Chủ Nhật, 3 tháng 2, 2013

Ô Đống Mác ...- Đỗ Ngọc Thạch

 


Hai Truyện ngắn về Hà Nội: Ô Đống Mác; Ô Chợ Dừa

Ô Đống Mác Đỗ Ngọc Thạch

Khi nhà tôi về ở khu Ô Đống Mác (*) là năm tôi học lớp Ba (gọi là trường Tiểu học, hệ 10 năm). Trường tôi học là trường Tiểu học Lương Yên. Sân trường rất rộng và đều đổ kín xỉ than để chống lụt lội. Tuy chống được bùn lầy, lụt lội nhưng có cái bất tiện là mỗi khi bước đi, những cục than xỉ lạo xạo dưới chân tạo nên thứ âm thanh rất khó nghe! Đó là chưa nói đến việc nếu lỡ bị té ngã xuống sân trường thì toàn thân sẽ rớm máu vì bị những cục xỉ than găm vào người và gây sát thương! Lúc đó, tôi đã thấy có người dùng xỉ than để đóng thành những viên gạch gọi là “Gạch xỉ”, dùng để xây tường nhà rất tốt Song, nhu cầu xây dựng nhà cửa lúc đó là rất ít cho nên việc làm gạch xỉ chưa thành phong trào như về sau đó! Các lớp học đều làm bằng tre nứa, mái lợp lá cọ chuyển từ vùng Phú Thọ, Yên Bái về. Khu Lương Yên (**) là khu lao động, toàn người nghèo, nhà cửa đa phần lụp xụp, tối tăm… nên tôi nghĩ có được một trường học như thế là tốt rồi!
Thời gian này bố tôi đang là Bác sĩ quân Y chuyển sang Dân Y, cho nên phải chờ một thời gian để những người làm công tác Tổ chức – Cán bộ ở Bộ Y tế sắp xếp xem tiếp tục làm việc ở Bệnh viện nào, ở đâu? Tôi chỉ nghe nói là lúc này người ta đang xây dựng Khu Gang Thép Thái Nguyên và tất cả đều mới là sự “Khởi đầu”, vì thế người ta muốn bố tôi về đó xây dựng Bệnh viện Khu Gang thép. Trong khi chờ đợi quyết định chính thức, bố tôi mở một phòng mạch ở khu lao động Lương Yên. “Phòng mạch” là một căn nhà tre nứa lá, khoảng hơn hai chục mét vuông, được dựng lên trong một khu vườn cây ăn quả rất rộng rãi thoáng mát, chẳng khác gì cơ sở dã chiến của một Đội điều trị của Quân Y thời chiến. Cạnh phòng mạch của bố tôi là một cơ sở nuôi bò sữa và sản xuất sữa tươi, gồm toàn những thanh niên lực lưỡng như đô vật! Những người hàng xóm làm sữa tươi rất thân thiết với những người ở “Phòng mạch” và tôi thích uống sữa tươi từ hồi này!
Gia đình chúng tôi ở trên phố Lò Đúc, ngày ngày bố và mẹ tôi tới “Phòng mạch” từ sớm và anh chị em chúng tôi (có bốn người sinh từ 1945 đến 1949, một người sinh năm 1955 thì chưa làm gì được) thay nhau đến “làm việc” ở Phòng mạch và tôi thường bị “đùn đẩy” đến phòng mạch nhiều nhất. Lúc đó, phố Lò Đúc còn rất vắng vẻ. Đi hết phố Lò Đúc khoảng một trăm mét là tới
Phòng mạch và quang cảnh toàn bộ khu vực này thật là mênh mông bát ngát, dân cư còn rất thưa thớt, có con đường đê chạy dài ra tới …”chân trời”, hai bên là những cây ổi – loại ổi quả nhỏ khi chín thì rụng đầy triền đê! Thỉnh thoảng người ta có trồng xen kẽ vài cây nhãn, cây vải nhưng mấy cây này thường là bị bọn trẻ con vặt trụi!
*
Phòng mạch của bố tôi chủ yếu chữa trị những bệnh thông thường cho người nghèo như đau bụng (thương hàn, thổ tả, kiết lỵ…), đau đầu, cảm cúm…Tuy nhiên cũng xử lý những ca “Tiểu phẫu” về Nhãn khoa như mổ lông quặm, đục thủy tinh thể hoặc “giải phẫu thẩm mỹ” như hở hàm ếch, v.v… Những lúc đứng phụ mổ, hoặc “chờ sai vặt”, tôi thường quan sát rất kỹ những thao tác khi mổ và khám bệnh của bố tôi cho nên có thể nói, lúc đó, tôi đã có thể “độc lập tác chiến” nếu cần thiết. Và không cần phải đợi lâu, một hôm bố tôi đau bụng, phải vào Bệnh viện 108 kiểm tra lại vết mổ dạ dày cho nên tôi chỉ có nhiệm vụ là đến phòng mạch để quét dọn vệ sinh trong và ngoài phòng mạch. Khi tôi làm xong mọi việc, vừa khóa cửa và treo tấm biển “Nghỉ 01 ngày” lên cánh cổng làm bằng tre trúc thì có một cô gái trạc tuổi tôi, dẫn một người như là mẹ cô bé tới và nói: “Sao lại treo biển nghỉ?”. Cô gái vừa nói xong thì tròn mắt nhìn tôi và nói tiếp: “Thì ra là cậu làm việc ở đây à? Phòng khám bệnh này là của bố cậu à?”. Thì ra cô bé ấy là Lan, học cùng lớp với tôi ở trường Lương Yên. Vì thế tôi không phải trả lời hai câu hỏi liên tiếp vừa rồi của Lan mà chỉ gật đầu rồi hỏi lại: “Mẹ cậu làm sao thế?” – “Gần một tuần nay rồi, bụng mẹ tớ cứ to dần lên như người có thai! Ngày nào mẹ cũng kêu đau bụng và hôm nay thì đau dữ dội, không thể chịu được!” – “Sao cậu không đưa mẹ đến Bệnh viện Quận? Hôm nay bố tớ lại không đến được!” – “Đến bệnh viện Quận rồi, đã khám rồi và đã chụp X quang, nhưng người ta bảo chưa rõ bệnh gì, chờ theo dõi thêm! Nhưng mẹ tớ không thể chờ được nữa!” – “Có nghĩa là cậu bảo tớ phải làm thay bố tớ?” – “Chứ còn gì nữa! Cậu cứ khám và chẩn đoán đi, tớ sẽ biết là cậu nói đúng hay sai!”. Lan nói rồi coi như đã thỏa thuận xong và dìu người mẹ tới sát cửa phòng khám bệnh và còn giục tôi mở khóa cho nhanh vì người mẹ lại lên cơn đau.
Khi đưa mẹ con Lan vào trong phòng khám bệnh, tôi bảo người mẹ nằm lên giường rồi “thao tác” nhanh nhẹn, thành thục như bố tôi vẫn hay làm: cởi cúc áo người mẹ ra rồi xoa bóp khắp vùng bụng. Thì ra cái bụng của người mẹ Lan có một bó giun đũa đang làm tổ và ngày ngày hành hạ người đàn bà! Tôi nói ngay nhận xét của mình với Lan và lấy một liều thuốc xổ giun cho mẹ Lan uống. Loại bệnh này tôi đã thấy bố tôi xử lý khá nhiều nên mọi thao tác đều chính xác và chỉ sau hai mươi phút, đám giun đũa ký sinh kia đã bị lôi cổ ra ngoài!
Vừa giải quyết xong trường hợp “thai giun” của bà mẹ cô bạn Lan thì lại có tiếng động lịch kịch ngoài cửa kèm tiếng rên la y ỷ! Tôi nói Lan ra mở cửa xem sao thì hai phút sau, Lan dẫn vào hai người đàn bà, một người đã ngoài bốn mươi và một người chưa tới hai mươi tuổi rồi nói: “Hai mẹ con chị Hài này là hàng xóm của tớ. Chị Hài này cũng bị to bụng khoảng hơn một tuần nay!” – Tôi hỏi ngay: “Có đau bụng như “thai giun”không?” – Cô gái tên Hài nói: “Nó chỉ đau âm ỉ nhưng rất khó chịu. Mẹ cứ tra hỏi có “quan hệ” với thằng nào không mà bụng to ra? Nhưng tôi tuyệt đối không có làm chuyện ấy!”. Tôi bảo cô gái tên Hài nằm xuống giường và xoa nắn khắp vùng bụng một lượt, vừa làm vừa nghĩ: “Không phải là “thai giun” vậy chỉ có thể là một khối u phát triển rất nhanh ở trong bụng. Khối u ấy là cái gì? Phát triển với tốc độ nhanh như thế không thể là kiểu khối u thông thường? Không hiểu sao tôi vụt nhớ lại hồi còn nhỏ ở quê, mỗi lần tôi đi bắt cua hay tát cá, bà tôi đều nhắc: “Nhớ đem theo ống vôi kẻo đỉa nó bu vào cu đấy!”. Tôi liền hỏi cô gái tên Hài: “Chị có phải lội xuống ruộng xuống ao làm gì không?” – “Nhà tôi cũng có một ít ruộng nên lội ruộng thường xuyên!”. Tôi liền khẳng định ngay cái “thai lạ” trong bụng cô
Hài kia chính là “thai đỉa” và nói ý nghĩ đó với cô bạn Lan. Thật bất ngờ Lan tán đồng ngay: “Đúng rồi! Chỉ có thể là con đỉa đã chui vào chứ không thể là ai khác! Nhưng bây giờ xử lý nó như thế nào?”. Tôi nói ngay: “Ca này tớ không thể giải quyết được! Chỉ có một cách là gửi đến bệnh viện lớn nhờ người ta giải quyết! Tớ có biết ông Bác sĩ Mô là bạn của bố tớ, hiện đang làm ở Bệnh viện Phủ Doãn. Tớ sẽ cho giấy chuyển viện và cậu nên giúp hai mẹ con cô Hài tới đó ngay. Thấy giấy giới thiêu của bố tớ, ông Bác sĩ Mô sẽ nhận giải quyết liền!”. Cô bạn Lan thật là nhiệt tình, chạy đi kêu xích lô chở hai mẹ con cô Hài tới Bệnh viện Phủ Doãn ngay!
Ba ngày sau, ông Bác sĩ Mô bất ngờ đến nhà tôi chơi và có nói cái ca “thai đỉa” mà bố tôi gửi tới chẩn đoán rất chính xác nên ông đã xử lý ngay, rất nhanh gọn. Bố tôi ngớ người một lúc rồi đã hiểu ra “đầu cua tai nheo” của sự việc và khi ông Bác sĩ Mô ra về liền cho tôi tự chọn là “Năm mươi roi” hay nhịn ăn ba ngày! Dĩ nhiên là tôi chọn “Năm mươi roi”! Nhưng, vừa tới roi thứ tám thì “quý nhân phò trợ” của tôi tới: Lan ào tới nhà tôi như cơn lốc và lao tới nắm chặt lấy cây roi trên tay bố tôi mà rằng: “Bác hãy đánh cháu! Mọi chuyện đều do cháu mà ra!”. Dĩ nhiên là bố tôi phải ngừng thi hành án phạt roi đó! Khi bố tôi bực mình bỏ đi rồi, Lan tới bên tôi, vạch quần tôi ra và la lên: “Mới có tám roi mà máu mê đã đầm đìa rồi này!”. Tôi nằm im bất động, mặc cho Lan lấy cồn bôi vào những chỗ rớm máu khiến cho tôi xót điếng người! Song, tôi đã quen với chuyện bôi cồn vào vết thương như thế này từ bé nên chỉ một lúc sau là thấy mát rượi, mọi đau xót đều tan biến!
*
Không hiểu sao, tôi còn phải trực tiếp độc lập xử lý nhiều ca bệnh nữa ở phòng mạch của bố tôi và điều đáng chú ý là lần nào cũng có mặt Lan. Ca bệnh nào cũng có vẻ “thập tử nhất sinh” vì chủ yếu là do người nhà không phát hiện bệnh sớm và đưa đi cứu chữa kịp thời. Nhưng cũng có những ca bệnh mà Thần Y cũng phải lắc đầu lè lưỡi! Đó là lần tôi và Lan phải cấp cứu một ca chết đuối dưới sông Tô Lịch(***), đoạn chảy qua khu Ô Đống Mác.
 Hôm đó, tôi vừa tới cái cầu tre nhỏ (“mặt cầu” chỉ được ghép bằng hai cây tre) bắc qua sông Tô Lịch thì thấy dưới sông có tiếng bì bõm như là có người vừa rơi xuống! Tôi thấy nhấp nhô một cái đầu và theo bản năng kêu lớn: “Có người chết đuối!”. Vừa dứt tiếng kêu thì tôi thấy Lan vác một cái câu liêm thương (một thứ thường được dùng để cứu hỏa lúc đó) chạy tới và nói to: “Kêu cái gì nữa! Đón lấy cái câu liêm thương này và móc nó lên, kéo vào bờ!”. Nghe Lan nói vậy, tôi thoáng nghĩ cô bạn của tôi thật nhanh trí, bởi trong tình huống này không thể nhảy xuống cái dòng sông đen sì và đầy rác rưởi, hôi thối như thế! Tôi liền nhận cái câu liêm thương từ tay Lan và nhanh chóng móc được vào áo của nạn nhân và kéo rê vào bờ! Khi nạn nhân kia vào tới bờ thì vẫn còn đứng lên được và tôi nhận ra đó là ông Quýnh, bố của thằng Quáng học cùng lớp ba với tôi và Lan ở trường Lương Yên. Thật hú vía là ông Quýnh chưa bị sặc nước thối của sông Tô Lịch, và nếu bị sặc thì tôi không biết xử lý ra sao! Tôi vội chạy đi xách tới cho ông Quýnh một xô nước sạch và dội lên đầu cho ông, đề phòng có con côn trùng gì đó chui vào tai, mũi, miệng! Xong tôi nói: “Bây giờ ông phải tự chạy ra sông Hồng mà tắm rửa thì mới sạch được!”. Ông Quýnh có vẻ hiểu ngay ý tôi và chạy vút đi!
Từ đó trở đi, cứ mỗi khi nghĩ đến ba chữ “Sông Tô Lịch” tôi lại nghĩ: Không biết đã có bao nhiêu người rơi xuống dòng sông đen sì và hôi thối đó!
*
Lan có tên đầy đủ là Nguyễn Thị Bội Lan. Nghe Lan nói trước khi giải phóng Thủ đô, gia đình cô khá giàu và hầu như đều đi làm việc ở công sở của Pháp. Chỉ có mẹ Lan, đang học dở trường
Sư phạm thì lại mê muội yêu một anh chàng sinh viên nghèo ở vùng Ô Đống Mác này và nhất quyết đi theo tiếng gọi của trái tim, bỏ nội thành ra khu ngoại ô lao động nghèo này làm cô giáo. Hiện cả bố và mẹ Lan đều đang dạy học ở trường Lương Yên.
Từ ngày tôi trực tiếp xử lý hai ca bệnh hiểm hóc đó, tuy bố tôi có đánh tôi vì tội làm không đúng chức trách, không đúng phận sự nhưng ông có ý khen tôi có “năng khiếu chữa bệnh” và giao cho tôi làm nhiều việc quan trọng ở phòng khám bệnh. Vì thế chuyện sau này tôi sẽ vào học trường Đại học Y Khoa cứ như là lẽ đương nhiên. Vì thế, khi thấy tôi có giấy báo vào Khoa Toán trường Đại học Tổng hợp, bố tôi đã xé vụn tờ giấy báo đó và đưa tôi đến ngay trường Đại học Y Khoa, giao tận tay cho ông Hiệu trưởng trường Đại học Y Khoa. Song, khi bố tôi về Hải Phòng rồi (lúc đó gia đình tôi đang ở Hải Phòng), tôi liền tới gặp ông Hiệu trưởng trường Đại học Y Khoa mà nói: “Thực tình cháu không thích học nghề Y mà đã quyết theo đuổi Toán học từ lâu. Vậy cháu xin lỗi bác và nhờ bác nói lại với bố cháu rằng bên trường Đại học Tổng hợp họ không chịu ký vào đơn xin chuyển trường (Tôi muốn xin chuyển sang trường Y thì phải viết đơn xin chuyển trường và được Hiệu trưởng trường ĐHTH ký đồng ý, sau đó phải lên Bộ Đại học xin một chữ ký nữa thì mới có thể được vào học ở trường Y). Ông Hiệu trưởng Trường Y rất vui vẻ chúc tôi thành nhà Toán học. Tôi vừa ra khỏi phòng Ông Hiệu Trưởng thì thật bất ngờ khi gặp Bội Lan đang cò kéo gì đó với người mẹ. Thì ra mẹ Bội Lan bắt cô dẫn tới gặp ông Hiệu trưởng Trường Y để xin chuyển về trường ĐH Sư Phạm. Thì ra Bội Lan đã giấu mẹ ghi nguyện vọng vào trường Y mà không nghe theo mẹ là ghi nguyện vọng vào ĐH Sư phạm.
Sau khi biết chuyện của tôi, hai mẹ con Bội Lan cùng nói: “Hãy cứ để cho bàn tay của tạo hóa sắp xếp! Ta chỉ cần thực hiện cho tốt!”./.
Sài Gòn, tháng 7-2010
 (*) Ô Đống Mác: Ô Đống Mác ở cuối phố Lò Đúc, về phía Lương Yên, gần giáp sông Hồng... ở vào phía đông nam Hà Nội. Cửa ô này còn tên là Thanh Lãng, vào nửa cuối thế kỷ thứ 19, lại đổi là cửa ô Lãng Yên... Xa hơn nữa, thời chúa Trịnh Sâm, (thế kỷ 18) có tên là ô Ông Mạc. Sang thế kỷ 20, dân quen gọi là ô Đống Mác.
Từ cửa ô này, còn có một nơi, quân nhà Trịnh phò vua Lê xưa, đã bắc cầu qua sông, tiến đánh nhà Mạc, được gọi là bến Ông Mạc. “Đại Việt sử ký toàn thư”, (NXB Văn hóa thông tin, 2004) chép: “Tháng 11, đại xá, đổi niên hiệu, lấy năm ấy là Hoàng Định năm thứ nhất (Lê Kính Tông) - làm cầu phao qua sông Cái ở bến Ông Mạc (trang 760, tập 2).
Đất Ông Mạc, bao gồm mấy làng Lương Yên - Lãng Yên xưa, (đất phố Lê Quý Đôn và Lương Yên ngày nay). Nơi đây là một gò đất cao. Bia chùa Thanh Nhàn dựng năm 1767 (Cảnh Hưng thứ 28) có đoạn ghi: Chùa tọa lạc ở Kinh đô, xứ đồng Ông Mạc có một gò đất từ xưa vẫn coi là một ngọn núi...”.
Quần thư tham khảo của Phạm Đình Hổ, có một dòng nói về từ Ông Mạc như sau: “Ông (tức Mạc Đĩnh Chi?- Đ.N.T) làm quan trong triều, nhà riêng ở Nam Xá , thành Đại La, tục gọi là Dinh Ông Mạc”.
Bởi có dinh quan Trạng Nguyên nổi tiếng đời Trần là Mạc Đĩnh Chi nên đồng đất và cửa ô ở đây gọi là ô Ông Mạc chăng? Đó cũng chỉ là lời phỏng đoán...
Cái tên Ông Mạc là xuất xứ từ bến Ông Mạc để tiến đánh Nhà Mạc hay là do có Dinh Ông Mạc, tức Mạc Đĩnh Chi vẫn còn là nghi vấn, có nhiều ý khác nhau?
Nhà nghiên cứu Hoàng Đạo Thúy trong cuốn “Người và cảnh Hà Nội”, cho rằng: “Đường dọc thứ hai của vùng này là phố Lò Đúc, đi từ phố Phan Chu Trinh đến cửa ô Đống Mác. Xưa kia phố này có nhiều lò đúc đồng, sau chuyển lên Ngũ Xá. Người ta kể là tên Đống Mác từ tên là Mạc Đĩnh Chi mà ra, vì Ông Mạc có nhà riêng ở đây!”
Dân gian còn cho tên ô Đống Mác là do từ thời quân Tây Sơn kéo ra Bắc, tiến đánh cửa ô này, giáo mác vứt lại thành đống. Từ đó, nơi đây có tên là ô Đống Mác.
Cửa ô Đống Mác đã mất hết hình tích cũ. Giờ qua đấy chỉ thấy phố, nhà mới san sát, đã thuộc đất nội thành quận Hai Bà Trưng…
(**) Lương Yên nguyên là tên một thôn mới đặt từ khoảng giữa thế kỷ XIX. Trước đó thì Lương Yên là 2 thôn: Lương Xá và Yên Xá. Thôn Yên Xá là khu vực các phố Nguyễn Huy Tự, Lê Quý Đôn, Lương Yên ngày nay, thôn Lương Xá là làng Lương Yên ngày nay, vẫn còn nguyên vẹn, ở cuối phố Lò Đúc. Trong thôn có ngôi đình xây từ năm 1849 thờ một nữ thần gọi là Vua Bà. Phố chạy trên đất thôn Lương Yên cũ từ đường Trần Khánh Dư đến đường Trần Khát Chân. Thời Pháp thuộc, đây là đường 159 (voie 159). Thuở đó toàn nhà lá lụp xụp tối tăm. Sau năm 1954 có nhà máy cơ khí Lương Yên ở đầu phố chuyên sản xuất các loại máy công cụ phục vụ nông công nghiệp, y tế và hàng tiêu dùng.

(***) Sông Tô Lịch: Sông Tô Lịch chảy trong địa phận Hà Nội. Dòng chính sông Tô Lịch khi chảy qua các quận huyện: Thanh Xuân, Hoàng Mai và  Thanh Trì còn được gọi là Kim Giang.
Tô Lịch vốn là một phân lưu của sông Hồng, đưa nước từ sông Hồng sang  sông Nhuệ.
Đoạn sông từ phố Cầu Gỗ đến đường Bưởi, nay đã bị lấp, chỉ còn lại một vài dấu tích như ở Thụy Khuê. Và do đó, Tô Lịch không còn thông với sông Hồng nữa. Dòng chảy của đoạn sông đã bị lấp này theo lộ trình sau: từ Cầu Gỗ ngược lên (cống chéo) Hàng Lược, men theo đường Phan Đình Phùng (phía ngoài mặt bắc thành Hà Nội), rồi chảy dọc theo hai phố Thụy Khuê và Hoàng Hoa Thám ngày nay ra đến đường Bưởi (gặp đoạn sông Tô Lịch ngày nay).
Sông Tô Lịch ngày nay bắt đầu từ cầu Giấy, chảy cùng hướng với đường Láng và đường Kim Giang về phía Nam tới sông Nhuệ.
Sông Tô Lịch là một sông cổ của Thăng Long xưa. Ngày trước, hai bên bờ sông buôn bán tấp nập. Từ khi bị lấp, sông chỉ là một dòng thoát nước thải của thành phố, bị ô nhiễm nặng. Từ cuối những năm 1990, Tô Lịch bắt đầu được nạo vét đáy sông, kè bờ, để làm sạch và chống lấn chiếm./.

Đỗ Ngọc Thạch
nguồn: vanchuongviet.org
Ô Chợ Dừa
Phải đến năm 1980 tôi mới chính thức trở thành cư dân của Ô Chợ Dừa, tức là lúc tôi từ Viện Văn học ở phố Lê Thái Tổ (gần Hồ Hoàn Kiếm – tức Trung tâm Thủ đô) chuyển về cơ quan Tạp chí Nghiên cứu Nghệ thuật, nằm bên đường Đê La Thành thuộc địa phận phường Ô Chợ Dừa. Nói đến các cửa ô ở Hà Nội là nói đến vùng ngoại vi của Thành Thăng Long xưa, chứ bây giờ tất cả các cửa ô của Hà Nội đều đã trở thành Trung tâm sầm uất, đô hội của Thủ đô chứ không còn một chút gì gợi nhớ vùng ngoại vi, vùng ven đô nữa! Tuy nhiên, sự chuyển chỗ làm (và cũng có nghĩa là chỗ ở vì tôi làm ở đâu là ở luôn đó, nằm lên bàn làm việc luôn), của tôi từ khu Trung tâm Bờ Hồ ra vùng cửa Ô Chợ Dừa vẫn bị gia đình, bạn bè cho là dại dột, giống như bỏ chỗ sáng ra chỗ tối! Song, tôi lại nghĩ đó là duyên phận, tức số phận tôi đã gắn bó với Ô Chợ Dừa lầm bụi từ kiếp trước!
 
Thực ra từ năm 1970, lúc tôi ra quân, trở về tiếp tục học lại tại Khoa Toán Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, thì gia đình tôi đã chuyển từ Hải Phòng về Hà Nội được hai năm và ở trong khu tập thể Bộ Y tế trên đường Giảng Võ. Thời gian đầu, tôi ở ngoại trú, hàng ngày đạp xe từ Giảng Võ tới Khoa Toán ở Khu Thượng Đình (đối diện khu Nhà máy Cao – Xà – Lá) cho nên ít nhất là mỗi ngày tôi đã đi qua Ngã năm Ô Chợ Dừa hai lần! Con đường từ Giảng Võ – đê La Thành – Ngã năm Ô Chợ Dừa – Hàng Bột – Ngã Tư Sở - Bến xe điện Cao-Xà-Lá – Khu Thượng Đình đã trở thành quen thuộc đối với tôi, như mạch máu trong cơ thể. Thêm nữa, tôi có người bạn học cùng lớp Khoa Toán lúc ấy, tên là Vũ, có nhà ở ngay chỗ chuyển tiếp từ đường Đê La Thành qua Hàng Bột nên tôi thường vào đây chơi và vì thế, có thể nói cửa ô Ô Chợ Dừa đã rất thân thuộc đối với tôi từ năm 1970. Ở ngay cạnh nhà bạn Vũ, có Bưu Điện Ô Chợ Dừa, là nơi tôi thường xuyên tới mua báo, gửi thư và nhận Bưu kiện, thư bảo đảm…Chợ của Ô Chợ Dừa khá đặc biệt: toàn bộ khu chợ thấp hơn mặt đường đê La Thành khoảng năm mét, cho nên muốn xuống chợ phải tụt dốc khá nguy hiểm, ai đi không quen có thể sẽ té ngã vài lần! Có lẽ vì khu chợ khá đặc biệt như vậy cho nên tên của chợ được lấy làm tên cửa ô?
 
*
Nếu lần giở các tài liệu thư tịch cũ, ta sẽ thấy Ô Chợ Dừa thường được nhắc tới trong “Top 5 cửa ô” còn sót lại của 16 cửa ô (có nơi nói 21?) của thành Thăng Long xưa: Ô Quan Chưởng, Ô Cầu Giấy, Ô Chợ Dừa, Ô Đông Mác, Ô Cầu Dền. Và trong 5 cửa ô còn sót lại trong ký ức của người dân Hà Nội thì chỉ có Ô Quan Chưởng là còn gần như nguyên vẹn kiến trúc cửa ô ban đầu, trong khi bốn cửa ô kia chỉ còn cái tên mà thôi! Song, việc chỉ còn lại cái tên mới gợi nhiều suy nghĩ, nhất là đối với những người có nhiều trí tưởng tượng. Chẳng hạn như có một nhà thơ người Hà Nội, tên là Thi Hào Nam, có một dạo, cứ vào khoảng nửa đêm giờ Tý lại đến nhà tôi (lúc đó tôi đang ở trong cơ quan Tạp chí Nghiên cứu Nghệ thuật), rủ tôi ra ngã Năm Ô Chợ Dừa uống rượu rồi cứ đi tìm vị trí đích thực của cửa ô ngày xưa ở đâu? Mỗi lần đứng ở một vị trí mà ông cho rằng đó chính là vị trí của cửa ô ngày xưa, ông lại đọc câu thơ như là bùa chú: “ Nếu đây là nơi cửa ô ngàn xưa / Thì ta xin hóa thành con ngựa đá / Nếu đây là nơi em đứng mộng mơ / Thì ta xin hóa thành xanh thảm cỏ !”. Tôi thường nói: “Những cái gì nó đã qua đi, không thích ở lại, thì cho nó qua! Chẳng nên gượng ép làm gì uổng công!”. Nhà thơ như là nổi giận, nói: “Không được! Nó trôi qua không có nghĩa là nó không thích ở lại! Nhiệm vụ của những thế hệ sau là phục dựng lại những cái đã trôi qua và muốn biến mất của quá khứ!”. Lúc đó, tôi cho rằng nhà thơ này gàn dở nên chẳng bao giờ tranh luận dài dòng. Mặc cho ông ta đi xác định vị trí đích thực của cửa ô ngày xưa, tôi ngồi uống hết chai rượu! Và thật kỳ lạ, lần nào cũng vậy, cứ gần hết ly rượu cuối cùng là tôi lại mơ màng ngủ gà ngủ gật và thấy ngay chỗ tôi ngồi hiện lên một cái cửa ô rất cao lớn, uy nghi đường bệ và thấy rất đông văn nhân sĩ tử nối nhau đi qua cửa ô, đi thẳng đến Văn Miếu – Quốc Tử Giám!
 
Nhà thơ người Hà Nội có tên là chính Làng quê mình mà tôi vừa nói tới ở ngay trong Làng Hào Nam, tức từ trên đê La Thành, đổ dốc qua khu vực cơ quan Tạp chí của tôi (cùng một vị trí này là bốn viện nghiên cứu thuộc Bộ Văn hóa : Viện Văn hóa, Viện Mỹ Thuật, Viện Sân khấu, Viện Âm nhạc) là địa phận làng Hào Nam. Nhà thơ của tôi có thể là một “Nhà Hà Nội học” ngang ngửa với không ít những “Nhà Hà Nội học” nhưng có vẻ như là một “Nhà Hào Nam học” số một. Ông có thể nói vanh vách về Làng Hào Nam của mình từ thuở sơ khai đến nay và có thể nói trúng không sai một chữ rằng đã có những tài liệu nào, cuốn sách nào nói về làng Hào Nam của ông. Khi có ai muốn hỏi ông điều gì đó về Làng Hào Nam thì trước tiên là nghe ông nói chậm rãi, thong thả như cha cố giảng đạo, như sư thầy đọc kinh những nội dung sau:
 
Đình và đền ở Làng Hào Nam (Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội) là một trong những cụm di tích lịch sử văn hóa rất độc đáo và có nhiều giá trị văn hóa hiếm có hiện còn trên địa bàn Hà Nội.

Đình là một trong 13 nơi thờ Thánh Linh lang Đại vương, còn đền là nơi thờ Vạn ngọc Thuỷ tinh công chúa. Đã thành thông lệ, từ ngày mùng 10 đến 13 tháng Hai Âm lịch hàng năm, người dân nơi đây lại tổ chức lễ hội nhằm tưởng nhớ công lao của các đấng linh thiêng.


Theo sử sách đã ghi, Linh Lang Đại vương sinh năm 1030, là con của vua Lý Thái Tông, năm 1077 ông hy sinh khi cùng Lý Thường Kiệt sau khi đánh tan quân Tống trên sông Như Nguyệt. Trước khi mất, ông nói với vua cha: “Ta là con thần Rồng nước lên giúp vua đánh giặc giữ nước, xong công việc rồi phải trở về cùng Rồng nước”. S au đó, ông được phong là Linh Lang Đại vương thượng đẳng tối linh thần. Vua Lý Thái Tông sai lập đền, miếu thờ ông ở các nơi như: Trại Thủ Lệ ngay chỗ cung bà mẹ ở; Làng Bồng Lai quê hương bà mẹ và các làng Đại Quan, Hào Nam là những nơi ông đã trú quân. Đền Hào Nam thờ bà Thủy Tinh công chúa, tức công chúa phù Thái úy Lý Thường Kiệt đánh giặc Tống trên sông Như Nguyệt.


Đình – đền Hào Nam là một trong những cụm di tích cổ ở Hà Nội thuộc diện “Tối Linh Từ”. Bao năm nay người dân nơi đây ý thức rất rõ về công lao của các anh hùng có công với đất nước nên không ngừng giữ gìn, tôn tạo, tu bổ công trình. Theo lưu truyền trong dân gian, năm nào cũng vậy, mỗi khi Hào Nam tổ chức lễ hội, rước kiệu lên Thủ Lệ (nơi chính thờ Linh Lang) thì đều có hiện tượng “kiệu bay”, người dân thường nhắc nhau câu thơ: “ Dân Hào Nam niềm vui khôn xiết / Khách thập phương dâng lễ rất đông / Dân ta con cháu Lạc Hồng / Hào Nam - Thủ Lệ lạ lùng kiệu bay ”.


Đình - đền Hào Nam có kiến trúc độc đáo với kiểu dáng và họa tiết cũng như bài trí theo cách truyền thống xưa. Đình được thiết kế theo hình chữ Đinh, đền thì hình chữ Tam. Toàn bộ đều được chạm bọng, chạm lộng, tinh tế. Hai đầu của đình có rồng vờn mây. Nhất là trên hai cột đồng trụ nghi môn có thượng cầm hạ thú, dưới cột thay hình Long, Lân, Quy, Phượng của ngôi đình khác, ở đây chỉ có duy nhất chữ “Linh”. Điều này phần nào đã nói rõ tất cả sự linh thiêng cũng như khác biệt của đình Hào Nam . Ngoài ra, ở hai bên đầu hồi đình, cạnh cột đồng trụ có gắn bức phù điêu cá chép hóa rồng. Bởi Hào Nam là vùng trũng, nhiều tôm cá, đây cũng là một nét văn hóa vật thể làm nên cái riêng, cái đặc sắc của Hào Nam . Nằm ngay bên cạnh là năm gian tiền bái và hai bên tả vu, hữu vu của ngôi đền, bên trong mọi họa tiết vẫn được giữ nguyên như thuở ban đầu. Đặc biệt là hình của hai ông Nghê, toát ra vẻ mặt thiêng liêng và đầy nghiêm khắc của người kiểm soát linh hồn kẻ hành hương. Nơi đây vẫn giữ được một không gian văn hóa cổ kính và linh thiêng với hàng chục cây cổ thụ trăm năm tuổi, những văn chỉ thờ đức Khổng Tử cũng như nơi thờ thầy đồ Vũ Thạch đã có công mở trường dạy học cho người Hào Nam…


Tự hào về truyền thống lâu đời của mình, cứ vào ngày 10 tháng 2 âm lịch hàng năm, chính quyền và nhân dân Hào Nam làm lễ rước kiệu Đức thánh Linh Lang Đại vương về miếu thờ mẹ ông ở Thủ Lệ và đến ngày 13 tháng 2 âm lịch lại võng lọng rước về đình - đền Hào Nam, tưởng nhớ truyền thống anh hùng dựng nước và giữ nước của cha ông ta và lịch sử hiển hách, ngàn năm văn hiến”.

 
*
Nếu tính từ năm 1970, tức là thời gian tôi mới “làm quen” với Ô Chợ Dừa, đến năm 1980, là năm tôi đã trở thành cư dân chính thức của Ô Chợ Dừa, nhập hộ khẩu vào Ô Chợ Dừa, thì là cả một thời gian dài 10 năm. Vậy mà lạ lùng thay, ngày đầu tiên “dọn nhà” về Ô Chợ Dừa, tôi vẫn có cảm giác như đến một vùng đất hoàn toàn mới. Bằng chứng là buổi tối đầu tiên về ở Ô Chợ Dừa, tôi thả bộ đi ra ngã Năm Ô Chợ Dừa, tính ngồi uống vài ly để ngắm nhìn cho thỏa cái nơi sẽ là chỗ mình đi lại hàng ngày, thì có hai thanh niên đang ngồi trước cửa một căn nhà, hướng mặt ra đường, thấy tôi đi gần tới thì đẩy cả hai đôi dép ra trước mặt, trên lề đường (hè đường), chỗ mà tôi sẽ đi qua! Tôi đã quá rành với những trò “khiêu khích”, “gây sự” kiểu này (chỉ cần tôi đi tới, dẫm lên đôi dép đó là chúng sẽ hành hung, hoặc nếu bị vấp ngã thì sẽ thành trò cười cho chúng…), cho nên tôi thực hiện sách lược “tránh voi chẳng xấu mặt nào”, thay vì đi qua chỗ hai thanh niên muốn gây sự, tôi quay lại ba bước, ngồi xuống trước một gánh cháo gà. Khu vực hè đường này từ chập tối cho đến nửa đêm là chỗ bán hàng rong (với nhiều chủng loại như cháo gà, cháo vịt, phở, hột vịt lộn, bánh mỳ, bắp ngô nướng…) khá đông vui và tôi đã tới đây nhiều lần vào nhiều dịp trong suốt 10 năm qua, hàng cháo gà mà tôi vừa ngồi xuống cũng là chỗ quen, do hai mẹ con bán, người mẹ khoảng năm mươi, người con gái khoảng gần hai mươi tuổi. Khi cô gái đưa tôi chén rượu và tôi chưa kịp uống thì hai thanh niên kia bất ngờ ào tới ngồi sát tôi rồi kêu rượu như hảo hán Lương Sơn Bạc! Hai mẹ con người bán hàng nhìn nhau như ngầm trao đổi cách xử lý thì một thanh niên thò tay vào gánh hàng, cầm lấy hai chân con gà luộc định lấy ra thì người con gái nhanh như trong phim võ thuật, dùng đôi đũa điểm huyệt vào cánh tay người thanh niên đang định lấy con gà luộc ra khiến người này tê dại cả cánh tay và van xin rối rít: “Xin tha mạng! Xin tha mạng!”. Người thanh niên còn lại nhanh chóng nhận ra tình thế thì cũng nói líu ríu “Xin lỗi! Xin lỗi!” rồi đứng lên kéo người thanh niên bị điểm huyệt đi về căn nhà ban nãy!
 
Khi đã uống cạn chén rượu, tôi mới hỏi cô gái vừa điểm huyệt thằng thanh niên kia: “Lâu mới gặp lại cô hàng cháo, dạo này có gì mới không?”. Cô gái, tên Hà Thi, mỉm cười rồi nói nhỏ: “Đợi anh hỏi thăm thì em đã sắp đi lấy chồng rồi! Em sắp tốt nghiệp hệ Trung cấp đàn dân tộc của Nhạc viện Hà Nội!”. Tôi ngạc nhiên thật sự vì ngày mới gặp hai mẹ con bán cháo gà ở đây, cô gái còn khoe là vừa thi đỗ vào Khoa nhạc cụ dân tộc của Nhạc viện Hà Nội! Thực ra thì do tôi thỉnh thoảng mới tới ăn cháo gà ở đây và không chú ý tới cô gái đánh đàn tam thập lục này! Có lẽ từ giờ tôi sẽ chú ý tới cô gái bởi Nhạc viện và cơ quan Tạp chí của tôi chỉ cách nhau một con sông nhỏ (là sông Tô Lịch, nhưng nước đã rất đen và hôi thối!) và tôi sẽ ra đây ăn cháo gà thường xuyên hơn! Vì thế, tôi hỏi cô gái: “Vậy em sẽ học tiếp đại học hay đi làm?”. Cô gái ngập ngừng: “Nếu có ai nuôi em thì em sẽ tiếp tục đi học!”. Chút xíu nữa thì tôi đã nói: “Tôi sẽ nuôi em được không?”, song tôi đã kịp thời kìm lại được. Tuy nhiên, không biết cô gái có đoán ra ý nghĩ đó của tôi hay không mà khi múc cháo cho tôi, tôi thấy có vẻ như đó là một tô cháo đặc biệt!
 
Ngày hôm sau, thật là trùng hợp kỳ lạ: khi tôi đang nghĩ cách để qua Nhạc viện chơi (chủ yếu là tìm cô gái bán cháo gà đang học ở lớp Tam thập lục) thì chị Loan, cán bộ biên tập phần Âm nhạc của Tạp chí nói với tôi: “Hôm nay tôi có giờ lên lớp về lịch sử âm nhạc Việt Nam ở Khoa nhạc cụ dân tộc bên Nhạc viện, cậu có thích thì qua nghe?”. Thế là chỉ mười phút sau, tôi đã có mặt bên Nhạc viện và khi vào lớp, vừa nhìn thấy Thi, tôi đã lặng lẽ đi tới và ngồi ngay xuống bên cạnh!
 
*
Khi tôi về ở hẳn Ô Chợ Dừa, có tới ba sự trùng hợp: nhà thơ người Hà Nội Thi Hào Nam (mà tôi quen ở Thư Viện Quốc Gia, từ khi còn là sinh viên Khoa Văn) lại là cậu ruột của cô gái bán cháo gà. Thì ra trước đây, nhà thơ Thi Hào Nam thường dẫn tôi ra uống rượu và ăn cháo gà ở hàng của bà chị ruột mà tôi không để ý và cứ thầm thán phục nhà thơ có “duyên ngầm” là được mẹ con bà cháo gà cho “ký sổ” thoải mái! Sự trùng hợp thứ hai là một ông chiêm tinh gia có hạng ở Hà Nội đã nói với tôi là khi tôi về Ô Chợ Dừa thì sẽ có vợ, có con rồi sẽ có nhà và vợ tôi sẽ là người trong khu vực “xướng ca vô loài”! Cho nên đã không dưới một lần, nhà thơ Thi Hào Nam cứ giục tôi phải cưới cô cháu gái của ông ngay kẻo để lâu ngày lại có kẻ dèm pha! Thực ra thì tôi và cả hai mẹ con Hà Thi đều muốn tiến hành lễ cưới ngay nhưng bạn bè ai cũng ngăn cản và nói: “Chờ thi Nghiên cứu sinh xong mới nên tính chuyện vợ con!”, vì đối với dạng cán bộ nghiên cứu “nghèo hèn” như tôi thì chỉ có đi nghiên cứu sinh nước ngoài mới có thể “đổi đời” – tức sẽ cải thiện cơ bản cuộc sống gia đình về sau! Mà việc thi nghiên cứu sinh thời kỳ này không khác gì xếp hàng mua gạo, mua thịt cá: chưa chắc đến lượt và đến lượt chưa chắc còn hàng!
 
Khi phải chờ thời gian phán xét cho một quyết định lớn của cuộc đời thì thời gian đó thật là nặng nề, có thể nhìn thấy, cảm nhận được bánh xe thời gian đang lăn qua từng giây, từng phút và hiểm họa thì luôn rình rập! Và quả nhiên, trong khi tôi phải ngày ngày ngồi nhìn bánh xe Thời gian nó lạnh lùng, tàn nhẫn lăn qua số phận của mình mà không thấy hé mở một tia hy vọng gì thì hiểm họa ập đến thật bất ngờ và nhanh như tia chớp!
 
  Tối hôm đó, như lệ thường, tôi lại ra chỗ “Cửa hàng ăn uống di động” ở ngã năm Ô Chợ Dừa để phụ bán cháo gà cho mẹ con Hà Thi (từ khi quyết tâm cưới Hà Thi thì tôi không còn là khách hàng ăn cháo nữa mà trở thành người phụ bán cháo, bởi tôi nhẩm tính, chỉ cần nhịn uống rượu, ăn cháo gà nửa năm là có thể may được bộ đồ cưới cho cả cô dâu và chú rể!). Vào khoảng gần 23 giờ đêm, đường phố đã thưa thớt người xe thì bỗng có tiếng rú ga mạnh của một chiếc Honda 67 và khi tôi chợt nhận ra chiếc Honda đang lao thẳng vào gánh hàng cháo của mẹ con Hà Thi thì theo phản xạ tự nhiên, tôi đứng dậy tính đẩy “cái vật thể bay” ra khỏi gánh hàng cháo thì tôi thấy có
tiếng gió vút qua tai và chỉ kịp nhìn thấy Hà Thi lao vút cả người như một mũi lao, lao vào chiếc Honda! Kết quả là Hà Thi đã đạp văng cả chiếc Honda và người lái nó ra khỏi gánh hàng tới năm mét nhưng sự va chạm giữa Hà Thi và “vật thể bay” kia quá mạnh khiến Hà Thi bị chấn thương rất nặng!
 
*
Cái chết của Hà Thi khiến cho tôi quá thất vọng về tương lai. Tôi quyết định cạo trọc đầu để quên chuyện lấy vợ đi và tập trung vào việc viết bài vì muốn được thi nghiên cứu sinh, phải có ít nhất ba bài nghiên cứu đăng trên các Tạp chí Chuyên ngành của Trung ương. Tôi viết một lèo đến năm bài nhưng lúc Bộ báo chỉ tiêu về thì chỉ có một, mà lúc đó trong cơ quan Tạp chí của tôi lại có những hai người muốn được chọn. Vậy là tôi nhận được phán quyết của Tổng Biên tập: năm nay nhường cho bạn, để sang năm thì tới lượt! Nhưng người bạn kia thi trượt, sang năm lại đòi đi thi nữa! Không hiểu sao, lúc ấy tôi lại không biết đấu tranh cho quyền lợi của mình mà lại lao vào chuyện…lấy vợ! Thực ra là tôi bị cả người nhà và bạn bè “lôi đi xềnh xệch” hết cuộc coi mặt này đến cuộc coi mặt khác!
 
Sau khi rất nhiều người xúm vào làm mai mối cho tôi mà không thành, tôi những tưởng định mệnh đã đóng cửa đối với tôi cả đường công danh và đường thê tử thì một đêm trăng thanh gió mát, tôi nghe tiếng đàn tam thập lục khi lên bổng khi xuống trầm rồi   Hà Thi xuất hiện trong một tiết mục hòa tấu nhạc cụ dân tộc của Nhạc Viện. Rõ ràng là tôi đang ở trong phòng làm việc của Tạp Chí mà thoắt cái đã như là đang ở trong phòng hòa nhạc của Nhạc Viện và người con gái đang chơi đàn Tam thập lục cùng dàn nhạc dân tộc của Nhạc Viện kia chính là Hà Thi! … Tôi vùng chạy ra khỏi phòng và như người mộng du, đi qua Nhạc viện. Nhưng cánh cổng Nhạc viện đã đóng im ỉm. Theo như sự biết của tôi thì sau 23 giờ, người thường trực khóa cửa và chui vào màn…ngủ, dứt khoát không mở cửa cho bất kỳ ai! Tôi đang loay hoay ở cổng Nhạc viện thì một người bạn, nhà ở trong khu Tập thể của Ủy ban Thống nhất Trung ương, cách Nhạc viện vài chục mét, đi đâu về, thấy tôi thì lôi về nhà! Người bạn này đang dạy tiếng Nga ở trường Đại học Ngoại Ngữ, cùng tuổi với tôi, đã có vợ. Sau khi biết hoàn cảnh của tôi, vợ của người bạn nói: “Đây chính là người chồng của bạn tôi rồi!”.
 
Và quả nhiên việc lấy vợ của tôi đúng như ông chiêm tinh gia báo từ trước, chỉ có điều sau khi Hà Thi chết tới sáu tháng: Đám cưới ở Ô Chợ Dừa và ngay trong phòng làm việc của Tổng Biên tập Tạp chí; có vợ, có con rồi có nhà (khi con tôi được đầy tháng thì cơ quan cho dùng phòng kho làm phòng ở); vợ tôi cũng vẫn là người của khu vực “xướng ca” (là diễn viên của đoàn Văn công Quân Khu 5 thời chống Mỹ, hết chiến tranh thì vào học lớp Kịch nói của Trường Nghệ thuật sân khấu Mai Dịch Hà Nội, học xong thì thất nghiệp cho tới lúc làm mẹ được hai, ba năm!)…
 
Ô Chợ Dừa không phải của riêng ai, nhưng tôi có cảm giác như nó là của mình! Sau này, khi phải đi khỏi Ô Chợ Dừa (vào Tây Nguyên, xuống Sài Gòn), mỗi khi xem báo, tivi… thấy có nói về Ô Chợ Dừa, tôi lại chăm chú lắng nghe, nhìn cho rõ và có cảm giác như mình được trở lại quê hương! Tôi coi Ô Chợ Dừa là quê thứ hai, bởi tôi đã sống tới năm năm (từ 1980 đến 1985) ở đó và đã làm những việc quan trọng như lấy vợ, đẻ con…Con trai tôi được sinh ra tại Ô Chợ Dừa, vậy Ô Chợ Dừa sẽ là quê của nó, đương nhiên. Mặc dù phải nuôi vợ, con trong suốt năm năm của “thời bao cấp” cực kỳ khó khăn, song tôi vẫn không bao giờ tuyệt vọng và thấy cuộc sống của tôi trong cái “Tiểu gia đình” ở Ô Chợ Dừa thật là …nên thơ! Chính vì thế mà đứa con trai được sinh ra ở Ô Chợ Dừa này được đặt tên khai sinh là Đỗ Ngọc Thi Ca!...
 
Các nhạc sĩ không thể quên Ô Chợ Dừa vì ở đó Nhạc viện Quốc gia! Các Họa sĩ không thể quên Ô Chợ Dừa vì ở đó có Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp, các nhà văn không thể quên Ô Chợ Dừa vì ở đó có trường Viết Văn Nguyễn Du (dù bây giờ chỉ là một Khoa trong trường Đại học Văn hóa)! Quả là Ô Chợ Dừa rất xứng đáng để được gọi là mảnh đất Địa Linh Nhân Kiệt , điều này không cần bàn cãi! Riêng tôi, tôi không thể không thường xuyên nhớ về Ô Chợ Dừa vì đã đi khỏi từ năm 1985, nhưng tôi chưa cắt hộ khẩu bởi biết chuyển hộ khẩu về đâu ngoài Ô Chợ Dừa lầm bụi của tôi?./.
 
Sài Gòn, tháng 4-2010 
Đỗ Ngọc Thạch
 
Nguồn: www.vanchuongviet.org


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét