1. Đỗ Ngọc Thạch . Sinh ngày l9-5-1948, ... Người đưa thư (truyện ngắn) 09.03.2009: Đứa bé tật nguyền và nàng Tiên áo trắng (truyện ngắn)
    trieuxuan.info/?pg=tgdetail&id=495 - Bộ nhớ cache
    Truyện ngắn
    10.03.2009
    Đỗ Ngọc Thạch
    Người đưa thư
    Ngày ngày, trên những con đường nhấp nhô sóng đồi của thị xã Cao nguyên này, nếu ai tinh ý một chút, sẽ thấy có một chiếc xe đạp cũ đều đặn lăn bánh. Tiếng xe lăn trên đường cũng nhẹ thầm như tiếng lá rơi. Trên poócbaga, có cái túi vải bạt lúc thì căng phồng, lúc thì lép kẹp. Đó là cái xe chở thư của người đưa thư. Sự hoạt động đều đặn, âm thầm như thế của người đưa thư hầu như không mấy ai biết đến. Chắc là những người nhận được thư chẳng cần phải biết điều này: ai đã chuyển những lá thư đến tay họ? Còn những người không bao giờ nhận thư (hoặc thỉnh thoảng mới có thư) thì có lẽ không bao giờ nghĩ rằng: trên đời này có một đội ngũ những người đưa thư, tháng năm cần mẫn, bền bỉ làm thành những nhịp cầu vô hình nối liền những con người ở mọi miền quê với nhau! 

          Trong cuộc sống hôm nay, người ta quan tâm quá nhiều đến những ai đụng chạm đến, liên quan tới nhu cầu cuộc sống thường ngày. Rảnh rang đôi chút, người ta theo dõi những đội đá banh nổi tiếng, bàn tán nhiều về những cầu thủ cự phách. Rảnh rang nữa, người ta mải mê những ngôi sao màn bạc, những tài tử cải lương… Các bà, các chị thì còn phải suy tính, cân nhắc nhiều đến đủ các khoản từ vải vóc, mắm muối cho đến cám heo, rau lang… Đúng  là cuộc sống bây giờ cứ bộn lên, ngổn ngang trăm mối tơ vò. Cứ nghe tiếng honđa rít rú, xé rách mặt đường, tiếng xe lam phành phạch lặc lè những người và hàng chất đống, cũng  đủ thấy trong cái sôi động của cuộc sống ấy. Tiếng xe lăn nhỏ thầm như tiếng lá rụng của người đưa thư vừa nói đến ấy, ai mà nghe thấy? Sở dĩ tôi phải vòng vèo đôi chút, vì câu chuyện tôi sẽ kể dưới đây về một người dường như xa lạ với cuộc sống thường nhật hôm nay: người đưa thư. Vì thế, tôi nghĩ rằng bạn đọc của tôi sẽ rất ít. Tôi muốn ai đọc truyện này, sẽ đi nói giùm tôi với mọi người rằng: trên đời này còn có những người đưa thư và cho dù cuộc sống đi đến đâu, cũng không thể thiếu những người đưa thư! Tôi viết truyện này chỉ mong bạn đọc hiểu như vậy thôi.  

           Chủ nhân của cái xe đạp chở thư cũ kỹ ấy là Hẹn. Tôi xin thề là chưa gặp, chưa nghe một cô gái nào có cái tên như thế. Tên cô không phải là các loài hoa như mấy bậc cha mẹ lãng mạn thường đặt. Tên cô cũng  không phải là các loài sinh vật hạ đẳng như mấy bậc cha mẹ tự ti thường gọi! Tên cô không giống bất cứ tên cô gái nào mà tôi đã biết: Uất Thị Hẹn!

           Bất cứ cái gì, sự vật nào cũng đều có xuất xứ, nguồn gốc của nó. Chắc bạn đọc sẽ đoán cái tên Hẹn là lấy từ chữ “hẹn hò” mà ra! Không phải. Đầu đuôi là như thế này:

           Cái đêm tân hôn của bố mẹ Hẹn ấy, hai người cứ nằm cạnh  nhau mãi mà chưa ngủ (tất nhiên là nằm cách nhau đến nửa cái gường!). Nhà nghèo, buồng cô dâu, chú rể chỉ được ngăn tạm bằng mấy tấm liếp thưa. Nằm trong “buồng” mà như cảm thấy họ hàng, khách khứa (còn lai rai trò chuyện) nhìn thấy mình rõ mồn một. Cô dâu cứ bám sát mép giường. Tình trạng ấy kéo dài mãi cho đến khi ngoài nhà, khách khứa đã vãn, người nhà đã lục tục đi ngủ. Nghĩ  vẩn vơ mãi, lúc nghe gà gáy sang canh, chú rể mới giật mình kéo tay cô dâu:

       -  Mình… Mình ngủ rồi à?

          Cô dâu đang mơ màng sắp ngủ thật, cũng giật mình đáp:

      - Cái gì  thế? 

      - Còn cái gì nữa! Nằm dịch vào đây! 

      -  Tôi sợ lắm! 

      -  Sợ gì?

      - Thẹn lắm!

      -  Thẹn?

          Nói rồi chú rể cứ kéo đại cô dâu về phía mình, mặc cho cô dâu vừa chống cự vừa rền rĩ: “Đừng! Đừng mình! Thẹn chết đi được!”- Chú  rể vừa cố dùng sức chinh phục cô dâu vừa giễu yêu: “Thẹn!... Thẹn!”.

        Gà lại gáy sang canh, cô dâu không  thể ngủ được nữa. Cô bâng khuâng nghĩ tới đứa con tương lai. Cô mỉm cười sung sướng, rồi quay sang hỏi chồng:

     -  Nhà tính đặt tên con  là gì? Con bé sẽ rất xinh gái cho mà xem! - Chú  rể đã ngáy như sấm rền từ lúc nào, thấy vợ động vào người thì bật ra tiếng ú ớ:

    - Thẹn!  Thẹn! 

        Người mẹ tương lai đang mải mê  theo đuổi ý nghĩ mới mẻ, tưởng đó là lời nói tỉnh, liền nghĩ: “Ừ, đúng rồi! Là con gái thì phải thẹn thùng. Mình chẳng thế là gì! Mẹ nào thì ắt sẽ con nấy! Đặt tên nó là Thẹn là đúng với cái tính nết của nó!”. Nghĩ vậy, người mẹ tương lai sung sướng ôm chầm lấy anh chồng đang ngáy như sấm, rồi cũng ngủ thiếp đi. Trên cánh đồng làng, những ngón tay hồng của mặt trời đang động đậy.

         Chưa hết tuần trăng mật thì chú rể nhập ngũ. Đến ngày sinh con, người mẹ trẻ mong mãi không thấy chồng về, nhớ lại cái đêm tân hôn ấy, chị đặt tên con là Uất Thị Thẹn. Nhưng, cái máy chữ của ủy ban xã bị mờ mất chữ “T” hoa. Thế là trong giấy khai  sinh, người ta chỉ còn đọc thấy: Uất Thị Hẹn! Lúc ấy, người mẹ trẻ đã biết chữ đâu, cứ thế cầm về. Sau này, biết thì chữa làm sao nữa! Vì thế, Thẹn là tên gọi ở nhà, Hẹn là tên gọi  khai sinh. Đến khi đi học, mới ở vào  cái  tuổi “gái thập tam”, Hẹn đã nổi tiếng đẹp nhất vùng. Vì thế, cô bé có hai tên ấy thường bị chúng bạn trêu  chọc: 

          “Có quả sim chín vàng bò

           Thẹn thì có thẹn, hẹn hò vẫn muốn đi”.


    *  *  * 

        Năm  1965, Hẹn được tin bố đã vào tận chiến trường Tây Nguyên. Năm 1970, mặc dù chưa đủ mười tám tuổi, Hẹn nằng nặc xin đi B chiến đấu để được gặp bố. Cô tính thế này: sẽ đi làm chiến sĩ quân bưu. Và cô sẽ được gặp bố trong tình thế rất bất ngờ: cô – người chiến sĩ quân bưu – tận tay chuyển tới bố lá thư của mẹ! Nghĩ thế, Hẹn nhất quyết xin làm lính quân bưu bằng được, mặc dù mấy chú quân lực cương quyết không cho, với lý do: lính quân bưu vất vả, không hợp với con gái.  Song, cái lý do ấy bị đánh bạt bởi Hẹn được thừa hưởng quá mạnh cá tính của người bố: muốn là được!

        Được phân về binh trạm, điều làm cho Hẹn hết sức ngạc nhiên là có khá nhiều phong thư có nhiều cái đã nhòe mờ, có nhiều cái còn dính những vết máu đã khô, những vết đạn, những vết cháy… nhưng vẫn chưa được chuyển tới tay người nhận. Hỏi ra mới biết: số thì người nhận đã hy sinh, số thì địa chỉ người nhận đã  thay đổi hoặc ở những khu vực rất khó liên lạc, khó đến (có những địa chỉ, không ít chiến sĩ quân bưu đã hy sinh trên đường làm nhiệm vụ). Lục trong số thư ấy, Hẹn thấy có gần bốn chục lá thư của mẹ con cô gửi cho bố trong khoảng ba năm trở lại đây bị đọng lại. Cùng số hòm thư với bố, cô còn  thấy có vài chục người có tình trạng ấy. Đáng chú ý  là có một anh lính có cái tên rất dễ nhớ: Nguyễn Lực Điền, với số lượng thư đạt tới mức vô địch: một trăm lá mà lại chỉ do một người con gái gửi và có cái tên rất đẹp: Trần Thị Thắm Đào. Một trăm lá thư ấy đã được các chiến sĩ  binh trạm gói thành một bọc riêng, rất cẩn thận, nhưng chưa thể chuyển đi được. Tuyến đường đến địa chỉ ấy bị đứt đoạn đã ba năm nay! 

        Lại  phải mất khá nhiều  thời gian thử thách, Hẹn mới được toại nguyện: cô được trao nhiệm vụ chuyển tất cả số thư còn bị ứ đọng ấy đến tay người nhận. Khỏi phải kể lại đây những gian nan vất vả và đầy hy sinh của  tuyến đường máu lửa ấy. Hẹn đã không vĩnh viễn nằm lại  trên tuyến đường ấy như mười hai đồng đội của cô đã ra đi trước đây. Nhưng, bom đạn không “chừa” Hẹn ra: cô bị nhiều vết thương, trong đó có một vết thương khá hiểm hóc: một viên bi còn nằm lại trong ngực cô, ngay sát cạnh trái tim! Những vết thương đã làm cho Hẹn nhức nhối.  Nhưng, điều làm cô đau đớn hơn, đau đớn tới mức Hẹn tưởng mình không thể chịu đựng nổi, đó là cái quang cảnh của địa điểm hòm thư khi cô đến được tới nơi. Cô tới quá muộn, toàn bộ khu vực đóng quân của đơn vị chỉ còn là một bãi chiến địa hoang vắng! Không cần phải thật giàu óc tưởng tượng, chỉ cần nhìn cái  quanh cảnh ấy, Hẹn cũng có thể hình dung ra một cuộc chiến đấu ác liệt đã xảy ra nơi đây. Những người còn sống, trước khi rút đi đã chôn cất đồng đội mình cẩn thận trên một mảnh đất cao. Lần tìm những vết khắc trên những cành cây cắm ở mỗi ngôi mộ, Hẹn đã chôn theo những lá thư của những chiến sĩ đã hy sinh. Cô tin rằng, linh hồn người chết sẽ đọc được những lá thư của người thân. Nhưng khi đứng trước mộ của bố và anh chiến sĩ Điền, cô lại nghĩ: Bố mình đi chiến đấu gần hai chục năm trời, chưa biết mặt con, còn anh Điền, một trăm lá thư của người yêu sẽ có phép lạ làm anh ấy sống lại! Cô nhớ lại những truyện cổ tích mình đọc hồi nhỏ, người ta vẫn có thể sống lại là gì! 


    * *  *

        Sau khi nằm ở trại an dưỡng một thời gian, Hẹn xin trở lại đơn vị cũ. Nhưng cô chưa kịp đến đơn vị thì đất nước giải phóng. Người ta chuyển cô ra bưu điện dân sự. Hẹn vẫn nằng nặc xin làm nhiệm vụ đưa thư.

        Hẹn về phép với chiếc ba lô nặng trĩu đựng một trăm lá thư của cô gái có cái tên Thắm Đào.  Họ gặp nhau, rồi cùng trở lại Gia Lai – Kon Tum, nơi có người thân của mình đang yên nghỉ, nhưng họ đều cùng tin rằng, nhất định người thân của họ sẽ sống lại! Có người biết chuyện này, đều cho rằng hai cô này có triệu chứng của bệnh tâm thần! Nhưng Hẹn và Đào không biết đến những lời xì xào đó, hai cô âm thầm chờ đợi và cùng làm nhiệm vụ người đưa thư.

        Đến đây, bạn đọc có thể nói rằng câu chuyện tôi kể là bịa đặt, là hư cấu! Tôi biết là chưa thể cãi lại được! Ai mà chứng minh nổi một sự thật mười mươi nhưng nó ở tận trong sâu thẳm tâm hồn con người, nơi mà chỉ có những rung động  thiêng liêng nhất của con tim biết yêu thương mới đồng vọng! Dùng máy X quang, có thể thấy viên bi còn nằm trong lá phổi của Hẹn, ngay sát nơi trái tim luôn đập mạnh của cô! Nhưng, ai mà có thể cảm nhận  được nỗi đau dữ dội trong ngực Hẹn, ngoài chính cô ra? Vì thế, xin bạn đọc đừng bắt bẻ tôi và hãy đọc nốt những dòng dưới đây.  


    * * *

        Chiếc xe chở thư cũ kỹ, khi thì bám đầy bụi đỏ, nóng bỏng, khi thì dính bết thứ bùn  đặc quánh. Hình hài cái xe cứ thay đổi như vậy theo hai mùa nắng, mưa ở Cao nguyên ngợp gió này. Điều đáng chú ý là, chiếc xe ấy không bao giờ vắng mặt vô cớ trên đường! Nếu như người ta lắp một cái đồng hồ đo số vào cái xe, chắc hẳn sẽ có một con số gần chính xác về độ dài đoạn đường nó đã đi qua (nói gần chính xác vì có lúc người đưa thư phải đi bộ, hoặc thậm chí vác cái xe trên những đoạn đường lầy lội). Thật là đáng tiếc, không có cái đồng hồ đo số ấy. Giá như có cái đồng hồ đo số ấy, con người sẽ được biết đến một loại con số kỳ lạ. Cho đến nay, người ta vẫn mù tịt về loại con số này!

        Cuộc sống của Hẹn và Đào cứ lặng lẽ trôi qua như vậy, thoắt cái đã gần mười năm trời! Cả  Hẹn và Đào đều đã sang cái tuổi “băm”.

         Những cái gì phải xảy ra ắt sẽ xảy ra! Sự cố tôi kể tiếp sau đây thể hiện rõ cái quy luật ấy, vậy mà người viết những dòng này, vốn cả tin mà cũng không thể hình dung nổi.

          Ấy là vào một lần, Hẹn đem thư đến số nhà X như thường lệ. Khi chuẩn bị đút những lá thư mang tên chủ nhà vào thùng thư, Hẹn bỗng giật mình rụt tay lại. Cô nhìn thấy ở ngay dưới thùng đựng thư, bừa bãi dưới đất là những lá thư cũng giống như lá thư cô đang cầm trên tay. Cô đã quá quen thuộc với những lá thư đều đặn này của một anh chiến sĩ đóng ở biên giới gửi cho một cô gái ở trong căn nhà uy nghiêm này. Chưa hiểu sao, Hẹn giật chuông liên hồi. Một lúc khá  lâu, cô mới thấy một bà trạc ngũ tuần, thân hình mập bự, lệt sệt đi ra. Sự việc đã xảy ra thật nhanh lẹ sau những câu đối thoại ngắn ngủi: 

      - Cô nào đấy? Lính đưa thư hả?

      - Chào bà!

      - Chào hỏi gì! Cô cố tình phá giấc ngủ của tôi! Thật là mất lịch sự!

      - Xin lỗi bà. 

    - Xin xỏ gì! Bỏ thư vào thùng rồi biến lẹ đi! Còn đứng giương mắt ếch ra đấy làm gì?

    - Vâng! Nhưng xin bà nhặt những lá thư bị rơi ở dưới đất, chắc thùng đựng thư bị thủng?

    - Rơi gì! Tôi vứt ra đấy!

    - Bà vứt ra?

    - Phải! Đó là những lá thư của một chú tốt đen đang đóng đồn ở biên giới. Nó dám cả gan chim chuột con gái tôi! May mà tôi đã lo cho nó đi du học ở Tây rồi! Những lá thư ấy không xứng để con tôi nhận! 

    - Bà không được nói như vậy! Bà phải gửi những lá thư này cho cô nhà!

    - Hừ! Hứ! Cô nói gì đấy? Cô ra lệnh cho tôi đấy hả? Xấc láo! Chưa ai láo với tôi như cô! Cô cút đi cùng với những lá thư chết tiệt này!

       Vừa nói, bà chủ nhà vừa nhặt những lá thư chất đống dưới đất ném túi bụi vào mặt Hẹn. Hẹn bàng hoàng giây lát, ngực cô buốt nhói. Rồi như một cái máy, cô giật mạnh cái cổng sắt, lao cả người vào bộ ngực núc ních của bà chủ nhà như một mũi tên. Bà ta chỉ kịp “hự” một tiếng, ngã vật xuống đất, quằn quại. Còn Hẹn, cô như không biết đến bà chủ nhà, nhặt vội những lá thư vung vãi cho vào túi bạt rồi lên xe phóng như điên. Cô có cảm giác như viên bi trong ngực đang đập vào tim mình như cái búa máy! Bóng Hẹn lẫn vào, nhòa đi trên con đường ào ào lá đổ…


         * * * 


     Người kể cho tôi câu chuyện của Hẹn chính là Đào. Tôi biết Đào lúc cô đến viếng mộ Hẹn. Mộ của anh bạn tôi nằm cạnh Hẹn (ngẫu nhiên thế thôi) nên chúng tôi quen nhau và thân nhau. Có lần, Đào nói với tôi:

       - Em có linh cảm rồi em cũng gặp một người như bà chủ nhà nọ. Và em nghĩ rằng, không thể hành động khác!

        Nghĩa trang ở trên đồi cao, gió nhẹ thôi mà tôi lạnh run. Lời nói của Đào cứ trở đi trở lại bên tai tôi như gió thoảng. Không hiểu sao, tôi  lại nảy ra ý định rất vớ vẩn: phải thống kê xem có bao nhiêu lá thư đã được gửi đi trên trái đất này!   

     Pleiku,1985 – Tp Hồ Chí Minh, 2009

     ĐNT

    Tác giả gửi www.trieuxuan.info

      




    bản để in
    Nguồn: trieuxuan.infoTrở lại - Đầu trang