Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2011

Lưu Quang Vũ "Sống mãi tuổi 17" - Đ.N.Thạch

Lưu Quang Vũ “Sống mãi tuổi 17” - Đỗ Ngọc Thạch
Xem hình

Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2010 đã trao giải “Thành tựu trọn đời về Thơ” cho Tuyển thơ Gió và Tình yêu thổi trên đất nước tôi (NXB Hội Nhà văn và Nhã Nam hợp tác xuất bản, H.2010) của cố thi sĩ Lưu Quang Vũ (1948-1988). Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi (2010) với hơn 100 thi phẩm có thể xem như tuyển tập thơ Lưu Quang Vũ đầy đủ, công phu và kỹ lưỡng nhất cho đến thời điểm này. Tuyển tập thơ sẽ đem lại cho độc giả hình dung khá toàn diện về hành trình thơ Lưu Quang Vũ, nơi mỗi chặng đường đều in dấu những suy nghĩ, xúc cảm sâu đậm của tác giả và ghi dấu nhiều biến động của lịch sử, xã hội trong những thập niên cuối của thế kỷ 20.

Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi  được chia làm năm phần, theo thứ tự thời gian: Phần 1: Hương cây;  Phần 2: Viết cho em từ cửa biển;  Phần 3:  Đất nước đàn bầu;  Phần 4: Mắt của trời xanh ;  Phần 5: Những đám mây ban sớm.
Hình ảnh “Mây trắng” là một hình ảnh đẹp trong thơ Lưu Quang Vũ từ những vần thơ đầu tiên. Đó là những bài thơ Tình Lưu Quang Vũ viết cho Tố Uyên, chẳng hạn như trong bài Vườn trong phố:
 “Nơi ban đầu lòng ta ươm tổ mật
 Nơi ta hái những chùm thơ thứ nhất
 Nơi thu sang mây trắng vẫn bay về”.

Và đó chính là lý do để Vũ gọi “Mây trắng” là Nàng Thơ của mình, tỏa bóng suốt cuộc đời mình:
“Trên mái nhà, cao vút rừng cây
Trên rừng cây những đám mây xô dạt
Trên ngày tháng, trên cả niềm cay đắng
Thơ tôi là mây trắng của đời tôi”

(Mây trắng của đời tôi)
Lưu Quang Vũ coi Thơ là niềm đam mê lớn nhất trong cuộc đời cầm bút của mình, anh thường nói với bạn bè: “Kịch là công việc, thơ là hồn phách”. Anh làm thơ như một thôi thúc nội tại mãnh liệt, làm thơ như ghi nhật ký, làm thơ ngay cả khi không thể đăng báo hay chia sẻ cùng ai. Để lại một di sản thơ không nhỏ, nhưng sinh thời, Lưu Quang Vũ mới in được nửa tập thơ trong Hương cây - Bếp lửa (in chung cùng Bằng Việt - 1968), hai tập Mây trắng đời tôi (1989) và Bầy ong trong đêm sâu (1993) ra mắt bạn đọc sau khi anh mất. Chính vì vậy, Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi (2010) với hơn 100 thi phẩm có thể xem như tuyển tập thơ Lưu Quang Vũ đầy đủ, công phu và kỹ lưỡng nhất cho đến thời điểm này. Tuyển tập thơ sẽ đem lại cho độc giả hình dung khá toàn diện về hành trình thơ Lưu Quang Vũ, nơi mỗi chặng đường đều in dấu những suy nghĩ, xúc cảm sâu đậm của tác giả và ghi dấu nhiều biến động của lịch sử, xã hội trong những thập niên cuối của thế kỷ 20.
Đọc Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi ta hình dung được không chỉ số phận của chính nhà thơ mà là số phận của cả dân tộc, đất nước qua trường kỳ lịch sử, có những lúc rực rỡ hào hùng, cũng có cả những năm tháng vật vã khổ đau. Và riêng cuộc đời nhà thơ, dù có không ít tháng ngày u ám, cô đơn, đổ vỡ, có lúc tuyệt vọng... song  “Khổ đau dẫu nhiều tôi chọn niềm vui”, “Để luôn luôn được trở lại với đời” :
                                
Ước chi được hóa thành ngọn gió
Để được ôm trọn vẹn nước non này
Để thổi ấm những đỉnh đèo buốt giá
Để mát rượi những mái nhà nắng lửa
Để luôn luôn được trở lại với đời…
Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi…
(Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi)

Bên cạnh hơn một trăm bài thơ được chia làm năm phần, sắp xếp theo trình tự thời gian, tuyển tập còn bao gồm phần thủ bút của Lưu Quang Vũ trích trong tập Cuốn sách xếp lầm trang. Việc ra mắt một tuyển tập dày dặn, công phu về thơ Lưu Quang Vũ không chỉ là cơ hội để người đọc tìm lại những vần thơ từng một thời được say đắm, đến với những bài thơ còn ít được biết đến, mà hơn thế, đây thực sự còn là dịp để Lưu Quang Vũ được nhìn nhận, và ghi nhận ở một tầm vóc mới, xứng đáng hơn trong nền thơ ca VN hiện đại, bởi cho đến nay mà nói, thơ ca VN hiện đại thời kỳ chống Mỹ - thời kỳ thơ LQV xuất hiện, - không có tên LQV trong đội ngũ các nhà thơ tiêu biểu vốn cùng xuất hiện và cùng lứa tuổi với Lưu Quang Vũ như Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy, Nguyễn Đức Mậu, Thanh Thảo, v.v…
*
Lưu Quang Vũ sinh tại tại Phú Thọ, là con trai nhà viết kịch Lưu Quang Thuận (quê Đà Nẵng) và bà Vũ Thị Khánh, và tuổi thơ sống tại Phú thọ cùng cha mẹ. Khi hòa bình lập lại (1954) gia đình ông chuyển về sống tại Hà Nội. Từ 1965 đến 1970, Vũ nhập ngũ, phục vụ trong quân chủng Phòng không - Không quân. Đây là thời kỳ thơ Lưu Quang Vũ bắt đầu nở rộ. Từ 1970 đến 1978: xuất ngũ và làm đủ mọi nghề để mưu sinh, làm ở Xưởng Cao su Đường sắt do Tạ Đình Đề làm Giám đốc, làm hợp đồng cho NXB Giải phóng, chấm công trong một đội cầu đường, vẽ pa-nô, áp-phích,...Từ 1978 đến 1988: Lưu Quang Vũ làm biên tập viên Tạp chí Sân khấu, bắt đầu sáng tác kịch nói với vở kịch đầu tay Sống mãi tuổi 17, viết lại theo kịch bản của Vũ Duy Kỳ.

Chỉ trong khoảng 10 năm, Vũ đã là tác giả của gần 50 vở kịch và hầu hết các vở kịch của Vũ đều được các đoàn kịch, chèo dựng thành công dưới sự chỉ đạo của nhiều đạo diễn nổi tiếng, đã làm sôi động sân khấu Việt Nam một thời như: Hồn Trương Ba da hàng thịt, Lời thề thứ 9, Bệnh sĩ, Khoảnh khắc và vô tận, Ông không phải bố tôi, Tôi và chúng ta, Tin ở hoa hồng, Nàng Sita, v.v… Vở kịch đầu tay "Sống mãi tuổi 17" được trao tặng Huy chương Vàng Hội diễn sân khấu năm 1980. Lưu Quang Vũ được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 2 (năm 2000) về nghệ thuật sân khấu. Tuy được giải thưởng lớn về sân khấu như vậy, nhưng theo như nhiều nhà nghiên cứu văn học, nhiều nhà thơ thì Lưu Quang Vũ là một Thi sĩ đích thực, thơ mới là cái làm nên Lưu Quang Vũ, như nhận định sau của nhà thơ Vũ Quần Phương: “Nhưng đọc hết các bản thảo anh để lại, tôi thấy thơ mới là nơi anh ký thác nhiều nhất và tôi tin nhiều bài thơ của anh sẽ thắng được thời gian. Hình như Lưu Quang Vũ cũng nhận ra điều đó. Anh nói với nhiều bạn bè rằng anh thích được làm thơ hơn cả viết kịch lẫn viết truyện, rằng thành công của thơ thường mang cho anh niềm vui lâu hơn dù nhuận bút tiêu có chóng hết hơn. Cố nhiên với Lưu Quang Vũ hay với chúng ta, không có sự khinh trọng giữa các loại hình nghệ thuật. Ở đây chỉ muốn nói tới cái tạng của anh. Tôi thấy trước sau cốt cách thi sĩ vẫn là nét trội nhất trong tâm hồn anh. Tôi cũng trộm nghĩ, về lâu dài, sự đóng góp của Lưu Quang Vũ về thơ còn lớn hơn về kịch” (Vũ Quần Phương: Đọc thơ Lưu Quang Vũ).
Nhà thơ Lưu Quang Vũ
Nhận xét trên của Vũ Quần Phương là đúng và nói “Ðắm đuối đó là một đặc điểm của suốt đời Lưu Quang Vũ” cũng rất đúng và tôi muốn nói thêm cái sự “đắm đuối” ấy không chỉ là “đặc sản” của riêng Lưu Quang Vũ mà là của cả một thế hệ cùng trang lứa khi đó, mà dễ thấy ngay ở Bằng Việt, người “bạn đường” với Lưu Quang Vũ trong tập thơ in chung “Hương cây - Bếp lửa”:
"Lẵng quả thông" trong suối nhạc nhiệm màu
Hay "Chuyến xe đêm" thẫn thờ, mê đắm
Mùi cỏ dại trên cánh đồng xa thẳm
Một bầu trời vĩnh viễn ướp hương hoa…
(Bằng Việt: Nghĩ lại về Pauxtopxki)

Song, khi Vũ Quần Phương nói tiếp : “Gần như cả tập Cuốn sách xếp lầm trang, hai mươi hai bài, đều chưa đăng cả. Mà đây là một tập hay, có lẽ hay nhất trong các tập của Lưu Quang Vũ. Tôi đọc và sửng sốt, đây là một Lưu Quang Vũ khác, một Lưu Quang Vũ mà bạn bè còn ít biết tới. Ở đây anh cô đơn hơn, cay đắng hơn và nhiều ý nghĩ của anh bế tắc quá. Nhưng cũng chính ở đây anh viết thực chân thành, trái tim trần trụi nhoi nhóp đập sau nét chữ mảnh mai như chữ con gái - chưa bao giờ tôi thấy thơ Lưu Quang Vũ chân thành đến tàn nhẫn với chính mình như ở tập này. Anh ghi lên giấy tất cả những gì đã có ở lòng anh, không cần biết những ý tình ấy có phù hợp hay không với thời cuộc. Lưu Quang Vũ không gửi đăng ở đâu. Anh viết cho anh thôi, cho nhu cầu của riêng anh, trước hết. Nhưng chắc chắn anh tin rằng tập thơ sẽ có lúc được xuất bản vì một lý do đơn giản: nó hay, hay vì nó đã diễn đạt tinh vi được một tâm trạng mà tâm trạng đang cảm xúc cao độ những gì mà nó đang sống” - thì tôi thấy không còn đúng nữa. Thứ nhất, cả tập Cuốn sách xếp lầm trang…không thể “là một tập hay, có lẽ hay nhất trong các tập của Lưu Quang Vũ”. Thứ hai, nếu nói nó hay “vì nó đã diễn đạt tinh vi được một tâm trạng mà tâm trạng đang cảm xúc cao độ những gì nó đang sống” , song tâm trạng đó lại “có nhiều ý nghĩ bế tắc”, thì quả là không ổn. Diễn tả tâm trạng cô đơn, bế tắc không phải là sở trường, không phải là cảm hứng chủ đạo trong thơ Lưu Quang Vũ, mà chỉ là một “thời kỳ đen tối” đã trở thành “kỷ niệm buồn” mà chính bản thân Vũ cũng muốn xóa bỏ trong bộ nhớ, đã được Lưu Quang Vũ bộc bạch thành cả một bài thơ:
Tôi chẳng muốn kỷ niệm về tôi là một điệu hát buồn
Bao bài ca xáo trộn trong tôi
Có tiếng khóc của con chim gẫy cánh
Tiếng đau rên của ngôi nhà đổ sập
Tiếng con thuyền không về được bờ quen
Tiếng mưa rơi trên ngọn cỏ yếu mềm…
Như đêm hội này chỉ một lần tôi được hát
Chỉ sống một cuộc đời giữa vô cùng năm tháng
Chỉ một lần gặp bạn, bạn yêu thương
Chẳng muốn kỷ niệm về tôi là một điệu hát buồn
Tôi chọn bài ca của mùa hạ nắng
Tôi chọn bài ca của người gieo hạt
Hôm nay là mầm, mai sẽ thành cây
Khổ đau dẫu nhiều tôi chọn niềm vui
Là suối mát lòng tôi gửi bạn
Một cuộc đời - một bài ca duy nhất
Tôi chẳng muốn điệu hát buồn là kỷ niệm về tôi.

 (Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi)
Về vấn đề “cô đơn, bế tắc” trong thơ Lưu Quang Vũ, về những “bài thơ xé lòng” của Lưu Quang Vũ đã được nhà Phê bình văn học Vương Trí Nhàn đề cập và lý giải khá thấu tình đạt lý trong bài viết “Lưu Quang Vũ và một mảng đời mảng thơ thường bị quên lãng” in trong cuốn “Cây bút, đời người” (NXB Hội Nhà văn, 2007):
“Những phiền toái đã đến với Vũ khá nhanh chóng, những phiền toái do lỡ lầm hư hỏng của chính anh gây ra cũng có, mà do cái ngặt nghèo của hoàn cảnh cũng có. Tôi không nhớ thật rõ, nhưng hình như ngay vào khoảng đầu những năm 70, khi Vũ mới 22-23, trong đầu óc một số chúng tôi, cái hình ảnh mơ mộng của một nhà thơ được ái mộ nơi anh đã nhòa đi gần hết. Thay vào đấy là hình ảnh một kẻ long đong giữa cuộc đời vô định. Những hoang tưởng ngớ ngẩn đã đẩy Vũ đến chỗ vượt ra khỏi những quy định thông thường mà một người làm thơ trẻ phải tuân thủ. Và Vũ bị trả giá đích đáng. Báo chí không in thơ Vũ nữa. Vũ rơi vào tình thế cô độc, hầu như lạc lõng giữa dòng người sôi nổi. Một điều khốn khổ nữa là chính lúc ấy, cái gia đình riêng của Vũ cũng rạn vỡ” ... “Tôi còn nhớ rất rõ cái cảm tưởng nước đôi giày vò bản thân mình khi nghe những bài thơ đó của Vũ: một mặt e ngại, cảm thấy nó đi ngược với tâm trạng chung, cái lạc quan chung nên không cần ai bảo, đã thấy là không phải. Nhưng mặt khác lại thích thú, cảm thấy ở đó có một phần vui buồn của mình nên tìm kiếm vụng trộm, tán thành vụng trộm, thèm muốn trở lại với những dòng thơ đó, như thèm muốn nhìn thấy chính hình ảnh của mình.
…Từ đầu 1970, cuộc sống Hà Nội đã bắt đầu phô ra tất cả cái khó khăn phiền phức mà thời chiến phải có. Thành phố như một người ngấm bệnh…Từ đủ mọi phía, hoài nghi len lỏi tới, những hoài nghi đủ sức làm bủn rủn con người và không cho người ta vững tâm làm việc gì cả. Thơ Vũ bắt lấy những cái đó rất nhanh. Từ hoàn cảnh riêng, Vũ suy ra cả cuộc đời chung và diễn tả những tan nát đổ vỡ với tất cả cái đắm đuối của tuổi trẻ. Chúng tôi đã thử tìm cách chống lại thứ thơ ấy. Chẳng phải là đôi lúc, Vũ đã không khỏi có chút huênh hoang? Đã vay mượn chắp vá? Đã tố cái khốn khó của mình lên? Đã rên rỉ nhiều hơn là kiên nhẫn chịu đựng và dìm nỗi đau của mình trong nước lạnh? Chúng tôi biết cả. Nhưng tận trong thâm tâm, mỗi người vẫn biết là có lòng mình, tâm trạng của mình ở trong những dòng thơ rách xé đó. Vốn xa lạ với mọi thứ giáo huấn, dạy bảo, Vũ không hẳn cố ý làm lây truyền cái nôn nao buồn bã của mình. Nhưng có lẽ chính vì thế mà tiếng kêu của anh càng tội nghiệp. Nó giống như một tiếng nức nở…”.
Và con người bằng xương thịt của Lưu Quang Vũ thì được Vương Trí Nhàn phác họa thật thảm hại: “Nay bước sang tuổi 20 - tuổi hai mươi khốn khổ của tôi ơi / Tuổi tai ương dằng dặc trận mưa dài; trong một bài thơ nào đó, hình như nay đã thất lạc, Vũ viết vậy - bước sang tuổi 20, giờ đây người anh đanh lại, xạm đi, trên nét mặt nhiều khoảng tối u uất. Lúc nào Vũ cũng như đăm chiêu không bằng lòng một điều gì, để rồi khi chịu không được, lại buột ra một câu thật suồng sã, láo lếu...”. Nhưng, cuộc đời không ruồng bỏ mà rất bao dung, bởi Vũ đã có tình bạn và tình yêu - hai thứ tình cảm rất cần đối với Thi sĩ cô đơn: “Còn ở Hà Nội, người bao dung hơn cả, là Nguyễn Lâm. Căn phòng nhỏ của Lâm ở Triệu Việt Vương là nơi Vũ thường xuyên lui tới. Những lúc vui, Vũ đi những đâu đâu, khi buồn quá, lại trở về với Lâm. Lâm có thể nghe Vũ kể đủ chuyện, có thể nghe Vũ chửi bới kêu than, lại có thể lặng đi chờ đợi khi Vũ đờ đẫn không nói gì. Lần ra ga Hàng Cỏ cùng Vũ trong một đêm trời lạnh, đó là Lâm. Ngồi xe xích lô cùng Vũ đi rong, để rồi lại trở về trầm ngâm bên chiếc điếu cày hay chén rượu nhạt, lại cũng là Lâm, ”Lâm rùa” như chúng tôi đã đặt tên. Bao nhiêu ngang ngược của Vũ, Lâm chịu được hết. Trong những năm tháng tơi tả của Vũ, Lâm là hiện thân của sự chứa chấp thông cảm mà Vũ khao khát, nhưng lại thường tự đánh mất. Cố nhiên, nói về thơ Vũ lúc này, còn phải nói về gia đình và những người đàn bà, nơi nương tựa về tâm lý của Vũ, những khi đặc biệt cơ cực. Đó là những chuyện mà ở ta ít có thói quen nói ra công khai, song thật ra, lại liên quan trực tiếp đến nhiều sáng tác cụ thể của các nghệ sĩ nói chung và Lưu Quang Vũ nói riêng. Đọc những bài thơ tình hay nhất của Vũ viết khoảng sau 1970, tôi nhớ tới lời tự thú của Picasso: “Cũng như tất cả các họa sĩ khác, tôi trước tiên là họa sĩ của phụ nữ, và với tôi, phụ nữ trước tiên là một cơ chế của sự đau khổ”.
*
Ở trên, tôi đã nói diễn tả tâm trạng cô đơn, bế tắc không phải là sở trường và cảm hứng chủ đạo của thơ Lưu Quang Vũ mà đó chính là tình yêu và cảm hứng dân tộc, lịch sử. Những bài thơ mà “Con mắt xanh” của nhà phê bình trứ danh Hoài Thanh chọn để giới thiệu Lưu Quang Vũ với Thi đàn lúc đó là những bài Thơ tình, - không phải tình trong mộng mà tình có thực - mối tình của Thi sĩ họ Lưu và “Con chim Vành khuyên” Tố Uyên: Vườn trong phố, Hơi ấm bàn tay…Ta như ngất ngây, say đắm với những vần thơ tuôn trào cuồn cuộn mà đầy nhạc tính và người ta yêu dấu hiện ra rất giản dị mà cũng rất rực rỡ:

Trong thành phố có một vườn cây mát
Trong triệu người có em của ta
Buổi trưa nắng bầy ong đi kiếm mật
Vào vườn rồi ong chẳng nhớ lối ra
Vườn em là nơi đọng gió trời xa
Hoa tím chim kêu bàng thưa lá nắng
Con nhện đi về giăng tơ trắng
Trái tròn căng mập nhựa sinh sôi…
 …………
Dưa hấu bổ ra thơm suốt ngày dài
Em cũng mát lành như trái cây mùa hạ
Nước da nâu và nụ cười bỡ ngỡ
Em như cầu vồng bảy sắc hiện sau mưa

 (Vườn trong phố)
Phút đưa nhau ta chỉ nắm tay mình
Điều chưa nói thì bàn tay đã nói
Mình đi rồi hơi ấm còn ở lại
Còn bồi hồi trong những ngón tay ta.

Như hai dòng sông gặp gỡ đổi phù sa
Nhập luồng nước, hòa nhau màu sắc
Trao cảm thương, hai bàn tay nắm chặt
Nghe máu mẹ cha chuyển giữa mỗi tay mình.

(Hơi ấm bàn tay)
Tình yêu thời đó thật lãng mạn. Những bài thơ tình đó thật là đẹp. Đó cũng là thời của những bài thơ tình nổi tiếng như Hương thầm của Phan Thị Thanh Nhàn, Cuộc chia li màu đỏ của Nguyễn Mỹ…mà các bạn trẻ 8X, 9X bây giờ không thể nào có được!
Song, hầu như Thi sĩ lớn nào cũng gặp khổ đau trong Tình yêu. Mối tình Lưu Quang Vũ và Tố Uyên đã tan vỡ. Bài thơ Từ biệt viết cho Tố Uyên, đó là cả tâm hồn tan nát của Lưu Quang Vũ:
Thôi nhé, em đi
Như một cánh chim bay mất
Phòng anh chẳng có gì ăn được
Chim bay về những mái nhà vui.
Nghĩa gì đâu kỷ niệm tháng năm dài
Lời thương mến nhớ lại thành chua chát
Lòng ta cạn hay đời quá hẹp
Nghĩ cho cùng, nào dám trách chi em.

(Từ biệt)
Dù sao đi nữa, những bài thơ tình viết cho Tố Uyên trong phần Hương cây vẫn là những bài thơ tình hay nhất của Lưu Quang Vũ, đó là những vần thơ có tính chất khai mở của thơ Lưu Quang Vũ. Không hiểu sao, khi in trong Tập Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi này, những lời đề tặng Tố Uyên lại bị xóa đi?
*
Trong cuộc Tọa đàm về Thơ Lưu Quang Vũ vừa rồi, nhà thơ Anh Ngọc có nhận xét :Chất thơ của Lưu Quang Vũ có nhiều tự sự, lời thơ, câu chữ rất mềm và trong sáng. Thứ hấp dẫn dài lâu với độc giả chính là chiều sâu suy tư và nhạc tính của những câu thơ. "Thơ nằm giữa văn học và âm nhạc, nên thơ cần được đọc lên. Thơ Vũ là loại thơ như thế". Cũng theo Anh Ngọc, "Lưu Quang Vũ là nhà thơ cổ điển ngay ở lứa tuổi 20" với những vần thơ giàu tính chiêm nghiệm và một cách vô tình, giàu chất triết lý. “Cổ điển ngay ở lứa tuổi hai mươi” mà Anh Ngọc nhận xét về thơ Lưu Quang Vũ chính là cảm hứng dân tộc, lịch sử, đất nước trong thơ Lưu Quang Vũ. Cái cảm hứng thi ca “già trước tuổi” này ta đã thấy trong Thơ Mới với Huy Thông, Chế Lan Viên, Huy Cận…khi cũng đang ở “Tuổi đôi mươi” như Lưu Quang Vũ. Có thể nói cảm hứng dân tộc, lịch sử, đất nước là cảm hứng chủ đạo trong thơ Lưu Quang Vũ, là thiên phú bẩm sinh của Lưu Quang Vũ. Những bài thơ Lưu Quang Vũ viết từ “cảm hứng lịch sử, dân tộc, đất nước” cứ như những dòng sông cuộn chảy với những thác ghềnh ở thượng nguồn, những cánh đồng lúc thì mát xanh lúc thì vàng rực nơi bình nguyên, và trong những âm thanh réo sôi, cuồn cuộn đó, ta nghe thấy bước chân của con người, ra đi từ thuở hồng hoang cho tới hôm nay:

Đi dọc một triền sông
Những chiếc trống đồng vùi trong cát
Những mảnh bình vỡ nát
Những mũi tên lăn lóc
Khắp đồi núi hoang vu
Những rìu đá cổ sơ những hang động khổng lồ
Những đống lửa còn tro tàn sót lại.
Đi tìm lại thời gian đã mất
Thuở biển cả điên cuồng gầm thét
Những con chim lạc mỏ dài
Bay qua vầng trăng lớn
Cánh sừng sững tắm hoàng hôn đỏ rực
Cất tiếng kêu hoang dại dưới đêm nồng.
Đi tìm lại những bông hoa xanh biếc
Những rễ cây quằn quại
Những ngà voi nhọn hoắt
Những tiếng hú dài ào ạt mưa rơi
Tôi đi tìm dòng máu của tôi
Hơi thở đầu sôi sục của tôi
Trong cuồn cuộn những ngực trần đen bóng
Những bộ lạc mình vẽ đầy rồng rắn
Quần hôn trên bờ bãi sông Hồng
Những mái tóc dài bay gió biển Đông
Những mái lá có bùi nhùi giữ lửa
Những người đàn bà tết cỏ cây che vú
Đã ngọt ngào dòng sữa
Điệu ru con đầu tiên
Bức tranh đầu tiên khắc mặt người lên đá
Điệu múa đầu tiên theo nhịp thuyền.

(Đất nước đàn bầu)
Nếu có câu “Thi trung hữu họa” thì chính là cảm hứng dân tộc, lịch sử, đất nước trong thơ Lưu Quang Vũ. Nếu nói “Thi trung hữu nhạc” thì chính là cảm xúc Tình Yêu trong thơ Lưu Quang Vũ…(*). Chính những bài Thơ Tình của Lưu Quang Vũ khiến thơ Vũ trẻ mãi không già và “Sống mãi tuổi 17”! Chính vì thế, tôi vẫn thấy những những câu thơ ở thời “Mối tình đầu” của Lưu Quang Vũ mới thật là ấn tượng:
Nơi lá chuối che nghiêng như một cánh buồm
Cánh buồm xanh đi về trong hạnh phúc
Se sẽ chứ không cánh buồm bay mất
Qua dịu dàng ẩm ướt của làn môi…

 (Vườn trong phố)
Sài Gòn, tháng 9-2010
Đ.N.T
Đón đọc chùm thơ Lưu Quang Vũ do nhà văn Đỗ Ngọc Thạch chọn (Mục Trang thơ trong nước của NBĐ)
(Theo Bản tác giả gửi NBĐ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét