Thứ Hai, 18 tháng 3, 2013

Website của Viện Văn học

Website của Viện Văn học


Tên miền cũ http://vienvanhoc.org.vn cùng tồn tại song song với địa chỉ mới http://vienvanhoc.vass.gov.vn trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Bạn đọc có thể truy cập website từ hai địa chỉ này.  Các dữ liệu trên website cũ đều được chúng tôi chuyển về địa chỉ mới để giúp bạn đọc theo dõi, tìm kiếm thuận lợi. 


Tin, bài, ảnh và các ý kiến đóng góp, chia sẻ của Quý vị xin gửi về địa chỉ email: vienvanhoc@hn.vnn.vn,vienvanhoc@gmail.com


Đọc tiểu thuyết "Sông" của Nguyễn Ngọc Tư, khảo về sự biến mất

16/10/2012
Đọc tiểu thuyết "Sông" của Nguyễn Ngọc Tư, khảo về sự biến mấtVới Sông, con đường thể loại văn xuôi Nguyễn Ngọc Tư đã có thêm một khúc rẽ mới là tiểu thuyết...
Mai Anh Tuấn

1/ Với Sông[1], con đường thể loại văn xuôi Nguyễn Ngọc Tư đã có thêm một khúc rẽ mới nằm trong ước tính của nhiều người là tiểu thuyết, sau khi những cột mốc danh tiếng là truyện ngắn đã trở nên bị gián cách bởi hàng loạt tản/tạp văn ít nhiều thời vụ xen vào chật chội.
Với Sông, trong cách đặt tiêu đề ngắn gọn đến tưởng như triệt hạ mọi phỏng đoán vươn tới một địa danh cụ thể (điều lí ra rất dễ bỏ phiếu đi kèm nếu chiểu theo tiểu thuyết này, như Sông Di chẳng hạn), Nguyễn Ngọc Tư càng cho thấy mình là người tận lực với cơ địa văn hóa vùng miền, bởi, xét rộng hơn, phần lớn những không gian nổi bật, những hình tượng nghệ thuật vươn tới biểu tượng trong tác phẩm Nguyễn Ngọc Tư, một cách chủ ý, đều dấp dính sông nước và những hắt bóng của nó như lời ăn tiếng nói, phong cảnh tập tục, đến nhân tình thế thái. Chính bởi cảm thức sông nước được duy trì ẩn ngầm trong hàng loạt trang viết trước đó nên Nguyễn Ngọc Tư, giờ đây, hoàn toàn đủ năng lượng để khảo nghiệm nó như một thực thể kiến tạo nên đặc trưng xứ sở và đồng thời, như là hạt nhân cấu trúc mạch chuyện, nơi thâu nhận toàn bộ diễn biến của ngoại giới, của đời sống mà nó, những dòng-sông-nước, đã chất chứa định mệnh đồng hành. Cũng phải nói thêm, nhờ sự thoáng chốc tan biến của Sôngkhi đọc lên, ngay từ đầu, nghi lễ khai sinh đã không còn vẫy gọi giọng điệu vang dội như hợp âm bốn chữ rải đều Cánh đồng bất tậnBiển người mênh môngThương quá rau rămKhói trời lộng lẫyBiến mất ở Thư Viên…, mà đơn độc chỉ dẫn về một đích ngắm biểu đạt sự ngắn ngủi, vụt hiện, tan chảy triền miên của cái hiện hữu trước mặt. Từ đó, lối viết trong tiểu thuyết này cũng sẽ có vài biến đổi dựa trên đà sẵn có của một phong cách văn chương đậm chất Nam bộ rất định hình.
            2/ Thoạt tiên, Sông như một thiên tiểu thuyết – du khảo. Không khó để lẩy ra các bằng cứ cho sự hợp nhất này: một chuyến đi thám hiểm sông Di của ba chàng trai trẻ tuổi (Ân, Xu, Bối) mà hành trang của họ là máy ảnh, điện thoại, bản đồ, sổ ghi chép – nghĩa là, với chừng ấy khả năng lưu lại, ghi nhớ, chuyến đi sẽ cụ thể hóa những gì tai nghe mắt thấy theo đúng tinh thần sách kí sự như lời ông sếp của Ân gợi ý; một tư liệu khảo cổ của người Pháp và cả vài cuốn sử kí, địa dư trong quá khứ mà nhân vật chính, Ân, lấy làm cảm hứng so sánh với sự biến đổi hiện tại, điều thuộc về thao tác đương nhiên của kẻ hậu thế coi trọng thực chứng hơn là từ chương sách vở như Ân; những di ngôn của các nhà du khảo đã neo lại trong trí nhớ vốn không trật tự của Ân vẫn cứ nảy lên đúng lúc để luôn trở thành động lực thúc giục ước muốn quẳng mình về phía trước, bất chấp mọi rào cản khó khăn, hiểm nguy trên hành trình. Ba người trẻ tuổi đó, với nỗi háo hức được đi, “đi đâu không quan trọng, miễn là được đi “ (tr.7), hay đúng hơn, được phượt mà giới thị dân hôm nay ưa chuộng biến thành trào lưu, xứng đáng điển hình cho tâm tính của thế hệ đôi mươi coi trọng thực đơn cảm giác trải nghiệm gian khổ hơn là co rút trong vỏ bọc văn hóa tiêu dùng hiện đại, xa xỉ. Và, có lẽ thuyết phục hơn hết, là, đằng sau các bày biện rất có nghề của cuộc phiêu lưu, từ sự lập nhóm, làm việc nhóm, các va chạm nhỏ nhặt, các phương tiện đi lại đến cách vận dụng “tri thức bản địa” trong việc hỏi đường quá giang…, nhà văn đã phơi mở lần lượt các địa danh, địa phận và phác thảo nó theo xu hướng đặc tả không gian riêng biệt nhất có thể: ngã Chín, Tân Quới, chợ Bình Khê, chợ Lệ Kiều, Minh Hải, Đồng Nàng, Băng Khâu, Trấn Biên…Chỉ cần đeo đuổi những cái tên đó, một cảm giác xứ lạ (exotic) sẽ đến tức thì với người đọc, dù họ, đang cùng chung với mảnh đất cực Nam tổ quốc thứ ngôn ngữ mẹ đẻ.
            Mặc lòng có cột cây số, có ghe-chợ, có tên đất tên người lùi lại phía sau, Sông vẫn không hề là một thiên du kí đơn thuần. Và tính chất hành trình bày chật ở đây sẽ không hiển thị khô cứng như sản phẩm của thứ tour-guide trá hình vốn đang xuất hiện khá nhiều trên văn đàn thời gian gần đây. Trong mạch di chuyển có thật nhờ yếu tố địa chí xếp chồng, trong các khuôn hình lần lượt được đính kèm như một cuốn phim quay chậm, trong mỗi khoảnh khắc thoáng hiện sắc nước mây trời một lần duy nhất không kịp tái lặp, Sông lại có khả năng thấu tụ các chiều hướng tĩnh lặng, xoáy sâu và thậm chí, bị hút vào một tiêu điểm đứng yên thăm thẳm: sự biến mất của con người, của thế giới này trong vẻ bề ngoài hiện hữu vĩnh cửu. Ngay tại tiêu điểm ấy, những tìm biết và thức nhận không gian của nhân vật, rất ngạc nhiên, lại trái chiều với thực tế cuộc hành trình, để rọi chiếu vào kí ức, du ngoạn trong cõi vực suy tư đơn độc và khó nắm bắt nhất của mỗi cá nhân. Bởi vậy, nếu sự di chuyển địa điểm chỉ có thể diễn ra với thân, theo nghĩa dấn thân hoặc vong thân nơi xa lạ, thì sự tĩnh lặng lại chạm khắc vào tâm, nơi trú ngụ của “quá nhiều vết thương kín đáo” (tr.79). Nét độc đáo của Sông là các điểm nhìn có khi đồng thời qui chiếu cả thân-tâm, liên/xuyên trạng thái đi-nghĩ để tạo nên du khảo kép về cuộc hiện hữu trần thế và tâm thế.
            Biến mất ở Sông, trước hết, như là một thực tế thường ngày. Khi con sông Di bị những dãy nhà hai bên bờ “chồm ra bóp nghẹt” thì cách mà nó đối đáp với con người là “trả đũa cho đến khi những ngôi nhà lần lượt đổ vào sông” (tr.26). Mức độ chóng vánh và tàn khốc của cuộc trả đũa ấy, trong thế bị động yếu ớt mà con người đem ra ứng phó, đã khiến cho sự biến mất trở nên bình thường, và dưới dòng sông nước, một đời sống vừa hiển hiện đã bị xóa đi tàn tích “từ trò chơi ngẫu hứng của sông Di” (tr.31). Một hiện-hữu-trôi: nhà trôi, rừng trôi, miếu thờ trôi, “chúng ta đang trôi”…, không gì khác, là cảnh tượng sống của một vùng miền được tạo tác bởi sông nước, được duy trì bởi tố chất lang bạt, phóng khoáng đến bất cần lưu cửu trong từng xuồng ghe, làng ấp. Nhưng rất khác với Rừng mắm của Bình Nguyên Lộc, nơi lớp người “tiên phuông” đi khai hoang trở nên đẹp đẽ bởi tư thế ngã xuống làm bùn đất lót đường cho con cháu mai sau; cũng rất khác với Mùa len trâu của Sơn Nam có một thế giới rũ mục sẵn sàng tái sinh sau mất mát chia lìa, sự hiện-hữu-trôi trong Sông của Nguyễn Ngọc Tư là bình thường đến dị thường, là quen thuộc đến thảng thốt, là chạm đến vùng chết/hủy bất khả phục dựng mà con người nơi đây phải đối diện, gánh chịu. Do vậy, ở bất kì một nơi chốn nào mà nhân vật đặt chân đến, cái chết, sự biến mất, bỏ đi, trống vắng…, cứ vây bọc lấy không gian hết sức ám ảnh : xác người từ ngã Chín trôi về, “lúc nổi lên họ vẫn còn ôm ghì nhau” (tr.24); Tầm Sương bị sông Di “nhón đi”; ở Tân Quới có Út Hết “bị án chung thân” vì đã giết năm mạng người; ở Bình Khê có cậu tân khoa “đang học bên Na Uy thì đột tử”; Lệ Kiều “đẹp nhất nước” nên một đứa trẻ bị bại liệt phải “dời ra khỏi thị trấn” còn người Ủ ở làng Ể Uu nơi Trấn Biên xa xôi thì từng bị diệt vong… Càng điềm nhiên liệt kê, sông Di, trong tư cách chuyên chở các tích chuyện, càng bồi đắp những vùng định cư bị biến mất, bị lãng quên vì sụt lở, vì chiến tranh, li tán, vì mưu sinh. Do đó, kinh nghiệm về hiện hữu hoàn toàn được trục vớt từ kí ức, tích lũy từ lời kể mà dấu vết quá vãng hiện lên bao giờ nhọc nhằn, chua chát, đau đớn. Nguyễn Ngọc Tư đã không chọn cách thi vị hóa, lí tưởng hóa như các bậc tiền nhân khi ngoái nhìn xứ sở mà giải phẫu nó theo những sang chấn tâm lí bất trắc, bất an, thua thiệt đã thường xuyên phủ ập lên miền đất hẻo lánh .
            Biến mất để tồn tại, để được tìm kiếm, nhớ nhung và nhắc tới, trong chừng mực nào đó, là một ý niệm mới mẻ được tiểu thuyết này đề cập. Cuộc chơi ba người, sau gần nửa hành trình, chỉ còn Ân và Xu. Bối, kẻ chỉ thích săn những cơn giông, khoái cảm với sự vần vũ của trời, khoái kịch tính vì trót sinh ra trong gia đình trí thức tẻ nhạt, bỗng nhiên biến mất không lí do, “như thể một cơn lốc xoáy đã vùi thân xác anh ta vào đụn cát, một tia sét nóng ba chục ngàn độ đã làm tan chảy đến mẩu xương cuối cùng” (tr.131). Ân “ngờ rằng Bối đang chơi trò mất tích để được tìm” (tr.71) nhưng trong bộ sưu tập cái chết đến từ giấc mơ của cậu thì  “Bối nằm dưới đáy sông, miệng đầy rong rêu và chỗ mắt Bối có con cá nhỏ thập thò” (tr.141). Bối đã chết hoặc biến mất, cả hai đều chỉ ném ra như một truy vấn không hồi đáp, ngoại trừ cảm giác hụt hẫng nhói lên giữa chuyến đi của hai người còn lại. Sẽ thật khó coi chi tiết Bối mất tích mang màu sắc phi lí, hệt như sự biến mất của con người trong xã hội kĩ trị, cũng không dễ qui đó như cảm thức hiện sinh về kiếp sống hữu hạn đã chọn cái chết làm giá trị đáng kể. Cách Bối bị/tự mất, trong tương quan với trò chơi của sông Di, là cách chống lại sự quên, chống lại tính dè xẻn yêu thương mà đồng loại đang nối dài. Cũng như Bối, Xu, một đứa trẻ mồ côi chọn chuyến đi để hiểu thêm nguồn gốc mình, đã cất tiếng hát “grừ grừ” kì quái như “tiếng của một con thú khẩn thiết kêu bầy” (tr.56). Xu không tự biến mất nhưng lại chọn cách kết thúc chuyến du khảo ở Túi, cái rốn của giông gió, nơi sẽ chấm dứt mọi phấp phỏng, phân vân mà cậu từng chia sẻ với Ân. Rồi chính Ân cũng cần sự biến mất, hay đúng hơn, đang biến mất để có cảm giác tồn tại. Bởi chỉ như vậy, Ân sẽ gây mong nhớ cho người mẹ vốn bận bịu với quá nhiều đàn ông theo đuổi; sẽ gây hi vọng cho sếp, người đã nhờ anh tìm lại hình bóng giai nhân một thuở; sẽ được lục lọi trí nhớ để không nguôi ngoai kỉ niệm với chị San, với Tú, hai người tình bất thành tính dục của anh. Có một sông Di ngược hướng trong Ân bởi anh chỉ dẫm chân tại chỗ với mặc cảm lạc loài, dị biệt bám chắc dưới ý thức che đậy: anh là đứa trẻ không trưởng thành, là kiểu đàn ông chỉ xúc cảm với đồng giới. Ân mang theo thân thể tinh khiết để vùi lấp vào sông Di, như cách tuyệt tự cơ hội được sống là mình, được phô bày khuyết tật mà số phận đã sắp sẵn. Nếu trên hành trình du khảo, Ân đã không thể trở về như kiểu người hùng Ulysees – dù là người hùng tự thêu dệt, với khúc ca hồi hương tuyệt đẹp của mình, thì trong cuộc đi yên tĩnh của chính anh, Ân đóng vai là kẻ biến mất hoàn hảo và kết thúc bằng sự thật là cuộc đi ấy chưa hẳn diễn ra trên con sông Di cụ thể, mà đã diễn ra miệt mài trong dòng-sông-trí tưởng, nơi anh tự quyết sự hiện hữu của bản thể mình. Với Ân, hay Bối và Xu, rõ ràng, họ đủ lí do tồn tại nhưng đồng thời cũng cưu mang khả năng tiêu tán, tách rời khỏi đời sống để mà cắt nghĩa nó tường tận hơn.
3./Đặt Sông bên cạnh Sầu trên đỉnh PuvanBiến mất ở Thư Viên, có thể thấy Nguyễn Ngọc Tư ngày một du khảo kĩ hơn tâm thế giới trẻ, kể cả việc phải dụng các đề tài thời thượng như một thao tác cấu thành tác phẩm mà nhờ nó, có thể vươn tới những phát hiện sắc sảo, thấu đáo. Ở Sông,câu chuyện về phượtđồng tính chỉ là cái vỏ, là vẻ hấp dẫn bề mặt dù rằng nhà văn đã rất công phu trong việc ẩn giấu nó, đẩy nó lùi về sau các lớp chuyện phong cảnh địa chí. Chỉ khi các mạch suy tư về hiện hữu/biến mất được lắng kết thì phần lõi ý tưởng mới tỏ rõ sức truyền đạt mạnh mẽ. Điều này chi phối cách nhà văn tạo giọng điệu tiểu thuyết: bên cạnh giọng điệu tưng tửng, hóm hỉnh, giễu nhại thường thấy, là giọng văn sắc lạnh, trưng thông tin mà lược cảm xúc. Nhiều câu văn đột ngột tách dòng, án ngữ như một định đề ngắn gọn. Nếu coi “văn lạnh trơ, đọc sợ” và “người viết giỏi thì không được và không nên thương hại nhân vật của mình” (tr.213) là một chủ ý khi viết Sôngthì quả thật, tiểu thuyết này gây không ít hoang mang cho người đọc. Liệu cái chết/sự biến mất của Bối là vì giông gió hay vì Xu, người từng dọa giết Bối; hay vì cơn sốc thuốc như lời kể của Bí Đỏ khi mang tro cốt anh trai nhập cuộc chuyến đi ? Liệu Ân, Xu đã chìm nghỉm giữa lòng Túi hay chỉ là đoạn kết của hành trình nằm trong tưởng tượng? Tôi không cho rằng cách kết thúc tác phẩm là mới lạ nhưng nó lại trùng khít với tinh thần du khảo: sự thật sẽ hiện hữu khi người trong cuộc lên đường khám phá và sự thật cũng biến mất khi trí nghĩ tịch diệt tức thì.
HN,18/9/2012
[1]  Nguyễn Ngọc Tư, Sông, tiểu thuyết. Nxb Trẻ, 2012. Các trích dẫn tác phẩm trong bài đều lấy từ văn bản này.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét