Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2013

PB&TL của Đ.N.T - trích: Nguyễn Du và Trăng





Đào tiên ngâm rượu  tẩy độc đường tiêu hóa



Quả đào





Cảnh giác với bưởi Đoan Hùng "rởm"















Phê bình và Tiểu luận của Đỗ Ngọc Thạch - Trích:  Nguyễn Du và Trăng


  1. 1. Hóa thạch. Có nhà khảo cổ học nọ sau khi làm xong luận án Tiến sĩ thì phát hiện ra rằng ngành khảo cổ học không còn vấn đề ...
    vannghechunhat.net/truyen/do-ngoc-thach.html - Bộ nhớ cache





    Mùa mưa đọc lại Vũ Trung Tùy Bút

    Vũ trung tùy bút (*) (Tùy bút trong mưa) của danh sĩ Phạm Đình Hổ  là một tập truyện ký bằng chữ Hán, theo thể loại ký – một thể loại văn học đã để lại nhiều tác phẩm lớn do các nhà văn là nhà Nho sáng tác, như Truyền kỳ mạn lục (1547) của Nguyễn Dữ, Phủ biên tạp lục (1776), Kiến văn tiểu lục (1777) của Lê Quý Đôn, Thượng Kinh ký sự (1783) của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Tang thương ngẫu lục (**) của Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án, v.v…



    Các bài khác...





    Nguyễn Khuyến - Mơ màng thế cuộc cũng cầm bằng

     nguyen-khuyenNguyễn Khuyến (*) là nhà thơ quen thuộc của đông đảo công chúng văn học trước hết bởi tài học với ba lần đỗ đại khoa, chính vì thế mà người ta gọi ông bằng tên làng Yên Đổ cùng với chiến tích thi cử: Tam Nguyên Yên Đổ. Sự vinh danh đó rất xứng đảng bởi thơ Nguyễn Khuyến có một Tình quê vô bờ bến và có một chùm ba bài thơ viết về quê hương vào loại kiệt tác mà mỗi khi nói đến ông người ta đều thấy lời thơ như đang ngân lên giữa trời thu xanh ngắt mấy tầng cao:












    Các bài khác...



    Nguyễn Du và trăng

    nguyenduTrong Thơ chữ Hán của Nguyễn Du có bài Ký Huyền Hư tử (Gửi Huyền Hư tử) rất đáng chú ý. Lâu nay người ta vẫn cho rằng Huyền Hư Tử là tên hiệu một người bạn của Nguyễn Du, không rõ tên thật là gì. 
    Song nếu ta suy nghĩ kỹ về hai câu tả mây và  trăng (phù vân, minh nguyệt – câu 5 và câu 6) thì sẽ có thể thấy rằng ở đây chẳng có người bạn nào cả mà hai chữ Hư Tử đã có nghĩa như vậy: người không có thực! Bài thơ Gửi Huyền Hư Tử chính là lời tâm sự của Nguyễn Du chỉ biết gửi cho mây, cho trăng: trăng ở đây là người bạn “lặng lẽ không lời” đêm đêm của Nhà thơ. Điều này phù hợp với nỗi niềm chất chứa của Tố Như “Ngã hữu thốn tâm vô dữ ngữ” (Ta có một tấc lòng không biết ngỏ cùng ai) – không thể nói với ai thì chỉ có thể nói với Trăng:
    Ký Huyền Hư Tử
    Phiên âm Hán-Việt:

    Thiên Thai sơn tiền độc bế môn (a)
    Tây phong trần cấu mãn trung nguyên
    Điền gia bất trị Nam Sơn Đậu (b)
    Bần hộ thường không Bắc Hải tôn (c)
    Dã hạc phù vân thời nhất kiến ....
    Thanh phong minh nguyệt dạ vô ngôn
    Viễn lai thúc thủ tương tầm lộ
    Gia tại Hồng Sơn đệ nhất thôn
    Gửi Huyền Hư Tử
    Dịch nghĩa:

    Trước núi Thiên Thai mình ta đóng cửa,
    Gió tây thổi bụi bẩn đầy cả trung nguyên.
    Nhà nông không trồng đậu Nam Sơn,
    Nhà nghèo nên thường để rỗng không chén rượu Bắc Hải.
    Hạc nội mây bay thỉnh thoảng một lần được thấy,
    Gió mát trăng sáng lặng lẽ không lời trong đêm.
     Xa đến muốn hỏi đường thăm nhau,
    Nhà tôi ở thôn thứ nhất trong núi Hồng.
    Chú thích:
    (a)   Thiên Thai: Tên một ngọn núi ở Hồng Lĩnh.
    (b)   Nam Sơn Đậu: Đậu Nam Sơn. Đời Hán Tuyên Đế, Dương Vận mất chức quan, về nhà có làm bài thơ: “Cây trên núi Nam rậm rạp, khó khai phá, trồng một khoảng ruộng đậu, trái rụng sơ xác cây…” Bài thơ này có ý trách vua Hán. Triều đình rối loạn không kỷ cương, cho nên mình hết lòng phò tá mà vẫn bị bỏ rơi. Nhà thơ dùng điển này để nói mình không ra làm quan (bất trị Nam Sơn đậu).
    (c)   Bắc Hải tôn: “Chén rượu Bắc Hải”. Đời Hán, Khổng Dung làm Thái Thú Bắc Hải, hàng ngày khách đầy nhà, không lúc nào thiếu rượu.

    Gửi Huyền Hư Tử
    Dịch thơ:

    Cửa gài trước núi Thiên Thai
    Gió tây bụi bặm bay đầy Trung Nguyên
    Nhà nông xin nhớ đừng quên
    Đậu Nam Sơn chớ gieo trên đất trồng
    Nhà nghèo Bắc Hải chén không
    Mây bay hạc nội dám mong gặp nhiều
    Trăng trong gió mát dặt dìu
    Nỗi riêng dè ý sẻn điều canh thâu
    Hỏi đường tìm đến thăm nhau
    Hàn gia cư ngụ thôn đầu Hồng Sơn.
    Người dịch: Quỳnh Chi
    Tiễn biệt là trạng thái cảm xúc thơ ca dâng trào khá phổ biến của các thi nhân. Khi chia tay bạn hữu, người thân đều có cảm xúc thơ ca mạnh mẽ. Và ở những bài thơ tiễn biệt này, phong cảnh thiên nhiên, đặc biệt là Trăng, lại là người nói thay Thi nhân mọi điều:
    Biệt Nguyễn Đại Lang
    Bài 2
    Tống quân quy cố khâu
    Ngã diệc phù Giang Hán
    Thiên lý bất tương văn
    Nhất tâm vị thường gián
    Dạ hắc sài hổ kiêu
    Nguyệt minh hồng nhạn tán
    Lưỡng địa các tương vương
    Phù vân ung bất đoạn
    Bài 3
    Quân quy ngã diệc khứ
    Các tại loạn ly trung
    Sinh tử giao tình tại
    Tồn vong khổ tiết đồng
    Sài môn khai dạ nguyệt
    Tàn lạp tẩu thu phong
    Thiên lý bất tương kiến
    Phù vân mê thái không
    Từ Biệt Anh Nguyễn
    Dịch nghĩa:
    II
    Tiễn anh về làng cũ,
    Tôi cũng qua sông Giang sông Hán.
    Nghìn dặm dù không nghe nhau,
    Một lòng chưa từng ngăn cách.
    Đêm tối sói hổ kiêu ngạo,
    Trăng sáng chim hồng chim nhạn tản mác.
    Đôi chốn mỗi nơi đều nhớ nhau,
    Mây nổi không gián đoạn.

    III
    Anh về tôi cũng đi
    Cả hai ta đều trong cảnh loạn ly
    Tình bạn sống chết có nhau giữa hai ta còn đó,
    Tiết nghĩa khổ vì còn mất giống nhau.
    Cửa sài mở đêm trăng,
    Nón rách đi trong gió thu.
    Nghìn dặm không thấy nhau,
    Mây nổi che bầu trời.
    Biệt Anh Nguyễn
    Dịch thơ:

    II
    Người về quê cũ làng xưa
    Qua sông ta cũng mịt mờ Hán Giang
    Tăm hơi thưa thớt dặm ngàn
    Một lòng hồ dễ ai ngăn cách chừng
    Đêm đen hổ báo trợn trừng
    Trăng thâu hồng nhạn mịt mùng bốn phương
    Nhớ nhau nỗi nhớ chung đường
    Vừng mây trôi nổi vẫn thường cao bay.

    III
    Người về ta cũng ra đi
    Cả hai một cảnh loạn ly một thời
    Tình ta sống chết khôn rời
    Nghĩa ta còn mất vì đời giống nhau
    Cửa sài cánh mở trăng thâu
    Nón che rách rưới mái đầu gió tây
    Trông nhau ngàn dặm nào hay
    Ngó lên chỉ thấy mây đầy trời cao.
    Người dịch: Quỳnh Chi
    **
    Bài Dạ hành mô tả hình ảnh vị Sư già ngủ trên mây núi Hồng Lĩnh giữa đêm tối với hình ảnh Nam minh tàn nguyệt phù thiên lý gợi cho ta sự liên tưởng miên man, không cùng:
    Lão nạp an miên Hồng Lĩnh vân
    Phù âu tĩnh túc noãn sa tân
    Nam minh tàn nguyệt phù thiên lý
    Cổ mạch hàn phong cộng nhất nhân
    Hắc dạ hà kỳ mê thất hiểu
    Bạch đầu vô lại chuyết tàng thân
    Bất sầu cửu lộ triêm y duệ
    Thả hỷ tu mi bất nhiễm trần. 
    Dịch thơ: 
    Sư già ngủ giữa mây Hồng Lĩnh
    Bãi ấm âu nằm lặng giấc say
    Biển rộng trăng trôi ngàn dặm thẳm
    Đường xưa gió quất một thân gầy
    Đêm đen dường mãi quên không sáng
    Ẩn vụng xui thêm tóc bạc đầy
    Vạt áo dầm sương đâu ngại ướt
    Mày râu mừng chẳng bụi trần ray.
    (Ngô Linh Ngọc dịch).
    Hoặc như bài Đạo ý, vừa mênh mang phong vị Đường thi vừa ẩn sâu triết lý nhà Phật:
     Minh nguyệt chiếu cổ tỉnh
    Tỉnh thủy vô ba đào
    Bất vị nhân khiên xả
    Thử tâm chung bất dao
    Túng bị nhân khiên xả
    Nhất dao hoàn phục chỉ
    Trạm trạm nhất phiến tâm
    Minh nguyệt cổ tỉnh thủy. 
    Dịch nghĩa: Nói ý mình 
    Trăng sáng soi giếng xưa
    Nước giếng không gợn sóng
    Không bị người khuấy động
    Tâm này chẳng dao động
    Nếu bị người khuấy động
    Lay động rồi lại dừng
    Một chữ Tâm thanh lặng
    Như trăng soi giếng xưa.                 
    Với bài Hoàng hạc lâu (*), ta lại bắt gặp nỗi niềm chất chứa của Tố Như “Ngã hữu thốn tâm vô dữ ngữ” mà không biết ngỏ cùng ai, đến cả người bạn “Trăng thanh” cũng thờ ơ không muốn nghe – nỗi cô đơn đã lên tới đỉnh điểm:
    Hoàng Hạc Lâu
    Hà xứ thần tiên kinh kỷ thì,
    Do lưu tiên tích thử giang mi?
    Kim lai cổ vãng Lư sinh mộng,
    Hạc khứ lâu không Thôi Hạo thi.
    Hạm ngoại yên ba chung diểu diểu,
    Nhãn trung thảo thụ thượng y y.
    Trung tình vô hạn bằng thùy tố,
    Minh nguyệt thanh phong dã bất tri.
    Dịch thơ:
    Thần tiên đâu đó tự bao giờ?
    Còn dấu ghi đây cạnh bến bờ.
    Nay đến xưa qua, Lư vẫn mộng,
    Hạc bay lầu vắng, Hạo còn thơ. (a)
    Ngoài hiên khói sóng mênh mang thế,
    Trước mắt hàng cây phảng phất như.
    Bày tỏ với ai tình chất chứa,
    Trăng thanh gió mát cũng thờ ơ.
    (Quỳnh Chi dịch).
    Chú thích: Hạo – tiếng địa phương - cũng là Hiệu.
    Đọc những bài thơ viết dưới trăng của Nguyễn Du gợi nhớ đến các nhà thơ đời Đường như Lý Thương Ẩn (1):
    Vô Đề 
    Tương kiến thời nan biệt diệt nan,
    Ðông phong vô lực bách hoa tàn.
    Xuân tàm đáo tử ti phương tận,
    Lạp chúc thành hôi lệ thủy can.
    Hiểu kính đản sầu vân mấn cải,
    Dạ ngâm ưng giác nguyệt quang hàn.
    Bồng lai thử khứ vô đa lộ,
    Thanh điểu ân cần vị thám khan.

    Dịch nghĩa :
    Không đề

    Lúc gặp gỡ nhau đã khó , mà chia tay nhau cũng khó .
    Gió đông không có sức , trăm hoa héo tàn .
    Con tằm xuân đến lúc chết , thì tơ mới hết ;
    ngọn nến khi thành tro , thì nước mắt mới khô .
    Soi gương buổi sáng , chỉ buồn là tóc mây thay đổi .
    Ban đêm ngâm thơ , chắc hẳn biết ánh trăng lạnh lẽo .
    Từ đây đi đến núi Bồng Lai (a) , không có nhiều con đường ;
    chim xanh (b) vì mình ân cần đi trước thăm dò .

    chú thích:
    (a)Bồng Lai : tên của một trong ba ngọn núi tiên ở Bột Hải .
    (b) Thanh điểu : chim xanh báo tin Tây Vương Mẫu đến .

    Dịch thơ :
    Không Đề 


    Xa nhau khó tựa gặp nhau,
    Gió đông không sức, hoa ràu xác xơ.
    Thác rồi, tằm mới hết tơ ;
    Tàn rồi, nến mới cạn khô lệ sầu .
    Soi gương, buồn tóc đổi màu ;
    Ngâm đêm, mới biết trăng thâu lạnh lùng.
    Có xa xôi mấy non Bồng,
    Dò đường hỏi lối, cây cùng chim xanh.
    Hoặc Ôn Đình Quân (2):
    Dao sắt oán
    Băng điệm ngân sàng mộng bất thành
    Bích thiên như thủy, dạ vân khinh
    Nhạn thanh viễn quá Tiêu Tương khứ
    Thập nhị lâu trung nguyệt tự minh. 
    Tiếng đàn ai oán
    Mộng hờ giường bạc chăn băng
    Mây đêm nhẹ hẫng nước xanh mầu trời
    Tiêu Tương tiếng nhạn xa vời
    Mười hai cung Quảng trăng soi một mình. 
    (Quỳnh Chi phóng dịch) 
    Hoặc nữa là Tô Đông Pha (3):
    Thủy Điệu Ca
    Minh nguyệt kỉ thời hữu?
    Bả tửu vấn thanh thiên:
    “Bất tri thiên thượng cung khuyết,
    Kim tịch thị hà niên?”
    Ngã dục thừa phong qui khứ,
    Hựu củng huỳnh lâu ngọc vũ,
    Cao xứ bất thăng hàn.
    Khởi vũ lộng thanh ảnh,
    Hà tự tại nhân gian!
    Chuyển chu các,
    Ðê ỷ hộ,
    Chiếu vô miên,
    Bất ưng hữu hận,
    Hà sự trường hướng biệt thời viên?
    Nhân hữu bi hoan li hợp,
    Nguyệt hữu âm tình viên khuyết,
    Thử sự cổ nan toàn.
    Ðãn nguyện nhân trường cửu,
    Thiên lý cộng thiền quyên.
    Dịch thơ:
    Mấy lúc có trăng thanh?
    Cất chén hỏi trời xanh:
    “Cung khuyết trên chính từng,
    Ðêm nay là đêm nào?”
    Ta muốn cưỡi gió bay lên vút,
    Lại sợ lầu quỳnh cửa ngọc,
    Trên cao kia lạnh buốt.
    Ðứng dậy múa giỡn bóng,
    Cách biệt với nhân gian!
    Trăng quanh gác tía,
    Cuối xuống cửa son,
    Dòm kẻ thao thức,
    Chẳng nên ân hận,
    Sao cứ biệt li thì trăng tròn?(a)
    Ðời người vui buồn li hợp,
    Trăng cũng đầy vơi mờ tỏ,
    Xưa nay đâu có vạn toàn.
    Chỉ nguyện đời ta trường cửu,
    Bay ngàn dặm cùng với thuyền quyên (b).
    Người dịch: Nguyễn Hiến Lê
    Chú thích: (a) Nhớ người em là Tử Do.
    (b)  Tiếng thuyền quyên này nghĩa gốc trỏ mọi người đẹp, không riêng đàn bà, ở đây trỏ Tử Do. Chính là thiền, ta quen đọc là thuyền.
    **
    Truyện Kiều của Nguyễn Du có tới 62 câu nói về trăng. Không kể một vài câu nói về trăng là để chỉ thời gian đã trôi qua (nhật, nguyệt - ngày tháng) - “Trải bao thỏ lặn ác tà”, còn hầu hết mỗi lần trăng xuất hiện là xảy ra một sự kiện quan trọng của cuộc đời các nhân vật, và điều đáng chú ý là độ tròn khuyết cũng như độ sáng của ánh trăng đều biến đổi rất đa dạng phù hợp với tâm trạng của nhân vật.
    Sau khi gặp Kim Trọng ở buổi du xuân trong tiết thanh minh, cuộc gặp gỡ của giai nhân tài tử “Người quốc sắc kẻ thiên tài / Tình trong như đã mặt ngoài còn e”, thì Kiều trở về nhà với ánh trăng thổn thức của những rung động ban đầu của “Mối tình sét đánh”: Vầng trăng xuất hiện lần đầu là một vầng trăng mùa xuân mở ra cuộc sống tâm hồn của Kiều với những dự cảm về tình yêu :    
    1.      Gương nga chênh chếch dòm song
    2.      Vàng gieo ngấn nước, cây lồng bóng sân.
    3.      Hải đường lả ngọn đông lân,
    4.      Giọt xuân gieo nặng cành xuân la đà.
    5.      Một mình lăng ngắm bóng nga
    6.      Rộn đường gần với nỗi xa bời bời.
    7.      Người mà đến thế thì thôi
    8.      Đời phồn hoa cũng là đời bỏ đi.
    9.      Người đâu gặp gỡ làm chi
    10.  Trăm năm biết có duyên gì hay không.
    11.  Ngổn ngang trăm mối bên lòng,
    12.  Nên câu tuyệt diêu ngụ trong tính tình.
    13.  Chênh chênh bóng nguyệt xế mành
    14.  Tự nương bên triện một mình  thiu thiu.
     Chỉ trong 14 câu thơ mà “Gương nga”, “bóng nga”, “bóng nguyệt” xuất hiện tới ba lần để rồi trở thành ‘Trăng thề” tròn đầy, viên mãn:                                                     
     Vầng trăng vằng vặc giữa trời
     Đinh ninh hai mặt, một lời song song.
    Có thể nói, cảnh trăng đêm xuân của “Mối tình đầu” giữa giai nhân và tài tử là hình ảnh đẹp nhất của của Truyện Kiều. Điều đó càng làm cho tính Bi kịch của mối tình Kim – Kiều thêm những sắc thái thẩm mỹ mới để đạt tới một hình tượng nghệ thuật hoàn chỉnh.
    Tuy nhiên, không vì thế mà khi trăng xuất hiện ở những cảnh ngộ khác kém đi phần hấp dẫn, mà nó vẫn có được vẻ đẹp riêng, vẻ độc đáo riêng.
    Cảnh trăng mùa Hạ thật sống động:
    Dưới trăng quyên đã gọi hè,
    Đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông.
    Đây là cảnh Trăng Mùa Thu sáng láng, óng vàng:
                                 Long lanh đáy nước in trời
                                  Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng.
    Song,vẻ đẹp ấy thật mong manh và lạnh lẽo:
                                                  Đêm thu gió lọt song đào
                                          Nửa vành trăng khuyết, ba sao giữa trời.
    Và cái khoảnh khắc rợn ngợp bơ vơ của Thúy Kiều khi liều mình bỏ trốn theo Sở Khanh:
                                                Đêm thu, khắc tận canh tàn
                                                   Gió rừng trút lá, trăng ngàn ngậm gương
                                                             Lối mòn cỏ nhợt màu sương
                                                   Lòng quê đi một bước đường một đau
                                                             Tiếng gà xao xác gáy mau...

     Và khi theo Mã Giám Sinh về Lâm Truy:
    1.      Nàng thì dặm khách xa xăm,
    2.      Bạc phau cầu giá đen rầm ngàn mây .
    3.      Vi lô san sát hơi may,
    4.      Một trời thu để riêng ai một người .
    5.      Dặm khuya ngất tạnh mù khơi,
    6.      Thấy trăng mà thẹn những lời non sông.
    7.      Rừng thu từng biếc xen hồng,
    8.      Nghe chim như nhắc tấm lòng thần hôn.
    9.      Những là lạ nước lạ non,
    10.  Lâm Truy vừa một tháng tròn tới nơi .
    Và  rất nhiều sự việc của cuộc đời ba chìm bảy nổi của Kiều đều xảy ra dưới Trăng:
    Khi dan díu với Thúc Sinh:
                                                      Nỉ non đêm ngắn tình dài,
                                              Ngoài hiên thỏ đã non đoài ngậm sương.
    Rồi được làm vợ, nhưng sau đó bị Hoạn Thư đánh ghen, đến nỗi phải bỏ Quan Âm Các mà trốn đi:
                                                      Cất mình qua ngọn tường hoa,
                                              Lần đường theo bóng trăng tà về tây.
    Khi Kiều trót khuyên Từ Hải ra đầu hàng triều đình, nàng vô cùng ân hận và thất vọng, nên gieo mình xuống sông Tiền Đường:
                                                       Mảnh trăng đã gác non đoài,
                                              Một mình luống những đứng ngồi chưa xong.
    Cho đến cuối cùng, được Giác Duyên cứu sống, được đoàn tụ với gia đình và tái hợp:
                                                       Tình duyên ấy, hợp tan này,
                                               Bi hoan mấy nỗi, đêm chầy trăng cao.

    Khi Kiều gặp Sở Khanh tại lầu Ngưng Bích:
                                                      Bóng nga thấp thoáng dưới mành,
                                                  Thấy chàng nàng cũng ra tình đeo đai.
    Rồi trốn theo người:
                                                          Đêm Thu khắc tận canh tàn,
                                                Gió rừng trút lá, trăng ngàn ngậm gương.
    Khi Kiều bị ép vào lầu xanh:
                                                          Đôi phen nét vẽ câu thơ,
                                                  Cung đàn trong nguyệt, nước cờ dưới hoa.
                                                    Và:  Đòi phen tuyết tựa hoa kề
                                            Nửa rèm tuyết ngậm bốn bề trăng thâu.
     Từ đây, vầng trăng chỉ hiện ra để in đậm cái cô đơn, cái lạnh lẽo, cái lẻ loi cô độc của Kiều, chỉ còn biết lục tìm trong ký ức, để mà nhớ Thúc Sinh:
                                                                    Vầng trăng ai xẻ làm đôi
                                                      Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường...                        
    Nhớ Kim Trọng:
    Trăng thề còn đó trơ trơ,
    Dám xa xôi mặt, mà thưa thớt lòng.

     Và nhớ nhung vô hình vô ảnh, càng nhớ càng cô đơn:
    Hiên tà gác bóng chênh chênh,
    Nỗi riêng riêng chạnh tấc riêng một mình.
    **
    Ở đoạn cuối của Truyện Kiều, Nguyễn Du lại nói về cái cảnh “Trăng thề” mà “Vầng trăng vằng vặc giữa trời” tuyệt đẹp thuở nào, nhưng lại là để Thúy Vân nói thay cho đôi tình nhân có duyên mà không có phận:
                                                     “Bây giờ gương vỡ lại lành
                                              Khuôn thiêng  lừa lọc đã đành có nơi
                                                      Còn duyên may lại còn người
                                               Còn vầng trăng bạc còn lời nguyền xưa.”
    Vầng trăng bạc ở đây là “trăng thề”: “Vầng trăng vằng vạc giữa trời” ngày xưa khi Thúy Kiều đính ước với Kim Trọng và nay nó lại chứng giám cho cuộc hội ngộ. Bao năm lưu lạc, rồi Kiều lại trở về, tấm lòng nàng vẫn như xưa, nàng vẫn không quên lời thề dưới trăng đêm ấy. Song, Kiều không thể “nối lại tình xưa” nên phải nhờ cậy Thúy Vân. Còn Thúy Kiều với Kim Trọng thì  “Đem tình cầm sắt đổi ra cầm kỳ” và:
    Khi chén rượu, khi cuộc cờ
    Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên!
    Chú thích:
    (*) Hoàng Hạc Lâu:
    Phiên âm Hán-Việt:
    Tích nhân (a) dĩ thừa hoàng hạc khứ,
    Thử địa không dư Hoàng Hạc Lâu.
    Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,
    Bạch vân thiên tải không du du.
    Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ,
    Phương thảo thê thê Anh Vũ (b) châu.
    Nhật mộ hương quan hà xứ thị,
    Yên ba giang thượng sử nhân sầu.
    Dịch nghĩa
    Lầu Hoàng Hạc
    Người xưa đã cưỡi hạc vàng bay đi,
    Nơi đây chỉ còn lại lầu Hoàng Hạc
    Hạc vàng một khi bay đi đã không trở lại
    Mây trắng ngàn năm vẫn phiêu diêu trên không
    Mặt sông lúc trời tạnh, phản chiếu cây cối Hán Dương rõ mồn một
    Cỏ thơm trên bãi Anh Vũ mơn mởn xanh tươi
    Trời về chiều tối, tự hỏi quê nhà nơi đâu?
    Trên sông khói tỏa, sóng gợn, khiến buồn lòng người!
    Dịch thơ:
    Hạc vàng ai cưỡi đi đâu?
    Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ
    Hạc vàng đi mất từ xưa
    Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay
    Hán Dương sông tạnh cây bày
    Bãi xa Anh Vũ xanh dầy cỏ non
    Quê hương khuất bóng hoàng hôn
    Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai!
    (Bản dịch của Tản Đà)
     Chú thích: (a) Tục truyền Phí Văn Vi thành tiên, thường cưỡi hạc về nghỉ ở Hoàng Hạc lâu.            
    (b) Khu bãi bến khúc sông thuộc Vũ Xương tỉnh Hồ Bắc.
    Thôi Hiệu (khoảng 704–754) là thi nhân thời nhà Đường, người Biện Châu (nay là tỉnh Hà Nam, Trung Quốc), đỗ tiến sĩ năm Khai Nguyên thứ 11 (723), làm quan đến chức Tư Huân viên ngoại lang. Đương thời, Thôi Hiệu rất nổi tiếng, nay thơ của ông chỉ còn lại hơn 40 bài, trong đó, Hoàng Hạc Lâu được coi là một trong những bài thơ hay nhất thời Đường. 
      (1) Lý Thương Ẩn (831-858): Tự là Nghĩa Sơn, hiệu là Ngọc Khê sinh. Người huyện Hà Nội (tỉnh Hà Nam). Nhà thơ nổi tiếng thời Vãn Đường.
    Lý Thương Ẩn nổi tiếng ngang với Ôn Ðình Quân và Ðỗ Mục (1*), nên người người đương thời gọi là Ôn Lý và Lý Ðỗ. Tương truyền ông có tình luyến ái với nữ đạo sĩ Tống Hoa Dương và các cung nữ Lư Phi Loan và Khinh Phượng. Những bài thơ Vô đề của ông đều được làm ra cốt để tả những mối tình bí ẩn này.
    Lý Thương Ẩn có ảnh hưởng rất lớn đối với thi đàn đời Tống. Vương An Thạch (1**) khen thơ Lý Thương ẩn có cái vẻ tài tình giống thơ Ðỗ Phủ. Các nhà thơ thuộc phái Tây Côn chủ trương mô phỏng thơ ông khi sáng tác.
     (1*)  Đỗ Mục tự Mục Chi, hiệu Phàn Xuyên, người Vạn Niên, quận Kinh Triệu (nay là Trường An tỉnh Thiểm Tây), sinh vào cuối đời Đường Đức Tông (742-805). Ông nội Đỗ Hựu vừa là một tể tướng giỏi về lý tài, vừa là một sử gia biên soạn sách Thông điển. Anh ông là Đỗ Sùng, phò mã, làm đến tiết độ sứ, rồi tể tướng. Năm 828, 26 tuổi, ông đỗ tiến sĩ, lại đỗ luôn khoa chế sách Hiền lương phương chính, được bổ chức hiệu thư lang ở Sùng văn quán, rồi ra làm đoàn luyện tuần phủ tại Giang Tây, sau đó đến Hoài Nam làm thơ ký cho tiết độ sứ Ngưu Tăng Nhụ, lại đổi về làm giám sát ngự sử tại Lạc Dương. Năm 835, ông đi chơi Hồ Châu, rồi cứ bị đổi làm thứ sử hết nơi này đến nơi khác (Hoàng Châu, Từ Châu, Mục Châu). Năm 849, ông nhờ một người bạn làm tướng quốc xin cho về thái thú Hồ Châu, sau đổi khảo công lang trung tri chế cáo, và cuối cùng làm Trung thư xá nhân.
    Bài Bạc Tần hoài của Đỗ Mục tả cảnh trăng trên bến sông rất độc đáo:
    Yên lung hàn thủy nguyệt lung sa,
    Dạ bạc Tần Hoài cận tửu gia.
    (Bạc Tần hoài)

    Khói lồng nước lạnh, trăng lồng bãi cát,
    Đêm đậu thuyền ở bến Tần hoài gần tiệm rượu
    (Đậu thuyền ở bến Tần hoài)
     (1**) Vương An Thạch (1021-1086), tự Giới Phủ, hiệu Bán Sơn Lão Nhân, người ở Phủ Châu – Lâm Xuyên (nay là huyện Đông Hương, tỉnh Giang Tây), là một nhà văn nổi tiếng thời nhà Bắc Tống và cũng là nhà kinh tế, chính trị lỗi lạc trong lịch sử Trung Quốc.
    Ông là một trong bát đại gia về văn xuôi và thơ phú từ thế kỷ 7 đến thế kỷ 13 ở Trung Quốc, gồm có: Hàn Dũ Liễu Tông Nguyên đời Đường, Âu Dương Tu, Tô Tuân, Tô Thức, Tô Triệt, Tằng Củng và ông.
    Giữa Vương An Thạch và Tô Thức có một giai thoại: Tô Đông Pha đọc thơ của Vương An Thạch, thấy có hai câu:
    Minh nguyệt sơn đầu khiếu
     Hoàng khuyển ngọa hoa tâm.
    Đông Pha chê là vô lý: trăng sáng sao lại hót ở đầu núi, chó vàng sao lại nằm trong lòng hoa được? Nghĩ như vậy nên Đông Pha lấy bút sửa chữ khiếu ra chữ chiếu, sửa chữ tâm thành chữ âm, thành ra:
    Minh nguyệt sơn đầu chiếu
     Hoàng khuyển ngọa hoa âm
     (Trăng sáng soi đầu núi / Chó vàng nằm dưới hoa).
    Sau đó, Tô Đông Pha bị đổi tới một nơi ở phía nam. Ở đó, Đông Pha thấy một loài chim tên là Minh nguyệt, và một loài sâu tên là Hoàng khuyển. Lúc đó, Đông Pha nhớ lại hai câu thơ của Vương An Thạch, có nghĩa là:
    Con chim Minh nguyệt hót ở đầu núi
     Con sâu Hoàng khuyển nằm giữa đóa hoa.
    Lúc ấy Đông Pha mới biết kiến thức của mình còn kém họ Vương nhiều.
    (2) Ôn Đình Quân (812-870): vốn tên Kỳ, tự Phi Khanh, người Thái Nguyên (nay thuộc tỉnh Sơn Tây). Nhà thơ nổi tiếng thời Vãn Đường. Thoạt đầu làm chức tần quan cho Từ Thương , trấn thủ Tương Dương . Đời Đường Tuyên Tông , thi đậu tiến sĩ ; được bổ làm chức úy tại Phương thành , rồi đổi sang huyện Tùy . Năm 866 (đời Đường Ý Tông ), được cử làm chủ thí . Cuối cùng làm đến chức Quốc tử trợ giáo .
    Ôn Đình Quân tinh thông âm luật , giỏi đàn sáo , là đại từ gia của đời Đường . Nổi tiếng ngang với Lý Thương Ẩn , người đương thời gọi là Ôn Lý .
      (3) Tô Thức (1037-1101), tự Tử Chiêm, một tự khác là Hòa Trọng, hiệu Đông Pha cư sĩ nên còn gọi là Tô Đông Pha, là nhà văn, nhà thơ, nhà thư pháp, họa sĩ nổi tiếng Trung Quốc thời Tống. Ông được mệnh danh là một trong Bát đại gia Đường Tống.

    Sài Gòn, tháng 9-2010
    Đỗ Ngọc Thạch






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét