Chủ Nhật, 9 tháng 10, 2011

Tìm con đường về nguồn... - Đỗ Ngọc Thạch

GS. Trần ĐÌnh Hượu


TÌM CON ĐƯỜNG VỀ NGUỒN
ĐỂ XÁC ĐỊNH
BẢN SẮC CỦA CON NGƯỜI VN,
BẢN SẮC CỦA VĂN HÓA VIỆT NAM

ĐỖ NGỌC THẠCH

(Đọc cuốn Đến hiện đại từ truyền thống của GS Trần Đình Hượu, NXB Văn Hóa, l996)
  Giáo sư Trần  Đình Hượu   (1927 -1995), nguyên là cán bộ giảng dạy văn học Việt Nam Trung cận đại của Khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội – là một trong những nhà nghiên cứu Đông phương học  hàng đầu của Việt Nam. Cuốn Đến hiện đại từ truyền thống tập hợp những bài viết rải rác từ năm 1974 đến 1993 về đề tài Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo và những truyền thống văn hóa  bản địa cùng tác động của chúng đến quá trình phát triển của xã hội Việt Nam. Cuốn sách là một bộ phận quan trọng trong số các công trình nghiên cứu mà tác giả để lại , mặc dù nó chỉ là những bài tham luận trình bày  trong các cuộc hội thảo khác nhau , không liên tục  và cũng không theo một kế hoạch dự định từ trước. Mỗi bài chịu tác động của một không khí , của hoàn cảnh lúc viết  và mục tiêu cuộc hội thảo.”Tuy nhiên, tư tưởng chung của tập sách là nhất quán, từng bài một nói rõ một vấn đề, nhưng các vấn đê chung như truyền thống, Nho giáo, con đường phương Đông từ truyền thống đến hiện đại, vấn đề con người…thì chỉ đề cập từng điểm và không giải quyết dứt điểm” (Lời Tựa của GS Trần Đình Hượu viết cho lần xuất bản thứ nhất).Tuy thế, ngay sau khi xuất bản lần thứ nhất 1994  (có tính chất nội bộ với số lượng hạn chế), cuốn sách đã thu hút sự quan tâm sâu sắc của các nhà khoa học  cũng  như các nhà tổ chức quản lý trong và ngoài nước …Lần in thứ hai này có bổ sung hoàn chỉnh gồm 13 bài , 400 trang , sách in đẹp…Tuy vậy, trong khi cuốn sách đang gấp rút hoàn thành thì Giáo sư Trần Đình Hượu do lâm bệnh hiểm nghèo đã đột ngột qua đời, chưa kịp nhìn mặt đứa con tinh thần của mình “mang nặng đẻ đau” gần hai mươi năm…
  Từ giữa những năm 80, tức là khi đất nước chuyển sang thời kỳ đổi mới , việc nghiên cứu văn hóa dân  tộc được xúc tiến rầm rộ , có khá nhiều cuộc hội thảo bàn về chiến lược phát triển , về đặc sắc văn hóa dân tộc . Trên các phương tiện thông tin đại chúng , những nội dung khác nhau về văn hóa dân tộc được xem như là một nội dung quan trọng , phong trào “tìm về cội nguồn dân tộc” sôi động từ nông thôn tới thành thị , vào những dịp ngày lễ , ngày tết , khắp nơi cờ xí rợp trời, xã hội cổ xưa tưởng như đã đi vào dĩ vãng bỗng sống lại trong nghi ngút khói nhang…

Nhìn chung , công cuộc “về nguồn” – tìm ra con đường đúng đắn và ngắn nhất để về với truyền thống dân tộc, để xác định đâu là bản sắc của con người Việt Nam, như thế nào là bản sắc của văn hóa Việt Nam … đặng xây dựng một xã hội Việt Nam hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc – luôn thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Tuy nhiên, do còn chưa hiểu đúng thế nào là truyền thống, công cuộc “về nguồn” này có khá nhiều bất cập . Chỉ xin dẫn lại đây ý kiến của nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn : sau khi nhắc  lại ý kiến cho rằng nghiên cứu văn hóa dân tộc tuy có sôi động nhưng thật ra chỉ là một thứ thời thượng , đi đâu cũng thấy nói tới nghiên cứu văn hóa …, tác giả nhận xét  :  … “… cả trong những tuyên bố rành rọt về mục đích yêu cầu, lẫn trong công việc cụ thể, có thể thấy ở nhiều người nghiên cứu văn hóa hiện nay một cách định hướng đơn giản : “nghiên cứu văn hóa Việt Nam để cho thế giới thấy văn hóa ta không kém gì văn hóa người”,   “nghiên cứu văn hóa để giúp cho mỗi người chúng ta thêm tự hào về truyền thống , và để chống sự xâm nhập vô lối của văn hóa độc hại”.  Và Vương Trí Nhàn  đã xác định một định hướng không hề  thời thượng chút nào: “… sẽ là hợp lý hơn nếu xem  toàn bộ hoạt động nghiên cứu văn hóa  như một cách thức hiệu nghiệm để dân tộc ta tự nhận thức chính mình, tự phát hiện lại mình với mọi cái hay , cái dở vốn có và đang bộc lộ trong mọi lĩnh vực đời sống . Một sự định hướng như thế sẽ đem lại cho công việc vốn rất khó khăn này một căn bản rộng rãi hơn và mục đích lâu dài hơn . Sẽ tránh được lối nghiên cứu nông nổi, đôi khi mang sắc thái vụ lợi , còn khá phổ biến . Sẽ tạo nền tảng chắc chắn cho việc hoạch định chiến lược . Sẽ có thể góp phần thức tỉnh mọi người để giúp họ sống ngày một cao quý , đúng với tầm vóc mà thế kỷ này mang lại cho họ . Sẽ tạo nên một sự sòng phẳng , do đó , là khả năng  thuyết phục với những bè bạn đang  muốn hiểu và yêu mến nền văn hóa Việt Nam” (Ta tự nhận diện lại ta – Tuổi Trẻ CN  số 12 -1998).

Suy nghĩ trên của ông Vương Trí Nhàn gần với một số ý tưởng của GS Trần Đình Hượu trong cuốn sách nói trên . Trong Lời tựa viết cho lần xuất bản thứ nhất , GS  đã nói rõ cảm hứng của các bài viết chủ yếu vì người ta  hiểu sai  vấn đề truyền thốngvai trò của Nho giáo trong truyền thống .   “Truyền thống được chú ý nhiều hơn trước , nhưng trong cách hình dung công việc xây dựng xã hội  và con người vẫn là tìm một mô hình lý tưởng và tìm cách áp đặt nó vào thực tế. Truyền thống cũng được hình dung là những mặt hay , mặt dở để phát huy  hay khắc phục. Mà mặt hay nhiều hơn mặt dở . Nó mất đi tính sinh động thực tế bám vào những thiết chế xã hội , những con người , tác động vào phong tục tập quán, vào tâm lý xã hội, nói tóm lại là không dễ tự do lấy bỏ, lựa chọn …Truyền thống không chỉ có lòng yêu nước , anh hùng , bất khuất, cần cù lao động, và không phải chỉ có toàn những cái tốt đẹp. Trong truyền thống có những  cái dở , và cũng không ít cái dở”. Việc nghiên cứu truyền thống được GS xác định rõ ràng phải bắt đầu từ việc nghiên cứu Nho giáo bởi cái truyền thống văn hóa Phương Đông , nó chịu ảnh hưởng quyết định của Nho giáo , ảnh hưởng đó đã trở thành truyền thống văn hóa, ngày nay về căn bản vẫn còn khá mạnh. Hiểu Nho giáo không đúng , không rõ thì cũng không thể bàn vấn đề nó còn hay không còn gây ảnh hưởng trong xã hội hiện đại. Một loạt bài viết trực tiếp đề cập đến Nho giáo như “Mấy ý kiến bàn về nghiên cứu Nho giáo”, “Nghiên cứu các hệ tư tưởng Nho , Phật , Đạo từ góc độ lịch sử tư tưởng và đạo đức học”,  “Nho giáo và Nho học ở VN , vài vấn đề , về đặc điểm và vai trò của nó trước thực tế phát triển thời cận-hiện đại”,   “Con người VN  với truyền thống văn hóa Nho giáo hóa”,  “Gia đình truyền thống VN với ảnh hưởng Nho giáo” là những bài viết vừa cụ thể vừa khái quát giúp người đọc nhận thức được những vấn đề cơ bản về Nho giáo, về nguồn gốc , quá trình Nho giáo hóa ở xã hội VN phong kiến và sự hiện diện của nó trong xã hội hiện đại. Những bài  “Về  vấn đề tìm đặc sắc văn hóa dân tộc”, “Thử suy nghĩ theo hướng khác : đi con đường thích hợp với thực tế Phương Đông lên chủ nghĩa  xã hội”,  “ Vài điểm xuất phát cho công cuộc mở rộng dân chủ trong xã hội ta”,  “Làng-họ : những vấn đề của quá khứ và hiện tại”,  “Tìm mô hình nhân cách và chiến lược phát triển”    là cụm bài tập trung vào chủ đề “hiện đại hóa” , nhưng khi nhìn vào hiện tại , hoạch  định chiến lược phát triển  cho tương lai thì không thể không nhìn lại quá khứ, do đó , những vấn đề của Nho giáo  lại được đề cập tới , tạo nên sự trùng lặp, song không vì thế mà nó nhàm chán mà nó trở nên sinh động, cụ thể khi được hướng tới một vấn đề có tính thời sự của cuộc sống hiện tại.

  Một vấn đề luôn có tính thời sự , luôn là tiêu điểm của mọi vấn đề đó là vấn đề CON NGƯỜI.  Khi bàn  về văn hóa, dù dưới giác độ nào , dù bàn về vấn đề gì thì cũng đụng chạm đến vấn đề con người , bởi con người vừa là khách thể vừa là chủ thể của văn hóa. Các bài viết về Nho giáo và một vài vấn đề khác đều đã giúp người đọc nhận diện được những nét cơ bản của con người VN , và có thể nói bài “Tìm mô hình nhân cách và chiến lược phát triển đặt ở cuối tập sách là bài viết lấy vấn đề con người làm đối tượng nghiên cứu trực tiếp, đã cho ta một cái nhìn hoàn chỉnh về con người VN từ quá khứ đến hiện tại , từ đó xây dựng một mô hình nhân cách cho con người VN  trong tương lai. Trong việc nghiên cứu con người VN, chúng ta đã mắc không ít sai lầm , một trong những sai lầm đó là đã  “Tô hồng” quá đáng để từ đó tự hào một cách ngây thơ và lố bịch mà không nhìn nhận những khuyết tật rất lớn, rất dai dẳng , gây cản trở không nhỏ cho việc phát triển toàn diện của dân tộc , của đất nước. Bằng cái nhìn khoa học tỉnh táo, GS  Trần Đình Hượu đã xác định rõ ràng quan điểm của mình khi nghiên cứu con người VN : “Muốn hiện đại hóa đất nước, cần tự phê phán một cách nghiêm chỉnh để thấy hết khuyết  tật của mình”.  Vì thế , khi đặt  vấn đề  tìm mô hình nhân cách  cho người VN cho tương lai, GS  không khỏi băn khoăn : “Cái ta tìm là một mẫu người lý tưởng . Nhưng hiện nay cái xấu đang lẫn với cái tốt , xấu nhiều hơn tốt, xấu có hiệu quả hơn tốt. Thanh niên, kể cả những người đầy thiện chí , muốn sống có lý tưởng , cũng không tránh được tùy thời  “đi theo ma mặc áo giấy” , lựa chọn cách sống theo những  “ giá trị bậc thấp” . Xu  thế như vậy dẫn đến hình thành trong đời sống xã hội một quang  cảnh đám cháy,  ném gì vào để dập  cũng lại bốc lửa. Mọi dự định cải tạo đều như muối bỏ biển, như đánh bùn sang ao. Nếu không ngăn chặn được xu thế suy thoái đó thì dầu có tìm được mô hình tốt cũng không thực hiện được. Cái tốt sẽ bị chế diễu , bị bóp méo, mô hình đưa ra không kiểm tra được  hậu quả . Mô hình tốt tự nó không ngăn chặn được xu thế suy thoái . Những người làm công tác giáo dục thanh niên thiếu niên (Đảng ,đoàn thể, nhà trường…) nên nhìn lại quá trình vừa qua . Chúng ta đã tốn công cho giáo dục, giáo dục văn hóa, giáo dục kỹ thuật và nhất là giáo dục chính trị không ít, nhưng kết quả thật ít và không bền. Cho nên , đồng thời với việc tìm mô hình nhân cách mới,  phải tìm cách ngăn chặn xu thế suy thoái và tìm biện pháp thực hiện mô hình mới có hiệu quả, hơn là cung cách giáo dục của ta vừa qua”.  “Thế giới hiện đại mà ta bước vào là một thế giới phân công và hợp tác trên quy mô thế giới, lao động, sản xuất nhiều ngành nghề, dựa vào KHKT  và trình độ tổ chức quản lý tinh vi. Đó là một xã hội phức tạp và đa dạng . Thế mà con người , theo mô hình “Người cán bộ cách mạng”   của ta lại đơn nhất đồng loạt , lấy cái bất biến là yêu nước, giác ngộ cách mạng , ham lao động , có văn hóa , sẵn sàng phục tùng sự sắp xếp của tổ chức  để ứng vạn biến”.    Đó là một cơ sở để   GS  Trần Đình Hượu đi đến luận điểm : “Tôi nghĩ rằng ngày nay, trước khi bàn về một mô hình nhân cách thì phải khẳng định sự tồn tại của nhân cách độc  lập đã . Có nhân cách độc lập mới có con người tự trọng . Có tự trọng  mới thành con người đáng  giá để có quan hệ với người khác, với đất  nước, với nhân loại . Muốn khẳng định nhân cách độc lập, con người cần được giải thoát khỏi tình trạng lệ thuộc… Tóm lại là cần có thể chế dân chủ, cần có luật pháp bảo vệ nhân quyền…”.

Bài viết  “Về vấn đề tìm đặc sắc văn hóa dân tộc” thể hiện những quan điểm mang tính khái quát ở tầm vĩ mô và đã được Giáo sư chỉ ra một cách rõ ràng: Đặc sắc dân tộc của văn hóa làm cho mỗi dân tộc hiện ra với những nét độc đáo, phân biệt với các dân tộc khác, đó là bằng chứng về bản lĩnh sáng tạo của dân tộc đó, vì thế tìm đặc sắc văn hóa dân tộc không phải chỉ để bồi dưỡng lòng tự hào, không phải chỉ để kế thừa theo lối lấy, bỏ , thêm bớt mà còn để phát huy tiềm năng sáng tạo, giải phóng sức sáng tạo. Từ đó, GS cũng đã thẳng thắn chỉ rõ những sai lầm, ngộ nhận trong sự nghiệp xây dựng một nền văn hóa  VN hiện đại đậm đà bản sắc dân tộc. Trong tình hình tự tôn dân tộc quá lố, tự hào dân tộc một cách ngây thơ khá phổ biến và dai dẳng trong các hoạt động văn hóa nghệ thuật của chúng ta (chẳng hạn như đòi thế giới trao giải Nô-ben cho văn học VN,v.v…) thì những luận điểm của GS Trần Đinh Hượu trong bài viết về văn hóa này thật cần thiết để chúng ta cảnh giác trước những suy nghĩ nông cạn và bốc đồng đó.”Giữa các dân tộc, chúng ta không thể tự hào là nền văn hóa của ta đồ sộ, có những cống hiến lớn lao cho nhân loại, hay có những đặc sắc nổi bật…Không có một ngành khoa học, kỹ thuật, giả khoa học nào phát triển đến thành  có truyền thống. Âm nhạc, hội họa, kiến trúc đều không phát triển đến tuyệt kỹ. Trong các ngành nghệ thuật, cái phát triển nhất là thơ ca. Hầu như người nào cũng có thể, cũng có dịp làm dăm ba câu thơ. Nhưng số nhà thơ để lại nhiều tác phâm thì không có. Xã hội có trọng văn chương, nhưng cũng chưa bao giờ tôn ai là Thi bá, va bản thân các nhà thơ cũng  không ai nghĩ cuộc đời, sự nghiệp của mình là ở thơ ca. Chưa bao giờ trong lich sử dân tộc, một ngành văn hóa nào đó trở thành đài danh dự, thu hút, qui tụ cả nền văn hóa”. Khi nghiên cứu bản sắc của văn hóa VN, chúng ta không thể không nghiên cứu thiết chế khá chặt chẽ của cơ cấu Làng VN, điều này dẫn đến việc văn hóa cũng có đơn vị là làng, có quy mô làng xã. Tranh làng Hồ, hát Quan họ không những có gốc làng mà còn là quy mô làng…Từ đó, GS đã đưa ra một kết luận quan trọng:”Văn hóa của ta phát triển rộng, ở nhiều vùng, nhưng quy mô, trình độ gắn với đời sống làng xã, chưa có sự chi phối của đô thị”.

Những nhận định về đặc điểm của con người VN của GS Trần Đình Hượu cũng rất đáng chú ý khi nghiên cứu bản sắc của con người VN : thiết chế làng xã đã quy định việc lựa chọn ý thức hệ của người VN. Không có một hệ tư tưởng tôn giáo hay triết học nào đã ra đời ở ta. Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo và sau này Gia tô giáo đều từ ngoài du nhập vào. Nói về ảnh hưởng của Nho giáo, GS khẳng định: Nho giáo đi rất sâu vào văn hóa tinh thần. Về mặt văn hóa, Nho giáo định hướng và sắp xếp các hoạt động tư tưởng, tôn giáo, nghệ thuật. Nói về mỹ cảm của con người VN, GS cho rằng: Cái Đẹp vừa ý là xinh, là khéo. Ta không háo hức cái tráng lệ, huy hoàng, không say mê cái huyền ảo, kỳ vĩ. Màu sắc chuộng cái dịu dàng, thanh nhã, ghét sặc sỡ. Quy mô chuộng sự vừa khéo, vừa xinh…Tất cả đều hướng vào cái đẹp dịu dàng, thanh lịch, duyên dáng và có qui mô vừa phải… Nhìn vào lối sống, quan niệm sống, ta có thể nói người VN sống có văn hóa, người VN có nền văn hóa của mình. Những cái thô dã, những cái hung bạo đã bị xóa bỏ đế có cái nền nhân bản. Tinh thần chung của văn hóa Việt Nam là thiết thực linh hoạt, dung hòa. Không có khát vọng để hướng đến những sáng tạo lớn mà nhạy cảm, tinh nhanh, khôn khéo gỡ các khó khăn, tìm được sự bình ổn. Đó là sự lắng đọng, đã ổn định, chắc chắn là kết quả của sự dung hợp của cái vốn có, của văn hóa Phật giáo, văn hóa Nho giáo, cái được dân tộc sàng lọc, tinh luyện để thành bản săc của mình… Con đường hình thành bản sắc dân tộc của văn hóa không chỉ trông cậy vào sự tạo tác của chính dân tộc đó mà còn trông cậy vào khả năng chiếm lĩnh, khả năng đồng hóa những giá trị văn hóa bên ngoài…

Trong Lời tựa, GS Trần Đình Hượu có nói rằng những bài được lựa chọn đưa vào tập sách này chỉ có ý nghĩa là “tiêu vè”, có ý nghĩa đặt vấn đề. Nếu tác giả còn tiếp tục nghiên cứu vấn đề con người, vấn đề con đường từ truyền thống đến hiện tại, thì những bài viết trong cuốn sách này có thêm ý nghĩa chuẩn bị cho hướng  nghiên cứu tổng quát theo bình diện văn hóa – tức là nhìn các vấn đề nhân văn và xã hội trong quan hệ giữa con người  và thiên nhiên. Theo tác giả, với sự chú ý đến quan hệ tương tác nhiều chiều và với qui luật, cách nhìn tổng quát theo bình diện văn hóa, vị trí của ý thức hệ sẽ được xác định đúng hơn. Nho giáo, Tam giáo – có lẽ đúng hơn là một cách kết hợp kiểu VN với các thứ ấy – sẽ là một đầu mối để nhìn con đường phát triển, để nhìn con người VN, con người nhận thức, lựa chọn để thích ứng, sáng  tạo, tức là làm động lực cho phát triển. Đồng thời, con người đó cũng  tùy theo truyền thống văn  hóa của mình mà chọn những mục tiêu hợp với mình, chi phối hướng đi và cung cấp phát triển kinh tế, chính trị, xã hội. Rất tiếc, ý định đó  chưa kịp thực hiện thì GS Trân Đình Hượu đã đột ngột ra đi!...Đó là một thiệt thòi lớn  cho KHXH và Nhân văn VN, bởi cho đến nay, việc nghiên cứu văn hóa VN vẫn chưa có sự định hướng đúng, việc tự nhận thức mình “Ta là ai?” vẫn còn là thách đố !... 
Sài Gòn, Tháng 5-2009
Đỗ Ngọc Thạch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét