Thứ Sáu, 22 tháng 2, 2013

truyện ngắn Đ.N.T (phongdiep.net) - Trích: Bố và con...




Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch trên phongdiep.net- Trích: Bố và con...; Kỳ nhân...


BỐ VÀ CON VÀ…- Đỗ Ngọc Thạch



BỐ  VÀ CON  VÀ… 
Truyện ngắn của  Đỗ  Ngọc Thạch   
1. 
Ông Hữu Thiết tới tuổi Tam thập nhi lập mới lấy vợ, vợ ông đoản mệnh, đẻ cho ông một thằng con trai thì qua đời. Ông Hữu Thiết cảm thương vợ vô cùng nên đã giữ trọn chữ thủy chung với người vợ đã khuất, sống cảnh gà trống nuôi con bằng đồng lương nhà giáo khổ hạnh gần 30 năm trời…Còn hai tháng nữa là tới ngày sinh nhật người con trai Hữu Trí, tròn 30 tuổi, cũng đã là một nhà giáo gần mười năm, ông Hữu Thiết nghĩ đến chuyện mình lấy vợ cũng vào lúc 30 tuổi,  rồi đến cái chết thương tâm của người vợ, nên ông quyết định bắt con phải lấy vợ ngay, khi chưa tới cái tuổi mà chính ông đã gặp chuyện không may! Như vậy là chỉ còn hai tháng nữa!   

Một người bạn thân của ông Hữu Thiết cố vấn cho ông rằng, muốn cho ông con tránh được cái họa vợ sinh con rồi chết như của ông bố thì phải làm khác đi. Sớm về thời gian như thế là tạm được, nhưng chọn vợ thì phải nhất quyết chọn người có tướng vượng phu ích tử. Tôi có đứa cháu gái bên đằng vợ, tên Lụa, năm nay vừa đến tuổi lấy chồng, gái quê trăm phần trăm, tính nết  thùy mị, chịu khó làm lụng, công việc đồng áng làm rất giỏi nên cơ thể khỏe mạnh, có thể gọi là mắn đẻ. Song điều đặc biệt là cô cháu gái này có cái ngọc đới yêu vi, tức da thịt quanh bụng nổi lên như cái đai, gọi là đai ngọc, đó là quý tướng, ngàn người mới có một! Nếu thi tuyển người mẫu thời trang thì bị loại, nhưng để chọn vợ thì đầu bảng! Tôi sẽ nhờ người mối mai đến hỏi, xin cưới ngay, tôi sẽ có thư riêng cho gia chủ, thế nào cũng xong việc! Tuy nhiên, tôi lâu ngày không gặp cô cháu gái này. Vì thế, chúng ta nên làm một chuyến Vi hành tới quê nhà cô gái cho biết rõ thực hư, cũng là một phen đổi gió chẳng phải nhất cử lưỡng tiện hay sao? Nói rồi hai người làm khách bộ hành ngao du sơn thủy, chẳng mấy chốc đã tới miền sơn cước, quê hương cô cháu gái. 

Hai người bạn già, ông Hữu Thiết và người bạn - , đi qua một vùng đồi núi sơn thủy hữu tình, cảnh đẹp như tranh thủy mặc thì gặp một con suối chắn ngang, nước chảy róc rách như một bản nhạc vô tận. Ông bạn Hữu Thiết nói: “Suối này có tên là Thanh Khê, có nghĩa là con suối trong xanh, thanh bình, rất hợp với khí chất thanh cao của cha con nhà ông. Như thế là hợp cách rồi, cứ thong thả mà chờ tin vui! Giờ ta xuống suối tắm cho mát, để tận hưởng hết vẻ đẹp của sơn khê!”. Nói rồi hai người trút bỏ hết y phục bụi đường, nhảy xuống suối bơi lội tung tăng như trẻ nhỏ!...

Hai người vừa lặn ngụp đùa rỡn nhau một hồi thì thấm mệt, đang đứng vừa nghỉ vừa kỳ cọ thì có một cô gái vừa hát xuống suối, chỉ cách chỗ hai người tắm hơn chục mét. Hai người vội đứng nép vào sau một tảng đá cuội lớn. Cô gái tới bờ suối thì trút bỏ hết xiêm y, lộ ra một thân hình có một không hai: Chiều cao hơn l mét 60, thân hình đậm đà trắng hồng khiến hai người bạn già như lạc vào chốn bồng lai tầng tầng mây trắng. Rồi khi được mục kích đôi nhũ hoa căng tròn có núm đỏ màu chu sa và cái đai ngọc quấn quanh lườn như con bạch xà thì cả hai người bạn cùng thốt lên: “Ngọc đới yêu vi!”…Cô gái như là có cảm giác bị nhìn trộm thì khoát nước kỳ cọ thật nhanh rồi biến mất! 

Khi đã nai nịt gọn gàng, ông bạn Hữu Thiết nói: “Như vậy cô gái vừa tắm suối ban nãy đích thị là cô cháu gái “Ngọc đới yêu vi” tên Lụa. Như thế thì ta phải tiến hành ngay, “Cưới vợ phải cưới liền tay / Chớ để lâu ngày có kẻ tranh ăn”! Chúng ta không cần tới nhà cô cháu gái tôi nữa mà chúng ta nên quay về ngay, tôi sẽ đi tìm người mai mối, lo các khâu thủ tục, nghi thức, ông về nhà lo sửa soạn chiến trường!”. 

 Ông Hữu Thiết nghe nói vậy thì mừng lắm, giao hết mọi việc cho ông bạn sắp xếp, ông chỉ lo thuyết phục con trai Hữu Trí và chuẩn bị mọi thứ cần thiết cho đám cưới. 

Người con trai ông Hữu Thiết, tức Hữu Trí, là người con hiếu thảo, sống chuẩn mực nên bố nói là ưng thuận ngay. Vả lại, từ ngày tốt nghiệp Đại học Sư Phạm, Hữu Trí lại được phân về dạy cùng trường với bố, mải mê với công việc, rồi lại thi lên Cao học, lấy được cái Thạc sĩ, cho nên có lúc nào rảnh tay mà yêu đương, với lại hình như Thần Ái tình chẳng phí hoài Mũi Tên Vàng mà bắn vào những người Mô phạm như Hữu Trí! 

Hai bố con ông Hữu Thiết mất hai ngày để Tổng vệ sinh căn hộ (Trong Khu tập thể của nhà trường) và trang trí căn buồng cho đêm Tân hôn. Mọi việc có khó đến mấy rồi cũng xong, tất cả đã sẵn sàng, chỉ chờ đến giờ G… 

Đúng lúc đi đón dâu, nói chính xác là trước lúc khởi hành đi đón dâu chỉ năm phút thì cô giáo Tiểu Lan, cùng Tổ bộ môn Môn Sinh với Hữu Trí, được xếp vào đội hình chính thức của đoàn nhà Trai đi đón dâu, đột ngột đau bụng dữ dội. Là giáo viên môn Sinh vật, lại là người ham hiểu biết, thích mở rộng kiến thức nên Hữu Trí chẩn đoán chính xác cô giáo Tiểu Lan bị đau ruột thừa, cần phải đưa đi bệnh viện mổ cấp cứu. Thế là hai chiếc ô-tô trong đoàn nhà trai đi đón dâu, chỉ có một chiếc đi đón dâu, do ông bố Hữu Thiết chỉ huy, còn một chiếc chở cô giáo Tiểu Lan đến Bệnh viện, do ông con, tức chú rể chỉ huy!  

Ông bạn của ông Hữu Thiết, ngồi trong xe đi đón dâu, xem giờ rồi bấm độn, lẩm nhẩm tính toán một hồi rồi nói: “Tiên sư anh Tào Tháo! Bố của con cháu gái tôi, lấy tên hiệu là Tào Tháo để hành nghề Bói toán, có nói là cái số cô cháu gái tôi phải lấy chồng già, nhưng tôi không tin và đòi cho cưới ngay! Ai ngờ cái anh Tào Tháo này nói đúng, giờ thì tôi tin rồi!”. Ông Hữu Thiết tròn mắt, chưa hiểu sao, hỏi lại: “Ông nói vậy là sao? Cháu gái ông không chịu cưới con trai tôi nữa hả? Thế là sao? Phải hủy đám cưới này à?” Ông bạn ông Hữu Thiết tủm tỉm cười rồi nói: “Chẳng phải hủy bỏ cái gì cả, chỉ có điều ông Tạo Hóa thay đổi chút xíu: Chú rể sẽ là ông Hữu Thiết chứ không phải ông con Hữu Trí! Còn ông con Hữu Trí vẫn cưới nhưng là lùi lại khoảng hai tháng nữa!” Ông Hữu Thiết  chưa kịp phản ứng gì thì xe đón dâu đã tới cổng nhà cô dâu, nhà gái đốt một băng pháo lớn, bất chấp lệnh cấm đốt pháo đã ban bố từ lâu!... 
2. 
Tới giờ động phòng rồi mà ông Hữu Thiết vẫn chưa tin đó là sự thật. Ông muốn vào động phòng ngay, nhưng ông lại nghĩ: “Việc thay đổi vị trí chú rể này Hữu Trí, tức chú rể dự kiến từ đầu, vẫn chưa biết. Nó làm gì ở Bệnh viện mà vẫn chưa chịu về? Đưa bệnh nhân tới Bệnh viện, giao cho Bác sĩ là về được rồi chứ? Hay là nó ở lại Bệnh viện với cái cô giáo Tiểu Lan đó cho tới khi mổ xong? Bây giờ ông mới từ từ nhớ lại thì thấy rõ ràng là cái cô giáo Tiểu Lan rất có cảm tình với thằng Hữu Trí, từ rất lâu chứ không phải mới đây. Chắc là thằng Hữu Trí “gỗ đá” quá cho nên không nhận ra tình cảm đặc biệt mà cô gái Tiểu Lan đã giành cho nó. Nếu điều đó là sự thật thì việc ông nghe lời người bạn cố vấn thay thế vị trí chú rể của Hữu Trí là hoàn toàn hợp lý!...  

Nghĩ đến hai chữ “hợp lý” ông vững tâm bước vào buồng Tân hôn. Cô dâu vẫn đang ngồi yên trên mép giường chờ chú rể vào động phòng, y hệt như trong phim!...Nhớ lời dặn của ông bạn cố vấn, phải bình tĩnh, thong thả như người ăn bánh rợmbánh gai chứ không vội vã như người ăn bánh đúc, ông Hữu Thiết chờ cho đến khi nhìn lại thật rõ cái “Ngọc đới yêu vi” mới hành sự!... 

Tám giờ sáng hôm sau, ông Hữu Thiết mới bừng tỉnh khi ánh nắng rực rỡ đã tràn ngập căn phòng hạnh phúc. Cô dâu đã dậy từ bao giờ, đã dọn dẹp căn phòng hạnh phúc đâu ra đấy, để sẵn cho ông chậu nước nóng để ông rửa mặt khi ngủ dậy…. 
Ông Hữu Thiết ăn sáng xong, đang ngồi uống trà thì ông con Hữu Trí mới từ Bệnh viện trở về. Thì ra đêm qua, khi đám cưới tàn, ông bạn cố vấn của ông Hữu Thiết đã đến Bệnh viện gặp Hữu Trí và thông báo diễn tiến của đám cưới. Nghe xong, Hữu Trí không những không ngạc nhiên mà còn nắm chặt tay ông cố vấn, nói giọng rất cảm động: “Cháu biết ơn chú vô cùng! Nếu không giải quyết tình thế như cách của chú thì làm sao bố cháu có vợ? Nói thật với chú, điều cháu quan tâm, lo lắng nhiều nhất bao nhiêu năm qua là làm sao lấy được vợ cho bố cháu! Bởi vì sự ra đời của cháu làm cho mẹ cháu chết thì cũng như là cháu đã giết mẹ!... Cháu đã liều mạng làm mối cho bố cháu tới ba lần mà đều không được vì cứ chuẩn bị làm đám cưới thì cái “Bà dì ghẻ” tương lai ấy cứ “tấn công” cháu tối tăm mặt mũi! Lần này thế là ổn rồi!” Ông bạn cố vấn của ông Hữu Thiết lại hỏi: “Có câu này chú phải hỏi ngay, có phải cháu và cô giáo Tiểu Lan đã yêu nhau, đã thề nguyền hẹn ước?”. Hữu Trí nói: “Không những thế mà chúng cháu dự định sẽ cưới nhau, nhưng chưa kịp nói với bố cháu thì bố lại có kế hoạch lấy vợ cho cháu. Cháu nghĩ Ông Tơ Bà Nguyệt đã sắp đặt từ lâu rồi nên không nói gì vội, cứ để xem sao, ai ngờ đúng như thế. Khoảng hai tháng nữa cháu và Tiểu Lan sẽ cưới!” …Vì thế, khi về nhà, sau khi chúc mừng Bố có vợ xong, Hữu Trí liền nói với bố về dự tính của mình với cô giáo Tiểu Lan.  

Nghe ông con nói sẽ cưới Tiểu Lan vào đúng ngày sinh nhật 30 tuổi, ông Hữu Thiết lặng người không nói được gì? Chẳng lẽ lại có sự lặp lại tai họa ở đời con? 

3.  
Sau hai tháng đám cưới của ông Hữu Thiết với cô Lụa, đúng như dự định của Hữu Trí và cô giáo Tiểu Lan, đám cưới của hai người được cử hành rất náo nhiệt. Lâu lắm mới có đám cưới của thầy giáo và cô giáo cùng trường nên khi có đám cưới của thầy giáo Hữu Trí và cô giáo Tiểu Lan, hầu như học sinh cả trường đã tới chúc mừng, có khá đông cả các phụ huynh học sinh lớp hai thầy và cô làm chủ nhiệm cũng tới. Từ tiệc mặn đã phải chuyển sang tiệc ngọt, rồi tiệc ngọt chuyển thành Vũ hội… 

Sau đám cưới đúng chín tháng mười ngày, vợ ông Hữu Thiết, tức cô Lụa đã đẻ cho chồng hai đứa con sinh đôi, một nam một nữ, rất kháu khỉnh. Tới khi đầy tháng hai đứa bé sinh đôi, Hữu Trí mới nói với bố: “Cứ như là sự lặp lại của số mệnh, con cũng cưới vợ lúc Tam thập nhi lập như bố. Nhưng con không muốn có cái kết cục của vợ con như của mẹ con, vì thế, chúng con quyết định chưa sinh con vội, chưa biết đến bao giờ mới nên sinh con. Vì thế, vợ chồng con muốn xin một trong hai người con sinh đôi của bố làm con nuôi, rồi tính tiếp. Như thế hi vọng sẽ hóa giải được cái tai họa nghiệt ngã kia!”. Ông Hữu Thiết nghe thấy cũng có lý, liền đồng ý ngay, song ông vẫn thấy chưa ổn. Ông nói với Hữu Trí: “Bố sẽ cho vợ chồng con đứa bé gái làm con nuôi. Nhưng nó đang là em con giờ lại gọi nó là con con, liệu có được không?”. Hữu Trí liền nói: “Con nghĩ rằng danh phận của mỗi con người chỉ là quy ước, có thể thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh mới. Chẳng hạn như cô Lụa, khi còn ở nhà cô ấy thì ta gọi là cô thôn nữ, nếu như cưới con thì con sẽ gọi là vợ, bố sẽ gọi là con dâu, và cưới bố thì con gọi là Dì ghẻ, bố gọi là vợ!...”. Ông Hữu Thiết nghe xong thì nói: “À ra thế!... Chúng ta không nên quá câu nệ vào những quy ước, và những quy ước này không phải là nhất thành bất biến!”… 

Thế là đứa bé gái của cặp sinh đôi trở thành con của Hữu Trí, từ đó nó phải gọi người anh sinh đôi của mình là chú, tức em bố, và đương nhiên, nó phải gọi bố đẻ - tức ông Hữu Thiết -, là ông Nội, vì nó đã trở thành con của Hữu Trí, mà trước đó nó con gọi Hữu Trí là anh – cùng bố khác mẹ! 
* 
Sau này lớn lên, hai đứa trẻ sinh đôi ngày nào, lúc vui vẻ thì gọi nhau là anh em, lúc giận nhau thì cô gái phải gọi anh con trai là chú !... 
Sài Gòn, 3-11-2009
Đỗ Ngọc Thạch

nguồn: phongdiep.net
Gửi email trang này cho bạn bè Mở cửa sổ in bài viết này


KỲ NHÂN DỊ TƯỚNG- Đỗ Ngọc Thạch


KỲ  NHÂN  DỊ  TƯỚNG 
Truyện ngắn của  Đỗ  Ngọc  Thạch  
1. 
Năm chị em Tý được sinh ra “liền một mạch”, tức mẹ Tý đẻ sòn sòn năm một và đều được đặt tên theo năm con giáp mà đứa con đó sinh ra: Tý (1948), Sửu (1949), Dần (1950), Mão (1951), Thìn (1952). Mẹ Tý là gái quê trăm phần trăm , tháng ngày cày sâu cuốc bẫm nuôi năm chị em, còn bố Tý thì sau khi mẹ sinh em út đã nhập ngũ rồi tham gia chiến dịch Điện Biên, ông đã hy sinh trong trận đánh vào sân bay Mường Thanh. Khi tin bố hy sinh được báo về cho mẹ Tý thì người mẹ trẻ một nách năm con đã không chịu nổi nỗi đau quá lớn và quá bất ngờ, đã khóc thương chồng năm ngày liền để đến nỗi cả đôi mắt đã bị mù vĩnh viễn!... 

Sau hòa bình 1954, với chế độ con Liệt sỹ, năm chị em Tý được tập trung vào trường nuôi dưỡng con Thương binh, Liệt sỹ của Nhà nước, nhưng ông bà Ngoại và mẹ Tý thương nhớ năm chị em còn quá nhỏ tuổi nên xin đón về nhà và nhận tiền trợ cấp. Vì thế, cô bé Tý mới Sáu tuổi đã phải làm mọi việc chăm sóc đàn em nhỏ và người mẹ mù!   

Tuy thế, ông Trời cũng không đến nỗi nhẫn tâm triệt đường sống của người mẹ mù bất hạnh và năm đứa con sớm mồ côi cha. Ông Trời đã phú cho cả ông, bà ngoại, mẹ và năm chị em những năng khiếu bẩm sinh mà không phải ai nào cũng có. Tý thì nhanh nhẹn như con Chuột, làm mọi việc trong nhà, chăm sóc bốn đứa em không lúc nào ngơi mà người ta vừa thấy Tý ở ngoài ruộng khoai (để mót khoai) đầu làng đã thấy cô bé ở bến sông để đem cá do ông ngoại câu được (Ông Ngoại nổi tiếng là sát cá, đến nỗi trong giấc mơ, ông Ngoại thường thấy Long Vương hiện ra năn nỉ xin ông nhẹ tay kẻo đội quân Binh Tôm Tướng Cá của Long Vương bị hao hụt quá lớn!) về nhà cho mẹ bán. Mẹ Tý tuy bị mù nhưng cai quản cái cửa hàng “Bách hóa tý hon” đâu ra đấy và đặc biệt rất có duyên bán hàng.

Hàng do bà ngoại Tý lấy ở ngoài chợ phố huyện buổi sáng về thì chỉ đến xế chiều đã bán hết, có hôm còn không đủ hàng mà bán! Bà Ngoại như là có một Thần uy ẩn tàng khiến cho ai giao hàng cho bà cũng đều giao hàng tốt với giá phải chăng, thậm chí giá gốc mà không lấy lời ở nơi bà! Sau này Tý mới biết tại sao mẹ lại mát tay bán hàng như vậy: đôi mắt mù luôn như nhìn nơi vô định của mẹ càng làm tăng thêm vẻ đẹp bí ẩn, quyến rũ của khuôn mặt đẹp như tranh vẽ Tố Nữ! Và điều đặc biệt có một không hai là : người mẹ có một mùi hương quyến rũ lạ lùng, khiến cho những người đứng gần ngây ngất như người mất hồn!

Mùi hương quyến rũ đặc biệt đó mấy ông thầy tướng bảo đó là Quý tướngLan nhi chi tự hương! Còn bốn đứa em của Tý thì đều như là hiện thân của Con Giáp mà chúng nó cầm tinh: thằng Sửu thì to khỏe như trâu mộng, ai cũng gọi nó là Trâu Vàng; con Dần là gái mà cũng khỏe và nhanh như hổ, ai cũng bảo nó mà lớn lên thì dữ hơn Cọp Cái; thằng Mão thì khôn ranh như mèo, ông thầy tướng nói nó sau này sẽ làm tới Cảnh sát Trưởng; còn con Thìn thì ông thầy tướng nói: “Rồng bay phượng múa, tuy lúc trẻ tuổi nó phát lộ tài năng về văn nghệ, nhưng có câu “Xướng ca vô loài” nên dần dần phải hướng nó vào chốn quan trường, nó sẽ phát tướng ở hàng vương tướng, quan văn thì tới nhất phẩm, quan võ thì tới đại tướng quân!”… 
2. 
Năm 1958, khi Tý chẵn 10 tuổi thì cả ông bà Ngoại cùng qui tiên. Mẹ Tý lại một lần nữa phải chống chọi với nỗi đau quá lớn khiến bà suýt gục ngã, nếu như cả năm chị em Tý không đứng thành hàng và đồng thanh la lớn “Mẹ không được chết!...”, thì có lẽ mẹ Tý đã đi theo ông bà Ngoại!...Tuy nhiên, cái chết của ông bà Ngoại như là sự chuyển giao công việc của ông bà Ngoại cho Tý và thằng em Sửu, chỉ kém Tý một tuổi. Có nghĩa là từ nay, Tý sẽ làm phần công việc mà bà Ngoại làm trước đây: ngày ngày, đi lấy hàng về cho mẹ ngồi bán tại nhà! Còn thằng Sửu thì nhận toàn bộ con thuyền câu của ông Ngoại và ngày ngày ngồi câu cá trên sông như ông Ngoại đã làm trước đây!  Một thằng bé chín tuổi suốt ngày, thậm chí cả đêm, ngồi trên thuyền câu như một ông già – điều này khó mà tin nổi nhưng nó lại là sự thật hàng ngày bởi thu nhập mà thằng bé đem về còn hơn cả ông Ngoại nó trước đây, tức nó sát cáhơn cả ông Ngoại và dĩ nhiên, ngày nào trong giấc mơ, nó cũng gặp Long Vương tới năn nỉ xin nó nương tay với đội quân Binh Tôm Tướng Cá của Ngài! Lúc ấy, nó chẳng nói gì, bởi biết nói sao, nếu chiều lòng Long Vương thì nhà nó…chết đói! 

Như vậy là nhà có sáu người thì ba người kiếm được tiền đủ nuôi sáu người, cho nên mẹ Tý nói với Tý: “Nhà mình đủ ăn thế là tốt rồi, từ nay phải lo cho ba đứa Dần, Mão, Thìn đi học tới nơi tới chốn. Năm học mới sắp đến rồi, con dắt em Dần đến trường làng xin cho nó vào Lớp Một nhé!” Tý nói: “Vừa rồi vì vướng cái tang của ông bà Ngoại cho nên em Dần bị lỡ mất một năm, bảy tuổi là được vào lớp Một rồi mà. Vì thế, con muốn cho cả hai chị em Dần và Mão cùng vào Lớp Một. Như thế, hai chị em chúng nó dắt nhau đi học, em Dần nó khỏe như Hổ, không lo bị bắt nạt!” Mẹ Tý cười: “Con tính giỏi quá! Biết lo xa như thế là đã thành người lớn rồi đấy!”. Thế là từ khi năm học mới bắt đầu, hai chị em Dần, Mão dắt nhau đi học ngày ngày mà không xảy ra vấn đề gì, Tý và mẹ mừng lắm! 

Việc hai chị em Dần và Mão học hành rất tốt, hai chị em luôn thay nhau đứng nhất nhì lớp, hết học kỳ I còn đem giấy khen và phần thưởng về nhà, khiến người mẹ mù suy nghĩ:  Hai đứa Dần, Mão học giỏi như thế, chẳng lẽ hai đứa anh, chị của nó lại không học giỏi được như các em của chúng nó? Nếu không cho chúng nó đi học thì có phải là bị thiệt thòi không? Người mẹ đem chuyện này nói với hai chị em Tý Sửu thì cả hai đứa đều nói: Nếu chúng con đi học thì lấy ai làm các việc để kiếm tiền? Ưu tiên cho chúng nó, hai đứa học thay phần của chúng con tất nhiên phải học giỏi mà! Người mẹ nghe nói thế càng không yên tâm, bà cứ nghĩ mãi tìm cách nào để cho cả bốn chị em cùng được đi học? Nghĩ mãi không ra thì có chú Luyến, cũng một đơn vị bộ đội với bố của năm đứa ngày xưa, là Thương binh, giờ làm Chủ tịch Xã, đến thăm mấy mẹ con, thấy vậy thì bảo cho hai đứa lớn đi học hệ Bổ túc, chương trình cũng như mười năm phổ thông, chỉ khác là học vào ban tối, có đủ mọi lứa tuổi cùng học một lớp vì ban ngày họ còn phải đi làm việc. Người mẹ mừng quá, thế là cả bốn đứa cùng được đi học, chúng sẽ thi đua với nhau, nhất định sẽ học giỏi. Quả nhiên, hai đứa học Bổ túc cũng thay nhau nhất nhì lớp! Niềm vui chuyện học hành của bốn đứa con làm cho người mẹ như là khỏe mạnh, tươi trẻ  như thời còn là con gái. Tuy đôi mắt không nhìn thấy nhưng đi lại, làm mọi việc trong nhà không khác gì người sáng mắt! 

Bốn năm trôi qua nhanh như chớp mắt! Hai chị em Dần, Mão đều tốt nghiệp Tiểu học loại Ưu. Còn hai chị em Tý, Sửu thì đều tốt nghiệp Tiểu học hệ Bổ túc, cũng loại Ưu! Người mẹ và năm đứa con tính mở tiệc ăn mừng thì Tai họa không biết từ đâu giáng xuống, thật tàn bạo!... 
3. 
Sau Tai họa ấy, cô bé Tý mới 14 tuổi đã phải đứng là làm chủ hộ, đứng ra gồng gánh, quyết định mọi việc của cuộc sống năm chị em. Qua cơn giông bão, người ta mới nhìn thấy hết sự tàn phá ghê gớm của nó. Cũng như vậy, qua Tai họa, nhìn lại, người ta mới nhìn thấy hết sự khốc liệt của nó! Đã một năm trôi qua, tưởng rằng vết thương đã lên da non, nhưng thực ra nó vẫn đang rỉ máu và làm cho người ta đau đớn hơn. Đó là tâm trạng của cô gái Tý, mới 15 tuổi mà đã phải lãnh án 5 năm tù vì tội Ngộ sát!... 

Thực ra, cái chết của ông phó chủ tịch Xã kiêm Trưởng Công an xã không phải do Tý gây ra mà do thằng Sửu, nhưng Tý không thể để nó ngồi tù! Tý là chị Cả, Tý phải chịu trách nhiệm tất cả, Tý phải nhận về mình mọi nỗi bất hạnh để cho mấy đứa em được yên lành, như lời dặn dò của mẹ trước khi nhắm mắt! Sự việc xảy ra đã một năm rồi mà Tý thấy như là vừa mới xảy ra hôm qua… 

Tối hôm ấy, hai chị em Tý, Sửu vừa tan buổi học lớp Bổ túc về  tới cổng thì có tiếng nói qua lại giữa mẹ Tý và ai đó:
-Bà có muốn ta dẹp cái cửa hàng Bách hóa của bà đi không?
-Tôi van xin ông, ông tha cho mẹ con tôi!
-Vậy tại sao lại chống cự?
-Xin ông hãy để lúc khác tôi sẽ hầu ông! Ở đây con tôi nó biết thì…
-Nó biết thì sao chứ…Ta không thể chờ được đến lúc khác! Vừa ngửi thấy mùi hương trên người bà là ta đã thấy rạo rực trong người rồi! Sao mà chờ!...- Vừa nói người kia vừa nhào tới mẹ Tý. 

Hai chị em Tý Sửu đã hiểu chuyện gì đang xảy ra. Tý vốn rất nhanh nhẹn mà không kịp hiểu thằng Sửu đã lấy cái mái chèo từ lúc nào và cái mái chèo đã bổ xuống đầu người kia như thế nào mà đầu người kia vỡ toác!... Còn người mẹ mù của năm đứa trẻ vì quá sợ hãi mà ngất xỉu! Sau đó, bà chỉ hồi tỉnh được khoảng năm phút, dặn dò Tý vài câu rồi không bao giờ hồi tỉnh!... 

Bây giờ thì ngày ngày, thằng Sửu phải xoay xỏa để chăm sóc ba đứa em, thực ra chúng nó cũng đã lớn xấp xỉ thằng Sửu: Sửu 14 thì Dần 13, Mão 12, Thìn 11. Có lẽ chỉ cô bé Thìn là chưa hiểu hết điều gì đang xảy ra đối với chị em chúng nó. Tuy nhiên, nó cũng biết mẹ nó vì sao mà chết, chị Tý của nó vì sao mà bị ngồi tù! Có lần nó còn trốn các anh, chị một mình đến Trại giam thăm chị Tý và nó nói với Tý bằng giọng nói thật nghiêm trang: “Nhất định em sẽ cứu chị ra!...” Tý nhìn nó chằm chằm, hỏi: “Em cứu chị bằng cách nào?” Nhìn điệu bộ suy nghĩ rất đăm chiêu của con Thìn, quả thật Tý không hiểu em mình nó đang nghĩ gì? Mới xa các em có một năm trời mà mỗi lần gặp lại chúng nó, nhìn đứa nào cũng thay đổi rất nhiều, chúng như là mất đi cái vẻ hồn nhiên, nghịch ngợm mà đứa nào cũng có cái dáng vẻ đăm chiêu nghĩ ngợi như người già! Như con cái Thìn, nó nói “Nhất định em sẽ cứu chị ra!” thì nhất định không phải là câu nói của đứa bé 11 tuổi! Con Thìn nhìn chị nó bằng ánh mắt thương cảm, âu yếm và nói: “Chị chịu khó chờ
 vài ngày nữa, em đang tiến hành!...”. Trời đất! Tý suýt la lên, không hiểu con Thìn nó có kế hoạch gì? Tý vội nắm chặt lấy tay nó, hỏi dồn dập: “Kế hoạch gì? Em phải nói cho chị biết, chị có thể giúp em mà!”.Con Thìn nói ngay: “Chị đang bị giam thế này thì giúp gì được em! Thôi được, em có thể nói sơ qua cho chị biết! Hôm rồi, em thấy mẹ hiện về trong giấc mơ, mẹ nói: “Các con phải cứu chị Tý ra khỏi trại giam, càng sớm càng tốt! Một ngày tù bằng ngàn thu ở ngoài!”. Em vội hỏi mẹ: “Con cũng muốn cứu chị Tý, nhưng con không biết làm thế nào? Cướp tù nhân như trong phim thì chúng con không làm được!” Mẹ nói: “Mẹ sẽ cho ba chị em gái một vũ khí đặc biệt, đó là mùi hương quyến rũ, các con hãy dùng vũ khí này tấn công bọn cai ngục, nhất định chúng sẽ bị đánh gục!...Đó gọi là Mỹ nhân kế!” Nói rồi mẹ ôm chặt lấy em, rồi nói: “Mẹ đã truyền cho con vũ khí mùi hương quyến rũ rồi đó! Mai mốt mẹ sẽ truyền cho cả chị Dần và chị Tý!” Tý nghe con cái Thìn nói mà ngơ ngác chưa hiểu ra sao, thì cái Thìn đứng sát vào Tý mà nói: “Chị có ngửi thấy mùi hương trên người em không?”. Tý chưa kịp hít hít để kiểm tra xem thế nào thì cái mùi hương ấy đã như là tràn ngập khứu giác, và nó thốt lên: “Mùi hương như là mùi trên người mẹ lúc còn sống!” Con Thìn cười nói: “Đó, chị tin chưa? Khi nào chị gặp mẹ thì cho em biết nhé! Mỹ nhân kế đã được em tiến hành rồi, lão Giám thị Trại giam sẽ bị em đánh gục, vì lão không thể ngờ con bé mới 11 tuổi như em đang dụ lão vào bẫy!” Tý vội nói: “Nhưng em tiến hành mỹ nhân kế như thế nào? Lão ta cáo già lắm, chị sợ em bị lão ăn thịt mất!” Con Thìn cười to, nói: “Chị đừng lo, đêm nào mẹ cũng hiện về bày mưu tính kế với em! Khi chị có giấy ra tù rồi thì chị sẽ thấy lão ta nằm trong bệnh viện tâm thần vì trúng Mê hồn tán của em!”… 

Quả nhiên, chỉ một tuần sau buổi nói chuyện của hai chị em Tý và Thìn, Tý nhận được giấy ra trại nhân ngày Thiếu Nhi Quốc Tế, và mọi việc sau đó đúng như những gì con Thìn đã nói… 

4. 
Ngày sinh nhật Tý 16 tuổi thật là đặc biệt. Đêm hôm trước, mẹ và bố đã gặp cả năm chị em trong giấc mơ. Mẹ đã truyền mùi hương quyến rũ cho cả Tý và Dần. Một lúc sau thì bố truyền hết công lực cho cả hai anh em Sửu và Mão. Khi cả năm chị em tỉnh dậy thì tất cả đều kinh ngạc khi thấy ba chị em gái Tý, Dần và Thìn đều cực kỳ xinh đẹp, cứ như là ba nàng Tiên! Còn hai anh em trai Sửu và Mão thì tráng kiện như hai lực sĩ!... 

Bữa tiệc sinh nhật Tý đặc biệt bởi hai lý do: 1/ Chú Luyến, Chủ tịch xã sẽ chính thức làm Cha Nuôi – Người Bảo hộ của năm chị em Tý; 2/ Ngày sinh nhật của Tý , ngày 7-5, cũng sẽ là ngày sinh nhật của cả năm chị em, bởi thực ra ngày sinh của năm chị em chỉ cách nhau có vài ngày, và điều quan trọng là trong cùng một tháng – Tháng Năm: tháng có nhiều ngày kỷ niệm lớn… 

Cái Tý nói với các em: “Giờ thì các em đã lớn cả rồi, có thể tự chăm sóc cho mình. Nhân chuyện gặp được cả bố và mẹ trong giấc mơ, chị muốn làm việc gì đó để có thể thường xuyên gặp được bố mẹ. Có ai nghĩ ra được cái gì không?”. Thằng Sửu và thằng Mão cùng nói: “Chúng ta đón những người già về nuôi, nhìn những người già thường xuyên cũng như nhìn thấy bố mẹ mình!” Hai đứa vừa dứt lời thì cả Tý, Dần và Thìn đều nói: “Đúng đấy, chúng ta sẽ làm một cái Nhà Dưỡng Lão!” Chú Luyến nghe năm chị em cái Tý nói thế thì như là reo lên: “Sao các cháu nói trúng ý định của chú từ bao lâu nay! Chú muốn thành lập Nhà Dưỡng Lão của xã mình từ lâu mà không ai ủng hộ cả! Giờ thì chúng ta có thể hợp tác với nhau trong việc này rồi! Chú sẽ lo mọi thủ tục, xin đất, xin tiền làm nhà…Còn công việc chi tiết cụ thể sau đó giao cho năm chị em! Được chưa?”. 

Chỉ sau ba tháng, một khu Nhà Dưỡng Lão của xã Bình Minh đã hình thành. Trong khuôn viên 200 mét vuông, ba căn nhà trệt năm gian được bố cục hình chữ U, ở giữa có vườn hoa cây cảnh đẹp như công viên…Khi khu Nhà Dưỡng Lão mới nằm trong “Ý tưởng” thì không ai để ý, còn cho là chuyện hão huyền. Nhưng khi nó đã tồn tại như một vật thể có thể mắt thấy, tai nghe, tay sờ thì hàng trăm con mắt ngó vào! Và sau một tháng “tranh luận” gay gắt, khu Nhà dưỡng Lão được quyết định chuyển thành “Nhà Văn hóa Xã Bình Minh”. Khi người được bổ nhiệm làm Giám đốc Nhà Văn hóa Xã cầm quyết định của Huyện tới gặp Chú Luyến,  Chủ tịch Xã, thì chú ngớ người, đi tìm lũ trẻ - chị em cái Tý. Khi tới nhà cái Tý, thấy nó đang ngồi nói chuyện với bốn ông già – những thành viên đầu tiên xin vào Nhà dưỡng Lão, còn ba đứa Dần, Mão, Thìn thì đang ngủ. Nhìn thấy chú Luyến, cái Tý nói: “Bốn ông già ấy là Bắc Phương, Nam Nhân, Đông Hải và Tây Sơn. Các ông ấy nói chuyện hay lắm!” Chú Luyến ngồi nghe một lúc thì nói với cái Tý: “Để chú đi tìm thằng Sửu về ta bàn chuyện này!”. Vừa đi, chú Luyến vừa nói một mình: “Bốn ông già nói chuyện chẳng ăn nhập gì với nhau cả. Mà cũng thật lạ, ông Bắc Phương lại nói giọng miền Nam, còn ông Nam Nhân lại nói giọng Bắc?”. Chú Luyến đi ra bờ sông thì thấy thằng cu Sửu đang ngồi câu cá, mà bây giờ sao nó không dùng cần câu nữa?”… 

Lúc chú Luyến lại gần thằng Sửu, định kêu nó về thì một con cá cực lớn đớp mồi câu của nó rồi lôi tuột nó xuống sông!
Sài Gòn, Tháng  Mười 2009
Đỗ Ngọc Thạch 


Gửi email trang này cho bạn bè Mở cửa sổ in bài viết này

Nguồn: phongdiep.net
 :: 

profile picture

Đỗ Ngọc Thạch (SG, 2010)

2. ĐỊA LINH NHÂN KIỆT

9.TƯỢNG NHÀ MỒ      10.CHUYỆN MỘT NHÀ BÁO

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét