Marx, F.Engels (****), Henri Barbusse (5), Maxim Gorki (6), André Gide (7), L.Tolstoy,  Quách Mạt Nhược (9)... Trong những bài viết của mình, ông thường đưa những khái niệm của Marx đồng thời trích dẫn những nhà văn, nhà triết học lớn. Bài viết của ông thường được trình bày đơn giản, dễ hiểu, không cầu kì, hoa mĩ, đôi khi hài hước, châm biếm.
 Khi giữ bút danh Nam Xích Tử, ông đã viết các bài báo Cuộc chiến tranh thế giới sau này, Phê bình chủ nghĩa Tam dân... và dịch Tư bản của Karl Marx trên báo Kỳ lânThanh niên Hồng ký. Ông được coi là người người đầu tiên ở Việt Nam phê bình chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn.
 Một trong những cuộc tranh luận mở đầu sự nghiệp của Hải Triều là cuộc tranh luận với Phan Khôi về chủ nghĩa duy tâm, chủ nghĩa duy vật và chế độ phong kiến. Trong những bài viết của mình phản bác lại ý kiến của Phan Khôi như "Ông Phan Khôi không phải là một học giả duy vật", "Ông Phan Khôi là một học giả duy tâm"..., Hải Triều một mặt đánh đổ lập luận của Phan Khôi, mặt khác khéo léo đưa vào những tư tưởng và khái niệm của Marx. Những bài viết này đều được tập hợp trong cuốn sách Duy tâm hay là duy vật xuất bản năm 1936: “Duy tâm hay là duy vật là một quyển A.B.C viết bằng quốc văn của nền triết học mới. Nền triết học ấy lại là cái chỉ nam châm dẫn đạo loài người. Tác giả của nó lại có cái thông minh là biết chiều bộ óc phôi thai của bạn đọc. Theo những lẽ ấy, không nay thì mai, quyển Duy tâm hay là duy vật sẽ được liệt vào kho sách mới đắc dụng của anh em thanh niên” (Hải Vân: Tuyển tập Phê bình văn học Việt Nam, Tập 3, tr.509, NXB Văn học, H.1997). “Giữa lúc xã hội ta đang nhập nhoạng trong bức màn hoàng hôn: nhưng học giả phú hào đang thuốc phiện bạn trẻ, những văn sĩ mơ mộng đang thôi miên kẻ yếu bóng vía và bọn mê tín đang ê a, cúng cóc dắt quần chúng xuống địa ngục Aty, thì ông Hải Triều, một nhà văn xã hội cho ra cuốn Duy tâm hay là duy vật tức là một chiếc máy thu thanh, ông đã thu tiếng sóng dồn dập nhân loại phương Tây từ đầu Thế kỷ 19” (Hồ Xanh: trong cuốn Hải Triều – nhà lý luận tiên phong, tr.31-32).
 Cuộc tranh luận Nghệ thuật vị nghệ thuật hay Nghệ thuật vị nhân sinh (từ đây viết tắt là Nghệ thuật vị…) là một trong những cuộc tranh luận lớn nhất và kéo dài nhất (1935-1939) vào thập niên 1930. Hải Triều được coi là người châm lửa cho cuộc "bút chiến" này khi viết bài Nghệ thuật vị … (10) phản bác lại bài "Hai cái quan niệm về văn học" của Thiếu Sơn. Sau đó, ông lại tiếp tục phản bác ý kiến của Hoài Thanh và Thiếu Sơn về quyển Kép Tư Bền của Nguyễn Công Hoan (11), ông đánh giá cao giá trị nội dung của cuốn truyện, "đã mở một kỷ nguyên mới cho cái tư triều văn nghệ tả thiệt và xã hội ở nước ta.". Khởi đầu từ cuộc tranh luận về Kép Tư Bền, cuộc tranh luận lại mở rộng ra thành tranh luận giữa hai phái "Nghệ thuật vị nghệ thuật" và "Nghệ thuật vị nhân sinh". Hải Triều là người đứng đầu của phái "Nghệ thuật vị nhân sinh", ông đề cao giá trị nhân sinh của những tác phẩm như Kép Tư Bền của Nguyễn Công Hoan, hay Lầm than của Lan Khai (12) mà ông gọi là những tác phẩm "tả thực xã hội", đồng thời kịch liệt phê phán quan niệm "Nghệ thuật vị nghệ thuật", ông cho rằng nghệ thuật là vì nhân sinh và không thể đặt ra ngoài nhân sinh và xã hội, đặt nghệ thuật ra ngoài nhân sinh là "nguỵ biên", "phi lý" và "gian trá". Ông cũng đả kích những sáng tác lãng mạn xa rời thực tế, gọi là thứ văn "thần bí, dâm ô", "phản động của giai cấp phú hào". Trong những bài viết này, ông còn kêu gọi những nhà văn cùng quan điểm: "Con đường của chúng ta đã vạch ra, chúng ta cứ quả quyết mà tiến tới. Sau lưng chúng ta đã sẵn có một nhân loại mới mẻ mạnh bạo với những ý tưởng, những tình cảm lớn lao hơn sẽ làm hậu thuẫn cho chúng ta”. Những ý kiến này lại xuất hiện trong cuốn Văn sĩ và xã hội (1937), trong cuốn sách này Hải Triều tôn vinh 3 nhà văn cách mạng Maxim Gorki, Romain Rolland (13) và Henri Barbusse.
 Khởi đầu của cuộc tranh luận là bài viết của Thiếu Sơn trên tờ Tiểu thuyết thứ bảy, số ra ngày 16-2-1935 nhan đề Hai cái quan niệm về văn học. Trong bài viết này, Thiếu Sơn khẳng định “hầu hết văn chương nước nào cũng đều lấy nghệ thuật làm gốc. Không nói đâu xa, nói ngay ở nước Pháp, ta cũng thấy rằng danh tiếng của một nhà trứ thuật là nhờ ở văn hơn là ở học, nhờ ở trí sáng tạo hơn là ở việc khảo cứu” và kết luận bài viết “Song rồi đây, theo luật tiến hóa, ở văn học sử Việt Nam cũng sẽ nhưng văn học các nước, những công trình sáng tạo thì còn mà những công trình khảo cứu sẽ chết”!
 Trên báo Đời Mới ngày 24-3-1935 và ngày 7-4-1935, Hải Triều đã mở đầu cuộc bút chiến với Thiếu Sơn bằng bài viết Nghệ thuật vị …”, Hải Triều khẳng định: “Ngày nay cái phái chủ trương văn học là siêu nhiên bạt tục, thường cả hơi lớn tiếng hô hào thuyết “lấy nghệ thuật làm nghệ thuật” (l’art pour l’art). Cái thuyết ấy cực kỳ phi lý, vì cái dụng ý của nó là để văn học ra ngoài sự tiến hóa của nhân sinh. Những tác phẩm của họ thường không dính dấp gì đến trào lưu của lịch sử, hiện trạng của xã hội ; cái “không dính dấp” ấy không có nghĩa, vì những tác phẩm “bông lông” ấy là cái sản vật của một nền kinh tế ðã đình trệ, sắp mục nát, nền văn học mới hóa ra là một món đồ chơi tạm thời, riêng cho một số người”.
 Và Hải Triều đã vạch rõ: “ngày nay ở nước ta có một phái văn học tự xưng là mới muốn đưa cái tình cảm người ta lên những chỗ đẹp tự nhiên “mây bay hoa nở” để khuây khỏa cái trạng huống thống khổ về vật chất. Nghe thì vui tai, chớ kỳ thật thứ văn học ấy có chỗ giống cái thần bí chủ nghĩa (mysticisme) của Tôn giáo. Nhà tu hành đưa cho tôi cái thiên đàng để yên ủi, các anh đưa cho tôi cái “mây bay hoa nở”, thời cũng vậy thôi. Ôm bụng đói mà thưởng trăng, cái ấy chỉ có ông Thánh, bầy tôi là người làm chi nổi! Cho nên tôi cho thứ văn học ấy cũng không phải thứ “văn người”. Và “đặt nghệ thuật ra ngoài xã hội và nhân sinh, cho nghệ thuật có tính chất thiêng liêng thần bí, cao thượng là ngụy biện là phi lý, là, xin lỗi ông Thiếu Sơn là gian trá”.  Tuy nhiên, bị “sỉ vả” như vậy nhưng Thiếu Sơn không phản ứng gì!
 Bài bút chiến “Nghệ thuật vị…” của Hải Triều tưởng bị rơi vào im lặng thì trên báo Tràng An, số 35, ngày 28-6-1935, có đăng bài của Hoài Thanh “Nhân xem quyển “Kép Tư Bền”: Nguyễn Công Hoan, nhà văn có nhiều hy vọng”, phê bình tập truyện ngắn đầu tay của Nhà văn này. Trong bài viết, Hoài Thanh khen tài quan sát và tài kể chuyện của Nguyễn Công Hoan: “Nguyễn Công hoan thực đã dày công quan sát người, những việc ở xung quanh mình…Tôi tưởng tượng Nguyễn Công Hoan là một người có đôi mắt tinh anh lắm, tò mò lắm…Cốt truyện không quan hệ cho lắm, quan hệ là ở cách kể chuyện. Nguyễn Công Hoan đã khéo lấy những điều quan sát có ý vị lấp vào những cốt truyện không có gì. Đó là cái đặc sắc của ông…”. Tiếp theo, trên báo Sống, số 21, ngày 3-7-1935, Thiếu Sơn có bài “Phê bình Kép Tư Bền”. Bài này được đăng lại trên Tiểu thuyết thứ bảy, số 61, ngày 27-7-1935. Bài viết cho rằng “tác giả Kép Tư Bền ưa nói đến bề trái của xã hội, ưa vẽ đến những cảnh thương tâm, ưa tả đến những người khốn nạn, ưa phanh phui bày tỏ những cái hen kém, xấu xa, gian tà, độc ác của người đời”. Cũng như Hoài Thanh, Thiếu Sơn khen Nguyễn Công Hoan: “Cái đặc sắc của Nguyễn Công Hoan là ở chỗ ông biết quan sát những cái ở xung quanh mình, biết kiếm ra những chuyện tức cười, biết vẽ người bằng những cách ngộ nghĩnh thần tình, biết vấn đáp bằng những giọng hoạt kê lý thú và biết kết cấu thành nên những tấn bi hài kịch”.
 Liền sau đó, cũng trên Tiểu thuyết thứ bảy, số 62, ngày 3-8-1935, Hải Triều viết bài “Kép Tư Bền” cùng mấy dòng cho tòa soạn: “Bài này không phải nhắm mắt tán liều, mà chủ ý cố phê bình cái trào lưu văn nghệ gần đây do đó mới biểu dương được cái chân địa vị của quyển Kép Tư Bền trong nền văn học mới”. Nhưng để tạo nên một “nền văn học mới” đâu có dễ. Theo Hải Triều, “Ở xứ này muốn chủ trương một vấn đề gì mà đến khi tìm vài cái chứng chỉ thiết thực về xã hội, thật nhiều khi không biết vớ vào đâu. Tôi nhận thấy ở nước ta, trong văn học giới đã bắt đầu có cái trào lưu “nghệ thuật vị dân sinh” tôi đã thừa nhiều cơ hội để khởi đến nó và đã có khen bút chiến với ông Thiếu Sơn về vấn đề ấy. Nhưng đến khi ai hỏi tôi cái tư triều văn nghệ vị nhân sinh ở nước ta đâu nào? Thật tôi cũng thấy lúng túng mà không biết kiếm đâu cho ra một cái chứng cớ đích xác. Nhưng đến ngày nay, tôi có thể tự đắc mà nói rằng: “Có rồi, có rồi ông cứ xem quyển Kép Tư Bền đi. Cái chủ trương “nghệ thuật vị nhân sinh” của tôi ngày nay, đã biểu hiện bằng những bức tranh rất linh hoạt dưới ngọn bút tài tình của nhà văn sĩ Nguyễn Công Hoan mà người ta đã tặng cho cái tên hay hay là “Nhà văn của hạng người khốn nạn”.
 Phản đối Hải Triều muốn một tác phẩm văn chương phải có một ý nghĩa xa hội nào đó, Hoài Thanh viết bài Văn chương là văn chương đăng trên báo Tràng An ngày 11-8-1935: “Khi thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật lẽ cố nhiên phải để nghệ thuật lên trên, lẽ cố nhiên phải chú ý đến cái đẹp trước khi chú ý đến những tính cách phụ, những hình thức tạm thời của nó”. Trong bài viết này, Hoài Thanh còn dẫn một vài đoạn trong bài diễn văn của nhà văn nổi tiếng thế giới lúc bấy giờ là Andre Gide, đã đọc tại Hội nghị Quốc tế các nhà văn ở Paris ngày 22-6-1935. Hải Triều đã đáp lại trên báo Tin Văn, số 6, ngày 1-9-1935 bằng bài Nghệ thuật và sự sinh hoạt xã hội: “Nói đến cái đẹp trong nghệ thuật, mà ông chỉ chú ý có một phương diện về hình thức…thì đã có gì là nghệ thuật đâu? Không, ông ạ, khi nói đến nghệ thuật, ông phải chú ý đến cả hai phần: hình thức (forme) và nội dung (fond). Hai cái phân tích ấy nó đắp đổi, nó bồi bổ cho nhau, không có cái nào là thực thụ, cái nào là tạm thời, cái nào là chính thức, cái nào là phụ thuộc”. Hải Triều còn chê Hoài Thanh trích dẫn Gide mà không hiểu hết ý của Gide. Hải Triều không đồng ý với Hoài Thanh cho rằng bài văn như một bông hoa đẹp, giúp khách giang hồ quên những nỗi nhọc nhằn trong chốc lát, mà bài văn phải như gươm như dáo, phải là tiếng kèn thôi thúc người ta tiến lên phía trước. Do đó, Hải Triều kết luận: “Cái thuyết nghệ thuật vị nghệ thuật chỉ là một cái thuyết ngụy biện của phái văn sĩ duy tâm” và trong hoàn cảnh hiện tại không giúp ích gì được cho đời!...
Trên báo Tràng An ngày 1-10-1935, Hoài Thanh viết tiếp: “Nói cho cùng, nghệ thuật nào mà chẳng vị nhân sinh, không vì cái sinh hoạt vật chất thì cũng vì sinh hoạt tinh thần của người ta”. Và tiếp tục đề cao “tính nghệ thuật” mà không cần quan tâm đến nội dung của tác phẩm văn chương: “Một cuốn sách không tả nỗi khổ của kẻ lao động, không có tính cách xã hội như người ta thường nói, nếu nó hay cũng phải nhận cái hay của nó và cái tài của người viết ra nó. Cái đẹp của trăm hoa quý ở chỗ hương sắc khác nhau. Nhà văn cũng vậy. Nếu vô luận nhà văn nào cũng phải viết lối văn có tính cách xã hội, cả những người không có biệt tài về lối văn ấy cũng vậy, thì đã không có ích gì cho ai mà lại còn có hại… Tôi không khuyên Nguyễn Công Hoan viết lối văn đầy mộng ảo thì sao các ông buộc Lưu Trọng Lư phải viết lối văn của Nguyễn Công Hoan?”. Quan điểm “duy mỹ” này của Hoài Thanh được GS Lê Đình Kỵ (14) nhận xét rất đúng: “Trước kia anh tìm đến với thơ và chỉ biết có thơ, chỉ biết có tâm hồn mình. Nhưng đó là một cái gì cao siêu, huyền diệu, là chuyện tâm tưởng mơ mộng của một dúm người đặc biệt chẳng có liên quan gì đến đời sống thực hàng ngày, chẳng có cứu cánh nào khác ngoài nó”. Quan điểm “văn chương là văn chương” của Hoài Thanh đã thể hiện rõ và rất thành công ở Kiệt tác Thi Nhân Việt Nam sau đó vào năm 1941, tức sau khi đã nguôi đi cuộc tranh luận “Nghệ thuật vị…” với Hải Triều này. Phải đi ra ngoài cuộc tranh luận đang bàn một chút để thấy rõ rằng, trong cuộc “bút chiến” này với Hải triều, Hoài Thanh không hề “hạ vũ khí qui hàng” mà dường như ông muốn thể hiện tất cả những điều đã “lý luận suông” đó bằng một tác phẩm cụ thể của mình, đó là cuốn Thi Nhân Việt Nam không tiền khoáng hậu! Nói cách khác, kiệt tác Thi Nhân Việt Nam của Hoài Thanh chính là sự trả lời cụ thể, sinh động mọi vấn đề mà cuộc bút chiến “Nghệ thuật vị…” đã khơi ra: trong Thi Nhân Việt Nam, Hoài Thanh đặc biệt đề cao sự tìm tòi, cách tân về bút pháp nghệ thuật mà không hề đả động gì đến “tính cách xã hội” của tác phẩm, Chế Lan Viên viết những câu thơ kinh dị, Vũ Hoàng Chương viết những câu thơ say ngả nghiêng, Xuân Diệu viết những câu thơ đắm say tột cùng, Bích Khê viết những câu thơ hay nhất trong nền Thi ca VN, v.v …mà không cần biết tâm tư, tình cảm của những người lao khổ như thế nào! Nói cách khác, cuộc bút chiến “Nghệ thuật vị…” với Hải Triều (và sau đó là cả một đội ngũ đông đảo: Phan Văn Hùm, Khương Hữu Tài, Cao Văn Chánh, Lâm Mậu Quang, Sơn Trà, Hải Vân, Hải Khách, Hải Thanh…) của Hoài Thanh (cùng với vài chiến hữu Thiếu Sơn, Lưu Trọng Lư, Lê Tràng kiều…), vào thời điểm đó là không hề kết thúc như bài viết của Hoài Thanh “Chấm dấu hết cho một cuộc biện luận” (Tràng An, 29-10-1935): “Không viết bài đăng báo để tranh luận nữa”(15), vì “…lặp đi lặp lại những điều trờ trờ ra trước mắt thì viết làm gì mất công. Như gần đây trong bao nhiêu bài phê bình quyển Kép Tư Bền của Nguyễn Công Hoan tôi chỉ thấy có bài của ông Hải Triều là còn có một hai chỗ đặc sắc, tuy ông Hải Triều không đứng về phương diện văn chương”. Nhận xét đó của Hoài Thanh được Lê Tràng Kiều nói rõ hơn: “…Các ông hăng quá đến nỗi từ vòng nghệ thuật, các ông vượt sang chính trị” (Hà Nội báo, số 1, ngày 1-1-1936). Nhận xét của Hoài Thanh và Lê Tràng Kiều đều đúng. Ngay từ bài đầu tiên, Hải triều đã khẳng định nghệ thuật không thể  đứng ngoài cuộc đấu tranh giai cấp. Nghệ thuật phải phục vụ nhân sinh, phục vụ quần chúng lao động. Mục đích của nghệ thuật là tố cáo những cảnh bất công trong xã hội, thậm chí còn có nhiệm vụ cổ động quần chúng đấu tranh để cải tạo xã hội. Nói cách khác, Hải Triều và những người trong nhóm “Nghệ thuật vị nhân sinh” đã dựa vào thế giới quan duy vật biện chứng và duy vật lịch sử đưa văn chương về với cuộc sống, khẳng định tính có ích của văn chương đối với đời sống xã hội. Nhìn khái quát, Hải Triều và những người bảo vệ quan điểm “Nghệ thuật vị nhân sinh” đã giành được thắng lợi, những luận điểm cơ bản của Chủ nghĩa Mac-Lênin về văn hóa văn nghệ đã được truyền bá rộng rãi. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận một cách khách quan rằng, đối phương của Hải Triều chỉ tạm thời “khua chiêng thu quân” chứ chưa chịu đầu hàng một cách tâm phục khẩu phục, bởi cách lập luận của Hải Triều và đồng đội còn đơn giản, sơ lược và đôi khi đại ngôn mà thiếu sự mềm dẻo, uyển chuyển! Điều cần nói thêm về cuộc tranh luận “Nghệ thuật vị…” là: Nhiều nhà nghiên cứu văn học cho rằng đây chỉ là câu chuyện cũ, song chúng  tôi nghĩ rằng câu chuyện Nghệ thuật vị nghệ thuật hay Nghệ thuật vị nhân sinh là không bao giờ cũ bởi cho tới hôm nay, vẫn có không ít nhà văn, nhà thơ của chúng ta chỉ là “Vú em của tâm hồn mình” chứ chưa phải là Ca sĩ của Thời đại mình! *

Đã có rất nhiều bài viết, sách nghiên cứu về Hải Triều và quả là người đọc sẽ bị rối khi đi vào rừng chữ nghĩa đó! Và có lẽ, bài thơ “Vĩ thanh về Hải triều” của nhà thơ Lữ Huy Nguyên là ít chữ nhất nhưng nói được nhiều nhất về Hải Triều bởi cuộc đời của Hải Triều tràn đầy chất thơ:

Dũng mãnh như một võ sĩ

Lên so găng, không có trọng tài

Công luận và thời gian chính là người phán xét

Có nốc-ao nhưng tiếng còi không chấm dứt.

Người thua không ấm ức

Kẻ được chẳng kiêu căng

Đấy là lúc nửa đèn nửa giăng

Tranh tối tranh sáng.

Mặt trời lên

Ánh ngày đã rạng

Họ dìu nhau bước vào cách mạng

Dẫu ai kia còn thương tích trên người

Họ kết thành một phe trấn cửa cuộc đời

Duy tâm và Duy vật

Vị nhân sinh hay Vị nghệ thuật

Họ kết thành một bên giành nhân phẩm con người.

Vĩ Thanh về Hải Triều là bọn chúng tôi

Kẻ hậu sinh biết ông qua sử sách

Những trang viết của Hải Triều không có dấu chấm hết. (16)

Sài Gòn, tháng 9-2010

Đỗ Ngọc Thạch

----

Chú thích:

(*) Tác phẩm của Hải Triều:

  1. Duy tâm hay là duy vật (chuyên luận, 1935); Văn sĩ và xã hội (1937)
  2. Chủ nghĩa Mác xít phổ thông (1938); Muốn thì được
  3. Trên mặt trận tư tưởng văn hóa ; Về văn học và nghệ thuật (1965 - Hồng Chương biên soạn); Hải Triều - tác phẩm (1987); Hải Triều toàn tập (2 tập) (1996).
Hải Triều được trao giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (đợt 1 - 1996).
(**) Tôn Dật Tiên (1866-1925) còn gọi là Tôn Văn hay Tôn Trung Sơn: là nhà cách mạng dân chủ Trung Quốc, người lãnh đạo cuộc cách mạng Tân Hợi năm 1911 lật đổ triều đại Mãn Thanh và khai sinh nước Trung Hoa dân quốc. Ông được người Trung Hoa gọi yêu mến là "Quốc phụ Trung Hoa".
(***) Karl Heinrich Marx (1818 - 1883): là nhà tư tưởng, nhà kinh tế chính trị, nhà lãnh đạo cách mạng của Hiệp hội Người lao động Quốc tế. Những hoạt động cách mạng và triết học của ông diễn ra trong thập niên 1840 - giữa lúc chủ nghĩa tư bản đang trong thời kỳ phát triển và giai cấp vô sản công nghiệp ra đời và có những hoạt động cách mạng chống chế độ tư bản. Marx được nhắc đến với nhiều chủ đề khác nhau, nhưng ông nổi tiếng nhất với những phân tích lịch sử dựa trên thuật ngữ đấu tranh giai cấp, được tổng kết lại trong những lời mở đầu cho Tuyên ngôn Đảng Cộng sản (Das Manifest der Kommunistischen Partei): "Lịch sử của tất cả các xã hội từ trước đến nay là lịch sử của đấu tranh giai cấp." Ông cũng là người sáng lập Chủ nghĩa Xã hội Khoa học cùng Friedrich Engels. Tư tưởng của ông là học thuyết kế thừa các hệ tư tưởng được thành lập trong thế kỷ XIX, bao gồm triết học Đức, kinh tế học chính trị Anh hay chủ nghĩa xã hội học Pháp. Trong thời đại Marx sống, có lẽ chủ nghĩa tư bản đã đạt thắng lợi tuyệt đối và sẽ tồn tại vĩnh hàng. Tuy nhiên, Karl Marx và người bạn thân là Friedrich Engels đã thực hiện “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” vào năm 1848, nói cách khác là hai ông đã lên án những bất công trong chế độ tư bản. Với Tuyên ngôn này, chủ nghĩa xã hội trỗi dậy trong khi chủ nghĩa xã hội không tưởng thì tàn lụi. Nhà triết học người Đức này cho rằng cách hiểu của Hegel về sự phát triển của lịch sử loại người là đúng. Tuy nhiên, mặt khác ông cho rằng vật chất mới đóng vai trò chính yếu trong quá trình này, chứ không phải là tinh thần. Người ta nói tư tưởng của Marx là chủ nghĩa duy vật biện chứng, lịch sử, hay khoa học. Ông cũng cho rằng, con người có thể quyết định vật chất qua việc sản xuất. (****) Friedrich Engels (1820 - 1895): nhà lí luận chính trị, là một triết gia và nhà khoa học người Đức thế kỷ 19, người cùng với Karl Marx đã sáng lập và phát triển chủ nghĩa cộng sản và là lãnh tụ của phong trào công nhân thế giới và Quốc tế I. Ông cùng với Karl Marx và là đồng tác giả của bản Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (1848). Engels cũng biên tập và xuất bản quyển II và quyển III của bộ Tư bản sau khi Karl Marx mất. Ngoài những công trình chung với Marx, ông còn viết nhiều tác phẩm khoa học có giá trị như: "Nguồn gốc của gia đình, sở hữu tư nhân và nhà nước", "Về lịch sử người German cổ đại", "Chống Duhring", "Biện chứng của tự nhiên", v.v... Ngoài ra, cuốn "Tác dụng của lao động chuyển hóa vượn thành người" cũng là một công trình khoa học tuyệt vời góp phần giải thích nguồn gốc hình thành và phát triển của loài người. (1) Phan Khôi: (1887-1959): Quê làng Bảo An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, là con của Phó bảng Phan Trần (tri phủ Điện Khánh) và bà Hoàng Thị Lệ (con gái Tổng đốc Hà Nội Hoàng Diệu). Ông học giỏi Nho văn và đỗ tú tài năm 19 tuổi. Sau đó ông gặp cụ Phan Bội Châu, cụ Phan Châu Trinh và bị ảnh hưởng bởi tư tưởng của hai cụ. Năm 1907, ông ra Hà Nội, tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục và làm việc cho tạp chí Đăng Cổ Tùng Báo. Khi tờ tạp chí bị cấm ông về Nam Định rồi về Hải Phòng ẩn náu. Ít lâu sau ông lén về Quảng Nam hoạt động trong phong trào Văn Thân cùng với cụ Huỳnh Thúc Kháng. Trong một cuộc biểu tình đòi giảm thuế, ông bị bắt và giam tại nhà tù Quảng Nam đến năm 1914 thì được ân xá. Ra khỏi tù, ông lại về Hà Nội viết cho báo Nam Phong. Vì bất bình với Phạm Quỳnh, ông bỏ Hà Nội vào Sài Gòn viết cho báo Lục Tỉnh Tân Văn. Năm 1920, ông lại trở ra Hà Nội viết cho báo Thực Nghiệp Dân Báo và báo Hữu Thanh. Năm 1928, Thực Nghiệp Dân BáoHữu Thanh bị đóng cửa, ông lại trở vào nam viết cho báo Thần ChungPhụ nữ tân văn. Năm 1931, Phan Khôi trở ra Hà Nội viết cho tờ Phụ nữ thời đàm. Năm 1936, ông vào Huế viết cho tờ Tràng An và xin được phép xuất bản báo Sông Hương. Năm 1939, Sông Hương đóng cửa, Phan Khôi lại trở vào Sài Gòn dạy học chữ Nho và viết tiểu thuyết. Sau năm 1945, tức sau Cách mạng tháng Tám, ông được chủ tịch Hồ Chí Minh mời từ Quảng Nam ra Hà Nội tham gia kháng chiến với cương vị một nhà văn hóa. Ông ở Việt Bắc suốt 9 năm nhưng vì bị bệnh nên phải vào bệnh viện một thời gian. Cuối năm 1954 hòa bình lập lại, Phan Khôi về Hà Nội cùng với các văn nghệ sĩ khác. Trong thời gian 1956-1957, là một trong những người thành lập tờ Nhân Văn và có các bài phê phán giới lãnh đạo văn nghệ lúc bấy giờ, ông bị cấm sáng tác cho đến khi qua đời năm 1959 tại Hà Nội. Phan Khôi là một học giả tên tuổi, một nhà thơ, nhà văn, một nhà báo tài năng, một người tích cực áp dụng tư tưởng duy lý phương Tây, phê phán một cách hài hước thói hư tật xấu của quan lại phong kiến và thực dân Pháp. Ông cũng là một trong số ít nhà báo tiếp thu nhiều tư tưởng mới, đa văn hóa... Ông còn nổi tiếng vì sự trực ngôn, trước 1945 được mang danh là Ngự sử văn đàn. Ông phê phán chính sách cai trị của người Pháp một cách sát sườn, đối thoại với học giới từ Bắc đến Nam không e dè kiêng nể. Những năm 1956 - 1958 cũng vì cung cách nói thẳng ấy ông đã chịu tai họa và chết trong lặng lẽ vào năm 1959. (2)Thiếu Sơn (1908 - 1978): tên thật là Lê Sĩ Quý, là nhà văn, nhà báo, nhà phê bình văn học. Thiếu Sơn sinh tại Hải Dương trong một gia đình có truyền thống Nho học. Năm 1927, tốt nghiệp thành chung, ông vào Gia Định làm công chức sở Bưu điện, bắt đầu viết cho tạp chí Nam Phong và sau này còn viết cho nhiều báo khác nữa, như: Tiểu thuyết thứ Bảy, Đại Việt tạp chí, Nam Kỳ tuần báo... Tác phẩm chính:
  1. Phê bình và cảo luận (1933); Câu chuyện văn học (1933); Đời sống tinh thần (1933)
  2. Giữa hai cuộc cách mạng 1789 và 1947.; Nghệ thuật và nhân sinh (2000)
Từ điển Văn học (bộ mới) nhận xét:
 Với Phê bình và cảo luận, ông được coi là một trong những người mở đầu cho phê bình văn học bằng chữ quốc ngữ ở Việt Nam. Ngoài ra, ông còn là một trong những người đầu tiên mở đầu cho một loại phê bình mới: phê bình nhân vật.
Mặc dù có những tác động tích cực đến sáng tác và thưởng thức văn học đương thời, nhưng Phê bình và cảo luận vẫn không tránh khỏi những hạn chế. Phương pháp phê bình của ông còn võ đoán, cảm tính, văn phong hãy còn biền ngẫu…”
Trong cuộc tranh luận “Nghệ thuật vị…”, Thiếu Sơn tự động rút lui và trong bài “Văn học bình dân”, ông đã gián tiếp tán thành quan điểm “Nghệ thuật vị nhân sinh” (3) Hoài Thanh (1909 - 1982) có tên khai sinh là Nguyễn Đức Nguyên, là một nhà phê bình văn học uyên bác và tinh tế, đã đóng góp công lớn về mặt phê bình, lý luận để khẳng định Thơ mới trong văn học Việt Nam thế kỉ 20. Trước 1945, viết các báo: Phổ thông, Le Peuple (do Nguyễn Văn Trấn sáng lập), La Gazette de Huế, Tràng An, Sông Hương, Tao Đàn. Tác phẩm: Văn chương và hành động (1936); Thi nhân Việt Nam 1932-1941 (1941, cùng viết với Hoài Chân, nhưng Hoài Thanh là chủ yếu).
(4) Lưu Trọng Lư (1912 -1991) là một nhà thơ, nhà văn, nhà soạn kịch Việt Nam. Quê làng Cao Lao Hạ, xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ông học đến năm thứ ba tại trường Quốc học Huế thì ra Hà Nội làm văn, làm báo để kiếm sống. Ông là một trong những nhà thơ khởi xướng Phong trào Thơ mới với tập Tiếng thu (1939) và rất tích cực diễn thuyết bênh vực "Thơ mới" đả kích các nhà thơ "cũ". Sau Cách mạng tháng Tám, ông tham gia Văn hóa cứu quốc ở Huế. Trong kháng chiến chống Pháp, ông hoạt động tuyên truyền, văn nghệ ở Bình Trị Thiên và Liên khu IV. Sau năm 1954, ông tiếp tục hoạt động văn học, nghệ thuật: hội viên Hội nhà văn Việt Nam từ năm 1957, đã từng làm Tổng thư ký Hội nghệ sỹ sân khấu VN.
Ông đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2000.
(5) Henri Barbusse (1873-1935): nhà văn, nhà báo, nhà cách mạng Pháp.
(6)Aleksei Maksimovich Peshkov (1868 -1936), được biết đến nhiều hơn với cái tên Maxim Gorky: là một nhà văn, người đặt nền móng cho trường phái hiện thực xã hội trong văn chương và là một nhà hoạt động chính trị người Nga. Ông được xem là nhà văn kiệt xuất của nền văn học nước Nga vào thế kỷ 20. Từ năm 1906 đến 1913 và từ năm 1921 đến năm 1929, ông sống ở nước ngoài, hầu hết ở Capri của Ý; sau đó ông trở về Liên bang Xô viết. Ông là bạn của văn hào Nga Lev Nikolayevich Tolstoy (6*) và lãnh tụ Liên Xô Vladimir Ilyich Lenin. (6*) Bá tước Lev Nikolayevich Tolstoy (1828 - 1910): là một tiểu thuyết gia người Nga, nhà triết học, người theo chủ nghĩa hòa bình, nhà cải cách giáo dục, người ăn chay, người theo chủ nghĩa vô chính phủ tín đồ Cơ Đốc, nhà tư tưởng đạo đức, và là một thành viên có ảnh hưởng của gia đình Tolstoy. Tolstoy được yêu mến ở khắp mọi nơi như một tiểu thuyết gia vĩ đại nhất trong tất cả các nhà viết tiểu thuyết, đặc biệt nổi tiếng với kiệt tác Chiến tranh và hòa bìnhAnna Karenina; miêu tả sự phóng khoáng và hiện thực của cuộc sống Nga, hai tác phẩm là đỉnh cao của tiểu thuyết hiện thực. (7) André Paul Guillaume Gide (1869 -1951) là một trong những nhà văn xuất chúng của thế kỷ 20, người đoạt giải Nobel Văn học năm 1947. Sáng tác đầu tay của ông là cuốn tự truyện Les cachiers d'André Walter (Những cuốn vở của André Walter, 1891) viết bằng thơ và văn xuôi đầy chất thơ, kể về sự giằng xé, giày vò giữa thể xác và tâm hồn và sự tìm kiếm lối thoát trong các hình thái thần bí và thanh cao của tình yêu. Tiểu thuyết châm biếm Les Caves du Vatican (Những động ngầm dưới Vatican, 1914) đặt vấn đề về sự chấp nhận một cách mê muội những tín ngưỡng và lý tưởng. Năm 1926, tiểu thuyết Les Faux-monnayeurs (Những kẻ làm bạc giả) ra đời mang lại nhiều thành công cho ông, đó là một đóng góp thực sự vào sự phát triển thể loại tiểu thuyết. Một năm sau khi xuất bản truyện vừa Thésée (Theseus, 1946) - mà ông coi như một bức di thư văn học - André Gide được bầu làm Giáo sư Danh dự trường Đại học Oxford và được tặng giải Nobel năm 1947. Năm 1950, André Gide xuất bản tập cuối cùng của bộ Journal (Nhật kí). Ông mất năm 1951 ở Paris.(9) Quách Mạt Nhược (1892 - 1978), người Lạc Sơn, Tứ Xuyên là nhà thơ, nhà soạn kịch, nhà sử học, nhà hoạt động xã hội Trung Quốc. Ông từng làm hiệu trưởng Trường nghệ thuật mang tên Lỗ Tấn. Sau ngày thành lập Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, là chủ tịch Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Trung Quốc. Là nhà sử học chuyên về cổ sử Trung Quốc, Quách Mạt Nhược có nhiều cống hiến trong việc nghiên cứu văn tự cổ (ghi trên mai rùa xương thú) và thể chế xã hội nô lệ. Ông còn là viện trưởng đầu tiên Viện khoa học xã hội Trung Quốc trong một thời gian dài. Ông từng bị phê phán trong Cách mạng văn hóa.Quách Mạt Nhược còn tham gia Hội đồng hòa bình thế giới và từng là phó chủ tịch. Năm 1951, ông được tặng Giải thưởng Hòa bình Lenin. Các tác phẩm nổi tiếng: Tập thơ "Nữ thần" (1921); Kịch lịch sử "Khuất Nguyên" (1942)  (10) Nghệ thuật vị nghệ thuật: Xu hướng trong nghệ thuật chủ trương người nghệ sĩ chỉ vì bản thân nghệ thuật mà sáng tác.

Nghệ thuật vị nhân sinh: Xu hướng trong nghệ thuật chủ trương nghệ thuật phải gắn liền với đời sống xã hội, phải phục vụ con người.

(11) Nguyễn Công Hoan (1903-1984): là nhà văn tiêu biểu của văn học hiện thực phê phán Việt Nam. Tác phẩm Kép Tư Bền (viết năm 1927, xuất bản năm 1935) đã gây chấn động trên văn đàn, và là đề tài cho cuộc bút chiến giữa hai quan điểm nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh lúc bấy giờ.
(12) Lan Khai (1906 - 1945), tên thật: Nguyễn Đình Khải, sinh tại xã Vĩnh Lộc, châu Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Trong lịch sử văn học hiện đại VN trước năm 1945, ông được xem là một cây bút sung mãn, một nhà văn "đường rừng" sáng giá. Năm 1938, ông bắt đầu viết cho Tiểu thuyết thứ Bảy và sau đó ông cùng với Lê Văn Trương (12*), trở thành hai cây bút cột trụ của NXB Tân Dân. Năm 1939, ông làm Tổng thư ký tạp chí Tao đàn của NXB Tân Dân, đồng thời, còn cộng tác với các báo: Loa, Ngọ báo, Đông Tây, Tiểu thuyết thứ Bảy, Phổ thông bán nguyệt san... Nhận định về Lầm than (1929-1934, 1938 - NXB Tân Dân in lần đầu): Lầm than viết về công nhân mỏ bị áp bức bóc lột tàn tệ dưới ách bọn chủ Tây và tay sai độc ác, đểu giả. Làm than là  cuốn tiểu thuyết hiện thực chủ nghĩa thật sự có giá trị.
Ở truyện "Lầm than", tác giả chủ ý mô tả những nỗi khổ của hạng thợ mỏ, được nhà văn Hải Triều xem nó như là một bước mới của tiểu thuyết Việt vào con đường hiện thực xã hội (réalisme social). Ông viết tác phẩm này, cốt để hưởng ứng phong trào đấu tranh thợ thuyền nổi lên ở Pháp và ở Đông Dương khi đó (1937).
(12*) Lê Văn Trương (1906-1964): sinh tại làng Đồng Nhân, nay là khu phố Thịnh Yên, quận Hai Bà Trưng, Thành phố Hà Nội. Có bút hiệu Cô Lý, là nhà báo, nhà văn Việt Nam thời tiền chiến. Theo nhiều nhà nghiên cứu văn học Việt, hiện nay (2009), ông được xem là cây bút có số lượng tác phẩm nhiều nhất. Từ năm 1932, tham gia làng báo, làng văn ở đất Bắc. Ông cộng tác với báo Trung Bắc tân văn, với NXB Tân Dân và các cơ quan ngôn luận của nhà xuất bản này: Tiểu thuyết thứ Bảy, Phổ thông bán nguyệt san, Ích hữu, Truyền bá. Năm 1937, Lê Văn Trương được Chủ nhiệm Vũ Đình Long cho làm Chủ bút tờ Ích Hữu. Cuối năm đó, ông chủ trương ra tờ tuần báo Ích hữu đổi mới, và sau nữa là tờ Việt Nam hồn. Thời này, ông thường đi đôi với Trương Tửu, cổ xúy cho cái “triết lý về sức mạnh”. Đầu năm 1954, ông vào Sài Gòn làm thầu khoán, viết báo, tái bản sách. Năm 1959 làm việc cho Đài phát thanh Sài Gòn, nhưng chẳng bao lâu thì bị nhà cầm quyền nghi kị, sa thải. Ở đây, sách của ông không có độc giả, còn công việc thầu khoán, đi buôn cũng ngày càng suy sụp.Ngày 25 tháng 2 năm 1964, ông mất tại một căn nhà hẹp ở hẻm Bùi Viện, Sài Gòn (nay thuộc phường Phạm Ngũ Lão, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh), trong cảnh nghèo đói và tật bệnh, lúc 58 tuổi. Lê Văn Trương là nhà văn chuyên viết tiểu thuyết, theo một số nhà nghiên cứu, ông có đến 200 tác phẩm; nhưng theo bản thống kê của gia đình ông, thì chỉ còn lưu giữ được 125 tác phẩm, gồm 96 cuốn đã in và 29 cuốn chưa in. (13) Romain Rolland (1866 - 1944) là nhà văn, nhà viết kịch Pháp, đoạt giải Nobel Văn học năm 1915. Tác phẩm nổi tiếng nhất của Roamin Rolland là trường thiên tiểu thuyết Jean Christophe (10 tập, xuất bản trong các năm từ 1904-1912). Đây là tác phẩm mang tính tự truyện, trình bày mọi vấn đề liên quan đến chính trị, văn học và nghệ thuật và là tác phẩm mang lại cho ông giải Nobel năm 1915. Tập thứ mười của bộ tiểu thuyết - nhan đề Nouvelle journée (Ngày mới) - cũng nhận được giải thưởng của Viện Hàn lâm Pháp.  (14) Lê Đình Kỵ: Hoài Thanh và phê bình thơ : Trong cuốn tiểu luận Thơ với Xuân Diệu, Hoài Thanh, Chế Lan Viên – NXB Cửu Long, 1988). (15) Tuy “Chủ soái” của phái “Nghệ thuật vị nghệ thuật” Hoài Thanh ngưng “tham chiến” nhưng Thiếu Sơn, Lê Tràng Kiều …còn tiếp tục kéo dài cuộc tranh luận cho tới năm 1939 và bên phái “Nghệ thuật vị nhân sinh” có thêm nhiều người rất “hăng”! Song, cuộc tranh luận lại chuyển sang đề tài Truyện Kiều và phái “nghệ thuật vị nhân sinh” đã bộc lộ nhiều sai lầm khi cho rằng: “giọng văn chết người đầy rẫy trong quyển Kim Vân Kiều” (Cao Văn Chánh), “Văn Kiều vẫn là đẹp, là hay, mà cái đẹp, cái hay ấy nó ủ rũ, buồn bã, âm thầm như cái tinh thần của Truyện Kiều. Chính cái văn chương Truyện Kiều hàm sẵn cái tinh thần nhu nhược và khuất phục” (Khương Hữu Tài)… Trước tình hình này, “chủ soái”  Hải triều lúc đó chưa thể nói về chủ nghĩa hiện thực trong Truyện Kiều  (tức cụ Nguyễn Du đã “vị nhân sinh” bằng cách tố cáo xã hội, đòi quyền sống cho người phụ nữ…) mà chỉ có thể “giải thoát” bằng lập luận: “Cụ Nguyễn Du trong khi khóc thân thế của cô Kiều ở bên trung Quốc, chẳng qua là để giải tỏa cái thân thế éo le của mình cùng bao nhiêu nỗi đắng cay về thời đại Hậu Lê”. (16) Tuần Báo Văn Nghệ, số 30 ngày 23 tháng 7 năm 1994.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét