Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2011

Văn học và Hiện thực - Đỗ Ngọc Thạch












VĂN HỌC VÀ HIỆN THỰC- Đỗ Ngọc Thạch


Quả là cảm hứng sự thật trở thành động lực chính của sự vận động đổi mới văn học rầm rộ vừa qua. Khi văn học được “cởi trói”, những “tấm biển cấm kỵ” được tháo gỡ thì cảm hứng sự thật trở thành cảm hứng chủ đạo của văn học đổi mới. Song chính ở đây đã nảy sinh những vấn đề phức tạp : văn học sẽ phản ánh sự thật nào ? Những biểu hiện nào của hiện thực cuộc sống mới là sự thật ? Có thể nói rằng, chính từ cái nhu cầu “nói thật” về hiện thực đã dẫn đến tình trạng thật giả nháo nhào mà ai cũng khẳng định mình mới là người nhân danh sự thật, nhân danh công lý và chỉ có mình mới có quyền nói sự thật !? Cảm hứng sự thật phút chốc dường như tạo nên chuyển động Brao-nơ trong đời sống văn học. Nhìn vào kết quả của cảm hứng sự thật này, có thể thấy rõ hai xu hướng chính sau đây :
Thứ nhất, đó là sự bình tĩnh nghiên cứu hiện thực cuộc sống theo ánh sáng mới, trong hoàn cảnh mới, trước đòi hỏi mới ngày càng cao của đời sống xã hội đối với văn học. Có thể nói, trong những năm tháng đổi mới đầy biến động có tính chất toàn cầu này, các thang giá trị mang tính chuẩn mực xã hội có nhiều thay đổi, thậm chí có sự đảo lộn ở một số khu vực nào đó đòi hỏi văn học phải giải quyết bằng cách nhìn mới, sắc sảo, năng động và thông minh. Những nhà văn có bản lĩnh vững vàng phải là những người biết tự hoàn thiện mình, nâng mình lên cho kịp với sự biến chuyển của xã hội và tầm cao của thời đại
Giờ đây , nhà văn đã có được độ lùi xa của khoảng cách thời gian để nhìn lại một cách toàn diện và sâu sắc hơn những sự kiện, biến cố dồn dập của quá khứ xa cũng như gần. Và, chính trong thời điểm đầy biến động này của hiện thực cuộc sống đã giúp nhà văn nhìn rõ những nét bản chất của hiện thực quá khứ và từ đó soi sáng những cái tưởng như mịt mùng hỗn mang của đời sống xã hội hiện tại. Nếu như trước đây, nhà văn chỉ kịp thời phản ánh được một vài khía cạnh của hiện thực thì giờ đây, bằng sự chiêm nghiệm sâu sắc, bằng sự nghiên cứu nghiêm túc đối tượng phản ánh, đã có thể dựng lại những bức tranh chân thực và rộng lớn với tất cả sự đa dạng của hiện thực phong phú và phức tạp trong đó có cả cái cao cả và cái thấp hèn, cái thiện và cái ác…Nói cách khác, hiện thực cuộc sống với những chiều dài lịch sử khác nhau đã được phản ánh một cách đa diện, nhiều chiều mà trung tâm của nó là con người thời đại với những số phận cụ thể, những tính cách mạnh mẽ mà bản lĩnh của nó thể hiện bản lĩnh của cộng đồng, số phận của nó gắn liền với vận mệnh của dân tộc, đất nước.Điều đáng chú ý là cảm hứng sử thi và cảm hứng đời thường không có sự tách biệt mà đã gặp nhau trong cảm hứng sự thật (Có nhiều người cho rằng, cảm hứng sử thi chỉ phù hợp với văn học ca ngợi một chiều, còn cảm hứng đời thường với những thân phận bé nhỏ, cô đơn, yếu đuối, đau khổ mới tạo nên văn học đích thực ! Đó là sự sai lầm trước hết ở việc thu hẹp đối tượng phản ánh của văn học, thứ hai là rơi vào con đường mòn của thuyết tính trừu tượng, thứ ba là thiếu ý thức công dân…). Vì thế, sự thật ở đây còn phải bao hàm lẽ phải thì mới tạo nên chân lý nghệ thuật, tạo nên chất lý tưởng trong cảm hứng sáng tạo. Nói cách khác, sự thật ở đây phải là sự thật về quá trình cái mới, cái thiện chiến thắng cái cũ, cái ác (đương nhiên là sự chiến thắng đó không phải dễ dàng !).
Với định hướng tư duy sáng tạo như vậy, những tác phẩm viết theo xu hướng này đã đáp ứng được yêu cầu khách quan của cuộc sống, đã giúp người đọc nhìn rõ bản chất của hiện thực trong bối cảnh tưởng chừng như mịt mùng hỗn mang, trắng đen lẫn lộn, thật giả nháo nhào vừa qua .Điều cần nói thêm là, ở những tác phẩm viết theo hướng này, chất lý tưởng, vẻ đẹp rực rỡ của những tính cách nhân vật không hề bị hạ thấp mà càng “cháy lên” trong biết bao cái dữ dội, khốc liệt của cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác !...
Thứ hai, đó là sự tấn công khá dữ dội và ầm ĩ vào cái xấu, cái ác với tất cả các thể loại văn học mà người ta gọi là “văn học chống tiêu cực”. Khẩu hiệu của xu hướng này là “Hãy nhìn thẳng vào sự thật”, “Hãy để cho nhà văn nói thật về cái xấu, cái ác”…Nghe những buổi đăng bài diễn thuyết, trả lời “phỏng vấn” các báo của một số nhà văn thì như là từ trước tới nay họ đều không viết đúng sự thật (toàn viết chuyện bịa đặt ?) và không được nói thật về cái xấu, cái ác (toàn nói dối, lừa mị ?). Cách đặt vấn đề như vậy tưởng chừng như là mới nhưng thật ra lại rất cũ và chí ít mắc phải những sai lầm sau : 1) Đẩy cảm hứng phê phán thành cảm hứng chủ đạo, không khác gì tuyên ngôn của văn học hiện thực phê phán trước đây. 2) Từ đó, vô hình chung dẫn đến sự khái quát méo mó, thiên lệch, phiến diện về bản chất của hiện thực cuộc sống hiện tại là xấu xa, đồi bại, lý tưởng XHCN là giả dối, ảo mộng . 3) Phủ nhận thực tại xã hội đang phát triển, đang đổi mới để đi lên (cho dù có lúc không lấy gì làm sáng sủa), phủ nhận những thành quả của nền văn học hiện thực XHCN từ trước tới nay…
Biểu hiện của xu hướng “đổi mới” này khá phức tạp song có thể thấy rõ “nguyên tắc thẩm mỹ” của nó là : văn học trước đây nghèo nàn, đơn điệu, còm cõi, bé nhỏ thảm hại vì chỉ là “văn học quan phương”, “văn học cung đình”, “văn học tuyên truyền” với những lý tưởng cao siêu vô bổ…thì bây giờ phải đổi mới, phải nói ngược lại bằng những tiếng nói khác lạ !...Có thể thấy rõ hai phân nhánh chính của nó như sau :
Gồm những tác phẩm trung thực với nhiệt tình phê phán đã “khui” ra được những cái xấu, những tội ác vốn được che đậy bằng những mặt nạ đẹp đẽ, những ô dù đủ kiểu. Tác dụng của những tác phẩm “chống tiêu cực” này không nhỏ, nhưng nếu coi đó là nhiệm vụ trung tâm hàng đầu, thậm chí duy nhất của văn học đổi mới thì thật cực đoan và thực ra không có gì mới nếu không muốn nói là đã kéo lùi văn học trở lại thời kỳ hiện thực phê phán 1930 – 1945 ! Một biểu hiện dễ thấy của những tác phẩm “chống tiêu cực” này là tính văn học bị suy giảm do tính chất văn báo chí lấn át đến mức không ít truyện ngắn, tiểu thuyết không khác gì hình hài các thể văn báo chí như phóng sự, ghi chép ! Ngay cả thơ trữ tình, vốn được mệnh danh là hàm súc, ý tại ngôn ngoại, thanh cao…cũng sa vào kể lể, moi móc (và có cả chửi bới) những chuyện vặt vãnh tủn mủn nơi đầu đường xó chợ với những ngôn ngữ rất bụi đời và khá đại ngôn. Có không ít bài thơ trữ tình mà cấu trúc của nó không khác gì thơ…đả kích !...Xin nêu một dẫn chứng về tính chất cũ của một trong những tác phẩm từng được ca ngợi là một trong những ngọn cờ của văn học đổi mới : Kim Lefèvre, con lai của một lính thực dân Pháp, sinh ở Hà Nội, bỏ xứ đã 29 năm (năm 1960) hiện sống tại Pháp, khi được hỏi tại sao dịch truyện Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp ra tiếng Pháp đã trả lời : “Tôi không hề đọc các tác phẩm Việt Nam từ gần 30 năm nay. Chỉ do tình cờ, qua sự giới thiệu của Nhà Việt Nam (ở Paris) mà tôi biết truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp…Đọc Tướng về hưu , lúc đầu tôi không hiểu vì đã lâu không đọc tiếng Việt. Nhưng đọc hai rồi ba lần, tôi bắt đầu hiểu, thấy xã hội Việt Nam trong Tướng về hưu , về chiều sâu không khác gì lắm với lúc tôi còn ở nhà, chỉ thêm vấn đề chính trị. Người dân vẫn sống như thuở nào, lo cái ăn, lo chuyện học hành … Những tình cảm mô tả trong truyện Nguyễn Huy Thiệp cũng là những tình cảm tôi từng bắt gặp ngày xưa. Trong chiều sâu, xã hội chưa thay đổi nhiều” (Tôi nhấn mạnh – Đ.N.T.) (Tuổi Trẻ Chủ nhật, số 47, 26-11-1989). Quả là lời nhận xét nôm na đó rất trúng với nội dung truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp (và hầu hết những truyện ngắn khác cũng gần như vậy) mà các bài viết về tác giả này đều không nhận thấy : con người và bối cảnh xã hội trong tác phẩm của anh rất cũ xưa mặc dù nó là sản phẩm của những năm 80 ! Chẳng lẽ lịch sử dân tộc ta từ Cách mạng tháng Tám đến nay không có gì đáng để in dấu lên tác phẩm của anh (?) mà con người và xã hội Việt Nam trong tác phẩm của anh “trong chiều sâu…chưa thay đổi nhiều” !?
Trở lại vấn đề cảm hứng phê phán trong văn học. Đây là một vấn đề rất “ kinh viện “ đã được bàn đến từ lâu khi nói về văn học hiện thực XHCN và được xác định như một nhiệm vụ song song bên cạnh nhiệm vụ khẳng định, ca ngợi cái đẹp, cái anh hùng . Chẳng hạn như ý kiến sau của đồng chí Phạm Văn Đồng : “Chúng ta cần khuyến khích sự phê phán và có nhiệm vụ phê phán những cái xấu, cái không đúng còn tồn tại trong xã hội ta, để loại trừ nó, để phá bỏ nó” (Xây dựng nền văn hóa văn nghệ ngang tầm vóc dân tộc ta, thời đại ta, NXB Sự Thật, H. 1979, tr 47). Nền văn học hiện thực XHCN của chúng ta không xem nhẹ nhiệm vụ phê phán nhưng nếu chỉ có phê phán, chỉ dừng lại ở đó thì cũng mới chỉ là “một nửa hiện thực” mà “một nửa hiện thực” thì là…sự giả dối ! Văn học hiện thực XHCN đã vượt qua (ở đây không so sánh hơn kém về phương diện nghệ thuật thuần túy) văn học hiện thực phê phán ở nhiệm vụ lịch sử mới của nó là khẳng định xu thế phát triển theo chiều hướng tiến bộ và chiến thắng của hiện thực mới – hiện thực tốt đẹp của xã hội XHCN . Văn học hiện thực XHCN của chúng ta chỉ thực sự là vũ khí đấu tranh cách mạng, đấu tranh cho những tư tưởng nhân văn của con người khi nó đồng thời làm tốt hai nhiệm vụ phê phán và khẳng định như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói là nó phải “phò chính trừ tà” ! Vì vậy, thực ra không thể tách hai nhiệm vụ khẳng định và phê phán của văn học .
Một điều dường như là “biết rồi khổ lắm nói mãi” rằng : bản chất của xã hội XHCN là tốt đẹp, cái xấu, cái ác, chỉ là hiện tượng, song, ở đó lại có cái ranh giới mỏng manh, rất dễ thành sai lầm trong khái quát nghệ thuật khi nhà văn nhìn thẳng vào sự thật, nhìn thẳng vào cái xấu, cái ác mà không có bản lĩnh vững vàng ,không có lý tưởng thẩm mỹ đúng đắn và dứt khoát theo lập trường tư tưởng XHCN. Cách nói “khi cái ác được viết ra, tức là có điều kiện để đẩy lùi nó” chỉ đúng trong trường hợp hạn hẹp là xã hội đã có sự “miễn dịch” cao, còn cho đến nay mà nói, người ta xem sách báo, vidéo khiêu dâm, bạo lực thì đều… làm theo cả ! Chúng ta sẽ phải mất nhiều công sức để giải quyết hậu quả của cả một thời gian “đổi mới” vừa qua theo kiểu : tác phẩm cách mạng thì ném sọt rác, còn sản phẩm van hóa, văn nghệ đồi trụy, bạo lực…thì tràn ngập xã hội như nạn dịch! Nhà văn hầu như ngại viết về nhưng điều thiêng liêng, cao cả và nếu có viết thì ngoài bìa cũng phải in hình ảnh “ăn mặc con nhà nghèo”, thậm chí khiêu dâm hết cỡ và trong sách cũng phải có vài chương lâm li, rùng rợn!...Có thể dễ nhận thấy rằng, “văn học chống tiêu cực”, “văn học chống cái ác” đã bước qua cái ranh giới mỏng manh nói trên để rồi trở thành…”văn học của cái ác”! Đó là điều giải thích cho hiện tượng tại sao khá nhiều tác phẩm ra đời trong cao trào đổi mới mà không khác tiểu thuyết Hồng Kông và các nước tư bản phương Tây là bao! Tại sao lại như vậy? Có thể trả lời ngay rằng: vì đã chối bỏ nhiệm vụ khẳng định cái mới, cái đẹp, cái tốt…- cái cao cả. Nếu bạn đọc nào đó nhận xét rằng, “văn học chống tiêu cực, chống cái ác” vừa qua tục tĩu quá và trở thành văn học tuyên truyền cho cái tiêu cực, cái ác thì các nhà văn phải suy nghĩ nhiều lắm, đó là cái nguy cơ, cái tai họa khó mà lường trước hậu quả!... 2. “Nhánh” thứ hai khá lớn với sự xuất hiện những “khuôn mặt nhàu nát, hung hãn, táo tợn” của những “đứa con hoang dị dạng”, của những kẻ ngông cuồng, ngạo mạn, hợm hĩnh, chua ngoa, đĩ thóa !... Khó mà tìm những từ thích hợp hơn để nói về nhánh này cũng như việc nhận diện nó, song cũng có thể khái quát rằng : khẩu hiệu đổi mới với việc tấn công vào cái ác, vạch trần, “lột truồng” cái ác chỉ là cái cớ, cái nhãn hiệu, chỉ là “mặt tiền”, còn ở “thâm cung” là thập cẩm tạp- pí- lù những tư tưởng phi văn học, phản văn học đầy bệnh hoạn, quái thai xa lạ với lý tưởng thẩm mỹ của một nền văn học hiện thực XHCN, nếu chưa muốn nói là đi ngược lại với lý tưởng nhân văn XHCN. Nói vậy quá lời chăng ? Xin hãy thử coi một vài “ý tưởng” nơi “thâm cung” đó :
- Trước hết phải nói đến sự biến dạng nhanh chóng của khẩu hiệu “nhìn thẳng” vào sự thật, vào cái ác thành ra khẩu hiệu “đạp đổ thần tượng” khá ầm ĩ. Với họ, cái gọi là “truyền thống lịch sử, đấu tranh cách mạng” đã trở nên lạc lõng, vô vị…Và, lịch sử dân tộc Việt Nam cho đến hôm nay đầy rẫy những sai lầm nghiêm trọng, những kẻ cầm quyền chăn dắt đám dân đen khốn nạn và nghèo khổ ấy chỉ là những tên đốn mạt, ngu dốt, xấu xa, đồi bại ! Thậm chí, đó chỉ là những thằng hề, con rối thảm hại trong cái đồ chơi tai quái của Tạo hóa ! Viết về lịch sử xa xưa cũng như những năm chống Mỹ vừa qua, họ không có ý định phác dựng lại những bức tranh chân thực và sinh động của đời sống xã hội (có vài người dựng lại thì cũng chỉ là những nét vẽ nguệch ngoạc, méo mó) mà những chi tiết, bối cảnh lịch sử (không chân thực) đó chỉ được coi là “cái đinh” để họ treo lên đó những “ý tưởng” phản lịch sử, những lời chửi bới, thóa mạ hằn học như là một sự “xả hơi” những ấm ức bị dồn nén từ bao giờ ! Khỏi cần phân tích những “tác phẩm” cụ thể ấy nhưng có thể thâu tóm được “lượng thông tin” của những “thông báo”, “thông điệp” rất “đa nghĩa”, “đa tầng”, “đa thanh” ấy là : lịch sử cũng như văn học Việt Nam cho đến nay chỉ là bãi sa mạc hoang vu, có chăng chỉ là vài bông hoa xương rồng độc đáo ! Hoặc có chăng nữa cái gọi là văn học chỉ là những trò chơi ngớ ngẩn của con nít và những trò chơi man rợ của bậc đế vương !...Đến đây, tôi ngờ rằng những “nhà văn” này chỉ là môn đệ xoàng của Nitsơ (F. Nietzche) – tác giả của những triết lý về “Buổi hoàng hôn của những thần tượng”. Món ăn tinh thần mà họ dọn ra cho công chúng văn học hôm nay lại nhặt trên bàn ăn thừa của nhà triết học cô đơn một cách phi lý trong cuộc đi tìm “sự sụp đổ của mọi chân lý” thì làm sao mà “sực” được ! - Khi “tấn công vào cái ác”, những người này đã “truy kích” đến tận sào huyệt của những tổ quỷ và họ đã bị lạc trong những cái mê cung đó của quỷ sứ ! Và khi được trả về dương gian, họ nói giọng sặc mùi âm khí : họ luận đàm tít mù về đủ thứ tư tưởng cao siêu để rồi cuối cùng quăng bửu bối là cái…dâm lên mặt báo với ngôn ngữ cổ kim đông tây hổ lốn (đến đây, tôi bỗng nhớ đến câu thơ của Nguyễn Vỹ thời 30-45 :
…Rủ nhau chè chén nói huynh hoang...
Xáo lộn văn chương với chả cá,
Chửi Đông chửi Tây chửi đủ cả!...
Và để cho công chúng thấy họ là rất mới, như là “mới bóc tem” vậy, họ hét toáng lên rằng văn học từ trước đến nay chỉ chụp ảnh con người từ tim trở lên, đó không phải là văn học, đó là thói đạo đức giả và tức thì họ “xuất chưởng”- tung ra “phát hiện độc đáo” rằng : từ rốn trở xuống mới thực sự là con người !...Thiết nghĩ, khỏi cần nói gì thêm và cũng khỏi cần so sánh với “nền công nghiệp Sex” ở nước Đông Âu sau những biến động chính trị lớn hiện nay !
Điều đáng ngạc nhiên là “nhánh” thứ hai này lại được không ít báo chí và cả một số học giả có tên tuổi (bằng những lý lẽ rất cao siêu nhưng đầy ngụy biện) cổ súy, ca ngợi hết lời, coi đó là biểu hiện của đổi mới đích thực, là những cách tân, sáng tạo độc đáo, là những tiếng nói, gương mặt chủ yếu của văn học hôm nay và coi đó như là bước ngoặt mới, kỷ nguyên mới của văn học Việt Nam ! Thậm chí đó mới là văn học đích thực và ngang tầm cỡ giải Noben của văn học thế giới !? Thậm chí những “nhà văn” này sẽ là những tài năng cứu sống nền văn học Việt Nam thoát khỏi cảnh đói nghèo, u mê !...
Có thể nói ngay rằng, những biểu hiện phản văn học vừa nói trên cùng với “người bạn đường hữu hảo” của nó là văn học thương mại đã tạo thành sự “cộng hưởng ma quái” khiến cho đời sống văn học có những lúc như là cái chợ Giời !...Có phải chăng những người được coi là tiên phong đổi mới đó là kết quả của sự “lang chạ đau khổ” giữ văn học thương mại và những “thiên tài độc ác” thì mới sinh ra những “đứa con hoang dị dạng” quái đản như thế ?
Trên diễn đàn văn học vừa qua, những cuộc tranh luận về văn chương dường như đụng phải những chuyện “phức tạp về tế nhị” ngoài văn học cho nên có thể thấy rằng hầu hết những vấn đề lớn của văn học đều được “xới lên” nhưng chưa đi đến đâu cả ! Đời sống văn học nói riêng cũng như văn hóa nghệ thuật nói chung luôn ở tình trạng báo động chứ đâu phải là “báo động giả” ?
Nhìn vào lịch sử văn học của nhân loại tiến bộ chúng ta thấy rõ ràng, bất luận thời đại nào, xã hội chính trị nào, giá trị của văn học được bảo lưu và gần như là một giá trị vĩnh cửu đó là giá trị hiện thực. Khát vọng cao nhất của các thiên tài văn học là sáng tạo nên được những tác phẩm được mệnh danh là cuốn Bách khoa toàn thư về đời sống xã hội !...
Về vấn đề phản ánh hiện thực của văn học, cho đến nay, những nguyên lý cơ bản của mỹ học Mác-Lênin vẫn chứng tỏ sự đúng đắn của nó một khi chúng ta vẫn kiên trì với con đường đã chọn là xây dựng một nền văn học hiện thực XHCN. Điều mà V. I .Lênin, người sáng lập chủ nghĩa Mác-Lênin, đòi hỏi trước nhất và xem như tiêu chuẩn hàng đầu của tác phẩm văn học là giá trị chân thực của nó, cho đến nay vẫn là thước đo chuẩn mực đối với tác phẩm văn học : “Nếu trước mắt ta là người nghệ sĩ thực sự vĩ đại thì tác phẩm của người đó phải phản ánh ít ra là vài ba khía cạnh bản chất của đời sống xã hội” .
Nền văn học truyền thống của chúng ta, trải qua bao cơn binh lửa, vẫn còn mãi đến ngày nay, vẫn “rực rỡ khắp sử sách” (Nhữ Bá Sĩ ) vì văn học đã gắn bó mật thiết với vận mệnh của dân tộc,vì đã có những nhà văn với những
…cây bút dài như cầu vồng
Ngậm sương tỏa ra nghi ngút
Đôi lúc làm cây cày sắc nhọn
Ruộng sách cày dọc ngang
Đôi lúc làm lưỡi dao bảo đao lấp lánh
Ra hùng quân nơi trận địa văn chương !


(Nhữ Bá Sĩ Từ trong di sản… )
Sức mạnh của văn học là độ lớn của dung lượng hiện thực chứa trong tác phẩm và độ sâu của tư tưởng thẩm mỹ của nhà văn kết tinh trong hình tượng nghệ thuật. Nếu nhà văn không có một tình yêu tha thiết đối với cuộc sống, anh ta không thể nhìn thấy sự đa dạng muôn màu muôn vẻ của hiện thực . L. Tônxtôi nói : Tình yêu là tài năng ! I. Bunhin nói : Dẫu có buồn thế giới này khó hiểu, thế giới này vẫn đẹp... Có lẽ vì thế mà L. Aragon đã từ bỏ chủ nghĩa đa đa, siêu thực để đến với chủ nghĩa hiện thực XHCN bằng bộ tiểu thuyết lớn lấy cảm hứng là chính hiện thực cuộc sống mang tên Thế giới thực tại. Song, phải có ý thức công dân cao Aragon mới thực sự trở thành nhà văn lớn của “nước Pháp mắt bồ câu” và của thế kỷ chúng ta !
Hiện nay, hơn bao giờ hết, ý thức công dân đã qui định dứt khoát nhà văn nào đó chỉ là “vú em của tâm hồn mình” hay thực sự là người ca sĩ của thời đại mình !
Nhà mỹ học Secnưxepxki viết : Cái đẹp là cuộc sống !
Nhà thơ Maiacốpxki viết :
Tôi căm thù
         Mọi cái gì giống sự hủy diệt !
Tôi tha thiết yêu
         Mọi cái gì là sự sống !
Đó vẫn là những nguyên lý mỹ học, lý tưởng thẩm mỹ của văn học hôm nay !...Không thể đảo ngược !
TP. HCM, 1990 -2009
Đỗ Ngọc Thạch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét