Lớp đào tạo “Đầu bếp” của Bá Cường tiến hành được hai mươi ngày thì lớp Bổ túc văn hóa của tôi mới “Khai giảng”. Các học viên của lớp Bổ túc văn hóa trình độ không đồng đều (Truyện ngắn của Đỗ Ngọc Thạch ) - Ngày đăng: 09/12/2009. Lần đọc: 1379 . Cập nhật bởi: DiepAnh
THỜI GIAN - Đỗ Ngọc Thạch
THỜI GIAN
Truyện ngắn của Đỗ Ngọc Thạch
1.
Người mẹ tính thời gian bằng độ lớn của những đứa con, người cha tính thời gian bằng những đại sự mình đã làm được, những đứa con tính thời gian bằng những sợi tóc bạc trên đầu cha mẹ chúng! Đó là trong một gia đình. Còn trong cuộc sống xã hội, người nghèo tính thời gian bằng số gạo còn trong thùng, người giàu tính thời gian bằng số tiền lợi nhuận sẽ kiếm được, còn người say thì tính thời gian bằng số rượu còn trong chai!...
Vì mỗi người tính thời gian theo cách riêng của mình cho nên Thời gian là một khái niệm không xác định, lúc dài đằng đẵng, lúc ngắn tấc gang!...
Anh bạn Thời của tôi không theo dõi thời gian bằng lịch. Nhà anh treo rất nhiều lịch, đủ các loại, nhưng anh không bao giờ xé lịch, nếu thỉnh thoảng có xé thì xé cả tệp! Những tờ lịch tháng, lịch năm cũng không thấy khớp với thời gian đang tồn tại! Không biết anh theo dõi thời gian bằng cái gì? Thì ra anh theo dõi thời gian bằng Triết học và Thi ca. Anh làm việc ở Viện Triết nhưng đêm đêm, anh ngồi chùm chăn làm thơ. Đó là những ngày Đông tháng giá, còn mùa hè nóng nực thì anh đi xếp hàng hứng nước máy hì hục suốt đêm, vì mùa hè bao giờ cũng thiếu nước, cái vòi nước chảy nhỏ giọt mà luôn có tới dăm chục người xếp hàng chờ hứng nước!... Mỗi khi có thơ đăng báo, anh lại mời tôi đi uống rượu với lạc rang, đó là kiểu uống rượu của những bậc tao nhân. Mỗi lần đi uống rượu như thế anh lại nói (như là nói lần đầu): “Thơ ca là Triết học vận động, Triết học là Thơ ca bị tống giam! May mà tôi được phân về Viện Triết nên mới có thể tiếp tục làm thơ, còn nếu về Viện Văn như ông thì chết từ lâu!” Tôi hỏi: “Vì sao vậy?” Trả lời: “Lý luận luôn muốn hiếp dâm Thơ ca!”. Tôi nói: “Nhưng nếu Nàng Thơ thích thì sao?”. Trả lời ngay: “Thì đẻ ra quái thai!”. Tôi nói: “Ông không hợp với Triết học! Nên chuyển qua cái khác đi, Xã hội học chẳng hạn!” Anh bạn Thời cũng nói: “Ông cũng nên chuyển qua cái khác đi, làm báo chẳng hạn! Báo chí là Lý luận vận động, vừa đỡ tù túng vừa có tiền nhuận bút!”. Quả nhiên, một thời gian sau, anh bạn Thời chuyển qua Viện Xã hội học, còn tôi chuyển qua một tờ Tạp chí về văn hóa – nghệ thuật! Nhân bảo như Thần bảo!
2.
Suốt từ lúc tuổi đôi mươi cho tới năm mươi tuổi, không hiểu tại sao tôi không bao giờ để ý xem mình già hay trẻ, nôm na là mình đang bao nhiêu tuổi? Lúc gần năm mươi tuổi, sau khi đã vào Nam ra Bắc, lên rừng xuống biển, tôi lại từ Sài Gòn ra Hà Nội làm cho một tờ báo tuần, đến chơi với anh bạn Thời thì thấy phòng làm việc vắng tanh, các phòng khác cũng chỉ lác đác một hai người đi ra, đi vào. Tôi đang định đi về thì Thời xuất hiện, tóc bạc gần trắng hết nhưng nụ cười thì vẫn vô tư như xưa! Thời nói: “Hay quá! Có chỗ ở rồi! Dọn dẹp cả buổi sáng mới xong... Vừa rồi vợ nó đưa nhân tình về nhà, bắt quả tang thì nó còn dọa giết như giết Võ Đại rồi đuổi đi, phải đến cơ quan nằm bàn. Nay thì có người cho mượn một căn nhà ở gần khu Giảng Võ nhà ông đó! Giờ ta về nhà nhâm nhi tâm sự!”. Thời đưa tôi về nhà, chính xác là căn lều tranh vách tooc-xi, nhỏ bé, đã cũ nằm giữa một khu dân cư lao động nghèo, đi mãi, rẽ phải rồi lại rẽ trái ba lần mới tới nhưng ở đây yên tĩnh, không còn nghe thấy tiếng ồn xe cộ của phố phường…
Chúng tôi uống tới ly thứ hai thì có một bà hàng xóm, đưa sang một đĩa đậu phụ rán vàng ươm, nói: “Thấy chú có khách, tôi góp vui một đĩa mồi!”. Khi bà hàng xóm về rồi, Thời nói: “Bà hàng xóm này rất nhiệt tình! Chủ nhà đã giới thiệu mình với bà ta, nhờ “chăm sóc”, vô tư!” Chúng tôi uống hết một chai thì ngưng, phải biết dừng đúng lúc, đó là qui tắc uống rượu của chúng tôi! Khi nằm xuống giường, Thời mới nói: “Việc quan trọng nhất bây giờ là phải đi kiếm vợ, không thể sống độc thân cơm niêu nước lọ! Nếu ông có mối nào hay thì ta tiến hành ngay!” Tôi đang lục tìm trong danh mục những chỗ thân quen ở Hà Nội xem có chỗ nào hay thì đã thấy Thời ngủ rất ngon lành, thỉnh thoảng còn cười tủm tỉm, chắc là ai đang dắt đi kiếm vợ trong mơ?
Một tháng sau, tôi chưa kịp hỏi lại hai chỗ tôi đã “mai mối” cho Thời thì Thời gọi điện cho tôi báo tin ba ngày nữa sẽ làm đám cưới, hỏi cưới ai thì nói: “Thì cái bà hàng xóm đã từng mời ông ăn đậu phụ rán đó!”. Đám cưới của Thời thật là vui. Thì ra bà vợ mới của Thời là chủ một gánh bún riêu cua, rất đắt hàng, đã tích lũy vốn đủ xây một căn nhà một tầng lầu tuy không hoành tráng nhưng rất đẹp, có một khoảng sân thượng nhỏ để lúc trăng thanh gió mát có thể lên đó uống rượu, làm thơ vịnh Nguyệt!...
Một lần tới ngồi nhâm nhi với Thời trên chỗ sân thượng, Thời nói: “Tuổi trẻ chúng ta ai cũng bị cái tật háo danh, háo sắc. Chỉ đến khi tóc bạc mới chữa được cái tật đó. Nếu như lúc trẻ mà đã được Thời gian cho xem trước “Thì Tương lai” một chút thì hay biết bao!” Tôi chưa kịp nói gì thì bà chủ nhà bước lên, đưa cho tôi một tập thơ in từ máy vi tính, đóng bìa giấy bóng kính láng coong, nhìn rất sáng sủa, gọn ghẽ, và nói: “Nhân tiện tặng anh một tập thơ tự xuất bản của tôi và xin cho ý kiến nhận xét thẳng thắn!”.Tôi cầm tập thơ lướt nhanh hai lượt thì thấy niêm luật khá chuẩn, nhan đề các bài thơ đều có ý tứ sâu xa…Thời nói: “Thơ của cái bà bún riêu cua này được lắm! Thì ra Nàng Thơ có ở khắp nơi, chẳng ai có thể tham lam chiếm đoạt Nàng làm của riêng! Thơ là cỏ, trâu ăn rồi lại mọc / Thơ là trâu ngồi nhai mãi Thời gian!”…
Một năm trôi qua rất nhanh, tôi lại phải trở vào Sài Gòn, hình như Hà Nội không muốn cho tôi ở lại? Tôi đến nhà Thời để chia tay, thấy Thời vừa ru đứa con gái chưa đầy tuổi ngủ vừa đọc một luận văn Thạc sĩ của một nghiên cứu sinh trong Viện Xã hội học. Thời đang hướng dẫn nghiên cứu sinh. Nhìn hai công việc có vẻ như không hợp nhau, tôi trêu Thời: “Ông già đầu tóc bạc phơ / Coi chừng luận án bị con thơ đái tè!” Thời nhìn tôi cười như thời trai trẻ, nói: “Thì cái luận án này bị nó đái vào hai lần rồi còn coi chừng gì nữa! Chờ chút xíu nữa là nó ngủ liền à!” Trong khi chờ con bé con ngủ, Thời còn đọc Kiều ru nó ngủ: “Trăm năm trong cõi người ta!...” Quả là người ta có thể bất chấp sự nghiệt ngã của Thời gian!...
3.
Vào Sài Gòn được ba ngày, tôi lại nhận được thiêp cưới của ông Cậu (đã hơn sáu mươi tuổi), cưới vợ lần thứ hai. Tưởng là “Rổ rá cạp lại”, “già choang bạn già”, ai ngờ cô dâu mới hơn ba mươi tuổi, còn là trinh nữ, lại không hề xấu xí chút nào! Đám cưới thật là đông vui, chú rể tửu lượng còn rất sung, cười nói luôn mồm như trẻ nhỏ! Đúng là “So với ông Bành vẫn thiếu niên!”…
Thời gian là vị Quan Tòa công minh nhất! Tôi vẫn thường dùng câu nói ấy trong những bài phê bình văn học, nếu có dịp. Song, khi chứng kiến Thời “làm lại từ đầu” ở tuổi Ngũ thập và cho đến lúc dự đám cưới ông Cậu “làm lại từ đầu” ở tuổi Lục tuần thì tôi ngờ rằng Thời gian hình như không làm tốt nhiệm vụ Quan Tòa của mình và thường… ngủ quên! Bằng chứng của cái sự “ngủ quên” này còn thể hiện rõ ở chuyện tiếp dưới đây.
Năm rồi, anh bạn Thời của tôi tổ chức mừng sinh nhật đúp: bố sáu mươi tuổi, con mười tuổi. Thời điện thoại mời tôi ra Hà Nội và bao trọn gói từ vé máy bay cho tới ăn ở, đi lại trong một tuần. Quả là hậu hĩnh. Song, sức khỏe tôi “có vấn đề” nên đành dự tiệc qua điện thoại và vi tính!
Sau vài lời thông báo ngắn gọn, Thời gửi vào máy tính của tôi chục bức ảnh chụp toàn cảnh buổi mừng sinh nhật đúp: Thời tóc đã bạc hết trăm phần trăm nhưng gương mặt đầy đặn và nụ cười vẫn tươi rói như xưa, cô bé con mười tuổi thì quả là đẹp tuyệt trần, như là một Tiểu Tiên nữ! Cái câu “Cha già con cọc” là hoàn toàn sai đối với hai bố con Thời! Còn Thời Phu nhân thì quả là phát lộ Quý tướng “Vượng phu ích tử” hết chỗ nói! Tôi mải mê ngắm nhìn chục bức ảnh của gia đình Thời lâu đến nỗi cái cục “mô-đun” bị nóng bỏng và lập tức máy bị treo!...
Tôi gọi điện thoại cho Thời:
-A lô! Ảnh rất đẹp, nhưng máy bị treo rồi, còn nữa thì gửi tiếp nha!
-Còn nữa chứ! – Thời nói, giọng rất hào sảng – Có cả những bức ảnh rất nóng!
-Hồi xuân hả? Biết ngay thế nào ông cũng thành “Lão Ngoan đồng” mà!
-Có lẽ tại uống nhiều thuốc “Cải lão hoàn đồng” quá!
-Lấy ở đâu ra của quý hiếm ấy? Thái Thượng Lão Quân cho hả!
-Đâu có! Đó chính là bà xã Bún riêu cua cho chứ chẳng có Thần Tiên nào cả!
-Bà xã Bún riêu cua thì chính xác đó! Quý tướng Vượng phu ích tử ngàn người mới có một! Xin chúc mừng Sư huynh!...
-Này! Đừng bỏ máy vội, thông báo cho ông một tin quan trọng này nữa: cuối năm nay, tức năm Con Trâu Vàng, bà xã Bún riêu cua sẽ sinh thêm một A Tèo!
-Trời đất! Vậy là sinh Quý tử rồi!...
Tôi thật không tin ở tai mình, song càng không tin thì sự thật càng rõ mười mươi: khi tôi mở lại máy tính ra thì đã thấy Thời gửi tiếp cho tôi mười bức ảnh nữa, có tới một nửa là cảnh âu yếm rất lãng mạn, rất tình tứ giữa Thời và bà xã Bún riêu cua có Quý tướng! Quả là Thời gian đã “ngủ quên” suốt mười năm qua đối với vợ chồng Sư huynh Thời của tôi!...
Sài Gòn, 8-9/11/2009
Đỗ Ngọc Thạch
NHẬT KÝ CỦA MỘT CÔ GIÁO - Đỗ Ngọc Thạch
NHẬT KÝ CỦA MỘT CÔ GIÁO
Truyện ngắn của Đỗ Ngọc Thạch
1. Ngày…tháng…năm…19…
Câu nói cuối cùng của thầy Hiệu trưởng nói với mình khi đến trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương nhận công tác là: “Học sinh ở đây khác với học sinh các nơi khác ở hai điểm: 1/ Phải mời chúng đến học; và do đó dẫn đến điểm thứ 2/ Không thể dùng hình phạt đuổi học dưới bất kỳ hình thức nào!”. Trải qua cuộc đời đi học từ Trung học Phổ thông cho đến hết Đại học Sư phạm, mình đã chứng kiến không biết bao nhiêu những phụ huynh học sinh phải chạy chọt đủ kiểu để con em được đi học cho nên mình thật sự ngạc nhiên khi nghe thầy Hiệu trưởng nói như thế. Mình định nói điều gì đó với thầy Hiệu trưởng nhưng rồi lại thôi bởi vụt nghĩ đến một câu cách ngôn: Định nói với ai điều gì quan trọng thì hãy lùi lại ngày hôm sau! Ngày hôm sau, quả nhiên là mình tự thấy rằng không phải nói điều đó ra nữa!
Tên trường đã thể hiện khá rõ đối tượng cũng như mục đích của nhà trường. Điều cần nói thêm chỉ là: khi mình về nhận công tác ở đây cũng là năm học đầu tiên của trường, tức trường vừa có quyết định thành lập được ba tháng thì khai giảng năm học đầu tiên. Nói vậy để có thể thấy rằng tất cả mọi việc đều là những bước đi ban đầu!
2. Ngày…tháng…năm 19…
Ngày lên lớp đầu tiên lên lớp, “vạn sự khởi đầu nan” nên ai cũng cầu mong thuận buồm xuôi gió và có được kỷ niệm đẹp. Mình cũng cầu mong như vậy. Song, mọi việc diễn ra lại không hề Đẹp chút nào, thậm chí thật đáng sợ!
Buổi lên lớp đầu tiên của mình đã diễn ra không đúng như “Kịch bản” mà mình đã hình dung! Sau khi tự giới thiệu và điểm danh cả lớp, mình nói: “Tôi muốn biết qua mười năm Trung học Phổ thông, các em đã có được những gì trong đầu! Vì thế, mỗi em lấy ra một tờ giấy, viết ra cho tôi Mười Định lý hoặc công thức Toán học mà các em cho là quan trọng nhất, không thể quên! Thời gian là ba mươi phút!”…
Năm phút đầu, mình đi ra ngoài hành lang xả “xú-páp”, ngắm quang cảnh xung quanh và ngắm mây trời! mình chợt nghĩ, tại sao cái hình ảnh “Trời xanh – Mây trắng” rất quen thuộc đối với chúng ta, ta đã biết nó từ khi được sinh ra mà mỗi lần nhìn ngắm nó vẫn thấy nó đẹp, vẫn thấy nó đầy bí ẩn?
Khi mình trở vào lớp, một cảnh tượng hoàn toàn bất ngờ xảy ra : có tới hơn nửa lớp không viết gì cả, ngồi nói chuyện thoải mái, nam nữ cấu véo nhau rồi cười rúc rích, tự nhiên như ở…trong rừng! Số non nửa còn lại thì đang hí hoáy viết nhưng không phải viết những Định lý, công thức Toán học mà viết “thư tình” rồi xếp thành hình “Tàu bay giấy” sau đó phóng đi lung tung! Có hai nam học sinh thì ngồi vẽ …bộ phận sinh dục nam và nữ, lúc rời, lúc dính vào nhau rồi thản nhiên đi tới bàn có nữ sinh ngồi rồi đặt lên mặt bàn của nữ sinh này!...
Mình chưa kịp phản ứng gì thì thầy Hiệu trưởng đi cùng hai người hình như là cán bộ của Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp, đi tới. Mình chào thầy Hiệu trưởng và hai người kia , tưởng họ vào thăm lớp học nhưng họ chỉ “cưỡi ngựa xem hoa” mà thôi, tức chỉ ngó nghiêng một lúc, hỏi mình hai câu rồi đi! Ôi, giá như họ dừng lại, vào thăm lớp mình năm phút thì tốt biết mấy!
Chờ cho thầy Hiệu trưởng và hai người khách của Bộ đi khỏi, mình trở vào lớp và phải nhờ em Lớp trưởng ổn định trật tự. Khi trật tự đã được vãn hồi, mình hỏi em Lớp Trưởng:
-Em còn nhớ được bao nhiêu công thức Toán học đã học ở Trung học Phổ thông?
-Dạ thưa cô, em xin nói thật: em đã quên hết khi từ trường Nội trú của tỉnh trở về núi rừng, bản làng! – Lớp trưởng ngập ngừng nói!
-Vậy em nhớ được những gì sau mười năm đi học? – mình hỏi tiếp.
-Dạ, em nhớ nhất cô giáo dạy văn đọc thơ rất tình cảm và có “hai quả đào tiên” rất to! – Lớp trưởng vừa dứt lời cả lớp cười ồ! Tức thì có mấy tiếng nói nữa cùng hùa theo: “Cô giáo dạy Sinh cũng căng tròn, còn cô giáo ngoại ngữ thì Ngoại hạng!”, “Cô giáo dạy Toán của chúng ta bây giờ cũng vô địch luôn!”!...Thật quá thể! Mình lẳng lặng ra khỏi lớp, còn nghe thấy có tiếng nói đuổi theo: “Tao thích cô giáo này quá rồi! Thế nào cũng phải thử cho biết!”…
Mình về tới khu nhà ở của giáo viên, mở cửa chui vào phòng mình, nằm vật xuống giường mà vẫn như là nghe thấy những tiếng nói quái gở đó bám riết lấy hai lỗ tai!...
Bữa cơm trưa đã tới từ lâu mà mình không thiết đi ăn. Một lúc sau, chị Bé, cấp dưỡng của nhà bếp bê suất cơm của mình tới và ân cần nói: “Dù sao cũng phải cố mà ăn lấy vài miếng! Con người ta không thể thiếu cơm! Em ăn đi nhé, mọi chuyện rồi sẽ qua thôi!” Nghe chị Bé cấp dưỡng nói, mình bỗng bật khóc! Trời đất ơi! Đường đường một cô giáo, tốt nghiệp Đại học Sư phạm đàng hoàng, lại chịu thua mấy đứa học sinh người dân tộc và một chị nấu bếp văn hóa thấp như thế sao? Nghĩ vậy, mình lau khô ngay nước mắt như chưa hề khóc và ngồi dậy ăn hết bay suất cơm!
3. Ngày…tháng…năm 19…
Quá chán nản và thất vọng, mình thả bộ trên con đường mòn ở sau khu lớp học. Con đường dẫn lên một quả đồi cao hơn quả đồi của khu vực nhà trường. Đứng ở đây nhìn về toàn cảnh khu nhà trường mới thấy sao mà hoang sơ, cô tịch! Nhìn ra xa xa, những quả đồi nối tiếp nhau như những con sóng bất động. Lúc này đây, mình mới thấy câu thơ của một cô bạn viết về Miền Trung du thật là ớn lạnh: Đồi lại tiếp đồi, đồi hoang sơ / Gió như ngựa hoang cuốn bụi mờ…Ôi, lúc này sao mà nhớ mẹ! Mẹ ơi, mẹ có tha tội cho đứa con bướng bỉnh, bất hiếu này không? Con sẽ trở về bên mẹ, không “đi khám phá chân trời xa” này nữa!...Mới nghĩ đến Mẹ là nước mắt đã trào ra!
Mình vừa dụi mắt, chưa kịp lau khô những giọt lệ còn vương trên má thì có hai người đứng lù lù trước mặt, chỉ cách có ba, bốn mét!...
Mọi việc sau đó diễn ra cứ như trong phim… Nhưng kết thúc chưa đến chỗ bi thảm nhất: đúng lúc hai thằng kia cởi hết quần áo của mình ra thì có một tràng tiếng dân tộc vang lên và thầy Hiệu trưởng xuất hiện. Hai thằng kia thấy vậy thì bỏ chạy cũng nhanh như lúc chúng xuất hiện! Thầy Hiệu trưởng nhặt quần áo của mình bị hai thằng kia ném ra xung quanh, đặt vào tay mình rồi nói: “Tốt rồi! Cô mặc quần áo vào rồi đi về ngay! Nhớ là từ giờ đừng có đi dạo một mình và coi như chưa hề có chuyện gì xảy ra!”. Nói rồi thầy Hiệu trưởng lại nói lầm rầm cái gì đó bằng tiếng dân tộc rồi lặng lẽ biến mất như lúc xuất hiện!
Trên đường về, mình thoáng nhớ ra hai thằng ban nãy chính là hai đứa ngồi vẽ bậy trong lớp hồi sáng! Máu giận trong người sôi lên, mình muốn đi ngay đến khu nhà ở của học sinh để “hỏi tội” hai thằng học sinh mất dạy kia, phải đề nghị Hội đồng kỷ luật nhà trường đuổi học chúng!... Mình đi như chạy! Nhưng đi được một đoạn thì mình lại nhớ tới câu nói cuối cùng của thầy Hiệu trưởng trong buổi gặp gỡ giáo viên đầu tiên: “…Không thể dùng hình phạt đuổi học dưới bất kỳ hình thức nào!” Và ban nãy, vì sao thầy Hiệu trưởng lại nói: “…coi như chưa hề có chuyện gì xảy ra”???...Chuyện to bằng “Cái cột đình” như thế mà lại phải “coi như chưa hề có chuyện gì xảy ra”?! Thế này thì thật không thể hiểu nổi!
Tuy là “Cái đầu” mình nghĩ là sẽ đi đến khu nhà ở của học sinh nhưng “Cái chân” lại đưa mình về khu nhà ở của giáo viên. Chị Nhung, giáo viên môn Sinh nhìn thấy mình thì nói: “Hiền đấy à? Đi đâu mà chị tìm mãi không thấy? Em có tới bốn cái thư đấy, vào phòng chị lấy đi!” Mình theo chị Nhung vào phòng chị, đúng là có bốn cái thư: của bốn đứa bạn cùng học ở Đại học Sư phạm, cùng tên là Hiền nên lớp gọi năm người tên Hiền chúng mình là “Ngũ Long Công Chúa”! Mình nằm lăn ra giường đọc liền một mạch thư của bốn đứa bạn tên Hiền, chúng đều dạy ở trường Trung học Phổ thông của quê hương! Thư của đứa nào cũng nói về buổi lên lớp đầu tiên với những tình tiết thật là vui!...Còn mình, tại sao lại buồn tê tái như thế này, Công Chúa ơi là Công Chúa? Mình vụt nghĩ, hay là tại mình không xin về quê hương như chúng nó? Xin về trường Huyện, thì cả Huyện đã biết danh tiếng của mình, ai cũng sẽ đón tiếp mình long trọng như là “Công Chúa giá lâm”, chứ làm gì có chuyện tủi nhục ê chề như thế này! Mình nghĩ ngày mai gặp thầy Hiệu trưởng sẽ đưa đơn xin chuyển công tác về quê!
Sáng hôm sau, mình dậy sớm, viết ngay lá đơn xin chuyển công tác để đưa thầy Hiệu trưởng, nhưng đến phòng thầy thì thấy cửa khóa. Chị Bảy, văn thư – đánh máy ở bên cạnh, nhìn thấy mình thì nói: “Thầy Cầm đi họp ở Hà Nội rồi! – Rồi chị cười cười, nói giọng nửa đùa nửa thật: Có chuyện gì, nói ra xem coi chị giải quyết cho!”. Mình chán nản bỏ về không nói gì!...
4. Ngày…tháng…năm 19…
Khi thầy Hiệu trưởng đi Hà Nội về, mình đến đưa đơn xin chuyển cho thầy thì thầy cho vào hộc bàn rồi nói: “Cứ từ từ rồi tính!”…Thầy luôn có nhiều khách nên mình chẳng thể nói gì thêm! Vài tháng trôi qua, rồi gần một năm trôi qua, thầy Hiệu trưởng khi gặp mình không hề nói gì tới lá đơn xin chuyển công tác của mình, cũng như không hề có cái chuyện xảy ra trên cái đồi hoang sơ buổi chiều hôm ấy! Thời gian cứ lặng lẽ trôi qua với một vận tốc không đổi! Mình phải chờ đợi “Sự trả lời của Thời gian” suốt hai năm và nếu không có sự ngẫu nhiên này thì không biết bao lâu nữa Thời gian mới cho mình câu trả lời: Thầy Hiệu trưởng và Thầy Quan, Phó giám đốc Sở Giáo dục của tỉnh quê mình vốn cùng làm Nghiên cứu sinh với nhau ở nước ngoài, trong một lần về Hà Nội họp đã gặp thầy Hiệu trưởng Cầm và lên trường của thầy Cầm chơi. Khi gặp mình, không ngờ thầy Quan đã nhận ra mình khi thầy còn dạy ở trường cấp Ba. Thế là cuộc thỏa thuận giữa hai thầy chỉ có năm phút, mình được chuyển về quê, trường Huyện…
Về Trường Huyện, Thầy Quan còn giới thiệu mình với một “Đệ tử” của thầy, hiện là Phó chủ tịch UBND Huyện phụ trách khối Văn-Xã, một người mà theo như thầy Quan nhận xét thì “Văn võ song toàn” tức vừa có bằng cấp cao vừa kinh doanh rất giỏi, kiếm tiền dễ như “lấy đồ trong túi”! Một tháng sau, mình và ông Phó Chủ tịch Huyện cưới nhau, đám cưới to nhất Huyện!...
*
Năm tháng cứ theo nhau đi, Thời gian vẫn lặng lẽ trôi với vận tốc không đổi! Mình vẫn thường nhớ về những kỷ niệm: ngày cuối cùng của tuổi học trò Trung học, ngày đầu tiên của cuộc đời sinh viên, ngày đầu tiên đứng trên bục giảng, ngày đầu tiên có Tình yêu, ngày đầu tiên làm vợ, ngày đầu tiên làm mẹ,v.v…Nếu đứng vào từng thời điểm thì chuyện nào cũng hệ trọng, sự kiện nào cũng “To bằng cái Đình”, nhưng khi xâu chuỗi chúng lại, nhìn tổng thể như một vị tướng duyệt đội quân của mình, thì cái gì cũng “bình thường thôi” và có lẽ câu nói của Thầy Quan nói với mình khi mình cưới chồng là đáng nhớ nhất: “Cuộc đời con người ta có nhiều chặng, có lên bổng xuống trầm, chặng nào cũng quan trọng nhưng quyết định hết thảy là ở Đoạn Kết của cuộc đời!”…
Lật lại Bản Tự bạch của mình viết khi còn là sinh viên có những điểm chính như:1-Màu yêu thích nhất: màu hồng; 2-Cuốn sách thích đọc nhất: Bài ca sư phạm của Makarenko; 3-Thần tượng ngưỡng mộ nhất: Nhà thơ R.Tagore; 4-Món ăn khoái khẩu nhất: -Phở gà; 5-Ước muốn lớn nhất: Thành cô giáo! …Năm điểm này phải sửa lại như sau: 1-Màu yêu thích nhất: Màu vàng; 2-Cuốn sách thích đọc nhất: Quẳng gánh lo đi mà vui sống; 3-Thần tượng ngưỡng mộ nhất: nhà tỉ phú B.G; 4-Món ăn khoái khẩu nhất: Chưa xác định; 5-Ước muốn lớn nhất: Trở thành người trong Top 10 giàu có nhất nước!...
Sài Gòn, 14-16/11/2009
Đỗ Ngọc Thạch
nguồn: phongdiep.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét