57 Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch trên phongdiep.net - Trích: Cô gái vùng cao
CÔ GÁI VÙNG CAO- Đỗ Ngọc Thạch
CÔ GÁI VÙNG CAO
Truyện ngắn của Đỗ Ngọc Thạch
1.
Hồi nhỏ, tôi thường nghe Bà Nội kể chuyện ở Lào Kai có chợ Kốc Lếu chuyên bán người mà chủ yếu là trẻ con. Những đứa trẻ con bị bán ở chợ Kốc Lếu đều do Mẹ Mìn lừa bắt hoặc mua từ dưới xuôi đem lên. Lúc đầu, tôi không tin lại có cái chợ bán trẻ con, lại có Mẹ Mìn chuyên đi khắp nơi lừa bắt trẻ con đem lên đó bán, mà chỉ nghĩ Bà Nội tôi dọa tôi để tôi đừng đi chơi xa, đừng đi một mình chỗ hoang vắng. Giống như người lớn thường đem Ma hoặc Ngáo Ộp ra để dọa những đứa trẻ con yếu bóng vía vậy. Nhưng mấy đứa trẻ cùng trang lứa với tôi cũng nói mẹ nó dặn không được đi chơi xa kẻoMẹ Mìn lừa bắt đem lên chợ Kốc Lếu, thì tôi tin đó là chuyện có thật. Nhưng để kiểm chứng chuyện đó thì phải tới khi tôi ngoài hai mươi tuổi mới có dịp!...
Khi đó, đơn vị Ra-đa của chúng tôi đang đóng quân trên một đỉnh núi cao, nằm ở phía Nam của núi Tản Viên nên gọi là Viên Nam. Máy móc, khí tài đều do máy bay trực thăng loại Mi-6, được mệnh danh là “Cần cẩu bay” đưa lên. Nhưng lương thực, thực phẩm và mọi thứ linh tinh khác đều được vận chuyển bằng đường bộ. Đường bộ này đi xuôi theo triền núi phía Tây về phía đường quốc lộ số 6, thuộc địa phận tỉnh Hòa Bình. Tại ven đường số 6 này, và cũng là điểm cuối của con đường lên đỉnh núi Viên Nam dài hơn mười cây số, đơn vị Ra-đa chúng tôi có đặt một Trạm Liên lạc, là nơi trung chuyển mọi thứ lên đỉnh núi.
Trạm Liên lạc là một căn nhà do Tiểu đội tiếp phẩm thuộc Trung đội nuôi quân tự làm bằng cây cối có sẵn trong rừng. Tuy không có ai là thợ mộc chuyên nghiệp nhưng căn nhà khá đẹp và vững chãi. Căn nhà cách mặt đường chục mét, có ba gian, mỗi gian rộng 4 mét, sâu 6 mét. Gian giữa có một bàn, một tủ, hai giường cho Trạm trưởng và Trạm phó ngự tọa. Một gian kề bên phải là giành cho 2 chiến sĩ tiếp vận. Một gian kề bên trái làm nhà kho. Cách gian nhà kho 4 mét là một căn nhà bếp nhỏ, hơn chục mét vuông. Sân trước là vườn hoa cây cảnh và ở kế gian nhà bếp có một cây mít tự mọc đã rất cao to và thường xuyên có quả đeo xung quanh thân cây nhìn rất đẹp mắt. Ở kề gian bên phải, anh em trồng hai cây đu đủ và một khóm chuối, đã lớn và đang cho quả xanh…Đó là toàn bộ quang cảnh của Trạm Liên lạc khi tôi và Hùng được cử xuống phụ giúp cho tổ tiếp vận…
Tôi và Hùng là trắc thủ Rađa, nhiệm vụ của chúng tôi là ở trên đỉnh núi, nhưng vì Tiểu đội tiếp phẩm phải leo núi thường xuyên quá vất vả nên vài ba ngày, chúng tôi lại xuống núi “tiếp sức” với Tiểu đội tiếp phẩm. Không ngờ việc chúng tôi xuống núi thường xuyên lại có rất nhiều chuyện thú vị, mà nếu cứ nhốt mình trong xe hiện sóng trên đỉnh núi thì sẽ chẳng bao giờ được biết về cái chợ Kốc Lếu chuyên bán trẻ con như đã nói ở trên!...
2.
Trạm Liên lạc – Kho trung chuyển nằm ở ven đường số 6 đó của đơn vị chúng tôi đương nhiên là nơi hoang vắng, thỉnh thoảng mới có một, hai chiếc ô tô chạy qua. Đương nhiên là chiếc ô tô đó chỉ gửi vào Trạm một ít bụi đường và một ít tiếng ồn. Xong rồi thì lại là tịch mịch, cô quạnh! Nói vậy để thấy rằng những người lính ở đây không khác gì những nhà tu hành ẩn dật thời xưa! Tuy nhiên, cách vài ngày lại có hai cô gái ở một ngôi làng cách đó khoảng hai ki-lô-mét đi chợ huyện thì ngang qua Trạm. Hai cô gái đi bộ nên không thể không ghé vào Trạm nghỉ chân chốc lát!
Hai cô gái, mới khoảng trên hai mươi tuổi, một cô tên Vân, một cô tên Sơn, đều vận y phục theo kiểu người Mường và khá xinh đẹp theo phong cách Sơn Nữ. Hai cô gái cùng tuổi nhưng theo cách xưng hô thì một cô – tên Vân, là con gái chủ nhà, còn một cô – tên Sơn, là người làm, tức nô tỳ.
Hôm ấy, gần trưa thì hai cô gái đi tới chỗ căn nhà của Trạm Liên lạc. Nhìn vào thấy có hai anh lính đang đi lại trước cửa căn nhà, cô tên Vân nói: “Ta vào chơi với mấy anh lính này một lúc, xin ngụm nước, khát nước quá!”. Cô tên Sơn nói: “Em cũng mỏi chân rồi! Chúng ta vào chơi lâu lâu nhé!”. Cô tên Vân cười, nói giọng trêu chọc: “Hay là đã thích anh nào rồi? Khai thật ra đi kẻo chị em ta lại đụng nhau thì lôi thôi!”. Cô tên Sơn thoáng đỏ mặt, nói: “Chị thích anh nào thì chọn trước đi, còn lại phần em, đui què mẻ sứt gì cũng được!” Hai cô cùng cười rúc rích. Một anh lính thấy hai cô gái đứng ngoài đường nói cười với nhau mà chưa đi vào ngay, nói vọng ra: “Hai cô bàn mưu tính kế gì đấy, chúng tôi nghe thấy hết rồi!”. Hai cô gái cùng đi vào, cô tên Vân nói: “Chúng em đang tính kế bỏ bùa mê các anh đó!”…
Trong Trạm chỉ có hai người, Trạm Trưởng tên Nhất và Trạm phó tên Nhị, đang chuẩn bị ăn cơm trưa. Còn hai anh lính tiếp phẩm tên Tam và Tứ đi chợ chưa về. Thấy Nhất và Nhị đang dọn cơm, cô tên Vân nói: “Cho chúng em ăn với, cơm bộ đội chắc là ngon lắm!”. Cô tên Sơn nói theo: “Em cũng muốn ăn nữa!”. Trạm Trưởng Nhất cười để lộ hàm răng hô, hai cái răng cửa to đùng – gọi là răng Bàn cuốc -, có vẻ mắc cỡ. Trạm phó Nhị nói thay: “Xin mời, xin mời! Lúc nào chúng tôi cũng muốn mời hai cô ăn cơm! Chứ đã vào đây mà chỉ uống chén nước rồi đi thì chẳng phải là “Quân với dân như cá với nước”! Hai cô gái ngồi ngay xuống bên cái bàn đã bày cơm canh như là muốn ăn thật. Đúng lúc đó, có một chiếc xe ca dừng ngoài đường, có hai thanh niên nhảy xuống và đi nhanh vào Trạm, nhìn dáng vẻ như dân Anh Chị...
Vừa bước tới hè, một người nói, giọng hách dịch: “Chủ quán! Cho một con gà luộc, một chai rượu trắng!”. Trạm trưởng Nhất bước ra chắn ở cửa, nói giọng nghiêm nghị: “Đây không phải quán rượu! Mời hai anh đi chỗ khác!” Người thanh niên vừa nói thấy thế thì lùi hai bước, nhìn chằm chằm Trạm trưởng rồi nói gằn: “A! Thằng này láo! Cho mày biết thế nào là vỡ mồm!”. Câu nói vừa dứt thì quả đấm của người thanh niên cũng vừa bay tới mồm Trạm trưởng Nhất. Bị bất ngờ, Trạm trưởng hơi loạng choạng lùi về sau một bước thì trấn tĩnh ngay và cũng nhanh như chớp, sấn đến sát thằng kia rồi thụp xuống, bốc thằng kia lên lên cao rồi ném mạnh, thằng kia bị văng ra gần tới đường cái. Thằng cùng đi thấy vậy thì rút ngay con dao nhọn dắt sau lưng, nhằm Trạm trưởng mà đâm tới. Trạm trưởng thấy vậy thì làm một động tác giả ngã lăn kềnh xuống đất, đoạn lộn một vòng đồng thời dùng chân gạt mạnh chân đối phương, khiến nó ngã giập mặt xuống đất! Thằng kia vừa lồm cồm đứng dậy vừa nhổ cát và máu trong mồm, định bỏ chạy thì cô gái tên Sơn đã chạy ra hè từ bao giờ, quăng sợi dây có thòng lọng vào đầu nó và giật mạnh khiến nó quằn quại trên sân!...
Trạm Trưởng mồm bị sưng vù, tưởng rằng anh sẽ ra lệnh treo hai thằng kia lên cây nhưng anh nói với cô gái tên Sơn: “Thôi, thả nó ra đi!”. Cô gái tên Sơn làm thế nào mà sợi dây thòng lọng quăng thằng kia ra tới mép đường lớn, ngay sát cạnh thằng đồng bọn. Đoạn cô tháo sợi dây thòng lọng khỏi cổ nó và nói: “Tha chết cho chúng mày lần này, nhớ không được hung hăng nữa con nhé!”. Hai thằng kia van lạy rối rít rồi đi về phía Thị xã Hòa Bình, không dám ngoái lại!
Mọi người vừa yên vị quanh bàn ăn thì hai chiến sĩ tiếp phẩm Tam, Tứ vừa về tới cửa, hai người đi hai cái xe thồ lặc lè đầy ứ hàng hóa, thực phẩm…
Bốn anh lính tha thiết mời năm lần bảy lượt hai cô gái mới chịu cùng ăn cơm, tuy thế hai cô gái cũng chỉ ăn cho vui một chút! Suốt bữa cơm, mọi người không ai nói gì vì thấy Trạm Trưởng môi vẫn còn sưng. Trạm Trưởng thấy vậy bèn nói: “Mọi người nói chuyện gì đi chứ! Tôi không sao đâu, mấy vụ trầy da sứt vẩy như thế này đối với tôi như cơm bữa! Chỉ có một lần hồi mới làm quen với môn đấu vật bị mấy đô vật của làng quật ngã đau ê ẩm cả người đến bốn năm ngày mới hết!”. Sau câu nói của Trạm trưởng, mọi người sôi nổi hẳn lên với đề tài đấu vật. Thì ra cả hai chiến sĩ tiếp phẩm Tam và Tứ đều là những đô vật trẻ của làng mình, từng đi thi đấu giải của Huyện và Tỉnh! Nghĩ lại quả là Ông Trời khéo xếp đặt, nếu Tam và Tứ không là đô vật thì làm sao mà hàng ngày “vật lộn” nổi với hai cái xe thồ hàng khổng lồ kia?
Hỏi đến Trạm phó Nhị có tài gì thì anh nói: “Làng tôi nổi tiếng là Làng nói Trạng, tức nói khoác! Người Làng tôi ai cũng nói một tấc đến trời. Tôi thuộc loại “Bán Trời không văn tự”! Ấy thế nhưng tôi thuộc loại nói phét ăn tiền!”. Mọi người bảo ví dụ xem sao thì Trạm phó Nhị nói: “Một lần, bố tôi sai đi bốc thuốc cho bà nội. Đi một đoạn sờ đến tiền thì không cánh mà bay! Thì ra cái túi áo tôi nó thủng một lỗ to tướng! Làm sao bây giờ? Đang loay hoay đi tới đi lui giữa đường thì gặp hai ông có dáng quan lớn hay đại loại như thế, dừng xe ô tô ngay cạnh tôi. Thì ra xe bị “pan”, bác tài hì hục với cái xe, còn hai ông kia thì ngắm mây trời, còn đọc thơ gì đó nữa! Tôi bèn lại gần và nói: “Hai ông đọc thơ hay quá, hay hơn cả bố tôi, mà bố tôi thì hay hơn Đỗ Phủ, Lý Bạch đời nhà Đường bên Tàu!” Hai ông kia trố mắt nhìn tôi rồi cùng cười to! Một ông nói: “Chú mày nói đúng lắm! Thơ của ta với quan bạn đây chưa gặp đối thủ! Ta thưởng cho chú mày về lời nói vừa rồi!” Ông kia định móc ví lấy tiền thì tôi ngăn lại và nói: “Xin ông đừng thưởng vì làng tôi có lệ không thưởng cho lời nói mà chỉ thưởng cho hành động!” Ông kia thấy lạ hỏi: “Vì sao vậy?”. Tôi liền nói: “Vì làng tôi là Làng nói khoác, ai lại đi thưởng cho lời nói khoác!”
Ông kia định nói gì thì bác tài xế đi tới bên tôi nói: “Tôi cần một đoạn dây kẽm, cậu người vùng này hả, chạy ù về lấy cho tôi được không?”. Tôi bèn nói với bác tài: “Nhưng tôi đang bận việc rất quan trọng, không thể bỏ đi được!”. Hỏi việc gì, tôi nói: “Có một nhà buôn vịt hẹn đến mua đàn vịt của tôi. Đó, nó đang ăn trên đầm đó, gần một trăm con. Tôi phải đứng chờ ở đây!”. Ông đọc thơ liền nói: “Thì cậu cứ về lấy dây kẽm giúp bác tài đi, nhà buôn vịt tới tôi tiếp giùm cho. Cậu định bán bao nhiêu?”. Tôi nói: “Tôi bán hai trăm ngàn, bằng giá một tạ thóc!” Ông đọc thơ nói: “Thôi được, tôi ứng trước cho cậu số tiền đó, nhà buôn vịt tới tôi sẽ thu lại!” Nói rồi ông ta đưa cho tôi hai trăm ngàn, chắc trong đầu ông ta đang nghĩ sẽ kiếm được món lời ba trăm ngàn vì giá một đàn vịt một trăm con lúc đó, ai cũng biết là phải hơn năm trăm ngàn!”
Cô gái tên Sơn nói: “Vậy là anh đi lừa người ta còn gì!” Trạm phó Nhị nói: “Tôi đâu có bảo ông ta đưa tôi tiền! Có lẽ ông ta hám lợi quá nên đã vội mua cái đàn Vịt Giời đó!”. Cô gái tên Sơn nói: “Cũng phải! Ông ta đã bị một lời khen và một mối lời làm cho mờ mắt!...Nhưng bây giờ tôi đố anh nói khoác về lai lịch của tôi xem có hay không và có đúng chút nào không? Nếu đúng hết tôi sẽ làm nô tỳ cho anh suốt đời!” Trạm phó Nhị nhìn cô gái tên Vân nói: “Không biết ý cô chủ thế nào?” Cô Vân liền nói: “Đồng ý! Nhưng nếu anh nói không hay và không trúng một tý nào thì cứ hai ngày phải vào nhà tôi bổ củi, gánh nước!” Trạm phó Nhị đồng ý “cá cược bằng sinh mạng” và nói ngay: “Từ ngày gặp các cô, tức hơn tháng nay, tôi đã nghiên cứu đề tài này rồi, không ngờ đến sớm thế! Tuy nhiên tôi vẫn có thể nói và xin cam đoan là không hề sai một câu nào! Cô không phải là người vùng cao mà là người miền xuôi bị Mẹ Mìn bắt cóc từ lúc hai tuổi rồi đem bán ở chợ người Kốc Lếu và ông chủ người Mường là bố cô Vân đã mua về để làm người bạn, người hầu cho cô Vân!”. Trạm phó ngừng lời, nhìn hai cô gái thì thấy hai cô gái đều lặng người, không nói nên lời! Phải đến hết “Ba phút mặc niệm”, cô Vân mới nói thong thả từng lời: “Không sai một chữ!”. Cô Vân vừa dứt lời thì cô Sơn nhào tới nắm chặt cánh tay Trạm phó Nhị mà lay mạnh: “Anh Nhị! Tại sao anh lại biết như thế?”. Cũng phải tới ba phút, Trạm phó Nhị mới nói: “Tại vì anh chính là cậu bé bốn tuổi đã để mất cô em gái hai tuổi của mình ngay trên sân nhà mình!... Từ sau khi em bị bắt đi, gần hai mươi năm qua, ngày nào anh cũng gặp em trong giấc mơ!...Từ khi thấy em ở đây, anh đã nghĩ em chính là cô em gái đã bị mất tích của anh!”!...
Tất cả đều không thể ngờ sự việc lại dẫn đến kết cục như trong mơ vậy! Trạm phó Nhị đã tìm lại được em gái sau gần hai mươi năm mất tích! Nếu Trạm phó Nhị trở về Làng nói việc này với mọi người thì tất cả làng sẽ cho là anh nói khoác, cho nên anh tính phải nhờ cô Vân, con gái ông chủ nhà, người đã mua em anh ở chợ Kốc Lếu đem về đây, về làng anh nói thay anh!...
3.
Khi tôi và Hùng từ trên núi xuống đến Trạm Liên lạc thì mọi việc từ gay cấn, dữ dội cho đến bất ngờ như mơ tưởng chừng đã qua hết, giống như người ta thường hay nói là “Hết phim”! Nhưng không hiểu sao, cả tôi và Hùng cùng có cảm giác, dù rất mơ hồ, rằng mọi chuyện chưa phải đã kết thúc! Thứ nhất, đó là chuyện hai thằng trộm cướp (chắc hẳn là chuyên hành nghề trên xe khách) chưa thể quên trận đụng độ đầu tiên và bị ăn đòn ê chề ở Trạm Liên lạc, nhất định chúng sẽ tới trả thù bằng cách tàn ác khó mà hình dung nổi. Thứ hai, chuyện Trạm phó Nhị và cô Sơn nhận ra là anh em sau gần hai mươi năm cô em mất tích. Hình như có cái gì đó chưa hợp lý, hợp tình? Sự nghi ngờ này tuy không rõ hình hài nhưng nó đeo bám dai dẳng không muốn dứt!
Một giờ chiều, tôi, Hùng và hai chiến sĩ tiếp phẩm làm một chuyến “Cửu vạn” lên núi. Trời nhiều mây nhưng không mưa nên có gió mát, tốc độ hành quân có vẻ như nhanh gấp rưỡi mọi khi. Chỉ sau bốn tiếng đồng hồ, chúng tôi đã lên tới đỉnh núi và trở lại xuống Trạm để sáng mai đi sớm. Đến bảy giờ tối, chúng tôi đã “lăn dốc” xuống Trạm, nhanh gấp đôi lúc ngược dốc. Trong bữa cơm tối, mọi người quyết định vào chơi nhà cô Vân, tức con ông chủ nhà người Mường, người đã mua cô Sơn ở Kốc Lếu về hai mươi năm trước!
Khi tới nhà cô Vân thì chẳng ai ngờ ông bố của cô Vân bị tai nạn giao thông lúc năm giờ chiều, đã đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện thị xã Hòa Bình, hầu như cả nhà đã đang còn ở Bệnh viện, chỉ có bà vú em của cô Vân lúc nhỏ, nay đã già, ở nhà trông nhà. Khi chúng tôi nói chuyện Trạm phó Nhị đã nhận ra người em gái là cô Sơn, lúc mới hai tuổi bị Mẹ Mìn bắt cóc đem lên chợ Kốc Lếu bán và ông chủ nhà đây đã mua về cho cô Vân làm nô tỳ, thì bà vú em nói, cũng phải mà cũng không phải! Hỏi tại sao lại rắc rối như thế thì bà vú em kể: Đúng là khi cô Vân con ông chủ được hai tuổi thì ông chủ có lên Kốc Lếu mua một bé gái cùng tuổi về gọi là vừa làm bạn, vừa làm nô tỳ cho dễ nuôi, chóng lớn. Nhưng mới được chục ngày thì đứa bé bị bắt đi mất, không biết ai bắt và người ta đã đem nó đi đâu? Mấy ngày sau ông chủ lại phải đi Kốc Lếu mua đứa bé gái khác. Cô gái tên Sơn chính là đứa bé gái đã mua tại Kốc Lếu lần sau!
Trạm phó Nhị nghe xong thì buồn rũ như lá chuối xanh hơ qua lửa!...Quả nhiên linh cảm của tôi và Hùng đã đúng! Song cũng không thể nói chắc chắn Sơn hay cô gái đã bị bắt cóc ở nhà ông chủ người Mường là em gái Trạm phó Nhị! Tôi nói với Trạm phó Nhị rằng chỉ có về Hà Nội xét nghiệm ADN thì mới biết chính xác Sơn có phải là em gái anh hay không! Nhưng Trạm phó Nhị nói: “Tôi muốn tất cả chúng ta coi như không có buổi nói chuyện với bà vú em hôm nay!”. Trong khi Trạm phó Nhị tỏ ra buồn thảm và thất vọng thì Hùng lại nói với tôi: “Sao chúng ta không nghĩ rằng đứa bé bị bắt cóc ở nhà ông chủ người Mường, sau đó đã được đưa lên chợ Kốc Lếu và 10 ngày sau đó, ông chủ nhà người Mường lại đến Kốc Lếu mua trúng đứa bé của mình đã bị bắt cóc?!”
Tôi nói lại suy nghĩ đó của Hùng với Trạm phó Nhị thì anh nói: “Đúng rồi! Đơn giản thế mà sao tôi không nghĩ ra!” Nói rồi anh trở lại vui vẻ như lúc hai anh em nhận ra nhau!... Tôi nghĩ bây giờ dù có xét nghiệm ADN thì kết quả cũng không có ý nghĩ gì nữa!
Sài Gòn, 27-10-2009
Đỗ Ngọc Thạch
phongdiep.net
57 truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch trên phongdiep.net:
2. ĐỊA LINH NHÂN KIỆT
7.TRẠNG ME ĐÈ TRẠNG NGỌT 8.KÝ ỨC HÀ NỘI |
9.TƯỢNG NHÀ MỒ 10.CHUYỆN MỘT NHÀ BÁO |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét