Tuy nhiên, việc hiểu biết về nghề báo cũng chưa đáng kể. Chỉ đến khi tôi chuyển về Tạp chí Nghiên cứu Nghệ thuật, có Thẻ nhà báo thì mới thực sự gọi là “Làm báo” và nắm được nhữn công đoạn cơ bản của qui trình làm báo.
Báo chí mới có ở xứ ta từ đầu Thế kỷ 20 và phải nói là cho đến nay, Nhà báo vẫn được xã hội coi trọng và người dân nói chung vẫn thích đọc báo, và ở nhiều bộ phận người dân, đọc báo là một nhu cầu không thể thiếu, như ăn sáng, uống cà-phê hàng ngày.
Tuy nhiên, không phải ai cũng biết để có được tờ báo chỉ vài ngàn đồng (để ai cũng có thể mua được), đã trải qua biết bao công sức của rất nhiều người: từ người viết (Phóng viên, Cộng tác viên) đến người biên tập, người trình bày và cuối cùng là một đội ngũ nhà in đông đảo (bây giờ có máy in hiện đại thì đỡ vất vả chứ ngày trước, thời dùng máy in ti-pô, những người công nhân xếp chữ phải xếp từng con chữ (bằng chì) vào bát chữ rồi in thử vài lần đến khi thật chính xác mới chạy in hàng loạt (bây giờ công đoạn này làm trên máy tính nhanh hơn rất nhiều). Báo in xong, lại phải có một đội quân khá đông đảo đi bán báo dưới nhiều hình thức mà nói gọn là công tác phát hành. Bây giờ, Hội nhà báo Việt Nam có tờ Nhà báo và công luận hoặc Hội Nhà báo TP.HCM có tờ Nghề báo, bạn đọc nào thích thú tìm hiểu kỹ về nghề làm báo thì cần tìm đọc hai tờ báo chuyên về nghề làm báo này. Đương nhiên, hàng trăm tờ báo của các ngành, các đoàn thể, các Hội nghề nghiệp và các địa phương cũng có những bài viết về nghề làm báo, nhưng không thường xuyên.
Nói vắn tắt như vậy cũng đủ thấy sản phẩm tờ báo mà bạn đang cầm trên tay thật đáng trân trọng và bổ ích biết bao. Chính vì thế, có không ít người rất công phu sưu tập các loại báo mà mình yêu thích hoặc sưu tập các bài báo về một chủ đề, đề tài nào đó mà họ quan tâm. Những công việc này, ở các Thư viện lớn người ta phải làm thường xuyên, nhưng cá nhân mà làm nên những bộ sưu tập đồ sộ như vậy thì quả là đáng nể phục.
Tôi thuộc “trường phái” trân trọng, nâng niu những tờ báo (nhất là những tờ báo có đăng bài của mình, đương nhiên), nhưng không có đủ “tiềm lực” để làm như những nhà sưu tập kia, và cũng vì thường ỷ lại vào Thư viện, cần tra cứu gì cứ vào Thư viện Quốc gia hoặc Thư viện của Viện Thông tin Khoa học xã hội là có đủ. Ngay cả “Thú chơi sách” tôi cũng không chơi được vì không bao giờ có dư tiền để mua sách vì những cuốn sách mà mình thích và cần đọc thì rất nhiều mà “ngân sách” thì hầu như bằng không, cho nên cũng nhờ vào Thư Viện, muốn đọc sách gì cũng có!
Tôi có anh bạn cũng là nhà báo cùng “trường phái” nhưng “yêu báo” đến mê si, đắm đuối như thế thì quả là hiếm có. Anh bạn tên là Hoành, do lúc sinh ra đời, cái thai (tức anh bạn Hoành sau này) lại nằm ngang, khiến mẹ anh rất khó đẻ. Vì thế, người ông của anh mới đặt cho cái tên là Hoành. Song, ông cụ lại nghĩ, tính nết nó mà cứ “ngang như cua” thì có ngày chết oan, cho nên mới thêm chữ Tung ở trước, để cho nó tung hoành thiên hạ, thỏa chí tang bồng! Khi nghe tin đứa cháu làm nghề báo, người ông vuốt râu cười khà: “Nhân bảo như thần bảo, cháu tôi nó làm nghề báo thì tha hồ tung hoành rồi còn gì!”. Nhưng thực ra, anh bạn Tung Hoành của tôi đâu có tung hoành gì được vì tờ báo mà anh làm là loại báo “Lưu hành nội bộ” (xin miễn nêu tên tờ báo ra vì có vấn đề “tế nhị”). Sau này không biết thế nào, chứ hiện thời (lúc đó, là vào đầu những năm 1980) anh chỉ tung hoành trên trang báo của mình mà thôi! Song, chuyện về anh bạn Tung Hoành tôi muốn nói tới là một chuyện khác, thuộc khâu phát hành nhưng nó khiến chúng tôi bị “sốc” một thời gian dài.
Như tôi vừa nói trên, anh bạn Tung Hoành yêu báo đến mê si, đắm đuối (tức yêu cả nghề làm báo và sản phẩm tờ báo). Đang đi trên đường, thấy có tờ báo ai đó quăng bỏ từ bao giờ, anh đều nhặt lên, vuốt cho phẳng phiu rồi cho vào cặp. Thậm chí thấy có ai đang ăn xôi hoặc bánh mỳ dùng tờ báo để gói, thì anh đi theo (nếu người đó vừa đi vừa ăn) hoặc ngồi chờ (nếu người đó đang ngồi ăn) cho đến khi người kia ăn xong, quăng tờ báo đi thì anh tới nhặt ngay.
Có nhiều người thấy Tung Hoành như vậy thì cho rằng anh bị tâm thần, nhưng tôi xin khẳng định anh không hề tâm thần bởi anh thường nói câu này: “Báo in ra là để đọc chứ không phải để gói đồ linh tinh!”. Nhiều lúc, tôi định hỏi Tung Hoành rằng nếu bắt gặp ai đó dùng giấy báo để chùi đ… (sau khi ị) thì anh sẽ phản ứng như thế nào, nhưng không hiểu sao, cứ định hỏi câu ấy thì lại có chuyện gì đó bất ngờ cắt ngang. Và đây là một lần cắt ngang nhớ đời. Lúc ấy chúng tôi đang ngồi uống trà, tôi tính uống xong chén trà thứ hai sẽ hỏi thì anh bạn Tung Hoành nói: “Uống nhanh lên, tôi sẽ dẫn ông tới một nơi có thể gọi là “Lò sát sinh” của báo chí!”. Tôi nghĩ chắc không đến nỗi trầm trọng thế nên túc tắc hưởng cho hết hương vị của chén trà…Thì ra anh bạn Tung Hoành dẫn tôi tới một cơ sở làm pháo tư nhân khá lớn (hồi đó chưa có sắc lệnh cấm đốt pháo). Tôi giật mình khi Tung Hoành dẫn tôi tới kho giấy của cơ sở làm pháo: từng đống, từng đống cao ngất, đủ các loại báo, không chỉ là báo cũ mà tôi còn nhìn thấy cả những bó báo mới còn nguyên đai nguyên kiện, và hẳn là chưa hề qua tay người đọc mà rất có thể được đưa thẳng từ nhà in tới đây!? Và điều khiến tôi kinh hoàng tột độ khi nhận ra có đến gần chục bó tạp chí Nghiên cứu Nghệ thuật do chính cơ quan mình làm ra
Sau sự việc đó, tôi gần như bị ngơ ngẩn đến cả tháng. Hàng loạt câu hỏi không thể có câu trả lời cứ quay cuồng trong đầu, chẳng hạn như câu hỏi: “Lẽ nào người phụ trách Trị sự của cơ quan Tạp chí chúng tôi (và của cả những cơ quan báo chí khác) không hề làm cái việc phát hành mà lại bán hết báo cho cơ sở làm pháo?!”. Tôi vụt nhớ đến câu thơ về pháo “Than ôi xác pháo không còn nữa / Nhưng đã tung ra vạn sắc hồng” và nhiều câu thơ nữa nói về “xác pháo rắc hồng lối đi” ở những tiệc cưới và ngày Tết, ngày Lễ… Trước đây, tôi rất thích những câu thơ về pháo như thế nhưng sau “cú sốc” nói trên, tôi thấy những câu thơ về pháo đó thật … nhức tai! Và tôi bắt đầu ghét trò đốt pháo từ sau lần đó. Rồi sau này, khi có lệnh cấm pháo thì tôi mới thực sự thấy “nhẹ người”! Quả là một sự ám ảnh nặng nề không thể giải tỏa nếu không có sắc lệnh cấm pháo! Lệnh cấm pháo quả là đúng đắn: những “Lò sát sinh báo chí” biến mất, và tất nhiên là còn nhiều những cái lợi lớn cả về kinh tế và đời sống xã hội.
*
Báo chí của chúng ta có rất nhiều chủng loại, không kể đến báo nói (Đài Phát thanh Tiếng nói…) và báo hình (Đài truyền hình) thì báo giấy đã thật đa dạng và có rất “nhiều chuyện” để các nhà báo, nhà văn khai thác đặng làm nên những tác phẩm lớn cả về phương diện báo chí và văn chương. Rất tiếc là các nhà báo, nhà văn của chúng ta lại ít viết về nghề báo, nghề văn mà chỉ “hướng ngoại”. Ngay cả như “Vua phóng sự đất Bắc” Vũ Trọng Phụng cũng chưa có tác phẩm về nghề làm báo mà lẽ ra, một văn tài đã từng sống chết với nghề báo như Vũ Trọng Phụng có dư điều kiện để viết một tác phẩm lớn chẳng hạn như “Tôi làm báo”?! Có lẽ cuốn “Bốn mươi năm nói Láo” của Vũ Bằng vẫn là đỉnh cao chưa ai có thể vượt qua khi viết về nghề làm báo?
Tôi có may mắn là đã tham gia vào nhiều chủng loại báo chí, từ trung ương tới địa phương, chỉ có Nhật báo (báo ra hàng ngày) là chưa có dịp “dự phần”, thật đáng tiếc. Tôi cứ hình dung ra rằng chỉ có làm Nhật báo mới thực sự hiểu biết tường tận và sâu sắc về nghề báo, bởi rất đơn giản: không ngày nào là công việc “Làm báo” với ngàn lẻ một sự cố không thúc ép, tra vấn người làm báo, buộc anh ta phải đối mặt. Vì thế, tôi thật sự thán phục nhà báo, nhà văn Trần Văn Tuấn ở báo Sài Gòn giải phóng: phải đảm nhiệm các chức trách Trưởng ban văn hóa-văn nghệ, Thư ký Tòa soạn, rồi Phó Tổng biên tập “bận hơn con mọn” mà vẫn cho ra truyện ngắn tiểu thuyết đều đều, với số lượng hơn hai chục đầu sách. Có lẽ Trần Văn Tuấn là một hình mẫu khá chuẩn của một nhà báo, nhà văn hiện nay.
Tuy nhiên, nói về những vẻ đẹp của nhà báo như thế không phải “cái đích” của truyện ngắn này. Mà tôi muốn nói đến “cú sốc” lớn thứ hai (sau cái vụ mục kích báo chí bị đưa đi dùng làm pháo) của đời làm báo là “sự xung đột” trong nghề làm báo. Người ta thường nói, sự vận động phát triển nào cũng có xung đột, sau xung đột là phát triển, sau “cơn giông” trời lại sáng. Đó là sự kiện lại liên quan tới nhân cách của nhà báo. Đó mới chính là “Nỗi buồn làm báo” mà tôi luôn bị ám ảnh!
Nói đến “xung đột” trong nghề làm báo là đụng đến những vấn đề “phức tạp và tế nhị”. Nói chung, lâu nay người ta đều né tránh. Có lẽ chỉ có nhà phê bình Nguyễn Hòa là dũng cảm, không né tránh khi đưa ra nhận xét có tính khái quát sau: “Theo tôi, câu chuyện quanh cuốn Văn luận là ví dụ điển hình để có thể nhận định rằng tình trạng nhiễu loạn chuẩn mực và tình trạng cánh hẩu trong sinh hoạt khoa học ở Việt Nam hiện đã cần được báo động như thế nào. (Trong bài viết về cuốn Văn luận của Tiến sĩ Đoàn Hương trong cuốn Bàn phím và … “cây búa”: Tiểu luận, phê bình của Nguyễn Hòa. NXB Văn học, 2007). Nhưng có lẽ chưa thể có thêm hai hoặc ba Nguyễn Hòa. Và dường như một cánh én không làm nên mùa xuân. Cuốn Bàn phím… có vẻ như bị người ta lờ đi, coi như chưa từng có, vì cuốn sách đụng chạm đến quá nhiều người khả kính, và vì thế người ta lại tiếp tục né tránh - “tránh voi chẳng xấu mặt nào”
Song, nếu cứ né tránh hoài thì vô hình chung chúng ta đã đi xa bản chất của nghề làm báo - đó là tính trung thực, tính chiến đấu. Xin nói ngay rằng, “tính chiến đấu” ở đây là chiến đấu chống cái ác, cái xấu, chống tham nhũng…chứ tuyệt nhiên không phải là “chiến đấu” kiểuhuynh đệ tương tàn, nồi da nấu thịt… mà người ta quen gọi là “đấu đá”. Rất tiếc là một trong những điều mà người ta cứ né tránh hoài chính là cái sự “đấu đá” huynh đệ tương tàn này.
Trước khi bước vào nghề báo, như trên đã nói, tôi thuộc “trường phái” trân trọng, tin yêu tới mức nồng nhiệt tờ báo và tất nhiên cả người làm ra tờ báo, tức Nhà báo theo như quan niệm phổ biến của xã hội: tờ báo là sự thật, là công lý, là những chuẩn mực của đời sống muôn mặt và đương nhiên, nhà báo là những người được xếp ở “đẳng cấp cao”, bởi có “quyền lực thứ tư. Với phần lớn sinh viên Văn khoa (lúc đó chưa có đại học báo chí như bây giờ), được vào làm việc ở các tòa báo là một vinh dự. Vì thế, tuy đang ở Viện Văn học, một cơ quan nghiên cứu có danh tiếng nhất nhì ở xứ ta, khi được ông Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Nghệ thuật mời về, tôi cũng bỏ Viện Văn học mà đi ngay. Song, cú sốc đầu tiên mà tôi vừa nói trên (chứng kiến người ta đem báo đi làm pháo) như là gáo nước lạnh đột ngột dội vào tôi khiến trong tôi hình thành “Nỗi buồn nghề báo” và cái “Nỗi buồn nghề báo” này lớn dần khi tôi bị cú sốc thứ hai: chứng kiến sự “đấu đá” khốc liệt của các nhà báo với nhau! Chuyện bè phái, tranh giành quyền lực, “đấu đá” quyết liệt thì ở các cơ quan nhà nước thì chỗ nào cũng có, ít hay nhiều, nặng hay nhẹ mà thôi. Nhưng tôi vẫn không thể tin được ở những cơ quan báo chí lại hiện tượng này, giống như ngành Thanh tra đi kiểm tra mà lại nhận hối lộ hoặc ngành Công an mà lại phạm tội! Tuy nhiên, điều gì cũng có thể xảy ra: cái ác, cái xấu có thể tồn tại ở bất cứ đâu!
Nói về chuyện “đấu đá” của các Sếp cũ của mình là chuyện cực chẳng đã (xu thế chung là khen ngợi, thậm chí bốc thơm tới mức phong thánh), vì thế, không thể nói dài dòng, cà kê mà chỉ xin tóm lược như sau. Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên Cứu Nghệ Thuật mà tôi vừa nói trên là nhà viết kịch Kính Dân (bút danh). Ông là tác giả kịch bản hoạt động bên lĩnh vực sân khấu và khi được giao làm Tổng Biên tập tờ Tạp chí Nghiên Cứu Nghệ Thuật, ông có xu hướng muốn lấy thêm về những người có năng lực nghiên cứu và viết lách cho nên đã lấy ông Nguyễn Đức Đàn, một nhà nghiên cứu và viết lách đã thành danh ở Viện Văn học, về giao phụ trách Tổ Lý luận của Tạp chí. Khi tôi về Tạp chí thì ông Nguyễn Đức Đàn đang làm Tổ trưởng Tổ Lý luận, tôi làm tổ viên, đương nhiên. Với ông Kính Dân và cả ông Nguyễn Đức Đàn, tôi đều kính trọng và coi như sư phụ nghề làm báo của mình. Chính vì vậy, tôi thực sự kinh ngạc (tức bị cú sốc thứ hai khi mới bước vào nghề làm báo) khi thấy ông Nguyễn Đức Đàn, sau khi được ông Kính Dân đề nghị thăng chức lên Phó Tổng Biên tập, đã làm “đảo chính lật đổ” ông Kính Dân để ngồi lên cái ghế Tổng Biên tập!... Sau này, khi làm cho báo Lao động-Xã hội, hai Sếp Phó Tổng Biên tập ở đây cũng cãi lộn như hát hay, những lúc lên tới cao trào thì còn hơn cả mổ bò hoặc hàng tôm hàng cá ngoài chợ! Tuy nhiên, vì đã “vô cảm” với thời tiết nóng lạnh như thế nên tôi không việc gì mà phải suy tư âu sầu, cứ lo cày sâu cuốc bẫm lấy tiền nhuận bút nuôi con, càng nhiều càng ít!
Sau vụ “đảo chính” này, lòng yêu nghề báo một cách mê si, vụng dại của tôi không còn nữa mà chỉ làm báo vì sinh kế mà thôi! Tuy nhiên, “cái nghiệp” làm báo vẫn cứ bám lấy tôi khiến tôi chỉ bỏ báo này mà sang báo khác mà thôi chứ không dứt hẳn nghề làm báo: bỏ Tạp chí Nghiên cứu Nghệ thuật, tôi về Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Gia Lai- Kon Tum làm tờ Tạp chí Văn nghệ, rồi sau lại bỏ tỉnh Gia Lai-Kon Tum về Sài Gòn, làm cho tờ báo Tuần của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội một vài năm! Đó là làm báo thực sự, từ A tới Z, còn làm báo “một công đoạn nào đó” thì phải kể thêm thời gian ở cơ quan đại diện tại các tỉnh phía Nam của báo Văn Nghệ ở 43 Đồng Khởi do nhà thơ Nguyễn Duy làm Sếp và cơ quan thường trú tại phía Nam của Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam do ông Hồ Thanh làm Sếp. Đúng như câu “Đã mang lấy nghiệp vào thân / Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa”, thời gian sau này, tôi làm bất cứ việc gì, từ đánh máy bản thảo cho tới viết một mẩu tin ngắn vài dòng, miễn sao có vài đồng bạc đem về góp với vợ nuôi con! Mọi chuyện nhân tình thế sự bỏ ngoài tai! Tuy nhiên, chính thời gian này đã “kích hoạt” tôi viết được nhiều truyện ngắn. Lúc đầu, chỉ bởi thể loại này ở trong tương quan một tờ báo thì nhuận bút cao vào loại nhất nhì. Sau càng viết càng thấy ham giống như nghiện xì ke, ma túy! Nếu nói môi trường báo chí là bà đỡ của văn chương thì quá đúng vì hầu như nhà văn nào thành đạt và “ăn nên làm ra” đều được tôi rèn qua nghề làm báo. Song, tôi vẫn muốn nhắc lại, các nhà báo, nhà văn cần phải viết về nghề Làm báo nhiều hơn sâu hơn thì mới là cách trả nợ cái môi trường báo chí đã nuôi dưỡng cho họ nên người. Có lẽ đây là món nợ khó trả nhất đối với các nhà báo, nhà văn?
Ở trên, tôi có nói về hai chuyện khiến cho tôi bị sốc (là sản phẩm báo chí bị kẻ xấu cho vào “Lò sát sinh” - đem đi làm pháo và các sếp báo thường “đấu đá” dữ dội) và thay cho sự thiêng liêng hóa nghề báo là lúc nào cũng bị “Nỗi buồn nghề báo” gậm nhấm… Song, tôi lại được giải tỏa bởi câu nói của một nhà văn lớn: “Dẫu có buồn vì thế giới này khó hiểu, thế giới này vẫn đẹp!”, có nghĩa là tôi vẫn trở lại Yêu nghề báo từ lúc nào không hay! Hoặc nói như nhà báo, nhà văn Vũ Bằng: “…nếu một ngày kia, Trời xử phiên án cuối cùng, hỏi tôi nếu cho trở lại làm người thì sẽ làm gì, tôi cũng sẽ không cần suy nghĩ gì hết và chỉ trả lời một câu: Người mẹ nào sinh ra con lại chẳng muốn cho con sau này ăn nên làm ra, có vai có vế, nhưng Mẹ ơi, con đành chịu tội bất hiếu với Mẹ: nếu trở lại làm người, con cứ lại xin làm báo!” (Bốn mươi năm nói láo).
Tuy nhiên, nhìn vào hiện trạng báo chí hiện nay, không khỏi cám cảnh và lại muốn đem “Nỗi buồn nghề báo” ra mà gậm nhấm. Không buồn sao được khi một tờ báo lớn cả về phương diện báo chí và văn chương là tờ báo Văn nghệ của Hội Nhà văn VN lại luôn bị chê là “Nhạt” và có nhiều “tiếng ong tiếng ve” như thế. Từ chuyện in sai tên một cái truyện ngắn đến chuyện chê bai báo Văn nghệ hết lời của nhà văn Vũ Ngọc Tiến, lại đến loạt bài “Văn Nghệ chí” của nhà thơ Trương Vĩnh Tuấn, vốn là phó Tổng Biên tập báo Văn Nghệ đã nghỉ hưu… khiến cho công chúng yêu báo chí và văn chương không khỏi bối rối. Có lẽ đã đến lúc, phải là chính những nhà báo - những người trong cuộc, đang hành nghề có tiếng nói rõ ràng, minh bạch trước công luận. Nếu như nhà văn, nhà báo không tự sửa mình trước, tu bổ, quét dọn “Nhà mình” trước thì làm sao nói chuyện đạo lý trước bàn dân thiên hạ?
Có một câu nói đã trở thành tục ngữ, thành ngữ, không chỉ giới báo chí thường dùng mà cả trong đời sống xã hội: Bao giờ cho đến…ngày xưa! Tại sao lại có tâm trạng “hoài cổ” trong nhịp sống hiện đại sôi động? Trả lời cặn kẽ câu hỏi này, nhiều vấn đề lớn sẽ được giải tỏa. Riêng với Nghề báo, mỗi khi nghĩ đến những chuyện “Ngày xưa” của báo chí, tôi lại thấy những nhà báo, nhà văn của thời kỳ đầu Thế kỷ 20 thật tài ba và bản lĩnh rất đáng ngưỡng mộ chẳng hạn như nhà báo, nhà văn Phan Khôi được vinh danh là “Ngự sử văn đàn”, mà hiện nay nghề báo đã rất phát triển với một đội ngũ nhà báo khổng lồ, cũng khó mà tìm ra được ai như thế? Vì thế, những lúc bị “Nỗi buồn Nghề báo” gậm nhấm, tôi lại thốt lên “Bao giờ cho đến ngày xưa”?
Sài Gòn, 6-6-2011
Đỗ Ngọc Thạch.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét