Chủ Nhật, 17 tháng 3, 2013

Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch - Trích:...Nữ Võ sĩ...





Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch - Trích: Võ trạng nguyên truyện; Nữ võ sĩ...

57 truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch trên phongdiep.net 
- Trích: Võ Trạng Nguyên truyện; Nữ Võ sĩ...

profile picture

Đỗ Ngọc Thạch (SG, 2010)

2. ĐỊA LINH NHÂN KIỆT

7.TRẠNG ME ĐÈ TRẠNG NGỌT 8.KÝ ỨC HÀ NỘI
9.TƯỢNG NHÀ MỒ      10.CHUYỆN MỘT NHÀ BÁO


NỮ VÕ SĨ HUYỀN ĐAI- Đỗ Ngọc Thạch


NỮ VÕ  SĨ HUYỀN ĐAI 


Truyện ngắn của  Đỗ Ngọc Thạch  
 


Qua đèo An Khê, người ta sẽ thấy một thung lũng rất đẹp, núi non sông nước hiện ra như một bức tranh thủy mặc. Người già nói rằng, từ xa xưa, những người phát hiện ra vùng đất này, sau khi vượt núi băng rừng, tức là qua đèo An Khê, đã thấy một thung lũng sơn thủy hữu tình, dòng suối (khê) trong vắt uốn lượn quanh quanh tạo nên một bản hòa âm vô tận, thật là một cảnh an bình. Vì thế thung lũng này được đặt tên là An Khê. Sau này là huyện An Khê thuộc tỉnh Gia Lai.  Cái đèo ngăn cách vùng đất này với tỉnh Bình Định cũng được lấy theo tên An Khê. Còn dưới  thời Trịnh Nguyễn phân tranh, vùng này được gọi là Tây Sơn thượng đạo - là nơi ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ dùng làm căn cứ thao luyện binh mã làm nên cuộc khởi nghĩa Tây Sơn có một không hai trong lịch sử.


        Bà Ba Long Nữ cùng cô con gái Sơn Nữ sống trong một căn nhà tranh vách gỗ khá lớn trên sườn núi vắng  vẻ ở bên cạnh  thung lũng An Khê, nơi tiếp giáp giữa An Khê và huyện  K’Bang – có thung lũng Kon Hà Nừng, nơi Nguyễn Huệ đã dùng để luyện tượng binh. Xung quanh Kon Hà Nừng là núi rừng trùng điệp… 

        Cha bà Long Nữ là dân đất võ Bình Định, đã từng đứng trong đội quân bách chiến bách thắng của Tây Sơn, khi Nguyễn Ánh truy sát tàn quân Tây Sơn thì sống ẩn dật ở vùng núi rừng hẻo lánh này, làm nghề săn bắn và dạy võ kiếm sống. Bà Long Nữ thừa hưởng ở người cha sức mạnh dẻo dai của loài hổ báo và những tinh túy của môn quyền  thuật đã từng nổi tiếng với tên gọi  Quyền chiến Tây Sơn. Là một cô gái xinh đẹp lại giỏi võ thuật, rất nhiều trai tráng trong vùng  và cả quanh vùng đến cầu hôn, nhưng cô Long Nữ vẫn không  tìm được chồng vì không có ai qua được kỳ tỉ thí kén rể của ông võ sư. Tính từ lần cầu hôn  đầu tiên năm cô Long Nữ 16 tuổi, phải đến năm năm sau mới có người lại xin tỉ thí. Chàng trai này cũng là dân đất võ Bình Định, nhưng phải đấu đến lần thứ hai mới hạ được cô Long Nữ. Nhưng vợ chồng chỉ sống với nhau được ba năm. Lần cãi nhau cuối cùng đúng vào bữa cơm tối. Đi đâu về vừa mệt vừa đói, anh chồng chê mặn chê nhạt đủ điều, cô Long Nữ không những chẳng vỗ về an ủi mà còn châm chọc ; tức giận, anh chồng ném cái bát vào mặt vợ . Người vợ nhanh tay bắt được cái bát, nhẹ nhàng đặt xuống chiếu rồi bình thản nói :

       - Cái bát sứ này người ta đem từ bên Tàu qua tặng, không thể để nó bị vỡ đi được !...
        Người chồng  thấy vậy thì càng tức giận, liếc thấy cái chày gỗ cẩm lai bóng láng bèn chộp lấy  và ném vút vào đầu vợ. Người vợ cũng nhanh tay chộp được cái chày, lại nhẹ nhàng để xuống  bên cạnh và nói dằn từng tiếng :
        - Đầu tôi mà anh nhìn nhầm là cái cối thì đúng là quáng gà rồi !
        Người chồng cả thẹn, lại càng tức giận hơn, rút con dao chọc tiết heo nhằm ngực vợ mà phóng tới. Người vợ nằm rạp xuống tránh đồng thời nhanh tay bắt gọn con dao. Người chồng thấy vậy hoảng sợ cực độ quay đầu chạy mất hút !...

       Lúc người chồng bỏ chạy và đi luôn không trở lại cũng là lúc cô Long Nữ trở dạ sinh ra cô bé Sơn Nữ. Năm cô bé Sơn Nữ sáu tuổi, người mẹ gởi con cho ông cậu ở thành phố Qui Nhơn để cho cô bé được học văn hóa vì người mẹ không muốn con mình trở thành võ sĩ như mình . Nhưng số phận thật trêu ngươi, ông cậu kia lại đem hết bí truyền của Quyền chiến Tây Sơn mà dạy cho cô cháu gái vì thấy nó rất có năng khiếu, không thua gì mẹ nó ngày xưa .
             *  *  * 
Thời gian thấm thoát thoi đưa,  mười năm sau cô bé Sơn Nữ đã trở thành một thiếu nữ mười phần xinh đẹp, và điều khiến ông cậu ngạc nhiên cực độ là cô gái giống người mẹ như từ cùng một khuôn đúc ra vậy. Sơn Nữ không chỉ giống mẹ về hình hài, dáng vẻ mà cả về năng lực võ thuật, cô cũng giống mẹ như hình với bóng ! Mỗi khi nhìn cô cháu gái kết thúc bài thảo bộ Thiền sư ông cậu lại bâng khuâng, lặng người hồi lâu bởi cái dáng dấp ấy, cái giọng đọc câu Thiệu ấy  y chang cô em gái ông năm xưa :

        … Tung hoành ngũ lộ, tấn đả tam quang
            Bạch hạc tầm giang, kim kê độc lập
             Năm cô gái Sơn Nữ mười sáu tuổi, cũng giống như mẹ cô năm xưa, nhiều chàng trai đến cầu hôn. Nhưng ông cậu dứt khoát từ chối vì cô gái đang học năm cuối phổ thông trung học và nguyện vọng của người mẹ là cô con gái phải vào đại học. Ông cậu nhẩm tính, nếu duyên phận  của Sơn Nữ lặp lại giống như chuyện của mẹ nó thì sáu năm nữa, lúc Sơn Nữ 22 tuổi, cũng là lúc nó  học xong đại học, lúc đó nó lấy chồng là vừa, đúng như tuổi lấy chồng của mẹ nó trước đây ! Người ta hay nói câu “ Người tính không bằng trời tính”, quả không bao giờ sai !  Sự từ chối quyết liệt những lời cầu hôn tha  thiết và có phần mê si  kia của cậu cháu cô Sơn Nữ không làm nản lòng các chàng  trai, họ tìm trăm phương ngàn kế để mong  chiếm đoạt được người đẹp. Một kẻ trong số đó đã dùng  độc kế , quyết bắt cóc cô Sơn Nữ.

            Là con cưng của một đại gia ở Qui Nhơn, hắn đã thuê mười võ sĩ đai đen để thực hiện âm mưu của mình. Một buổi sáng , như thường lệ, cô Sơn Nữ đang tập chạy bộ trên bãi biển thì bất ngờ có năm thanh niên lực lưỡng chặn đường và không nói gì, nhất loạt xông vào với những chiêu thức rất hung bạo. Cô Sơn Nữ thoáng giật mình, song dòng máu con nhà nòi nghề võ đã giúp cô nhanh chóng nhận ra tình thế và kịp thời ứng phó. Cô vừa né tránh, đỡ đòn vừa tìm cách thoát hiểm nhưng cô cảm  thấy đối phương  không hề nương tay, tấn công càng dữ dội hơn. Chưa bao giờ phải đánh nhau kiểu này, nay lại bị dồn ép  quá đáng, máu nóng bốc lên, cô Sơn nữ dùng đòn đánh bí quyết gia truyền, nhằm huyệt đạo  của năm thằng kia mà ra đòn nhanh như chớp giật. Khi năm thằng thanh niên đã nằm bất động trên bãi cát, cô Sơn Nữ định chạy về thì bất ngờ có hai cảnh sát sắc phục chỉnh tề xuất hiện. Một người rút ra một  cái còng số tám và nói:

            - Cô Sơn Nữ ! Cô đã bị bắt về tội giết người !
              Sơn Nữ cự lại :
           - Tôi không giết người ! Bọn chúng đã vô cớ tấn công tôi, tôi chỉ tự vệ !
           Người cảnh sát kia nói :
  -  Dù có tự vệ, cô cũng không được ra độc thủ chết người như vậy. Cô hãy theo chúng tôi về đồn, hạ hồi phân giải .

        Trong khi cô Sơn Nữ đang giằng co với hai người cảnh sát thì thằng con trai con đại gia kia xuất hiện. Hắn nói xin bảo lãnh cho Sơn Nữ và đưa cho hai cảnh sát kia hai xếp tiền mới cứng. Hắn nắm tay Sơn Nữ vừa lôi đi vừa nói :
        - Cô hãy  theo tôi biến nhanh khỏi nơi này, xảy ra án mạng là rắc rối lớn đó.
         Sơn Nữ lờ mờ nhận thấy tính chất phức tạp của sự việc, hơn nữa cô chưa bao giờ lâm vào tình huống chết người như thế này nên cô vô cùng bối rối và để mặc cho gã thanh niên kia lôi cô đi ! Chạy hết bãi cát, hắn đưa cô lên một chiếc xe con bóng láng và xe chạy vòng vo một lúc thì tới một cái biệt thự khá lộng lẫy. Khi đã ngồi trong một căn phòng sang trọng, mát lạnh, Sơn Nữ mới dần dần bình tĩnh suy nghĩ lại đầu đuôi sự việc…

           “… Mình không thù oán với ai, tại sao lại bị tấn công hung bạo như vậy ? Có phải là bọn chuyên bắt cóc các cô gái trẻ ? Tại sao hai người cảnh sát kia lại xuất hiện đúng lúc như vậy ? Và tại sao cái gã trai này cũng xuất hiện đúng lúc  và có sẵn hai xếp tiền ? Tại sao hai người cảnh sát nhận tiền và rút đi mau lẹ thế ? Tại sao hắn lại đưa mình tới đây mà không hỏi nhà mình ở đâu và đưa mình về nhà mình mới hợp lẽ chứ ! Mọi việc sao xảy ra liên hoàn và ăn khớp với nhau làm sao ? Phải chăng do một bàn tay đã sắp đặt trước ? Cứ như là trong phim Hồng Kông, và đạo diễn chính là hắn…”.   Sơn Nữ miên man suy nghĩ và cô bỗng giật thót khi nhận ra gã trai này đã không  chỉ một lần , đã đi cùng người nhà tới gặp ông cậu cô để cầu hôn. Cô Sơn Nữ vừa nghĩ tới đó thì gã trai kia xuất hiện, tay cầm ly nước cam, miệng cười toe toét  :

            - Cô không sao chứ ? Mời cô uống nước !
             Sơn Nữ ngầm vận công, chú mục nhìn hắn và nói :
           - Anh mau đưa tôi về nhà tôi ! Sắp tới giờ tôi phải đi học !
          -  Trời đất ! – Hắn cười to -  Cô đã đánh chết năm mạng người, tội tày trời như vậy mà còn đi học được sao ? Cô uống nước lạnh đi cho tỉnh táo rồi chúng ta sẽ bàn cách thu xếp ổn thỏa vụ này !
          Sơn Nữ nói dằn từng tiếng :

          - Màn kịch trò mèo vừa rồi của anh không gạt được tôi đâu ! Anh định làm tiếp những gì tôi đã biết tỏng : Ly nước có thuốc mê kia sẽ giúp anh làm tiếp điều bỉ ổi đối với tôi phải không ? Đừng có mơ !
           Sơn Nữ dứt lời  thì vụt đứng dậy, cô bước nhanh ra cửa. Nhưng cô vừa đi được ba bước, gã trai kia đã chộp được tấm vải trải gường quăng  về phía  cô Sơn Nữ, khi tới sát đỉnh đầu cô gái, tấm vải xòe ra như một cái dù và nó như đang nhằm đầu cô mà úp xuống. Đúng lúc đó, Sơn Nữ né người, vươn tay tóm được góc tấm vải, quay một vòng thì tấm vải đã cuốn quanh cổ tay cô. Gã trai kia thấy vậy thì rút sau lưng ra cái côn nhị khúc và xoay tít mù. Gã trai chưa kịp ra đòn thì cô Sơn Nữ đã nhanh hơn, chỉ nghe một tiếng  “vút”, tấm vải đã cuốn kín mặt gã . Sơn Nữ lao ra khỏi cửa…
            *  *  * 
Cô Sơn Nữ không biết năm gã thanh niên tấn công cô ở bãi biển có chết hay không, nhưng chỉ một ngày sau cô đã bị bắt giam. Ông cậu nói cô sẽ bị ra tòa vì tội giết năm mạng người, bản án dành cho cô rất nặng. Một ngày sau nữa, ông cậu lại nói, lão đại gia kia sẽ bảo lãnh và tòa sẽ xử trắng án nếu cô chịu cưới con trai lão ! Nghe nói vậy, Sơn Nữ vụt nảy ra một ý nghĩ, cô nói với ông cậu :

      - Ở văn phòng  Luật  sư, cháu thấy có mấy người là võ sinh của cậu. Vậy cậu hãy đến thông báo với họ rằng, ai cãi cho cháu được trắng án, cháu sẽ làm vợ người đó.
        Ông cậu giật mình, ngớ người rồi la lớn :
        - Trời ơi  !  Có vậy mà sao  tao không nghĩ ra ! Không chỉ ở cái thành Qui Nhơn này, mà cả ở Sài Gòn, ở Thăng Long tao cũng có tới vài chục môn đệ. Tao sẽ báo cho tất cả chúng nó về đây cứu cháu tao !
          Ông cậu Sơn Nữ mừng rú, phóng đi, tới văn phòng Luật sư Qui Nhơn, gọi điện thoại về Sài Gòn, ra Hà Nội… Chỉ sau một ngày, mười sáu luật sư đã có mặt. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên chăng : số luật sư đúng bằng số tuổi Sơn Nữ. Và điều cậu cháu Sơn Nữ tin tưởng, hy vọng đã thành sự thật : cô được trắng án. Cô muốn kiện gã con trai lão đại gia kia, nhưng các luật sư đều nói, không có bằng chứng không thể kết tội gã âm mưu giăng bẫy hại cô được. Vả lại , thế lực của lão đại gia cũng không thể coi thường, nếu đấu bằng pháp luật với lão, chưa biết chừng tiền mất tật mang. Việc này cậu cháu cô Sơn Nữ dễ cho qua, nhưng còn lời hứa làm vợ vị luật sư nào thì quả là nan giải !  Mười sáu vị luật sư, ai cũng có bằng  cấp  cao tót, mặt mũi khôi ngô tuấn tú và ai cũng cho rằng mình là người có công đầu trong vụ án phức tạp và nghiêm trọng này .

          Rất nhiều giải pháp được đưa ra, song đều không thỏa  đáng, vì nhiều lý lẽ khác nhau, đúng là thiên lý vạn lý !  Cuối cùng , một vị luật sư lấy lá số tử vi của cô Sơn Nữ ra coi thì thấy rằng phải tới năm 22 tuổi, cô mới tới thời điểm lên xe hoa. Thế là đành phải chờ thời gian – vị quan tòa thông minh nhất, phán xử !  Thì ra, ở lĩnh vực nào cũng vậy, thời gian bao giờ cũng quyết định hết thảy.

           Vụ án đã được giải quyết, Sơn Nữ được trắng án, cố nhiên. Tuy thế, cô Sơn Nữ vẫn bị thiệt thòi : lỡ mất kỳ thi tốt nghiệp trung học và đương nhiên, cô không được thi vào đại học. Đến lúc ấy, cậu cháu Sơn Nữ mới cho bà mẹ đang ở An Khê biết đầu đuôi câu chuyện tai họa này. Nghe xong, bà mẹ không buồn , cũng chẳng  vui! Bà nói ngay :
          - Hẳn là cái số con gái tôi nó cũng giống tôi, không học nhiều chữ được. Văn võ khó mà song toàn, đó là của hiếm. Bây giờ, thích ở lại Qui Nhơn với cậu hay lên An Khê với mẹ thì tùy con quyết !   
       
           Ông cậu Sơn Nữ cay cú chuyện vào đại học nên bảo Sơn Nữ ở lại Qui Nhơn, sang năm học mới đi học lại, cơ hội dự thi vào đại học vẫn còn. Song , cứ nghĩ tới cái cảnh Sơn Nữ tuổi xuân đang hơ hớ, bọn trai tráng kia rình rập tối ngày, mà cái dã tâm độc ác như con trai lão đại gia hẳn là không phải không có, đúng là “khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên”, tai họa ập xuống bất cứ lúc nào , biết sao mà lường ! Cuối cùng, ông cậu cũng không biết nên thế nào cho phải lẽ.

         Riêng Sơn Nữ, tuy chưa từng trải đời, nhưng bằng vào sự quan sát  khá kỹ cuộc sống, bằng vào sự nhạy cảm bẩm sinh cô đã hiểu phần nào cái câu người ta thường nói  “Sự đời trớ trêu, nghiệt ngã, lắm trái oan” vân vân và vân vân. Song sự năng động của tuổi trẻ, bản lĩnh tự tin bẩm sinh của con nhà võ đã giúp cô dám đối mặt với mọi thách thức của cuộc đời. Cô quyết định ở lại Qui Nhơn, đi học lại và sẽ thi đại học vào năm sau.
      *  *  * 
Việc vào đại học đối với một số người thì rất dễ dàng, đối với rất nhiều người thì khó khăn, trầy trật, còn đối với không ít người thì mãi mãi chỉ là mơ ước ! Bởi vì, hầu hết người ta đều không biết ( hoặc biết nhưng không chịu chấp nhận) rằng tri thức có một quy luật đặc thù, bất biến , gọi là Quy luật hình chóp ! Nghĩa là càng lên cao thì số người học được càng ít đi. Một vị luật sư trong mười sáu vị đã cứu Sơn Nữ khỏi vụ án nói với cô như vậy. Anh ta còn nói, hãy vào đời bằng khả năng tốt nhất mà mình có, tức mình có sở trường gì thì hãy đem ra thi thố với đời ! Đối với Sơn Nữ, sở trường của cô chính là võ thuật ! Nói tới nói lui, sau cùng thì anh ta kết luận : Sơn Nữ chỉ có thể tồn tại một cách đàng hoàng bằng khả năng võ thuật .Hỏi sử dụng khả năng ấy như thế nào thì anh ta nói : Mở lò võ chỉ là thứ yếu, mà chủ yếu là làm công việc vệ sĩ , bảo vệ các nhân vật VIP, các Công ty làm ăn lớn .

       Con nhà võ nói chuyện với nhau rất mau lẹ, ngắn gọn, cậu cháu Sơn Nữ thấy hưng phấn bội phần và nhờ sự tham vấn ,giúp đỡ của các vị luật sư đầy nhiệt tình, chỉ mấy ngày sau công ty vệ sỹ Tây Sơn đã chinh thức khai trương. Đúng giờ khai trương, bà mẹ Sơn Nữ khăn gói ra đi, không nói gì với ai. Sơn Nữ muốn mẹ cắt băng lễ nghi treo bảng hiệu công ty, nhưng tìm không thấy mẹ đâu, hỏi thì ông cậu nói:

   - Hẳn là mẹ cháu đã đi An Khê, ở đây chắc không thích hợp với bà ấy, rừng nào cọp  nấy mà cháu ! Cậu thấy nên mời ông chủ tịch phường làm nghi thức này  . Ông ta cũng đã từng thọ giáo cậu bài roiNgũ môn phá trận     , ổng quý mình thật lòng, vả lại người xưa có câu “Phép vua thua  lệ làng”, mình đã sống ở đất này thì trăm sự đều phải trông cậy cả vào ông Chủ tịch phường!...

   Quả nhiên, ông Chủ tịch phường  rất thích thú, dường như ông đến đây chỉ để làm cái việc vinh dự này. Xong phần nghi thức, ông liền trình diễn bài roi Ngũ môn phá trận thật là ngoạn mục, những câuthiệu của bài roi được ông đọc thật hào sảng:
   … Lan thiên thám thủy hồi tam chiến
        Lập bộ lôi côn phá ngũ môn !... 

        Sau bài roi Ngũ môn phá trận của ông Chủ tịch phường, mọi người vỗ tay rần rần và đòi cô Giám đốc công ty vệ sĩ Tây Sơn là Sơn Nữ biểu diễn bài thảo bộ Thiền sư. Hết bài Thiền sư , họ lại đòi bài thảo bộ Ngọc trản. Hết bài Ngọc trản, họ lại đòi bài thảo bộ Phượng hoàng. Kiểu này không biết dừng ở đâu nếu như mười sáu vị luật sư không nhanh trí nhất loạt bay vút ra khi cô Sơn Nữ đi bài thảo bộPhượng hoàng. Một quang  cảnh ngoạn mục chưa từng thấy : cô Sơn Nữ như là đang bay lượn như chim phượng hoàng giữa đàn gà!…
       Sau buổi lễ khai trương của Công ty vệ sĩ Tây Sơn, khách hàng  đến ký hợp đồng nhiều quá mọi dự kiến của các thành viên công ty. Ông cậu Sơn Nữ lãnh trách nhiệm nhân sự của công ty đã phải tìm đến các môn đệ của ông từ năm, mười năm trước mời họ đến làm việc cho công ty…Chỉ sau một tháng hoạt động, Công ty vệ sĩ Tây Sơn đã phát triển ,với tốc độ không ngờ. Các vị luật sư trong Ban cố vấn  đã phải bàn tới một kế hoạch mới về rất nhiều vấn đề bức thiết : Xây dựng mới toàn bộ cơ sở hạ tầng, trang bị đầy đủ máy móc, phương tiện hành nghề, đặt các văn phòng đại diện ở một số thành phố lớn , vân vân…

      Riêng đối với Sơn Nữ, Ban cố vấn nói cô chưa nên trực tiếp đi thực thi các phi vụ mà thường trực ở nhà để theo dõi, điều hành công việc, ra chỉ đạo kịp thời cho các tổ, nhóm đang hành nghề ở xa, qua đó đúc kết kinh nghiệm, lập ra các phương án tác chiến chuẩn mực làm bài học, phương pháp hành động cho toàn công ty. Thực ra , các vị luật sư trong Ban cố vấn e sợ cô Giám đốc còn trẻ người non dạ mà   “giang hồ thì hiểm độc” lỡ có “sứt mẻ” thì đau xót lắm !  Sơn Nữ cũng thừa biết hảo ý của Ban cố vấn nên nghe nói như vậy cô chỉ cười tán đồng, nhưng cô  âm thầm thành lập một tổ đặc biệt tinh nhuệ do chính cô làm tổ trưởng. Tổ này sẽ thực hiện các hợp đồng lớn, đặc biệt quan trọng và sẵn sàng chi viện, ứng cứu các tổ khác, nếu cần thiết.

       Tổ đặc biệt tinh nhuệ vừa hoàn tất các khóa huấn luyện đặc biệt thì cùng lúc, nhận được điện yêu cầu chi viện từ ba nơi ở ba miền đất nước : Hà Nội, Huế  và Sài Gòn ! Quả là một sự thử thách lớn đối với Sơn Nữ và đội đặc nhiệm. Tuy nhiên, Sơn Nữ rất tự tin, chia đội đặc nhiệm ra làm ba, bay ngay đến nơi gọi chi viện, cô dẫn một tổ đi Huế.Đến Huế, gặp nhóm cộng tác mới hay : có một băng cướp  đang âm mưu  bắt cóc cả khách hàng và nhóm vệ sĩ ! Sơn Nữ và mọi người đang bàn thảo cách đối phó thì khoảng hơn chục thằng cao to lực lưỡng, tay cầm côn sắt  ào tới ! Nhóm của Sơn Nữ chỉ có năm người, đang ngồi bên bờ sông Hương, như vậy chỉ có một lối thoát duy nhất là bước qua xác bọn võ sĩ hung tợn kia. Nói thì chậm, làm thì nhanh, năm người của Sơn Nữ đứng tấn trên năm cánh sao, tiếp cận đối thủ nhanh hơn chúng nghĩ ! Chỉ sau một phút giao đấu, một thằng trong bọn kia la lớn : “Quyền chiến Tây Sơn !” rồi cả bọn nhất loạt tháo chạy. Thì ra, băng cướp này do hai thằng đại ca sinh đôi là con cháu một viên quan nhà Thanh sang làm cố vấn cho triều đình nhà Nguyễn, cầm đầu, khi nhận ra Quyền chiến Tây  Sơn đã rụng rời cả chân tay. Khi biết rõ điều này, các vị luật sư cố vấn thoáng nghĩ : sẽ mở rộng võ đường Tây Sơn thành võ đường lớn nhất nước. Thì đó, một nhóm  ra chi viện cho Hà Nội cũng không tốn một mũi tên, hòn đạn nào : Cầm đầu băng cướp ở Hà Nội là một thằng hậu duệ của Lê Chiêu Thống, sau khi biết tin  “quân Tây Sơn” có tiếp viện thì bỏ của chạy lấy người. Còn nhóm chi viện cho Sài Gòn thì đụng với một băng cướp đường sông khét tiếng chủ yếu hoạt động ở mạn sông Tiền, sông Hậu. Khách hàng là một ông chủ đầu tư người Đài Loan, đã bị bọn chúng bắt và đòi một món tiền chuộc khổng lồ. Sau khi giải quyết xong chuyện ở Huế, Sơn Nữ cùng nhóm vệ sĩ bay luôn vào Sài Gòn.

         Sơn Nữ vụt nghĩ đến trận thủy chiến Rạch Gầm – Xoài Mút năm xưa của Nguyễn Huệ đại phá quân Xiêm-La và cô quyết định giao tiền giao người tại địa điểm đó. Bọn cướp thấy việc trao đổi được chọn trên sông nước thì chúng mừng rú , chúng nghĩ đến  việc cướp không món tiền này và sẽ lại đòi tiền chuộc lần thứ hai. Nhưng chúng đâu có ngờ rằng trận thủy chiến Rạch Gầm – Xoài Mút thời hiện đại đã diễn ra mau lẹ, chớp nhoáng và kết quả là chúng đã bị Sơn Nữ bắt sống toàn bộ đem giao nộp công an. Thì ra già nửa bọn này là người Thái, số người Việt cũng đã từng qua Thái Lan học võ Thái, mà võ sư lại là hậu duệ của mấy viên tướng Xiêm La đã bại trận ở Rạch Gầm – Xoài Mút ngày xưa.

         Sau vụ giải quyết một cách thần tốc ba băng cướp đó, công ty vệ sĩ Tây Sơn đã trở thành một doanh nghiệp lớn. Ngày sinh nhật một năm tuổi của công ty  cũng là ngày tân gia trụ sở mới khang trang, bề thế với đầy đủ trang thiết bị tối tân, hiện đại nhất mà nhiều doanh nghiệp khác có mơ cũng chưa dám. Tớidự tân gia của công ty vệ sĩ Tây Sơn có nhiều công ty  vệ sĩ trên nhiều miền đất nước. Những công ty này đa phần là do các vị tướng tá đã về hưu  của các ngành cảnh sát, bảo vệ , tình báo, hải quan, đặc công…sáng lập và điều hành. Họ thầm thán phục tài năng của cô giám đốc trẻ Sơn Nữ nhưng cái quy luật khắc nghiệt   “Thương trường là chiến trường” đã khiến  nhiều vị thuộc thế hệ lão làng không yên và có vị đã muốn thôn tính cái công ty non trẻ của Sơn Nữ. Chuyện này cũng dài dòng và phức tạp nhưng không phải là mối lo của cô Sơn Nữ và Ban cố vấn.  Mà mối lo của Sơn Nữ lại là một chuyện vô cùng bất ngờ, như một con  sóng thần ập vào cô…
           *  *  * 
       Công ty vệ sĩ Tây Sơn nhận được năm hợp đồng lớn của năm chủ đầu tư đến từ năm quốc gia thuộc năm châu lục về năm loại đặc sản của khu vực Tây Nguyên : cao su, cà phê, chè, gỗ và bò. Các chủ đầu tư yêu cầu hai vệ sĩ trong suốt quá trình khảo sát thực địa khoảng một tháng. Như vậy , Sơn Nữ phải huy động hết mười hai người của tổ đặc biệt tinh nhuệ , cứ hai người đi theo một chủ đầu tư, còn Sơn Nữ và một vệ sĩ nữa đóng đại bản doanh tại Plây-ku để theo dõi hoạt động của năm nhóm kia và kịp thời chi viện khi cần thiết.

Tháng Ba Tây Nguyên đẹp hơn nhiều những gì bài ca bay vút  trên thinh không : “Tháng Ba, mùa con ong đi lấy mật…”.   Đúng là vẻ đẹp của thiên nhiên không thể nói hết dù bằng cả thơ ca, nhạc họa. Vượt qua đèo An Khê, bầu trời  như rộng hơn, cao hơn. Những đám mây trắng bay lượn trên bầu trời xanh vô tận như những đàn bạch mã rong ruổi trên thảo nguyên. Gió thổi vô hồi, đem đến cho người ta thật nhiều hương vị mới lạ. Sông Ba uốn lượn, róc rách hòa cùng với tiếng đàn Tơ-rưng tạo thành một bản giao hưởng thần tiên…Sơn Nữ như đang bước vào chốn bồng lai tiên cảnh, lòng ngập tràn cảm xúc lạ kỳ. Cô là đứa con của rừng xanh, lẽ ra cô phải sống ở đây để được ngâm mình trong dòng nước trong vắt, được chạm tay vào những  đóa hoa  rực rỡ, lung linh dưới nắng mai, được chơi đùa với bầy muông thú đang ẩn hiện trong màu xanh kỳ ảo của đại ngàn. Cô bỗng nhớ mẹ, muốn về ngay và sà vào lòng mẹ, nũng nịu, vòi vĩnh đủ chuyện…Nhưng chiếc xe LANCER đã vượt qua đèo Mang  Yang và một đám bụi đỏ mù mịt đột ngột   trùm lên chiếc xe bóng láng và cắt ngang  những cảm giác kỳ ảo đang bay lượn trong đầu Sơn Nữ. Chiếc xe lao vút đi, vùng đất đỏ bazan như muốn nuốt chửng nó…

        Theo kế hoạch, năm nhóm, mỗi nhóm gồm bốn người (hai người của nhà đầu tư, hai vệ sĩ kiêm lái xe) sẽ đi trên năm xe LANCER và tập kết ở Plây-ku sau nhóm tiền trạm của Sơn Nữ hai giờ. Sơn Nữ và vệ sĩ đi cùng đã chuẩn bị xong khách sạn, đã đi một vòng quanh cái phố núi nhấp nhô sóng  đồi và đã tới giờ hẹn mà vẫn chưa thấy năm nhóm kia tới. Gọi điện thoại ba lần vẫn không được. Hẳn là có sự cố gì đây ?

         Sơn Nữ linh cảm thấy có chuyện chẳng lành, cô gọi điện  về trụ sở công ty điều một xe đi  tìm theo đường liên tỉnh và cô cho xe  của mình quay lại. Gần tới An Khê, Sơn Nữ nhận được điện của xe đi từ  trụ sở  công ty báo là họ đã tới An Khê và thấy đoàn xe năm chiếc đậu kề một quán giải khát bên đường, trên mỗi xe đều có hai vệ sĩ ngất xỉu, còn mười người khách hàng đều đã mất tích.

         Khi Sơn Nữ tới chỗ đoàn xe đậu thì mười vệ sĩ đã tỉnh. Một vệ sĩ báo cáo với Sơn Nữ :
        - Mấy vị khách thấy phong cảnh An Khê đẹp nên yêu cầu dừng lại uống nước và vãn cảnh mươi phút. Không ngờ vừa uống xong ly nước thì chúng tôi không biết trời đất gì nữa.
         Chủ quán giải khát là hai vợ chồng ông bà già đã ngoài bảy mươi tuổi, vừa ngễnh ngãng vừa câm. Theo người vệ sĩ kia phán đoán thì bọn người bắt cóc bằng thuốc mê kia đã mượn quán  giải khát này để hành sự. Đang phân vân chưa biết tính sao thì có một chú bé không biết từ đâu chạy tới dúi vào tay Sơn Nữ một mảnh giấy chỉ có mấy chữ : “Nửa đêm mai đem một tỉ đồng đến nhận đủ mười người”. Sơn Nữ đọc xong mảnh giấy định hỏi đứa bé thì nó đã biến mất.

        Như là vô thức, Sơn Nữ cho đoàn xe về thị xã Plây-ku chờ lệnh còn xe mình lao vút về phía Kon Hà Nừng. Hoàng hôn đang ập xuống núi rừng nhanh như tốc độ chiếc  LANCER của Sơn Nữ. Khi cô về tới nhà mẹ thì trời đã sập tối. Bà Long Nữ như là biết trước cô con gái sẽ về, trên bàn ăn đã để sẵn hai cái tô và hai đôi đũa. Vừa nhìn thấy Sơn Nữ bà đã nói ngay :

       - Vô ăn cơm, hai con ! Hôm nay mẹ làm món đặc sản núi rừng cho con gái của mẹ, con sẽ rất thích.
        Đó là món gà rừng hầm với nấm mà hồi Sơn Nữ còn nhỏ, mẹ cô luôn làm cho cô ăn. Sơn Nữ và người vệ sĩ đi cùng đã đói bụng nên nhanh chóng hòa nhập vào bữa cơm và càng ăn càng quên đi mọi chuyện xảy ra ban chiều.
       Ăn xong , bà Long Nữ mới nhẹ nhàng hỏi con gái :

     - Con có việc gì hệ trọng mà ngó bộ dạng thảng thốt vậy ?
     - Dạ , công ty của con vừa bị mất người. – Sơn Nữ nói. Bà Long Nữ bình thản nói :
    -  Đó là tự các con chui vào bẫy , ráng mà chịu. Như ở trong rừng đó, những người thợ săn vẫn thường đặt bẫy bắt thú rừng. Các con tự cho mình là thợ săn hay là thú rừng ?
      Sơn Nữ như bừng tỉnh, cô nói khẽ :
     - Dạ, con đã hiểu ra rồi ! Nhưng con muốn biết ai đã làm việc này ?
     Bà Long Nữ mỉm cười :

  -  Giờ con đã lớn rồi, đã làm bà chủ một công ty, muốn biết gì thì tự tìm hiểu, không thể hỏi ai được.
      Sơn Nữ thoáng nghĩ, hay là mẹ mình chủ mưu vụ này ? Song cô gạt đi ngay, mẹ cô không thể là thủ lĩnh một băng cướp được !  Vùng này ai có đủ bản lĩnh để  làm chuyện động trời như thế được ? Sơn Nữ trở về công ty để gom tiền chuộc người,  ông cậu nói :

     - Ở khu vực đó, cậu thuộc như lòng bàn tay, phi bà Long Nữ ra không ai đủ bản lĩnh đối đầu với chúng ta. Hay là như vầy : cháu cứ đem tiền chuộc người, cậu sẽ đem quân mai phục lấy lại. Một tỷ đâu phải là nhỏ .
    - Thôi cậu ơi! – Sơn Nữ gạt đi – Cậu  vẫn hay nói “rừng nào cọp nấy “ đó sao? Cậu lên đó không chừng bị sa bẫy, cháu không cứu nổi đâu ! Công ty dư sức chuộc người!...

  Sau chuyện phải chuộc người ở An Khê, Công ty của Sơn Nữ tưởng như sẽ chẳng để sơ sẩy lần nào nữa.. Song, “họa vô đơn chí”, chỉ sau đó bốn tháng, Sơn Nữ nhận được điện thoại yêu cầu giải cứu ở đúng địa điểm đó, nhưng lần này không phải là khách hàng của công ty, mà người bị bắt cóc là một vị luật sư ở Hà Nội (trong số mười sáu  vị luật sư đã cứu Sơn Nữ năm xưa) đi cùng với một vị quan chức chính phủ và một đại gia ngành kim hòan ở Hà Nội. Vị quan chức chính phủ kia yêu cầu dùng biện pháp mạnh để giải thoát con tin và trừng phạt bọn bắt cóc chứ nhất định không chịu cho dùng tiền chuộc.

    Nhận được điện thoại, Sơn Nữ đi An Khê ngay. Sơn Nữ đã giải quyết vụ này như thế nào, không ai được biết. Ai tò mò gặng hỏi thì Sơn Nữ trả lời : “Chờ đến ngày tôi lên xe hoa mọi chuyện sẽ được công bố”!Biết đến bao giờ Sơn Nữ mối lên xe hoa? 
An Khê, l985  -  TP.HCM, 2005
Đỗ  Ngọc Thạch 

Phongdiep.net



Gửi email trang này cho bạn bè Mở cửa sổ in bài viết này

Đường Văn :: 




VÕ TRẠNG NGUYÊN TRUYỆN- Đỗ Ngọc Thạch


Truyện  ngắn  của  Đỗ Ngọc Thạch 



VÕ  TRẠNG  NGUYÊN TRUYỆN 


1. Về Trường thi Võ 

Minh Mạng là vị vua thứ hai của Triều Nguyễn, trị vì 21 năm (1820-1841), được coi là vị vua năng động, quyết đoán và có nhiều cải cách: lập thêm Nội các, Cơ mật viện ở Kinh đô Huế, tổ chức lại quân đội, củng cố chế độ thi cử để chọn người tài : Trạng Nguyên Văn (năm 1822 lập lại các kỳ thi Hội, thi Đình ở Kinh đô). Nhưng phải đến năm 1836 mới lập Trường thi Võ ở Kinh đô Huế và Hà Nội, đến năm 1867 mới mở thêm Trường thi Võ ở Phủ Qui Nhơn, Bình Định. 
Thi Võ cũng có ba kỳ thi như bên Văn là Thi Hương, Thi Hội và Thi Đình. Khi thành lập trường, cả ba trường đều có dự định thi cả ba kỳ Hương, Hội, Đình, nhưng sau đó hai trường ở Hà Nội và Quy Nhơn không chọn Tiến sĩ Võ(còn gọi là Tạo sĩ) mà chỉ là thi Hương tuyển lấy Cử nhân (không có Tú tài như bên Văn). 
Thi lấy Tiến sĩ võ (Tạo sĩ) tập trung về kinh đô Huế, gọi là thi Hội, cho cả ba trường, người đậu Tiến sĩ Võ được phong chức Tướng quân, vinh danh Võ Trạng nguyên. 
Các môn thi Tiến sĩ võ gồm: thao lược binh thư đồ trận, huấn luyện và tổ chức quân đội, các môn võ thuật như côn, quyền. 

Thi lấy Tiến sĩ võ (Tạo sĩ) có ba giai đoạn: Trường Nhất, Trường Nhì và Trường Ba.  
Trường Nhất gồm các môn thi: Xách kẽm, đánh thảo Ngọc Trản, đánh thảo roi Ngũ môn phá trận, thảo Siêu đao…Xách kẽm là môn đáng sợ nhất. Có hai ống kẽm, mỗi ống là một khối kẽm hình chữ nhật, nặng một  tạ ta, có quai bọc vải. Thí sinh xách mỗi tay một ống, đi nhanh đoạn đường dài 200 thước, vừa đi vừa về. Thoạt nhìn tưởng ngon ăn vì ở nhà các thí sinh đã tập xách những vật nặng tương đương, nhưng theo như lời kể của một thí sinh đã vượt qua môn thi này thì không hề dễ dàng. Bước vào thi, khi đứng giữa hai ống kẽm thì thấy người như phát sốt, toát mồ hôi, hai tay cầm vào hai quai xách chờ lệnh, trong đầu kêu boong boong, tai điếc đặc. Đến khi có lệnh xuất phát, giật mình xách lên thì chân loạng choạng, cái cổ dài ra, hai vai lép xuống. Như thế cho đến khi cuối đường, quay lại thì chờn vờn như không còn có thể  bước được nữa. Thế nhưng cố gắng vẫn về được đến đích đạp lên đường vạch, để hai ống kẽm xuống, thì con người như muốn ngã chúi ra đằng trước bước tới bàn giám khảo như trong cơn mê!... Có người xách hai ống kẽm lên, cổ gân căng lên, mắt lồi ra, bước một bước rồi quỵ  xuống, có người chỉ chạy được hơn một đoạn đi, về  mấy bước là quỵ  .Xách ống kẽm là bài đầu, nó loại gần một phần ba thí sinh! Nhưng cũng có không ít người có sức khỏe lạ thường. Họ xách chạy như mình xách hai gầu múc nước đi tưới. Về đến nơi hơi thở không gấp sẽ được điểm ưu. Có người chạy cả  ba  vòng cả đi lẫn về vẫn không đỏ mặt!...
Người có sức mạnh phi thường phải nói đến là cụ Trung Quân, người vùng Thọ Lộc,huyện An Nhơn, Bình Định. Cụ đi thi ở Huế, lúc đó ở Bình định chưa mở trường thi. Khi phát lệnh xách kẽm, hai tay xách hai ống kẽm giang ngang thẳng cánh ba lần rồi để hai ống kẽm xuống trước mặt. dùng một tay nắm cả hai quai, co tay thước thợ lên ngang ngực, rồi mới xách chạy vòng quanh trường thi. Tất cả Ban giám khảo đều kinh ngạc thốt lên: “Sức mạnh cử đỉnh của Hạng Võ!” và hội ý chớp nhoáng quyết định lấy cụ đỗ Thủ khoa – tức Võ Trạng Nguyên,  không cần phải thi các môn khác. Nhưng tất cả thí sinh không phục vì thực ra, muốn đậu thủ khoa không chỉ có sức mạnh mà phải tinh thông thập bát ban võ nghệ tức kỹ thuật đao, kiếm, côn, cung! Ban giám khảo phải nhượng bộ, chỉ lấy đỗ cử nhân, miễn thi Trường Nhì, chờ môn thi Trường tiên ở Trường Ba tức phúc hạch xếp thứ hạng!

Trường Nhì: Gồm các môn thi như bắn cung nỏ vào hồng tâm, bắn súng nạp tiền vào bia cót, nhảy qua hào nước quay ba vòng đâm bù nhìn, cưỡi ngựa phi nhanh, múa kiếm. Muốn qua được những môn thi này phải lót tay những người lính làm nhiệm vụ giám sát ở các điểm thi… 

Trường Ba:  Đó là kỳ thi phúc hạch để xếp thứ hạng, môn thi là đấu roi trường (Trường tiên) tay đôi, loại trực tiếp, chọn lấy ba người gọi là Cử ba, Cử nhì và Cử nhất – Cử Nhất là Thủ khoa – Võ Trạng nguyên. Cuộc thi phúc hạch ở Trường Ba bao giờ cũng gay cấn, hấp dẫn nhất. 

Roi (còn gọi là gậy; tiếng Hán Nôm là Tiên) được làm bằng một thứ gỗ rất rắn, dẻo, chắc; dài 7 thước 5 (bằng  2m625), đầu lớn to bằng cổ tay, đầu nhỏ to bằng cán cuốc. Để tránh nguy hiểm khi đấu, ở đầu nhỏ có buộc giẻ, trong bọc có tóc. Bọc giẻ được làm nhọ nồi trên đầu, người bị đâm giữ lại một vết nhọ nồi trên người… 

2. Đại Lực sĩ Trung Quân với tuyệt kỹ Trường tiên: Lạc côn 

Những cuộc thi đấu roi trường ly kỳ nhất, hay nhất là cuộc đấu của cụ Trung Quân ở Trường thi Kinh đô Huế, khóa thi Đình đầu tiên. Ở những cuộc đấu này, đại lực sĩ  Trung Quân không chỉ thể hiện sức mạnh vô song mà còn sử dụng đến độ huyền diệu của tuyệt kỹ Lạc côn trong côn thuật. 

Lạc côn là một thế võ lừa đối thủ: thả tay trước cho đầu côn rơi xuống đất giữa hai chân của đối thủ. Nếu đối thủ không biết thế lừa, nghe đầu côn rơi chạm đất thì vui mừng vội vàng tranh thủ xấn tới đâm là mắc mưu. Người thả đầu côn chỉ chờ hành động ấy của đối thủ, bước sang một bên tránh đầu roi đối thủ đang đâm tới, cầm nhanh đầu roi của mình lên lật mạnh một cái. Khi đối thủ vừa bước tới và ngọn roi được hất lên nằm gọn giữa hai chân đối thủ sẽ đẩy một chân bổng lên, đối thủ bị vướng, lúng túng không sử dụng roi của mình được. Nếu người dùng thế Lạc côn khỏe thì có thể dùng đầu côn hất đối thủ văng lên. Nếu tay không khỏe thì cũng treo được một chân đối thủ lên, khiến đối thủ mất thăng bằng, chới với, có khi phải bỏ côn mình để chụp nắm côn đối thủ để khỏi bị hất ngã. Để hóa giải được thế Lạc côn, người kia phải dùng gót đá móc mạnh làm cho đầu roi văng ra xa rồi mới  nhào  tới đâm đối thủ. Đối thủ chỉ cầm côn một tay sau, không chống đỡ được chỉ né tránh và bỏ chạy. Nhưng với người có sức mạnh phi thường thì không bỏ chạy mà né người tránh mũi côn đâm tới, dùng trước (tay trái) chụp lấy đầu côn đối thủ, bẻ trái, đối thủ sẽ ngã và côn gãy đôi, lúc đó đối thủ tưởng rằng đã phá được thế Lạc côn nên sẽ hoàn toàn bất ngờ! Đó là cách đánh Trường tiên của cụ Trung Quân sẽ nói kỹ dưới đây. 

Đó là cuộc đấu roi Trường tiên của cụ Trung Quân với 10 người có điểm cao nhất sau Trường Nhất và Trường Nhì. Cụ Trung Quân ra trước, cầm roi đứng đợi trên sàn đấu. Ông Cử thứ nhất ra đấu, hai roi vừa mới so khắc hai cái lắc cắc, đến cái thứ ba thì vù một tiếng xé tai, cây roi của ông Cử kia bị cụ khắc mạnh gãy từ tay cầm đến cuối, văng lên cao rồi rơi cách 30 thước. Ông Cử kia cả sợ, cầm đoạn roi còn lại trên tay chạy mất tăm! Tới ông Cử thứ hai ra đấu, cụ không dùng thế roi ấy nữa mà giả rơi đầu roi ra khỏi tay trước vì mồ hôi tay. Đối thủ biết ngay đó là thế Lạc côn lợi hại nên đã sử dụng cách phá thế Lạc côn: dùng gót đá cho đầu roi văng ra rồi nhào tới đâm mạnh, tin chắc là được điểm quyết định vì địch thủ chỉ còn một tay cầm đốc roi  nên không thể xoay trở được! Nhưng, “rắc” một cái, chiếc roi trường của đối thủ bị cụ Trung Quân cầm chặt và bẻ gãy đôi, quật luôn cả người cầm roi ngã nghiêng xuống đất! 

Tám ông Cử điểm cao còn lại, bái trước Ban giám khảo xin được miễn đấu và đồng thanh hô cụ Trung Quân xứng đáng đậu Thủ khoa - Võ Trạng nguyên. Cuộc phúc hạch chỉ còn là cuộc đấu giữa 10 ông Cử để chọn ra người đậu Á nguyên - ngôi nhì!... 

Nhờ có sức mạnh vô địch và kỹ thuật đánh Trường tiên vô song, cụ Trung Quân được chọn vào đội Cận vệ của nhà vua, từ chức Đội trưởng lên dần đến chức Trung Quân, là quan Nhất phẩm Đại tướng quân - chức quan võ đứng đầu trong năm chức võ quan cao nhất ở Kinh đô. Người ta lấy chức võ quan Trung Quân của cụ để gọi thay cho tên cụ, đó là cách gọi cung kính. Năm 70 tuổi cụ mới về hưu, về làng quê sống như một lão nông. Người dân trong vùng còn lưu truyền câu chuyện cụ Trung Quân đánh cọp như sau: 

Một hôm, làng tổ chức săn cọp, Cụ xin đi, không dùng dao, mác mà dùng một gốc tre già có cả củ, chuốt cho láng để dễ cầm. Cụ cùng cháu nội và cháu gọi bằng bác đứng gác một góc lưới. Khi cọp chạy tới, cụ xách gốc tre chặn đường cọp, hai bên “đấu mắt”đến hai phút…Bất thình lình, cụ giơ gốc tre lên nhằm đầu cọp đánh xuống. Cọp đưa chân trước lên bắt gốc tre thì liền lăn đùng ra vì cả bàn chân trước và đầu cọp vỡ toác!... 

3. Bầu Đê với Tuyệt kỹ Trường tiên: So đũa 

Ông Bầu Đê là người Tuy Phước với kỹ thuật roi đấu Trường tiên rất diệu nghệ. Ông không đi thi nhưng cuộc thi nào cũng tới xem, nhất là thi phân hạng giành Thủ khoa.  
Chờ cho cuộc thi đấu xong, xác định được các ông Thủ khoa, nhì, ba thì Bầu Đê mới xách roi vào xin phép Ban giám khảo cho đấu với các thầy tân khoa. Ban giám khảo cũng muốn thử tài ba vị tân khoa đỗ hàng đầu nên chấp thuận. Ông Bầu Đê cầm roi đứng đợi trên sàn đấu. 

Mới dứt hiệu lệnh, ông Cử ba ra trước, vừa ra roi đã bị ông Bầu Đê đánh bật cây roi văng tới tận hiên trường thi, giơ tay xin thua ngay. Ông Cử nhì thận trọng hơn, không bị đánh bật roi nhưng cây roi của ông luôn bị ghìm chặt cứng, rồi bất ngờ không ai nhìn thấy rõ ra sao, ông ấy ngã ngửa, cây roi  rơi một bên trong khi ấy ngọn roi của ông Bầu Đê vẫn gián trên bụng ông Cử nhì. Ông Bầu Đê thu roi và cúi xuống đỡ ông Cử nhì dậy, đầu roi bịt giẻ như một cái găng đập trúng  dạ dày làm ông Cử nhì bị ngất!...  
Chờ ông Cử nhì hồi tỉnh, ông Thủ khoa ra đấu tiếp. Ông Thủ khoa vóc dáng cao to, tướng mạo oai nghi và có vẻ bình tĩnh, tự tin. Hai bên ra roi qua lại hơn 10 phút. Ban giám khảo truyền lệnh thôi đấu và tuyên bố hòa, có ý giữ sĩ diện cho ông Thủ khoa. Nhưng ông Bầu Đê và quan lãnh binh trong Ban giám khảo phản đối kết quả hòa.

Chưa kịp giải thích vì sao thì chính ông Thủ khoa ra bái và xin chịu thua. Mọi người chưa kịp hiểu ra sao, ông Thủ khoa giơ hai tay lên, ở cả hai nách đều có vết nhọ tròn rõ ràng, nằm gọn trong hai hố nách! Các giám khảo và các thầy Cử tân khoa đều giật mình kinh ngạc, hàng trăm con mắt nhìn từ ngoài vào đều không kịp thấy hai cú đâm, thì người đứng đấu trong cuộc làm sao kịp thấy, mà có kịp thấy cũng không thể phản ứng kịp! Đúng là hai cú đâm nhanh như chớp! 

Quan chánh lãnh binh cũng là một cây roi trường có tiếng, đã đậu Tiến sĩ võ Trường Thừa trước đây cho nên không thể ngồi yên trước một cây roi lợi hại như vậy. Ngứa nghề, quan chánh lãnh binh nai nịt gọn gàng, cầm roi bước xuống sân xin đấu với Bầu Đê mười hiệp. Bầu Đê khiêm tốn từ chối, không dám đấu với Quan chánh Lãnh binh, e sợ thất lễ! Quan chánh lãnh binh nói: “Cung kính không bằng  phụng mệnh! Anh cứ dùng hết sức mình để tôi biết thêm, nhất là kỹ thuật đánh văng roi và đâm vào nách!”. Được câu ấy, Bầu Đê mới dám nhận lời. 

Hai bên ra đấu, hai cây roi quấn lấy nhau thật ngoạn mục… Bỗng Bầu Đê nói: “Xin Ngài cho phép tôi được thực hiện tuyệt kỹ thứ nhất!”.  “Tùy”, tiếng “Tùy” vừa bay ra thì cây roi trong tay quan Lãnh binh cũng bay vù tới hiên trường thi! Ông Bầu Đê chống roi đứng chờ quân lính mang roi lại cho quan chánh lãnh binh. Trận đấu tiếp tục, hai roi ghìm nhau rất chặt, nhìn từ ngoài chỉ thấy hai người tới lui, qua lại, hai đầu roi quấn lấy nhau mà chỉ nghe tiếng cắc-cụp-cắc vang lên đanh gọn…Ông Bầu Đê lại nói: “Xin phép Ngài cho tôi ra tuyệt kỹ thứ hai!”. Lần này thì Quan chánh lãnh binh kêu to: “Xin thôi!”. Ông Bầu Đê liền thu roi. Quan chánh lãnh binh cầm ngang cây Trường tiên, vái ông Bầu Đê mà rằng: “Thật là roi thần! Tôi đã gặp hàng trăm tay roi nhà nghề, hơn có, ngang có, kém có, nhưng chưa từng gặp một cây roi thần kỳ như thế này! Thật đáng bậc thầy! Xin bái phục!” 

Ban giám khảo mời Bầu Đê ngồi, thưởng rượu và một cây lụa. Uống hết ly rượu,  Quan Lãnh binh mới từ từ giơ cao tay trái lên để mọi người thấy vết nhọ do đầu roi ông Bầu Đê đã ghi. Mọi người cùng “ồ” lên ngạc nhiên rồi rối rít hỏi: “Lúc nào thế ạ?”.

Quan Lãnh binh cười, nói: “Chính là lúc ông ấy nói xin phép! Tôi chưa kịp trả lời thì đầu roi đã đậu vào nách tôi nhẹ nhàng, do vậy tôi xin thôi đấu!...Thực tình, tôi suy nghĩ mãi mà vẫn chưa hiểu rõ cách đánh văng roi và cách đâm vào nách như thế nào? Tôi giữ chặt, mà tay tôi không yếu hơn tay anh thì làm sao anh đánh bật roi tôi bay xa như vậy?”. 

Bầu Đê cũng uống hết ly rượu mới thong thả nói: “Đây là phép mượn sức người đánh người! Đánh văng xa cây roi của Ngài không phải chỉ sức mạnh của tôi mà là sức của tôi cộng với sức của Ngài. Nhưng đánh phải lựa chiều, nếu đánh xuôi chiều mở bàn tay, tức là theo hướng các ngón bấu lại thì roi tung các ngón bay đi. Nếu lại đánh ngược chiều mở bàn tay, thì roi bị cả bàn tay giữ lại không tuột  ra được để bay đi nhưng có thể bị đứt tiện trên sát  chỗ  cầm”. 

Quan Lãnh binh nói như  reo lên: “Hay! Hay lắm!... Còn đâm vào nách? Lúc ấy  tôi đã bí mật chuyển roi từ tay phải sang tay trái. Tay trái ở trước dùng ngọn che chở cho thân mình, tay phải ở sau dùng đốc che nách trái, kín như sau hai chiến lũy làm sao anh lẻn vào được mà ghi điểm?” 

Bầu Đê từ tốn nói: “Thường nơi mình canh giữ nhiều cho là kín thì lại có một khe hở nhỏ rất bất ngờ. Đấu võ cũng như đánh giặc, tìm chỗ kẽ hở  bất ngờ nhất trong nơi mà đối phương tin là giữ chặt, kín nhất để từ đó bí mật tấn công vào thì đối phương sẽ bối rối không biết đâu đối phó. Đâm vào nách là một kỹ thuật tinh vi, song tôi gọi nôm na là đâm so đũa. Tôi luồn ngọn roi theo thân roi của quan Lãnh binh, đúng lúc ngài đang đâm tôi, tức là hai roi đi sát nhau, ngược chiều nhau. Đầu roi của quan nhằm vào ngực tôi bay tới, đồng thời che khuất cái đầu roi của tôi cũng đang tìm nách của Ngài lao tới. Nếu hai bên đều vô tình thì mỗi người nhận của bên kia một vết nhọ. Nhưng ở đây thì tôi biết và đã chuẩn bị gạt đầu roi của Ngài ngay sau lúc Ngài thay tay còn Ngài thì lại không biết roi tôi cũng đang gần nách mình nên tay phải cầm đốc vẫn không đề phòng. Khi đầu roi Ngài gần sát ngực tôi chắc Ngài nghĩ là đã trúng rồi. Nhưng chưa kịp dán vào ngực tôi thì cái ngực ấy đã xoay nghiêng và cái đốc roi của tôi từ dưới đưa vòng lên gạt mũi roi của Ngài ra. Ngài tiếc cú đánh không trúng, cả mắt và tâm đều đậu đầu roi cố xoay để đâm lại nhưng không ngờ động tác vòng cái đốc gạt đầu roi của ngài làm cho đầu roi của tôi ghìm xuống tránh đốc roi của ngài chui vào nách. Bí quyết là chỗ đó!” 
Quan Lãnh binh đứng dậy vái ông ông Bầu  Đê và nói: “Xin bái phục!...Thật là bài học ngàn vàng, xin hết sức cảm ơn ông. Tôi về theo đó luyện tập thêm, sang khóa sau xin trình bày lại ông chấm.”      
Ông Bầu Đê không dự thi từ vòng đầu nên mặc dù cả Ban giám khảo và đặc biệt là Quan chánh Lãnh binh rất ngưỡng mộ tài đánh Trường tiên của ông cũng không thể lấy ông đậu Thủ khoa mặc dù ông đã đánh bại cả ba tân khoa hàng đầu, trong đó có Thủ khoa.Tuy thế, khán giả tung hô rần rần như đối với một Thủ khoa !... 

4. Tâm tình Người Đất Võ 

Từ nhỏ, tôi đã biết câu ca về Miền Đất võ Bình Định: Ai vô Bình Định mà coi / Con gái cũng biết múa roi, đánh quyền! Sau này, khi lăn lộn trường đời, tôi đã mục sở thị câu ca đó: những năm làm việc ở tỉnh Gia Lai, mà có thể gọi Gia Lai là “Bình Định Phẩy” (giống như khái niệm hai điểm A và A’ trong Toán học), tôi cũng xuống Phủ Quy Nhơn khá nhiều, rồi mỗi lần vào Nam, ra Bắc đều phải đi qua Bình Định, thì quả là Đất Võ Bình Định đã tạo ấn tượng mạnh trong tôi. Vì thế, viết về miền Đất Võ là một cảm hứng rất mạnh, rất đẹp! Tôi đã viết ba cái truyện ngắn về con người miền Đất Võ mà vẫn thấy như là chưa viết gì! Nhiều lúc tôi nghĩ phải viết sao cho người đọc khi đọc truyện của mình cũng bị mê hoặc như xem mấy tuyệt kỹ của nghệ thuật múa roi, đánh quyền của Võ Bình Định vậy! Quả  là một thách đố lớn đối với tôi, bởi cái đó chính là Tuyệt tác văn chương, muốn viết về Tuyệt kỹ võ thuật thì phải làTuyệt tác văn chương! Tự thấy mình chưa thể làm ra Tuyệt tác, tôi ngưng viết về Võ thuật Bình Định từ năm 2005 đến nay, mà chuyển qua khu vực Người mẫu chân dài, một đề tài mà tôi cho là có nhiều điều mới mẻ và rất bí ẩn!...
Một hôm, có người bạn từ thời còn làm báo, là “dân Bình Định lưu vong” ở Sài Gòn, đến nói: “Thấy ông đang viết  về đề tài “Người mẫu chân dài”, tôi sẽ dẫn ông đến tiếp cận một người mẫu chân dài đồng hương với tôi, rất đặc biệt, độc đáo và sẽ cho ông thêm nhiều điều thú vị về Người mẫu chân dài, bởi  Nàng được mệnh danh là “Thợ săn Đại gia”! Chỉ với riêng Nàng, ông đủ tài liệu để viết một bộ Tiểu thuyết  3 tập!” Tôi liền đi ngay, không kịp sửa soạn y phục chỉnh tề! Nhưng đến nơi thì chỉ gặp chồng Nàng, vốn là vệ sĩ của Nàng ðang huấn luyện võ thuật cho cô bé con gái mới năm, sáu tuổi. Thấy chúng tôi tới, Vũ Hùng – chồng Người mẫu chân dài mà tôi định gặp - , nói với cô bé con gái: “Con múa lại bài Thảo bộ Ngọc Trản cho hai bác đây xem rồi  nghỉ để bố tiếp khách!”. Vũ Hùng vừa dứt lời thì cô bé bái chào rồi đi luôn bài Thảo bộ

Ngọc Trản, mồm đọc nhịp nhàng những câu ThiệuNgọc Trản ngân đài / Tả hữu tấn khai / Hồi thập tự / Liệng diệp liên ba / Đả sát túc… 

Nhìn cô bé múa bài Ngọc Trản, một cảm giác kỳ lạ cứ dâng trào, cứ cuốn theo đừng động tác mềm mại, uyển chuyển mà bên trong chứa đầy uy lực! Và bỗng nhiên, bàn tay, nắm đấm tý hon ấy, bàn chân, ngón cước tý hon ấy, và cả thân hình kỳ ảo, tý hon ấy bỗng vụt lớn thành khổng lồ!... 

Cuộc nói chuyện của ba người chúng tôi chính vì thế mà cứ đi mãi vào đề tài Võ thuật, tưởng như sẽ không thể ngưng nếu như chai rượu thứ hai không khiến cho cả ba chúng tôi đều “hồn lìa khỏi xác”! Tuy thế, tôi là người tỉnh lại đầu tiên, và xin phép về ngay để nạp vào máy tính những điều vừa nghe hai người “Đất Võ Bình Định” nói chuyện về “Đất Võ Bình Định”. Truyện ngắn này chính là được rút ra trong buổi gặp gỡ đó, tuy chưa thể nói đây là “Tuyệt kỹ Truyện ngắn” nhưng tác giả hy vọng sẽ giúp bạn đọc biết thêm những vẻ đẹp độc đáo của Võ thuật Bình Định, và điều đặc biệt không ở đâu có là: Đến Miền Đất Võ, ta sẽ bắt gặp hình ảnh không bao giờ quên – hình ảnh rất đặc trưng của Miền Đất Võ: những đứa trẻ nhỏ dăm ba tuổi đã biết múa bài Thảo bộ Ngọc Trản một cách thuần thục và đẹp mắt: Ngọc Trản ngân đài / Tả hữu tấn khai / Hồi thập tự / Liệng diệp liên ba / Đả sát túc/ Tạ hầu mai phục / Tấn đà tam chiến / Thối thủ nhị linh / Hoành tả tạ / Bạch xà lang lộ / Hữu hoành sát…
Sài Gòn, 10-12/10/2009
Đỗ Ngọc Thạch

 Phongdiep.net
Gửi email trang này cho bạn bè Mở cửa sổ in bài viết này


 Vài hình ảnh võ sĩ Bình Định:



                                             Võ sư Phan Thọ

Ảnh minh họa

Những báu vật của võ Bình Định - Bài 1: Huyền thọai Lôi Long Đao... Tiếp theo »

Những báu vật của võ Bình Định - Bài 4: Ngón ngũ trảo của Ngô Bông

Võ sư Ngô Bông - hiện ở huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi là truyền nhân của võ Tây Sơn. Hự! Bằng một đòn thế dũng mãnh, lão võ sư già như một con hổ dũng mãnh gầm lên và ra đòn ngũ trảo tàn khốc.
Uy lực ngũ trảo hổ

Ở cái tuổi 79 nhưng thân pháp của võ sư Ngô Bông vẫn mềm mại như rồng, mau lẹ như báo, mãnh liệt như hổ. Ánh mắt như xuyên thấu tâm can đối thủ, mười ngón tay quắp lại hình ngũ trảo tung ra, vuốt vào, xoáy tròn, bất thần đập ngược trở lại. Gân cốt trên bắp tay của lão võ sư như cuộn dây thừng bện chặt. Bất cứ vật gì rơi vào vòng xoắn của ngũ trảo thép đều bị bấu nát và bẻ gãy trong nháy mắt.

Bắt đầu theo nghiệp võ từ năm 11 tuổi. Suốt mấy chục năm tầm sư học đạo, khổ luyện những chiêu thức tinh hoa của võ nghệ, võ sư Ngô Bông đã thông thạo được nhiều tuyệt kỹ: đao, thương, kiếm, côn, quyền… Thời đó, võ sư Bảo Tuy Phong và Lâm Võ - hai người thầy lừng danh ở Quảng Ngãi đã đặt cho người học trò của mình biệt danh Lâm Hổ. Bởi võ sư Ngô Bông đã nhiều năm khổ luyện thành công các bài Hắc hổ, Mãnh hổ xuất sơn, Hắc hổ hạ sơn, Ngọa hổ phục lâm. Để có bộ trảo như móng vuốt của hổ, ông đã khổ công luyện thiết sa chưởng với cát, sỏi. Từ đó, mười ngón tay dường như có thể chọc thủng tường gạch, phá tan đá, gỗ; mỗi lần tung đòn, uy lực của ngũ trảo ào ạt như vũ bão.

Qua câu chuyện thì suốt mấy chục năm qua, đòn ngũ trảo đã theo ông phiêu bạt ra Bắc, vào Nam, qua Thái Lan…thi đấu không biết bao nhiêu trận và đều mang về chiến thắng vang dội.

Ngoài võ thuật, sở thích nuôi gà chọi có liên quan với niềm đam mê võ thuật của lão võ sư Ngô Bông - một trong những truyền nhân của bài võ Hùng kê quyền nổi tiếng của anh em nhà Tây Sơn tam kiệt ngoài hàng loạt bài: Nghiêm thương của Nguyễn Huệ, Thanh Long đại chiến, Hùng gia quyền, Mai hoa quyền…
Dạy võ cho “trung đội mồ côi”

Cha bị bắt đưa đi Côn Lôn khi ông vừa sinh ra được ba ngày. Người mẹ vào Nam tìm chồng cũng bặt tin và chết sau đó ít lâu. Ban ngày chăn trâu, ban đêm ông và bạn bè bí mật vào khu Gò Cháy để học võ của cậu Sáu - một người uyên thâm võ học của Tây Sơn. Thời đó, nếu lý trưởng, hương mục và ông trùm mà phát hiện học võ thì tất cả sẽ bị phạt bỏ vào nhà lao. Mỗi lần tập xong, ông mò về nhà và cố nuốt hai bát cơm nguội ụp chung.

Lớn lên trong cảnh côi cút và cùng cực, lão võ sư Ngô Bông dường như thấu hiểu cuộc đời như võ học: “Võ thì cả đời cũng không thể biết hết được; học võ cốt để giúp đời”. Tâm niệm điều này, thời trai trẻ ông đã mang võ học đi đánh giặc. Các địa danh Tu Bông, Dốc Mõ, Dốc Quýt, Xóm Cút đều lần lượt in dấu chân ông. Trở thành lính của Tiểu đoàn 365 đóng quân tại Phú Yên.

“Ai vật khỏe nhất sẽ được thưởng” - trong một lần nghe Tiểu đoàn trưởng Hà Duy Tùng tuyên bố, chàng trai cân nặng 58 kg đã xông ra đọ sức với người cận vệ của tiểu đoàn trưởng có sức khỏe như voi, nặng 72 kg. Lần lượt ba hiệp, ông tung đòn tảo địa cước, kết hợp với thế quật của Hùng kê quyền và ném chàng cận vệ khổng lồ này lăn kềnh ra đất. Từ đó, ông trở thành cận vệ số một suốt ba năm của tiểu đoàn trưởng. Sau đó, Trung đội mồ côi có 48 người được thành lập và ông chịu trách nhiệm huấn luyện võ thuật. Điều đặc biệt là tất cả những người trong đơn vị này đều có hoàn cảnh không cha mẹ. Dù vũ khí còn thiếu thốn, chỉ có độc khẩu Max76, tuy nhiên trung đội mồ côi đã làm điên đầu bọn giặc.

Nhiều trận đánh giáp lá cà, biệt danh lâm tướng của ông lại nổi như cồn bởi lúc cận chiến, nhiều tên giặc đã ngã gục dưới uy lực của ngũ trảo từ trong rừng bất thần xuất hiện. “Lúc bom rơi, đạn nổ, sức mạnh của ngũ trảo dường như khó có thể lường được” - ông cho biết. Với sức vóc như hổ, nhiều trận ông cõng đồng đội bị thương chạy băng băng thoát ra khỏi họng súng. Rồi trong một trận đánh, ông bị thương nặng và phải trở về quê để an dưỡng và tiếp tục ôn luyện nghiệp võ.

Nặng lòng với võ Tây Sơn

Ngoài võ thuật được học của nhiều sư phụ, kinh nghiệm ông thu nạp được nhờ nhiều trận tử chiến với những võ sĩ lừng danh thiên hạ. Ông từng qua Thái Lan nghênh chiến bốn lần thì bị thua một, huề một, thắng hai. “Gay go và ác liệt nhất là gặp võ sĩ Phi-nát, nó toàn chơi đòn phá ngựa, chỏ lật rất gian ác. Trận đầu bị nó đánh rớt ngay sau vài hiệp. Về luyện tập và tiếp tục qua giao đấu. Ròng rã sáu hiệp, hai bên bắt tay xin hòa” - ông kể lại những trận tử chiến của mình.

Lưỡng kê giao nạp thủy tranh hùng

Song túc tề phi trảo thượng xung

Trấn ải kim thương như bạch hổ

Phủ quan ngân kiếm tựa thanh long

Xuyên khung độc tiễn tăng ư trác

Hồi thủ đơn câu thủ tứ hung

Khiêu, tẩu, rượt, đâm thiên sở tứ

Nhu, cương, cường, nhược, tận kỳ trung…
Đó là lời thiệu trong bài Hùng kê quyền của Nguyễn Nhạc…Đọc lời thiệu xong, ông đi một lượt bài Hùng kê quyền.
Còn đây là lời thiệu trong bài “Thanh long đại pháp nhị kim cương” của Triệu Tử Long, một vị tướng thời kỳ cuối nhà Đông Hán và thời Tam Quốc mà sau này nghĩa quân Tây Sơn cũng sử dụng…Ông đi như múa với cây đại đao đầy mãnh lực. Dù đã già nhưng trí nhớ ông dường như thuộc làu những điều đã học trong võ thuật.

Gia đình lão võ sư Ngô Bông có tám người con, Ngô Lâm Em và Ngô Sỹ là hai con trai nối nghiệp võ của cha. Ngoài ra, ông còn có hàng ngàn môn sinh được truyền thụ võ thuật. “Nghề võ không giàu nhưng cả đời tôi mong truyền thụ cho con cháu, sau này không mất đi những tinh hoa mà các thế hệ cha ông đã khổ luyện để giữ gìn non sông, bờ cõi” - hỏi về dự định trong tương lai, lão võ sư Ngô Bông chia sẻ tâm nguyện của mình trong những ngày cuối năm như vậy.
***
Trong hội nghị chuyên môn toàn quốc võ cổ truyền năm 1993, bài Hùng kê quyền do ông biểu diễn đã được bình chọn vào danh sách các bài võ thống nhất của võ cổ truyền Việt Nam. Ghi nhận sự đóng góp của ông, Ủy ban Thể dục thể thao đã tặng võ sư Ngô Bông huy chương Vì sự nghiệp thể dục thể thao.

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Add comment

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét