Thứ Tư, 14 tháng 8, 2013

truyện ngắn đỗ ngọc thạch - trích: Ký ức Hà Nội...


truyện ngắn đỗ ngọc thạch - trích: Ký ức Hà Nội; Tượng nhà mồ

truyện ngắn đỗ ngọc thạch - trích: Ký ức Hà Nội; Tượng Nhà Mồ



  1. Truyện ngắn của Đỗ Ngọc Thạch . Ngày mười bốn tháng chín năm bảy chín, đoàn khảo sát văn hóa dân gian của ông Tô Ngọc đến ...
    www.phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=6455 - Bộ nhớ cache
  2. Truyện Ngắn đỗ Ngọc Thạch - Kết quả Hình ảnh
    1. Do Thach: truyện ngắn đỗ ngọc thạch - trích: Núi Lở ...
    2.    
    3. Do Thach: truyện ngắn đỗ ngọc thạch trên nguoibanduong.net ...
    4.    
    5. Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch trên phongdiep.net
    6.    
    7. Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch (trieuxuan.info)
    8.   
    9. truyện ngắn đỗ ngọc thạch - trích: Ba chìm bảy nổi
    10.    
    11. Do Thach: truyện ngắn đỗ ngọc thạch - trích: Núi Lở ...
    12.    
    13. Do Thach: Bà Nội - Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch
    14.    
    15. truyện ngắn đỗ ngọc thạch
    Nhiều hơn »
  3. Chủ nhật, ngày 07 tháng bảy năm 2013


    truyện ngắn đỗ ngọc thạch - trích: Ký ức Hà Nội; Tượng Nhà Mồ

    Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch trên phongdiep.net - Trich: Ký ức Hà Nội; Tượng Nhà Mồ



    Áo dài trắng / thiếu nữ Hà Nội
    Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch trên phongdiep.net  - Trích: Ký ức Hà Nội; Tượng Nhà Mồ






     Đường Văn:: 
     (Đỗ Ngọc Thạch) - Ngày đăng: 04/03/2009. Lần đọc: 976 . Cập nhật bởi: DiepAnh


     (ĐỖ NGỌC THẠCH ) - Ngày đăng: 01/03/2009. Lần đọc: 1189 . Cập nhật bởi: DiepAnh

    (Đỗ Ngọc Thạch) - Ngày đăng: 28/02/2009. Lần đọc: 1278 . Cập nhật bởi: DiepAnh

    (Đỗ Ngọc Thạch) - Ngày đăng: 25/02/2009. Lần đọc: 1663 . Cập nhật bởi: DiepAnh




     .. Ngày đăng: 13/03/2009. Lần đọc: 1551 . Cập nhật bởi: DiepAnh
    . - Ngày đăng: 13/03/2009. Lần đọc: 1067 . Cập nhật bởi: DiepAnh
    (Truyện ngắn của Đỗ Ngọc Thạch) Ngày đăng: 10/03/2009. Lần đọc: 1205 . Cập nhật bởi: DiepAnh

    Ngày đăng: 07/03/2009. Lần đọc: 1168 . Cập nhật bởi: DiepAnh
    Ngày đăng: 07/03/2009. Lần đọc: 1437 . Cập nhật bởi: DiepAnh

    (Đỗ Ngọc Thạch) - Ngày đăng: 05/03/2009. Lần đọc: 1349 . Cập nhật bởi: DiepAnh


    Nhung nằm đó, bất động…Tay Nhung đang cầm miếng ngọc bội mà tôi đã tặng Nhung ở Hồ Tây năm xưa… - Ngày đăng: 21/02/2009. Lần đọc: 1387 . Cập nhật bởi: DiepAnh
    (Đỗ Ngọc Thạch) - Ngày đăng: 17/02/2009. Lần đọc: 1744 . Cập nhật bởi: DiepAnh


    (Truyện ngắn của Đỗ Ngọc Thạch ) - Ngày đăng: 01/02/2009. Lần đọc: 2721 . Cập nhật bởi: DiepAnh
    (Đỗ Ngọc Thạch) - Ngày đăng: 29/01/2009. Lần đọc: 2302 . Cập nhật bởi: DiepAnh





    KÝ ỨC HÀ NỘI - Đỗ Ngọc Thạch


    Truyện ngắn của Đỗ Ngọc Thạch 

    KÝ ỨC  HÀ NỘI

                Tuổi thơ đi rồi mãi mãi lìa xa
                  Chẳng còn bao giờ mong trở lại
                   Tim vẫn hát điệu vần kh ôn cưỡng lại
                   Tình yêu như sao trời mọc trên đầu ta!...
                                                

         Ngay sau ngày giải phóng Thủ đô,  gia đình tôi chuyển về Hà Nội, từ chiến khu. Bố tôi  làm việc ở Bệnh viện quân đội  108 (còn gọi là bệnh viện Đồn Thủy) nuôi cả nhà, gồm mẹ tôi  và năm chị em. Lúc đó, tôi chưa tới mười tuổi nên không thể nhớ lại  được  bố mẹ tôi đã xoay trở ra sao để nuôi  một đàn con chúng tôi ăn học giữa chốn thị thành này. Tôi  cũng không có ý thức gì về sự giàu nghèo vì cho tới lúc này, tôi vẫn chưa biết mặt mũi đồng tiền nó như thế nào !

          Gia đình tôi ở nhờ trong nhà một người bạn học cũ của bố tôi, ở phố Nguyễn Lai Thạch. Chủ nhà nhường toàn bộ phần lầu một , thoáng mát , rộng rãi. Tuy nhiên, chính vì ở trên lầu mà cái cầu thang  đã trở thành mối nguy hiểm thường trực đối với  tôi  : vì không quen đi cầu thang mà mỗi ngày phải lên xuống cái cầu thang ấy hàng chục lần, nên tôi thường bị té ngã đủ kiểu !  Ấy là chưa kể tôi còn thường bị bố tôi đánh lăn từ đầu cầu thang xuống tới chân cầu thang ! (Sau này, tôi không còn oán bố tôi về chuyện này nữa vì tôi  biết rằng bố tôi  là người  tính nóng, mà tôi thì hay làm hỏng việc và thường là không thực hiện đúng những quy định do bố tôi  đặt ra, chẳng hạn như làm vỡ phích nước, khi bố tôi đi làm về mà vẫn chưa nấu cơm xong…).  Nhưng tôi lại phải cảm ơn cái chuyện ngã cầu thang này vì nhờ tôi bị ngã gãy tay mà tôi  đã có một người bạn đặc biệt.
        
    Năm đó (1955), tôi đang học lớp Một. Vào năm học được một tháng thì tôi bị ngã cầu thang và phải nghỉ học gần mười ngày. Tới ngày nghỉ thứ ba thì Nhung – lớp trưởng, được cô giáo giao nhiệm vụ đến giúp tôi chép bài và hướng dẫn tôi học, để khỏi bị đứt đoạn. Nhưng cả Nhung và cô giáo đều không biết rằng hồi còn ở chiến khu, tôi đã học xong toàn bộ chương trình lớp Một, vì khi đó, mẹ tôi là cô giáo tiểu học và đã cho tôi học  “dự thính” !  Khi về Hà Nội tôi mới đủ tuổi vào lớp Một nên phải xin vào học lại từ lớp Một. Thật là sự trùng hợp ngẫu nhiên, Nhung cũng đã tự học xong chương trình lớp Một, nhưng là do chị Nhung dạy tại nhà. Thế là việc học bài chuyển thành những buổi đọc truyện thật là thú vị đối với tôi. Nhung nói nhà Nhung có một tủ sách rất lớn được truyền lại từ ông nội Nhung (đã đỗ tiến sĩ dưới triều Nguyễn), đến bố Nhung, một bác sĩ đã tốt nghiệp khóa đầu của trường đại học Y – Dược Hà Nội. Chính là nhờ Nhung tôi đã biết thế giới kỳ ảo của truyện Cổ tích, Thần thoại từ Việt Nam, Trung Quốc cho đến An-đec-xen, Grim…
        
    Việc Nhung dắt tôi vào thế giới kỳ ảo của Cổ tích, Thần thoại thật là thú vị đối với tôi, nhưng còn thú vị, tuyệt vời hơn là việc Nhung đã tình nguyện là hướng đạo dẫn tôi đi khắp Hà Nội 36 phố phường !
         
    Lần đầu tiên, Nhung dẫn tôi đến hồ Hoàn Kiếm và kể cho tôi  nghe chuyện vua Lê Thái Tổ trả gươm cho Thần Rùa. Trong khi tôi đang mải suy nghĩ xem Thần Rùa đã để thanh gươm ấy ở đâu thì Nhung nói :
          - Giá như khi giặc Pháp sang xâm lược nước ta, Thần Rùa  cũng cho mượn Gươm ấy thì nước ta đã không bị chúng đô hộ gần  một thế kỷ !...
           Tôi nói ngay :
           - Giặc Pháp có nhiều súng đạn, gươm thì làm sao đánh lại ?
           - Ừ nhỉ !... – Nhung nói khẽ và buông một hơi thở nhẹ.
           
    Tôi thấy mình như bị một lực vô hình nhấc bổng lên cao rồi ném mạnh xuống hồ. Tôi lặn hụp một hồi thì cảm thấy như là bị chuột rút. Tôi  vẫn còn tỉnh táo để nhận ra một bàn tay nhỏ đã túm tóc tôi kéo vào bờ !...
            Nhung hỏi, sau khi tôi đã trở lại bình thường :
            - Sao bạn lại nhảy xuống hồ ?
            - Tôi định lặn xuống tìm thanh gươm của Thần Rùa ! – Đúng là trong đầu tôi có ý nghĩ như vậy !
            - Trời ơi ! – Nhung tròn mắt nhìn tôi – bạn không biết bơi mà sao lại liều như vậy?
            - Tôi bơi giỏi ấy chứ! – Tôi cười to và nói liền một mạch - Ở quê tôi có sông Thao, tôi đã bơi qua sông rồi bơi trở lại. Đó là chuyện bình thường. Bạn có biết câu “Sông Thao nước đục người đen – Ai lên Vũ Ẻn thì quên đường về” không?Quê tôi đẹp và nên thơ lắm. Nhưng khi được biết câu “Mịt mù khói tỏa ngàn sương – Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ” tôi lại thấy Hà Nôi của bạn chắc là đẹp hơn ?
            
     Không phải đợi lâu, Nhung dẫn tôi đến Hồ Tây. Đứng trước mặt hồ, một cảm giác kỳ lạ dâng trào trong tôi và tôi đã nhảy ào xuống hồ từ lúc nào. Sau khi lặn một hơi, tôi nổi lên và sải tay bơi ra giữa hồ. Được một lát, tôi ngoảnh lại thì thấy Nhung đang đứng yên lặng bên bờ hồ, mắt dõi theo tôi. Bơi được khoảng gần một trăm mét, tôi dừng lại và chợt nghĩ:”Thử lặn  xuống xem có báu vật gì không?”. Thế là tôi lặn một hơi dài. Quả nhiên, không lâu la gì, tôi đã tìm thấy một cái đồng hồ bỏ túi và một miếng ngọc bội. Tôi tặng Nhung  miếng  ngọc bội và giữ lại cái đồng hồ (Nhưng ngay ngày hôm sau, cái đồng hồ đã bị bố tôi tịch thu !). Chúng tôi còn trở lại hồ Tây hai lần nữa, cũng có nhiều chuyện đáng nhớ mãi nhưng chưa thể kể hết ra đây được !...
           
     Tôi ở Hà Nội chưa được một năm, chưa kịp đi xem hết những kỳ quan của Hà Nội thì gia đình tôi chuyển về  Hà Đông (bố tôi được điều động về làm việc ở quân y viện 103). Ở Hà Đông được một năm thì bố tôi lại được điều động  về quân y viện 109 ở Vĩnh Yên. Ở Vĩnh Yên cũng chưa được một năm thì gia đình tôi lại chuyển về Hà Nội (bố tôi đã  chuyển ngành và đang chờ Bộ y tế sắp xếp công tác). Lần này , gia đình tôi ở nhờ một trại chăn nuôi bò sữa vùng ngoại ô, có cái tên rất hay : Lương Yên. Đây là khu lao động, hầu hết là dân nghèo. Vì thế, phòng mạch của bố tuy đông bệnh nhân nhưng thu nhập chỉ vừa đủ sống (đa phần chữa bệnh không lấy tiền). Công việc ở phòng mạch rất nhiều (có đủ các loại bệnh, riêng công việc giải phẫu – chỉ có tiểu phẫu – thì nhiều không ngờ : ngày nào cũng ngót nghét chục ca)  nhưng người làm chỉ có ba : bố tôi, mẹ tôi (đã là y tá) và tôi. Vì tôi bận làm việc như thế cho nên thời gian để gặp Nhung thật là hiếm hoi. Chỉ đến khi Nhung xin chuyển về trường Lương Yên học cùng lớp với tôi (lớp 4), thì chúng tôi mới được gặp nhau thường xuyên – dĩ nhiên ! Những giờ kiểm tra một tiết hoặc cả buổi, chúng tôi chỉ làm bài trong mười phút là xong và nộp bài cho thầy giáo rồi dắt nhau tung tăng khắp phố phường ! Những ngày tháng đó thật là đẹp và có thật nhiều kỷ niệm nhớ đời. Tôi chỉ xin kể ra đây một kỷ niệm “đòn đau nhớ đời” !
           
    Lần ấy, khi tôi và Nhung đang đứng xem giới thiệu chương trình kịch mục trước cửa Nhà hát Lớn thì thật bất ngờ, chiếc mô-bi-lét của bố tôi đỗ xịch ngay sát người tôi mới biết  ! Kết  quả là tôi bi một trận đòn “thập tử nhất sinh” cùng với bao lời kết tội của bố tôi, trong những tội đó có một từ mà lần đầu tiên tôi được nghe : luyến ái bất chính ! Khi nghe bố tôi nói như thế, tôi nghĩ : đúng là tôi và Nhung rất thân nhau, rất thích gần nhau, nhưng yêu thì chắc là từ đây tôi sẽ yêu Nhung !
          
    Tôi chưa kịp nói với Nhung về những suy nghĩ của mình thì gia đình tôi chuyển lên Thái Nguyên – bố tôi được giao nhiệm vụ làm giám đốc bệnh viện Khu Gang thép Thái Nguyên. Tính lại, chúng tôi chỉ cùng được học bên nhau học kỳ 1 của lớp 4, nhưng bù vào đó, Nhung đã dẫn tôi đi khắp lượt Hà Nội 36 phố phường . Sau này, khi trở lại sống ở Hà Nội lần thứ ba, tôi đã bắt tay vào viết cuốn Hà Nội ký sự, nhưng rồi bỏ dở vì nghĩ có lẽ mình không qua nổi những văn tài đã viết rất hay về Hà Nội như Vũ Bằng, Thạch Lam, Tô Hoài…Lần ra đi này của gia đình tôi cũng thật là cập rập, dĩ nhiên là tôi không thể chia tay với Nhung.Tới Thái, tôi đã viết thư ngay cho Nhung, gửi cả về nhà và địa chỉ lớp học, nhưng dù tôi có gửi thêm gần chục lần nữa, cũng không hề có thư hồi âm của Nhung !...
          
    Ở Thái Nguyên được một năm rưỡi, gia đình tôi lại chuyển chỗ ở : đi một mạch từ Thái Nguyên về thành phố biển Hải Phòng ! Bố tôi lại chuyển đổi công tác (chưa phải là lần cuối) : về làm giám đốc Viện điều dưỡng A ở Hải Phòng ! Lúc chiếc xe tải chở gia đình tôi từ Thái Nguyên về qua Hà Nội, chỉ nghỉ có một đêm, tôi muốn đi tìm gặp Nhung nhưng tôi không có một kẽ hở thời gian nào : mẹ tôi đã đẻ thêm ba cậu con trai, từ năm 1955 đến năm 1960, (lúc đó là đầu năm 1961) và việc trông coi ba đứa em nhỏ tôi phải làm gần hết, không khác gì một nhũ mẫu thực thụ ! Không thể diễn tả hết cảm giác của tôi lúc đó : thấy như là Nhung ở rất gần đâu đây mà không gọi được, không tới được !...
          
    Thế là lại phải qua đi năm năm nữa tôi mới được gặp lại Nhung. Ấy là lúc tôi học xong lớp mười Phổ thông và có giấy gọi vào khoa Toán trường Đại học Tổng hợp. Nhận được  giấy gọi, tôi đi Hà Nội ngay. Đoạn đường “tang-bo” khá dài (thời gian này – l966, máy bay Mỹ đã tăng cường đánh phá miền Bắc, cầu Phú Lương trên đường số 5 bị hỏng nên tàu hỏa không thể đi qua) nhưng tôi đi như bay, như là có cánh mọc dưới chân như nhân vật Hecmet trong thần thoại Hy Lạp.!  Gặp lại Nhung sau sáu năm xa cách, tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác: Nhung đã là một thiếu nữ 18 tuổi cực kỳ xinh đẹp, không thua kém các hoa hậu thời nay bất kỳ điểm nào ; Nhung cũng tốt nghiệp phổ thông trung học như tôi nhưng với điểm cao tuyệt đối mà bây giờ gọi là Thủ khoa, đặc biệt với môn Toán, suốt 10 năm học phổ thông, Nhung luôn đạt điểm cao nhất ; điều bất ngờ thứ ba gây sốc rất mạnh đối với tôi là Nhung không được gọi vào đại học vì lí lịch : Ông nội là quan lại thời phong kiến, bố là tư sản, có một ông chú đang làm việc trong chính quyền Sài Gòn và một ông chú đang sống ở Pháp !  Tôi không nói được lời nào để an ủi Nhung hay đại loại như vậy, chỉ vò đầu bứt tai và cảm thấy như mình có lỗi ! Nhưng Nhung lại an ủi tôi và tỏ ra rất bình thản (hay đúng là Nhung chỉ tỏ ra bình thản ở bề ngoài ?). Nhung nói nhỏ nhẹ :
           - Bạn nên tới trường ngay đi. Đường xa và bom đạn không biết đâu mà lường ! Tôi sẽ đưa bạn tới tận nơi học !...
            
      Trời ơi ! Nghe Nhung nói mà tôi như sắp òa khóc ! Tôi muốn thời gian ngừng lại, trái đất ngừng quay và tốt nhất là quay ngược lại cái thời Nhung dắt tôi đi lang thang khắp 36 phố phường Hà Nội ! Trong đầu tôi vụt hiện lên nào là Hồ Gươm cổ tích, Hồ Tây bâng khuâng, hồ Thuyền Quang mơ mộng, Ô Quan Chưởng trầm mặc, Ô Đông Mác lầm bụi, Ô Chợ Dừa nhộn nhịp…, nào là những con đường ào ào lá đổ, những hàng cây đào Nhật Tân kiên nhẫn đứng đợi xuân về, nào là cây cầu Long Biên già nua nhưng vẫn cố gồng mình cho đoàn người, đoàn xe qua lại không ngớt…
          
        Cuối cùng thì tôi cũng không thể không đối diện với thực tại : tôi đi học, còn Nhung, Nhung sẽ đi đâu ? làm gì ? Nhung không trả lời tôi mà giục tôi lên đường . Quả là con đường sẽ đi rất xa : Khoa Toán của trường ĐHTH  sơ tán ở tận huyện Đại Từ tỉnh Thái Nguyên (tôi có duyên nợ gì với Thái Nguyên đây ?). Đi tàu từ thị xã Thái Nguyên đến ga Quán Triều là hết đường sắt, phải đi bộ tiếp đến Đại Từ, và điểm cuối cùng là thôn Đầm Mây – chắc là chỗ chúng tôi học ở tít trên chín tầng mây !...
             
     Suốt quãng đường đi bộ, con đường đồi núi dài hun hút và vắng teo, Nhung hết đọc thơ, bình thơ rồi lại kể chuyện cổ kim đông tây  cho tôi nghe. Tôi không ngờ Nhung đọc thơ và bình thơ thật tuyệt vời, nhất là những bài thơ tình của  Aragon viết tặng Ensa  do  Nhung tự dịch từ nguyên bản tiếng Pháp . Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn còn thuộc những câu thơ ấy và nó hiện ra trong đầu tôi cùng với hình ảnh Nhung đang đọc lên lúc ấy : “Tất cả những gì về anh nhờ em anh mới biết – Trời đã đứng trưa, ngày cũng sắp qua rồi – hạnh phúc không phải ngọn đèn nơi quán nhỏ - anh cầm tay  em  trong cuộc đời đau khổ -  con người chưa hiểu nghĩa chung đôi…”
           
      Con đường dài hun hút và vắng teo ấy cuối cùng cũng ở sau lưng chúng tôi ! Tôi sợ phải chia tay với Nhung. Một nỗi sợ không có hình hài nhưng nó làm tim tôi như ngừng đập ! Và có lẽ Nhung biết rất rõ điều ấy nên Nhung đã đồng ý để tôi đưa Nhung trở lại thị xã Thái Nguyên. Và rồi cuối cùng, tôi đã đưa Nhung trở lại Hà Nội. Chúng tôi quyết định sẽ đi lang thang khắp Hà Nội một lần nữa, một ngày một đêm, rồi tôi sẽ đi Thái Nguyên, tới huyện Đại Từ và cuối cùng là cái làng Đầm Mây heo hút kia !
            
     Khắp Hà Nội là một không khí sẵn sàng chiến đấu đánh trả bọn “Thần Sấm”, “Con Ma” của  “Không lực Hoa Kỳ”. Trên đường Thanh Niên bên Hồ Tây, nơi có hàng ghế đá và những cây liễu rủ tóc thướt tha – nơi hẹn hò yêu đương của những đôi lứa – sừng sững những khẩu pháo phòng không  đang sẵn sàng nhả đạn bất cứ lúc nào. Trên sân thượng ở các nhà cao tầng, những khẩu súng máy 14,5 li và 12,7 li và cả súng trường CKC cũng đang vươn nòng sẵn sàng chiến đấu !... Một ý nghĩ thoáng vụt đến :tôi muốn đi chiến đấu, tôi sẽ xông pha nơi bom lửa bão đạn, chứ không thể tìm đến một nơi an toàn tít tận cái làng Đầm Mây hẻo lánh trên miền núi rừng kia để mà ngồi học, nhất là Nhung lại không được đi học nữa ! (Ý nghĩ bất chợt ấy chỉ ba tháng sau đã trở thành sự thật !...)
           
     Bấy giờ là tháng Chín – Mùa Thu. Tôi và Nhung cứ đi lòng vòng mà không định rõ rằng sẽ đi đến đâu ? Khi tôi thấy đôi chân mỏi rời thì cũng là lúc chúng tôi đang đứng trước Văn Miếu. Chúng tôi đã đến Văn Miếu nhiều lần vì ông nội Nhung có tên trong tấm bia đá tiến sĩ, mỗi khi nhớ ông nội Nhung lại đến đây…Tôi nói với Nhung :
            - Giá như bây giờ là Mùa Xuân thì hay quá, mình muốn đến nhìn hoa đào đón Mùa Xuân như thế nào ?
           - Mùa Thu Hà Nội có nhiều điều kỳ diệu lắm. Mình có cảm giác rằng chính Mùa Thu đã làm cho Hà Nội đẹp một cách huyền ảo. Vả lại riêng mình, trong bốn mùa ở Hà Nội, mình thích Mùa Thu nhất, bởi Mùa Thu dài nhất, bí ẩn nhất…-  Nhung nói nhỏ.
            - Và buồn nhất – Tôi nói chen ngang – Tiếng Thu là âm thanh buồn vô hạn : “Con nai vàng ngơ ngác – đạp trên lá vàng khô”…
             
    Nhung  xác nhận :
            - Đó cũng là một biểu hiện lãng mạn của Mùa Thu, nhưng người ta chìm đắm vào đó nhiều quá, thái quá bất cập. Mình thích Mùa Thu nhất không phải vì Mùa Thu buồn mà vì lẽ khác. Bạn cứ thử nghĩ xem, tại sao chỉ có Thiên Thu mà không có thiên Xuân, thiên hạ, thiên đông ? Thiên Thu (ngàn năm) là một khái niệm thời gian không có giới hạn…Mình cứ bị ám ảnh bởi một câu thơ nói về cái chết của một chú bé lính kèn : “Hỡi người lính kèn nhỏ tuổi – Hãy nằm đây yên giấc ngàn Thu…”  Đó là cái vĩ đại, cái kỳ diệu trong cái bé nhỏ. Loài người tồn tại được là nhờ điều đó !
             
    Tôi lờ mờ nhận ra điều gì đó trong suy nghĩ của Nhung, nó như đôi cánh của Thiên Thần đang bay trên thinh không kỳ ảo. Vì cứ mải đuổi theo đôi cánh Thiên Thần ấy mà tôi quên hết những gì định nói với Nhung trong ngày hôm nay. Cuối cùng, tôi lại nói một câu rất vu vơ :
              - Thiên Thu ?  Đúng rồi ! “Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại”, hồi ở Hải Phòng, vì đánh nhau mà mình bị giam ở đồn công an mất một ngày, đúng là dài bằng cả ngàn năm !
             
     Nhung mỉm cười rồi chợt buông một hơi thở nhẹ và nói :
             - Mình rất muốn được học ở Khoa Toán như bạn, nhưng cái số mình là nó vậy, biết làm sao. Điều mong ước duy nhất của mình lúc này là bạn sẽ học thật tốt, sẽ trở thành một nhà toán học như trước đây chúng mình đã hằng mơ ước. Bạn thắp hương cầu khấn ông nội mình đi, ông sẽ phù hộ độ trì cho bạn…
              Chúng tôi cùng cầu khấn ông nội của Nhung. Tôi nhìn tấm bia  Tiến sĩ mà như thấy cảnh tôi vinh quy bái tổ, N
    hung e lệ đón tôi  trong tiếng pháo nổ vạn sắc hồng ! Nhưng, kỳ lạ thay, con Rùa dưới tấm bia như là đang bò đi, mới có vài bước chân mà đã mất hút ! Tôi giật mình nhìn sang Nhung, Nhung vẫn đang lầm rầm khấn điều gì đó ! Tôi không nghe rõ tiếng Nhung vì không hiểu sao tôi nghe thấy tiếng lá rơi rất kỳ lạ, rất to như là tiếng bom nổ ! Và điều đó không sai, máy bay Mỹ đang ném bom ở đâu đó, không xa lắm, tiếng còi báo động của Thành phố vang lên!...
           
    Đoạn kết :
             Đoạn kết thật bi thương, nhưng không thể khác đi được ! Tháng Mười năm 1970 tôi được trở về tiếp tục học tại khoa Toán sau bốn năm là lính Ra-đa thuộc lực lượng Phòng không – Không quân. Lúc này, trường Đại học không phải đi sơ tán như hồi tôi mới nhập học nữa. Khoa Toán của tôi học ở khu Thượng Đình. Nói chung là rất tốt, không có gì phải phàn nàn !

            Gặp lại Nhung, chúng tôi đều rất mừng . Tôi thầm cảm phục Nhung đã có bản lĩnh vững vàng để đi qua biến cố lớn của cuộc đời. Nếu là tôi, tôi đã gào thét, đã buông thả và có lẽ sẽ trở thành một kẻ chán đời, bất lực. Trong suốt bốn năm qua, Nhung đã tham gia rất tích cực trong đội cấp cứu cơ động của Thành phố. Với tư chất thông minh bẩm sinh, với sự say mê học hỏi qua tủ sách Y học và sự hướng dẫn nhiệt tình , chu đáo của người bố, kiến thức cũng như thực hành về Y học của Nhung không thua kém bất kỳ một bác sĩ chuyên khoa giỏi nào. Nhung đã cùng đội cấp cứu cơ động cứu sống rất nhiều người trong những đợt oanh tạc liên tục từ ngày này qua ngày khác của máy bay Mỹ  trong cuộc chiến tranh phá hoại mang tính hủy diệt này…Với việc trở lại Khoa Toán của tôi, Nhung đã khiến tôi bất ngờ vô cùng : Nhung tặng tôi toàn bộ số sách giáo trình của bốn năm học của một sinh viên khoa Toán mà tôi sẽ phải dùng đến . Ngày tháng mua sách được ghi ở trang đầu từ năm 1967 đến 1970. Thì ra trong khi tôi đang mất hút ở chiến trường, Nhung đã mua sách theo chương trình và tự học xong toàn bộ. Lúc đưa sách cho tôi, Nhung chỉ nói ngắn gọn :  “Trong thời gian bạn ở chiến trường , mình đã học thay bạn. Giờ bạn đã trở về, trả lại cho bạn đó !” . Tôi không biết nói sao, chỉ biết lao vào những Ma trận kỳ ảo, những Chuỗi số dài vô tận của toán học… Song, một điều bất ngờ đến kinh hoàng , đến nỗi cho đến tận bây giờ tôi vẫn chưa tin là nó đã xảy ra là : trong một lần cứu hai em bé bị nước cuốn trôi ngay sát cầu Long Biên, Nhung đã bị cuốn vào một cái hút nước. Phải mất nửa ngày, hai người thợ lặn mới tìm thấy Nhung !... Đó là ngày l0-l0-1971!...

               …Nhung nằm đó, bất động…Tay Nhung đang cầm miếng ngọc bội mà tôi đã tặng Nhung ở Hồ Tây năm xưa…Tôi vụt nhớ đến  câu thơ có hai chữ “Thiên Thu” mà Nhung đã đọc cho tôi nghe rất nhiều lần: “ Hỡi người lính kèn nhỏ tuổi – Hãy nằm đây an giấc ngàn Thu “…Và tôi đã đọc lên cho Nhung nghe, một lần, hai lần, ba lần, đọc hoài !... 
          Đỗ Ngọc Thạch 

    Phongdiep.net





    :

    TƯỢNG NHÀ MỒ - Đỗ Ngọc Thạch


    Truyện  ngắn   của  Đỗ  Ngọc  Thạch 

    TƯỢNG    NHÀ   MỒ  

    Đến  Tây   Nguyên, tôi  bị thu hút vào “những  nỗi đau đã hóa đá” – những  bức tượng nhà mồ hình người ôm mặt đau khổ, có ở rất  nhiều nơi  trên vùng  đất  Gia  Lai – Kon Tum này. Và rồi  cơn  gió lành  đã đưa đến cho tôi một ông phó tiến sĩ nghệ thuật học hẳn hoi, cũng mê cái đề tài nghiên cứu này. Thế là chúng tôi bắt tay nhau, tiến vào những  bát  trận đồ  bí ẩn…

         Nếu như ông bạn phó tiến sĩ nghệ thuật học của tôi, theo bản năng nghề nghiệp, quan tâm đến những mảng khối, động thái, mô-típ, phong cách này nọ của những pho tượng , thì tôi lại quan tâm nhiều  đến  điều  khác, ở ngoài khu vực nhà mồ, đó là người tạc tượng nhà mồ - tác giả của  những  pho tượng. Vì sao họ tạc tượng ? Họ suy nghĩ gì khi làm ra những tiếng nói bằng gỗ ấy ?  Vì thế, trong khi ông bạn  tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, rồi say sưa đo đạc, quan sát, chụp ảnh…thì tôi đi lùng  sục trong buôn làng để tìm cho ra tác giả của những   pho  tượng. Song, qua bao nhiêu  khu  tượng  nhà mồ, tôi đều  thất vọng, vì tôi  chỉ tìm thấy những người làm theo mẫu có sẵn, kiểu như những người thợ gỗ, chứ không  phải là tác giả đích thực, theo như quan niệm của  tôi.

         Song, chính vào thời điểm tôi thất vọng gần như hoàn toàn thì tôi đã tìm ra .
        Hôm ấy, chúng tôi đến một làng người Gia Rai, gặp một khu nhà mồ, còn khá mới và rất nhiều tượng. Ông bạn của tôi lao vào chụp ảnh, đo đạc, ngắm nghía như người ghiền gặp cuộc nhậu…Trời nắng và nóng quá, tôi đứng dưới một tán cây, ngắm nhìn khu nhà mồ và suy nghĩ miên  man về những  cái chết của con người…
    -  Này !  Nghĩ gì mà đứng nghệt  ra như tượng thế ?- Hiên, người hướng đạo, vỗ bộp vào lưng tôi và cười  khậc khậc ! Tôi giật mình và chưa kịp định thần thì tóc gáy đã dựng ngược khi nhìn thấy một con sâu kỳ lạ, to đùng, lông tua tủa đang  bò trên cánh tay áo ! Tôi chưa kịp hết  cơn sợ hãi (tôi vốn rất sợ loài sâu bọ) thì Hiên đã nhẹ nhàng nhón con sâu khỏi tay áo tôi, gói vào một mảnh giấy, bật quẹt châm lửa đốt. Khi ngọn lửa vừa tắt, Hiên tung cái xác con sâu từ bàn tay nọ qua bàn  tay  kia, thổi phù mấy cái rồi ném gọn vào mồm nhai ngon lành trước sự khiếp đảm của tôi.

       -  Thuốc bí truyền đấy ! – Hiên nói tỉnh khô – Loại sâu này ăn một thứ búp lá đặc biệt và chế ra một loại thuốc quý, còn hơn cả   “cường  lực đại  bổ”,  “sâm qui  tinh” vì nó còn có thể chữa bách bệnh !
       -   !?
       -   Ông không tin à ?  Sao ông cứ nhìn tôi như một  tên  mọi  thế ! Này, xin báo cho ông biết, thuốc này còn gọi là “kháng sinh thực vật”, hiệu  nghiệm  hơn  cả Pê-ni-xi-lin, cả lanh-cô-xin nữa đấy nhé. Khì !  Khì !...- Hiên cười tít mắt – Cái  gì ông  cũng  tròn xoe mắt   ra  thế kia thì có ngày con  ma-lai nó nuốt chửng ông đấy ! Phải  thổ công như tôi đây này  ! 

        Hiên còn luyên thuyên gì nữa mà tôi nghe không rõ vì lúc thì anh ta xen tiếng dân tộc, lúc xen tiếng Tây  bồi, hoa chân múa tay tít mù, cứ như là thầy  phù   thủy. 
        Hiên có khuôn mặt và hình thể khó tả : không  già không  trẻ ,không béo không gầy, đôi lúc có vẻ bí ẩn, xa xôi .Điệu bộ của Hiên lúc thì trịnh trọng, thoắt cái đã rất nhắng nhít, liến thoắng như người bán thuốc rởm ở bến xe ô  tô. Theo như lời tự giới thiệu. Hiên vốn là cán bộ thông tin xã (chuyên cầm loa đi đọc tin thời sự, vận động bà con ăn chín uống sôi, làm hố xí hai ngăn…), nhập  ngũ rồi  đi  B. Làm đủ việc, bách nghệ, nhưng chưa bao giờ cầm súng bắn giặc ! Thế rồi Hiên cũng leo lên lon  thiếu  úy, chính trị viên phó đại đội, rồi trợ lý tuyên huấn trung đoàn, sư đoàn. Sau  giải  phóng  75, do tỉnh thiếu cán bộ văn hóa thông tin, Hiên chuyển ngành làm trưởng phòng văn nghệ. Nhờ có “năng khiếu” ca dao, hò vè và nhanh mồm, mau miệng, tích cực  đi nói chuyện thời sự khắp các ban, ngành trong tỉnh, chẳng mấy chốc lên phó giám đốc Sở. Đang chuẩn bị lên chức chánh thì đùng một cái “phốt” khá nặng : sau khi xin cho một cô bé vào làm việc ở Sở, Hiên “bồ bịch” làm cô bé có thai, nạo thai, không may bị chết !). Hiên bị cách chức xuống làm cán bộ cấp huyện, nhân có đợt tăng cường cấp huyện. Lại mắc “phốt”.  Hiên xuống làm cán bộ văn hóa thông tin xã ở cái xã này cho đến lúc gặp chúng tôi.

    -    Ông  ạ ! Người ta sinh ra từ cát bụi, rồi lại trở về cát bụi, ai nói thế chí lý thật ! – Hôm mới tiếp xúc với tôi, sau khi tâm sự lịch sử trường đời, Hiên nói – Tôi vốn bước vào trường  đời  bằng cái loa, bây giờ lại trở về với cái loa. Chỉ có khác là cái loa “xì-te-ri-ô” bây giờ hiện đại lắm …Thỉnh thoảng mở nhạc “đít cô” nghe cũng vui, quên đời !...Nhiều lúc buồn, ngồi ngẫm nghĩ sự đời cũng thấy ân hận, xót xa ! Loài  sâu bọ, nhìn tởm thế mà còn có ích. Còn mình thì…Tội của mình đáng chết chém mà chỉ tụt  bậc, thế là phúc lớn bằng cái đình rồi ! Nghĩ  kỹ, mình thất học, ngu dốt, chỉ quen sống mồm miệng đỡ chân tay mà bổng lộc cao sang, cao lương mỹ vị nếm đủ cả, còn đòi hỏi gì nữa ? Thú thật với ông , mới nhìn thấy tôi bố nhắng thế, chứ tôi sống nội tâm lắm !...
    -   ! ?

    -  Đó là sau khi tôi tỉnh ngộ ra, nhờ được biết nguồn gốc của cái tượng nhà mồ đau khổ kia. Từ ấy, tôi luôn bị ân hận, day dứt hai điều : đã  không tìm được chỗ đứng thích hợp trong cuộc sống. Và, chính từ đó đã dẫn đến điều thứ hai : thành kẻ giết  người !...Con  người ta được thanh lọc khi cảm nhận bị kịch xót xa !   Nhà văn các ông  thường nói thế là gì ?  Rồi tôi sẽ kể cho ông nghe, và có thể phải nhờ ông một việc…
      Tôi đang bồng bềnh trong những ý nghĩ về Hiên, về sự thăng trầm, biến đổi của đời người thì “bộp”, một con sâu giống hệt con ban nãy lại rơi xuống tay áo tôi. Tôi chưa kịp sởn gai ốc thì đã thấy con sâu vàng ươm, thơm ngậy nằm trên bàn tay xương xẩu của Hiên ! Hiên chìa con sâu nướng vào mặt tôi nói tỉnh khô :
    -   Ông ăn đi ! Ông được “sâu sa” là gặp hên đó ! Loài sâu này là nhà luyện đan tài tình. Tôi quí ông  mới bày cho ông ăn, không những  không chết mà còn trường sinh bất  lão !  Biệt dược Tây Nguyên đấy !
        Trước đây, tôi đã từng bị ép nuốt  thạch sùng,  nhái  bén  để  chữa  bệnh, cho nên, như có phản xạ tự nhiên của người luôn bị bệnh tật đe dọa, tôi há mồm để Hiên ném nhẹ con sâu vào mồm, lại nghĩ đến  chùm lông tua tủa của con sâu cứ uốn lượn  khi  nó bò trên tay áo, tôi định nhắm mắt  nuốt  thì “Ọe… ! Ọe…Ộc !...”
         Khi  tỉnh lại, thấy thần  kinh thanh thản  thì nhận ra mình đang nằm trên thảm cỏ, kề bên là hai máng nước đang chảy óc óc…roạt  roạt  !... Thì ra Hiên đã đưa  tôi đến bến nước. Thấy  tôi  đã  tỉnh, Hiên vỗ tay cười  và nói vui vẻ .

    -  Ông  bị rối loạn tiền đình ! Cũng có khả năng  rối  loạn tiêu hóa và cả rối loạn  kinh  mạch nữa ! Nhưng đã nôn được ra mật  như thế là tốt ! Sau  khi  ông hết nôn, tôi đã nghiền vị thuốc đó với nước nguồn này  cho ông uống, ông mới hồi tỉnh đấy chứ ! Thuốc  bách  bệnh  mà lị !
         Nghe Hiên nói vậy, tôi lại cảm thấy như con sâu đầy lông đang bò trong cổ và chực nôn. Lập tức, Hiên nhét vào mồm tôi  một  quả gì   đó bé tí   và nói :
    -   Ông nhai đi và đừng nghĩ gì đến con sâu ấy nữa. Ông mắc bệnh tưởng rồi ! Rất  tiếc là tôi không  rành tâm thần học. Nhưng nhai quả đi và uống thêm ba ngụm nước nữa ông sẽ thấy  than  thản, như là thoát tục, liên  tiên vậy !

         Nhìn mạch nước nguồn từ trong khe núi chảy  ra, như là vô tận, tôi bị thôi miên vào nguồn nước ấy. Dòng nước ấy chảy ra từ đâu và sẽ dừng lại ở đâu ? Là nước mắt của núi rừng sao không bao giờ khô cạn ? Là niềm vui của con người sao chứa đựng bao tai  họa  bí ẩn ?... Không  khí ở bến nước dịu  mát  đã nhanh chóng  làm thần kinh tôi hưng phấn, tỉnh táo.

    -   Bến nước này có lịch sử li   kỳ lắm, rồi tôi sẽ kể cho ông nghe . Ở cái đất  Tây Nguyên này có nhiều cái thú vị đối với cái nghề văn chương của các ông lắm. Bây giờ, tôi tranh thủ kể cho ông nghe về sự tích tượng nhà mồ. Xin  thề với ông là chưa  hề ai được nghe câu chuyện này. Chỉ với ông thôi – Hiên đột ngột đăm chiêu  kỳ lạ - Thật đấy, chỉ với ông, tôi mới  kể. Đó là cái  tình cảm  tri ngộ. Nhìn tướng ông, tôi kính nể ông  lắm  !... 

    * * *
        Hồi ấy – Hiên kể - tôi  được giao phụ trách  một đội văn nghệ tổng hợp của sư đoàn. Tôi tuy nốt nhạc bẻ  đôi không biết  nhưng cái  khoản ca dao, hò vè, tấu nói rồi hề cương  thì không ai bằng. Với lại, tôi có cái tướng làm quan, tôi phụ trách ngon lành, đâu ra đấy. Đội văn nghệ của tôi rất có tín nhiệm với quân khu. Nhưng giờ nghĩ lại mới thấy hồi ấy  mình làm ăn thật nhắng nhít ! Nhưng khốn nỗi, hồi ấy người ta quen xài  mấy thứ tào lao ấy. Ông coi, lúc ấy, làm gì có thời gian mà bài bản, chính qui được. Với lại, chẳng ai kịp nghĩ đến mấy thứ cao sang, người ta thuộc lòng đầy bụng những  tấu,  “thơ Bút Tre” của tôi rồi còn gì !
         Một  lần, đội văn nghệ xung kích chúng tôi đang hành quân thì chạm trán bọn phục kích. Thú thật  với ông, tôi bị cái bệnh sợ tiếng nổ từ bé, nên khi nghe tiếng súng nổ là hồn vía lên mây ! Tôi chạy quáng quàng một hồi và khi biết mình đã lạc vào giữa mênh mông ngút ngàn thì chỉ thấy trơ thổ địa một mình mình . Phúc tổ là không sứt mẻ gì !

         Tôi cứ đi lang thang trong rừng, mặc cho muốn đến đâu thì đến. Tuy sợ, nhưng tôi yên tâm vì mấy ông chiêm tinh làng  tôi nói  :  tôi thường gặp may, lại có quý nhân phù trợ, cứ bình chân như vại trước mọi nguy nan ! Tôi đã nghiệm thấy đúng lắm !...Khi tôi đến một khu rừng thưa thì trời đã  tối. Trăng mọc sớm, treo lơ lửng ở một góc rừng. Hoang vắng rợn người, âm u, bí hiểm như là trong các phim thần thoại, ma quỷ ! Tôi đang loay hoay tìm chỗ mắc võng đánh một giấc cho đã  thì  nghe có tiếng người   rì  rầm, rì rầm, xen tiếng  khóc thổn thức, tắc nghẹn ! Tôi lắng nghe…Và rồi tiếng nói vang lên, như là thoang thoảng trong gió, tịch mịch, nhưng  rất  rõ :
    -   Ôi, Thần ông tượng ! Con xin cắn cỏ xin Thần ông tượng ra tay cứu khó phò nguy, cứu người mà con yêu quý nhất đời qua được cái chết nơi rừng sâu hoang vắng này !...Ơi !...

         Tôi nhẹ nhàng tiến đến phía có tiếng nói. Tôi căng mắt ra nhìn, tìm kiếm. Tiếng nói biến mất. Ánh trăng như sáng lên. Tôi vừa lách qua một khóm lá thì lặng người, bàng hoàng,  sửng sốt : trước mắt tôi là một người đang ngồi bất động, chống tay lên má . Dưới ánh trăng huyền ảo, khuôn mặt ẩn hiện với những nét đau đớn huyền bí, xa xôi !...Cái khuôn mặt đau đớn ấy , càng nhìn càng dễ sợ !.

          Khi  kịp bình tĩnh lại, tôi tính rút êm khỏi nơi này thì có bóng người động đậy ở ngay kề cái  người  ngồi chống cằm đau khổ và bí hiểm kia. Tôi chưa kịp nhìn rõ thì lại vang lên tiếng thổn thức, tắc nghẹn khi nãy. Và  khoảng  hai, ba  phút  kế tiếp thì tiếng khóc đột ngột thét lên, kinh hoàng tột độ !...
         Khuôn mặt  Hiên thoáng biến sắc. Hiên lặng đi một  hồi lâu rồi như bừng tỉnh, kể tiếp.

    -… Đấy, tôi chỉ nhớ rõ được đến như thế, cho đến khi tôi hoàn toàn tỉnh táo để quan sát được chính xác quang cảnh quanh mình lúc ấy. Đó là một khu nhà mồ của đồng bào Gia Rai, đã trở nên hoang vắng từ lâu lắm, chỉ còn sót lại một pho tượng người chống cằm đau khổ mà tôi nhìn thấy từ đầu. Còn ngồi bên cạnh tôi lúc này là Xuyến, một cây đơn ca của  đội văn nghệ chúng tôi. Bên cạnh Xuyến là nấm mộ đơn sơ, mới đắp của Lai, một cây ghi-ta của đội. Xuyến đã nói vắn tắt tình hình như thế này : Đội chúng tôi chạm trán với một đại đội thám báo. Anh chị em đã chiến đấu rất dũng cảm (trừ tôi, ma dẫn lối quỷ đưa đường  thế nào mà ngay từ tiếng súng nổ đầu tiên, đã “lạc” mất đơn vị !). Cả đại đội thám báo đã bị tiêu diệt nhưng bên ta,  chỉ còn lại Lai (đã bị thương nặng) và Xuyến  (cũng bị thương ở cánh tay phải). Và cho đến lúc này,  chỉ còn lại tôi và Xuyến !
          Xuyến ngồi  im lặng, như pho tượng kia, rất lâu. Tôi không biết nói gì, cũng ngồi im lặng nhìn Xuyến qua ánh trăng đã trắng đục vì sương đêm. Có lẽ cái cảnh ấy đã kéo dài, rất lâu. Có lúc, tôi cảm giác như Xuyến đã hóa  thành  pho tượng gỗ !...Thoáng một làn gió nhẹ khiến tôi lành lạnh. Có lẽ trời sắp sáng , phải chấm dứt tình trạng này. Nghĩ thế, tôi  gọi  khẽ :

    -   Xuyến !...
        Xuyến vẫn ngồi im, bất động. Tôi xích lại gần, vỗ nhẹ vào vai Xuyến. Khi  bàn tay tôi chạm bờ vai Xuyến,  tôi có cảm giác như chạm vào sự ấm nóng , mềm mại lạ kỳ !  Một luồng điện như chạy nhanh trong người tôi !...Xuyến khẽ giật mình, quay lại nhìn tôi thảng thốt. Dưới ánh trăng, tôi chỉ còn nhìn thấy khuôn mặt  bí ẩn, trắng ngần, tuyệt đẹp của Xuyến. Và, cái cúc áo ngực của Xuyến bị đứt từ bao giờ, để lộ ra phần trên của bộ ngực nở căng, nối với cái cổ cao, tạo nên một màu trắng mịn màng  khiến  tôi mê man. Xuyến bỗng ú ớ như nói cái gì, rồi bàn tay Xuyến, ấm nóng, nắm chặt lấy cánh tay tôi, thở gấp … Lại như có luồng điện phóng qua người tôi ! Tôi ngột thở. Tôi như chỉ còn nhìn thấy bộ ngực nở căng của Xuyến  đang  phập phồng . Rồi tôi cắm mặt vào bộ ngực ấy, cuồng dại…Khi tôi đã đè Xuyến xuống bãi cỏ, khi cơn nhục dục trong tôi sắp lên đến tột đỉnh thì, bỗng nhiên, tôi  thấy như có vật gì giáng xuống đầu tôi đánh “đốp”…Tôi bị ngất đi !

         Khi  tỉnh lại, tôi thấy trời đã sáng, còn mình thì bị trói giật cánh khỉ bằng sợi dây dù thít chặt. Xuyến đang ngồi gục bên mộ Lai, bất động. Cạnh đó, pho tượng gỗ kỳ lạ nằm đổ vật trên bãi cỏ. Bình tĩnh lại, tôi ước đoán là chính pho tượng gỗ kia đã đổ xuống đầu tôi vào đúng lúc ấy !
          Rất đột ngột, Xuyến đứng phắt dậy, nhìn tôi bằng ánh mắt nảy lửa. Cầm khẩu AK, lấy nòng súng gảy cằm tôi lên, Xuyến   nói , giọng   khô   khốc :

    -    Anh  đã làm nhục tôi vào đúng lúc tôi đau khổ đến mất trí vì cái chết của Lai và đồng đội !...Đồ đốn mạt ! Anh đáng nhận cả băng AK  này !
    -   Hãy  bắn chết  tôi  đi ! – Không kịp suy nghĩ gì, tôi bỗng hét lên, như thằng điên – Tôi đáng bị phanh thây xé xác ! Bắn đi !...
         Xuyến nhìn tôi bằng cái nhìn lạnh băng , rồi bất ngờ lấy bàn chân di di vào mặt tôi, ấn mạnh một cái vào  mồm tôi rồi nói gằn :

    -   Câm ngay ! Đừng có rống lên như chó chết  thế !  Anh chưa được chết  đâu, đồ đốn mạt như anh không  được chết cùng với những người lính chúng tôi. Phải sống mà chuộc lại những tội lỗi và thi hành ngay mệnh  lệnh của tôi đây ! Hãy chôn tôi  bên cạnh mộ Lai và trồng xung quanh hai nấm mộ một vòng hoa  pét . Xuyến vừa dứt lời, hai tiếng AK nổ vang, rung chuyển cả khu rừng vắng ! Xuyến lảo đảo, quăng khẩu AK rồi đổ nhào trên nấm mộ Lai !... 

    * * *
        Nghe Hiên kể đến đây, người tôi run lên như sốt  rét. Tôi muốn bật dậy đạp vào cái bộ mặt đang đau đớn như dại đi của Hiên kia ! Song, tôi vụt nghĩ : dù là ở những đầu óc u tối, con người ta sẽ có được những ý nghĩ tốt đẹp khi được tự do suy nghĩ trong yên tĩnh . Vì thế, thay vì sự kinh tởm gai người, tôi nằm ngả ra bãi cỏ hút thuốc, làm như không hề biết có Hiên ở bên cạnh nữa !

    … Có mấy cô gái Gia Rai ra bến gùi nước. Nhìn các cô gùi những quả bầu đựng nước đen bóng  trên đôi vai tròn lẳn, thần kinh tôi như dịu lại, nhẹ nhõm. Tiếng nước óc ách trong gùi các cô gái về buôn như một  bản nhạc tuyệt vời mà không nhạc sĩ tài ba nào diễn tả nổi…Chờ các cô gái về hết, Hiên rúc đầu vào máng nước rồi ngửa cổ uống ừng ực. Tôi nhìn Hiên và nghĩ: khi được uống  nước ở nơi đầu nguồn, con người ta sẽ trở nên trong sạch!  Các cụ thường nói ”Trăm nhơ lấy nước làm sạch” đó sao? Đây lại là nước đầu nguồn, nước từ Đất Mẹ chảy ra. Nước đầu nguồn là nước Thánh, là sữa của Đất Mẹ!...

    Hiên trở lại  ngồi gần tôi từ lúc nào. Khuôn mặt Hiên trở nên khác lạ, tái xanh. Những vết hằn của xương trên da mặt như đang được phóng lên cực độ, như muốn xóa bỏ đi lớp da mặt đã không còn sắc màu…Tôi nhắm mắt rùng mình khi có cảm giác như đang nhìn thấy một bộ xương mặt kỳ dị!
       Hiên trầm ngâm một lúc rồi hít một hơi dài. Không khí mát lạnh  của bến nước như thấm vào từng mao mạch Hiên. Ánh mắt như nhìn vào nơi vô định, Hiên chậm rãi kể tiếp.
       …Phải sau đó khá lâu, tôi mới được một chú bé người Gia Rai tới giúp tháo sợi dây trói. Tôi đã thực hiện mệnh lệnh của Xuyến như một tên nô lệ. Chú bé Gia Rai ấy là con già làng Rơmah Pao. Khi thấy tôi đem pho tượng gỗ ấy về, già làng Pao đã kể cho tôi nghe sự tích tượng nhà mồ…

       Ngày xưa, đã lâu lắm…Già làng Rơmah Pơ có người con gái rất xinh đẹp tên là H’Điêu. Vẻ đẹp của nàng đã được truyền tụng thành bài ca:
           H’Điêu bước đi nhẹ nhàng
           Chàng trai buôn làng ngó hướng Tây
           Mây dạt về hướng Đông
           Đồng cỏ rì rào ngả về phía Nam
           Thấy nàng đẹp, nai ngơ ngác nhìn
            Hươu đứng say mê quên  ăn cỏ
            Đàn cò sà xuống đầm lầy
            Con cò lúng túng rơi xuống đất
            Nàng đi uyển chuyển
            Vòng ở chân, ở tay rộn ràng
            Mặt  nàng trắng như bông
            Môi nàng đỏ như hoa pét…

      Có chàng trai mồ côi tên là Siu Pa yêu nàng say đắm. Chàng Siu Pa khỏe mạnh, giỏi múa gươm, múa khiên nhất trong đám trai làng nên nàng H’Điêu cũng yêu chàng mê mệt. Nhưng vì chàng Siu Pa nghèo quá nên già làng Pơ không cho hai người cuới nhau. Trong khi đó, lão thầy cúng rắp tâm chiếm đoạt nàng H’Điêu cho thắng con trai chột mắt hung ác của lão. Lão dụ dỗ, bày đủ mưu mô nhưng không làm ngả nghiêng được lòng H’Điêu. Cuối cùng lão thầy cúng thực hiện âm mưu hiểm độc. Lão nói với già làng Pơ:”Ơ già làng Pơ! Đêm qua  tôi nằm mộng thấy Giàng nói con ma lai(1) đang nằm trong tim con H’Điêu!”. Già làng Pơ kinh ngạc, hoảng hốt, không biết nói sao, chỉ giậm chân bịch bịch. Già làng Pơ nghĩ:”Mình ăn ở tốt với dân làng, không có tội gì, tại sao Giàng  lại để cho con ma lainhập vào H’Điêu, cô con gái xinh đẹp nhất làng của già? Hay là…?”. Già làng nghĩ mãi mà không tìm được lời giải đáp ! Thầy cúng liền ra điều kiện : Nếu già Pơ nói được  nàng H’Điêu đồng ý cưới con trai lão thì lão sẽ làm phép cứu H’Điêu. Còn nếu không thì H’ Điêu phải bị đem ra xử tội theo lệ làng !  Già làng  Pơ thương H’ Điêu, không nỡ ép H’ Điêu lấy thằng Ksor Ten con lão thầy cúng, nhưng già làng  Pơ không làm gì được để cứu H’ Điêu khi lão thầy cúng đã tìm ra đủ thứ bằng chứng  kết tội nàng là ma  lai. Lệ làng  tối cao do Giàng đặt  ra, không ai được vi phạm ! Để cứu dân làng khỏi tai họama lai, H’ Điêu phải  bị trừng phạt !...Già làng Pơ như đứt  từng  khúc  ruột, nhưng rồi vẫn phải cố đứng vững như cây xà nu để nhìn lão thầy cúng làm lễ trừng  phạt con ma lai… H’ Điêu ! “ Ơ  Giàng ! H’ Điêu  bị  oan rồi ! H’ Điêu không thể là ma lai được !” Trong tim già Pơ có tiếng thét như vậy, nhưng lão thầy cúng   không  nghe thấy, mặt lão xám xịt, lạnh buốt, mồm lão đang lẩm bẩm những lời khấn mà chỉ mình  lão hiểu !...Khi  bàn tay mềm mại như cánh hoa  pơ-lang của H’ Điêu bị chì nóng đổ vào, nàng rú lên một tiếng kinh hoàng  rồi chết rũ như tàu lá chuối non bị bén lửa. Liền đó, già làng  Pơ bỗng hét  lên một tiếng dữ tợn, ông thấy trái núi Hơđrung như sụp đổ đè lên người ông, nghiến nát ông thành muôn ngàn hạt bụi !

         Sau khi H’ Điêu chết, già làng Pơ bị ốm liệt gường. Rồi một đêm, người ta thấy già làng Pơ đi vào rừng sâu, nơi chôn nàng H’ Điêu và ngồi ôm mặt đau khổ bên nấm mộ nàng. Người ta cũng thấy chàng mồ côi Siu  Pa  ở đấy, chàng đang đánh cồng xung quanh mộ nàng, cầu mong nàng sống lại. Không biết bao nhiêu ngày đi qua mà không thấy già Pơ và chàng  Siu  Pa trở về? Vài người vào rừng tìm. Khi đến chỗ mộ nàng H’Điêu, người ta kinh ngạc khi thấy già làng Pơ và chàng Siu Pa đã hóa thành hai bức tượng gỗ bên mộ nàng  H’ Điêu. Hiểu ra nàng H’ Điêu bị vu oan là ma lai, họ thương xót  nàng H’ Điêu vô cùng, nhưng không biết làm sao ! Họ cũng đồng cảm với nỗi đau của già Pơ và chàng Siu Pa, nhưng cũng không biết làm gì ! Những người có mặt tại đó chỉ biết đứng lặng quanh mộ nàng H’ Điêu , bên cạnh già Pơ và chàng Siu Pa !  Rồi những người ấy cũng mãi mãi  không trở về, họ cũng hóa thành tượng gỗ ! Từ đó, khi làm lễ bỏ mả (P’thi), người ta tạc những pho tượng như thế chôn xung quanh nhà mồ để cho người chết luôn có người thân bên cạnh !...  

         Hiên kể đến đó thì ngồi im lặng như pho tượng gỗ . Nhìn Hiên, tôi biết anh đang xúc động sâu xa. Chờ một lát, tôi hỏi :
    -   Này, ông có hư cấu tí nào không đấy ?
    -  Tôi xin thề độc – Hiên làm điệu bộ thề - Tôi mà phịa thì Giàng Bênh Gia vặt phứt lưỡi tôi ném cho chó ăn !
    -  Sao ông hay thề độc thế ?  Giàng Bênh Gia là gì ?
    -  Khi nào trái tim tôi nói, tôi mới thề ! Còn Giàng Bênh  Gia là thần Bến nước. Thần linh thiêng lắm. Tôi đã nằm mơ thấy thần phán rằng, rồi tôi sẽ hóa thành  tượng gỗ !
    -  Thật   không ?
    - Tôi xin thề…
    -  Thôi đừng thề nữa ! Tôi không thích nghe thề vì lại quan niệm chỉ ai nói dối mới vin vào lời thề !
    - Vậy xin chịu ông ! Ông không tin tôi thì để rồi tôi sẽ dẫn ông đi gặp già làng Rơmah  Pao.  Già làng nói ắt ông tin ! 
    * * *
       Vì có việc đột xuất, đoàn điền dã khảo sát tượng nhà mồ chúng tôi phải chia tay Hiên sớm hơn dự kiến, không kịp chờ Hiên dẫn tôi đến gặp già làng Pao và khai thác hết cái kho fônclo trong đầu Hiên. Mải mê với bao công việc, nửa năm sau tôi mới có dịp quay về tìm gặp lại Hiên, tiếp tục thực hiện công trình nghiên cứu về tượng nhà mồ Tây Nguyên. Nhưng khi đến làng, tôi được biết Hiên đã mất tích gần tháng trời. Tôi chỉ gặp Rơmah Tơ, chú bé Gia Rai đã cứu Hiên hồi nào. Rơmah Tơ cho biết già làng Pao cũng mới chết được nửa tháng. Rơmah Tơ dẫn tôi đi tìm hỏi tung tích Hiên, nhưng người thì nói gặp Hiên đi đãi vàng  ở Đăk  Glêi, người ta lại nói thấy  Hiên đi tìm trầm hương ở bên Chư Prông ! Tôi không tin là như vậy. Đang nghĩ mông lung, tôi vụt nảy ra ý định đến thăm mộ Lai và Xuyến.

         Rơmah Tơ dẫn tôi đến nơi, sau nửa ngày luồn lách trong rừng. Khi đến nơi, cả tôi và Tơ cùng rú lên kinh ngạc : Hiên đang ngồi ôm mặt, đau đớn, dằn vặt sâu xa, chân thành bên hai nấm mộ mọc đầy hoa pét thắm đỏ ! Tôi càng kinh ngạc hơn khi lại gần thì đó chỉ là một pho tượng gỗ, tuy đẽo vạc đơn sơ nhưng sao mà giống Hiên kỳ lạ . Chẳng lẽ lại có chuyện thần thoại như thế ?  Vậy mà Rơmah Tơ lại tin là Hiên đã hóa thành pho tượng gỗ kia ! Cứ để cho chàng Rơmah Tơ tin là như thế. Sự ăn năn thánh thiện của con người trước cái cao cả sẽ sinh ra những điều kỳ diệu mà không   thể tìm lời giải đáp cặn kẽ . 
    * * *
        Tôi và Rơmah Tơ đi lang thang hồi lâu trong rừng mặc cho bàn chân chỉ huy cái đầu. Chúng tôi đến trước thác Ya Li từ lúc nào. Nhìn dòng nước tung bọt trắng xóa, mù mịt cả một vùng rừng xanh ngút ngàn, tôi đoán Hiên có lẽ đã được Thần Bến nước của anh ta mang đi ! Tôi muốn nhảy vào trong cái đám trắng xóa mù mịt ấy để túm cổ anh ta lôi lại, bắt anh ta trả lời bao nhiêu câu hỏi cứ hiện ra trong đầu tôi từ khi gặp Hiên ! Nhưng, những hạt nước li ti đã làm tôi lạnh run. Chúng tôi trở lại, khi đi ngang qua mộ Xuyến và Lai, tôi cứ nhìn mãi pho tượng gỗ giống hệt Hiên mà không thể khẳng định được chắc chắn rằng ai đã tạo nên nó ? Già làng Pao hay là chính Hiên ? Tôi đang đắm chìm trong những suy nghĩ bất tận thì nghe tiếng  Rơmah Tơ hát nhẹ, thoang thoảng bên tai :

    -   Ơi  nỗi đau khổ.
    Sao cứ bám theo con người suốt đời
    Sao chẳng thể chôn ngươi xuống mộ
    Vì con người không thể sống thiếu nỗi đau ?
    Đó là lời một đoạn trong một H’ri (2) của người Gia Rai mà tôi có nghe vài lần . Chàng thanh niên Rơmah Tơ đã ngừng hát, vậy mà lời ca cứ trở đi trở lại bên tai tôi , ngân mãi, ngân mãi như tiếng cồng … 

    Plêiku, 5 – 1986 ;  TP.HCM , 2009
    Đỗ Ngọc Thạch

     
    (1) Ma Lai : Một quan niệm lạc hậu của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Khi buôn làng gặp tai họa gì đó thì họ cho là do ma lai gây ra (có người chết bất ngờ, dịch bệnh…). Thầy cúng là người đầu tiên loan tin ai đó là ma lai. Người nào bị buộc tội là ma lai sẽ phải chịu những hình phạt khủng khiếp cho đến chết. Đổ chì nóng vào tay như ở trong truyện là một cách khá phổ biến.
    (2) H’ri : Tiếng Gia Rai, chỉ một loại trường ca của dân tộc Gia Rai ở tỉnh Gia Lai – Kon Tum.


    Phongdiep.net
    Đường Văn ::  Nguồn: phongdiep.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét