Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2011

Văn Cao - dòng suối mơ không vơi cạn - Đỗ Ngọc Thạch

VĂN CAO – DÒNG SUỐI MƠ KHÔNG VƠI CẠN - Đỗ Ngọc Thạch


Với Thi nhân, nỗi ám ảnh thời gian là điều hệ trọng. Hàn Mặc Tử đã từng viết những câu thơ nặng trĩu : “Van lạy không gian xóa những ngày”. Xuân Diệu đã viết những câu thơ hốt hoảng : “Gấp đi em, anh rất sợ ngày mai – Đời trôi chảy lòng ta không vĩnh viễn”…Với Văn Cao, khi tuổi đã cao, sức đã yếu, ngẫm lại sự đời với tâm trạng :

              “Kỷ niệm trong tôi
    Rơi
           Như tiếng sỏi
                 Trong lòng giếng cạn”


Vậy mà cảm hứng thi ca vẫn còn xanh nguyên :

              “Riêng những câu thơ
                                          Còn xanh
              Riêng những câu hát
                                          Còn xanh
              Và đôi mắt em
                                   Như hai giếng nước”.

                                      (Thời gian – 1987)

Cho đến hôm nay, đọc lại thơ Văn Cao, ta càng cảm nhận một cách sâu xa điều đó. Và trong ta lại ngân lên những lời ca đầy chất thơ của nhạc phẩm đầu đời của Văn Cao :

             “Thiên Thai chốn đây hoa xuân chưa gặp bướm trần gian
             Có một mùa đào dòng ngày tháng chưa tàn phai một lần”

                                                (Thiên Thai)

Văn Cao sáng tác Buồn tàn thu năm 1939, lúc mới có 16 tuổi, Thiên Thai (năm l940) , Trương Chi, Thu cô liêu, Bến xuân, Suối mơ (năm l941)…Thiên tài âm nhạc Văn Cao đã phát lộ vào tuổi đôi mươi mơ mộng. Và đến những bản hùng ca chứa đựng hào khí dân tộc trong những ngày đầu độc lập và toàn quốc kháng chiến : Bắc Sơn, Làng tôi, Ngày mùa, Trường ca Sông Lô…và đỉnh cao là Tiến quân ca, sau này trở thành Quốc ca. Những thành công lớn đó của Văn Cao trong âm nhạc đã nhanh chóng đưa Văn Cao đến đỉnh vinh quang và trong ý niệm của công chúng ông là một thiên tài âm nhạc. Điều đó phần nào đã che lấp đi một Văn Cao khác – Văn Cao thi sĩ và Văn Cao họa sĩ. Và cho đến nay, công chúng vẫn chỉ biết đến Văn Cao nhạc sĩ và Văn Cao họa sĩ, còn Văn Cao thi sĩ thì chỉ những người quen thân và trong làng văn biết rõ mà thôi !

Thực ra, Văn Cao đồng thời sáng tác cả nhạc, thơ và hội họa. Người đời còn ít biết đến thơ của Văn Cao vì nhiều nguyên nhân, trong đó, nguyên nhân chủ yếu là trong nhiều năm (có đến gần 30 năm, từ khoảng 1957 đến 1985), thơ Văn Cao không được xếp vào “dòng chảy chính thống” của thơ ca Việt Nam hiện đại. Phải chờ đến thời kỳ “đổi mới tư duy”, những giá trị lớn lao của thơ Văn Cao (cũng như nhạc Văn Cao) mới được “hợp pháp hóa” ! Riêng về chuyện này, có thể nói Văn Cao là một điển hình của một mẫu người nghệ thuật đa tài, đa năng và đa nạn. Nhưng chính qua sự “thử lửa” đó của cuộc đời, cốt cách thi nhân của Văn Cao đã trở thành vàng nguyên khối, bản lĩnh thi nhân của Văn Cao càng lớn, sức sống của thơ Văn Cao càng mạnh mẽ…

Nhiều người nghĩ rằng gần ba chục năm gặp “nạn”, Văn Cao đã thu mình, im lặng và thậm chí có không ít người cho rằng thiên tài Văn Cao đã chết. Song, không phải như vậy, mạch thơ, suối thơ của cảm hứng sáng tạo trong Văn Cao không bao giờ ngưng nghỉ và vơi cạn như chính Văn Cao đã khẳng định : “Cuộc đời và nghệ thuật của nhà thơ phải là những dòng sông lớn càng trôi càng thay đổi, càng trôi càng mở rộng” (Sổ ghi chép, 12-7-1957). Trong bài thơ Những bó hoa (ngày 17-3-1974), Văn Cao đã viết :

         “Những bó hoa mang tới
                                        Chúc tụng
        Thành công một con người
        Hằng ngày hằng ngày
        Xây thành cái mồ chôn
        Con người thành công ấy

        Người ta đôi khi bị giết
                                        Bằng những bó hoa.”


Chính vì vậy mà Văn Cao ít đăng thơ và có thể nói ông không muốn “bị giết” bởi những bó hoa chúc tụng như bao “thi sĩ” khác, lại rất khát khao chuyện đó !...Thơ của Văn Cao mới chỉ được công bố rất ít (Bài Ngoại ô mùa đông 46 trên báo Văn Nghệ số 2 năm 1948, trường ca Những người trên cửa biển – 1956, chùm thơ về Quy Nhơn -1985, và được tuyển chọn trong tập – NXB Tác phẩm mới, 1988, v.v…), nhưng cũng đủ để chúng ta thấy rõ một phong cách nghệ thuật độc đáo, một cốt cách thi nhân lớn, một dòng sông thơ chở nặng phù sa không hề ngưng nghỉ !...
Trở lên trên là bài viết của tôi về thơ Văn Cao qua tập thơ (bài viết vào năm 1993, nhân Văn Cao tròn 70 tuổi)- quả là tập thơ mỏng mảnh như lá cây!... Đến năm 2005, nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất của Văn Cao, Nhà xuất bản Đồng Nai in tập Thơ Văn Cao, cũng chỉ tập hợp 50 bài thơ ngắn và việc PR cho tập thơ này cũng không được chú ý, như việc xuất bản tập thơ trước đây? Đó là dấu hỏi lớn cần được các nhà nghiên cứu văn học tìm hiểu thấu đáo, bởi số lượng thơ của Văn Cao đã sáng tác không thể chỉ ít ỏi như vậy, bởi trong tập thơ này, ta thấy trong từng câu chữ đều chất chứa những “tịch nhiên vô thanh” (tiếng lặng lẽ không tiếng), những suy tư của một thiên tài không được giải tỏa!...Ta khó có thể lĩnh hội được ngay những câu thơ có sức nặng vô hình như thế này:

         “Con thuyền đi qua
         Để lại sóng
        Đoàn tàu đi qua
        Để lại tiếng
         Đoàn người đi qua
         Để lại bóng
         Tôi không đi qua tôi
        Để lại gì?

                (Không đề)

Hoặc:

                 “Có lúc
           Một mình một dao giữa rừng đêm không sợ hổ
           Có lúc
           Ban ngày nghe lá rụng sao hoảng hốt
           Có lúc, nước mắt không chảy ra ngoài được”

                    (Có lúc)

________________________________

TP.HCM , 1993 – 2009
Đỗ Ngọc Thạch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét