Thứ Ba, 25 tháng 12, 2012

Hóa thạch - Chùm mini của Đỗ Ngọc Thạch










Hóa Thạch - Chùm truyện mini của Đỗ Ngọc Thạch (phongdiep.net)


 Đường Văn::  
Hóa Thạch - Chùm truyện mini của Đỗ Ngọc Thạch
Có nhà khảo cổ học nọ sau khi làm xong luận án Tiến sĩ thì phát hiện ra rằng ngành khảo cổ học không còn vấn đề gì đáng quan tâm nữa, liền chuyển qua văn học - nơi mà có thể đón nhận người từ mọi ngành nghề chuyển tới. Khi bước vào thế giới văn học, vị Tiến sĩ khảo cổ học được nhóm các nhà nghiên cứu, phê bình chèo kéo với lí do: ở đây ai cũng bằng cấp, học vị cao đầy mình, còn ở bên sáng tác thì trình độ rất lôm côm, có cả người chỉ có học vấn tiểu học!





Đường Văn ::
  Hóa Thạch - Chùm truyện mini của Đỗ Ngọc Thạch
  Chùm truyện mini của Đỗ Ngọc Thạch






Hóa Thạch - Chùm truyện mini của Đỗ Ngọc Thạch

Hóa thạch - Chùm truyện mini của Đỗ Ngọc Thạch


1.Hóa thạch

Có nhà khảo cổ học nọ sau khi làm xong luận án Tiến sĩ thì phát hiện ra rằng ngành khảo cổ học không còn vấn đề gì đáng quan tâm nữa, liền chuyển qua văn học - nơi mà có thể đón nhận người từ mọi ngành nghề chuyển tới. Khi bước vào thế giới văn học, vị Tiến sĩ khảo cổ học được nhóm các nhà nghiên cứu, phê bình chèo kéo với lí do: ở đây ai cũng bằng cấp, học vị cao đầy mình, còn ở bên sáng tác thì trình độ rất lôm côm, có cả người chỉ có học vấn tiểu học!
Trước đòi hỏi bức bách của đời sống văn học, vị Tiến sĩ khảo cổ được hội đồng Lý luận văn học giao cho một đề tài nghiên cứu cấp quốc gia là "Hiện trạng công tác Lý luận, phê bình và giải pháp cho sự phát triển". Sau một năm, ban nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học tới thăm dò xem tiến độ của công việc thì vị Tiến sĩ khảo cổ nói: "Các anh các chị cứ làm như chúng ta là nhà máy sản xuất mì ăn liền, thật khôi hài! Đề tài của tôi muốn có kết quả thì phải chờ các sự kiện, nhân vật của tôi hóa thạch, lúc đó tôi mới có thể khảo sát chúng được!". Các vị trong ban nghiệm thu cùng sốt ruột hỏi: "Vậy phải chờ thời gian là bao nhiêu lâu?". "Chúng tôi thường tính thời gian bằng Kỷ, ngắn cũng là Thế Kỷ" - vị tiến sĩ khảo cổ thản nhiên nói, còn tất cả các vị trong ban nghiệm thu đề tài  đều ...té xỉu!
2. Quay đầu là bờ

Công ty nọ làm lễ đón nhận huân chương Lao động hạng 2 rất long trọng, hoành tráng, không thể kể siết... Có vị Hòa thượng đáng kính nọ được mời tới dự trong nhóm khách VIP, đang "mơ màng" bên mấy em tiếp tân đẹp như hoa hậu, á hậu thì bất ngờ được ban tổ chức mời lên phát biểu, liền "ứng khẩu" nói: "Tội lỗi, tội lỗi...Quay đầu là bờ!". Tổng giám đốc Công ty nghe Hòa thượng nói vậy thì giật mình tưởng là Hòa thượng đã biết hết tội lỗi của mình (hối lộ nhiều quan chức cao cấp Nhà nước để có được cái Huân chương Lao động hạng 2 này) liền cho ngừng lễ đón nhận Huân chương và đến ngay cơ quan chống tham nhũng tự thú!


3. Dạy con từ thuở còn thơ

Bà mẹ nọ có hai đứa con mới bốn, năm tuổi đã bắt  ngày ngày học đan sọt, hàng xóm láng giềng thấy vậy thì hỏi: "Sao chị không dạy con học chữ mà lai bắt con học đan sọt?". Người mẹ nói: "Ngày trước, lúc ông nội chúng nó đau ốm nằm một chỗ, bố nó phải đi tìm mua sọt rất khó khăn...". Người kia lại hỏi: "Mua sọt làm gì?". Người mẹ nói: "Thì để cho ông già vào đó đem thả xuống sông!... Bố chúng nó mà có ngã bệnh nằm một chỗ thì có sọt mà dùng ngay!". "Vậy chúng nó có biết đan sọt để làm gì không?" - người kia lại hỏi. Người mẹ nói: "Sao không biết! Cha nào thì con nấy!".


4. Bố là ai

Trong giờ học văn tả người của một lớp Tiểu học, cô giáo ra đề hãy tả người bố của mình, cả lớp ngồi im phăng phắc và đã nửa giờ trôi qua mà hình như chưa có trò nào viết được chữ nào? Có vẻ như những đứa con rất khó nói về người bố của mình?- cô giáo nghĩ thầm. Bỗng có một bé gái đi nhanh lên bàn cô giáo nộp bài. Cô giáo giật mình kinh ngạc khi đọc được những dòng chữ sau: "Bố em là người có ba đầu sáu tay như một phép biến hóa của Na Tra Thái tử trong truyện Tây du ký, nhưng ba đầu của bố em không giống nhau mà một đầu thì giống nhà đạo diễn phim, một đầu giống nhạc sĩ tài danh còn đầu thứ ba giống y trang một đại gia ngành Ngân hàng! Bố em đích thị là quái nhân, còn nói gì được nữa?". Cô giáo đọc xong liền hỏi cô bé học trò: "Vậy mẹ em là ai, làm nghề gì?". Cô bé nói ngay: "Mẹ em là người mẫu chân dài kiêm diễn viên điện ảnh, kiêm ca sĩ!". "Hèn chi..." - Cô giáo nghĩ bụng.

5. Bệnh Lạ

Có nhà Xã hội học nọ trên đầu bỗng nổi những cục u chỉ to bằng quả nho nhưng nhiều tới mức phủ kín đầu và thể trạng thì yếu ớt và thường hôn mê bất tỉnh. Rất nhiều Bác sĩ danh tiếng đã xem xét kỹ lưỡng nhưng chưa biết là bệnh gì, đành kết luận là "Bệnh Lạ". Cô con gái lớn của nhà Xã hội học đang du học ở nước ngoài, cũng theo chuyên ngành Xã hội học, nghe tin bố mắc bệnh lạ thì vội bay về thăm bố. Sờ lên đầu bố, cô con gái bủn rủn hoảng sợ khi chạm phải đám cục u, liền hỏi mẹ: "Trước khi bị u đầu thế này, bố của con đi đâu, làm gì?". Người Mẹ nói: "Thì đi điều tra xã hội học về vấn đế quy hoạch trên phạm vi toàn quốc!". Cô con gái tức thì la lên: "Thôi rồi, bố đã đụng phải vô số những "Quy hoạch treo" có ở khắp nơi!", rồi ôm lấy mẹ khóc như mưa rào! Người Mẹ hoảng sợ vô cùng, hỏi rối rít: "Phải làm sao bây giờ? Phải dùng thuốc gì đây?". Cô con gái nghẹn ngào nói: "Loại bệnh này không có thuốc chữa", rồi hai mẹ con cùng ngất xỉu!

6. Ngôn ngữ tính cách

Một vị quan chức kia đột ngột qua đời vì treo cổ tự tử tại nhà riêng, hay tin, ai cũng tiếc thương một người đang thăng tiến như thế mà lại làm chuyện dại dột. Trong ngày đưa tiễn vị quan chức về cõi vĩnh hằng, mỗi người đều nói một câu vĩnh biệt, sau đây là năm câu nói của năm người cuối cùng mà vợ của người chết còn nhớ được:
Một quan chức cấp trên: Cậu còn thiếu của tớ món nợ lớn khi nhấc cậu từ cấp phó lên  cấp trưởng. Một người mẫu chân dài: Anh còn chưa thực hiện lời hứa cho em một căn hộ nơi chung cư cao cấp. Một nữ đại gia U40: Anh còn chưa cho em một danh phận. Một học sinh trung học: Bố con ta chưa kịp nhận nhau cơ mà! Một sĩ quan điều tra: Không mổ tử thi thì chưa thể kết luận là chết do treo cổ hay do bị đầu độc?

7. Kết quả của một sự chuyển đổi

Hai vị quan tham nhũng nọ sau khi ra hầu Tòa thì không những không bị thọ án mà chỉ phải "Xin lỗi" rồi chuyển đổi sang cơ quan khác với tính chất công việc khó khăn hơn, ngõ hầu có cơ hội lập công chuộc tội, đó là tinh thần chỉ đạo của các "Ô dù". Sau hai năm xa cách, hai vị quan tham nhũng nọ mới có dịp tái ngộ, tay bắt mặt mừng hỏi thăm nhau. Một vị nói: "Không biết quan anh có kiếm chác được gì, tôi thì toàn Bao cao su chất đầy nhà! Có lẽ phải xin từ chức!". Vị quan kia hỏi: "Vậy quan Bác làm ở cơ quan gì?". "Dân số và kế hoạch hóa gia đình, tôi lại đặc trách việc sinh đẻ có kế hoạch" - vị quan này trả lời. Vị kia nói: "Hèn chi!...Như thế còn đỡ hơn tôi, sân vườn nhà tôi bây giờ rác thải chất cao như núi. Cái biển hiệu Công ty xử lý Rác cũng bị vùi lấp mất tiêu! Tôi cũng tính phải xin từ chức". Vị quan sinh đẻ có kế hoạch tức thì reo lên: "Có rồi, chúng ta sẽ dốc vốn cùng hùn hạp thành lập Công ty tư vấn Văn hóa từ chức". Không biết cái Công ty tư vấn văn hóa từ chức có ra đời hay không, thông tin này chưa được cập nhật!

8. Chó chống tham nhũng

Một nhà phát minh kia suy nghĩ: có chó nghiệp vụ chống ma túy thì cũng phải có chó nghiệp vụ chống tham nhũng. Tại sao không? Thế rồi ngày ngày đêm đêm, nhà phát minh kia tập trung hết tâm lực cho việc nghiên cứu đề tài mới mẻ và hóc búa này. Và chỉ sau một năm, phát minh mới được hoàn tất với một đội chó nghiệp vụ chống tham nhũng gồm mười chú chó nhìn qua cũng thấy thông minh, nhanh nhẹn và to khỏe như những chú có nghiệp vụ chống ma túy. Trước ngày công bố công khai trước bàn dân thiên hạ về phát minh mới này, một nhà báo có bề dày chống tham nhũng hỏi nhỏ nhà phát minh phụ trách đề tài kia: "Chỗ quen biết từ lâu, ông hãy nói thật cho tôi biết "Tim đen" của phát minh này là gì?". Nhà phát minh nói: "Thì phát minh của tôi chính là xuất phát từ một câu nói trước đây của ông: Sờ đâu cũng có thể tóm cổ được tham nhũng!". Nhà báo ngớ người hồi lâu mới nói được: "Ờ nhỉ!...Ông thật láu cá!".

9. Đề tài sáng tác

Hai nhà văn nọ nói chuyện với nhau về đề tài sáng tác. Nhà văn A nói: "Tôi chỉ có thể cày cấy trên thửa ruộng của mình, như một nhà nông". Nhà văn B nói: "Tôi thì lại chỉ phù hợp với những chuyến đi tới nơi vô tăm tích, tìm một vật vô danh". Một ngày kia, nhà văn A chuyên cày cấy nói với nhà văn B: "Nông thôn giờ tiêu điều, mùa màng thất bát, tôi có tám đứa con đều đói ăn, nay gửi cả chỗ ông, nhờ ông dắt dẫn chúng đi kiếm cơm thiên hạ!". Đó chính là lí do vì sao bây giờ nhà văn viết về nông thôn ngày càng ít mà viết về cuộc sống giang hồ nơi đất khách quê người, kể cả ngoại quốc, ngày càng nhiều!

10. Hậu sinh khả úy

Một đại gia trẻ tuổi chưa tới thập tam mà đã nổi tiếng về mọi mặt. Một ngày kia, bố của đại gia trẻ, cũng là một đại gia lừng danh, bị bắt giam khi chuẩn bị hạ cánh an toàn. Các bạn bè chiến hữu của hai bố con thấy đại gia con không có ý muốn cứu đại gia bố thì đều thắc mắc và tới hỏi đại gia con: "Cứu người như cứu hỏa, sao không thấy cậu nhúc nhích?". Đại gia con nói: "Hi sinh đời bố, củng cố đời con. Tôi phải "Vì nghĩa diệt thân" mới có được ngày hôm nay. Có thế mà không hiểu sao?".

11. Thiên tài nhí

A nói với B: "Giờ là thời đại anh hùng xuất thiếu niên, lĩnh vực nào cũng có cả. Chẳng hạn như ca nhạc, khiêu vũ bọn trẻ hát và nhảy múa, uốn éo không thua kém gì người lớn!". B nói: "Đúng đấy! Các lĩnh vực văn học nghệ thuật cũng không ít thần đồng, chẳng hạn như cậu bé mười tuổi đã viết tiểu thuyết viễn tưởng rất cừ! Nhưng có một lĩnh vực mà bọn nhí chưa thể làm ăn gì được. Chẳng hạn như ái tình!". A cười nói: "Thế thì cậu chỉ biết một mà chưa biết mười, bây giờ nhiều đại gia có bồ nhí lắm!". B trố mắt kinh ngạc nghẹn ngào không nói được gì!

12. Chân phải và chân trái

Chân trái nói với chân phải: "Tớ và cậu là cặp song sinh, đi đâu cũng có nhau, chủ nhân của chúng ta vừa vô địch maraton thì công trạng là chia đôi, đúng không?". Chân phải nói: "Đúng! Sao cậu lại hỏi vậy?". Chân trái nói tiếp: "Bởi vì tại sao khi tách riêng ra tớ đều yếu hơn cậu?". Chân phải cười nói: "Có thế mà cậu cũng không hiểu sao, bởi vì cậu phải suốt đời nâng đỡ trái tim nhiều khổ đau của chủ nhân!". Chân trái xúc động run rẩy...

Đỗ Ngọc Thạch

nguồn: phongdiep.net
Gửi email trang này cho bạn bè Mở cửa sổ in bài viết này

Đường Văn ::

  Hóa Thạch - Chùm truyện mini của Đỗ Ngọc Thạch
  Di truyền - Chùm truyện mini của Đỗ Ngọc Thạch

Chùm truyện mini (tiếp)Chùm truyện mini (tiếp)

Di truyền - Chùm truyện mini của Đỗ Ngọc Thạch

 Di truyền - Chùm truyện mini của Đỗ Ngọc Thạch

1. Di truyền

Trong ngày ăn mừng cậu cả đậu thủ khoa tới ba trường đại học, ai cũng mặt mày hớn hở tới chúc mừng cậu cả liên tục, tuy nhiên nếu nhìn kỹ thì trên gương mặt cậu cả đang tàng ẩn một nỗi u sầu sâu thẳm. Người mẹ cậu cả phát hiện điều này ngay từ đầu bữa tiệc và muốn lờ đi... Nhưng cuối cùng thì người mẹ không nhịn được, bèn hỏi con:
- Tại sao con lại có nỗi buồn trong ngày vui, hãy nói cho mẹ biết đi nào?
- Con không muốn làm phiền lòng mẹ nhưng mẹ đã hỏi thì con xin nói: Tại sao 8 anh em con chỉ có con là chăm học còn thằng Hai chỉ thích làm thợ điện, thằng Ba lại thích làm thợ sửa ống nước, thằng Bốn thì suốt ngày tập võ...và con Bảy, con Tám thì mới ba tuổi ranh đã đòi đi làm quan? - Cậu Cả nói.

Người mẹ ngần ngừ giây lát rồi nói:
- Mẹ cũng rầu chuyện này lắm nhưng ông Trời bắt sao thì đành chịu vậy thôi con à!... Bố con thì quanh năm ngày tháng đi dự hội nghị, hội thảo khoa học, lương Tiến sĩ mà mẹ còn phải cho thêm mỗi lần đi họp xa đó con ơi! Nhà mình có biết bao nhiêu việc, mẹ có ba đầu sáu tay cũng không thể làm hết. Hỏng đồ điện thì phải kêu thợ điện, tắc ống nước thì phải kêu thợ ống nước, có trộm cướp thì phải nhờ ông bảo vệ...và các ông chủ tịch phường, công an phường có đến thăm hỏi thì cũng phải tiếp đón chu đáo...

Người mẹ bỗng khóc thổn thức, không nói được nữa. Cậu con cả thấy vậy thì ôm lấy mẹ rồi nói bằng một giọng khác lạ:
- Con sẽ thay mẹ chăm sóc các em, con sẽ không làm giáo sư, tiến sĩ như bố nữa mà sẽ học thêm nghề thợ điện, thợ sửa đường ống nước, sẽ học võ, ai ăn hiếp mẹ con đập chết liền!
Người mẹ nghe con nói vậy thì ngất xỉu, cậu con cả không biết tại sao? Sau này, mỗi lần cậu định hỏi mẹ nhưng sợ mẹ ngất xỉu nên lại thôi!

2. Phép thử

Hai vợ chồng ông Phí Văn Thí và bà Lại Thị Nghiệm đều làm việc ở một phòng Thí nghiệm cả cuộc đời "Binh nghiệp" cho tới khi nghỉ hưu. Một ngày kia, thấy "ngứa nghề", ông Thí nói với bà Nghiệm: "Năm đứa con của chúng ta đều đã trưởng thành, có gia đình riêng và cuộc sống khá sung túc...". Bà vợ tiếp lời: "Như thế là mãn nguyện rồi, giờ ta có nhắm mắt xuôi tay cũng an lòng. Sao ông có vẻ như còn băn khoăn điều gì?". Ông nói ngay: "Tôi vẫn chưa yên tâm về nhân cách, đạo đức của chúng nó. Phải thử vài lần nữa!". Nói đến chuyện "thử nghiệm", bà vợ ủng hộ ngay, thế là cả hai cùng diễn màn đột quỵ! Năm người con đều nhận được "tin dữ" nhưng đều có ý nấn ná chờ những người anh em đến trước rồi mới "tính". Thấy vậy, con dâu cả nói với chồng: "Đùn đẩy như thế không phải là cách. Chúng ta là vai huynh trưởng phải hành động trước!". Người con cả ngập ngừng nói: "Nhưng...". Người vợ nói như ra lệnh: "Không nhưng gì hết. Ta thuê một đội mai táng đến giải quyết nhanh gọn rồi làm cái di chúc thừa hưởng ngôi nhà ba tỉ, như thế là có lời to!". Nói là làm, hai vợ chồng người con cả đến ngay nhà ông Thí bà Nghiệm. Ông Thí và bà Nghiệm thấy đội mai táng nhanh tay đưa mình vào quan tài thì bật dậy và cùng chỉ tay vào mặt vợ chồng người con cả la lớn: "Quân bất hiếu!...Chúng tao chưa chết mà muốn chôn hả?!".

3. Đổi vũ khí

Có ông sĩ quan quân đội thường phải xa nhà mà người vợ lại quá sung nên không an tâm, liền nói với vợ: "Anh rất tin tưởng sự chung tình của em, nhưng anh cũng hiểu có nhiều khi ta không chế ngự được khách quan, thân bất do kỉ mà! Vì thế anh sẽ tạo cho em một vệ sĩ đắc lực, khi có giặc ngoại xâm, nó sẽ bắn cả băng AK...", nói rồi ông sĩ quan vẽ bên vùng "cấm địa" của vợ một xạ thủ tay lăm lăm khẩu súng AK, loại súng tiểu liên nổi tiếng thế giới. Một tuần sau, ông sĩ quan đi công cán về, kiểm tra tên vệ sĩ kia thì thấy nó đang cầm khẩu B40 mà không phải là AK thì hỏi vợ: "Tại sao tên vệ sĩ lại cầm B40 mà không phải là khẩu AK anh đã giao cho nó?". Người vợ nói: "Có lẽ nó đã bắn hết đạn nên đổi vũ khí. Mà theo em thì loại súng chống tăng B40 sát thương mạnh hơn nhiều!". Người chồng thấy vợ quá am hiểu vũ khí thì không nói gì được nữa!

4. Chuyện chống tham nhũng

Có ông quan tham nhũng nọ nhờ có hệ thống ô dù cực mạnh mà sắp tới tuổi nghỉ hưu vẫn an toàn tuyệt đối. Tới ngày sinh nhật 60 tuổi, quan chức, bạn hữu tới mừng thọ rất đông vui, náo nhiệt, vì không những ông quan này chưa nghỉ hưu mà còn được điều về một cơ quan đặc biệt chống tham nhũng. Có nhà báo nọ vì cũng biết một vài "mánh mung" của ông quan tham nhũng kia liền tới phỏng vấn. Sau đây là vài câu hỏi và đáp:
- Hỏi: Người ta thường nói "Chống tham nhũng: chống ai, ai chống"? Ông có thể cho một lời giải thích về câu nói này?
- Đáp: Câu hỏi này làm tôi nhớ đến những bài toán không có lời giải trong Toán học, và chính nhờ vậy mà Toán học là một khoa học danh giá nhất.
- Hỏi: Ý ông muốn so sánh công tác chống tham nhũng với Toán học?
- Đáp: Cũng có thể hiểu như vậy. Tất cả mọi sự so sánh đều khập khiễng nhưng rõ ràng là chống tham nhũng cũng khó như Toán học. Tôi đã làm tờ trình sắp tới sẽ mời vài nhà Toán học về làm việc ở cơ quan đặc biệt chống tham nhũng!

5. "Chờ Gô-đô"

Ông Lại Văn Chờ năm nay đã hơn bảy mươi tuổi, sống cùng người con trai tên Lại Chờ Đợi , là chuyên viên cao cấp, sắp nghỉ hưu. Sở dĩ cái gia đình này chỉ có hai bố con mà đều cao tuổi vì vợ ông Chờ, sau khi đẻ cậu con trai tên Đợi cho ông thì không từ mà biệt, bỏ bố con ông mà đi theo một Việt kiều ở Đông Âu. Hai bố con ông Chờ sống nhờ lương và tiền viết báo, dịch sách của cả hai bố con. Thấy hai bố con ông Chờ cứ ngồi lì bên bàn máy vi tính, ai cũng cho là gàn dở, chỉ có hai mẹ con bà hàng xóm tên là Nhẫn và Nại (người mẹ ngoài 50, cô con gái ngoài 30) là rất ngưỡng mộ bố con ông Chờ, thường xuyên sang giúp bố con ông cơm nước, chợ búa và dường như cả hai mẹ con bà Nhẫn đều chờ hai bố con ông Chờ cầu hôn. Bà mẹ tên Nhẫn đã thề dù năm năm, mười năm hay lâu hơn nữa vẫn chờ nhưng cô con gái thì có đôi chút dao động, và sẽ bỏ cuộc nếu như không có một lần cô Nại đánh bạo ôm chặt lấy ông Đợi mà hỏi: "Anh có yêu em không?", và ông Đợi đã hứa: "Sau khi in cho bố anh 10 cuốn tiểu thuyết, anh sẽ cầu hôn em!".
Nói về 10 cuốn tiểu thuyết của ông Chờ, tức bố ông Đợi, gọi là xong cũng được vì mỗi cuốn đã tới hơn 500 trang giấy A4 và ở trang cuối đều có chữ hết. Nhưng cũng chưa thể nói là xong, vì ngày nào ông Chờ cũng đem 10 cuốn tiểu thuyết ấy ra, xóa chỗ này, thêm chỗ kia mãi không thôi.
Câu chuyện của bố con ông Chờ (và cả mẹ con bà Nhẫn) chưa có hồi kết vì nó là chuyện "người đương thời".

6. Vô hiệu hóa

Lê Văn Trí Tuệ là một thần đồng thời trung học, là một sinh viên xuất sắc thời đại học và được chuyển tiếp nghiên cứu sinh Tiến sĩ (thời chưa có phong trào Thạc sĩ như bây giờ). Khi Tuệ được điều về nhận công tác ở Viện nghiên cứu nọ, một Trưởng phòng nói với Viện Trưởng: "Thằng nhỏ này quả là một tài năng hiếm có, nó rất thích và hành động theo phương châm "Phải lật ngược mọi cái cũ lên". Vì thế, em nghĩ nếu nó mà về Viện của chúng ta, nó sẽ lật nhào tất cả!". Viện Trưởng nói ngay: " Tớ cũng đang lo chuyện ấy có thể xảy ra. Vậy cậu có mẹo mực gì hay để trói nó lại không?". Trưởng phòng kia nói ngay: "Theo em việc này chỉ có thể là giao cho nó cái đề tài : Chứng minh những tội phạm là Anh hùng và ngược lại".
Khi anh chàng Lê Văn Trí Tuệ nhận được nhiệm vụ thì chỉ biết đấm ngực kêu trời: Trời hại ta, Trời hại ta!

7. Ô, dù và mũ, nón

Một lần, ô dù nói với mũ nón:
- Nói về nhiều mặt, chúng tôi đều hơn các bạn: đẹp hơn, hiệu quả che nắng, che mưa cao hơn, và đắt tiền hơn. Vậy mà bây giờ con người toàn nghĩ xấu về chúng tôi là cớ làm sao?
Mũ nón trả lời ngay:
- Quả là không sai. Các bạn bị mang tiếng xấu vì người sử dụng ô dù chủ yếu là tầng lớp thượng lưu, mà đã thuộc tầng lớp thượng lưu thì không xấu nhiều cũng xấu ít. Tất nhiên là các bạn bị liên đới. Còn những người sử dụng mũ nón của chúng tôi, chủ yếu là tầng lớp cần lao, hầu hết là người tốt!
- Vậy bây giờ phải làm sao để chúng tôi không bị mang tiếng xấu? - ô dù hỏi.
Mũ nón nói ngay:
- Thì các bạn cứ nói thẳng với người sử dụng là chúng tôi chỉ che nắng che mưa chứ không che đậy tội lỗi của các người!
8.Tình Yêu và Tình dục
Tình yêu và tình dục là cặp song sinh, tuy nhiên tính cách khác hẳn nhau:  Tình yêu thì e lệ, kín đáo còn Tình dục thì cuồng nhiệt, bốc lửa... Một lần, tình dục nói với tình yêu:
- Tại sao con người rất đắm say với tôi nhưng bạo phát bạo tàn, không được lâu bền, bây giờ con người cưới nhau chỉ qua tuần trăng mật là đã chán nhau rồi! Có cách gì cải thiện được tình trạng này không?
Tình yêu nói ngay:
- Chỉ có một cách duy nhất là phải luôn đi sau tôi 12 bước, phải luôn giữ đúng cự li!
Với những đôi tình nhân có được sự lâu bền chính là vì Tình dục đã nghe lời khuyên bảo đó của Tình yêu.
9.Bệnh nghề nghiệp
Một người vợ vừa khóc vừa tâm sự với bạn:
- Không hiểu sao, cứ mỗi lần chuẩn bị "lên giường", vừa nhìn thấy tám thân nõn nà của mình là ông xã có hành động rất lạ!
- Hành động như thế nào, nhào tới như hổ vồ mồi chứ gì? - Người bạn cười lớn.
- Như thế thì đã không có chuyện. Đằng này ông xã lại đi lấy hết đồ nghề dao kéo tới, tôi sợ quá phải bỏ chạy...- Người vợ nói.
- Thế thì lạ thật...- Người bạn suy nghĩ vài phút rồi hỏi - Thế ông xã của bồ làm nghề gì?
- Làm Bác sĩ ở phòng mổ!...
10. Chuyện của vợ Sếp
Sếp nọ có một dàn tướng sĩ thân cận rất đông và thường tụ tập ở nhà Sếp ăn nhậu thân tình như tình huynh đệ... Trong một lần ăn nhậu, vợ Sếp đưa cho chồng một cái nút áo và nói nhỏ: "Có một đệ tử của anh sàm sỡ em, em đã giật được cái nút áo này. Vậy anh hãy cho kiểm tra xem áo ai bị mất nút áo, kẻ sàm sỡ sẽ lòi đuôi cáo, ta sẽ trị đúng người đúng tội!". Sếp nghe vợ nói vậy thì liền nói lớn: "Anh em hãy nghe đây: Mỗi người phải nộp ngay ba cái nút áo!". Lần khác, vợ Sếp đưa cho chồng một ly bia, bên trong ly bia có một đoạn ngắn cái "Của quý" của ai đó, nói với chồng: "Lần này thì em đã cắt được một đoạn "vât chứng" của kẻ sàm sỡ.  Chẳng lẽ anh cũng truyền lệnh ai cũng phải đem nộp một đoạn như thế này?". Sếp nghe vợ nói như vậy thì cứng lưỡi không nói được gì!
11. Con gái đi nhận nhiệm sở
Người mẹ sang phòng con gái để chúc mừng con nhân ngày đầu tiên đi nhận nhiệm sở thì hết sức ngạc nhiên khi thấy con mặc bộ quần áo rất lạ như người ngoài hành tinh và còn đeo một cái đai như "xanh-tuya" của lính đặc nhiệm với lỉnh kỉnh những lựu đan, thủ pháo, dao găm, súng ngắn... Người mẹ trố mắt chưa kịp nói gì thì cô con gái nói ngay: "Mẹ thấy con nai nịt gọn gàng, vũ khí đầy mình hơn hẳn cái thời mẹ trang bị như Thánh Gióng không nào?". Người mẹ nghe con nói vậy thì chợt nhớ lại hồi trước, khi đi nhận nhiệm sở ngày đầu tiên, bà cũng đòi mẹ trang bị ngựa sắt, bộ giáp sắt, cây gậy sắt như Thánh Gióng đi đánh giặc Ân! Quả là mẹ nào con nấy!


12. Lời Con Trẻ

Đứa con gái đang học lớp Lá trường Mầm Non, hỏi Mẹ:
- Mẹ ơi, ở lớp con mới phải học nói xin lỗi và hứa sửa lỗi, tại sao con thấy nhiều ông già rồi mà vẫn thấy nói xin lỗi và hứa sửa chữa là cớ làm sao?
Mẹ cười nói:
- Đó là do quy luật của tạo hóa: người già thường trở lại tuổi ấu thơ!
Con gái như là chưa hiểu, vẫn nói:
- Ngộ nhỉ!

Đỗ Ngọc Thạch
nguồn: phongdiep.net
Gửi email trang này cho bạn bè Mở cửa sổ in bài viết này

Đường Văn ::
 


  Hóa Thạch - Chùm truyện mini của Đỗ Ngọc Thạch
  Di truyền - Chùm truyện mini của Đỗ Ngọc Thạch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét