Chủ Nhật, 16 tháng 6, 2013

2 truyện ngắn về Bạn học của Đỗ Ngọc Thạch; Lớp 5; Lớp 7

Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch- Trích: Bạn học Lớp 5; ...Lớp 7





Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch- Trích: Bạn học Lớp 5; ...Lớp 7

VÀO ĐỜI SỚM

(BẠN HỌC LỚP BẢY)

Truyện ngắn của Đỗ Ngọc Thạch

1.

Lớp Bảy (hệ thống 10 lớp) là năm cuối cấp 2, là năm có nhiều ngã rẽ: 1/ Tiếp tục học lên lớp Tám; 2/ Học Sư phạm 7+2 ra dạy cấp 1 (từ lớp 1 đến lớp 4); và 3/ Bỏ học đi làm sớm phụ giúp bố mẹ, nếu nhà nghèo. Nhóm thứ hai và nhóm thứ ba gọi là “Vào đời sớm”. Vì thế Truyện ngắn này có cả các bạn cùng học lớp 7 rồi lớp 8 với tôi và không thể thiếu nhóm bạn cùng học lớp 7 rồi “Vào đời sớm” theo hai ngã rẽ cuộc đời nói trên…

Năm lớp Bảy (niên học 1962-1963), tôi học ở trường PT Cấp 2 xã Đằng Giang, huyện Hải An, TP. Hải Phòng. Gọi là trường cho oai chứ thực ra tất cả nằm gọn trong một cái Đình, gọi là Đình Trung. Cái Đình vừa to vừa dài, cửa là những tấm ván lớn ghép lại khi đóng và tháo hẳn ra xếp một đống khi mở. Vì chỉ mở cửa một phía nên ánh sáng không chia đều được cho tất cả mọi chỗ, phía ngoài thì thừa sáng nhưng phía trong thì “mờ mờ nhân ảnh”. Bậc cửa, tức chỗ để ghép những tấm ván, khá cao nên ra vào rất khó khăn. Nói tóm lại, nếu tôi là Hiệu trưởng tôi đã không nhận cái Đình này. Chẳng lẽ kinh phí cho giáo dục của Huyện không có để có thể làm cho Trường một cái nhà tàm tạm ở một nơi rộng rãi khoáng đạt khả dĩ có thể gọi nó là Trường học?

Đáng lẽ tôi vẫn học ở trường PT cấp 2-3 Ngô Quyền ở nơi trung tâm thành phố như năm lớp Sáu, khi gia đình tôi mới chuyển về Hải Phòng. Nhưng vì gia đình tôi ở Khu Tập Thể của Viện Điều Dưỡng, thuộc địa phận xã Đằng Giang, gần Đình Trung, nên học ở đây cho gần, còn đi tới trường Ngô Quyền thì quá xa! Đó là do quyết định của bố tôi, còn nếu cho tôi chọn, tôi vẫn thích học ở trường Ngô Quyền, dù phải đi xa! (Trong khi đó, hai người chị của tôi vẫn được học ở trường Ngô Quyền, do đích thân bố tôi đưa đón, rõ là “trọng nữ khinh nam”!).

Tuy nhiên, “méo mó có hơn không”, “dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”, tôi đã tự an ủi như vậy và ngày ngày vẫn xách cặp tung tăng đến trường. Từ nhà tôi đang ở đến trường chỉ băng qua một cánh đồng rì rào lúa hát là tới. Thích nhất là lúc “lúa đang thì con gái” xanh mướt! Song đến lúc lúa lên đòng ngậm sữa thì lại thấy không đâu đẹp bằng! Nhưng tới khi lúa vàng trĩu bông thì không còn thiết nghĩ đến điều gì khác!...Nhiều lúc tôi cứ nghĩ nếu không có những tháng ngày đi học băng qua cánh đồng như thế thì làm sao tôi hiểu được tại sao cô thôn nữ lại có vẻ đẹp lung linh kỳ ảo để rồi sinh ra biết bao nhà thơ Đất Việt?

Nói vòng vo Tam Quốc như thế thực ra tôi muốn nói rằng, năm học lớp Bảy của tôi gắn bó chặt chẽ với Cánh đồng từ lúc lúa đang thì con gái cho đến lúc lúa trĩu bông vàng!
2.

Không cứ đường dài mới lắm chuyện, nhiều sự cố và những chuyện “to bằng cột đình” cũng có thể xảy ra ở cả trên những đoạn đường ngắn, thậm chí rất ngắn !

Từ chỗ nhà tôi ở, phải đi qua phần đuôi của một làng nhỏ thì tới một bãi đất trống khá rộng, cuối bãi đất trống là một cây đa cổ thụ, cách cây đa cổ thụ ba, bốn mét là bắt đầu “cánh đồng tuổi thơ”… Lối mà tôi thường đi là con đường đất đắp cao hơn mặt ruộng nửa mét, rộng chưa tới hai mét, chạy băng qua cánh đồng khoảng một cây số thì tới con mương thủy lợi, bờ mương bên cánh đồng khá rộng, cỏ mọc xanh rờn dưới hàng phi lao chạy dọc theo con mương. Vượt qua con mương là một cái cầu tre khá chắc chắn để tới bờ bên kia là con đường lớn rộng khoảng ba mét, chạy song song với con mương và cũng chạy dọc theo Làng Đình Trung. Đình Trung tức Trường PT Cấp 2 Đằng Giang của chúng tôi chỉ cách cái cầu tre chưa tới 50 mét. Như vậy, từ nhà tôi tới trường chỉ hơn một cây số!...
Cái Đình được ngăn thành 5 phòng, 1 phòng làm Ban Giám hiệu, 1 phòng làm phòng Giáo viên, ba phòng còn lại làm lớp học. Như vậy, tất cả chỉ có 6 lớp: 2 lớp 5, hai lớp 6 và hai lớp 7, chia làm hai buổi học là sáng và chiều, buổi sáng là ba lớp 5A, 6A và 7A, buổi chiều là 5B, 6B và 7B. Tôi học lớp 7B, buổi chiều…Chính vì học trong cái Đình làng suốt cả năm lớp 7 cho nên tôi đã thuộc và thích những câu ca dao, tục ngữ có nói về Đình làng như : Trúc xinh trúc mọc đầu đình / Em xinh em đứng một mình cũng xinh; Qua đình ngả nón trông đình / Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu,v.v…

Vào năm học được hai tháng, tức đầu tháng Mười Một, Mùa Đông đã tới rất gần… Rét đầu mùa – ta sẽ được nếm trải những cảm giác thật khó tả! Biết bao nhà văn, nhà thơ đã viết về cái cảm giác rét đầu mùanhư Thạch Lam với Gió đầu mùa , Chế Lan Viên thì có những câu thơ thật gợi cảm: “Cái rét đầu mùa – rét xa em / Trời trở lạnh, chăn chia làm hai nửa / Nửa đắp cho em đằng cuối bể / Nửa đắp cho mình ở phía không em”!. ..

Rét đầu mùa đối với nhà văn, nhà thơ thì cảm xúc dâng trào, nhưng đối với những người nông dân nghèo thì đó là “Loạt đạn đầu” mà sự đói rét tấn công họ! Đây là lần đầu tiên tôi cảm nhận được phần nào bi kịch của cuộc chiến nghiệt ngã này. Hôm ấy, trời se lạnh, đó là sự ảnh hưởng ban đầu của đợt gió mùa Đông – Bắc. Tan học, tôi đi về nhà ngay như mọi lần. Khi tới cây đa cổ thụ bên kia cánh đồng thì thấy có một cô gái trạc tuổi tôi, đứng dưới gốc đa, nhìn tôi chăm chăm. Tôi đi sát tới cô gái và không thấy cô gái nói gì, tôi định đi tiếp thì cô gái đi nhanh lên mấy bước, chắn trước mặt tôi và nói:
- Bạn không biết tôi là ai à?
Tôi ngạc nhiên về câu hỏi và nhìn thật nhanh cô gái: một khuôn mặt xinh đẹp, có nét dịu hiền, phúc hậu như bao cô thôn nữ khác, không có ấn tượng gì đặc biệt! Tôi liền nói:
-Tôi không biết bạn là ai! Tại sao bạn lại biết tôi?
-Trời ơi!- Cô gái nói như sắp khóc – Tôi với bạn học cùng lớp 7B đã hai tháng rồi mà bạn không biết tôi là ai?
Tôi tròn mắt kinh ngạc nhìn chăm chú vào cô gái, cố tìm xem có nét nào “quen quen” không nhưng không thấy! Tôi hỏi lại:
-Bạn cũng học lớp 7B với tôi?
-Tôi là Trần Thị Nữ, học sinh lớp 7B, trường Phổ thông cấp 2 Đằng Giang, bạn nghe rõ chưa, bạn Đỗ Ngọc Thạch? – Cô gái nói chậm rãi từng tiếng như đọc chính tả!

Chính chút thời gian đọc chậm kéo dài đó của bạn Nữ đã khiến tôi nhận ra tại sao tôi lại không biết mặt bạn gái cùng lớp này: khi các bạn xếp hàng vào lớp tôi mới tới trường và bao giờ cũng là người vào lớp sau cùng, và ngồi ngay ở đầu bàn sát cửa. Còn giờ ra chơi, tôi ra đầu tiên và đi tuốt ra con đường lớn chạy dọc rìa làng, tìm chỗ “trút bầu tâm sự”. Xong, tôi thích đi dọc con mương ngắm cảnh ruộng đồng, nghe tiếng kẻng mới chạy vào lớp. Tan học, tất nhiên tôi là người bước ra khỏi phòng học đầu tiên và thường là đi một mạch về nhà! Nếu bạn Nữ ngồi ở dãy bàn phía trong, mà lại sát tường “tranh tối tranh sáng” thì quả là tôi không nhìn thấy mặt bao giờ, dù cả năm học trôi qua cũng vậy!

Tôi liền thấy đúng là mình có lỗi “xa lánh bạn bè”, bèn nói:
-Xin lỗi bạn!...Từ giờ thì tôi nhớ mãi cái tên rất hay Trần Thị Nữ và khuôn mặt rất thôn nữ của bạn! Giờ thì bạn Nữ ơi, bạn tìm tôi có việc gì không?
Nữ vừa nói vừa sụt sùi khóc:
- Tôi xin nghỉ hai tiết sau về nhà vì có người nhắn cả bố và mẹ tôi đều bị bệnh nặng. Tôi về nhà thì thấy cả hai người đều sốt, anh chị tôi đều đi làm ở tận Cảng, đến tối mới về. Tôi biết bố bạn là Bác sĩ, nên chạy ra đây chờ bạn, nhờ bạn nói với bố tới xem giúp bố mẹ tôi thế nào?
Tôi đã chứng kiến rất nhiều những chuyện tương tự như thế này, nên không nói gì mà theo phản xạ “cứu người như cứu hỏa”, cầm tay bạn Nữ kéo đi như chạy!... Bố tôi cũng vừa hết giờ làm việc, theo Nữ về nhà ngay. Thì ra cả bố và mẹ Nữ đều bị bệnh Lao phổi đang ở giai đoạn cuối !
3.

Sau lần đó, vài ba ngày, tan học là tôi lại ghé nhà Nữ, cũng ở gần trường, bệnh tình của bố, mẹ Nữ có vẻ như ngày càng trầm trọng, khó qua khỏi Mùa Đông này… Nhìn vào khu vực chăn màn của gia đình, tôi thấy quả là rất “đơn giản”. Rồi đến cái chạn, cái bếp, không thấy có mùi tương cà mắm muối gì cả chứ đừng nói đến mùi thịt mỡ bơ sữa. Là đứa bé phải “lăn vào bếp” từ rất sớm (Bảy tuổi tôi đã là Đầu bếp chính của gia đình), nên tôi hiểu ngay là gia đình bạn Nữ của tôi đang phải chống chọi với cái đói, cái rét từng ngày!
Cha, mẹ Nữ đều là nhà nông, vừa làm ruộng vừa trồng rau màu, cũng có lúc trồng hoa. Khi hai ông bà còn khỏe thì cũng tạm đủ sống, vài vụ được mùa cũng dư giả chút ít. Nhưng từ khi cả hai ông bà đều nhiễm bệnh thì kinh tế gia đình sa sút. Cả anh và chị Nữ lần lượt nghỉ học ở lớp Bảy, đi làm công nhân ở Cảng để phụ giúp bố mẹ, dần dần trở thành lao động chính. Nếu còn đi học, năm nay người anh đã vào đại học, người chị tới lớp 10. Nữ cũng muốn nghỉ học luôn, nhưng cả bố và mẹ đều không cho. Hai ông bà gắng gượng làm việc, cho con út đi học, chí ít thì cũng phải hết lớp 10 rồi đi học nghề Trung cấp gì đó, còn hơn suốt đời cứ phải bám lấy mấy luống đất mà kiếm ăn!
Không biết từ lúc nào, tôi cứ nghĩ hoài một ý nghĩ: Phải làm gì để giúp gia đình Nữ vượt qua cái đói rét đang tấn công hàng ngày? Quả là ý nghĩ đó vượt quá khả năng của một cậu bé lớp bảy như tôi và một sự việc bất ngờ xảy ra ngoài sức tưởng tượng của tôi…Đã ba ngày, tôi không thấy Nữ đi học, hỏi bạn Nụ ngồi cạnh thì Nụ nói : “Nữ nó xin nghỉ ở nhà chăm sóc bố mẹ ốm vài ngày, nhưng xem chừng nó sẽ nghỉ luôn!” Tôi ngạc nhiên hỏi: “Sao? Nữ nghỉ học luôn à? Sao không thấy nó nói gì cả? “ Nụ cười vẻ bí hiểm, nói giọng úp mở: “Nó ở nhà để đi làm …người con gái” Tôi chưa kịp hiểu Nụ nói gì thì kẻng vào lớp… Tan học, tôi đi ngay tới nhà Nữ để xem thực hư thế nào thì chỉ gặp chị Nữ ở nhà, đang ngồi trang điểm son phấn. Thấy tôi, chị nói ngay: “Từ giờ Nữ sẽ không đi học nữa và cậu cũng đừng đến tìm nó nữa. Nó phải đi làm tận trên phố, giờ đi và về thất thường, không biết trước được! Tôi nói luôn để cậu khỏi phải hỏi nhiều: Nó đi bán hoa!” Tôi nói ngay: “Nhà có trồng hoa đâu mà Nữ đi bán hoa? Nó bán thuê cho người ta à?” Chị của Nữ phì cười, nói như quát: “Bán hoa là gì mà không biết, sao cậu ngố thế! Thôi, cậu về hỏi mẹ thì biết! Tôi cũng phải đi đây!” Nhìn chị của Nữ đã trang điểm xong, tôi chợt nhớ là từ “Bán hoa” tôi đã nghe nói đến rất nhiều từ rất lâu, vậy mà không hiểu sao lúc này tôi lại quên? Có lẽ đầu óc tôi đã bị mụ mỵ đi chăng? Tôi lẳng lặng đi về và khi đến giữa cánh đồng, tôi quay lại định hỏi xem Nữ “bán hoa” ở đâu, song lại nghĩ thế thì thật là ngốc, chị của Nữ sẽ không bao giờ nói! Vậy mà kết quả cuối cùng lại là tôi đi về phía con mương, cái cầu tre chứ không phải cây đa cổ thụ có bãi đất trống?!
Hôm sau, cô bạn Nụ nhìn thấy tôi thì nói: “Yêu rồi hay sao mà mặt mày ngơ ngác thế? Nhớ cái Nữ rồi chứ gì?” Tôi không biết nói sao và thực ra tôi cũng không biết mình đang nghĩ gì, vui hay buồn?
Ba ngày sau thì cô bạn Nụ cũng lặng lẽ biến mất khỏi dãy bàn “mờ mờ nhân ảnh”. Đến lúc đó, tôi mới thực sự chú ý đến dãy bàn này. Trong khi thầy giáo đang giảng bài trên bục giảng thì ở đây là cảnh tượng này: chỗ thì rúc rích nói chuyện, cấu véo nhau, chỗ thì ngủ gục, có bạn còn ngáy “khò…khò”… Sau khi Nụ nghỉ học thì có vài bạn nữa cũng không thấy đến lớp. Đến giữa Mùa Đông thì sĩ số của lớp giảm đi gần chục người!...
4. Mùa Đông năm đó thật buồn và dường như giá rét hơn mọi năm. Có lẽ cái cảm giác buồn và giá rét hơn là do sự “biến mất” của Nữ khiến tôi cứ thỉnh thoảng lại thơ thẩn ngoài cánh đồng như người mộng du! Tuy nhiên cái cảm giác gọi là “buồn” đó cũng qua nhanh vì có hai chỗ có thể thu hút tôi ngồi suốt ngày mà không biết chán, đó là Thư viện của Viện Điều Dưỡng và “Bàn cờ Tướng của ông Tin”.

Viện Điều Dưỡng là nơi nghỉ ngơi , củng cố và nâng cao sức khỏe cho những cán bộ, viên chức Nhà nước có nhiều công lao đóng góp nên những phương tiện vui chơi, giải trí được đầu tư rất lớn. Hầu như tất cả các chủng loại vui chơi, giải trí đều có, đặc biệt là một Thư viện rất phong phú và khá lớn. Những lúc mưa gió rét mướt, tôi chui vào Thư viện, tha hồ mà “chu du” khắp nơi!...

Ông Tin là người có “con mắt tinh đời” khi nhận thấy rằng những người đến an dưỡng ở cái Viện Điều dưỡng này có nhu cầu đi đây đó khắp thành phố chứ không thể chỉ giam mình trong cái Tu viện kín cổng cao tường này (chỗ hiện sử dụng làm Viện Điều dưỡng vốn là một Tu viện). Thế là ông mượn một miếng đất bỏ hoang cạnh cổng của Viện Điều dưỡng làm một cái nhà dài bằng tre nứa lá nhưng cao ráo đẹp mắt để giữ xe (chủ yếu là xe đạp) cho những người trong Viện An dưỡng. Ở đầu nhà, ông kê một cái giường đơn, một cái bàn uống trà và một bàn cờ Tướng đẹp, quân cờ bằng sừng nhẵn bóng! Và thế là ngày ngày, đêm đêm, ông chỉ việc ngồi uống trà, chơi cờ Tướng và thu tiền gửi xe! Quả là cách kiếm tiền nhàn hạ nhất trần đời!...

Tôi biết chơi cờ Tướng từ hồi học lớp Hai khi nhà tôi ở trong Quân Y viện 9, các chú thương, bệnh binh đã rất nhiệt tình dạy tôi chơi cờ và tôi đã nhanh chóng trở thành người “bạn cờ” của các chú. Lần đầu tiên chơi cờ với ông Tin, tôi thắng ông ba ván liền, khiến ông ôm hận “phục thù” mãi không nguôi, đến nỗi hễ nhìn thấy mặt tôi là bắt tôi vào chơi để ông gỡ! Song, tôi nhất quyết không để cho ông Tin phục thù rửa hận! Vì thế, ngày nào cũng phải chơi với ông ba ván!...

Một hôm, ông Tin nói:
- Tại sao tớ không thể thắng nổi cậu? Cậu có bí quyết chơi cờ gì không?
- Cháu chẳng có bí quyết gì cả! Bác thua là vì bác ham ăn quân nên mất cảnh giác, để hở “huyệt đạo”! – Tôi nhắc lại những câu nói mà các chú thương – bệnh binh thường nói với tôi khi dạy tôi chơi cờ!- Cách đánh tấn công ào ạt của bác dễ bại trước cách đánh thủ trước công sau của cháu! Nhìn cách xuất xuân của bất cứ ai: pháo đầu, lên mã, xuất xe…tấn công ngay, là cháu sẽ thắng!
-Cậu nói chỉ đúng một phần! Ông Tin uống một ngụm trà rồi khề khà nói – những gì cậu vừa nói chỉ là lý thuyết, còn thực tế lại biến hóa vô cùng! Chỉ người nào thông minh mới dành chiến thắng! Tôi phải thừa nhận cậu có tư chất thông minh! Nhưng đó cũng lại chỉ là lý thuyết! Chỉ khi nào cậu “kinh nghiệm đầy mình” như tớ thì mới gọi là sự hài hòa tuyệt đỉnh! Giá như tớ có được cái tư chất thông minh như cậu thì thiên hạ cứ gọi là “lác mắt”!
Đột nhiên, ông Tin nhìn tôi chằm chằm rồi nói:
-Bây giờ tớ nhận cậu làm đệ tử, tớ sẽ truyền hết kinh nghiệm trường đời cho cậu thì chắc chắn sau này cậu sẽ “thiên hạ vô địch”! – Không đợi cho tôi nói gì, ông Tin khề khà nói tiếp – Tớ về hưu đã hai năm, tưởng chừng sẽ chết già bên bà vợ già và năm cô con cao lớn lồng ngồng nhưng đoảng và học dốt, rồi thế nào cùng thành gái ế chồng!... Nhưng nay gặp cậu, tớ thấy việc nhận cậu làm đệ tử là một việc làm cuối đời có ý nghĩa! Bây giờ cậu lạy tớ làm sư phụ, ta sẽ bày một bàn tiệc rượu đơn giản là xong!
Thấy tôi còn chần chừ, ông Tin cười khà khà rồi nói tiếp:
-Nếu cậu lại có “số đào hoa” thì tớ có năm cô con gái đó cậu muốn cưới cô nào cũng được, không thách cưới thách đố gì cả, thậm chí cưới hai, ba cô cũng được, thích ở rể thì ở rể!...
-Nhưng…- Tôi ngập ngừng một chút rồi nói – cháu đã đến tuổi cưới vợ đâu?
-Chuyện đó cậu khỏi lo! Hồi còn đi làm, tớ nắm trong tay cả cái văn phòng ủy ban huyện làm gì không giải quyết được mấy chuyện thủ tục giấy tờ đó! Cậu hỏi thế nghĩa là cậu đồng ý phải không?
-Con xin lạy sư phụ ba lạy!...- Không hiểu tại sao tôi lại bái lạy sư phụ nhanh như thế! Và cũng thật bất ngờ, ông Tin cúi xuống nâng tôi lên mà nghẹn ngào, xúc động không nói nên lời!...
5. 
Ông Tin sinh năm 1905 , trong một gia đình nông dân vô sản nên không có tiền cưới vợ, phải chờ đến năm 1945, khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra, ông tham gia trong đội quân cướp chính quyền rồi vào bộ đội kháng chiến chống Pháp, mặc quân phục về làng thì mới lấy được vợ, lúc đó ông đã ngoài 40 tuổi. Chính vì thế, sau khi có vợ, vợ ông đẻ sòn sòn năm một cho ông năm cô con gái liền, từ năm 1947 đến năm 1951. Sau năm 1954, ông bị thương, phục viên về làng, làm chủ tịch xã rồi lên tới phó chủ tịch huyện. Do văn hóa ông thấp, mới có lớp bốn Bổ túc, nên ông dừng ở chức vụ đó cho tới lúc về hưu, hơi sớm một chút!

Năm cô con gái của ông giống mẹ, ai cũng cao lớn, hiện cả năm cô đều cao trên mét sáu, nếu giống hệt mẹ thì sẽ có người cao tới mét bảy! Thời đó, người cao lớn ngộc nghệch thường bị coi là xấu và dốt, người ta gọi là “Tồ”. Năm chị em con gái ông Tin cũng theo “qui luật chung đó”, hiện có ba cô đang học lớp bảy, tức hai cô chị bị đúp lại, cùng học với cô em, còn hai cô em sau thì một học lớp sáu, một học lớp năm, cả 5 chị em cùng học một trường và cũng là trường của tôi. Nhưng mãi tới sau khi “bái sư” tôi mới biết cô con gái thứ ba của ông Tin học cùng lớp 7B với tôi, vì như trên đã nói, cô gái ngồi ở phía trong sát tường mờ ảo, còn hai cô chị học đúp thì học lớp 7A buổi sáng nên tôi không biết là đương nhiên!

Việc tôi nhận ông Tin làm Sư phụ và ông Tin đã đồng ý gả cô con gái đầu cho tôi không hiểu sao chỉ hai ngày sau, bố mẹ tôi lại biết? Hẳn là ông Tin đã không gặp trực tiếp bố mẹ tôi mà “bắn tin”, “đánh tiếng” để thăm dò phản ứng. Và bố tôi đã phản ứng quyết liệt: ông nện cho tôi một trận tơi bời và đuổi đi (cách hành xử như thế của bố tôi đối với tôi khá nhiều lần, và tôi thấy đó cũng là cách hành xử phố biến của bậc cha mẹ người Việt ta: có thể đánh con bất cứ vì lý do gì và đuổi đi bất cứ lúc nào!). Ông Tin thấy tôi mình mẩy thâm tím thì tái mặt! (bố tôi thường dùng cái thắt lưng quần của bộ đội – ông vốn là bộ đội – chập đôi lại và đánh cho tới khi ông mệt thì thôi, hoặc có lần “đánh mệt nghỉ” – tức hết mệt thì đánh tiếp!... Cho đến tận bây giờ, tức đã ngoài 60 tuổi, đã có con – và đặc biệt tôi không bao giờ đánh con -, tôi cũng không hiểu vì sao lại bị đòn nhiều và dữ như thế trong khi tôi là đứa con học giỏi, là lao động chính trong nhà…Cũng có lúc tôi thoáng nghĩ: hay vì tôi là con của “người hàng xóm”?) Ông Tin nghĩ, bố tôi đánh tôi tức là đánh ông, bởi chuyện này do ông khởi xướng. Ông lặng người đi giây lát rồi đứng dậy, nói : “Ta phải đi gặp ông bố của cậu ngay! Là cán bộ, lại là bác sĩ mà cư xử phản khoa học như vậy sao được!” Tôi cản lại và nói: “Thôi, bác cho qua đi! Chuyện cháu bị ăn đòn, bị đuổi đi như thế này đã quen rồi, cháu hết thấy đau rồi! Bác cháu ta làm vài ván cờ cho quên chuyện này đi!” Ông Tin tròn mắt nói: “Quên là quên làm sao? Bà vợ tớ và cả năm cô con gái đồng ý nhận cậu làm “Phò Mã” rồi! Đã thế ta về nhà làm lễ “Động phòng hoa chúc” rồi cho cậu ở rể luôn, thủ tục giấy tờ tớ đã sai lính làm xong rồi!”. Ông Tin nói rồi khóa cửa cái nhà giữ xe lại và đưa tôi về nhà ông!...
Việc tôi làm đệ tử rồi làm con rể ông Tin, ngỡ chỉ là chuyện đùa vậy mà lại thành thật! Ngay đêm hôm đó, vợ chồng ông Tin đã làm lễ “Động phòng” cho tôi và cô con gái lớn nhất, sinh năm 1947, tức hơn tôi một tuổi, tên là Kim (có ông thầy tướng đặt tên sẵn cho 5 đứa con gái của ông Tin từ hôm làm đám cưới lần lượt là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ). Hôm làm lễ “Động phòng” là tôi đã hơn 15 tuổi (năm 1963), tất nhiên là tôi đã biết “chuyện vợ chồng” từ lâu rồi!

Tôi ở rể nhà ông Tin được một tuần ( tức vừa qua “Tuần trăng mật”) thì mẹ tôi tới và nói: “Thôi, về nhà đi, diễn kịch như thế đủ rồi! Công việc ở nhà đang ùn đống, thằng Út (sinh năm 1960) lại đang sốt!...” Tôi nói ngay: “Bố đuổi con đi thì bố phải tới đón con về và thề là từ giờ không được đánh con nữa!” Mẹ tôi không nói gì, lẳng lặng đi về! Như vậy theo như trước đây thì có nghĩa là, tôi muốn về lúc nào thì về!...

Chuyện tôi bị đánh, bị đuổi đi rồi mẹ tôi lại đi kêu tôi về là chuyện xưa như Trái Đất nhưng còn chuyện “Đêm tân hôn” thì có một không hai, vợ tôi nói phải hơn 40 năm sau mới được công khai nên lần này mới nói ra… một nửa sự thật!
Khi đã xong xuôi mọi thủ tục, “vợ” tôi vẫn ngồi ở bàn uống trà mà không lên giường như mọi “cô dâu” khác, tôi thấy lạ, liền hỏi: “Sao chưa đi ngủ, ngồi nghĩ gì vậy?” . “Vợ” tôi nói nhỏ nhưng tôi nghe rất rõ: “Chuyện này chỉ tôi và anh biết thôi nhé! Trước đây, hồi tôi 12 tuổi, tôi cũng bình thường như bao bé gái khác. Nhưng từ khi tôi 13 tuổi, cái “bướm” của tôi nó cứ thu nhỏ lại, bây giờ chỉ bé bằng đầu ngón tay, đi đái cũng hơi bất tiện! Vì thế, tôi không thể là một người vợ bình thường được!” Nghe nói vậy, tôi vô cùng ngạc nhiên và khi “vợ” cho xem thì quả nhiên là như vậy!... Sau này tôi tìm tài liệu Y học đọc thì mới biết là “vợ” tôi đang “chuyển đổi giới tính”! Chuyện này, “vợ chồng” tôi giữ kín không cho ai biết (“vợ” tôi thích thế). Năm l968, khi tôi đang tại ngũ, có được nghỉ “tranh thủ” vài ngày, tôi đã về Hải Phòng xem “tình hình chuyển đổi giới tính” của “vợ” tôi, thì người hàng xóm nhà ông Tin nói: “Cái cô Kim ấy đã chuyển thành đàn ông được một năm rồi. Cả nhà chuyển về quê gốc ở Kiến An mới được một tuần. Nghe nói chàng Kim cũng sắp cưới vợ!”. Tôi nghe thì thở phào nhẹ nhõm, từ nay không còn phải lo nghĩ về cái vụ “Tảo hôn” ấy nữa!
6. 
Năm học lớp Bảy rồi cũng kết thúc. Phần lớn các bạn lớp tôi đều thôi học mà đi học nghề, đi làm kiếm sống, có 5 bạn vào trường sư phạm 10+2, chỉ có 5 bạn học tiếp lớp Tám, trong đó có tôi. Lúc đó, huyện Hải An chưa có trường PT Cấp 3 nên chúng tôi phải học ở trường cấp 3 Thái Phiên, một trường cấp 3 mới ra đời sau trường Ngô Quyền, có lẽ do Trường Ngô Quyền quá tải. Đi học ở trường Thái Phiên còn xa hơn đến trường Ngô Quyền, nhưng lúc này không xin vào trường Ngô Quyền được nữa. Thế là tôi lại phải “Hành quân xa”. Tuy nhiên, tôi đã 16 tuổi, đang rất sung sức nên đường xa, mưa nắng, gió bụi cũng không là gì…

Một hôm, vào giờ Toán, cô giáo bị bệnh, gửi giấy đến bảo chúng tôi làm 5 bài tập (trong sách giáo khoa) rồi nộp bài cho lớp Trưởng. Vì những bài tập này tôi đã làm hết ở nhà (tôi có thói quen là trước khi đến lớp, làm hết các bài tập có trong sách giáo khoa), nên chỉ việc chép ra giấy, chưa hết 10 phút. Nộp bài xong, tôi thả bộ dọc con đường nửa thành phố, nửa nông thôn cạnh trường, suy nghĩ miên man về cuộc đời học sinh …Đang “thả tâm hồn treo ngược trên cành cây” thì có tiếng gọi từ một quán giải khát bên đường. Nhìn vào, tôi thấy có bốn cô gái đang ngồi uống nước, đang dơ tay vẫy tôi vào, vẫy liên tục. Tôi đi vào. Thì ra cả 4 cô gái đều là bạn học lớp 7B của tôi, tên toàn là các loài hoa: Huệ, Lan, Cúc, Hồng. Huệ và Lan đang đi làm ở một xí nghiệp dệt may sau 1 tháng học nghề, Cúc và Hồng thì đang học sư phạm 7+2, sẽ làm cô giáo. Sau khi gọi cho tôi một cốc nước cam to đùng, Huệ nói: “Chúng tớ hàng tháng đều “họp lớp” 7B ở đây , nếu cậu thích thì đăng ký, ngày nào cụ thể sẽ báo sau!” Tôi nói ngay: “Thích chứ! Đã họp lớp được mấy lần rồi?” Lan nói: “Mới ba lần. Cũng do tình cờ vì nhà bốn đứa tớ đều gần đây. Còn hai bạn nữa, chắc cũng sắp tới. Thêm cậu là 7. đúng con số lớp 7, thật là tuyệt!” Lan vừa nói xong thì Sen và Đào xuất hiện. Cả Sen và Đào đều là học sinh cũ của lớp 7B và bây giờ cũng học ở Thái Phiên với tôi nhưng là lớp 8 E buổi chiều, tôi là lớp 8 B buổi sáng (trường tôi có tới 8 lớp 8 từ A đến I, chia làm 2 buổi sáng và chiều). Sau một hồi tán dóc đủ thứ chuyện , Huệ nói giọng trịnh trọng: “Sáu đứa chúng tớ đã quyết định việc này từ kỳ họp trước, Sen và Đào chưa kịp báo với cậu thì tự cậu xuất hiện, đúng là ý Trời! Sự việc nói ngắn gọn thế này: hồi còn học lớp 7, cả sáu đứa tớ đều bị thầy D. cưỡng bức! Hận này cố nuốt mà không trôi! Chúng tớ nghĩ nát óc mà chưa nghĩ ra kế sách nào để báo thù. Ai cũng chợt nghĩ đến chuyện Thạch Sanh! Thế là cái Đào nói phải nhờ cậu làm chuyện này vì cậu thường hay gặp ông ta, chúng tớ sẽ trả công hậu hĩ, suốt đời!” Đào tiếp lời: “Tớ nghĩ là cậu sẽ không từ chối vì cậu có máu “anh hùng cứu mỹ nhân” phải không?”. Vừa nghe tới mấy tiếng “Anh hùng cứu mỹ nhân”, tôi nói ngay, như là một phản xạ tự nhiên: “Sao lại không nhận lời! Dù có phải nhảy vào biển lửa, vạc dầu tớ cũng không sợ! Thời gian thực hiện ra sao? Có cần nhanh gấp không?”. Huệ lại từ tốn nói : “Không nên nôn nóng! Quân tử báo thù 10 năm chưa muộn! Nhưng cậu phải nhớ: đòn trả thù phải đích đáng như trong phim “Thù trả ba lần” ấy!” Huệ vừa dứt lời thì Hồng, có nước da đẹp như hoa hồng, tươi cười nói: “Thật là xúc động khi thấy cậu dám xả thân vì chúng tớ như thế! Tớ sẽ là người đầu tiền xin “Xả thân” đền đáp ân tình của cậu!...” Nghe đến đó, tôi như có cảm giác bay vút tầng không!...
Từ hôm đó trở đi, tôi luôn tìm lý do để gặp thầy D. Nhìn thầy D nghiêm chỉnh trong bộ “véton” đạo mạo, tôi luôn tự nghĩ: mình không thể “hạ thủ” trong tư thế thầy giáo của ông ta mà phải chờ khi ông ta đang ở trong tư thế “Yêu Râu xanh”! Song, như vậy thì sẽ rất tốn công phu!...

Một hôm, tôi đến nhà thầy D thì vợ thầy mếu máo, vừa khóc vừa nói: “Cậu không lo bảo vệ thầy, thầy bị Công an bắt tối qua rồi!” Tôi hỏi: “Thế thầy bị bắt vì tội gì?”. “Đánh bạc! Có cả mấy giáo sư, Tiến sĩ gì nữa ở Trường Đại học! Cậu mau tìm cách cứu thầy của cậu ra đi! Bố cậu quen biết nhiều lắm mà!” – vợ thầy lại khóc lớn hơn! Tôi vụt chạy khỏi nhà thầy D, không phải đi “cứu” (tôi mà nhờ bố tôi chắc chắn là sẽ bị ăn đòn) mà đi gọi điện thông báo tin mới đó cho nhóm bạn 7 người. Huệ nói ngay: “Như thế không có nghĩa là cậu xong việc. Chỉ có thể tính cho cậu một lần, còn hai lần nữa nhé!”…

Ba ngày sau, tôi đến nhà thầy D, thấy vợ chồng thầy D đang cãi lộn ầm ĩ, đồ đạc trong nhà bị xáo trộn, đổ vỡ lung tung cả! Nhìn thấy tôi, thầy D nói: “Cậu vào lấy cho tớ hai bộ quần áo cho vào cái cặp da đen rồi xách đến nhà ông Tiễn!”, nói rồi thầy đi luôn! Tôi vào nhà, phải nghe vợ thầy D “hát cải lương, pha cả chèo” một lúc mới làm xong nhiệm vụ. Thì ra thầy “họa vô đơn chí”: vừa bị thua bạc cháy túi, lại bị bắt nhốt hai ngày, bị phạt tiền! Tình cảnh của thầy thật đáng thương, chẳng lẽ tôi lại “ra tay báo thù” cho các bạn nữ như đã nhận lời giúp? Tôi tới nhà ông Tiễn, bạn nhậu của thầy, làm việc ở Văn phòng Ủy ban Huyện. Ông Tiễn đã đứng sẵn ở cửa, đưa tôi tờ giấy bạc lớn, nói: “Cậu đi mua cho tớ nửa cân thịt quay và một chai rượu cam, về nhanh tớ sẽ cho cậu hưởng “sái”! Đưa cái cặp da của thầy D đây! Đi đi!”. Lúc đó, đầu óc tôi thật rối bời, bao nhiêu ý nghĩ cứ quay tròn như đèn kéo quân!...Khi tôi mua đồ xong, quay trở lại nhà ông Tiễn thì thấy có một cái xe của Công an đỗ ngoài cửa, người ta đã xúm quanh ỳ xèo bàn tán, bình luận: “Ai ngờ cái ông Tiễn lại là một đường dây của bọn “Nhà thổ”, tổ chức mua bán dâm tại nhà nữa chứ, đúng là “coi trời bằng vung”!” Vừa tới lúc cả ông Tiễn, thầy D và hai người đàn ông khác bị dẫn giải ra xe, bốn cô gái cũng bị dẫn ra, và tôi giật thót người khi nhận ra trong bốn cô gái đó có cả hai chị em bạn Nữ, bạn học lớp 7B của tôi ngày nào!...

Hình như có ai đó giật gói thịt quay và cả chai rượu trên tay tôi! Tai tôi như ù, mắt như hoa, tôi chạy khỏi đám đông và lúc dừng lại thì là cửa Bưu điện! Tôi gọi cho Huệ thông báo “tin mới”, Huệ nói giọng bình thản mà sao tôi thấy rợn người: “Tính cho cậu hai lần! Kỳ “họp lớp” tới, hy vọng nghe thông báo kết quả! Mà đừng gọi điện thoại nữa, chúng tớ muốn nghe từ mồm cậu nói ra!”. Tôi muốn hét lên: “Lại còn thế nữa!”, nhưng lại thôi vì nghĩ, các bạn gái của tôi phải “ôm mối hận” kia quá lâu rồi, cho nên có thái độ “máu lạnh” là đương nhiên! Tuy thế, ngày ngày tôi không nghĩ cách hoàn thành “nhiệm vụ của Thạch Sanh” mà lại cầu Bồ Tát “hóa giải” cái mối hận này, bởi tôi bỗng nghĩ rằng “oan oan tương báo, bao giờ mới hết” !
Sài Gòn, 2009
Đỗ Ngọc Thạch

http://doanhnhansaigon.vn/i/w400h0f1c0/files/articles/2010/1047271/934/hoc7.jpg

Bạn Học Lớp Năm
Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch
1.
Khi lên lớp Năm (1961) tôi học ở trường Phổ thông cấp 2-3 Lương Ngọc Quyến, thị xã Thái Nguyên. Vài tháng đầu tiên, nhà tôi còn ở Bệnh viện Khu Gang Thép Thái Nguyên ở trên đất huyện Đồng Hỷ, nên đường đến trường khá xa. Bố tôi bảo: “Bộ đội hành quân đánh trận đường còn dài gấp trăm ngàn lần, đoạn đường chục cây số của mày đã ăn thua gì!” Ý của bố tôi là đừng có mà kêu ca, cứ yên tâm mà đi bộ, đừng có nghĩ là sẽ có xe đạp! Thời kỳ đó, việc rèn luyện thân thể khá phổ cập trong đời sống xã hội cho nên tôi thấy việc bố tôi muốn tôi rèn luyện là rất đúng! Và việc tôi ngày ngày “hành quân đến trường” trở thành bình thường, tôi không coi đó là vất vả, khó nhọc, thậm chí còn thấy thích vì được tự do tuyệt đối (ở nhà thì sợ Bố vì bố tôi rất “quân sự” – ông vốn là Bác sĩ Quân Y, năm 1957 thì chuyển ngành sang dân y, về phụ trách BV Khu gang Thép TN; đến trường thì sợ thầy, cô giáo – thời đó, kỷ luật nhà trường rất nghiêm, học sinh bị nhiều hình phạt nặng cũng cắn răng chấp nhận, chứ tuyệt đối không hề có chuyện đánh, chém thầy giáo như hiện nay) tung tăng như con chim sáo trên đường. Và chính trên con đường đến trường dài vạn dặm này, đã xảy ra biết bao nhiêu sự cố “động trời” …
Tôi khởi hành lúc 5 giờ sáng, 7 giờ thì tới trường, thường là tới cổng trường thì tiếng trống trường vang lên, tôi phải chạy một đoạn 100 mét mới tới lớp, lúc đó các bạn lớp tôi đang xếp hàng vào lớp, tôi đứng vào “cái đuôi” và từ từ…thở nhẹ, điều hòa cơ thể!
Nắng hay mưa, giá lạnh hay mát mẻ, ngày ngày tôi cứ sáng đi, trưa về như vậy. 12 giờ trưa tan học, theo như “vận tốc” lúc đi thì 2 giờ chiều tôi sẽ về đến nhà, nhưng thường là không bao giờ tôi về nhà đúng 2 giờ bởi hầu như ngày nào cũng có “sự cố”! Lúc đó tôi không hề nghĩ rằng tại sao những sự cố bất thường cứ xảy ra dồn dập như vậy mà cứ “hồn nhiên” đón nhận như nắng xối vào người, mưa táp vào mặt mà thôi!...
2.
Nếu chia đoạn đường tôi “hành quân đến trường” thành 4 đoạn bằng nhau thì sẽ có 3 điểm cách đều, là những điểm tôi thường nghỉ chân hai, ba phút. Và thật ngẫu nhiên, ở cả ba điểm này đều có quán nước bên đường. Phải nói ngay rằng, tuần đầu tiên tôi chưa có cái lệ ngồi nghỉ chân ở ba điểm này, nhưng tuần sau thì chính các chủ quán đã chủ động mời tôi ngồi nghỉ uống nước “miễn phí”!
Quán thứ nhất, chủ quán là một phụ nữ khoảng 40 tuổi, có cô con gái khoảng trên mười tuổi phụ giúp. Sáng hôm ấy, tôi vừa đi ngang qua quán, tức khoảng 5 giờ 30 phút, hai mẹ con bà chủ quán đang dọn hàng. Vừa ngó vào quán thì thấy cô bé đang tay phải nắm chặt lấy bắp tay trái, máu rịn qua kẽ ngón tay, bắt đầu nhểu xuống đất. Còn bà mẹ thì vừa kêu la con vừa loay hoay chưa biết xử lý thế nào. Tôi liền lấy trong cái cặp da khá to đựng sách vở của tôi (cái cặp da này bố tôi mua ở chính hiệu phố Hàng Da ở Hà Nội ngày gia đình tôi về Hà Nội sau ngày Giải phóng Thủ đô 1954, tôi dùng suốt 10 năm học phổ thông mà không hề hư hỏng!), một gói bông băng và chạy vào “sơ cứu” cho cô bé! Tôi đã từng phụ phòng mổ cho bố tôi hồi ông mở phòng mạch tư ở Hà Nội (chỉ trong khoảng thời gian chưa tới một năm, chờ làm thủ tục chuyển ngành từ quân y sang dân y…) cho nên chuyện băng bó lặt vặt như thế này đối với tôi quá dễ! Nhưng đối với hai mẹ con bà chủ quán nước, thì hình như đó là chuyện lạ! Chình vì vậy mà người mẹ cứ đứng tròn mắt nhìn tôi thao tác băng bó cánh tay cho cô bé mà không nói nên lời, còn cô bé thì hết nhìn tôi lại nhìn xuống cánh tay dần dần đổi từ màu đỏ sang màu trắng! Tôi nhớ mãi cô gái có đôi mắt rất huyền ảo!...Thế là từ đó, khi tôi đi tới quán nước của bà Tỵ (chắc sinh năm con Rắn) có cô con gái tên Tý (chắc sinh năm con Chuột - bằng tuổi tôi nhưng không hiểu sao mới học lớp Ba?) tôi lại ngồi nghỉ uống nước trà Thái và ăn vài thứ như khoai, sắn, chuối…mà bà Tỵ nói là để “mở hàng”, vì từ ngày tôi ăn mở hàng, quán của bà bán rất chạy!
Quả là một sự trùng hợp éo le, khi tôi và quán nước của bà Tỵ thân nhau như người một nhà và tôi cảm thấy “thích Tý” thì chợt phát hiện ra rằng: Lớp trưởng của tôi tên là Duyên, hơn tôi một tuổi, (kiêm Liên đội trưởng Đội TNTP của trường) lại là “anh em họ” với cô bé Tý ở quán nước. Một hôm, Duyên đưa tôi một cái phong bì và nói: “Nhờ bạn đưa cho Dì Tỵ hoặc em Tý cũng được, cái thư này!” Tôi cầm ngay cái phong bì và nói: “Cậu có quan hệ thế nào với hai mẹ con?” Duyên cười cười, nói: “À, bà Tỵ gọi mẹ tớ bằng chị con thúc bá, tớ với cái Tý là anh em họ, nhưng đã xa lắm rồi, bắn ca-nông cũng chưa tới! Cái Tý nó học kém, bị lưu ban hai lần rồi, nếu không nó đã học cùng lớp với chúng ta đấy!” Tôi định nói một câu gì đó thì Duyên lại nói: “Cái Tý nó rất đẹp, tớ thích nó từ lâu nhưng phải chờ đủ tuổi mới có thể xin cưới được! Mẹ tớ bảo bây giờ cứ lo chuyện học đã, chuyện cái Tý mẹ tớ đã tính toán đâu vào đó rồi!...” Tôi nghe Duyên nói vậy mà lặng người, nếu như không có tiếng trống báo hết giờ ra chơi thì tôi đã trả lại cái phong bì cho Duyên!
Hôm sau, tôi đưa cho Tý cái phong bì và hỏi “cho ra nhẽ” thì Tý nói: “Anh Duyên ấy nói phét đấy, mẹ và bố và cả em chẳng ai thích cái anh Duyên ấy cả thì làm gì có chuyện “đâu vào đó”? Anh ấy được làm Lớp trưởng, rồi Liên đội trưởng là do giỏi nịnh hót các thầy cô chứ có giỏi giang gì đâu, vậy mà đi khoe khắp họ hàng cứ như là ông tướng!” Thì ra những nhận xét ngắn gọn của Tý gần đúng những gì mà tôi thấy Duyên thể hiện ở lớp! Thấy vẻ băn khoăn của tôi vẫn còn trên nét mặt, Tý nói: “Mình nhờ cậu gửi cho anh Duyên cái thư hồi đáp luôn, không có rỗi hơi mà đi dự sinh nhật, bày vẽ để phô trương đó mà thôi.” Tý lấy giấy định viết luôn nhưng tôi nói: “Tớ không muốn làm người đưa thư!”
Nghe tôi nói vậy, Tý nói: “Cũng chẳng cần phải gửi thư nữa! Không đến là không đến!”
Tôi suy nghĩ rất nhiều về cái chuyện Tý bị lưu ban 2 lần. Hỏi bà Tỵ thì bà bảo, không hiểu sao, cả hai lần con bé đều bị bệnh tật hành hạ vào dịp cuối năm học, số giờ nghỉ lại quá nhiều, thế là lưu ban chứ thực ra nó không phải là đứa học dốt!” Nghe bà Tỵ nói vậy, tôi nói ngay: “Nếu Cái Tý nó quyết tâm, cháu sẽ giúp nó học xong cả chương trình lớp ba và lớp 4, cuối năm xin thi vào lớp 5!” Bà Tỵ lại tỏ vẻ ngạc nhiên hết sức, cứ tròn mắt nhìn tôi hồi lâu rồi mới nói: “Có được không? Nhà trường người ta có cho mình thi không?” Tôi nói như là đã kinh qua chuyện này rồi: “Bây giờ học nhảy cóc không phải là chuyện hiếm. Chỉ sợ cô không có tài, nếu cô tự học xong chương trình phổ thông thì xin thi đại học ngay cũng được!” Tuy thế tôi phải thuyết phục ba lần giống như chuyện “Tam cố thảo lư” – Lưu Bị phải ba lần đến lều tranh năn nỉ Gia Cát Lượng mới xuống núi giúp Lưu Bị chia ba thiên hạ - , hai mẹ con Tý, Tỵ mới quyết tâm. Thế là ngày ngày, tôi đi sớm 15 phút và về muộn 30 phút để “kèm” cho Tý học! Và điều bất ngờ là chỉ sau ba tháng, tôi đã giúp Tý học xong chương trình cả lớp ba và lớp bốn. Tôi lấy tất cả những bài thi tốt nghiệp cấp 1 (tức hết lớp 4) cho Tý làm thì Tý đều làm nhanh như chớp. Khi xin thầy hiệu trưởng cho Tý thi tốt nghiệp cấp 1(đặc cách) thì thầy rất nhiệt tình đề nghị lên phòng giáo dục huyện rồi huyện đề nghị lên Ty giáo dục, ai cũng ủng hộ. Và khi học kỳ 1 kết thúc, Tý đã lấy được giấy chứng nhận tốt nghiệp Tiểu học. Kế hoạch tiếp theo là Tý tự học chương trình lớp 5 để cuối năm xin thi cùng học sinh lớp năm chính khóa! …
3.
Điểm dừng chân thứ hai nằm ở chính giữa con đường vạn dặm đến trường, cái quán mà tôi thường dừng chân là quán cơm bên trong, quán nước bên ngoài, tức chủ quán đã “kinh doanh lớn” mà vào thời đó là chưa được phép! Ngay hôm đầu tiên đi ngang qua quán, tôi đã bị một tiếng gọi rất to kéo giật lại: “Thạch!...Thạch ơi! “ Tôi nhìn vào quán thì nhận ra Sửu – cùng học hồi lớp 4 với tôi – chạy ra. Sửu nắm lấy cánh tay tôi nói: “Tao không thể đi học cùng với mày được rồi! Vừa rồi, cả bố và mẹ tao đều bị bệnh suýt chết, chạy chữa tốn kém quá, còn nợ rất nhiều…Vì thế, tao phải ra đây làm thuê cho cái quán cơm này phụ giúp cho bố mẹ!”…Sửu còn nói gì dài lắm, vừa nói vừa khóc, càng nói càng khóc dữ hơn! Bỗng có tiếng gọi lớn: “Sửu!...Ông chủ lại bị sốt , đi vào thị xã gọi Bác sĩ cấp cứu ngay!” Nghe nói đến người bệnh, theo phản xạ tự nhiên, tôi chạy vào buồng , thấy ông chủ đang run cầm cập, đã đắp hai cái mền mà còn kêu rét! Tôi nghĩ bụng: Lại bị sốt rét tấn công rồi! Nói rồi, tôi mở cái cặp da, trong đó có hẳn một cái túi to bằng nửa cái cặp, đựng một liều thuốc cấp cứu, cắt cơn cho các loại bệnh thường gặp như tiêu chảy, sốt xuất huyết, sốt rét,v.v…Tôi “sơ cứu” cho ông chủ quán xong thì nói với người nhà: “Tôi đã xử lý cắt cơn sốt. Giờ người nhà vào Bệnh viện ở Thị xã, xin gặp Bác sĩ Thu chuyên trị bệnh sốt rét , mời bằng được BS về nhà mới cứu được bệnh nhân! Cứ nói là anh Thạch con BS Thuận chỉ tới!” Bà vợ ông chủ quán nghe nói vậy thì cảm ơn rối rít rồi chuẩn bị đi vào Bệnh viện Thị xã! Khi chia tay Sửu, tôi chỉ biết động viên bằng câu nói học mót ở trong một cuốn sách danh nhân : “Tuyệt vọng là tự sát! Cứ hy vọng sẽ có một cơ may!...” Sửu nghe xong lại còn khóc to hơn ban nãy, nó hết nhìn tôi rồi lại nhìn cái cặp sách to tướng của tôi xem chừng nếu không được đi học thì nó sẽ…khóc mãi không thôi!
Đến chiều, trên đường đi học về, tôi tạt vào quán cơm có người bạn tên Sửu thì gặp BS Thu đang khám bệnh cho ông chủ quán. Nhìn thấy tôi, BS Thu cười nói: “Cháu xử lý khá lắm! Nếu cháu không có thuốc và xuất hiện đúng lúc ấy thì ông chủ quán nguy rồi!...À, sao nhà cháu chưa chuyển lên thị xã, chú nghe nói bố cháu sẽ chuyển về Sở Y tế từ lâu rồi cơ mà?” Tôi nói: “Dạ, cháu cũng có nghe bố nói phải hai, ba tháng nữa vì vẫn chưa có người thay thế ở BV Khu gang Thép!” BS Thu gửi lời hỏi thăm bố tôi rồi ngồi viết đơn thuốc cho ông chủ quán. BS Thu vừa là bạn học vừa là bạn chiến đấu của bố tôi hồi chiến dịch Điên Biên, ông rất giỏi trị bệnh sốt rét, chắc ông chủ quán sẽ qua khỏi. Quả nhiên, khoảng chục ngày sau hôm đó, khi tôi vừa đi ngang qua quán cơm thì Sửu chạy ra nói: “Ông chủ quán muốn gặp mày! Hình như muốn tạ ơn!...” Tôi gạt đi: “Ơn với huệ gì, tao còn phải đi học, vào nhà lỡ muộn học thì sao?” “Không muộn được! Chắc là nhanh thôi!” Nói rồi Sửu kéo tôi vào. Vừa thấy tôi, bà chủ đon đả mời ngồi rồi vào buồng trong gọi ông chủ ra. Khoảng hai, ba phút cả hai người, quần áo chỉnh tề, cùng bước ra, ông chủ tay bưng một cái khay trên có miếng vải lụa điều không biết gói cái gì bên trong . Hai người tới trước tôi thì sụp lạy… Tôi đã xem trên phim nhiều lần cảnh tượng đó nhưng lúc đó, không hiểu sao tôi đứng bật dậy hoảng sợ! Hình như cả ông bà chủ đều hiểu phần nào tâm trạng của tôi nên rối rít nói là xin lỗi đã làm kinh động tôi rồi rót trà mời tôi uống. Không ngờ vừa uống xong chén trà, tôi bỗng tỉnh táo vô cùng và biết rất rõ tình huống hiện tại: ông chủ quán sẽ đáp ứng ngay yêu cầu của tôi! Tôi bèn nói ngay: “Nếu ông bà muốn tạ ơn tôi, thì hãy cho người bạn tôi là Sửu đây được tiếp tục đi học. Theo tôi thì Sửu có thể đi học buổi sáng, chiều và tối sẽ làm việc cho quán!” Không hiểu có phải Bồ Tát nhập vào tôi hay không mà cả ông chủ quán và bà chủ quán đều vâng dạ liên hồi. Khi tôi đứng dậy để đi tiếp thì bà chủ chạy tới ấn cái gói bằng vải lụa điều vào tay tôi!...Tôi cũng quên mở cái gói vải lụa điều ra xem là cái gì, và đến sáng hôm sau, lúc soạn sách vở chuẩn bị đi học mới sực nhớ đến thì không thấy đâu cả!...
Ngay ngày hôm sau, từ xa tôi đã nhìn thấy Sửu tay xách cái cặp giả da, đứng đợi tôi ở cửa quán, chúng tôi cùng đi đến trường! (Ông chủ quán đã đích thân đến trường xin cho Sửu được vào học vì như vậy là Sửu đã nhập trường muộn hơn một tuần). Mấy hôm sau còn nghe Sửu nói ông chủ quán còn muốn nhận Sửu làm Nghĩa tử (con nuôi) vì Sửu chăm làm, chăm học có thể làm người thừa kế của ông vì ông không có con! Đặc biệt, ông chủ quán như là mê tít cái “hoa tay” rất độc đáo của Sửu: Từ lúc năm, sáu tuổi Sửu đã bộc lộ năng khiếu hội họa đặc biệt, cậu vẽ mọi thứ quanh mình, từ đồ vật, phong cảnh đến chim chóc, muông thú và cả con người đều rất nhanh và rất giống thật, rất sinh động và có cảm giác như người trong tranh sắp bước ra vậy!...
4.
Thế là từ đó, tôi có thêm người bạn đường là Sửu. Từ quán cơm của Sửu đến trường còn một nửa đoạn đường và đoạn dừng chân thứ ba của chúng tôi nằm ở quãng giữa của đoạn đường còn lại, thuộc địa phận thị xã. Đó là một quán cà-phê, giải khát gần giống như chủng loại đó hiện nay. Vào thời kỳ đó, vào quán trà là bình dân nhưng vào quán cà-phê, giải khát đã là “tầng lớp thượng lưu, quý tộc”. Quán này nhìn khá cao ráo, sạch sẽ, mát mẻ bởi nó là một căn nhà ba gian hai trái, tường xây cao tới 6 mét, mái lợp lá cọ, ẩn mình dưới một tán cây bàng cổ thụ, phía mặt tiền còn có giàn hoa thiên lý khá ấn tượng và gợi cảm, rất phù hợp với tên của quán là “Thất Tiên giáng trần”!...
Không hiểu sao, ba ngày đầu, cứ khi tôi đi tới ngang quán “Thất Tiên” thì trời đổ mưa, thế là tôi chạy ào vào quán. Mấy ngày sau, dù chỉ mưa có vài hột lắc rắc, theo quán tính, tôi cũng chạy vào quán. Khi tôi vào quán là mới có 6 giờ rưỡi, quán chưa mở cửa, tôi đi lại dưới mái hiên, ngắm giàn Thiên lý, lúc thì ngồi xuống băng ghế đá đặt sẵn ở ngoài hiên nhìn mưa rơi… Đến khi có cả Sửu đi cùng thì không mưa chúng tôi cũng tạt vào. Hôm đó, quán “Thất Tiên” mở cửa sớm, có vẻ như sự xuất hiện của chúng tôi đã “đánh thức” chủ quán dậy sớm? Chủ quán là một người đàn bà có thể nói là xinh đẹp nhưng còn lâu mới bằng Nàng Tiên Thứ Bảy (Thất Tiên) mà sao dám tự xưng là Thất Tiên? Câu hỏi ấy cứ lởn vởn trong trong đầu khi tôi quan sát bà chủ quán. Hình như bà chủ quán biết chúng tôi là hai cậu bé học trò chỉ tạt vào quán chốc lát nên chỉ nói câu “Mời các cậu bé ngồi chơi” rồi đi vào trong buồng. Hẳn là hai từ “cậu bé” đã kích thích “chất người lớn” trong người chúng tôi, khiến chúng tôi ngồi không yên và quả nhiên Sửu cất tiếng gọi bà chủ trước tôi. Bà chủ quán xuất hiện nhanh như Tiên nữ, nhoẻn miệng cười tươi tắn, nói: “Hai quý khách dùng cà-phê hay gì ạ?” Bà chủ quán vừa dứt lời thì Sửu nói: “ Mấy bức tranh Sơn Thủy và Tiên nữ của quán ai vẽ mà xấu quá!” Bà chủ quán trố mắt nhìn Sửu, tôi nói ngay: “Trăm nghe không bằng một thấy, bà lấy một tờ giấy trắng to ra đây!” Bà chủ chạy đi lấy giấy ngay, Sửu mở cặp lấy ra một hộp bút và một hộp màu loại khô, từng miếng là từng màu như bánh qui trứng nhện!...Và Sửu đã thao tác nhanh như họa sĩ nhí Mã Lương trong phim hoạt hình “Cây bút thần Mã Lương” (của trung Quốc). Bà chủ quán còn kinh ngạc bội phần khi bức tranh vẽ xong, người con gái trong tranh đẹp như Nàng Tiên Thứ Bảy nhưng lại rất giống…bà chủ quán!...
Sau đó, bức tranh “Bà chủ quán đẹp như Tiên nữ” được treo trang trọng trong quán và Sửu còn vẽ cho quán hai bức tranh lớn, một bức là Bảy Nàng Tiên đang múa trên Thiên đình và một bức là bảy Nàng Tiên đang tắm trên một dòng suối ở trong rừng, cả hai bức đều đẹp mê hồn! Bà chủ quán năn nỉ Sửu vẽ thêm vài bức nhưng Sửu bảo “Quá tam ba bận”, chỉ vẽ ba bức và vẽ tặng không lấy tiền! Điều đó khiến chúng tôi trở thành “Thượng khách” của quán, hôm thì bà chủ mời uống sữa đậu nành, hôm thì sữa bò, hôm thì sữa tươi, bà chủ còn bảo, các cậu thích uống gì thì cứ gọi! Một hôm, bà chủ quán không ra tiếp mà là một cô gái còn rất trẻ, khoảng 16 tuổi, cũng khá xinh đẹp! Tôi giật mình khi nhận ra đó là Lê Thị Kê, học cùng lớp 7 với người chị cả của tôi ở trường cấp 2 huyện Đồng Hỷ. “Kê” có nghĩa là Gà, cũng sinh năm con Gà như chị tôi. Kê cũng nhận ra tôi ngay, cười nói: “Chị giờ đổi tên là Tuyết Lê, ai lại lấy tên con vật đặt cho người, bố chị thật là cổ hủ, hay ho gì mấy cái chữ Nho hết thời đó!” Tôi bật cười vì cái sự vừa bước vào đời đã chê cha mẹ của chị Kê và hỏi: “Chị làm gì ở đây thế? Tại sao không đi học nữa?” Tuyết Lê nói một mạch như là không muốn cho tôi xen vào: “Chị thi trượt nên thôi học luôn. Có người mách cho chị tới đây. Thi trượt mà lại hóa hay, giờ ăn ngon mặc đẹp chứ không đói rách như xưa nữa! Chị đã là trợ thủ số Một của bà chủ vì đã dẫn tới cho bà chủ bốn đứa bạn học cũ. Mấy tháng nữa sẽ đông vui tấp nập như cái bức tranh các Nàng Tiên đang múa hát trên Thiên đình kia kìa! Nếu các em thích thì chị sẽ bảo bà chủ mời các em dự một buổi dạ tiệc cho biết, lúc ấy các em sẽ thích thú như là “lên Tiên” vậy!” Nghe Tuyết Lê nói vậy, tôi hình dung ra “nội dung” thực sự của cái quán cà-phê, giải khát này. Và chỉ hai ngày sau, chúng tôi đã được bà chủ mời tham dự một chương trình đặc biệt có hai tiết mục đặc sắc là “Quần Tiên Tụ Hội” và “Lã Bố hý Điêu Thuyền”!
Ba gian giữa của căn nhà thông liền với nhau tạo thành một “vũ trường” khá rộng rãi. Cả ba gian đều có cửa thông với ba buồng ở phía sau, một là nơi nấu nướng, một là nơi vệ sinh và một làm kho để hàng, đồ linh tinh. Các thực khách ngồi bên những cái bàn nhỏ giống như những bàn ăn của con nít ở nhà trẻ, những cái bàn nhỏ này được đặt ở hai đầu , giáp với 2 buồng nữa, có cửa thông nhau. Khi tôi và Sửu tới đã hơn bảy giờ tối, chắc là “khách mời” chỉ có tôi và Sửu là con nít! Các bàn kê ở hai đầu “vũ trường” đã kín khách, mỗi bên khoảng hơn chục người, nhìn bộ dạng và y phục thì phải là những quan chức bự và các “phú Ông”. Bà chủ quán tuyên bố khai trương Vũ trường “Quần Tiên tụ hội” rồi mọi người nâng ly chúc mừng. Rồi nhạc nổi lên, du dương, réo rắt…Rồi Bảy cô gái trang phục như bảy nàng Tiên trong tranh xuất hiện trên sàn. Những khuôn mặt xinh đẹp như Tiên, những dải lụa hồng tung bay uốn lượn y như bảy Nàng Tiên đang múa trên Thiên đình…
Cuối màn múa là độc chiêu “thoát y vũ”: cả bảy Nàng Tiên phút chốc xiêm y biến mất, lộ ra những tấm thân nõn nà quyến rũ! Cảnh thoát y chỉ diễn ra đúng một phút thì đèn phụt tắt, có tiếng bà chủ vang lên: “Các quý vị đang trực tiếp tham gia vào màn tuồng đặc sắc “Lã Bố hý Điêu Thuyền”! Chỉ có Bảy Điêu Thuyền, vậy ai sở hữu được một nàng Điêu Thuyền thì sẽ được làm Lã Bố”! Tiếng reo hò của đám người muốn làm Lã Bố rộ lên thành những âm thanh ma quái!...Sửu kéo tay tôi, chúng tôi lẳng lặng lách ra ngoài!...
Ngoài sân, không khí mát lạnh, gió nhẹ thổi, lá cây va chạm vào nhau phát ra những âm thanh bí ẩn! Trên bầu trời, sao đã mọc kín đặc, nhấp nháy, lấp lánh liên tục như là đang nói điều gì mà cũng như là chẳng nói gì hết, lạnh lùng, thăm thẳm!...
5.
Sau đúng ba tháng đi trên con đường “hành quân xa”, cuối cùng thì gia đình tôi cũng chuyển về thị xã Thái Nguyên. Bố tôi làm việc ở Sở Y tế, cơ quan Sở đặt trên một quả đồi lớn, phần lớn là nhà tranh tre nứa lá, có vài cái nhà tường xây, còn là vách tre nứa. Chỉ có một năm gia đình tôi sống ở đây mà cũng chuyển nhà tới ba nơi: lúc mới ở trên đỉnh đồi, một thời gian sau ở lưng chừng đồi và cuối cùng là ở dưới chân đồi! Trong thơ Tố Hữu có câu “Chào sáu mốt đỉnh cao muôn trượng..”, tôi thấy câu ấy chỉ là Thơca chứ không phải là cuộc sống, bởi lúc đó một gia đình cán bộ Nhà nước như nhà tôi mà sống khá kham khổ, gạo Nhà nước phải độn Ngô, khoai, sắn và cơ sở vật chất như vừa nói, nhà cửa chủ yếu là tranh tre nứa lá! Nói đến chỗ này lại không thể không nói tới bài thơ được cho là nổi tiếng của “Nhà thơ của Ái tình” Xuân Diệu: bàiNgóimới! Ngói mới cũng chỉ ở trong thơ Xuân Diệu chứ cả cái cơ quan Sở Y tế và Trường phổ thông cấp 2-3 Lương Ngọc Quyến đều to đùng mà đâu có mái ngói!?
Nói vậy để trở về trường Lương Ngọc Quyến thân yêu của tuổi thơ tôi, ngôi trường đã giúp tôi vụt lớn lên, từ tuổi Nhi đồng lên tuổi Thanh, Thiếu niên mà ta thường gọi bằng cái tên rất đẹp: Tuổi Hoa niên! Vì thế, tuy trường tôi chỉ là “mái lá đơn” nhưng “tấm lòng rộng mở”, có rất nhiều điều thú vị để chúng tôi ngày nào cũng hăm hở tới trường!...
Thời kỳ này, nhìn lại mới thấy quan điểm “Giáo dục toàn diện” là đúng đắn. Học sinh lớp Năm (hệ 10 năm) là lứa tuổi bắt đầu phát triển (12 – 13 tuổi), sự tiếp thu tri thức ở giai đoạn này là rất nhanh, nhạy. Nôi dung chương trình khá phong phú, có rất nhiều môn mà sau đó người ta đã làm rơi rụng dần như: ngoại ngữ, âm nhạc, hội họa, thể dục – thể thao,v.v…Nếu như không có chuyện buồn sau đây thì năm học lớp Năm thật là tuyệt vời, tuy nhiên tôi vẫn chấp nhận nó như một “môn học” mà cuộc đời đã bổ sung thêm vào!
Đáng lý ra việc kết nạp tôi vào Đội Thiếu Niên Tiền Phong (quàng khăn đỏ) được thực hiện từ hồi tôi 8 tuổi (đang học lớp 2 ở Vĩnh Yên), nhưng không hiểu sao, buổi cắm trại hôm ấy để kết nạp đội viên mới, tên tôi lại bị xóa đi. Tôi cũng không tìm hiểu tại sao và sau đó, cả năm lớp Ba và lớp Bốn, tôi như quên đi chuyện xin vào Đội. Khi lên lớp Năm, tôi cũng như là quên đi chuyện vào Đội , nhưng lại có người khơi lên chuyện đó, ấy là Duyên, Lớp trưởng kiêm Đội trưởng (của lớp – mỗi lớp tổ chức thành một Đội gồm ba, bốn Phân đội), kiêm Liên Đội trưởng (của Khối lớp 5 – mỗi Khối có Năm, sáu lớp). Như thế là Duyên giữ tới ba chức vụ, một thời gian dài mới kiếm người khác làm Đội trưởng, Duyên còn giữ hai chức: Lớp trưởng và Liên đội trưởng. Tuy giữ nhiều chức vụ như vậy nhưng điểm tổng kết hàng tháng Duyên luôn thua tôi, có tháng thua cả Sửu. Tức tôi luôn đứng thứ Nhất, còn Duyên và Sửu thay nhau xếp Nhì và Ba. Theo như “lẽ thường”, một học sinh giỏi, luôn xếp thứ Nhất hàng tháng thì việc được kết nạp vào Đội TNTP là thuận lợi, miễn là điểm Đạo đức đừng bị điểm B. Ấy thế mà vấn đề lại bị ách tắc bởi lý do sau đây.
Một hôm, Duyên nói với tôi: “Bạn viết đơn xin vào Đội TNTP đi, tới ngày thành lập Đội 15-5 sẽ làm lễ kết nạp Đội viên mới!” Tôi sực nhớ lời bố tôi nói sau khi hụt lần kết nạp Đội hồi lớp Hai rằng “phải phấn đấu vào Đội càng sớm càng tốt, sau này mới được kết nạp vào Đoàn và tiếp theo là kết nạp Đảng”, liền viết ngay đơn xin vào Đội đưa cho Duyên. Duyên nhận đơn của tôi xong thì nói ngay: “Bạn muốn được kết nạp vào Đội thì phải ngừng ngay chuyện quan hệ đi lại kèm học gì đó với cô gái tên Tý con bà Tỵ!” Tôi nghe Duyên nói vậy thì kinh ngạc vô cùng, nhìn Duyên như muốn lòi con ngươi rồi giật lại lá đơn trên tay Duyên, nói : “Nếu thế thì tôi không cần vào Đội!”. Sau đó, tôi chạy bộ tới nhà Tý và hỏi lại về Duyên thì Tý nói: “Bà mẹ Tý lại mới đến xin “chạm ngõ”, có ý dành phần và nghe nói đang “chạy chọt” Ủy ban để xin đăng ký kết hôn! Bố mẹ tớ đã từ chối thẳng thừng mà không hiểu sao họ trơ lì thế?” Tôi nghe nói vậy thì chỉ biết thở dài não nùng vì “Thứ nhất đẹp trai, thứ hai mặt dày” mà tôi thì chẳng có được cái nào!...
6.
Thời kỳ này, việc nấu nướng nói chung vẫn dùng củi là chính và việc đi kiếm củi do tôi đảm nhiệm. Tôi thường đến các quả đồi có cây sim, cây mua và những cây dại khác chặt cây tươi về xếp thành từng đống nhỏ xung quanh nhà, khi nào khô là thành củi! Vì thế, việc đi kiếm củi là công việc thường xuyên, liên tục và tôi không cho đó là vất vả và lại thấy thích vì được đi du ngoạn núi đồi và quan trọng nhất là tranh thủ đến nhà cô bạn Tý. Từ ngày nhà tôi chuyển về thị xã thì việc đến nhà Tý khó khăn hơn, xa hơn và chủ yếu là kết hợp với các lần đi kiếm củi. Sau khi thi đặc cách tốt nghiệp cấp I, tôi giúp Tý tiếp tục tự học chương trình lớp Năm tức chương trình tôi đang học ở trường. Tý tiếp thu rất tốt và có vẻ như còn giỏi hơn tôi, khi giải các bài tập Toán. Vấn đề còn lại là “thủ tục hành chính”, làm sao để nhà trường đồng ý cho Tý tham dự kỳ thi tổng kết năm học lớp Năm vào cuối năm! Tôi đem chuyện này nói với ông bố nuôi của Sửu thì ông nhận lời giải quyết từ A đến Z vì sau khi xin cho Sửu tiếp tục nhập học, ông đã gặp được người chị em cùng bố khác mẹ thất lạc đã lâu đang làm việc ở Ty Giáo dục! Thế là tôi yên tâm lớn và ngày ngày ngồi cầu Bồ Tát làm sao cho Thời gian trôi đi thật nhanh!...
Việc tôi cầu Bồ Tát quả rất linh nghiệm, vì tôi thấy Tý như là bỗng lớn vổng lên, xinh đẹp lạ thường và điều quan trọng là chúng tôi cùng tự học xong chương trình lớp Năm trước Nhà trường đúng một tháng. Ngày hôm đó, chúng tôi quyết định “Tổng kết năm học” bằng một bữa tiệc lớn vì việc buôn bán ở cái quán nước nhỏ của mẹ Tý, tức bà Tỵ rất thuận lợi. Bữa tiệc diễn ra vào buổi trưa Chủ Nhật, thật là vui vì cha con Sửu nhận phần nấu nướng và bày bàn, tức ăn ở nhà – quán ăn của cha con Sửu…Bữa tiệc ngon như thế nào, vui như thế nào, khỏi phải nói. Nhưng có một điều khiến tôi nhớ đời là sự mất cảnh giác khiến suýt bỏ mạng của tôi hôm đó…
Lúc bữa tiệc đang tới cao trào thì Sửu ghé tai tôi nói nhỏ: “Không hiểu tại sao thằng Duyên lại thập thò ngoài cửa? Nó vẫn đeo bám cái Tý phải không?” Tôi đã la đà say, phẩy tay nói: “Kệ nó, nó có làm tới chức Tổng Đội trưởng cũng không là gì cả!” Sửu nắm chặt cánh tay tôi, giật mạnh: “Nhưng tao thấy ánh mắt nó đầy sát khí!” Nghe hai từ “Sát khí” tôi thấy ớn lạnh nhưng cái cảm giác ấy qua đi rất nhanh vì Tý đang đi tới, và phải khẳng định lại rằng, Tý rất giống Nàng Tiên Thứ Bảy trong bộ phim “Thất Tiên giáng trần”!...
Tiệc tan, mới tới khoảng hai giờ chiều, tôi lững thững đi tới khu đồi sim mua mà tôi vẫn thường tới chặt về làm củi, tranh thủ làm thật nhanh vì nếu đúng như thời gian đã “báo cáo” với bố tôi để đi dự tiệc (Những lần khác cũng vậy, tôi đều đến gặp Tý bằng việc “đi kiếm củi”) thì chỉ còn nửa giờ nữa là phải có mặt ở nhà. Tôi vừa cúi xuống một bụi sim thì bỗng thấy gạch đá tới tấp bay về phía mình. Tôi vừa tính chạy qua bụi cây khác thì một viên gạch trúng góc trán bên phải, máu chảy xuống mắt, xuống má ròng ròng. Tôi không có cảm giác đau mà chỉ thấy điên tiết, nhặt lên mấy cục gạch, đá vừa rơi xuống xung quanh, tôi ném trả liên tục về nơi có tiếng nói líu ríu. Sự phản công mạnh của tôi không biết có hiệu quả gì không nhưng bọn ném đá tôi có vẻ như chùn lại. Tôi thấy sau một bụi cây lô nhô thò lên hai cái đầu gậy. Tôi bèn cầm chắc con dao chặt củi, vụt đứng lên, miệng hô lớn “Sát!...” rồi xông thẳng tới đối phương. Có ba cái đầu nhô lên, tôi giật mình kinh ngạc khi nhận ra một trong ba người đó chính là Duyên thì, Duyên – chính là Duyên – nói với hai người cầm gậy: “Đánh chết ngay từ nhưng đòn đầu tiên!” Trời đất! Nó muốn lấy mạng tôi! Tôi nghe mà muốn nhảy vọt tới như hổ báo, nhưng tôi chỉ có thể la to lên một lần nữa cốt để xung quanh có ai nghe tiếng thì tới giúp tôi vì rõ ràng là tôi không thể thắng ba thằng kia! Tôi vừa dứt tiếng la thứ hai thì từ phía sau lưng đối phương, Sửu và Tý đột ngột xuất hiện, tay dơ cao gậy tre, chạy như bay tới, miệng cũng gào lên: “Đánh!...Có Ngưu Ma Vương trợ giúp đây!” Cũng nhanh như sự xuất hiện của Sửu, Duyên và hai thằng kia thấy vậy thì biến mất như là có phép độn thổ!...
7.
Tôi và Sửu đều xác định, vấn đề “Duyên lớp trưởng” đã thật sự trở nên nghiêm trọng, phải báo cáo việc dùng gạch đá tấn công bạn học với Ban Giám hiệu, nhưng liệu các thầy giáo có tin hay không khi mà thường ngày Duyên là người luôn có mặt ở Phòng Giám hiệu? Chúng tôi nghĩ phải tìm cách phản công nhưng nghĩ mãi không ra cách nào. Hai hôm sau, vết thương trên đầu tôi đã tạm ổn, tôi và Sửu đang ngồi “bàn mưu tính kế” (ở nhà Sửu) thì Tuyết Lê, đạp xe tới nói với chúng tôi: “Cái thằng Duyên lớp Trưởng của các cậu thật đê tiện, nó đám đến quán “Thất Tiên giáng trần” thuê hai bảo vệ của quán đi bắt cóc cái cô Tý của các cậu! May mà hai thằng bảo vệ báo cáo với bà chủ, bà chủ sao lại có thể để nó hại người của các cậu được! Bà chủ quyết định báo cho các cậu biết mà đề phòng, đồng thời ngày mai sẽ dẫn hai thằng bảo vệ tới trường các cậu tố cáo thằng Duyên!” Nghe xong tin mật đó, tôi và Sửu đến ngay nhà Tý…
Ngày hôm sau, tôi chưa kịp biết tin về vụ tố cáo âm mưu của Duyên thì bố tôi đột ngột thông báo rằng ông sẽ chuyển về làm việc ở Hải Phòng, sau hai ngày là khởi hành! Việc bố tôi chuyển công tác liên tục đã trở thành “chuyện thường tình” và tôi đành phải “bàn giao” lại toàn bộ “Chuyện của Tý” cho Sửu tiếp tục giải quyết. Tôi tin là Sửu sẽ giải quyết tốt đẹp vì Sửu là một người có tài, như câu nói “Anh hùng xuất thiếu niên”, chỉ nguyên việc Sửu tiếp ứng kịp thời cho tôi trong cái vụ phục kích ném đá của Duyên cũng đủ thấy Sửu rất nhanh nhạy trong những tình huống cấp bách!...
Mặc dù năm học của lớp Năm chưa kết thúc, nhưng với học bạ toàn điểm cao của tôi, về Hải Phòng là được nhận học tiếp vào lớp Sáu ngay. Ngày khai giảng năm lớp Sáu, tôi lại nhận được thư của Sửu và Tý báo tin Tý đã được vào lớp sáu cùng lớp với Sửu! Ôi, còn tin vui nào hơn nữa! Cầu mong cho hai bạn Tý và Sửu của tôi bình an, vạn sự tốt lành!.../.
Sài Gòn, 2008-2009
Đỗ Ngọc Thạch
nguồn: vanchuongviet.org; YuMe.vn

  • Bikini, nắng vàng và biển xanh

    thời trang, bikini, thời trang đi biển, mùa hè
    Thứ Sáu, 07/06/2013
    TPO – Mùa hè đã về, biển xanh, cát trắng đang vẫy gọi, bạn đã chuẩn bị hành trang cho những chuyến du lịch của mình chưa? Hãy làm tươi mới bản thân bằng những bộ bikini phong cách, trẻ trung dưới đây nhé!
    nguồn: TPO
     
     
     
     
     
     
     
     
     
     
     
     
     
     
     
     
     
     

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét