Thứ Tư, 12 tháng 6, 2013

Cá chuối đắm đuối vì con - Đỗ Ngọc Thạch


da bé, mềm mại, nước xả



Web Results


Truyện ngắn Đỗ Ngọc Thạch - Trích: Cá chuối đắm đuối vì con


CÁ CHUỐI  ĐẮM  ĐUỐI  VÌ CON

ĐỖ NGỌC THẠCH


Hai vợ chồng ông Chín sống ở một vùng quê nghèo, vùng sâu vùng xa, chỉ có một cậu con trai nên vợ chồng tằn tiện chắt bóp, làm thuê làm mướn đủ kiểu quyết nuôi con thi vào đại học mới chịu, giống như câu thành ngữ "Cá chuối đắm đuối vì con"(*) vậy... Ngày cậu con trai "lều chõng đi thi", cậu đứng trước cái cổng được buộc ghép bằng mấy cây tre, cây trúc, giơ tay thề : “Đứng trước bố, mẹ con thề / Không đỗ đại học không về quê hương!”…Bà mẹ khóc hết nước mắt, ông Chín thì như là hóa thành tượng đá!... 
Song, sự đời không hề đơn giản chút nào, không phải cứ “Thề độc” là mọi sự như ý! Mặc dù cậu con trai ông bà Chín đã cố gắng hết sức, học theo cả gương của người xưa là buộc tóc lên xà nhà để khi học không ngủ gật, nhưng cái tuổi ăn tuổi ngủ của cậu đã thắng cả ý chí hiếu học từ ngàn xưa: mặc dù bị treo đầu lên xà nhà, cậu vẫn ngủ như thường! Chủ nhà trọ gọi cậu là “Anh học trò ngủ treo đầu”! Và điều kỳ lạ xảy ra là, sau mỗi lần “Ngủ treo đầu” như vậy, khi tỉnh dậy cậu thấy bài vở, chữ nghĩa như là bay đi đâu hết! Vì thế, mỗi lần sờ đến sách vở là cậu lại như là phải “Làm lại từ đầu”, tức là phải “học ôn” lại từ…lớp Một! 
Chủ nhà trọ thấy vậy thì nói với cậu học trò : “Tôi cho học trò trọ học thi đã gần hai chục năm nay, chưa thấy ai học hành vất vả như cậu! Tôi khuyên cậu chân tình câu này: tướng tá cậu khỏe mạnh, chân tay cơ bắp nổi như đô vật, cậu chỉ thích hợp với việc bắt cướp, trừ gian! Vậy cậu hãy về quê xin làm công an xã, từ đó phấn đấu dần lên, thế nào cũng thành đạt, không tới tướng soái thì cũng phải là sĩ quan úy tá!”. Cậu học trò đáp: “Nhưng cha mẹ tôi chỉ có một ước nguyện là tôi phải thi đỗ vào đại học! Tôi không thi đỗ đại học là mang tội bất hiếu!”. Chủ nhà trọ thấy vậy thì thở dài, nghĩ cảm thương cho hai bậc sinh thành của cậu học trò ở quê nên mỗi khi cậu học trò nộp tiền nhà, tiền ăn thì chủ nhà trọ lại gửi về quê cho hai ông bà Chín, nói dối là tiền của Hội Khuyến học gửi hỗ trợ người hiếu học! 
*
Thời gian cứ trôi đi… Một năm trọ học của cậu con trai ông bà Chín trôi qua. Như bao sĩ tử thi trượt thì đổ cho câu “học tài thi phận”, cậu con trai ông bà Chín thi trượt là điều tất nhiên. Nhưng cậu không dám báo về cho bố mẹ tin thi trượt mà lại báo tin là đã đỗ vào đại học nhưng vì tiền học phí rất cao nên phải tranh thủ đi làm thêm ngay để có tiền đóng học phí. Chỗ làm thêm là một nhà hàng khách sạn lớn, công việc liên tục 24/24 nên không có cả thời gian rảnh để về quê. Trước mắt, đành “hy sinh chuyện tình cảm nhỏ bé” để hoàn thành “đại sự nghiệp”, khi tốt nghiệp Đại học, tức Đại đăng khoa sẽ “Vinh quy bái tổ” một lần cho gọn gàng! Ông bà Chín nhận được tin như vậy thì mừng “không nói nên lời”, lại âm thầm đi làm thuê làm mướn khắp nơi để gửi tiền cho cậu con trai đóng học phí vì hai ông bà nghĩ, nó phải vừa học vừa đi làm kiếm tiền thì học sao nổi? 
*
  Năm năm sau, vợ chồng ông bà Chín nhẩm tính thằng con đã sắp ra trường, bèn nhờ một người bà con có việc lên thành phố, nhân tiện tìm gặp thằng con giùm!...Người bà con tìm mãi mới gặp cậu con trai ông bà Chín, sau khi hỏi rõ ngọn ngành sự việc thì thở dài, nói: "Sao cậu giấu mãi thế, thi trượt thì đi làm việc khác, có sao đâu! Năm năm nay, cha mẹ cậu cứ nghĩ rằng cậu học hành rất vất vả, đói khổ, ai ngờ!..." Người con trai ông Chín nói:"Em tính chỉ cần giấu một, hai năm nhưng không ngờ thi hoài không đậu, vút cái đã năm năm, làm cho cha mẹ thất vọng lại phải lao động cực nhọc vì em…chắc em chỉ còn cách chết cho hết chuyện!" Người bà con suy nghĩ hồi lâu rồi nói:"Cha mẹ cậu giờ đã già yếu rồi, chỉ sống với hi vọng ở chuyện cậu vào đại học! Cậu mà làm tắt hi vọng đó tức cậu đã giết cha mẹ mình!... Chỉ có một cách như thế này: Tôi sẽ dắt cậu đến một ông thầy dạy đại học, bái lạy ổng làm sư phụ, ổng sẽ luyện thi cho cậu và khi vào học rồi, ổng sẽ kèm cậu học "nhảy cóc", tức chương trình 4 năm chỉ cần học trong 2 năm! Khi nào lấy được bằng Tốt nghiệp, cậu mới được về nhà!...Còn bây giờ, tôi sẽ về nói dối tiếp dùm cậu là cậu được chọn làm tiếp luận văn Thạc sĩ!..."

Quả nhiên, vợ chồng ông Chín rất sung sướng, tự hào vì chuyện con mình được chọn làm tiếp luận văn Thạc sĩ, chờ ngày "vinh quy bái tổ" thì mười năm vợ chồng ông cũng chờ được!... 
*
Mặc dù ông thầy chuyên luyện thi đại học nổi tiếng “Không đỗ không lấy tiền” rất nhiệt tình “luyện thi” cho cậu học trò con trai ông bà Chín, nhưng sau ba ngày “làm việc” với cậu học trò này cũng phải nói thiệt tình với cậu: “Cậu có biết câu có bột mới gột nên hồ không? Đại loại là đầu óc cậu phải có một chút gì đó gọi là trí khôn thì tôi mới có thể giúp cậu vượt lên từ khôn ít thành khôn nhiều! Đằng này cậu nghe tai này thì nó chạy qua tai kia bay đi mất tiêu, có giữ lại trong đầu được chữ nào đâu!”. Cậu học trò năn nỉ: “Nhưng bố mẹ tôi nhất quyết rằng tôi phải đỗ vào đại học, nếu tôi không đỗ hai người sẽ chết vì đau khổ, thất vọng! Vậy xin thầy làm sao để tôi có thể trở thành sinh viên và chỉ sau hai ba năm có thể tốt nghiệp! Lúc ấy tôi mới có thể về quê gặp song thân được!”. Ông thầy “Vua luyện thi đại học” nghe cậu học trò nói vậy thì bảo: “Thôi được! Muốn có bằng Tốt nghiệp đại học ngay cũng được, nhưng cậu phải lo kiếm được một số tiền lớn, đến lúc ấy ta sẽ tính”. Ông thầy “Vua luyện thi” nói vậy là dùng kế “hoãn binh” cốt đuổi cậu học trò “không thể thi đỗ” này đi cho khuất mắt, nhưng cậu học trò lại nghĩ rằng đó là lời nói thật bèn đến xin làm bảo vệ cho một nhà hàng khách sạn lớn, với sức khỏe của cậu, cậu có thể kiếm thêm được bộn tiền nhờ mang vác đồ cho khách và làm vệ sĩ cho những khách sộp! 
* 
Thời gian cứ vùn vụt trôi đi, cậu học trò con trai ông bà Chín đã kiếm được một món tiền lớn mà theo như sự tìm hiểu của cậu thì có thể mua được một cái bằng Tốt nghiệp Đại học loại xịn. Đúng ngày cậu học trò con ông bà Chín đến nhà ông thầy “Vua luyện thi” để giải quyết dứt điểm câu chuyện “Vào đại học” thì xảy ra một sự cố ngoài sức tưởng tượng của cậu: Cha mẹ cậu ở quê đã lên thành phố tìm cậu một tuần nay và đang làm thuê cho “Trung tâm luyện thi siêu tốc” của ông thầy “Vua luyện thi”: bà mẹ thì nấu cơm, đun nước cho đám trọ học còn ông bố thì làm bảo vệ, dọn vệ sinh nơi luyện thi! Cậu con trai ông bà Chín không nhận ra được cha mẹ mình ngay vì năm năm trôi qua đã khiến tóc cả hai ông bà bạc trắng và khuôn mặt thì chằng chịt những nếp nhăn!... 
Khi hai người cha mẹ tức vợ chồng ông bà Chín nhận ra người con trai, bà mẹ ôm lấy cậu con trai mà khóc ngất, còn người cha thì đứng lặng như tượng đá! Phải đến năm phút sau, người cha mới nói được mấy câu nghẹn ngào: “Con ơi!... Vì chuyện thi đại học mà gia đình bé nhỏ của chúng ta phải chia lìa, sống trong nỗi khắc khoải nhớ thương thì không đáng! Con bỏ cái trường đại học ấy đi, về nhà với cha, mẹ!...Mẹ con không sống được bao lâu nữa đâu!...”. Còn người mẹ thì vừa khóc vừa cười, kéo tay cậu con trai đi mà rằng: “Về nhà với mẹ, mẹ sẽ nấu cho con một nồi canh chua cá lóc thật ngon!...Rồi mẹ sẽ cưới vợ cho con!”. Và người mẹ cứ thế lôi tuột cậu con trai ra bến xe đò Liên tỉnh! Cậu con trai bước đi theo mẹ mà không có phản ứng gì vì thực ra, ước muốn lớn nhất mà cậu luôn nghĩ tới là được ngồi trước nồi canh cá lóc thơm phức và sau khi no nê rồi thì có cô vợ khéo chiều chồng kế bên!... 

Sài Gòn, tháng 7-2010

___________________________

(*Cá chuối đắm đuối vì con:  Cá chuối đắm đuối vì con là câu thành ngữ chỉ sự chịu đựng mọi khó khăn, gian khổ quên mình vì con cái của cha mẹ. Cá chuối (còn gọi là cá tràu, cá quả, người miền Nam gọi là cá lóc)  có tên khoa học là snake-head là loại cá nước ngọt sống phổ biến ở ao hồ và các khúc sông tĩnh lặng. Mùa đẻ trứng của cá từ tháng 5 đến tháng 10. Mỗi lần cá đẻ khoảng 7000-8000 trứng. Trước khi đẻ, cá làm một cái tổ bằng cây thủy sinh, rồi đẻ vào bên trong. Trứng nổi thành đám. Cá mẹ nấp ở dưới để canh chừng không cho cá khác ăn mất trứng. Cá con nở ra, sống thành đàn ở mặt nước gọi là "tổ rồng rồng". Tổ rồng rồng ở đâu là cá mẹ ở đó.

Có câu chuyện xưa kể rằng: " Có đàn cá chuối non mới nở ở ao. Chúng theo cá mẹ đi kiếm ăn nhưng vì ao nhỏ, cá lại nhiều nên thức ăn chẳng có mấy. Đàn cá con cứ nhao nhao lên mặt nước, mà chẳng kiếm được ǵ. Một hôm, có một con cóc ngồi trên bờ ao, thấy đàn cá con bị đói quá mới nói với cá Chuối mẹ rằng : “Ở trên bờ nhiều kiến lắm. Chị mà lên đấy thì no cả tháng”. Cá Chuối mẹ mới hỏi : “ Ở trên ấy, chị còn nhảy đi kiếm được, chứ như tôi, không tay, không chân bắt thế nào được chúng?”.Cóc mới bảo : “Kiến nó thích cái nhớt của chị lắm! Chị chỉ cần nằm ở trên bờ một lúc là chúng bu đến. Chị tha hồ ăn”. Cá chuối nghe có lý lại nghĩ đến đàn con đang đói, nó bèn liều mình nhảy lên bờ ao, nằm giả chết. Một con kiến thấy mùi cá tanh, chạy đến, rồi hai, ba con, chỉ một lúc cả đàn bu lại. Cá Chuối mẹ bị kiến cắn đau, lại thêm lên cạn, da khô tưởng muốn chết nhưng vẫn nghiến răng chịu đựng. Nó đợi cho đàn kiến bu đầy mới quăng mình nhảy tõm xuống nước. Hàng trăm con kiến nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Đàn cá chuối con tha hồ ăn.
...Một hôm, trời nóng nực, Cá Chuối mẹ nhảy lên bờ, chờ cho đàn kiến đến bu đầy người, da khô rộp cả. Cá Chuối mẹ vẫn kiên trì chịu đựng đau đớn vì đàn con đang đói ăn. Đàn kiến đã bu đầy, Cá Chuối mẹ giẫy mạnh lại gần bờ nhưng sức đã kiệt, tới ao thì nó đã cạn sức, chìm xuống tận đáy và chết...
Vì thế mà có câu "Cá Chuối đắm đuối vì con".  
Đỗ Ngọc Thạch




© Tác giả giữ bản quyền.
. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ Sài Gòn ngày 09.07.2010.
. Trích đăng lại vui lòng ghi rõ nguồn Newvietart.com. 
hình ảnh đẹp về người mẹ đang thực hiện một phần công việc thuộc thiên chức của mình:
Ảnh đẹp: Mẹ cho con bú

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét