Kết quả tìm kiếm


  1. Ngọc Thạch Đỗ - đam mê sáng tạo - viết văn, viết báo... - Tuổi Mậu Tý (1948), trình độ văn hóa: Tố nghiệp Khoa Ngữ Văn, Đại ...
    plus.google.com/114919060793471437834 - Bộ nhớ cache
  2. Trang Văn Nghệ Chủ Nhật - Đỗ Ngọc Thạch
  3. 1. Hóa thạch. Có nhà khảo cổ học nọ sau khi làm xong luận án Tiến sĩ thì phát hiện ra rằng ngành khảo cổ học không còn vấn đề ...
    vannghechunhat.net/truyen/do-ngoc-thach.html - Bộ nhớ cache



  4. truyện ngắn đỗ ngọc thạch - trích: Núi Lở; Từ Văn Miếu...

    Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch



    Gisele Bundchen
    Những chân dài được khao khát nhất thế giới



    truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch trên vannghechunhat.net - trích: Núi Lở; Từ Văn Miếu...

    Núi lở



    dongocthach2Đoàn khảo sát, nghiên cứu văn hóa dân gian của chúng tôi đã tiến sâu vào một vùng rừng núi ngút ngàn. Chúng tôi đi ngược theo một con suối có cái tên rất nên thơ : K’tung !


    Núi lở

    dongocthach2Đoàn khảo sát, nghiên cứu văn hóa dân gian của chúng tôi đã tiến sâu vào một vùng rừng núi ngút ngàn. Chúng tôi đi ngược theo một con suối có cái tên rất nên thơ : K’tung ! Phong cảnh trên đường đi thật ngoạn mục khiến bao mệt mỏi tan biến hết. Cô gái H’Thi, con gái một nghệ nhân kể Hơ Amon, (Hơ Amon : Một thể loại phôn-cơ-lo tồn tại và lưu truyền bằng phương thức hát kể. Trước đây thường dịch là Trường ca) là người hiểu biết  khá sâu về vốn văn hóa dân gian của dân tộc mình, tự nguyện làm người hướng đạo cho chúng tôi, vừa bước đi thoăn thoắt vừa khẽ hát những bài ca trữ tình mà tôi ngỡ như tiếng suối reo, thác đổ, gió  ngàn xôn xao !... Đến bài “Đăm ơi  đăm” (Anh ơi anh), thì tiếng hát sao mà  tha  thiết, như tiếng gọi nao lòng :

    Ê ! Đăm ơi đăm !...

    Ơ ! Anh ơi anh !

    Cha đã già rồi !

    Ơ ! Anh ơi anh !

    Mẹ đã yếu rồi !

    Ơ ! Anh ơi anh !

    Em mong anh về !

    Về đi anh !

    Ơ ! Anh ơi anh !...


    Tiếng gọi bay theo gió, tan vào ngàn xanh ! Người con trai đi đâu vậy, lầm đường lạc lối chăng ?

    Ngừng hát một lúc, H’Thi nói :

    - Em có người yêu tên là Đinh Kông . Anh ấy đi học đại học ở xa lắm ! Một lần, nói chuyện với thầy giáo về thơ ca dân gian của người  Ba-na, thầy giáo nói trật cả ! Thế rồi thầy trò cãi nhau. Thầy nổi khùng mắng anh ấy : “Mày là thằng mọi, biết gì mà cãi lại tao !”. Thế là anh ấy đánh cái ông thầy ấy, rồi bỏ trốn đi đâu không biết !...

    Thì ra vậy ! Trong bài hát của người xưa vẫn có tâm trạng của  người hôm nay !...H’Thi lại hát:

    Ơ ! Suối ơi !  K’Tung  ơi !

    Sao suối chảy hoài không hết nước ?

    Anh ơi ! Anh yêu ơi !

    Sao lòng em không hết buồn !...


    Vì sao cô gái Ba-na này lại có nỗi buồn da diết như thế ? Tôi định hỏi thì H’Thi lại nhẹ nhàng nói :

    - Em cũng muốn đi học đại học lắm chứ ! Nhưng khi em đang học lớp mười, có một thầy giáo cứ đòi yêu em ! Thầy giáo nói : “ H’ Thi yêu thầy thì thầy sẽ giúp em vào đại học !”. Muốn vào đại học phải yêu thầy giáo à ? Em không đồng ý, thế là thầy giáo cưỡng em, không được, rồi thầy cho em toàn điểm kém ! Em  buồn quá, không đi học nữa !...

    Mải nói chuyện với H’Thi, chúng tôi đã đi vào một khu nhà mồ từ lúc nào không hay. Những tượng nhà mồ đứng ẩn khuất sau những lùm cây, nhìn từ xa không khác người  thật là mấy : trầm mặc, khổ đau ! Các bạn đồng hành của tôi tản ra các nhóm tượng, chụp ảnh, đo đạc, ghi chép rất say mê . Tôi hỏi H’Thi :

    - H’Thi có biết những câu chuyện, những bài hát nói về tượng nhà mồ không ?

    H’Thi cười, nét mặt thoáng vẻ tư lự rồi nói :

    - Có chứ ! Em sẽ kể và hát cho anh nghe. Nhưng anh phải học tiếng Ba-na đi đã. Nghe hát bằng tiếng Ba-na mới hay ! Nhưng,  những bài hát về tượng mồ buồn  lắm . Để lúc khác. Bây giờ em hát bài vui. Chẳng hạn như bài  Hơri  ca ngợi  buôn  làng tươi đẹp. Em hát nhé !

    Và  H’Thi hát  bằng tiếng dân tộc  Ba-na của cô. Tôi không biết tiếng Bana, nhưng nghe tiếng hát nhịp  nhàng, tình cảm tha thiết ánh lên nhưng nét nhạc vui, và  nhìn nét mặt rạng ngời, ánh mắt lung linh của  H’Thi tôi đoán đây là một bài Hơri ngợi ca trong sáng…H’Thi ngưng hát, nói nhỏ:

    - Lời bài hát có nghĩa là: Quê hương tôi có dòng suối trong xanh, có buôn làng ẩn hiện trong màu xanh của rừng, có sắn, lúa ngô mọc khắp đồi nương!...- H’Thi bỗng đăm chiêu, một nét  u buồn như đang lướt trên mặt cô gái. H’Thi khẽ buông tiếng thở dài, nói tiếp – Nhưng bây giờ buôn làng xác xơ lắm anh ạ. Nạn đói đang đe dọa từng ngày!...

    Tôi thoáng rùng mình, ngực như bị nén chặt. Tôi chợt nhớ lại một chuyến đi bám càng bà phó chủ tịch tỉnh tuần trước : bà chở đầy xe gạo về tiếp viện cho gia đình ! Nhưng còn những nhà không có người làm trên huyện, trên tỉnh thì sao ? Tôi cũng không hiểu sao những người dân ở mảnh đất  sơn thủy hữu tình thế này mà bị nạn đói ? Tôi bỗng  nhớ đến những lễ  hội được mô tả trong các Hơ Amon : rượu cần ngập cả sông Ba, thịt chất đống cao như núi, dân làng vui chơi nhảy múa thâu đêm !... Tôi đang miên man trong suy tưởng thì H’Thi nói :

    - Em sẽ dẫn anh lên đỉnh thác Đrang Đrung. Ở đó có một tượng đá giống hệt hình người, giống như núi Vọng phu của người Kinh ấy !

    Bỏ mặc cho các nhà nghệ thuật học đang mải mê quan sát khu tượng nhà mồ, tôi theo H’Thi luồn rừng leo lên đỉnh thác Đrang Đrung. Trong những tài liệu nói về danh lam thắng cảnh của tỉnh, tôi không thấy nói đến cái thác này. Bởi vậy, khi tới đỉnh thác, tôi giật mình kinh ngạc : thác cao gần năm trăm mét, nước đổ trắng xóa nhưng không ầm ào dữ dội mà  như dải lụa mềm nhẹ bay. Trên đỉnh thác, bên cạnh một tảng đá lớn bằng cái nhà Rông, có một hòn đá cao hai mét, rất  giống như một người ngồi tay chống cằm đau khổ, mặt nhìn vào dòng thác. Ai  ngồi đây ? Từ bao giờ vậy ? Đau khổ vì lẽ gì ? Tiếng H’Thi vang bên tai tôi như tiếng thác chảy  rào rào :

    - Hồi em còn nhỏ, lên đây chơi thì thấy nó chỉ là một tảng đá bình thường. Nhưng khoảng mười năm trở lại đây, càng ngày nó càng giống hình người . Già làng Đinh K’pa nói rằng có một người đã ngồi bên tảng đá cho đến chết, cho nên hồn của người đó đã nhập vào hòn đá, khiến hòn đá dần dần biến thành hình người…

    - Ai ngồi chết ở đây vậy ? – Tôi hỏi .

    - Em sẽ dẫn anh tới gặp già làng Đinh K’pa, ông lão  biết rõ hơn em !...

    Tôi đăm đăm nhìn, càng nhìn càng thấy hòn đá giống như người vậy. Rồi, như là hòn đá  biến thành người thật, khẽ động đậy rồi vụt đứng dậy ! Tôi giật mình kinh hãi. H’Thi thấy vậy đưa tôi cái bầu rượu đen nhánh, nói :

    -  Anh uống một hớp đi ! Anh như là bị ma lai nhập ấy !

    Tôi cầm bầu rượu, tu một hơi . Men rượu như lửa đốt ! Một cảm giác lạ kỳ lan tỏa khắp người . Nhìn cái  tượng đá, nó vẫn ngồi bất động. Nó đang nghĩ gì vậy ? Tôi tiến lại gần , nó đang cúi đầu nhìn xuống thác nước. Có lẽ thác nước biết tượng đá nghĩ gì chăng ?

    Mải quan sát tượng đá , giờ tôi mới chú ý đến tảng đá lớn như cái nhà Rông  bên cạnh : Nó đứng chênh vênh trên đỉnh thác, như là sắp lăn xuống thác nước . Tôi hỏi  H’Thi :

    - Tảng đá này đứng chênh vênh như thế bao lâu rồi ? Sao nó chưa lăn xuống thác nước ?

    - Già làng Đinh K’pa nói, không biết từ bao giờ. Nhưng có lẽ năm nay nó sẽ lăn xuống để vỡ thành  muôn ngàn mảnh !

    - Năm nay à ? Làm sao mà tính được ?

    - Anh về hỏi già làng ấy. Cái gì ông lão cũng biết !...

    H’Thi chưa nói dứt lời thì như là có một tiếng động lớn từ lòng đất vọng lên. Tôi có cảm giác như đất dưới chân mình rung động, tảng đá như khẽ cựa mình ! H’Thi lặng người một lát rồi nói :

    - Già làng Đinh K’pa nói, khi nào có tiếng cồng từ lòng đất vọng về thì tảng đá lăn xuống thác !

    Đúng rồi, em nghe như là có tiếng cồng  ! Có đúng không anh ?

    Tôi lắng nghe nhưng lại không thấy gì. Nhìn tảng đá như treo đầu đẳng  rồi nhìn xuống chân thác, tôi bỗng giật mình khi thấy một tốp khoảng năm người đang nhởn nhơ ngắm cảnh dưới chân thác. Tôi tập trung nhãn lực  nhìn kỹ thì nhận ra đó là đoàn công tác của  Sở giáo dục đi cơ sở triển khai nhiệm vụ xóa nạn mù chữ mà tôi gặp ở huyện lỵ mấy hôm trước. Tôi ngạc nhiên lắm khi nhận ra ông trưởng đoàn là thủ trưởng cũ của tôi khi tôi mặc áo lính. Ông ta lúc đi bộ đội mới đang tập viết và không hiểu sao, ông ta không thể viết được vì cứ cầm bút là bút chực rơi ra và khi viết thì ngòi bút đâm thủng cả giấy ! Và tôi càng ngạc nhiên hơn khi H’Thi nói rằng ông ta chính là cái ông thầy đã đòi yêu H’Thi !  Có trời mới hiểu nổi sự xoay vần của tạo hóa sao lại kỳ quặc như vậy ?

    H’Thi như là cũng có tâm trạng như tôi : Hết nhìn tảng đá rồi lại  nhìn xuống tốp người  đang  ngắm cảnh dưới chân thác . Tôi nói :

    - Liệu tảng đá có thể rơi ngay sau khi có tiếng cồng không ?

    H’Thi dáng vẻ bồn chồn, nói :

    - Em linh cảm thấy như vậy ! Không biết có kịp báo cho những người ở dưới chân thác biết không ?

    - Anh đã nói với họ là ở xã K’Tang của em không có người mù chữ. Vậy sao họ vẫn tới đó ?

    - Em cũng không hiểu nữa. Bất cứ có đoàn công tác nào của tỉnh hoặc trung ương về, huyện cũng chỉ xuống xã em !

    -  Thôi ! Chúng ta chạy xuống báo cho họ lánh đi chỗ khác ngay !  Nghe chừng họ định cắm trại ở đây. Tảng đá mà lăn xuống thì họ bị đè  bẹp mất !

    H’Thi như sực tỉnh, cô không nói gì, lao vút đi, thoắt cái đã biến vào màu xanh ngút mắt ! Tôi lao theo H’Thi, nhưng chạy được vài bước thì vướng phải sợi dây rừng ngã bật trở lại, khắp người đau ê ẩm. Tôi gượng đau, đứng dậy tính đuổi theo H’Thi nhưng cô đã mất hút sau màu xanh của rừng . Mất người dẫn đường, tôi chẳng khác người mù. Vì vậy, tôi đành tập tễnh quay trở lại đỉnh thác, ngồi xuống bên tượng đá, nhìn xuống chân thác như tượng đá, chốc chốc lại nhìn sang tảng đá chênh vênh, đang như sắp lăn xuống !

    Tôi có cảm giác thời gian như ngưng lại, núi rừng như không một tiếng động. Rồi bất chợt, gió ào ào, mưa như thác đổ, cả khu rừng  như đang vặn mình, quằn quại ! Trơ vơ trên đỉnh thác, không biết chạy đâu tôi liền  ôm chặt lấy tượng đá, mắt nhìn như dán vào tảng đá chênh vênh   kia !...

    Cái gì phải  xảy ra thì đã xảy ra ! Tảng đá đã tách ra khỏi đỉnh thác ! Tôi bàng hoàng nhắm mắt lại và  chờ cái tiếng động đáng sợ kia vọng lại ! Nhưng tôi không  nghe thấy gì nữa khi chợt vụt lên ý nghĩ :  H’Thi có kịp cứu tốp người đi xóa nạn mù chữ kia thoát khỏi nạn núi lở hay không ?  Và bản thân H’Thi thì sao  ?

    * * *

    Một tháng sau cái ngày xảy ra vụ núi lở ấy, đoàn khảo sát văn hóa dân gian của chúng tôi trở lại xã  K’Tang. Chúng tôi rất buồn vì cô H’Thi, người hướng đạo tuyệt vời của chúng tôi bị bệnh, suốt tháng nay vẫn chưa khỏi, suốt ngày nằm liệt gường, không ăn uống gì được mấy. Già làng Đinh K’pa nói rằng , H’Thi bị Zàng phạt. Hỏi tại sao, nhất định già làng không nói. Song , tôi năn nỉ mãi và nằng nặc đòi đưa H’Thi đi bệnh viện, lúc ấy già làng Đinh K’pa mới nói :

    - Hôm ấy, Zàng nổi giận, muốn trừng trị tốp người ở dưới chân thác ấy. Nhưng con H’Thi đã làm trái ý Zàng !...

    Nghe già làng Đinh K’pa nói vậy tôi giật  mình kinh ngạc : Chẳng lẽ vì cứu tốp người đi xóa nạn mù chữ kia mà H’Thi bị bệnh sao ? Bây giờ mà cũng có chuyện thần linh ứng nghiệm vậy sao ? Già làng Đinh K’pa nói tiếp :

    - Anh có biết cái ông thủ trưởng của nhóm người ấy giờ ở đâu không ? Phải tìm ông ta về đây mới có cách chữa bệnh cho con H’Thi  !...

    Biết ông trưởng đoàn công tác xóa nạn mù chữ ở đâu bây giờ ? Tuy thế, tôi định bụng sẽ dò tìm bằng được ông ta. Song, thật là bất ngờ, ngay ngày hôm sau, khi tôi đến khu vực thác Đrang Đrung thì gặp ông trưởng đoàn ấy. Nhìn thấy tôi, ông ta vui vẻ nói :

    - Tớ đang hướng dẫn một nhà báo và các nhà địa chất nghiên cứu hiện tượng núi lở đấy !  Cậu đã đọc báo chưa ? Có bài  tường  thuật  của tớ về vụ núi lở vì tớ là người chứng kiến từ đầu đến cuối mà !...Mà này, có lẽ tớ bỏ nghề xóa nạn mù chữ mà chuyển sang  nghiên cứu về núi lở và động đất !  Thú vị lắm !...

    Nghe  ông ta nói đến đấy, tôi ù cả tai ! Không kịp suy nghĩ gì cả, tôi chạy về tìm già làng Đinh K’pa !.../.

    Viết tại 43- Đồng Khởi, TP.HCM, 1989
    Đỗ Ngọc Thạch.














    Từ văn miếu đến hồ Hoàn Kiếm



    vanmieu1. Ở Hà Nội có nhiều di tích văn hóa - lịch sử lớn, song có hai nơi gắn bó với tôi rất bền chặt và tôi đã gửi vào đó rất nhiều kỷ niệm không thể phai mờ, đó là Văn Miếu Quốc Tử Giám và Hồ Hoàn Kiếm. Có rất nhiều lý do để người ta gắn bó với một vùng đất, một địa danh nào đó và sự gắn bó của tôi với Văn Miếu Quốc Tử Giám và Hồ Hoàn Kiếm cũng có rất nhiều lý do, trong đó có ba lý do quan trọng nhất là:

    Từ văn miếu đến hồ Hoàn Kiếm
    vanmieu1. Ở Hà Nội có nhiều di tích văn hóa - lịch sử lớn, song có hai nơi gắn bó với tôi rất bền chặt và tôi đã gửi vào đó rất nhiều kỷ niệm không thể phai mờ, đó là Văn Miếu Quốc Tử Giám và Hồ Hoàn Kiếm. Có rất nhiều lý do để người ta gắn bó với một vùng đất, một địa danh nào đó và sự gắn bó của tôi với Văn Miếu Quốc Tử Giám và Hồ Hoàn Kiếm cũng có rất nhiều lý do, trong đó có ba lý do quan trọng nhất là: 

    1/ Nhà bố mẹ tôi ở đường Giảng Võ, mà tôi thì làm việc ở Viện Văn học (Từ năm 1978 đến năm l980), nên ngày ngày tôi phải đi làm (đi bộ) trên tuyến đường Giảng Võ – Cát Linh – Văn Miếu – Nguyễn Thái Học – Tràng Thi – Hồ Hoàn Kiếm – Lý Thái Tổ (Viện Văn học);

    2/ Lý do thứ hai là cả hai địa danh này đều có Rùa. Tôi đã đứng ngắm hàng giờ Rùa Văn Miếu cũng như Rùa Hồ Hoàn Kiếm, bởi từ nhỏ tôi đã thích loài linh vật này, lớn lên càng thích hơn bởi nó hợp với tính cách tôi “Chậm mà chắc!”, tôi thích luôn cả những người có tướng cách “Quy bối” – Tướng Rùa, đây là quý tướng, những người có tướng Rùa làm quan ở đâu thì con dân được nhờ!

    3/ Lý do thứ ba để tôi gắn bó với Văn Miếu và Hồ Hoàn Kiếm là bởi có một người con gái Hà Thành rất đặc biệt…Truyện ngắn này viết về người con gái Hà Thành đó.

    2. 

    Như vừa nói trên, “Tuyến đường Đau khổ” của tôi có đi qua phố Tràng Thi, ở đó có Thư viện Quốc gia là nơi tôi thường vào đọc sách từ thời còn là sinh viên. Thư viện của Viện Văn học cũng khá đủ sách phục vụ công tác nghiên cứu, song đến Thư Viện Quốc gia vẫn là cái thú riêng của không ít người làm công tác nghiên cứu văn học nói riêng và văn hóa - khoa học nói chung. Tôi thuộc diện của những người “Coi thư viện là nhà”, không những ban ngày mà cả ban đêm cũng chui vào Thư viện, ăn trưa, thường là cả ăn chiều ở Thư viện thì không gọi là nhà thì gọi là gì? 

    Đến Thư viện Quốc gia còn có một đối tượng, tuy không nhiều nhưng bao giờ cũng có, đó là những học sinh phổ thông Hà Nội (nhà ở gần Thư viện) sắp thi vào Đại học và những người Hà Nội đi “chinh chiến” đó đây giờ được trở về muốn thi vào Đại học. Người con gái mà tôi nói rất đặc biệt tên gọi Tiểu Hà, là học sinh phổ thông nhưng kỳ thi trước vì lý do đặc biệt phải bỏ thi, nên năm sau thi lại, gọi là “Thí sinh tự do”, cũng thường vào đọc sách, ôn thi ở Thư viện. Và chính tại đây – Thư viện Quốc gia – tôi đã gặp Tiểu Hà. 

    3. 

    Bữa ăn trưa của tôi (và phần lớn những người khác thời đó – mà người ta gọi là “thời Bao cấp”) tại Thư viện thường là một cái bánh mỳ (không nhân hoặc có nhân – tùy người) hoặc cơm nắm cơm đùm đạm bạc, có vài người còn huy động cả binh chủng “ngô khoai sắn”,(và nếu ở tại Cơ quan cũng thế). Chúng tôi ăn trưa ở những băng ghế đá ngoài sân Thư viện, khá rộng và cũng đẹp như Công viên. Không biết mọi người thế nào, chứ tôi thì ăn xong chỉ thấy đói hơn lúc chưa ăn! Để giải quyết vấn đề này, tôi thường tới thùng nước công cộng của Thư viện uống cho tới lúc bụng căng như bụng cóc!

    Hình như có người “theo dõi” việc sài nước của công quá trớn đó của tôi, và một lần tôi vừa uống xong gần chục ca nước thì có tiếng nói sau lưng: “Thái quá bất cập! Anh mà uống nước nhiều như thế rất có hại!”. Tôi giật mình quay lại và càng kinh ngạc hơn khi trước mặt tôi là một cô gái có khuôn mặt rất giống với nhân vật Ac-si-nha trong phim “Sông Đông êm đềm” (dựng theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Sô-lô-khôp) mà tôi rất có ấn tượng khi xem bộ phim này. Tôi chưa kịp hết ngạc nhiên thì cô gái biến mất, trước khi biến mất còn để lại cho tôi một  “nụ cười sáng lóa sau vành môi ẩm ướt”! Không biết cô gái cười vì cái gì, chắc là bộ dạng của tôi lúc đó tức cười lắm? 

    Cô gái có khuôn mặt rất giống nhân vật Ac-si-nha đó chính là Tiểu Hà, cô gái Hà thành rất đặc biệt mà tôi đã nói ở trên! 

    Tiểu Hà đặc biệt vì ba lý do: 1/ cái tên Tiểu Hà gợi cho ta một cô bé xinh xắn, nho nhỏ nhưng cô lại già trước tuổi có đến gần chục tuổi, vì thế tôi hơn Tiểu Hà gần chục tuổi nhưng tôi có cảm giác như ngang tuổi nhau! 2/ Tiểu Hà đã cùng mẹ chăm sóc người bố nằm một chỗ suốt 5 năm trời rồi lại một mình chăm sóc song thân năm năm nữa khi mẹ cô cũng không thể đi lại được! 3/ Nhà nghèo, lại phải chăm sóc bố, mẹ bệnh tật nhưng Tiểu Hà rất chăm học và có một sự hiểu biết rất sâu rộng, mặc dù cô mới tốt nghiệp Trung học, chưa thi vào đại học, nhưng thực ra cô đã tự học xong chương trình bộ môn Lịch sử của Đại học Sư phạm.

    4. 

    Theo thói quen, trưa hôm sau, tôi lại uống căng một bụng nước! Lần này thì cô gái tới nhẹ nhàng cầm lấy cái ca khỏi tay tôi và nói: “Anh không được uống nước nhiều như thế, máu anh sẽ bị loãng và tai biến sẽ ập đến bất cứ lúc nào!”. Trời đất! Đây là lần đầu tiên tôi nghe nói như vậy! Tôi thoáng hoảng sợ và chắc điều đó thể hiện rõ trên nét mặt tôi và khiến cô gái mỉm cười – lại là nụ cười sáng lóa sau vành môi ẩm ướt!...Tôi đang lúng túng không biết nói gì thì một ông thầy học của tôi ở Khoa Văn ĐHTH tới uống nước, thấy tôi đứng trước cô gái thì nói: “Cậu quen Tiểu Hà đấy à?”. Tôi ngập ngừng chưa biết trả lời ra sao thì cô gái – Tiểu Hà nói: “Dạ! Ngày nào em tới Thư viện cũng gặp anh ấy đang uống nước!”. Ông  thầy cười, nói: “Thì ra là người quen cả! Cô Hà đánh máy xong tập bản thảo ấy chưa? Có bản thảo mới , mai tới nhà tôi lấy nhé!”. Khi ông thầy đi rồi, Tiểu Hà nói: “Em vẫn thường đánh máy thuê kiếm tiền. Ông thầy của anh nhiệt tình kiếm bản thảo cho em lắm, anh có ông thầy thật là tốt bụng, tính giá cao hơn những người khác!”. Tôi lại thêm ngạc nhiên về Tiểu Hà!

    Có nhiều người tới thùng nước công cộng uống nước, chúng tôi đi ra khoảng sân rộng, tiếp tục nói chuyện về đề tài đánh máy. Tôi nói với Tiểu Hà: “Kiếm tiền bằng đánh máy chữ phải siêu lắm vì tiền công rất rẻ mạt. Bà Chung đánh máy ở cơ quan tôi đánh máy cả mười ngón tay, nghe cứ như mưa rào, mà mỗi ngày cũng chưa tới ba chục trang! Tiểu Hà đánh máy kiếm tiền đã lâu chưa, mỗi ngày được bao nhiêu?”. Hà cười nhỏ nhẹ, nói: “Em đã phải đánh máy kiếm tiền năm năm rồi, từ khi mẹ em nằm liệt giường. Cả bố và mẹ em đều làm nghề dạy học, đều đánh máy thuê kiếm tiền như một nghề thứ hai!... Giờ đối với em là nghề chính!”. Lần này thì tôi ngạc nhiên hết sức bởi với tôi, tự nuôi mình mình mà cũng thấy khó khăn, trong khi Tiểu Hà lại phải gánh một gánh nặng ngoài sức tưởng tượng!

    Thế là từ đó, tôi gặp những bạn học cũ đang làm việc ở các nhà xuất nhận bản thảo về đưa cho Hà đánh máy. Đánh máy cho nhà xuất bản thì tiền công rẻ hơn đánh máy cho cá nhân nhưng có đều và được đọc sách trước thiên hạ! Chính điều thú vị có màu sắc lãng mạn đó đã giúp cô gái có thêm sức mạnh và lòng kiên nhẫn để ngày ngày đêm đêm ngồi bên máy chữ ghép những con chữ vô hồn thành cuộc đời với biết bao sắc màu, âm thanh kỳ ảo!... Lúc đó, tôi cũng thường đánh máy chữ nhưng chỉ ở trình độ “mổ cò” và đánh máy bài viết của mình mà thôi. Vì thế, khi nhìn Tiểu Hà đánh máy, tôi thấy không khác gì nghệ sĩ đàn piano! Chính cái cảm giác đó đã giúp tôi “tiến bộ” rất nhanh về tốc độ đánh máy và chỉ sau một tháng “học mót” cách đánh máy của Hà, tốc độ đánh máy của tôi không thua các tay thợ chuyên nghiệp,  nghe tiếng máy chữ cũng như …mưa rào mùa hạ! 

    5. 

    Nhà Tiểu Hà ở ngay trên đường Quốc Tử Giám, phía bên phải nếu tính cho người đang đi vào Văn Miếu. Dãy phố này trước đây yên tĩnh dưới những tán cây bàng mát vào mùa hè, buồn về mùa đông, sau này người ta mới mở hàng quán buôn bán ì xèo và nhiều nhất là những đại lý vé số. Con đường qua nhà Tiểu Hà nằm trên tuyến đường tôi vẫn ngày ngày đi qua, như đã nói trên. Song, từ khi quen biết Tiểu Hà, con đường này là điểm dừng thứ hai của tôi sau Thư viện Quốc gia, và cũng là điểm dừng khá lâu. Bởi những lúc rảnh rỗi, thường là viết xong một bài nghiên cứu gì đó, tôi lại tự thưởng cho mình được đến …ngắm Tiểu Hà! Gọi là ngắm nhưng thực ra tôi thường làm một việc gì đó phụ giúp công việc đánh máy của Tiểu Hà, chẳng hạn như đọc cho Tiểu Hà đánh máy, sửa lỗi bản đã đánh máy, hoặc những lúc Tiểu Hà phải chăm sóc bố, mẹ thì ngồi vào bàn gõ máy chữ như …điên!

    Tôi đến nhà Tiểu Hà càng thường xuyên hơn khi nói chuyện với ông bố của Tiểu Hà (sức khỏe ông rất kém nên rất ít nói chuyện với khách đến nhà), tôi mới được biết ông đã từng là giáo viên của trường Phổ thông cấp 2 – 3 Lương Ngọc Quyến khi còn dạy học ở Thái Nguyên. Năm 1961, gia đình tôi ở Thị xã Thái Nguyên, tôi học lớp Năm ở trường này, còn ông chỉ dạy ở khối cấp Ba. Tuy thế, từ đó tôi vẫn gọi ông là thầy và phụ với Tiểu Hà trong việc chăm sóc ông. Ông bố Tiểu Hà là một thanh niên Hà Nội gốc, học giỏi và đầy nhiệt huyết. Tốt nghiệp Khoa Sử Đại học Sư phạm, ông đã tình nguyện đi dạy ở miền Núi, một phong trào rất sôi động của Thanh niên Thủ đô lúc đó đã để lại dấu ấn trong bài thơ “Lên miền Tây” của nhà thơ Bùi Minh Quốc: Tuổi hai mươi khi hướng đời đã thấy / Thì xa xôi gấp mấy cũng lên đường!…Ông đã đi hầu hết những huyện miền núi đầy gian khổ của tỉnh Thái Nguyên như Phú Lương, Đại Từ, Võ Nhai…Ai đã ở Thái Nguyên đều biết câu ca buồn: Những người lử khử, lừ khừ / Chẳng ở Đại Từ thì ở Võ Nhai – đó là nói về những người bị bệnh sốt rét! Và chàng thanh niên Hà Nội bố của Tiểu Hà bây giờ đã không thoát được căn bệnh “lưu truyền” đó, chuyển về thị xã Thái Nguyên được vài năm thì bệnh tái phát, trầm trọng hơn, suýt lấy mạng ông! Vợ ông, cũng là con gái Hà Nội, cũng là giáo viên đã đồng hành với ông “trên từng cây số”, tuy không dính bệnh sốt rét như chồng nhưng do cuộc sống kham khổ và khóc thương chồng nhiều mà sức khỏe suy kiệt dần!

    Những lúc đầu óc minh mẫn, tỉnh táo, ông bố của Tiểu Hà rất thích bàn luận về các nhân vật lịch sử nổi tiếng cổ kim Đông Tây…

    Nghe ông nói chuyện, lịch sử như sống lại rất sinh động, với đủ sắc màu vừa rất thực lại cũng rất kỳ ảo! Chẳng hạn như ông bảo, tại sao La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp không chịu ra giúp Tây Sơn Nguyễn Huệ? Tại vì ông đã biết Tử Vi của Nguyễn Huệ, Huệ đoản mệnh. Còn việc Huệ ra Bắc “phò Lê diệt Trịnh” thì không đánh cũng thắng bởi đối thủ đã tự hủy diệt!...Hoặc có một nhân vật lịch sử “công nhiều mà tội cũng không đáng chết” nhưng lại nhận cái chết bi thảm là Nguyễn Hữu Chỉnh! Chỉnh phò giúp Nguyễn Huệ khi mới ra Bắc, lại “mai mối mát tay” cho Huệ với công chúa Ngọc Hân, đó là một kỳ nữ của Bắc Hà, đáng lẽ phải được ghi công đầu, vậy mà…bị “thay ngựa giữa đường”!...Không chỉ hiểu sâu sắc về lịch sử, ông giáo còn là một nhà thơ chưa xuất đầu lộ diện. Ông gần như thuộc hết các nhà thơ lớn của Việt Nam và thế giới, ông đã làm rất nhiều thơ nhưng hầu như không còn giữ bản viết tay nào, bởi ông nói, những cái gì đáng nhớ thì nó sẽ ở mãi trong đầu ông! Song, những lúc ông muốn đọc thơ của ông cho tôi nghe thì sức khỏe ông lại có vấn đề! Thật đáng tiếc!

    6. 

    Việc tôi đến nhà Tiểu Hà dày hơn đã gặp phải một “lực cản” hoàn toàn bất ngờ đối với tôi. Kề sát nhà của Tiểu Hà là một nhà Đại lý vé số. Đứng tên chủ đại lý vé số và cũng thường ngồi bán vé số là một người khó đoán tuổi, có cái lưng nổi một cục to tướng, mà người ta gọi là “Lưng gù”. Tôi thường không nhìn qua nhà Lưng gù vì chỉ muốn mau chóng vào gặp Tiểu Hà. Một hôm, tôi nhận được tờ giấy học trò, có viết mấy dòng như sau: “Kính gửi Thạch Tiên sinh! Tôi đã điều tra kỹ lý lịch Tiên sinh, biết Tiên sinh đang làm việc ở Viện Văn học, một cơ quan Nhà nước danh giá. Tiên sinh là người đọc sách Thánh hiền, vậy mong Tiên sinh xử sự như một người có văn hóa: Bông hoa Tiểu Hà đã “có chủ”, chính là Tôi - Lưng gù tật nguyền đáng thương! Xin Tiên sinh đừng lui tới nhà Tiểu Hà nữa! Chúc Tiên sinh mọi sự tốt lành! Ký tên: Lưng gù Quadimodo!”. Đọc đến chữ cuối cùng, tôi như chân tay rụng rời! Hắn tự nhận là Quadimodo có nghĩa là hắn đã yêu Tiểu Hà từ lâu, đơn phương nhưng quyết liệt! Rõ ràng là tôi không thể “đấu súng” với hắn,  “sự nghiệp” của tôi mới bắt đầu, chẳng lẽ chỉ “Bùm” một cái là tan thành mây khói!

    Tôi đưa ngay lá  thư của Lưng gù cho Tiểu Hà, Tiểu Hà nhìn tôi dở khóc, dở cười, lúng túng một hồi rồi mới nói được: “Xem chừng Lưng gù này còn dữ dội, mãnh liệt hơn cả Quadimodo trong tiểu thuyết “Nhà Thờ Đức Bà Paris”! Có chuyện này là em chưa kể cho anh nghe, nhân đây em xin nói luôn: Ngay từ khi mẹ em bị bệnh nặng, Lưng gù đã cho bà Mối mai sang xin cưới em và nói sẽ phụng dưỡng bố mẹ em thật tốt cho đến ngày cuối cùng của cuộc đời! Em thật bất ngờ và rất sợ, nhưng không biết làm thế nào? Bố, mẹ đều bảo khất đến khi nào em thi đỗ vào Đại học sẽ bàn tới chuyện đó. Đây chỉ là kế hoãn binh tạm thời chứ chưa có cách nào dứt khoát. Lưng gù vui vẻ nhận lời và ngày ngày “canh chừng” em như Cai ngục! Hễ ai tới nhà em nhiều và có ý tán tỉnh yêu đương là hắn gửi giấy dọa giết. Hắn cũng định dọa giết anh nhưng bố em bảo anh là học trò cũ của ông hồi ở Thái Nguyên nên hắn mới viết thư giọng điệu nhẹ nhàng, lịch sự như vậy đấy!” May mà tôi đã biết kỹ Quadimodo trong tiểu thuyết nên bình tĩnh suy nghĩ về Quadimodo có thực ở cuộc đời này. Nghĩ đến nát óc không tìm ra được một kế sách nào khả thi, trừ kế cuối cùng trong cái “cẩm nang” Tam thập lục kế: Tẩu vi thượng sách! Nhưng Tẩu như thế nào thật không đơn giản bởi tình cảm của tôi với Tiểu Hải mới ở giai đoạn “Tình trong như đã mặt ngoài còn e !” mà thôi!

    Tôi buồn quá, và bỗng phát hiện ra rằng có quá nhiều chuyện thường chỉ có ở trong tiểu thuyết lại cứ đeo bám tôi hoài! …Tôi đem chuyện Quadimodo hỏi ông Đỗ Văn Hỷ, chuyên gia về văn học  Trung Quốc của Viện, cũng rất giỏi Tử vi tướng số, thì ông Hỷ nói: “Anh hùng không qua được ải Mỹ nhân! Nếu cậu tự cho mình là anh hùng thì sẽ chết vì người đẹp, còn nếu cậu là tiểu nhân thì cậu sẽ thắng cái anh chàng Quadimodo Lưng gù đó!” Tôi nói: “Anh nói thế cũng như chưa nói gì? Vấn đề là em có nên tiếp tục đeo bám cô nàng hay “nhường” cho thằng Lưng gù?” Ông Hỷ cười: “Tớ làm sao mà trả lời thay cho cậu được? Thần Tử Vi đứng trước Thần Ái tình cũng bó tay chào thua khi bị Mũi tên vàng của Thần Ái tình bắn trúng!”. Nghe ông Hỷ nói vậy, tôi chán nản hết sức, đi bách bộ từ Văn Miếu tới Hồ Hoàn Kiếm đến chục lần mà vẫn chưa nghĩ ra một ý hay nào! Khi tới trước cổng  Thư viện Quốc gia, nhìn vào trong sân, thấy Tiểu Hà đang ngồi trên một băng ghế đá như chờ đợi ai, tôi vội đi vào. Lúc tôi vừa ngồi xuống bên cạnh Tiểu Hà như mọi lần thì người nổi da gà khi thấy ở trên một băng ghế đá khác khuất sau một lùm cây, Quadimodo Lưng gù đang ngồi thu lu bất động, mắt nhìn về phía chúng tôi lạnh băng!

    7.

    Trưởng Ban Lý luận của tôi có người bạn làm cấp Trưởng phòng ở Sở Văn hóa – TT tỉnh Phú Khánh, bạn học của tôi cũng làm ở đó, vì thế ông muốn tổ chức cho cả Ban đi Nha Trang, theo “chính danh” là đi thực tế cơ sở. Những năm đầu giải phóng mà tổ chức được một chuyến đi dài ngày vào Miền Nam nói chung (Nha Trang nói riêng) là rất kỳ công. Lúc đó, các thành phố ở miền Nam nói chung và thành phố biển Nha Trang nói riêng vẫn là “vùng đất lạ” đối với người miền Bắc, vì thế việc đi Nha Trang một tháng trời đã giúp tôi “lùi xa mà nhìn rõ hình thế núi non”, tức nhìn lại “vấn ðề Lýng gù” một cách tỉnh táo và sáng suốt. Cuối cùng, sau ðúng một tháng ở Nha Trang, tôi ðã rút ra được cách đối nhân xử thế trong trường hợp phải đối mặt với “vấn đề Lưng gù”: cứ để sự việc phát triển, vận động một cách tự nhiên, không can thiệp thô bạo! Cụ thể hơn là chờ thời gian trả lời! Câu này cũng là một luận điểm quan trọng trong Lý luận văn học nói riêng và văn hóa – nghệ thuật nói chung: Thời gian là vị quan Tòa công minh nhất! 

    Và quả nhiên, Thời gian đã đưa cho tôi một đáp án thật…phũ phàng: Khi chuyến tàu Thống Nhất từ Nha Trang vừa về tới Hà Nội, tôi chưa về nhà ngay mà tới nhà Tiểu Hà (Từ Ga Hà Nội về nhà tôi ở Giảng Võ thì đi qua đường phố có nhà của Tiểu Hà) thì chỉ thấy hai người y tá mặc áo Blu trắng toát đang canh chừng bố và mẹ của Tiểu Hà! Những hình ảnh như thế quá quen thuộc đối với tôi (bố mẹ tôi đều làm nghề Y và thường là gia đình tôi ở luôn trong khu tập thể của Bệnh viện) và như báo tin cho tôi biết rằng: bệnh tình của song thân Tiểu Hà có vấn đề! Tôi chưa kịp hỏi gì thì một cô Y tá đưa cho tôi một mảnh giấy. Tôi mở ra và đọc ngay: “Gửi anh Th.!...Em không thể cưỡng lại định mệnh, tức phải cưới Lưng gù để anh ta lo hậu sự cho song thân! Chúng ta không nên gặp nhau nữa! Em: Tiểu Hà!”.  Khi thấy tôi đã đọc xong thì cô Y tá nói: “Thực ra bố mẹ của Tiểu Hà đã chết, nhưng chưa phát tang để tiến hành “Cưới chạy tang”, mọi người đang làm đám cưới ở nhà hàng Phú Gia!... Anh có vào chào hai ông bà thì vào đi rồi về ngay! Tiểu Hà có nhờ tôi nói thêm với anh như vậy!”.

    Tôi không còn nhớ cảm giác của mình lúc đó như thế nào, nhưng chắc là bộ mặt vốn đã khá nhàu nát của tôi lúc đó kỳ dị lắm, khiến cho cô Y tá nói xong thì bật khóc! Không biết cô Y tá khóc vì thương cảm cho tôi hay cho Tiểu Hà?  

    8.   

    Ngay ngày hôm sau, tôi cho tất cả quần áo, đồ dùng cá nhân của tôi vào cái ba-lô Con Cóc từ thời đi lính còn giữ lại và đến thẳng phòng làm việc của tôi ở Viện Văn học, tức đêm đêm tôi sẽ ngủ ngay trên bàn làm việc. Và thế là từ đó, tôi không còn ngày ngày đi trên tuyến đường từ đường Giảng Võ qua Văn Miếu Quốc Tử Giám đến Hồ Hoàn Kiếm để tới cơ quan ở đường Lý Thái Tổ nữa! Tuyến đường vừa mới như là mạch máu trong cơ thể bỗng chốc trở thành “Con đường đau khổ”!

    Thời gian lại đem đến cho tôi một đáp án mới của cuộc đời: Tôi không làm việc ở Viện Văn học nữa mà chuyển về Tạp chí Nghiên cứu Nghệ thuật ở đường Đê La Thành (đối diện với Nhạc viện Hà Nội). Như thế tuyến đường Từ Văn Miếu đến Hồ Hoàn Kiếm có thể được xóa đi vĩnh viễn, tôi sẽ thoát khỏi sự ám ảnh vì cứ phải cố tránh “Con đường đau khổ” mỗi khi đi từ cơ quan ở Lý Thái Tổ về nhà ở Giảng Võ! Nhưng thực ra, sự ám ảnh này không hề buông tha tôi và cứ như là “ngựa quen đường cũ”, thỉnh thoảng đôi chân vạn dặm của tôi lại vô tình (hay cố ý) đưa tôi đi qua nhà Tiểu Hà. Và sự đời trớ trêu ở chỗ, lần nào tôi đi ngang qua nhà Tiểu Hà cũng đều nhìn thấy Nàng, nhưng trong những cảnh huống khiến trái tim tôi thêm tan nát, chẳng hạn như cảnh tượng sau: Tiểu Hà vừa đi làm về , còn đứng ngoài hiên, thì người chồng Lưng gù đã từ bàn vé số bật dậy, nhanh như vượn, nhào tới ôm chặt lấy Tiểu Hà rồi hôn hít lên khắp người Tiểu Hà, không chừa chỗ nào!... 

    Sài Gòn, 2008-2009

    Đỗ Ngọc Thạch 
    nguồn: vannghechunhat.net