Thứ Năm, 20 tháng 6, 2013

Nhớ Nhà Báo, nhà văn Dũng Hà - Đỗ Ngọc Thạch





nhân ngày Báo chí CM Việt Nam 21-6

Nhớ Nhà Báo, Nhà văn Dũng Hà - Đỗ Ngọc Thạch


  1. Đỗ Ngọc Thạch . Sinh ngày l9-5-1948, tại Phú Thọ. Tốt nghiệp Khoa Ngữ Văn Đại họcTổng hợp Hà Nội năm l976; đã tham gia quân đội ...
    trieuxuan.info/?pg=tgdetail&id=495 - Bộ nhớ cache

    Trở lại - Đầu trang
    04.10.2012
    Nhớ nhà văn Dũng Hà (những bài báo)


    Những bài báo
    04.10.2012
    Đỗ Ngọc Thạch
    Nhớ nhà văn Dũng Hà
    Khi tôi viết những dòng này là lúc ở Hà Nội, đang làm Lễ truy điệu và đưa tang nhà văn, Thiếu tướng Dũng Hà. Song, những hình ảnh hiện ra trước mắt tôi là lúc gặp ông cách nay đã 15 năm ở Tòa soạn Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 4 Lý Nam Đế rồi về nhà ông, hỏi chuyện ông, cũng ở đường Lý Nam Đế, ngay cạnh trụ sở Tạp chí Văn nghệ Quân đội…Ấy là vào những ngày rực nắng tháng 5 năm 1996…Khi đó, tôi đang làm việc cho báo Lao động - Xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) ở đường Ngô Thì Nhậm. Một hôm, nhà phê bình Hồng Diệu, phụ trách trang Lý luận-Phê bình của Tạp chí Văn nghệ Quân đội gọi điện cho tôi và nói như ra lệnh: “Ông xuống đường đứng chờ, tôi sẽ đến chở ông đi gặp một người đặc biệt tinh nhuệ!”. Tôi không kịp hỏi gì thêm mà chỉ nói “Tuân chỉ” rồi xuống cửa Tòa soạn đứng chờ. Với Hồng Diệu, tôi đã quen kiểu làm việc nhanh gọn từ năm 1979: gặp ông là nhận việc viết cái gì đó cho Tạp chí Văn nghệ Quân đội, chứ không hề có chuyện nhậu nhẹt hoặc nói chuyện tào lao! Tuy nhiên, tôi vẫn băn khoăn không biết người “đặc biệt tinh nhuệ” mà tôi sẽ gặp là ai? Lúc ngồi trên xe máy của Hồng Diệu rồi, tôi có hỏi nhưng ông làm như không nghe thấy gì ngoài tiếng gió vù vù!...Khi đến số 4 Lý Nam Đế rồi, Hồng Diệu vẫn không nói gì mà đưa tôi lên gác! Đến khi đứng trước nhà văn của tiểu thuyết Sao Mai, tôi mới biết nhiệm vụ của mình là gì!...

    Khi đã an tọa trên chiếc ghế của bộ salon bằng gỗ mát lạnh và vừa nói chuyện, vừa chăm chú quan sát người “đặc biệt tinh nhuệ” là nhà văn Dũng Hà, tôi mới hiểu tại sao tiểu thuyết Sao Mai viết về bộ đội đặc công - “lực lượng đặc biệt tinh nhuệ” của quân đội ta, - mà lại tràn đầy cảm xúc trữ tình như thế. Nhà văn Dũng Hà có khuôn mặt nhân từ, phúc hậu và nói chuyện nhỏ nhẹ chứ không hề có chút gì “oai Hùm” vốn có của một “Ông Tướng”, nhất lại là Tướng của binh chủng đặc công. Càng nói chuyện với Dũng Hà, tôi càng hiểu vì sao cấp trên lại điều ông về làm Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, nơi mà ai cũng được xếp vào hàng “Hổ tướng” trong trường văn trận bút, trong khi Dũng Hà chỉ mới thực sự có danh tiếng trong làng văn sau tiểu thuyết Sao Mai. (Trường hợp “điều động” như của nhà văn Dũng Hà cũng gần giống như nhà thơ Hoàng Trung Thông được điều về làm Viện trưởng Viện Văn học, họa sĩ Trang Phượng được điều về làm Viện trưởng Viện Mỹ thuật…những nơi cần người có khả năng “Quản lý”, hoặc nói theo ngôn ngữ thời đó: người có phẩm chất “Trung tâm đoàn kết”!). Sau buổi hỏi chuyện nhà văn Dũng Hà đó, tôi gửi cho Hồng Diệu bài viết kiểu phỏng vấn, Hồng Diệu cho in vào Tạp chí Văn nghệ Quân đội số tháng 5-1996. Nay để tưởng nhớ nhà văn Dũng Hà, tôi xin giới thiệu lại bài phỏng vấn đó dưới đây, hi vọng sẽ giúp bạn đọc hiểu phần nào cuộc đời nhà văn đáng kính của bộ đội đặc công cũng như của công chúng văn học nói chung.

    Về cuộc đời cũng như văn nghiệp của nhà văn Dũng Hà, bài viết mới đây trên VanVn.net của nhà phê bình Lê Thành Nghị, nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, người đồng nghiệp của nhà văn Dũng Hà, cũng đã nói được những nét rất cơ bản:

    “Với những truyện ngắn thời kỳ đầu, Dũng Hà sớm bộc lộ khả năng khám phá ở tâm hồn con người những vẻ đẹp của lòng nhân ái cao cả và lòng trung thành của anh bộ đội cụ Hồ trong những lúc gian nan nhất của cuộc chiến tranh cũng như trong những giờ phút khó khăn nhất của cuộc đời. Lòng trung thành với lý tưởng, với Tổ Quốc, với Bác Hồ như một nguyên tắc cao nhất trong lẽ sống luôn luôn được Dũng Hà đề cao như một chuẩn mực của đạo đức trong những tác phẩm của mình, kể cả trong những tác phẩm sau này như Mảnh đất yêu thương (1978), Đường dài (1987), Quảng đời xưa in bóng (1989), Cây số 42 (1996) và đặc biệt trong tiểu thuyết Sông cạn (2006).

    Có nhiều con đường đến với văn chương: cặm cụi viết suốt cả đời cũng không thành văn ; hoặc bỗng “nổi hứng” làm một cái gì đó, và “cái gì đó” đích thị là tác phẩm… Có không ít người mơ ước, đeo đuổi bằng mọi cách để được công nhận là nhà văn ; nhưng cũng rất nhiều người không hề nghĩ mình là nhà văn, nhưng những cái mà họ viết ra lại được xã hội thừa nhận là tác phẩm văn học và người đời gọi họ là nhà văn.Dũng Hà đến với văn chương ở trường hợp thứ hai.

    Nếu như nói rằng ông chủ nhiệm chính trị bộ đội đặc công Dũng Hà bỗng “nổi hứng” viết Sao mai  rồi người ta đã nhanh chóng in ra và tiểu thuyết được bạn đọc nồng nhiệt đón nhận thì cũng không sai. Bây giờ, ông có in thêm một vài cái nữa, người ta thường có ý muốn nối dài “mạch văn” của ông từ tập truyện Gió bấc (1963) để muốn dựng lên cho ông một cái “nghiệp văn” lớn lao, đồ sộ. Làm như thế là không đúng với cái “tạng chất” văn nghiệp của ông. Thực ra, tập Gió bấc chỉ là những cảm xúc của “buổi đầu lãng mạn trước văn chương” và Gió bấc đã lặng lẽ trước thời gian…

    Hãy nghe ông nói về chuyện văn chương của mình.

    Hỏi: Anh có thể nói đôi điều về “lao động nhà văn” của anh? Liệu có thể từ đó rút ra bài học gì cho hậu sinh?

    Trả lời: Thật ra, cũng chẳng có gì đáng nói. Hai phần ba thời gian trong quân đội của tôi là làm công tác chỉ huy, lãnh đạo ở các đơn vị chiến đấu, lâu nhất là ở binh chủng đặc công: mười hai năm.

    Hỏi: Cuốn Sao mai được dư luận thừa nhận là đặc sắc. Hẳn là sự “lao tâm khổ tứ” của anh khi viết nó phải có nhiều điều hấp dẫn?

    Trả lời: Dư luận đánh giá thế nào là quyền của người ta, còn xuất xứ của nó rất giản dị. Tôi đã đọc nhiều sách báo viết về bộ đội đặc công, vừa là theo ý thích cá nhân, vừa là do yêu cầu của công tác lãnh đạo, nhưng thú thực tôi chưa thấy thỏa mãn, chưa vừa ý với những gì đã có. Tôi cứ nghĩ: bộ đội đặc công, còn gọi là bộ đội đặc biệt tinh nhuệ, đúng là một binh chủng rất đặc biệt, rất độc đáo, có rất nhiều chuyện hay, tới mức ly kỳ, hấp dẫn, vậy mà sao người ta không khai thác hết? Và tôi chợt nghĩ rằng: Tại sao mình là người biết rất rõ về “cái tổ chuồn chuồn” mà mình lại không viết về nó? Và thế là tôi viết Sao mai, viết liền một mạch, và từ khi đưa bản thảo cho tới lúc in ra thành sách rất nhanh chóng, không có trở ngại gì, thậm chí được các nhà văn lão luyện ủng hộ rất mạnh…

    Hỏi: Có giống như trường hợp của một số tác phẩm đã được các nhà văn lão thành reo lên khi đọc xong bản thảo?

    Trả lời: Cũng gần như là thế…Và tôi xin nói lại tôi viết Sao mai trong lúc công tác chính của tôi rất bận. Cuốn Sao mai tôi viết bằng “tay trái” khi làm chủ nhiệm chính trị Binh chủng đặc công…

     Hỏi: Nếu anh mà viết “tay phải” thì phải ra cái gấp mấy lần Sao mai, được mấy cáiSao mai?

    Trả lời: Làm sao mà nói như thế được? Có khi lại không được cái Sao mai nào! Thôi, cứ nói là tôi thuận tay trái nghe có lý hơn…

     Hỏi: Sau khi Sao mai ra đời, chắc là người ta kết nạp anh vào Hội nhà văn?

    Trả lời: Quả người ta có ý định như thế. Sao mai ra đời mùa thu năm 74 thì đầu năm 75, nhà văn Hữu Mai bảo tôi: “Cậu làm đơn xin vào Hội đi”. Tôi nói: “Tớ chả vào!”…

     Hỏi: Bao nhiêu người năn nỉ, cầu cạnh để được vào Hội, sao mà anh lại…

    Trả lời: Cái này thật không thể nói ra thành lời…Có lẽ là tại tôi sợ mình chưa xứng đáng với cái tên gọi rất sang trọng: nhà văn Việt  Nam

    Hỏi: Thế tại sao sau đó anh đã là nhà văn?

    Trả lời: Quả đúng là tôi có duyên nợ với nghiệp văn. Những tưởng là mình sẽ chỉ viết văn tay trái mãi, nhưng đến năm 81 trên lại điều tôi về làm tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội - một cái xưởng, cái nhà máy sản xuất văn chương với những nhà văn lão luyện, cự phách…

     Hỏi: Cảm nghĩ của anh thế nào khi nhận được mệnh lệnh này?

    Trả lời: Tôi sợ… Tôi khiếp lắm… Và tôi đã từ chối rất nhiều lần… Rồi các anh Hồ Phương và Xuân Thiều đến nhà chơi động viên: “Không sợ, cứ về, chúng tớ ủng hộ”. Thế là về…

    Hỏi: Về hẳn Tạp chí Văn nghệ quân đội tất phải nghĩ đến chuyện vào Hội chứ?

    Trả lời: Đúng thế. Anh Hồ Phương bảo: “Phải vào Hội chứ?” Thế là làm đơn xin vào Hội. Một năm sau, anh Hữu Mai bảo: “Chiếu cố cậu nên cho một năm dự bị thôi”…

    Hỏi: Về Tạp chí Văn nghệ quân đội rồi, chắc là anh đã viết bằng tay phải?

    Trả lời: Cũng chưa viết tay phải được, vì công tác quản lý báo chí chiếm quá nhiều thời gian. Tôi làm Tổng biên tập từ năm 81 đến 92, đã cùng anh Hồ Phương và anh chị trong ban biên tập, tiếp nối công việc của anh Vũ Cao, một bậc đàn anh tiền nhiệm. Hơn mười năm ấy, đất nước và thế giới có nhiều biến động ảnh hưởng lớn tới văn hóa, báo chí. Nhưng dưới sự chỉ đạo của Tổng cục Chính trị, anh em chúng tôi đã duy trì tờ báo như anh thấy đấy. Từ năm 93, anh Hồ Phương và tôi được thôi công tác quản lý, lãnh đạo, chuyển sang hưởng qui chế sáng tác chuyên nghiệp…

    Hỏi: Tức là anh đã chuyển sang viết tay phải, chắc là sẽ “sản xuất” mạnh hơn, ào ạt, thần tốc và bất ngờ như là bộ đội đặc công?

    Trả lời: Quả là có tâm lý này: lúc bận bịu thì cứ muốn có thời gian để viết, đến lúc có thời gian rồi thì lại thấy không thể “ăn tươi nuốt sống” được!...Tôi tuổi đời thì nhiều nhưng tuổi nghề lại ít. Sáng tác cũng ít và chưa hay. Có thể gói trong một vế câu đối tết của anh Xuân Thiều cách đây mấy năm: “Đêm Gió bấc, theo Đường dài về Mảnh đất yêu thương, nhìn lấp lánh Sao mai, bỗng thấy Quãng đời xưa in bóng”.

    Hỏi: Vế câu đối ấy giỏi ghép chữ bằng tên những tác phẩm của anh nhưng chưa nói được mấy chân dung văn học của anh, nhất là bình giá tác phẩm. Hẳn là văn nghiệp của anh còn phải tiếp nối?

    Trả lời: Tôi đang hoàn chỉnh vài cuốn tiểu thuyết, và làm một cuốn sách cho đặc công. Mỗi năm cũng cố viết dăm ba truyện ngắn in “báo nhà”…

    Hỏi: Anh tiếp tục “cày xới” đề tài chiến tranh chứ?

    Trả lời: Những năm tới đây, đất nước ta thực hiện đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội theo định hướng do Đảng ta đề ra. Những đề tài sáng tác cho văn học sẽ vô cùng phong phú, rộng rãi trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Nhưng tôi nghĩ đề tài chiến tranh nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân vẫn là một đề tài lớn cho các nhà văn, nhà nghệ thuật. Đó là một nguồn cảm hứng vô tận mà chúng ta có thể khai thác từ thế hệ này sang thế hệ khác. Những sáng tác về đề tài này trong mấy chục năm qua, tuy chiếm tỷ lệ hàng đầu trong kho tàng văn học của đất nước, cũng chưa thấm vào đâu so với những gì đất nước đã làm nên…

    *

    Tiếp xúc với nhà văn Dũng Hà chỉ để nhằm làm một bài báo cho nên tôi đã thật lúng túng trước tình thế: vấn đề mà nhà văn Dũng Hà đề cập đến thật phong phú. Vì thế, bài báo nếu đăng chắc cũng chưa tải được hết những ý tưởng của ông, nói cách khác là mới sử dụng được một vài ý nhỏ bài trả lời phỏng vấn của ông.

    Ông đang trăn trở, nghĩ suy. Tại sao tôi lại phải vận dụng cái vốn “tướng số” ít ỏi của mình để viết về ông? Đó là do tôi linh cảm chăng? Nếu điều linh cảm của tôi đúng phần nào thì có thể nói: nguồn năng lượng sáng tạo trong ông còn có một chỗ nào đó chưa đụng tới, chưa khai thác tới tận cùng!...

    Hà Nội, 5-1996

    ĐNT.

    Nguồn: Tạp chí Văn nghệ Quân đội, số tháng 5-1996.
    bản để in
    nguồn: trieuxuan.infoTrở lại - Đầu trang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét