Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013

58 truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch trên phongdiep.net


58 truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch trên phongdiep.net
Trích: Những con tàu...; Kiếm sống

Đỗ Ngọc Thạch



2. ĐỊA LINH NHÂN KIỆT 2. ĐỊA LINH NHÂN KIỆT

9.TƯỢNG NHÀ MỒ        10.CHUYỆN MỘT NHÀ BÁO



NHỮNG CON TÀU RA BẮC VÀO NAM- Đỗ Ngọc Thạch



NHỮNG CON TÀU RA BẮC VÀO NAM

Truyện ngắn của Đỗ Ngọc Thạch

Mỗi khi nghe Nghệ sĩ Nhân dân Thanh Hoa hát với giọng cao vút và đầy truyền cảm bài hát Bài ca Thống nhất, tôi lại như thấy mình đang cùng với “Những con tàu ra Bắc vào Nam”:

… Biển trời bao la 
Đẹp như gấm hoa 
Nước mây muôn màu 
Những con tàu ra Bắc vào Nam …


Cho đến nay, nếu lấy Ga Hà Nội làm trung tâm thì đường tàu của chúng ta có những tuyến như: Tuyến đi lên phía Bắc (qua Trung Quốc) gồm có hai đường Hà Nội - Đồng Đăng (Lạng Sơn) qua Quảng Tây và Hà Nội - Lào Cai qua Vân Nam; các đường Hà Nội - Quán Triều (Thái Nguyên) và Kép - Uông Bí - Hạ Long (cảng Cái Lân), Kép - Lưu Xá; tuyến Hà Nội - Hải Phòng là tuyến đi sang hướng Đông và tuyến Hà Nội - Sài Gòn là tuyến vô Nam. Tôi đã từng đi qua tất cả các tuyến đường sắt vừa kể trên, có tuyến đi nhiều lần và hầu như lần nào cũng có “sự cố” nhớ đời, nhưng có lẽ lần đầu tiên đi tàu hỏa là đặc biệt hơn cả.
*
Lần đầu tiên tôi đi tàu hỏa là vào kỳ nghỉ hè trước khi bước vào năm lớp Mười, tức năm 1965. Hồi đó, gia đình tôi đang ở Hải Phòng, từ năm 1962. Vào những kỳ nghỉ hè trước, mấy chị em tôi thường đi làm “công nhật” tại những nhà máy, xí nghiệp mà bố tôi quen biết các ông giám đốc, chẳng hạn như nhà máy Nhựa Thiếu niên Tiền phong, nhà máy Cá hộp Hạ Long, Xí nghiệp Giầy da, Xí nghiệp nước mắm Cầu Niệm, Bến Sáu Kho ở Cảng,… Đương nhiên là đi “làm thợ” ở những nơi đó rất vất vả, nhưng vì bố tôi muốn chúng tôi “cải tạo lao động” nên không thể thoái thác! Kỳ nghỉ hè năm 1965, tôi chuẩn bị tinh thần tới Bến Sáu Kho để làm phu khuân vác thì có một ông “Quý nhân phò trợ” xuất hiện (Bà tôi nói số tôi có Quý nhân phò trợ nên cuộc đời có gian khổ, vất vả hoặc có gặp sự nguy hiểm cũng không phải lo sợ!). Ông “Quý nhân phò trợ” này hình như là Trưởng ga Hải Phòng, có vợ là y tá của Bệnh viện do bố tôi phụ trách nên cũng ở trong khu tập thể của Bệnh viện gần cạnh nhà tôi. Một buổi tối, ông ta sang nói với bố tôi: “Tôi có việc làm cho thằng con ông đây, tiền lương sẽ cao gấp đôi đi làm thợ!”. Bố tôi hỏi: “Đi làm gì?”. Ông kia nói liền một mạch: “Bà cụ nhà tôi dạo này hay va chạm với con dâu, tôi nhức cả đầu. Còn hai tuần nữa mới đến phiên chú em tôi ở ga Hải Dương đón cụ về. Vì thế, tôi muốn thuê thằng con ông trong hai tuần, đưa bà cụ đi chơi trên các tuyến đường sắt, tùy theo ý thích của bà cụ! Vì thế, tiếng là làm việc chăm sóc bà cụ nhưng lại được đi du lịch khắp nơi!”. Bố tôi chưa trả lời thì mẹ tôi hùn vào, đồng ý ngay vì bà biết tính khí tôi rất thích đi đó đây và rõ ràng đây là cơ hội chỉ có một lần! Nghe mẹ tôi nói vài câu, bố tôi nói mỗi hai tiếng “Được rồi” và gọi tôi vào. Khi tôi vào gặp ông Trưởng Ga, ông không nói gì nữa mà kéo tôi sang nhà ông để gặp bà cụ - thân mẫu của ông.

Bà cụ thân mẫu ông Trưởng ga tên là Song Loan, vốn là con của một ca kỹ thường gõ Song Loan mỗi khi ca hát. Song bà không theo nghiệp cầm ca của người mẹ mà lại theo nghiệp trị bệnh cứu người của người cha, rồi sau này về làm việc ở Bệnh viện Đường sắt. Tuy đã làm việc ở trong ngành đường sắt khá lâu lại có cả chồng (đã mất) và hai người con trai cũng làm trong ngành ĐS nhưng bà Song Loan chưa có dịp được đi qua hết các tuyến đường sắt hiện có. Và bà luôn có ý nghĩ khi về hưu sẽ lần lượt đi hết các tuyến đường sắt, cho đến ga cuối cùng! Nhưng từ khi về nghỉ hưu, bà Song Loan vẫn chưa thực hiện được ý định vì con cháu bà tuy đông, nhưng ai cũng kêu bận bịu này nọ, không thể đi “du lịch Đường sắt” với bà được! Vì thế, khi “tóm” được tôi, ông con Trưởng ga rất thích và còn nói với tôi là xong nhiệm vụ sẽ có thưởng đặc biệt!
*
Bà cụ Song Loan chưa tới sáu mươi, tóc mới bạc phân nửa, thân hình vẫn còn khỏe mạnh và dáng dấp còn nhanh nhẹn. Vì thế việc tôi phải “hộ tống” bà trong chuyến “Du lịch Đường sắt” này chắc là không có khó khăn, trở ngại gì. Hơn nữa, vì đi theo chế độ người trong ngành Đường sắt nên mọi thứ đều rất tốt, từ Trưởng Toa đến các nhân viên trên tàu đều rất thân thiện…

Tuyến đầu tiên mà bà cụ Song Loan chọn đi là tuyến Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai. Tôi hỏi vì sao chọn tuyến này thì bà Loan nói: “Hồi xưa, bà nghe người ta nói ở Lào Cai có chợ Cốc Lếu chuyên bán người, đặc biệt là trẻ con. Nay đến xem thực hư thế nào?”. Tôi cũng đã nghe bà Nội nói về cái chợ Cốc Lếu ở Lào Cai nên rất háo hức.

Không thể kể hết lại đây cái cảm giác thật thú vị khi lần đầu tiên được ngồi trên tàu ngắm nhìn cảnh vật làng quê, ruộng đồng, sông núi cứ lao vun vút qua ô cửa toa tàu hoặc mờ mờ ảo ảo như trong chuyện cổ tích nơi chân trời xa. Trong khi tôi mải mê ngắm cảnh thì bà cụ Loan ngồi trầm tư như một nhà hiền triết, chốc chốc lại viết cái gì vào một cuốn sổ tay khá dày, có vẻ như bà đang viết “Hồi ký”?

Từ Hải Phòng về Hà Nội, không có điều gì bất trắc xảy ra. Khi chúng tôi tới ga Việt Trì, có một người đàn bà dắt hai đứa bé khoảng ba tuổi tới trước bà Loan và nói nhờ trông giúp để xuống ga mua đồ ăn cho chúng. Bà Loan đồng ý ngay và cho chúng ngồi cạnh, nói chuyện rất vui vẻ. Nhưng khi nhìn hai đứa bé, trong đầu tôi lại nảy ra ý nghĩ: người đàn bà kia có vẻ như là mẹ mìn đang đem trẻ con lên chợ Cốc Lếu? Nghĩ vậy, tôi liền đi khắp các toa tàu để xem có thấy người đàn bà kia gửi trông hộ trẻ con cho ai nữa hay không vì nếu đúng là mẹ mìn thì không chỉ là hai đứa bé đã gửi bà Loan! Thật không ngờ, phán đoán của tôi chính xác không kém gì thám tử: tôi vừa mới bước vào toa tàu thứ hai thì đã nhìn thấy người đàn bà kia đang vừa dắt vừa bế hai đứa bé cũng khoảng ba tuổi. Khi còn cách tôi khoảng chục mét, người đàn bà kia dừng lại trước một ông già là hành khách đi tàu, khoảng hơn 60 tuổi. Chỉ sau hai phút trao đổi, ông già kia đã nhận lời, giống như bà Loan. Sau khi giao cho ông già hai đứa bé, người đàn bà kia còn ghé sát vào tai ông già nói gì đó, rồi vịn tay vào một vai ông cứ như là sắp ôm nhau khiến ông già cứ gật đầu lia lịa!

Tôi tính quay về chỗ mình và sẽ nói với bà Loan phán đoán của tôi về người đàn bà mẹ mìn thì nhanh như làn gió, người đàn bà kia lướt tới bên tôi và nói nhanh vào tai tôi: “Về chỗ trông em bé giúp bà đi chứ! Nếu bép xép chị cắt lưỡi đó nghe chưa!”. Tôi giật mình, nổi da gà và thoáng nghĩ: Sao mà mẹ mìn này biết được suy nghĩ của mình? Hay là chỉ dọa phòng hờ như thế? Nghĩ vậy, tôi hít một hơi dài, ngầm vận công lấy can đảm rồi đi thẳng tới buồng Trưởng Toa, nhẩm tính là sẽ nói với Trưởng toa về hành tung của người đàn bà mẹ mìn kia. Nhưng, thật là bất ngờ, khi tôi vào trong buồng của Trưởng Toa thì đã thấy bà Loan và hai đứa bé đang ngồi trong đó, một người công an đường sắt đang hí hoáy viết, chắc là đang lập biên bản! Thì ra trong khi tôi đi tìm thêm “chứng cứ” về tội phạm của người đàn bà mẹ mìn thì bà Loan đã đưa hai đứa bé tới buồng Trưởng Toa. Giao hai đứa bé cho CA Đường sắt rồi, bà Loan mới nói với tôi: “Nhìn bộ dạng của người đàn bà kia, chỉ có người ngốc mới tin hai đứa bé là con bà ta. Loại mẹ mìn như thế bà đã nghe nói nhiều và đã gặp vài lần. Đúng là bọn buôn người này đang chuyển những đứa bé kia tới Cốc Lếu!”. Tôi hỏi: “Vậy chúng ta có còn đi tiếp tới Lào Cai hay không?”. Bà Loan ngần ngừ giây lát rồi nói: “Có lẽ nên quay lại bởi chuyến tàu xuôi mà ta đang chờ tránh có một người bạn của bà rất muốn gặp!”. Tôi định hỏi tiếp nhưng chợt nhận thấy có điều gì đó bất thường ở gương mặt bà Loan nên lại thôi và phỏng đoán: Có thể đó là người bạn thời trẻ của bà Loan? Quả nhiên sự phỏng đoán của tôi lại đúng và không hiểu sao, bà Loan rất xúc động, mắt rưng rưng ngấn lệ và nói nhỏ: “Hôm nay, ông ấy - mối tình đầu của bà, người suốt đời làm người lái tàu - sẽ lái chuyến tàu cuối cùng rồi nghỉ hưu. Ông ấy muốn trên con tàu này có bà!...”. Bà Loan dường như không thể nói gì được nữa, bà ngồi bất động, mắt như nhìn vào nơi vô định. Đúng ra, bà đang nhìn vào ký ức…Tôi chợt nghĩ: ký ức của người già thật là kỳ lạ!
*
Tuyến đường sắt thứ hai mà bà Loan muốn chúng tôi đi là tuyến Hà Nội - Đồng Hới. Bà nói, bà chỉ nghe nói Khu 4 thế này, Khu 4 thế kia chứ chưa hề biết nó như thế nào, nay vào xem sao. Tôi thì cũng chỉ biết Khu 4 qua sách vở, non xanh nước biếc đẹp như tranh: Đường vô xứ Nghệ quanh quanh / Non xanh nước biếc như tranh họa đồ! Vì thế, khi tàu vào đến địa phận tỉnh Ninh Bình, tức là hết khu vực đồng bằng Bắc Bộ, hai bà cháu cùng mải mê ngắm cảnh núi non sông nước thật là kỳ vĩ. Tôi thật không ngờ bà Loan lại biết nhiều chuyện về những địa danh nổi tiếng gắn liền với những nhân vật và sự kiện lịch sử như thế. Chẳng hạn như khi đến vùng Hoa Lư, bà kể chuyện Đinh Bộ Lĩnh hồi nhỏ đã biết đánh trận “Cờ Lau” rồi bà hát, rất nhỏ mà vẫn thấy âm vang hùng tráng: “Anh hùng xưa nhớ thời là thời niên thiếu, dấy binh lấy lau làm cờ!...”. Rồi khi đến đất Thanh Hóa, bà kể rất say xưa chuyện Triệu Thị Trinh cưỡi voi đánh trận oai hùng như tướng nhà Trời, chuyện vua Lê Lợi khởi nghĩa đánh quân Minh kéo dài 10 năm cũng gian lao, vất vả như kháng chiến chín năm đánh Pháp nhưng đã thắng lợi vẻ vang! (Không như bây giờ, thanh niên học sinh ưu tú đi dự cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia mà nói Vua Quang Trung đánh quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, hoặc nói vịnh Nha Trang của tỉnh Khánh Hòa giáp Trung Quốc!).

Tới ga Thanh Hóa, tàu dừng khá lâu. Tôi xuống ga đi dạo loanh quanh cho biết. Lúc trở lên toa tàu, thấy bà Loan đang bóc một cái bánh chưng. Khi bà Loan vừa lột hết lá thì bà kêu lên một tiếng thất thanh “Đất” rồi ném ra ngoài cửa sổ! Thì ra là cái “Bánh chưng đất”! Đúng lúc đó, có một bà già cũng trạc tuổi bà Loan, bê một rổ bánh chưng tới đặt trước mặt bà Loan, nói: “Bà mua phải bánh đất của bọn lừa đảo rồi! Mua bánh của tôi đi, bà sẽ được bù đắp bởi bánh của tôi ngon nhất tỉnh Thanh đấy”. Người bán bánh lấy ra hai chiếc đưa bà Loan, làm như bà Loan đã đồng ý mua. Và thật kỳ lạ, bà Loan như bị thôi miên, đưa tiền cho bà kia rồi cầm lấy hai cái bánh. Vừa lúc đó, tàu tiếp tục lăn bánh. Linh tính như mách bảo tôi đó cũng chỉ là bánh đất, tôi cầm lên một chiếc bóp mạnh thấy cứng ngắc, liền lột vội lớp lá. Quả nhiên, bên trong cũng là đất! Tôi thò đầu ra ô cửa sổ, nhìn xuống đất thì thấy bà bán bánh đất vừa cười toe toét vừa vẫy tay chào!

Việc mua phải bánh chưng đất khiến cho bà Loan buồn vô cùng, nhìn gương mặt bà, không còn những ánh mắt lung linh và cả sắc hồng khi chuyển tàu nữa (qua con tàu của người lái tàu - mối tình đầu). Sau khoảng một giờ không nói năng gì, bà Loan nói với tôi: “Tới ga Vinh chúng ta quay lại!”. Tôi không muốn hỏi bà Loan tại sao lại thay đổi lộ trình bởi thấy đầu óc mình như trống rỗng, lại như có một đám mây mù giăng kín trước mặt! Mặc dù mấy cái bánh chưng đất là do bà Loan mua nhưng tôi có cảm giác là chính mình bị lừa, và đó cũng là lần đầu tiên tôi biết thế nào là “Bánh chưng đất”. Để xua đi sự buồn bực, tôi lục trong cái túi du lịch đựng hành lý của mình lấy ra cuốn sách mà tôi mới mua trên tàu, đó là cuốn Bỉ vỏ của nhà văn Nguyên Hồng. Tôi đọc được khoảng một nửa thì ngủ thiếp đi!

*

Khi tàu tới ga Vinh, sự ồn ào nhốn nháo của người xuống kẻ lên khiến tôi bừng tỉnh. Thấy tôi đã  tỉnh dậy, bà Loan nói: “Ta xuống ga Vinh! Bà cũng có một người bạn ở ga Vinh, có lẽ là phó Trưởng Ga hay Trưởng ga gì đó?”. Khi chúng tôi tới trước cửa phòng Trưởng ga, tôi vừa định bước vào hỏi thăm thì có một người đàn ông đi từ ngoài sân ga tới, đứng sững trước bà Loan một phút rồi nói to: “Chị Loan!”. Bà Loan và người kia như là chết lặng đi tới hai phút rồi người kia nói nhỏ: “Chị đến tìm thằng Chi phải không? Nó đã mất hai năm rồi, vì bệnh tim. Tôi sẽ thay nó tiếp chị được không?”. Bà Loan không nói gì, lảo đảo rồi ngất xỉu!...

Thì ra “đường tình duyên” của cô gái Song Loan lúc trẻ cũng thật rối như tơ vò: Người tên Chi chính là mối tình thứ hai của bà Loan. Mối tình này không thành bởi khi Chi và Loan yêu nhau thì, anh chàng Chu, anh em sinh đôi của Chi cũng yêu Loan, tuy đơn phương nhưng rất cuồng si, tới mức Chu (người anh) đòi “đấu súng” với Chi. Loan đành phải chọn giải pháp an toàn cho cả ba người là… đi lấy chồng!

Chúng tôi ở nhà ông Chu được ba ngày thì bà Loan nói: “Ông Chu không muốn cho bà đi và cứ đòi cưới bà, nếu bà không nghe theo ông ta sẽ …tự tử! Theo cháu thì bà phải làm sao?”. Tôi thật bất ngờ với điều bà Loan vừa nói nhưng không thể nói gì lúc ấy vì nó vượt ra ngoài tầm suy nghĩ của tôi, một cậu bé chưa biết tình yêu là gì! Cho nên tôi nói: “Bà quyết định sao thì tùy, nhưng dù sao cũng không nên để xảy ra án mạng! Mạng người là quan trọng, mẹ cháu vẫn thường nói thế!”. Bà Loan mỉm cười nói: “Cháu chưa biết yêu mà nói đúng lắm, bà không thể làm ông Chu đau khổ vì thất tình, ông ta dễ làm chuyện dại dột lắm!...Dù sao thì ông Chu rất yêu bà!”. Tôi đoán bà Loan không muốn về Hải Phòng nơi có cô con dâu hay “gây sự” và định hỏi rằng tôi sẽ nói sao khi về Hải Phòng, thì bà Loan như đã biết tôi muốn hỏi gì và nói ngay: “Cháu cứ nói là bà đã xuống ga Hải Dương đến nhà người con thứ hai, coi như cháu đã hoàn thành nhiệm vụ. Bây giờ còn hơn một tuần nữa mới hết hạn của chuyến đi “Du lịch đường sắt”, nếu cháu thích đi tiếp một mình thì bà đưa giấy ưu tiên đi tàu và một ít tiền tiêu vặt, cháu đi đâu thì tùy thích”. Tôi muốn đi ngay nhưng ông Chu giữ tôi lại ba ngày nữa, dẫn tôi đi chơi và tắm biển ở Cửa Lò. Tôi cứ tưởng gọi là Cửa Lò vì nóng như “Lò lửa” nhưng bãi biển ở đây mát mẻ, đẹp không thua kém gì bãi biển Đồ Sơn ở Hải Phòng.

Cuộc vui nào cũng phải có lúc tàn, tôi không thể cứ tắm biển mãi ở Cửa Lò mà phải trở về. Trên đường trở về, tôi tính sẽ đi lại tuyến Hà Nội - Lào Cai cho biết Cốc Lếu là thế nào thì thật kỳ lạ, khi đến ga Việt Trì tôi lại “bị chặn” và phải quay về, song lần này không phải do “Mẹ mìn” buôn bán trẻ con mà bởi một người …si tình! Đó chính là người lái tàu - mối tình đầu của bà Loan mà tôi đã kể ở trên. Khi tôi vừa tới ga Việt Trì thì có một người hát xẩm, vừa chơi cây đàn ghi-ta đã cũ vừa hát: “…Ôi ta buồn ta đi lang thang bởi vì đâu? Ôi ta buồn ta đi lang thang bởi vì yêu…”. Tôi định bỏ hai tờ tiền lẻ vào cái thùng cây đàn ghi-ta thì người đánh đàn nắm chặt tay tôi và nói nhanh: “Cậu bé, bà Loan đâu rồi?”. Tôi giật mình khi nhận ra người lái tàu! Thì ra sau khi nghỉ hưu, người lái tàu si tình thấy không thể sống nổi nếu thiếu tình yêu và quyết định đi tìm bà Loan. Và ông ta nghĩ rằng bà Loan đã gặp lại ông ở ga Việt Trì thì cứ đến ga Việt Trì là thế nào cũng lại gặp! Tôi thực sự ngạc nhiên với cách nghĩ đó của người lái tàu si tình và nghĩ rằng sẽ nói cho ông ta biết bà Loan đang ở đâu, thậm chí sẽ dẫn ông ta đến tận nơi bà Loan đang ở. Nhưng ngay lập tức, tôi lại hình dung ra ông Chu ở ga Vinh sẽ đau khổ đến nỗi sẽ tự tử nếu mất bà Loan lần nữa! Vì thế, quả là tiến thoái lưỡng nan đối với tôi!

*

Thấy tôi cứ lúng túng không biết nói sao, người lái tàu nhẹ nhàng nói: “Tôi hiểu tại sao bà Loan bỏ tôi mà đi rồi!...Cậu bé, cậu nói cũng được mà không nói cũng được, dù sao thì tôi cũng đã mất người tôi yêu, nhưng dù thế nào, nhất định tôi sẽ tìm thấy bà Loan!”. Nói rồi người lái tàu si tình lại ôm đàn hát: “…Ôi ta buồn ta đi lang thang bởi vì yêu…”. Nghe tiếng hát nao lòng của người lái tàu si tình, tôi quyết định chạy theo nói cho ông ta biết bà Loan đang ở đâu, nhưng không hiểu sao hành khách, tức người đi tàu bỗng trở nên đông nghẹt, chật cứng khiến tôi không thể nhúc nhích!

Sài Gòn, 12-5-2011
Đỗ Ngọc Thạch




Gửi email trang này cho bạn bè Mở cửa sổ in bài viết này

Đường Văn :: Nguồn: phongdiep.net


KIẾM SỐNG - Đỗ Ngọc Thạch

KIẾM  SỐNG

Truyện ngắn của Đỗ Ngọc Thạch


Khi tôi đến làm việc tức “kiếm sống” ở cái lò bánh ngọt “tiểu thủ công” này thì đội ngũ “thợ thuyền” ở đây đã có 11 người: 4 người đứng lò, 4 người làm thành cái bánh và đóng gói sản phẩm và một người làm nhiệm vụ “nuôi quân” tức nấu ăn. Những người thợ ở lò bánh này làm việc từ 6 giờ sáng cho đến 6 giờ tối, buổi trưa nghỉ ăn cơm tại chỗ khoảng nửa giờ. Trừ hao những lúc nghỉ giữa giờ vì nhiều lý do thì tổng số giờ lao động của thợ bánh là tròn Mười giờ, tức hơn giờ làm việc của Nhà nước hai giờ. Đó cũng là thời gian lao động nói chung của hầu hết những cơ sở sản xuất tư nhân và có thể nói cái thời gian lao động “dôi ra” này chính là một trong những “yếu tố” làm nên lợi nhuận của giới chủ.

Khi tôi đến lò bánh làm việc, ông chủ lò bánh nói: “Lò bánh của chúng ta đang phát triển và đã có “thương hiệu” trên thị trường, vì thế tất cả hãy cố gắng làm thật tốt phần việc được giao. Số người của chúng ta vừa đủ bộ 12 con giáp Tý Sửu Dần Mão Thìn Tỵ Ngọ Mùi Thân Dậu Tuất Hợi, vì thế mỗi người sẽ mang tên một con giáp, cứ thế mà gọi. Tại sao lại gọi như vậy? Đây là con số tuyệt đẹp, nó sẽ giúp chúng ta làm ăn phát tài, vì thế ta sẽ giữ con số màu nhiệm này, không thêm không bớt”. Nói rồi ông chủ đưa ra một cái rổ nhựa, trong có sẵn mười hai mảnh giấy viết sẵn từ Tý cho đến Hợi, ai bốc được chữ nào thì sẽ mang “thợ danh” chữ đó. Tôi chờ cho mọi người bốc hết, mở mẩu giấy cuối cùng ra có chữ “Tý”, đúng là số trời đã an bài!

Điều kỳ lạ là không chỉ riêng tôi mà năm người nữa là Sửu Dần Mão Thìn Tỵ cũng bốc được chữ trùng với năm sinh của mình. Năm người này, cùng với tôi là sáu, còn có đặc điểm giống nhau nữa là không phải thuộc nhóm “lao động phổ thông” tức lao động chân tay chuyên nghiệp mà tối thiểu là đã tốt nghiệp đại học nhưng đang thất nghiệp (do gặp “nạn” bi kịch gia đình và bè phái đấu đá ở công sở nên bỏ nhà, bỏ nhiệm sở đi hoang). Cái truyện ngắn này chủ yếu nói về năm người này: Sửu đã từng du học nước ngoài thời bao cấp, có bằng Tiến sĩ về Toán học, được rất nhiều trường đại học ở nước ngoài mời làm giáo sư nhưng vì nhớ quê hương, nhớ vợ mà trở về Việt Nam; Dần là cựu Sinh viên trường Đại học TDTT, chuyên về võ thuật (đã từng làm chân trụ cho đoàn xiếc của một tỉnh ở ĐBSCL, tức giữ thăng bằng cho một cái cột lớn đặt trên vai, trên có một, hai người làm những động tác uốn dẻo…); Mão là cựu học viên Học viện Kỹ thuật Quân sự, chuyên về vũ khí có sức công phá lớn; Thìn và Tỵ đều là “thầy giáo mất dạy” tức đã trải qua giáo viên Phổ thông Trung học, về môn văn và sử. Sáu người còn lại (từ Ngọ tới Hợi) tuy không qua đại học nhưng đều đã qua chốn quan trường, thấp nhất cũng là Trưởng phòng, cao nhất là Tổng giám đốc và đều giống nhau ở chỗ đã từng qua vòng lao lý vì nhiều tội danh khác nhau…
*
Công việc ở lò bánh thủ công tuy là lao động giản đơn (còn gọi là lao động phổ thông, lao động chân tay) nhưng cũng có những công đoạn rất khó, đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao, nếu không sản phẩm sẽ hỏng, tức quăng sọt rác, tức ông chủ lò bánh sẽ lỗ vốn! Đó là khâu đánh kem và nướng bìa bánh. Sản phẩm bánh ngọt ở đây gọi là bánh xốp, gồm có hai thành phần chính: lớp kem nằm giữa hai hoặc ba lớp bìa xốp. Kem là đường trắng xay thành bột, trộn với dầu mỡ và cho vào một ít tinh dầu, tạo mùi vị thơm ngon. Bìa xốp là bột năng được nướng cho giòn, khi nướng cho vào chút bột nở thì sẽ giòn và xốp. Nướng khéo thì sẽ giòn thơm, cộng với hương thơm của lớp kem tạo thành mùi thơm đặc trưng của bánh. Nói thì đơn giản thế, nhưng cái khó là để có được chậu kem sóng sánh, sủi bọt li ti và thơm lừng, mới nhìn đã muốn ăn thử…thì người đánh kem phải có sức mạnh cử đỉnh của Hạng Võ để dùng tay ngoáy nhào cho đám bột đường trộn với đầu mỡ kia biến thành kem (nếu làm bằng máy thì…tốn điện!). Còn cái khó của nướng bìa bánh là người làm phải đứng bên lò lửa, đổ bột đã trộn nước vào những cái kẹp đặc dụng bằng sắt, mỗi cái to bằng cái cặp sách học trò, lật qua lật lại trên ngọn lửa sao cho đến đều hai mặt. Non lửa thì bìa bánh sẽ sống, quá lửa thì tất nhiên là cháy khét, đều bỏ. Vì thế người nướng bìa bánh phải là loại “Người chịu lửa” và có sự nhạy cảm về thời gian (cũng có phần giống với tố chất của Nhà thơ).

Nhóm sáu người của nửa trên 12 con giáp phụ trách đánh kem và nướng bìa bánh, tức phần công việc nặng nhọc và đòi hỏi “tay nghề” cao (riêng tôi, người viết truyện ngắn này, “học nghề” chỉ nửa buổi là đã thành thạo mọi công đoạn nên được giao làm nhiệm vụ “đốc công”, tức khâu nào làm sai thì chỉnh sửa, hoặc thiếu người thì tạm lấp chỗ trống). Còn nhóm nửa dưới của 12 con giáp thì làm nhiệm vụ tiếp theo, tức trét kem vào bìa bánh rồi cưa cắt thành những cái bánh nhỏ, đoạn cho vào những bịch ni-lon to bằng nửa cuốn vở học trò, buộc kín miệng bịch là xong.

Nhóm sáu người của nửa trên 12 con giáp làm rất tốt công việc, chỉ sau hai ngày được ông chủ lò bánh “cầm tay chỉ việc”. Dần đặc trách việc đánh kem nặng nhọc, khi đánh kem xong, cả cái xưởng bán ngào ngạt hương thơm. Xong việc đánh kem, Dần làm cái việc cắt bìa bánh, sau khi đã trét kem thành những cái bánh nhỏ. Việc này cũng đòi hỏi sức khỏe vì khi cắt thành những cái bánh nhỏ (những bìa bánh lớn sau khi đã trét kem thì xếp đầy một cái khuôn bằng gỗ, kích cỡ của bánh đã có trong khuôn), phải kéo lưỡi cưa thật nhanh như máy, nếu không bánh sẽ nát vụn hoặc không vuông thành sắc cạnh! Cắt xong sẽ chuyển cho nhóm đóng gói.

Công việc nướng bìa bánh chủ yếu do bốn người Sửu, Mão, Thìn và Tỵ đảm trách. Bốn người này đều đã kinh qua công tác nghiên cứu, giảng dạy nên sự nhạy cảm vế thời gian rất tốt, tức bìa bánh không bao giờ quá lửa đến nỗi cháy khét hoặc non lửa tức còn sống, bánh sẽ dai như cao su! Tuy nhiên, về khả năng chịu lửa thì cả bốn người đều không thể như Tôn Ngộ Không khi bị nhốt trong Lò bát quái của Thái Thượng Lão Quân. Vì thế, cứ hai người làm thì hai người ngồi nghỉ, cứ phải luân phiên từng 30 phút! Nhưng khi lò bánh đắt hàng, ông chủ tăng thêm hai lò nữa, tức tổng số là bốn lò, thì không có thể ngưng nghỉ luân phiên được nữa. Những lúc thấy các “giáo sư”, “viện sĩ” kiệt sức, tôi thường tới  “chia lửa”!

Nhóm nửa dưới của 12 con giáp, tức từ Ngọ cho tới Hợi chủ yếu là làm công đoạn sau, đóng gói bao bì tức hoàn thành sản phẩm và lo chuyện cơm nước cho đám thợ. Trong nhóm sáu người này có ba người là nam, ba người là nữ. Từng đôi một, họ đều là “bạn tù” ở trên mức tình cảm bạn bè và sau khi mãn hạn tù, không trở về với gia đình cũ (vì vợ hoặc chồng của họ đã ly hôn ngay từ khi họ bị khởi tố) mà rủ nhau đi làm thuê kiếm sống, sống cuộc đời mới với “hai trái tim vàng” cho dù chưa có nổi một “túp lều tranh”! Công việc đóng gói bao bì không có gì khó khăn và cũng phù hợp với “xuất thân” (tầng lớp quan cách, chuyên “chỉ tay năm ngón” chứ không phải đụng tay đụng chân vào việc gì cụ thể) của họ nên họ rất hào hứng làm việc. Hơn nữa, trong những khoảng thời gian thọ án bị quản thúc ở trong các trại giam, họ cũng được “rèn luyện” qua những công việc tương tự, có khi còn nặng nhọc hơn nhiều ngồi gói bánh!
*
Tôi “Kiếm sống” ở lò bánh xốp được nửa năm thì một hôm, một người bạn đồng nghiệp của ông chủ lò bánh (hai vợ chồng ông chủ lò bánh đều là giáo viên một trường đại học) đứng ra thành lập một trường PTTH Dân lập, kết hợp ngày khai trương trường học với lễ cưới vợ lần thứ hai, đã đích thân tới tận lò bánh đưa giấy mời vợ chông ông chủ lò bánh. Khi nhìn thấy tôi đang ngồi uống trà với ông chủ lò bánh thì tân Hiệu trưởng kiêm tân chú rể nhào tới tôi, nắm chặt lấy tay tôi mà rối rít nói: “Người bạn Đầm Mây của tôi!...Thảo nào đêm qua tôi nằm mộng thấy Bồ Tát bảo sáng nay thế nào tôi cũng nhặt được Vàng! Thì ra là ông bạn Vàng của tôi ở Đầm Mây!”. Tôi nhận ra ngay đó là Lương, học cùng lớp Toán với tôi ở Khoa Toán trường ĐH Tổng hợp hồi năm 1966, khi Khoa Toán đang sơ tán ở Đầm Mây thuộc huyện Đại Từ, Thái Nguyên. Hồi đó, cuộc sống của sinh viên bị chữ “Đói” hành hạ tối ngày, tôi và Lương thường rủ nhau vào các thôn xóm ở sát chân núi mua các loại quả như chuối, bưởi, đào mận… ăn cho đỡ đói. Ăn hoa quả nhiều tới mức thành nghiện như đám con cháu của Tôn Ngộ Không ở Hoa Quả Sơn!

Gặp lại tôi, Lương nói ngay: “Cậu là một thầy giáo văn võ song toàn (ý nói tôi có thể lên lớp cả Toán và Văn) không thể cứ ngồi đây mà làm thợ bánh được!”. Sau đó, Lương thỏa thuận với ông chủ lò bánh rồi đưa tôi về ngay cái trường PTHT Dân lập mới thành lập của anh ta. Quả nhiên, giáo viên còn thiếu nhiều, tôi vừa phải dạy cả môn Toán và môn Văn. Được trở lại làm Thầy (sau khi tốt nghiệp Khoa Văn ĐH Tổng hợp Hà Nội, tôi có đi dạy học hai năm), tôi cũng thấy đỡ buồn tẻ hơn chuyện làm bánh, ngày nào cũng làm những công việc lặp đi lặp lại, không hề có tính cách tân, sáng tạo. Nhưng, niềm vui cũng chỉ lóe lên như ánh sáng đom đóm bởi một hôm, có hai học sinh, một nam, một nữ tìm gặp tôi tại phòng giáo viên mà nói: “Thầy không được cho em điểm kém, vì nếu em bị bố mẹ đánh đòn bao nhiêu thì em sẽ trả lại thầy đủ bấy nhiêu!” - đó là lời học sinh nam. Còn học sinh nữ thì nói: “Các nơi người ta “đổi tình lấy điểm” rầm rầm. Vậy em xin thông báo với thầy bảng giá trị đổi điểm của em: cầm tay tám điểm, hôn má chín điểm, hôn môi mười điểm. Còn nếu muốn “chuyện kia” thì “Mười điểm trọn đời”! Sau khi hai học sinh kia ra khỏi, tôi nghĩ cái môi trường “tiên học lễ hậu học văn” này thật bất an!

Được sáu tháng, một người bạn học cùng Khoa Văn trường Đại học Tổng hợp bất ngờ gặp tôi giữa đường thì chặn lại như cướp đường và nói: “Cái nghề “bán cháo phổi” này bây giờ tổn thọ lắm, học trò không chỉ dám đánh thầy mà còn có thể lấy mạng thầy như chơi! Mà học trò bây giờ vừa dốt vừa lười học, lời thầy giảng chỉ như “đàn gảy tai trâu” mà thôi!”. Nói rồi người bạn lôi tôi tới một tờ báo ngành, đang chuẩn bị cho ra rất nhiều ấn phẩm khác như Bán Nguyệt san, Nguyệt san, Tủ sách và Cẩm nang… đủ kiểu ngoài tờ báo chính ra hàng tuần.

Không hiểu sao, lần này cũng được sáu tháng thì lại có một người bạn học thời Lớp Một tới lôi tôi tới một nhà hàng máy lạnh loại sang và nói: “Từ ngày tớ bỏ kinh doanh địa ốc chuyển sang kinh doanh hôn nhân, tức mai mối tình yêu thì lên như diều gặp gió. Cậu không thể tồn tại trong cái đám suốt ngày cãi lộn như mổ bò như thế. Dù cậu có trung lập chủ nghĩa thì trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết, vì thế hãy nghe tớ, tẩu vi thượng sách. Hãy sang làm việc cho công ty Dây Tơ Hồng của vợ chồng tớ, nó sẽ là bến đậu cuối cùng của cậu!”. Quả là tôi có tính cả nể, hay bị bạn bè rủ rê lôi kéo. Khi tôi theo người bạn thời Lớp Một về tới trụ sở công ty Mai mối Dây Tơ Hồng thì gặp ngay một cặp vợ chồng mới đi hưởng tuần trăng mật ở Đà Lạt về đòi gặp và nói ngay: “Chúng tôi muốn thanh lý hợp đồng cũ và ký ngay hợp đồng mới. Nghĩa là chúng tôi sẽ ly hôn và nhờ Công ty Dây Tơ Hồng mai mối cho chúng tôi một người chồng khác và một người vợ khác!”. Người bạn Lớp Một hỏi: “Tôi muốn biết lý do vì sao hai người lại nhanh chóng ly dị như thế? Mới một tuần làm sao đã khám phá hết mọi vẻ quyến rũ, hấp dẫn của đối tượng?”. Người đàn bà định nói nhưng rồi nhìn người đàn ông như bảo “Ông nói đi!”. Người đàn ông liền nói: “Tưởng là vui duyên mới nhưng lại hóa ra là đồ cũ! Tức cách nay hơn mười năm, chúng tôi đã sống như vợ chồng với nhau tới hai tháng rồi còn gì!”. Người bạn Lớp Một của tôi cười sảng khoái rồi lấy ra hai bản hợp đồng mới, nội dung là trong vòng một tuần sẽ mai mối cho mỗi người một đối tượng vạn sự như ý! Khi hai người khách hàng đã ra về, người bạn Lớp Một nói với tôi: “Đó, câu thấy chưa, cứ gọi là làm không hết việc, mà loại công việc này chỉ là uốn ba tấc lưỡi, chẳng phải ăn no vác nặng như làm thợ bánh, cũng chẳng phải rát cổ bỏng họng như cái nghề “bán cháo phổi” và cũng chẳng phải tả xung hữu đột trong trường văn trận bút như nghề làm văn làm báo! Cậu còn muốn gì nữa?”.
*
Quả là người bạn Lớp Một không khác chi Bồ Tát hạ trần gian, tôi đến làm việc cho Công ty Mai Mối Dây Tơ Hồng được hai tháng thì bạn tôi đã cưới cho tôi một người vợ mười phân vẹn mười, chỉ sau khi “động phòng hoa chúc” hai tháng đã có “tin vui”! Tôi sực nhớ đến những người “bạn đồng nghiệp” một thời ở lò bánh xốp, muốn mai mối cho các “giáo sư, viện sĩ” đã “mồ côi vợ” ấy mỗi người một thục nữ đảm đang để nâng khăn sửa túi trong cuộc sống làm thợ bánh vất vả! Song, khi tôi đến lò bánh xốp ấy thì thật bất ngờ: tất cả nhóm năm con giáp trên tức Sửu, Dần, Mão, Thìn và Tỵ đều đã được vợ chồng chủ lò bánh cưới cho mỗi người một người vợ thôn nữ miệt vườn thứ thiệt, còn “Din” trăm phần trăm và mỗi người đã có một con. Còn nhóm sáu người phần dưới 12 con giáp tức Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất và Hợi thì cả ba cặp đã chính thức bái đường thành thân, mỗi cặp cũng đã có con cái xinh xắn, bụ bẫm! Lò bánh đã phát triển không ngờ, ông chủ đã mua lại căn hộ kế cạnh, xây bốn tầng lầu để phát triển cơ sở sản xuất và có chỗ ở cho cả năm cặp vợ chồng nhóm năm con giáp phía trên (sáu người nhóm con giáp phía dưới thì ở nhà thuê gần cơ sở lò bánh).

Khi nhìn những người thợ bánh đang làm việc, tôi thấy không khí của xưởng bánh thật chuyên nghiệp và trên từng gương mặt đều lộ rõ niềm vui lao động say mê, có người còn vừa làm vừa hát, thi thoảng lại có người kể chuyện tiếu lâm và mọi người cười hưởng ứng như pháo ran! Ông chủ lò bánh nói với tôi: “Bây giờ tất cả đều rất an tâm và say mê làm việc, coi lò bánh là nhà, không muốn chuyển đi đâu cả!”. Mặc dù đã “mục sở thị”, tôi vẫn chưa tin là những “giáo sư”, “viện sĩ” kia sẽ gắn bó hết đời với lò bánh, liền đến bên Sửu, người đã từng lấy bằng Tiến sĩ Toán ở MGU (Đại học Tổng hợp Quốc gia Matxcơva, mang tên nhà bác học Lômônôxốp nên còn gọi là trường Đại học Tổng hợp Lômônôxốp) để “phỏng vấn” xem sao thì Sửu nhìn tôi cười rạng rỡ rồi cất tiếng hát bài “Cuộc sống ơi, tôi mến yêu người” bằng tiếng Nga:

Я люблю тебя, жизнь
Что само по себе и не ново,
Я люблю тебя, жизнь
Я люблю тебя снова и снова…
 
Rồi bằng tiếng Việt:
Cả tình yêu trao cuộc sống
Mãi mãi ta mến yêu người tình yêu thắm nồng.
Cả tình yêu trao cuộc sống
Mãi mãi ta hiến dâng người tình yêu thiết tha.Đèn rực sáng trên tầng cao
Là khi ta chân khẽ đưa thong thả bước về.
Ta càng thấy yêu con người
Mong cuộc sống ta mỗi ngày sẽ tươi thắm hơn…
 Kìa trời khuya chim rộn hót
Những bóng đêm đang tan dần bình minh thức dậy.
Từ lòng ta, ngon lửa cháy
Hỡi trái tim của con người thèm sống khác xưa.
Một ngày mới vẫy chào ta.
Bạn đời ơi ta muốn dâng ngọn lửa cháy này
Cho cuộc sống bao vui buồn.
Xin hạnh phúc, dẫu muộn màng sẽ đến với ta…

Nghe Sửu hát say sưa, tôi lẩm nhẩm hát theo từ lúc nào (sở dĩ tôi thuộc bài này vì có anh bạn thời lính Ra-đa tên Võ Trí Tâm, sau có đi học ở Nga về, thường hay hát bài này lúc … chán đời). Sửu hát say sưa tới ba lần, tôi còn “phỏng vấn” gì nữa!

Khi tôi đi khỏi lò bánh xốp, ông chủ lò bánh tiễn tôi và nói: “Bất cứ lúc nào ông thích quay trở lại lò bánh, tôi và mọi người đều hoan nghênh!”. Tôi không nói gì vì còn phải chờ Bồ Tát hiển linh báo mộng!

Sài Gòn, 16-5-2011
Đỗ Ngọc Thạch 

Gửi email trang này cho bạn bè Mở cửa sổ in bài viết này

Đường Văn :: 

nguồn: phongdiep.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét