Thứ Sáu, 8 tháng 2, 2013

Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch trên Newvietart.com


http://blog.chaobuoisang.net/images/stores/cs/2011/05/21/cai-vang-ben-song.jpg

Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch (Newvietart.com) Trích: Chuyện người bán thuốc...

vothilan viết ngày 16/01/2012 |  Có 0 bình luận |  187 lượt xem

23 truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch trên vietvanmoi:
CHUYỆN NGƯỜI BÁN THUỐC
CÁI HÚT NƯỚC 
QUANH HỒ GƯƠM 
SỰ LỰA CHỌN NGHIỆT NGà
CÂU CHUYỆN TẤT NIÊN 

MẸ TÔI LÀ Y TÁ 
LÁ THƯ TUYỆT MỆNH 
CHUYỆN VỢ CHỒNG 
BẠN HỌC ĐẠI HỌC 
VỤ ÁN CHIẾC NÚT ÁO CASMIA 

MẶC CẢM Ê-ĐÍP 

NGÀY BA MƯƠI MỐT 
VỤ  ÁN  XÁC  CHẾT  TRONG  BAO  TẢI 
KÝ  ỨC  LÀM  BÁO 
ĐÁM   CƯỚI   VÀNG 

KIM   NGÂN   ĐIỀN 
KÝ ỨC  MÙA  THI 
GIAI  ĐIỆU  MÙA  HÈ 
BẠN  VONG  NIÊN 
LẤY  VỢ  XẤU 

QUÂN  SƯ 
NGƯỜI  CÓ CON  MẮT  XANH
CÁ CHUỐI  ĐẮM  ĐUỐI  VÌ CON
Trích:
CHUYỆN NGƯỜI BÁN THUỐC 
CÁI HÚT NƯỚC 

http://suckhoe365.net/wp-content/uploads/2011/08/thu%E1%BB%91c-g%C3%A2y-b%C3%A9o-v%C3%A0-c%C3%B3-hai-cho-tim-m%E1%BA%A1ch.jpeg

CHUYỆN NGƯỜI BÁN THUỐC

Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch
 
Lợi là con mồ côi cả bố lẫn mẹ, được ông chủ tịch xã thương tình đem về nuôi từ năm lên sáu tuổi, lúc Lợi đang lặn lội suốt ngày ngoài đồng mò cua bắt ốc. Làm con nuôi ông chủ tịch xã, nếu Lợi chịu khó học hành có lẽ đã được đi đây đi đó, thậm chí đi học nước ngoài vì nhiều năm phân bổ tiêu chuẩn cho xã nhưng chẳng có ai. Lợi mải chơi, suốt ngày chỉ chạy lông nhông ngoài đường cho nên ông bố nuôi xếp cho Lợi làm cái chân văn thư chạy công văn giấy tờ cho xã. Làm công việc này Lợi rất thích vì được đón tiếp vui vẻ. Nhưng có người nói với Lợi : “Cậu đã đến tuổi trưởng thành mà cứ lông nhông thế này thì khi ông bố nuôi nghỉ hưu, cậu vẫn hai bàn tay trắng, biết trông cậy vào ai ? Chi bằng đi học lấy một cái nghề thời nào cũng sống được …”. Người đó lại bảo Lợi nên đi học nghề thuốc vì thời nào cũng có người đau ốm, cần có thuốc men, vả lại cái nghề này cũng sạch sẽ, nhàn hạ. Thế là Lợi nói với bố nuôi cho đi học lớp y tá, có vài tháng đã ra trường, về làm việc ngay tại Trạm Y tế xã. Từ ngày làm ở Trạm Y tế xã, Lợi được dân làng săn đón, quý nể còn hơn cả ông chủ tịch xã, Lợi thích lắm !...
Nhưng , “niềm vui ngắn chẳng tày gang” : có một lần, Lợi cho người bệnh uống nhầm thuốc, gây tử vong ! Gia đình nạn nhân kiện Lợi, Lợi sợ hãi bỏ trốn. Người nhà nạn nhân biết được, đuổi theo bắt Lợi phải đền mạng. Đuổi đến một cái cầu bắc qua con sông lớn, nước chảy xiết thì Lợi luýnh quýnh thế nào rớt xuống sông. Người nhà nạn nhân thấy vậy thì hoảng sợ, chạy về ngay…
Số Lợi còn dài nên có một ông lão đang ngồi trên thuyền câu đã nhìn thấy Lợi rớt xuống sông. Ông lão thợ câu vớt Lợi lên, hỏi rõ đầu đuôi rồi nói:
- Mày có tướng “Quý nhân phò trợ”, không những không chết mà còn có thể phát rất mạnh. Trước hết, mày hãy vào thành phố, đến mấy cái bệnh viện mà xin việc làm, chỉ thời gian sau là thành triệu phú, rồi tỷ phú không chừng !...Lúc ấy đừng quên ông già câu cá này nhá !...
Nói rồi ông lão thợ câu cho Lợi vài đồng làm lộ phí. Lợi đi một mạch tới thành phố mà chưa tiêu hết một xu nào !..
*
Ngày đầu tiên ở thành phố, Lợi thuê một gường ở phòng trọ bình dân rồi thả bộ đi quan sát phố phường. Vừa đi Lợi vừa nghĩ : “Phố phường thật vui, cái gì cũng có, người xe như nước, áo quần như nêm…Suýt nữa thì ta chết già ở cái xóm nghèo heo hút !...May mà ta gặp nạn mới được tới thành phố như thế này. Đúng là trong cái không may lại có cái may !”…
Tới một phố vắng toàn nhà cao cửa rộng, hai bên đường có hai hàng cây cổ thụ rì rào gió mát, Lợi bỗng thấy có một cánh cổng sắt bật mở, một người đang bế một đứa bé chạy vội ra, một người đàn bà to béo chạy theo vừa khóc vừa kêu la rối rít. Lợi đi lại gần thì người đàn bà tóm lấy Lợi mà rằng :
- Cậu ơi, cậu chạy đi gọi xích lô cho tôi mau lên, con bé nhà tôi nó bị đau bụng dữ dội, nhanh lên không chết mất !...
Lợi nhìn đứa bé, nó khoảng năm sáu tuổi, người khỏe mạnh béo tốt, đang ôm bụng kêu la ầm ĩ. Lợi rờ tay vào bụng đứa bé và giật mình khi thấy cuộn lên một bó giun ! Giun trong bụng đứa bé nó đang nhảy múa đó mà ! Lợi nói với bà mẹ :
- Đứa bé bệnh rất nặng, nhưng tôi có thể cấp cứu và chữa được !...
- Cậu chữa được à ? Cậu là bác sĩ à ? – Bà mẹ níu chặt lấy tay Lợi hỏi dồn dập.
- Bình tĩnh, bà cứ bình tĩnh…Đưa em nó vào nhà đặt lên gường, cởi hết quần áo ra…
Người ta làm răm rắp theo Lợi. Khi đứa bé nằm trên gường rồi, Lợi day mấy cái huyện cho nó ngủ yên rồi bảo người nhà chạy ra hiệu thuốc mua thứ này một ít, thứ kia một ít…
Cuối cùng thì Lợi cũng làm được cái chuyện là lôi cổ đám giun đũa trong bụng đứa bé ra. Không hiểu tại sao lúc ấy Lợi lại nói năng, hành động rất mau lẹ, hoạt bát và nói những điều rất hay ho về bệnh tật đến nỗi bà chủ nhà cứ há mồm ra mà nghe. Bà chủ tin Lợi, phục Lợi và ơn Lợi cũng phải thôi vì chỉ hai ngày sau, đứa bé đã trở lại bình thường , chạy nhảy tung tăng rất dễ thương. Qua những câu chuyện, Lợi được biết bà chủ nhà là vợ một ông cán bộ cấp tỉnh mới được điều về thành phố khoảng năm sáu năm gì đó, hiện đang đi học thêm ở nước ngoài. Còn bà chủ nhà sáu năm trước cũng là một cô thôn nữ nhà nghèo, đọc chưa thông viết chưa thạo, ngoài nhiệm vụ đẻ con cho chồng ra thì không biết làm gì nữa. Lợi bỗng vụt ý : “Ta cứ tưởng người thành phố phải như thần thánh, tiên phật cơ chứ, hóa ra cũng vốn từ đồng ruộng mà ra cả !...Họ sống và giàu có được thì ta cũng phải sống được và làm giàu như họ…”. Thế là từ hôm đó, Lợi ao ước và dự tính sẽ phải có được một cái nhà lầu to đẹp như ông bà chủ này !...
Ơn cứu người thật là vô giá nên Lợi được bà chủ lưu lại như là thượng khách. Không hiểu tại sao Lợi lại sáng tác ra được một lý lịch rất “kịch tính” về hoàn cảnh của mình : Là sinh viên trường Y năm cuối, chuẩn bị nhận bằng bác sĩ thì “tranh chấp tình yêu” với ông thầy, và vì giận cô người yêu phụ tình, bỏ anh học trò nghèo mà theo ông thầy vừa già vừa giàu nên Lợi đã bỏ trường Y đi sống giang hồ, học thêm nghề thuốc ở trường đời !...Nghe hết câu chuyện tình đẫm lệ của Lợi, bà chủ thổn thức hàng giờ liền và sau khi lau khô những giọt lệ nóng bỏng, bà chủ thú thực với Lợi :
- Giá tôi chưa có chồng thì tôi sẽ thành người tình của cậu !...Thú thực, đây là lần đầu tiên trong đời tôi thấy con tim mình như có ai xé nát ! Tại sao người con gái kia lại bạc tình bạc nghĩa như thế ?...
Lợi đã đủ khôn ngoan để không bỏ lỡ cơ hội trước một con tim đang thổn thức. Lúc ôm bà chủ mập ú vào mà hôn như điên, Lợi suýt bật ra tiếng nói cứ lởn vởn trong đầu : “Ước gì ta trở thành ông chủ của tòa biệt thự này !”…Song, bà chủ nhà tỏ ra rất tỉnh trong hoàn cảnh xa chồng của mình. Bà ân ái với Lợi nhưng lại thu xếp cho Lợi đến tá túc ở nhà một bà bạn đã bỏ chồng, hiện đang bán thuốc tây ở hè đường. Trước khi chia tay Lợi, bà chủ gia hẹn : “Nếu chồng tôi có ngoại tình lăng nhăng thì tôi sẽ li hôn và chúng ta sẽ cưới nhau rồi ở trong nửa cái biệt thự này !”. Thế là từ đó, Lợi “sống chung” với một người đàn bà bán thuốc tây ở hè đường. Nhiều lúc Lợi cứ thầm nghĩ : “Sao người ta ra thành phố nhiều thế và kiếm sống khó khăn thế ? Còn ta, lại thuận lợi làm sao và nếu như lời ông thợ câu bên sông mà đúng thì ta sẽ phất lên nhờ cái nghề bán thuốc này đây ?”.
Lời ông thợ câu quả thật là thiêng : Người đàn bà “sống chung” với Lợi buôn bán thật nhẹ nhàng mà tiền vào như nước. Bà ta chỉ cần Lợi “đáp ứng về mặt tình cảm” còn mua sắm cho Lợi không thiếu thứ gì. Từ căn nhà lụp xụp nơi bãi sông, bà ta mua được căn nhà mặt tiền trên phố đông đúc. Từ khi có cửa hàng cửa hiệu, công việc mua bán càng phát triển, nhiều lúc không đủ hàng mà cung cấp cho các đầu mối từ các tỉnh về. Vào một hôm rảnh rỗi vì bán hết thuốc, bỗng Lợi nảy ra một sáng kiến : Sao ta không chủ động sản xuất ra thuốc mà cứ phải chờ đợi ở đâu đưa đến ? Thế là từ đó, Lợi cho người đi thu gom các loại bao bì, nhãn thuốc để “sản xuất” ra thuốc mới. Thuốc mới của Lợi chủ yếu là làm từ bột mì, bột sắn pha màu như thuốc thật rồi đóng lại vào trong các “con nhộng” hoặc dập thành viên. Lợi nghĩ : “thuốc của mình vô hại, trộn lẫn với thuốc thật thì chẳng ai mà biết được. Vả lại, bây giờ người ta ưa dùng thuốc liều cao gấp đôi ba lần bình thường, thì có lẫn vài viên thuốc “vô hại” vào có ăn nhằm gì ? Không ngờ Lợi lại có “hoa tay” trong cái nghề “sản xuất” thuốc giả này, phải uống thử mới có thể phân biệt được đâu là thuốc thật và đâu là “thuốc” do Lợi “sản xuất” ! Vào những đợt khan hiếm thuốc, Lợi đã phất lên như diều gặp gió. Đúng sau ba năm hành nghề. Lợi đã có thể sánh ngang với các tỉ phú của thành phố !...
*
Để ăn mừng sự thành đạt và tưởng nhớ đến người đã cứu mạng đồng thời cũng là nhà tiên tri là ông thợ câu, Lợi đã tổ chức đại tiệc. (Lợi đã cho người tìm về bến sông thì không thấy ông thợ câu đâu nữa). Nhưng sau bữa tiệc, cả nhà Lợi bỗng lăn ra đau bụng dữ dội, ai cũng ôm bụng quằn quại, riêng Lợi thì bị cấm khẩu. Người hàng xóm bảo đưa đi bệnh viện cấp cứu nhưng Lợi không chịu, viết giấy, ra hiệu nhờ đi kiếm thầy lang đông y. Một lúc sau, người hàng xóm đưa một ông lang đến. Lợi nhìn thấy ông lang thì giật mình nhận ra đó chính là ông thợ câu ở bến sông ba năm về trước ! Ông lão nói :
- Mày có quý tướng nhưng đồng thời cũng có phá tướng, tất gặp nạn lớn nếu cứ lao vào kiếm tiền bằng cái cửa hàng thuốc này. Ta sẽ chữa khỏi cho cả nhà ngươi, nhưng kèm theo một điều kiện ?
Lợi viết ra một tờ giấy : “Điều kiện gì tôi cũng xin theo nếu ông lại một lần nữa cứu mạng”.
Ông lão lại nói :
- Viết giấy hiến toàn bộ ngôi nhà lầu này cho trường nuôi trẻ tàn tật !...
Lợi viết vào tờ giấy : “Thế thì tôi sẽ ở đâu ?”
Ông lão nói liền một mạch :
- Nhà ngươi trở về làng xưa mà sống. Ông bố nuôi của mày đã nghỉ hưu ba năm nay, nhưng con trai lớn ông mới nhận chức chủ tịch xã như bố ngày xưa. Anh ta cần người chạy công văn giấy tờ cho xã và đã cho người đi tìm mày về để làm cái công việc ấy ! Chỉ có một cách duy nhất đó mà thôi. Nếu mày không nghe thì cứ nằm đấy mà đợi thần chết đón đi !
Lợi vội vàng viết vào tờ giấy : “Xin ông cứu mạng, tôi sẽ nghe theo tất cả !”
Ông lão thợ câu bèn lấy ra ba viên thuốc đen bóng nhét vào mồm Lợi rồi vạch quần đái tồ tồ vào mồm Lợi. Lợi sặc sụa rồi nuốt ừng ực. Sau một phút. Lợi nằm ngủ thiếp đi. Sau đó, ông thợ câu cho người đưa tất cả vợ con Lợi vào bệnh viện cấp cứu. Trong lúc chờ Lợi tỉnh lại, ông lão thợ câu gọi người đến cho tất cả thuốc ở cửa hàng của Lợi vào bao tải rồi đem đổ xuống sông… 
*
…Bây giờ, nếu ai đến trụ sở UBND cái xã Thủy Sơn ấy, sẽ thấy một người chạy văn thư rất khó đoán tuổi, lúc nào cũng đeo cái túi đựng công văn giấy tờ, thư báo bên sườn, đó chính là Lợi, người đã từng là một đầu nậu thuốc Tây nổi tiếng một thời. Dù ốm đau, bệnh tật thế nào, ông ta cũng cương quyết không uống thuốc và bất chợt nhìn thấy ai uống thuốc, ông ta cũng giật mình hốt hoảng rồi bỏ chạy như bị ma đuổi!...
TP.HCM, 1996-2009 
Đỗ Ngọc Thạch 
http://blog.chaobuoisang.net/images/stores/cs/2011/05/21/cai-vang-ben-song.jpg          

CÁI HÚT NƯỚC 

Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch
Không hiểu sao buổi chiều hôm ấy tôi lại quá buồn, bèn thơ thẩn đi ra bờ sông . Gió nhẹ thổi mà sao tôi thấy lành lạnh, một cảm giác hồi hộp lo âu cứ lớn lên trong tâm trí …
Tôi đi lững thững quanh những bụi cây lúp xúp ven sông . Thỉnh thoảng một con chim cút lại vút lao ra, khiến tôi giật thót, và lúc này thì tôi giật mình kinh ngạc thật sự : Bên cạnh một bụi cây cách tôi khoảng 50 mét là một đôi nam nữ đang nằm ân ái với nhau. Họ trần truồng như nhộng, quấn quít lấy nhau một cách cuồng nhiệt…Chỉ thoáng nhìn, tôi đã nhận ra người phụ nữ là chị M, vợ anh H., ở ngay cạnh nhà tôi, anh là bạn cờ tướng của tôi từ lâu. Còn người đàn ông thì tôi không biết là ai ? Tôi quay lại lối cũ và nghĩ : lúc tôi đi ra khỏi khu chung cư, tôi thấy chị M chở thằng con trai bốn tuổi trên chiếc hon đa nữ, nói là đưa con đi chơi công viên, sao giờ này chị ta lại ở đây với tình nhân ? Còn thằng bé con đâu ? Cái cảm giác hồi hộp lo âu ban nãy lớn lên đột ngột, tôi nhớn nhác chạy cuống cuồng, tôi chợt nghĩ rằng : có thể thằng bé con chị M đang chơi ở đâu bên bờ sông ? 
Tôi đứng sững lại bên một cái hút nước và trước mặt tôi là một người lạ mặt, nhìn dáng có vẻ dân thuyền chài. Ông ta ngồi im như pho tượng, nhìn chăm chăm vào cái hút nước, trên tay cầm một cái ôtô điện tử bé xíu. Thấy tôi, ông ta hỏi : 
- Anh đi tìm một đứa bé phải không ?
Tôi ngạc nhiên đáp : 
- Đúng thế ! Tại sao ông lại biết tôi đi tìm một đứa bé ? 
- Tôi biết, vậy thôi ! 
- Thế đứa bé đâu ?
- Nó được Long vương gọi xuống Thủy cung gả công chúa cho rồi. 
- Ông nói chuyện gì thế ? Tôi không muốn nghe chuyện cổ tích ! Tôi hỏi đứa bé đâu rồi ? 
- Tại sao anh lại ăn nói thô lỗ với tôi như thế ? Tôi là bạn của Long vương đấy ! Tất cả những người thợ câu, thợ đánh bắt cá trên sông này đều là bạn của Long Vương cả ! 
- Thôi, cho tôi xin…Tôi muốn ông nói thẳng ra : đứa bé đâu rồi ? 
- Nó ở dưới hút nước này…Đó là lối vào Thủy cung của Long Vương !
- Sao ông không lặn xuống cứu nó ? Ông cứ lảm nhảm nói Long vương với Thủy cung là cớ làm sao ?
- Thôi, anh đi về đi, đến tối, tôi sẽ câu xác nó lên rồi mai táng ở khu mộ những người thợ câu !
- Tôi phải lặn xuống cứu đứa bé !...
Nói rồi tôi chạy ào xuống hút nước, tính nhảy đại xuống . Nhưng vừa tới mép nước, tôi đã bị người thợ câu giữ lại chặt cứng trong bàn tay như hai gọng kìm. Người thợ câu lôi tôi lên một mô đất, ấn tôi ngồi xuống và chậm rãi nói : 
- Tôi biết anh không phải là bố đứa trẻ, có đúng không ?
- Đúng !...Nhưng…
- Không nhưng gì hết ! Tôi nói cho anh biết, ai đã rơi xuống cái hút nước này thì không bao giờ nổi lên được mà chỉ có một mình tôi là có thể câu lên được thôi !
- Vì sao lại như thế ? 
- Anh không hiểu gì về sông nước thì nói với anh cũng bằng thừa ! Lúc nào rảnh rỗi, anh hãy đến nhà tôi, tôi sẽ nói cho anh nghe, cả đời người cũng không hết !
- Thế nhà ông ở đâu ? 
- Đấy, con sông này !...
- Nếu thế tức là đứa bé đang ở trong nhà ông ? Ông hãy cho tôi xin lại đứa bé tội nghiệp ấy !
- Tôi đã nói chưa được là chưa được ! Phải đến giờ Thìn, Long vương mới chịu trả lại đứa bé ! À, anh có biết bố mẹ đứa bé ở đâu không ? 
- Có ! Vợ chồng anh ta ở ngay cạnh nhà tôi, trong một khu chung cư ! 
- Tôi đề nghị anh không cần phải nói cho bố mẹ đứa bé biết chuyện này. Tôi sẽ mai táng nó ở khu nghĩa địa của làng chài. Làm bố mẹ không biết con mình ra sao thì…
Có tiếng hú gọi bên kia sông. Người thợ câu hú đáp lại và nói : 
- Thôi, anh đi về đi ! Ngày mai tôi sẽ làm lễ mai táng đứa bé. Anh cứ qua bên kia sông hỏi ông Chi Câu, ai cũng biết ! 
Người thợ câu nói rồi nhảy vút lên con thuyền nhỏ, thoáng cái đã thấy con thuyền lao ra dòng sông như một mũi tên rồi mất hút trong sóng nước mông mênh !...Một làn gió lạnh ào đến khiến tôi run lên…Sau vài phút định thần, tôi vẫn như người mộng du, không biết đã có chuyện gì vừa xảy ra với mình…
Trời đã chạng vạng tối, tôi chạy vội vàng như bị ma đuổi. Chạy mãi, chạy mãi, tôi bỗng vấp phải một vật gì đó mềm mềm, nhũn nhũn ? Nhìn kỹ thì ra là hai người đang nằm ôm nhau ngủ như chết, một đàn ông, một đàn bà. Không biết họ nằm đây từ bao giờ ? Vì sao họ lại ngủ say như thế ? 
Tôi bị sốt li bì suốt một tuần liền. Đó là hậu quả của những cơn sốt rét rừng từ thời chiến tranh để lại, thỉnh thoảng nó lại hành hạ tôi như thế mỗi khi cơ thể tôi suy nhược vì một lý do nào đó. Lần này thì vì lý do gì vậy ? Phải đến ngày thứ tám, tôi mới hoàn toàn tỉnh táo và nhớ lại một cách rành rẽ những gì đã xảy ra cách đây tám ngày. Tôi hỏi mẹ tôi : 
- Mẹ ơi, chị M hàng xóm của chúng ta có nhà không ?
- Con hỏi làm gì ? 
- Con muốn gặp chị ta nói một chuyện này !
- Thôi con ơi, chị ta là người phức tạp lắm. Vừa rồi vợ chồng cãi nhau tan cửa nát nhà. Chị ta bỏ đi với tình nhân rồi, hình như đi ra nước ngoài thì phải !
- Đi ra nước ngoài ? Thế còn anh chồng ? Còn thằng con trai bốn tuổi đâu ? 
- Anh chồng bây giờ như người bị bệnh tâm thần. Mới có mấy ngày gia đình tan vỡ mà người gầy xọp đi, tóc bạc trắng như ông lão bảy mươi. Suốt ngày cứ đi lang thang ngoài đường như đi tìm ai ? 
- Đi tìm thằng con trai đấy ? Thế thằng bé đâu ?
- Nghe chị M nói đem gửi thằng bé về quê sống với ông bà ngoại rồi. Không biết có đúng không ? Mẹ có linh cảm như có điều gì bí ẩn đằng sau câu chuyện này ? 
- Linh cảm gì nữa ! Thằng bé bị chết đuối rồi, sao lại nói là đem về quê với ông bà ngoại ?
- Chết đuối ở đâu ? Có thật không ? Tại sao con lại biết ? 
- À, không phải chết đuối đâu, Long vương gọi xuống Thủy cung gả công chúa cho nó đấy ! 
- Mày lại lảm nhảm rồi, lại lên cơn sốt rồi đây này. Nằm xuống đi mẹ lấy khăn chườm cho !
Tôi mơ màng đi vào giấc ngủ từ lúc nào không hay. Bên tai tôi văng vẳng lời ru thật buồn của mẹ : 
“ Con ơi tha lỗi mẹ cha 
Có sinh không dưỡng thì thà đừng sinh…” 
Rồi tôi được hai vị sứ giả trông như hai con cá dắt xuống cái hút nước, thoáng một cái đã thấy một tòa cung điện nguy nga lộng lẫy. Từ xa, tôi đã nhìn thấy một đứa bé đang ngồi cạnh vua Thủy Tề. Tôi chạy ào tới, vừa nhìn thấy tôi, nó òa khóc và nhào tới ôm chặt lấy tôi !...
*
Câu chuyện tôi vừa kể trên cách nay đã vừa một giáp, tức mười hai năm. Tôi tưởng như đã quên khuấy đi bởi tối ngày tất bật làm đủ mọi công việc vì miếng cơm manh áo. Nhưng hôm ấy, cái buổi chiều ảm đạm kia bỗng hiện về đột ngột, rõ ràng từng chi tiết khi tôi bất ngờ gặp lại chị M hàng xóm năm xưa trong một đoàn cứu trợ nhân đạo nước ngoài đi làm từ thiện ở một trung tâm bảo trợ xã hội. Mặc dù đứng tuổi và ăn mặc khác hẳn xưa, nhưng tôi vẫn nhận ra đúng rõ mồn một cái bà Pi-tơ phu nhân kia chính là chị M hàng xóm ngày nào. Bà ta đang say sưa trả lời hai nhà báo đang phỏng vấn những câu hỏi rất ấm ớ, chẳng ăn nhập gì với nội dung của buổi làm việc từ thiện này cả. Hình như hai nhà báo kia rất sùng bái những bà chủ Việt kiều nên cứ thay nhau ghi âm chụp ảnh quanh bà Pi-tơ phu nhân, khiến tôi không thể xen vào một câu nào. Tôi nhìn bà ta một hồi như thôi miên rồi viết vào một tờ giấy mấy chữ sau : “Tôi muốn hỏi bà hai câu thôi : 1 – Bà có phải là M, vợ ông H, mẹ thằng cu H. M không ? 2 – Nếu phải thì tại sao bà không ra cái hút nước bên bờ sông ấy mà tìm con ?”. 
    Khi hai nhà báo ham phỏng vấn và chụp ảnh kia đang loay hoay sửa máy ghi âm và máy ảnh (bị hỏng hóc đột xuất), tôi liền đưa cho bà Pi-tơ phu nhân mảnh giấy. Bà ta đọc xong thì mặt biến sắc, hốt hoảng nhìn tôi. Nhưng chỉ sau một phút, bà Pi-tơ phu nhân bỗng la toáng lên : 
- Hãy bắt ngay cái thằng lưu manh này ! Nó vừa bóp vú tôi !
Tức thì, tôi tối tăm mặt mũi và không biết gì nữa. Khi tỉnh lại, tôi thấy mình ở trong trại giam, xung quanh là những khuôn mặt gớm ghiếc xa lạ. Thì ra đó toàn là những tay anh chị đầu gấu. Thấy tôi tỉnh lại, một thằng dựng cổ tôi lên hỏi :
- Anh già này tại sao lại bị tống vào đây ? 
- Đại náo Thủy cung ! - Tôi buột miệng nói.
- Á…thì ra cũng là một anh hùng hảo hớn ! Xin tôn làm đại ca ! Đại ca hãy kể cho bọn đàn em này nghe câu chuyện đại náo Thủy cung đi ? 
- Hãy đưa cho ta một lít rượu ! -Tôi lại buột miệng nói. 
Cả bọn thoáng nhốn nháo rồi nhoáng một cái đã thấy một chai rượu đặt trước mặt tôi và tất cả bọn đã ngồi im lặng xung quanh tôi như một đám lâu la ngồi xung quanh chủ tướng lục lâm thảo khấu ngày xưa ! Tôi làm một hơi hết gần nửa chai rượu. Đầu óc như là có lửa đốt. Tôi nhắm mắt lại và chợt nhìn thấy cái hút nước mười hai năm trước bên sông vắng . Và ông thợ câu đột ngột hiện ra, từ dưới nước bước lên. Ông thợ câu đang bế một đứa bé người đẫm nước !...Và tôi đã kể câu chuyện về cuộc đời của Pi-tơ phu nhân cho lũ chúng nghe, có thằng trợn mắt nghiến răng kèn kẹt…
TP.HCM,1993-2009                                                 
Đỗ Ngọc Thạch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét