newvietart.com/index3.3049.html
3 Tháng Năm 2011 ... CON TẠO XOAY VẦN. ĐỖ NGỌC THẠCH. Không hiểu ... Con bé con của tôi mới có sáu tuổi nhưng đã biết khen bố nội trợ giỏi. Và có ai hỏi bố ...
CON TẠO XOAY VẦN
ĐỖ NGỌC THẠCH
Không hiểu sao hai chữ “thất nghiệp” nó cứ bám lấy tôi dai như đỉa đói? Lần này chắc là tuyệt lộ vì sức đã yếu, tuổi đã đến gần “ngũ thập”, cũng có thể gọi là tuổi cao được rồi? Thực ra, cũng có mấy thằng anh em đồng hao đang làm ông chủ nhỏ kêu đến làm thợ, nhưng tôi không đến bởi sau hàng loạt đại gia tỉ phú rớt đài, lộ mặt làm ăn bất chính, tôi có ác cảm với giới kinh doanh. Tôi cũng đã thử đi bán vé số được mấy ngày, nhưng quả là dây vào cái anh “cờ bạc” này không được: bán cho thiên hạ thì ít mà tôi “ôm” – tức tự mua của mình – thì nhiều, cho nên lỗ vỡ mặt. Bà vợ đành chấp nhận cho tôi ở nhà nội trợ, nấu nướng, giặt rũ cho hai mẹ con. Con bé con của tôi mới có sáu tuổi nhưng đã biết khen bố nội trợ giỏi. Và có ai hỏi bố ở nhà làm gì, nó hãnh diện trả lời : “Bố ở nhà làm cô giáo” và nó hát : “Lúc ở nhà bố cũng là cô giáo / Khi đến trường cô giáo như bố già !” Ai mới nghe cũng cười bò, nhưng với tôi, câu nói ấy là tiếng của định mệnh.Hôm ấy là thứ năm, con bé nhà tôi nghỉ học (nó đang học lớp Lá, trường Mầm Non) ở nhà. Tôi bày đủ các thứ đồ chơi, sách tập viết, tô màu ra để làm nhiệm vụ cô giáo. Hết chơi đồ chơi rồi tập vẽ, tập viết, tô màu rồi múa hát tưng bừng theo cát-sét có đủ các bài hát mẫu giáo. Được một lúc lâu, có một cô gái khoảng ngoài hai mươi tuổi đến, ngập ngừng một lát rồi nói :- Em cứ ngỡ đây là lớp mẫu giáo, tính gửi hai đứa nhỏ.- Đúng là mẫu giáo đó. Nhưng chỉ có một em bé này thôi!- Anh là đàn ông mà trông trẻ giỏi như cô giáo trường Mầm Non…- Chắc kiếp trước tôi làm cái nghề này. Mà tôi cũng thích chơi với con nít lắm, được vô tư quên hết sự đời!- Nhà em ở ngay sát sau nhà anh, gần nhà xa ngõ nên anh không biết. Những khi bố con anh múa hát, hai đứa bé nhà em nó thích lắm, cứ đòi dắt sang chơi.- Thì cô cứ đưa chúng nó qua chơi. Trẻ con mấy nhà kế bên thường vô nhà tôi chơi cứ như nhà trẻ. Trẻ con bây giờ nó thích có bạn. Hôm nào con bé nhà tôi ở nhà là nó gọi các bạn vào chơi đầy nhà, múa hát, la hét om xòm…- Em đã hỏi mấy người hàng xóm của anh, biết anh trông trẻ rất khéo nên muốn anh làm gia sư cho hai đứa bé nhà em!- Cô mướn tôi làm gia sư ?- Vâng. Nếu anh nhận lời, em sẽ trả công xứng đáng!Sau đó, cô gái đưa tôi sang nhà cô để gặp hai đứa nhỏ. Nhà cô gái đâu lưng vào nhà tôi nhưng thuộc con hẻm khác, cho nên gọi là cận kề mà chẳng bao giờ biết nhau nếu không có buổi này. Hai đứa bé mới hơn bốn tuổi, sinh đôi, khá xinh xắn, bụ bẫm. Bố nó trước là giám đốc một bệnh viện ở ngoài miền Trung, sau khi các tỉnh đồng loạt được tách đôi, ông giám đốc được điều vào Nam làm chủ tịch một thị xã, hiện mới lên chức phó chủ tịch tỉnh.Tuy là tỉnh lẻ nhưng cũng thuộc ngạch chúa tể một vùng, ông phó chủ tịch đã tìm mua nhà ở Sài Gòn cho vợ con về ở riêng, khỏi vướng víu nơi “công đường” mà ông đương nhiệm. Cô gái, mẹ của hai đứa trẻ, tức vợ của ông phó chủ tịch tỉnh năm nay mới hai mươi ba tuổi, có vẻ đẹp thôn nữ và vốn là gái quê trăm phần trăm, mười bảy tuổi đã lấy chồng, thoát khỏi cảnh chân lấm tay bùn nơi đồng ruộng, bây giờ chỉ có mỗi nhiệm vụ làm mẹ hai đứa trẻ và làm vợ ông phó chủ tịch tỉnh, nhưng việc làm vợ rất nhẹ nhàng vì mỗi tháng ông chồng chỉ tạt về hai ba ngày, có tháng chỉ “phôn” về mà thôi! Người mẹ trẻ muốn thuê gia sư là do sự mách bảo của một bà hàng xóm, cũng là vợ quan tỉnh lẻ : muốn trở thành tầng lớp “quý tộc” đích thực thì phải có người hầu, có gia sư để rảnh rang mà đi học Aerobic (thể dục thẩm mỹ), đi học ngoại ngữ, tin học…Thế là chỉ ngay ngày hôm sau, tôi đã chính thức trở thành gia sư của bà phó chủ tịch tỉnh. Tôi không ngờ là buổi nhận việc của mình vui vẻ đến thế vì bà chủ làm lễ khai trương cho hai cậu ấm rất linh đình . Khách khứa có khá đông và toàn là vợ con của các VIP. Điểm đặc biệt là những đứa bé là khách ấy đều có gia sư của nó đi cùng. Các gia sư đó, toàn là sinh viên trẻ măng, đeo mắt kiếng cận loang loáng. Khi nhìn thấy các gia sư “đồng nghiệp”, tôi thoáng giật mình vì lo sợ cho sự già nua đơn độc của mình, mình làm gia sư sẽ không hợp, không đúng mốt thời đại chăng ? Nhưng sau khi nghe bà chủ nhà giới thiệu gia sư của hai cậu ấm, các bà khách và các gia sư đồng nghiệp đều trầm trồ khâm phục thì tôi mới thở phào. Một bà khách son phấn rất khéo nhưng vẫn không dấu được những nét “xế chiều”, cứ nói đi nói lại hoài câu này :- Hai cậu quý tử thật là tốt phúc, có gia sư trình độ đại học, lại đã kinh qua nhà giáo, nhà báo, nhà thơ như thế thì học chẳng mấy chốc mà thành tiến sĩ !Và đến khi một trong các gia sư – sinh viên kia nhận ra tôi và chào thầy thì bà chủ nhà hãnh diện vô cùng (chả là cậu sinh viên kia là học trò cưng một anh bạn tôi đang dạy ở trường đại học). Còn bà khách kia thì reo lên :- Trời đất ơi, thế thì phải gọi là thầy gia sư, đại gia sư! Ước gì tôi trở lại tuổi bé con để được ngày ngày học hành!Và trong suốt buổi tiệc, bà khách này cứ cụng li với tôi hoài và cứ “kèm sát” tôi khiến tôi chút xíu nữa thì quên béng cả nhiệm vụ gia sư mới mẻ của mình!Nếu cứ đi theo mấy bà khách VIP này có thể triển khai thành tiểu thuyết bộ ba, cho nên tôi xin đừng mọi chuyện ở đây để hướng tới nhân vật chính của tôi trong cái truyện ngắn này là ông chủ nhà hiện vắng mặt, tức ông phó chủ tịch tỉnh.Nghe bà chủ nhà nói ông chủ đã kinh qua hai cuộc kháng chiến, huân chương đầy ngực thì tôi rất kính nể và ngày ngày chỉ mong ông tạt về nhà để được diện kiến. Vì thế, tôi rất chăm chút cho cái công việc gia sư của mình, nhiệt tình, cẩn thận tới mức có lần bà chủ phải nói :- Trời ơi ! Nhìn anh dạy hai đứa trẻ cứ như là luyện thi đại học ấy! Chủ yếu là anh chơi với nó, làm bạn với nó, còn nó học được chữ nào thì học, không học được thì thôi!- Nhưng hai đứa trẻ này rất ham học, mới có một tuần mà nó đã thuộc hết chữ cái và đếm được từ một đến hai mươi rồi đấy. Ngoài ra còn thuộc ba bài hát, bảy câu ca dao…- Thôi, thôi…Tôi không cần nó học giỏi mà cần nó nhanh nhẹn, hoạt bát để sau này nó khôn ngoan trong cái nghề làm quan như bố nó…Đó, anh cứ lấy cái đời anh ra mà xem, học nhiều mà có được cái gì ?- Tức là bà chủ muốn tôi dạy nó làm quan chứ gì ?- Đúng ! Không cần học chữ nhiều, chỉ cần biết ký là đủ. Anh chịu khó đóng vai lính hầu, thư ký hay nhân viên gì đó để cho chúng nó đóng vai sếp. Tôi nghĩ là phải học làm quan từ bé thì sau này mới làm giỏi được!- Ôi, vậy thì quá dễ! Giống như đóng kịch trên sân khấu ấy mà. Cái này thì tôi quá rành vì đã có nhiều năm nghiên cứu về sân khấu!Thế là từ đó, tôi dạy cho hai thằng bé những điệu bộ của các vua chúa trong các vở tuồng cổ. Không ngờ hai đứa bé này lại có năng khiếu sân khấu đặc biệt và sân khấu đã nhiễm vào máu nó tới mức, lúc gọi mẹ, nó không nói “Mẹ ơi” mà “Ái khanh ơi !...”, còn khi gọi tôi thì nó hét lên “Bớ lão sư !...”. Nhìn cung cách của hai đứa trẻ, tôi nghĩ dứt khoát nó phải là con của dân hát tuồng và điều phán đoán của tôi đã được giải đáp khi gặp ông chủ nhà, tức ông phó chủ tịch tỉnh.Phải sau gần một tháng tôi làm gia sư cho hai đứa trẻ, ông chủ nhà mới về với vợ con. Vừa nhìn thấy tôi, ông phó chủ tịch tỉnh đứng sững, trố mắt nhìn tôi rồi nói được đúng hai tiếng :- Cậu Tiến !...Sau hai tiếng ấy, những hình ảnh tuổi ấu thơ của tôi hơn bốn mươi trước bỗng ào ào chảy về như thác lũ!...Khi tôi còn nhỏ, khoảng bốn, năm tuổi, tôi ở với ông bà nội và tên gọi của tôi lúc ấy là Tiến. Ông nội tôi lúc đó là ông lang Đại Đạo nổi tiếng, còn bà nội thì có xưởng chế biến trà và sản xuất giấy gió, qui mô làm ăn như thế nào, mãi sau này tôi cũng không để ý, mà chỉ nhớ rằng , ở với ông bà rất sướng, có vú em riêng và “vệ sĩ” riêng . “Vệ sĩ” của tôi lúc đó là “Lư ghẻ”- một thằng bé ghẻ lở đầy người, chỉ còn da bọc xương bị bố mẹ nó quẳng ngoài chợ rồi được bà tôi thương tình nhặt về, sẵn thuốc của ông tôi, chẳng bao lâu nó lành lặn, khỏe mạnh khác thường, ông tôi thấy vậy thì đặt tên nó là Lư và giao cho nó một nhiệm vụ duy nhất là ngày ngày dẫn tôi đi chơi quanh làng – và điều làm cho tôi nhớ mãi “Lư ghẻ” là nó chỉ lớn hơn tôi hai tuổi nhưng rất khôn ngoan trong quan hệ xóm làng và chăm nom tôi rất tận tình, chu đáo. Chúng tôi ở với nhau cho tới ngày giải phóng Thủ đô Hà Nội, tôi theo bố mẹ về Hà Nội và xa Lư từ đó. Trước khi ông tôi mất, tôi có gặp lại Lư khi Lư đến thăm ông tôi. Lư kể, sau khi cả ông bà tôi cũng bỏ về quê về Hà Nội với bố mẹ tôi thì Lư nhập ngũ.Một thời gian, Lư đi học một lớp y tá ngắn hạn. Khi có phong trào tình nguyện đi chiến trường B, Lư xin đi chỉ vì lý do làm y tá cho một đơn vị bộ đội làm kinh tế buồn quá, và cũng có người thật tình khuyên Lư là muốn tiến thủ thì phải đi đây đi đó, còn chuyện sống chết nó có “số”, nếu tới “số” thì không ở chiến trường cũng chết! Thế là Lư đi B, vào thời điểm còn bí mật nên có giá lắm. Đúng là cái “số” của Lư gặp may, Lư được giao nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho cơ quan chỉ huy. Sẵn có sức khỏe hơn người, mỗi khi hành quân, chuyển địa điểm, Lư mang vác hết đồ cho các thủ trưởng mà vẫn đi như bay, khi qua suối lội ruộng, Lư lại còn cõng các thủ trưởng trên lưng mà như cõng trẻ con, cứ đi băng băng chẳng hề thở giốc! Vì thế, Lư được các thủ trưởng yêu mến lắm, tới mức khi biết Lư đọc tên thuốc chưa thạo, các thủ trưởng chỉ cười xòa và bảo sẽ cho Lư đi học lại và học hẳn Bác sĩ. Thế rồi cái dịp đi học ấy cũng đến: Lư áp tải một đoàn cán bộ ra Bắc an dưỡng và được gửi đi học luôn. Những năm ấy, vào đại học chẳng phải thi cử gì ráo, Lư lại thuộc diện ưu tiên nên vào học là được chỉ định làm lớp trưởng (thời đó, những người đã kinh qua vài năm công tác thường làm lớp trưởng và nói chung là được các thầy giáo ưu ái hơn cánh học sinh ở trường phổ thông vào thẳng đại học). Công việc của lớp trưởng thời chiến tranh khá nhiều và rất được coi trọng và nó đã chiếm hết thời gian. Vì thế, Lư chỉ chăm chú vào công tác quản lý, lãnh đạo và được nhìn nhận là một người có năng lực quản lý, lãnh đạo. Vì thế, khi mãn khóa, Lư được trường giữ lại làm công tác Đảng, đặc trách công tác thanh niên. Không hiểu sao lúc ấy lại thiếu cán bộ lãnh đạo các bệnh viện, thế là Lư được điều về làm giám đốc một bệnh viện ở một tỉnh miền Trung, nơi rất cần những cán bộ “vừa hồng vừa chuyên”…Lư thường ra Hà Nội họp và có đến thăm ông tôi, có hỏi về tôi nhưng chỉ gặp được tôi một lần. Lần ấy, gặp tôi, Lư mừng lắm, nói :- Như thế là cậu đã thành đạt rồi đấy: tốt nghiệp đại học, lại được làm việc ở một viện nghiên cứu lớn nhất nước. Cậu phải khao đi chứ?- Khao? Lấy gì mà khao? Tiền lương chỉ đủ ăn mười ngày, còn hai mươi ngày ăn… không khí. Cứ đà này không biết sống đến bao giờ?- Cái đói nghèo, rồi cũng qua thôi. Rồi cậu sẽ được đi nghiên cứu sinh nước ngoài, đời cậu sẽ lên tiên !- Đi ngoài ra nước thì có!- Ôi, không bù cho ngày xưa, ông bà cậu giàu thế, có thể nuôi cả một trung đoàn…Cậu Tiến ơi, tôi thật tình muốn giúp cậu món tiền để cậu cầm cự với cuộc sống cho khỏi cái đận khó khăn này, nhưng chỉ sợ cậu hiểu sai tôi?- Nếu anh giúp được tôi thì quý quá, có gì mà hiểu sai? Với tôi bây giờ, càng nhiều càng ít!- Chả là thế này: Đợt này, tôi ra Hà Nội học một lớp quản lý cao cấp …- Ồ, anh được đi học làm quan, được thăng chức đó. Chúc mừng anh!- Chỉ có cậu tôi mới nói thực tình. Tôi tuy có cái bằng bác sĩ thật đấy, nhưng không hiểu sao, cả cái nghề y mà tôi học hành, theo đuổi bao nhiêu năm nay, tôi chỉ nhớ có thuốc tím, thuốc đỏ và bông băng mà thôi!- Ôi dào! Anh chỉ nghĩ vớ vẩn. Một người biết lo bằng kho người biết làm, anh là cán bộ lãnh đạo, quản lý chứ có phải mó tay trực tiếp vào bệnh nhân đâu? Người có chuyên môn đâu có thiếu, bác sĩ bây giờ như lợn con, thất nghiệp hàng đống, nhưng người có tài lãnh đạo hiếm lắm. Anh cứ yên tâm đi.- Nhưng tôi không yên được…Ông của cậu cũng khuyên tôi là không nên làm bác sĩ nữa, thế nào cũng có lúc làm chết người!- Thì tôi đã nói rằng anh làm giám đốc chứ có làm bác sĩ đâu?- Thôi, cậu đừng tranh luận với tôi, cậu là nhà lý luận, tôi đọ sao nổi. Tôi là người hành động. Bây giờ tôi nói thế này, cậu phải giúp tôi, đó là tôi đòi nợ cậu những ngày tôi đã cõng cậu còng cả lưng!- A!...Thôi được rồi, nói đi, tôi sẽ thanh toán sòng phẳng!- Cậu hiện đại thật, tôi quý cậu là ở chỗ đó. Bây giờ thế này nhé. Tôi sẽ “làm chính trị”, và tôi đã làm được một nửa rồi đó. Cái bằng đại học Tổng hợp văn khoa của cậu sẽ rất có ích cho tôi, trong khi đó, nó lại nằm mốc meo trong đáy tủ sách của cậu!- Trời ơi, sao anh nói đúng thế. Hôm nọ dọn nhà, tôi dở ra thì cái bằng của tôi đã bị mọt đục ba lỗ, may mà chỉ vào những chỗ trống!- Đó, cậu thấy chưa! Bây giờ cậu đưa nó cho tôi, tôi sẽ biếu cậu mười hai tháng lương, đủ để cậu sống đến lúc được đi nghiên cứu sinh! Và không chỉ có vậy, nếu cậu gặp khó khăn gì, tôi sẽ cố gắng giúp cậu!- Tôi hiểu rồi! Nhưng người ta truy ra anh giả mạo giấy tờ, tôi cũng bị liên can thì sao ?- Trời ơi, cậu có lớn mà không có khôn. Cứ coi như cậu đánh mất. Còn tôi, tôi vẫn ghi danh dự một khóa học, và tất nhiên thi thoảng cũng đến lớp cho thiên hạ biết. Việc đổi tên cho cái bằng không khó khăn gì, chẳng ai biết đâu, trừ tôi và cậu. Bây giờ, còn nhiều việc gian lận tày đình ấy chứ!- Thôi được rồi, ô kê! Nhưng để tôi sao ra mấy cái đã!- Tôi sẽ sao cho cậu mấy chục cái luôn!Sau lần ấy, tôi tưởng rằng chẳng bao giờ gặp lại Lư nữa. Số tiền bằng mười hai tháng lương tôi tiêu vèo trong có một tháng! Rồi máu giang hồ không cho tôi lòng kiên nhẫn để ngồi đợi đến lượt nhận một “xuất” nghiên cứu sinh, tôi đã đi theo mây gió…Khi tôi bất ngờ gặp lại Lư ở vị trí gia sư như đã kể trên là sau gần hai mươi năm, kể từ lúc tôi đổi cái bằng lấy mười hai tháng lương!Lư bây giờ vẫn còn dáng võ sĩ nhưng có vẻ chậm chạp và bệ vệ, cái bụng tròn lung lủng, phải mặc quần đeo dây. Phải mất gần hết một ngày một đêm Lư mới kể hết những chuyện của Lư gần hai mươi năm qua. Lư bảo, nếu vận Lư phát mạnh, lên tới chức Bộ trưởng hoặc Thủ tướng, Lư sẽ cho tôi độc quyền được phỏng vấn báo chí và viết về tiểu sử cuộc đời của Lư! Tôi giật mình bảo Lư sao lại ôm tham vọng lớn thế, Lư cười rung cả cái bụng bự mà nói rằng: “Cậu vẫn có những nét ngây thơ đáng yêu như xưa! Sự đời nó xoay vần bất ngờ cứ như là bóng đá ấy. Tăng Minh Phụng vốn chỉ là thằng chạy hàng lông nhông ngoài đường như chó dái mà trở thành đại tỉ phú. Tôi chỉ là thằng đầy tớ cho ông bà cậu, cõng cậu còng cả lưng mà bây giờ đứng hàng đầu tỉnh, khác nào vương hầu ngày xưa? Còn cậu thì ...” Tự nhiên máu tự ái sĩ diện trong người tôi nổi lên, chút xíu nữa thì tôi tung chân đá vào cái bụng bự của Lư nếu lúc đó không có tiếng khóc thét của con bé con nhà tôi vọng sang . Tôi nốc cạn một lon bia cuối cùng của thùng bia và toan đứng dậy nhưng thấy mọi vật quay tròn như chong chóng . Lư lấy khăn lạnh lau mặt cho tôi và nói :- Tửu lượng của cậu yếu quá đó, mà thể lực cậu cũng không được tốt lắm!- Tôi muốn chết quách, năm nay tới bốn chín rồi mà chờ mãi vẫn chưa thấy chết!Lư lại cười rung cả cái bụng bự :- Ấy, ghét của nào trời trao của ấy! Cậu chán sống thì ông trời lại bắt cậu phải sống. Tôi sẽ giúp cậu có việc làm đàng hoàng, ngon lành …Theo phản xạ của người thất nghiệp dài dài, tôi tỉnh như sáo:- Làm gì ? Ở đâu ?- Đó, nhìn cung cách cậu, biết cậu còn nhiều sức sống, chưa chết được đâu.Tỉnh tôi đang khuyết một chân phó giám đốc và một giám đốc Sở Văn hóa thông tin. Nói chung các sở điều thiếu cán bộ, riêng sở văn hóa thiếu trầm trọng, tôi hiện làm phó chủ tịch phụ trách văn hóa – giáo dục mà phải kiêm nhiệm Giám đốc sở văn hóa thông tin. Trước mắt, cậu hãy nhận cái chức Phó Giám đốc, khi nào tôi lên chủ tịch tỉnh thì nhận chức Giám đốc cũng được. Cậu hãy làm lại hồ sơ, tuần sau là đi làm luôn!Tôi giật mình kinh ngạc, suýt reo lên vì sung sướng nhưng kịp kìm lại được vì trên màn hình cái tivi trong phòng lúc đó đang có một trận bóng đá và câu nói “sự đời đầy bất ngờ như bóng đá” không hiểu sao lại đang nằm ở đầu lưỡi tôi? Nhưng tôi không nói mà lại hỏi :- Vậy bà chủ đâu để tôi thanh lý cái hợp đồng gia sư?Lần này thì Lư cười sặc sụa, cười lăn lộn trên cái ghế salon và lăn ra ngủ từ lúc nào!Bà chủ - vợ Lư – đi tập thể dục thẩm mỹ vẫn chưa về, hai đứa nhỏ vẫn ôm nhau ngủ trên giường, tôi ra về, tất nhiên! Vừa ra khỏi cửa, không hiểu sao tôi lại đọc vang lên mấy câu thơ trong bài thơ Đời lang bạt của Rimbaud :“Bàn tay trong túi áo tả tơi
Tôi đi dưới trời, Nàng Thơ ơi
Chư hầu của Nàng là tôi đấy
Ôi ! Những tình mơ mê mải
Quần thủng lỗ, tôi đi
Làm cậu Tí hon mơ mộng…”Sài Gòn, 2009 - 2011
Đỗ Ngọc Thạch© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ Sài Gòn ngày 03.05.2011.
. Trích đăng lại vui lòng ghi rõ nguồn Newvietart.com.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét