Thứ sáu, ngày 26 tháng bảy năm 2013
tìm truyện ngắn đỗ ngọc thạch trên Google - trích:
Tìm truyện ngắn đỗ ngọc thạch - trích:
www.vannghechunhat.net/truyen/do-ngoc-thach.html
Chuyên mục: Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch Lượt xem: 157. In bài này · Gửi Email bài này. Hóa Thạch 1. Hóa thạch. Có nhà khảo cổ học nọ sau khi làm xong ...
Người cuối cùng của một dòng họ võ tướng
Không hiểu sao, tôi bỗng nảy ra cái ý định muốn tìm hiểu 1831 người đã nằm sâu dưới đất trong cái “mả ngụy” đã một thế kỷ rưỡi! Tôi phải nói ngay về lai lịch cái “mả ngụy” kẻo bạn đọc lại cho tôi là điên rồ!
Người cầm đầu cuộc khởi nghĩa năm Quý Tỵ (1833) tại Phan An (Gia Định) là Lê Văn Khôi. Khôi trước họ Nguyễn – Nguyễn Hữu Khôi là một thổ hào ở Cao Bằng , tham gia vụ chống lại sự hà khắc của triều đình, bị quan quân truy đuổi nên cùng vài thủ hạ chạy lánh vào Thanh Hóa. Khi Tả quân Lê Văn Duyệt được cử làm Kinh lược xứ Thanh Nghệ, phục tài Duyệt , Khôi liền cùng thủ hạ ra đầu thú. Duyệt thấy Khôi dũng cảm hơn người, tinh thông võ nghệ ít ai bằng liền thâu nhận làm con nuôi, cho đổi theo họ Lê. Sau đó. Duyệt vào Nam thụ chức Tổng trấn Gia Định thành thì đem Khôi đi theo và cho làm chức Phó vệ úy (năm Canh Thìn – 1820). Đến năm Nhâm Thìn (1832) thì Duyệt mất.
Tả quân Lê Văn Duyệt mất rồi, Tổng đốc Gia Định là Nguyễn Văn Quế và quan Bố chánh Bạch Xuân Nguyên vốn là những kẻ bất tài song lại tham lam, tàn ác, vì muốn tâng công với triều đình, nên vu cho Lê Văn Duyệt tội lạm dụng quyền hành và công quỹ khi đương chức. Triều đình lúc đó có nhiều kẻ ganh ghét Duyệt, vua Minh Mạng cũng vốn không ưa vị khai quốc công thần này nên chuẩn y. Thế là tất cả bọn thủ hạ của Duyệt ngày trước đều bị trừng phạt. Khôi tất nhiên là một nhân vật quan trọng trong số đó, bị bắt giam tức khắc, chờ xử tội.
Bị bất ngờ, bọn Khôi trở tay không kịp, ngồi trong ngục thất mà chưa hết nộ khí xung thiên. Bọn Khôi liền mật bàn với nhau âm mưu khởi nghĩa, lôi kéo được khá đông lính hồi hương…Đêm 18 tháng 5, Khôi cùng thủ hạ và 27 lính hồi hương bất ngờ nổi dậy chiếm thành Phan An, giết luôn cả bọn Nguyễn Văn Quế và Bạch Xuân Nguyên. Giết Quế và Nguyên rồi, quân lính reo hò xin theo cả. Thấy vậy, Khôi tự xưng Bình Nam Đại nguyên soái, dựng cờ tôn phò Hoàng Tôn Đán, con trai của Đông cung Cảnh. Khôi sai các tướng đi chiêu an các tỉnh. Chỉ trong vòng một tháng, sáu tỉnh Nam Bộ đều về theo Khôi.
Đang lúc chỉnh đốn binh mã chống lại quân triều đình thì xảy ra việc bất hòa giữa Lê Văn Khôi và Trung quân Vệ úy Tả bảo Thái Công Triều. Đến lúc triều đình cử binh vào đánh dẹp thì Thái Công Triều đem lòng phản trắc, giết trộm tướng tâm phúc của Khôi là Tả quân Sáu Khả rồi đem quân bản bộ theo triều đình để đánh lại Khôi. Lượng sức khó địch nổi, Khôi đóng chặt cổng thành cùng hai ngàn quân sĩ quyết thủ chiến. Cầm cự được đến tháng Chạp năm đó thì Khôi bệnh mà chết.
Khôi chết rồi, quân sĩ tôn con Khôi là Lê Văn Câu lên làm Nguyên soái và vẫn quyết tử thủ. Mãi đến tháng 7 năm 1835, khi trong thành gần cạn lương, quân triều đình mới hạ được thành. Kéo quân vào thành, quân triều đình liền bắt tất cả thủ hạ quân sĩ của Khôi cả thảy 1831 người đem chôn chung vào một cái hầm lớn, gọi là “mả ngụy”.
Mấy tháng trời tôi lần mò trong các thư viện lớn nhỏ và dò hỏi những người già có quan tâm đến cái “mả ngụy” ấy, song kết quả còn rất ít ỏi…Công việc còn đang dở dang thì một người quen của tôi tìm gặp nói :
- Sao ông lại phí công đi làm cái chuyện không đâu vậy ? Bây giờ là phải làm cái gì ra tiền ! Tôi kiếm được một việc rất ngon lành cho ông đây (chả là tôi đang thất nghiệp, hiện đang làm thuê, làm mướn linh tinh kiếm sống). Ông làm cho tôi cái luận chứng kinh tế cho việc thành lập công ty Du lịch Côn Đảo !
- Có chắc không đấy ? – Tôi ngạc nhiên hết sức.
- Sao lại không ? Các sếp ở Quận Côn Đảo nhờ tôi, nhưng tôi quá nhiều việc và đã giới thiệu ông . Làm xong cái ấy, tôi sẽ vận động cho ông một chân đại loại như Trợ lý giám đốc chẳng hạn !
Ôi, thế thì còn gì bằng ! Tôi suýt thì reo lên như vậy. Người bạn nhẹ nhàng mở ca-táp rút ra một cục tiền mới cứng và nói :
- Đây là tiền tạm ứng cho ông thời gian nghiên cứu tài liệu và viết.Phải đi thực địa Côn Đảo nữa. Nói chung là tùy ông, làm sao cuối cùng có được cái luận chứng kinh tế thật hay là được. Thời hạn là nửa tháng !
Tôi cầm cục tiền mới tin là câu chuyện có thật. Trong đầu tôi, lập tức hiện ra cái cảnh khi đào xong con kênh Cra qua Thái Lan, đường biển quốc tế qua khu vực Đông Nam Á sẽ bỏ rơi cái thành phố Xinhgapo hoa lệ và Côn Đảo sẽ thay thế nó ! Nghĩ đến đó, trí tưởng tượng của tôi phi như vó ngựa của Thành Cát Tư Hãn ! …Thế là tôi quên béng đi cái mả ngụy mà lao đầu vào việc lập cái luận chứng kinh tế thành lập Công ty Du lịch Côn Đảo. Đi tìm tài liệu rồi lại đi tìm tài liệu bổ sung ! Gần mười ngày thì tôi đã phác thảo xong cái luận chứng kinh tế ấy (Xin mở ngoặc với bạn đọc là cho đến lúc tôi đang làm cái việc này thì hiện chỉ có một cơ quan là Công ty Du lịch Vũng Tàu – Côn Đảo, và hoạt động chủ yếu là ở bãi tắm Vũng Tàu, thỉnh thoảng thì mới đưa khách đến xem nhà tù Côn Đảo. Vì thế, luận chứng của tôi là thành lập một công ty mới độc lập, theo ý hướng chủ đạo là Côn Đảo sẽ trở lại độc lập, không dính vào Vũng Tàu nữa, như xưa kia có nhiều thời gian nó đã là một đơn vị hành chính độc lập). Gần đến giai đoạn kết thúc thì tôi xin đi bám càng một nhân vật có cỡ ra thực địa Côn Đảo. Đó là dịp may chỉ đến một lần và đó cũng là nguyên do chính để tôi có thể viết cái truyện ngắn này.
Nhân vật mà tôi bám càng ra Côn Đảo thuộc loại VIP (nhân vật quan trọng), giám đốc một công ty xuất khẩu lớn. Cùng đi có hai Việt kiều quan trọng, đều có bằng MBA . Ông VIP kia sở dĩ cho tôi bám càng vì khi được biết tôi đã có bằng cử nhân văn chương, lại đã trải chục năm nghề làm báo, nên muốn đặt hàng cho tôi viết một cuốn tiểu thuyết về cuộc đời của ông, thuở ấu thơ chỉ hai bàn tay trắng mà đã từng làm tướng thời chiến tranh và bây giờ thì là một nhà kinh tế cỡ lớn. Ông hứa sẽ cho tôi một chiếc Cup nếu tôi viết thành công nên tôi tranh thủ hỏi chuyện ông và ghi chép như điên. Cái truyện ngắn này không nói về ông mà chỉ ngẫu nhiên có một đoạn cuối đời của ông thôi.
Cuộc tham quan Côn Đảo đã đến ngày thứ ba, kết thúc tốt đẹp. Tôi cũng muốn kể lại đây những phong cảnh ngoạn mục của quần đảo này và cả khả năng kinh tế còn tiềm ẩn của nó, song e sẽ làm cái truyện ngắn vượt quá khuôn khổ. Vì vậy, nếu bạn đọc nào muốn biết về những chuyện đó, sau này sẽ đọc ở trong cái luận chứng thành lập Công ty Du lịch Côn Đảo vì đó sẽ là phần quan trọng để được phê duyệt.
Ngày thứ tư, ông VIP (cứ tạm gọi như vậy) muốn tổ chức một cuộc vui độc đáo : nhậu hải sản tươi trên một hòn đảo rất ngoạn mục nào đó. Vì như hai ông khách Việt kiều MBA nói : nhậu ở những nhà hàng sang trọng mãi cũng ớn, phải tìm một Restaurant thiên nhiên mới bõ công ra Côn Đảo. Kiếm thuyền, người lái thuyền kiêm thợ lặn săn bắt tôm đã khó, kiếm cái “khoản kia” càng khó hơn. Giá như ở Vũng Tàu hoặc Nha Trang thì quá sẵn. Song , đúng là “có tiền mua tiên cũng được”, tôi đã hoàn tất cái nhiệm vụ khó khăn này mà còn dư ra một món tiền chênh lệch ! Thế là “chiến hạm” của chúng tôi nhổ neo vào sáu ngày thứ tư. Đoàn gồm có : ông VIP, hai ông MBA, lái thuyền (săn bắt hải sản rất giỏi, nghe nói đã ba đời làm hải tặc !) ba “thiếu nữ” khá xinh đẹp, tổng cộng là tám người.
Chiếc thuyền nhỏ lướt sóng băng băng . Hòn đảo mà chúng tôi sẽ đổ bộ là Hòn Mộng, ở phía Nam, cảnh đẹp như mộng. Đó cũng là hòn đảo ngày xưa Nguyễn Ánh bị vua Quang Trung đánh te tua chạy ra đây mới thoát chết. Giá như thủy quân của vua Quang Trung truy kích đến cùng thì bắt Nguyễn Ánh dễ như lấy đồ trong túi! Lịch sử có những điểm dừng thật đáng tiếc !
Nói về chương trình của du thuyền chúng tôi thì dài lắm, đại loại là sẽ được xả láng trên Hòn Mộng, còn hơn cả Nhất dạ đế vương ở Sài Gòn !
Thuyền vẫn lướt sóng. Mặc cho ba đôi ấy tình tự trên sóng biển, tha hồ mà “ngồi tựa mạn thuyền” tôi phụ chèo cho người lái thuyền và nghe anh ta kể nhiều chuyện rất li kỳ và dự tính sẽ viết một cuốn tiểu thuyết ngắn về người con của biển cả này. Song, đúng vào lúc cái câu chuyện của chúng tôi đang vào những đoạn say sưa thì thuyền chao nghiêng đột ngột, nước ào vào suýt ngập thuyền. Thì ra cơn sóng tình của ba cái đôi dửng mỡ kia đã quá trớn mà gây ra tai nạn. Người lái thuyền chưa kịp lấy thăng bằng để xử lý tình huống bất ngờ thì một con sóng nữa từ đâu ào tới, đẩy thuyền lên cao. Giá như bình thường thì con thuyền sẽ ngồi ngon lành trên ngọn sóng , nhưng ở đây, con thuyền chìm trong con sóng và chìm luôn xuống lòng biển khi con sóng đi xa ! Khi tôi kịp định thần thì thấy mình đang bám chắc vào cánh tay rắn chắc của người lái thuyền. Người lái thuyền sải nước bằng một tay còn tay kia cắp tôi như mèo tha chuột.
Thấy tôi đã tỉnh táo, anh ta nói :
- Tôi sẽ đưa anh vào bờ an toàn !
- Còn những người kia ? - Tôi hỏi .
- Họ bị díu vào nhau chắc là khó thoát chết. Đó là những miếng mồi ngon cho cá biển ! Ai cũng béo tốt quá xá !
Khi đã dìu tôi vào một hòn đảo không tên gần nhất, người lái thuyền nói :
- Anh ngồi đây nghỉ chờ tôi đem thuyền tới đón anh. Nhà tôi ở trên một hòn đảo nhỏ cách đây không xa lắm .
- Thế không tìm cách cứu những người kia ư ? – Tôi băn khoăn hỏi .
- Ai lại đi cứu chó sói bao giờ ! – Người lái thuyền cười gằn, bộ mặt lạnh tanh thật dễ sợ .
- Anh nói ai là chó sói ? Đó là những nhân vật VIP cả đấy ! Họ làm giàu rất giỏi và báo chí đang ca ngợi họ không tiếc lời. Họ là thượng khách của bất cứ cơ quan cỡ bự nào !
Người lái thuyền cắn môi, mắt nhìn ra khơi xa tít tắp, rồi lại cười gằn, nói :
- Tôi không biết họ là những nhân vật quan trọng như anh nói, nhưng tôi biết rất rõ hai tay Việt kiều ấy, đó vốn là hai thằng ác ôn khét tiếng từ thời ông Diệm !
- Vậy sao ? - Tôi tròn mắt kinh ngạc .
- Thì tôi đã từng là lính của chúng nó vào cái thời tôi còn trai trẻ. Tôi đã phải bỏ trốn khỏi cái đội quân ác ôn ấy để ra với biển khơi bao la !
Không biết người lái thuyền có nói gì nữa không nhưng tôi đang cảm thấy bàng hoàng khi nghĩ tới những cảnh đón tiếp long trọng, lịch sự những nhà kinh tế tài ba đó, mà đã từng ăn gan uống máu người !...Tôi gai người như muốn ói thốc tháo ! Và tôi bị ói thật !...Khi tôi hồi tỉnh thì thấy lạnh run. Người lái thuyền xoa bóp cho tôi một hồi, tôi thiếp ngủ lúc nào không hay !
Sóng biển ầm ào đi vào giấc ngủ của tôi như những tiếng nói kỳ lạ. Bỗng tôi thấy ba cô ấy hiện ra trước mặt tôi, cô nào cũng xinh đẹp bội phần, không mặc hở hang như lúc ngồi trên thuyền với ba vị quan khách mà xiêm y lộng lẫy như công chúa. Một cô nhoẻn miệng cười, ỏn ẻn nói :
- Chúng em là ba con sứa vì dày công tu luyện nên có thể hóa thành người dễ dàng . Anh đừng có lo cho tính mạng chúng em khi được sống trong lòng biển cả !
- Sứa ? – Tôi ngạc nhiên thốt lên – Bây giờ mà cũng có cái chuyện kỳ quái như vậy sao ?
- Có chứ ! Mà còn chuyện quái đản không bút nào tả xiết ! Chẳng hạn như ông VIP của anh đó, ông ta chỉ nhờ xảo trá cướp công trong chiến tranh mà leo cao. Rồi sang thời bình, ông ta chỉ tài tham ô móc ngoặc thôi, đó là loại tỷ phú đỏ như có một vài vụ đã bị khui ra đó ?
- Đúng như vậy sao ?
- Đúng vậy chứ sao nữa ! Chính vì thế mà chúng em được lệnh Long vương sai đi bắt lão ta xuống trị tội, cùng với hai thằng ác ôn trá hình kia nữa !
- Ôi ! Tôi thật là người trần mắt thịt ! Thế mà tôi không biết gì cả, cứ phục vụ tận tình chúng nó và ngưỡng mộ chúng nó như thánh sống !
- Ấy là do anh đói khổ quá nên hoa mắt lên đó thôi, nhìn gà hóa cuốc mà !...Anh đừng nên bận lòng chuyện đó làm chi nữa, hãy quên hết đi ! Nhân đây chúng em tặng anh một món quà : đây là cái vỏ ốc có phép lạ, sẽ có lúc nó giúp anh !
Ba cô gái cùng mỉm cười, một cô đặt lên tay tôi cái vỏ ốc nhỏ xíu rồi một con sóng lớn nổi lên, cuốn ba cô gái đi mất tiêu !
Tôi giật mình tỉnh dậy, thấy tay còn cầm cái vỏ ốc óng ánh thì lấy làm lạ lùng lắm ! Nghĩ rằng phải hỏi người lái thuyền, nhưng nhỏm dậy nhìn quanh quất mà chẳng thấy bóng dáng anh ta đâu cả !
Tôi đang bồng bềnh trong những ý tưởng kỳ lạ ở hòn đảo hoang vu giữa biển khơi thì một chiếc thuyền nhỏ cập đảo từ bao giờ không hay . Trên thuyền là người lái thuyền ban nãy và một người con gái xinh đẹp lạ thường, còn đẹp hơn cả các hoa hậu 89 vừa rồi ! Tôi chợt nghĩ có lẽ lại là một con mực nào đó tu luyện thành tinh chăng thì hai người đã bước lên bờ, xách hai cái giỏ nặng chịch. Người lái thuyền ngồi xuống cạnh tôi, giở cái giỏ ra, đầy tôm cá ê hề và một chai rượu trong veo, rồi cười :
- Chắc anh sợ lắm phải không ? Còn đây là cô Anh Nữ, vợ tôi đó, chúng ta lai rai một chầu rồi tôi sẽ đưa anh về nhà tôi chơi .
Cô Anh Nữ mỉm cười gật đầu chào tôi rồi ngồi xuống bên cạnh chồng. Tôi chú mục nhìn cô gái, xem có thấy yêu khí bốc lên hay chăng, nhưng chỉ thấy một khuôn mặt phúc hậu tuyệt đẹp, những sợi tóc mai bay phất phơ trong gió biển cũng gợi cảm lạ kỳ. Tôi xác định ngay đây không phải là con mực tu luyện hóa thành (từ khi gặp ba con sứa thành tinh trong giấc mơ, tôi nhìn ai cũng nghĩ : đó là yêu quái hay là người thật !), nhưng linh cảm rằng đây là một người con gái khác thường , có một không hai !
Mấy ly rượu ngon và đồ nhắm hải sản tươi đặc biệt đã làm cho tôi nhanh chóng hồi phục và cảm thấy thanh thản, có phần hưng phấn. Cô gái liên tục tiếp mồi và rót rượu cho chúng tôi , thỉnh thoảng mới nhấp môi rồi lại nhìn ra biển khơi tít tắp .Ôi nếu tôi là họa sĩ thì sẽ có một bức tranh trên tài cả Raphaelô ! Tiếc lắm thay !...
Người lái thuyền bỗng từ tốn cất tiếng :
- Anh có biết chuyện “mả ngụy” ?
- Mả ngụy ?- Tôi giật mình thốt lên – Tôi đang đi tìm hiểu chuyện mả ngụy đây ! Anh cũng biết chuyện mả ngụy sao ?
- Cô Anh Nữ là con cháu của một người trong mả ngụy đó !
- Sao ? Con cháu một người trong mả ngụy ? Có chuyện như vậy nữa sao ?
Người lái thuyền cạn một ly nữa rồi chậm rãi kể :
- Ông Lê Văn Câu có một người thiếp rất xinh đẹp, vì vậy viên tướng triều đình không bắt chôn trong mả ngụy mà lén đem về trại của mình tính chuyện chăn gối . Người thiếp này đã có thai hai tháng với ông Câu nên quyết giữ tròn danh tiết và bảo vệ giọt máu của họ Lê Văn Khôi còn sót lại đó. Nàng cũng là một tay gươm tuyệt hảo nên dự tính một kế sách thoát thân rất liều mạng : đúng lúc thằng tướng dê kia tính chuyện bậy bạ thì nàng hạ thủ hắn và sẽ đánh thốc ra cửa trại tẩu thoát ! Nhưng , khi vừa hạ thủ thằng tướng dâm cuồng xong thì một tên vệ sĩ bất ngờ xuất hiện . Hai người âm thầm đọ gươm ác liệt. Được khoảng ba mươi hiệp thì tên vệ sĩ khẽ nói :
- Cô nương là ái nữ của Nguyên soái ư ? Xin cô nương dừng tay ! Tôi sẽ đưa cô nương ra khỏi trại an toàn !
- Thằng giặc, mi chớ có lừa gạt ta ! Hãy đỡ mũi gươm này !
Người thiếp dấn sức quyết giết tên vệ sĩ. Nhưng tên vệ sĩ bất ngờ dùng một đường gươm hiểm hóc, đỡ và đánh bật gươm khỏi tay người thiếp . Đoạn tên vệ sĩ quỳ xuống nói nhanh :
- Xin cô nương thứ lỗi . Tôi vốn chịu ơn của Bình Nam Đại Nguyên soái từ lâu mà chưa có dịp báo đáp. Tôi trù tính vô đây giết tên dâm tướng đặng cứu cô nương, không ngờ cô nương đã xuống tay trước. Xin cô nương tin tôi và đi theo tôi !
Người vệ sĩ đã đưa người thiếp ấy ra khỏi trại bình an và khi đã ngồi trên yên ngựa thì nói :
- Tôi đã chuẩn bị thuyền vượt biển ra Côn Đảo lánh nạn, quyết cứu bằng được giọt máu còn lại của Bình Nam Đại Nguyên soái ! Xin cô nương tin tưởng nơi tôi đặng tôi báo đáp được ơn trước của người !
Họ lại vượt biển bình an, ẩn cư trên một hòn đảo nhỏ, hoang vu. Sau đó, người thiếp sinh hạ một con trai đặt tên Lê Văn Cầu. Cầu sinh Vũ, Vũ sinh Vân, Vân sinh Đại, Đại sinh Đạo, Đạo sinh ra cô Anh Nữ đây. Mỗi người chỉ sinh hạ một người con duy nhất, đến ông Đạo thì không sinh được con trai nữa !...
Kể đến đây thì người lái thuyền uống thêm ly rượu nữa rồi nhìn ra mặt biển, vẻ trầm mặc.
Tôi hỏi cô Anh Nữ :
- Chị năm nay bao nhiêu tuổi rồi ? Ông cụ còn khỏe không ?
- Em bốn mươi tuổi rồi !- cô Anh Nữ nói khẽ.
- Bốn mươi ? Vậy mà tôi cứ nghĩ chị chưa đến ba mươi đấy !
- Ba em sáu mươi. Ông nội chín mươi. Cụ nội một trăm mười. Cả ba người còn rất khỏe !
- Trời !..T ôi ngạc nhiên hết sức – Các cụ vẫn còn khỏe ? Vậy bây giờ ở đâu ? Tôi có gặp được không ?
- Các cụ đều ở nhà cả. Lát nữa chồng em sẽ đưa anh về chơi .
- Ta đi ngay đi ! – Tôi suốt ruột náo nức muốn gặp các cụ ngay tức khắc !
Người lái thuyền nói :
- Gặp các cụ, anh sẽ được nghe kể chuyện đã thì thôi ! Các cụ như những ông tiên !...
Khi chúng tôi về đến nhà của Anh Nữ thì đã xế chiều. Đó là một nếp nhà nhỏ nép mình dưới những lùm cây lớn, hòa với khung cảnh tịch mịch của đảo nhỏ trông thật ngoạn mục.
Cụ Vân, một trăm mười tuổi, râu tóc trắng như cước, ánh mắt sáng quắc, thân hình chưa hết vẻ cường tráng của con nhà võ. Cụ Đại , chín mươi tuổi, thì còn rất khỏe, có dáng rất đẫy đà, mập mạp. Các cụ tiếp tôi niềm nở nhưng kín đáo, ít lời. Ba cụ đã ngồi với nhau từ trước quanh mâm rượu và tôi linh cảm như giữa các cụ đang diễn ra chuyện gì đó, hệ trọng lắm .
Được một tuần rượu thì cụ Đại nhìn ông Đạo, nói :
- Tôi đã nói anh xin nghỉ hưu từ ba năm nay, anh khất hoài. Là cớ sao vậy ?
- Thưa cha…- Ông Đạo nói – Con cũng muốn về nhà, sớm tối hầu cha và ông. Song, Nhà nước còn nhiều chuyện khó khăn, đòi con phải tiếp tục gánh trọng trách !
- Cái lý do anh đưa tôi nghe không lọt tai – Cụ Đại nói - Tôi đã nói từ lâu, mình là con nhà võ, hết chiến tranh thì xin nghỉ về với biển Mẹ đặng dạy dỗ con cháu nên người và phụng dưỡng cha già. Anh không nghe, lại xin chuyển sang nghề thương mại, rồi cứ giữ cái chức giám đốc công ty ấy hoài . Tôi nghe nói anh làm ăn không minh bạch mà lấy làm hổ thẹn lắm . Còn anh , anh cứ tránh mất mặt không thấy về là cớ làm sao ?
- Cha đừng nghe người ta đồn bậy …
- Sao lại bậy – Cụ Đại ngắt lời, giọng bực tức – Tôi còn biết ở Sài Gòn, anh bồ bịch tùm lum, tiêu xài như đế vương ! Làm nhiều chuyện thất đức mà không run tay !
- Cha ! – Ông Đạo đứng bật dậy – Cha không được xúc phạm con như vậy . Bao nhiêu ông to bà lớn từ trung ương đến các địa phương, ai ai cũng phải kính nể con mà sao cha lại nghe lời đặt điều xấu cho con như vậy ? Đã thế từ nay con không về đảo với cha và ông nữa !
Nói rồi ông Đạo vùng bước ra cửa. Bất đồ, cụ Vân hét lên như là diễn viên tuồng :
- Nghịch tử ! Không được vô lễ !
Ông Đạo thót giật mình, sững lại giây lát rồi bước tiếp. Cụ Vân lại thét lên, dữ dội :
- Nghịch tử ! Đứng lại !
Ông Đạo vẫn bước. Cụ Đại nhanh như chớp, lướt ra đứng chắn ở cửa nhìn ông Đạo bằng ánh mắt nảy lửa, ông Đạo nhìn cụ Đại trừng trừng rồi nói gằn :
- Cha tránh cho con đi ! Nếu không thì …
- Thì sao ? - Cụ Đại hét lên - Nghịch tử ?
Ông Đạo không nói không rằng , xô cụ Đại sang bên định vọt ra cửa. Song , bằng một thế võ, cụ Đại gạt bắn ông Đạo bật vào giữa nhà. Ông Đạo ngã nhào xuống nền nhà, tức thì lồm cồm bò dậy, thò tay ra sau lưng rút phắt khẩu súng nhỏ. Khi khẩu súng đen nhánh vừa ló ra khỏi vạt áo Blu- dông của ông Đạo, một lưỡi dao nhỏ từ phía cụ Vân bay vút tới cắm phập vào cổ tay cầm súng của ông Đạo, khẩu súng rơi “cạch” xuống nền nhà. Cũng đúng lúc ấy, cụ Đại rút phắt cái roi ngựa cài trên vách. Chỉ kịp nhìn thấy tay cụ Đại quay một vòng thì đã thấy đầu roi cuốn chặt vào cổ ông Đạo, rồi cái roi ngựa mảnh mai nhấc bổng ông Đạo lên gần tới trần nhà thì thả xuống đất nghe cái “bịch”.Ông Đạo nằm bất động, ông ta đã chết !
Thấy vậy, cụ Đại thét lên một tiếng cực lớn, đi một đường quyền rồi đấm ngực mình một cái “hự”, đoạn cụ thổ ra một vũng máu, đứng như trời trồng bên xác ông Đạo. Đúng lúc ấy, cụ Vân lướt tới, đỡ lấy cụ Đại, hét lên một tiếng khiếp đảm rồi thân hình cả hai cụ đổ xuống !
Tôi muốn viết nốt phần kết của truyện ngắn này (nói về cô Anh Nữ), nhưng nếu bạn đọc tinh ý thì có thể hiểu rằng tôi không thể viết thêm một dòng nào nữa. Còn kết cục của cô Anh Nữ - người cuối cùng của dòng họ võ tướng ấy – ra sao, chắc bạn đọc có thể hình dung ra. Hổ phụ ắt phải sinh hổ tử! Còn ông Đạo, trở thành “cẩu tử” từ lúc nào, đó là trường hợp ngoại lệ của dòng họ võ này!
Viết tại 43 Đồng Khởi; TP.HCM,1989
Đỗ Ngọc Thạch.
nguồn: vannghechunhat.net
Người cuối cùng của một dòng họ võ tướng
Không hiểu sao, tôi bỗng nảy ra cái ý định muốn tìm hiểu 1831 người đã nằm sâu dưới đất trong cái “mả ngụy” đã một thế kỷ rưỡi! Tôi phải nói ngay về lai lịch cái “mả ngụy” kẻo bạn đọc lại cho tôi là điên rồ!
Những Điều Bất Ngờ - Chùm truyện mini Đỗ Ngọc Thạch
Kẻ thứ ba
Tôi và Nàng quen nhau rồi yêu nhau đã 12 tháng, tức chẵn một năm trời
Ký ức binh nhì
Tôi nhập ngũ tháng 12 năm 1966, vào Binh chủng Ra-đa, khi đang là sinh viên Khoa Toán Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (lúc đó đang sơ tán ở Đầm Mây, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên).
Chị em sinh ba
Ông Trung Dũng đã là cán bộ giảng dạy ở một trường đại học nhưng sau khi bọn Mỹ đánh bom B52 xuống Hà Nội thì có đợt tuyển quân rất lớn, ông Dũng nhập ngũ vào đợt đó.
Thời gian
1.
Người mẹ tính thời gian bằng độ lớn của những đứa con, người cha tính thời gian bằng những đại sựmình đã làm được, những đứa con tính thời gian bằng những sợi tóc bạc trên đầu cha mẹ chúng! Đó là trong một gia đình. Còn trong cuộc sống xã hội, người nghèo tính thời gian bằng số gạo còn trong thùng, người giàu tính thời gian bằng số tiền lợi nhuận sẽ kiếm được, còn người say thì tính thời gian bằng số rượu còn trong chai!...
Người mẹ tính thời gian bằng độ lớn của những đứa con, người cha tính thời gian bằng những đại sựmình đã làm được, những đứa con tính thời gian bằng những sợi tóc bạc trên đầu cha mẹ chúng! Đó là trong một gia đình. Còn trong cuộc sống xã hội, người nghèo tính thời gian bằng số gạo còn trong thùng, người giàu tính thời gian bằng số tiền lợi nhuận sẽ kiếm được, còn người say thì tính thời gian bằng số rượu còn trong chai!...
Các bài khác...
Page 34 of 39
Nhãn: truyện ngắn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét