Thứ Hai, 18 tháng 2, 2013

10 truyện ngắn về Nghề Y - Trích: Hai lần Bác sĩ



Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch - Trích: Hai lần Bác sĩ.

10 truyện ngắn của Đỗ Ngọc Thạch trên Ykhoaviet.net



Hai lần bác sĩ

Tháng 6 04, 2010 | Viết bình luận
Truyện ngắn của  Đỗ  Ngọc Thạch gửi đăng YKhoaNet.Vn
Thân là năm sinh và cũng là tên, hơn tôi bốn tuổi, tức sinh năm  1944. Sang năm đói Ất  Dậu  1945, lúc đó  Thân  mới một  tuổi, một lần bà nội tôi đi chợ, thấy Thân đói lả, chỉ còn thoi thóp bên xác người mẹ đã chết ở góc chợ. Bà tôi đem Thân về nuôi. Không hiểu do bà tôi mát  tay hay Thân  là một đứa bé hay ăn mau lớn mà chỉ hai, ba năm sau nó đã lớn nhanh  như thổi, chạy nhảy tung tăng khắp nơi. Khi tôi được ba tuổi,  mẹ  tôi gửi  tôi cho  bà  nội và Thân trở thành  “vệ sĩ” của tôi, cõng tôi đi chơi rong khắp làng. Lúc đó, ông nội tôi đang hành nghề chữa bệnh, lấy hiệu là  Đại  Đạo, tức cứu người  là chính, ai có tiền thì trả, ai nghèo quá thì ông tôi chữa bệnh miễn phí ! Còn bà nội tôi, vốn là con gái một ông chủ hiệu ở phố Thuốc Bắc Hà Nội, theo ông tôi lên miền đất  Trung du này thì sản xuất trà và giấy gió. Hai mặt hàng này lúc đó bán khá chạy nên phải nói là mức sống ở nhà ông bà nội tôi khá cao. Ngoài một vệ sĩ ra, tôi còn có riêng một nhũ mẫu (ở quê tôi gọi là “U”, còn xã hội gọi là “vú em”, “vú em” của tôi gọi là “U Tiến”, Tiến là tên gọi của tôi lúc nhỏ, do có phong trào “Nam tiến” lúc đó. Bố tôi tham gia “Nam tiến”, mẹ tôi tham gia “Phụ nữ cứu quốc” rồi đi học một khóa sư phạm ở chiến khu, cho nên tôi sống với ông bà nội và người gần gũi tôi nhất chính là U Tiến rồi đến vệ sĩ Thân. U Tiến coi tôi như con đẻ, tôi cũng coi U như mẹ đẻ. Đối với vệ sĩ Thân, tôi rất thích, tuy Thân là người ở nhưng tôi luôn gọi Thân là anh xưng em, còn Thân thì cứ một cậu chủ hai cậu chủ. Tôi phải cảm ơn Thân rất nhiều vì anh ta đã cõng tôi đi khắp nơi và thường cõng tôi ra tắm sông. Đó là con sông tên Thao gắn liền với câu ca :”Sông Thao nước đục người đen/ Ai lên Vũ Ẻn thì quên đường về”. Nhờ vậy mà tôi biết bơi rất sớm. Tuy thế, việc Thân hay cõng tôi đi tắm sông đã khiến anh ta bị tai nạn khá nghiêm trọng: một lần, Thân nhảy từ trên một cành cây chìa ra sông xuống sông đã  bị một cái cọc ngầm dưới nước đâm trúng  “hạ bộ”, nếu không nhờ ông tôi cứu chữa kịp thời, chắc anh ta đã chết lần thứhai!
Sau lần bị thương, Thân xin với ông tôi học nghề thuốc, nhưng chỉ được vài tháng thì cuộc kháng chiến chín năm kết thúc, cả ông bà đều về Hà Nội ở với bố tôi và ông  chú,  đó là vào cuối năm l954 đầu năm 1955. Lúc đó Thân mười một tuổi, còn tôi mới bảy tuổi. Tôi không hiểu sao lúc đó Thân không đi với ông bà tôi về Hà Nội.Tôi hỏi bà thì bà bảo:”Ông chủ tịch xã xin nó làm con nuôi rồi!”, thế là  tôi  mất  vệ  sĩ  từ  đó !…
Thời gian như bóng câu qua cửa sổ  ai  đó nói chẳng sai .  Thoắt cái đã mười năm trôi qua, tôi  tốt  nghiệp phổ thông trung  học và có giấy gọi vào Khoa Toán  trường  Đại học Tổng hợp Hà  Nội. Lúc tôi chuẩn bị nhập trường  thì bất ngờ gặp lại  Thân.  Gặp lại  Thân, tôi mừng quá, cứ nắm chặt  tay Thân mà nói không  ngừng :
-   Trời ơi  ! Nhớ anh quá ! Hồi mới về Hà Nội, cứ đi ra đường phố là bị bọn trẻ con xúm vào bắt nạt, đá đít véo tai,  rồi lại  lục cặp sách lấy hết bút, tẩy và cả mấy hòn bi ve nữa, tức quá mà không làm gì được chúng ! Giá như có anh đi cùng  thì chúng  đâu có dám ngang ngược như vậy ! Rồi hồi mới về  Hải Phòng này cũng bị bắt nạt như thế, mỗi lần gặp mấy thằng học sinh trường  Miền Nam số 21 là lại bị trấn lột sạch sành sanh ! Những lúc ấy em chỉ ao ước có anh ở bên cạnh, vậy mà anh đã ở đâu ?
Thân cười cười rồi nói :
-   Thôi, chuyện đã qua cho qua,  nhắc đến làm gì nữa ! Gặp lại cậu thế này là tốt rồi ! Tôi được biết cậu học rất giỏi, nay lại sắp trở thành nhà Toán học, mừng cho cậu !
-  Làm sao anh biết ? – Tôi ngạc nhiên hỏi .
-  À, rất đơn giản, tôi làm việc ở ban tuyển sinh thành phố. Khi thấy tên cậu, tôi cũng muốn tìm gặp cậu ngay để hàn huyên sau bao năm xa cách nhưng ngặt nỗi công việc quá bận rộn. Hôm nay tôi và cậu phải làm một chầu túy lúy !
Đây là lần đầu tiên tôi uống  rượu nên chỉ sau hai li  đã say mèm, nhưng sau khi Thân cho tôi uống một li  nước chanh giã  rượu, tôi lại có thể cụng li ba lần nữa ! Sau một hồi nói rất dài về nghệ thuật uống rượu,  Thân nói với tôi :
-  Cậu đã được vào đại học rồi, chẳng cần đến cái bằng tốt nghiệp phổ thông trung học kia nữa, cậu cho tôi, mai  tôi làm vệ sĩ  đưa cậu tới trường  nhập học !
Nghĩ  tới việc được đi với  Thân, tôi thích quá, đồng ý ngay, chẳng hề nghĩ xem Thân xin cái bằng của tôi  để làm gì ?
* * *
Sau lần làm vệ sĩ đưa tôi tới trường đại học, phải đến mười lăm năm sau tôi mới gặp lại Thân, cũng rất bất ngờ. Lúc đó tôi  đang làm việc ở Viện  Văn học. Ngày ngày làm con mọt sách, tối  đến thì nằm ngủ ngay trên bàn viết ! Việc ăn uống  lúc đó quả  là rất kham khổ, nộp hết  tem  phiếu và mười  tám ngàn đồng  cho một cửa hàng ăn uống nào đó, bạn sẽ có sáu mươi cái phiếu cơm cho cả tháng (tất nhiên tháng nào có 31 ngày thì bạn phải tự giải quyết). Mỗi suất cơm chỉ  là một đĩa cơm nhẹ như bấc và một chén thức ăn mặn (thường là  đậu phụ kho thịt bạc nhạc) và một chén canh lõng bõng. Ăn xong có cảm giác như đói  hơn ! Trên đường chúng tôi đi ăn cơm tháng, phải qua phố  Tạ Hiền – một con phố của người Hoa, chuyên bán đồ ăn đặc sản, lúc nào cũng  sào nấu thơm lừng, thật quá tra tấn. Một hôm, tôi vừa tới phố Tạ Hiền thì gặp Thân đứng chắn lù lù trước mặt. Tôi chưa kịp hết ngạc nhiên thì Thân đã lôi tôi vào trong quán ăn từ lúc nào !  Sau vài phút hàn huyên bên những món ăn thơm nức, Thân mới từ tốn nói :
-   Đúng là anh em mình có duyên nợ với nhau từ kiếp trước !  Cứ nghĩ lại cái thời thơ ấu,  ngày ngày cõng cậu đi tắm sông tớ thật mãn nguyện, giá như ta  có thể đi ngược thời gian !…Tớ biết cậu về Viện Văn học đã lâu,  nhưng ngặt  nỗi công việc  bù đầu, không dứt ra được ! Cậu như vậy là tốt rồi, ráng chờ một suất đi nghiên cứu sinh nước ngoài  sẽ đổi đời ngay thôi ! Còn tớ, đang làm cán bộ tổ chức ở Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, cũng đủ ăn nhưng lắm chuyện lôi thôi, không phải là kế lâu dài. Vì thế, tớ phải  đoạt được cái bằng đại học !
-  Thì anh xin dự thi đi, ở chỗ anh, muốn thi vào trường nào mà chả được ! – Tôi nói.
-  Nói thì dễ nhưng làm thì khó ! Tớ đã gần bốn mươi rồi, lại vợ con đùm đề, không có đầu óc đâu mà ôn thi nữa, mà thi chưa  chắc đã đỗ ! Vì thế, tớ nói thật với cậu, cái bằng tốt  nghiệp đại học của cậu chẳng cần với cậu  nữa, nhưng lại rất cần với tớ! Cậu đừng có ngạc nhiên như thế! Cậu hãy cho tớ cái bằng của cậu, tớ chỉ việc tẩy tên cậu đi, viết tên tớ vào là xong!
- Làm thế sao được? – Tôi thật sự ngạc nhiên.
- Cậu yên tâm. Việc gì cũng có thể làm được, cậu không nghe người ta thường nói:”chuyện gì cũng có thể xảy ra” à? Tớ làm  xong chuyện cái bằng, sẽ làm lại hồ sơ rồi chuyển vào miền Nam, trong đó ở đâu cũng thiếu cán bộ. Với cái bằng đại học, tớ có thể làm phó thậm chí giám đốc cấp Sở ở các tỉnh, rồi dần dần chuyển về trung tâm của miền Nam là Sài Gòn hòn ngọc Viễn Đông! Tớ đã xem tử vi tướng số rồi, cái số tớ sẽ phất mạnh ở Phương Nam ngập nắng !…
Tại tôi là người dễ mềm lòng, hay là tại những năm tháng tuổi thơ Thân ngày ngày cõng tôi đi khắp xóm làng cứ hiện về rõ mồn một, khiến tôi không thể từ chối yêu cầu của anh ta? Có lẽ tại cả hai! Khi tôi đưa cái bằng tốt nghiệp đại học của tôi cho Thân, anh ta đưa lại cho tôi mười cái bản sao và vừa cười vừa nói:
-Rồi cậu sẽ có được cái bằng cao hơn là phó Tiến sĩ!…
Thân còn nói gì nữa nhưng  tôi như chỉ nghe thấy tiếng gió ù ù thổi và tôi bỗng thấy lạnh run…
* * *
Chỉ vài tháng sau khi tôi cho Thân cái bằng đại học, anh ta chuyển đi miền Nam thật. Tôi nghĩ có lẽ sẽ chẳng bao giờ gặp lại nhau nữa vì đã kẻ Bắc người Nam đường xa diệu vợi, mà  làm cái nghề “ngâm cứu” như tôi có lẽ chẳng bao giờ đi đâu xa! Song, cuộc đời lại không yên ả như vậy. Một thời gian sau, tôi bỏ Viện văn học mà sang làm biên tập ở một tờ tạp chí về văn hóa nghệ thuật, những tưởng  có nhiều cơ hội cho việc “viết lách”, sẽ có nhiều “nhuận bút”, sẽ tăng thêm thu nhập. Nhưng thật ra, khoản thu nhập có tăng thêm nhưng không đáng kể, bởi nói chung “nhuận bút” rất thấp, đúng như câu nói “văn chương rẻ như bèo”! Tôi phải nhận bản thảo ở các nhà xuất bản, vừa đánh máy vừa biên tập để tăng thu nhập! Song,  công bỏ ra mười nhưng thu về chỉ được năm, tức lỗ vốn!…Thế rồi một loạt sự kiện lớn ập tới: lấy vợ, vợ thất nghiệp mà lại đẻ con, hết tuổi đi thi nghiên cứu sinh, mẹ mất…khiến cho tôi có ý định đi đâu đó để thoát khỏi cuộc sống khó khăn lúc đó! Vừa hay có ông giám đốc một Sở Văn hóa ở Tây Nguyên lấy vợ là  nhà sưu tầm folklore ở Viện Văn hóa nghệ thuật, cùng khuôn viên với cơ quan Tạp chí Nghiên cứu của tôi, muốn tôi vào Sở Văn hóa của ông giúp ông làm công tác xuất bản và ra Tạp chí Văn nghệ cho Sở, vậy là tôi đi liền, dù chưa hề biết cái tỉnh ở Tây Nguyên đó nó mặt ngang mũi dọc như thế nào, đúng như câu “cũng đành nhắm mắt đưa chân/thử xem con tạo xoay vần tới đâu?”. Rồi hai năm sau đó, cuộc đời xô đẩy tôi tới Sài Gòn, cứ như là một trò chơi của số phận! Và ở đây, tôi đã gặp lại Thân, trong một hoàn cảnh  đặc biệt…
Lúc đó, ban ngày tôi làm thuê cho một lò bánh ngọt ở quận 5, tối đến thì làm bảo vệ cho một ki-ốt bán đồ chơi điện tử ở quận một, ngay trên đường Nguyễn Huệ – nơi là chợ hoa của Sài Gòn rất nhiều năm. Gọi là bảo vệ nhưng thực ra là chỉ việc đến ngủ trong ki-ốt đó, kẻ trộm thấy có người ở trong ki-ốt sẽ không cạy cửa vào ăn trộm!…Tuy nhiên, xung quanh ki-ốt về đêm lại rất phức tạp: xì ke, ma túy và mua-bán dâm là hoạt động thường xuyên, không ngưng nghỉ, bất kể mưa gió…Tôi vào ki-ốt là ngủ liền, vì  làm thợ bánh cả ngày đã thấm mệt. Đêm hôm đó, tôi đang mơ màng thì nghe có tiếng rên rỉ bên ngoài ki-ốt. Ra xem thì thấy một ông khoảng gần sáu mươi đang nằm bệt, đầu bị đánh bằng vật cứng, máu còn đang nhểu ra, đầm đìa. Nhìn thấy tôi, ông ta năn nỉ:
-Cậu cứu tôi với! Tôi bị nó lừa vào đây “đi dù”, chưa làm được gì thì bị một  đứa khác đập vào đầu, rồi chúng lấy hết tiền và đồng hồ, lại tháo cả cái nhẫn cưới đính hạt xoàn  của tôi nữa !… Trời ơi!…
Tôi chạy đi kêu xích lô, nói chở tới bệnh viện, nhưng ông ta nói:
-Đừng tới bệnh viện, vợ tôi mà biết thì nó cắt dái ! Cho tôi tới một phòng mạch tư nào đó!…
-Phòng mạch tư thường chỉ làm việc tới tám giờ tối, làm gì có ai làm việc tới nửa đêm? – Tôi bực mình la lên.
-Có đấy, cái gì cũng có! – ông xích lô hỏi tôi – cậu có tiền trả giùm ông ấy không, tôi chở đi?
“Cứu người như cứu hỏa”, tôi bảo ông xích lô khiêng ông kia lên xe, và như là một quán tính, tôi ngồi lên xe đi theo nạn nhân tới phòng mạch tư. Lòng vòng một lúc, chiếc xích lô đưa chúng tôi tới một con hẻm lớn và dừng lại trước một căn nhà hai lầu, có cái cổng sắt lớn, trên cổng là tấm biển  với những chữ lớn: “Bác sĩ BÁC SĨ – chuyên trị Nhi khoa, Phụ khoa”. Có vẻ như là  một bác sĩ và một y tá đang trực, họ giải quyết thành thục và mau lẹ. Khi băng bó xong xuôi thì từ trên lầu có một người đi xuống, có vẻ như là chủ nhà. Mà đúng là chủ nhà thật, và tôi trố mắt kinh ngạc khi nhận ra người đó chính là Thân !…
* * *
Suốt đêm hôm đó, tôi ngồi nhâm nhi với Thân tại phòng mạch và nghe Thân kể đủ chuyện về sự đời của Thân và của rất nhiều người khác. Lúc đó là năm 1987, tức chúng tôi chia tay nhau đã sáu năm. Sáu năm qua đó, Thân đã kinh qua khá nhiều  chức vụ quan trọng ở các tỉnh miền Nam, thấp nhất là phó giám đốc Sở, cao nhất là phó chủ tịch tỉnh. Trong thời điểm  có bước chuyển biến mới của đất nước mà sau này người ta thường gọi là thời kỳ  Mở  cửa, Cởi  trói, Thân chuyển về Sài Gòn và làm  việc ở một cơ quan đặc biệt thuộc Trung ương. Căn nhà phòng mạch này là “Cơ sở hai” của Thân do bà “quý  phi”  tên  Nụ cai quản. Khi nghe tôi hỏi tại sao phòng mạch có tên như vậy, Thân cười  cười rồi nói :
-  À, quên chưa nói với cậu chuyện này : tớ đã đổi tên là Bác Sĩ và đã lấy được thêm hai cái bằng đại học tại chức : một là Y dược và một là quản trị kinh doanh. Lấy bằng tại chức dễ ợt, không như bằng chính qui của cậu ! Cái phòng mạch của tớ người ta thường gọi  là  “Hai lần Bác Sĩ”, tiền vô như nước !
-  Chữa bệnh không phải chuyện đùa đâu, không khéo giết người như bỡn ! – Tôi ngập ngừng nói.
Thân lại cười, lần này cười to,  nghe rất sảng khoái :
-Cậu lại lo bò trắng răng  rồi ! Tớ đã thuê hai bác sĩ và hai y tá, thay nhau làm việc 24/24. Bà
“Quý phi” của tớ cai quản phòng mạch rất giỏi, bà ấy vốn là cán bộ tổ chức của Sở  Y  tế mà ! Xem ra, ai đã kinh qua công tác tổ chức cán bộ thì chuyển sang làm kinh doanh đều rất hiệu quả !  Nhất lại là kinh doanh nhân mạng !…
Chắc là Thân còn nói nhiều về chuyện kinh doanh nữa nhưng  tôi như người mộng du và cái thuở thơ bé sống bên ông nội tôi  bỗng như trở về từng ngày, từng ngày…Tôi thấy nhớ ông nội da diết và bỗng có ý nghĩ :  Tại sao tôi là cháu đích tôn của ông mà lại không nối nghiệp ông ? Đúng lúc đó thì Thân vỗ vai tôi nói nhỏ :
-  Hình như là cậu đang nghĩ về ông  Đại Đạo phải không ? Nếu tôi đoán không nhầm thì cậu đang tự trách mình là tại sao lại không nối được cái nghề cao quý của cha ông, đúng không ?
Không đợi cho tôi trả lời, Thân đưa ra kế hoạch sẽ đầu tư cho tôi mở một phòng mạch Đông Y ở phía đối diện với phòng mạch “Hai lần Bác Sĩ”  của Thân. Nhà đối diện đó mang ơn  cứu mạng đối với Thân nên sẽ cho thuê nguyên tầng trệt với giá  rất hữu nghị, chi phí ban đầu (như đồ nghề, tiền thuê hai lương y…)  sẽ do Thân ứng cho hết !  Tôi còn biết nói gì hơn ngoài nghe theo !…
Tôi lấy tên hiệu phòng mạch  Đông Y là  Đại Đạo và đi kiếm đủ loại sách báo nói về Đông Y, ngày thì quan sát hai lương y làm việc, đêm thì ngồi đọc sách . Tôi dự tính trong vòng  một năm sẽ nắm được những điều cơ bản, sau đó sẽ đi  tu  nghiệp về châm cứu ở chỗ giáo sư Nguyễn Tài Thu,  chắc hẳn ông sẽ đồng  ý thu nhận tôi làm đệ tử vì ông vốn là bạn thân  của bố mẹ tôi từ hồi ở quân Y viện.
Thời gian trôi thật nhanh khi người ta muốn làm được nhiều việc. Khi giáo sư Tài Thu đồng ý nhận học trò, tôi ra Hà Nội. Nhưng chỉ ba bảy hai mươi mốt ngày, chưa kịp học được gì thì nhận được tin Thân bị tai nạn giao thông :  Chiếc xe du lịch chở gia đình Thân đi từ Đà Lạt về đã lăn xuống vực, không ai chết nhưng đều bị thương nặng, riêng Thân, khi tỉnh lại thì đã trở thành người mất trí !
Khi tôi về đến phòng mạch  “Hai lần Bác Sĩ”  thì thấy Thân đang ngồi một mình trong phòng khách, ghế sa-lon Thân đang ngồi ngổn ngang cứt đái, nhưng trên bàn thì được viên tròn và xếp thành hàng lối. Thân không  biết có tôi tới, vẫn mải mê với việc vo viên những cục phân của mình, mồm thì luôn nói : “Thập hoàn đại bổ! Mại vô, mại vô!…”
TP.HCM, 2005-2009
Đỗ  Ngọc  Thạch


Chuyện tình cô y tá

Tháng 2 08, 2010 | Viết bình luận
Trước khi đi trực, bao giờ Lan cũng lẩm nhẩm hát một bài hát mà cô đã hát hàng trăm ngàn lần: “Hôm nay mẹ trực đêm / Bữa cơm chiều ăn vội…Mưa ngoài trời vẫn cứ rơi/ Con thương mẹ vì mọi người…”
Chuyện tình cô y tá
Và thật kỳ lạ, cứ khi hát đến câu “Mưa ngoài trời vẫn cứ rơi ? Con thương mẹ vì mọi người” thì y như rằng Trời đổ mưa! Thực ra, cứ vào khoảng thời gian cuối buổi chiều là trời mưa và không chỉ tới câu trời mưa thì Trời mới mưa! Và, suốt trên quãng đường đi xe đạp từ nhà tới Bệnh viện gần ba mươi phút, không biết Lan đã hát đi hát lại bài hát đó tới bao nhiêu lần? Nhiều lúc Lan đã nghĩ mình phải đếm xem hát bao nhiêu lần bài hát này thì tới Bệnh viện mà chỉ đếm được đến nửa quãng đường là lại quên luôn!…

Lan làm Điều dưỡng (Y tá) ở Bệnh viện Nhi Đồng. Thỉnh thoảng có người hỏi tại sao Lan lại chọn nghề Y tá, cô không biết nói sao. Sau đọc báo thấy mấy ông nhà văn, nhà báo thường nói: “Chúng ta không được lựa chọn nghề nghiệp mà nghề nghiệp nó chọn chúng ta!”, Lan thấy “có lý” và cách nói này cũng hay hay, nên cô trả lời câu hỏi bằng cách đọc lại câu nói đó! Thực ra, Lan làm Y tá là do cô tự chọn, nhưng cô không chọn Y tá mà chọn Bác sĩ! Song, cô thi trượt Đại học Y Dược (chỉ thiếu có Một điểm) nên ai cũng bảo đi học đi học làm Y tá cho lẹ rồi sau này vừa làm vừa học lên Bác sĩ cũng chưa muộn. Song, khi đi làm rồi, ngày tháng theo nhau đi vùn vụt, bận hết chuyện này sang chuyện kia, lúc nghĩ đến chuyện thi vào Đại học Tại chức là thấy sao mà xa vời, thế rồi bỏ luôn ước mơ thành Bác sĩ từ lúc nào không hay!…Chính vì thế, Lan rất thích cách nói là “Y tá nó chọn tôi, chứ tôi đâu có chọn nó!” . Tôi chọn Bác sĩ nhưng đâu có được!
Khi Lan học xong lớp Điều dưỡng Trung cấp, cô mới hơn hai mươi tuổi một chút. Với chiều cao 1,68 mét, số đo ba vòng là 86-60-89, mấy công ty Thời trang ai cũng lôi kéo cô đến nghề người mẫu Thời trang! Nhưng đúng lúc Lan nhận lời làm ở một Công ty Thời trang nổi tiếng thì mẹ cô bị bệnh, phải vào nằm bệnh viện. Nhà Lan toàn những người đang đi làm, đi học, chỉ có cô là người đang “chờ xin việc” nên ngày ngày, đêm đêm, cô phải vào Bệnh viện chăm sóc mẹ… Và rồi cái “Đêm định mệnh” ấy đã tới. Đêm hôm ấy, chị Lý, Điều dưỡng trưởng của Khoa mà mẹ Lan đang nằm điều trị, đang trực thì người nhà chị báo má chị bệnh rất nặng. Chị Lý biết Lan mới tốt nghiệp Lớp Điều dưỡng từ lúc Lan vào Bệnh viện chăm sóc mẹ, bèn năn nỉ Lan làm thay, Bác sĩ Tân cùng ca trực cũng đồng ý giải pháp đó, thế là Lan không thể từ chối. Chị Lý vừa đi được mười phút thì năm bệnh nhân mới thay nhau vào phòng bệnh. Thế là cô Y tá Lan chưa hành nghề chính thức ngày nào, phải lao vào công việc như đèn kéo quân. Vốn là một cô gái nhanh nhẹn và nắm rất vững những gì đã học, Lan đã hoàn thành rất tốt nhiệm vụ!…
Sau cái “Ca trực đêm bất đắc dĩ” ấy, Chị Lý, Bác sĩ Tân và rất nhiều người của Bệnh viện, ca ngợi Lan không tiếc lời và như là cùng hẹn nhau, ai cũng muốn Lan vào làm việc ở Bệnh viện! Vốn tính “cả nể”, Lan đã đồng ý, nhưng với điều kiện là làm ở Bệnh viện Nhi Đồng, chứ không phải ở Bệnh viện Bình Dân này, vì Lan có đến gần chục đứa cháu, Lan đã chăm sóc chúng nó từ lúc mới ra đời và thấy chúng nó cứ bệnh hoài. Mọi người ủng hộ Lan ngay và dắt Lan qua Bệnh viện Nhi Đồng giới thiệu vì những người làm ở đây đều có vợ hoặc chồng làm bên Nhi Đồng.
Ở nhà Lan, ai cũng hoan nghênh quyết định đó của Lan. Bố Lan nói: “Làm Người mẫu Thời trang thì chỉ “đẹp mã” mà thôi, chứ vào đó dễ “hư thân” lắm. Nghề Y là nghề nhân đạo, trị bệnh cứu người, theo bố là đẹp nhất!”. Còn mẹ Lan thì nói: “Nhờ con vào Bệnh viện chăm sóc má mà má qua được căn bệnh hiểm nghèo, thế có phải là Ông Trời đã trao cho con cái công việc cao quý đó hay sao? Và nếu con đi làm Người mẫu Thời trang thì có phải là uổng phí mấy năm học hành không? Thế là tốt rồi, nhà ta từ giờ có ai lỡ bị bệnh mà phải nhập viện thì đã có con Lan lo hết!”. Lời mẹ Lan nói trở thành sự thật – một trách nhiệm nặng nề của Lan: từ họ hàng gần cho đến họ hàng xa, từ người ở Thành phố cho đến người ở nhà quê, cứ đau ốm là lại tìm đến Lan để nhờ Lan “dắt vào Bệnh viện”!
***
Trong tất cả các loại nghề nghiệp, thì nghề Y là nghề mà người ta thường xuyên tiếp xúc với cả hai Thái Cực đối ngược nhau của cảm xúc con người: vui sướng tột cùng và khổ đau vô hạn! Khi bệnh nhân đã lâm vào tình trạng Thập tử nhất sinh mà được cứu sống thì khác nào ơn Tái sinh, còn gì vui sướng, hạnh phúc hơn? Còn khi bệnh nhân đang là trụ cột gia đình, đang tuổi xuân hơ hớ mà bị Tử Thần cướp đi thì còn gì đau khổ hơn, còn gì bất hạnh hơn, bởi cái chết đó còn kéo theo muôn trùng những nỗi gian truân khác nữa mà người sống phải đối mặt! Ngày đầu tiên đi làm, Lan đã chứng kiến gần như cùng lúc cả hai Thái Cực đó!
Khi Lan để cái xe đạp vào nhà xe xong, vừa đi tới khoảng giữa cái sân rộng sát cổng Bệnh viện, thì thấy có hai Bác sĩ mặc áo Blu trắng đang tiễn đưa một bệnh nhi xuất viện, được gia đình đến đón rất đông vui. Những nụ cười luôn nở trên những khuôn mặt rạng rỡ! Bà mẹ của bệnh nhi còn đang cố đút vào túi áo của hai Bác sĩ mấy tờ giấy bạc lớn mới cứng thì cái sân của bệnh viện vốn luôn rất đông người đi lại, bỗng trở nên náo loạn bởi có một người đàn ông đang cầm con dao chặt thịt to tướng vừa đuổi theo một nữ Bác sĩ vừa la hét om sòm: “Tao phải chém chết mày! Mày phải đền mạng cho con tao!”… Tình huống thật là nguy hiểm bởi người nữ Bác sĩ bị đuổi chém kia dường như biết cách chạy luồn lách vào giữa những tốp người đang đi lại trong sân! Có không ít người bị va đụng ngã lăn kềnh ra sân, kêu la oai oái! Nếu người đàn ông cầm dao mà chém bừa tất sẽ gây thương vong không ít người! Song, mấy người mặc sắc phục Bảo vệ đứng ở cổng Bệnh viện đã can thiệp kip thời: người cầm dao đã bị ngáng chân ngã dụi và lập tức bị khống chế!
Khi Lan vào tới phòng bệnh mà mình sẽ nhận việc, chị Lai, Điều dưỡng Trưởng, tươi cười đón tiếp Lan và nói: “Hôm nay em hãy làm quen với chị em trong khoa, rồi dạo sơ sơ một vòng toàn Bệnh viện thì mới có cái cảm giác mình là người của Bệnh viện!… Vừa rồi em đã tận mắt chứng kiến chuyện xảy ra ở sân Bệnh viện rồi đó! Em sẽ phải quen với tất cả mọi chuyện!”. Chị Lai giới thiệu Lan với mọi người trong Khoa, ai cũng chào đón Lan bằng nụ cười thân thiện, cởi mở. Điều đó giúp Lan xóa tan đi cái cảm giác “Thót Tim” khi chứng kiến cảnh đuổi chém náo loạn ban nãy!…
“Ấn tượng mạnh” của ngày đi làm đầu tiên còn chưa tan hết thì ca trực đêm đầu tiên cũng không hề êm ái chút nào!
Ca trực đêm đầu tiên của Lan không hiểu sao tình trạng của các bệnh nhi đều có dấu hiệu bất ổn. Có tới năm bệnh nhi đều ở tình trạng rất xấu mà người nhà thì không thấy đâu? Theo như kinh nghiệm của chị Liên và chị Lam cùng ca trực đêm với Lan thì người nhà đã bỏ về, phó thác tất cả cho Bệnh viện, không cần biết con cháu mình sống chết ra sao! Bác sĩ Lĩnh cùng ca trực quyết định giao cho Lan và chị Lam tập trung “chăm sóc đặc biệt” cho năm bệnh nhi bị gia đình bỏ rơi đó. Thế là suốt đêm, Lan và chị Lam phải “đánh vật” với Tử Thần để cứu năm đứa trẻ. Vừa làm việc, Lan vừa nghĩ, tại sao cha, mẹ của những đứa trẻ này lại nhẫn tâm đến như vậy? Nếu như chúng may mắn qua được, sau này lớn lên, chúng sẽ nghĩ về các bậc cha mẹ như thế nào nếu như chúng biết được là chúng đã bị bỏ rơi như thế nào? Nhất định phải cứu chúng nó, không thể để cho những đứa bé đáng thương này bị Tử Thần cướp đi!…
Sau này, mỗi khi nhìn thấy những đứa bé đau đớn rên la vì bệnh tật, Lan lại nhớ đến ca trực đêm đầu tiên ấy. Lan lại có cảm giác Trái tim như có muôn ngàn mũi kim nhọn đâm vào, rớm máu! Và cả cái cảm giác vui sướng vô hạn khi nhìn năm đứa bé dần dần hồi tỉnh, háo hức nuốt những muỗng sữa nhỏ mà Lan và chị Lam đút cho chúng!…
***
Lan đi làm được một tháng thì Bác sĩ Lĩnh gửi cho Lan một bức thư có nội dung như sau: “Thân gửi Lan! Tôi là người rất ngưỡng mộ Lan, rất quý Lan và có thể nói rất yêu Lan nữa! Ngay từ ngày đầu tiên Lan đi làm, nhìn thấy Lan, tôi đã yêu Lan rồi, như người ta nói đó là “Tình yêu sét đánh”!… Và còn một chuyện này nữa, ca trực đêm đầu tiên của Lan hôm ấy, vào lúc bốn giờ sáng, khi Lan đang thiếp ngủ, nhìn Lan ngủ sao mà đẹp như một Nàng Tiên, tôi đã không kìm được cảm xúc của mình và đã hôn Lan mấy cái liền! Thấy Lan ngủ say quá, chắc do mệt vì phải làm việc suốt đêm, tôi đã ôm Lan rất lâu!… Đến lúc viết thư này, tôi vẫn thấy như là đang hôn Lan, đang ôm Lan rất chặt vậy! Vì thế, tôi viết thư này vừa là để tạ lỗi với Lan, vừa là để Cầu hôn Lan – Lan đồng ý làm vợ tôi nha! Chúng ta sẽ là một đôi vợ chồng rất hạnh phúc!…Tôi chờ Lan trả lời! Cầu mong Lan không chối từ! BS Trần Lĩnh”…
Đọc xong bức thư, Lan bàng hoàng , chết lặng một lúc lâu! Lan không thể phân tích được cảm giác của mình lúc đó! Rồi Lan bật khóc rồi chạy đi tìm mẹ, sà vào lòng mẹ khóc như mưa rào! Mẹ Lan đọc xong lá thư, chờ Lan bình tâm đôi chút rồi thong thả nói: “Nếu nó là người làm ăn nghiêm chỉnh thì cưới nó cũng được. Còn nếu con nghĩ phải cưới người mình yêu thì quên chuyện đó đi, coi như cho cắn mèo cào mà thôi! Cuộc sống của chúng ta có rất nhiều chuyện phải làm, phải dành nhiều tâm sức cho nó, vì thế không thể để những “chuyện ái tình” như thế quấy rối!” Lời nói của người mẹ có tới tám người con đã có tác động mạnh đến suy nghĩ của Lan, cô đã làm theo như lời mẹ: chỉ coi đó là chuyện “chó cắn mèo cào” xui xẻo, quăng nó vào cái “Hố quên”! Tuy thế, từ đó trở đi, Lan đặc biệt “cảnh giác” với bất kỳ người đàn ông nào và điều đó khiến cho Lan trở nên “Lãnh cảm” với chuyện tình yêu nam nữ!
Mười năm sau, Lan tình cờ gặp lại năm đứa bé trong cái ca trực đêm đầu tiên của mình, tại một Trung tâm Bảo trợ Xã hội của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, nhân ngày Lễ tiễn đưa một số em được vào Đại học, Cao đẳng. Lúc đó chúng đã là những thanh niên mười tám tuổi, vừa thi đậu vào Đại học cả năm đứa. Nếu như anh Lê Trọng Nhân, một Tình nguyện viên rất tâm huyết với việc chăm sóc trẻ mồ côi không nơi nương tựa, không giới thiệu lai lịch của năm đứa trẻ bị bỏ rơi này đã trở thành năm Tân sinh viên Đại học thì Lan cũng không thể nhận ra chúng. Thế là từ đó, Lan có năm đứa con – “Nghĩa tử” và thật không ngờ, chỉ hai tuần sau đó, anh Tình nguyện viên Lê Trọng Nhân đã trở thành “Người thương nhớ” của Lan chỉ vì trong buổi Lễ ấy, anh đã vừa ôm đàn Ghi-ta vừa hát rất hay, rất xúc động hai bài hát “Ruột” của Lan, đó là bài “Hôm nay mẹ trực đêm” và bài “Em về kẻo trời mưa mau”!…
*
Từ đó, mỗi khi đi trực đêm, Lan không hát bài Hôm nay Mẹ trực đêm nữa mà hát bài Em về kẻo trời mưa mau: Nếu chiều nay không có anh / Ai sẽ đưa em về / Trời sắp đổ cơn mưa / Sao anh còn đứng mãi / Hãy nói một lời…
Nếu tình đôi ta dở dang / Anh hãy xem như là / Một giấc ngủ chiêm bao!…
Đỗ Ngọc Thạch
Chuyện tình cô y tá

Bài viết cùng chủ đề

nguồn: YKhoaNet.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét